Viết trung thực, bao dung, không thù hận...
Viết
trung thực, bao dung,
không thù hận
BÙI NGỌC TẤN
trả lời phỏng vấn của Nguyễn Bá Chung (Boston)
¤ Xin ông cho biết qua về thời niên thiếu, đã theo học những môn gì, đã đặc biệt ngưỡng mộ những tác giả hoặc trường phái nào ?
Thời niên thiếu tôi học hết cấp 3 trung học phổ thông (lớp 9 thời đó). Giỏi văn và giỏi cả toán, luôn đứng đầu lớp. Thời trẻ thì ngưỡng mộ nhiều người lắm, yêu nhiều tác giả lắm. Thế giới có Hugo, Sholokhov, Paustovski…, trong nước là những tác giả Tự Lực văn đoàn. Tôi yêu những tác giả rất khác nhau : từ Huy Cận đến Vũ Hoàng Chương, yêu cả Nguyễn Tuân cả Vũ Trọng Phụng…
ĐỖ PHẤN, Chân dung Bùi Ngọc Tấn
¤ Xin ông cho biết lý do tại sao sau khi ra tù, ông đã ngừng viết hơn hai mươi năm ? Trong thời gian đó ông nghĩ gì về nền văn học đương thời ?
Sau khi ra tù, không những tôi không viết mà còn không đọc được sách, nhất là đọc những sách văn học Việt Nam, những sách của các bạn tôi viết. Những trung nông không vào hợp tác xã, cuối cùng nghèo đói, những cuộc đấu tranh giữa các đôi thanh niên nam nữ yêu nhau, một người vì tập thể một người cá nhân chủ nghĩa, cuối cùng tình yêu tan vỡ. Sau khi sống và chứng kiến những chuyện trong tù, đọc những sáng tác kiểu trên đây tôi thấy như mình bị xúc phạm.
Cứ tiếp tục viết như thế thì viết làm gì ?
¤ Những biến động ngoại cảnh hoặc nội tâm nào đã làm ông bất thình lình viết trở lại ? Ông đã quyết định viết Chuyện kể năm 2000 vào thời điểm nào ? Viết trong bao lâu ? Cảm tưởng của ông khi cầm bút trở lại ? Khi viết lại những điều mình đã một thời trải qua ?
Tháng 3-1990 tôi bắt đầu viết trở lại. Tình hình chính trị, kinh tế trong nước và quốc tế đã có những đổi khác. Phe xã hội chủ nghĩa tan vỡ. Hệ thống chính trị tưởng rất vững chắc đã sụp đổ. Một luồng gió tự do dân chủ thổi từ Liên Xô qua Đông Âu tới Việt Nam.
Tại Việt Nam, Đại Hội 6 của Đảng quyết định đường lối đổi mới. Có nhiều biến chuyển về sinh hoạt vật chất và tinh thần trong xã hội. Người dân bước đầu được giải phóng. Văn học nghệ thuật có những tín hiệu đáng mừng. Riêng văn chương đã có những sáng tác của Dương Thu Hương, truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Nền văn chương già nua, nhợt nhạt công thức đã trở nên tươi trẻ, có sức sống.
Trong không khí như vậy tôi đã cầm bút trở lại. Thú thật, tôi đã tưởng mình không bao giờ còn viết văn trở lại.
¤ Xin ông cho biết quá trình tìm kiếm nơi xuất bản Chuyện kể năm 2000 ? Ông có nghĩ là tác phẩm có thể được chính thức ra mắt không ?
Tôi hoàn thành Chuyện
kể năm 2000 vào khoảng
cuối năm 1991. Chỉ trong hơn 1 năm. Khi đó
sức khoẻ tôi còn tốt, có thể
làm viêc thâu đêm. Năm 1993, tôi
gửi Chuyện kể
năm 2000 dự thi 40 năm giải phóng
Thủ Đô Hà Nội (1953-1954). Nhà
xuất bản Hội Nhà Văn đã
định in. Ban chấm thi đã dự kiến
giải thưởng (thấp thôi, bởi nếu
cho giải cao, lại lôi thôi như Bảo
Ninh thì phiền). Thế rồi có một
sự cố, nhà xuất bản Hội Nhà Văn bị đe
doạ khởi tố, không dám in nữa.
Tôi biết tác phẩm của tôi khó được in vì nó đụng đến điều cấm kỵ : Nói về nhà tù, về tệ mất dân chủ nghiêm trọng trong chế độ xã hội chủ nghĩa, điều chưa ai nói đến và dám nói đến.
Thế rồi điều kỳ diệu đã đến. Nó đã được xuất bản.
¤ Cảm tưởng của ông khi Chuyện kể năm 2000 được nhà xuất bản Thanh Niên đồng ý in ?
Tôi gửi lên nhà xuất bản Thanh Niên cầu may thôi. Gửi mà chẳng mấy hy vọng. Bởi chính biên tập viên cầm bản thảo lên sau khi đọc được hơn 100 trang, gọi điện về cho tôi : Khó đấy anh ạ.
Nhưng rồi giám đốc Bùi Văn Ngợi quyết định in. Phó giám đốc Phạm Đức, biên tập viên Cao Giang đều rất ủng hộ. Có một điều cần phải nói là : Nhiều đoạn tôi nghĩ sẽ bị cắt nhưng vẫn được các anh giữ nguyên.
¤ Cảm tưởng của ông khi Chuyện kể năm 2000 bị thu hồi ?
Lúc đầu là một cảm giác bị lăng nhục. Là buồn. Sau đó là một sự lo lắng. Lo lắng cho mình thì ít, lo lắng cho các anh ở nhà xuất bản thì nhiều. Tôi gọi điện lên cho anh Bùi Văn Ngợi :
“ Tôi rất áy náy. Vì tôi mà các anh bị liên luỵ ”. Anh Ngợi gắt lên với tôi : “ Sao anh lại nói như vậy. Chúng ta làm những việc mà chúng ta nghĩ rằng có lợi cho dân cho nước. Nếu cấp trên của chúng ta có cái nhìn khác chúng ta, quyết định khác chúng ta thì chúng ta chấp hành thôi.”
Bùi Văn Ngợi đúng là một người tuyệt vời.
¤ Theo ông biết, mặc dầu bị thu hồi, Chuyện kể năm 2000 vẫn được bán chui như thế nào ?
Tôi lúc nào cũng nghĩ rằng tập tiểu thuyết Chuyện kể năm 2000 của tôi sẽ được đọc dài dài. Trong đời, tôi đã chứng kiến nhiều quyển tiểu thuyết bị cấm nhưng mấy chục năm sau lại được in lại. Chuyện kể năm 2000 được in lại ngay tức thì sau khi có lệnh thu hồi tiêu huỷ. In ở hải ngoại. Và in chui ngay trong nước. Người ta dễ dàng mua được Chuyện kể năm 2000 tại các hàng sách vỉa hè Hà Nội và các chú bé bán sách rong, những chú bé Gavroche của Hà Nội. Một chú bé bán sách rong khoe với tôi : Con bán được tám chục bộ, bạn con bán được gần trăm. Bà M, một bà bán sách vỉa hè nói : Tôi bán được gần nghìn bộ. Chắc anh được nhiều nhuận bút lắm nhỉ. Tôi cười : “ Tôi có được đồng nào đâu.”
¤ Một
nhà văn hải ngoại, ông Lâm
Chương, sau khi đọc Chuyện kể năm 2000,
đã nói
với bạn bè là từ nay ông ấy
sẽ không viết về trại cải tạo
nữa, vì có viết cũng không thể
nào hay hơn Chuyện kể năm 2000 ?
Theo ông, tại sao Chuyện kể năm 2000
lại được độc giả cũng
như các nhà văn đặc biệt
trân trọng như vậy ?
Tôi rất cảm động khi được biết ông Lâm Chương nói như vậy về tập sách của tôi. Việc phân tích những cái hay cái chưa hay của Chuyện kể năm 2000 thuộc bạn đọc và các nhà phê bình.
Là tác giả, tôi chỉ có thể nói rằng tôi viết Chuyện kể năm 2000 với tất cả sự cố gắng nhằm đạt tới cái trần của mình. Tôi tự nhủ : Hãy trung thực. Viết tất cả những gì mình biết, mình trải, với tấm long bao dung, không thêm, không bớt, không thù hận. Hãy dọn mình đối thoại với vô cùng. Viết với lòng nhân ái, với sự tự do mình dành cho mình, để tìm ra gốc gác, căn nguyên, không hớt váng. Viết với một sự giản dị chân thành nhất.
Và viết với sự luyến tiếc đến đau đớn một thời tuổi trẻ đã qua.
Bùi Ngọc Tấn bên một hoạ phẩm Gauguin (Viện bảo tàng Orsay, Paris, ảnh NNG).
¤ Một điểm đặc biệt của Chuyện kể năm 2000 là tuy viết về đời sống mất tự do, những khốn khó khổ đau của bao mảnh đời bất hạnh đằng sau nhửng cánh cửa xà lim, nhưng nó không phải là tiếng ca uất nghẹn đầy hận thù và bi phẫn. Ngược lại, nó nói lên những liện hệ rất người, rất nhân bản, của những cuộc đời bị đẩy xuống những hố thẳm không cùng nhưng vẫn vượt được lên trên nó, vẫn giữ được những bản sắc nhân hậu mà những kẻ có tự do lại đánh mất. Theo ông, nhờ những kinh nghiệm bản thân đặc thù hoặc một triết lý sống nào mà ông có thể thể hiện được tính nhân bản sâu sắc đó trong tác phẩm của mình ?
Đời người thật ngắn ngủi vất vả khó khăn và đau khổ nữa. Cả những người gây đau khổ cho tôi cũng không tránh khỏi điều này. Tôi yêu cuộc đời. Tôi yêu mọi người. Tôi ao ước người với người sống với nhau tốt hơn. Không chỉ mình tôi ao ước như vậy. Tôi nghĩ ngay cả những kẻ tàn ác cũng có lúc muốn sống tốt, sống lương thiện.
¤ Với phản ứng đặc biệt trân trọng của độc giả đối với Chuyện kể năm 2000, ông có kỳ vọng gì về các tác phẩm tương lai của văn học Việt Nam ?
Là một người viết văn tôi thật hạnh phúc với sự cảm thông chia sẻ của độc giả. Đó là sức mạnh giúp tôi sống và làm việc trong những năm còn lại. Có thể nói tôi rất nghèo nhưng cũng giầu có vô cùng. Một lần nữa cho tôi được cảm ơn những bạn đọc trong nước, ngoài nước đã chia sẻ cùng tôi.
Tôi luôn hy vọng vào những thành tựu sắp tới của văn học Việt Nam, bởi kinh nghiệm sống của tôi là : Không bao giờ ngừng hy vọng.
(với sự đồng ý của tác
giả, chúng tôi đăng kèm đây truyện ngắn Người
chăn
kiến của Bùi Ngọc Tấn)
Các thao tác trên Tài liệu