Thương nhớ Giáo sư Vĩnh Sính
Thương nhớ Giáo sư Vĩnh Sính
Phan Huy Lê
Đầu năm 2014, một tin rất buồn đến với giới sử học Việt Nam và các nhà Việt Nam học thế giới : Giáo sư Vĩnh Sính đã từ trần ngày 1-1-2014 tại Canada, thọ 70 tuổi. Anh là Giáo sư danh dự trường Đại học Alberta, một học giả chuyên sâu về lịch sử và văn hóa Nhật Bản, về quan hệ giữa Nhật Bản với Việt Nam và Đông Á, Đông Nam Á. Ngoài những công trình viết bằng tiếng Nhật và tiếng Anh xuất bản ở nước ngoài, anh còn viết và công bố tại Việt Nam một số bài nghiên cứu trên các tạp chí và một số ấn phẩm trong đó có cuốn Việt Nam và Nhật Bản - Giao lưu Văn hóa (Nxb Văn nghệ tp Hồ Chí Minh, 2000) và Nhật Bản Cận đại (Văn hóa tùng thư, Canada 1990, in lại nhiều lần trong nước). Cuốn Nhật Bản cận đại được sử dụng rộng rãi trong ngành đào tạo Nhật Bản học trong thời gian mới thành lập. Khi được giao nhiệm vụ xây dựng Khoa Đông phương học (từ năm 1995) của trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học quốc gia Hà Nội, tôi đã nhận được nhiều ý kiến tư vấn rất sắc sảo của anh, nhất là về Bộ môn Nhật Bản học, trong đó có ý tưởng biên soạn giáo trình nhập môn về Nhật Bản học. Anh đã trực tiếp tham gia giảng chuyên đề cho những khóa Nhật Bản học đầu tiên. Anh cũng là người bạn thân thiết của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và tạp chí Xưa và Nay. Anh đã ưu ái dành nhiều bài gửi đăng tạp chí này, cả thảy 14 bài về quan hệ văn hóa Việt-Nhật và một số vấn đề về lịch sử cận-hiện đại Việt Nam.
Danh mục những bài viết của GS Vĩnh Sính đã đăng trên tạp chí Xưa và Nay
-
Số TT
Đầu đề bài viết
Số Tc
Năm/
Tháng
1
Một nhà văn Nhật Bản viết về Nguyễn Ái Quốc trong thời gian ở Pháp
27
5-1996
2
Tư liệu mới về Phạm Hồng Thái và tiếng bom Sa Điện
37
3-1997
3
Về bức thư Phan Bội Châu gửi Nguyễn Ái Quốc
38
4-1997
4
Shiba Ryotoro : Việt và Nhật (Vĩnh Sính dịch)
39
5-1997
5
Chữ Hán và chữ Hán Việt đối với Việt Nam ngày nay
49
3-1998
6
Nguồn gốc và ý nghĩa tác phẩm Giai nhân kỳ ngộ diễn ca
54B
8-1998
7
Ký sự của Chu Thuần Thủy (1600-1682), một người Trung Hoa đến Đàng Trong giữa thế kỷ XVII
57
11-1998
8
Tư liệu mới về Lý Quốc Vọng (Lê Thiết Hùng) những năm 1931-1933
69
11-1999
9
Một văn thư vương quốc Lưu Cầu gửi sang Việt Nam vào đầu thế kỷ XVI
134
2-2003
10
Đến Côn Đảo nhớ Thi tù tùng thoại
138
4-2003
11
Giao lưu văn hóa Nhật Bản-Việt Nam đầu thế kỷ XX
235
5-2005
12
Nguyễn Trường Tộ và Tân thư
239
7-2005
13
Phật Triết, người Lâm Ấp sang Nhật Bản vào thế kỷ VIII.
378
4-2011
14
Bồ Đề Tiên Na là ai ?
378
4-2011
Sau khi bị tai biến và được bình phục, anh gửi cho tôi một số bài viết và cho phép tôi được quyền đăng tải trên tạp chí Xưa và Nay. Nhân dịp đầu xuân năm Giáp Ngọ-2014, tôi xin được gửi đăng bài viết Ngày Xuân bàn về Trà đạo : Chanoyu (Trà đạo), quá trình ra đời và vai trò của Rikyu để tưởng nhớ đến GS Vĩnh Sính.
Tôi còn giữ nhiều kỷ niệm thân thiết với GS Vĩnh Sính khi anh tham dự Hội thảo quốc tế về phố cổ Hội An năm 1990 tại Đà Nẵng và về Việt Nam học lần thứ nhất năm 1998 tại Hà Nội. Anh đã tận tình giúp đỡ Ban tổ chức và cá nhân tôi rất nhiều trong việc giới thiệu các học giả quốc tế và trong kinh nghiệm tổ chức một hội thảo quốc tế theo thông lệ thế giới. Quan hệ cộng tác và tình bạn để lại trong tôi nhiều tình cảm quý mến và ấn tượng sâu sắc về GS Vĩnh Sính. Giáo sư là một nhà khoa học uyên bác nhưng rất giản dị, khiêm tốn, hết sức chân tình với bạn bè, luôn luôn hướng về quê hương, muốn có những đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Khoa Đông phương học, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, tạp chí Xưa và Nay và cá nhân tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến gia đình Giáo sư Vĩnh Sính.
Phan Huy Lê
NGUỒN
: Bài đã đăng trên tạp chí Xưa và Nay,
bản do tác giả gửi cho Diễn Đàn.
Các thao tác trên Tài liệu