Báo LA LUTTE
SÀI GÒN THẬP NIÊN 30 :
« LA LUTTE », TỜ BÁO CHIẾN ĐẤU
Daniel HEMERY*
Sau thất bại của phong trào thường được gọi chung là « Xô viết Nghệ Tĩnh » – các cuộc đình công của thợ thuyền, biểu tình của nông dân và các cuộc nổi dậy diễn ra ở khắp ba kỳ năm 1930 – tiếp theo đó là cuộc đàn áp khốc liệt của chính quyền thực dân, triển vọng của các phong trào cách mạng Việt Nam tưởng như đã héo mòn nếu không nói là vĩnh viễn bị khoá chặt. Năm 1930, Việt Nam Quốc Dân Đảng bị tiêu diệt hoàn toàn bởi Sở An ninh Đông Dương (Sûreté indochinoise) hùng hậu, hay nói chính xác hơn, bộ phận chính trị của nó là Ty Mật thám (Police secrète). Đảng Cộng sản Đông Dương còn non trẻ thì bị phá tung, tuy ra sức xây dựng lại với sự hỗ trợ của Quốc tế Cộng sản trong hai năm 1931 và 1932, song vẫn trở tay không kịp trước màng lưới của công an chính trị Pháp.
Vậy mà một yếu tố mới đã đột ngột xuất hiện, nhanh chóng làm đảo ngược dòng chảy lịch sử : với cuộc đấu tranh hợp pháp ở Nam Kì, một mặt trận chính trị mới được mở ra, do sáng kiến chủ động của những thanh niên trí thức Sài Gòn [1]. Sáng kiến này làm cho Phủ Toàn quyền Đông Dương hoàn toàn bị bất ngờ. Nó tạo ra một tình huống nghịch lí : phong trào cộng sản (hiểu theo nghĩa rộng) ở ngoài vòng pháp luật, bị truy nã, tù đày mà vẫn lên tiếng và hành động công khai. Bước đột phá này xuất phát từ những trí thức miền Nam, hầu hết là giáo viên trường tư, trong những năm 1923-1926 đã tham gia phong trào yêu nước tiến bộ, qua những năm 1926-1928 khi sang Pháp du học, phần đông đã gia nhập Đệ tam Quốc tế hoặc Phe tả Đối lập, đến 1930-1931 thì bị chính phủ Pháp quyết định trục xuất trở về Đông Dương. Ý hướng của họ là tập hợp những lực lượng còn manh nha thành một mặt trận chính trị, cùng nhau hoạt động báo chí, tranh cử, xã hội, tận dụng những khả năng pháp lí của chính quốc được áp dụng một phần tại Nam Kì (là thuộc địa do Pháp trực trị, khác với quy chế bảo hộ ở Trung Kì và Bắc Kì). Nhân vật chủ chốt của mặt trận này là Nguyễn An Ninh, nổi bật trong giới trí thức phía Nam của thời kỳ giữa hai cuộc đại chiến. Nguyễn An Ninh đã nhanh chóng được sự chấp nhận bí mật của Quốc tế Cộng sản qua trung gian của những phái bộ của Đảng Cộng sản Pháp, chủ yếu là đoàn Paul Vaillant-Couturier (tháng 8-1933) và đoàn Gabriel Péri (tháng 2 & 3-1934), là hai dân biểu Cộng sản có uy tín. Quốc tế Cộng sản tán thành phương án của Nguyễn An Ninh (và có lẽ đã giúp đỡ cả về mặt tài chính) vì đối với họ, mặt trận này là cơ cấu thiết yếu cho sự sống còn của Đảng Cộng sản Đông Dương ở phía Nam, tạo điều kiện để ĐCSĐD xây dựng lại tổ chức, tiếp tục các hoạt động bí mật, vận động đòi trả tự do cho tù nhân chính trị, và xây dựng một phong trào quần chúng công nhân chân chính theo mô hình Âu Châu. Đó chính là bối cảnh ra đời của nhóm « La Lutte » (Tranh đấu) năm 1933 tại Sài Gòn, dưới ảnh hưởng tinh thần của Nguyễn An Ninh, một liên minh hết sức đặc biệt của một số trí thức trẻ, không hiếm người rất xuất sắc, đến từ nhiều phía chân trời, cộng sản như Nguyễn Văn Tạo (1908-1972), Dương Bạch Mai (1904-1965) – hai người này ở Pháp về, Nguyễn Văn Nguyễn (1910-1953), trốt-kít như Tạ Thu Thâu (1906-1945), Phan Văn Hùm (1902-1946), Huỳnh Văn Phương (1906-1970), Trần Văn Thạch (1903-1946), Phan Văn Chánh (sinh năm 1906), Hồ Hữu Tường (1910-1980). Nhóm « Tranh đấu » chẳng mấy chốc đã giành được « thế thượng phong » về chính trị : ngay từ ngày 7-5-1933, giữa lúc cuộc đàn áp còn mạnh mẽ, hai người trong nhóm đã được bầu vào hội đồng thành phố Sài Gòn và hai năm sau, ngày 12-5-1935, trong cuộc bầu cử hội đồng mới, bốn người.
Tuy nhiên, để tồn tại, nhóm « La Lutte » phải trải qua một thử thách đầu tiên : ra được một tờ báo, và ra đều đặn. Với màu sắc chính trị của họ, đây không phải là chỉ đơn thuần là sự ra báo bình thường, mà thực chất là tiêm chích một « vật thể xa lạ » vào một môi trường đối nghịch. Thật vậy, sự xuất hiện của báo « La Lutte » vào năm 1933 – chủ đề của bài này – trong cảnh quan báo chí Việt Nam và Pháp ở Đông Dương đã đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử báo chí.
Từ lâu báo chí đã thực sự trở thành một lực lượng chính trị. Ngay từ khi Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất kết thúc, một phong trào chính trị xứng đáng với tên gọi của mình không thể không có cơ quan báo chí. Kể từ thời tờ báo « Le Paria » (Người cùng khổ) xuất bản tại Paris (1922-1926) nhưng được bí mật đưa về Đông Dương, tất cả các tổ chức cách mạng ít nhiều đều phải tổ chức chung quanh những tờ báo công khai hay bí mật, dù những tờ báo này nói chung thường yểu mệnh. Tuổi thọ của tờ báo cũng là một chỉ dấu về thực lực của phong trào mà nó đại diện. VNQDĐ là một bằng chứng. Sau vụ Yên Bái, QDĐ chỉ xuất bản được lẻ tẻ vài tờ báo bí mật ở biên giới Trung Hoa [2]. Thực tế là cho đến năm 1933, chính quyền thực dân đã duy trì toàn vẹn guồng máy kiểm soát báo chí và áp đặt sự phân cách cứng rắn. Hệ thống báo chí gồm hai « tầng » cách biệt (tuy cũng có lúc « ăn khớp » với nhau) : báo chí cách mạng Việt Nam bị cấm đoán và đàn áp, in bí mật ở trong nước hoặc ở Pháp hay Trung Quốc, phát hành hết sức khó khăn và dễ bị khai báo, chỉ điểm, mật thám khám xét, truy lùng ; báo chí công khai thì một mặt bị guồng máy hành chính và tư pháp khống chế, mặt khác bị báo Pháp chèn ép. Hai « tầng » ngăn cách nhau, hai ngôn ngữ đối lập : ý hướng của « La Lutte » là nhằm vô hiệu hoá sự ngăn cách, tạo ra diễn đàn công khai cho tiếng nói bị cấm đoán…
« La Lutte » còn báo hiệu những biến chuyển khác nữa. Ở Nam Kì, nó chấm dứt sự khống chế của các tờ báo thực dân, nó làm cho báo chí Việt Nam giành lấy tính năng động, tiếng Việt trở thành chuyển ngữ chủ yếu của báo chí chính trị, thay thế tiếng Pháp. « La Lutte » là nguyên mẫu cho báo chí cách mạng công khai xuất hiện ở cả ba Kì năm 1936, nó cũng báo trước sự ra đời năm 1938 của báo chí bình dân với số ấn bản lớn [3]. Có thể nói « La Lutte » là con chim én báo hiệu « mùa xuân báo chí » mà phong trào cộng sản (hiểu theo nghĩa rộng) vừa là chủ lực vừa người hưởng lợi chủ yếu. Tháng 11-1938, Sở An ninh Đông Dương ước tính (một cách cố tình cường điệu) là ở Nam Kì có tới 18 tờ báo cộng sản, trốt-kít hoặc thân cộng [4]. Phải nói là lúc này, sự lũng đoạn hầu như độc quyền của báo chí thực dân đã cáo chung : số in của báo chí Pháp ngữ ở Nam Kì là 30 580 trong khi số in của báo chí Việt ngữ lên tới 153 000 ; và tính đến ngày 1-1-1939, trên toàn cõi Đông Dương, số tờ báo tiếng Việt hoặc song ngữ Việt-Pháp lên tới 120, báo tiếng Pháp có 69 tờ, so với con số tháng 3 năm 1936 : 67 và 43 [5]. Mặc dù số người đọc báo còn hạn hẹp, có thể nói tiếng Pháp lúc đó đang trở thành ngôn ngữ của báo chí dành cho độc giả ngoại quốc, tiếng Việt từng bước trở thành ngôn ngữ của báo chí trong quá trình « dân tộc hoá ». « La Lutte » cần được đặt vào bối cảnh của tiến trình chung nói trên, không phải vì nó đóng vai trò quyết định, song nó là khởi điểm chủ yếu, là cuộc thử nghiệm thành công đầu tiên ở Đông Dương của một thể loại báo chí mới : báo chí cách mạng.
« LA LUTTE » TRONG CẢNH QUAN BÁO CHÍ ĐƯƠNG THỜI
« Dưới chế độ (báo chí) phải xin phép trước, chúng tôi không có khả năng phát biểu thành văn bằng tiếng An Nam, nhóm « La Lutte » năm 1937 đã nhận định như vậy. Ông Toàn quyền vừa thông báo cho Nguyễn Văn Tạo quyết định không cho phép xuất bản một tờ báo bằng ngôn ngữ bản xứ. Như vậy, đối với quần chúng ở thuộc địa, chỉ có một thứ tư tưởng là tư tưởng quan phương. « La Lutte » là tờ báo Pháp ngữ, nên chỉ một thiểu số nhỏ bé có thể đọc được. Một nghịch lí đáng buồn : là cơ quan ngôn luận bênh vực quyền lợi của người vô sản, nhưng nó chỉ đến tay những người trí thức » [6].
Cái nghịch lí đó phát xuất từ quy chế pháp lí về báo chí dựa trên nguyên tắc lưỡng phân, cũng là nguyên tắc chung của quan hệ thực dân. Báo chí ở Đông Dương được đặt dưới hai quy chế pháp lí khác biệt. Báo tiếng Pháp thì tuỳ thuộc đạo luật ngày 29-7-1881 áp dụng ở chính quốc. Cũng phải nói thêm, đạo luật này chỉ được thi hành một cách hiển minh ở Nam Kì, còn ở phần còn lại của Đông Dương, với chế độ bảo hộ, nó chỉ được coi là khả thi trong khuôn khổ bộ Hình Luật. Đó là một tình trạng lập lờ mà các công sứ không ngần ngại lợi dụng. Tuy nhiên, muốn ra báo tiếng Pháp, thì chỉ cần khai ở Biện lí cuộc, miễn là người quản lí tờ báo phải là công dân Pháp. Do đó, có một số khá lớn những tờ báo Việt Nam, xuất bản bằng tiếng Pháp, do những nhà báo Việt Nam biên tập. Những tờ này ở Nam Kì nhiều hơn ở Bắc Kì, và ngoại trừ một vài biệt lệ, giọng điệu chung là trung thành với mẫu quốc, nếu có phê phán cũng rất thận trọng và mực thước. Tại Sài Gòn chính quyền ít gặp khó khăn với tờ báo « La Tribune Indochinoise » (Diễn đàn Đông Dương) của nhóm Lập hiến, không như trường hợp chủ báo thực dân De Lachevrotière ám muội và tờ « Dépêche d’Indochine » (Tin điện Đông Dương) khá mị dân của ông ta. Nhà cầm quyền có thể gây sức ép bằng những phương tiện bí mật và hiệu lực : đối với nhà in, nếu chủ nhà in là người Pháp, chính quyền có thể không đặt in cho nhà nước là làm cho họ mất đi một nguồn thu nhập lớn, nếu chủ nhà in là người Việt, còn có thêm nhiều cách đe doạ nguy hại hơn ; đối với độc giả, nhà cầm quyền cũng không thiếu phương tiện áp lực vì đa số độc giả là công chức ; đối với bản thân tờ báo, chính quyền có thể cắt giảm trợ cấp thực tế là số báo mua dài hạn dành cho công sở. Và cuối cùng, nhà cầm quyền có thể dùng biện pháp đàn áp, đóng cửa. Cho đến năm 1933, chính quyền thực dân không hề bỏ lỡ dịp nào – thí dụ điển hình là trường hợp tờ báo đối lập « An Nam » của Phan Văn Trường, xuất hiện năm 1927, năm 1928 bị đập tan – miễn là các cơ quan chính quyền biết tiên liệu. Từ thời Alexandre Varenne, Đông Dương đã có sẵn một bộ máy pháp luật ác độc, với hai sắc lệnh kí ngày 4-10-1927. Một trong hai sắc lệnh này củng cố điều 91 của bộ Hình luật, đặt ra những vi phạm mới về báo chí [7] và cho phép toà tiểu hình xử lí những vi phạm này. Điều 91 được bổ sung trở thành một pháp lệ dễ bề lộng hành và sẽ được áp dụng nhiều lần đặc biệt đối với các nhà báo của nhóm « Tranh đấu ». Cuối cùng, tờ báo nào khả nghi sẽ bị vây chặt bằng một « hàng rào y tế » : toàn quyền chỉ cần kí nghị định là cấm nó được phát hành ở các xứ thuộc địa. Tờ « Đuốc nhà Nam » của lãnh tụ Đảng lập hiến Nguyễn Phan Long, ngay từ số đầu, đã bị cấm lưu hành ở Cao Mên. Năm 1934, « La Lutte » tục bản được năm ngày thì bị cấm lưu hành ở Trung Kì [8], và phải khó khăn lắm mới kiếm được một ít độc giả ở ngoài Nam Kì mua dài hạn.
Tại Nam Kì, báo chí Việt ngữ phải chịu quy chế của sắc lệnh do toàn quyền Doumer kí năm 1898. Không thể cấm báo chí Việt ngữ vì đó là công cụ chuyển tải quốc ngữ thiết yếu, nhà cầm quyền đã moi từ những bộ luật cổ của Pháp những thể lệ phản tiến bộ nhất để áp dụng cho báo chí tiếng Việt. Ra báo phải xin phép trước, chính quyền có thể cấm bất cứ lúc nào cũng được, giấy phép ra báo thì cấp một cách « dè sẻn » – ở Nam Kì từ năm 1927 đến mùa hè năm 1933, trên 77 đơn xin ra báo, chỉ có 13 tờ báo được phép xuất bản [9] – mỗi tờ báo phải đóng tiền kí quỹ, khi đăng bài nào có tính chất phê phán thì bắt buộc phải đăng bài trả lời của chính quyền, các bài báo đều bị sở báo chí của chính quyền địa phương kiểm duyệt trước. Sự khống chế chính trị trên báo chí như vậy là tuyệt đối. Sở báo chí kiểm duyệt các bài báo đã được sở Mật thám dịch ra tiếng Pháp ; như vậy là công an chính trị hoàn toàn chế ngự báo chí Việt ngữ, là những tờ báo duy nhất có số lượng phát hành tương đối lớn. Toà soạn các báo luôn luôn sống nơm nớp dưới sự ngăn đe của những lời cảnh cáo của chính quyền, hoặc lệnh treo giò (cấm tạm thời) hoặc lệnh trục xuất nhà báo nguyên quán Trung Kì hay Bắc Kì [10]. Khi báo lên khuôn, thanh tra đến nhà in để đọc từng dòng những bài bình luận, phần tin tức quốc tế và các bài tường thuật những cuộc du hành quan phương. Tình trạng thối nát lan rộng trong giới báo chí, trình độ chung các báo thì rất tầm thường.
« Chế độ thực dân chuyên quyền không chấp nhận cho người ta phê phán những sự lộng quyền và tội ác của nó, báo « La Lutte » đã phẫn nộ nhận định như vậy... Báo chí tiếng Nam bị thống trị nặng nề, hiếm khi nào dám lên tiếng phản đối, mà phản đối thì cũng rất nhỏ nhẹ. Không bao giờ họ dám phê phán những sai lầm, những sự lộng hành của giới cầm quyền. Bọn Robin và Pagès luôn luôn cũng được tán dương qua ngòi bút của bè lũ nịnh thần, những trí thức hay nửa trí thức có của, hãnh diện được các ông chủ ban cho tí chút ân sủng » [11].
Thế nên, giữa « phi chính trị » và ca ngợi công đức chính quyền thuộc địa, báo chí Việt ngữ biết chọn con đường nào ? Người ta tìm cách nói bóng nói gió để phê bình. Trước bộ máy kiểm duyệt nghiệt ngã, ký giả của báo chí Việt ngữ chỉ có thể dùng những chiến thuật vòng vo. Những câu văn ám chỉ, những hàm ý phê phán, những bài thơ hai nghĩa là chỉ dấu của những toà soạn độc lập, và làm như vậy cũng không dễ vì rất dễ lộ ra trên mặt bằng xám xịt của báo chí tiếng Việt. Trong bối cảnh « ngoan đạo » ấy, thật không dễ đánh lừa hay qua mắt kiểm duyệt. Bộ máy kiểm duyệt có cả một hệ thống kiểm soát và ngăn đe phong phú, hầu như không cách nào chống trả. Ngay cả đối với báo chí của nhóm Lập hiến. Một trong những tờ báo bị theo dõi chặt chẽ nhất là « Đuốc Nhà Nam » của Nguyễn Phan Long, tức là ấn bản tiếng Việt của tờ báo Pháp ngữ « La Tribune indochinoise » (Diễn đàn Đông Dương). Tháng 5-1931, Sở Báo chí đã đục bỏ trên mặt báo này một bảng so sánh cho thấy sự chênh lệch đối xử của Toàn quyền giữa ngành sản xuất cao su và ngành sản xuất lúa gạo trong cuộc Khủng hoảng kinh tế năm 1930, đồng thời kiểm duyệt luôn cả những tin tức về nạn đói ở Nghệ An. Một phương thức khác được sử dụng là lật ngược phân tích : sở kiểm duyệt có thể bắt buộc phải thêm một vài câu, làm thay đổi hẳn ý nghĩa bài báo. Thí dụ « Đuốc Nhà Nam » đưa tin đàn áp những bộ tộc Phnong ở Tây Nguyên khi họ li khai và nổi dậy chống lại bọn quan chức thực dân, mà tờ báo mỉa mai gọi là « những vị Phật sống và ông Trời toàn năng, không ai được quyền than phiền », thì Sở Báo chí bắt tờ báo phải thêm mấy dòng nhắc lại vụ ném bom triệt hạ làng Cổ Am, biến bài báo thành một lời cảnh cáo đe nẹt. Những viên chức kiểm duyệt nói rõ : « Chúng tôi thiển nghĩ, khi đọc một bài báo như vậy, những kẻ ỏ trên rừng muốn đụng tới đại diện của chính quyền cũng sẽ phải suy nghĩ » [12]. Một cách khác là gửi tới tờ báo liên quan những lời đe doạ không công bố. Ngày 29-7-1932, vẫn tờ « Đuốc Nhà Nam » đã bị đe như vậy sau khi đưa tin Nguyễn Ái Quốc từ trần và đăng lại của tờ « Tiếng Dân » ở Huế nhưng lại « bỏ câu kết đạo lí của bài báo Tiếng Dân » [13].
Cảnh cáo là phương pháp hiệu nghiệm vì báo nào muốn được tiếp tục xuất bản cũng phải tuân thủ, ít nhất ở ngoài mặt. Cho nên, lịch sử các tờ báo tiếng Việt dưới thời thực dân là một chuỗi những giai đoạn phản kháng ngắn ngủi, giữa hai giai đoạn là một thời gian dài phẳng lặng, như nhận xét của một quan chức khi nói về « xu hướng » chính trị của tờ báo nữ quyền « Phụ Nữ Tân Văn » thỉnh thoảng có đăng bài của những người trong nhóm « Tranh Đấu » : « Nhờ nhiều lần cảnh cáo, tạp chí này đã tự hạn chế vào chương trình giáo dục phụ nữ của mình. Các bài báo đều nhằm đề cao những hành động đáng biểu dương của đàn bà An Nam và nêu lên những tấm gương sáng của phụ nữ các nước, nhất là phụ nữ Pháp » [14]. Báo chí quốc ngữ nói chung là « phi chính trị », điều này không nhất thiết đồng nghĩa với sự nhạt nhẽo, vô vị ; họ đề cập nhiều – và lắm khi, bằng một cách tiếp cận mới – những vấn đề ít nóng bỏng hơn chính trị, như là đi tìm một nền nếp văn hoá mới. Một nhật báo như tờ « Việt Nam » của Nguyễn Phan Long (xuất hiện năm 1927, rồi tục bản trong thời kì 1935-1936), trong 8 trang có nhiều minh hoạ tốt, cung cấp rất nhiều thông tin đứng đắn và những bài báo độc đáo. Tuy nhiên, mặc dầu các cây bút độc lập cố gắng kiên trì, phải nói là báo chí quốc ngữ bị khoá miệng về mặt chính trị.
« Cho đến nay, chủ tịch Hội nhà báo viết năm 1937, ở Đông Dương không hề có một tờ báo quốc ngữ nào của một chính khách hay một nhóm chính trị đối lập... Không có lấy một tuần báo hay nguyệt san nào thuộc xu hướng vô sản... Báo nào ăn khách một chút là lập tức bị tình nghi... Tuần san càng bán chạy càng tiến gần đến miệng huyệt » [15].
Báo chí đối lập vì thế bị đặt trước một lưỡng đề đơn giản : hoặc là không được tự do (trường hợp các báo quốc ngữ có thể với tới độc giả bình dân) hoặc là không có độc giả (trường hợp các tờ báo đối lập xuất bản bằng tiếng Pháp, trên nguyên tắc được sử dụng quyền tự do ngôn luận). Câm miệng về chính trị, hoặc lên tiếng mà không có người nghe. Sự kềm kẹp của mật thám chính trị hai năm rõ mười, và cũng đơn giản trong tất cả sự hà khắc của nó. Tờ « La Tribune indochinoise » của nhóm Lập hiến là nhật báo nhiều độc giả nhất trong báo chí chính trị Pháp ngữ của người Việt Nam, năm 1924 số in là 2000 bản, năm 1927 là 2000 bản, năm 1938 là 1000. Như viên công sứ Maillard năm 1937 nhận xét một cách trắng trợn, « sự độc hại thực tế của [những tờ báo này] bị hạn chế bởi con số rất nhỏ dân chúng An Nam đọc và hiểu được tiếng Pháp » [16].
Vượt qua được mâu thuẫn kể trên không thể đơn thuần là vấn đề kĩ thuật viết báo. « La Lutte » không thể thoát khỏi lưỡng đề này. Phủ Toàn quyền tất nhiên từ chối, không cho phép « La Lutte » ra ấn bản tiếng Việt : đơn xin lần thứ nhất, ngày 13-5-1935 bị bác bỏ, lần thứ nhì, tháng năm 1937, đơn xin ra nhật báo « Truyền Tin » cũng bị từ chối [17]. Nhóm « Tranh Đấu » cũng không tìm cách lặp lại mưu kế đã thất bại năm 1933 của tờ « Trung Lập » (một tờ báo phái tả, nhờ người trung gian đứng ra mua lại một tờ báo đã được phép xuất bản). Thế là tờ báo công nhân hợp pháp đầu tiên ở Đông Dương thuộc Pháp sẽ xuất bản bằng ngôn ngữ của chính quyền và giới chủ ngoại bang.
Nhóm Tranh Đấu ý thức rất rõ về sự hạn chế khó vượt qua này, họ đã chủ động chọn lựa chất lượng nội dung thay vì số lượng bản in. Hệ quả của sự chọn lựa này là không thể giải quyết thoả đáng vấn đề truyền thông với quần chúng là hậu thuẫn của tờ báo. Ngoài rào cản ngôn ngữ, phải kể tới nạn mù chữ (năm 1936, từ 70 đến 80% dân số Nam Kì, theo ước tính của một báo cáo chính thức) [18]. Vì vậy, số ấn bản của « La Lutte » rất thấp : 4 số đầu (ra năm 1933) mỗi số không quá 500, từ khi tục bản (tháng 10-1934) đến mùa hè 1936, mỗi số 1000 bản. Với phong trào chính trị và xã hội năm 1936, số in lên tới 2000 rồi ổn định ở mức 2500-3000, trước khi tăng thêm một nấc nữa trong năm 1938 [19]. Đó cũng là tình trạng chung của các nhật báo Pháp ngữ, chỉ có những nhật báo quốc ngữ mới đạt được số in quan trọng (xem Bảng I). Còn các báo định kì, ngoại trừ các báo Hoa ngữ, thì tất cả các tuần báo, nguyệt san Pháp ngữ... của người Pháp hay người Việt, số in ít nhất là 500, nhiều nhất không quá 4000. Độc giả của « La Lutte » phần lớn là trong giới tiểu tư sản Tây học, chủ yếu là tiểu công chức, tư chức và trí thức ; tuyệt đại đa số công nhân, và tất nhiên, nông dân, không thể đọc tờ báo, cùng lắm là được nghe dịch tóm tắt những bài báo. Có thể nói, « La Lutte » là một tờ báo hầu như không độc giả.
Bảng I : Số ấn bản của những tờ báo lớn ở Đông Dương năm 1938 [20]
Báo Pháp ngữ |
Báo quốc ngữ |
||
Hà Nội : |
|||
L’Avenir du Tonkin |
2 500 |
Đông Pháp (nhật báo) |
17 000 |
Le Courrier de Haïphong |
700 |
Ngày Nay (tuần báo) |
7 000 |
Sài Gòn : |
|||
La Dépêche de l’Indochine |
3 500 |
Điện Tín (ấn bản tiếng Việt của tờ « La Dépêche ») |
10 500 |
L’Impartial |
1 800 |
Saigon |
11 000 |
L’Opinion |
1 200 |
Phóng Sự |
11 500 |
La Tribune indochinoise |
1 000 |
Dân Tiến (tuần báo) |
7 000 |
Le Peuple (cộng sản) |
1 000 |
Dân Chúng (cộng sản, 2 số/tuần) |
6 000 |
Tranh Đấu (trốt-kít, tuần báo) |
3 000 |
Những ràng buộc và hạn chế nói trên khiến cho chức năng của tờ báo cũng bị lệch đi. « La Lutte » không thật sự tương ứng với tờ báo công khai « Iskra » hay « Pravda » ở nước Nga trước Cách mạng. Các chức năng tuyên truyền, vận động và « tổ chức tập thể » mà Lenin nêu ra hồi đầu thế kỉ XX trong đề cương báo chí cách mạng Nga [21], báo « La Lutte » không thể làm trực tiếp mà thông qua những tổ chức trung gian. Trong ý nghĩa đó, « La Lutte » gần giống những tờ rơi thời kì đầu của phong trào công nhân Nga, tập trung tố cáo sự bóc lột lao động, dựa trên những thông tin cụ thể và chính xác của chứng nhân và nạn nhân. Chức năng « truyền bá chính trị » về toàn bộ đời sống chính trị - xã hội ở Đông Dương là chức năng trung tâm của « La Lutte ». Việc « truyền bá » này được quan niệm với mục đích hỗ trợ cho cuộc đấu tranh của công nhân và quần chúng nhân dân mà tờ báo có vai trò giác ngộ và cổ vũ, làm cho họ không còn cảm thấy cô lập và đơn lẻ. Chức năng của « La Lutte » là chức năng « siêu » báo chí, vừa là tiếng vang của các yêu sách thợ thuyền, vừa giúp thợ thuyền đề ra những yêu sách. Nó phản ánh, mô tả và tập thể hoá từng cuộc đấu tranh hàng ngày của công nhân.
« La Lutte là yêu sách của những người phu xe, tài xế, công nhân bị sa thải một cách võ đoán, của những người đi làm thuê bị chủ quỵt lương, của những người đi ở bị chủ nhân hành hạ, ban biên tập « La Lutte » viết. Thử hỏi giới lao động nói chung còn có cách giác ngộ chính trị nào khác hơn là ngày ngày đương đầu kháng cự lại những kẻ áp bức họ ? Chỉ « La Lutte » có thể làm cho họ thoát khỏi tuyệt vọng, có thêm can đảm, mở ra cho họ triển vọng kháng cự, đấu tranh, thay vì cam chịu nhục nhã như trước đây » [22].
Tóm lại, mỗi trang báo « La Lutte » là một trang giấy « hiện hình » theo nghĩa của Lenin, nó bộc lộ sự vận hành thường ngày của chế độ thực dân, nó tập trung những lí do để nói lên sự phản đối của nhân dân, nó nắm bắt tình hình diễn biến hàng ngày, lí giải và tích hợp nó thành một bản phân tích toàn cục. Nhìn từ đối phương, « La Lutte » hiện rõ là tờ báo ngạo mạn, không những dám ngang nhiên tố cáo những lộng hành lộ liễu của chế độ thực dân – điều này, các báo Việt Nam và Pháp khác cũng làm, kể cả những tờ báo một mực bảo vệ chế độ thuộc địa [23], và nhiều khi họ viết sâu cay hơn người ta vẫn tưởng – mà còn tố cáo chế độ thực dân, chi li từng chi tiết hàng ngày, và liên hệ khía cạnh này với khía cạnh khác để vẽ ra một bức tranh toàn cục. Với chức năng thứ nhì này – cật vất thường xuyên – « La Lutte » phá vỡ sự « đồng thuận » với những sắc thái khác nhau của báo chí công khai trên vấn đề chế độ thực dân, nó thay thế sự phê phán lẻ tẻ từng vụ việc bằng sự phê phán có tính hệ thống và lí luận. Do đó, hàng ngày, chế độ thuộc địa bị đặt vào cái thế bị cáo, bị động, hình ảnh mà nó muốn tạo ra về nó bị phủ nhận, những tín điều mà nó muốn truyền bá bị đập tan. Mối quan hệ « cha – con » mà thực dân áp đặt lên người dân thuộc địa, hết sức cần thiết cho trật tự thống trị, từng bước bị lật ngược, vì trong cảnh quan của báo chí công khai, với ngôn từ duy nhất là ngôn từ của thực dân dạy bảo người dân thuộc địa, nay bỗng vang lên tiếng nói của kẻ bị trị phê phán kẻ thống trị. Các cơ quan chính trị của chính quyền thực dân ý thức rất rõ mối đe doạ này. Đối với mật thám, tuyên truyền miệng của cộng sản vẫn là mối nguy hàng đầu, nhưng tờ báo với hoạt động tổng thể của nó đã mang lại cho lời tuyên truyền miệng một sự nhất quán và hiệu quả mới.
« Tuy số in nhỏ nhoi, ngay từ năm 1935, Thống đốc Nam Kì đã viết về báo « La Lutte » như vậy, nhưng nó được truyền tay từ người này sang người kia, và khi cần, được giải thích miệng cho từng nhóm nhỏ. Nó trở thành cuốn sổ yêu sách của mọi phần tử bất mãn, tự phát hay bị sách động, gửi tới các cấp công quyền, tổng hợp những yêu cầu trước đây lẻ tẻ và biệt lập. Nó biểu thị dũng khí của lực lượng quần chúng, ý thức về quyền của mình, dám biểu lộ trước quyền lực, và trước làn sóng như thuỷ triều dâng cao như vậy, chính quyền cảm thấy hoang mang... » [24].
Để khơi dậy một ý thức thực sự trong giới công nhân, « La Lutte » triển khai theo hai hướng bổ sung nhau : một mặt, giúp quần chúng có thói quen phản ứng trước mọi vụ việc độc đoán, bạo lực, mặt khác làm cho họ ý thức được quy trình của các tương quan xã hội. Sự « giác ngộ » này, nói như ban biên tập của tờ báo, đòi hỏi một « sự chuẩn bị tư tưởng » cần thiết để mở rộng nhãn quan lịch sử của các tầng lớp nhân dân. « La Lutte » tự xác định như là một kho tư liệu, là cơ quan giáo dục và định hướng cho phong trào công nhân Việt Nam, là công cụ « huấn nghiệp » để tìm hiểu thế giới : lần đầu tiên ở Việt Nam, một tờ báo cung cấp nhiều thông tin đến như vậy về chủ nghĩa Mác và phong trào công nhân quốc tế. Về mặt này, « La Lutte » đóng vài trò phụ san tiếng Pháp cho hai bản tin lí luận của Đảng cộng sản Đông Dương hoạt động bí mật, « Bôn Sơ Vic » và « Tạp chí Cộng sản ». Nó bổ sung cho báo chí bí mật, và cung cấp cho những tờ báo này rất nhiều tư liệu và cả một « hệ quy chiếu ». Dưới hình thức ấn bản, nó minh hoạ những phân tích chính trị, chuyển tải những khẩu hiệu đấu tranh của những tờ thạch bản, làm máy khuếch âm và trạm trung chuyển cho báo chí bí mật mà vẫn giữ tính độc lập của nó. « La Lutte » đăng tải nhiều bài viết của độc giả và những bài của báo chí bí mật, thí dụ như số 16 đăng lại bài báo về nhà tù Lao Bảo của « Tạp chí Cộng sản » số 7, đề ngày 15-11-1933. Năm 1935, tờ báo vận động chống thuế thân, song đôi với cuộc vận động của Đảng Cộng sản Đông Dương trong vòng bí mật. Mặc dầu bị loại ra ngoài vòng pháp luật, phong trào cộng sản nhờ đó có cả một mạng lưới báo chí, vừa bí mật vừa công khai, bằng tiếng Việt lẫn tiếng Pháp, số in không nhiều, nhưng ổn định và nhất quán.
Cuối cùng, « La Lutte » không bỏ qua một nhiệm vụ tế nhị hơn, không mấy ngoạn mục nhưng chẳng vô nghĩa chút nào, mà những người chủ trương đã vạch ra : làm thay đổi cục diện báo chí Việt Nam. Nhóm « La Lutte » đánh cuộc với nhau là họ có thể dẫn dụ báo chí hợp pháp, dù muốn hay không, cũng phải nói tới họ. Buộc các tờ báo bảo thủ phải công khai đề cập tới hoạt động của người cộng sản – hiểu theo nghĩa rộng – là thiết lập được cầu nối, đi từ báo chí bí mật, thông qua « La Lutte », đến những tờ báo công khai có ấn số lớn. Dự tính như vậy không chút nào ảo tưởng. Đã từ lâu các tờ báo của nhóm lập hiến hay những tờ báo chống cộng hăng say nhất ở Sài Gòn như « La Dépêche », « L’Impartial », « La Tribune » cũng đã chuyển tải ý kiến của báo chí cộng sản với mục đích phê phán, chống trả, và trong những thời kì khủng hoảng, họ buộc phải nói rõ lập trường đối với ý kiến của người cộng sản. Những năm 1930-1931, trong các số ra hàng ngày, họ đăng bản dịch tiếng Pháp hay đăng lại nguyên bản tiếng Việt những tờ truyền đơn được rải đêm hôm trước ở Sài Gòn ; năm 1926-1927, tờ « La Tribune indochinoise » bút chiến với « La Nation annamite » hay « La Résurrection », hai tờ báo ấn hành ở Paris. Đối với báo chí Việt ngữ, « La Lutte » còn có ý dùng cách phê bình để tác động tới định hướng của họ, thúc đẩy họ phản đối chế độ kiểm duyệt, nhất là của Sở báo chí, lên tiếng đòi quyền tự do báo chí, khuyến khích họ noi gương thái độ của « La Lutte », thúc giục họ dứt khoát chọn lựa thế đứng, từ đó thành lập một hạt nhân bao gồm những tờ báo độc lập. Vai trò gián tiếp chỉ đạo chính trị đối với báo chí Sài Gòn là một trong những thành công đáng kể của « La Lutte » [25].
Toàn bộ dự án kể trên tỏ ra xác đáng. « La Lutte » đã làm được những gì mà báo chí cấp tiến năm 1925 thất bại. Nó trở thành tờ báo chống thực dân đầu tiên giải quyết được vấn đề tồn tại : mặc dầu từ tháng sáu 1937 trở đi, nó đơn thuần là tờ báo trốt-kít, « La Lutte » vẫn tiếp tục ra cho đến năm 1939. Nó tăng trưởng đều đặn và liên tục. Khác với « La Cloche Fêlée » phát hành không định kì, « La Lutte » ra liên tục mỗi tuần một số, và từ ngày 1-11-1936 trở đi mỗi tuần hai số [26]. Khổ báo tăng gấp đôi từ ngày 14-1-1936, đồng thời cách sắp chữ cũng được cải tiến rõ rệt [27]. Tờ báo đã tiến lên qua từng chặng đường : tháng giêng 1936, ổn định cách trình bày và chuyển sang khổ báo mới, tháng 11-1936 tăng gấp đôi số in và tần số phát hành, có triển vọng tiến tới ra báo hàng ngày. Thành tích này thể hiện một thực tế quan trọng : « La Lutte » thật sự trở thành một phân cực chính trị trong một môi trường « khan hiếm dưỡng khí », điều này có được là nhờ huy động những phương tiện độc đáo, tạo ra xung quanh nó một « vùng yểm trợ và âm hưởng » trong lòng xã hội miền Nam.
TIẾT KIỆM PHƯƠNG TIỆN
« La Lutte » là một doanh nghiệp báo chí không chính thống một chút nào. Toà báo vỏn vẹn là một căn hộ thuê của « chú Hoả », một tài phú người Hoa, số 25 bis đường Lagrandière [28], ở trung tâm Sài Gòn nhưng gần sát khu bình dân, không xa Khám Lớn và dinh Thống đốc Nam Kì – có thể nói chọn địa điểm như vậy cũng là một sự thách thức – thiết bị thì sơ sài : vài ba cái máy chữ và một xe hơi cũ do Tạ Thu Thâu mua được. Phòng ốc tối thiểu như vậy cũng là một chọn lựa có suy tính : họ cố ý ở tạm – vả chăng họ cũng không có phương tiện làm khác – như những người đóng thuế còn mắc nợ sở thuế : năm 1935, khi ban biên tập nhận được những giấy đòi thuế và đòi tiền phạt vạ tới tấp gửi đến, họ đã nói đùa rằng « tờ ‘La Lutte’ chỉ chết khi nào, vì lẽ này hay lẽ khác, chúng tôi không viết bài được nữa. Trụ sở báo ? Nay đây mai đó, tuỳ theo phương tiện mà chúng tôi có được. Toà soạn của chúng tôi thì đúng là sắc sắc không không. Đầy những thứ hầm bà lằng, giá trị tổng cộng không được mấy chục. Nhưng đối với sở thuế thì chẳng có chút giá trị phát mại nào cả. Xin mời quý ngài ! Quý ngài chộp được không khí thì xin cứ tịch thu ! » [29]. Sắc sắc không không đúng là tác phong chính trị của nhóm « La Lutte », cũng là tác phong các tổ chức công khai khác của phong trào cách mạng Việt Nam năm 1936 : với một bộ máy vật chất « nhẹ tựa lông hồng », họ bám sát những thành phần xã hội khốn khó mà họ muốn bảo vệ, giác ngộ, vận động và cùng tranh đấu. Ban đầu, báo đưa in tại những ấn quán của người Pháp ở Sài Gòn [30], phí tổn rất lớn, nên « La Lutte » tìm cách mua một nhà in riêng [31], với mục đích nữa là ra một tờ báo quốc ngữ mà không xin phép, để đến khi (chắc chắn phải) ra toà thì họ sẽ chứng minh đạo luật năm 1881 của Pháp về báo chí cũng có hiệu lực cho cả báo chí quốc ngữ. Phải đợi ba năm sau, họ mới thuê được thiết bị in chữ Pháp, và kể từ tháng hai 1937, « La Lutte » được ấn hành với thiết bị này nên giảm được giá bán mỗi số báo. Còn dự án ra báo tiếng Việt thì không thành.
Biện chứng « sắc không » còn được áp dụng trong cả việc phát hành báo và củng cố cơ sở tài chính. Phải nói là rất độc đáo. Trước hết là phát hành, hết sức khó khăn, gần như phạm pháp. Mua một tờ báo « La Lutte » ở nơi công cộng là một việc nguy hiểm (có thể bị theo dõi, cho vào sổ đen...) vì như vậy là biểu lộ lập trường chống đối. Do đó, tư tưởng của nhóm « Tranh đấu » đã được phổ biến một cách ngấm ngầm, qua con đường truyền miệng nhiều hơn là đọc báo trực tiếp. « La Lutte » được bày bán tại các quầy báo Sài Gòn, nhưng trên thực tế chỉ có người Pháp dám hỏi mua. Tuy nhiên, mỗi số báo in ra, hàng trăm bản cũng tới tay người đọc nhờ những trẻ bán rong cất giấu báo trong người, số còn lại do những học sinh bỏ báo tại nhà, hoặc bán ở ngoại ô, trong các trường học [32], gửi xuống các tỉnh bằng bưu điện hoặc qua mạng lưới các đại lí nhận báo qua tay tài xế xe đò rồi phân phối cho bạn đọc theo danh sách ghi mua. Các đại lí kiêm thông tín viên này dường như là những thanh niên đã được đi học trước khi trở thành tiểu thương, chủ tiệm, thư kí, giáo viên ở các thị xã và thôn làng lục tỉnh. Ở Rạch Giá (miền Tây), cũng như ở Long Xuyên, đại lí « La Lutte » là một chủ quầy báo [33]. Tại Trà Vinh, là một thương gia kiêm nhiệm cả công việc thông tín viên [34]. Nhưng thường thường, ở đồng bằng sông Cửu Long, « đại lí » tiêu biểu là một độc giả truyền tay số báo của mình cho người khác đọc, hoặc phân phối vài số báo trong xóm giềng [35]. « La Lutte » còn phân phối từng bộ báo đóng thành tập ở các tỉnh Nam Kì, sang các xứ khác thuộc Đông Dương, có lúc gửi sang cả bên Xiêm.
Hệ thống phát hành báo như vậy – giá báo lại rẻ [36] – tất nhiên thu nhập của « La Lutte » không thể đều đặn. Mỗi số in ra, tiền bán thu về không quá mấy chục đồng. Tờ báo cũng rất ít khi kêu gọi sự ủng hộ tài chính của giới lao động, ngoại trừ một trường hợp duy nhất : tháng 8-1935, khi quỹ báo bị thâm thủng ghê gớm. Nguyên tắc của báo là « trước tiên, kêu gọi sự đóng góp của các cộng tác viên « La Lutte » và một số bạn bè trong giới trí thức và tiểu tư sản » [37]. Đối với độc giả, tờ báo chỉ kêu gọi, và liên tục kêu gọi, họ cố gắng mua báo dài hạn, và đó cũng là cách ủng hộ có ý nghĩa chính trị nhất. Cũng nhờ số người mua dài hạn mà, tháng 9-1935, tờ báo đã vượt qua khó khăn về tiền bạc [38]. Thực ra « La Lutte » không trông mong vào tiền bán báo để giải quyết tình trạng bấp bênh tài chính của mình. Nhất là tiền mua báo dài hạn cũng khó thu về : tháng 10-1936, nhiều độc giả mua dài hạn còn nợ 2 năm tiền báo...
Ngày nào tờ báo chưa ra được bằng quốc ngữ, thì số độc giả của « La Lutte » không đủ để nuôi sống tờ báo, do đó, tiền bán báo chỉ là một phần nhỏ trong ngân sách cần thiết. Tài chính chủ yếu của tờ báo dựa trên hai nguồn. Nguồn tài trợ quan trọng nhất là sự đóng góp của mỗi người trong nhóm : « chúng tôi đứng trụ được – năm 1937, ban biên tập đã viết như vậy – hoàn toàn là do sự hi sinh tiền bạc của chính chúng tôi và của bạn bè thân tín... Từ khi « La Lutte » ra đời, cách đây ba năm, cho đến nay, các biên tập viên đã bỏ vào quỹ những món tiền lớn, và cố nhiên, không người nào trong chúng tôi nhận tiền thù lao của tờ báo cả » [39]. Sở dĩ họ có tiền đóng góp cho tờ báo là vì họ dạy học ở các trường tư, lương khá cao. Năm 1936, Hồ Hữu Tường dạy toán, Phan Văn Chánh khoa học, lương tháng của họ khoảng 300 đồng, gần như gấp 10 lần tiền lương của một người làm công trong tiệm buôn ; Trần Văn Thạch, giáo sư Pháp văn, lãnh 400 đồng một tháng, Tạ Thu Thâu, giáo sư nổi tiếng, 500 đồng [40]. Nguồn tài trợ thứ hai của tờ báo : đóng góp của giới trí thức và tư sản tự do. Những trạng sư, bác sĩ, kĩ sư, giáo sư, « Việt kiều hồi hương » trẻ tuổi, nhiều người lại là địa chủ, đã tài trợ cho tờ báo cộng sản do động cơ yêu nước, nhưng có lẽ phần nào cũng vì họ cảm nhận thấy sự bất lực chính trị của giai cấp tư sản – sau sự thất bại ê chề của nhóm Lập hiến trong cuộc vận động thành lập một chính đảng quốc gia giữa năm 1925 và 1930. Thế hệ trẻ và có văn hoá này của giai cấp tư sản, được đào tạo qua trường học của chế độ thực dân, những người học khoa học cũng như văn khoa đều có đầu óc canh tân, họ đi tới chủ nghĩa yêu nước vào thời kì thoái trào của xu hướng Lập hiến, đã nhạy cảm và đồng cảm với những phân tích chính trị và sự táo bạo hiên ngang của một tờ báo như « La Lutte ».
Bên cạnh mối thiện cảm của xu hướng tư sản liberal « hậu – lập hiến », phải kể một nhóm cảm tình khác : những doanh nhân nhỏ, mà lòng ái quốc có tính chất « bản năng », tiêu biểu là người chủ những công ti khá lớn đã đăng quảng cáo trên báo (xem phụ lục). Trong nhóm này, có thể kể những người cầm đầu công ti « Thành Thành » năm 1930 đã chứa chấp nhiều nhà cách mạng Nghệ An bị truy nã, hay ông giám đốc hãng « Dầu Khuynh Diệp » ở Huế, bạn thân của Đào Duy Anh, độc giả mua dài hạn của « La Lutte ». Hồ sơ mật thám còn kê khai trong nhóm cảm tình viên nhiều nhà địa chủ như ông Từ Bá Đuốc, « trọc phú » Mĩ Tho, mà đầu năm 1937, viên công sứ tỉnh này đã định trả thù bằng cách rút giấy phép mang súng [41].
Nhóm « La Lutte » cũng biết tổ chức « kinh doanh vì cách mạng » như phong trào cộng sản bí mật, kế tục truyền thống « hội buôn kín » của những thập niên trước đó. « La Lutte » được sự tài trợ của hãng « Fabrinat », chi nhánh Sài Gòn của công ti dệt chiếu ở Phát Diệm, mà sáng lập viên là một người đã sang học ở Mạc Tư Khoa trở về, Nguyễn Thế Rục [42]. Sau cùng, mỗi khi cần thiết, tờ báo lại được sự hỗ trợ của những tiểu thương trong giới bình dân Sài Gòn – Chợ Lớn, cũng là đa số trong 51 người đăng quảng cáo trên mặt báo [43] : những thầy thuốc Đông y, chủ tiệm may nhỏ, những người bán dầu thuốc truyền thống, thợ chữa răng. Họ cũng là những ăng-ten quý báu của tờ báo trong quần chúng. « La Lutte » là một tờ báo công nhân, nhưng cơ sở tài chính của nó là phi vô sản, nửa tư sản, nửa bình dân, điều này thực ra không có gì lạ ở Việt Nam.
Là một tờ báo không có phương tiện dồi dào, « La Lutte » phải phát huy mặt mạnh của mình là một ban biên tập có chất lượng và một màng lưới cộng tác viên rộng rãi mà tờ báo đã xây dựng được. Cực chẳng đã, họ mới làm theo kiểu « cắt và dán » mà các tờ báo khác vẫn làm thường xuyên. Đây cũng là một tiêu chuẩn chính xác để đánh giá mỗi tờ báo : có hay không có thường xuyên một bài bình luận về chính trị quốc tế. Phần lớn các báo đều đăng lại bài bình luận của báo chí Paris, hay sao chép, chắp nối những bản tin của các hãng thông tấn ARIP, Agence Télégraphique Indo-Pacifique [44]. Còn « La Lutte » thì tuần nào cũng có bài phân tích riêng về chính trị quốc tế và chính trị Pháp, và đó là những bài bình luận hay nhất trên báo chí Đông Dương. Mặt khác, tờ báo cũng tránh được những khuyết tật cố hữu của những tờ báo không trả nhuận bút (bài gì cũng đăng, đăng những bài rỗng tuếch, các mục thường xuyên không bảo đảm ra đều đặn…) nhờ dựa vào một ban biên tập ổn định, đủ người để có sự phân công phân nhiệm tối thiểu [45], bài vở thuần nhất nhờ có thảo luận tập thể. Các bài báo trên nguyên tắc đều không kí tên cá nhân, trừ trường hợp có bất đồng ý kiến nghiêm trọng. « La Lutte » muốn là cơ quan ngôn luận khiêm tốn của phong trào xã hội, chứ không phải là diễn đàn của một xu hướng riêng biệt hoặc của vài nhà báo cự phách. Đó là một tờ báo nhiều thông tin, chính xác, đầy đủ tư liệu, sắc bén và nhiệt tâm [46], đứng đầu trong những tờ báo khá nhất ở Đông Dương thời đó. Ban biên tập tìm cách viết sáng sủa, dễ hiểu, hứng thú và khi mỉa mai thì hết sức sắc bén. Được đào tạo trong toà soạn của báo chí quốc gia hay báo chí cộng sản ở Pháp, họ sử dụng tiếng Pháp thành thạo hơn hẳn đối thủ người Pháp cũng như người Việt. Đây cũng là một ưu thế của họ trong các cuộc bút chiến đôi khi mang lại cho họ những sự ủng hộ khá bất ngờ. « La Lutte » hoàn toàn có thể sánh vai với các tờ báo cộng sản ở chính quốc và ở các thuộc địa khác. Chính quyền chỉ trích « La Lutte » là cường điệu một cách có hệ thống, nhưng qua hồ sơ lưu trữ thư từ nội bộ của chính quyền Nam Kì, rõ ràng là họ rất gờm các phóng sự điều tra của tờ báo. Còn Julien Godart, bộ trưởng thuộc Đảng cấp tiến, phái viên do Mặt trận bình dân gửi sang Đông Dương, thì hết sức ca ngợi « La Lutte » ‒ và cả đồng nghiệp trẻ tuổi hơn nó là tờ « Le Travail » (Lao Động) xuất bản ở Hà Nội – trong bản báo cáo quan trọng sau khi đi thăm Đông Dương năm 1937 :
« Tôi phải nói lên ở đây ý kiến của tôi về những nhà báo, những trí thức mà tôi vừa kể. Đó là những thanh niên xuất bản tờ « Le Travail » ở Hà Nội và tờ « La Lutte » ở Sài Gòn, và tổ chức bênh vực thợ thuyền. Báo của họ rất hay, tương phản hẳn với báo chí chính trị Pháp ngữ mà trình độ khá thấp. Đó là những tờ báo chiến đấu, do những người trẻ tuổi đầy nhiệt huyết làm ra, khi họ bình luận về những sự việc xác thực đã làm cho người lao động bị thiệt thòi, thì họ không nương tay. Các bản báo cáo chung về kinh tế và xã hội mà họ đã thảo ra và trao cho tôi đều xuất sắc. Chính quyền tìm đủ cách cấm đoán « Le Travail » và « La Lutte », nhưng điều này không thủ tiêu được những sự việc mà họ phát hiện » [47].
Trong sự thành công của « La Lutte » tất nhiên có yếu tố tài năng của các cây bút, đều là những nhà báo nghiệp dư bận rộn tứ bề [48], nhưng quan trọng hơn cả là mối quan hệ chặt chẽ giữa tờ báo và môi trường xã hội. Sang mùa xuân 1937, hầu như không có một doanh nghiệp lớn hay vừa nào ở Sài Gòn, không có một tỉnh lị nào mà « La Lutte » không đăng tin đời sống công nhân [49]. Ở các làng, người đưa tin thường là giáo viên hay một thanh niên có học. Tờ báo còn có những nguồn tin ở ngay các công sở (họ công bố nhiều tài liệu mật), trong các nhà tù, kể cả các banh ở ngoài Côn Đảo [50]. Giữa toà soạn và đại chúng còn có những hình thức giao lưu khác. Ngay từ tháng mười 1934 bắt đầu mở mục « Diễn đàn bạn đọc » khá phong phú khi vấn đề chọn lựa liên minh được đưa ra thảo luận. Toà soạn mời độc giả « cho ý kiến, phê bình. Bạn đọc hãy đóng góp vào định hướng hành động sắp tới » [51]. Sự tham gia của độc giả càng rõ hơn trong những bức thư gửi tới toà soạn. Đó thường là những bài báo gần như hoàn chỉnh, và trong nhiều trường hợp, đã thúc đẩy tờ báo tiến hành điều tra tại chỗ [52]. Trong 156 số xuất bản từ 1933 đến 1937, 70 lá thư đã được công bố (xem Bảng 2).
Bảng 2 : Thành phần xã hội những người gửi thư
Công nhân |
17 |
Công chức và giáo viên |
8 |
Nông dân |
5 |
Tù chính trị |
11 |
Tổng số |
41 |
Hơn một nửa số người gửi thư là lao động ở thành thị và nông dân (hay người phát ngôn của họ), 19 lá thư chỉ nói về điều kiện lao động và tiền lương, số còn lại đề cập tới hoàn cảnh của người nông dân, thuế má, thi hành lệnh ân xá năm 1936. Dưới dạng chứng từ thành văn hay thông tin thô được toà soạn biên tập lại, thư độc giả trở thành một động lực chính trị mà « La Lutte » đã biết cách phát huy. Nhờ đó, mối quan hệ sống động giữa báo chí, đấu tranh chính trị và cuộc sống của nhân dân đã thành hình, một điều hầu như chưa từng có trong lịch sử báo chí Việt Nam. Cũng nhờ đó mà « La Lutte » đảm đương được chức năng lẽ ra là của một tờ báo quốc ngữ của công nhân : chức năng « người tổ chức tập thể », chừng nào nới rộng được những hạn chế của một tờ báo bó buộc phải viết bằng ngoại ngữ. Là diễn đàn tập trung những lời phản đối, đồng thời là địa điểm tập hợp, « La Lutte » không chỉ đơn thuần là một tờ báo – năm 1935, ban biên tập đã viết như vậy – toà soạn của nó đã trở thành điểm hẹn của tất cả những người bị ức hiếp, oan trái. « La Lutte » bênh vực họ, giúp họ khắc phục khó khăn [53]. Nó không còn là một tờ báo viết cho những độc giả bị động, thậm chí không phải là tờ báo viết cho thợ thuyền. Vừa là nhân chứng, vừa góp phần hình thành ý thức của giai cấp công nhân Việt Nam, « La Lutte » phát động được sáng kiến chủ động của quần chúng cơ sở, và ngược lại, những sáng kiến của quần chúng cơ sở đã giúp cho tờ báo nới rộng phần nào cái vòng « kim cô » của tiếng Pháp, hay như họ nói, vượt qua « giai đoạn vô thưởng vô phạt của tuyên truyền đơn thuần » [54], mà nhập cuộc vào hiện thực nghiệm sinh.
Cấu trúc « La Lutte »
« Hiện hình », « chuẩn bị tư tưởng », « tuyên truyền », « thành tích nhỏ bé »..., nhóm « Tranh Đấu » triển khai hoạt động của mình cùng một lúc trên nhiều trận tuyến kế cận, được tờ báo nối liền với nhau bằng những bài bình luận mà qua nội dung, ta có để « đọc » rõ dự phóng thành văn, và tính thống nhất của nó.
Không phải ngẫu nhiên mà họ đặt tên tờ báo là « Tranh Đấu ». Tự nó, cái tên ấy chứa đựng một thông điệp có hai cấp độ ý nghĩa. Cấp độ thứ nhất, ai cũng hiểu, nhưng hơi ‘văn bia’, sáo ngữ. Cấp độ thứ nhì gợi lên mối quan hệ nhiều tầng giữa đối tượng đấu tranh và môi trường chính trị liên quan tới nó. Tên gọi « La Lutte », đứng về mặt lịch sử, không phải là một sự chọn lựa ngẫu hứng, mà biểu lộ một biến chuyển trong ý thức dân tộc, điều này có thể thấy rõ khi ta điểm qua tên gọi của báo chí cách mạng công khai cũng như bí mật. Từ năm 1929 trở về trước, những danh hiệu được sử dụng nằm trong hai cặp khái niệm : tổ quốc – thanh niên và thực dân – bóc lột. Trong cặp tổ quốc – thanh niên, ta có các tựa đề : « L’Annam » của Nguyễn An Ninh và Phan Văn Trường, « L’écolier annamite » (Học sinh An Nam) của Trần Văn Giàu và Lâm Hiệp Châu, « Jeune Annam » và « Thanh Niên » của Nguyễn Ái Quốc, « Việt Nam Hồn » và « La Nation Annamite » (Dân tộc Việt Nam) của Nguyễn Thế Truyền, « La Résurrection » (Tái sinh) của Tạ Thu Thâu [55]. Cặp thực dân – bóc lột : « Paria » (Người cùng khổ) của Nguyễn Ái Quốc, « Nhà Quê » của Nguyễn Khánh Toàn. Qua đó, ta có thể thấy ý thức cách mạng bắt nguồn từ sự cự tuyệt cái gọi là « tiến hoá tranh đấu luận » – dẫn xuất từ học thuyết Darwin « xã hội » của thế kỉ XIX mà các nho sĩ canh tân Đông Á đã chấp thuận – theo đó các dân tộc nhược tiểu đương nhiên sẽ bị diệt vong (« Tái sinh » là một cái tên rất gợi cảm) : họ không thể chấp nhận để cho một dân tộc nhỏ bé tan biến trong sự im lặng của « Đông Dương ». Trong khi đó, cái tên gọi « La Tribune Indochinoise » (Diễn đàn Đông Dương » hàm ý dân tộc ấy đặt ước nguyện của mình (Diễn đàn) trong khuôn khổ một thực thể thuộc địa mà họ chấp nhận (Đông Dương), điều này cũng thể hiện ý muốn hoà giải của nhóm Lập hiến [56].
Từ năm 1929 trở đi, một trường ngữ nghĩa mới được lập ra với sự xuất hiện của báo chí cộng sản bí mật. Ở miền Nam, báo chí bí mật đặt tên theo kiểu Quốc tế Cộng sản (« Búa Liềm », « Cờ Đỏ », « Bôn Sơ Víc », « Sự Thật ») và phong trào công nhân quốc tế. Còn báo chí cộng sản công khai chọn những tên gọi gần với từ vựng trên nhưng có ý nghĩa rộng hơn : « L’Avant-garde » (Tiền phong), « Le Peuple » (Nhân dân), « Le Travail » (Lao động), « La Lutte » (Tranh đấu). Những danh từ này cho thấy quan tâm xã hội đã được đưa lên hàng đầu. Như nhà báo Cao Văn Chánh đã viết năm 1935, nhiều nhà quan sát cũng nhận thấy « âm hưởng ngày càng lớn của hai tiếng ‘Lao Động’ kì diệu mà xưa kia ở xứ này đồng nghĩa vói Nô Lệ. Điều đó chứng tỏ đã diễn ra một sự lật ngược giá trị » [57]. Đã bước sang trường ngữ nghĩa của đấu tranh giai cấp, sự trỗi dậy của những lực lượng lịch sử mới : nhân dân, giới lao động ăn lương. Ngay khái niệm « tranh đấu » cũng mang những sắc thái độc đáo. Nó gợi lại khẩu hiệu cách mạng năm 1930 – chỉ có một con đường : tranh đấu – và đồng thời mở ra những hàm ý đa dạng hơn (đấu tranh trong lãnh vực xã hội, và trong các lãnh vực khác nữa : tranh cử, tư tưởng, vấn đề dân tộc…) mà không ưu tiên một lãnh vực đặc biệt nào. Nó có sức gợi cảm chính trị phong phú và lâu bền hơn so với tên gọi của các tờ báo cộng sản đương thời, cũng giống như khả năng ứng phó của nhóm "Tranh Đấu" đối với những tình huống chính trị khác nhau trong suốt một thời gian dài.
Cấu trúc nội dung cũng như hình thức trình bày của tờ báo đều chứng tỏ rằng quan tâm về các vấn đề xã hội từ năm 1930 trở đi đã khắc sâu vào ý thức cách mạng ở Việt Nam, nếu không nói là vào nền văn hoá chung [58]. Khởi đầu, « La Lutte » chỉ là một tờ truyền đơn tranh cử lúi xùi. Chẳng mấy chốc, tờ báo được trình bày đàng hoàng, sáng sủa và thanh thoát không kém gì những tờ báo đương thời đứng đắn nhất như « La Tribune Indochinoise » của Bùi Quang Chiêu hay « Việt-Nam » của Nguyễn Phan Long ở Sài Gòn, « Tiếng Dân » của Huỳnh Thúc Kháng ở Huế. Một tờ báo có tính chất giáo dục và chiến đấu, tương tự như báo chí công nhân Âu Tây, ít dùng những tít lớn, nhưng số nào cũng có một khẩu hiệu liên quan tới thời sự. Tranh và hình ảnh minh hoạ hầu như bao giờ cũng mang nội dung xã hội [59]. Cấu trúc các đề mục chặt chẽ làm cho « La Lutte » khác hẳn các tờ báo Sài Gòn khác, kết cấu lỏng lẻo và tư tưởng mù mờ. Trên mặt báo « La Lutte » ít thấy có những bài báo « bập bềnh » không ăn nhằm tới một mục nhất định, điều này thể hiện chủ ý của ban biên tập là không chạy theo thời sự một cách « kinh nghiệm chủ nghĩa ». Nội dung tờ báo được tổ chức một cách mạch lạc và lôgic. Một vài đề mục xuất hiện ít lâu rồi biến mất, hoặc lâu lâu mới xuất hiện : « Khoa học », « Học thuyết và Lịch sử », « Sách » xuất hiện lần lượt 2, 7, 15 lần, hay mục « Lá thư từ Pháp » do dân biểu cộng sản Lucien Monjauvis viết từ Paris kéo dài được sáu tháng. Một số mục khác được mở ra nhân một đợt vận động của tờ báo, như « Vì ân xá », mục này bắt đầu rất sớm dưới dạng những bài báo nói về nhà tù, nhưng phải đợi đến cuộc ân xá tháng 7-1936 mới kê khai tên tuổi : đây cũng là một thí dụ điển hình về sự giao thoa giữa tiếp cận báo chí và vận động chính trị. Bốn đề mục chính làm nên « bộ xương » của « La Lutte » : mục châm biếm « Những cái đinh nhỏ » hàng tuần nói về giới thực dân, mục « Sự kiện trong tuần », nối dài bằng mục « Tin vắn » đăng tải những kí sự về chế độ thuộc địa bạo ngược qua đó « La Lutte » trở thành một thứ « nhật báo ra hàng tuần », mục « Đời sống người lao động » tập hợp những thông tin hết sức phong phú về đời sống công nhân Việt Nam, và cuối cùng là mục « Đời sống quốc tế ». Trình tự các đề mục nói trên cũng thể hiện chủ trương chính trị của nhóm « La Lutte ». Quan hệ quốc tế, tố cáo chế độ thực dân một cách thường trực, tổ chức phong trào công nhân Việt Nam, đó là ba hướng hoạt động và suy tư chủ yếu của nhóm "Tranh đấu".
Cấu trúc chủ đề nói trên cũng thể hiện trong đề tài các cuộc điều tra và phóng sự (xem Bảng 3) cũng như đề tài toàn bộ các bài báo.
Bảng 3 : Đề tài điều tra và phóng sự của "La Lutte"
1) Điều tra |
|
* tình trạng thợ thuyền và phong trào công nhân Việt Nam |
39 |
* tình hình nhà tù trại giam, đàn áp, ân xá |
14 |
* những vụ xì căng đan, lộng hành của thực dân |
7 |
* tình hình nông thôn, hoàn cảnh nông dân |
6 |
* trường học, đời sống giáo viên, trí thức, vấn đề văn hoá |
6 |
* đời sống đắt đỏ |
1 |
* công sở |
1 |
* những vấn đề hội đồng thị xã |
1 |
* hoàn cảnh người buôn bán nhỏ |
1 |
Tổng cộng |
76 (trong 152 bài báo) |
2) Phóng sự |
|
* biểu tình, mít tinh |
5 |
* đình công |
3 |
* tình hình nông dân |
2 |
Tổng cộng |
10 |
Điểm qua diện tích bài vở [60] cho thấy 7 mảng đề tài chủ yếu: bối cảnh quốc tế của phong trào cách mạng Việt Nam, đấu tranh chống thực dân, đời sống công nhân, đàn áp chính trị, phê phán giai cấp tư sản Việt Nam, hoạt động tranh cử và đấu tranh ở hội đồng thị xã, vận động Đông Dương đại hội 1936-1937 [61]. Cách đo đếm này nặng tính chất kinh nghiệm chủ nghĩa, kết quả của nó chỉ có giá trị chỉ dẫn. Muốn thấy rõ cấu trúc cơ bản của ngôn từ « La Lutte » và các mối quan hệ tần số, tất phải đi xa hơn bằng cách phân tích văn bản. Một trong những khuyết điểm lớn của phương pháp đo đếm là trong một bài báo nó hoàn toàn bỏ qua những chủ đề thứ yếu có liên quan tới một đề tài chủ yếu, và do đó, nó không cho thấy sự liên kết giữa các đề tài. Kết quả nghiên cứu thu được càng nhấn mạnh tính chất sơ lược của cách xếp loại này, và cũng cho thấy chẳng hạn như các vấn đề nông dân không bị xao lãng như người ta có thể tưởng. Tuy nhiên, kết quả ấy cũng xác nhận là trong thời kì này, đề tài nông dân vẫn còn là một « mô-típ » thứ yếu trong ngôn từ công khai của người cộng sản và người trốt kít, vì tần số xuất hiện của nó chỉ tỉ lệ thuận với số phát biểu trong đó vấn đề nông dân chiếm vị trí phụ thuộc. Một điều hiển nhiên khác: vị trí phụ thuộc của đề tài dân tộc trong bài vở của « La Lutte ». Điều này tự nó là một vấn đề lịch sử.
Cấu trúc đề tài « hiển minh » đã biến chuyển ra sao ? Kết quả nghiên cứu cho thấy sự biến thiên theo từng tháng của sự phân bố diện tích 7 loại đề tài chính. Có hai « pha », trước và sau thời điểm bản lề là tháng 5 và 6 năm 1936. Trước đó, nội dung chủ yếu của tờ báo là phê phán chế độ thực dân, thái độ lịch sử của xu hướng lập hiến trong giai cấp tư sản, phản đối chế độ lao tù và những đề mục có tính chất giáo dục ; cho đến mùa hè năm 1935, mục công nhân giữ một vị trí tương đối khiêm nhường, trái ngược hẳn với bài vở liên quan tới cuộc tranh cử. Phải đến cuối năm 1935 và bốn tháng đầu năm 1936, diện tích bài vở về đời sống công nhân mới được mở rộng và ổn định. Đề tài nông dân đồng thời cũng được chú trọng hơn. Trong giai đoạn đầu vừa nói, toàn cục văn bản nói chung có tính chất giáo huấn, mô tả và phê phán. Đó là giai đoạn phản kháng và tuyên truyền. Từ tháng sáu 1936 trở đi, diện mạo chung của tờ báo thay đổi trông thấy. Mục quốc tế được tăng cường đáng kể, những nhân tố bên ngoài chiếm vị trí hàng đầu trong suy nghĩ của nhóm chủ trương, nhất là chính sách Đông Dương của Mặt trận Bình dân Pháp và việc mở ra cuộc thảo luận liên lục và sâu rộng về định hướng của mặt trận thống nhất, điều này cũng dễ hiểu vì bản thân nhóm "Tranh đấu", ngay từ đầu, là một mặt trận thống nhất. Diện tích bài vở về phong trào công nhân đạt đỉnh cao vào cuối năm 1936 và tháng giêng 1937, đồng thời các vấn đề nông dân cũng được nhấn mạnh. Ngôn từ chống thực dân, đề tài tranh cử, chống xu hướng Lập hiến tụt xuống vị trí phụ. Bài vở giai đoạn thứ nhì này toát ra tinh thần tiến công, theo định hướng và thực tiễn chính trị mà nhóm « La Lutte » đã chọn lựa, và càng về cuối, người ta càng cảm thấy khó khăn. Song nhìn chung, đó là thời kì mà họ làm chủ được biến cố, và đang hoặc đã giành được thế chủ động chính trị, tới mức độ nào thì còn cần phải xem xét kĩ hơn.
Hai giai đoạn này cũng tương ứng với tình hình chung của thuộc địa Đông Dương. Từ 1934 đến mùa xuân 1936, cuộc khủng hoảng kinh tế đã lắng xuống và đồng thời, thời kì thoái trào của phong trào nhân dân ở ba Kì cũng chấm dứt. Cục diện chính trị xoay chiều với khúc ngoặt tháng sáu 1936, khi chính phủ Mặt trận Bình dân được thành lập ở Paris. Một chu kì mới đấu tranh chính trị và xã hội mở ra ở Việt Nam. Sự ăn khớp giữa cuộc vận động quần chúng và nội dung của « La Lutte » là một bằng chứng có ý nghĩa về chức năng lôi cuốn của tờ báo trong hoạt động của công nhân và nông dân ở khúc ngoặt lịch sử này. Nói rộng hơn, trải nghiệm khá kì thú của nhóm « Tranh đấu » ở Sài Gòn và Nam Kì đã đóng một vai trò không nhỏ trong sự xoay chuyển thời cuộc lịch sử ở Đông Dương trong giai đoạn 1933-1936, với hệ quả ngắn hạn của nó là : chính quyền thực dân đã mất đi cái thế chủ động mà hai năm trước đó, tưởng như nó đã giành lại được.
* Đại Học Paris 7, Pháp
Nguyên tác bằng tiếng Pháp,
Nguyễn Ngọc Giao dịch sang tiếng Việt.
[1] Xem D. Hémery, Révolutionnaires vietnamiens et pouvoir colonial en Indochine. Communistes, trotskystes, nationalistes à Saigon de 1932 à 1937 [Người cách mạng Việt Nam và chính quyền thực dân ở Đông Dương. Cộng sản, trốt-kít và quốc gia ở Sài Gòn từ 1932 đến 1937], Paris, François Maspéro, 1975, 524 trang. Trong bản thảo cuốn sách này, lưu trữ tại Thư viện đại học của Trường đại học Paris 7 – Denis Diderot, có bảng phân tích 2639 bài báo đăng trên 166 số « La Lutte » ra từ ngày 24-04-1933 đến ngày 29-08-1937.
[2] Dường như biệt lệ duy nhất và sớm nở tối tàn là tờ « Message » của Nguyễn Thế Nghiệp xuất bản tháng 10-1937. Nhưng VNQDĐ có ảnh hưởng lớn qua trung gian của hai tạp chí « Phong Hoá » (1932-1936) và « Ngày Nay » (1935) của Nguyễn Tường Tam.
[3] Ở thời điểm 01-01-1939, số in tổng cộng của các tờ báo định kì xuất bản bằng tiếng Việt là 153 000 ở Nam Kì, trong khi đầu năm 1938, tổng cộng số in của các báo tiếng Pháp và tiếng Việt chỉ có 35 000, « Revue de Presse », Centre des Archives d’Outre-Mer d’Aix-en-Provence (Trung tâm lưu trữ hải ngoại Aix-en-Provence, từ đây về sau sẽ viết tắt là CAOM), Indochine Nouveau Fonds (INF), 2418.
[4] Phủ thống đốc Nam Kì, Note Périodique Mensuelle (Thông tri hàng tháng, từ đây về sau viết tắt là NPM), novembre 1938, CAOM, Fonds SLOTFOM, III, carton 59.
[5] Phụ lục đi kèm lá thư của Toàn quyền, 2.02.1939, CAOM, SLOTFOM, V, carton 39.
[6] « La Lutte », 23-05-1937.
[7] Tội « âm mưu và hành động phương hại đến an ninh công cộng hay gây ra rối loạn chính trị nghiêm trọng, gây căm thù đối với chính phủ Pháp hay các chính phủ được bảo hộ, vi phạm pháp luật của xứ sở » bị kết án từ một đến mười lăm năm tù. Sự thiếu chính xác của văn bản pháp lí càng làm cho sự kiểm soát thêm phần hiệu lực : nhờ đó, người ta có thể đề phòng cả những điều bất ngờ…
[8] « L’administration à rebours » [Hành chính ngược đời], trong « La Lutte », 18-06-1936.
[9] « Note anonyme sur la liberté de la presse » [Thông tri không kí tên về tự do báo chí], CAOM, INF 1873.
[10] « Revue de la presse indigène de Cochinchine » [Điểm báo bản xứ ở Nam Kì], CAOM, INF 958. Các quyết định kiểm duyệt không cần nói lí do. Ngày 20-06-1932, báo « Trung Lập » (nhiều người sau này tham gia nhóm « La Lutte » có cộng tác với báo này) bị thống đốc Eutrope « cảnh cáo » vì đăng hai hình ảnh « bài Nhật ». Ngày 3-10, viên thống đốc nhắc lại lời cảnh cáo này và thêm : « Thế mà từ đó đến nay, tôi luôn luôn được lưu ý về tờ ‘Trung Lập Báo’ vì những bài báo mà tinh thần của chúng nếu bỏ qua sẽ có tác hại. Vì vậy, bản chức quyết định hình thức trừng phạt cuối cùng là đình chỉ ‘Trung Lập Báo’ trong thời gian 8 ngày » (trích dẫn theo Nguyễn Văn Sâm, Le régime de la presse en Indochine [Quy chế báo chí ở Đông Dương], Saigon, 1937, tr 23).
[11] « La Lutte », 31-08-1935.
[12] « Revue de la presse indigène de Cochinchine » [Điểm báo bản xứ Nam Kì], CAOM, INF 958.
[13] Như trên.
[14] « Revue de la presse indigène de Cochinchine », 1er trimestre 1933, CAOM, INF 2415.
[15] Như trên.
[16] CAOM, Fonds de la Commission d’enquête dans les colonies (dit Fonds Guernut), dossier Bx [Phông Uỷ ban điều tra ở các thuộc địa].
[17] « Silence aux pauvres ! » [Người nghèo hãy câm miệng !], « La Lutte », 25-05-1935 ; « La Lettre au Gouverneur de la Cochinchine » [Thư gửi Thống đốc Nam Kì], « La Lutte », 23-05-1937.
[18] « Note anonyme sur la commune annamite » [Thông tri không kí tên về thôn xã An Nam], CAOM, INF 1873.
[19] « Liste des journaux et publications paraissant en Indochine au 31 décembre 1938 » [Danh mục các nhật báo và báo xuất bản tại Đông Dương thời điểm 31-12-1938], phụ lục đi kèm lá thư của Toàn quyền Đông Dương gửi Bộ trưởng bộ Thuộc địa, 2-11-1939, CAOM, SLOTFOM, V, carton 39.
[20] Như trên.
[21] Lénine, Que faire ? Les questions brûlantes de notre mouvement [Làm gì ? Những câu hỏi nóng bỏng của phong trào ta], Paris, Editions Sociales, 1948, tr. 163. Đây là tác phẩm mà thanh niên mác-xít Việt Nam ở Pháp tìm đọc nhiều nhất trong những năm 1930.
[22] « Aux lecteurs ! » [Cùng bạn đọc !], « La Lutte », 31.08.1935.
[23] Những tờ báo này nhân danh hình ảnh mà chế độ thực dân muốn tạo dựng cho chính nó, đồng thời còn xuất phát từ mâu thuẫn quyền lợi trong nội bộ các thế lực tư bản thực dân. Đây là một ví dụ của thứ chủ nghĩa nhân đạo « một công đôi việc » này : năm 1927, báo « La Volonté Indochinoise » [Ý chí Đông Dương] của Henri de Montpezat kết hợp với giới chủ nhân đồn điền Bắc Kì và Trung Kì tung ra một đợt vận động ồn ào, tố cáo nạn phu phen Bắc Kì chết như rạ ở vùng Đất Đỏ (Nam Kì) và ở quần đảo Nouvelles Hébrides (« Tân Thế giới ») ; thực chất là chống lại các đại công ti cao su ở Nam Kì và « Compagnie Française des Nouvelles Hébrides » vơ vét nguồn nhân lực ở phía bắc, làm cho các đồn điền tại chỗ không mộ phu được. Một ví dụ khác : tháng 12-1932, báo « Dépêche d’Indochine » tố cáo cuộc đàn áp đẫm máu ở đồn điền Michelin ở Dầu Tiếng, song lại bao che giới thực dân tại chỗ bằng cách phân biệt : « Người ta có thể nói đó là thành tích bất hảo của giới thực dân. Nhưng công ti Michelin là thực dân sao ? » (« Dépêche de l’Indochine », 20.12.1932).
[24] Báo cáo chính trị của Thống đốc Nam Kì, 29.10.1935, do ông Pagès, nguyên thống đốc Nam Kì, thông báo cho tác giả.
[25] Từ năm 1936 trở đi, tất cả các báo cáo mật của bộ phận chính trị Phủ thống đốc Nam Kì đều thừa nhận điều này.
[26] Ngày thứ năm từ 4.10.1934 đến 31.01.1935, thứ bảy từ 23.02 đến 28.12.1935, thứ ba từ 14.01.1936 đến 25.02.1936, thứ tư từ 4.03 đến 16.09.1936, và sau đó, mỗi thứ năm và chủ nhật. Từ 1.02.1935 đến 8.03.1935 chỉ ra 2 số báo (đề ngày 19 và 23.02). Số ra ngày 23.02 lại đánh số sai, nên không có số 23. Mặt khác, trong bộ sưu tập của Thư viện Quốc gia Pháp (Paris) cũng như ở CAOM (Aix-en-Provence), thiếu « La Lutte » số 100 (ra ngày 23.09).
[27] Cho đến tháng giêng 1936, các bài đăng trang nhất đều nằm trọn vẹn ở trang này. Sau khi « La Lutte » đổi khổ báo, các bài bắt đầu ở trang nhất được « xem tiếp » ở trang 2 hay trang 3, trang nhất trở thành trang báo mà những đề tài hay tin tức được ban biên tập chú trọng.
[28] Đây là một căn hộ ba phòng ở đường Lagrandière (sau này trở thành đường Gia Long, rồi Lý Tự Trọng). Đầu tháng ba 1937, toà báo dọn sang một trụ sở rộng rãi hơn nhiều, ở số 95E cùng đường, cũng là nhà của « Chú Hoả ».
[29] « Depuis quand les affiches de journaux... » [« Từ bao giờ mà bích chương báo chí... »], « La Lutte », 7.09.1935.
[30] Ở nhà in Ardin cho đến tháng giêng 1936 (lúc đó Ardin, đảng viên cấp tiến – xã hội, là chủ tịch Hội đồng thuộc địa), sau đó in tại SATI mà chủ nhân là Fauquenot, giám đốc tờ báo « L’Alerte ». Phí tổn rất cao, và thường bị chậm trễ. Chẳng hạn, hạ tuần tháng giêng 1936, nhà in SATI xảy ra tai nạn, « La Lutte » phải tạm ngưng, sau đó phải chuyển sang nhà in Testelin mới tái bản được, nhưng giá bán mỗi số tăng từ 6 lên 10 xu.
[31] Phải có một số tiền là 7000 đồng. Xem bài « A nos lecteurs » [Cùng bạn đọc], « La Lutte », 4.02.1937.
[32] Trong một cuộc đàm thoại với tác giả bài này, ông Anh Van, lúc đó là học trò Tạ Thu Thâu tại một trường tư thục Sài Gòn, kể lại là ông đã đi chuyên chở báo không công cho « La Lutte ». Tháng 4.1935, trong một cuộc tổng lục soát ở Trường Bách nghệ Sài Gòn, đã tìm ra 10 số báo ; xem « A l’Ecole des Mécaniciens », « La Lutte », 13.04.1935.
[33] Tháng 12.1934, ông ta bị sở sen đầm Long Xuyên gọi lên, buộc ông phải nộp danh sách những người ở thị xã đặt mua báo, và cấm ông không được bày bán « La Lutte », xem số báo đề ngày 13.12.1934.
[34] Tháng 6.1937 ông bị bắt, x. « La Lutte », 20.06.1937.
[35] Theo hồi tưởng của Hồ Hữu Tường (nói chuyện với tác giả).
[36] 5 xu năm 1933, 6 xu từ tháng 10.1934 đến tháng 2.1937, tức là 1/7 ngày công của một người phu, tương đương với giá 2 lít gạo theo thời giá mùa hè 1936, 10 xu trong hai tháng 2 và 3.1937, sau đó là 7 xu.
[37] « La Lutte », 14.09.1935.
[38] « Thế là kẻ hấp hối đã sống lại… Chúng tôi tự hỏi nông nỗi gì mà được nhiều cảm tình như thế… », x. « Qu’ai-je fait pour ‘La Lutte’ ? », « La Lutte », 7.09.1935.
[39] « La Lutte », 4.03.1937.
[40] Hồi tưởng của Hồ Hữu Tường, đã dẫn.
[41] Báo cáo của Thanh tra Chính trị vụ Esquivillon, 17.05.1937, CAOM, INF 2391.
[42] Đã được đào tạo tại Trường những người lao động Phương Đông ở Moskva từ 1925 đến 1928, bị mật thám bắt giam năm 1931, năm 1936 sáng lập báo « Le Travail » ở Hà Nội, từ trần tháng 5-1938. Năm 1934, vào thăm Sài Gòn, Nguyễn Thế Rục mở một chi nhánh của « Fabrinat » đối diện với trụ sở « La Lutte » và đã cung cấp đủ số vốn cần thiết. Quản lí chi nhánh là bà Nguyễn Thị Anh, vợ Tạ Thu Thâu, cựu sinh viên du học ở Pháp (một trong những nữ sinh Việt Nam đầu tiên đỗ tú tài). Chi nhánh này phát đạt khá nhanh chóng. X. hồi tưởng của Hồ Hữu Tường, đã dẫn.
[43] Theo ông Hồ Hữu Tường, quảng cáo trên « La Lutte » không tính tiền, nhưng khi tờ báo gặp khó khăn về tài chính thì những người quảng cáo giúp đỡ tờ báo. Vẫn theo chứng nhân này, « La Lutte » không cần tới sự tài trợ mà năm 1934, Quốc tế Cộng sản đã hứa với Nguyễn An Ninh.
[44] Thông tấn xã ARIP tuỳ thuộc Cục Kinh tế Đông Dương và phủ Toàn quyền.
[45] Phan Văn Chánh thường viết các bài trong mục « Tin quốc tế », Trần Văn Thạch mục châm biếm « Những cái đinh nhỏ » là mục làm nên sự thành công của « La Lutte » (một phần độc giả Pháp mua báo là để đọc mục này, một số người Pháp cung cấp đề tài cho tác giả và « đặt hàng » cho tác giả viết bài…). Sành tiếng Pháp, Trần Văn Thạch còn biên tập lại một phần các bài khác. Hồ Hữu Tường và Phan Văn Hùm phụ trách trang văn hoá. Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Nguyễn và Tạ Thu Thâu viết các bài chính trị. Theo lời các chứng nhân, linh hồn của tờ báo là Tạ Thu Thâu. Hồ Hữu Tường khẳng định phần lớn các bài xã luận do Tạ Thu Thâu viết, điều này cũng phù hợp với việc tháng 7-1936, khi Tạ Thu Thâu sang Xiêm, thì tờ báo ngừng ra (xem NPM 7.1936). Thư kí toà soạn là Lê Văn Thu.
[46] « La lutte » cũng dùng cả những từ ngữ lăng nhục (« traître », « lèche-botte », « flic » – phản bội, liếm gót giầy, cớm – là những chữ thông dụng nhất) ; tuy nhiên ngôn ngữ này được sử dụng có mức độ và càng về sau càng giảm bớt. Các từ ngữ này được dành cho bọn cảnh sát, chức sắc, những quan chức trong chính quyền thực dân nổi tiếng là hung hãn và cho cả các lãnh tụ đảng lập hiến. Nhiều lần « La Lutte » giải thích (xem số đề ngày 1.11.1934) là họ không ưa những « từ ngữ bạo liệt và rỗng nghĩa ». Họ cũng đăng cả những bài đính chính và trả lời của đối phương.
[47] Báo cáo của Justin Godart, phái viên của chính phủ Léon Blum về các vấn đề lao động, CAOM, Fonds « Papiers Agents », 28, carton 3, dossier 77.
[48] Đến mức, chiều hôm trước cuộc bầu cử hội đồng thị xã năm 1937, Tạ Thu Thâu đề nghị phải tính đến việc đưa những công nhân không có trách nhiệm trong ban biên tập ra ứng cử.
[49] Nhóm "Tranh đấu" đã học kinh nghiệm của báo chí bôn sê vích khi họ tiếp cận các tờ báo và tạp chí cộng sản Pháp. Khoảng năm 1930, thông tín viên công nhân là vấn đề trung tâm trong các vấn đề tổ chức của « Cahiers du Bolchevisme », tạp chí lí luận của Đảng Cộng sản Pháp.
[50] Tháng 2.1935, Durocher, một cai ngục cũ, đã ghé qua toà soạn « La Lutte » thông báo cho ban biên tập biết về cuộc bãi công trước đó của tù nhân, x. « La Lutte », 23.02.1035.
[51] « La Lutte », 8.11.1936.
[52] Một thí dụ : khi nhận được thư của nhân viên Công ti tầu điện, tờ báo đã mở ra một loạt bài điều tra rất chính xác và cụ thể về tình trạng độc quyền giao thông vận tải đô thị ở Sài Gòn - Chợ Lớn, « La Lutte », 15.06.1935.
[53] « Bilan et perspectives » [Thành tích và triển vọng], « La Lutte », 28.09.2935.
[54] Như trên
[55] Những tờ báo này xuất bản ở Sài Gòn hay Paris trong khoảng thời gian 1920-1930.
[56] Tương tự, người ta có thể rút ra những nhận xét ý nghĩa nếu phân tích các tên gọi và ngôn từ « người Đông Dương » của báo chí thực dân.
[57] « La Vie indochinoise », tuần báo xuất bản ở Sài Gòn, 7.06.1935.
[58] Không loại trừ là hiện tượng này cũng đúng với cả những người quốc gia (việc nở rộ những tiểu thuyết xã hội trong văn học Việt Nam thời kì này cho phép giả định như thế).
[59] 63 tấm ảnh (chưa đăng ở đâu, nhưng chất lượng kém cỏi) cho thấy ban biên tập có ý muốn dùng thể loại phóng sự bằng hình ảnh, cũng như báo chí đương thời. Đó là những hình ảnh về đời sống thợ thuyền, ảnh chụp nhanh, hoặc là hình ảnh chụp trong các cuộc bãi công 1935-1937 hay trong các cuộc biểu tình năm 1937.
[60] Diện tích in, không tính diện tích các khung quảng cáo, truyện nhiều kì, tựa bài và tựa đề mục. Đơn vị biên soạn buộc phải lấy bài báo làm đơn vị. Với mỗi bài báo, chúng tôi xếp vào một chủ đề chính (chủ đề này được thông báo trong tựa đề, và kiểm tra bằng cách đọc lại bài báo), và tính diện tích (số dòng) của bài báo vào chủ đề đó. Làm như vậy đương nhiên là tích luỹ ba điều bất tiện về phương pháp luận : kinh nghiệm chủ nghĩa trong việc phân loại chủ đề, chủ quan của người viết, chủ quan của người đọc. Và chỉ xét tới ngôn từ « hiển minh » của tờ báo.
[61] Thêm vào đó, phải kể tới những tác động của Mặt trận Bình dân lên tình hình Đông Dương, chiếm tổng cộng 6% diện tích biên tập.
Các thao tác trên Tài liệu