Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / “ TIẾN HÓA ” NHƯ MỘT SƠ ĐỒ LÝ GIẢI ?

“ TIẾN HÓA ” NHƯ MỘT SƠ ĐỒ LÝ GIẢI ?

- Bùi Văn Nam Sơn — published 28/06/2009 17:18, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18
2009 là năm kỉ niệm lần thứ 200 ngày sinh của Charles Darwin (12.2.1809-19.4.1882), lần thứ 150 ngày xuất bản cuốn "Nguồn gốc các loài" (28.11.1859). Nhân dịp này, bản dịch của Trần Bá Tín sẽ được xuất bản ở Việt Nam. Diễn Đàn xin giới thiệu dưới đây lời dẫn nhập của Bùi Văn Nam Sơn.


200 năm Charles DARWIN
150 năm  Nguồn gốc các loài



“ TIẾN HOÁ ” NHƯ MỘT SƠ ĐỒ LÝ GIẢI ?


Bùi Văn Nam Sơn


1. “ Newton về lá cỏ


Chúng ta có thể cho phép những vệ tinh, hành tinh, vũ trụ, thậm chí cả toàn bộ hệ thống những vũ trụ vận hành theo những định luật tự nhiên, nhưng ta lại muốn con côn trùng bé bỏng nhất cũng được sáng tạo tức thời bằng một hành vi đặc biệt ”. Ghi nhận trên đây của Charles Darwin (12.2.1809-19.04.1882) là sự băn khoăn ban đầu, là dự phóng nghiên cứu nền tảng của ông khi bước chân vào con đường khoa học. Thật thế, vào cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 ở phương Tây, sau thắng lợi rực rỡ của mô hình cơ giới luận của Newton về thế giới vật lý, hầu như chỉ còn một lĩnh vực chưa được lý giải: lĩnh vực sinh học, hay nói theo ngôn ngữ lúc bấy giờ, lĩnh vực của những “ sinh thể hữu cơ có tổ chức ” (trong đó có cả con người !).

Khi bàn về lĩnh vực này trong phần 2 của quyển Phê phán năng lực phán đoán (1790), I. Kant viết : “… điều hoàn toàn chắc chắn là ta không thể nhận thức hoàn chỉnh chứ đừng nói đến giải thích được những thực thể có tổ chức lẫn khả thể nội tại của chúng đơn thuần dựa theo các nguyên tắc cơ giới của Tự nhiên; và cũng chắc chắn để dám mạnh dạn nói rằng thật là phi lý cho con người chúng ta khi ta ra sức hay hy vọng sẽ có một Newton khác xuất hiện trong tương lai có thể làm cho ta hiểu rõ về sự sản sinh dù chỉ là của một lá cỏ dựa theo các định luật tự nhiên mà không do một ý đồ nào đã sắp đặt cả ; trái lại, ta buộc phải dứt khoát phủ nhận năng lực thấu hiểu này nơi con người ”(1). Kant còn viết rất dài, nhưng tựu trung có hai ý chính, nói lên một thế lưỡng nan :

  • một mặt, không thể lý giải thế giới sinh vật một cách đơn thuần cơ giới nếu không muốn đánh mất tính phức tạp và nhất là tính kỳ diệu của nó ;

  • mặt khác, mô hình lý giải truyền thống theo mục đích luận khách quan kiểu Aristoteles hay thần học Trung cổ cũng đã trở nên bất khả thi : ta không thể chứng minh sự có mặt của một ý đồ khách quan nơi bản thân sự vật hoặc của một Đấng tạo hóa bằng con đường thường nghiệm – và vì thế, không thể có một “ Newton về lá cỏ ”  – . Giải pháp của Kant là: ta cứ nghiên cứu tối đa về thế giới sinh vật theo con đường thường nghiệm, đồng thời cần giả định về một tính mục đích khách quan nào đó, nhưng chỉ dựa trên nguyên tắc phê phán chủ quan của năng lực phán đoán phản tư của ta mà thôi. Kant phân biệt giữa năng lực phán đoán xác định và năng lực phán đoán phản tư. Với cái trước, ta đã có sẵn một cái phổ biến (chẳng hạn, một định luật), rồi đi tìm và thâu gồm những dữ kiện cá biệt vào dưới cái phổ biến ấy để cấu tạo nên nhận thức. Đó là con đường thông thường của khoa học tự nhiên. Với cái sau, ta có sẵn những dữ kiện cá biệt nhưng lại phải đi tìm cho chúng một cái phổ biến, để hiểu chúng. Nghĩa là bằng cách giả định nơi chúng một tính mục đích, nhưng chỉ có giá trị chủ quan cho ta thôi. Tính mục đích ấy không có giá trị cấu tạo nên nhận thức mà chỉ định hướng, cổ vũ và thúc đẩy nỗ lực nghiên cứu.

Chỉ hai thế hệ sau Kant, một “ Newton về lá cỏ ” –  tưởng rằng không thể có được  –  đã xuất hiện : Darwin với thuyết tiến hoá, được phát biểu cô đọng ngay trong nhan đề tác phẩm chính của ông : On the origin of species by means of natural selection ; or, The preservation of favoured races in the struggle for life (1859) / Về nguồn gốc các loài qua con đường chọn lọc tự nhiên, hay sự bảo tồn những chủng ưu thế trong đấu tranh sinh tồn mà chúng ta đang có trong tay qua bản dịch công phu của Trần Bá Tín. Chưa đi sâu vào nội dung tác phẩm và lịch sử vấn đề, ta thấy tư tưởng cốt lõi ở đây là : tiến trình ra đời các giống loài mới được thúc đẩy bằng sự biến dị (và rồi sự đột biến trong sự phát triển lý thuyết về sau. Ở đây, tạm gọi chung là sự đột biến), đi kèm với một sự chọn lọc “ tự nhiên ”. Tác động hỗn hợp giữa những sự đột biến và sự chọn lọc tự nhiên cho phép chuyển khái niệm mục đích luận (Teleologie) cổ truyền thành một tính mục đích (nhưng không có tác nhân đặt ra mục đích) trong hình thức của sự thích nghi. Như thế, một số nhân tố của khái niệm mục đích luận cổ truyền vẫn được tiếp thu, bởi kết quả của sự chọn lọc tuy không hướng đến một mục đích, nhưng vẫn tỏ ra có tính mục đích. Cũng thế, nhân tố của sự tiến bộ vẫn được bảo lưu, vì sự đột biến tuy có tính ngẫu nhiên và khó nhận ra trong từng bước cá biệt, nhưng trong mỗi tiến trình tiến hoá, xét tổng thể và một cách hồi cố (retrospectiv), cho thấy xu hướng tiến đến một sự phức tạp cao hơn. Tuy nhiên, mô hình lý giải này về sự ra đời và tiến hoá của các giống loài là khác về chất với sơ đồ nhân quả (thường được gọi là sơ đồ Hempel-Oppenheim, viết tắt HO(2)) lẫn với mô hình mục đích luận cổ truyền. Nó mang hình thái của mô hình lý giải chức năng, thể hiện ngay trong nhan đề tóm tắt của tác phẩm : Sự chọn lọc tự nhiên. Với tiền giả định về sự xuất hiện của những đột biến không lường trước được, sự chọn lọc ấy nhắm đến việc hoàn thành tốt hơn hoặc kém hơn chức năng đảm bảo sự sống còn và duy trì nòi giống, một chức năng mà sinh thể hữu cơ được đột biến luôn phải đáp ứng. Với tiền- giảđịnh ấy, sơ đồ nhân quả (sơ đồ HO) không thể áp dụng cho sự đột biến lẫn tiến trình chọn lọc, bởi thời điểm xuất hiện và nội dung của sự đột biến là không thể dự đoán, cũng như các chức năng nói trên không thể được nêu một cách đầy đủ và rõ ràng, nhất là đối với các khả năng lựa chọn khác. Như thế, so với yêu cầu rất cao của câu hỏi nhân quả, có thể nói ngay rằng sơ đồ tiến hoá tỏ ra có năng lực giải thích yếu hơn, khiêm tốn hơn, thường mang tính hồi cố hơn là dự báo, nhưng lại rất sinh động và lý thú như sẽ còn bàn đến ở sau.

Từ khi công bố tác phẩm vĩ đại này của Darwin, thuyết tiến hoá đã được thừa nhận rộng rãi trong ngành sinh học, mặc dù từ sau Darwin, còn có nhiều cách tiếp cận mới mẻ, đa dạng, nhất là về tác động tổng hợp của sự lựa chọn nội tại và ngoại tại (chẳng hạn các điều kiện môi trường và tố chất trong bản thân sinh thể) hay về mối quan hệ giữa sự tiến hoá vĩ mô và sự tiến hoá vi mô : quan hệ giữa các bước nhỏ với các sự nhảy vọt lớn trong diễn trình tiến hoá.

Song, học thuyết tiến hoá không chỉ làm đảo lộn ngành sinh học mà còn làm thay đổi sâu sắc quan niệm của ta về thế giới. Copernic đã đẩy con người và quả đất từ trung tâm vũ trụ ra ngoài vùng biên của một trong vô số thiên hà. Bacon và Galilei đã loại bỏ nguyên nhân mục đích để du nhập một cách lý giải thuần tuý nhân quả, và, từ đó, cơ giới hoá toàn bộ thế giới không-thờigian. Ngay cả nguyên tắc phê phán của lý tính trong hình thức của năng lực phán đoán phản tư vừa nói trên của Kant cũng chỉ còn giá trị “ an ủi ” và là sự thú nhận công khai về tính hữu hạn của con người. Nói một cách triệt để, thế giới đã hoàn toàn bị tước bỏ hết mọi ý nghĩa tự thân. Từ khi Laplace trả lời câu hỏi của Napoléon tại sao không thấy có mặt Thượng đế trong mô hình vũ trụ học của mình rằng : Sire, je n’ai pas besoin de cette hypothèse-là ! (Thưa Ngài, tôi không cần đến giả thuyết ấy !), thuyết tiến hoá được hiểu như là sự từ khước và bác bỏ mọi khả thể mang lại một ý nghĩa “ siêu việt ” nào đó cho thế giới.

Như thế, các công trình của Darwin không đơn thuần là những công trình khoa học. Dù muốn hay không, chúng đã trở thành cơ sở cho các thế giới quan khác nhau. Điều ấy không có gì lạ : khi một lý thuyết khoa học không chỉ mô tả những tiến trình lý hoá mà còn có tham vọng giải thích mọi sự sống – từ một lá cỏ cho đến con người – , nó tất yếu đã đứng một chân trong triết học và đạo đức học, hay ít ra, ẩn chứa tiềm năng cho một thế giới quan.

Thật thế, hiếm có công trình nào có sức lan toả như của Darwin. Nó thâm nhập vào triết học, lý thuyết lịch sử, xã hội học, lịch sử nghệ thuật, dân tộc học, và tất nhiên, giữ vị trí trung tâm trong sinh học với nhiều hướng phát triển mới mẻ về sau như di truyền học, sinh học phân tử hoặc sinh học - xã hội. Nó gây phân hoá ở bất cứ nơi đâu nó hiện diện : với người này, nó là đại diện chân chính cho tinh thần khoa học khai minh : lý giải mọi tiến trình trong tự nhiên bằng phương pháp khoa học, loại trừ mọi yếu tố siêu nhiên ; với người khác, nó đồng nghĩa với chủ trương ưu thắng liệt bại, mạnh được yếu thua, biện minh cho lập trường tân-tựdo, thậm chí cho chiến tranh, cho chủ nghĩa phát xít, dưới danh hiệu không mấy đẹp đẽ : “ thuyết Darwin xã hội ”.

Về mức độ sôi nổi, gay gắt trong tranh luận, lẫn các hệ quả chính trị lẫn xã hội của nó, Nguồn gốc các loài của Darwin có thể so sánh với Tư Bản của Karl Marx và sự Thịnh vượng của các dân tộc của Adam Smith. Một nhà xuất bản ở Anh gần đây cho ra mắt bộ sách “ Books that Shook the World ” / Những quyển sách làm rung chuyển thế giới, tác phẩm này thậm chí được xếp ngang hàng với Kinh Thánh và Kinh Koran !

Bên cạnh ý nghĩa “ thế giới quan ” của thuyết tiến hoá, một đặc điểm khác là việc gắn liền lý thuyết ấy với tên tuổi của bản thân Darwin. Trong thế kỷ 19, các môn đệ đều thường gắn tên ông với các công trình của chính mình, tiêu biểu nhất là Asa Gray (1876) và Alfred Russel Wallace (1889)(3). Đến tận ngày nay, lý thuyết khoa học 150 tuổi ấy vẫn còn được trích dẫn trong các tạp chí chuyên ngành, là một điều hiếm có và lạ thường. Tuy nhiên, việc viện dẫn đến Darwin không có nghĩa là người ta hiểu giống nhau về “ thông điệp ” của Darwin. Họ thường đề xướng các lập trường mâu thuẫn nhau, vì ngay trong tác phẩm của Darwin cũng không thiếu những chỗ hàm hồ và đa nghĩa. Đối với các tác phẩm của mình, ông nhiều lần bổ sung các kiến thức mới, thêm bớt, sửa chữa do tiếp thu các sự phê bình trong mỗi lần tái bản. Quyển Nguồn gốc các loài có tới sáu ấn bản kể từ lần xuất bản thứ nhất (1859). Quyển Nguồn gốc con người (1871) có đến ba phiên bản chính thức. Một ví dụ nổi bật : trang cuối Ấn bản I của Nguồn gốc các loài, Darwin cho rằng mầm mống của sự sống bắt nguồn từ một số ít, mà cũng có thể từ một hình thức nguyên thuỷ duy nhất, tức để mở câu hỏi từ đâu vật chất vô cơ có được sự sống, thì ở ấn bản thứ hai, ông lại đặt nó vào trong tay một “ Thượng đế sáng tạo ”. Hai cách viết khác nhau một trời một vực ! Vì thế, hiếm khi các lý giải về Darwin lại hoàn toàn nhất trí với nhau. Cái gọi là “ Darwin Industry ” sản xuất hàng năm vô số sách vở, trình bày và lý giải thuyết tiến hoá đa dạng và phức tạp như một chiếc kính vạn hoa. Khuôn khổ một Lời giới thiệu chỉ cho phép chúng tôi – từ cái nhìn của một người “ ngoại đạo ”, không thuộc chuyên ngành sinh học – đề cập hết sức khái quát về mấy điểm :

  • Darwin và lịch sử thuyết tiến hoá

  • Một số nghi vấn chung quanh Darwin : hiểu như thế nào về thuật ngữ “ chọn lọc tự nhiên ” và “ đấu tranh sinh tồn ” ? Darwin là một nhà vô thần ? “ Chọn lọc tự nhiên ” là một “ định luật tự nhiên ” ?

  • Các câu hỏi ấy dẫn đến sự quan tâm chủ yếu của người viết : việc mở rộng mô hình tiến hoá trong sinh học sang các lĩnh vực hoàn toàn khác : từ thuyết Darwin xã hội cho đến “ nhận thức luận tiến hoá ”. Như đã nêu trong nhan đề của bài viết, sự tiến hoá đã trở thành một sơ đồ lý giải vượt ra khỏi phạm vi nguyên thuỷ của nó : việc mở rộng ấy diễn ra như thế nào ? Phải chăng sự phê phán sơ đồ nhân quả là lý do dẫn đến sự tán đồng khá rộng rãi đối với sự mở rộng này ? Và sau cùng, liệu có thể hiểu sơ đồ tiến hoá như một sơ đồ lý giải mang tính siêu hình học về lịch sử ?


2. Darwin và lịch sử thuyết tiến hoá


Con đường dài gập ghềnh, gian khổ trong việc nghiên cứu giới tự nhiên suốt hàng ngàn năm lắng đọng lại một cách tưởng như dễ dàng, đơn giản trong các sách giáo khoa hiện đại, và đã trở thành kho tàng kiến thức phổ thông cho mọi người. Bản thân Darwin cũng đã bỏ công sức lần theo dấu chân những vị tiền bối của thuyết tiến hoá. Trong Ấn bản lần thứ 6 của quyển sách này (1872), thay cho Lời tựa là một “ Phác thảo lịch sử về những tiến bộ trong các quan niệm về nguồn gốc các loài ”. Ông kể tên một loạt người, trong đó có Aristoteles, Johann Wolfgang von Goethe và Jean-Baptiste de Lamarck (mặc dù ông thú nhận : “ thật xấu hổ là đã chưa bao giờ đọc Aristoteles ! ”(4)). Ta thử lần theo vài dấu chân tiêu biểu :


2.1. Vũ trụ luận của các triết gia Hy Lạp


  • Trong vũ trụ luận của các triết gia Hy Lạp đã có những cách tiếp cận mà nguyên tắc cơ bản rất giống với thuyết tiến hoá hiện đại : từ ít thành nhiều ; từ cũ thành mới, với mức độ phát triển cao hơn. Anaximander (611-547 tr. CN) đã nhận ra một nguồn gốc chung của mọi hình thức sự sống. Thales hiểu tồn tại và biến dịch ở trong một vòng tuần hoàn vĩnh cửu. Ngay ý tưởng về một sự “ chọn lọc ” những hình thức sự sống được hình thành một cách ngẫu nhiên cũng không phải là điều hoàn toàn mới, nó đã có nơi Empedokles. Nhìn chung, họ đều quan niệm sự xuất hiện của sự sống trên hành tinh này là kết quả của một sự phát triển lâu dài từ đơn giản đến phức tạp chứ không phải từ một hành vi sáng tạo duy nhất.

Các tư tưởng này – được xem là tiến bộ theo cách nhìn ngày nay – đã mất ảnh hưởng trong vài thế kỷ sau đó. Parmenides đặt “ tồn tại ” vào tâm điểm nghiên cứu và qua đó, đã ảnh hưởng sâu đậm đến Platon và Aristoteles. Người ta không còn nhấn mạnh đến sự phát triển mà xem mọi vật đã, đang và sẽ tồn tại đều đã tồn tại một lúc nào đó, ít ra ở dạng tiềm năng. Cái hoàn toàn mới không thể tự phát triển mà không quy về cái gì đã có từ trước. Nổi bật ở đây là quan niệm của Aristoteles. Tác phẩm Historia animalium vào thế kỷ IV tr. CN của ông – một trong những tác phẩm để lại ảnh hưởng lâu bền và sâu đậm nhất – hình dung giới Tự nhiên được chia làm năm lĩnh vực : các thiên thể, con người, thú vật, cây cối, và những gì không có sự sống. Sự phân chia này được hình dung như một cái khung cố định với những ranh giới rõ ràng. Ông phát triển mô hình về một trật tự thứ bậc. Tuy có những sản phẩm tự nhiên khó xếp hẳn vào một thứ bậc, nhưng nhìn chung, giới tự nhiên có hình thức của một chiếc thang, như Charles Bonnet (Œuvres d’histoire naturelle et de philosophie, 1745) đã tán đồng.

Giống như Darwin, Aristoteles và Bonnet không phân chia giới tự nhiên một cách tách bạch theo phạm trù mà mô tả nó bằng những bước quá độ. Nhưng, khác với Darwin, – cho tới cuối thế kỷ 18 –, các bước quá độ này không được hiểu như kết quả của một tiến trình lịch sử. Các sự giống nhau là bộ phận của một trật tự tự nhiên được sắp xếp tinh vi, nhưng không phải là sản phẩm của lịch sử. Theo quan niệm này, động vật hay thực vật không biến đổi từ thế hệ này sang thế hệ khác, trái lại, chúng giữ nguyên vị trí trong chiếc thang cấp bậc, dù các bậc thang có tinh vi, phức tạp đến mấy. Hình ảnh chiếc thang cho thấy : chúng không chuyển sang nhau. Việc đưa mô hình chiếc thang này vào kích thước lịch sử sẽ là công lao của J. B. Lamarck như sẽ thấy ở sau.


2.2. Thời Trung cổ :


Dưới sự thống trị của giáo hội Kitô giáo, mô hình tư duy triết học tự nhiên của các triết gia cổ đại bị đẩy lùi. Việc lý giải Kinh Thánh (nhất là Sáng Thế Ký) theo nghĩa đen đã kìm hãm sự phát triển khoa học cho tới thời Phục Hưng. Leonardo da Vinci (1452-1519) đã có tư tưởng thiên tài về sự ra đời và phát triển của sự sống và về sự đa dạng các giống loài. Ông làm việc với những vật hoá thạch và nhận ra những sự tương đồng giữa con người và giống linh trưởng : một phát hiện thật táo bạo và nguy hiểm vào thời điểm bấy giờ !


2.3. Các tiền bối trực tiếp của Darwin :


Phong trào khai minh với quan niệm mới mẻ về khoa học (cùng phương pháp thuần lý và thường nghiệm nghiêm ngặt) là bà đỡ cho việc hình thành thuyết tiến hoá hiện đại.

  • Bước đi đầu tiên, tuy chưa tự giác, là của Carolus Linnaeus (Karl von Linné), bác sĩ và nhà nghiên cứu tự nhiên người Thụy Điển (1707-1778). Ông phân loại sinh vật theo giống (species) và loài (genus) như thể do Thượng đế tạo ra và chưa có ý tưởng về sự tiến hoá, nhưng chuỗi thứ tự của việc ra đời các giống loài trong sự phân loại của ông là cơ sở cho thuyết tiến hoá sau này.

  • Georg Louis Leclerc Comte de Buffon (1707-1788) – đồng thời với Linné – là người đầu tiên nêu rõ tính khả biến của các giống loài. Khi các giống loài biến đổi, chúng có thể cho ra đời những giống loài hoàn toàn mới. Khởi điểm cho ý tưởng về một giống loài nguyên thủy chung cho tất cả cũng được Buffon phỏng đoán từ những sự trùng hợp rõ rệt về hình thái học và sinh lý học của các giống loài khác nhau.

  • Về phương pháp nghiên cứu, công trạng bất hủ được dành cho Pierre Louis Moreau de Maupertuis (1698-1759) với phép tính xác suất, một công cụ không thể thay thế được cho đến tận ngày nay trong lĩnh vực sinh học.

  • Song, như vừa nói, tên tuổi trứ danh nhất, ngoại trừ Darwin, chính là Jean-Baptiste de Lamarck (1744-1829). “ Thuyết Lamarck ” – được đặt theo tên ông – là nỗ lực khoa học đầu tiên xác lập sự hình dung về một sự tiến hoá sinh học. Quyển Philosophie zoologique (1809) của nhà nghiên cứu người Pháp này chứng minh một sự thích nghi có mục đích của kiểu di truyền (genotype) với những điều kiện môi trường đặc thù (ví dụ nổi tiếng nhất là sự ra đời chiếc cổ dài của hươu cao cổ : do thói quen phải nỗ lực kiếm ăn ở những cành lá trên cao, những biến đổi tuần tự trong genotype dẫn đến ra đời của chiếc cổ cực dài trong phènotype / kiểu hình bên ngoài (5) ở các thế hệ sau). Học thuyết tiến hoá của Lamarck dựa trên giả định rằng “ tiến trình tiến hoá chịu ảnh hưởng lớn bởi sự thích nghi với môi trường chung quanh ”.

  • Tất nhiên, không thể không kể đến vai trò của Thomas Robert Malthus (1766-1834), nhà sử học và kinh tế chính trị Anh mà Darwin, trong Tự truyện của mình (6), đã thú nhận rằng mình chịu ảnh hưởng lớn. Ngoài ra cũng phải kể đến ảnh hưởng của Charles Lyell, nhà địa chất học, người đã bác lại các giả định của Lamarck.


2.4. Công trình của Darwin


Tuy không phải là người đầu tiên tin vào một thế giới khả biến chứ không tĩnh tại, Darwin giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong sự phát triển của một thuyết tiến hoá phổ quát. Đóng góp lớn của ông cho sinh học hiện đại là việc nêu bật ba yếu tố tiến hoá cơ bản : sự sinh sản vượt mức, sự chọn lọc và sự thích nghi của cá thể. Dù ông chưa biết tới các cơ sở phân tử của việc di truyền, và qua đó, của sự đột biến, nhưng ông đã phát triển một khung lý giải bao quát về sự ra đời của các giống loài.

  • Theo Darwin, một giống loài sinh sản nhiều hậu duệ hơn mức cần thiết để duy trì nòi giống (hyperproduction). Những cá thể riêng lẻ ở thế hệ sau không hoàn toàn giống nhau mà khác nhau ở những đặc điểm nhất định (sự biến dị). Những cá thể nào đã thay đổi Phenotype (kiểu hình bên ngoài) tỏ ra thích nghi với môi trường sinh sống, sẽ có ưu thế về sự “ chọn lọc ” so với những cá thể còn lại, nghĩa là, có cơ may sống sót lớn hơn trong cuộc đấu tranh sinh tồn (chúng ta sẽ có dịp trở lại với thuật ngữ khá “ bất hạnh ” này ở sau, xem 3.1) so với những đồng loại không có sự “ thích nghi ”.

  • Tuy nhiên, điểm quyết định là : sự biến đổi có lợi này là có thể di truyền lại cho hậu duệ của cá thể ấy. Như thế, những giống loài cá biệt tuyệt nhiên không phải là những hình thức tĩnh tại, bất biến qua hàng thiên niên kỷ, trái lại, sự kiện này dẫn tới ý tưởng cho rằng sự đa dạng của những giống loài hiện nay có thể quy về một số ít, hay thậm chí về một hình thức nguyên thuỷ duy nhất. Ta lưu ý hai điểm dị biệt đáng kể giữa Darwin và Lamarck : Lamarck không chủ trương một nguồn gốc chung của mọi giống loài ; và mặt khác, Darwin có cái nhìn mềm dẻo hơn trong quan niệm về một sự phát triển hợp quy luật theo hướng tiến lên cao hơn : trong mô hình của ông, nhiều giống loài vẫn không hề biến đổi qua nhiều thế hệ, cũng như có thể tuân theo nhiều con đường phát triển khác nhau. Nơi Lamarck chỉ có một hướng phát triển ; nơi Darwin có nhiều hướng, thậm chí không có hướng nào cả.

  • Vào năm 1871, Darwin đưa “ con người ” vào trong khuôn khổ tiến hoá luận của mình(7), khi cho rằng nhiều sự biến đổi nhỏ nơi những loài linh trưởng giống người rút cục sẽ dẫn đến con người Homo sapiens (xem 3.2).

  • Song, vì lẽ Darwin chưa kịp biết tới các cơ chế của sinh học phân tử và các nguyên tắc di truyền (được Gregor Mendel(8) đặt cơ sở), nên đối với việc thích nghi của cá thể với môi trường, ông đành trở lại với học thuyết Lamarck.


2.5. Thuyết Tân-Darwin


Thuyết “ Tân-Darwin ”, như tên gọi của nó, biểu thị sự phát triển và mở rộng học thuyết của Darwin dựa trên các thành tựu mới mẻ của thế kỷ 20. Trước hết có lẽ là khả năng mô tả chính xác những diễn trình ditruyền-phântử dựa trên thành quả của sự nghiên cứu cơ bản khi ta nói về sự đột biến (mutation) và tái cấu trúc kiểu di truyền (genotype) như là điểm quyết định của sự biến dị. Đặc điểm tiếp theo là sự mở rộng tư tưởng tiến hoá sang các ngành khoa học khác, chẳng hạn vũ trụ học (và cả địa chất học). Theo đó, các cơ chế tiến hoá không chỉ khả hữu trong các hệ thống vi mô mà cũng có tác động trong sự ra đời hệ thống vĩ mô. Đặt chất liệu hữu cơ hay mầm mống đầu tiên – mà ta gọi là sự sống – vào trong một hệ lý thuyết khoa học có lẽ là nỗ lực táo bạo nhất trong thế kỷ vừa qua. Theo đó, những phân tử vĩ mô nào có khả năng tự nhân lên sẽ tỏ ra có năng lực sống sót tốt hơn những phân tử không có khả năng ấy. Sau cùng, chính những phân tử trước lại có ưu thế trong sự chọn lọc, vì cơ chế tự nhân lên luôn được cải thiện bằng những sự đột biến ngẫu nhiên, từ đó hình thành nên cao điểm là hệ thống trao đổi chất khép kín đầu tiên được gọi là đơn bào. Người ta trở về lại với Buffon và khẳng định rằng toàn bộ sự đa dạng của những giống loài trong hệ sinh thái là trái đất này được ra đời từ mầm mống đầu tiên ấy của sự sống hữu cơ, và, đến lượt mình, lại được tác động bởi những nguyên tắc tiến hoá, như đối với những phân tử hữu cơ trước đó.

Như thế, hai nguyên tắc chính yếu của sự tiến hoá sinh học là sự đột biến và sự chọn lọc. Nơi cả hai đều có sự tham gia của yếu tố hay nguyên tắc ngẫu nhiên mà phép tính xác suất là công cụ phương pháp không thể thiếu được. Có thể nói vắn tắt : thuyết Tân-Darwin mang lại một hình ảnh có tính mô tả chính xác về Tự nhiên, tuy nó không thể giải thích từng chi tiết một. Điểm mấu chốt nhất là nó chưa thể giải thích được rút cục tại sao những đột biến ngẫu nhiên lại có thể xảy ra. Nhiều bí nhiệm của Tự nhiên đang phơi mở dần, nhưng chưa phải đã đến lúc các nhà khoa học tự nhiên, và nói riêng, các nhà sinh vật học, có thể ca khúc khải hoàn.


3. Vài điều chung quanh Darwin :



3.1. Minh xác về khái niệm “ chọn lọc tự nhiên ”


Chọn lọc tự nhiên ” là một trong hai sợi chỉ đỏ xuyên suốt thuyết tiến hoá của Darwin. Có ít nhất ba cách dùng chữ nơi ông : natural selection (chọn lọc tự nhiên) ; survival of the fittest (sống còn của cái thích nghi tốt nhất) và struggle for existence (phấn đấu để sinh tồn). Do nhiều cách dịch và cách hiểu khác nhau, ba chữ này đã gây nên không ít ngộ nhận. Nhiều công trình gần đây nỗ lực minh xác về ba thuật ngữ này : thuật ngữ sớm nhất là natural selection, dường như được ông rút ra từ học thuyết của Malthus (Essay on the Principle of Population, 1798) vào năm 1838. Thuật ngữ struggle for existence cũng được Darwin tìm thấy nơi Malthus và nhà địa chất học Charles Lyell (Principles of Geology). Thuật ngữ survival of the fittest nguyên là của nhà xã hội học và triết học Herbert Spencer (Principles of Biology, 3 tập, 1864). A. R. Wallace khuyên Darwin sử dụng thuật ngữ này của Spencer vào năm 1869 trong Ấn bản lần thứ 5 của quyển Nguồn gốc các loài, đồng nghĩa với natural selection.

Darwin sớm cho thấy ông không thực sự thoả mãn với cả ba thuật ngữ trên. Trong khi natural selection chỉ nói lên cơ chế hay sự kiện : không phải mọi hậu duệ của một giống loài đều sống sót thì survival of the fittest dường như biểu thị một tiêu chuẩn cho sự chọn lọc. “ Fitness ” là một khái niệm mềm dẻo, vì thế dễ dẫn đến cách hiểu đơn thuần về sức mạnh cơ bắp. Xu hướng này càng tăng cường đến mức nguy hiểm khi “ survival of the fittest ” (dịch đúng là : sự sống sót của cái thích nghi tốt nhất / “ thích giả sinh tồn ”) được dịch sang tiếng Đức thành “ Überleben des Stärkeren ” (“ sự sống sót của kẻ mạnh hơn ”), xem giới Tự nhiên như một trường giác đấu “ mạnh được yếu thua ” trong bối cảnh một nước Đức hiếu chiến, đang ra sức giành giật thuộc địa với Anh, Pháp ! Trong ấn bản lần thứ 6 của Nguồn gốc các loài, Darwin đã chứng minh ngược lại : chính những sinh vật to lớn, mạnh mẽ về thể xác, cơ bắp, móng vuốt lại bị diệt vong do thiếu thức ăn ; những giống có cánh mạnh bị gió cuốn ra biển trong khi những con bọ yếu ớt, bộ cánh không phát triển lại sống sót (9). Như thế, sự chọn lọc không đồng nghĩa với hình dung thông thường về sức mạnh. Trong khi survival of the fittest dễ bị liên tưởng sai lạc thì natural selection (mượn từ thuật ngữ của ngành chăn nuôi) cũng dễ khiến ta nghĩ đến một hành động có trí tuệ hay một sự lựa chọn tự giác, rất gần với hình ảnh một “ bàn tay vô hình ” hay một đấng sáng tạo can thiệp vào Tự nhiên. Trong thư gửi cho Charles Lyell vào tháng 9, 1860, ông tỏ ra ân hận đã không dùng một chữ khác : “ Nếu có thể làm lại từ đầu, ắt tôi sẽ dùng chữ 'natural preservation' ” (sự bảo tồn tự nhiên)(10).

Sau cùng, chữ struggle for life cũng “ bất hạnh ” khi nó lại được dịch sang tiếng Đức là “ Kampf um Dasein ” (chiến đấu cho sinh tồn), đi quá xa với nghĩa của chữ struggle (phấn đấu, nỗ lực) trong tiếng Anh. Thật thế, Darwin hiểu selection là một tập hợp những sự tác động qua lại giữa thực vật, động vật và môi trường, trong đó yếu tố giữ vai trò “ chọn lọc ” (môi trường, đồng loại, kẻ địch ăn thịt…) là bất định, chứ không thể được giản lược đơn thuần vào sự “ đấu tranh ”, “ chiến đấu ”(11). Tóm lại, ta cần cẩn trọng và có sự phân biệt nhiều hơn khi tìm hiểu các thuật ngữ cốt lõi của thuyết tiến hoá Darwin.


3.2. Khỉ và người


Gay go nhất cũng như gây ngộ nhận và tranh cãi nhiều nhất trong học thuyết của Darwin là mối quan hệ thân thuộc giữa người và khỉ. Stephen Jay Gould, nhà cổ sinh vật học và nhà tiến hoá luận hàng đầu của thế kỷ XX đã nêu câu hỏi đã từng làm Darwin thắc mắc : “ Tại sao những gì xấu xa ở trong ta thì bị xem là di sản của khỉ, còn những gì tốt đẹp là riêng của con người ? Tại sao ta không đi tìm những phẩm chất “cao quý” trong ta như là sự tiếp nối với những con vật khác ” ? (12)

Trong Nguồn gốc các loài (1859), Darwin chưa đề cập đến khỉ, càng chưa bàn về con người. Nhưng từ 1859 cho đến 1871, ông tích cực quan sát, ghi nhận nhiều sự tương đồng giữa người và thú vật, nhất là với những thú vật nuôi trong nhà (trở thành phong trào rầm rộ ở nước Anh đương thời nhờ đường hàng hải quốc tế phát triển) và nhất là với các loài linh trưởng (đười ươi, tinh tinh…). Quyển Descent of Man / Nguồn gốc con người (1871) cùng với Expression of the Emotions in Man and Animals / Diễn tả xúc cảm nơi người và thú vật, một năm sau đó (1872) đúc kết những nhận định cơ bản của ông :

  • khác với Ernst Haeckel, nhà động vật học người Đức (1874), Darwin không đặt con người ở vị trí trung tâm hay cao nhất, trái lại, xem đười ươi và tinh tinh là họ hàng gần gũi nhất của con người, và con người chỉ là một giống loài bên trong giới linh trưởng mà thôi.

  • khác với Nietzsche (trong tác phẩm di cảo Về sự thật và nói dối theo nghĩa ngoài luân lý, 1873), theo đó con người vì yếu đuối so với thú vật nên thi thố sức mạnh bằng sự giả vờ, vuốt ve, dối trá, lừa đảo, Darwin lại rút ra các đức tính tốt từ đó : thiện cảm, tình yêu và sự hợp quần. (Về sau, Arnold Gehlen (13) xem con người là “ sinh vật bất toàn ”, vì thế con người ra sức phát triển định chế, tổ chức để tìm chỗ dựa và sự an toàn ; Frans de Waal (14), chuyên gia về loài linh trưởng, nhìn thấy thêm các đức tính như : trung thành, tin cậy, trắc ẩn và vị tha.

Như thế, với Darwin, sự tương đồng giữa con người và thú vật không chỉ ở phương diện sinh lý học hay cơ thể học mà còn cả ở trong bản tính, đầu óc và “ tinh thần ”. Một phát hiện lý thú và hết sức căn bản vào thời gian Darwin chuẩn bị quyển Diễn tả cảm xúc nơi người và thú vật, làm thay đổi nhận định quen thuộc trước đó : con vật cũng biết cười, một đặc điểm tưởng chỉ là đặc quyền của con người (15). Như thế, họ hàng gần gũi giữa con người và thú vật không tạo nên một dã thú mà mang lại một con khỉ tươi cười ! Trong khi những nhà tiến hoá luận khác như Ernst Haeckel hay Thomas Henry Huxley không ngần ngại xem những người châu Phi hay châu Úc là mắt xích nối liền khỉ và người, thì Darwin lại thấy những người Anh đồng hương của ông giống với… những thú vật nuôi trong nhà ! Họ hàng thân thích với thú vật không làm hạ giá con người, trái lại, Darwin đã “ cao quý hoá ” thú vật. Sự nối kết giữa con người và thú vật không tạo nên một con người mang thú tính, mà ngược lại, một động vật mang tính người !


3.3. Darwin : nhà vô thần ?


Tạm gác lại sự ồn ào của cuộc tranh chấp, nhiều khi rất quyết liệt giữa thuyết tiến hoá và thuyết sáng tạo kéo dài mãi cho đến ngày nay (16), ta thử đến với bản thân Darwin chung quanh vấn đề này. Trước hết, ông không thể tán thành môn Thần học tự nhiên giáo điều theo kiểu William Whewell, giáo sư ở Cambridge vào năm 1840 hay của William Paley, 1802 : “ Làm gì có sự ngẫu nhiên đối với ta? Trong cơ thể con người, sự ngẫu nhiên có chăng là ở vết tàn nhang hay nốt ruồi mà thôi, chứ không bao giờ ở con mắt được ! ”(17). Với Darwin, sự ngẫu nhiên gắn liền với sự chọn lọc có chức năng then chốt trong sự ra đời cái mới trong lịch sử tiến hoá. Ông còn đi xa hơn : sự ngẫu nhiên không chỉ tác động ở cấp độ trật tự hay sự phân loại của tự nhiên mà cả đối với từng cá thể. Ông không thấy có sự hoàn hảo nào trong thế giới hữu cơ cả, kể cả nơi đôi mắt của con người, để từ đó có thể quy về cho một trí tuệ siêu nhiên : “ Trong sự biến dị của sinh thể hữu cơ và trong tiến trình chọn lọc tự nhiên, dường như chẳng có một kế hoạch nào nhiều hơn so với hướng gió thổi ! ” (18). Sự bất toàn của thế giới sinh vật không phải là lý do để xem thường chúng : ông nghiên cứu hoa lan, dây leo, côn trùng với tất cả tình âu yếm. Nhưng sự chết chóc đau thương – trường hợp cô con gái cưng của ông – làm ông sụp đổ lòng tin vào một Đấng sáng tạo lòng lành ! Tuy nhiên, như nhiều đồng nghiệp của mình, Darwin tự nhận mình là một người “ bất khả tri ”, một khái niệm do Thomas Henry Huxley du nhập vào năm 1889. Khác với nhà vô thần luận, người “ bất khả tri ” xem câu hỏi về sự tồn tại của Thượng đế là không thể trả lời được. Trong triết học, thái độ này có một truyền thống lâu dài ngay từ thời Platon khi ông thuật lại câu nói nổi tiếng của Protagoras, nhà biện sĩ vào thế kỷ V tr. CN : “ Tôi chẳng biết gì về thần linh cả: họ tồn tại hay không tồn tại, làm sao tôi biết được ? ”. Vì thế, một mặt Darwin chủ trương : “ thần học và khoa học nên đi riêng con đường của mình ”(19), mặt khác, ông cũng không có xu hướng muốn biến khoa học thành một định chế luân lý duy nhất trong đời sống công cộng, khác hẳn thái độ bài tôn giáo cực đoan của Ernst Haeckel. Khoa học tìm cách trả lời câu hỏi “ như thế nào ” chứ không có tham vọng trả lời câu hỏi rốt ráo : “ tại sao ” và “ có ý nghĩa gì ”, vốn là một nan đề triết học từ muôn thuở : tại sao lại có sự tồn tại chứ không phải là không có gì hết ? Ngày nay, thái độ ấy của Darwin góp phần vào việc giảm căng thẳng giữa tôn giáo và khoa học, để cả hai thực sự góp phần vào việc bảo tồn và trân trọng sự hiện hữu “ có một không hai ” của các giống loài, một sự thật mà không phía nào có thể nghi ngờ cả.


3.4. “ Chọn lọc ” : một định luật tự nhiên ?


Khi nói về sự “ chọn lọc ” như một định luật tự nhiên, ta thường nhập chung hai chuyện vốn cần được tách rời nhau ra ! Một mặt, khái niệm “ định luật tự nhiên ” có ý nghĩa mô tả (bằng phương pháp toán học hay thống kê) về những hiện tượng : ví dụ sự rơi, không có gì nhanh bằng tốc độ ánh sáng v.v… Điều ấy không chỉ cho phép ta mô tả mà còn tiên đoán nữa, nhất là dựa vào đó để tạo ra… máy hơi nước hay máy bay. Đó là một nghĩa cơ bản của định luật tự nhiên.

Nhưng khi ta dùng khái niệm này đối với sự chọn lọc, ta lập tức gặp phải một ý nghĩa thứ hai, mang màu sắc quy phạm (normativ) : cái gì đã là “ định luật tự nhiên ” thì hầu như bất biến, phải tuân theo. Đó chính là trường hợp đối với thuyết “ nhân mãn ” khét tiếng của Malthus : nếu dân số tăng theo cấp số nhân mà sản xuất lương thực tăng theo cấp số cộng thì chiến tranh, bệnh tật, đói kém là biện pháp tự nhiên để cân đối lại. Hơn thế, các “ định chế tự nhiên ” này là mẫu mực để con người làm theo : không được tương trợ người nghèo ! Sự khắc nghiệt của Tự nhiên là tấm gương cho sự khắc nghiệt của xã hội !

Ta thấy ngay rằng ở đây sự nối kết giữa hành vi con người và “ định luật tự nhiên ” tuyệt nhiên không phải là một chuỗi nhân quả đơn giản như sẩy tay thì rơi xuống vực. Ngược lại, quyết định chính trị hay việc ban hành luật pháp là ở trong quyền hạn cân nhắc của chính con người. Sự kết hợp giữa “ định luật ” và “ hành vi ” theo kiểu Malthus là có tính quy phạm, nghĩa là : nội dung của nó là một cái “ phải là ” chứ không phải cái “ là ”.

Trước thế kỷ XVIII, phương Tây tin vào trật tự do Thượng đế sắp đặt, thì từ thế kỷ XIX, người ta tin vào “ quyền uy luân lý của tự nhiên ” : “ tự nhiên ” là tốt, “ trái tự nhiên ” là xấu ! Trong tiến trình lịch sử này, thuyết tiến hoá, nhất là hiện tượng “ chọn lọc tự nhiên ” giữ vai trò quyết định. Friedrich Engels là người đã sớm nhận ra điều ấy, ông viết : “ Bên cạnh học thuyết dân số của Malthus, toàn bộ học thuyết của Darwin về đấu tranh sinh tồn chỉ đơn giản là việc chuyển học thuyết của Hobbes về bellum omnium contra omnes [cuộc chiến tranh của tất cả chống lại tất cả] của Hobbes và học thuyết kinh tế tư sản từ xã hội vào cho giới Tự nhiên có sự sống. Rồi sau khi người ta làm xong công việc giả tạo ấy (…), họ lại chuyển các học thuyết ấy từ giới Tự nhiên hữu cơ vào cho lịch sử, và bấy giờ, khẳng định rằng người ta đã chứng minh được tính hiệu lực của chúng như là các định luật vĩnh cửu của xã hội loài người ” (20).

Ở đây, Engels cho thấy thuật ngữ “ đấu tranh sinh tồn ” đã nhiều lần bị chuyển dịch lĩnh vực từ lịch sử tự nhiên sang kinh tế học và lý thuyết về nhà nước. Trong quá trình ấy, khái niệm “ định luật ” bắt đầu chao đảo, trộn lẫn cấp độ mô tả với cấp độ quy phạm. Cái gọi là “ định luật vĩnh cửu của xã hội loài người ” hoàn toàn không phải là bất biến và bất khả thay đổi như định luật trọng trường ! Vậy, phải chăng sự chọn lọc tự nhiên không phải là một định luật tự nhiên ?

Hơn ai hết, chính Darwin đã bàn kỹ về “ tính định luật tự nhiên ” của thuyết tiến hoá. Bản thân ông đã giới thiệu một Biểu đồ (Diagramm) tiến hoá trong Nguồn gốc các loài (1859), như là một chuỗi những đường giao thoa, bất định. Ông nói rõ trong Ấn bản lần thứ 6 : “ Tuy nhiên, ở đây tôi muốn lưu ý rằng tôi không hề muốn nói tiến trình diễn ra một cách hợp quy tắc và ổn định như đã được trình bày trong Biểu đồ, cho dù bản thân Biểu đồ cũng đã tỏ ra phần nào bất định ”. Nghĩa là, ông còn muốn Biểu đồ tỏ ra bất định và phức tạp hơn nhiều nữa !

Lý do khiến sự tiến hoá không phải là một con đường thẳng tắp là ở tính ngẫu nhiên của sự biến dị. Ta chỉ nắm bắt được sự chọn lọc ở những nơi nào sự biến dị tỏ rõ sức mạnh của nó. Vì thế, đối với những nhà nghiên cứu quen với những quy luật toán học trong thế giới vô cơ, sự tiến hoá đầy hỗn loạn và bất ngờ kiểu Darwin không thể mang lại câu trả lời thoả đáng. Chẳng hạn nhà thiên văn John Herschel nhạo báng thuyết tiến hoá của Darwin là “ law of the higgledy-piggledy ” (quy luật của sự lung tung, bừa bãi!)(21).

Như ta đã biết, Darwin chưa giải thích được nguồn gốc của sự biến dị. Ông cũng chưa giải thích được tại sao một số đặc điểm là có thể di truyền, còn các đặc điểm khác thì không. Ông thú nhận năm 1868 trong Sự biến dị của thú vật và cây cối : “ không thể nêu rõ lý do cho sự khác biệt này ”, và để sự việc dừng lại ở đó.

150 năm sau Darwin, sự ngẫu nhiên cũng không thể được gạt bỏ ra khỏi sự di truyền. Tuy nhiên, sự tiến hoá không thể diễn ra tuỳ tiện, mà trong số ranh giới nhất định nào đó, thường được các nhà sinh vật học gọi là “ những ước chế phát triển ” (developmental constraints). Nhưng, vì không thể xác định rõ những ranh giới này, nên cuộc tranh luận về vai trò của ngẫu nhiên và tất yếu vẫn cứ tiếp diễn. Vì không thể phủ nhận vai trò của sự ngẫu nhiên, chính Darwin đã đưa ra một kết luận gây “sốc” ngay trong Nguồn gốc các loài, ấn bản 6 : “ Tôi không tin vào một quy luật phát triển cố định ”. Sự tiến hoá không phải là tiến trình hợp quy luật, và, nếu ta hiểu câu nói trên của Darwin theo nghĩa đen, thì sự chọn lọc không phải là một định luật tự nhiên ! Khẳng định trên của ông rõ ràng nhắm đến nghĩa “ mô tả ” của khái niệm định luật : nếu hiểu định luật tự nhiên theo nghĩa toán học, rõ ràng sự biến dị lẫn sự chọn lọc không thuộc về loại này. Một con vật khác với bố mẹ nó như thế nào và được “ chọn lọc ” dựa vào những đặc điểm gì là điều không ai có thể dự đoán được.

Ernst Mayr, nhà sinh học tiến hoá nổi tiếng ở thế kỷ 20, là người bàn kỹ nhất về tính quy luật tự nhiên của thuyết tiến hoá. Theo ông, các hệ thống sinh học khác căn bản với tất cả những hệ thống không có sự sống khác, vì thế “ định luật tự nhiên ” ở đây buộc phải được hiểu theo nghĩa khác (do có quá nhiều yếu tố ngẫu nhiên của môi trường, của đồng loại, của thiên địch làm tăng thêm tính phức tạp và tính không thể dự đoán). Sinh vật là một cơ chế “ nhị nguyên ”. Nó là vật chất, nên phải phục tùng những định luật của vật lý học, hoá học, nhưng nó cũng còn lệ thuộc vào các tiến trình lịch sử, dù đó là các quan hệ tương tác ở cấp độ phát triển cá nhân (ontogenese) hoặc ở cấp độ phát triển giống loài (phylogenese). Để mô tả các tiến trình ấy, không có những định luật phổ quát, mà, theo E. Mayr, chỉ có những “ miêu tả lịch sử ” (historical narratives) (22). Vì thế, về bản chất, sinh học là một khoa học lịch sử. Nhà sinh học  giống như nhà sử học  tập hợp những thông tin từ lịch sử, dàn dựng lại thành một kịch bản và sau cùng, kiểm tra xem cách giải thích nào là trùng hợp một cách khả tín, khả thủ (plausible) nhất với những thông tin đã có. Thomas Henry Huxley, đồng minh gần gũi với Darwin, gọi phương pháp ấy là “ tiên đoán hồi cố ” (“ retrospective prophecy ”): nhà nghiên cứu phải tập luyện để có năng lực “ nhìn những gì mà mắt thường không thể nhìn thấy ”. Trong các khoa học vật lý, phương pháp này dường như chỉ được áp dụng cho một số ít lĩnh vực, chẳng hạn trong vũ trụ học và địa chất học. Còn trong sinh học tiến hoá, phương pháp lịch sử lại là phương pháp cơ bản và thích hợp. Và, cũng giống như mọi khoa học lịch sử, nó khó có được những định luật tự nhiên phổ quát đúng nghĩa để mô tả các tiến trình. Nói như Jay Gould, nhà tiền cổ sinh vật học nổi tiếng : “ Sự tiến hoá là một suy luận không thể tránh được, chứ không phải là một sự kiện trần trụi ” (23).

Ngày nay, có sự đồng thuận chung rằng sự chọn lọc tự nhiên, cùng với sự biến dị, thúc đẩy sự tiến hoá. 150 năm sau Darwin, không có lý thuyết nào hiệu nghiệm hơn học thuyết ấy. Nhưng, sự chọn lọc diễn ra ở cấp độ nào là vấn đề đang gây tranh cãi sôi nổi :

  • Richard Dawkins, nhà động vật học người Anh, trong tác phẩm nổi tiếng : Gen ích kỷ (The Selfish Gene) (1976) đề ra luận điểm nổi tiếng : sự chọn lọc diễn ra ở cấp độ hệ gen (genom). Theo Dawkins, hệ gen được “chương trình hoá” để tự nhân lên, còn sinh thể hữu cơ chỉ là cái vỏ bọc hay cỗ xe để thực hiện chương trình ấy : “ con khỉ là một cỗ máy lo việc trường tồn của những gen leo cây ; con cá là một cỗ máy lo việc trường tồn của những gen dưới nước ” (24). Ta liên tưởng đến cách nói quen thuộc ở thế kỷ 19 về một giới tự nhiên được trang bị đến tận răng ! Dawkins dùng hàng loạt những ẩn dụ trong sinh học vay mượn từ toán học và kỹ thuật : chương trình, sự điều khiển, cỗ máy… Cơ sở của chúng là một cách nhìn tất định luận về Tự nhiên : hành vi không phải là tự do mà là thực hiện một điều bắt buộc. Hành vi chỉ tuân theo nguyên tắc tự-bảotồn, tức cái gọi là sự ích kỷ của gen : “ sự chọn lọc tự nhiên tạo thuận lợi cho những gen nào điều khiển cỗ máy sống còn để tận dụng được những lợi ích tốt nhất từ môi trường của chúng ”. Tuy nhiên, Dawkins cũng thừa nhận có những hiện tượng tỏ ra không phục tùng quy tắc “ ích kỷ ” ấy : nhiều sinh vật sẵn sàng hy sinh thân mình để báo động hay bảo vệ cho đồng loại, nhất là hiện tượng nhận những sinh vật khác làm con nuôi (adoption), một hành vi “ có vẻ thật cảm động nhưng lại trái với quy tắc, vì nó phung phí thời gian và năng lượng lẽ ra phải dành cho chính con cái của mình ”(25). Một lần nữa, ta gặp lại sự trộn lẫn giữa tính mô tả và tính quy phạm của định luật : giống như Malthus, ông vừa rút ra quy luật từ Tự nhiên, đồng thời xem nó có tính quy phạm cho hành vi !

  • Đang gây sôi nổi hiện nay là quyển sách Mật mã Darwin / Darwins Code của Thomas Junker, nhà lịch sử sinh học, và Sabine Paul, nhà sinh học phân tử người Đức, vừa mới phát hành nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh Darwin (02.2009) (26). Quyển sách đặt câu hỏi : phải chăng các định luật của sự tiến hoá cũng có giá trị cả cho lĩnh vực văn hoá ? Theo hai tác giả, văn hoá, nghệ thuật, tôn giáo, ba biểu hiện của tinh thần và sự tự do của con người kỳ cùng chỉ là một chiến lược sống còn, chỉ là một bộ phận trong bản tính sinh học của con người : chúng cần thiết cho sự tồn tại và hạnh phúc như là những hằng số căn bản (Grundkonstanten) trong viễn tượng của sự tiến hoá, kể cả nơi hành động nghịch lý như… đánh bom tự sát !

Ngược lại với hai cách nhìn ít nhiều mang màu sắc duy khoa học và tất định luận ấy, là quan điểm của Stephan Jay Gould hay của Frans de Waal, chuyên gia về loài linh trưởng của Hòa Lan (27). Qua ví dụ của ba con hổ con được một chó mẹ nuôi lớn ở một vườn thú Thái Lan, De Waal – cũng như Darwin trước đây – xem thái độ vị tha, xã hội cũng là một ưu thế trong việc sống còn. Nhưng, xa hơn, ông dành cho hành vi một không gian rộng lớn hơn nhiều : “… động cơ nuôi dưỡng con cái của giống loài khác vượt ra khỏi chức năng làm mẹ… Động cơ thường có một đời sống riêng, vì thế nó không phải hoàn toàn tương ứng với các ẩn dụ quen thuộc của khoa sinh học luôn nhấn mạnh đến một cuộc cạnh tranh sinh tồn tàn khốc ” (28). Như thế, De Waal nhìn thấy sự đa dạng và sáng tạo trong hành vi của thú vật. Trong khi đó, ngược lại, Dawkins chỉ thấy quy tắc và thuyết tất định. Những phát hiện ngày càng nhiều về những hành vi độc đáo của sinh vật (vd: chim cũng biết dùng dụng cụ, khỉ biết rửa trái cây trước khi ăn…) củng cố cho thuyết của Ernst Mayr (29) trước đây về sự phức tạp của các hệ thống sinh học. Vậy, nếu các hệ thống sinh học không thể được mô tả đơn giản trong hình thức những “ định luật ” thì ta cũng không thể vội vàng rút ra từ chúng những quy tắc có tính quy phạm. Cuộc tranh luận xem sinh học là một khoa học độc lập hoặc có thể được giản lược vào các định luật vật lý vẫn còn tiếp diễn. Điều cần ghi nhớ là : Darwin không bao giờ tin rằng sự phát triển của sự sống có thể quy về một định luật bất biến nào cả (30).

4. Việc mở rộng thuyết tiến hoá sang các lĩnh vực khác


Sự đột biến và sự chọn lọc – hai trụ cột của thuyết tiến hoá – có sức hấp dẫn lạ thường như một mô hình hai “ pha ” dường như có thể được áp dụng vào mọi lĩnh vực ! Trong tâm lý học, trong lý thuyết về sự tiến hoá văn hoá, trong xã hội học tôn giáo, nhân loại học văn hoá và cả trong kinh tế học. Jean Piaget sử dụng nó trong lý thuyết về sự phát triển của tư duy trẻ em. Ngay cả sự phát triển kỹ thuật cũng được đem ra so sánh với môn sinh học, thậm chí được khai thác như là chiến lược cho việc phát triển kỹ thuật, gọi là công nghệ học tiến hoá (31). Các vấn đề giá trị cũng được xem xét trong một môn đạo đức học tiến hoá (32). Với Karl Popper, ta lại có khái niệm về một thuyết Darwin trong khoa học luận, theo đó các khoa học được thăng tiến nhờ sự đột phá của những ý tưởng mới không được dự báo trước và sau đó sẽ được cộng đồng khoa học “ chọn lọc ” (33). Ta lại có môn nhận thức luận tiến hoá hiểu như việc đặt ra câu hỏi siêu nghiệm (transcendental), tức câu hỏi về các điều kiện khả thể của nhận thức qua việc các phạm trù nhận thức của ta thích nghi với thế giới qua tiến trình tiến hoá như thế nào (34).

Tất nhiên cũng có những tiếng nói ngược, nhưng nhìn chung dường như sơ đồ tiến hoá đã tìm được sự đồng thuận khá phổ biến.

Tất cả các trường hợp trên đây đều có một điểm chung : trong những lĩnh vực hoàn toàn khác nhau về mặt bản thể học, người ta giả định một sự phát triển có cấu trúc tương tự như trong lĩnh vực sinh học. Vậy, sự tương tự hay sự loại suy (Analogie) giữ vai trò quyết định ở đây. Sự tương tự – hay đúng hơn, sự tương tự về tỉ lệ – là việc chuyển một quan hệ “ A với B ” từ một lĩnh vực này thành “ C với D ” trong một lĩnh vực khác :

A quan hệ với B trong lĩnh vực L giống như C quan hệ với D trong lĩnh vực V hoàn toàn khác.

Vậy, ở đây ta chỉ so sánh các quan hệ với nhau chứ không so sánh các lĩnh vực liên quan. Nói theo cách hiện đại, chúng có cùng một cấu trúc, và, trong thực tế, phần lớn những sự loại suy là những loại suy về cấu trúc. Trước đây, loại suy được chấp nhận như một phương tiện chứng minh, bởi nếu thế giới nối kết chặt chẽ với nhau và bản thân thế giới là tấm gương soi cho ý chí của Thượng đế thì sự tương ứng, nếu có, chỉ là sự phản ánh của cái Một làm nền tảng, xét như nguồn gốc của tất cả. Ở thời cận và hiện đại, người ta không còn chấp nhận phương thức chứng minh ấy nữa, thậm chí xem nó là phản khoa học, và, có chăng, chỉ có chức năng hướng dẫn nghiên cứu (heuristic) trong việc lập giả thuyết. Nói một cách chặt chẽ, như cảnh báo của nhà khoa học luận Wolfgang Stegmüller, cần phải hết sức thận trọng khi sử dụng nó, bởi nó có thể là một cái bẫy dẫn đến sai lầm. Đó là “ nói một cách chặt chẽ ” trong phạm vi khoa học luận, còn trong thực tế, nó vẫn rất được yêu thích. Lý do tại sao ?


4.1. Phê phán “ thế giới quan ” nhân quả


Nếu tất cả đều trôi chảy, biến dịch thì, nói như Heraclitus, ít nhất phải có một cái logos bất biến. Hay nói theo kiểu hiện đại, nếu giả thử một cái gì đồng dạng không bao giờ diễn ra theo quy luật, ta ắt không thể nhận thức được gì về thế giới cả. Nắm bắt sự biến dịch bằng quy luật là tư tưởng nền tảng của mọi khoa học thường nghiệm. Ngay cả việc mở rộng thành quy luật thống kê, chẳng hạn trong vật lý lượng tử, cũng không thay đổi cơ bản cách nhìn ấy. Thắng lợi của “ thế giới quan nhân quả ” lấy vật lý học làm mẫu mực từ thời Phục hưng đã buộc tất cả các khoa học tinh thần và khoa học xã hội đều phải đồng lòng với nó. Việc ra đời của môn thông diễn học (Hermeneutics) vào thế kỷ 19 từ Schleiermacher đến Dilthey là nỗ lực đầu tiên của sự bất phục tùng ! Ngày nay, ta đã dễ dàng hơn để thấy cả mặt ưu lẫn khuyết của “ thế giới quan ” nhân quả : bên cạnh kho tàng kiến thức đồ sộ nhờ nó mang lại, ta cũng chứng kiến Thiên nhiên phong phú biến thành vật chất đơn thuần, và cùng với nó, mọi sinh thể, kể cả con người, cũng trở thành những cỗ máy. Thêm vào đó, nhìn ở giác độ những định luật, ta chỉ còn có trong tay cái phổ biến thay vì cái cá biệt ; cái thường tồn thay vì cái độc nhất vô nhị ; cái sơ đồ thay vì sự giàu có không thể tát cạn của mỗi phút giây : giữa cuộc sống được trải nghiệm với giới tự nhiên được hiểu theo nghĩa khách quan, liên chủ thể có một vực thẳm cách ngăn. Vả chăng, bản thân việc đi tìm cái thường tồn trong tự nhiên cũng có tính lịch sử, nghĩa là luôn gắn liền và phụ thuộc vào những hệ hình tư duy (Paradigms). Vì thế, ngày nay, dường như đang có một sự chuyển trọng tâm : thay vì chỉ đi tìm những định luật của sự biến đổi, người ta hướng đến bản thân cái đang biến đổi. Thiên nhiên không còn được hiểu là vật chất đơn thuần mà là một “ thế giới cuộc sống ” hay một “ sinh thế ” (“ Lebenswelt ”) mà con người phải nỗ lực bảo vệ ; một cách nhìn “ sinh học ” đang dần thay chỗ cho một cách nhìn nhân quả đơn thuần. Như đã nói, môn thông diễn học (môn học về việc “ Hiểu ”) đã có bước đi đầu tiên, nhưng vì lẽ đối tượng của nó không phải là nghiên cứu về cấu trúc của sự thay đổi lịch sử, nên nó không có nhiệm vụ đưa ra câu trả lời về “ logos ” của sự biến đổi, liên quan đến sự hình thành mang tính lịch sử của những tiến trình đa dạng về sinh học, xã hội và văn hoá. Phép biện chứng cũng có những ưu điểm, nhưng trong sơ đồ lý giải của nó, không có chỗ cho những hiện tượng bị “ phủ định sạch trơn ” (chẳng hạn sự diệt vong của toàn bộ nhiều giống loài hay của những nền văn hoá), cũng như chưa có đủ độ sáng rõ và rành mạch về khái niệm để phát huy hiệu quả trong từng khoa học riêng lẻ. Trong tình hình đó, không có gì lạ khi sơ đồ tiến hoá luận – vay mượn từ môn sinh học tiến hoá – đang được dành cho sự quan tâm và tán đồng sâu rộng.


4.2. Đặc điểm của sơ đồ tiến hoá


Trong việc mở rộng sơ đồ tiến hoá sang các lĩnh vực khác, người ta không hề nghĩ đến việc lấy môn sinh học làm nền tảng cho các lĩnh vực ấy. Người ta chỉ đơn thuần mượn sơ đồ của thuyết tiến hoá, tức sự đột biến và sự chọn lọc, như một sơ đồ lý giải theo phép loại suy. Ở đây, rõ ràng sơ đồ tiến hoá có vai trò như một sơ đồ lý giải có tính siêuhìnhhọc-lịchsử, nhấn mạnh đến cách hiểu mới mẻ về vị thế của con người đối với thế giới (35). Điều này sẽ rõ hơn khi ta so sánh cách nhìn mục đích luận, cách nhìn nhân quả và cách nhìn tiến hoá luận về lịch sử :

  • cách nhìn mục đích luận dựa vào causa finalis (nguyên nhân mục đích hay cứu cánh) kiểu Aristoteles không quy về một sự giải thích nhân quả, vì trong cách nhìn mục đích luận, hiện tại được quy định bởi tương lai : mục tiêu của sự biến đổi là có sẵn. Đó là cảm thức về đời sống của thời Trung cổ Tây phương luôn hướng đến một sự cố sẽ xảy ra trong tương lai : Ngày Phán xét cuối cùng. Ở đây, lịch sử bao giờ cũng có nghĩa là thời tiền sử.

  • Ngược lại, cách nhìn nhân quả mô tả hiện trạng từ bất kỳ một trạng thái quá khứ nào đó để dự đoán tương lai. Qua đó, quá khứ và tương lai, về nguyên tắc, là giống nhau, vì cả hai đều được hiện tại soi sáng, và, tương lai không mang lại một cái gì mới mẻ về nguyên tắc, bởi các quy luật đã được khẳng định ngay từ hiện tại. Trong cách nhìn này, con người được cung cấp phương tiện để dự phóng tương lai dựa vào kiến thức về những quy luật nhân quả. Vì thế, cách nhìn nhân quả gắn liền với ý tưởng về một sự tiến bộ do con người kiến tạo.

  • Cách nhìn tiến hoá luận khác căn bản với cả hai cách nhìn trên : như đã nói ngay ở đầu bài, nó chỉ giải thích một cách hồi cố (retrospektiv) (vd: các giống loài đã tiêu vong như thế nào và các giống loài hiện nay có những đặc tính gì). Thay sơ đồ nhân quả bằng sơ đồ độtbiến-chọnlọc và cùng với sự xuất hiện tự phát của những sự đột biến thì tương lai và cái mới, về nguyên tắc, là để ngỏ, và có chăng chỉ có thể dự đoán được “ xu thế ” trong tương lai gần.

Như thế, sơ đồ tiến hoá có năng lực giải thích yếu hơn sơ đồ nhân quả nhưng lại có những ưu điểm vượt trội : * nhấn mạnh đến tính không thể lặp lại của sự kiện, đồng thời lý giải được từng sự kiện riêng lẻ ; * cho thấy rõ rằng : để hiểu biết chính mình, ta phải quan tâm đến quá khứ. Nó thay lòng tin vào một tương lai xa vời (sơ đồ mục đích luận) lẫn vào sự tiến bộ tuyến tính bằng một khái niệm trung lập hơn về sự phát triển : có thể là phúc mà cũng có thể là hoạ. Tất nhiên, sơ đồ tiến hoá không dẹp bỏ sơ đồ nhân quả (cũng như sơ đồ nhân quả không xoá bỏ sơ đồ mục đích luận) ; nó chỉ cho thấy sự hạn chế của hai sơ đồ trước. Một ví dụ đơn giản : ta vẫn phải cần đến sơ đồ nhân quả khi chế tạo động cơ của xe hơi, nhưng sơ đồ ấy không thể nói gì về mẫu xe trong tương lai, càng không thể nói về mẫu xe cuối cùng !


4.3. Chấp nhận sự ngẫu nhiên


Ở đâu có sự đột biến, có cái mới không dự báo trước được, ở đó phải chấp nhận sự ngẫu nhiên. Sự ngẫu nhiên có nhiều nghĩa khác nhau :

  • sự trùng hợp hay giao thoa của hai chuỗi nhân quả độc lập. Ví dụ quen thuộc nhất : viên ngói rơi vào đầu !

  • không thể dự báo vì ta thiếu kiến thức chính xác về các điều kiện xuất phát. Ví dụ tiêu biểu : ném con súc sắc, trong đó mỗi vòng quay đều diễn ra một cách nhân quả.

  • sự ngẫu nhiên thuộc bản tính của sự vật, được hiểu như sự tự phát, vô nguyên nhân, vốn không có chỗ đứng trong hai sơ đồ kia. Trái lại, sơ đồ tiến hoá tiền giả định sự hiện hữu khách quan của loại ngẫu nhiên này (giống với cách lý giải của trường phái Copenhagen trong thuyết lượng tử).

Đối với sự ngẫu nhiên theo nghĩa thứ ba này, ta không chỉ không thể tiên đoán loại hình và thời điểm của sự đột biến sắp tới, mà còn do bản thân sự việc, về nguyên tắc, là tự khởi, theo nghĩa thiếu một nguyên nhân riêng biệt để có thể tiên đoán được : sơ đồ nhân quả HO không thể áp dụng ở đây, bởi không có quy luật nào có thể phát biểu về sự xuất hiện của sự đột biến cả. Và do đó, cái giá phải trả là ta đành phải gác lại yêu sách có thể giải thích thế giới hoàn toàn bằng nguyên tắc túc lý (nguyên tắc nguyên nhân đầy đủ của thời cận đại). Sự biện minh cho việc sử dụng sơ đồ tiến hoá xuất phát từ một nguồn suối riêng biệt : hành vi sáng tạo của con người trong các lĩnh vực văn nghệ, lý luận, khoa học, kỹ thuật và đời sống xã hội. Sự sáng tạo, sự tự khởi và sự tự do là bản chất của tính nhân loại : sự tự khởi – với tư cách là sự tự quyết – là tiền đề của sự tự do ; còn chính sự sáng tạo mới làm cho con người trở thành Homo faber, thành chủ nhân của văn hoá và văn minh. Như đã biết, khi sơ đồ nhân quả còn thống trị như trước đây, việc lý giải ba phẩm tính nhân loại nói trên thường rất khó khăn ; người ta cần cầu viện tới sự tư biện triết học ; chẳng hạn :

- Spinoza : tự do là sự tất yếu được nhận thức ;

- Leibniz : tự do là sự “ thấy trước ” (praevisio) chứ không phải là sự định trước (praedeterminatio) của Thượng đế ; hay

- Kant : Tự do là hình thức đặc thù của tính nhân quả từ Tự do !


5. Thay lời kết :


Darwin nói về sự chọn lọc tự nhiên. Sơ đồ tiến hoá luận trong lĩnh vực nhân văn và xã hội lại nói lên sự chọn lọc của con người. Sơ đồ này không nói lên một sự tự khởi mù quáng : con người làm hoặc không làm một điều gì là do chính mình lựa chọn và chịu trách nhiệm. Tất cả những hành vi ấy tiền-giảđịnh những quy phạm và giá trị ; và chúng không thể được phó mặc cho trò chơi của sự may rủi. Chúng không thể được rút ra từ kiến thức thường nghiệm, bởi kiến thức thường nghiệm chỉ có tính mô tả chứ không có tính quy phạm. Do đó, chỉ có chính con người là kẻ phải mang lại một ý nghĩa cho thế giới, bởi nếu không, ta không còn là con người nữa. Ý nghĩa ấy có nguồn gốc nhân loại hoặc siêu việt kỳ cùng lại cũng do chính con người chọn lựa, dựa trên một quan năng thật độc đáo : năng lực phán đoán phản tư như cách mà Kant đã đặt tên cho niềm tự hào lớn nhất của con người.


Bùi Văn Nam Sơn

03.2009





1 Immanuel Kant,1780 : Phê phán năng lực phán đoán, §75, B338, Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải, NXB Tri thức 2006, tr.419.

2 Sơ đồ do C. G. Hempel và P. Oppenheim đề ra (gọi tắt là sơ đồ HO) thể hiện cấu trúc hình thức của một sự giải thích khoa học đối với câu hỏi về nguyên nhân : sự kiện S xuất hiện dựa trên những mệnh đề tiền-giảđịnh A1 đến An nào về các điều kiện xuất phát và dựa trên các mệnh đề quy luật Q1 đến Qk nào ? Sự kiện S (cái được giải thích / Explanandum) được giải thích bằng một suy luận hay một suy diễn từ các mệnh đề quy luật Q1 đến Qk cùng với các điều kiện tiên quyết A1 đến An như là các tiền đề ; cả hai tạo nên cái dùng để giải thích (Explanans). Xem : Carl Gustav Hempel / Paul Oppenheim: Studies in the Logic of Explanation, trong Philosophy of Science 15 (1948) tr. 135.175. Phát triển thêm trong : C. G. Hempel : Aspects of Scientific Explanation and Other Essays in the Philosophy of Sciences, New York, 1965.

3 - Asa Gray: Darwiniana. Essays and Reviews Pertaining to Darwinism, 1876.

- Alfred Russel Wallace : Der Darwinismus. Eine Darstellung der Lehre von der natürlichen Zuchtwahl und einniger ihrer Anwendungen / Thuyết Darwin. Một trình bày về học thuyết chọn lọc tự nhiên và một số sự áp dụng của nó. (bản tiếng Đức), 1889.

4 trả lời phỏng vấn năm 1838, dẫn theo Eve-Marie Engels : Darwin, München 2007, tr. 60.

5 Genotype là toàn bộ những yếu tố di truyền ở cấp độ phân tử, trong khi Phenotype biểu thị hình ảnh bên ngoài của một cá thể.

6 Darwin, Charles; Autobiographie; bản tiếng Đức của Feurich, Rolf. Leipzig / Jena, 1959.

7 Charles Darwin : The Descent of Man and Selection in Relation to Sex, 1871.

8 Gregor Mendel (1822-1884), tu sĩ người Áo có đóng góp lớn cho khoa học khi ông dành tám năm để lai tạo các giống đậu Hà Lan, qua đó phát hiện những quy luật của sự di truyền được gọi là những “định luật Mendel”. Không được biết đến nhiều lúc đương thời, nhưng vào thế kỷ XX, ông được tôn vinh là người đặt cơ sở cho sinh học phân tử và là cha đẻ của di truyền học hiện đại.

9 Xem: Julia Voss, Charles Darwin, Junius, Hamburg, 2009, tr. 117 và tiếp.

10 The Correspondence of Charles Darwin, tập 1-16 (1821-1868), Cambridge, 1983-2008, tập 8, tr. 396, dẫn theo Julia Voss, Sđd.

11 Darwin nêu ví dụ về loại cây ở gần sa mạc “phấn đấu chống lại sự khô hạn để sinh tồn” (Nguồn gốc các loài, Ấn bản 6, tr. 84).

12 dẫn theo Frans de Waal : Der Affe in uns. Warum wir sind, wie wir sind / Con khỉ trong ta. Tại sao ta lại là ta như thế, München 2006, tr. 233.

13 Arnold Gehlen : Der Mensch / Con người, 1940.

14 Frans de Waal : Der Affe und der Sushimeister. Das kulturelle Lehen der Tiere / Con khỉ và ông thầy làm Sushi. Đời sống văn hoá của thú vật, München, 2005.

15   Xem : Julia Voss, Charles Darwin, Hamburg 2009, tr. 161 và tiếp.

16 Sự tranh chấp thậm chí diễn ra ngay ở tòa án của Hoa Kỳ. Năm 1925, giáo viên môn lịch sử tự nhiên John Sespes ở tiểu bang Tennessee bị tuyên có tội vì đã giảng dạy thuyết tiến hoá. Từ đó, các nhà “sáng tạo luận” cực đoan liên tục kiện cáo, khi thắng khi thua ! Trong khi đó, Giáo Hoàng Paul II đã tuyên bố thuyết tiến hoá là phù hợp với đức tin Kitô giáo vào năm 1996. Dẫn theo Julia Voss, Sđd, tr. 166. Xem : Edward J. Larson : Summer for the gods. The scopes trial and America’s continuing debate over sciences, New York, 1997.

17 William Paley : Natural theology ; or evidence of the existence and attributes of the deity. London 1802, tr. 49. dẫn theo Michael Ruse : Darwin and design. Does evolution have a purpose ? New York 2003, tr. 43 và tiếp.

18 Charles Darwin : Mein Leben, 1809-1882 / Đời tôi, 1809-1882, (bản tiếng Đức), do Nora Barlow ấn hành, Frankfurt / M, 1993, tr. 92, dẫn theo Julia Voss, Sđd, tr. 171.

19 Correspondence / Thư tín, Sđd, tập 14, tr. 426.

20 Thư của F. Engels gửi cho P. L. Lawrow, 12-17.11.1875; trong Marx & Engels, Tác phẩm, tập 34, Berlin, 1966, tr. 170 (tiếng Đức).

2 Correspondence / Thư tín, tập 7, tr. 423, dẫn theo Julia Voss, Sđd, tr. 191.

22 Xem Ernst Mayr : What makes biology unique ? Considerations on the autonomy of a scientific discipline, Cambridge 2005.

23 Stephan Jay Gould: Agassiz auf den Galápagos, tr. 105-117, dẫn theo Julia Voss, Sđd, tr. 195.

24 Richard Dawkins : Das egoistische Gen / Gen ích kỷ (bản tiếng Đức), Heidelberg, 2007, tr. 64.

25 Sđd, tr. 186.

26 Thomas Junker / Sabine Paul: Darwin-Code, Das Buch zum Darwin-Jahr 2009 / Mật mã Darwin, Quyển sách nhân năm Darwin 2009, Verlag Beck, Hamburg, 2009.

27 Frans de Waal : Der Affe und der Sushimeister. Das kulturelle Leben der Tiere / Con khỉ và ông thầy làm Sushi. Đời sống văn hoá của thú vật. München, 2005, tr. 295.

28 Sđd, tr. 295.

29 Ernst Mayr : This is biology. The science of the living world. Cambridge / Mass 1997, tr. 9

30 Xem: Julia Voss, Charles Darwin, Hamburg 2008, tr. 198.

31 Ingo Rechenberg : Evolutionsstrategie. Optimierung technischer Systeme / Chiến lược tiến hoá. Tối ưu hoá các hệ thống kỹ thuật; Stuttgart, 1973.

32 Hans Mohr : Natur und Moral. Ethik in der Biologie (Dimensionen der modernen Biologie) Bd4 / Tự nhiên và luân lý. Đạo đức học trong sinh học (Các chiều kích của sinh học hiện đại), tập 4. Darmstadt, 1987, tr. 76 và tiếp ; và Kurt Bayertz (chủ biên) : Evolution und Ethik / Tiến hoá và Đạo đức học, Stuttgart, 1993.

33 Karl Popper : The Rationality of Scientific Revolutions, trong Problem of Scientific Revolution, Rom Harréc chủ biên, Oxford University Press, 1975, tr. 72-101

34 Gerhard Vollmer : Evolutionäre Erkenntnistheorie / Nhận thức luận tiến hoá, Stuttgart, 1975.

35 Xem : Hans Poser, Wissenschaftstheorie / Khoa học luận, Stuttgart, 2004, tr. 270 và tiếp.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us