Ông Hiến
ÔNG
HIẾN :
TỪ
KHAI MỞ... ĐẾN VÔ NGÔN
Đà Linh
“
Không còn người, dù nhân
loại
sinh sôi”
Nguyễn
Trọng Tạo
(trích
“Thế giới không còn trăng”)
Tôi biết ông, kể từ khi bước vào nghề xuất bản (1984), biết ông là người thầy đáng kính của thế hệ các nhà văn trải qua chiến tranh, được chọn lựa, tề tựu về học Trường viết văn Nguyễn Du khoá I, những : Thái Bá Lợi, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Hoa, Ngô Thị Kim Cúc, Cao Duy Thảo, Hữu Thỉnh, Nguyễn Trí Huân... những người tôi biết hoặc gần gũi lúc đó.
Tác phẩm đầu tiên của ông xuất bản tại Nhà xuất bản của chúng tôi là “ Văn học Xô Viết những năm gần đây”, một công trình giới thiệu tổng quát văn học Xô Viết đương đại (khoảng giữa những năm 50 đến đầu những năm 80, TKXX). Nói là tổng quát, nhưng với nhiều tác giả, tác phẩm ông dành số trang, số dòng giới thiệu, phân tích kỹ và sâu. Nguồn tài liệu tham khảo chủ yếu là tiếng Nga. Đây là một trong những cú hích rõ rệt, làm nở rộ không khí tiếp thu “có chọc lọc” tinh hoa văn hóa nhân loại.
Hoàng Ngọc Hiến. Tranh Đinh Quang Tỉnh
Sau Nghị quyết 5, khóa VI (do Trưởng ban VHTT Trần Độ chấp bút, có nội dung “cởi trói” cho Văn học nghệ thuật), ông và Gs Nguyễn Đăng Mạnh có một chuyến hành Phương Nam sau tết, để công cán (lúc này ông là linh hồn, lãnh đạo Trường Viết văn Nguyễn Du, một Trường Đại học do ông làm dự án sáng lập), giảng dạy và nói chuyện về văn học nghệ thuật, tư duy sáng tạo. Tại nhà văn hóa 88 Hùng Vương Đà Nẵng, như số duyên của tạo hóa, tôi đã có dịp tiếp xúc với ông kỹ hơn, phần nào chân dung tinh thần của “Mét” Hiến đã thực sự khơi gợi thêm tình yêu đối với nghề nghiệp, vốn đã và đang là cái Nghiệp, mà tôi còn “ chướng” đến giờ! Đợt đó, ông Hiến tặng tôi 2 cuốn sách do ông soạn và dịch : Năm bài giảng về thể loại; Nhập môn văn học (dịch từ tiếng Anh), ghi rõ mến tặng tôi – tháng ba năm 92. Hôm nay, những bước đi rất chủ động hướng về phía tôi, nụ cười của Người Khai mở, như mới ngày hôm qua...
Kể từ đó, những cuốn sách của ông lần lượt xuất hiện, không hề lẫn lộn trong hàng ngàn ấn phẩm của một nhà xuất bản tổng hợp, mà tôi có may mắn làm “bà đỡ” : Mỹ học Folklore (dịch Nga, V.Guxep, 1999); Nhập môn văn học và phân tích thể loại (2003, bổ sung thêm lý thuyết phân tích thể loại, so với bản 1991); Từ Maiacovxki... đến Evtusenco (2005, tiểu luận); Sức mạnh văn hóa và sự phát triển của văn minh, trường hợp Việt Nam (2008, tiểu luận). Kiến văn sâu rộng của ông, đã giúp nhiều cho tôi trong nghề nghiệp. Cùng thời gian này, Trường Nguyễn Du, nơi ông và Gs Phạm Vĩnh Cư vẫn tiếp tục “chọn lọc tinh hoa”, cùng với đội ngũ cộng tác viên nhiều hiểu biết và kinh nghiệm, đã trực tiếp dịch, hiệu đính, in ấn : Tâm lý học nghệ thuật (L.X.Vưgốtxki), Lý luận và thi pháp tiểu thuyết (M.Bakhtin), Từ điển biểu tượng Văn hóa thế giới (J.Chevalier, A.Gheerbrant)... những cuốn sách “công cụ” cần thiết đối với những người cầm bút, các biên tập viên, nhà nghiên cứu. Đó là một trong những nền tảng khó thay thế, mà sau này những nhà văn tài năng, lớn lên từ những Lớp học Thầy Hiến, đều thức nhận được.
Mùa cởi trói văn học, chưa thực bội thu, nhưng đã có thu hoạch hứa hẹn, thì tai ương ập đến với ông và gia đình: “ Hiện thực phải đạo” gặp phải “đao”. Đạo gia chưa trọn (chỉ khổ cô Tố Nga, một người giàu linh cảm)... Cũng có thể, ông yêu Maiacovxki, yêu bi kịch, nên nó vận vào ông.
Sau thời gian đó, sự vụt hiện của François Jullien, như điều linh ứng, trỗi dậy từ thẳm sâu tâm thức, ông đã nhận rõ đôi bờ của thượng lưu dòng sông tư tưởng của nhân loại: Tư tưởng Trung Hoa cổ đại (cơ sở để nghiên cứu minh triết phương Đông) và Triết lý Hy Lạp cổ đại (căn cứ để xác định tư duy triết học phương Tây). Minh triết phương Đông và Triết học phương Tây, “như hai trí năng khác nhau, có thể bổ sung cho nhau”. Phải chăng ông tìm được “chìa khóa” để khai mở tư duy, tư tưởng trên tầng nấc mới, để bước vào thế kỷ XXI, thế kỷ toàn cầu hóa, đang hiện diện trong từng ngóc ngách cuộc sống con người?
Tôi đã chia sẻ với ông về hiện tượng François Jullien ngay từ bản dịch đầu tiên : Xác lập cơ sở cho đạo đức (1999)... cho đến mới đây Tính khả tri của văn hóa (Nguyên Ngọc, Phạm Dõng, 2010). Khi triển khai xê-ri công trình của F. Jullien, ông cũng như chúng tôi (NXB) nhận được nhiều sự quan tâm, giúp đỡ, tâm giao, sẻ chia, cùng bắt tay thực hiện của những nhà văn hóa, nhà văn, dịch giả, nhà nghiên cứu, nhà giáo, như: Nguyên Ngọc, Đào Hùng, Đinh Chân, Trương Quang Đệ, Trương thị An Na, Bửu Ý, Lê Đức Quang, Phan Ngọc, Minh Chi, Phạm Dõng, Lê Nguyên Cẩn, Đinh Thị Reo, Cao Xuân Hạo... Đặc biệt, có sự ủng hộ của Trung tâm Văn hóa Pháp, công sức thúc đẩy và sự tận tình của Chị Đỗ Thị Minh Nguyệt (chagée de mission pour le livre), ông Dominique L'Huillier (L’Espace), và các Nhà xuất bản của Pháp: Seuil, Fayard, Gallimard, Grasset & Fasquelle... Tính đến nay, đã xuất bản được 15 công trình, tác phẩm của Gs. François Jullien, hoặc liên quan đến Triết học F. Jullien tại Việt Nam. Cùng với đó, là những cuộc Hội thảo, đàm đạo (Colloque François Jullien) đã diễn ra trên cả nước (Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Tp Hồ Chí Minh), mà ông luôn là gạch nối đậm nét nhất, tin cậy nhất, trong chuyển tải, “sáng tạo lại” những điều căn cốt, tâm huyết của tư tưởng triết học F.Jullien, đưa đến những tín hiệu, thông điệp, những thức nhận mới đối với giới trí thức, những nhà nghiên cứu hôm nay. Trong “tập đại thành” mang tên F. Jullien này, ông đã trực tiếp dịch 4 công trình (Xác lập cơ sở cho đạo đức; Bàn về tính hiệu quả; Đường vòng và lối vào; Phương thức thực hành Trung Hoa- F.Cheng....), chủ biên 2 công trình (Minh triết phương Đông-Triết học phương Tây; Sang Viễn Đông... trở về Viễn Tây).
Có thể nhận ra ở ông Hiến, một sức vóc, tinh thần làm việc lớn lao và hiếm có. Ông đã thực sự quên cả tuổi tác. Đến nay, trên bàn tôi còn bản thảo : Minh triết và minh triết Việt của ông (hiện ông giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung Tâm Minh Triết Việt). Trước đó, ông cũng đang gấp rút hoàn thành việc dịch một công trình mới của F. Jullien, đề tài về văn hoá Việt Nam, nhân chuyến đi điền dã các tỉnh vùng sâu, vùng xa. Có tên : Des montagnes de Sapa aux bras du Mékong (Từ dãy núi Sapa đến những nhánh sông Mêkông). Điều ấp ủ nữa, ông muốn thành lập một Trung tâm nghiên cứu F.Jullien tại Việt Nam, ông muốn lắm. Tôi cũng tiếp tục chia sẻ ước muốn này. Những mong một ngày không xa ...
Tôi chỉ nói đến một số công việc của ông, mà tôi được biết, được chia sẻ, được cùng làm việc.
Năm 2007, tôi được nhận một “học bổng” của CNL (Centre national du livre), sang Pháp 2 tháng. Lại được biết, Viện Tư tưởng đương đại (Paris 7) mời ông sang 1 tháng để làm việc. Tôi và ông lại hội ngộ tại Paris, ở cách nhau một quãng ngắn đi bộ, cộng với một ga tàu điện ngầm. Nhiều kỷ niệm xúc động, đến nay tôi vẫn giữ . Nhưng có một việc, mà tôi nhiều lần nhớ lại. Đó là việc dịch cuốn sách có tên “ Si parler va sans dire” của F. Jullien, ông Hiến rất muốn chuyển ngữ cuộc đàm đạo với Aristote này, đã qua nhiều tháng trăn trở, tình cờ tại Paris, sau cuộc F. Jullien, và trợ lý (bà Danièle Sansoucy) chiêu đãi chúng tôi (ông, anh Phạm Ngọc Tới và tôi ) tại một tiệm ăn Do Thái, thuộc quận 7. Trên đường về lại nơi nghỉ, tôi có nhắc về cuốn sách mà ông dự định dịch. Và tôi đã đôi chút bất ngờ, khi nghe ông tâm tư: Cuốn sách này rất khó, tôi không dịch được!
“Nếu như nói là vô ngôn” (Si parler va sans dire) – Vâng ! Ông Hiến là một nhân cách lớn, tài năng lớn ở chính cái phần Vô ngôn. Cái phần chỉ cảm được, mà thật “ khó dịch”. Đó là phần ông dành cho tương lai. Còn hiện tại, những “sấm ký” của ông, chúng ta đã rõ.
Hà
Nội - Đà Nẵng, 27/01/2011
Đà Linh
Các thao tác trên Tài liệu