Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Nhà văn Bùi Ngọc Tấn qua đời

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn qua đời

- Phạm Xuân Nguyên — published 18/12/2014 02:15, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:22

NHÀ VĂN BÙI NGỌC TẤN QUA ĐỜI


Theo tin từ gia đình, nhà văn Bùi Ngọc Tấn đã qua đời vào lúc 6h15 sáng nay (18/12/2014) tại Hải Phòng sau một thời gian bị bệnh K, hưởng thọ 81 tuổi. Anh Tấn sinh năm 1934 tại Thủy Nguyên (Hải Phòng), năm 1954 trong đoàn quân về tiếp quản Hà Nội, sau đó làm báo Tiền Phong, rồi chuyển về Hải Phòng tiếp tục viết báo và viết văn. Năm 1968, ngày 8/12, ông bị bắt vì bị coi là liên quan đến vụ án "xét lại" và phải ở tù năm năm (1973). Sau hơn hai mươi năm bị im tiếng trên văn đàn, ông trở lại viết và xuất bản bằng những hồi ức về nhà văn Nguyên Hồng, bằng những truyện ngắn nổi bật, và đặc biệt là bằng cuốn tiểu thuyết mang tính tự thuật "Chuyện kể năm hai nghìn".
Thời gian lễ tang nhà văn Bùi Ngọc Tấn gia đình đang lo liệu. Tấm ảnh chụp mấy anh em văn nghệ sĩ xuống thăm anh ngày 16/11/2014 không ngờ là lần cuối gặp anh.
Buồn thật buồn những ngày này. Khi Nguyễn Quang Lập bị bắt và Bùi Ngọc Tấn qua đời. Sao những người tốt đẹp, những nhà văn chân chính cứ bị hoạn nạn!
Anh Tấn ơi, em vĩnh biệt anh!
Tưởng nhớ anh, em đưa lại đây bài em viết khi đọc tập sách "Rừng xưa xanh lá" của anh viết về chân dung bạn bè cùng lứa anh.

Phạm Xuân Nguyên



MỘT KIẾP BÊN TRỜI


Phạm Xuân Nguyên


Đồng thị thiên nhai luân lạc nhân
(Bạch Cư Dị - Tỳ bà hành)


DL

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn vừa cho ra mắt tác phẩm Rừng xưa xanh lá (Mười chân dung văn nghệ sĩ) tại Nhà xuất bản Hải Phòng (1/2003).
Đây là cuốn sách thứ năm của Bùi Ngọc Tấn, kể từ ngày ông cầm bút viết văn trở lại, cách đây gần mười năm. Năm 1995, sau 27 năm bị ngắt tiếng, “bị văng ra ngoài quỹ đạo”, ông trở lại văn đàn với tập hồi ức văn học về Nguyên Hồng với các bạn văn Hải Phòng nhan đề Một thời để mất. Tự cái tên sách tái xuất đã nói lên tất cả. Trong bài viết về một bạn văn ở tập sách mới này ông ghi lại cảm giác lúc đó, khi lại được thấy cuốn sách của mình ra đời: “Một cái rùng mình gai gai khe khẽ chạy suốt dọc người tôi. Không. Tên tôi đã được in trên nhiều bìa sách. Nhưng đây là tập sách sau 27 năm. 27 năm chết. 27 năm sau tôi lại được đứng dưới mặt trời. Từ thế giới bên kia, 27 năm sau tôi trở lại thế giới này. Tôi sống lại. Ngay khi mới bước vào nghề, nhìn tập sách đầu tiên của mình được in cũng không xúc động như vậy. Lúc đó chỉ đơn giản là sống. Là vui sống. Còn bây giờ là sống lại. Là chết đi sống lại” (tr. 152).
Trong khoảng mười năm sống lại nghề văn đó, giữa hai tập hồi ký, Bùi Ngọc Tấn có hai tập truyện ngắn: Một ngày dài đằng đẵng và Những người rách việc, và một bộ tiểu thuyết hai tập: Chuyện kể năm 2000. Ông đã từ một hiện thực khác trở về. Và văn ông bây giờ là nói về một hiện thực khác và từ một hiện thực khác mà nhìn lại. Viết hồi ức, chân dung, truyện ngắn, tiểu thuyết, nhân vật chính trên các trang văn của Bùi Ngọc Tấn là chính ông và những người bạn cùng thế hệ được soi chiếu từ hai phía của một khoảng thời gian đã thành vạch phân cách đời người đời văn: 5 năm (1968 – 1973). Con dấu đóng giáp lai văn nghiệp Bùi Ngọc Tấn mang số hiệu CR 880.
Đó là dãy số tù của Bùi Ngọc Tấn khi ông bị bắt tập trung cải tạo về tội “tuyên truyền phản cách mạng” mà sau này một người bạn tù đã gọi thẳng tên sự vật một cách ngắn gọn và chính xác là “tội nói sự thực” (CKN2000, tr. 60). Ông, và bạn bè đồng lứa, yêu văn chương, hăm hở bước vào văn chương với một niềm tin trong trẻo và một cái nhìn trong sáng về con người và cuộc sống mới. Chính sự trong trẻo tâm hồn và trong sáng đôi mắt đã khiến họ phẫn nộ với những gì vấy bẩn, che khuất hiện thực tốt đẹp được lấy làm đề tài cho trang viết của mình. Và thế là Bùi Ngọc Tấn và bạn bè ông bị quy tội danh “tuyên truyền phản cách mạng”. Điều đó có nghĩa là gì? Hơn một lần ông đã tường minh:
“Điều đó chỉ có nghĩa là Phương đã nhìn thấy và báo động về những cái xấu xa đang mọc lên trên lưng chế độ như nạn móc ngoặc đang hình thành và bắt rễ trong các ngành mậu dịch. Nạn cửa quyền trong các cơ quan tiếp xúc với dân. Bệnh thành tích, hình thức, điêu dối trong báo cáo và cuộc sống. Chủ nghĩa lý lịch, chủ nghĩa thành phần đã làm thiệt hại bao nhiêu đến sự nghiệp chung v.v… Phương đã nhìn thấy những gì trái với bản chất xã hội chủ nghĩa, muốn lên tiếng bảo vệ những lý tưởng của cách mạng. Vì cách mạng. Vì cách mạng là xương máu của bao thế hệ. Vì mình là người tâm huyết, một lòng theo cách mạng. Là sự nhìn nhận cuộc sống đúng với hiện thực, không phải chỉ một màu hồng. Là lòng mình yêu thiết tha nhân dân này, đất nước này. Là chống lại sự bất công mới đã có và đang có như một thứ nấm mốc lây lan. Để cuộc sống tốt đẹp hơn. Sự nghiệp tốt đẹp hơn đúng với mục tiêu của nó.
Và như vậy là nhìn đời đen tối. Là bất mãn. Là chống đối. Là vào rừng chỉ nhìn thấy cây mà không thấy rừng.
Chẳng lẽ mình không có quyền suy nghĩ, không có quyền nói lên, không có quyền tỏ thái độ? Chẳng lẽ mình không còn có quyền yêu nước? Chẳng lẽ lòng yêu nước cũng bị độc quyền? Không! Có thể độc quyền xuất khẩu, độc quyền nhập khẩu, độc quyền sản xuất muối, nhưng không thể độc quyền yêu nước!” (CKN2000, tập 1, tr. 191- 92)
Số hiệu tù nhân CR 880 đã khép lại một thời đối với Bùi Ngọc Tấn và bạn bè. “Một thời tin tưởng. Một thời bay bổng. Một thời hạnh phúc. Và cả một thời nhảm nhí của chúng tôi nữa.” (MTĐM, tr. 7). Một thời để mất! Sau thời đó là đến thời hoạn nạn và khốn khó. Rừng xưa xanh lá đến hồi bị tơi bời trong cơn bão lốc.
Trong mười chân dung nghệ sĩ của tập sách mới này, có đến một nửa Bùi Ngọc Tấn dành cho những người bạn cùng “một kiếp bên trời” của mình mà bóng dáng đôi người đã từng có trong tiểu thuyết CKN2000: Dương Tường, Lê Mạc Lân (Vũ Mạc), Lê Bầu (Lê Bàn), Nguyên Bình, và Hứa Văn Định. Cuộc đời họ thời chìm lặng ấy có thể tóm gọn bằng một chữ: BÁN. Bán máu và bán văn để trước hết là phải tồn tại. Chế Lan Viên sau khi trải một đời lắm vinh nhục trong nghề văn, những ngày cuối đời đã nguyền rủa thế kỷ hai mươi ông sống là thế kỷ “muốn nuôi sống xác thân phải làm thịt linh hồn”. Những người bạn văn của Bùi Ngọc Tấn không thế, họ muốn duy trì cơ thể nên phải giết cơ thể, họ muốn giữ linh hồn nên phải làm thịt linh hồn. Dương Tường bán máu, rồi mách cho Mạc Lân cùng bán. Bữa bún chả mấy người bạn đón Bùi Ngọc Tấn ra tù tại Hà Nội là bằng vào tiền Mạc Lân “bán máu đột xuất”. Chi tiết này ông đã đưa vào tiểu thuyết (CKN2000, tập 1, tr. 201).
Bán chữ là viết văn chui. Định nghĩa viết văn chui: “là viết văn không cho người khác biết, trừ người đặt hàng mình” (tr. 73). Lịch sử kinh tế Việt Nam khi viết về thời bao cấp chắc phải dành chỗ cho khái niệm “khoán chui”, một sự xé rào làm ăn đã phải trả giá bằng đời một bí thư tỉnh ủy trước khi nó mở đầu cho một cơ chế quản lý mới. Lịch sử văn học Việt Nam mai ngày có chỗ nào cho khái niệm “viết văn chui”? Việc này Mạc Lân rành, Lê Bầu rành, Bùi Ngọc Tấn cũng rành, ông kể. (Cùng thời này Phùng Quán cũng đã hàng chục năm sống cảnh “cá trộm, rượu chịu, văn chui” bên Hồ Tây). Nguyên nhân hiện tượng này là “không được viết, hoặc được viết nhưng không được in hay được in nhưng không được ký tên cũng không được nhân nhuận bút” (tr. 72). Hậu quả ở đây là văn mình tên người (thêm một thành ngữ mới), đưa đến lắm chuyện bi hài. Trường hợp Mạc Lân là tiêu biểu.
“Như có một năm ba truyện ngắn Lân viết cho ba người được giải thưởng (của Hà Nội và của Tổng công đoàn)… Có một điều Lân lấy làm lạ là cái người chỉ đứng tên cho văn bản mà không hề viết lấy một dòng khi sách đã được in, gặp Lân là người đã viết ra nó lại cứ trò chuyện với Lân theo cái kiểu như chính anh ta là người đã sáng tác`ra nó, chính anh ta là tác giả. Hoặc nói một cách bề trên: “Đoạn ấy viết được. Mình đi đến đâu người ta cũng khen. Dư luận tốt lắm.” Anh lắc đầu: Cũng nhiều lúc muốn tống một quả đấm vào mặt họ nhưng lại cố nén. Rồi cười: Làm ăn phải giữ lấy cái mối.” (tr. 76 – 77)
Lê Mạc Lân là con trai nhà văn Lê Văn Trương (chữ Mạc thế chữ Văn ở tên lót để kỷ niệm một người bạn).
Cảm hứng của Bùi Ngọc Tấn ở những trang viết chân dung là “đi tìm thời gian đã mất”. Cho mình. Và cho bạn. Năm 20 tuổi (1954) ông trong đoàn quân chiến thắng từ núi rừng về tiếp quản Hà Nội. Năm 34 (1968) tuổi ông bị lâm vòng lao lý. Khi từ các trại trở lại đời thường ông đã ở vào độ tuổi mà Khổng tử nghĩ là “bất hoặc”. Cầm lại cây bút viết văn gần mười năm nay, ông đã bước vào tuổi 70. Ngẫm lại con đường đời đường văn mình và bạn bè đã trải qua với rất nhiều lận đận, Bùi Ngọc Tấn thấy “thời gian gấp ruổi” như tên ông đặt cho bài viết về Mạc Lân. Cũng có thể thấy ông, qua chân dung Lê Bầu, người “hiểu giá trị của thời gian”. Và ông đã không thể nhắc lại bây giờ một câu đùa vui như ngày nào với cái chân giả của Vũ Tín, phóng viên ảnh Thông tấn xã Việt Nam, bởi vì biết rằng “thời trai trẻ đã qua”. Thời gian gấp lắm rồi, ông hối thúc bạn, và mình. Cái chết có thể ập đến bất cứ lúc nào, lạnh lùng và dửng dưng. Nó cắt ngang lời đề tặng trên cuốn sách đầu tiên thời hậu goulaq của ông dành cho vợ chồng nhà văn, nhà biên kịch Hứa Văn Định: “Để hai bạn biết rằng mình lại viết. Rằng mình vẫn còn thoi thóp chứ chưa chết hẳn”. Ông đã đốt cuốn sách này trước mồ bạn. Hứa Văn Định là một trong những người bạn tích cực thúc giục, động viên Bùi Ngọc Tấn viết văn trở lại, vì không thể không viết, sau những gì đã trải. Lời người bạn nói: “Ông phải viết tiểu thuyết. Tôi tin ông sẽ có những thành công rất đặc biệt. Trách nhiệm của ông nặng lắm” (tr. 151) là sự giao phó và gửi gắm của bạn bè. Bùi Ngọc Tấn tìm thấy ở đó điểm tựa tinh thần để đứng dậy và đi tiếp. Như ông đã tìm thấy điểm tựa tinh thần ở Nguyên Hồng, Lê Đại Thanh, Nguyễn Thị Hoài Thanh. Và cuộc đời đã đền bù cho ông. Câu nói của Hứa Văn Định đã chứng nghiệm. Bùi Ngọc Tấn đã có những người đọc mới tri âm, như với họa sĩ Nguyễn Thanh Bình, sinh sau ông hai mươi năm. Hai người chỉ mới gặp nhau một lần, họa sĩ đọc văn, nhà văn xem tranh, “mà như đã biết nhau từ bao giờ rồi”. Điều đó Bùi Ngọc Tấn nhận là chỉ nghệ thuật mới làm được. Có lẽ cần thêm: chỉ những người có tình thương khi đã trải qua đau thương. Nguyễn Thanh Bình đã đổ máu ở chiến trường để bây giờ vẽ tranh, một mình làm nên một dòng toàn trắng, bán được tranh, giàu có, không phải bán máu.
Bùi Ngọc Tấn viết văn trầm tĩnh và đôn hậu. Hình như đây là kết quả của sự kết hợp bản tính người và trải nghiệm đời nơi ông. Sau những gì đã xảy đến với ông, nếu văn ông có giọng cay độc, chua chát, cũng là điều dễ hiểu. Nhưng không! Ngay cả sự trầm tĩnh và đôn hậu ở đây cũng không hề là phải cố ý, gồng mình, tỏ vẻ. Ông đưa lại cho người đọc những dòng văn tự nhiên, dung dị, khi những oan trái, khổ đau lặn vào sau câu chữ làm nên sức nặng và chiều sâu của những điều được viết ra. “Hãy kể những chuyện đau bằng cái giọng hài”, Bùi Ngọc Tấn đã làm được như lời khuyên của Dương Tường, Hứa Văn Định. Giá trị nhà văn của Bùi Ngọc Tấn trước hết là ở giọng điệu ấy. Một giọng điệu văn chương làm người đọc hiểu ông, tin ông, đồng cảm với ông và cùng ông đồng cảm với những phận người, những kiếp bụi nhân sinh. Cao hơn chuyện văn chương là chuyện cuộc đời. Bùi Ngọc Tấn là nhân vật của văn ông và đồng thời ông cũng là tác giả của những điều ông viết ra. Văn chương đó là sự thật.
“Tôi là bạn của ông Dương Tường”. Bùi Ngọc Tấn viết về những người bạn văn đã đau khổ và thủy chung cùng mình, như mình. Các ông là bạn của nhau. Dương Tường có câu thơ tuyên ngôn: Tôi đứng về phe nước mắt. Các ông mỗi người đã gánh cây thập ác đi trọn con đường trần ai của mình.
Không vứt xuống.
Không chạy trốn.
Không gục ngã.
Không dừng bước.
Và dẫu không là Chúa, Bùi Ngọc Tấn, và bạn bè ông, đã được phục sinh.

Tokyo 30.4.2003

Nguồn: FB của tác giả 

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
Black Movie - Festival international de films indépendants Genève 17/01/2025 - 26/01/2025 — Maison des arts du Grütli | 16, rue du Général-Dufour | 1204 Genève
LES LARMES D'ASTYANAX - Olivier Dhénin Hữu 31/01/2025 - 02/02/2025 — Théâtre du lycée Jacques Decour | 12 Avenue Trudaine | 75009 Paris
Festival cinéma - Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Inalco : L'économie vietnamienne en 2024 et ses perspectives 06/02/2025 18:00 - 20:00 — 65 Rue des Grands Moulins, 75013 Paris | Amphi 2
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us