Bộ sưu tập áo dài xưa
Bộ Sưu Tập Áo Dài Xưa
Thái Kim Lan
LTS
- Từ
ngày 16 đến ngày 30 tháng 1 năm 2015, Viện Goethe Việt Nam (Hà Nội) đã
tổ chức sự kiện văn hóa MÀU VÀ̀NG LỒ̀NG LỘNG CHẢY TRÀN LÁ XANH (DAS
PRACHTVOLLE GELB LÄUFT ÜBER BLASSE BLÄTTER), triển lãm bộ sưu tập áo
dài xưa của Thái Kim Lan với nghệ thuật sắp đặt đa phương tiện của
Veronika Witte. Diễn Đàn xin đăng dưới đây bài giới thiệu của Thái Kim
Lan.
Bộ sưu tập áo dài xưa của tôi nhìn chung là một bộ sưu tập khiêm tốn, nó chỉ gồm có 12 thứ, lại không phải là một bộ sưu tập tầm cỡ với đại bào, triều phục cung đình thuộc các viện bảo tàng trong nước, sau nữa nó được một người thường dân lưu giữ, theo nếp gia đình Việt Nam, một thường dân như mọi thường dân trong thành phố Huế trọn thế kỷ 20. Nó là một bộ sưu tập đời thường, gồm y áo của người xưa, như người xưa đã mặc, từ bà mẹ của vua, ông vua cho đến các bà mệnh phụ, phu nhân theo lối cư xử hàng ngày cho nên gọi nó là bộ sưu tập đời thường. Như vua Khải Định thường mặc áo dài khi ngồi đọc sách, như bà cung nữ xưa vẫn mặc áo dài khi đi ngủ, như người bán rong trên đường, ai cũng mặc áo dài khi đi ra khỏi nhà vài bước, dù chỉ ra vườn. Vua, người định phong tục, người hầu, kẻ tuân theo phong tục, đều nghĩ rằng vận áo dài có nghĩa bày tỏ sự kính trọng đối với người chung quanh, với không gian sống, ngay cả đối với thánh hiền trong kinh sách.
Đối với tôi, bộ sưu tập này được xem như là vết cắt một mảng đời 100 năm áo dài Việt Nam nói chung và áo dài Huế nói riêng. Bắc thì có áo tứ thân, Nam thì có áo bà ba, Huế thì có áo dài. Chiếc áo dài xuất thân từ Huế, bắt đầu với triều Nguyễn, trở nên quốc phục của người Việt cả nam lẫn nữ, từ hơn một thế kỷ, qua bao đổi thay cho đến bây giờ. Những chiếc áo dài thời Nguyễn thường được gọi là Áo Dài Huế Xưa, như bà Từ Cung, người kế thừa những vị vua chế định áo dài, đã gọi như thế khi ban cho mẹ tôi hai cái ÁO XƯA của bà.
Gọi là ÁO DÀI XƯA trước hết vì chúng nằm trong khoảng thời gian giữa thế kỷ 19 và hai mươi, sau nữa XƯA để phân biệt với áo dài cách tân trong thời mới (khoảng 1930), còn gọi là áo dài tân thời do họa sĩ tiên phong của trào lưu cách tân giải phóng Nguyễn Cát Tường vẽ kiểu và quảng bá chiếc áo dài gọn hơn, nhấn mạnh đường nét thân thể và vạt áo dài hơn, người đương thời gọi là áo Cát Tường hay áo Le Mur. Ngoài ra cũng để phân biệt với những chiếc áo hở cổ trần, thắt eo lưng ong, do đạo diễn Thái Thúc Nha phát minh từ 1960, bắt đầu mốt thời trang đa sắc của thời hiện đại.
Bộ sưu tập này gồm các áo Huế từ chốn cố đô ngày trước của Việt Nam.
Một phần những áo này được mẹ tôi chuyển sang cho tôi trong khoảng nửa thập niên 70, sau 1975, những chiếc khác trong khoảng thập niên 80, khi bà sang Đức đoàn tụ gia đình. Có được bộ sưu tập này là do công lao của mẹ tôi. Bà đã giữ vững ý chí của đứa con ở phương xa khẩn thiết yêu cầu : xin Mạ đừng bán những chiếc áo xưa mà giữ lại cho con ! Bởi vì sau 1975, đất nước Việt Nam, trong đó có thành phố Huế, đang trong giai đoạn sau chiến tranh. Khó khăn về kinh tế và ý thức hệ đã ảnh hưởng đến số phận chiếc áo dài, ngay cả chiếc áo dài thường nhật của người dân đều bị xem là biểu hiện của trưởng giả phong kiến, huống hồ là những chiếc áo xưa. Trong khoảng thời gian ấy, rất nhiều gia đình đều tìm cách tống khứ các thứ ấy để rửa sạch dấu vết tư sản. Có gia đình từng quyền quý rất mực đã bán những chiếc áo đại bào quý giá để mua một tô bún bò cho con cháu đói ăn hay mua một vỉ thuốc chữa cảm. Hoàn cảnh của Mẹ tôi đã không khác, nếu không có sự kêu nài của đứa con ở phương xa. Bù lại tôi nhịn tiền học bổng từ nước Đức gửi về cho Mẹ, để Mẹ có một chút phương tiện sống còn mà lưu giữ cho tôi những chiếc áo xưa.
Như thế nếu không có Mẹ tôi và nước Đức, có lẽ bộ sưu tập này không được hiện hữu, bởi vì biết đâu, nếu chính mình trải qua thời gian khốn khổ ấy trong nước, tôi đã không như các bạn của tôi đem bán quách để sống qua ngàyý ? Mặc nhiên, nước Đức mà tôi đến du học đã góp một phần không nhỏ cho việc lưu giữ bộ sưu tập này. Tôi cám ơn nước Đức đã tạo cho tôi phương tiện nhất định ấy, phương tiện cho một người Việt ở nước ngoài có cơ hội giữ gìn một chút di sản của người xưa. Tuy nhiên việc ở nước ngoài có thể là một duyên tình cờ, nhân duyên chính nằm ở điều mà tôi gọi bộ sưu tập là của một người thường dân, của một công dân bình thường, công dân nước Việt Nam hay công dân nước Đức, chính cái tinh thần công dân ấy đã giúp tôi tính nhạy cảm về khung sống đời người, bao gồm văn hóa, kinh tế, xã hội, môi trường v.v...
Khi rời Việt Nam sang Đức du học (1965), chiếc áo dài tôi mang theo đơn giản là trang phục phụ nữ Việt Nam, mang nó tôi không suy nghĩ gì hơn ngoài điều, nó là chiếc áo tôi mang từ thuở thiếu thời. Đến Đức, chiếc áo bỗng có một vai trò đại diện khác : nó làm nên vóc dáng người Việt. Cảm nghiệm lúc ấy là cảm nghiệm về bản sắc, một thứ đồng nhất tính văn hóa. Thế rồi đổi sang tây phục mười mấy năm trường, nhưng chiếc áo dài vẫn còn y nguyên trong tâm thức là bản sắc Việt, và khi nó được xuất hiện giữa đám đông xa lạ, nó trở nên dấu ấn tự tin cho ta nhận diện mình là người Việt. Chính cái nhìn của người Đức cho tôi cảm nghiệm sâu xa hơn – dĩ nhiên không phải chỉ từ chiếc áo dài nhưng cũng chính từ nó – về phẩm chất khác biệt, về đa văn hóa, về nhân cách tư riêng, về tính tự chủ không bị đồng hóa trong cuộc gặp gỡ giữa những con người khác nhau trên trái đất.
Cho nên tôi đã trải qua một cơn sốc văn hóa ngay chính trên quê hương, trong chuyến trở lại Việt Nam lần thứ nhất, chiếc áo dài biến mất, ngay trên đất Huế, nơi nguồn gốc chiếc áo dài xuất thân. Cuộc sục sạo đi tìm những chiếc áo của thời dĩ vãng bắt đầu. Cuộc đi tìm của người trở về có lẽ khác với cuộc tìm bình thường. Trong mắt người trở về, vừa quen vừa lạ, quá khứ trở nên một thế giới mới, rực sáng bất ngờ, trong đó mỗi mẫu áo dính liền với lịch sử mà cũng vừa thoát bổng lên trên để trở thành những hiện vật thẩm mỹ bộc lộ nghệ thuật sống của người đi trước. Không những việc ra kiểu mẫu, chọn chất liệu vải của chủ nhân cho thấy sự sành điệu thẩm mỹ, mà chính người thợ cắt may đã hoàn thành chiếc áo trong một tinh thần quý trọng sự toàn hảo, từ sự chọn lựa thứ vải lót, màu áo lót bên dưới vải chính, tỉ mỉ từng mũi kim khâu, từng hột nút, khuy cài áo, tất cả mang đến ngạc nhiên thú vị bất ngờ. Họ chính là những nghệ sĩ nhẫn nại và vô danh, chỉ duy cái tâm may áo sao cho áo và người mang nó trở thành một hòa điệu nhịp nhàng trong bốn mùa thời gian. Trong thế giới ấy, sống và nghệ thuật sống đang xảy ra. Trân trọng, đam mê của tôi trở nên cầu khẩn, van nài, nhờ mẹ gìn giữ hết lòng. Thật may tôi có mẹ hiểu tôi, và thật may tôi được học ở nước Đức, ở những người bạn Đức sự quý trọng nâng niu cổ vật mà hình thành nên bộ sưu tập đã đến nước Đức trong gia đình từ hơn 30 năm nay.
Có lẽ nó sẽ nằm yên trong bóng tối nếu không có một cú sốc văn hóa lần thứ hai : sau một khoảng thời gian vắng bóng, chiếc áo dài được hồi sinh từ hơn thập niên nay trên đất nước Việt Nam, nhiều nhất trên sân khấu thời trang, cuộc thi hoa hậu, các đại tiệc, trên thị trường may mặc mà khách hàng là người Việt hải ngoại, du khách, người sính diện. Ngày xưa, vua chúa mặc áo dài và thường dân cũng mặc áo dài, tùy theo mà sang hay đơn, bất cứ ở đâu, khi ra khỏi nhà phụ nữ khoác áo dài, o bán bún bò cũng mặc áo dài. Ngày nay áo dài vắng bóng trên đường phố, chỉ dành cho một lớp người, doanh nhân, ca sĩ, người mẫu đi thi hoa hậu, người thường dân hầu như đã quên chiếc áo dài là trang phục của họ, dù vẫn biết đó là trang phục Việt Nam trên sân khấu mà họ nhìn lên ngỡ ngàng như mơ. Chiếc áo dài đang được các nhà tạo mẫu biến tấu đến vô cùng. Thời trang đường phố vẫn tràn ngập mốt phương Tây. Nhưng chiếc áo dài xưa ! Hồn xưa nơi đâu ? Cung cách đồng đẳng trong cái đẹp : thường dân và ngay cả vua chúa cũng như nhau trong một trang phục, bộc lộ tính cách Việt, truyền thống Việt hình như nhạt mờ.
Chính sự lãng quên lịch sử hay vô tri đối với tính đồng thời của cái không đồng thời, để dùng một thuật ngữ hậu hiện đại cho tương quan giữa truyền thống và hiện đại, cho ta thấy sự nghèo nàn hay trống rỗng trong đời sống văn hóa mặc cho giàu sang vạn tỉ. Mỹ thuật hậu hiện đại đòi hỏi phản tỉnh về tương quan đối kháng giữa XƯA và NAY, CŨ và MỚI. Câu hỏi thật cần thiết ngay chính trên lãnh vực thời trang.
Duyên may tôi gặp Bà Ts Meyer-Zöllitsch, Viện trưởng Viện Văn Hóa Đức tại Hà Nội, cuộc chuyện trò đề cập đến thời trang áo dài Việt Nam. Những chiếc áo nằm lâu trong góc trong căn nhà ở München bỗng hiện ra rực rỡ trước mắt người. Với cảm tính nhạy cảm tuyệt vời đối với những bảo vật văn hóa, bà Viện Trưởng sốt sắng tạo điều kiện cho cuộc triển lãm bộ sưu tập áo dài xưa, trong đó những hiện vật truyền thống được trình bày trong một không gian hậu hiện đại, trong chuỗi đối thoại liên chủ thể về tính đồng thời của cái không đồng thời, về thời gian và sáng tạo.
Cuộc triển lãm được đồng ý mang tên “Màu vàng lồng lộng chảy tràn lá xanh” do bà Veronika Witte đề nghị, lấy cảm hứng từ câu thơ trong bài thơ tiếng Đức Die Zeit (thời gian) trong tập thơ tiếng Đức “In einem kälteren Land” (Lạnh hơn xứ mình). Tôi bất ngờ về cảm hứng thi ca của nữ nghệ sĩ sắp đặt đến từ Berlin trong khi bà đắm chìm trong những thao thức thẩm mỹ về áo dài xưa, mà đôi lúc bà nói nhầm là ÁO XẤU trong cuộc phỏng vấn, làm giật mình thoảng chốc. Trong mắt nghệ sĩ của bà, áo dài là một hiện tượng “chảy tràn” của thời gian. Không gian đa truyền thông mà bà tạo dựng nên cho những chiếc áo dài xưa này mang đến một cuộc hồi sinh nghệ thuật – có thể là ảo hóa nếu tôi được phép dùng từ ngữ ấy trong khung cảnh này – cho những chiếc áo dài XƯA, ảo hóa như chính thời gian trong dòng chảy đã làm nên lịch sử vô thường cũng như sáng tạo nên vẻ đẹp lộng lẫy như khoảnh khắc bất tuyệt không thể thiếu của cuộc đời.
Quả thật đây là một cuộc trùng phùng hiếm có : một sinh viên nhận học bổng trao đổi hàn lâm của nước Đức qua Viện Văn Hóa Goethe tròn 50 năm trước (1965-2015), bây giờ có dịp nói lời cám ơn chân thành với một chút vốn liếng văn hóa quê nhà được cất giữ tại nước Đức, nay đem trở về Việt Nam mở đầu cho một cuộc đối thoại mang đầy ý nghĩa nghệ thuật dấn thân, tại Viện Văn Học Đức Goethe Institut ngay chính trên mảnh đất nghìn năm văn vật Hà Nội của Việt Nam.
Thái Kim Lan
ÁO XIÊM
Niên đại : Mẫu áo đặc biệt từ thời Nguyễn sơ (thế kỷ thứ 17), khi việc vận quần chưa được các vua Nguyễn chính thức công bố trong thời kỳ này. Mãi đến năm 1828 vua Minh Mạng (1791-1841) triều Nguyễn mới ra quy định y phục cho đàn bà phải vận quần, đã được người dân ghi nhận như một biến cố hãi hùng : “ Tháng chín có chiếu vua ra, cấm quần không đáy người ta hãi hùng ”. Dù thế chiếc váy lại được giữ lại và là một bộ phận của y phục đại triều cho đến thời Bảo Đại. Áo được gọi là Áo Xiêm, đơn thuần vì gồm áo và váy liền nhau. Đúng hơn phải gọi là áo lót và váy lót cho áo đại triều.
Thời trang và thiết kế : Áo
gồm 2 phần : phần trên là áo không tay bằng vải
quyến được chải mịn bóng màu trắng tự nhiên, cổ
kiềng gài nút giữa, gồm 5 hột nút tròn bằng đồng.
Chiếc xiêm được may đính với áo. Điểm đặc biệt
của y phục này chính là chiếc váy. Tuy mặc dưới áo
rộng triều phục, nó lại được may thêu công phu, có lẽ
vì khi ngồi hoặc đứng phần dưới của váy sẽ được
nhìn thấy.
Chất liệu :
Chất liệu của váy bằng loại gấm
the tơ tằm được thêu bằng tay tuyệt đẹp. Vải lót
bằng lụa tơ màu đỏ. Trên nền vải gấm the màu đỏ
san hô được phủ kín bằng kim thêu những họa tiết
chuyển màu từ đỏ rực đến hồng nhạt thật đẹp mắt
và lộng lẫy, trang trí phụng hoàng bay lượn và bát bửu
phong thuỷ (quạt, hoa sen, giỏ hoa, sáo, gậy trúc, nậm
rượu, giày, kiếm, mây nước). Nét thêu cách điệu sóng
nước và mây nổi ở phần gấu của váy đạt đến
trình độ tuyệt xảo. Căn cứ vào họa tiết chim phụng
có thể cho rằng đây là một chiếc váy dành cho nam giới.
Chiếc áo chiếm một vị trí đặc biệt trong sưu tập và
trong tim người sưu tập do vẻ đẹp độc đáo và hiếm
quý khó có được chiếc thứ hai.
ÁO LONG BÀO
Niên đại : Áo
dài thời Nguyễn (khoảng đầu thế kỷ 20), áo có thêu
rồng năm móng nên gọi là Long Bào, thân rất rộng, tay
rất dài và rộng. Áo dành cho vua hoặc hoàng tử.
Chất liệu vải : Áo được may bằng vải gấm đoạn, tơ tằm cao cấp, màu vàng nghệ sẫm, toàn vải được trang hoàng chi chít các mẫu họa tiết được thêu đầy bằng chỉ vàng và bạc tạo nên một loại áo gấm đặc sắc, huy hoàng hiếm có. Lớp vải lót bằng lụa sa màu thiên thanh.
Thời trang và thiết kế : Áo theo kiểu áo cung đình
thời Nguyễn. Áo gồm 5 thân : tứ thân phụ mẫu và
thân con. Hai thân trước và sau nối liền ở giữa. Thân
con tượng trưng người mang áo, 4 thân trước và sau tương
trưng cho cha mẹ nội ngoại. Năm hột nút tượng trưng
nhân cách con người là : nhân, lễ, nghĩa, trí, tín.
Dù là áo của vua hay hoàng tử, chiếc áo biểu hiện sự
cưu mang cả một thế hệ dòng dõi trên người, từ đó
thể hiện vai trò làm người với mọi người. Áo được
gài khuy ở giữa cổ áo cao 3 cm và 4 hột gài tiếp xuống
bên phải.
Họa tiết : Toàn áo được thêu bằng hình rồng năm
móng, thể hiện uy nghiêm của vua, mình rồng thêu uyển
chuyển mềm mại cùng với các họa tiết khác gồm phong
thủy bát bửu, thêu bằng chỉ vàng, bạc và đồng rất
công phu trên toàn thân áo. Màu sắc của nền áo và các
họa tiết thêu chủ yếu bằng sợi chỉ vàng nên toàn áo
mang sắc vàng lộng lẫy, đúng tính cách đế vương. Căn
cứ vào họa tiết rồng năm móng nên áo được gọi là
Long Bào hay Hoàng bào. Áo thêu rồng chỉ dành cho vua và
hoàng tử, cho nên nhìn áo có thể biết được người
mang áo thuộc dòng dõi hoàng gia.
Kỹ thuật thêu sắc sảo từ đường kim cho đến sợi
chỉ, điều này đã khẳng định được tay nghề của
các nghệ nhân Việt Nam thời xưa. Kiểu dáng họa tiết
trên áo mang một nét đặc trưng riêng của áo dài Việt
Nam khác hẳn với trang phục của người Trung Quốc.
ÁO VUA KHẢI ĐỊNH
Niên đại : Áo
dài thời Nguyễn, khoảng đầu thế kỷ 20, ước chừng
1920. Đây là áo thường phục của vua Khải Định
(1885-1925), như ngài Từ Cung (1890-1980), vợ vua và là mẹ
vua Bảo Đại, cho hay.
Chất liệu : Vải ngoài của áo bằng gấm tơ mềm và
nặng dệt bằng sợi tơ màu vàng hoàng đế. Vải lót áo
bằng lụa tơ nguyên chất màu đỏ hồng ngọc. Sự chọn
vải thượng hạng và hai màu vàng hoàng đế và đỏ hồng
ngọc cho thấy được thị hiếu chuộng xa xỉ của vị
vua nổi tiếng sành điệu về thời trang sang trọng.
Thời trang & thiết kế : Mẫu áo có nguồn gốc từ
thế kỷ 18 trong thời trị vì của chúa Nguyễn Phúc Khoát
(1714-1765) ở miền Nam. Dựa vào kiểu áo Chàm và áo Trung
Quốc, ông ấn định y phục áo dài và quần, không mặc
váy. Tuy nhiên hình dáng áo dài được toàn thiện mãi từ
thời Minh Mạng (1791-1841) cho đến về sau. Chiếc áo dài
này là áo điển hình của thời Nguyễn. Gồm có 2 vạt,
vạt trước và vạt sau, mỗi vạt hai thân may lại với
nhau, vạt thứ năm được may vào thân sau nằm dưới thân
trước. Bởi thế gọi là Áo Dài Ngũ Thân. Áo xẻ từ
hông xuống chân, vạt quá đầu gối. Cổ tròn cao 2 phân
có nút cài ở giữa và bốn nút cài bên phải. Tay áo
rộng và dài thụng. (Về ý nghĩa áo ngũ thân xin xem Áo
Hoàng Thái Hậu Từ Cung). 5 hột nút bằng vàng.
Họa Tiết : Họa tiết cổ điển theo lối phong thủy
bát bửu (quạt, hoa sen, lẳng hoa, sáo, bầu rượu, gậy
kiếm, giày) và những kiểu dáng thư pháp chữ thọ trang
điểm nền vải. Nghệ thuật thêu sắc sảo, tinh tế từng
mũi kim và đường chỉ làm cho các họa tiết trông như
được dệt trên áo. Các chữ thọ được chặn đường
kim tuyến rất đều chứng tỏ tay nghề cao cấp gây sự
ngưỡng mộ. Theo quan niệm truyền thống các họa tiết
sẽ mang đến cho gia chủ vận may về của cải và tinh
thần. Sự kết hợp tạo nên sức mạnh chống các rủi
ro.
Áo được vua mặc khi đọc sách cũng như thăm viếng
trong hoàng gia.
ÁO RỘNG MÀU ĐỎ LỬA LỰU
Niên đại :
Áo dài thời Nguyễn, khoảng đầu thế kỷ 20. Áo
rộng hay còn gọi là Áo Thụng.
Chất liệu : Vải áo bằng lụa tơ tằm cao cấp, mình
vải lụa lương, sợi dệt dày, toàn tơ. Hoa văn dệt trên
áo theo lối ngũ thể. Áo màu đỏ lửa của trái lựu.
Kiểu áo : Áo ngũ thân theo kiểu áo thời Nguyễn, hai
vạt thật rộng, hai tay rộng và rất dài, phủ hai bàn
tay quá 4 tấc, áo gài nút bên tay phải. Áo có hình chữ
T như kiểu áo choàng Nhật Bản. Nút áo thắt bằng lụa
cùng màu. Đường viền tà áo to bản, quý phái.
Họa tiết : Hoa lá được dệt chìm trên lụa lương
ngũ thể của cung đình bằng sợi tơ bóng, tăng chất quý
phái của tấm lụa. Màu đỏ nhuộm tự nhiên thật rực
rỡ.
Áo mặc khoác ngoài chiếc áo chít khi cúng tế, tiếp
khách của các bà mệnh phụ phu nhân thời nhà Nguyễn, và
mỗi lần như thế, cả áo lẫn người mang đều gây ngạc
nhiên và ngưỡng mộ do vẻ lộng lẫy đơn thuần đến
từ lụa mềm và màu đỏ ngây ngất.
KHĂN VÀNH XƯA
Khăn Vành Xưa đi đôi với chiếc áo Mệnh phụ Phu nhân, niên đại đầu thế kỷ 20, triều vua Khải Định – Bảo Đại.
Đây là một phụ kiện không thể thiếu cho áo Mệnh Phụ thời Nguyễn, cho các bà hoàng thái hậu, hoàng hậu, công chúa, công nương, khi có đại lễ ở triều hay khi vào chầu vua và hoàng thái hậu, mặc áo mệnh phụ thì phải chít khăn vành.
Khăn vành vấn nhiều lớp trên đầu là kiểu trang điểm tóc quý phái và đặc thù của triều Nguyễn. Trong nhân gian cũng có vấn khăn nhưng chỉ vấn một lần, như ngoài miền Bắc vấn khăn nâu hay đen. Các bà phu nhân ở Huế ngày lễ thường cũng vấn khăn, chỉ quấn một lần gọi là khăn chít, vải thường là lụa cát, màu cam. Riêng khăn vành màu vàng thì dành cho hoàng hậu. Các hoàng hậu, công chúa, phu nhân thường quấn khăn vành màu xanh khi có lễ lạt trong triều hay khi chầu vua.
Tấm khăn xưa này bằng lụa nhiễu cát, màu xanh nước biển, dài 12 mét, rộng 40 cm gấp 10 lần thành rộng 4 cm, là một kỷ vật hiếm có vì nó đi đôi với áo Mệnh phụ màu xanh ngọc, còn được giữ lại y như xưa, là một hạnh vật hiếm, bởi lẽ trong thời chiến tranh những chiếc khăn dễ bị đánh mất.
ÁO MỆNH PHỤ
Nguồn : Đây là chiếc áo tiêu biểu của thời
Nguyễn, niên đại khoảng 1905, triều Thành Thái
(1889-1907). Áo được nhà vua ban cho các phu nhân của các
quan trong triều được truy nhận là đức hạnh, gọi là
Áo Mệnh Phụ. Đây là kiểu áo rộng khoác ngoài của
cung đình thời Nguyễn với tay rộng và dài, dấu hiệu
của sự quý phái.
Chất liệu : Áo hai lớp, lớp ngoài bằng lụa the
cung đình màu xanh ngọc thạch, trên mình vải những họa
tiết nổi bằng chỉ vàng nhạt những hình tròn loan phụng
bay quanh, toàn áo đính từng chùm 3 hạt kim sa (nay đã rơi
mất nhiều hạt), vải lót trong bằng lụa sa, tơ bóng
nguyên chất, màu xanh ánh trăng, tạo một hòa điệu màu
điệp màu nhã nhặn thanh cao.
Thời trang & Thiết kế : Áo này được gọi là áo
rộng, theo kiểu áo khoác, rất rộng, hai bên xẻ từ
hông, gồm hai vạt bốn thân, vạt trước xẻ giữa, vạt
sau nối sống. Tay rộng và dài tối đa. Cổ áo nhật bình
được viền bằng hai dải lụa satin trắng thêu nổi hoa
văn loan phụng. Khoảng giữa ngực đính một mảnh ngọc
cùng với hai mảnh tròn bằng vàng để cài áo. Nút áo
bằng ngọc thạch. Các lai áo được viền bằng dải lụa
satin màu đỏ thêu hoa văn tinh xảo, đầu hai tay áo rộng
viền 5 đường lụa satin ngũ sắc đỏ, vàng, vàng gạch,
xanh dương, xanh lục, dấu hiệu phẩm trật áo dành cho
công nương, nhất phẩm phu nhân.
Họa tiết : Loan Phụng quây quần hòa minh, dấu hiệu
của hạnh phúc gia đình là họa tiết chính biểu trưng
tính cách chiếc áo của nhất phẩm phu nhân. Cổ nhật
bình được thêu phụng và hoa làm cho chiếc áo rực rỡ
sang trọng đặc biệt. Những đường viền đỏ ở các
lai áo tương phản với màu xanh ngọc nâng chiếc áo thành
một tác phẩm nghệ thuật sinh động và cao quý.
Tính cách : Áo được triều đình nhà Nguyễn ban cho
vị đệ nhất phu nhân, được truy tặng vì đức hạnh
gương mẫu của người phụ nữ trong gia đình. Đây là
một di bảo của gia đình bà cô họ Thái (1872-1960), chánh
thất của Thượng Thư Nguyễn Trừng (1857- 1905) dưới
triều vua Thành Thái.
ÁO MỆNH PHỤ CÔNG NƯƠNG
Nguồn : Áo cung đình thời Nguyễn, khoảng dưới
triều Thành Thái (1889-1907). Áo được gọi là Áo Mệnh
Phụ dành cho các công chúa, quận chúa, phu nhân trong
triều. Áo rộng tay dài dấu hiệu của quý tộc.
Chất liệu : Áo gồm 2 lớp. Vải chính bằng loại
the lụa cao cấp, màu nâu dưới lót vải lụa vân màu
vàng cam, tạo nên vẻ lóng lánh hai màu. Những họa tiết
được thêu bằng chỉ ngũ sắc trên toàn thân vải tạo
nên một phẩm vật sang quý độc nhất vô nhị và là một
cổ vật hiếm quý còn được giữ lại.
Thời trang & Thiết kế : Áo này được gọi là áo
rộng, theo kiểu áo khoác, rất rộng, hai bên xẻ từ
hông, gồm hai vạt bốn thân, vạt trước xẻ giữa, vạt
sau nối sống. Tay rộng và dài tối đa. Cổ áo nhật bình
được viền bằng hai dải lụa satin trắng thêu nổi hoa
văn loan phụng. Khoảng giữa ngực đính một mảnh ngọc
cùng với hai mảnh tròn bằng vàng để cài áo. Nút áo
bằng ngọc thạch.
Họa tiết : Theo lối phong thủy Bát Bửu gồm 8 món
bửu bối (quạt, dép, bầu rượu, giỏ hoa, bông sen, gậy,
ống tiêu, thanh gươm) của 8 vị tiên theo truyền thuyết
Trung Hoa, rất được nghệ nhân thời trước yêu chuộng
dùng để trang trí vải vóc, bàn ghế. Bát bửu tượng
trưng cho sự may mắn, kết hợp với phụng bay mềm mại,
uyển chuyển, biểu hiện của hạnh phúc gia đình
Màu sắc tuy rực rỡ nhưng tiết chế hài hòa, trang nhã,
không phô trương lòe loẹt trên nền vải lưới màu đà
kết hợp với đường viền màu vàng nhạt cùng với họa
tiết làm tôn lên vẻ sang trọng cho bậc hoàng hậu, hoàng
phi, công nương.
ÁO GẤM XANH RÊU
Nguồn : Áo dài thời Nguyễn. Khoảng đầu thế kỷ
20. Loại áo cung đình hoàng tộc.
Vải : Áo gồm hai lớp : vải ngoài bằng gấm tơ
satin thượng hạng, màu xanh rêu, trên nền được dệt
nổi bằng chỉ kim tuyến, những họa tiết lấy từ những
mẫu phong thủy bát bửu, màu sắc vui tươi sang trọng.
Vải lót bằng lụa vân tơ cao cấp, màu hổ phách (vàng
cam). Vải này được cung tiến vào cung rồi sau đó được
bà Từ Cung ban vào dịp Tết để các bà Phi Tần may áo.
Kiểu áo : Áo được thiết kế theo áo dài thời
Nguyễn, gồm 5 thân : tứ thân phụ mẫu và thân con
ngắn hơn vạt chính, có giây vải thắt với vạt chính
bên trong. Áo còn gọi là áo chít, thân và tay áo hẹp,
sát người, tuy nó vẫn rộng phủ kín ngực và thân. Theo
phong cách ngày xưa không được để lộ bộ ngực và eo
của thân hình, nhưng áo được cắt thong thả, tôn vinh
được dáng dấp quý phái đầy nữ tính của người đẹp.
Tay dài và hẹp. Cổ thấp, nút san hô đỏ (nay chỉ còn
ba hột).
Họa tiết : Cách điệu lối phong thủy Bát Bửu, phúc
lộc, thọ, hoa lá, cá, biểu tượng vũ trụ và nhân sinh
ngũ sắc linh động trên nền xanh rêu đằm thắm, thu hút
sức nhìn không chán. Những họa tiết này nói lên lời
chúc phúc đem lại may mắn, quyền quý, hạnh phúc và niềm
vui.
Áo này được bà Phi Tần mang trong sinh hoạt lễ lượt
như lễ Tết, tiếp khách, thăm viếng. Một phụ nữ đẹp,
cao sang và khiêm cung, theo phong cách Huế. Theo đó sự cung
kính với người trên và hòa thuận với người dưới
được thực hành nghiêm túc, tuy nhiên sự khổ hạnh cũng
như mưa mùa đông làm nổi bật nét ngọc thanh thoát nơi
bà.
ÁO DÀI HOÀNG THÁI HẬU
Niên đại :
Khoảng đầu thế kỷ 20.
Chất liệu : Lớp
áo ngoài : Gấm cung đình, dệt bằng chỉ vàng tơ
thượng hạng, mình cứng và nặng. Màu : vàng hoàng
hậu. Vải áo lót bằng lụa vân hảo hạng, màu đỏ san
hô. Hai loại gấm vàng và lụa đỏ hòa điệu làm chiếc
áo lộng lẫy và sang quý.
Họa tiết trên vải : Họa tiết mẫu chữ thọ được dệt bằng chỉ vàng trên vải thành từng hàng nằm giữa hai hàng họa tiết chữ “ phước ” viết thảo màu xanh dương và màu đỏ, màu sắc đỏ xanh vàng lóng lánh làm cho gấm đã sang lại còn quý hơn. Họa tiết thọ, phúc rất được vua quan đời trước ưa chuộng dùng để trang trí nhà cửa đồ dùng, áo vải.
Thời trang & Thiết
kế : Đây là chiếc áo dài thời
Nguyễn. Chiếc áo này gọi là áo ngũ thân (khác với áo
tứ thân ngoài Bắc và áo ngắn trong Nam), che kín thân
mình, rộng ở ngực và thong thả không chít eo. Một thợ
giỏi cắt và may úp tà khi đứng, chỉ lộ phần quần
phía dưới áo. Áo có 5 hột nút gài ở giữa cổ và gài
bên hông. Cổ áo tròn, cao khoảng 2 cm, hai tay dài và hẹp
ôm cánh tay. Áo dài quá đầu gối một tấc. Áo gồm năm
thân, hai vạt trước và sau, mỗi vạt có hai thân nối
với nhau ở giữa gọi là sống áo, thân thứ năm là vạt
nằm bên trong thân trước, phía cài nút áo, nối với hai
vạt nhờ vành đệm bên dưới của cổ áo gọi là bâu
cổ, thân này gọi là thân con, còn bốn thân của hai vạt
áo tượng trưng bốn phía mẹ cha, tứ thân phụ mẫu. 5
hột nút tượng trưng cho 5 đức tính trong đạo làm
người: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Mặc một chiếc áo
theo quan niệm xưa, là mang trên mình bổn phận làm người.
Phụ kiện trên áo :
Cổ, tay áo, lai áo đều được chạy đường chỉ bạc.
Năm hột nút bằng vàng là thứ trang sức chiếc áo, làm
tăng vẻ toàn bích, nói lên phú quý vẹn toàn. Nút áo
càng sang quý là điểm nổi bậc của một chiếc áo ngoài
loại vải hiếm quý.
Áo này do Đức Từ Cung ban riêng cho mẹ
tôi, bảo để khen thưởng đức hy sinh thờ chồng nuôi
con khôn lớn, trọn đạo làm dâu con trong gia đình. Nhìn
áo như thấy người, phẩm cách cao quý của Ngài Từ Cung
suốt đời xả thân phụng sự cho tổ tiên triều Nguyễn,
nuôi dưỡng giềng mối đạo đức cho giống nòi, mặc dù
sống trong nhung lụa nhưng vẫn ăn chay niệm Phật, thờ
cúng tổ tiên.
ÁO DÀI LỤA VÂN XANH
Niên đại : Áo dài thời Nguyễn (khoảng đầu thế kỷ 20), gọi là áo ngũ thể hay ngũ thân.
Chất liệu : Áo gồm 2 lớp, lớp ngoài bằng lụa sợi tơ cao cấp dệt hoa, gọi là lụa vân cung đình, màu xanh thiên thanh, lớp trong cũng bằng vải lụa cao cấp, màu hồng phấn. Cổ áo thấp, tay dài và ôm sát cánh tay. Nút áo làm bằng đồng mạ vàng. Áo này của bà Phi Tần trong gia tộc hoàng phái để lại.
Thời trang & Thiết
kế : Mẫu áo điển hình của thời trang thời
Nguyễn, có nghĩa rộng thong thả, không chít eo. Áo gồm 5
thân : tứ thân phụ mẫu và thân con, vạt rộng không
chít eo, thân con của áo còn nguyên vẹn. Thân con tượng
trưng người mang áo, 4 thân trước và sau tượng trưng
cho cha mẹ nội ngoại. Chiếc áo biểu hiện sự cưu mang
cả một thế hệ dòng dõi trên người, từ đó làm người
với các đức tính nhân lễ nghĩa trí tín, mà 5 hột nút
tượng trưng.
Họa tiết :
là những chùm lá hoa được dệt bằng lụa bóng hơn mặt
vải, còn gọi là lụa hoa.
Chất lụa và màu sắc của vải bằng tơ mềm mại, màu
xanh bất tuyệt làm cho chiếc áo sáng rực trên người
phụ nữ cao quý của hoàng gia mà tôi đã gặp khi bà đứng
tuổi nhưng vẫn giữ nét thanh nhã quý phái.
ÁO DÀI GẤM THE
Nguồn : Áo dài
cung đình thời Nguyễn, khoảng đầu thế kỷ 20. Áo được
gọi là áo chít, vì hẹp hơn áo rộng.
Chất liệu : Áo gồm hai lớp vải. Lớp vải ngoài bằng gấm the, tơ thuần chất, màu nâu đen, áo lót được làm bằng lụa vân màu đỏ son, long lanh dưới vải the sưa tạo nên sắc nâu đỏ ẩn hiện,
Họa tiết bằng chỉ bạc trên nền the ẩn
hiện màu lụa đỏ đầy tính cách quý tộc.
Thời trang & thiết kế : Thân áo gọn, kiểu áo tứ thân phụ mẫu và thân con phía trong, từ cổ xuống được cắt thong thả không chít eo. Phần dưới vạt rộng, dài quá gối. Tay áo chật và dài, khi mặc dáng người thong thả, thanh cảnh. 5 hột nút bằng vàng làm tôn vẻ sang quý.
Họa tiết : Trên
thân áo được trang trí bằng những vòng càn khôn nhật
nguyệt bằng chỉ bạc, lóng lánh nổi trên nền nâu đỏ.
Những họa tiết này chỉ dùng cho bậc cao sang quyền quý.
Biểu tượng nhật nguyệt và phúc mang đến cao sang và
hạnh phúc.
Tính cách : Áo
này là di bảo của bà ngoại, Chánh thất phu nhân quan
Lãnh binh Tôn Thất Bích (1888-1959), một phụ nữ hiền
lành và đức độ khoan dung đối với mọi người trong
gia tộc cũng như ngoài xã hội.
Các thao tác trên Tài liệu