Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / P.D. James, Nữ hoàng của truyện hình sự

P.D. James, Nữ hoàng của truyện hình sự

- Đỗ Tuyết Khanh — published 21/01/2015 00:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:22
Vĩnh biệt P.D. James, vừa qua đời ngày 27.11.2014, thọ 94 tuổi

P.D. James, nữ hoàng của truyện hình sự


Đỗ Tuyết Khanh

Mến tặng chị Tùng



Romans policiers, polars, romans noirs, detective novels, thrillers, Krimis, Detektivgeschicten, novelas policíacas, novelas negras, v.v. : truyện trinh thám hay đúng hơn, trong trào lưu hiện nay, truyện hình sự là một mảng quan trọng, đầu tiên về số lượng, của văn học nhiều nước. Quả vậy, trong khu Anh ngữ của một nhà sách lớn ở Genève, chẳng hạn, truyện hình sự chiếm diện tích lớn nhất so với tất cả các thể loại khác: thơ văn, sách giáo khoa, sách kinh tế, chính trị, lịch sử v.v. Chính số lượng đồ sộ ấy, trong đó tất nhiên có thượng vàng hạ cám như trong mọi lĩnh vực sáng tác, khiến một số người coi thường, đánh đồng tất cả thành một loại tiểu thuyết ba xu, một « littérature de gare », những cuốn sách bỏ túi mua vội trước khi lên xe lửa hay máy bay để đọc cho qua thì giờ, xem xong rồi bỏ. Thành kiến ấy dĩ nhiên vớ vẩn và trịch thượng vì ai có thể bảo tác phẩm của những Patricia Highsmith, Arthur Conan Doyle, Leonardo Sciascia, hay Raymond Chandler và Dashiell Hammett, hoặc gần đây hơn, của những John Grisham, Ruth Rendell và P.D. James không phải là văn chương thật sự, với đầy đủ ý nghĩa và giá trị của nó? Trong văn chương « cao cấp » có bao nhiêu nhân vật được độc giả năm châu quen tên bằng Sherlock Holmes, Miss Marple, Commissaire Maigret hay Philip Marlowe?

Để đánh giá vị trí của truyện trinh thám hình sự trong văn học chỉ cần đơn cử hai thí dụ : Georges Simenon (1903-1989), nhà văn Bỉ cha đẻ của Commissaire Maigret, ngày nay vẫn là tác giả Pháp ngữ thứ ba được đọc nhiều nhất trên thế giới, sau Jules Verne và Alexandre Dumas, với 550 triệu sách đã bán, 193 tiểu thuyết và 158 truyện ngắn thường xuyên được quay thành phim điện ảnh và phim truyền hình. Sinh thời, ông được các văn hào André Gide, Jean Cocteau và Henry Miller rất nể trọng. Nhà văn Pháp Patrick Modiano, Nobel văn chương 2014, và tác giả Thuỵ Điển nổi tiếng hiện nay Henning Mankell xem ông là bậc thầy. Agatha Christie (1891-1976), một trong những « nữ hoàng truyện trinh thám » đầu tiên với hai nhân vật trứ danh Hercule Poirot và Miss Marple, cũng là tác giả của « The Mousetrap », vở kịch chiếm kỷ lục trình diễn lâu dài nhất trong lịch sử, liên tục suốt từ buổi khai diễn ngày 6.10.1952 cho đến bây giờ. Sau buổi trình diễn lần thứ 25 000 ngày 18.11.2012, vở kịch hiện nay vẫn tiếp tục là một trong ba cái « must » của du khách đến London, bên cạnh bảo tàng Madame Tussauds và điện Buckingham.

Nhà văn Mỹ Edgar Allan Poe (1809-1849) thường được xem là người đầu tiên viết truyện trinh thám với các tác phẩm « The Murders in the Rue Morgue » (1841), "The Mystery of Marie Rogêt" (1843) và « The Purloined Letter » (1849). Tác phẩm « Bleak House » (1853) của văn hào Anh Charles Dickens (1812-1870) cũng theo đề tài và cấu trúc quen thuộc của truyện trinh thám : một vụ ám sát đầy bí ẩn, một viên thanh tra có nhiệm vụ điều tra tìm thủ phạm giữa những người bị tình nghi. Song tác phẩm được xem là truyện trinh thám lớn đầu tiên trong tiếng Anh là « The Woman in White » (1859) của Wilkie Collins (1824–1889), một thân hữu của Dickens. « The Moonstone » (1868) của tác giả này được văn hào T.S. Eliot khen ngợi là "tác phẩm đầu tiên, dài nhất và hay nhất trong các truyện trinh thám Anh hiện đại … một thể loại nảy sinh từ Collins chứ không phải Poe". Cùng thời kỳ, bên Pháp có truyện hình sự và gián điệp « Une ténébreuse affaire » (1841) của Honoré de Balzac, tập truyện đăng từng kỳ «Les Mystères de Paris » (1842-1843) của Eugène Sue, một trong những tiểu thuyết đen đầu tiên, và cả Émile Zola cũng dàn dựng một câu chuyện ám sát trong « Thérèse Raquin » (1867). Và năm 1887, nhân vật thám tử bất hủ Sherlock Holmes ra đời dưới ngòi bút của Arthur Conan Doyle. Từ đó, truyện trinh thám thành một thể loại ngày càng thịnh hành và có nhiều tác giả chuyên viết.

Những thập niên 1920 đến 1940 được mệnh danh là « Thời Hoàng kim » của truyện trinh thám, nở rộ với nhiều tác giả tên tuổi đa số là người Anh và Mỹ, đặc biệt nhiều nhà văn nữ, trong đó có bốn « nữ hoàng truyện trinh thám » : Agatha Christie, Dorothy L. Sayers và Margery Allingham, người Anh, và Ngaio Marsh, đến từ Tân Tây Lan. Một số ước lệ được đề ra, như Ronald Knox trong quyển « Decalogue » qui định « trọng tâm của truyện trinh thám phải là làm sáng tỏ một điều bí ẩn với những chi tiết liên quan được trình bầy rõ ràng cho người đọc ngay từ đầu, kích thích sự tò mò, một sự hiếu kỳ sẽ được thoả mãn trong hồi kết. » Đây chính là định nghĩa của loại truyện thường được gọi là « whodunit » (« who’s done it ? », ai là thủ phạm ?). Truyện trinh thám hình sự, tự bản chất nó, là bức tranh phản ánh mọi mặt của xã hội nên cũng đã thay đổi rất nhiều, về nội dung và hình thức, cùng nhịp với đà tiến hoá nhanh và sâu rộng chưa từng có của thế giới trong thế kỷ 20. Những whodunit của ngày xưa đọc lại ngày nay thấy cũng xa lạ như các xã hội được miêu tả trong đó nay đã biến mất. Song song với sự phát triển vũ bão của thế giới công nghiệp và những phương tiện thông tin hiện đại, thể loại trinh thám hình sự cũng bùng nổ, các tác phẩm ngày càng nhiều với sự xuất hiện hàng loạt của những tên tuổi mới bên cạnh các tác giả đã nổi tiếng. Trong thế giới toàn cầu hoá, sách vở cũng đi xa hơn, được dịch ra nhiều thứ tiếng hơn để đến với độc giả bốn phương. Nhờ vị trí độc tôn của tiếng Anh, tủ sách trinh thám hình sự Anh ngữ phong phú nhất vì bên cạnh vô số những tác phẩm nguyên tác còn có các bản dịch từ nhiều ngôn ngữ khác. Ngự trị từ hàng chục năm trong tủ sách ấy và trong lòng độc giả nhiều nước, không bị lu mờ bởi các tay bút tài ba khác là « nữ hoàng truyện hình sự » P.D. James, vừa qua đời ngày 27.11.2014, thọ 94 tuổi.

pdj_nb

P.D. James 1986

Sự hình thành của một tài năng


Phyllis Dorothy James White sinh ngày 3.8.1920 tại Oxford (Anh), con đầu lòng của ông Sidney Victor James, một nhân viên sở thuế, và bà Dorothy May Hone-James. Phyllis có hai người em, Edward và Monica. Gia đình dời về Cambridge khi Phyllis 11 tuồi và cô theo học Cambridge High School for Girls đến hết trung học phổ thông. Phyllis hiếu học và học rất giỏi nhưng con đường học vấn chấm dứt ở tuổi 16 vì ông Sidney quan niệm đàn bà không cần học hành. Gia cảnh lúc ấy khó khăn, mẹ bị bệnh tâm thần phải ở luôn trong bệnh viện, hai em còn nhỏ, tất cả trông vào đồng lương khiêm tốn của ông Sidney, Phyllis vâng lời cha vào làm ở sở thuế để phụ giúp gia đình. Vài năm sau cô chuyển sang làm phụ tá điều hành sân khấu của rạp Festival Theatre ở Cambridge. Ở đó cô gặp một sinh viên y khoa, Connor Bantry White, và họ kết hôn ngày 8.8.1941, năm ngày sau khi cô đến tuổi thành niên.

Lúc ấy Đệ nhị thế chiến đã vào giai đoạn khốc liệt, Connor White sau khi hoàn tất huấn luyện tại bệnh viện Westminter ở London được xung vào đội ngũ quân y tham chiến ở Ấn Độ. Phyllis theo chồng về London sống trong thành phố bị oanh tạc ngày đêm. Cô vừa đi làm cho Hồng Thập Tự và Bộ Lương thực vừa một mình lo cho hai đứa con gái sinh ra dưới bom đạn, Clare năm 1942 và Jane năm 1944. Song cuộc sống sau chiến tranh còn vất vả hơn nữa khi Connor về lại với tâm hồn bị tàn phá bởi những gì đã trải qua. Bệnh tâm thần phân liệt khiến anh không thể đi làm, chỉ ra vào bệnh viện, và Phyllis phải trở thành cột trụ của gia đình. Họ về ở với cha mẹ của Connor ở Ilford tỉnh Essex, Phyllis vừa đi làm vừa theo học quản lý bệnh viện. Năm 1949 cô được bổ nhiệm trợ lý hành chính trong hội đồng quản trị bệnh viện North West Regional Hospital tại London. Hai đứa con học nội trú và gửi ông bà nội trong những kỳ nghỉ, cho phép Phyllis ngày đi làm tối học thêm để trau dồi nghiệp vụ, dần dần thăng tiến đến khi cai quản cùng lúc 5 bệnh viện tâm thần.

Như nhiều nhà văn tương lai khác, Phyllis ngay từ nhỏ có trí tưởng tượng phong phú, say mê đọc sách, tập tành viết và mơ có ngày thành nhà văn. « Tôi bắt đầu kể chuyện rất sớm, chắc chắn trước mười tuổi. Gia đình lúc ấy ở Ludlow, gần biên giới Wales, ba chị em chung một phòng lớn, Monica và tôi ngủ cùng giường và Edward trên chiếc giường nhỏ sát tường. Mỗi tối tôi đều phải kể chuyện cho tụi nó, cho đến khi tôi phát khùng hay tụi nó lăn ra ngủ. Những câu chuyện lúc nào cũng đầy gây cấn và bí ẩn, và nhân vật mang cái tên hơi thiếu độc đáo Percy Pig. Ngay từ lúc biết đọc tôi đã biết sau này sẽ theo nghề văn nhưng vì nhiều lý do – chiến tranh, bệnh của chồng, nhu cầu phải có một nghề nghiệp đảm bảo tấm ngân phiếu lương mỗi tuần – tôi bắt đầu muộn màng. » (Why Detection, bài đăng trên báo The Guardian, 2004).

Quả vậy, « sợ rằng nếu không bắt đầu ngồi vào bàn viết thì sau này sẽ thành cái bà cụ cứ kể lể cho con cháu mộng làm nhà văn của mình », chỉ đến khi gần 40 tuổi Phyllis mới bắt tay vào cuốn sách đầu tiên, dậy sớm viết vài giờ trước khi đi làm, trong suốt ba năm. Bà may mắn được giới thiệu với nhà xuất bản nổi tiếng Faber & Faber và bản thảo được chấp thuận ngay. « Thành công này hình như làm hai đứa con gái tôi hơi chột dạ. Chúng có đọc ở đâu đó là những nhà văn thật sự giỏi giang đều đã phải nhận nhiều thư từ chối đến nỗi có đủ để dán kín tường. Chúng lựa lời nói với tôi, để tôi được cảnh báo, khỏi thất vọng sau này. Tôi trả lời hơi chanh chua là con cái nào không tin ở tài năng của mẹ thì đừng mong nhờ vào đó mà có xe đạp mới. Đối với tôi lúc ấy hai chiếc xe đạp thật tốt và một vài món quà nhỏ là thể hiện của thành công phát đạt. » (Time to Be in Earnest, A Fragment of Autobiography, 1999)

Tác phẩm đầu tay « Cover her Face » xuất bản dưới tên P.D. James năm 1962 được nhiều nhà phê bình khen ngợi, chào đón một tác giả mới họ đoán là đàn ông. Ngay cả lâu về sau, nhiều người vẫn hỏi có phải P.D. James cố ý viết tắt tên để được tưởng là đàn ông, dễ được chấp thuận in sách và thu hút độc giả hơn. Bà khẳng định không hề có ý định đó, chưa bao giờ muốn là đàn ông và rất hài lòng sinh ra là phụ nữ. Lý do đơn giản là khi gửi bản thảo, bà thử viết ba tên - Phyllis James, Phyllis D. James, P.D. James – và quyết định cái thứ ba vừa có vẻ bí hiểm vừa gọn gàng nhất trên một lưng sách. « Đối với tôi, đương nhiên là không có bút hiệu nào khác ngoài cái tên cha mẹ đặt. Tôi chưa bao giờ tiếc sự lựa chọn đó, nhất là những khi phải ký tặng cả ba trăm quyển sách ở một buổi giao lưu với độc giả ở Mỹ » (Time to Be in Earnest, 1999)

P.D. James thành nhà văn từ đó, trung thành với Faber & Faber cho đến giờ phút chót hơn nửa thế kỷ sau. Bà vẫn ngày đi làm mưu sinh, tối và những lúc rảnh rỗi học thêm và viết sách. Sau khi ông Connor mất năm 1964 ở tuổi 44, năm 1968, bà quyết định đổi ngành, trúng tuyển một cuộc thi tuyển viên chức nhà nước rất gay go và được bổ nhiệm làm quản trị viên trong bộ phận đặc trách pháp y của Bộ Nội vụ. Bà cười vui kể lại : « Tôi rất tự hào được vào làm ở đó. Thường họ đâu có nhận những ai chỉ học đến 16 tuổi và rất ít đàn bà thi đậu. Nhưng tôi đậu hạng ba trong chung kết các thí sinh toàn quốc, điều hết sức bất ngờ đối với tôi. Tôi vẫn còn giữ lá thư đó. Và khó tin nhưng có thật, mới đầu họ viết « Thưa ông » rồi gạch chữ « ông », viết « bà » ở trên. » Từ 1972 đến 1979 P.D. James là viên chức cao cấp của cơ quan chính sách hình sự. Sau khi về hưu, bà làm thẩm phán tại quận Willesden của London đến năm 1982.


Một tiếng nói riêng trong một thế giới riêng


pdj

Mấy chục năm làm việc trong ngành y tế quốc dân rồi trong môi trường hình sự và tư pháp đã cho P.D. James bề dày kiến thức và kinh nghiệm, hun đúc một óc quan sát và phân tích vốn đã tinh tế, và là nguyên liệu dồi dào cho những tiểu thuyết hình sự tinh vi và đặc sắc. Nhưng để nổi trội giữa một rừng sách trinh thám hình sự và, khó hơn nữa, giữ vững chỗ đứng với thời gian, còn phải có cái gì rất đặc biệt, rất riêng, lôi cuốn người đọc vào một thế giới đã một lần đến thì luôn luôn muốn trở lại. So với những tác giả hàng năm đều đặn cho ra một hoặc hai tác phẩm, P.D. James không sáng tác nhiều, chỉ 22 tựa sách và một số truyện ngắn, kịch bản trong hơn nửa thế kỷ cầm bút. Người đọc trung thành phải kiên nhẫn nhưng sự chờ đợi bao giờ cũng được đền bù xứng đáng. Lật những trang đầu một quyển truyện mới ra như trở về một căn nhà xưa, nghe lại một giọng nói thân quen kể một câu chuyện mới nhưng cùng âm hưởng với những câu chuyện trước, như một trang viết thêm vào một quyển sách đã dày.

Cái tiếng nói riêng ấy, khiến sách của P.D. James không thể lầm lẫn với của bất cứ ai khác, là một văn phong thanh tao điêu luyện, câu chữ chính xác, hành văn mạch lạc. Một phong cách cổ điển có chủ ý, dứt khoát không chạy theo thị hiếu và những khuynh hướng thời thượng. Trong sách của P.D. James không có tiếng lóng, chửi thề văng tục, ngay cả những nhân vật trẻ tuổi đều ăn nói đâu ra đấy, văn phạm chỉnh tề. Chỉ những nhân vật (phụ) trẻ con hay rất bình dân mới được nói đúng giọng của họ. Ngay cả trong những tác phẩm gần đây nhất, P.D. James không bao giờ dùng « Ms. » thay cho « Mrs. » để phải phép với phong trào nữ quyền. Đấy là một nét bảo thủ nhưng cũng do tính ương ngạnh và độc lập của bà, chối bỏ cái « politically correct », cái « phải đạo », khi nó biến thành trở lực, gò bó tư duy. Bà có hai nguyên tắc bất di bất dịch : cốt truyện dù có phức tạp tinh vi tới đâu cũng không thể cứu vãn một quyển sách viết tồi, và một tác giả bao giờ cũng phải viết cho độc giả chứ không phải cho nhà xuất bản hay thị trường. « Có hàng ngàn người thích giải trí với một truyện hình sự cổ điển và theo tôi họ phải được đọc một truyện hay và viết khá. Tôi viết cho những người ấy. Họ đâu muốn tôi tuân theo thị hiếu. Họ muốn có một quyển truyện hay, viết nghiêm túc và theo tôi họ hoàn toàn có quyền đòi hỏi như thế. »

Ngoài văn phong tao nhã sắc sảo, truyện của P.D. James cũng nổi tiếng về bố cục chặt chẽ, cốt truyện phức tạp nhưng khả tín, và bề dày tâm lý của các nhân vật, được miêu tả sống động. Làm việc lâu năm trong môi trường khoa học, P.D. James rất nghiêm túc khi viết văn. Bà khổ công nghiên cứu về đề tài mỗi khi bắt đầu một cuốn sách mới, chịu khó trao đổi với chuyên gia, lặn lội đến hiện trường. Để mô tả chính xác nhà máy điện hạt nhân là bối cảnh trong « Devices and Desires » (1989), P.D. James đến thăm các nhà máy ở Sizewell và Winfrith, mặc cả quần áo bảo hộ để vào tận nơi nhìn kỹ một lò phản ứng hạt nhân. Trước khi viết « A Certain Justice » (1997), xoay quanh vụ ám sát một luật sư, bà bỏ hơn một năm để nghiên cứu tìm tòi, gặp gỡ các luật sư, ăn trưa với các quan toà, đến nghe những buổi xử án tại Old Bailey, toà án đại hình nguy nga lộng lẫy và cổ kính nhất London. Những tiểu thuyết của P.D. James thường nảy sinh từ ấn tượng của một phong cảnh, cảm xúc trước không khí đặc biệt của một nơi chốn nào đó. Bà rất thích khu Chambers, tập trung văn phòng các luật sư trong địa hạt Temple nổi tiếng của London. « Ở đấy như một thành phố thế kỷ 18. Bước qua vòm cổng, vào đến sân là không còn nghe một tiếng động gì nữa của London. Trước mặt là ngôi nhà thờ rất cổ xưa Temple Church. Không có cả điện, tất cả đều thắp sáng bằng ga. Không khí êm ả lạ thường. Tôi tự bảo, làm náo loạn nơi này một tí chắc cũng hay. »

Đó là thế giới của P.D. James: những ngôi nhà cổ kính, những bức tường rêu phong, những cottages cũ kỹ ở nông thôn, những bờ biển hoang vu xa vắng, một nước Anh còn tồn tại từ những thế kỷ trước, nhưng trong tương lai sẽ thuộc về ký ức nhiều hơn thực tế. Nước Anh từ lâu đã trở thành đa văn hoá, những cộng đồng di dân đông đảo, đặc biệt người Ấn Độ và Pakistan, đã thay đổi bộ mặt của nhiều thành phố, với những vấn đề nhiều khi gay gắt đặt ra cho xã hội. Song trong những tiểu thuyết của P.D. James, tất cả những nhân vật đều là người Anh chính cống, vắng bóng người « ngoại quốc », chỉ được nhắc đến thoáng qua, dưới tên một người hàng xóm chẳng hạn. Chỉ trong những tác phẩm cuối cùng mới có một nhân vật đại diện cho một bộ phận không nhỏ của dân chúng Anh hiện nay, dưới hình hài của một trung sĩ hình sự người Anh lai Ấn Độ. Chẳng lẽ chính P.D. James cũng vô hình trung mắc phải cái tật nêu lên trong nhận xét về « óc giai cấp và cái hợm hĩnh ở mọi tầng lớp xã hội Anh, sự tin chắc tuy không nói ra là để làm việc tốt nhất chỉ có thể với những người giống lông cùng cánh » (A Certain Justice, 1997) ? Có lẽ đơn giản chỉ vì thế giới của P.D. James phản ánh một tâm trạng hoài cổ, dễ hiểu nơi một người đã sống đủ lâu để tiếc nuối những gì đã qua và không thể trở lại.


Khi nhân vật là alter ego của tác giả


Vậy cái gì có thể làm một người nếu không đã từng sống ở Anh hoặc không chia sẻ sự hoài niệm ấy gắn bó với những tiểu thuyết của P.D. James? Tài năng của nhà văn tất nhiên, nhưng cũng phải kể đến hấp lực của một nhân vật gây ấn tượng ngay từ khi xuất hiện trong tiểu thuyết đầu tiên: « Scotland Yard’s wonder boy » Adam Dalgliesh, thanh tra trưởng hình sự (Detective Chief Inspector) được tác giả sau đó thăng chức lên chỉ huy trưởng (Commander). Một sĩ quan cảnh sát kiệt xuất và cũng là thi sĩ nổi tiếng, được đồng nghiệp kính nể nhưng e dè vì tính tình khép kín, xa cách, bề ngoài lãnh đạm đôi lúc lạnh lùng. Khác với những nhân vật, kể cả những nhân vật rất phụ, thường được mô tả rất chi tiết, Adam Dalgliesh chỉ được phác hoạ vài nét chính: một người đàn ông đã đứng tuổi, cao hơn một mét tám mươi, tóc nâu đen, có nét đẹp lịch lãm. Cái đắp xương thịt cho hình bóng ấy là những câu nói, cách nói, suy nghĩ, hành động của viên thanh tra và kể cả cảm tưởng, phản ứng của các nhân vật khác, cho người đọc nhìn thấy qua mắt họ.

Có tiếng loảng xoảng ở phía quầy. Một cô hầu bàn vừa đánh rơi chiếc khay đựng bát đĩa bẩn. Quay đầu nhìn theo phản xạ, Sister Rolfe thấy viên thanh tra vừa bước vào và cầm khay đứng xếp hàng. Bà nhìn vóc dáng cao lớn giữa các cô điều dưỡng vô tư nói chuyện ríu rít, thong thả đi tới, giữa một anh nhân viên mặc áo khoác trắng và một cô tập sự, lấy bánh mì và bơ, đợi nhận phần ăn đã chọn. Bà ngạc nhiên thấy anh ở đây. Chưa hề nghĩ anh ta có thể ăn ở căn-tin của bệnh viện hoặc đi ăn một mình. Bà nhìn theo anh đi hết quầy, đưa phiếu ăn rồi đảo mắt tìm một chỗ trống. Trông anh hoàn toàn thoải mái và gần như dửng dưng với thế giới chung quanh. Đây là một người đàn ông chắc không bao giờ cảm thấy bị lép vế trước bất cứ ai vì yên ổn trong thế giới riêng của mình, lấy lòng tự trọng trong thâm tâm làm nền tảng của hạnh phúc. Bà tự hỏi cái thế giới ấy ra sao, rồi cúi xuống nhìn vào đĩa, lạ nhỉ sao lại thắc mắc về anh ta như thế. Đàn bà phần đông chắc thấy anh ta đẹp trai, với cái khuôn mặt xương xương này, vừa kiêu ngạo vừa nhạy cảm.  (Shroud for a Nightingale, 1971)

Đấy là phong cách trầm tĩnh luôn gặp lại trong mỗi quyển truyện, tạo sự thân quen và đồng cảm giữa người đọc và nhân vật. Dalgliesh lúc nào cũng ôn tồn từ tốn, lễ độ ngay cả đối với thuộc hạ, nhưng chính thái độ lịch sự tạo ra khoảng cách, đặt giới hạn cho người khác không thể vượt qua. Cái bí ẩn của một người rất kín đáo riêng tư là nét lãng mạn tăng sức quyến rũ của một nhân vật đã được tác giả ban cho nhiều đức tính: tài năng, thông minh, đạo đức và nhân bản. Những đức tính của chính P.D. James.

Trong khi Sir Miles lầm bầm và hị hụi làm việc, Dalgliesh đi thêm một vòng quanh phòng, cẩn thận tránh không nhìn về phía ông bác sĩ pháp y. Anh biết cảm giác ngần ngại này vô lý tính và cũng hơi xấu hổ vì nó. Những cuộc mổ xẻ khám nghiệm tử thi đâu có làm anh run sợ. Cái anh không chịu được là sự xem xét vô cảm thân thể còn ấm của một phụ nữ. Cách đấy chỉ vài giờ nàng còn có quyền đòi hỏi một chút kín đáo riêng tư, được tự chọn bác sĩ cho mình, không chấp nhận để những ngón tay trắng toát ấy háo hức xăm xoi. Vài giờ trước đó, nàng là con người. Bây giờ nàng là xác chết. (Shroud for a Nightingale, 1971)

Người đọc còn cảm nhận tác giả gửi gấm ở Dalgliesh nhiều hơn thế nữa. P.D. James cho anh ta chia sẻ những sở thích của chính mình : văn chương, thi phú, kiến trúc, hội hoạ. Bà còn cho cả một nỗi đau riêng. Người vợ mất lúc sinh con và đứa bé cũng qua đời ngay sau đó là vết thương sâu kín của Dalgliesh. P.D. James goá chồng lúc mới ngoài 40 tuổi và ở vậy cho đến già. Sự cô đơn của Dalgliesh không khác nỗi buồn sâu sắc của bà cả mấy chục năm sau.

Tôi sẽ không viết về cuộc hôn nhân của tôi trong những mảnh hồi ký này, chỉ nói là tôi không bao giờ tìm được, và thật ra cũng không tìm kiếm, người nào khác khiến tôi muốn chung sống quãng đời còn lại. Tôi nghĩ về Connor với yêu thương và đau buồn về những gì anh đã không được hưởng: những đứa cháu ngoại lẽ ra làm anh vui biết bao, những thành công của tôi, có thể giúp anh chịu đựng căn bệnh tâm thần – có tiền bao giờ cũng dễ hơn -, những chuyến du lịch, tiếng cười, những vinh quang nho nhỏ và cuộc sống hàng ngày mà chúng tôi đã không được chia sẻ.  (Time to Be in Earnest, 1999)

Khi một nhân vật hư cấu gần gũi như thế với tác giả, có thể hiểu tại sao đối với độc giả trung thành, Adam Dalgliesh cũng « thật » không kém P.D. James, như một hình bóng không thể tách rời. P.D. James công nhận : « Adam tượng trưng cho những đức tính tôi phục nhất nơi một người đàn ông : nhạy cảm, can đảm và thông minh ..  có lẽ đấy là mẫu người lý tưởng tôi mong được như thế nếu là đàn ông ». Trong những buổi phỏng vấn bà thường được hỏi về xuất xứ của người hùng và cho biết bà mượn tên của Miss Dalgliesh, cô giáo Anh văn bà rất mến phục khi đi học, và chỉ lâu sau khi đã là nhà văn nổi tiếng mới được biết là tình cờ, cha của người thầy dạy cũ cũng tên là Adam. Bà giải thích: « Ngay từ đầu, tôi muốn người đọc phải được thuyết phục. Một thám tử tư thật ra không có phương tiện để điều tra một vụ ám sát. Phải là một người chuyên nghiệp, và chỉ có thể là một người đàn ông vì thời đó chưa có đàn bà trong đội ngũ cảnh sát hình sự. Tôi chỉ dựng lên một nhân vật sẽ làm tôi thích thú nếu gặp trong sách vở: can đảm nhưng không liều lĩnh, nhân ái nhưng không uỷ mị. »

Sau Dalgliesh P.D. James cũng có tạo dựng một nhân vật nữ, Cordelia Gray, thám tử tư trong hai tác phẩm « An Unsuitable Job for a Woman » (1972) và « The Skull beneath the Skin » (1982). Quyển đầu viết khi làm việc ở cơ quan pháp y của Bộ Nội vụ, những công việc chắc hẳn có người bảo bà là « không thích hợp với phụ nữ ». Cordelia Gray cũng có vài nét gợi nhớ P.D. James : một cô gái thông minh, đầy nghị lực, phải nghỉ học lúc 16 tuổi theo lệnh cha trong khi con đường lên đại học rộng mở. Bị trách tại sao chỉ cho Cordelia « sống » trong hai tác phẩm, P.D. James giải thích là khi nhóm thực hiện bộ phim truyền hình cải biên từ hai quyển này, bất chấp phản đối của bà, thay đổi hoàn toàn cá tính của Cordelia, bà hiểu ra là nhân vật của bà đã tan biến. Chỉ có Adam Dalgliesh tiếp tục song hành với bà, trong 14 tác phẩm chấm dứt với « The Private Patient » (2008).


Một sự nghiệp lừng lẫy


Thành công của tác phẩm đầu tay « Cover her Face » mở đầu cho mỗi chuỗi tác phẩm đều được các nhà phê bình khen ngợi, độc giả hưởng ứng. Mỗi cuốn sách củng cố thêm vị trí của nhà văn, nới rộng vòng độc giả trung thành, nhất là từ « Shroud For A Nightingale » (1971) trở đi, nhưng phải đợi đến tác phẩm thứ tám, « Innocent Blood » (1980), sự nghiệp bà mới thật sự  bùng nổ trên thế giới. Sách bán chạy như tôm tươi, được dịch ra nhiều thứ tiếng, quay thành phim. Bản quyền cho sách bỏ túi lên đến 380 000 bảng Anh, bản quyền cho phim 145 000 bảng, nhiều hơn lương trong 10 năm làm việc ở Bộ Nội vụ. P.D. James có thể an tâm về hưu. Bà kể lại : « Thứ hai bắt đầu một tuần lễ bình thường. Thứ sáu tôi trở thành triệu phú. » Từ đó, bà là một trong những tác giả hình sự « kinh điển », mỗi tác phẩm ra đời không bao giờ dưới 300 000 bản, và chỉ riêng ở Mỹ số sách bán được cho tới nay tổng cộng trên 10 triệu cuốn. Sự thành công liên tục cho đến tác phẩm cuối cùng « Death comes to Pemberley » (2011).

Bà được báo Times mệnh danh là « Queen of Crime », nữ hoàng của truyện hình sự, và được phong danh hiệu Officer of the Order of the British Empire (OBE) trên danh sách danh dự (Honours List) 1983 của Nữ hoàng Anh Elizabeth II, và năm 1993 được thăng lên Commander of the British Empire. Năm 1991, bà được phong tước quý tộc trọn đời (life peer)i với tước danh Nữ Nam tước Baroness James of Holland Park, of Southwold in the County of Suffolk, và gia nhập Viện Quý tộc (House of Lords), tức Thượng nghị viện Anh, trên ghế của phái bảo thủ. Bà đã là thành viên của nhiều hiệp hội, cơ quan đoàn thể quan trọng như Arts Council of England, British Council, Royal Society of Literature, Royal Society of Arts,v.v. Bà còn là chủ tịch Hội nhà văn Anh, Society of Authors, từ 1997 đến 2013 và uỷ viên ban quản trị (Governor) đài BBC từ 1988 đến 1993.

Những chức danh khác và giải thưởng văn học cũng rất nhiều. Bà là tiến sĩ danh dự của các đại học Buckingham, Hertfordshire, Glasgow, Durham, Portsmouth, London, và Essex, và là uỷ viên ban giám đốc (Fellow) các trường nổi tiếng Downing College (thuộc đại học Cambridge), St Hilda's College (đại học Oxford) và Girton College (Cambridge). Trong những giải thưởng văn học bà nhận được từ nhiều nước, có thể kể Crime Writers' Association (CWA) Macallan Silver Dagger for Fiction (3 lần), CWA Cartier Diamond Dagger cho toàn bộ các tác phẩm, The Best Translated Crime Fiction of the Year in Japan, Kono Mystery ga Sugoi! 1992 cho « Devices and Desires », Grandmaster Award, Mystery Writers of America, Grand Prix de Littérature policière, v.v. Và 15 trên 22 tác phẩm của bà đã được cải biên thành phim truyền hình hay điện ảnh, trong đó 12 truyện với nhân vật Adam Dalgliesh.

Sự thành công ấy tương xứng với tài nghệ của nhà văn, P.D. James thường được tôn vinh là tác giả đã đưa truyện trinh thám hình sự lên hàng văn chương cấp cao. Song bà phản đối lời khen ấy vì đối với bà đây không phải là một thể loại thứ yếu, không đặt ra vấn đề cấp bậc văn chương, chỉ có những người viết giỏi hay viết kém. Cũng vì thế bà bực bội khi được so sánh với Agatha Christie, bà đánh giá là viết cẩu thả, và trừ Dorothy L. Sayers và Margery Allingham bà say mê đọc khi còn nhỏ, cũng không ưng những tiểu thuyết của Thời Hoàng kim : « Những tiểu thuyết ấy khá chán vì không thực tế, tô vẽ và thơ mộng hoá sự giết người, có dính dáng gì đâu đến cái thảm kịch đổ máu đổ ruột ở ngoài đời. Không thể xem đấy là những cuốn sách mô tả thực cái rùng rợn, cái bi thảm, cái tai ương của giết người. » Bạo lực vừa là nguồn hứng khởi sáng tác vừa là cái ghê tởm và bà thú nhận rất sợ trộm cướp, kẻ lạ đột nhập. « Tôi là con của một cuộc hôn nhân không mấy hạnh phúc và do đó lớn lên trong lo âu, chỉ sợ bất trắc xảy ra, một tai hoạ nào đó. »  Khi được hỏi tại sao chọn viết truyện hình sự, bà trả lời : « Cái chết là điều bao lâu nay vẫn thu hút tôi và ngay từ khi còn nhỏ tôi lúc nào cũng cảm nhận cuộc sống rất mong manh. » Nhưng nhất là truyện hình sự đòi hỏi cấu trúc chặt chẽ, phải có đầu có đuôi và tất cả những gì cần ở giữa, có tác dụng trấn an chúng ta là cuộc sống thiêng liêng, giết người là một trọng tội hàng đầu, làm đảo lộn trật tự xã hội nhưng rồi đạo đức bao giờ cũng phải thắng, kẻ sát nhân phải bị lật mặt và trừng trị, bởi luật pháp của con người hay luật của Chúa Trời.

Truyện trinh thám hình sự cũng là một kiểu đấu trí giữa người viết và người đọc, một truyện hay phải có những tình tiết bất ngờ, thú vị và đây là một điểm mạnh của P.D. James. Cái sự tò mò phải được kích thích và thoả mãn trong hồi kết, như theo ước lệ của thể loại, bao giờ cũng được khơi dậy trong sách của bà. Ngoài những câu văn tài tình, người đọc còn thích thú trước những chi tiết dí dỏm, so sánh ngộ nghĩnh làm bật cười. Như trong đoạn nói về sự chuẩn bị gian hàng bán đồ cũ, một trong những cái đinh của buổi lễ hội làng sắp tới :

« Nhờ kinh nghiệm lâu năm Deborah thuộc vanh vách xuất xứ của từng món hàng, giá trị bao nhiêu và sẽ bán được cho ai. Cái áo khoác xù xì lót lớp vải chống ướt có thể tháo ra được của Sir Reynold Price được cất ngay sang một bên, để dành cho bác sĩ Epps. Cái áo thật tốt quá cho ông đi thăm bệnh nhân mùa đông trong chiếc xe bỏ mui, vả lại có ai để ý ông mặc gì khi lái xe đâu. Còn cái mũ nỉ cũ kỹ này chính của bác sĩ đây, năm nào bà giúp việc của ông cũng đến đem cho, mong tống khứ nó đi, để rồi chủ nhân nó cau có đến xin mua lại. » (Cover Her Face, 1962)

Hoặc về một người đàn bà có dáng dấp phong trần :

« Đằng sau cái bàn lớn hơn là một người đàn bà tóc đỏ ăn mặc diêm dúa, cổ tay lủng lẳng một đống vòng kêu leng keng, ngồi hút thuốc và chơi ô chữ trên tờ báo. Bà ta trông như một người từ thưở nhỏ đã phải đối phó với một cuộc đời bướng bỉnh nhưng rồi cũng nắn bóp được nó theo ý mình, tuy không khỏi ít nhiều ê ẩm sứt mẻ. » (Innocent blood, 1980)

Một cộng sự của Dalgliesh phải tháp tùng một bà cụ ham khiêu vũ để hi vọng moi thông tin :

Masterson nhớ lại câu nói của một nhà ngoại giao Pháp miêu tả cách khiêu vũ của người Anh « avec les visages si tristes, les derrières si gais »ii : mặt thật buồn , đít thật vui. Ở đây những bộ mông quá là nghiêm nghị nhưng nụ cười toe toét dán chặt trên các khuôn mặt trông giả tạo đến nỗi anh tự hỏi họ có được dạy phải giữ mặt mũi ra sao cùng với cách đi theo nhịp điệu thế nào. Ngoài sàn nhảy, tất cả những người đàn bà đều có vẻ lo âu, từ thoáng e dè đến hốt hoảng bồn chồn. Họ đông hơn đàn ông rất nhiều và có vài cặp đàn bà nhảy chung với nhau. (Shroud for a Nightingale, 1971)

Còn đây là bà thư ký khó tính của Cordelia Gray :

Bà là một phụ nữ xấu tướng, đôi môi lúc nào cũng mím chặt như để giữ hàm răng hô không bung ra khỏi miệng, cái cằm lẹm với một sợi lông thô cứ hễ nhổ đi là mọc lại ngay, mái tóc vàng chải thành những lọn quăn tít cứng nhắc. Nhìn cái cằm và miệng ấy, Cordelia nghĩ, không thể tin là mọi con người sinh ra đều bình đẳng và nàng thỉnh thoảng cố gắng có thiện cảm với Miss Sparshott, với một cuộc sống trong căn phòng trọ, đo đếm bằng những đồng tiền năm xu bỏ vào công tơ bếp ga và quanh quẩn với những đường kim mũi chỉ. Vì Miss Sparshott rất khéo tay và là học trò cần mẫn của lớp học may đêm. Quần áo của bà cắt may đẹp lắm nhưng phi thời gian tới mức không bao giờ giống những thứ đang thịnh hành. (An Unsuitable Job for a Woman, 1972)

Ai đã trọ học ở Cambridge đầu những năm 1970 còn nhớ hồi ấy phải thường xuyên có sẵn những đồng 5 pence màu vàng để bỏ vào cái công tơ mua lấy vài giờ sưởi tuy không khí chỉ ấm được lên trong vài mét, ít khi nào đến tận góc phòng. Đã thế còn phải tính toán tối ưu, bỏ nhiều thì hao, mà hà tiện quá thì sẽ không tài nào chui ra khỏi chăn những buổi sáng nước đóng băng trên cửa sổ, trong chứ không phải ngoài căn phòng. Ngôi nhà ba tầng, chia thành nhiều phòng trọ, là nơi trú ngụ của vài người độc thân khác, một anh trẻ tuổi hiền lành hay đỏ mặt, một anh chàng ngổ ngáo thích đùa giỡn, dạy cô sinh viên Á đông những câu không thể học ở trường, và hai người đàn bà luống tuổi hay ngồi uống trà trong bếp, kể cho nhau buổi đi chơi thất vọng với người đàn ông mới quen : « Trời lạnh căm căm, đi ngang qua cái pub tao muốn vào quá, đưa mắt nhìn mà hắn vẫn cứ ung dung đi dạo tiếp, bàn chuyện thơ văn. Với tên này chắc lại chẳng đi đến đâu thôi.» Những con người thật và đối thoại thật ấy không khác gì những con người và câu nói trong các truyện của P.D. James. Chỉ vài chi tiết như mấy đồng năm xu, cái công tơ ga và những mảnh vải khâu tay đủ làm sống dậy nơi người đọc một góc của nước Anh, cho thấy cuộc sống chật vật và tẻ nhạt của một người đàn bà cô độc. Rất giống cuộc sống của hai cô gái sắp già cùng trọ ở Bateman Street một thời xa xưa.

Những sáng tác về sau của P.D.James nặng nề u tối hơn nhưng thình thoảng vẫn có những câu hóm hỉnh làm nhẹ bớt không khí. Sự so sánh càng châm biếm khi nói về một buổi họp giữa Commander Dalgliesh, thủ trưởng Harkness của anh và Sir Alred Treeves, một đại gia đến yêu cầu Scotland Yard điều tra cái chết cùa con trai:

« Họ ngồi vào bàn với thái độ thận trọng gờm gờm của ba ông trùm mafia gặp nhau để giải quyết những vấn đề đụng chạm đến quyền lợi của mỗi bên. » (Death in Holy Orders, 2001)

P.D. James tự định nghĩa mình là một người « đầu bi quan nhưng tim lạc quan ». Quả vậy, những người đến thăm thường nhận xét bà là người cởi mở, ân cần và khiêm tốn, không đường bệ hoặc làm người khác e dè, tươi vui và sôi nổi hơn hình ảnh người đọc có thể có về bà. Dù tuổi cao, sức yếu đi nhiều sau lần giải phẫu thay xương hông và bị liệt tim năm 2007, bà vẫn sẵn sàng tham gia những buổi giới thiệu sách, ký tặng sách hay gặp gỡ phóng viên. Đến tuổi 90, bà còn viết « Death comes to Pemberley », tác phẩm cuối cùng, xuất bản năm 2011, như để tạ ơn Jane Austen, nhà văn bà suốt đời ngưỡng mộ và coi như người tri kỷ, thường xuyên nhắc đến trong những tiểu thuyết của bà. Jane Austen (1775-1817), nữ sĩ được yêu mến nhất của văn chương Anh, với những tác phẩm kinh điển nằm lòng nhiều người. Những nhân vật Elizabeth Bennet, Mr. Darcy, Elinor Dashwood hay Anne Elliot cũng quen thuộc với người Anh như Thuý Vân, Thuý Kiều, Tử Hải hay Lục Vân Tiên với người Việt Nam. « Death comes to Pemberley » tiếp nối « Pride and Prejudice », tác phẩm nổi tiếng nhất của Jane Austen, và khéo léo lồng trong đó một chuyện hình sự. Trái tim lạc quan của P.D. James trước khi ngừng đập vẫn còn hứng khởi với một tác phẩm mới viết dở dang. Còn sống còn thích viết, còn có dự tính cho tương lai.

Lạc quan với cuộc sống nhưng P.D. James cũng ngày càng bi quan về những diễn biến của thời cuộc và thế sự. Truyện của bà đen tối hơn, những cái chết được mô tả ghê rợn hơn, các nhân vật có tâm địa hắc ám. Bà còn vẽ ra một viễn tượng kinh hoàng cho nước Anh năm 2021, càng kinh sợ vì đặt trong một tương lai không xa lắm. « The Children of Men » (1992) thường được xem như một truyện khoa học giả tưởng nhưng đấy không phải là chủ đích của P.D. James. « Sự thể là tôi có đọc một bài điểm sách nói về hiện tượng khả năng sinh sản của người đàn ông Tây phương suy giảm trầm trọng – chỉ còn một phần ba so với thế hệ cha ông của chúng ta. Và tôi tự hỏi thế giới sẽ ra sao nếu khả năng sinh sản hoàn toàn biến mất ở khắp mọi nơi, đến lúc không còn ai sinh đẻ. Đó là một quyển sách đen tối, rất đen tối. Cốt lõi của nó là sự hỗn loạn. »

Một vài nhà phê bình chê P.D. James đã lỗi thời, không nắm bắt và phản ánh những thay đổi của xã hội, xa rời thực tế chung quanh. Quả thật trong truyện của bà, cái hiện đại nhất là điện thoại di động, không có Internet, không có Google, các kỹ thuật pháp y cũng chỉ đóng vai trò phụ, chủ yếu xác nhận sự tinh tế sáng suốt của Dalgliesh hơn là phương tiện dẫn dắt anh đến kết luận. Dalgliesh và ê-kíp của anh vẫn chỉ dùng bộ óc: quan sát, phân tích, trực cảm và vận dụng kinh nghiệm. Không phải chỉ vì P.D. James sinh ra trước « thế hệ số hoá » gần cả một thế kỷ (bà vẫn viết tay rồi mỗi ngày đọc cho người phụ tá trung thành từ mấy chục năm, Joyce McLennan, chép vào máy tính), mà nhất là vì bà đặt con người lên trên máy móc, và sự thông minh lên trên tất cả. Có lẽ bà cũng cảm thông tâm trạng của những người là nạn nhân của tiến bộ, như người thư ký toà án già lo mất việc vì những xu hướng và trào lưu mới :

Nếu ông Laud lên thay, liệu ông ta có đủ sức đối phó với Miss Aldridge? Nếu ông Langton về hưu thì Miss Aldridge sẽ rảnh tay làm theo ý mình, sẽ làm áp lực hơn nữa để bổ nhiệm một người trách nhiệm quản lý, áp dụng những phương pháp mới, kỹ thuật mới. Liệu có còn chỗ cho mình trong thế giới hiện đại ấy, nơi mà hệ thống quan trọng hơn con người ? (A Certain Justice, 1997)

Song dù truyện trinh thám hình sự có được cách tân như thế nào đi nữa, những động cơ sát hại kẻ khác vẫn không thay đổi, vẫn là những hỉ nộ ái ố của con người từ bao giờ:

Dalgliesh lại một lần nữa nhớ đến câu nói của ông trung sĩ hình sự già khi anh vừa mới được bổ nhiệm cảnh sát viên hình sự. « Tình-yêu, Tính-dục, Thù-ghét, Tham-lợi, bốn chữ T giết người, cậu nhỏ ạ. Và trong bốn cái T ấy, tham-lợi là to nhất ». « Love, Lust, Loathing and Lucre, the four Ls of murder, laddie. And the greatest of these is lucre » (A Taste for Death, 1986)

Cho nên P.D. James không sợ bị đào thải và bà châm biếm :

Chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ đến lúc một bestseller sẽ do máy tính viết với đầy đủ nguyên liệu về tính dục và bạo lực chép vào máy. Nhà xuất bản sau đó sẽ tìm một anh chàng hay cô nàng nào có bộ mặt hợp thời trang, những vòng cong thân thể cần thiết và một cuộc đời tình ái ly kỳ, đưa tên lên bìa sách. Cuốn sách sau đó được bán trên Internet và thế nào cũng làm chấn động cả văn đàn. Còn bây giờ thì hình như vẫn còn nhiều người quan tâm đến một bà cụ già viết truyện trinh thám Anh cổ điển. Nhờ thế ngày mai tôi lên đường cho một chuyến chu du 19 ngày đến 12 thành phố Mỹ.  (Time to Be in Earnest, 1999)

Bà vẫn bình thản đi theo con đường của mình, mặc ai nói ngả nói nghiêng, vì là một tư duy tự do, yên ổn trong thế giới riêng của mình.


Một tư duy tự do


pdj

P.D. James rất ngoan đạo, chăm đi lễ và là thành viên bảo trợ (lay patron) của hội Prayer Book Society, một hội cổ vũ nghi lễ truyền thống của giáo hội Anh dựa trên Sách Cầu nguyện chung (Book of Common Prayer). Song, trong « Death in Holy Orders » (2003), bà mạnh dạn tấn công vào một vấn đề nhức nhối của giáo hội Anh (như các giáo hội khác) : những ông cha có quan hệ tính dục với trẻ con, những chức sắc đồi bại. Ở đây, P.D. James vẫn viết một truyện hình sự, với những cái chết bí mật chấn động một tập thể cách biệt với thế giới bên ngoài, chứ không bàn về tương lai của giáo hội Anh, nhưng qua đó cho thấy bà không ngần ngại đụng chạm đến một thiết chế hết sức quan trọng đối với bà.

Ngày 31.12.2009, P.D. James được mời điều khiển một buổi phát thanh của chương trình Radio 4’s Today của đài BBC và phỏng vấn Mark Thompson, tổng giám đốc đài BBC. Bà chất vấn Thompson về mức lương kếch sù của các thành viên ban giám đốc đài BBC, trong đó có tới 37 người lãnh lương cao hơn cả Thủ tướng Anh. Thompson, một tay hùng biện có tiếng, bị bà dồn tới chân tường, ấp úng không cãi được, phải chịu thua. Báo chí tường thuật buổi phát thanh này đua nhau chạy những tít lớn "Mark Thompson  bị P.D. James cho đo ván", "P.D. James đánh gục Mark Thompson", v.v.  Năm sau P.D. James được trao giải Nick Clarke, do giới truyền thông sáng lập để tưởng nhớ một đồng nghiệp đáng kính và khen thưởng những phóng viên tài ba với bằng khen và 12 chai rượu Bordeaux ngon. Giai thoại này được truyền tụng lâu sau đó như kỳ tích của một bà cụ đã 89 tuổi nhưng vẫn gan góc nói thẳng về một vấn đề đang gây công phẫn trong dư luận.

Nước Anh vốn là một xã hội đẳng cấp, không chỉ vì vẫn còn là một vương quốc trong thế giới hiện nay. Có lẽ ít có xã hội đương thời nào phân chia giai cấp chi li như thế. Ở đâu cũng có người giàu, người nghèo, giai cấp công nhân, trí thức, trung lưu, thượng lưu, người nông thôn, người tỉnh thành. Ở Anh có giai cấp lao động (working class), trung lưu (middle class) và thượng lưu (upper class), cộng thêm giới quý tộc (aristocracy), nhưng giới lao động (cũng hay được hiểu là bình dân) và trung lưu còn được chia thêm theo thứ bậc cao (upper) thấp (lower). Giữa giới thượng lưu và giới quý tộc còn có những người giàu sang không có tước vị nhưng được quyền có huy hiệu như những nhà quyền quí khác, thuộc về tầng lớp gentry, của những gentlemen, không nhất thiết là người quân tử. Bảy giai cấp phân chia rạch ròi, ai cũng biết mình thuộc vào đâu, và chỉ một vài câu nói, qua cách phát âm, là đủ xác định nguồn gốc và cương vị xã hội của mỗi người. Sự nhận thức giai cấp hầu như là một đặc thù văn hoá của người Anh, có mặt trong văn chương cũng như trong cuộc đời.

Philippa biết mình được ưu đãi khi đi tìm thuê một căn hộ hai phòng, có đồ đạc, giá phải chăng ở trung tâm London ; bề ngoài, tuổi tác, giọng nói và màu da – tuy không ai dại dột ám chỉ đến chủng tộc – tất cả đều có lợi cho nàng. Nàng đọc được lợi thế ấy trong ánh mắt đánh giá và sự vồn vã của những cô tiếp tân và người phỏng vấn nàng ở hơn một chục văn phòng địa ốc nàng ghé qua. (Innocent blood, 1980)

Xuất thân từ giai cấp lao động cao (upper working class), P.D. James, bằng tài năng và nghị lực, đã vượt ra khỏi hoàn cảnh chật vật của những người đồng cảnh ngộ, tự tạo cho mình một địa vị đáng nể, với cả những vinh dự cao nhất, nhưng vẫn giữ cái nhìn sắc bén về xã hội đẳng cấp.

« Giọng của Lady Ursula, đúng như Dalgliesh chờ đợi, mang âm sắc kiêu ngạo của giai cấp thượng lưu, một sự kiêu ngạo nhiều khi dường như không tự giác nơi chính chủ nhân của nó ». (A Taste for Death, 1986)

Một xã hội đẳng cấp và phải đối diện với những vấn đề chính trị, văn hoá đặt ra bởi hiện tượng di dân, trách nhiệm lịch sử của thời đế chế trước. P.D. James phản đối cái tư duy độc nhất gạt bỏ, nhân danh công bình và bác ái, những quan ngại có thể hiểu được của những người ngỡ ngàng trước sự biến đổi của xã hội và đất nước họ.

Rhoda nghĩ, trông họ không khác bao nhiêu những năm 1930, 1940. Một cảm xúc lạ lẫm, vừa tội nghiệp vừa bực bội, làm nàng bối rối. Nàng tự bảo « Mình không có chỗ ở đây, mình không thoải mái với họ và họ cũng không thoải mái với mình. Cái xã giao ngại ngùng của họ không xoá được hố ngăn cách giữa họ và mình. Nhưng mình xuất phát từ đây, đây là những người cùng gốc gác với mình, cái giai cấp lao động cao hoà nhập vào giai cấp trung lưu, cái cộng đồng vô định hình và ít được nhắc đến, cầm súng khi đất nước lâm chiến, nộp thuế má, bám víu vào những gì còn lại của truyền thống. » Họ đã phải chứng kiến lòng yêu nước giản dị của họ bị nhạo báng, đạo đức của họ bị khinh chê, tiền dành dụm của họ bị mất giá. Họ không quấy nhiễu. Nhà nước không phải thường xuyên đổ tiền triệu vào những khu họ ở để mua chuộc, vuốt ve hay ép họ trở thành công dân tốt. Nếu họ bất bình vì thành phố của họ trở nên xa lạ, con cái họ được dạy trong những trường học quá tải với chín mươi phần trăm trẻ con không biết nói tiếng Anh, họ bị răn đe, giáo huấn về cái trọng tội kỳ thị chủng tộc bởi những người sống trong hoàn cảnh phong lưu và an nhàn hơn họ. (The Private Patient, 2008)

Trong một bài phát biểu năm 2009, P.D. James công kích cái bà gọi là « sự sùng bái cái phải đạo » (« the cult of political correctness ») theo bà thật ra có tác dụng phân hoá xã hội : « Nếu mỗi khi nói về những nhóm thiểu số chúng ta phải cân nhắc từng câu chữ để khỏi lỡ vô tình gây xúc phạm, làm sao chúng ta có thể thoải mái với nhau, biểu dương cái nhân bản chung của chúng ta, những lo âu và khát vọng chúng ta cùng chia sẻ. »

Nếu P.D. James còn sống sau ngày 7.1 vừa qua, dù rất khác biệt, về phong cách cũng như chính kiến, những nhà báo bị tàn sát bỉ ổi ở Paris, chắc bà cũng hoà mình vào dòng người khẳng định «Je suis Charlie». Vì những con người nhân bản và tư duy tự do gặp nhau ở những giá trị vượt qua các ranh giới thường tình của chính kiến.

P.D. James vẫn lấy làm phương châm câu nói của một nhà văn lỗi lạc cùng tên họ nhưng không họ hàng, văn hào Anh gốc Mỹ Henry James (1843-1916) : mục đích của một tiểu thuyết phải là « giúp trái tim con người hiểu chính mình ». Trong hơn nửa thế kỷ cầm bút, bà đã cần mẫn làm việc đó, với tất cả trí óc và trái tim.

Để vĩnh biệt nhà văn, không có câu chữ nào hay hơn những dòng chót của quyển hồi ký « Time to be in Earnest » P.D. James viết ngày 2.8.1998, một ngày trước sinh nhật 78 tuổi:

« Tuổi trẻ là thời của quyết đoán. Đến tuổi già, chúng ta hiểu là chúng ta có rất ít điều có thể tin chắc, đã học được rất ít và có lẽ cũng đã chẳng thay đổi bao nhiêu. Nhưng nhìn lại quãng đời đã sống, tôi biết chắc là đã có nhiều hạnh phúc. Ít phải đụng chạm với ác tâm và nhận được nhiều khuyến khích và ưu ái. Được sự phi lý tính tuyệt diệu của đức tin trợ lực. Tôi có hai đứa con gái là niềm vui từ khi chúng chào đời, hai người con rể tôi quí mến và năm đứa cháu ngoại luôn đem đến cho tôi thích thú và ngạc nhiên qua mọi cử chỉ hành động. Tôi đi vào tuổi già trong tình cảm ấm áp của bầu bạn, dù chúng tôi đều biết không thể chờ đợi sẽ được cùng nhau đi hết đoạn đường. Và tôi có công việc của tôi. Tôi sẽ tiếp tục viết truyện hình sự bao lâu còn viết ra hồn và tôi hi vọng sẽ biết lúc nào nên dừng lại. Nó đem lại cho tôi và hàng nghìn độc giả vui thú. Không cần phải viện lý do nào khác.

Cơ thể tôi đã thay tế bào không biết bao nhiêu lần từ khi đứa bé 11 tuổi đi vòng quanh Ludlow Castle, tay nâng niu lá thơ sẽ mở cửa cho nó đến với những tuyệt vời và cơ hội của giáo dục phổ thông. Tôi sống hôm nay trong một thân thể khác. Nhưng tôi có thể đi ngược quãng thời gian gần bảy chục năm ấy để nhận ra mình trong cô bé. Ngày đó tôi bước đi trong hi vọng – và bây giờ vẫn thế ».

Tạ ơn những thích thú và ngạc nhiên P.D. James đã tặng cho đời trong từng cuốn sách, ngần ấy năm.


2.2.2015

Đỗ Tuyết Khanh




1.  Tước « life peer » tôn vinh những người có những thành tích xuất sắc trong ngành của mình, có công lao đóng góp cho xã hội và nước Anh, nhưng chỉ dành cho người được nhận, không truyền lại cho người kế thừa.

2. Tiếng Pháp trong nguyên tác.

------------

Danh mục các tác phẩm :


- Với nhân vật Adam Dalgliesh :


* Cover her Face (1962)

* A Mind to Murder (1963)

* Unnatural Causes (1967)

* Shroud for a Nightingale (1971)

* The Black Tower (1975)

* Death of an Expert Witness (1977)

* A Taste for Death (1986)

* Devices and Desires (1989)

* Original Sin (1994)

* A Certain Justice (1997)

* Death in Holy Orders (2001)

* The Murder Room (2003)

* The Lighthouse (2005)

* The Private Patient (2008)


- Với nhân vật Cordelia Gray :


* An Unsuitable Job for a Woman (1972)

* The Skull beneath the Skin (1982)


- Các tác phẩm khác :


* The Maul and the Pear Tree (1971) cùng viết với T.A. Critchley

* Innocent blood (1980)

* The Children Of Men (1992)

* Time To Be In Earnest – A Fragment of Autobiography (1999)

* Talking about detective fiction (1999)

* Death comes to Pemberley (2011)

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Xuân Ất Mùi
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
Nguyễn Hồng Anh: Saigon Kiss 24/01/2025 - 25/04/2025 — Arte
LES LARMES D'ASTYANAX - Olivier Dhénin Hữu 31/01/2025 - 02/02/2025 — Théâtre du lycée Jacques Decour | 12 Avenue Trudaine | 75009 Paris
Festival cinéma - Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Inalco : L'économie vietnamienne en 2024 et ses perspectives 06/02/2025 18:00 - 20:00 — 65 Rue des Grands Moulins, 75013 Paris | Amphi 2
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us