Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Âm mưu chiếm đất của Trung Quốc qua kế sách “ Phản khách vi chủ ”

Âm mưu chiếm đất của Trung Quốc qua kế sách “ Phản khách vi chủ ”

- Hồ Bạch Thảo — published 28/02/2011 23:49, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18


Âm mưu chiếm đất của
Trung Quốc qua kế sách
Phản khách vi chủ


Hồ Bạch Thảo



Qua sử sách, đối với các nước nhỏ lân bang, chính sách Nhu viễn thường được các triều đại quân chủ Trung Quốc rêu rao. Nhu viễn hàm nghĩa mềm dẻo, dễ dãi đối với các nước xa xôi. Nhưng thực sự cái gọi là mềm dẻo chẳng tốt lành gì, nó nằm trong âm mưu thôn tính thời bình, qua kế sách thâm hiểm được ghi trong binh thư Trung Quốc với danh xưng Phản khách vi chủ.


Phản khách vi chủ là kế sách thứ 30 trong 36 kế ; lẽ dĩ nhiên ngoài mặt người Trung Quốc chưa bao giờ nhận rằng họ đã áp dụng kế sách này trong việc bang giao với nước ta. Bởi vậy muốn thấy rõ mưu ngầm, người viết xin trình bày theo trình tự sau đây :


– Dịch nguyên văn tư liệu, nhắm hiểu rõ từng bước một của kế sách Phản khách vi chủ.

– Liên hệ với lịch sử hai nước, để thấy được Trung Quốc đã áp dụng kế sách này tại Việt Nam như thế nào



1. Nguyên văn và phần dịch kế Phản khách vi chủ


原文為:「為人驅使者為奴,為人尊處者為客,不能立足者為暫客,能立足者 為久客,客久而不能主事者為賤客,能主事則可漸握機要,而為主矣。故反客為主之局:第一步須爭客位;第二步須乘隙;第三步須插足;第四足須握機;第五步乃 成功 為主……」


Nguyên văn như sau :

Bị người sai khiến là nô, được người đối xử tôn trọng là khách, không thể đặt chân lâu là khách tạm, có thể đặt chân lâu là khách lâu bền ; khách lâu bền mà không làm chủ được gọi là khách hèn ; khách có khả năng làm chủ sự việc, dần dần nắm được chỗ cơ yếu tức là chủ vậy. Bởi vậy cục diện của Phản khách vi chủ như sau :

– Bước 1 chuẩn bị tranh khách vị,

– Bước 2 lợi dụng chỗ sơ hở,

– Bước 3 chen chân vô,

– Bước 4 vững chân nắm giữ guồng máy,

– Bước 5 thành công làm chủ.



2. Liên hệ về lịch sử bang giao Trung Việt dưới thời nhà Thanh :



Trong một bài khảo luận, không thể nói hết từ đầu đến cuối việc bang giao giữa hai nước, mà cả hai đều lập quốc lâu đời, có đến mấy ngàn năm lịch sử; bởi vậy xin nêu lên những sự kiện tiêu biểu về một thời, một địa phương. Thời : thuộc nửa đầu thế kỷ thứ 18 ; tại nước ta vào triều Lê Mạt với các vua Lê như Dụ Tông, Phế Đế, Thuần Tông, Ý Tông, Hiển Tông ; lúc bấy giờ vua chỉ có tính cách tượng trưng, thực quyền nằm trong tay phủ chúa với các chúa Trịnh Cương, Trịnh Giang, Trịnh Doanh ; riêng tại Trung Quốc lần lượt các vua Khang Hy, Ung Chính, Càn Long cai trị. Về địa lý : phía ta nằm trong các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, phía Trung Quốc thuộc tỉnh Quảng Tây.


Vào giai đoạn này đất nước ta nhiều loạn ly, gần kinh thành có các cuộc nổi dậy quan trọng như Lê Duy Mật, Nguyễn Hữu Cầu. Riêng tại vùng biên giới thì cha con Hoàng Công Chất, Hoàng Công Toản hoành hành tại miền tây bắc ; con cháu nhà Mạc như Mạc Thành Trần từ huyện Tứ Thành, Quảng Tây trở về quấy phá tại Cao Bằng, ngoài ra Thổ quan châu Lộc Bình Vi Phúc Quan nổi lên tại 7 châu miền Lạng Sơn. Trước tình hình đó, triều đình hầu như không kiểm soát nổi an ninh vùng biên giới, việc tuần phòng gián đoạn, người Trung Quốc vượt qua biên thùy Việt Nam hầu như không bị cản trở. Họ là những dân nghèo sang lập nghiệp khai khẩn đất hoang, những dân buôn qua lại giữa hai nước, rồi lấy vợ lập gia đình để có chỗ tá túc dừng chân ; một số làm trong các xưởng mỏ ; còn một số khác, thì đục nước béo cò, cấu kết với các phe nổi dậy để làm loạn.


Căn cứ tờ tâu của viên Tuần phủ Quảng Tây Thư Lộ vào năm Càn Long thứ 15 [1750] cho biết biên giới giữa Việt Nam và Quảng Tây dài khoảng 2000 lý, thiết lập 3 cửa quan [Nam Quan, Bình Nhi, Thủy Khẩu] và 100 cửa ải, 120 đồn nhỏ. Nhưng thực sự biên giới không dừng tại đó, số đất đai do người Trung Quốc nêu trên xâm cư có chỗ sâu vào nội địa nước ta đến vài lý [1 lý = 0.58 km], có chỗ vào sâu đến 2,3 chục lý.


Như vậy qua tờ tâu lên vua Càn Long, Tuần phủ Quảng Tây đã xác nhận kết quả gặt hái được trong việc chiếm đất ; nói một cách khác 3 bước trong kế Phản khách vi chủ gồm : chuẩn bị tranh khách vị, lợi dụng chỗ sơ hở, và chen chân vô đã thành công. Viên Tuần phủ này lại hứa sai 3 viên Tri phủ thuộc các phủ biên giới Nam Ninh, Thái Bình, Trấn An (1) bí mật kiểm tra, để có hành động tiếp :


Ngày Kỷ Hợi tháng 8 năm Càn Long thứ 15 [29/9/1750]


Tuần phủ Quảng Tây Thư Lộ tâu :


Tra các châu, huyện thuộc 3 phủ Nam Ninh, Thái Bình, Trấn An có hơn 2000 lý tiếp giáp với An Nam. Trong đó đặt 3 cửa quan, 100 ải, trên 120 đồn, chỉ tùy đất mà bố trí phòng thủ ; khác với biên giới miền tây bắc, có phân định rõ ràng trong ngoài. Có chỗ tuy ở ngoài ải nhưng vẫn là đất nội địa ; cách đất Di xa thì 2,3 chục lý ; gần thời vài lý không chừng. Từ trước tới nay những dân nghèo không có nghề ở trong nội địa đến đó làm nhà tranh, lấy đất cày cấy. Hiện nay An Nam thần phục, không có mầm mống gây hấn. Nhưng những loại dân nghèo này, đã sống ngoài ải ; phía ngoài không có người câu thúc ngăn trở, trong nội địa thì không có nhân viên kê tra ; không thể đoan chắc rằng bọn chúng không chứa chấp dân gian tại nội địa, dẫn dân phỉ bên ngoài đến đất Giao gây hấn. Vì bọn chúng canh tác nơi này đã lâu, không tiện đuổi về sinh thất nghiệp. Còn việc ruộng đất canh tác được bao nhiêu mẫu ? Thôn xóm tại chỗ nào ? Cách biên giới Di bao xa ? Ðều nên lần lượt tra rõ. Từ trước đến nay không có viên chức đến ngoài ải, nếu hốt nhiên sai người đến tra khám, dễ sinh kinh nghi. Hiện ban dụ ra lệnh 3 Tri phủ Nam Ninh, Thái Bình, Trấn An, mỗi viên mật tra tình hình ngoài ải; không được để lộ ra chút nào; đến lúc đó sẽ trù tính kỹ rồi tâu riêng.”


Chiếu ban đã được nghe qua. (Cao Tông thực lục quyển 371, trang 18-19)


Ðến lượt Tuần phủ Thư Lộ cho thực hiện nốt hai bước ba, bốn : vững chân nắm giữ guồng máy, thành công làm chủ ; cụ thể là cho trồng hàng rảo tre những vùng đã xâm canh, vĩnh viễn làm biên giới mới. Việc làm ngang ngược lộ liễu này đã bị dân ta phản ứng quyết liệt và đồng bộ bằng cách cho nhổ tre, dời bảng mốc giới hạn ruộng đất :


Ngày Tân Dậu tháng 6 năm Càn Long thứ 16 [17/8/1751]


Lại dụ các Quân Cơ đại thần :


“ Theo lời báo của Tuần phủ Ðịnh Trường về vụ án trồng tre tại duyên biên Quảng Tây, qua lời bẩm trước sau của Hộ lý trấn Tả Giang Phạm Vinh, Tri phủ Thái Bình Bình Trị, có những lời ‘Bọn Di nhổ hàng rào tre, dời bảng ghi giới hạn ruộng đất, hiện đang nghiêm sức điều tra liệu biện.’…” (Cao Tông thực lục, quyển 393, trang 14-15)


Vua Càn Long ngỡ ngàng trước phản ứng này, bèn nêu lên hai giả thuyết : hoặc hành động đã quá tay, ngoài giới hạn trù liệu ; hoặc binh dân Trung Quốc thực hiện sợ việc trồng tre cực nhọc nên phao tin như vậy ; sau đó nhà vua ướm lời cho Tổng đốc Lưỡng Quảng từ Quảng Ðông sang giải quyết. Viên Tổng đốc cho rằng vì uy tín của triều đình không thể bỏ dở, nên đề nghị cho trồng tre tiếp một cách thận trọng, cùng xoa dịu dân biên giới nước ta bằng cách trị tội một vài người làm quá, nhưng từ chối đến nơi hiện trường, vì sợ dân tại đây lấy cớ có mặt y, rồi nổi lên đòi hỏi làm lớn chuyện :


“ …Trẫm đã minh bạch phê rằng, việc phủ ngự Di bên ngoài cần trung hòa giữa khoan và nghiêm, để sau đó được yên ổn vô sự ; bởi vậy không thể tỏ ra yếu với ngoại Di, cũng không thể tạo mối lo gây lắm chuyện, viên Tuần phủ cần thỏa hiệp liệu biện.


“ Việc này bắt đầu từ Thư Lộ, báo rằng cẩn thận thông sức việc biên phòng, rồi một mặt tâu lên, một mặt thực hiện. Ðịnh Trường kế tiếp nhậm chức, tra rõ việc đang thực hiện ; các viên chức giữ biên giới cũng nhân đó báo lên. Hoặc do binh dân giáp biên giới thừa cơ vượt chiếm đất Di, khiến cho người Di không phục ; hoặc chính bọn binh dân biên giới thấy việc làm khó, nên cầu an không muốn trồng tre rồi đổ cho bọn Di, để mong công việc giữa đường bỏ dở ; giữa 2 con đường đều chưa thấy định rõ, còn cái việc hai bên không yên ổn đã thấy khái quát.


“ Yên biên thùy là nhiệm vụ trọng yếu của Ðại thần được phong đất, việc này chỉ một người lo không xuể ; nếu không nhân lúc này trù hoạch cho tận thiện, tương lai di lụy cho địa phương thực bất tiện. Công việc thời Thư Lộ tại chức chưa làm xong, đến việc Di nước ngoài không tuân, không thể để đó không xét. Nay viên Tổng đốc Trần Ðại Thụ trông coi Lưỡng Quảng đã 2 hai năm, nhưng chưa đến Quảng Tây ; trước mắt công việc tại Quảng Ðông đã vào nền nếp, hoặc nhân lúc rảnh đích thân đến Quảng Tây, xem duyệt việc biên giới, cùng với Tuần phủ và các trưởng quan giáp mặt bàn luận, tất có thể thấy được con đường ninh tĩnh lâu dài. Nếu như chưa tiện đến đó, thì cứ tâu lên sự thực. Hãy ra sức trù biện án này, không để đình trệ, nhưng cũng không nên tỏ ra quá khẩn trương, xử trí hợp cách việc sắp xếp biên thùy ; cùng đem tình hình hiện tại nhất nhất tâu lên đầy đủ.”


Rồi [Tổng đốc] Trần Ðại Thụ tâu :


Di Giao Chỉ vốn được coi là cung thuận, Thư Lộ bàn xin trồng tre, nguyên do muốn phòng việc lén vượt biên giới ; tuy không phải là việc gấp nhưng đã cho khởi hành. Dân Di bèn cho nhổ đi, lại phá hủy hàng rào cũ cùng bảng mốc chỉ ruộng đất nội địa ; xét về việc liên quan đến thể chế không tiện để yên. Theo kế hoạch hiện nay, việc trồng tre không nên dừng nửa chừng, mốc biên giới không thể không rõ ràng. Hiện nay thần đã hội bàn với Tuần phủ Ðịnh Trường, đợi đến ngày các ty, đạo khám đích xác ; thì một mặt đem nguyên do việc trồng tre, nói minh bạch với các quan nước Di ; một mặt ra lệnh các châu huyện Hán, Thổ biên giới, y theo những điều đã bàn định, trừ núi cao vách dốc không trồng được ; kỳ dư chiếu theo biên giới mà trồng ; không phạm đến biên giới Di (2) một chút nào, mà cũng không thoái nhường một tấc đất. Việc Thổ dân Bằng Tường trồng gian dối, xét theo luật trừng phạt, các viên chức quân lính làm điều trái sẽ phân biệt đối xử ; nhưng phải báo cho Quốc vương, lệnh tìm ra những người nhổ tre, phá hàng rào và bảng mốc để trừng trị đến cùng.


Tái bút : Việc này nguyên do dân nội địa trồng gian dối sinh gây hấn, còn người Di sau khi phá tan bảng hiệu, lại không gây sự thêm, chắc trong lòng đã biết sợ. Nếu bây giờ thần đến đất này, sợ dân vô tri sinh ra nghi và lo, có thể đưa điều oán cho Thổ dân (3), rồi sinh tranh giành, gây ra chuyện lớn. Thần xin tâu rõ rằng mùa đông năm nay sẽ tuần duyệt quân ngũ tại tỉnh Quảng Ðông, năm sau đến Quảng Tây duyệt binh, đợi đến lúc đó đến tuần tra duyệt xét các đồn ải biên giới.”


Nhận được chiếu chỉ :


Việc liệu biện rất ổn.” (Cao Tông thực lục, quyển 393, trang 14-15)


Qua lời tâu của Tổng đốc Lưỡng Quảng, vua Càn Long đã hiểu được một phần tình hình ; thấy việc dựng hàng rào tre làm biên giới mới không ổn, nên mười ngày sau nhà vua đưa ra một đạo dụ tỏ vẻ lưỡng lự, rồi bắt thuộc cấp phải điều tra thêm :


Ngày Tân Mùi tháng 7 năm Càn Long thứ 16 [27/8/1751]


Lại dụ :


Trước đây Tuần phủ Ðịnh Trường tâu về vụ án trồng tre lại biên giới Quảng Tây, Trẫm đã truyền dụ cho viên Tổng đốc Trần Ðại Thụ, lệnh thừa lúc rảnh đích thân đến tỉnh Quảng Tây xem xét, cùng với Tuần phủ Ðịnh Trường họp mặt lo liệu. Nay nhận được lời tâu của Trần Ðại Thụ,, Trẫm nghĩ từ trước tới nay đặt hàng rào tường đá, nhờ vào đó để ngăn cách, nguyên đã có định giới, việc này không cần phải làm nữa. Nhưng Thư Lộ đã tâu xin làm rõ biên giới bằng việc trồng tre ; nếu chỉ y theo biên giới cũ, không nhũng nhiễu đến dân Di, sao đến nỗi dân Di tự tiện phá hàng rào tre ? Như vây chắc binh dân duyên biên mượn việc trồng tre thừa cơ xâm chiếm, để đến nỗi đám đông Di có hành động ngang ngược. Vì phương pháp chế ngự Di không thể tỏ ra yếu, nhưng cũng không được mượn việc xâm lăng để gây ra chuyện. Nay lại truyền dụ viên Tổng đốc, hãy tuân theo chỉ dụ trước, hội đồng với viên Tuần phủ, lấy sự công chánh mà tra xét, không thể riêng bao che ý kiến của binh dân, khiến cho lòng dân Di không phục. Nhắm để binh, dân đừng vượt biên giới xâm chiếm, dân Di cũng không có hành động làm càn ; vĩnh viễn tuyệt mối gây hấn, biên cảnh được yên ổn.” (Cao Tông thực lục, quyển 394, trang 13)


Sau khi nhận được lời tâu tiếp của quyền Tổng đốc Lưỡng Quảng và Tuần phủ Quảng Tây, vua Càn Long thấy được sự nóng vội, thiếu chuẩn bị của viên Tuần phủ tiền nhiệm, nên giao sự việc xuống bộ để bàn tính kỹ :


Ngày Quý Tỵ tháng 9 năm Càn Long thứ 16 [17/11/1751]


Dụ các Quân cơ đại thần :


Bọn Tô Xương, Ðịnh Trường tâu về việc ủy viên tra khám vùng duyên biên thổ châu Tư Lăng tỉnh Quảng Tây bị người Di nhổ tre, chiếm đất như sau : Tỉnh Quảng Tây và An Nam tiếp giáp, từ trước tới nay biên cảnh yên ổn. Năm ngoái [cựu Tuần phủ] Thư Lộ tâu xin trồng tre tại biên giới, để ngăn chặn việc ngầm vượt ; một mặt tâu, một mặt giao cho các quan địa phương thực hiện. Cách thức làm chưa được trù hoạch tường tất, cũng không giao cho các viên chức phụ trách thanh tra ổn thỏa ; nhân đó các viên Thổ mục Bằng Tường, Tư Lăng thừa cơ xâm chiếm đất Giao, khiến dân Di không chịu được. Rồi Thổ mục đưa việc nhổ tre, hủy tường a dua bẩm báo kể tội nước Phiên chống sự giáo hóa, không tuân sự ước thúc.


Hiện cứ theo các viên Tuần phủ, Tri đạo tra xét rõ và kết luận, điều này trước hết do Thư Lộ khinh suất xướng xuất ra, rồi sau đó thực hành không tốt, nên gây ra chuyện. Các Tổng đốc, Tuần phủ nơi biên cương cần thận trọng chu đáo, để mưu đồ vĩnh viễn ninh thiếp ; há lại tự ý hành động sai trái ? Nay ra lệnh bộ xét bàn rồi tâu đầy đủ.” (Cao Tông thực lục, quyển 399, trang 24-25)


Sau khi tham khảo qua bộ, và nhận được lời tâu của Tuần phủ Quảng Tây Ðịnh Trường xin đích thân đến tận nơi khám xét ; vua Càn Long sợ gây lớn chuyện nên bắt Ðịnh Trường hủy bỏ chuyến đi, cùng ngưng việc trồng tre, để biên giới như cũ :


Ngày Tân Dậu tháng 10 năm Càn Long thứ 16 [15/12/1751]


Dụ các Quân cơ đại thần :


Tiếp được chỉ dụ về việc trồng tre tại biên giới, Ðịnh Trường [Tuần phủ Quảng Tây] xin vào đầu tháng 12 đích thân đến những địa phương quan ải khẩn yếu để tra khám ; việc đi này thực không nên. An Nam là nước vốn cung thuận đã hơn một trăm năm, biên giới hai bên vốn đã có sẵn, hà tất lại đặt hàng rào, lắm phiền nhiễu ; việc trồng tre không đáng làm. Nếu viên Tuần phủ đích thân khám việc biên phòng, nước Phiên nghe tin, không khỏi gây kinh ngạc, mà các Thổ ty trong nước cũng không khỏi nghi sợ. Không bằng để yên vô sự, là hợp cách. Huống chi lời tâu của Ðịnh Trường, nhân bởi nhận được dụ truyền, miễn cưỡng tuân theo, không phải ý thành tự trong lòng. Sự hiểu biết của Ðịnh Trường còn ít, phải biết học hỏi thêm để khuyếch sung.” (Cao Tông thực lục, quyển 401, trang 19-20 )


Cuối cùng quyền Tổng đốc Lưỡng Quảng tâu trình biện pháp thực hiện ; rồi qua lời bàn của các Ðại học sĩ được vua Càn Long chấp thuận, nội dung cho đình chỉ việc trồng tre lập biên giới mới, cùng trừng trị và đày đi xa một vài Thổ mục đã làm quá tay, để tránh sự căng thẳng thêm trong tương lai :


Ngày Canh Ngọ tháng 11 năm Càn Long thứ 16 [24/12/1751]


Các Ðại học sĩ phúc tấu :


Quyền Tổng đốc Lưỡng Quảng Tuần phủ Quảng Ðông Tô Xương tâu rằngThổ Tri châu Bằng Tường Lý Chương tuổi nhỏ, chú của y là Lý Tư Khôn quản lý việc trong châu, không ràng buộc được Thổ dân, để bọn thổ mục Trương Thượng Trung vượt biên giới trồng tre ; khiến cho dân Di nhổ tre, phá hàng rào. Ðịnh đem bọn Lý Tư Khôn, Trương Thượng Trung phạt đóng gông ; đem bọn Ải mục, đầu nhóm, thổ binh, doanh binh phạt đánh trượng có sai biệt ; lại khu hoạch rõ ràng biên giới, cấm thổ dân chiếm để canh tác. Về việc những người Di tự tiện nhổ tre, hội ý với nước này tra cứu.’


Tra xét án này nếu so sánh bọn Thổ mục Tư Lăng hùa nhau kết tội người Di phá tường chiếm đất thì tội trạng tương đối nhẹ, nhưng việc Lý Tư Khôn, Trương Thượng Trung gây hấn một cách sai trái ; điều mà viên Tổng đốc nghĩ định trách phạt chưa đủ nói hết tội. Bọn Thổ mục này vốn tính ngang ngạnh, nếu vẫn cho lưu lại nguyên quán, sẽ mưu đồ phục thù gây sự. Nên đưa 2 phạm nhân đến châu huyện xa xôi an sáp, những điều khác nên y theo lời tâu. Riêng An Nam tương đối cung thuận, biên giới phân hoạch đã yên ổn từ lâu, nên đình chỉ ngay chuyện mượn việc trồng tre để làm vững rào giậu.”


Thiên tử chấp thuận. (Cao Tông thực lục, quyển 402, trang 5-6)



*


Qua các tư liệu trích dẫn, thấy được âm mưu chiếm đất tại biên giới phía bắc nước ta vào thế kỷ thứ 18, đã bị quân dân ta chặn lại thành công ở bước cuối cùng. Tuy nhiên bước quan trọng là chen chân vô trong Phản khách vi chủ thì người Trung Quốc đã thực hiện được ; có nghĩa là đông đảo khách lâu bền [久客 cửu khách] không mời mà đến, vẫn ung dung sống tại vùng biên giới nước ta từ đời nọ qua đời kia. Ðiều này gây hệ lụy không nhỏ về sau ; nhất là trong việc đàm phán về biên giới, vì trong những dịp này đại diện Trung Quốc thường đòi hỏi rằng người Trung Quốc ở đâu thì đất Trung quốc ở đó !


HỒ BẠCH THẢO





(1) Phủ Nam Ninh có động Thiên Long, châu Thượng Tư giáp với tỉnh Lạng Sơn nước ta. Phủ Thái Bình có các châu như Ninh Minh, Tư Lăng, Tư Châu, Thượng Hạ Ðống, Bằng Tường, Hạ Thạch Tây, Thượng Thạch Tây giáp với tỉnh Lạng Sơn; sảnh Long Châu, châu An Bình, Ân Thành giáp với tỉnh Cao Bằng. Phủ Trấn An có các châu Hạ Lôi, Hồ Nhuân, Qui Thuận, Tiểu Trấn An giáp với tỉnh Cao Bằng.

(2) Di : Người Trung Quốc kỳ thị chủng tộc, thường gọi các nước lân bang là Di, hoặc Phiên.

(3) Thổ dân : chỉ dân thiểu số Trung Quốc gần biên giới.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us