Kỹ sư Trương Trọng Thi trong sự tích chiếc máy vi tính đầu tiên
Nhân kỷ niệm 40 năm chiếc máy Micral (1973-2013)
Kỹ
sư Trương Trọng Thi
trong sự tích chiếc máy vi tính đầu tiên
Võ Quang Yến
Cách đây khoảng ba mươi năm, khi con gái tôi còn ở trường trung học muốn học sử dụng máy vi tính (micro-ordinateur, microcomputer), chúng tôi không có máy ở nhà, phải chạy kiếm khắp nơi để cho nó học. Ngày nay, con nó chưa vào tiểu học đã biết vận dụng con chuột để chơi trên máy. Ngành tin học tiến triển mau chóng đến nỗi vào đầu thế kỷ nầy, ít ai mà không có hay không biết sử dụng máy tính. Thế mà mấy ai biết nó đã được người nào sáng chế và ở đâu, nhất là có một người Việt dính líu đến sự nghiệp nầy, có người tin chính ông ta đã chế biến chiếc máy đầu tiên !
Sự tích bắt đầu từ bên Mỹ khi hãng Intel sản xuất năm 1970 một bộ vi xử lý microprocesseur, máy 8008. Hai năm sau, công ty Thực hiện Khảo cứu Điện tử R2E (Réalisations et Etudes Electroniques) ra đời ở vùng Paris (*), dựa lên đơn vị tí hon ấy để chế tạo máy vi tính. Người sáng lập và làm giám đốc công ty nầy là ông người Pháp gốc Việt Trương Trọng Thi tức André Truong nhờ sự giúp đỡ tài chánh của Yvon Plisson. Ông làm việc ngày đêm trong một hầm nhà với một nhóm các nhà điện tử học dưới sự điều khiển của François Gernelle. Chiếc máy đầu tiên mang tên Micral được đem bán năm 1973, giá 8500 francs, tương đương với 6500 euros. Người Mỹ chỉ biết đến máy vi tính năm 1975 và phải đợi qua năm 1981 mới thấy hãng IBM cho ra đời chiếc máy PC (Personnal Computer – Máy vi tính Cá nhân), một tên rất thông dụng ngày nay trong loại những máy này.
Trương Trọng Thi
Ông Trương Trọng Thi sinh năm 1936 ở Chợ Lớn trong một gia đình giàu có và trí thức. Ông thân Trương Trọng Thuần là người sinh viên Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp trường Cao đẳng Thương mãi HEC. Năm 1950, có quốc tịch Pháp, chàng trai theo gia đình qua định cư bên Pháp. Sau bậc trung học ở các trường Hoche (Versailles) và Michelet (Vanves), ông ghi tên học ở Trường Vô tuyến điện EFRE ở Paris, nay đổi tên thành Trường Vô tuyến điện và Tin học EFREI và dời về Villejuif, miền nam Paris. Hiện nay trên tường đại sảnh ở trường có treo một tấm bảng vinh danh người sinh viên cũ và phòng tiếp tân mang tên ông. Giỏi toán, ông lại là người thích môn điện tử. Tốt nghiệp kỹ sư, ông được nhận vào làm ở công ty Schlumberger, một hãng thăm dò địa vật lý dầu khí. Ở đây, thành tích lỗi lạc của ông là sử dụng máy thu bán dẫn transistor chế tạo chiếc máy carbotrimètre đầu tiên để xác định niên đại vật thể bằng cách đo hàm luợng phóng xạ đồng vị carbon 14. Rời công ty nầy, ông qua làm ở Intertechnique. Năm 1965, được gởi qua Hoa Kỳ, ông phát giác những mạch sáp nhập circuit intégré mà ông thấy ngay những ứng dụng vô cùng quan trọng. Ông bảo đã choáng váng trước một xúc động văn hóa. Thật người Mỹ đã chế tạo ra micropocesseur rồi thiết kế circuit intégré mà có mấy ai bên ấy nhìn xa ngay đến việc khai triển chúng ! Nhớ lại lúc trước biết bao người đã thấy quả táo rơi mà chỉ có Newton nghĩ đến sức vạn vật hấp dẫn. Nhân tài khác nhau ở chỗ đó. Suy ra, từ trước Newton đã từng nghiền ngẫm về sức hấp dẫn cũng như ông Thi từng nuôi trong đầu óc cách thức thu nhỏ công cụ. Những sáng tạo tìm thấy bên Mỹ khuyến khích ông trong ý tưởng thu gọn mọi máy móc điện tử theo khẩu hiệu Small is beautiful trước những chiếc máy kềng càng loại IBM hồi ấy. Chính ông đã là cha đẻ khái niệm thu gọn downsizing nghĩa là thu nhỏ thể tích, kích thước, trọng lượng đồng thời giảm bớt giá cả nhưng vẫn luôn giữ cùng hiệu năng. Về lại Pháp, ông cộng tác với Paul Magneron và nhà tài chính Yvon Plisson để xây dựng xí nghiệp R2E. Không đồng ý về chiến lược, Paul Magneron sớm bỏ cuộc…
Đúng vào lúc đó, năm 1972, Viện Quốc gia Khảo cứu Nông nghiệp Pháp INRA đặt hàng một hệ thống tin học nhỏ dễ dàng vận chuyển và không quá đắt tiền. Công ty thực hiện thành công một máy nhỏ đúng theo ý muốn của viện mà chỉ giá có một nửa hệ thống cổ điển, khởi đầu một sự nghiệp đặc sắc nhất của thế kỷ : khai sinh kỷ nguyên vi tin học micro-informatique. Với một microprocesseur mạnh gấp đôi mà hãng Intel vừa mới sáng tạo, họ chỉ cần năm tháng là chế tạo ra được chiếc máy vi tính mang tên Micral N (Micral có nghĩa là nhỏ trong tiếng lóng Pháp), giá năm lần ít hơn chiếc cổ điển PDP 8 4K của hãng DEC, nghiệm thu và bàn giao cho INRA đầu năm 1973 (thay vì cuối năm 1972). Có nên chăng hãnh diện khi biết Microsoft chỉ ra đời năm 1975 và Apple thành lập năm 1976 ! Lẽ tất nhiên chiếc máy đầu tiên khá giản dị, dần dần hoàn hảo thêm bàn chữ, màn ảnh,… theo nhịp độ sáng chế những thành phần mới. Ngay trong năm 1973, trên đà sản xuất, công ty cho xuất xưởng 500 máy Micral dùng trong các trạm thu nhập lệ phí ở xa lộ. Năm 1976 hãng bán 1000 máy, 5000 máy năm 1980 và năm 1981 một vạn máy sản xuất đều được bán hết, trở thành thông dụng trong mọi cơ quan hành chánh. Người ta kể chuyện hồi đó có những ngày khách hàng đứng chực sẵn trước cửa hãng để lấy máy lúc vừa mới lắp xong. Đằng khác, chương trình thu gọn đã được thực hiện ở Công ty Bảo hiểm Pháp SGGA và ở Quỹ Hưu trí thành phố Orléans IGIRS năm 1980. Thư viện Quốc gia Bắc Kinh cũng muốn áp dụng chương trình ấy. Trước đó, năm 1978, trong kế hoạch phát triển của tướng de Gaulle, hy vọng khai triển được rộng lớn phát minh của mình, hãng R2E chịu sáp nhập với hãng Bull thành một công ty lớn Bull-Micral. Nhưng từ nay, ông Thi cũng hết còn tự mình lèo lái tương lai. Sau khi máy IBM-PC ra đời năm 1981 bên Mỹ, có tầm nhìn xa về chiến lược, không nên để đối thủ vượt trước quá xa, ông đã lập tức yêu cầu chi nhánh R2E bên ấy thực hiện một máy tương đương với máy IBM-PC, nhưng ban lãnh đạo Bull-Micral thiển cận lại thiếu mức quản lý, không chịu nghe theo, cản trở mọi tiến hành. Thất vọng, ông rời bỏ Bull-Micral, qua làm cố vấn cho hãng Normerel do Jean-René Tissot, một nhân viên cũ của R2E thành lập, sản xuất và bán máy những máy tương đương IBM-PC đầu tiên ở Pháp năm 1982 dưới tên OPLite. Rời phần cứng qua phần mềm, ông thiết lập song song cơ quan Ladernet, cho đăng ký văn bằng sáng chế CD-ROM tích trữ điện tử những văn kiện. Năm 1999, ông cộng tác với Gilles Michel xây dựng hãng Công nghệ PC Tiên tiến APCT, chuyên môn trong các chương trình bảo hiểm.
Trong
rất lâu, ông được xem là cha
đẻ của máy vi tính, nhất là
trong báo chí Việt Nam. Công bằng mà
nói, ông Thi không đạt đến
thành tích về máy vi tính một
mình. Trong công ty R2E, người cộng tác
chính của ông là kỹ sư François
Gernelle.
François Gernelle
Sinh năm 1944, sau mấy năm học toán lý hóa ở Viện Đại học Paris VI, tốt nghiệp Trường Đại học Quốc gia Kỹ thuật và Nghề nghiệp (Conservatoire National des Arts et Métiers, viết tắt là CNAM, một trường dành cho người đã đi làm, học buổi tối và cuối tuần) năm 1970, ông đậu tiến sĩ toán học thực hành năm 1974, sau nầy còn học bổ túc về quản lý xí nghiệp năm 1987. Từ 1968 đến 1972, ông làm việc ở hãng Intertechnique. Chính ở đó ông đã gặp ông Thi và nhảy qua cộng tác với R2E từ 1972 đến 1983. Đầu óc tràn trề ý kiến, kế hoạch, sau R2E, ông lần lượt trổ tài ở các hãng Forum International, Tolerance Computer, Virtual Computer. Đi cùng chiều hướng ông Thi, khi thấy khả năng của microprossesseur 8008 Intel, ông nghĩ ngay đến cách thay thế tất cả những bộ phận giải mã và thi hành bằng một mạch độc nhất, nguyên tắc một máy vi tính có thể không có nhiều hiệu lực nhưng rất rẻ tiền để ai cũng sắm được. Hồi ấy những bộ nhớ máy tính đang còn bằng ferrit, đắt tiền, tiêu thụ nhiều năng lượng lại rất dễ hư. Sáng kiến của ông là dùng những bộ nhớ bằng chất bán dẫn thay thế. Đồng thời ông khảo cứu kỹ thuật để hạ bớt năng lượng tiêu dùng. Công tác thật đồ sộ nhưng ông không nản lòng. Ở Intertechnique, ông không thành công thuyết phục các nhà lãnh đạo tiến vào cuộc chế tạo máy vi tính. Bao nhiêu nghị lực ông đổ dồn vào R2E. Ông bảo dạo ấy ông và các bạn ‘’làm vườn’’ (jardiner) mỗi ngày 18 tiếng và trong luôn ba tháng không thấy ánh sáng mặt trời ! Ông cũng công nhận thành công là nhờ sự giúp sức của những người cộng tác đắc lực : những kỹ sư điện tử Alain Lacombe, Jean-Claude Beckman (thẻ điều hành), Bernard Francina (kỹ nghệ hóa), Jean Gouby (chuẩn bị và thực hiện đóng gói).
Tuy là một sáng tạo lừng danh, Micral không tránh được những khó khăn lúc ban đầu vì khách hàng người Pháp hồi đó mặc dầu thích muốn vẫn chỉ tin ở những hàng hoá máy móc Mỹ. Ông Thi buộc phải vác gậy hành hương lên đường đi quảng cáo, đặc biệt tại Hội nghị Quốc gia Máy tính NCC ở Chicago : kết quả vô cùng khả quan, tán thưởng nhiều mà bài báo khen tụng cũng không ít. Chính một trong những tờ báo nầy đã dùng tên microcomputer dẫn đường đến danh từ mới microordinateur mà lúc ban đầu ngay cả sở Văn bằng ở Paris cũng từ chối vì chưa hề thấy ! Hết sức hoan nghênh là tạp chí Electronics, tờ được xem đứng đắn nhất về chuyên môn điện tử. Nhờ vậy, thị trường bắt đầu mở rộng cho Micral. Từ đây R2E không ngừng hoàn hảo máy vi tính song song với cuộc phát triển công nghệ bộ nhớ, luôn với tài chánh của hãng, trừ Micral M với sự ủng bộ của Tổ chức Tăng gia Giá trị Khảo cứu ANVAR, một tổ chức hiếm có hồi đó thấy rõ tầm quan trọng của máy vi tính. R2E lần lượt sản xuất khoảng hai chục các máy, từ các Micral G, Micral S, Micral CZ, Micral S, Micral M, MC, một loạt đánh số 8030, 8031, 8050, 8060, 8070, rồi một loạt máy "cá nhân" 8020, 8021, 8022G dành cho bộ Quốc gia Giáo dục, những máy 16 bits trên căn bản 8088, 8066, 8086, … thấy như mức sáng kiến không khi nào vơi. Một điểm đáng ghi nhớ là năm 1981, R2E đã chế ra chiếc máy vi tính cầm tay đầu tiên mang tên Portal cho hãng kế toán CCMC. Tuy nhiên, quản lý không theo kịp sản xuất, đến một lúc R2E phải hướng về các ngân hàng vay mượn nhưng đến lượt các nhà băng cũng chưa tin tưởng vào máy vi tính. Không có con đường thoát nào khác, ông Thi bắt buộc phải thương lượng với hãng Mỹ Honeywell vừa mới nhập với Bull thành Honeywell-Bull, từ đó chiếm 60% ngân sách R2E.
Micral tiếp tục được hưởng ứng, chiếm thị trường của Bull với máy Mini 6 hay IBM 36. Giọt nước làm tràn ly đầy : trong một cuộc tranh giành bán 300 máy cho Cơ quan Tín dụng Nông nghiệp ở Angers, R2E thắng Bull ! Bắt đầu từ đây, Micral được bán qua nhãn hiệu Bull Micral. Năm 1981, chiếc IBM-PC ra đời bên Mỹ với những quy tắc xác định, biến microordinateur thành một máy cá nhân. Ông Thi thấy ngay cần phải chế tạo một máy tương tự, năm 1982 thành lập R2E America và yêu cầu chi nhánh ấy thực hiện để bán bên ấy. Như có thể đoán biết trước, Bull có đường lối của họ, bất tất phải là chiến lược của R2E, cùng năm ấy ông Thi từ chức. Ông đứng ra thành lập công ty TTT và Laserbet, ghi văn bằng sáng chế lưu trữ điện tử tài liệu được ứng dụng ở Thư viện Trung Quốc. Đến năm 1984, các nhà lãnh đạo Bull mới biết lầm đường và cho chế tạo BM-30. Sau nầy Bull cậy hãng Multitech bên Đài Loan sản xuất máy Micral BM-600, đồng thời giới hạn cuôc chế tạo của R2E. Đến lượt François Gernelle rời bỏ Bull năm 1983 để đứng ra cùng Georges Pozza, cựu giám dốc thương mãi Bull Micral, xây dựng Forum International. Mất dần những chuyên gia tài giỏi, Bull xuống dốc cho đến 1995 thì toàn thể hoạt động của Bull rơi vào tay hãng NEC Packard-Bell. Cùng năm ấy, hợp tác với Gilles Michel và Eric Truong con ông, ông thành lập công ty APCT chuyên môn về các phần mềm bảo mật. Còn François Gernelle, mặc dầu nắm trong tay tất cả văn bằng sáng chế, ông chỉ là một người làm công nên mọi tiền hoa lợi đều thuộc về quyền sở hữu của R2E là hãng đã đăng ký văn bằng. Thật ra, năm 1975 ông François Gernelle cũng lãnh được 550 000 F nhờ bán một số bản quyền bên Mỹ. Khi R2E nhập với Bull, tiền hoa lợi không được khai thác, chỉ dùng để đổi với IBM một văn bằng máy vi tính RS 6000. Rút cuộc hai kỹ sư sáng chế lỗi lạc không hưởng được bao lăm lợi lộc so với một Bill Gates sau nầy. Sau Huy chương vàng của bộ Quốc gia Giáo dục Pháp năm 1988 nhờ thành công ứng dụng máy vi tính vào giáo dục học đuờng, Trương Trọng Thi được chính phủ Pháp tặng thưởng Légion d’honneur (Bắc đẩu bội tinh) năm 1999. Bên phần François Gernelle thì phủ nhận vai trò của ông Thi và đưa đơn kiện. Năm 1998, sau bốn năm điều tra, thủ tục, tòa thượng thẩm Paris phán quyết François Gernelle chính là cha đẻ chiếc máy Micral (**). Thật ra, đề bắt đầu chế tạo chiếc máy năm 1972, ông quản trị công ty R2E Paul Magneron đã cùng kỹ sư François Gernelle ký kết với viện INRA. Trương Trọng Thi chỉ trở thành giám đốc R2E khi Paul Magneron từ chức và chiếc Micral bàn giao năm 1973. Trong cuộc cạnh tranh nầy, thật ra còn một chíếc máy INPact của công ty Altair bên Hoa Kỳ, nghe nói không hay biết gì về chiếc Micral…. Đáng buồn trong sự tích nầy là hai người bạn đồng chí đồng tâm, người làm giám đốc, kẻ là kỹ sư, một thuở đã bắt tay cùng nhau sáng tác chiếc máy vi tính đầu tiên trên thế giới, ví chi cùng nhau được tôn vinh là hai nhà trí thức đại tài, hai nhà doanh nghiệp thành đạt, nhiều năm sau nầy không còn thân tình với nhau nữa. François Gernelle có lời giải thích trong một cuộc phỏng vấn năm 1999 : chỉ vì một ngày năm 1975, chúng tôi lỡ hội thành lập một start-up hoành tráng !
Máy Micral trưng bày ở viện bảo tàng CNAM Paris
Tuy rời nước từ thuở thiếu niên, không nói được thành thạo tiếng Việt, ông Thi luôn còn hướng mắt về quê huơng. Trong nhóm công tác, mỗi lần có dịp, ông luôn giao trách nhiệm và quyền quyết định cho chuyên viên người Việt. Chẳng hạn ông mời ông Phạm Tùng Cương, xuất thân từ Trường Cao đẳng Thương Mãi HEC, đứng đầu dự án SGGA và sau đó dự án Thư viện Quốc gia Bắc Kinh. Năm 1978, ông đã gởi về tặng Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam một chiếc máy Micral. Sau đó, cũng năm ấy, ở chức giám đốc hãng R2E, chính bản thân ông về nước đề nghị khai thác một chương trình sản xuất Micral ngay tại Hà Nội, đào tạo chuyên viên, lắp ráp các máy với một số đầu tư tối thiểu từ phía nhà nước. Tiếc thay, như đã thấy với biết bao dự án hồi đó và cả chục năm sau, nước ta chưa sẵn sàng đón nhận những đề nghị vô tư của những đứa con sống tha hương nhưng luôn gởi lòng về xứ sở. Như ông Cương đã có viết, ta thử tưởng tượng, nếu dự án nầy được thực hiện thì ngày nay Việt Nam đã là tiên phong trong lãnh vực vi tính Á châu ! Tuy nhiên không nản lòng, ông Thi còn về lại nhiều lần thuyết trình, làm cố vấn và chia sẻ kinh nghiệm với các nhà tin học nước nhà, đặc biệt tham dự Tuần lễ Tin học Việt Nam ở Giảng Võ năm 1992. Ông trình bày những phương cách đào tạo, phát triển dịch vụ, nhấn mạnh tầm quan trọng của các tiêu chuẩn quôc tế về thị trường, luôn nhắm mục tiêu bắt kịp chuyến tàu kỹ thuật đang tiến lanh. Ông không quên để lại một bản phúc trình cho Uỷ ban Khoa học, Kỹ thuật và Môi trường.
Lúc sinh thời là một người dễ mến, rộng lượng, thành thật, tự nhiên, ông Trương Trọng Thi qua đời ngày 29.03.2005 ở Paris (nhiều báo đưa tin những ngày 01 hay 02. 04. 2005), thọ 69 tuổi, sau hai năm rưỡi vật lộn với Tử thần. Nguyên là một đêm tháng 09.2002, sau một cuộc phẫu thuật giản dị, vì một lầm lẫn vận dụng y học, ông bị tê liệt tứ chi. Không dè trước, tai nạn đã xô ngã đời ông, từ đó lật đảo luôn cả đời sống bà Thi và gia đình ông. Nhân đây gia đình khám phá ra thế giới những người tàn tật, mối quan hệ khó khăn với y giới, cuộc đương đầu với hành chính lề mề, chịu đựng sự cưỡng bức kinh tế… Trước tính yêu đời của ông Thi, mức say đắm công nghệ của ông, nỗi đau buồn hai năm rưỡi nằm bệnh viện của ông đã thúc đẩy gia đình ông thành lập Fondation André Truong trong mục đích xây dựng những tư thất tạm thời cho những người bị tê liệt tứ chi, hầu mong gây ra một môi trường sống giữa thời bệnh viện và khi về nhà, nói một cách khác để giúp đỡ những người trong cuộc. Eric Truong, người con cùng tuổi với chiếc máy Micral đầu tiên, sau nầy cùng thân phụ mở văn phòng Foursome tìm kiếm tài chánh đầu tư, kêu gọi đóng góp để thực hiện mục tiêu. Tổ chức nầy chắc chắn sẽ ghi ơn ông Thi lại cho hậu thế tuy ông đã có tên tuổi trong lịch sử máy vi tính trên hoàn cầu. Kỹ sư địa vật lý Vũ Ngọc Tiến còn đề nghị Nhà nước Việt Nam truy tặng ông một phần thưởng cao quý, đồng thời dựng tượng ông ở Viện Toán Hà Nội để linh hồn ông nơi đất khách thêm phần mát mẻ. Một Médaille Fields Ngô Bảo Châu ngày nay được rộng rãi vinh danh, lẽ nào một nhà sáng chế cỡ Trương Trọng Thi không được đề cao ? Năm 2006, nhân lễ kỷ niệm 70 năm thành lập trường EFREI, ông Bernard Vergnes, cựu giám đốc hãng Microsoft, đã đọc lời ca ngợi của Bill Gates : "Ông Trương Trọng Thi là một trong những người đã nhận thức khả năng của máy vi tính. Ông đã hướng công tác của mình trong chiều nầy trước cả lúc tôi và Paul Allen khởi xướng Microsoft… Tôi đã vui thích làm việc với ông trong nhiều thập niên : ông luôn nuôi giữ óc sáng kiến và luôn sẵn lòng đem công nghệ phục vụ đại chúng". Chiếc máy Micral N đầu tiên hiện được trưng bày trong viện bảo tàng máy vi tính Boston bên Mỹ, ở đại hội vi tính Comdex tại Las Vegas năm 1977 nhân kỷ niệm 25 năm microprocesseur, còn ở Paris cũng có một mẫu ở viện bảo tàng Trường Đại học Quốc gia Kỹ thuật và Nghề nghiệp CNAM làm hân hoan những người khách đất Việt.
Xô thành ngày lễ Phục sinh 2013
Võ Quang Yến
Bảng vinh danh trên tường đại sảnh trường EFREI
Nguồn : bài đã đăng trên Huế Xưa và Nay 106 (7-8) 2011, tác giả gửi cho Diễn Đàn với một số sửa chữa và bổ túc
Đọc thêm
- François Gernelle, La naissance du premier micro-ordinateur : le Micral N, Histoire de l’infomation : actes 1. Colloque sur l’Histoire de l’informatique, Paris 1990
- Abdi Niddam, François Gernelle, 54 ans, est le père du premier micro-ordinateur, mis au point en France en 1973 ‘’J’aurais pu être Bill Gates’’, Libération, 09.04.1999
- Trương Anh Tú, Trương Trọng Thi ,- Cha đẻ của máy vi-tính, Họ Trương Việt-Nam, 18.08.2001
- Helen Lilen, L’invention du micro-ordinateur : R2E, André Truong et François Gernelle, La saga du micro-ordinateur, Vuibert tháng ba 2003 Paris
- Phạm Tùng Cương, Một nhân vật phi thường, (Đỗ Kh. dịch) talawas.org 17.05.2005
- Luc Fayard, La mort d’André Truong Trong Thi, père du concept du 1er micro-ordinateur au monde, Info.Tek.Art., 30.04.2005
- Vũ Ngọc Tiến, Nhà nước Việt Nam hãy làm một nghĩa cử tốt đẹp với ông Trương Trọng Thi, talawas.org 09.07.2008
- Eric Truong, Pourquoi une Fondation ? fondationandretruong.org
- Wikipedia, Discussion : Truong Trong Thi, cập nhật lần cuối 20.09.2012
(*) Tất cả các báo chí tôi được đọc đều theo dựa lên các bài báo của François Gernelle, chép nhau ghi tên thị trấn Châtenay-Malabry, miền nam Paris, nhưng không ghi rõ tên đường và số nhà. Tôi có lại hỏi tòa thị chính, sở cảnh sát, điều tra qua những vị bô lão cổ lai hi ở trung tâm thị trấn, chẳng ai biết ông. Đừng nói đến một bản kỷ niệm trước ngôi nhà ! Ban giám hiệu trường EFREI chỉ biết có một địa chỉ cũ 23, rue de la Barre, Enghien-les-Bains, miền bắc Paris. Eric Truong, con ông Trương Trọng Thi, cùng tuổi với chiếc Micral, qua thư từ, cho biết có nghe bà mẹ nói đến một cái hầm chứa những cấu kiện, nhưng không nhớ ở địa chỉ nào. Nhà báo Michel Chevalet có quay một phim cho đài TF1 nhưng vì không ghi vào sổ nên cũng quên địa chỉ. Ông cho biết có thực hiện một cuốn phim vidéo về lịch sử máy vi tính, trong ấy có mặt André Truong, quay ở Computer Museum Boston và ở Intel Palo Alto.
Cập nhật ngày 15.4.2013. Rút cuộc, sau nhiều tháng điều tra, tôi biết được địa chỉ cái hầm Châtenay-Malabry tọa lạc ở số 175, avenue de la Division Leclerc, nhưng sau 40 năm ngôi nhà ấy nay không còn nữa !
(**) Ở Viện Quốc gia Sở hữu Tài sản Kỹ nghệ của Pháp (INPI) có hai văn bằng sáng chế đăng ký số 73.03552 và 73.03553 ngày 01.02.1973, một cái về ‘’Canal pour l’échange d’information entre un ordinateur et des organes périphériques rapides’’, một cái về ‘’Ordinateur, en particulier pour des applications en temps réel’’, cấp cho công ty Réalisations et Etudes Electroniques R2E, cư trú ở Pháp, cả hai đều là phát minh của François Gernelle
Các thao tác trên Tài liệu