Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Vũ Hoàng Chương

Vũ Hoàng Chương

- Đặng Tiến — published 06/09/2011 16:12, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:22

Thủ bút và chân dung

Vũ Hoàng Chương
(1915 - 1976)


Nhân ngày giỗ lần thứ 35 ngày mất của thi sĩ Vũ Hoàng Chương, Diễn Đàn trân trọng giới thiệu với bạn đọc vài bức thủ bút, chân dung và tiểu sử của thi sĩ, do bạn ông, nhà phê bình Đặng Tiến sưu tầm và gửi tặng.

Diễn Đàn



vhc_dt

VHC1



Chính quán: xã Phù Ủng, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hưng Yên

Sinh quán: thành phố Nam Định

Năm sinh: Ất Mão (1915), tháng Tư, ngày mồng Một, trên giấy khai sinh đã ghi 5.5.1916.

Gia đình khoa bảng giàu có. Bố tên Vũ Thiện Thuật, làm tri huyện, nho học uyên thâm, sành văn học, mất 1941; mẹ họ Hoàng, hay chữ và chơi đàn nguyệt, buôn gạo tại Bến Thóc, Nam Định, mất tại Sài Gòn, 1961 (?).

Học chữ Hán từ năm 5 tuổi, 12 tuổi bắt đầu học tiếng Pháp, trường tiểu học Nam Định.

1931: Vào trường trung học Albert Sarraut, Hà Nội.

1937-1938: Tú tài Pháp, phần I Cổ ngữ, La-tinh Hy-lạp, phần II Toán.

1938: Học Luật tại Hà nội.

1939: Thôi học, ra làm việc Hỏa Xa, ngạch phó thanh tra, phụ trách đọan đường Vinh - Na Sầm.

1940: Tự xuất bản THƠ SAY, nhà Cộng Lực ấn loát và phát hành. Nxb Nguyễn Đình Vượng tái bản 1971, Saigon.

1941: Thôi việc ở Hỏa Xa, học ban Toán Đại Cương tại đại học Khoa học vừa mới thành lập tại Hà Nội.

1942: Thôi học, xuống Hải Phòng dạy cho một tư thục. Trở về Hà Nội lập ban kịch Hà Nội cùng với Chu Ngọc và Nguyễn Bính. Diễn vở kịch thơ VÂN MUỘI tại Nhà Hát Lớn Hà Nội (12.12.1942).

Gặp gỡ Đinh Thục Oanh, chị ruột nhà thơ Đinh Hùng, thành hôn 1944.

1943: Xuất bản tập MÂY, nxb Đời Nay, Hà nội (Nxb Văn Học, Hà Nội, tái bản 1991, 1995, Nxb Hội Nhà Văn, TPHCM 1992).

1944: Xuất bản tập kịch thơ, gồm 3 vở: VÂN MUỘI, TRƯƠNG CHI, HỒNG DIỆP; nxb Anh Hoa, Hà nội.

1945: Về Nam Định, diễn vở kịch thơ LÊN ĐƯỜNG của Hoàng Cầm (sau Cách mạng tháng 8).

1946: Tản cư về vùng duyên hải Nam Định (Khu Ba).

1948: Xuất bản tập THƠ LỬA cùng với Đoàn Văn Cừ, tại Thái Nguyên; do cơ quan Kháng chiến Liên khu 3.

Sang tỉnh Thái Bình dạy học.

1950: Hồi cư về Hà nội.

1951: Cho diễn vở kịch thơ TÂM SỰ KẺ SANG TẦN; dạy học cho một tư thục, dạy Toán Lý Hoá, rồi dạy Việt văn và tiếp tục mãi công việc này cho đến 1975.

1952: Diễn kịch thơ THẰNG CUỘI.

1953: Đăng báo kịch thơ CÔ GÁI MA.

1954: RỪNG PHONG, nxb Phạm văn Tươi, Sài Gòn, trước hiệp định Genève. Di cư vào Nam, khoảng tháng 8 năm đó, và định cư tại Sài gòn cho đến 1976.

VHC2

1959: HOA ĐĂNG, nxb Văn Hữu Á Châu (tháng 7). Tập thơ này được giải thưởng Toàn Quốc về thơ. Tham dự hội nghị Thi Ca Quốc Tế, cứ 2 năm họp một lần tại tỉnh Knokke-Le Zoute, nước Bỉ (tháng 9).

1960: Tự tái bản 2 tập THƠ SAY và MÂY in chung vào 1 tập mang tên MÂY,

Xuất bản tập CẢM THÔNG (nhan đề Anh ngữ là COMMUNION ); gồm 6 bài thơ mới sáng tác sau cuộc Âu du và 9 bài cũ lựa chọn lấy tính cách tiêu biểu; do Nguyễn Khang phiên dịch và xuất bản.

Tái bản VÂN MUỘI, TRƯƠNG CHI, HỒNG DIỆP, do nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng.

1961: Kịch thơ TÂM SỰ KẺ SANG TẦN, nxb Lửa Thiêng.

Tập thơ TÂM TÌNH NGƯỜI ĐẸP (nhan đề Pháp ngữ là LES 28 ETOILES); gồm 42 bài thơ Nhị thập bát tú, kèm theo bản dịch của nữ thi sĩ Bỉ Simone Kuhnen de La Coeuillerie; nxb Nguyễn Khang.

1962: Tự xuất bản tập TRỜI MỘT PHƯƠNG.

1963: Xuất bản tập THI TUYỂN (nhan đề Pháp ngữ là POEMES CHOISIS) kèm theo bản dịch của Simone Kuhnen de la Coeuillerie: do nhà xuất bản Nguyễn Khang (tháng 3).

Sáng tác bài thơ LỬA TỪ BI ca ngợi Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, tháng 7. Xuất bản tập Lửa từ bi; do nhóm Thanh Tăng (tháng 12).

1964: Tham dự hội nghị Văn Bút Á Châu họp tại Bangkok.

1965: Tham dự hội nghị Văn Bút Quốc Tế họp tại tỉnh Bled, Nam Tư cũ.

1966: Xuất bản tập ÁNH TRĂNG ĐẠO, do nha Tuyên Uý Phật giáo (tháng 7); xuất bản tập DIE ACHTUNDZWANZIG STERNE, thơ dịch ra Đức ngữ, do nhà Hoffmann Und Campe, tỉnh Hamburg, Đức. Dịch giả là thi sĩ Áo Kosmas Ziegler (tháng 10).

1967: Tham dự hội nghị Văn Bút Quốc Tế họp tại Abidjan, thủ đô Côte d’Ivoire (Phi Châu) Xuất bản tập BÚT NỞ HOA ĐÀM, do nhà xuất bản Vạn Hạnh (tháng 12).

1968: Xuất bản NHỊ THẬP BÁT TÚ I, nxb Văn Uyển; Tập II, nxb Lửa Thiêng.

CÀNH MAI TRẮNG MỘNG, nxb Văn Uyển.

1969-1973: Chủ tịch Trung Tâm Văn Bút Việt Nam.

1970: TA ĐỢI EM TỪ BA MƯƠI NĂM, nxb An Tiêm, Sài Gòn, in 2 lần. Tái bản lại tại California, Mỹ.

TÂN THI, nxb Nam Chi, Saigon

LOẠN TRUNG BÚT, tùy bút, văn diễn thuyết, nxb Khai Trí.

1971: NGỒI QUÁN, nxb Lửa Thiêng.

ĐỜI VẮNG EM RỒI SAY VỚI AI, nxb Lửa Thiêng (Phần I: Tuổi học trò, 17 bài thơ đầu tay 1936-1939).


1972: Giải thưởng Văn Chương toàn quốc

1974: CHÚNG TA MẤT HẾT CHỈ CÒN NHAU, nxb Rừng Trúc, Paris.

TA ĐÃ LÀM CHI ĐỜI TA, hồi ký, nxb Trương vĩnh Ký, Saigon. Nxb Hội Nhà Văn tái bản, 1993, TPHCM.

Vũ Hoàng Chương đã dịch nhiều thơ chữ Hán từ nhiều tác gia Việt Nam và Trung quốc, khoảng 100 bài.

Có dịch thơ từ tiếng Pháp.

1975: Gia đình từ đường Phan đình Phùng dời về Phú Nhuận ở nhà bà Mộng Tuyết, rồi dời về Khánh Hội ở chung với bà Đinh Hùng, em dâu.

1976: bị bắt ngày 13/4, giam tại khám Chí Hoà. Bệnh nặng đưa về nhà một thời gian ngắn thì mất, lúc 23 giờ ngày 6.9.1976, nhằm ngày 13 tháng 8 năm Bính Thìn.

Bà Vũ Hoàng Chương qua đời ngày 7.5.2005 tại TPHCM.


Đặng Tiến sưu tầm và cập nhật

Orléans, ngày giỗ Vũ Hoàng Chương 6- 9- 2011


vhc-hhl

Phụ chú

1) Tập thơ Tâm Tình người đẹp do thi sĩ Ý, LIONELLE FIUMI đề tựa.

Tập Thi Tuyển do thi sĩ Pháp ANDRE GUIMBRETTIERE, giáo sư trường Quốc gia sinh ngữ Đông phương (Paris) đề Tựa.

Tập DIE ACHTUNDZWANZIG STERNE do thi sĩ Đức RUDOLF HAGELSTANGE đề tựa.

Các tập thơ Lửa từ bi, Ánh Tăng Đạo và Bút Nở Hoa Đàm đã lần lượt được Thượng tọa Trí Quang, Tâm Giác, và Đức Nhuận đề tựa.

2) Các tập Rừng Phong, Hoa Đăng, Mây (lần tái bản) Vân Muội (cả lần in thứ 1 và lần in thứ 2), Tâm Tình người Đẹp đều do thi sĩ Đinh Hùng vẽ bìa, nền hoặc phụ bản.

Tập Mây (lần in thứ nhất, 1943) do họa sĩ Tô Ngọc Vân trình bày ; bản 1992: Nguyễn Trung vẽ bìa.

Tập Trời Một Phương do họa sĩ Hoàng Lập Ngôn vẽ bìa, (từ 1952).

Tập Bút Nở Hoa đàm do họa sĩ Nguyễn gia Trí vẽ bìa.

Ta đợi Em từ Ba Mươi Năm, do họa sĩ Duy Thanh, rồi họa sĩ Hồ Thành Đức vẽ bìa.

Đời vắng Em rồi say với ai, họa sĩ Văn Thanh vẽ bìa.


Tài liệu tham khảo :

  • Tạp chí Văn Học, Sài Gòn, số 97, 1969, có bài của Vũ Bằng, Bàng Bá Lân, Dương Thiệu Mục.

  • Tạp chí Văn, Sài Gòn, số 150, 3/1970, đặc biệt Vũ Hoàng Chương. Có tiểu sử khá đầy đủ, bài của Nguyễn Mạnh Côn quan trọng và nhiều bài khác.

  • Lê Huy Oanh, Giai Phẩm Văn, Sài Gòn, 20/8/1974, bài VHC qua Thơ Say.

  • Phan Xuân Sanh. Tạp chí Đại Học, số 9, 1959, Huế, bài Ảnh hưởng Phật giáo qua thi ca.

  • Đoàn Thêm, Báo Văn Hóa Nguyệt san, Sài Gòn, 1964, bài Đọc lại thơ VHC.

  • Bách Khoa, Sài Gòn, tạp chí, bài Nguyễn Ngu Ý phỏng vấn, Nguyễn Văn Xuân điểm sách, không nhớ số (khoảng 1960).

  • Tạ Tỵ, Mười gương mặt văn nghệ, nxb Kim Lai, 1970 Sài Gòn.

  • Bàng Bá Lân : Kỷ niệm văn thi sĩ hiện đại, 1962, Sài Gòn.

  • Mai Thảo, Chân dung 15 nhà văn nhà thơ, nxb Văn Khoa, 1985 California, Mấy tháng cuối cùng với VHC.

  • Võ Phiến, Văn Học Miền Nam, Thơ, nxb Văn nghệ, 1999 California.

  • Đỗ Lai Thúy, Con Mắt thơ, nxb Lao Động, 1992, Hà Nội, VHC Đào nguyên lạc lối, 25 trang.

  • Chế Lan Viên, Phê bình văn học, nxb Văn Học, trang 86-98, 1962, Hà Nội. Bài viết, 4-1960, nhắm vào cá nhân Vũ Hoàng Chương , bất công và tai ác sẽ làm tiền đề cho bản án VHC về sau.

  • Đặng Tiến, Từ điển văn học, tạp chí Thế Kỷ 21, 6/2005, California.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us