Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Các chuyên gia nói về Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam

Các chuyên gia nói về Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam

- Nhiều tác giả — published 08/05/2015 11:55, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19

Nhận xét của giới chuyên gia 

về Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam


Bộ sưu tầm truyện cổ tích phong phú nhất


“Bộ sưu tầm truyện cổ tích phong phú nhất và hệ thống nhất của người Việt từ trước tới nay là tuyển tập truyện cổ tích của Nguyễn Đổng Chi (1915 - 1984), gồm 200 truyện cổ tích với hơn 1.000 dị bản khác nhau thuộc bản kể của các dân tộc lân cận hay bản kể của các dân tộc thiểu số Việt Nam”. 

Jörg Engelbert 

Truyện cổ Việt Nam (Maerchen aus Vietnam), trong Bách khoa thư truyện cổ tích (Enzyklopädie des Märchens),
Tập 14, De Gruyter, Berlin, 2011; tr. 202..


“những kiệt tác nho nhỏ”


Phần thứ hai của tác phẩm gồm khối lượng những truyện cổ do tác giả chọn ra, theo những tiêu chuẩn qua đó có thể phân biệt một cách khá rõ cổ tích với các thể loại khác trong văn chương truyền miệng. Các tập I và II chứa 80 truyện cổ, không phải được phân loại, mà được tập hợp lại dưới một số tiêu đề, để tạo điều kiện dễ dàng cho trình tự trước-sau trong khi đọc: những truyện giải thích “nguồn gốc sự vật”, những truyện giải thích gốc gác các thắng cảnh danh tiếng trong nước (truyền thuyết về địa thế và địa danh); những truyện được rút ra từ những chuyện có thực (và đã trở nên mẫu mực để phân biệt chính với tà, đồng thời đã đẻ ra một số thành ngữ mang chất ngạn ngữ và tính ẩn dụ); truyền thuyết tán dương sức mạnh, đạo đức hay trí thông minh của các nhân vật lịch sử hoặc á-lịch sử.

Phần thứ hai này của tác phẩm, tuy mới được công bố một phần, lại rất đáng lưu ý vì mang nhiều ưu điểm, mà thoạt tiên, khi tác giả kể chuyện, là văn phong giản dị, linh lợi, vọt lên một mạch, khi thì hài hước, khi lại hiện thực, hoàn toàn phù hợp với tích truyện được kể. Về mặt này, phải công nhận ưu thế của Nguyễn Đổng Chi so với các tác giả đương đại khác cũng viết sưu tập truyện cổ. Ông có năng khiếu của một nhà văn biết cách diễn dịch lại một cách trung thành lòng nhiệt hứng, tính chân chất và nỗi rung cảm của những người kể chuyện và nhà thơ dân gian. Dưới ngòi bút của ông, một số truyện cổ đã trở thành những kiệt tác nho nhỏ, trong đó thi cảm và cuộc sống hòa hợp vào nhau thành một thể thống nhất về ý vị (xem truyền thuyết về đá Bà Rầu, I, tr 205-207, truyền thuyết về đứa cháu vô đạo bị biến thành chim, I, tr 80-82). Một số truyện cổ khác lại tuyệt vời, vì tính buồn cười và phẩm chất hài hước nảy sinh từ các hoàn cảnh nguy cấp của một hiện thực đầy dẫy những sự biến cấp tập, hoặc mang tính bi kịch, hoặc vừa bi vừa hài (xem truyền thuyết giải thích vết sẹo dưới cổ loài trâu, I, tr. 136-138, truyền thuyết giải thích gốc gác của loại ruộng “thác đao” mà nghĩa đen là ruộng ném dao, truyền thuyết về người anh hùng dân gian và nông dân mang tên Chàng Lía, II, tr. 125-132).

(...)

Một trong những ưu điểm lớn của tác giả Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam: ông là người đầu tiên đã sắp xếp, sau văn bản của từng truyện, một loạt “dị bản”, cũng như các mặt đối chiếu và điểm bổ sung, trích ra không chỉ từ lĩnh vực truyện cổ Việt Nam, mà cả từ lĩnh vực ấy của nhiều tộc ở Cựu Thế Giới: Trung Hoa, Ấn Độ, Apganixtăng (Afghanistan), châu Phi, Mađagaxca (Madagascar), Xixin (Sicile), Nga, Ả Rập (Arabie). Công việc này nối dài những nghiên cứu của Côxcanh (Cosquin), của Prơdiluyxki (Przyluski), v.v. về mối quan hệ bà con giữa các truyện ấy, về con đường truyền bá các truyện ấy từ lục địa này qua lục địa kia, hay từ tiểu lục địa này qua tiểu lục địa kia, lần đầu tiên được đem ra áp dụng vào truyện cổ tích Việt Nam, và như thế là đã vượt qua giai đoạn phân tích chỉ liên quan đến chủ đề, có thể nó là giai đoạn hình thái học. Công việc nghiên cứu đó, về ngọn nguồn và về gốc gác của truyện cổ tích sẽ rất có ích, và có lẽ là cần thiết nữa, để hiểu biết sự hình thành và phát triển của nền văn minh Việt Nam, một nền văn minh có nhiều nguồn gốc bác tạp.

Lê Văn Hảo

Tập san trường Viễn Đông bác cổ

(B.E.F.E.O), số 1 -1964, tr. 275-278

Nguyễn Từ Chi dịch


Giá trị tiêu biểu bậc nhất cho truyện cổ tích Việt Nam


Qua ba tập sách, người ta thấy đây đúng là “kho tàng”, dù chỉ mới xếp xong có “ba kho”. Ở chủ điểm nào cũng thấy sự phong phú, đa dạng của loại hình cổ tích. Đọc xong một sự tích của ta, bạn đọc lại bị lôi cuốn vào hàng loạt sự tích cùng loại của thế giới (chẳng hạn ở truyện Sự tích con khỉ (Tập I), phần Khảo dị tác giả kể thêm 25 dị bản, truyện Ba chàng thiện nghệ (Tập III), có thêm 30 dị bản...). Rất ít truyện không có Khảo dị. Nếu đổ đồng hơn bù kém cứ sau một truyện chính lại gợi thêm chừng 10 dị bản, thì số lượng truyện cổ tích được đề cập đến trong cả ba tập – với những hình thức và chi tiết khác nhau – phải tính đến con số ngàn.

Kho tàng này còn đáng quý ở chỗ bao gồm những truyện đã được thời gian sàng lọc – tất nhiên được tác giả cất công tìm tòi, tuyển chọn và kể lại – để có giá trị tiêu biểu bậc nhất cho truyện cổ tích Việt Nam. Vì thế có thể nói, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác sưu tầm, giới thiệu, nghiên cứu truyện cổ tích Việt Nam; nó đạt được những thành tựu vững chắc hơn không ít các tập truyện cổ tích đã xuất bản từ trước đến nay, về cả hai mặt số lượng và chất lượng.

Về mặt ngôn ngữ truyện kể, tác giả đã cố gắng để không rơi vào hai xu hướng lệch lạc khá phổ biến xưa nay là tiểu thuyết hóa hoặc đơn giản hóa truyện cổ tích. Nhiều truyện kể hấp dẫn, làm nổi bật chủ đề, sự việc diễn biến dồn dập, lôi cuốn, như Sự tích chim tu hu, Gốc tích tiếng kêu của Vạc, Cộc, Dủ dỉ, Đa đa và Chuột, Sự tích Đầm Mực... (Tập I), Của Thiên trả Địa, Chàng Lía... (Tập II), Con chó, con mèo và anh chàng nghèo khổ, Ba Vành... (Tập III), v.v. Tác giả đã dụng công kết cấu từng truyện đúng như cái cốt ban đầu của chúng, để cho mỗi truyện lôi cuốn người đọc theo sự kết hợp môtip và chủ đề riêng của nó, tránh dàn đều, xóa nhòa sự dị biệt, đặc thù nếu có, lại càng tránh xu hướng hiện đại hóa lộ liễu. Người đọc không hề phải khó chịu vì những đoạn văn tả cảnh, tả tình dài dòng như ở một số tập truyện cổ tích khác. Lời văn kể chuyện trong cả ba tập nói chung giản dị, dễ hiểu, đôi chỗ dí dỏm, vui tươi. Có thể nói, ở đây, tác giả đã cố gắng sử dụng ngôn ngữ kể chuyện của người bình dân và cách diễn đạt dân gian mà vẫn không làm cho các truyện rơi vào thô thiển.

Tạ Phong Châu

Tạp chí văn học, số 2-1975, dưới bút danh Anh Phong.


Một công trình khoa học lớn


Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam được đánh giá là một công trình khoa học lớn không phải chỉ do ấn tượng về số lượng trang sách lên tới gần 3000 trang, mà chủ yếu là do tầm bao quát rộng lớn rất nhiều lĩnh vực nghiên cứu truyện cổ tích.

Bộ sách này được hình thành từ kết quả của ba loại công việc:

Sưu tập các văn bản (truyền miệng và thành văn) truyện cổ tích của người Việt, các dị bản hoặc các cốt truyện, motif….. tương đương trong kho tàng truyện cổ tích của các dân tộc và các quốc gia khác trên thế giới. Sưu tập này được tác giả dùng để biên soạn phần Khảo dị và là nguồn tài liệu thực tế cho phần nghiên cứu.

Biên soạn 200 (i) truyện cổ tích của người Việt được chọn ra từ nguồn sưu tập nói trên. Cách sử dụng nguồn sưu tập để viết lại (văn bản hóa) những truyện đó mang dấu ấn của cách hiểu, cách tiếp nhận truyện cổ tích của người viết truyện. Có thể thấy ở đây có “sự ăn khớp” nhất định giữa quan điểm của người nghiên cứu với văn phong của người kể chuyện. Vì vậy, ở chừng mực nhất định, có thể gọi 200 truyện này là Truyện cổ tích (của) Nguyễn Đổng Chi, phỏng theo cách gọi “Truyện cổ tích Grimm” (Đức) “Truyện cổ tích Perrault” (Pháp)…

Nghiên cứu (phát hiện và diễn giải) những đặc điểm của truyện cổ tích Việt Nam trên hầu hết các phương diện chủ yếu: bản chất thể loại, lịch sử hình thành và phát triển của thể loại, đặc điểm nội dung phản ánh và nghệ thuật của truyện cổ tích Việt Nam, nguồn gốc bản địa và nguồn gốc ngoại lai của truyện cổ tích Việt Nam, v.v.

Chu Xuân Diên

PGS, Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia, TP HCM


Một kỳ công về mặt tư liệu văn học dân gian


Có thể nói, mọi hiện tượng văn học dân gian đều được Nguyễn Đổng Chi thấu cảm như một hiện tượng động chứ không tĩnh, nghĩa là chúng phải được nhận diện trong dạng thái đang biến đổi, chuyển hóa chứ không bao giờ đứng im: “đối tượng nghiên cứu thì tương đối ổn định còn đối tượng sưu tầm thì sống động. Văn học nghệ thuật của quần chúng gắn liền với đời sống của quần chúng cũng sinh sôi nảy nở bất diệt như sự sống. Cho nên, ngay trong một loại hình, có tác phẩm đã phát triển thành một hiện tượng hoàn chỉnh, có tác phẩm chỉ mới là một yếu tố, thậm chí có thể chỉ mới manh nha, chưa rõ hình thù. Lại có tác phẩm đã suy tàn, bị mất mát gần hết, chỉ còn lại một đôi câu đôi đoạn”(ii).(...)

Hệ quả tích cực của một phương pháp tổng hợp như trên có thể thấy ngay trong phần Khảo dị của công trình Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Đây là một kỳ công ở Việt Nam về mặt tư liệu văn học dân gian, như nhiều người nói, có thể sánh ngang với những công trình nổi tiếng trên thế giới như Truyện cổ Grimm. Cách truy tìm tư liệu “nguyên dạng” và “đến gốc” như vậy giúp Nguyễn Đổng Chi có cái nhìn thấu đáo về thực tại và nắm vững tính đặc thù của truyện cổ tích Việt Nam cũng như một số thể loại khác. Cần phải nói thêm, đây chính là sự vận dụng tài tình giữa phương pháp ghi chép dân tộc học và phương pháp Phần Lan hay còn gọi là phương pháp địa lý-lịch sử được ông áp dụng từ rất sớm. Từ công tác điền dã, sưu tầm, ông đã chủ động được nguồn tài liệu và làm chủ lý thuyết công cụ mà không quá phụ thuộc vào nó.

Hồ Quốc Hùng

TS, Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh; Trưởng ban biên tập Tạp chí khoa học Đại học Văn hiến.


Cách kể hồn nhiên mà sinh động


Còn một vấn đề nữa cũng nên nghĩ đến khi miệt mài nghe Nguyễn Đổng Chi kể chuyện trong tập Kho tàng. Tôi không rõ trong sự say mê của người đọc bộ sách này có bao nhiêu phần vì nội dung của truyện và bao nhiêu phần vì cách kể của soạn giả. Bởi vì, quả thực, cho đến hôm nay, tìm được một tác gia xuất sắc kể truyện cổ tích ở Việt Nam, cũng còn phải đắn đo suy nghĩ. Và ngay yêu cầu khoa học, yêu cầu thẩm mỹ của phương pháp kể cũng có ý kiến khác nhau. Có người bảo phải kể cho đúng phong cách dân gian. Có người còn nghĩ rằng phải biết đối tượng người nghe là người thời nay, thì cách kể cũng phải cho hợp thời một chút. Viết cổ tích là làm một công trình nghệ thuật, chứ không đơn giản là một việc sưu tầm như đi ghi âm lời của các ông già bà cả. Rất mong ta sẽ có dịp nhất trí về vấn đề này. Song tôi vẫn cứ băn khoăn khi đọc nhiều soạn giả. Rất nhiều người muốn nhân việc kể chuyện để làm văn, cứ như họ viết truyện ngắn. Nhiều người khác, nhất là các nhà văn, còn đảo lộn, thêm thắt chi tiết, miêu tả phong cảnh, phân tích tâm lý hoặc hiện đại hóa câu chuyện (đáng buồn là người ta lại cho như vậy mới hợp với “tư duy hiện đại”). Các cụ ngày xưa thường viết gọn hơn, nhưng lại hay khuôn theo đạo đức, lễ giáo phong kiến, làm mất đi khá nhiều bản sắc dân gian. Những tác giả cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX, với văn quốc ngữ buổi đầu, giữ được ít nhiều phần chân chất, song thường là kể chuyện không trôi chảy. Các học giả tân học có vốn kiến thức Nho học buổi giao thời (nhất là ở miền Bắc) giữ được phong cách cổ kính hơn cả, lại thường thu gọn lại như lối biên soạn những mẫu “cổ học tinh hoa”. Các nhà tân học kể chuyện bằng tiếng Pháp, dẫu có được lối diễn đạt sáng sủa của Pháp văn (không nhiều người lắm), nhưng nhiều lúc cái hồn Việt văn lại giảm bớt. Tôi thấy Nguyễn Đổng Chi – dù chưa toàn bích – đã cố gắng để tránh được tất cả những hạn chế của người đi trước, kể cả những người đồng thời với anh. Cách kể của anh hồn nhiên sinh động, có ít nhiều vẻ dân dã và phong cách cổ. Ở những trang mở đầu và kết luận bộ Kho tàng, anh đã lưu ý đến những đặc trưng của cổ tích: Tính chất cổ của sự việc, của hình tượng, bản sắc dân tộc của câu chuyện, và trình độ tư tưởng và nghệ thuật cao trong đối sánh với các loại hình tự sự dân gian khác. Khi kể chuyện, anh đã tỏ ra tôn trọng những đặc điểm mà anh nêu ra. Đồng thời, anh vẫn có tư cách của một nhà văn. Cách kể của anh mộc mạc, có vẻ biến hóa, và điều đáng quý hơn cả: rất đáng tin. Nói một cách nôm na, đọc truyện cổ tích của anh, tôi không phải cảnh giác như khi đọc những truyện người khác kể, có nhiều chi tiết cứ phải băn khoăn là thật hay không thật. Trong nhà folklore học Nguyễn Đổng Chi, có cả nhà văn và nhà sử học. Hai nhân vật sau này không lấn át nhân vật trước, mà lại làm nên sức thuyết phục cho công trình của anh. Tiếp cận bộ Kho tàngcủa Nguyễn Đổng Chi, không thể quên điều đó.

25-3-1993

PGS. Vũ Ngọc Khánh

(Kiến thức ngày nay, Số 110, 1-VI-1993, Tr.3-6)



Chú thích:


i/ Có một truyện được tác giả đưa vào từ lần in thứ nhất (1957), nhưng đến lần in thứ tư (1972) thì ông lại bỏ ra, đó là truyện số 50, Giết chó khuyên chồng. Nhưng đến lần in thứ bảy (1993), con trai ông là GS Nguyễn Huệ Chi lại khôi phục lại và đặt trong ngoặc vuông con số 50. Vì vậy, thực chất bộ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam Bao gồm 201 truyện chính.

ii/ Nguyễn Đổng Chi, Qua việc khoanh vùng sưu tầm văn học dân gian tại một xã thí điểm, Bđd; tr. 151.

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Hồ sơ Nguyễn Đổng Chi
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us