Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Mẹ chồng tôi, bà Thế Lữ

Mẹ chồng tôi, bà Thế Lữ

- Thảo Nguyên — published 04/04/2009 01:10, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:21
Cập nhật 06/10/2012, theo bản mới do tác giả đã biên tập lại.


Mẹ chồng tôi, bà Thế Lữ


Thảo Nguyên



Khi chúng tôi lập gia đình ở trong Nam, chồng tôi chỉ có mẹ, chị, còn anh thứ hai đã ra ở riêng. Bố và anh lớn sống ngoài Bắc, đã mười tám năm không tin tức.

Mẹ người tầm thước, vấn khăn vải, ăn trầu và còn răng đen. Mẹ là người cổ kính, ăn nói nhỏ nhẹ, không to tiếng bao giờ. Mẹ rất hiền và nghe theo ý của các con. Việc mẹ bằng lòng cho con trai lấy tôi, một cô bạn học của anh, theo đạo Phật, và chấp nhận tôi giữ đạo của mình, là do các con khuyên được. Mẹ chăm lo cho các con, dù đã lớn, từng miếng ăn, giấc ngủ. Chưa bao giờ tôi thấy mẹ khóc, ngay cả khi tiễn con cháu đi xa không biết bao giờ trở lại. Mẹ nói mẹ không còn nước mắt.

Hồi trước năm 1945, gia đình chồng tôi gồm cả bà nội, sống ở Hải Phòng, bố là con độc nhất của bà, bố rất có hiếu với bà. Những năm 1931-1946 bố đi Hà Nội làm báo, mỗi tháng chỉ về nhà độ một hoặc hai lần, mà mỗi lần về chỉ một hai ngày thôi. Khi bố có viêc cần, bố viết thư cho mẹ. Thư chỉ độ một trang giấy hoc trò, mẹ thường phải giấu bà, để tới tối không ai thấy, mới dám mang ra đọc. Mẹ chỉ biết đọc, không biết viết.

Mẹ sinh năm 1905, tại một làng đạo tỉnh Hà Nam. Cha xứ dạy con chiên học đọc để đọc kinh, không dạy viết. Con gái xóm quê, chưa từng đi học bao giờ, học khó quá, thì cha ra lệnh: “ Không biết đọc thì không được phép thông công ”, nên mẹ biết đọc. Đến khi muốn trả lời thư bố, thì mẹ phải nhờ cô em nuôi trong nhà viết dùm, giấu bà. Đến mấy chục năm sau, thỉnh thoảng cô ấy lên chơi nhà, vẫn kể cho chúng tôi nghe chuyện thay mẹ viết thư cho bố. Tuy nhiên, mẹ rất thông minh, thuộc tất cả thơ của bố. Mẹ cũng chịu khó đọc thêm sách, truyện, báo chí ...

Tôi còn nhớ một chuyện xảy ra vào ngày đám hỏi của chúng tôi. Trong lúc nhà trai đang mang sính lễ tới, và được nhà gái đón tiếp vui vẻ, thì bà bác tôi, vì không thấy ông bố chú rể, nên tới hỏi bà mẹ chú rể mới:

“Thưa bà, thế ông nhà ta làm gì ạ?’

Mẹ chồng tôi trả lời: “Dạ, nhà tôi đi đóng kịch”

Một cô bạn tôi nghe được, đã chạy vào nhà trong kể cho hai chúng tôi nghe:

“Trời ơi, bà cụ kỳ quá! Sao không nói là nhà tôi là nhà văn hay thi sĩ, mà lại nói nhà tôi “đi đóng kịch!”.

Chùng tôi nhìn nhau cười, không nói gì cả. Cô bạn tôi đã không biết rằng, bà già răng đen đó, hiểu chồng bà rất sâu xa, bà nói đúng điều mơ ước lớn nhất trong đời của chồng mình là đi đóng kịch, dựng nền kịch nói cho nước nhà. Cho dù ông có nổi tiếng đến thế nào về những ngành khác, danh giá hơn nhiều, như người đời thường nghĩ.

Quê gốc của ông nội chúng tôi là làng Phù Đổng, từ Hà Nội nhìn ra là “bên kia sông Đuống”, cụ học tây học, làm sếp ga xe lửa (đầu thế kỷ 20), thường cùng gia đình sống tại gần nhà ga làm việc, chẳng bao giờ sống tại làng mình. Vì vậy, bố cũng như anh lớn quên mất quê Phù Đổng, luôn luôn khai mình quê ở Hải Phòng, suốt một thời gian dài.

Bà nội chúng tôi hồi xưa đi buôn tơ, hay đi lại trên tầu hoả, gập ông sếp ga trẻ, vì thế mới nên duyên. Bà lấy ông nội trước, nhưng “vượt quyền gia đình” nên không được làm vợ cả của ông. Nghĩ lại mà coi, thời đầu thế kỷ trước, có ai lại vui lòng cho con trai giỏi giang độc nhất của mình lấy một cô “ đi đạo ”, hồi đó có nghĩa là “bỏ không thờ cúng tổ tiên nữa ”, và tự lấy vợ, mang về không đợi bố mẹ hỏi cho không ? Cụ nội đi cưới cho ông một bà khác làm vợ cả. Khi ông bị đổi tới ga Lạng sơn, đã mang cả đại gia đình tới đó.

Bà nội trơ trọi một mình, tới Thái Hà Ấp sống rồi sinh bố chúng tôi ở đó. Lúc đó, bà có hai con là bố chồng tôi và một người anh. Ngay khi bố còn bé, cụ nội ở Lạng Sơn “đã lập mưu cho mẹ tôi đưa tôi lên thăm, rồi giữ tôi ở lại trên đó” cho làm con nuôi bà cả, vì bà cả chậm có con, để mong sớm có cháu. Sau này bà cả sinh được một gái và ba trai… Trong tiểu sử của bố, kể cho Xuân Diệu viết, có đoạn:

“Khi lớn lên…thấy mình đang ở Lạng Sơn, không thấy bố đâu, ….chỉ có người mà tôi gọi lá “u”, (bà cả)…còn người mà tôi gọi bằng “mợ” thì tôi quyến luyến lạ lùng; khi người ấy (từ Hải Phòng), lên Lạng Sơn thăm tôi, thì tôi mừng lắm... rồi bà trở về, tôi nhỏ quá, thấy tầu chạy, lấy tay sờ vào đường sắt, nghĩ rằng sự đụng tay sẽ truyền đi theo với mẹ”

Thế rồi, anh lớn của bố bị bệnh mất. Ông nội thương bà nội quá, đã ra tay giúp “đành tháo” cho bố trốn khỏi Lạng Sơn. Từ đó, bố mới được sống với mẹ đẻ, năm đó, bố khoảng mười tuổi. Bà nội mang con về nhà thờ, coi như một thứ “Của lễ”, và vì là con thứ hai, nên đặt lại tên là Thứ Lễ. Bà dọn về Hải Phòng, có thể vì bà có nhiều họ hàng ở đây, và đất Cảng có nhiều nhà thờ đạo chăng. Bà nội vốn là một bà lang đạo, chuyên chữa bệnh trẻ con nổi tiếng, thường được gọi là “bà Lang”. Có lúc, bố chúng tôi đã định sẽ theo nghề lang của gia đình, nếu như thế thật, liệu có còn “Hổ Nhớ Rừng” cho thời niên thiếu của chúng ta không nhỉ?


uem

Thế Lữ, mẹ già và em gái (1920)

balang

Mẹ đẻ của Thế Lữ (1954)


Bố trở thành con độc nhất của bà, bố rất có hiếu với bà. Khi bố được mười bẩy tuổi, bà nội về một làng đạo ở Hà Nam, đi xem mặt các cô gái trong làng, bà chọn mẹ chồng tôi, một cô gái hiền lành ngoan đạo mười chín tuổi cho con trai của bà. Mẹ chúng tôi kể lại là trước đó, có nhiều người đến dạm hỏi mẹ, nhưng cứ có người đến hỏi, là mẹ ốm rất nặng, chỉ khi bà Lang đến hỏi cho bố thì không ốm, nên gia đình bằng lòng gả. Cưới con dâu về, theo tục lệ, bà nội truyền nghề “bà lang” cho. Vì vậy, mẹ vừa phải đi chợ lo cơm nước cho toàn gia đình, nuôi con nhỏ, cho con bú, vừa phải làm thuốc để bán, vưà đi khám bệnh cho thuốc khi có khách mời (cũng có lúc, có thêm người giúp việc). Vì vậy mẹ học được tính làm việc rất sạch sẽ, kỹ lưỡng, cẩn trọng khi nuôi trẻ, và làm cơm nước khéo léo, tinh khiết. Và cũng vì đi chữa bệnh thường, mẹ có chút tiền dư để riêng, không phải để tiêu cho mình, mà để bù tiền chợ cho bà hài lòng.

Tính bà nội rất khó, nhất là đối với mẹ. Bố đã giải thích cho mẹ hiểu là tại tình duyên của bà gập nhiều trắc trở, bà khổ quá, bà hành con dâu vì những điều uất ức không nói ra được. Có một lần, bố viết một truyện ngắn, mang về nhà, giả vờ là truyện của văn sĩ khác, đọc cho bà nghe, mong bà thương mà nghĩ lại cho. Đang đọc, thì bà cầm lấy cái tráp đựng trầu dằn mạnh xuống phản một cái rầm, rồi nói:

À, thế ra anh lại muốn dậy tôi đấy!”

Bố sợ quá, chạy thẳng một mạch không dám về nhà nữa. Và người chịu đựng mọi thứ chuyện ở trên đời lại vẫn là mẹ.

Tính bà Lang rất hay dỗi. Có lần bà hờn rồi bỏ nhà đi mất. Cả nhà sợ quá bổ đi tìm, chẳng thấy bà cụ đâu cả, đang quá bối rối thì bà về. Bà vào nhà, ngồi lên cái võng riêng treo trên chiếc phản gỗ, lấy trầu ăn, rồi nói :

Mình ngồi ngay ở nhà ga chứ có đâu xa, mà chẳng đứa nào thèm ra đón mình về, cứ như con chó tiền rưỡi ấy thôi!

Ấy là thời đó dân Việt mình hay nói ví von bằng thơ như thế!

(Riêng tôi, bây giờ nghe kể chuyện, tôi nghĩ rằng, mọi người đã không hiểu bà nội. Nhà ga xe lửa là nơi thân yêu của bà, nơi cô gái buôn tơ ngày xưa hay đi lại, nơi cô gập ông sếp ga trẻ tuổi, vượt phép gia đình mà nên duyên. Cũng vì vậy mà bao nhiêu đau khổ cô đã phải trải qua, phải sống một mình nuôi con… Thế mà chẳng ai biết cho…)

Cho nên bà hành con dâu (mẹ chồng tôi) đủ kiểu, có khi không thấy nó khóc lóc gì, thì lại nói ví:

Nắng mãi mà hoa không héo,

Hoa cứ reo réo hoa tươi.

Mẹ sau này nghiện trầu cũng tại bà. Mỗi khi đi ra đường, thì bà gọi lại, ấn miếng trầu vào tay, dạy bảo:

- Ăn trầu đi, cho môi nó đỏ, mặt mũi hồng hào lên chứ, đàn bà ra đường mà môi thâm thế kia.

Nhiều lúc mẹ khốn khổ quá, không chịu nổi, đã trốn về gia đình mình. Nhưng về tới nhà, thì bà ngoại lập tức nói :

- Con đã lấy chồng, là con người ta, thì sống chết cũng phải về đó, không được bỏ, nếu không, mẹ chết ngay bây giờ đây.

Rồi cụ đưa mẹ về lại nhà chồng.

Mỗi lần mẹ ốm, phải uống thuốc, là bị bà nội ngấm ngúyt:

- Mình ốm rơi răng cũng chẳng thuốc men gì, còn nó thì hơi tí đã thuốc.

Mẹ giận quá, nên đến lần ốm đó, mẹ không uống thuốc nữa, ốm luôn một mẻ vài tháng. Đang lúc đó, mẹ lại mang thai chị lớn, mẹ ốm tới nỗi thai đang lớn lại nhỏ đi, mười một tháng mới sinh, về sau chị lớn lên, rất yếu đuối.

Có một chuyện mẹ hay kể cho chúng tôi nghe là :

Nhà có ba gian, ông ấy (bố chồng tôi) ngủ nhà ngoài, bà nội nhà giữa, còn mẹ nhà trong. Mà có xong đâu, mỗi khi bà Lang đi vào trong Thanh (tỉnh Thanh Hóa) vài ngày, đi mua xương hổ nấu cao hổ cốt, thì gọi mẹ ra dặn:

- Này, nó đang ốm đấy, đừng có lộn xộn!

Thế nhưng khi mẹ có thai thì bà mừng lắm, vì bà rất thích có cháu.

Mẹ vừa cười vừa kể, lần nào cũng đúng từng ấy chữ như vậy. Mẹ kể thêm một chuyện nữa, bắt đầu bằng:

- Con đã biết chuyện mẹ là người sung sướng nhất đời chưa? Có một lần, mẹ đi tầu hoả, có nói chuyện với một người trên tầu, khi biết mẹ là vợ ông Thế Lữ, người đó nói:

“ Giời ơi! thật thế à? Chị thật sung sướng quá, chị là người sung sướng nhất đời”.

Đấy, con đã nghe chuyện mẹ là người sung sướng nhất đời chưa?

Mỗi lần thấy mẹ kể chuyện, chồng tôi lại ra vuốt lưng mẹ: “Mẹ lại kể chuyện cổ tích rồi”. Chuyện cổ tích ngày xưa này, dài cả mấy chục năm.

chandung

Thế Lữ

Từ những năm bố sống ở Hà Nội làm báo, mỗi tháng về nhà độ một hoặc hai lần. Mẹ ở nhà nuôi bầy con và phụng dưỡng mẹ chồng thay bố. Nhiều khi bố về là bà kể tội các cháu… Bố mệt và giận, nên lôi các con ra bắt nằm trên phản, quất cho một trận phất trần, con khóc, vợ buồn, bố bỏ đi.

Tuy nhiên, nhiều lúc bốn anh em cũng được bố chiều, dẫn đi chơi, có lần trời mưa không dẫn con đi xem xiếc như đã hứa được, bố đã xuất thần hoá trang làm nhân vật sân khấu, làm hề, giúp vui cả nhà...

Anh cả, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi, nhớ lần bố dắt anh đi xe hàng ra biển Đồ Sơn.Thấy bố dũng mãnh bế mình đứng trên xe, anh rất phục, rất hãnh diện vì bố. Anh là người con duy nhất theo được nghề đạo diễn của bố, được sống gần bố lúc mới lớn, được bố nuôi dưỡng những đam mê về nghề kịch cho anh, được bố dẫn dắt anh lúc bắt đầu. Anh vẫn hay kể lại, bố bồi đắp nghề cho anh từ rất sớm: mỗi khi nghe thấy một làn điệu dân ca, bố thường bảo cho anh biết. Nhìn thấy một phong cảnh đẹp, bố chỉ cho anh thấy cần cắt ra sao để có một phông đẹp cho sân khấu, nếu thay đổi một vài chi tiết nhỏ thì bố cục sẽ khác đi, có khi hỏng hẳn…Sau này, hai bố con nói chuyện, bàn bạc về kịch rất tương đắc, bố vẫn là một cố vấn theo dõi công việc đạo diễn của anh suốt đời. Có những vở kịch anh làm theo gợi ý của bố, đã rất thành công.

Bố tính hay pha trò, con cháu ai có tật gì, dáng gì không đẹp, là ông bắt chước, làm như hề, giúp trẻ hiểu cái xấu để sửa lại. Anh thứ hai là người khó ăn, anh không ăn nổi một cọng hành. Có lần, bố vẽ hình anh đang khóc bên cái bát có cọng hành... để dỗ anh ăn.

Cả nhà các con các cháu đều học được tính hay nói đùa của bố, ai cũng thích kể chuyện cười. Hôm nào ăn cơm đông đủ là tranh nhau kể chuyện. Con gái tôi khi còn bé, cháu cũng thích kể lắm, nhưng khi cô bé kể chuyện cười thì vừa được vài câu, đến chỗ buồn cười là cô nàng cười trước, rồi càng lúc càng cười, cười ngất ngư đến nỗi không nói nổi nữa, cả nhà cứ nhìn cháu cũng thấy buồn cười rồi, nên người nọ chỉ người kia, ai cũng lăn ra cười. Câu chuyện thì chưa kể xong ! Mà có ai cần nghe xong câu chuyện đâu ! Cười là vui rồi.

Trong lá thư đầu tiên anh Nghi gửi cho chồng tôi sau mấy chục năm xa cách, không hề có liên lạc, anh viết: “Hình ảnh cuối cùng của em, mà anh còn giữ mãi, là một chú bé mươi tuổi đang lăn ra cười trên đê. Lúc đó em đang kể chuyện “ Ganh đòn bá ” (ba đòn gánh) cho anh nghe ở hậu phương”.

Mẹ thường kể, hồi trẻ, bố hay nóng giận, nhưng khi giận, bố chỉ nện giầy nặng thêm lên thôi. Mẹ nghe tiếng giầy là biết ngay, tránh không nói gì hết cho đến khi cơn giận của bố tan đi.

Từ khi bố lên Hà Nội, xa nhà, sống một mình với bạn bè, làm thơ, ra nhập Tự Lực Văn Đoàn, làm báo, viết truyện, viết phê bình thơ… nổi tiếng, bố tạo lập ban kịch, rồi đi trình diễn các nơi… Bố vẫn về thăm nhà đều đặn hàng tháng, thỉnh thoảng còn dẫn các con lên Lạng Sơn thăm ông bà và các cô chú… nhưng rất ít bạn bè, đồng nghiệp của bố quen biết gia đình vợ con bố.

Thế rồi, chuyện phải đến, đã đến. Ngay từ khi bắt đầu làm kịch, bố gập một người cùng chí hướng, bà Song Kim, bà giỏi thiên bẩm về kịch, và có cùng những ước mơ những đam mê sân khấu như bố... Bà Song Kim đã cùng bố xây dựng nền kịch nói, từ đó...

Anh Nghi kể cho chúng tôi nghe:

Anh là người không có tuổi thơ, vì mới có mười mấy tuổi, đang ở Hải Phòng nghe tin bố có “bà khác” ở Hà Nội, mẹ khổ quá, không có ai bàn bạc, anh là con lớn nên mẹ chỉ nói chuyện với anh.

Bà nội biết chuyện ấy rất buồn. Theo lời chị lớn, bà buồn như bị tình phụ, tuy xã hội ta trong những năm xa xôi đó, đa thê là chuyện bình thường và hợp pháp.

Thế rồi Cách Mạng Tháng Tám, bố cùng ban kịch đang đi lưu diễn miền Trung trở về Hà Nội, sau đó theo Kháng Chiến chống Pháp, đi biểu diễn khắp nơi.

Gia đình ở Hải Phòng gồm bà nội, mẹ và bốn anh em cũng chạy tản cư. Vào một ngày năm 1948, tại hậu phương bố gập được gia đình. Bao nhiêu lâu mới có một lần sum họp, mới có một bữa ăn đông đủ cả nhà... Nhưng, người lớn có chuyện quan trọng cần bàn: Nhà đã hết tiền, không có cách sinh nhai, đàn bà trẻ con phải về thành, trừ anh lớn. Bố nói: “Nghi đi với cậu, con về thành sẽ bị bắt đi lính cho Pháp”. Từ đó, chia ly hai ngả.

Năm 1954, sau hiệp định Geneve, bố và anh Nghi về Hà Nội. Nhưng nửa kia của gia đình lại ở trong Nam. Sống hai nơi cách biệt trong bao nhiêu năm, bố mẹ già đi, trẻ con trở thành người lớn... Sau năm 1975, bố mẹ được sum họp, bà nội đã mất từ lâu, thỉnh thoảng bố viết thư cho chúng tôi, trong những lá thư gửi con cháu ở xa, có những câu như:

“Bây giờ cậu được sống ở nhà với mẹ và chị của các con, cho bõ những ngày xưa thương nhớ”.

vochong

Thế Lữ và vợ ở TP HCM, 1978

Chúng tôi rất hạnh phúc vì chuyện bố về với mẹ “cho bõ những ngày xưa thương nhớ”. Tuy nhiên, việc đó làm một người khác khổ. Hình như trên đời này không có gì toàn vẹn. Mẹ từ chối việc liên hệ với phía đó, không bao giờ to tiếng, chỉ thỉnh thoảng phát bệnh và ụa liên hồi… Có lần mẹ nói riêng với tôi rằng:

Kể ra thì chuyện cũng lâu rồi, bố mẹ cũng già rồi, trên bẩy mươi cả, nhưng mẹ là người theo đạo Chúa, mẹ không được phép chính thức chấp nhận việc đó.

Tuy vậy anh em chúng tôi vẫn giữ liên lạc tốt đẹp với bà Song Kim, tự biết mình là con, phải biết chấp nhận gia đình như nó là, và trân trọng những người thân của bố. Mỗi lần về Hà Nội chúng tôi đều tới thăm bà và gia đình, tham dự giỗ tết, cũng như những bữa cơm sum họp... Bà rất quý chồng tôi, vẫn thường nhắc chuyện cũ: Ngày ban kịch Anh Vũ (?) xuống Hải Phòng lưu diễn, chồng tôi mới có mấy tuổi, bà còn bế trên lòng…Bà vẫn hỏi thăm các chú em trai của bố, mất liên lạc từ những năm 1946…

Anh Nghi bàn riêng với chúng tôi:

Công bằng mà nói, bố sống xa gia đình rất lâu, nổi tiếng như thế, hồi đó nhiều mệnh phụ đẹp như bà hoàng của Hà Nội, mê bố. Cho nên, không có người này thì có người khác. Bố đã gập được người cùng chí hướng, cùng bố xây dựng, thực hiện những đam mê nghệ thuật. Hơn nữa bố có được một gia đình an ổn, hạnh phúc để làm việc trong rất nhiều năm. Nhất là trong những năm đất nước chia cắt, có người săn sóc tinh thần cũng như vật chất cho bố, thật là đáng quý. Mình phải kính trọng và cám ơn bà Kim. Vả lại, đây là một chuyện đã được xã hội ngoài này trong bao nhiêu năm nay công nhận, mình nên tôn trọng việc đó. Họ hàng làng nước, ai nói gì cũng mặc họ.

Bố chúng tôi, là người không lý gì tới đồng tiền, có gì dùng nấy, không đòi hỏi. Trong bao nhiêu năm, vẫn chỉ có số lương rất thấp. Vì không biết lên xin, nên người ta quên cho Chủ Tịch hội Nghệ Sĩ Sân Khấu lên lương. Sau nhiều năm, một người bạn cũ, hình như là Lưu Trọng Lư, nhìn thấy sổ lương, đã tự đi điều chỉnh cho, bố mới có lương theo đúng chức phận của mình. Nhưng bố không hề để ý tới… Khi gặp lại chúng tôi, bố vẫn cho rằng mình sống rất thoải mái.

Trong những năm tháng cuối đời, bố vẫn giữ thói quen đọc sách 8 tiếng một ngày, thỉnh thoảng xem truyền hình, thích nhất là xem kịch, dĩ nhiên!!. Các bạn cũ mỗi khi đi qua thành phố, đều tìm tới thăm, như thi sĩ Xuân Diệu, thi sĩ Huy Cận...các vị lớp sau như nhà văn Nguyễn Khải, hoạ sĩ Lưu Công Nhân… rồi các học trò cũ về kịch như các tác giả Tào Mạt, Thế Ngữ,...

huyxuan

Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, 1985

Và đặc biệt là nghệ sĩ Bảy Nam, một người bạn xưa từ thời 1935, 1940 ... Đó là thời các nghệ sĩ Tư Chơi, Năm Châu, …Năm Phỉ, Phùng Há, Bẩy Nam… những nghệ sĩ sân khấu tuồng, cải lương trong Nam, bắt đầu diễn rất kịch, họ nổi tiếng như cồn. Khi ra Bắc lưu diễn, họ gập được những người làm nghệ thuật mới, xây dựng kịch thẳng từ kịch nói, kịch thơ… Hai bên gập nhau là thương quý nhau, giữ mãi một tình bạn sâu xa… . Bây giờ nghe các vị trên bẩy mươi nói chuyện với nhau: “anh anh tôi tôi”, rất hay!

Sau này đọc trong Phong Hóa cũ, số 146, 1935, bài Đi Xem Hát của Thế Lữ phê bình gánh Nam Thịnh từ trong Nam ra lưu diễn ngoài Bắc:

“…bao nhiêu cái lố lăng được dịp hiện ra trong vở “Huyền Chân Nữ” này, cũng như trong những vở cải lương khác…tôi vẫn thấy nhiều chỗ đào kép biểu lộ được chân tài:

Năm Châu thì tự nhiên một cách lạ thường…Một bước đi, một vẻ mặt, một câu nói, lúc đổi dọng, lúc im lặng, không lúc nào đáng chê hết…Tôi bị bỏng tay vì vỗ tay luôn. Màn thứ 6, chỗ Tuyết sĩ đau đớn tới cực điểm, tài nghệ Năm Châu cũng lên tới cực điểm. Những tiếng chua xót, bi đát ghê gớm của người trượng phu giết người yêu vì muốn được lòng quân sĩ, thực là những tiếng tự tâm can phát ra. Năm Châu giăng tay, nghiến răng quát:”Cừi đi, chúng bay cừi đi!” mà trong giọng nói có đầy nước mắt, đầy những nỗi lòng tan nát. Công chúng cảm động một cách dữ dội: họ vỗ tay đến chuyển cả nhà hát tây”

Tôi mới biết cái tình của những người nghệ sĩ tri âm, hiểu và phục tài nhau. Cho nên, mỗi khi đi đâu xa, “chị kịch sĩ Bẩy Nam” cũng nhớ mang quà về cho “anh dàn cảnh Thế Lữ”, khi thì nải chuối, khi thì ít bánh đặc sản… rất là quý hóa. Tới khi bố mất, các nghệ sĩ gốc Nam đến viếng, đến lễ rất đông, hát cải lương trước linh cữu suốt đêm…. kể cả lứa trẻ sau này như Kim Cương, Bạch Tuyết…

Trong gia đình, hồi đó, cụ rất yêu chiều cháu cháu trai nhỏ của chúng tôi. Mỗi khi chúng tôi sắp về thăm, cụ sửa soạn trước ít truyện để kể riêng cho cháu nội nghe, chúng tôi có xin ghi âm nhưng cụ không cho. Về sau, khi cháu lớn lên, cháu hiểu được những việc làm của ông nội: “ Ồ, hoá ra ông có viết về truyện kinh dị, nên hồi xưa ông hay kể cho con nghe những truyện lạ lắm ! ”.

Những món quà chúng tôi mang về biếu, được cụ thích nhất là sách và những bó bút nguyên tử giản dị, cụ để dành để biếu bạn bè tới chơi. Hình ảnh cụ ông cầm cả bó bút giơ lên xuýt xoa nói: “Cậu cảm thấy giầu có quá!”, thật là đẹp.

Có người thương cụ, nói rằng cụ nghèo quá, nếu ở nước khác mà nổi tiếng như thế, tha hồ mà giầu có.

Tôi nghĩ khác, tôi nghĩ cụ là người sung sướng nhất: Khi còn là một nghệ sĩ trẻ, mới ra đời, khoảng hai mươi tuổi, viết cái gì cũng được bạn bè, đồng nghiệp, xã hội đón tiếp rất trân trọng, rất nồng nhiệt: Dưới ba mươi, đã được coi như thi bá thời bấy giờ. Đến khi bước sang kịch nói cũng không có gì là không thành công. Tuy chưa làm được hết những ước mơ của mình, nhưng không hề thất bại. Cụ đã mở đầu thơ mới, mở đầu kịch nói, đóng góp được bao nhiêu cho văn hoá nước nhà. Tư cách của cụ trước sau vẫn luôn luôn là gương mẫu cho những thế hệ tiếp theo. Cụ đã truyền kinh nghiệm, dậy bảo cho nhiều lớp học trò, xây dựng cho thế hệ sau với tấm lòng chan hoà hiếm có... Đó là một nghệ sĩ được hiểu, được quý trọng ngay khi vừa ra đời và suốt cuộc đời. Đó là điều hạnh phúc nhất. Văn hoá là chuyện muôn đời, đời nay chưa biết làm rõ công của cụ trong văn học thì đời sau sẽ làm. Chúng tôi tin như thế.

Riêng về mẹ chúng tôi, chúng tôi nghĩ rằng bố đã về với mẹ với gia đình trong mười hai năm cuối đời, là điều quý nhất cho mẹ. Danh tiếng, mẹ chúng tôi không cần, mẹ biết là “người đi đã trở về” là đủ. Để tôi đọc lại, chia sẻ với độc giả một vài dòng “thư mới” của “thi sĩ thơ mới” viết cho các con ở xa, về người vợ tào khang của mình:

“…Mẹ con cũng như những dịp nhận thư trước, bao giờ cũng tỏ một dấu hiệu rất đơn sơ nhưng rất cảm động, là thỉnh thoảng lại giở ra đọc lại, và luôn tiện đọc thêm những bức thư gửi về từ trước đó.

Cậu để cho những cảnh tượng lặng lẽ ấy thấm thía vào tâm hồn…”

Tới bây giờ, bố mẹ chúng tôi đã mất cả rồi, lâu rồi. Bốn anh em cũng đã ra đi hết, những người đó chưa bao giờ cần giải thích cho ai cả. Còn tôi, tôi phải viết những dòng này vì cuộc đời âm thầm của mẹ chồng tôi, không nên để âm thầm mãi, như thế không công bằng. Và để các con, các cháu hiểu, thương và hãnh diện vì cụ.

Chúng tôi vừa nhận được tin :

Cụ Phạm thị Nghĩa, tức Nghệ sĩ Nhân Dân Song Kim vừa qua đời, vào tháng 11 năm 2008. Chúng tôi ở xa, chỉ biết vọng về thương cảm, và cầu nguyện cho hương linh cụ bà sớm được siêu thoát, thanh thản về cõi tịnh.

Nếu chúng ta do những nhân duyên riêng đã được gần gũi, được hiểu, được sống với một vài vị thuộc thế hệ đã trở thành xưa cũ đó, ta sẽ cảm được số phận riêng của mỗi người. Những người đó sinh ra, lớn lên trong một hoàn cảnh xã hội rất khó khăn, khác của chúng ta ngày nay nhiều lắm. Những suy nghĩ, những hành động của họ nhiều khi không hợp với ý nghĩ của nhiều người hiện đại … Mong rằng, họ không bị những người ngày nay soi xét.. Họ đã sống qua những hạnh phúc, cũng như những cay đắng, những tủi hờn... Họ đã khai phá, đã làm việc, đã thương yêu, đã hy sinh, đã chịu đựng những ràng buộc, những khổ đau nhiều khi triền miên tưởng chừng như không bao giờ rứt…

Thương biết bao nhiêu, kính phục biết bao nhiêu.


Thảo Nguyên

NGUỒN : bài và ảnh do tác giả cung cấp
(tháng 10, 2012)


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
Black Movie - Festival international de films indépendants Genève 17/01/2025 - 26/01/2025 — Maison des arts du Grütli | 16, rue du Général-Dufour | 1204 Genève
LES LARMES D'ASTYANAX - Olivier Dhénin Hữu 31/01/2025 - 02/02/2025 — Théâtre du lycée Jacques Decour | 12 Avenue Trudaine | 75009 Paris
Festival cinéma - Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Inalco : L'économie vietnamienne en 2024 et ses perspectives 06/02/2025 18:00 - 20:00 — 65 Rue des Grands Moulins, 75013 Paris | Amphi 2
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us