Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Lucie AUBRAC (1912-2007)

Lucie AUBRAC (1912-2007)

- Nguyễn Ngọc Giao — published 18/03/2007 00:52, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:21
Nữ anh hùng trong cuộc kháng chiến chống phát xít, Lucie AUBRAC suốt đời thể hiện "tinh thần kháng chiến", "nói không" với bạo quyền và bất công. Bà và ông Aubrac là hai người bạn lớn của Việt Nam.

Lucie AUBRAC

tinh thần kháng chiến

Bà Lucie Aubrac đã từ trần ngày 15 tháng 3-2007 tại "Bệnh viện Thụy Sĩ của Paris" (ở Issy-les-Moulineaux, ngoại vi tây nam thành phố), thọ 94 tuổi. Nữ anh hùng của cuộc kháng chiến chống phát xít Đức, toàn bộ cuộc đời của bà là hiện thân cho tinh thần kháng chiến, dám và kiên trì đấu tranh chống bạo quyền và bất công. Cùng với chồng bà, Raymond, Lucie Aubrac là người bạn lớn của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành lại độc lập và thống nhất.

lucieaubrac

Aubrac không phải là danh tính của ông bà, mà là bí danh trong thời kháng chiến (1940-44). Lucie sinh năm 1912 trong gia đình Bernard, làm nghề trồng nho. Đỗ cao trong cuộc thi tuyển vào trường sư phạm đào tạo giáo viên tiểu học, cô gái 17 tuổi không chịu được cuộc sống "trại lính" của nội trú, bỏ lên Paris, làm nghề rửa bát để có tiền ăn học, tốt nghiệp cử nhân sử địa rồi trúng tuyển thạc sĩ sử học. Bổ nhiệm giáo sư trung học tại Strasbourg, Lucie gặp và yêu một kĩ sư cầu đường gốc Do Thái, Raymond Samuel. Gái hơn hai, trai hơn một, họ kết hôn và sẽ sống với nhau trọn đời. Lucie được học bổng sang Mĩ chuẩn bị luận án tiến sĩ, chưa kịp lên đường thì Chiến tranh Thế giới lần thứ hai bùng nổ. Quân Đức chiếm đóng nước Pháp khi họ sống và làm việc ở Lyon. Chính tại đây, ngay từ những ngày đầu, họ đã tham gia kháng chiến, thành lập tổ chức "Libération Sud". Lucie cầm súng và lập nên nhiều chiến công. Nhưng chiến tích đã đưa tên tuổi của bà vào lịch sử (cũng là chủ đề hai bộ phim nổi tiếng Ils partiront dans l'ivresse / Họ say sưa lên đường và nhất là Lucie Aubrac của Claude Berri, trong đó Carole Bouquet thủ vai Lucie) là tháng 6.1943, bà đã tổ chức cuộc tấn công vào đoàn xe chở tù, giải cứu chồng bà và những đồng chí khỏi nanh vuốt của Gestapo (lãnh tụ kháng chiến Jean Moulin, bị bắt cùng ông Aubrac tại Caluire, đã bị Gestapo tra tấn đến chết).

Đầu năm 1944, kháng chiến quốc nội cử Lucie và Raymond Aubrac sang London làm đại diện, tham gia Nghị viện tư vấn của Nước Pháp Tự Do. Khi nước Pháp được giải phóng, Raymond được cử làm "ủy viên cộng hòa" (tức tỉnh trưởng) Marseille -- ông là "ủy viên" trẻ tuổi nhất. Tại đây, ông đã chăm lo đời sống của hàng ngàn "lính thợ" Việt Nam, cách chức bọn trưởng trại tham nhũng và tàn ác, tổ chức để "lính thợ" bầu ra ban đại diện. Đây là một trong những hạt nhân của phong trào yêu nước của Việt kiều tại Pháp, và từ đó, bắt đầu "duyên nợ" của vợ chồng ông Aubrac với đất nước và con người Việt Nam. Bà Lucie được cử làm bồi thẩm nhân dân trong Tòa án tối cao xử tội phản quốc của thống chế Pétain.

Làm xong nhiệm vụ của người kháng chiến khi đất nước bị quốc xã xâm chiếm, Lucie Aubrac từ khước mọi chức vị, đặc quyền đặc lợi mà không hiếm người "tranh thủ" (nhất là những người kháng chiến vào giờ thứ 24). Bà trở lại công việc của nhà giáo. Kháng chiến thành công, bà vẫn kiên trì tinh thần đề kháng, tích cực tham gia những cuộc vận động đòi bình đẳng nam nữ (gần đây nhất là cuộc vận động đòi "parité", buộc các chính đảng phải đưa danh sách ứng cử viên nam nữ ngang bằng về số lượng và vị trí), ủng hộ người nhập cư được hợp lệ hoá quyền cư trú... 

Cũng trong tinh thần ấy, bà và ông Aubrac đồng cảm sâu sắc với sự nghiệp độc lập thống nhất của Việt Nam mà hiện thân, qua trải nghiệm cá nhân, chính là chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong gần hai tháng trời, từ trung tuần tháng 7 đến trung tuần tháng 9-1946, ngôi nhà của họ ở Soisy-sous-Montmorency (cách Paris 16 km về phía bắc) đã nghiễm nhiên trở thành "dinh thự" của chủ tịch Hồ Chí Minh và những người tuỳ tùng thân cận (như ông Vũ Đình Huỳnh với danh nghĩa "tùy viên quân sự", ông Phạm Huy Thông thư kí, Nguyễn Viết Ty, đầu bếp...). Chính trong thời gian này, bà Lucie sinh người con gái út là Elisabeth, và cụ Hồ "đương nhiên" trở thành cha đỡ đầu của "Babette". Theo lời kể của ông Raymond Aubrac (hồi kí Où la mémoire s'attarde, Ed. Odile Jacob, 1996, tr. 186), từ đó trở đi cho đến ngày chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần (1969), kể cả trong những năm chiến tranh cam go nhất, mỗi năm vào dịp sinh nhật, Babette đều nhận được một món quà hay kỉ vật của "cha đỡ đầu".

Thời gian trôi qua, kí ức về nạn phát xít, về cuộc kháng chiến phai nhạt dần. May sao, những vụ án như vụ án Barbie (cầm đầu Gestapo ở Lyon, đã bắt Jean Moulin và Raymond Aubrac), Papon (công chức dưới thời Pétain, trách nhiệm cuộc lùng bắt người Do Thái ở Bordeaux, sau này được tổng thống De Gaulle phong làm cảnh sát trưởng Paris, Giscard d'Estaing cử làm bộ trưởng), và những công trình sử học dựa vào văn khố đã gây lại một phần ý thức. Quan trọng không kém, cuốn phim Lucie Aubrac đã tác động khá rộng rãi vào công chúng trung niên và thanh thiếu niên. Trong mấy thập niên cuối đời, bà Aubrac đã kiên trì tới các trường trung học và tiểu học để nói chuyện với học sinh, không phải để kể lể theo kiểu "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" mà bằng sự an nhiên của một người thực sự sống lí tưởng, bà truyền lại cho thế hệ trẻ "tinh thần kháng chiến", dám "nói không" với bất công và bạo quyền. Hiện nay trên đất Pháp, có gần hai chục trường tiểu học và trung học được mang tên "Lucie Aubrac".

Tưởng niệm Lucie Aubrac và thành kính chia buồn với Raymond Aubrac, tôi xin phép ghi lại hai kỉ niệm về ông bà. Trong những năm kháng chiến chống Mĩ, tôi có vài dịp được gặp, hay đúng hơn, được trông thấy ông bà, và được nghe nói về vai trò của họ, không những trong những ngày trứng nước của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mà cả trong thời kì chiến tranh Việt Mĩ (đặc biệt trong vụ "thương lượng hụt" năm 1967). Nhưng phải sau năm 1975, tôi mới có dịp lại nhà ông bà ở phố Glacière, quận 13 Paris. Lần thứ nhất là khoảng năm 1980, khi anh bạn Henri Van Regemorter và tôi có ý xuất bản tạp chí (tiếng Pháp) Vietnam. Lúc đó Việt Nam bị bao vây, cô lập cao độ, và cũng tự cô lập do những chính sách khá mù quáng. Mục đích của tạp chí là phân tích và thảo luận một cách khách quan, công bằng về những vấn đề Việt Nam, thể hiện sự gắn bó và đoàn kết trong tinh thần phê phán khoa học. Chúng tôi tin tưởng vào mục đích đó, nhưng cũng hiểu rằng nhiều người không chia sẻ cách nhìn đó, ở Việt Nam cũng như ở Pháp. Cũng ở thời điểm ấy, Đảng cộng sản và Đảng xã hội Pháp đã đoạn tuyệt sau vụ "cương lĩnh chung", quan hệ rất căng thẳng. Lập ra một "hội đồng bảo trợ" tạp chí, với một "quang phổ chính trị" rộng rãi nhất, từ cộng sản, trốt kít đến "gaulliste" phái tả qua xã hội và Ki tô giáo tiến bộ, ở thời điểm ấy, là chuyện ngược dòng và ngược đời. Phải nói Raymond Aubrac đã ngay tức khắc nhận lời tham gia. Kỉ niệm thứ hai, hơn mười năm sau. Lúc ấy, anh Vũ Thư Hiên mới tới Pháp. Nghe anh kể lại khi người của "ban chuyên án" dưới quyền của ông Lê Đức Thọ tay thước tay dao tới nhà bắt ông Vũ Đình Huỳnh (mùa hè năm 1967), họ đã mang đi các thứ tài liệu, tất cả những tấm ảnh có hình chủ tịch Hồ Chí Minh và ông Huỳnh (và cả bức kí họa chân dung Hồ Chí Minh của Pablo Picasso), tôi có ý liên lạc với ông bà Aubrac, với hi vọng là họ còn giữ được những hình ảnh mùa hè năm 1946. Gọi điện thoại tới nhà, tôi được ông Aubrac nhận lời ngay, và ông bà đã tiếp chúng tôi, cho xem tập album, trong đó đặc biệt có tấm ảnh chụp ngoài vườn ngôi biệt thự ở Soisy-sous-Montmorency, có chủ tịch Hồ Chí Minh và ông Vũ Đình Huỳnh. Tất nhiên, ông bà không "cho" ngay được tấm hình ấy, nhưng một tuần sau, bà Lucie Aubrac đã gửi cho tôi một bản chụp. Nhờ ông bà Aubrac, chủ trương thủ tiêu mọi "hình ảnh liên quan" của "ban chuyên án" đã không thành công hoàn toàn.

Nguyễn Ngọc Giao.

18.3.2007

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
Nguyễn Hồng Anh: Saigon Kiss 24/01/2025 - 25/04/2025 — Arte
LES LARMES D'ASTYANAX - Olivier Dhénin Hữu 31/01/2025 - 02/02/2025 — Théâtre du lycée Jacques Decour | 12 Avenue Trudaine | 75009 Paris
Festival cinéma - Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Inalco : L'économie vietnamienne en 2024 et ses perspectives 06/02/2025 18:00 - 20:00 — 65 Rue des Grands Moulins, 75013 Paris | Amphi 2
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us