Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Vì sao tôi đã mong Phạm Duy sống lâu

Vì sao tôi đã mong Phạm Duy sống lâu

- Nguyễn Ngọc Giao — published 28/01/2013 01:35, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:22
Tưởng niệm PHẠM DUY (1921-2013)


Vì sao tôi đã mong
Phạm Duy sống lâu



Nguyễn Ngọc Giao


Sáng nay được tin Phạm Duy từ trần, tôi hụt hẫng nhưng không bất ngờ, vì từ mấy tháng nay, được biết sức khỏe của ông đã suy yếu nhiều. Những bài báo, những dòng email ngắn gọn của ông gửi từ giường bệnh do bạn bè chuyển lại, cho thấy ở tuổi hơn 90, nhạc sĩ vẫn minh mẫn, yêu đời, sự yêu đời dường như đã mang sắc thái của sự an nhiên, của một con người đã sống đầy đủ nhiều cuộc đời. Ngẫu nhiên, tác giả Việt Nam Việt Nam đã lìa đời vào đúng ngày kỷ niệm lần thứ 40 Hiệp định Paris. Tôi muốn coi đó là một cái "nháy mắt" của tác giả "một ngàn lời ca", nhắc chúng ta là cuộc đời ông gắn bó với "vận nước nổi trôi" trong suốt hơn 70 năm qua.

baibao

Như hàng triệu người, tôi đã từng thích nhạc Phạm Duy, thuộc một số bài của ông, từ thuở chưa lên mười, còn tản cư ở một làng đồng chiêm Bắc Ninh, như vậy không đủ tư cách để viết về nhạc Phạm Duy hay về con người Phạm Duy. Tiễn đưa ông, tôi chỉ xin kể lại một kỉ niệm nhỏ về hai lần gặp Phạm Duy, trong thời gian khá dài ông chuẩn bị về nước. Trước khi gặp ông và có dịp nói chuyện khá lâu lần đầu, vào mùa hè 1989, tôi cũng đã có vài dịp trông thấy ông, từ chỗ ngồi của một thính giả. Đó là một vài dịp Phạm Duy cùng ban hợp ca Thăng Long ra Hà Nội trình diễn đầu những năm 1950, trước Hiệp định Genève, và trong đầu thập niên 1980, tại trường tôi (Đại học Denis Diderot - Paris VII) khi ông tới giới thiệu sáng tác mới theo lời mời của Ban Việt học. Phải đợi tới mùa hè năm 1989, tôi mới có cuộc gặp riêng. Phạm Duy chủ động tìm gặp tôi sau khi đọc bài tôi viết (dưới bút hiệu Kiến Văn), dưới đầu đề Tại sao tôi mong Phạm Duy sống lâu, đăng trên báo Đoàn Kết số tháng 3-89 (trang 37). Thay vì kể lại nguyên ủy, xin đưa lại bản chụp toàn văn bài báo :




pda
pdb
pdc
pdd

Lần ấy, chúng tôi nói chuyện khá lâu, nhưng về bài báo, có lẽ chỉ vài phút. Phạm Duy chỉ nói vắn tắt : ông muốn gặp tác giả bài viết, và muốn nói rõ là hai chữ "Cha Già" sửa thành "Me già", không phải do ông mà do sở kiểm duyệt của chính quyền Bảo Đại (trong bài, tôi cũng cẩn thận viết "không hiểu vì ông ta tự ý sửa, hay kiểm duyệt bắt phải sửa"). Thế là xong. Ông không nói gì tới bài báo nữa. Một phần, cũng chẳng có gì đáng nói thêm, phần nữa, qua đó, ông cũng biết tôi suy nghĩ như thế nào. Tôi không nhớ chính xác những gì sau đó chúng tôi trao đổi gần hai tiếng đồng hồ, chỉ nhớ đại để xoáy quanh cuộc sống tinh thần và tâm trạng cộng đồng người Việt ở California và ý muốn về nước của ông. Lúc đó, do chưa nắm rõ tình hình trong nước, và cũng vì quan tâm tới phản ứng của dự luận ở Mĩ (điều này thì Phạm Duy nắm rõ), ông muốn đặt ra một hai điều kiện, như có lời mời chính thức của một tổ chức văn nghệ sĩ... Với tư cách một người viết báo và quan sát tình hình trong nước, tôi mạn phép nói thẳng với ông là ông không nên trông chờ, và không cần điều đó.

Lần thứ hai được gặp và nói chuyện với ông là do tình cờ. Tháng 4 năm 1994, nghệ sĩ Trần Văn Trạch từ trần sau một cơn trọng bệnh. Một thời ở cùng chung cư với "quái kiệt" tại Fontenay-sous-Bois, tôi đến dự lễ thánh tại nhà thờ Công giáo Créteil. Sáng hôm ấy, Phạm Duy tới hơi muộn. Sau buổi lễ, trong cuộc nói chuyện, ông giải thích đến muộn vì nói chuyện với vợ ông, Thái Hằng, vừa đặt chân tới phi trường Los Angeles sau chuyến đi Việt Nam. Hôm đó, ông rất vui vì chuyến đi của bà Thái Hằng diễn ra suôn sẻ, nhất là đã tìm lại được mộ và sửa sang mộ cho hai cụ thân sinh Phạm Duy. Sau này, khi chính ông lên đường về nước hai lần đầu, trên báo chí Việt ngữ xuất bản tại Hoa Kì, thấy nói ông về tìm mộ thân sinh, tôi không biết nhà báo có thuật lại chính xác hay không, cũng có thể, lí do này được đưa ra để xoa dịu những phản ứng không thuận lợi.

Khi ông đã trở về hẳn, đôi lần về nước, tôi không tìm đến thăm ông, mà chỉ gửi lời chào, vì không muốn ông mất thời giờ. Qua bạn bè và báo chí, tôi cũng biết sơ về cuộc sống của ông, và theo dõi con đường dài phục hồi quyền trình diễn những sáng tác của ông. Quan trọng hơn cả, đối với tôi, là việc Phạm Duy muốn tìm gặp hai người : Trần Bạch Đằng và Nguyễn Trọng Văn. Tại sao Phạm Duy muốn gặp ông Trần Bạch Đẳng, đọc bài báo ở trên, bạn đọc thừa hiểu tại sao. Tôi được biết lúc đầu, ông Trần Bạch Đằng không mặn mà lắm, nhưng cuối cùng, hai người cũng đã gặp nhau, với sự có mặt của ông Trần Văn Giàu. Còn Nguyễn Trọng Văn, bạn đọc trẻ tuổi có thể không đoán ra. Nguyễn Trọng Văn là tác giả một bài viết (đã in thành sách, Văn Mới, 1971) nổi tiếng : Phạm Duy đã chết như thế nào ? công bố lần đầu năm 1969 trên tạp chí Văn (nếu tôi nhớ không lầm, nhưng theo trí nhớ đáng tin hơn của anh Đặng Tiến, thì là tạp chí Tin Văn). Trong bài nghị luận này, Nguyễn Trọng Văn đã nghiêm khắc lên án thái độ chính trị của Phạm Duy. Anh Văn có dịp kể cho tôi : khi chế bản tạp chí Văn vừa xong, anh đã đến tận nhà Phạm Duy để đưa cho ông đọc trước và nói rõ anh lên án lập trường và hành xử chính trị của Phạm Duy, chứ không hề thay đổi cách đánh giá Phạm Duy nhạc sĩ và tác phẩm của ông. Mùa hè 2005, tôi có hỏi thăm Nguyễn Trọng Văn : Phạm Duy về đã tìm gặp anh chưa ? Anh Văn nói có, nhưng chưa gặp vì lúc đó anh đi vắng. Tôi chắc từ đó, hai người đã gặp nhau vui vẻ. Anh Văn mấy năm nay suy yếu sức khỏe, hầu như không viết nữa, nhưng tôi hi vọng anh có dịp viết hay kể về cuộc hội ngộ này.

Chúng tôi đã sống qua một thời đầy "âm thanh và cuồng nộ". Đã phản ứng quyết liệt cách này hay cách khác về một vài khía cạnh trong cuộc đời Phạm Duy. Điều đó không làm thay đổi ý kiến của mình về nhạc phẩm Phạm Duy, và đều mừng là Phạm Duy đã sống lâu, sống tận cùng. 

Paris, 27.1.2013

Nguyễn Ngọc Giao


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
Nguyễn Hồng Anh: Saigon Kiss 24/01/2025 - 25/04/2025 — Arte
LES LARMES D'ASTYANAX - Olivier Dhénin Hữu 31/01/2025 - 02/02/2025 — Théâtre du lycée Jacques Decour | 12 Avenue Trudaine | 75009 Paris
Festival cinéma - Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Inalco : L'économie vietnamienne en 2024 et ses perspectives 06/02/2025 18:00 - 20:00 — 65 Rue des Grands Moulins, 75013 Paris | Amphi 2
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us