Từ đất bùn Đồng Tháp đến "đất lốp" Pneusol
Đôi điều về bạn Nguyễn Thành
Long
Từ đất bùn Đồng Tháp
đến “ đất lốp ” Pneusol
Trưa nay, chủ nhật, điện thoại từ chị bạn, gọi thay chồng đang lái xe từ Lille về Paris. Anh chị vừa nhận được điện thoại từ một anh bạn khác gọi từ Toulouse, báo tin : “ Long vừa mất, cách đây ít phút ”. Tôi lặng người, dù chẳng bất ngờ. Hai anh và vợ chồng tôi, cũng buổi chiều thứ tư vừa rồi, đã lần lượt vào bệnh viện La Pitié - Salpétrière thăm anh Nguyễn Thành Long, đã nhìn thấy căn bệnh ung thư gan, mới phát hiện trước đó đúng một tháng, đã cướp đi ở anh những gì, trừ đôi mắt tinh anh. Anh yếu hẳn đi, hơi thở khó khăn, thân hình gầy guộc, nắm tay tôi, thều thào : “ Bác sĩ bảo, trễ quá ”. Trễ ! Trễ là cách nói căn bệnh quái ác này xuất hiện đột ngột, hoành hành như sét đánh. Chứ anh bạn chúng tôi là người điều độ, thường xuyên đi khám sức khỏe. Tháng mười, trước khi về nước, anh đã đi “ tổng khám ” sức khỏe : RAS (không có gì).
Với bệnh tình trầm trọng ở mức đó, anh ra đi sớm ngày nào là bớt một ngày đớn đau. Suốt đời độc thân, anh ra đi, không gây ra đại tang cho vợ con, cho tiểu gia đình. Nhưng anh đã để bao người, bà con, anh em Việt kiều, đồng nghiệp Pháp và các nước châu Phi, châu Mỹ La tinh... một niềm thương tiếc khôn nguôi. Tiếc thương một con người dễ thương, sống vì người khác. Tiếc thương một tài năng đã có nhiều cống hiến, và chưa hết khả năng cống hiến cho đời.
Bạn đọc chỉ cần dùng Google, tìm "Thanh Long Nguyen" + "pneusol" hay "terre armée" (không phải... trái đất vũ trang, mà đây là từ ngữ chuyên môn của ngành cầu đường, xây dựng, tiếng Việt gọi là "đất có cốt", giống như "béton armé" là bê tông cốt thép), sẽ tìm ra danh mục những công trình chuyên môn của kĩ sư Nguyễn Thành Long, cũng như luận án tiến sĩ mà anh đã bảo vệ tại học viện INSA (Lyon) về "đất lốp" (pneusol) sau nhiều năm nghiên cứu ở LCPC (Phòng thí nghiệm trung ương Cầu Đường, Paris). Tôi là người hoàn toàn ngoại đạo, chỉ xin viết vắn tắt về “ cuộc đời thứ nhất ” của Nguyễn Thành Long trước khi nói đôi điều về “ cuộc đời thứ nhì ” của anh.
Hai cuộc đời, là từ ngữ của ông Jean Berthier, tổng kĩ sư cầu đường, nguyên giám đốc Đường sá Pháp, đã dùng để nói đến Nguyễn Thành Long, khi ông được Tổng thống Pháp ủy nhiệm để gắn huân chương Légion d'honneur cho anh, ngày 29 tháng 9 năm 2004, tại đại giảng đường Trường cao đẳng Cầu đường (Paris). Cuộc đời thứ nhất là sự nghiệp một kĩ sư cầu đường xuất chúng. Cuộc đời thứ nhì là sự gắn bó với đất nước Việt Nam, và vai trò cầu nối của Nguyễn Thành Long trong quan hệ hợp tác Pháp-Việt.
Nguyễn Thành Long sinh năm 1938 tại một làng nhỏ bên bờ rạch Bắc Đông, Đồng Tháp Mười. Cha mẹ anh là nhà nông, sau một trận lụt đã phải bỏ nông thôn lên Sài Gòn. Cha anh làm thợ in rồi mở tiệm. Như một thiếu nhi thời ấy, khi quân Pháp trở lại Sài Gòn tháng chín năm 1945, anh đã được chứng kiến những trận càn quét, những cuộc ném bom. Rồi về lại Sài Gòn, gia đình anh và gia đình ông chú gom góp “ năm nghìn đồng Đông Dương và hai thùng sữa đặc Nestlé ” (thời đó chưa có chữ “ phong bì ”) để Long được vào Chasseloup Laubat. Tại đây anh học tiểu học và những năm đầu trung học. Rồi một lần nữa, gia đình phải gom góp tiền của để gửi anh sang Pháp. Nguyễn Thành Long đặt chân tới Pháp ngày 22 tháng bảy năm 1954 (hai ngày, đúng hơn : một ngày, sau buổi ký kết Hiệp định Genève). Anh vào học Lycée Fermat ở Toulouse, năm 1958 đậu tú tài (ở tuổi 20, như khá nhiều bạn đồng lứa đã mất hai ba năm học vì chiến tranh, tản cư...). Và cũng như nhiều anh em sinh viên Việt Nam thời ấy, ít nhất những người học "khá", anh không ra học Trường đại học, mà ở lại trường, theo học lớp Math Sup (Toán cao cấp), rồi Math Spé (Toán đặc chuyên) -- tương đương với hai năm đầu đại học, nghĩa là cũng chương trình, nhưng chuyên sâu hơn nhiều -- để chuẩn bị thi tuyển vào những "trường lớn" -- đặc sản của giáo dục đại học Pháp, với những trường Ecole Normale Supérieure, Ecole Polytechinique, Ecole des Mines, Ecole des Ponts et Chaussées... và một số trường cao đẳng kĩ sư hàng đầu. Năm 1961, nghĩa là sau một năm Math Sup và hai năm Math Spé, Nguyễn Thành Long trúng tuyển Ponts et Chaussées (Cầu Đường : trước anh ba thập niện, hai sinh viên Việt Nam đầu tiên vào trường này là Hoàng Xuân Hãn và Nguyễn Ngọc Bích).
Phải sau năm 1961, tôi mới được gặp Nguyễn Thành Long, tuy chúng tôi "đồng khóa" tú tài. Chúng tôi học Math Sup cùng một năm, nhưng anh ở Toulouse, tôi ở Paris. Người nối cầu cho tôi và Long là bạn học Math Sup với tôi, anh Đặng Văn Kỳ, trúng tuyển cùng năm 1961 vào trường Cầu Đường với Long. Tôi còn nhớ anh Kỳ, với giọng Huế, giới thiệu Long "le PDG" (Chủ tịch Tổng giám đốc), chỉ vì cái tội anh Long dáng dấp bệ vệ (với cả tiên đề cái bụng của một chủ tịch tổng giám đốc). Tên gọi này còn lại mãi đến giờ, mặc đầu anh Long không hề ra làm xí nghiệp tư nhân, mặc dầu những sáng kiến của anh về công nghệ cầu đường đã mang lại lợi nhuận khổng lồ cho những công ti như Bouygues... Hai anh bạn của tôi làm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, anh Kỳ ở Phòng thí nghiệm Cơ học chất đất của Trường Bách khoa (do anh Bùi Huy Đường làm giám đốc), anh Long ở Phòng thí nghiệm Trung ương Cầu Đường (LCPC).
Nhìn lại, thì thể hình của Nguyễn Thành Long không phải là dáng dấp một doanh gia, mà vẫn là dáng dấp một nông dân Đồng Tháp Mười. Ít nhất, đôi chân của anh bám chặt vào mặt đất của thực tế, còn cái đầu của anh được trang bị bằng những phương pháp tính toán hiện đại của ngành cầu đường (không chỉ chương trình vi phân từng phần, mà cả toán học phần tử rời rạc, và những chương trình giải tích số mũi nhọn). Để bạn đọc cũng ngoại đạo như tôi có thể hình dung cụ thể, xin lấy thí dụ một phát minh của Nguyễn Thành Long : pneusol, đất và lốp (lốp xe đã mòn, phế thải). Để xây những nền đất cao, thí dụ những ven đường xa lộ ở một đoạn phải xẻ đồi xẻ núi, nếu dùng đất cát hay đất sỏi, thì dễ bị sụt lở. Sáng kiến của Nguyễn Thành Long là một lớp đất, một lớp vỏ lốp, rồi một lớp đất... vừa bền vững, chịu được sức kéo, sức đè, vừa tiêu thụ được những dẫy núi lốp phế thải (mỗi năm cả triệu cái ở Pháp) phải tốn tiền để thiêu hủy (cả một nguồn ô nhiễm ghê gớm). Tại sao ra sáng kiến này ? Long kể lại : ở Đồng Tháp Mười, anh thấy nông dân vét bùn dưới kênh rạch, đắp lên bờ ; để cho đất bùn không trượt xuống trước khi khô, bà con nông dân để một lớp lá chuối lên trước khi đắp một lớp bùn nữa... Tất nhiên, từ ý tưởng ban đầu ấy đến công nghệ pneusol mang tên Nguyễn Thành Long, là rất nhiều tính toán, mô hình, thử nghiệm... với sự "đồng lõa" của nhiều giám đốc, thày học, đồng nghiệp, lợi dụng những "kẽ nứt" hành chính để tìm ra tài trợ thiết bị làm thí nghiệm (gần nửa triệu Franc trong thập niên 1970, một số tiền lớn). Một trong những thí nghiệm "như thực" ấy, Long kể lại, là cho một trọng khối 7 tấn rơi từ độ cao 40 mét xuống nền "đất lốp" pneusol để đo độ bền vững. "Đồng lõa" của anh không chỉ gồm những nhà nghiên cứu thực nghiệm, mà cả những người cầm quyền có tầm nhìn cao và xa, trong đó phải kể Paul Vergès (chủ tịch vùng đảo La Réunion, đồng thời là chủ tịch Đảng cộng sản La Réunion, cha là một bác sĩ Pháp, mẹ là nữ giáo viên người Việt). Cứ như thế, sự nghiệp nghiên cứu, phát kiến, thực nghiệm, ứng dụng... của Nguyễn Thành Long ở LCPC bắt đầu từ năm 1968, liên tục 36 năm, đến khi anh về hưu (2004), song song với việc giảng dạy ở Trường Cầu Đường và hướng dẫn sinh viên làm luận án (trong đó, đếm không hết sinh viên Việt Nam).
Kỉ niệm tôi có về “ PDG ” tất nhiên không dính dáng gì tới công việc chuyên môn của anh, mà trong hoạt động của phong trào Việt kiều. Thật ra chúng tôi cũng không có dịp làm việc chung với nhau, nhưng không hiểu sao, tôi vẫn có cảm tưởng là chúng tôi rất thân thiết, mặc dầu ít trao đổi, hầu như không biết gì về đời sống tư của nhau. Thân thiết từ cách xưng hô. Long thường "toa", "moa" ; tôi thì không hiểu sao, không thích ; nên chúng tôi vẫn mày tao với nhau. Kỉ niệm sâu sắc nhất, lại là kỉ niệm... buồn. Tháng giêng 1990, một số anh chị em chúng tôi soạn và công bố "Tâm thư". Tất nhiên, anh Long ký ngay. Hơn thế nữa, anh nhận làm "thủ quỹ". Nguyên ủy là "nhóm tâm thư" hoàn toàn không có quỹ -- mà thời đó, ít ai dùng internet, chưa có điện thoại di động, điện thoại viễn liên và fax rất đắt -- chỉ dám nghĩ đến một ngân quỹ nhỏ (bốn năm nghìn Franc) để gửi thư. Thế là Long cho mượn tài khoản CCP mà anh không cần sử dụng. Kết quả mà chúng tôi không ngờ là trong con mắt "cơ quan hữu quan" trong nước, Nguyễn Thành Long trở thành một phần tử "đầu xỏ" của "lực lượng thù nghịch" (nắm tiền, nghĩa là nắm tay hòm chìa khóa mà). Ngành cầu đường mời anh về làm việc (đóng góp của Nguyễn Thành Long cho ngành cầu đường Việt Nam, chắc phải cả một cuốn sách mới kể hết), nhưng anh không được cấp visa. Trong cái rủi có cái may, "tao đi Alger, bên đó mời mà lúc trước phải từ chối vì có chương trình đi Việt Nam". Và Nguyễn Thành Long đến sứ quán Algérie làm visa, chiều hôm trước, đến sáng hôm sau được cấp. Tôi cũng không nhớ anh bị cấm cửa bao lâu vì tội làm thủ quỹ "tâm thư".
Viết đến đây, nghĩ về một con người như anh Nguyễn Thành Long, tôi chợt nhớ tới nhận xét của một cô bạn trẻ, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, trong lòng cái gọi là "chế độ xã hội chủ nghĩa". Nói về những anh chị em Việt Kiều đã tích cực tham gia các hoạt động ủng hộ cuộc kháng chiến, và sau năm 1975, với bao thất vọng, đắng cay, phẫn nộ, vẫn gắn bó với đất nước, sáng ngày tối đêm vẫn từ đặt cho mình câu hỏi "Làm gì?", một hôm cô bạn dễ thương đó đã thốt ra từ tâm can : "Một bọn ngu lâu!". Tôi cũng hiểu nhanh là cô thông cảm cho sự "ngu" của chúng tôi là "dại dột" ủng hộ "cộng sản", nhưng không hiểu nổi là đến bây giờ cũng vẫn muốn làm gì để đóng góp. Đúng là... ngu lâu !
Ngu, hay Đại Ngu, mỗi người có quyền hiểu một cách. Lâu ? Ừ thì cả đời đi. Nhưng với Nguyễn Thành Long, chữ lâu này không đúng. Vì cuộc đời của anh đã chấm dứt đột ngột, sáng hôm nay, chủ nhật 22.12.2013. Khi anh còn muốn, còn thừa khả năng đóng góp được nhiều hơn nữa. Mặc dù anh đã đi một con đường dài, từ đất bùn Đồng Tháp tới những công trình pneusol đang được ứng dụng rộng rãi trên thế giới.
Nguyễn Ngọc Giao
Các thao tác trên Tài liệu