Từ Ngô Kha, soi rọi và giải mã một thế hệ dấn thân
Từ Ngô Kha, soi rọi
và giải mã
một thế hệ dấn
thân
Tiêu Dao Bảo Cự
Vừa qua nhân kỷ niệm 40 năm ngày mất của Ngô Kha, các thân hữu ở Huế có xuất bản một tập sách tưởng niệm Ngô Kha. Sau đây là bài viết của tôi tham gia vào tập sách này nhằm góp phần soi rọi và giải mã thái độ dấn thân của tuổi trẻ một thế hệ chiến tranh. Có lẽ một số bạn quan tâm và muốn trao đổi về vấn đề này.
Có lẽ nhiều người thích mấy câu thơ sau đây của Ngô Kha:
con đã đi bao năm
mẹ
không rời ngưỡng cửa
và nay
gió cũng tang bồng
nhưng thi sĩ
vẫn nằm yên trong nhà tù vĩnh
cửu
Có cái gì lãng mạn,
hào sảng và cũng bi tráng, chứa
đựng nhiều ẩn ngữ và dự báo
như chính cuộc đời anh: Nhà thơ
tài hoa, nhà giáo nồng nhiệt, kẻ
dấn thân tranh đấu hào hùng,
chiến sĩ cho tự do, người làm cách
mạng, bị tù đày, chết vì
bị thủ tiêu khi còn trẻ và cuộc
chiến đấu còn dở dang.
Tôi
không quen Ngô Kha dù anh và tôi có
thời gian cùng tham gia tranh đấu ở
thành phố Huế trong giai đoạn
1963-1966. Tôi kém anh gần 10 tuổi, thời
trung học không học ở Huế nên
không là học trò hay đàn em của
anh như một số bạn bè cùng lứa.
Thời gian tranh đấu tôi chủ yếu
hoạt động trong môi trường đại
học. Tuy nhiên tính từ 1963-1975, có
thể nói những người lứa tuổi
20, 30, là thầy trò, bạn bè, lứa
trước lứa sau, đều cùng chung một
thế hệ, thế hệ chiến tranh. Trong thế
hệ đó, dù mất sớm, Ngô Kha
nổi lên và tồn tại như một
tượng đài bí ẩn.
Về
thơ ca và cuộc đời của Ngô
kha đã có nhiều bạn bè, những
người gần gũi viết rất hay. Ở
đây tôi muốn có một cách
tiếp cận khác. Đó là từ
cuộc đời Ngô Kha, tôi muốn soi rọi
lại chính mình và bạn bè cùng
thế hệ, những người đồng
dáng, để giải mã một thời
dấn thân mà cho đến hôm nay vẫn
còn những nhìn nhận và đánh
giá khác nhau.
*
Thời sinh viên,
ngoài ảnh hưởng của sách vở,
các giáo sư và bè bạn, những
sự việc sau đây ảnh hưởng
mạnh đến suy tưởng của tôi về
thời kỳ mình đang sống.
Một
hôm, cùng với nhiều người, tôi
thấy một xác chết trôi dạt trên
dòng sông Hương, tấp vào gần
bến Thương Bạc. Đám đông
xôn xao bàn tán, người bảo là
xác Việt Cộng, kẻ bảo là dân
thường và đưa ra những bình
luận trái chiều. Tôi chỉ đau đớn
thấy đó là một người Việt
Nam, nạn nhân của cuộc chiến trên
đất nước mình.
Nhóm sinh
viên chúng tôi theo dõi và thán
phục tinh thần làm việc của mấy
anh chàng lính công binh Mỹ cởi trần
lái xe ủi san mặt bằng để làm
trường Đại Học Sư Phạm mới,
nơi năm sau chúng tôi sẽ vào ngồi
học. Cũng nhóm sinh viên đó đã
vô cùng phẫn nộ khi một đám
lính Mỹ đi hành quân về, ngồi
trên xe Jeep lái bạt mạng, uống bia,
la hét, ném lon vào người đi
đường và làm một ông già
đạp xích lô té chổng gọng.
Riêng tôi, sau đó còn tình cờ
chứng kiến một nhóm lính Mỹ tắm
trần truồng trên dòng sông bên
quốc lộ 1, làm khách đi xe đò
phải xấu hổ quay mặt đi và tôi
cảm thấy vô cùng nhục nhã.
Các
cuộc tranh đấu mà tôi tham gia, đặc
biệt cao trào Biến động Miền
Trung năm 1966, sinh viên học sinh đã
làm một số việc gây chấn động:
Chiếm Đài Phát thanh Huế làm
đài phát thanh tranh đấu; tham gia bắt
cóc trung tướng Phạm Xuân Chiểu;
giải tỏa kẽm gai ngăn lối trên
đường Duy Tân, nơi có phái
bộ MAAG của Mỹ đóng trụ sở;
đốt Tòa Lãnh sự Mỹ; ra tuyên
cáo không bảo đảm tính mạng
cho người Mỹ nếu người Mỹ
không đến xin lỗi vì một toán
lính Mỹ đã xé khẩu hiệu
“Yankee go home” do sinh viên căng trước
khuôn viên trường đại học;
thành lập các Đoàn Sinh Viên
Quyết Tử đi chi viện cho phong trào các
tỉnh bạn…
Tôi tham gia vào các
biến động này với một nhiệt
tình lửa cháy và sự lãng mạn
lạ lùng.
Trong lời mở đầu phát
cùng với nhạc hiệu bài Mẹ Việt
Nam của Phạm Duy trước mỗi buổi
phát thanh của Đài Phát thanh tranh
đấu do tôi được phân công
phụ trách, tôi viết:
"Đây
là tiếng nói của những người
Việt Nam gầy gò rách rưới, sinh
ra và lớn lên trong nhọc nhằn, trong
chiến tranh, khốn khó, tự nhận lấy
trách nhiệm làm chủ vận mệnh
của lịch sử.
Đây là tiếng
nói của những người sẵn sàng
chiến đấu gian khổ, sẵn sàng đổ
máu và hiến dâng thân xác gầy
trơ xương để làm kẻ BIẾT
SỐNG, DÁM CHẾT CHO DÂN TỘC VÀ
TỰ DO.
Tiếng nói này phát khởi
từ một vùng sôi động nhiệt
tình, luôn luôn vang dậy lời gào
thét cuồng phẫn đòi quyền sống
làm người từ rất lâu trong quá
khứ.
Tiếng nói này sẽ đi qua
thành phố, làng mạc, qua rừng qua
biển, đến tận mọi hang cùng ngõ
hẻm để kêu gọi người Việt
Nam cùng sống trên một mảnh đất
xanh xao khô héo về dựng tương lai
cho đất nước này.
Tiếng nói
này là lời chung của người Việt
Nam trọn lịch sử khát mơ sống
thanh bình giữa đồng lúa xanh và
câu hò giọng hát nhưng đã
phải trả giá bằng tủi hổ nhục
nhằn suốt nhiều thế kỷ."
Có
lẽ trên thế giới không có một
đài phát thanh nào có lời mở
đầu cuồng nộ và lãng mạn
như thế.
Khi giải tỏa đường
Duy Tân, tôi cầm máy ứng khẩu
trên xe phóng thanh dẫn đầu đoàn
biểu tình của sinh viên:
Chúng
ta đang dẫm những bước đầu
tiên trên con đường chúng ta đã
khai mở. Người Mỹ đã để
lại trên đất nước chúng ta
nhiều dấu vết ô nhục. Tại sao
chúng ta không có quyền đi trên
những con đường xanh thơm của quê
hương. Chúng ta làm chủ đất
nước hay chỉ là những tên nô
lệ. Chúng ta không thể mãi khom lưng
cúi đầu trước những tên
ngoại quốc tàn bạo giả dối.
Chúng ta phải đứng lên chiến đấu
giành lấy tự do cho dân tộc. Bây
giờ, lần đầu tiên, chúng ta rửa
được vết ô nhục. Đã hai
năm rồi, chúng ta lạ lẫm sợ hãi
con đường này. Chúng ta bắt buộc
phải chấp nhận những vùng cấm
địa của ngoại quốc trên đất
nước chúng ta. Chúng ta đã sống
trên một quê hương thuộc địa.
Chúng ta đã bị chà đạp.
Chúng ta đòi hỏi người Mỹ
phải thay đổi thái độ. Người
Mỹ đến đây với danh nghĩa đồng
minh, người Mỹ phải đến như
một người bạn với thiện ý
thực lòng, không phải đến như
một chủ nhân quỷ quyệt và tham
lam. Chúng ta khai thông con đường này
để bảo cho người Mỹ biết
chúng ta công phẫn trước sự xâm
phạm chủ quyền Việt Nam sâu xa của
họ. Người Mỹ phải dừng lại
trong những giới hạn thân hữu và
thiện tâm. Với đường lối hiện
tại người Mỹ sẽ trở thành
kẻ thù của người Việt. Dù
đất nước chúng ta nhược tiểu,
chậm tiến, chúng ta đòi hỏi
tương giao bằng hữu với bất cứ
quốc gia nào cũng phải đặt căn
bản trên bình đẳng. Bởi chúng
ta tự trọng và tôn trọng con người.
Bởi chúng ta yêu tự do và mong ước
những kết giao nhân loại đẹp đẽ.
Bất cứ hình thức thực dân ngụy
trang nào chúng ta cũng nhận ra và
thù ghét. Vấn đề của người
Mỹ đối với chúng ta đã quá
rõ ràng. Chúng ta đòi hỏi họ
phải thay đổi tức khắc chính sách
can thiệp. Chúng ta khai thông con đường
này để cảnh cáo người Mỹ
và bày tỏ quyết tâm của chúng
ta.
Lúc Đoàn Sinh Viên Quyết Tử
3 vào Quảng Tín bị một tiểu
đoàn lính Biệt chính bao vây
trên đường phố, chúng tôi
tay không đi diễn hành trước mũi
súng, hát những bài ca yêu nước.Với
tư cách Đoàn trưởng, tôi
dùng loa nói với họ:
Thưa tất
cả các bạn. Thưa toàn thể đồng
bào. Chúng ta đều là người
Việt Nam. Chúng ta đều là họ
hàng anh em. Không có lý do nào và
không ai có thể bắt chúng ta trở
thành thù nghịch. Trước khi là
tín đồ một tôn giáo, đảng
viên một đảng phái, chúng ta,
bất cứ ai, cũng phải là người
Việt Nam trước đã. Bởi chúng
ta có cùng một lịch sử, một quê
hương, một giòng máu. Bởi chúng
ta cùng sướng, cùng khổ, chia ngọt
sẻ bùi qua bao nhiêu biến cố trong một
thời gian dài lâu bền vững. Chúng
ta có với nhau quá nhiều ràng buộc.
Nhất là trong lúc này. Đất nước
đang bị tàn phá hủy hoại trong
cuộc chiến tranh tàn khốc. Không ai
trong chúng ta không lo âu hãi hùng
trước viễn tượng kinh hoàng sắp
xẩy đến. Chúng ta phải chung lưng
đấu cật để sống còn hay
chúng ta chia rẽ nhau để tự sát.
Chúng ta giết nhau nghĩa là chúng ta
giết anh em bạn bè, bà con mình,
nghĩa là chúng ta tự giết. Trong chúng
ta đâu có ai nỡ làm như thế.
Điều đó chắc chắn. Không ai
nỡ lòng và không ai làm thế
được.
Dĩ nhiên chúng ta có
nhiều tiểu dị về chính kiến, về
tôn giáo, về hoàn cảnh cá
nhân, nhưng chúng ta có đại đồng.
Bởi chúng ta yêu tự do, thù ghét
nô lệ và áp bức, khao khát
sống yên vui thanh bình nên chúng ta
không vì tiểu dị mà xóa bỏ
đại đồng. Tiểu dị là sông.
Đại đồng là biển. Và sông
nào cũng chảy về biển cả. Người
Việt nào cũng là người Việt.
Có người Việt nào không là
người Việt không. Chúng ta phải
xóa bỏ hận thù lầm lẫn để
nắm tay nhau vui cười trò chuyện.
Lính
hai bên đường vẫn im lặng đứng
nhìn nhưng nét mặt họ đã
dịu. Súng đã buông xuống hay
khoác lên vai. Một vài người mệt
mỏi ngả mình trên bực cửa. Vài
người tựa bên thân cây cúi
đầu. Có cái gì xao xuyến, dâng
lên khắp nơi. Một tiếng thở e dè
nào đó sau cánh cửa. Một cánh
tay buông thõng, một bắp thịt căng
thẳng duỗi dài. Không gian chùng
xuống, loãng ra. Đoàn sinh viên vẫn
đều bước. Họ quay lại đi lần
thứ hai trên con phố chính. Họ hát
bài ca của chính họ đặt ra:
"
Tôi đi về Quảng Tín, qua bao ngày
chinh chiến, người dân tôi đổ
mồ hôi, xương máu rơi..., không
hết lời.
Đường về làng
tôi hư, đồng ruộng vườn tôi
hoang, nói cùng tôi, ai ơi nói cùng
tôi, tương lai còn có gì?
Gặp
một người thân yêu. Gặp ngàn
người thân yêu. Nói cùng tôi,
ai ơi nói cùng tôi, ai ơi còn
nhớ gì ?
Quảng Tín vùng lên,
Quảng Tín vùng lên..."
Đoàn
sinh viên mắt ngời sáng, hát say mê,
bước đi say mê, trước mũi súng.
Và mũi súng đã hạ xuống.
Vì súng cầm trên tay, tay trên thân
thể, thân thể có một con tim. Và
con tim đã rung động bàng hoàng.
Năm
1967, sau khi phong trào tranh đấu bị đàn
áp, tôi bị bắt giam hơn nửa năm
cuối của đại học. Trong Trại Tạm
Giam của Trung Tâm Thẩm Vấn, tôi nhìn
qua cửa sổ, ngưỡng mộ một cách
tuyệt vọng cô gái trẻ xinh đẹp
mặc áo lụa vàng, dép quai nhung, tóc
bay bay trong gió, hàng ngày đi làm
cho một cơ quan Mỹ gần đó. Một
thời gian sau tôi quyết định không
dõi nhìn cô nữa vì trong tôi
đã bắt đầu cháy lên ngọn
lửa thiêu xiềng hủy xích. Tôi
kết bạn với một du kích bị tù
đã 3 năm, được trả tự do
nhưng chưa được về vì địa
phương không nhận. Anh nói: “Cần
gì ai nhận. Cứ ra khỏi cánh cổng
nhà tù là hổ đã về
rừng”. Chúng tôi trò chuyện rất
nhiều và khi chia tay vì anh bị chuyển
đi nơi khác, tôi chỉ có nửa
chiếc khăn mặt chia đôi với anh làm
kỷ niệm và cảm giác sẽ là
một chia ly vĩnh viễn hoặc bi kịch hơn,
một lúc nào đó, chúng tôi
đối diện nhau nơi một bìa rừng,
hai bên đều cầm súng, đạn đã
lên nòng.
Tôi viết bài thơ
xuôi sau đây sau nhiều ngày nhìn
thấy một trường học bên ngoài
trại giam qua khung cửa sổ bé tí có
song sắt :
Đoản ca trại giam và
trường học.
1* Các em đứng
ở ngoài kia, áo xanh áo đỏ áo
hồng. Trời cuối đông không mưa,
gió heo may thoang thoảng chớm vị mùa
xuân trở mình. Tôi đứng ở
đây nhìn các em, qua một hàng
rào song sắt, qua một tường thành
mọc đầy thép gai rét ẩm, qua một
ao hoa bèo hoa súng bùn lầy, đến
con đường các em đang đứng.
Tôi không nghe thấy gì nhưng tôi
biết chắc các em nói chuyện vui đùa,
chuyện học trò, chuyện tình yêu,
chuyện người này kẻ khác.
2*
Tôi nhìn thấy và nghĩ về các
em một cách thật sôi nổi và
lặng thinh. Chắc chắn các em không hay
biết gì. Chắc chắn các em không
hề nghĩ tưởng rằng tôi có
mặt. Khoảng không gian ngăn cách tôi
và các em có như một tình cờ
vô nghĩa. Chỉ có sự xôn xao từ
tôi khởi đi rồi mất hút trong
vùng gió hắt hiu. Tôi thấy mình
chôn chân và mọc rễ ở đây,
sau hàng chấn song, và tầm mắt, tầm
nghĩ tưởng vươn đi như một
khát vọng. Áo và tóc của các
em rung rinh uyển chuyển như áo và tóc
cô bé tôi yêu, như áo và
tóc bao nhiêu đứa bé gái khác
đang đi trên đường phố. Tôi
không được nhìn gần mặt
nhưng tôi thấy rõ các em mắt
sáng môi hồng, các em dáng thanh mai
dịu hiền.
3* Sau lưng các em là
ngôi trường học xinh xắn, gọn
gàng, cửa sổ sơn xanh, bờ tường
quét vôi trắng. Tôi không nghĩ đó
là trường Đồng Khánh, Quốc
Học, Bồ Đề, Nguyễn Du. Tôi chỉ
nhận ra ngôi trường thấp thoáng
sau hàng phượng vĩ xanh mầu lá
thắm, nơi các em đang bình an trong
tuổi thơ, nơi tôi đã bình an
một tuổi thơ thuộc về quá khứ.
4* Các em đứng đó rồi các
em vô tình bỏ đi khuất sau một
dãy phố. Tôi chợt thấy ngơ ngác
bàng hoàng. Tôi chợt thấy mất
đi thật thảng thốt bóng dáng của
một thương yêu hạnh phúc vô
vàn. Ngôi trường vẫn lặng lẽ,
con đường vẫn im trôi không lời
không tiếng.
5* Người lính gác
ra đứng tiểu ở bờ tường thép
gai khi tôi vừa mất các em ở ngoài
tầm mắt chới với. Tôi quay mặt
vào bên trong, ánh sáng bóng tối
nhập nhòa chập choạng. Mười mấy
người ốm yếu xanh xao nằm ngồi lố
nhố im hơi không cười không nói.
Có phải chúng tôi vào đây
để các em được vui đùa
ca hát. Có phải chúng tôi la liệt
ho hen trên sàn nhà ẩm ướt để
các em được cắp sách bước
chân chim sẻ đến trường.
6*
Chung quanh các em, chung quanh chúng tôi , chung
quanh chúng ta là biên giới rừng núi
bãi cát thép gai sắt máu khói
lửa, không như đường dấu cộng
các em vẽ trên bản đồ. Quê
hương không còn là bình nguyên
xanh tươi, thành phố phồn hoa, cao
nguyên hiền lành, sông ngòi quanh co
trù phú. Quê hương đã mọc
đầy loài dây leo mắt gai lởm
chởm, quê hương là trận địa
tàn sát đồng bào, quê hương
là bar- restaurant xanh vàng đỏ tím.
7*
Các em là người Việt, chúng tôi
là người Việt. Các em ngây thơ
vui đùa, chúng tôi tù đày
cằn cỗi. Rất ít kẻ tự nguyện
làm phân bón một cách khôn
ngoan sáng suốt.
Tôi rời chấn song
và viết những điều này bên
cạnh mấy thùng nước tiểu bốc
mùi khai nồng nặc.
8* Mỗi sáng
mỗi chiều tôi vẫn tiếp tục ra
đứng ở cửa sổ vịn song sắt
và không ngớt nghĩ tưởng về
các em. Liên hệ giữa tôi và các
em trở nên keo sơn thắm thiết khó
lòng dứt bỏ. Tôi vẫn tự coi mình
như một người anh dù thực sự
tôi hơn các em không bao nhiêu tuổi.
Tôi đã mất tuổi thơ, đã
trưởng thành, đã trở nên
già, nên cằn cỗi trên nhiều
phương diện. Chỉ có nhiệt tình
là vẫn còn nhưng thật trầm, thật
thao thức.
9* Tôi vừa nhìn các
em qua hình dây thép gai ô vuông méo
mó dựng trên bức tường rêu
mốc loang lỗ. Buổi sáng các em đi
học về lẻ loi một vài người,
mỗi bước chân các em di chuyển
qua một ô vuông thép gai chiều ngang
trong khi những ô vuông chiều dọc vẫn
tiếp tục đan lên các em thành
đường hằn gai nhọn qua đầu qua
thân qua ngực. Tôi nhìn các em như
người thợ vẽ nhìn bức chân
dung có gạch ô vuông để vẽ
lại, nhưng ô vuông của tôi thì
xô lệch gai nhọn rét rỉ, nhưng
chân dung của các em thì hiền hòa,
thì tuổi trẻ, thì bình an hiếm
hoi của quê hương.
10* Tôi nhìn
các em qua phạm trù của tôi, thứ
phạm trù thuộc loại ô vuông thép
gai và lỗ tròn ổ khóa.
Trước
mắt tôi không còn khoảng không
trong suốt để nhìn thẳng nhìn
rộng nhìn xa nhìn dài. Chỗ đứng
của tôi không có cơ hội để
nhìn gần nhìn sát nhìn sâu
vào môi vào mắt vào châu
thân.
Quê hương đã dành
cho tôi, cho nhiều người khác chỗ
đứng mới. Tôi muốn xứng đáng,
quả thật xứng đáng với chỗ
này tù đày rách rưới. Các
em biết không?
11* Buổi sáng vẫn
còn mùa đông thật cuối, thật
sau cùng.
Ngọn gió heo may đã giảm
bớt chất nồng vị buốt và mùa
xuân khởi lên thật mong manh đâu
đó. Các em xuất hiện ở cổng
trường, tiếng cười đùa bay
lên thật cao thật xa thật trong suốt.
Tôi thấy mình đau nhói ở ngực
ở tim ở linh hồn xác thịt. Niềm
đau nào chợt đến thấm vào
tôi như nước đi vào cát khô
sa mạc, mà tha thiết mà nồng nàn
mà nhức nhối mà ham mê. Tôi yêu
các em biết chừng nào.
12* Quê
hương chỉ còn có tuổi trẻ.
Tuổi trẻ đang vỡ bờ nơi các
em và hiện tại tương lai đang đưa
các em vào nơi lâm nguy vô phương
cứu chữa. Căn bệnh đã tràn
lan khắp nơi với hàng trăm thứ vi
trùng bên ngoài bên trong chia nhau đục
khoét. Chúng tôi đã nỗ lực
để tự cứu và thề sẽ đi
đến cùng đường dù bằng
tù đày xương máu.
Và
tôi cũng đã viết một lá thư
tỏ tình với nữ giáo sư Anh văn,
phu nhân của giáo sư khoa trưởng.
Khi ra tù đi học lại, giờ đầu
tiên tôi trao cho nữ giáo sư của
mình lá thư, trong đó có
đoạn:
"Đối với tôi chị
thật yếu đuối. Tôi muốn nâng
đỡ thân hình mảnh mai trên bước
đi xiêu đổ của chị. Tôi muốn
gỡ cặp kính để hôn lên đôi
mắt thông minh đầy trí tuệ. Tôi
muốn uống nuốt trên môi chị những
âm thanh ngọt ngào và lảnh lót
như tiếng chim rừng buổi sớm. Đối
với tôi, chị chỉ là một phụ
nữ đáng yêu và đáng ngưỡng
mộ. Lẽ nào tôi không được
bày tỏ tình cảm của mình chỉ
vì chị là giáo sư đứng
trên bục giảng và tôi là một
sinh viên.
Trong bóng đen tù ngục
này, đêm nay hình ảnh chị ngời
sáng như một vì sao sau song sắt, rọi
vào tâm hồn tôi một chút ánh
sáng xanh mờ huyền ảo làm tôi
nhẹ lòng."
Cuối năm học
1966-1967 tôi may mắn cũng được tốt
nghiệp ra trường. Tôi chọn nhiệm
sở là một tỉnh cao nguyên xa xôi,
nơi tôi chỉ biết tên trên bản
đồ vì lắng nghe “tiếng gọi
nơi hoang dã”. Từ đó tôi ít
khi về Huế.
*
Từ trường
hợp Ngô Kha, soi rọi bản thân, đối
chiếu bạn bè, tôi nghiệm ra thế
hệ chúng tôi là một thế hệ
dấn thân bi tráng.
Dĩ nhiên là
khởi đi từ sự trong sáng và
nhiệt tình tuổi trẻ trong một tình
huống sục sôi. Tuổi trẻ không vì
những lợi ích hẹp hòi gì cho
riêng mình ngoài khát vọng thể
hiện bản thân. Đây là tuổi
trẻ có trí thức, có ý thức
chứ không phải là những con thiêu
thân mù quáng.
Lòng yêu nước
là một tình cảm tự nhiên và
được hun đúc qua những bài
học lịch sử từ tấm bé, phải
làm cái gì chứ không thể ngồi
yên khi đất nước mỗi ngày rỉ
máu, tan hoang vì bom đạn.
Tinh thần
phản kháng, nổi loạn là đặc
điểm chung của tuổi trẻ càng dễ
được kích động lên trong bối
cảnh xã hội có nhiều bất công,
áp bức và niềm đau do cuộc chiến
gây ra.
Đi cùng với lòng yêu
nước là khát vọng hòa bình.
Biết bao giấc mơ về một ngày mai
quê im tiếng súng đã được
vẽ nên trong thi ca, nhạc, họa của
những người trẻ tuổi luôn đau
đáu niềm đau chung của đất
nước. “Mai có hòa bình”,
bài thơ cuối cùng của Ngô Kha là
một trong những tác phẩm đó của
thi sĩ tài hoa, đầy hình tượng
ẩn dụ và một tình cảm tha
thiết:
Tin em trao về hồng như
nụ
chín
Mai có hòa bình khác thể
yêu thương
Đường dù ngái
đi rừng chen lớp lớp
Nhớ nhau thì
về cho kịp trời thu
Trời có tơ
đan nắng hanh vườn cũ
Áo thô
bạc màu hẹn buổi vinh quy
Chim vỗ
cánh bay theo đàn tình tự
Xứ
mẹ con về góp hội trùng tu
Khát
vọng hòa bình là phải chấm dứt
chiến tranh. Cuộc chiến này mang tên
gọi gì, do ai gây nên, ai đứng
đằng sau, thế hệ này đương
nhiên phải nghĩ đến. Nghĩ thế
nào và nghĩ tới đâu còn
tùy cá nhân nhưng vấn đề
nổi bật nhất, gần gũi và trực
tiếp nhất là sự can thiệp của
người Mỹ vào chiến cuộc. Sự
có mặt của nửa triệu lính Mỹ
và đồng minh, các loại chiến xa,
vũ khí, nhất là các loại máy
bay chiến đấu trút xuống hàng
vạn tấn bom đạn trên ruộng đồng
và con người Việt Nam, mà mỗi
ngày người dân có thể nhìn
thấy và cảm nhận, đã làm
dấy lên tinh thần chống Mỹ như một
tình tự dân tộc đương
nhiên.
Công bằng mà nói tất
cả những điều trên có được
cũng là nhờ một không gian tự do
nhất định của xã hội Miền
Nam thời đó, tự do suy tưởng và
hành động trong một chừng mực để
tuổi trẻ có thể bung phá thể
hiện mình, trong những hoạt động
mang đầy tính lãng mạn cách
mạng. Nhưng không gian tự do này của
một chế độ dân chủ sơ khai
còn rất nhiều hạn chế và chưa
phải là mẫu mực cho tuổi trẻ và
dân tộc chấp nhận.
Tuy nhiên,
tất cả đều nằm trong “gọng
kềm lịch sử”. Không ai, thời kỳ
nào thoát khỏi gọng kềm lịch
sử. Nhưng thế hệ tuổi trẻ này
đúng là gặp vô cùng khó
khăn. Các lực lượng chính trị
điều hành đất nước đã
thành hình từ trước, cuộc chiến
đang diễn ra khốc liệt, các thế
lực quốc tế chi phối mạnh mẽ.
Những người trẻ tuổi không có
gì cả ngoài tuổi trẻ và khát
vọng của mình. Về sau này, với
độ lùi và thực tiễn lịch
sử tiếp diễn, nhiểu người phê
phán tuổi trẻ dấn thân thời đó
thiếu viễn kiến lịch sử. Nhưng ai
có thể có viễn kiến chính xác,
ngay cả những người lãnh đạo
có quyền lực trong tay, trên phạm vi
cả nước hay toàn thế giới?
Một
đại học Huế, một thành phố
Huế, một phong trào sinh viên học sinh
tranh đấu nơi một địa phương,
trong một giai đoạn, thật ra cũng rất
nhỏ nhoi trong toàn cảnh cuộc chiến
kinh hoàng trên khắp đất nước
và cuộc tương tranh giữa các thế
lực trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên
trong tâm tưởng thế hệ dấn thân,
đây vẫn là những ngày bão
lửa bi hùng cao cả và ý nghĩa
dấn thân của thế hệ này lại
có thể vượt thời gian đến
tương lai khi đất nước luôn cần
đến những trái tim trẻ trung nóng
bỏng.
Sau và ngay trong thời kỳ dấn
thân, thế hệ trẻ này đi theo
nhiều hướng. Trở về học hành
và cuộc sống đời thường,
thành đạt hay thất bại tùy phận
người. Một số gia nhập quân đội
hay bộ máy hành chính Việt Nam Cộng
Hòa, sau này đứng về phía chiến
bại, khốn cùng trong các trại cải
tạo hay ra được nước ngoài.
Một số tham gia Mặt Trận Giải Phóng
hay đảng Cộng Sản, đồng hành
với chế độ mới.
Từ ngày
ấy, bao nhiêu nước đã chảy
qua cầu, đất nước cũng gập
ghềnh quanh co trên chặng đường
gian khó đi tới tương lai. Những
nhận định và phê phán về
một thế hệ dấn thân vẫn còn
nhiều khác biệt từ quan điểm của
người nhìn nhận. Nhưng dù sao đi
nữa, gác qua một bên những định
kiến, hận thù và quan điểm chính
trị, thế hệ dấn thân này vẫn
thể hiện phẩm chất tinh hoa của tuổi
trẻ trí thức Việt Nam, mà nếu
được phát huy đúng đắn,
những phẩm chất này sẽ làm nên
đất nước.
Nếu Ngô Kha còn
sống đến hôm nay anh sẽ nghĩ gì
và làm gì? Anh đã “theo gió
tang bồng”. Hi vọng thế hệ sau và
những người còn sót lại trong
thế hệ anh sẽ tìm ra câu trả lời
giả định cho anh và câu trả lời
đích thực cho chính mình.
Đà Lạt, kỷ niệm 40 năm ngày mất của Ngô Kha, tháng 1/2013.
TDBC
Các thao tác trên Tài liệu