Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Bô-xít Tây Nguyên : Những vấn đề tồn tại một năm sau

Bô-xít Tây Nguyên : Những vấn đề tồn tại một năm sau

- Đặng Đình Cung — published 12/11/2010 18:34, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18


Khai thác bô–xít Tây Nguyên : Những vấn đề tồn tại một năm sau



ĐẶNG Đình Cung

Kỹ sư tư vấn





Theo quy trình cải thiện liên tục PDCA (Plan Do Check Act, Bố trí – Thực hiện – Kiểm điểm và Kiểm thảo – Hành động) (1) thì bây giờ, hơn một năm sau khi chính phủ quyết định tiếp tục dự án khai thác bô–xít Tây Nguyên, chúng ta cần rà xét lại tính khả thi kỹ thuật và kinh tế của dự án này, rút kinh nghiệm diễn tiến dự án và quyết định tiếp tục, chỉnh đốn hay dừng dự án. Tai nạn bùn thải ở Hungary và, gần đây, ở Cao Bằng (2) là những dịp để chúng ta tiến hành việc rà xét này.

Trong bài này chúng tôi xin rà xét vấn đề an toàn và môi trường, hiệu quả kinh tế và chiến lược kinh doanh. Một quy trình rà xét dự án bao giờ cũng khởi đầu bằng một báo cáo những việc đã xảy ra trước đó. Để khởi đầu chúng tôi xin thưa với bạn đọc hồi âm những bài chúng tôi đã đăng về dự án bô–xít Tây Nguyên.

Hồi âm những bài trước

Sau khi đăng bài về nghề kỹ sư mỏ với thí dụ vấn đề khai thác mỏ bô–xít (3) chúng tôi nhận được thư của một số học sinh và sinh viên hỏi thêm chi tiết về nghề kỹ sư, về quy trình biến quặng bô–xít thành nhôm và về việc tôn trọng môi trường. Xin thành thật thưa với bạn đọc rằng tự ái chúng tôi đã được tông lên một vài bậc. Điều chúng tôi mừng nhất là nhận thấy trong nước có một số cháu quan tâm đến việc "giải đáp thích ứng những đòi hỏi thực tiễn của người dân" (định nghĩa nghề kỹ sư các thày ở Ecole des Mines đã dạy chúng tôi). Để không phụ lòng các cháu, chúng tôi đã trả lời tất cả các thư nhận được. Ngoài ra, chúng tôi đã đăng và sẽ tiếp tục đăng chuyện một vài kỹ sư tiêu biểu để các cháu noi theo (4).

Chúng tôi cũng nhận được thư của một số người mệnh danh là cộng sự viên của lãnh đạo rất cao cấp trong chính quyền Hà Nội đặt những câu hỏi lạ kỳ như là "Công nghệ khai thác bô–xít của nước nào hay nhất ? Để xử lý bùn đỏ thì nên chọn công nghệ ướt hay công nghệ khô ? Bí quyết xử lý bùn đỏ ở Pháp là như thế nào ?...". Mình đã ký hợp đồng, đóng tiền cọc và xây dựng nhà máy gần xong rồi mà bây giờ mới đặt những câu hỏi đó à ? Tuyên bố của những người chủ trì dự án đã nghiên cứu kỹ và đã đặt thành "chủ trương lớn của Đảng, Nhà Nước" (5) vì "thăm dò, khai thác, chế biến bô xít là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước từ hơn chục năm nay" (6) hóa ra là không đúng sự thật hay sao ? Phương pháp hiện hành chế biến bô–xít thành alumin rồi thành nhôm đã được Bayer, Héroult và Hall sáng chế từ cuối thế kỷ XIX. Những phương pháp này được mô tả trong sách giáo khoa các trường trung học phổ thông và nhắc lại trong bài của chúng tôi về nghề kỹ sư mỏ (7). Từ thời đó, các xí nghiệp khai thác những sáng chế này chỉ cải thiện những thiết bị sản xuất để nâng cao năng suất (tiết kiệm sô–đa, điện và các năng lượng khác,...) và để việc thải phế liệu ra ngoài thiên nhiên an toàn hơn chứ họ đâu có sáng chế ra một phương pháp nào mới mà phải đặt ra vấn đề chọn lựa công nghệ.

An toàn và môi trường

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên khẳng định tại diễn đàn Quốc hội : ”Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án bauxite đã được thẩm định và phê duyệt với chất lượng cao nhất (8). Chúng tôi không biết theo tiêu chuẩn nào thì có thể gọi là "chất lượng cao nhất". Một bộ tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường quy định (a) quy trình nghiên cứu tác động môi trường, (b) những giới hạn tối đa về thể tích và hàm lượng những chất độc chứa trong mọi vật liệu trong môi trường làm việc hay thải ra ngoài thiên nhiên, (c) những cách bố trí để kiềm chế một cách vĩnh viễn thể tích và hàm lượng trong giới hạn quy định đó, (d) trình tự dự trù sẵn để đối phó xảy ra tai nạn, (e) và những tác động bảo đảm việc tuân thủ những quy định của bộ tiêu chuẩn. Những quy định đó là kết quả của nhiều năm nghiên cứu của cả nghìn chuyên gia. Nếu in chữ nhỏ trên giấy và đóng thành sách thì bộ tiêu chuẩn về môi trường của một nước công nghiệp có thể chứa trong ít nhất một công–te–nơ TEU. Vậy việc nước ta chưa có bộ tiêu chuẩn đầy đủ không phải là một điều hổ thẹn. Chúng tôi chưa được biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thỉnh bộ tiêu chuẩn của cường quốc công nghiệp nào để làm căn cứ phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Mọi hoạt động của con người đều sinh ra phế liệu. Một xí nghiệp không vui sướng gì khi phải thải phế liệu ra thiên nhiên. Họ phải thải ra chỉ vì không thể dùng lại mà có lợi những vật liệu đó để làm nguyên liệu cho một khâu hay một ngành công nghiệp khác. Vậy việc thải phế liệu ra ngoài thiên nhiên là một vấn đề kinh tế trước khi là một vấn đề kỹ thuật.

Mọi cơ sở tinh luyện khoáng sản đều thải bùn ra thiên nhiên. Khai thác bô–xít cũng sinh ra phế liệu dưới dạng bùn. Bùn này thường được gọi là bùn đỏ, rất ấn tượng vì mầu đỏ và khối lượng của nó (9). Bùn đỏ là cặn bã các dung dịch dùng để xử lý quặng và tinh luyện thành sản phẩm trung gian. Bùn là hỗn hợp những hạt sạn và vật lỏng. Vật lỏng có chứa những chất hóa học của dung dịch. Trước khi thải bùn ra thiên nhiên, người ta tìm cách lấy lại tối đa vật lỏng để tái sinh những chất hóa học của dung dịch. Phần vật lỏng còn bám với bùn được thải ra có giá trị kinh tế thấp hơn là chi phí của quy trình thu hồi triệt để nó. Người ta có thể xấy bùn cho đến khi bùn khô. Như thế những chất hóa học sẽ bay ra khỏi bùn cùng với hơi nước và được tụ lại để được tái sinh. Phương pháp này là phương pháp khô. Nó được coi là an toàn, chiếm ít dung tích để chôn vùi, tiết kiệm chất hóa học dùng trong quy trình xử lý quặng, nhưng tốn kém vì tiêu thụ nhiều năng lượng. Phương pháp thông thường gọi là phương pháp ướt : người ta đổ bùn vào một cái hố và chờ cho vật lỏng trong bùn bốc hơi do tác động của gió và mặt trời. Phương pháp này rẻ hơn phương pháp khô. Nhưng làm như vậy thì có rủi ro bùn tràn ra ngoài hố hay thấm vào lòng đất. Phương pháp ướt đặt ra vấn đề tính vô hại của bùn đổ vào hố. Nếu bùn có pH bằng 7 thì có thể coi là vô hại. Nếu khác nhiều với 7 thì phải trung hòa axid hay kiềm của bùn trước khi đổ vào hố. Lẽ cốt nhiên những chất hóa học dùng để trung hòa bùn là một chi phí làm tăng giá thành của sản phẩm và, để tiết kiệm, các xí nghiệp thường vi phạm tiêu chuẩn về pH những phế liệu thải ra thiên nhiên.

Chúng tôi xin cảm ơn Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang đã bỏ công trình bày hố chứa bùn đỏ ở Tây Nguyên đã được nghiên cứu kỹ đến đâu (10). Những điều Thứ trưởng nêu lên chưa thuyết phục chúng tôi.

Ở Tây Nguyên, mỗi năm mưa tới 3 mét nước nghĩa là mỗi năm sẽ có 3 mét nước rơi từ trên trời xuống hố bùn. Một phần sẽ bốc hơi trong mùa hạn năm sau và một phần sẽ ở lại trong hố trong một thời gian dài. Hố bùn ở lòng một thung lũng. Như vậy có nghĩa là nước mưa rơi trên sườn đồi chung quanh sẽ chảy xuống thung lũng và có khả năng chảy vào hố. Hai tình huống này sẽ làm hố đầy và bùn tràn qua khỏi đập nếu không có biện pháp đối phó. Nếu là một hồ thủy điện thì chỉ cần xả lũ để bảo vệ công trình. Việc này đã được thực hiện thường xuyên ở nước ta mặc dù sinh ra nhiều bất lợi (11). Nhưng nếu phải xả bùn đỏ hay bùn tràn ra ngoài hố thì sẽ có thảm họa ô nhiễm hóa học. Chúng tôi chưa thấy Thứ trưởng nói đến (a) dung tích dự phòng để hố có thể chứa thêm được nước mưa, (b) một đê bao quanh hố đủ cao để nước mưa rơi xung quanh sẽ không chảy vào hố làm tràn ngập hố (c) và một rãnh vây quanh hố để thâu và chuyển sang nơi khác nước mưa rơi xung quanh hố. Ngoài ra, nếu mỗi năm lại có thêm nước mưa rơi vào trong hố thì đến bao giò bùn sẽ khô hết để bắt đầu hoàn thổ ? Còn về khâu thực hiện và bảo trì thì chúng tôi xin đặt hai câu hỏi : (a) chương trình kiểm tra chất lượng công trình sẽ diễn biến trong điều kiện nào (b) và sự thích ứng với điều kiện sách trong suốt đời sống kỹ thuật của hố sẽ được duy trì như thế nào. Chúng tôi cũng xin hỏi thêm pH của bùn chứa trong hố dự tính sẽ ở trong giới hạn nào và khi nhà máy đi vào sản xuất thì pH đó sẽ được kiềm chế trong giới hạn cho phép như thế nào
Trước tai
nạn bùn đỏ ở Hungary, Bộ trưởng Nguyên sẽ "cử một đoàn đến nước này xem xét tất cả mọi vấn đề. Sau chuyến đi, sẽ rà soát lại báo cáo đánh giá tác động môi trường xem còn khâu nào còn hở và chưa chính xác, còn thiếu thì sẽ tiếp tục bổ sung" (12). Theo chúng tôi được biết, "dự án tổ hợp bô–xít – Nhôm Lâm Đồng đã hoàn thiện gần 90 % các hạng mục xây lắp để đảm bảo chạy thử không tải toàn bộ nhà máy vào tháng 2 và chạy thử có tải vào tháng 3 năm sau" (13). Tiến độ dự án đến đó thì còn điều chỉnh được gì nữa ? Việc quan trọng và cấp bách là tìm hiểu nguyên nhân tai nạn bùn thải ở Cao Bằng (14) để rút kinh nghiệm cho những hố bùn thải hiện có và để thay đổi thiết kế những hố đang xây hay dự định xây trên toàn lãnh thổ nước ta. Tai nạn bùn đỏ ở Hungary chỉ là hậu quả của phương pháp cai trị dân của chế độ nước này trước năm 1989. Để duy trì vị thế của đảng cầm quyền hồi đó, chính quyền Hungary đã dựa trên một tổ chức công an hùng hậu và đã cố gắng sản xuất nhiều mặt hàng với bất cứ giá nào để dân họ bị thôi miên bởi mức sống ở các nước Tây–Âu mà quên không đòi tham chính. Những nhà máy xây xong mà lãng phí tài nguyên, lãng phí sức lao động, không tôn trọng sức khỏe và an toàn của người dân, không tôn trọng môi trường, sản xuất những sản phẩm không đáp ứng nhu cầu hoàn toàn không phải là quan tâm của họ. Tai nạn bùn đỏ ở Hungary là một bài học về chính trị chứ không phải là một bài học về kỹ thuật.

Hiệu quả kinh tế

Các Đại biểu Quốc hội và báo chí trong nước đã thảo luận nhiều về hiệu quả kinh tế của dự án bô–xít Tây Nguyên (15). Tỷ số lợi nhuận tương lai của một dự án tùy ở bốn nhân tố : vốn đầu tư ban đầu, giá thành, giá bán và tỷ suất thuế.

1. Về vốn đấu tư ban đầu của dự án bô–xít Tây Nguyên thì chúng tôi chỉ biêt vốn đầu tư là 427,9 triệu USD nhưng không biết số tiền đó bao gồm hay không vốn để xây hạ tầng hậu cần như là đường sắt, tậu đoàn tầu đường sắt, xây cảng thuyên chuyển với tất cả những thiết bị cần thiêt, tậu đoàn tầu biển và vốn dự bị để, sau này, thanh toán chi phí hoàn thổ khu mỏ và hố chứa bùn. Trên nguyên tắc người ta bố trí để khi nhà máy xuất xưởng mẻ sản phẩm đầu tiên thì hệ thống hậu cần cũng được hoàn tất. Cũng như mọi dự án công nghiệp khác ở nước ta, mình xây xong nhà máy Tân Rai trước rồi mới liệu kiếm vốn xây hạ tầng hậu cần. Trong khi chờ đợi thì phải có một đoàn xe ô–tô vận tải chở alumin chạy qua quốc lộ 28 từ Tân Rai đến một bến ở Phan Thiết hay gần đó, công xưởng bảo trì đoàn xe và kho chứa nhiên liệu. Chúng tôi không biết tổng vốn đầu tư 427,9 triệu USD có bao gồm hay không vốn để (a) tậu đoàn xe vận tải tạm thời này và xây những hạng mục phụ cận, (b) nâng cấp quốc lộ 28 để có thể chịu tải đoàn xe đó, (c) xây dựng bến cảng tạm thời để chờ cảng Kê Gà được xây xong và đi vào hoạt động.

2. Giá thành là tổng số giá thành sản xuất, chi phí tạm trữ và chi phí chuyên chở đến nơi trao hàng. Chi phí chuyên chở tùy ở điều kiện Incoterm đã thỏa thuận với bên mua. Thường thì điều kiện Incoterm là FOB (Free On Bord, hàng đặt lên tầu) bến cảng bên bán : bên bán chở alumin từ nhà máy đến hải cảng Phan Thiết hay Kê Gà, tạm trữ ở một kho gần kè tầu bên mua sẽ đậu và bốc lên tầu của bên mua. Chúng tôi không biết những chi phí này đã được tính vào giá thành chưa.

3. Giá bán là kết quả của thương lượng giữa hai bên mua và bán. Giá sẽ được hai bên thỏa thuận dựa trên giá nhôm niêm yết ở LME (London Metal Exchange, Sàn Giao dịch Luân Đôn). Khi lập báo cáo khả thi tài chính cho một dự án, người ta không lấy giá niêm yết ở LME ngày viết báo cáo mà lấy một giá dự báo. Việc dự báo này rất khó chính xác nên người ta thường tính hai tỷ số lợi nhuận : một tỷ số với giả thuyết giá thấp và một tỷ số với giả thuyết giá cao. Không kể việc Trung Quốc đang thao túng thị trường nguyên liệu công nghiệp, giá alumin biến động rất mạnh, từ 250 đến 350 USD mỗi tấn vào thời điểm hiện nay. Với dao động như vậy thì dự báo về tỷ số lợi nhuận chỉ có thể dùng để ước tính độ nhạy cảm của tỷ số lợi nhuận thôi.

4. Chủ đầu tư dự án bô–xít Tây Nguyên là một công ty con của Vinacomin (TKV, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản) và Vinacomin là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên của SCIC (State Capital Investment Corporation, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà Nước). SCIC có chức năng quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn Nhà Nước. Lỗ hay lãi của cơ quan này là lỗ hay lãi của người đóng thuế (tax payer) Việt Nam. Nếu dự án bô–xít Tây Nguyên được ưu đãi thuế một đồng thì chính phủ, nghĩa là người đóng thuế Việt Nam, sẽ thiệt một đồng. Nhưng dự án sẽ lãi một đồng và, theo dây chuyền, đồng lãi đó chuyển lên công ty mẹ Vinacomin rồi lên SCIC. Rút cục, trên sổ sách kế toán của dự án bô–xít Tây Nguyên thì dự án này có lãi một đồng, nhưng người đóng thuế Việt Nam thì không có lợi mà cũng không bị thiệt gì (16). Quyết định về dự án tùy ở chính phủ. Đối với người đóng thuế, nói rằng nếu ưu đãi thuế hay không một dự án 100 % quốc doanh là một bài toán trung tính không thể dùng được để bảo vệ hay công kích dự án. Ngược lại, nếu dự án có một phần vốn đầu tư tư nhân, trong nước hay nước ngoài, thì ưu đãi thuế là một là một món quà cho đối tác tư nhân tỷ lệ với phần vốn đối tác đó có trong vốn điều lệ của dự án. Món quà này chỉ có thể chứng minh được nếu có lý do chính đáng dự án bô–xít Tây Nguyên bắt buộc phải được thực hiện nhưng Vinacomin hay SCIC thiếu vốn để đầu tư và phải kêu gọi tư nhân góp vốn.

Trong số bốn nhân tố của tỷ số lợi nhuận thì có ba nhân tố bất trắc (vốn đầu tư ban đầu, giá thành và giá bán) và một nhân tố chưa ngã ngũ (các đối tác tư nhân tham gia vào vốn của dự án). Vì thế chúng tôi ngạc nhiên khi Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tuyên bố dự án Nhân Cơ khi đi vào hoạt động sẽ có lãi là 10,59 %, dự án Tân Rai sẽ có lãi 12,45 % (17). Chưa có chuyên gia ngành mỏ nào chúng tôi quen mà có khả năng dự báo tỷ số lợi nhuận một cách chính xác đến như vậy.

Chiến lược kinh doanh

Người ta quyết định sẽ đầu tư vào một dự án vì nó có hiệu quả kinh tế cao và hiệu quả kinh tế đó bền vững. Tính bền vững của một xí nghiệp tùy ở giá trị gia tăng xí nghiệp sẽ sinh ra và ở vị thế của xí nghiệp trên bàn cờ BCG.

Nguyên liệu thô phải qua một chuỗi quy trình biến chế để trở thành sản phẩm cuối cùng (end product) có thể được đưa ra thị trường tiêu thụ. Sản phẩm cuối cùng còn được gọi là thương phẩm. Sau một quy trình biến chế thì sản phẩm có giá trị lớn hơn trước. Vì thế mà người ta gọi chuỗi quy trình biến chế là chuỗi giá trị gia tăng. Nhưng, để gia tăng ra giá trị của sản phẩm thì cần đến một số nhân tố sản xuất (nhân lực, vốn đầu tư và chi phí về dịch vụ và nguyên liệu phụ trợ). Nói chung thì một quy trình càng gần dạng sản phẩm cuối cùng bao nhiêu thì càng cần ít nhân tố sản xuất bấy nhiêu để sinh ra cùng một đơn vị giá trị gia tăng. Tỷ số giá trị gia tăng chia cho giá trị của nhân tố sản xuất gọi là hiệu suất (productivity) hay khả năng sinh lợi. Trong ngành nhôm thì (a) việc đào quặng bô–xít từ lòng đất lên có hiệu suất kém hơn là luyện quặng bô–xít thành alumin, (b) luyện quặng bô–xít thành alumin có hiệu suất kém hơn là luyện alumin thành nhôm, (c) luyện alumin thành nhôm có hiệu suất kém hơn là biến chế nhôm thành khung cửa, nồi bát hay những sản phẩm công nghiệp khác bằng nhôm.

Cách đây một thế kỷ, những nước thực dân dành cho dân họ những quy trình có hiệu suất cao ở cuối chuỗi giá trị gia tăng (biến nguyên liệu thô và sản phẩm trung gian thành thương phẩm) và nhường cho dân các thuộc địa của họ những quy trình có hiệu suất thấp ở đầu chuỗi giá trị gia tăng (khai thác mỏ, biến chế quặng thành sản phẩm trung gian làm nguyên liệu cho mẫu quốc). Để tránh tình trạng khai thác tài nguyên thiên nhiên theo kiểu một nước thuộc địa, Luật Khoáng sản, ở khoản 4 của điều 5, quy định "hạn chế xuất khẩu khoáng sản dưới dạng nguyên liệu thô, tinh quặng". Luật Khoáng sản để cho chính phủ quyền định nghĩa ở dạng nào thì một khoáng sản đã trở thành tinh quặng. Chính phủ quyết định alumin là tinh quặng. Chúng tôi tiếc rằng chính phủ đã có quyết định đó và đã không mở rộng dự án bô–xít Tây Nguyên đến quy trình sản xuất nhôm hay, hơn nữa, đến sản xuất những thương phẩm. Người dân, đặc biệt người dân Tây Nguyên, sẽ không hiểu tại sao mình phải đào xới đất đai mình, chịu ô nhiễm để sản xuất alumin với kết quả là alumin đó trở về dưới dạng thương phẩm có giá trị cao hơn do người khác sản xuất.

Giá điện ở Việt Nam quá đắt không phải là một lý do chính đáng. Thực vậy, EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) than phiền giá điện ở Việt Nam quá thấp so với giá thị trường và xin phép được tăng giá bán (18). Giá thành của điện ở TP Hồ Chí Minh có thể đắt vì phải tính đến chi phí tải điện từ Tây Nguyên. Với những nhà máy thủy điện ở gần đó và, trong tương lai, những nhà máy điện ở Ninh Thuận, điện được sản xuất theo những công nghệ rẻ nhất mà lại không phải tải đi xa làm thế nào mà có thể nói rằng điện ở Tây Nguyên đắt đến nỗi phải chở alumin sang nước khác để tinh luyện thành nhôm ? Chúng tôi không hiểu EVN tính giá điện như thế nào.

Nhôm là một kim loại có thể tái sinh một cách vĩnh viễn dưới mọi hình thức sản phẩm. Nhu cầu về nhôm sản xuất từ quặng bô–xít chỉ dùng để đáp ứng tăng trưởng của thị trường chứ ít dùng để thay thế những sản phẩm bằng nhôm đã qua sử dụng. Suy ra, thị trường bô–xít tăng trưởng rất ít. Nói một cách khác, trên bàn cờ BCG thế giới, một xí nghiệp nhôm chỉ có thể ở vị thế lợn nái hay vị thế chó chết (19). Ngoài việc Trung Quốc thao túng thị trường, xu hướng lịch sử là giá thị trường các nguyên liệu công nghiệp lên xuống một cách chu kỳ và biến động với phạm vi lớn. Một tập đoàn trong ngành mỏ phải có nhiều vốn lưu động để cầm cự khi giá xuống. Thêm vào đó, ngành mỏ là ngành có cường độ lao động cao và ngành tinh luyện quặng có cường độ tư bản cao (20). Hãng Pechiney, một thời là số một thế giới trong ngành nhôm, bị Alcan thu hút. Nhờ thu hút Pechiney và Alusuisse mà Alcan trở thành số một trong ngành nhôm. Làm như thế vẫn chưa đủ lớn, Alcan đã phải sát nhập với Alcoa, một hãng Mỹ ngang hàng với Alcan. Rút cục Alcoa cũng phải dựa vào Rio Tinto, một hãng mỏ của Úc và Anh. Bây giờ, trên thế giới, chỉ còn có hai xí nghiệp trong ngành nhôm ở vị thế lợn nái, Chinalco và Alcoa. Doanh số của Chinalco là 19 tỷ USD, lãi 1,5 tỷ (7,9 % doanh số). Doanh số của Alcoa là 30 tỷ USD, lãi 2,6 tỷ (8,5 % doanh số). So với hai khổng lồ đó, Vinacomin sẽ làm gì để tồn tại với hai nhà máy sản xuất alumin của mình ?

*


Trong một bài trước, chúng tôi đã phát hiện "kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh mặc dù tỷ trọng của công nghiệp khai thác mỏ không lớn mấy và không tăng trưởng nhiều so với những ngành kinh tế khác" (21)... Nói một cách khác, để duy trì tăng trưởng kinh tế, chúng ta không cần khai thác mỏ, đặc biệt mỏ bô–xít.

Chúng ta đã bỏ ra gần 500 triêu đô–la Mỹ cho một dự án rủi ro về an toàn và môi trường, có hiệu quả kinh tế không chắc chắn và ở một vị thế chiến lược vô vọng. Nếu tiếp tục dự án thì chúng ta sẽ mất nhiều hơn nữa. Hủy dự án không phải là mất hết. Chúng tôi xin nhắc lại đề nghị của chúng tôi cách đây hơn một năm : "Dùng cơ sở Tân Rai làm thí điểm đào tạo tay nghề (từ lao động phổ thông đến kỹ sư) và làm trung tâm nghiên cứu khoa học kỹ thuật" (22). Thay vì dùng những thiết bị đã lắp đặt để sản xuất, chúng ta sẽ dùng chúng để thử nghiệm và thực tập. Với những chương trình nghiên cứu và đào tạo táo bạo về mỏ và luyện kim mà chúng ta sẽ khai triển thì Tân Rai sẽ trở nên một trung tâm khoa học kỹ thuật tầm vóc quốc tế thu hút nhiều nghiên cứu sư và sinh viên từ khắp nơi trên thế giới. Một cơ hội bằng vàng đưa chúng ta lên hàng cường quốc công nghệ mỏ và luyện kim.


Đặng Đình Cung



(1) "Cơ sở lý thuyết của việc đảm bảo chất lượng" đăng ở VietsciencesSaigonTimes.

(2)  "Lũ bùn đỏ tấn công hàng trăm hộ dân Cao Bằng" đăng ở Lao Động

(3) "Công nghiệp khai thác mỏ" đăng ở tạp chí Thời Đại Mới

(4) Bạn đọc có thể tham-khảo "Frédéric Joliot-Curie" đăng ở Vietsciences "Thầy tôi, giáo sư Maurice Allais" đăng ở SGTT

(5) "Bô xít Tây Nguyên được giám sát như siêu dự án quốc gia" đăng ở VnExpress.

(6) "663 lao động Trung Quốc đang tham gia các dự án bô xít" đăng ở VnExpress.

(7)  "Công nghiệp khai thác mỏ" : xem chú thích (3).

(8)  "Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án bauxite có chất lượng cao nhất" đăng ở Báo Điện tử Chính phủ.

(9)  "Khai thác bô–xít Tây Nguyên: góc nhìn kỹ sư (2)" đăng ở Diễn Đàn.

(10)  "Dự án bô–xít: tiếp hay dừng ?đăng ở Tuổi Trẻ.

(11)  "Thuỷ điện và Việt Nam" đăng ở Diễn Đàn.

(12)  "Bô–xít: Dừng lại, bàn thêm để không trái lòng dân" đăng ở Vietnamnet.

(13)  "Không tiếc tiền đảm bảo an toàn cho bô xít Tây Nguyên" đăng ở VnExpress.

(14)  "Lũ bùn đỏ tấn công hàng trăm hộ dân Cao Bằng" đăng ở Lao Động

(15)  "Từ báo cáo thẩm định của Bộ Công thương và ý kiến chuyên gia: Nguy cơ thua lỗ dự án bauxite" đăng ở Thanh Niên.

(16)  Quy chế thuế của dự án bô–xít Tây Nguyên là như sau : Alumin chủ yếu được sản xuất để xuất khẩu nên không phải chịu thuế giá trị gia tăng. Vậy dự án bô–xít Tây Nguyên chỉ chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều 10 của Luật Thuế Thu nhập Doanh nghiệp quy định thuế suất thu nhập doanh nghiệp là 25 % (hình như thuế suất này thực ra là 28 %) "trừ trường hợp quy định tại khoản 2 điều này và Ðiều 13 của luật này". Khoản 2 quy định "thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và tài nguyên quý hiếm khác từ 32% đến 50% phù hợp với từng dự án, từng cơ sở kinh doanh". Bô–xít không phải là một tài nguyên quý hiếm nên chúng tôi coi là dự án bô–xít Tây Nguyên chỉ phải chịu thuế suất 25 hay 28 % thôi và có thể ít hơn nếu là một trong những đối tượng được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp quy định ở chương III của Luật Thuế Thu nhập Doanh nghiệp. Chúng tôi đã nghiên cứu chương này, đặc biệt điều 13, nhưng không thấy dự án bô–xít Tây Nguyên thuộc loại đối tượng nào có thể hưởng ưu đãi cả.

(17)  "Chính phủ sẽ xem lại hiệu quả kinh tế bô–xít Tây Nguyên" đăng ở Vietnamnet.

(18) "Luẩn quẩn chuyện điện" đăng ở Tuổi Trẻ.

(19)  "Bàn cờ BCG" đăng ở Vietsciences.

(20)  Một ngành công nghiệp có cường độ lao động cao (labour intensive) là một ngành cần đến nhiều nhân công để vượt điểm tới hạn. Một ngành công nghiệp có cường độ tư bản cao (capital intensive) là một ngành cần đến nhiều vốn đầu tư để vượt điểm tới hạn. Điểm tới hạn (breaking point) là doanh số tối thiểu để một xí nghiệp bắt đầu sinh lãi. Xí nghiệp sẽ lỗ vốn nếu chưa vượt điềm tới hạn vì thu hoạch không đủ để trang trải tổng số chi phí cố định và chi phí biến động.

(21)  "Khai thác bô-xit Tây Nguyên : góc nhìn kỹ sư (1)" đăng ở Diễn Đàn.

(22)  "Khai thác bô-xit Tây Nguyên: góc nhìn kỹ sư (tái bút)" đăng ở Diễn Đàn.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
Black Movie - Festival international de films indépendants Genève 17/01/2025 - 26/01/2025 — Maison des arts du Grütli | 16, rue du Général-Dufour | 1204 Genève
LES LARMES D'ASTYANAX - Olivier Dhénin Hữu 31/01/2025 - 02/02/2025 — Théâtre du lycée Jacques Decour | 12 Avenue Trudaine | 75009 Paris
Festival cinéma - Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Inalco : L'économie vietnamienne en 2024 et ses perspectives 06/02/2025 18:00 - 20:00 — 65 Rue des Grands Moulins, 75013 Paris | Amphi 2
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us