Thương nhớ Tô Hoài
Thương
nhớ Tô Hoài
(1920-2014)
Đặng Tiến
Nhà văn Tô Hoài vừa qua đời tại Hà Nội, khoảng 11 giờ trưa ngày 6.7.2014, thọ 95 tuổi ta.
Tô Hoài tên thật là Nguyễn Liên, phải đổi thành Sen, vì kỵ húy một bậc trưởng thượng nào đó trong làng. Anh không biết ngày sinh chính xác, chỉ kể lại lời bà mẹ : sinh vào một đêm rằm trung thu năm Thân, về sau truy dương lịch ra là ngày 27.9.1920. Nơi sinh cũng không chính xác, tư liệu ngày nay ghi sinh quán là quê nội, huyện Thanh Oai, Hà Đông : trước đây ghi Tô Hoài sinh ra và lớn lên tại quê ngoại, làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, nay là quận Cầu Giấy, Hà Nội, đúng theo lời kể của đương sự « u tôi sinh tôi tại nếp nhà của ông bà ngoại tôi ».
Bút hiệu Tô Hoài được phổ biến là kết hợp hai địa danh quê hương : con sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức, nghe ra thì duy lý nhưng chưa chắc gì đã đúng. Ý nghĩa một từ có khi đến từ âm vang của nó, tôi có lúc viết : Tô Hoài là Tôi nhớ Tôi, là niềm u hoài triền miên về tuổi trẻ và thân phận mình. Tô Hoài nghe rồi cười không phản bác. Anh có lần viết « tôi chẳng thể còn là tôi ngày xưa… »
Phụ thân đi lưu lạc Nam kỳ, rồi mất sớm. Tô Hoài sống với người mẹ nghèo « làm giấy phèn đem bán rong cho người ta gói hàng ». Bảy tuổi mới đi học, vò vẽ loanh quanh. 1930 khai sụt ba tuổi để xin vào trường công, tiểu học Yên Phụ, đến lớp nhất. Từ 1936, làm nhiều nghề : thợ dệt, thư ký, dạy học, bán giầy Bata. Tác phẩm văn học đầu tiên anh đọc là Vô gia đình của Hec-to Ma-lô (Hector Malot), bản dịch Nguyễn Đỗ Mục, và bắt đầu viết Dế mèn phiêu lưu ký khoảng 17-18 tuổi. Nhân phong trào Mặt trận Bình dân, anh tham gia nhiều hoạt động nghiệp đoàn, xã hội : thư ký ái hữu thợ dệt Hà Đông, tham gia Truyền bá Quốc ngữ, 1943 sinh hoạt tổ Văn hóa Cứu Quốc, có lần họp tại nhà anh ở Nghĩa Đô ; 1944 bị chính quyền Pháp bắt. Tích cực tham gia Cách mạng 1945, chủ nhiệm Cứu Quốc Việt Bắc, chủ bút tạp chí Cứu Quốc 1945-1951. Đảng viên từ tháng 10-1946. Kết hôn cùng bà Nguyễn Thị Cúc ; và hai cụ cùng sống an vui trọn vẹn với nhau tại căn nhà 21 đường Đoàn Nhữ Hài, Hà Nội. Tình đầu của Tô Hoài, là với một cô gái ở Dầu Tiếng, 1941, nhân vật Phượng trong truyện Xóm Giếng ngày xưa, 1943, tên thật là Kim Phượng, bà lập nghiệp và qua đời tại Pháp, vùng Ivry sur Seine.
Tuổi cao, Tô Hoài yếu sức đã lâu. Khi nhập viện, khi ở nhà, khi về ở Nghĩa Đô với con gái. Anh ra đi bình thường, thanh thản.
Qua ba phần tư thế kỷ sang tác, Tô Hoài đã để lại một sự nghiệp đồ sộ . Trước tác đầu tiên là truyện ngắn Những chuyện khó hiểu, đăng trên phụ trương báo Đông Pháp, chứ không phải truyện Nước lên 1940, trên báo Hà Nội Tân Văn của Vũ Ngọc Phan, như tư liệu vẫn ghi. Nước lên là trước tác đầu tiên được trả nhuận bút nên Tô Hoài xem như là truyện đầu tiên đưa vào nghề văn. Oái oăm : bản thảo lèm nhèm, Nước lên đã bị loại đi, bà Hằng Phương nhặt lên, thấy thích mới cho lên báo. Một oái oăm khác : Dế mèn phiêu lưu ký ngày nay là tác phẩm Tô Hoài được truyền tụng nhất, được dịch ra 40 thứ tiếng, thật ra là một sáng tác do hoàn cảnh : gốc gác là truyện Con dế mèn viết cho thiếu nhi, trong loại sách Truyền bá của nhà xuất bản Tân Dân, ông Tân Dân thấy ăn khách bèn đặt thêm một truyện khác, Tô Hoài viết tiếp Dế mèn phiêu lưu ký, dài gấp đôi, tất nhiên là tác quyền cũng nhân đôi. Anh dựa theo những du ký được dịch thời đó như Tê-lê-mác (nguyên tác : Les aventures de Telemaque, của nhà văn Pháp Fenelon -DĐ), Guy-li-ve (nguyên tác: Gulliver's Travels, của nhà văn Anh Jonathan Swift -DĐ), và giải thích động cơ sáng tác : “gợi ý khởi đầu vì tôi giỏi đúc dế ” (!!!).
*
Trước tác dồi dào của Tô Hoài đếm không hết, thậm chí có người cho rằng anh “chuộng lượng hơn phẩm”. Kỳ thật bên cạnh nhà văn, anh còn là nhà báo : gặp đề tài nào cũng viết, viết như thở, như tập thể dục. Nhưng những trước tác cốt tủy, anh viết rất thận trọng, kỹ lưỡng, điệu nghệ, cân nhắc từng chữ. Mỗi tầng lớp độc giả thích một thể loại nên anh có nhiều độc giả và nhiều đầu sách, nhiều nhất là truyện cho thiếu nhi.
Ta có thể phân loại :
Ký sự, gồm có tự truyện, hồi ký về Hà Nội, về đời sống văn học, thời sự xã hội, từ Cỏ dại, 1943, đến Cát bụi chân ai, Chiều Chiều, Ba người khác, ... đếm được 20 cuốn.
Tập truyện ngắn : từ O chuột, 1943, đến Vỡ tỉnh, Người ven thành, … 20 cuốn.
Truyện dài : từ Quê người, 1941 đến Quê nhà, Nhớ Mai Châu (nhân vật là một nha sĩ việt kiều tại Pháp),… 15 cuốn.
Kịch bản phim : Vợ chồng A Phủ, Sự tích Thăng Long, … 6 cuốn.
Kịch nói, kịch múa rối, tiểu luận : Thạch Sanh, Sổ tay viết văn, … 6 cuốn
Truyện thiếu nhi : phần dồi dào nhất, có thể là có tác dụng rộng rãi nhất, mà chúng tôi không có khả năng đo lường : từ Dế mèn phiêu lưu ký, 1941, đến Đàn chim gáy, … khoảng 50 cuốn.
Những con số đưa ra dĩ nhiên là thiếu sót, chúng tôi khó bề biết hết các đầu sách của Tô Hoài. Theo báo chí, thì con số lên đến 170 cuốn.
Tô Hoài tại nhà riêng,
Tết 2013. Ảnh Phạm Xuân Nguyên
Tin nhà văn Tô Hoài qua đời đã được báo chí loan đi nhanh chóng kèm theo tiểu sử và sự nghiệp. Tư liệu thường na ná giống nhau. Bài này cũng chỉ làm một tưởng niệm, nhưng bằng những hiểu biết cá nhân, có thể bổ sung cho những tài liệu hiện đang phổ biến.
Nó chưa phải là một tổng luận về văn nghiệp, nghệ thuật và tư tưởng Tô Hoài.
Đâu đó, trước đây tôi đã có những bài viết cục bộ về Tô Hoài, độc giả có thể tham khảo nơi khác (*).
Và hẹn một bài khác.
Đặng Tiến
Orléans, 7.7.2014
Chú thích của Diễn Đàn :
(*) Xin đặc biệt giới thiệu, trên mặt báo này, hai bài Đọc Chuyện cũ Hà Nội, và Tổng quan về hồi ký Tô Hoài.
Các thao tác trên Tài liệu