Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Những con rắn ở vườn Điạ đàng / Nghìn ngày ở Sài Gòn

Những con rắn ở vườn Điạ đàng / Nghìn ngày ở Sài Gòn

- Marcelino Trương & Vũ Ngọc Quỳnh — published 06/12/2012 00:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:22
Giới thiệu cuốn truyện tranh của M. Truong và cuốn phim của M.-C. Courtès


Những con rắn trong Thiên Đàng


Marcelino TRUONG

trangtrong

Tháng Giêng năm 1961, John F.Kennedy trở thành Tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ. Ông quyết tâm ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản ở Á Châu – và tung ra Kế hoạch Beef-Up nhằm tăng cường viện trợ quân sự và kinh tế của Mỹ cho Việt Nam Cộng Hòa. Gia đình tôi đến Sài Gòn trong bối cảnh đó vào tháng 7 năm 1961. Mẹ tôi người Pháp. Tâm thần bà vốn yếu ớt. Cha tôi, ông Trương Bửu Khánh, là một nhà ngoại giao người Việt, trước đó nhậm chức ở Washington D.C. Ông được bổ nhiệm làm giám đốc Việt Nam thông tấn xã. Ông năng lui tới Dinh Độc Lập, nơi ông là thông dịch viên mỗi khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm tiếp những quan khách Anh ngữ. Như vậy, ông sẽ quan sát kỹ những thao tác của một chính quyền đang vật lộn giữa chủ nghĩa quốc gia, gạt bỏ nước Pháp thuộc địa, hiềm nghi và ngưỡng mộ Mỹ.

Trong cuốn tiểu thuyết – tranh vẽ Une si jolie pettie guerre – Saigon 1961-63 (VNQ dịch : Một cuộc chiến bé nhỏ xinh đẹp-Sài Gòn 1961-63), (một tựa để mỉa mai, dĩ nhiên), tôi cật vấn những kỷ niệm thời thơ ấu để phác họa một chân dung vừa "ấn tượng chủ nghĩa" vừa khách quan thủ đô miền Nam Việt Nam vào bước đầu của cuộc chiến leo thang. Trong khi các tàu sân bay chuyển vũ khí ngày càng nặng, Việt Cộng tăng cường khủng bố. Ở miền Nam, thiết quân luật và tổng động viên được tuyên bố. Những tướng phiến loạn âm mưu các đảo chính dẫn đến cuộc ám sát Tổng Thống Ngô Đình Diệm 1/11/1963. Hai mươi mốt ngày sau, Kennedy gục ngã dưới những viên đạn của Lee Harvey Oswald. Xen lẫn chuyện gia đình tôi với Lịch sử, tôi cố gắng tạo sống một thời đại, một địa điểm và những biến cố đã đảo lộn vận hành thế giới.

Tôi phân tích những nguyên nhân của cuộc chiến bại lớn nhất của Mỹ, nhìn từ phía của bại trận, mà phía bên kia gọi là ngụy.

Có một điều chắc chắn nơi tôi: Vì thiếu thỏa thuận sau cuộc chiến Đông Dương, có thể vì những lý do chính đáng và những lý do có thể bàn cãi, những người quốc gia hay những người yêu nước, dù họ ở phía hữu hay phía tả – đã đưa một nước có đủ hết để là một tiểu thiên đường thành địa ngục.

Tất cả bọn họ đều từ chối đối thoại và đã chọn lựa vũ khí.

Họ đã đưa bầy rắn vào vườn Thiên Đường.

Tôi chỉ mong muốn Việt Nam tìm con đường của mình.

Chỉ muốn đất nước không là Pháp, không là Mỹ, không là Nga, không là Trung Hoa, mà dơn thuần là Việt Nam.

Tôi sinh ở Phi Luật Tân năm 1957, tôi mang tên I Pha Nho của một phố của Manille, la calle San Marcelino (phố Thánh Marcelino). Tôi là một họa sĩ, người minh họa và là tác giả những sách tranh vẽ. Tôi tự học, chọn đường nghệ thuật năm 25 tuổi, sau khi đã học Trường Chính trị tại Paris và học Đại học Sorbonne (thạc sĩ Anh văn). Những tranh minh họa của tôi xuất hiện đều trong nhật báo Pháp Libération và trong tuần báo Elle.

Á Đông – và nhất là Việt Nam là đề tài tôi ưa thích đặc biệt. Trong những cuốn sách cho tuổi trẻ do tôi minh họa và viết chuyện tôi thích nhất  Une journée à Hanoi (Một ngày ở Hà Nội, ed. Hachette Jeunesse, collection Demi-page, 1997) và 4 tập Fleur d'eau (Hoa nước, ed. Gautier-Langereau, Hachette Jeunesse, Paris), mà cốt truyện xảy ra ở Hội An trước thời thuộc địa.


Marcelino Truong

Vũ Ngọc Quỳnh dịch

Mille jours à Saigon

phim tài liệu của Marie-Christine COURTÈS


Nghìn ngày ở Sài Gòn là cuộc hành trình của họa sĩ Marcelino Trương với Việt Nam, nơi anh sống cùng gia đình thời thơ ấu vào thập niên đầu thập niên 1960 (anh sinh năm 1957). Anh đã kể lại đoạn đời này trong ký ức : Une si jolie petite guerre

Dưới mắt cậu bé ở Sài Gòn, những chiến hạm Mỹ và những trực thăng Mỹ vừa cập bến Sài Gòn là những đồ chơi ngỗ nghĩnh.

Bố cậu là ông Trương Bửu Khánh, công chức cao cấp của chính phủ Ngô Đình Diệm, lúc đó ra vào phủ Tổng thống như cơm bữa, có mặt trong những buổi Tổng thống Ngô Đình Diệm tiếp những chính khác Mỹ vì ông dịch tiếng Anh ra tiếng Việt những cuộc đối thoại Mỹ-Việt.

Mẹ Marcelino làm một phụ nữ Pháp người Saint Malo, quen ông Khánh vào thập niên 48-50, sau hai người thành vợ chồng, sống hạnh phúc bên chồng cùng hai con trai và hai con gái.

Nhưng sau những ngày êm đềm ở Washington, nơi ông Khánh làm trong Sứ quán VNCH là những ngày lo sợ ở Sài Gòn, nơi ông Khánh quay về làm việc.

Marcelino khám phá dần dần bộ mặt của cuốn chiến ở Việt Nam khi anh đã trưởng thành.

Anh quay về Việt Nam vào tháng 3 năm 2011 đi khắp đường nẻo miền Nam, gặp những người thân thuộc trong gia đình, đặc biệt ông Lý Chánh Trung, người thuật lại cho anh thời tham gia cách mạng 45 và sau đó thời tham gia chính trị ở Sài Gòn. Anh được một cán bộ cũ của cách mạng đưa tới một gia đình nghèo mà người con, tên Triệu, năm nay hơn 30 tuổi, vẫn chỉ là đứa trẻ con vì bị chất độc Da Cam nhiễm vào người.

Marcelino quay về Saint Malo, nơi bố mẹ anh sinh sống. Anh đem tranh vẽ cho bố xem, người bố lặng lẽ một hồi rồi bưng mặt khóc. Anh đặt lên vai bố an ủi. Cuộc chiến quá tàn khốc, ai ai cũng mất mát, nhưng có người mất mát nhiều, có khi đã mất mạng.

Mille jours à Saigon sẽ được chiếu tại INALCO trưa ngày thứ ba 11 tháng 12 - 2012, sau buổi nói chuyện của Marcelino Trương về cuốn tiểu thuyết tranh Une si jolie petite guerre :

thứ ba 11 tháng 12 năm 2012, từ 12h30 đến 15g00
INALCO, 65 rue des Grands Moulins
Paris 13e (M° Bibliothèque F. Mitterrand)
Salle 5.09

Vũ Ngọc Quỳnh


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us