Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Biển Đông hoà bình hay nổi sóng

Biển Đông hoà bình hay nổi sóng

- Nguyễn Trung — published 30/11/2009 00:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18

Biển Đông hòa bình hay nổi sóng?*


Nguyễn Trung
Hà Nội, Việt Nam

 

*Tham luận đọc tại hội thảo “South China Sea in the Vietnamese Context,
Yale University, 18 tháng 11 năm 2009.

 

         
I.  Đặt vấn đề

         
Biển Đông (East Sea) là tên gọi của Việt Nam cho “South China Sea” (tên gọi thông thường của tiếng Anh), là một biển phụ của Thái Bình Dương, rộng khoảng 3,5 triệu km2. Đấy cũng là biển lớn nhất trong năm đại dương. Biển Đông được bao bọc bởi mười nước và vùng lãnh thổ, gồm Việt Nam, Trung Quốc, Philippin, Inđônêxia, Brunây, Malaixia, Xinhgapo, Thái Lan, Campuchia và Đài Loan.  

Biển Đông có hàng trăm quần đảo, các đảo nhỏ, các bãi đá ngầm, giàu tài nguyên khoáng sản và thủy sản. Biển Đông có vị trí chiến lược ở Đông Á và Đông Nam Á, có các tuyến thương mại quốc tế quan trọng giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương – trong đó đặc biệt eo biển Malacca - một trong các tuyến hàng hải thương mại lớn nhất của thế giới. Ngoài ra cần lưu ý Biển Đông còn là vùng kinh tế trực tiếp của khoảng 300 triệu cư dân các nước tại đây. 

Vì rất nhiều lý do lịch sử để lại, nhất là những ký kết có nhiều điểm sau này gây tranh cãi giữa các cường quốc liên quan đến kết thúc chiến tranh thế giới II, những diễn biến lịch sử tại khu vực này trong những năm sau đó cũng như trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh, đồng thời cũng vì những mâu thuẫn hiện tại về các lợi ích kinh tế, chính trị và chiến lược của các nước có liên quan trong vùng, ngày nay những tranh chấp trên Biển Đông rất phức tạp. Trong suốt thời gian từ sau chiến tranh thế giới II đến nay, đã xảy ra không ít xung đột vũ trang, đánh chiếm đảo và nhiều hành động tranh chấp khác trong vùng biển này, tình hình thậm chí nhiều khi rất căng thẳng.  

Đặc biệt nghiêm trọng là biến cố năm 1956 khi Trung Quốc và Đài Loan đã dùng vũ lực chiếm một số đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, năm 1974 chiếm toàn bộ các đảo phía Đông của quần đảo Hoàng Sa, năm 1988 chiếm thêm 6 điểm và một số bãi đá ngầm của quần Trường Sa. Trung Quốc thường xuyên có nhiều hoạt động tàn sát hoặc ngược đãi ngư dân Việt Nam, ngăn cản sự hợp tác của các công ty nước ngoài trong việc nghiên cứu và khai thác tài nguyên trên lãnh hải và thềm lục địa của Việt Nam. 

Tranh chấp hiện có giữa các quốc gia trong vùng là:

·       Tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc, Đài Loan.

·       Tranh chấp chủ quyền toàn bộ hay một phần Trường Sa giữa Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Brunei.

·       Tranh chấp các vùng biển giữa Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia.

·       Liên quan đến những tranh chấp kể trên là tranh chấp trên hàng loạt vấn đề hệ trọng khác giữa các quốc gia trong vùng về lãnh thổ, lãnh hải, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế, không phận và không gian trên Biển Đông...

Trong quá trình xảy ra những tranh chấp kể trên, với các bằng chứng lịch sử không thể tranh cãi, Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, lãnh hải Việt Nam, vùng đặc quyền kinh tế, và thềm lục địạ nằm ngoài phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam theo đúng Công ước về Luật biển năm 1982 (UNCLOS - sau đây gọi tắt là Luật biển Quốc tế năm 1982). Ngày 06-05-2009 Việt Nam đã đệ trình Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc để khẳng định lập trường nói trên của mình. 

Do các cuộc lấn chiếm đảo bằng vũ lực và nhiều tranh chấp quyết liệt của Trung Quốc, đặc biệt là do yêu sách của Trung Quốc về cái gọi là “vùng lưỡi bò” chiếm khoảng 80% diện tích toàn Biển Đông, tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông hiện nay là nhạy cảm nhất, nóng bỏng nhất. Kể từ khi bình thường hóa quan hệ Việt – Trung năm 1990, quan hệ giữa hai nước vẫn từng thời kỳ lại nổi lên những tranh chấp căng thẳng trên biển đảo, kể cả sau khi đã hoàn thành việc phân định vịnh Bắc Bộ (25-12-2000).

Đáng chú ý là sau khi hoàn thành việc cắm mốc biên giới trên bộ tháng 12-2008 (theo Hiệp định biên giới Việt – Trung ký kết 1999), mặc dù phía Trung Quốc nhiều lần chính thức cam kết tìm kiếm những giải pháp hòa bình, họ vẫn tiếp tục gây những căng thẳng mới đối với Việt Nam trên Biển Đông, dù phía Việt Nam đã tự kiềm chế hết mức.

Trên đây là tóm tắt tình hình Biển Đông liên quan đến Việt Nam diễn ra cho đến nay.

Một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp tại Biển Đông, thỏa hiệp được tối đa các nước có liên quan trong vùng và được cùng nhau chấp nhận, sẽ là điều rất đáng mong muốn. Song hiện nay và có lẽ còn rất lâu, thậm chí rất rất lâu nữa, mong muốn này mới có thể trở thành hiện thực. Khi nào đạt được giải pháp ấy sẽ là vấn đề của thời gian, của tương lai. Đứng trước thực tế như vậy, từng nước nói riêng và tất cả các nước trong vùng nói chung cần lựa chọn gì cho Biển Đông: Biển của hòa bình, hay nổi sóng?

Đấy là câu hỏi được đặt ra, không cho phép chờ đợi.

Dưới đây, xin trình bầy một số suy nghĩ chung quanh câu hỏi này, với tính cách là một công dân trong khu vực, không đại diện cho ai ngoài chính bản thân người viết.

 

II. Biển Đông hôm nay ở trong một thế giới khác với hôm qua

       
Một là,
cuộc khoảng kinh tế thế giới hiện nay, đặc biệt tại quốc gia đầu tàu là Mỹ, dẫn tới sự suy yếu của toàn bộ các nền kinh tế phương Tây và tác động đến mọi nền kinh tế khác trên thế gới. Cuộc khủng hoảng này kết thúc giai đoạn phát triển năng động nhất của thế giới phương Tây kể từ sau chiến tranh thế giới II – giai đoạn phát triển trong bối cảnh hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ và trong thế thượng phong của chủ nghĩa tân tự do. Giai đoạn phát triển năng động ấy ấn tượng đến mức người ta đã nghĩ đến sự cáo chung của lịch sử (điển hình là Francis Fukuyama), được hiểu là chủ nghĩa tân tự do và mô hình của nó là tồn tại duy nhất vì nó duy nhất đúng!

Câu hỏi lớn mà cuộc khủng hoảng này đặt ra là: Kinh tế thế giới rồi đây sẽ phải đi theo hướng nào?  Câu trả lời vẫn còn ở phía trước.

Hai là, song song với hiện tượng trên, nước Mỹ, với sự tham gia của các đồng minh của họ, đã làm và đã đạt được gì trong chiến lược toàn cầu dưới hai nhiệm kỳ của tổng thống Bush? Thực tế cho thấy kết quả cuối cùng là vai trò và ảnh hưởng của Mỹ với tính cách là siêu cường duy nhất nói riêng, và của thế giới phương Tây nói chung đã giảm sút đáng kể: về vị thế quốc tế, về so sánh thực lực, về các giá trị, về mô hình phát triển v.v.  

Hai vấn đề vừa nêu trên buộc Mỹ và phương Tây phải chấp nhận những thay đổi lớn chưa từng có. Thắng cử của tổng thống Obama, của thủ tướng Nhật Hatoyama và nhiều hiện tượng chính trị và kinh tế khác ở các nước phương Tây khẳng định thực tế này.

Ba là, trong tình hình thế giới nói trên, các cường quốc Trung Quốc, Nga, Ấn-độ - và một phần nào nữa là một số nền kinh tế đang nổi lên ở châu Mỹ La-tinh, tiếp tục mạnh lên. Đặc biệt trong thập kỷ vừa qua Trung Quốc ngày càng củng cố và phát huy vị thế của mình với tính cách là “công xưởng thế giới”, là chủ nợ lớn nhất thế giới, và bây giờ đang đi rất nhanh trên con đường trở thành cường quốc quân sự.

Tác động cộng hưởng của 3 hiện tượng vừa trình bày trên phải chăng đã chấm dứt thời kỳ hậu chiến tranh lạnh – mà điểm nổi bật là Mỹ từ vị thế siêu cường vượt trội, để chuyển dần sang một cục diện quốc tế đa cực, trước mắt là cục diện một siêu đa cường? Ở mức độ nhất định trên phương diện kinh tế, sự suy yếu của đồng USD cùng với sự nổi lên của một số đồng tiền khác cũng góp phần tạo nên cục diện quốc tế nói trên.

Như vậy, phải chăng Biển Đông đang bước vào một thế giới với địa kinh tế và địa chính trị rất khác so với trước?

Nói riêng về khu vực Biển Đông trong bản đồ địa chính trị thế giới hiện nay, còn phải lưu ý đến câu hỏi: Sức mạnh kinh tế và quân sự tại chỗ của Trung Quốc và sự suy giảm thực lực và ảnh hưởng của Mỹ phải chăng là hai yếu tố khiến cho khu vực địa lý này đã tiềm tàng xu thế lưỡng cực? Nếu thực trạng này được xác nhận, Biển Đông và các quốc gia trong vùng sẽ có thêm nhiều vấn đề phức tạp mới.

Trong quá khứ, các nước nhỏ trong khu vực Đông Nam Á đã tích lũy được cho mình không ít những kinh nghiệm và những cái giá phải trả cho cái thế lưỡng cực thời kỳ chiến tranh lạnh trước kia, nhất là thời kỳ ấy tại khu vực này vẫn có các cuộc chiến tranh nóng cục bộ. Khác chăng hiện nay xu thế lưỡng cực có thể hình thành tại vùng Đông Nam Á hiện nay không có hoặc chưa có cục diện chiến tranh lạnh, nhưng những vấn đề xu thế lưỡng cực ngày nay đặt ra cho các nước nhỏ trong khu vực này có lẽ sẽ cùng chung một hệ quả: các nước nhỏ luôn luôn phải gánh chịu tác động giành giật giữa hai cực. Không loại trừ khả năng trong bối cảnh mới này quyền lực bao gồm cả quyền lực mềm Trung Quốc có thể giành thêm một lợi thế nào đó – nhất là ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các nước chậm phát triển hơn trong khu vực. Trước mắt Trung Quốc đang muốn đẩy mạnh sử dụng đồng nhân dân tệ trong thương mại song phương tại đây để mở rộng ảnh hưởng của mình – nhất là đối với các nước kém phát triển hơn trong vùng.

 

III.  Trung Quốc đang đi quá nhanh trên con đường trở thành siêu cường, hay chỉ vì ảnh hưởng của Mỹ giảm sút nhanh?

     
Xét riêng về mặt địa chính trị, câu hỏi này được đặt ra không đơn thuần chỉ liên quan đến tốc độ chuyển dịch tư thế chính trị hiện nay của hai nước này trên thế giới.

Thực chất của câu hỏi này đụng chạm đến phương thức “đi” của hai quốc gia quan trọng nhất này – nước lớn và đông dân nhất thế giới và chẳng bao lâu nữa sẽ có quy mô kinh tế lớn thứ hai thế giới, và nước hiện nay vẫn từng và vẫn còn đứng trước nó! Tốc độ trước hết và chủ yếu chỉ là kết quả chạy đua giữa hai nước, còn phương thức đi của hai nước thì lại tác động đến toàn thể thế giới còn lại.

Nói thô thiển, phương thức đi của một bên dẫn đến việc trở thành công xưởng thế giới và chủ nợ lớn nhất thế giới, với những phương thức đối với bên trong là gần như phát triển với bất cứ giá nào, còn đối với bên ngoài thì điểm nổi bật là chủ nghĩa thực dân mới của Trung Quốc được thừa nhận là thành công hơn chủ nghĩa thực dân mới của các nước thực dân cũ... Tuy nhiên, tại các nước Trung Quốc đến, cũng bắt đầu xuất hiện sự phản kháng nhất định của nhân dân sở tại. Trong khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay, có nhiều ý kiến coi kinh tế Trung Quốc là một điểm sáng vì tính năng động của nó và thừa nhận: Trung Quốc đang kiếm lợi tốt nhất trong cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay.

Phương thức đi của bên kia – tiêu biểu là cuộc chiến tranh Iraq. Có thể nhận xét khái quát: Tính chính đáng của cuộc chiến tranh này không có sức thuyết phục, kết cục cuộc chiến tranh này đem lại nhiều tổn thất và gánh nặng cho người dân các nước Iraq, Mỹ và đồng minh, đồng thời khiến cho quyền lực Mỹ suy giảm nhanh. Ngày nay ảnh hưởng Mỹ bị thu hẹp rõ rệt, nước Mỹ phải chấp nhận thay đổi trên các phương diện kinh tế, chính trị và ngoại giao. Đương nhiên sự phá sản của chủ nghĩa tân tự do trong kinh tế Mỹ cũng góp phần quan trọng vào thực trạng này. Tham gia vào kết cục hiện nay của nước Mỹ phải chăng còn có sự ngạo mạn của quyền lực trong hai nhiệm kỳ thời tổng thống Bush: cái gì tốt cho Mỹ sẽ tốt cho các nước khác, quy một số nước vào “trục ma quỷ”...  Sự ngạo mạn này sẽ dẫn nước Mỹ và thế giới đi tới đâu, nếu giả thiết rằng tổng thống Bush đạt được các mục tiêu trong chiến tranh Iraq? Trong tranh cử, không phải ngẫu nhiên Obama đặt vấn đề nước Mỹ phải xem lại mình và phải thay đổi và cho rằng có thể thay đổi. Tuy nhiên, câu hỏi “Mỹ có thể thay đổi được hay không, thay đổi như thế nào?” vẫn ở phía trước. Kinh nghiệm lịch sử từ xưa đến nay chưa cho thấy một đế chế nào có thể tự thay đổi. Nhưng có lẽ Mỹ có thể thay đổi, lý do là đến nay Mỹ mới chỉ là siêu cường chứ chưa phải là đế chế, nghĩa là vẫn chưa có cái Pax Americana trên thế giới!

Nói thẳng thắn, hai phương thức “đi” của hai bên như vậy gây ra rất nhiều hậu quả tai hại cho chính nhân dân nước họ và cho thế giới còn lại. Cả hai phương thức đi như vậy góp phần riêng của nó vào cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay, để lại nhiều hệ quả chính trị khác mà thế giới còn lại đang phải gánh chịu. Đây là những vấn đề rất đáng được mổ xẻ để rút ra những kết luận cho những điều cần tránh cho thế giới trong hiện tại và tương lai.

Tổng thống Obama tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp quốc ngày 23-10-2009 tuyên bố:  “...đã đến lúc thế giới phải chuyển sang một hướng mới. Chúng ta phải dấn thân vào một thời đại tiếp cận mới dựa trên quyền lợi chung và cùng tôn trọng nhau...”. Tại diễn đàn Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung (khai mạc phiên đầu tiên tại Washington ngày 27-09-2009 tổng thống Obama còn cho rằng “mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ định hình cho thế kỷ 21.”  Nếu nước Mỹ định biến những lời nói thành việc làm có lợi cho thế giới, chắc chắn sẽ phải xem lại phương thức “đi” của mình trong suốt thời kỳ hậu chiến tranh lạnh.

Trong điện chúc mừng phiên họp đầu tiên của diễn đàn Mỹ - Trung nói trên, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào viết: “Cả Trung Quốc và Mỹ gánh vác trên vai trách nhiệm quan trọng về những vấn đề trọng đại liên quan đến hòa bình và sự phát triển của nhân loại.”  Chắc chắn sẽ có nhiều câu hỏi hóc búa đặt ra đối với sự cam kết này, liệu Trung Quốc sẽ trả lời được? Từ những gì đang diễn ra ở Tân Cương liên kết với những gì diễn ra trên Biển Đông trong thời gian gần đây, việc Trung Quốc đưa ra các câu trả lời có sức thuyết phục thật không dễ. Hơn nữa Trung Quốc hiện nay đang có lực lượng quân sự - bao gồm cả hải quân – mạnh nhất tại Biển Đông, mạnh áp đảo so với toàn bộ lực lượng của tất cả các nước trong vùng cộng lại. Mặc dù đang trong thời bình ngân sách quốc phòng Trung Quốc vẫn liên tục tăng mạnh. Riêng trên Biển Đông, Việt Nam đã có kinh nghiệm năm 1988, sau đó Philippines đã có kinh nghiệm năm 1995 về tiềm năng quân sự của Trung Quốc...

Trong khi chưa có các câu trả lời rõ ràng và thuyết phục mà thiện chí trên thế giới mong đợi, điều rõ hơn là Trung Quốc sắp tới sẽ có ảnh hưởng chi phối ngày càng lớn đối với thế giới. Sự thật rõ ràng này lại đặt ra những câu hỏi mới.

Dù sao, liên quan đến tốc độ cũng phải nói: Trung Quốc vừa qua đã “đi lên” rất nhanh, trong đó có nguyên nhân Mỹ “đi xuống” rất nhanh. Ở Mỹ hiện nay có không ít ý kiến mổ xẻ hiện tượng “cuộc chay đua Mỹ - Trung” – xin tạm gọi như vậy -  đang diễn ra này. Câu chuyện ngụ ngôn ngày xưa về cuộc chạy thi giữa thỏ và rùa gợi lên nhiều băn khoăn cho ngày nay.

Hiện tượng “tốc độ” như vậy rất nhạy cảm với Biển Đông, vì hiện tượng này kích thích xu thế lưỡng cực tại đây. Trong bối cảnh đi xuống của Mỹ, xu thế này nói lên điều gì? Liệu có xuất hiện tình huống các nước nhỏ trong khu vực Biển Đông có thể lại rơi vào thế trở tay không kịp chăng? Như vậy Biển Đông có thể kém ổn định hơn trước về một số phương diện nào đó? Báo chí Trung Quốc có không ít tiếng nói cho rằng hiện nay là thời cơ tốt nhất đánh chiếm thêm một số đảo trên Biển Đông. Tiếng nói cực đoan hơn thì cho đây là cơ hội vàng của Trung Quốc “giải quyết” dứt điểm vấn đề Biển Đông! Trong khi đó Trung Quốc gần đây tiếp tục chính thức khẳng định yêu sách vùng “lưỡi bò”!

 

IV.  Phát triển hòa bình và siêu cường

   
Là bậc thầy của sự lắt léo trong ngôn ngữ ngoại giao, mấy năm gần đây lãnh đạo Trung Quốc đã thay cụm từ trỗi dậy hòa bình bằng cụm từ phát triển hòa bình để nói về chiến lược của mình. Việc thay đổi cách diễn đạt như vậy nhằm xoa dịu lo ngại của nhiều người trên thế giới, trước hết của các nước láng giềng. Tuy vậy, siêu cường đang hình thành Trung Quốc hiện là một trong những đề tài thời sự nóng bỏng trên thế giới và trong khu vực Đông Nam Á.

Chắc chắn vẫn còn một khoảng cách khá xa giữa siêu cường đang hình thành là Trung Quốc và siêu cường đang tồn tại là Mỹ. Có không ít ý kiến cho rằng vì những giá trị riêng của Trung Quốc, vì Trung Quốc là nước của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, v.v... nên rất khó cho Trung Quốc có thể giành lấy vai trò lãnh đạo thế giới. Hơn nữa dân chủ là xu thế ngày càng mạnh ở mọi quốc gia – kể cả ở Mỹ. Song dân chủ lại là gót chân Achile của Trung Quốc, và có lẽ chính điều này – chứ không phải khoảng cách phát triển so với Mỹ – đang loại trừ hay là ít nhất đẩy lùi ra xa khả năng xuất hiện một Pax Sinica. Vả lại, nếu Pax Americana chỉ là chuyện không tưởng, thì làm sao có được Pax Sinica. Thế giới ngày nay quá chật, quá nhiều vấn đề chung của toàn thể cộng đồng quốc tế, nhân loại ngày càng có nhiều giá trị chung có lẽ đến mức không còn chỗ cho bất kỳ một đế chế nào.

Tuy nhiên với nghĩa nào đó, thế giới trong thế kỷ 21 này đang có siêu cường 1, siêu cường 2, siêu cường 3... với nhiều điều phiền toái mới. Ngay ở Mỹ đã xuất hiện câu hỏi: Liệu thế giới có quay lại thời kỳ chiến tranh lạnh? Liệu nước Mỹ có trở lại chủ nghĩa bảo thủ?..  

Hiển nhiên Biển Đông tiềm tàng xu thế lưỡng cực. Vì thế dễ hiểu: Người dân các nước trong khu vực Biển Đông nhìn cục diện thế giới mới đang hình thành này với con mắt có lẽ cảnh giác hơn so với nhiều nơi khác trên thế giới.

Điều cần lưu ý là các nước trong khu vực Biển Đông là láng giềng của cái công xưởng thế giới. Các nước Biển Đông có nhiều cơ hội làm ăn với cái công xưởng thế giới, đồng thời cũng trực tiếp chịu sức nóng và mọi phế thải khác cái công xưởng thế giới này phả ra chung quanh – từ các sản phẩm kém chất lượng, hàng nhập lậu, đến những tác động của quyền lực mềm... Lịch sử cái công xưởng thế giới này kể từ khi thai nghén và ra đời có nhiều sự kiện cho thấy nó đã trải qua những thời kỳ phát triển với bất cứ giá nào – từ cách mạng văn hóa, đến Thiên An Môn, Tây Tạng, Tân Cương, tập trung phát triển miền duyên hải... Lịch sử cái công xưởng thế giới này có không ít các trường hợp nó hành xử theo quan điểm mục tiêu biện  minh cho biện pháp – trong kinh tế bắt đầu từ chuyện “mèo trắng mèo đen”, trong đối ngoại có cuộc chiến tranh 17-02-1979, sự thâm nhập vào châu Phi, châu Mỹ Latinh.., và nhiều ví dụ khác nữa...

Một điều đáng lưu ý khác: Năm này qua năm khác có không ít các đánh giá, các dự báo về nguy cơ khủng hoảng hay thậm chí sụp đổ của nền kinh tế Trung Quốc. Những đánh giá hay dự báo này lúc thì viện dẫn hệ thống ngân hàng Trung Quốc yếu kém, lúc thì nêu lên những căng thẳng ở nông thôn, tình trạng ô nhiễm môi trường, lúc thì nêu ra tình trạng quan liêu tham nhũng, nguy cơ phân hóa và nguy cơ phân rã... Cho dù những đánh giá hay dự báo này có nhiều dữ liệu làm căn cứ, song hầu như đã bỏ qua một thực tế: Về nhiều mặt Trung Quốc còn là một thế giới của chính nó, nghĩa là Trung Quốc có nhiều khả năng độc đoán tập trung nguồn lực và sức mạnh để giải quyết một vấn đề cấp bách nào đó khi cần thiết. Khả năng này của Trung Quốc lớn hơn so với nhiều nước khác. Thực tế này giải thích tại sao khi cần thiết Trung Quốc có thể, dám thực thi và thực thi được những biện pháp rất cực đoan như đã biết, mặc dù nội trị Trung Quốc đang tồn tại nhiều vấn đề nan giải. Thực tế này  cũng giải thích tại sao bất chấp các đánh giá, các dự báo bi quan như thế cái công xưởng thế giới này vẫn đang tiếp tục hành trình của nó trên đường trở thành một siêu cường – mặc dù nó có đến đích được hay không, đến như thế nào vẫn là câu chuyện ở phía trước.

Song trước sau vẫn xin nhấn mạnh: cái thế giới Trung Quốc này vẫn cần thế giới nếu không hơn thì cũng không kém các cường quốc khác. Thế giới cũng thừa nhận Trung Quốc có vai trò của một cường quốc đang lên ngày càng quan trọng trên mọi lĩnh vực trong đời sống của trái đất này. Trung Quốc có khả năng lớn và trách nhiệm lớn góp phần mình vào những vấn đề có liên quan đến hòa bình, an ninh và phát triển của thế giới. Trên thực tế, mặc dù có thực tâm hay không hoặc vì một lợi ích riêng nào đó, Trung Quốc đã cùng với cộng đồng quốc tế làm nhiều việc trong những vấn đề chung như chống khủng bố, vấn đề vũ khí nguyên tử của Bắc Triều Tiên, hợp tác trong chống khủng hoảng kinh tế thế giới... 

Trung Quốc hiện nay vẫn chủ trương tiếp tục tích lũy sức mạnh, tránh đụng độ, ra sức tăng cường ảnh hưởng của mình. Nhìn chung, Trung Quốc tranh thủ hòa bình để tạo thuận lợi cho sự phát triển của chính mình, tiếp tục tìm kiếm hợp tác, đồng thời tạo cơ hội mở rộng quyền lực mềm như đang diễn ra ở khắp các châu lục. Trên nhiều phương diện, Trung Quốc biết mình còn nhiều điểm yếu nên tiếp tục giấu mình, chưa vội tranh giành vai trò lãnh đạo thế giới.

Nói ngắn gọn: Trung Quốc vẫn còn trong giai đoạn cần thời gian để mạnh thêm, để các đối thủ của mình tiếp tục yếu đi. Song đi liền với cách tiếp cận hòa bình bình này, thường xuyên là các bước đi “nóng” (hot perfomances) để mở rộng quyền lực “cứng” của mình – nhất là đối với các nước láng giềng, đặc biệt là ở Đông Nam Á – nơi so sánh lực lượng tại chỗ nghiêng hẳn về Trung Quốc. Điều kiện để có những “bước đi nóng” là khi xuất hiện các cơ hội cho phép; giới hạn của những “bước đi nóng” là củng cố và không được phá vỡ mục tiêu trở thành siêu cường của Trung Quốc. Nhiều thập kỷ nay cho thấy Trung Quốc là bậc thầy của cách tiếp cận nhiều chiều như vậy đối với thế giới đương đại, thu hoạch được những kết quả ngày càng lớn. Thực tế này ngày càng thách thức tất cả các đối thủ của Trung Quốc, đồng thời uy hiếp nghiêm trọng các nước nhỏ chung quanh.

Bình luận trên nhật báo Giải phóng quân Nhân dân (Trung Quốc) ngày 12-03-2009, đại tá Giải phóng quân Trung Quốc Hoàng Thôn Luận (một nhà báo có tên tuổi) viết:

“...Quyền lợi quốc gia của Trung Quốc vượt xa ra ngoài biên cương lãnh thổ, vùng trời, vùng biển của Trung Quốc, bao gồm cả các vùng đại dương bao la nơi các tàu chở dầu của Trung Quốc qua lại, cũng như không gian vũ trụ… Quyền lợi quốc gia Trung Quốc mở rộng đến đâu, sứ mệnh của lực lượng vũ trang của chúng ta (Trung Quốc) được mở rộng đến đấy!.. Đứng trước nhiệm vụ lịch sử mới, lực lượng vũ trang của chúng ta (Trung Quốc) không chỉ bảo vệ biên giới lãnh thổ, mà còn phải bảo vệ biên giới quyền lợi quốc gia của chúng ta.” [1]

Người dân trong khu vực Biển Đông rất quan tâm đến những hiện tượng đã xảy ra trong khu vực của mình và được khái quát lại thành quan điểm nêu trong phát ngôn này: Người dân khu vực Biển Đông không muốn biển của mình nổi sóng!

 

V. Đi tới một Biển Đông hòa bình  

       
Đông Nam Á hiện nay là khu vực kinh tế phát triển năng động trong bối cảnh chung của sự phát triển năng động toàn châu Á. Các nước ASEAN – trong đó có Việt Nam – ý thức sâu sắc điều này.  

Mặc dù còn rất nhiều việc phải làm, mặc dù còn xa cái đích trở thành một cộng đồng kinh tế hoàn chỉnh, song đã có nhiều nỗ lực của các nước thành viên làm cho ASEAN ngày nay trở thành một thực thể, một tổ chức có vị thế kinh tế, chính trị ngày càng cao trong cộng đồng quốc tế. ASEAN ngày nay đang mang lại cho các nước thành viên của mình những điều kiện không thể thiếu cho sự nghiệp phát triển của mỗi nước, do đó sự hợp tác mọi mặt giữa các nước thành viên ngày càng gia tăng. Trên thực tế ASEAN đã trở thành một trong các yếu tố quyết định gìn giữ hòa bình và an ninh cho tất cả các nước thành viên và toàn khu vực. Chính thực tế này đang ngày càng nâng cao và hoàn thiện tính cộng đồng của tổ chức này.

 ASEAN với tính cách như vậy trở thành một đối tác quan trọng của của tất cả các tổ chức kinh tế, chính trị, văn hóa ở phạm vi quốc tế và các khu vực và với nhiều nước trên thế giới - đặc biệt là với tất cả các cường quốc và các nền kinh tế lớn. Các diễn đàn của ASEAN như ARF, ASEAN + 3, ASEAN + 1 (trong đó có Trung Quốc).., các hình thức hợp tác kinh tế, chính trị, văn hóa đang diễn ra với tất cả những đối tác này trở thành yếu tố không thể thiếu cho hòa bình, phát triển và an ninh của khu vực và góp phần quan trọng vào hòa bình, hợp tác và phát triển của thế giới nói chung. 

Đặc biệt trong những năm gần đây có nhiều nỗ lực lớn của tất cả các quốc gia liên quan đẩy mạnh hợp tác trong các khung khổ ASEAN + 3, ASEAN + 1. vân... vân... Đang có nhiều nỗ lực hướng sự hợp tác này đi tới một dạng cộng đồng kinh tế nào đó bao gồm các nước ASEAN và các nền kinh tế quan trọng trong khu vực. Đơn giản là sự phát triển năng động của châu Á nói chung và đòi hỏi mở rộng quan hệ hợp tác của từng nước riêng lẻ đặt ra yêu cầu này. Tình hình hiện nay có thể cho phép kết luận: Sự phát triển này càng mạnh, sẽ càng có nhiều khả năng củng cố hòa bình và an ninh trong khu vực; khả năng nổi sóng trên Biển Đông sẽ khó hơn hay bị đẩy lùi.

 Còn nhiều trở ngại lớn trên con đường hoàn thiện cộng đồng ASEAN vì lợi ích của chính mình và vì đòi hỏi hợp tác với thế giới bên ngoài. Trước hết phải kể đến tình trạng phát triển không đồng đều của các nền kinh tế các nước thành viên, vì tính đồng dạng của các nền kinh tế này (do đó khó liên kết bổ sung cho nhau), và một vài nước thành viên còn có một số vấn đề nội trị. Trở ngại lớn nhất của các nước ASEAN không phải là cái nghèo và khoảng cách phát triển lớn so với thế giới bên ngoài (ngoại trừ Singapore là trường hợp đặc biệt), mà là khả năng khắc phục những yếu kém còn nhiều mặt hạn chế - do nhiều yếu tố lịch sử và văn hóa của những nước này.  

Nói thẳng thắn, ý chí mạnh mẽ của các nước thành viên ASEAN trở thành một cộng đồng mạnh còn là điều đáng mong muốn. Đặc biệt ở nhiều nước ASEAN kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự còn ở mức thấp, có nơi rất thấp, có nơi những khái niệm này còn là điều xa lạ. Tình trạng này là nguyên nhân dẫn tới thiếu, vắng dân chủ, kìm hãm nghiêm trọng những quốc gia này trên con đường phát triển của mình.  Chính tình trạng lạc hậu này cùng với tệ nạn tham nhũng, đồng minh với  sự can thiệp và lũng đoạn từ bên ngoài, đang là kẻ thù nguy hiểm của sự phát triển trong số đông các nước ASEAN. Song cái khó nhất là dân chủ chỉ có thể là kết quả của phát triển, chứ không phải của áp đặt!  

Tuy nhiên, có thể khẳng định sự thống nhất ý chí của các nước thành viên ASEAN vì một cộng đồng hoàn chỉnh ngày càng cao. Đây là điều cần được các nước thành viên nuôi dưỡng, cổ vũ. Hiện tại và trong tương lai ý chí thống nhất này mới là yếu tố quyết định. Thế giới đang có một ASEAN ngày càng tự tin hơn, có ý chí dựa vào chính mình nhiều hơn.  Cục diện thế giới thế kỷ 21 cũng đang đòi hỏi phải có một ASEAN là đối tác có trọng lượng quan trọng trong khu vực của mình cũng như trong hội nhập toàn cầu.

ASEAN có trong tay mình các phương tiện để duy trì hòa bình cho Biển Đông, hy vọng  ASEAN biết vận dụng chúng một cách hữu hiệu. Sự hợp tác của thế giới bên ngoài với ASEAN cho một Biển Đông của hòa bình có ý nghĩa rất quan trọng.  

Kết thúc tham luận, xin lưu ý:

Nhìn vào bức tranh thế giới toàn cảnh trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, chúng ta thấy: Trung quốc tiến, phương Tây lùi (trước hết là Mỹ); trong không gian giữa 2 thế lực đối cực này  lực hút của chúng tác động quyết liệt vào thế giới còn lại với tất cả sự cọ xát, giằng xé và bạo lực. Những tranh chấp tại Biển Đông tự nó đã đủ phức tạp và đang trở nên nhạy cảm hơn trong bối cảnh quốc tế hiện tại (in the present international constellation). Đừng quên rằng khát vọng của loài người ngày nay là hòa bình, phát triển bền vững, về tự do, dân chủ, quyền con người, về bảo vệ môi trường. Quan niệm cho rằng trái đất là ngôi nhà chung của thế giới đang trở thành những nhận thức có giá trị, ngày càng trở nên sâu sắc và phổ cập.

Đấy là thách thức mỉa mai của lịch sử?

 

Tháng 11, 2009

Nguyễn Trung

Nguồn: Thời đại mới, số 17, tháng 11.2009

 
Chú thích


[1] Xem Willy Lam (2009) 

 

Tài liệu tham khảo

1.  William Inboden, 2009, “What Is Power? And how much of it does America have?”, American Interest, tháng 11-12.
http://www.the-american-interest.com/article.cfm?piece=690

2. Robert Kagan, 2003, Of Paradise and Power – America and Europe in the new World Order”, New York: Alfred A. Knopf.

3. Willy Lam, 2009, China's quasi-superpower diplomacy: Prospects and pitfalls, Washington D.C.: The Jamestown Foundation

4. Lê Minh Nghĩa, 2007, “Những vấn đề về chủ quyền lãnh thổ giữa Việt Nam và các nước láng giềng”, Thời Đại Mới, số 12.  http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai12/200712_LeMinhNghia.htm

5. Khadija Sharife, 2009, “China's New Colonialism”. Foreign Policy, tháng 9
http://www.foreignpolicy.com/articles/2009/09/25/chinas_new_colonialism 

6. Robert Sutter: “The Obama administration and US Policy in Asia” http://www.amazon.com/Obama-administration-policy-President-Barack/dp/B002PYOMMQ


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us