Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Cải cách của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu

Cải cách của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu

- Hồ Bạch Thảo — published 09/06/2014 01:15, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Chương 1 : Phương hướng mới cứu nước [1885-1897]



Cải cách duy tân
của Khang Hữu Vi,
Lương Khải Siêu


Hồ Bạch Thảo


(Sử liệu sưu tầm từ : Cận Đại Trung Quốc Sử Cương của Quách Đình Dĩ,
Thanh Thực Lục, Thanh Sử Cảo, Wikipedia Anh văn và Trung văn)

qt

Vua Quang Tự [1875-1908]
NGUỒN : Wikipedia

Sau cuộc chiến năm Giáp Ngọ [1894] liệt cường xâm lăng Trung Quốc, chưa bao giờ kịch liệt như vậy. Trung Quốc cũng phản ứng lại một cách kịch liệt ; có thể chia thành hai loại, tuy động cơ đều muốn cứu nước, nhưng hướng đi hoàn toàn khác nhau. Một phái chủ trương tự cứu lấy mình bằng cách học hỏi người để biến đổi, cùng đồng lòng cải biến chính trị. Một phái khác chủ trương bế môn tỏa cảng, cho Trung Quốc là trung tâm, dùng bạo lực chống lại Tây dương.


Chương 1

Phương hướng mới cứu nước [1885-1897]



1. Ba mươi năm vận động tự cường thất bại


Vào năm 60 thế kỷ thứ 19 bắt đầu cuộc vận động tự cường, cho đến cuộc chiến tranh Trung Nhật, trên 30 năm ; thời gian không ngắn ngủi, nhưng kết quả chứng minh hoàn toàn phá sản. Hai nhân vật lãnh đạo cuộc vận động này là Cung Thân vương Dịch Hân và Lý Hồng Chương. Cung Thân vương thuộc Tôn thất, bà con gần với vua, ở địa vị cao, chức lớn, cầm đầu Quân Cơ xử và Tổng thự, nắm việc chính trị 24 năm [1860-1884]. Lý Hồng Chương là quan tại tỉnh, quyền cao chức trọng, 33 năm giữ các chức Tuần phủ, Tổng đốc [1862-1895], trong thời gian này nắm chức Bắc Dương Đại thần 25 năm [1870-1895] ; là người lập kế hoạch và thi hành tân chính, liên quan đến việc thành bại rất lớn. Lúc đầu được Tăng Quốc Phiên biết đến là người có mưu lược, trong bụng định sẵn kế hoạch, nên được Tăng khen “ tài lớn, tâm sắc bén tỉ mỉ ”. Rồi gặp hội phong vân, vươn lên chức cao, hiển hách nhất thời, Tăng Quốc Phiên lại có nhận xét Lý “ đem hết sức ra làm quan ”. Bất quá Lý lập chí chỉ nhắm vào công danh phú quý, thiếu vắng hoài bão to lớn cho quốc kế dân sinh.


Lý Hồng Chương khởi lên từ quân lữ, phần nhiều nhờ vào nhân lực và vũ khí của Tây phương ; và cũng do đó quan niệm số một của Lý là bắt chước theo vũ bị Tây phương. Thực ra không phải một mình Lý có quan niệm như vậy, những người khác mưu cho nước cũng cho là đúng. Động cơ bắt chước học tập vũ bị Tây phương để bình nội loạn và chống ngoại xâm ; nhưng mức độ nặng nhẹ có khác. Cung Thân vương nói Thái Bình Thiên Quốc là bệnh đau trong gan ruột, Anh, Pháp là mối hoạn tại tứ chi ; nói một cách khác bình nội loạn là ưu tiên số một, chống ngoại xâm chỉ thứ yếu. Sau khi khắc phục Nam Kinh, đại loạn có hy vọng bình định ; lúc bấy giờ các nước dùng chính sách ôn hòa, biển không nổi sóng, nên cuộc vận động tự cường của triều Thanh trở nên xuống cấp. Vào những năm bảy mươi [1870] do Nhật Bản gây hấn tại Đài Loan, ý đồ tự cường lại bừng lên trong giai đoạn, rồi lại co rụt lại. Sự thực chứng minh, binh không cường được, lý do tại đâu ? Cung Thân vương bảo rằng “ Mấy chục năm nay tấu biểu đưa lên, xin trù tính liệu biện, nhưng ý kiến khác nhau rồi bị gác bỏ, hoặc do kinh phí không đủ không thể phát triển ra được, hoặc cơ sở đã lập nhưng thiếu sự kế tục lâu dài, hoặc đồng tâm ít, nhưng dị nghị thì nhiều ”. Rồi Thân vương ân cần đề nghị “ Trên dưới một lòng, trong triều ngoài cõi nhất tâm, trong cuộc ngoại cuộc một lòng, thuỷ chung kiên định ra sức cầu tiến ; khiến thực tại có thể tự lập, có thể chống ngoại xâm ”. Những điều Cung Thân vương thấy được tương đối khá xác đáng, nhưng biện pháp bổ cứu đem ra thi hành thì hầu như chưa thực hiện được.


Lý Hồng Chương từ lúc đầu nhận định rằng muốn tự cường phải xây dựng căn bản vững. Dưới con mắt Lý, căn bản tại quân sự. Lý từng gửi người ra ngoại quốc học, chung quy cũng chỉ liên quan đến dùng binh, chế vũ khí, rồi việc làm cũng chưa đi đến đâu. Vậy thực sự căn bản tại đâu ? Tại kỷ cương, pháp độ, nhân tâm, phong tục ; nếu không thực hiện được những điều này, mà cầu phú cường thì việc làm cũng chỉ là hình thức vẽ vời ngoài da mà thôi. Nói đơn giản mưu đồ phú cường phải canh tân chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục, phát huy toàn dân trí năng, được nhân dân rộng rãi ủng hộ, mới mong thành tựu. Lý vẫn cho rằng quân sự là đầu mối lớn trong việc lập quốc, nên đã từng thiết lập học đường, gửi học sinh đến các nước Mỹ, Anh, Pháp, Nhật để học về quân chính, chế tạo. Nhưng trải qua thử thách, Lý phải thừa nhận việc tự cường rất khó liệu biện, và đổ lỗi cho “ nhân tài khó kiếm, không đủ kinh phí ; thủ cựu, cố chấp địa phương không sửa đổi được…”. Nhân tài quan hệ bởi sự bồi dưỡng, cách sử dụng ; việc này trách nhiệm ở Lý ; nhưng kinh phí không đủ phần lớn do tại trung ương, thao túng bởi Từ Hy Thái hậu. Từ Hy thường bày đặt ra các khoản để dùng tiền phung phí.


Bàn về tự cường dưới thời cuối Thanh, trong việc thực hành cũng có nhiều khuyết điểm. Nhân sự, thiết bị không kiện toàn ; kinh doanh bất thiện, kỹ thuật thô vụng, nguyên liệu không cung cấp đủ ; khiến sản phẩm tồi tệ, hình dáng bất nhất, giá thành cao, không hợp khi sử dụng. Quan lại coi các xưởng cục, người có trách nhiệm đảm đương việc công thì ít, kẻ tư lợi lạm dụng nhân viên, chia nhau bòn rút thì nhiều. Bởi vậy qua các cuộc chiến tranh Trung Pháp, Trung Nhật, quá nửa khí giới chiến cụ phải mua từ nước ngoài. Nghị viên người Anh Charles Beresford [Bối Tư Phúc] có nhận xét rằng cục cơ khí Trung Quốc chế tạo những vật vô ích, chỉ giúp cho các Tổng đốc, Tuần phủ tham nhũng ; riêng Lý Hồng Chương thì cho rằng hãng xưởng nhiều phí phạm.


Công cuộc tự cường tân chính sách tuy có bàn tay ngoại quốc hiệp trợ, nhưng không phải họ hoàn toàn đem điều lợi cho Trung Quốc. Về mặt kinh tế ngoại quốc có chủ trương khai thác đầu tư, về mặt chính trị thì khuynh loát thao túng ; cái gì có lợi cho Trung Quốc thì tìm cách chèn ép, như việc đã xẩy ra đối với công ty vận tải Chiêu Thương cục của Trung Quốc. Sự trói buộc của điều ước là mối tổn thương trọng đại ; nổi bật là hiệp định quan thuế, lãnh sự tài phán, tô giới. Thậm chí tại các cửa khẩu công nhiên thiết lập các xưởng chế tạo để chèn ép hàng nội địa, trước chiến tranh Giáp Ngọ [1894] có đến 90 xưởng. Lúc bấy giờ báo North China Daily News của Anh viết “ Nước Anh đã dùng thủy quân, lục quân để bảo vệ và khuếch trương công nghiệp, hết sức tốn kém ; nếu những vật nước ta đã chế tạo lại để cho người chế, để cướp nguồn lợi của ta, là tự làm hỏng mình vậy ”. Việc liệt cường ngăn trở Trung Quốc tự cường, không phải do Trung Quốc gây nhân, mà cái thế dẫn đến. Một trong những nguyên nhân Nhật Bản tự cường vượt trội Trung Quốc, do bởi Nhật Bản nghèo tài nguyên nên liệt cường không thèm nhỏ dãi, ít gây khó khăn ; riêng Trung Quốc đất rộng người nhiều, tài nguyên bất tận, nên lâm vào cảnh một miếng thịt trăm dao xâu xé.




2. Khởi đầu nghị luận về cải biến chế độ



Từ khi Vương Mãng, Vương An Thạch thi hành biến pháp bị thất bại, tại Trung Quốc ít có ai đề cập đến biến pháp, coi như đó là điều đại kỵ. Trong 2000 năm lịch sử, đại để tập theo đời trước, thực sự không cải biến. Vào trung điệp thế kỷ thứ 19, biết bao người từng đọc qua sách báo Tây phương, hoặc bản thân từng giao thiệp với họ, đối với chính trị giáo dục Tây phương tỏ ra ngưỡng mộ, một đôi khi đem ra luận bàn ; nhưng chưa có ai đích thân nói rằng cần phải bắt chước nền chính trị Tây phương. Trong nhật ký [1862] Tăng Quốc Phiên viết “ Tổng chi, việc gấp cho con đường tự cường là tu chính sự, cầu hiền tài ”. Đây chỉ là lối nói chung chung, đối với việc cải cách theo Tây phương không một chút tương quan. Có những nghị luận tích cực hơn, trong đó phải kể đến lời Phùng Quế Phân đưa ra lý do sở dĩ Trung Quốc chưa trở nên phú cường nhân vì phương diện chính trị giáo dục phần lớn không được như các nước Tây phương. Chủ trương cải cách của Phùng chú trọng vua và dân không cách biệt, lòng kẻ dưới đạt được lên trên, thưởng phạt chiếu theo công luận, đề cao phép bầu cử, sa thải nhân viên tham nhũng, tỉnh giảm luật lệ, bắt chước thi hành địa phương tự trị, cải cách học đường và phép thi cử, lấy luân thường lễ giáo Trung Quốc làm căn bản, bổ túc bởi kỹ thuật Tây phương, thi hành cái gọi là “ Trung học vi thể, Tây học vi dụng ” 1. Riêng Quách Tung Đảo có vẻ cấp tiến hơn, chủ trương chính triều đình trước, rồi đến chính quan lại, thiết lập chế độ nhắm lợi dân, nghiên cứu kỹ Tây phương được mất, lợi tệ, dùng chính giáo làm căn bản ; nếu không làm như vậy thì cho dù “ cả nước nghiên cứu phép tắc Tây phương cũng không bổ ích.”


Những lời nghị luận của Phùng, Quách đưa ra vào các thập niên 1860, 1870 ; đến các thập niên 1880, 1890 dần dần trở thành cuộc vận động. Những nhân vật gây ảnh hưởng lúc bấy giờ phải kể đến Mã Kiến Trung, Tiết Phúc Thành, Vương Thao, Trịnh Quan Ứng, Hồ Lễ Thản. Mã từng du học tại Ba Lê ; Tiết từng giữ chức tham mưu cho Tăng Quốc Phiên, Lý Hồng Chương ; Vương trú lâu tại Hương Cảng, Thượng Hải, giao du nhiều với nhân sĩ Tây phương, lại từng thăm các nước Anh, Pháp, Nhật ; Trịnh từng nghiên cứu văn chương học thuật Tây phương, phụ trách kinh doanh cho Anh, Mỹ ; Hồ là chuyên viên tại thư viện trung ương Hương Cảng. Phạm vi lập luận của họ không khác gì Phùng, Quách bao nhiêu, nhưng đề cập sâu hơn, đặc biệt là vấn đề chính trị.


Về phương diện ngoại giao họ chủ trương bảo vệ chủ quyền quốc gia, nêu những điểm độc hại trong các điều ước đã ký ; giành lại quyền tự chủ về quan thuế, đối với những nhu yếu phẩm, đánh thuế nhẹ để dân nghèo đỡ khổ, nhưng hàng xa xỉ chỉ những người giàu mới dùng, thì đánh thuế cao ; thuế suất hiện hành vơ vét tận tài nguyên, cần phải cải cách. Quyền lãnh sự tài phán 2 là điều bất bình, xét công pháp quốc tế thì cư dân sống tại nước nào, phải được phân xử theo pháp luật nước đó.


Về phương diện kinh tế, họ chú trọng vào công nghiệp. Mã Kiến Trung cho rằng “ Trị nước lấy giàu mạnh làm căn bản, muốn mạnh trước tiên phải giàu… Muốn giàu cần xuất khẩu nhiều, nhập khẩu ít, giàu mạnh lấy công thương làm hành đầu, riêng công đứng trước.”


Về cải cách học thuật giáo dục được cật lực cổ vũ ; bởi lẽ quốc gia thịnh suy do bởi nhân tài, nhân tài xuất thân từ học đường. Tây dương cường thịnh nhờ học đường, Tây học tinh vi rộng lớn, Trung Quốc chưa lãnh hội được phần bên ngoài. Cần phỏng theo mô thức Tây phương để mở mang trường học, thư viện, từ châu huyện lên đến kinh sư.


Về chính trị họ chủ trương canh tân, nhấn mạnh đến nghị viện và dân chủ. Về nghị viện Trịnh Quan Ứng cho rằng “ Không có nghị viện thì giữa vua và dân nhiều cách trở, chí hướng trái nhau. Nghị viện giúp bàn bạc mưu kế, trên dưới một lòng ”. Về dân chủ, lập luận rằng cái gốc của phú cường tại chính trị, căn bản của chính trị tại pháp độ, pháp độ tốt nhất là dân chủ và thừa nhận rằng chế độ quân chủ lập hiến của nước Anh đáng cho Trung Quốc theo, vì qua nghị viện chí của dân được bày tỏ, nhân tâm kết hợp, chẳng khác gộp bốn vạn vạn dân Trung Quốc làm một, Trung Quốc sẽ trở thành nước phú cường.



3. Mở đầu cuộc phấn đấu của Tôn Trung Sơn


Sau giữa thập niên 1800, người đầu tiên lãnh đạo cách tân tại Trung Quốc là Tôn Văn [1866-1825]. Tôn Văn hiệu Trung Sơn, người huyện Hương Sơn [Xiangshan], tỉnh Quảng Đông. Hương Sơn gần Áo Môn, Hương Cảng, cách Quảng Châu không xa, có nhiều cơ hội tiếp xúc với người nước ngoài, số người ra hải ngoại mưu sinh đông, hoặc đến các nước xa xôi như Anh, Mỹ theo học ; nên trực tiếp hoặc gián tiếp Tôn dễ tiếp thu tư tưởng mới. Tôn từ tuổi thơ ấu, đối với chuyện cũ Hồng Tú Toàn phản Thanh, quân Anh, Pháp dày xéo tại vùng phụ cận Quảng Châu, sự tình về các nước Tây phương, cũng đã nghe qua. Ảnh hưởng mạnh nhất đối với Tôn là những điều thu lượm được qua giáo dục. Năm 7 tuổi Tôn đến trường, 13 tuổi đến Honolulu [Hawaii, Mỹ] học tại các trường Anh, Mỹ “ Bắt đầu thấy sự kỳ lạ của thuyền máy, biển rộng mênh mông, trong lòng sinh hâm mộ Tây học, suy tư đến cùng trời đất ” ; tán thưởng cái học toàn thiện của Tây phương vượt trội Trung Quốc rất nhiều. “ Ngoài giờ học, cùng bạn bè tâm sự, sinh trong lòng ý nguyện cải lương đất nước, cứu vớt đồng bào ; hoài bão lúc bấy giờ muốn người trong nước miễn khổ đau, có cuộc sống hạnh phúc ”. Sau năm 19 tuổi, học tại Quảng Châu, Hương Cảng, cuối cùng tốt nghiệp trường Cao đẳng y khoa Hương Cảng [The College of Medicine for Chinese]. Hương Cảng không chỉ huấn luyện Tôn về y học, mà còn mở mang cả ý thức về chính trị ; Tôn nhận xét “ Người ngoại quốc tại chốn hoang dã này, tạo được thành tích to lớn ; nước Trung Quốc 4000 năm lịch sử, không có chỗ nào bằng Hương Cảng, lý do tại đâu ? ”. Rồi từ “ Nghiên cứu sự phát triển của thành phố, tiến đến nghiên cứu việc chính trị. Nghe các bậc trưởng lão nói rằng nước Anh và các nước Âu Châu với nền chính trị tốt, không phải có sẵn từ xưa, mà đã trải qua nhiều kinh doanh cải biến ! Nhân tự hỏi rằng tại sao ta không cải cách nền chính trị Trung Quốc ác độc này… Dân ta khổ sở do nền chính trị bất lương, vậy muốn cứu nước, cứu dân không thể không trừ khử chính phủ ác liệt này, bởi vậy tư trào cách mệnh lúc nào cũng ngự trị trong đầu óc ”. Đó là lời tự thuật của Tôn về nguyên do đi vào đường cách mạng. Trường Cao đẳng y khoa, mở các cuộc nghị luận về chính trị, cũng ảnh hưởng đến Tôn rất nhiều. Tôn tâm sự rằng “ Tư tưởng cách mệnh của tôi có được từ Hương Cảng ” lời nói tuy hơi quá, nhưng sự thi thố của người Anh dẫn đến sự chú ý của Tôn về cải tạo chính trị, thì không thể nghi ngờ.


Quảng Đông và Việt Nam gần gũi như môi với răng, vào thời chiến tranh Trung Pháp, một ngày mấy lần báo động ; triều Thanh chợt hòa chợt chiến, không có một đường lối đúng đắn. Người Hoa tại Hương Cảng chống lại tàu Pháp, bị người Anh áp bức, chính mắt Tôn chứng kiến, nên càng thêm giận triều Thanh không có khả năng ; bắt đầu liên hợp với các đồng chí, tuyên thệ khu trừ người Mãn, thực hiện đại đồng. “ Dùng học hiệu làm nơi cổ suý, mượn y học làm môi trường để đi vào quần chúng ” ; bắt đầu kết giao với bạn đồng học và nhân sĩ Thiên Địa hội. Năm 27 tuổi, tốt nghiệp Cao đẳng y khoa ; mang túi y dược đi khắp vùng Áo Môn, Quảng Châu để chữa bệnh, phát thuốc, không ngừng tuyên truyền, nhận định phải thức tỉnh dân tộc mới chữa trị được cội gốc của đất nước.


Mùa xuân năm 1894, Tôn Văn lên phía bắc đến Thượng Hải [Shanghai], gặp Vương Thao, Trịnh Quan Ứng. Trịnh với Tôn vốn đồng hương, lớn hơn Tôn khoảng 24 tuổi, trước kia đã biết nhau, nên chuyện trò có phần thông cảm. Tháng 6, Tôn đến Thiên Tân [Tianjin, Hà Bắc] gửi thư cho Lý Hồng Chương nhan đề “ Thướng Lý Hồng Chương vạn ngôn thư ” [Dâng Lý Hồng Chương thư vạn lời], trình bày kế lớn về phú cường, có đoạn “ Người cần phải đem hết tài, đất cung cấp hết nguồn lợi, vật phải tận dụng, hàng hóa cần lưu thông ” ; ý kiến chẳng khác gì người thuộc phái cải lương. Vì Tôn hy vọng Lý có thể làm các điều đó, nên không trình bày đến cách mệnh. Lúc bấy giờ vấn đề Trung Nhật tại Triều Tiên đang xẩy ra, Lý không rảnh để lý hội những điều Tôn đề cập ; nhưng thư thỉnh nguyện sau này được đăng tải trên Vạn Quốc Công Báo tại Thượng Hải. Nhân dịp,Tôn bèn đến Bắc Kinh [Beijing] để xem hư thực, rồi vào Hán Khẩu [Hankou, Hồ Bắc] quan sát hình thế sông Trường Giang [Changjiang], sau đó đi Honolulu [Mỹ].


Tôn tuy trong lòng có ý lật đổ nhà Thanh ; nhưng lúc bấy giờ lại có hai điều dẫn đến tối hậu quyết tâm : thứ nhất, thất vọng đối với Lý Hồng Chương ; thứ hai, Trung Nhật chiến tranh, trước và sau khi Tôn ở Honolulu, thủy lục quân Trung Quốc hoàn toàn thất bại. Tháng 11/1894, Tôn liên hợp Hoa kiều thành lập “ Hưng Trung Hội ” ; lúc đầu chỉ có hơn 20 người, chẳng bao lâu tăng lên trên 100 người. Tuy vẫn hô hào quốc gia phú cường nhưng ý nghĩa cách mệnh được đưa lên mặt giấy với lời nghị luận thống thiết về thế lực Trung Quốc lâm nguy, đả kích kẻ cầm đầu che đậy lần lữa, người dưới tối tăm không hiểu biết, để đến nỗi nhục nước, chôn vùi quân. “ Đường đường Hoa Hạ, thua kém lân bang… đất nước qua phân, mối lo xẩy ra trước mắt ” tất cả đều do “ Bọn ngu muội làm lỡ nước ” nên cần phải “ chấn hưng Trung Hoa ”.


Ngày 18 tháng 2/1895 Tôn trở về Hương Cảng, tập hợp bàn bè cũ như Lục Hạo Đông, Trịnh Sĩ Lương, Trần Thiếu Bạch, Dương Hạc Linh v v… thảo luận trù bị thành lập Hương Cảng Hưng Trung Hội Tổng Hội. Lúc bấy giờ Dương Cù Vân, Tạ Tán Thái đã tổ chức đoàn thể cứu quốc Phò Nhân Văn Xã chủ trương “ Khai thông dân trí, cải tạo Trung Quốc ”. Tôn Trung Sơn cho rằng hai bên chí hướng gần nhau, nên xúc tiến hợp nhất để tạo nghiệp lớn. Do đó Hưng Trung Hội tổng hội thành lập tại Hương Cảng, hội viên thề nguyện “ Khu trừ Thát Lỗ, khôi phục Trung Hoa, sáng lập hợp chúng chính phủ, nếu có hai lòng, thần minh soi xét 3 ” ; cùng biểu dương ý nghĩa phong phú của dân tộc, dân quyền, tích cực dùng vũ lực chiếm đoạt Quảng Châu [Guangzhou, Quảng Đông]. Chủ trương của hội, không những không dung chế độ Mãn Thanh, riêng đối với lập trường của phái duy tân cũng không thỏa hiệp.


Tại Quảng Châu sau khi chiến tranh Trung Nhật bùng nổ, các hội đảng rầm rộ nổi lên. Trong thời gian chiến tranh, quan lại chiêu mộ trai tráng, dân chài ; sau chiến tranh phần đông bị thải, bèn kết hợp với các hội đảng. Vào buổi giao mùa hè thu năm 1895, loạn xẩy ra tại các thôn làng xung quanh Quảng Châu, các châu huyện chuyền tai tin tức, lửa giận dấy lên, sinh ra biến cố. Quan phủ ra tay trấn áp, giết hại rất nhiều. Ngoài Quảng Đông, vùng Hữu Giang [Youjiang] tại Quảng Tây cũng có dân biến, loạn Hồi giáo tại Cam Túc càng thêm nghiêm trọng, Trực Lệ mưa nhiều thành thiên tai, sông Hoàng Hà nhiều chỗ nước ngập tràn tỉnh Sơn Đông. Nhân dân đau giận về việc triều đình nhà Thanh khuất nhục trước Nhật Bản, bi phẫn tình tự lay động kinh thành Bắc Kinh ; tình thế trăm phần có lợi cho hành động cách mệnh. Kế hoạch của Hưng Trung Hội định vào hạ tuần tháng 10, cử sự tại Quảng Châu, hội đảng chuẩn bị có đến 4, 5 vạn người, chấp nhận lá cờ Thanh Thiên Bạch Nhật do Lục Hạo Đông thiết kế làm cờ khởi nghĩa ; lá cờ này vẫn được tiếp tục duy trì làm yếu tố chính để tạo ra quốc kỳ của chính phủ Trung Hoa Dân Quốc sau này với ý nghĩa Thanh Thiên Bạch Nhật Mãn Địa Hồng :

tt

Cờ Thanh Thiên Bạch Nhật

md

Cờ Thanh Thiên Bạch Nhật Mãn Địa Hồng

Vì cơ sự bị tiết lậu, cuối cùng cuộc khởi nghĩa thất bại, đảng viên cách mạng nhiều người tuẫn nạn, Lục Hạo Đông là một trong số đó, trong cung từ Lục có lời nói thẳng như sau “ Không phế Mãn Thanh quyết không thể quang phục Hán tộc, không trừ Hán gian lại không thể phế bỏ Mãn Thanh… Có thể giết ta, nhưng người kế tục ta nổi lên không thể giết hết ”. Hành động của đảng cách mệnh bắt đầu, thanh uy từ đó dấy lên.


Sau khi thất bại, Tôn Trung Sơn sang Nhật Bản. Trước kia cứ điểm của cách mệnh tại Honolulu, Hương Cảng, nay lập thêm cứ điểm tại Hoành Tân 4 ; sau đó chỗ này thành trung khu của cách mệnh. Năm 1896, Tôn lại đi Honolulu, qua Mỹ rồi đến Luân Đôn. Triều Thanh đối với hành tung của Tôn rất mực chú ý, sau khi đến Luân Đôn 10 ngày, viên Tham tán triều Thanh lập kế dụ đến sứ quán tại Luân Đôn để bắt cóc, sau đó chính phủ Anh can thiệp nên được phóng thích. Báo chí đem sự việc đăng tải, Tôn cũng soạn văn trình bày chủ trương, khiến quốc tế bắt đầu biết đến cách mệnh Trung Quốc. Tôn sống tại Luân Đôn 9 tháng, ra sức nghiên cứu về chính trị, kinh tế, xã hội, học thuật Tây phương, cùng thực tế quan sát ; biết rằng chỉ chuyên dựa vào chính trị, không thể đưa dân đến chỗ hạnh phúc ; cần phải khéo léo liệu biện về kinh tế, để dân sinh, dân tộc, dân quyền cùng được giải quyết.



4. Tư tưởng và hành động của phái duy tân Khang Hữu Vi


Phần tử trí thức ra sức cải cách chế độ đã 20 năm, nhưng người có công dấy lên cao trào và đưa vào thực hiện là Khang Hữu Vi [1858-1927] ; ông không những đứng đầu trong công cuộc vận động, còn là người tích cực trong việc thi hành. Khang người huyện Nam Hải, tỉnh Quảng Đông, thời thơ ấu ra sức rèn cặp về sử học, lý học, kinh học, chuyên về kinh bang tế thế 5. Năm 21 tuổi kết giao với một vị Biên tu, biết được phong cách tại triều đình, nhân tài thời cận đại, các loại tân thư 6, cùng những việc từ thời Đạo Quang trở về sau. Cùng năm đến Hương Cảng, qua những điều nghe nhìn khiến mở mang rất nhiều; bắt đầu đọc các sách Tây phương, cùng lịch sử thế giới và du ký, để tìm lẽ cứu dân giúp đời. Năm 25 tuổi, đến Thượng Hải, thấy được cách cai trị của người Tây phương có phép tắc, càng hứng thú nghiên cứu sâu về Tây học, các sách dịch và báo chí không có thứ nào không đọc đến nơi. Khang tưởng tượng phong phú , giỏi suy luận, tự tạo ra cảnh giới ; nhân hội thông Trung, Tây lý thuyết, cùng Phật học ; tổng hợp diễn thành một loạt lý luận chính trị.


Chiến tranh Trung Pháp gây cho Khang phấn khích lớn. Năm 1886 khuyên Tổng đốc Lưỡng Quảng Trương Chi Đỗng mở mang thêm việc dịch sách, cho rằng Tây học có nhiều lý luận mới, đặc biệt chính trị rất quan trọng. Năm 1888 đến Bắc Kinh, dâng thư lên vua Quang Tự khởi đầu trình bày mối lo từ ngoài và nội loạn, chỉ rõ mối nguy cơ của đất nước ; tiếp đến luận về quan lại hủ bại, quá khứ giao dịch với Tây phương, không thấy điều lợi, chỉ thấy điều hại, nên cần phải biến pháp, mới mong phú cường. Khang đề xuất 3 nguyên tắc “ Biến thành pháp, thông với lòng dân, cẩn thận với kẻ tả hữu thân cận ” tức thi hành chế độ mới, cho dân quyền phát ngôn, dùng nhân tài mới, bãi truất quan liêu hủ bại. Khang muốn nhờ Quốc tử giám đệ lên giúp ; Ông Đồng Hòa, người đứng đầu Quốc tử giám khâm phục nghị luận của Khang, nhưng vì lời lẽ quá thẳng, nên không dám tâu dùm. Cuộc phấn đấu của Tôn Trung Sơn từ dưới lên trên, thực hành cách mệnh ; riêng Khang nhắm từ trên xuống dưới, muốn được vua hành đạo. Sau đó Khang tiếp tục hoạt dộng, soạn dùm các lời tâu xin đình chỉ việc xây vườn Di Hòa, khuyên Thuần Thân vương đừng tham dự việc chính trị, trách Khu mật viện Đại thần không công trạng, cấm Hoạn quan tham dự việc triều chính. Nhân quyết tâm vào việc cải tạo tư tưởng, bồi dưỡng cán bộ, sau đó lại tiếp tục thỉnh nguyện về chính trị. Hướng đi của Khang nhắm thuyết phục thượng tầng, hy vọng triều đình giác ngộ chấn tác.


Trong thời gian vận động tự cường, Khang có một vị phụ tá tích cực là Lương Khải Siêu [1873-1929]. Lương người đất Tân Hội [Xinhui], Quảng Đông ; tài năng hơn người, 10 tuổi đậu Tú tài, 17 tuổi trúng Cử nhân, sau khi theo Khang học hỏi, kiến giải ngày một mới. Năm 1894, Khang và Lương cùng đến kinh đô ứng thí nhưng không đậu. Khang bị hỏng vì nghị luận trái với lời thánh hiền ; lại có người đàn hặc sách Tân học ngụy kinh khảo 7 của ông. Năm sau Khang lại đến kinh đô ứng thí, lúc này gặp dịp Trung Nhật nghị hòa, dưới sự chỉ đạo của Khang, Lương Khải Siêu vận động các Cử nhân tại Quảng Đông, Hồ Nam dâng thư lên Đô sát viện chống lại điều ước ; Cử nhân tại các tỉnh khác cũng đều hưởng ứng. Trước khi trao đổi điều ước, Khang đã lấy được hơn 1200 chữ ký từ các Cử nhân trong 18 tỉnh làm cuộc thỉnh nguyện lớn, được gọi là Công xa thướng thư 8 vào ngày 2/5/1895 đệ lên. Đây là cuộc vận động liên hợp phần tử trí thức, thỉnh nguyện thư do Lương Khải Siêu thảo, trình bày phương sách chiến thủ, cùng con đường tự cường : Thứ nhất, cầu Hoàng thượng tự trách tội, ban chiếu cầu tài, phạt tội rõ ràng. Thứ hai, dời đô đến Tây An [Xian, Thiểm Tây], lấy số tiền định bồi thường cho Nhật làm quân phí, quyết đánh không cầu hòa. Thứ ba, tuyển tướng, luyện binh, mua vũ khí. Thứ tư, biến pháp để thành công trị an thiên hạ, ra sức thi hành phép phú cường, dưỡng dân, dạy dân. “ Nếu trước đây thi hành biến pháp thì không có mối họa ngày hôm nay, nếu ngày hôm nay biến pháp có thể miễn mối hoạ trong tương lai ”. Nói tóm lại “ Đáng dùng thế khai sáng để trị thiên hạ, không dùng thế thủ thành để trị thiên hạ ; đáng cùng tịnh lập với liệt cường để trị thiên hạ, không đáng xuôi tay áo để trị thiên hạ ”. Đô sát viện cự không chịu chuyển lên, nhưng nội dung thư thỉnh nguyện được loan truyền khắp Bắc Kinh, Thượng Hải.


Ngày hôm sau, Khang trúng Tiến sĩ, lại một lần nữa dâng thư, chuyên bàn về biến pháp ; đến ngày 3/6 đến tay vua Quang Tự ; nhà vua chuyển cho Quân cơ xử, viên Đại thần Quân cơ xử Ông Đồng Hoà vời Khang đến để phỏng vấn đàm luận, Khang rất hưng phấn, bèn ra sức xúc tiến.


Tháng 7, Khang sáng lập Trung ngoại công báo tại Bắc Kinh, tháng 8 tổ chức Cường học hội ; tham gia có bọn Trần Sí, Thẩm Tăng Thực, Đạo viên Viên Thế Khải. Lương Khải Siêu là người chủ yếu phụ trách ; từng được Ông Đồng Hòa, Tôn Gia Nãi, Trương Chi Đỗng, Lưu Khôn Nhất hứa giúp. Các Đại thần thủ cựu như Từ Đồng, Ngự sử Trử Thành Bác gia tăng công kích. Rồi Khang đi Thượng Hải, lập phân hội cho Cường học hội, phát hành Cường học báo ; những người gia nhập hội có bọn Hoàng Tuân Hiến, Trương Kiển, Uông Khang Niên. Hoàng Tông Hiến từng làm quan ngành ngoại giao tại các nước Nhật, Anh, Mỹ ; năm 1990 xuất bản quyển sách Nhật Bản quốc chí được nổi tiếng, trong đó thuật về duy tân thời Minh Trị, ảnh hưởng rất nhiều đối với độc giả thời bấy giờ, trong số đó có Khang Hữu Vi. Tháng giêng năm 1896 Cường học hội và Trung ngoại công báo bị cấm tại Bắc Kinh, tại Thượng Hải Cường học phân hội và Cường học báo cũng bị đình chỉ. Hoàng Tuân Hiến, Uông Khang Niên đổi sang lập tuần san Thời vụ báo ; Lương Khải Siêu làm chủ bút.


Lương viết các bài quan trọng như Biến pháp thông nghĩa cho rằng trong các chế độ không có việc nào, thời nào không biến. Ngày hôm nay lại cần chủ động cầu biến, nếu không sẽ bị liệt cường chia cắt, đi đến chỗ mất nước. Chính sách tự cường trong dĩ vãng chỗ nào cũng trợ giúp người Tây phương, có lợi cho ngoại quốc, Trung Quốc ngược lại chịu sự thiệt hại. “ Căn bản biến pháp tại giáo dục nhân tài, nhân tài hưng thịnh do mở trường học, trường học lập cải biến khoa cử, đi đến đại thành công sẽ biến đổi chế độ quan lại ”. Biến đổi chế độ quan lại phải đề cao dân quyền, Trung Quốc từ 2000 năm trở lại, quyền vua càng cao thì quốc uy càng tổn ; cần thiết lập nghị viện khiến quyền vua và dân dung hợp, lập pháp và hành pháp phân, tự nhiên có thể mạnh ; nếu không chịu biến pháp, khả năng sẽ có cách mệnh. Tốt nhất nên bắt chước nước Anh, Nhật Bản biến pháp, thi hành dân quyền, nhưng không theo dân chủ. Lương có lối hành văn tân kỳ, được ca tụng một thời, chỉ trong vòng một vài tháng Thời vụ báo xuất bản hơn 1 vạn số. Năm 1897 lại lập Tây chính tùng thư, có đến 32 tác phẩm.


Lúc này Khang Hữu Vi xuất bản báo Tri tân tại Áo Môn ; mở Thánh học hội, Quảng nhân học đường, cùng phát hành Quảng nhân báo tại Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây. Riêng tại tỉnh Hồ Nam phong khí có phần phấn chấn do Tuần vũ Trần Ngọc Châm cùng 3 con, quyền Án sát Hoàng Tuân Hiến, Học chính Từ Nhân Chú, cùng nhân sĩ địa phương như Đàm Tự Đồng, Đường Tài Thường, Hùng Hy Linh lãnh đạo ; sáng lập Thời vụ học đường, Nam học hội, tuần san Tương học tân báo, nhật báo Tương báo ; liệu biện các loại tân chính sách, thúc đẩy sự biến đổi nhanh. Lương Khải Siêu được mời đến diễn giảng tại Thời vụ học đường, cho rằng về Trung Quốc học lấy kinh sử làm chủ, Tây học lấy hiến pháp quan chế làm quy tắc, hưng dân quyền để cứu nước làm đường lối. Nam học hội là một đoàn thể chính trị, tập hợp các chí sĩ tại các tỉnh phía nam, tìm sách lược cứu quốc ; có tổng hội, phân hội ; cho rằng vạn nhất miền Hoa Bắc không giữ được, thì miền nam cũng có thể tự lập, giữ sinh lộ cho đất nước. Lương giảng dạy tại đây chỉ trong vòng 4 tháng, nhưng lưu lại ảnh hưởng lớn.


Đàm Tự Đồng [1865-1898] có khuynh hướng theo cái học của Vương Phu Chi, Hoàng Tông Nghi và lối nghị luận của Ngụy Nguyên, Cung Tự Trân ; đối Khang Hữu Vi mười phần ngưỡng mộ. Đàm trước tác Nhân học, nhấn mạnh tính biến hóa của xã hội, chính trị, sẽ đâm thủng lưới võng ràng buộc. Xã hội lý tưởng của Đàm gần với thuyết đại đồng của Khang Hữu Vi, nhưng dùng lời kịch liệt hơn.


Nhân vật chủ trương duy tân, không ai là không chịu ảnh hưởng Tây phương. Người chân chính hiểu rõ văn hoá Tây phương, cùng biết rõ nguồn bệnh của Trung Quốc là Nghiêm Phục [1854-1921]. Nghiêm người Phúc Kiến, từ năm 14 tuổi đến năm 27 tuổi lần lượt học tại trường Phúc Châu thuyền chính, và 8 năm tại Anh quốc hải quân học viện, sau đó trải qua 5 năm thực tập tại quân hạm. Bắt đầu năm 28 tuổi, làm Tổng lý giáo vụ tại Thiên Tân thủy sư học đường 15 năm. Sau chiến tranh Trung Nhật [1894] Nghiêm nhận định rằng Tây phương thắng Trung Quốc không chỉ riêng vũ khí mà cả các lãnh vực chính trị, giáo dục, phong tục. Trung Quốc đến nỗi sự việc xẩy ra như ngày nay, chính do học vấn thường ngày suy, khiến tâm thuật kẻ sĩ bại hoại. Ngày nay nếu không chịu biến pháp, thì cho dù Quản Trọng, Gia Cát Lượng phục sinh cũng không có cách liệu biện ; nên quyết dùng lời nói để cảnh tỉnh. Từ năm 1895 đến 1897, liên tục tại Trực báo, Quốc văn báo phát biểu những bài nghị luận sâu sắc, cùng với Thời vụ báo, nam bắc tương ứng. Nghiêm cho rằng nguồn mạch Tây dương hiện tại “ Về học thuật truất bỏ ngụy, theo chân ; về hình chính truất tư theo công ” ; cách xử sự Trung Tây không giống nhau “ Người Trung Quốc hiếu cổ coi thường kim, người Tây phương ra sức vun bồi kim để thắng cổ ” ; người Trung Quốc bảo thủ, người Tây phương chủ biến, bởi vậy Tây phương tiến mãi. Giảng về phú cường, cứu nguy, chỉ có cách dùng thuật của Tây phương, phú cường không ngoài lợi dân, dân tự làm lợi cho mình, đi đến chỗ tự do, tự trị. Chính trị hiện nay là cổ suý dân lực, mở mang dân trí, đổi mới quan niệm của dân ; viêc nên thi hành cần dẹp bỏ văn bát cổ 9, từ chương. Năm 1896 phát hành dịch phẩm Thiên diễn luận [Evolution and Ethics] của T. H. Huxley [Hách Tư Lê], nhắm đề cao nguyên lý sinh tồn tự cường, bảo vệ chủng tộc, giúp độc giả hiểu biết về lẽ biến thông.


Từ năm 1895-1897, những nơi duy tân hoạt động mạnh mẽ phải kể đến Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải, Hồ Nam ; thứ đến Hồ Bắc, Giang Tây, Quảng Tây, Chiết Giang, Phúc Kiến, Thiểm Tây, có các cơ sở như học hội, báo chí, trường học. Các Cử nhân dâng kiến nghị lên triều đình, nội dung được phát tán các nơi, có ảnh thưởng rất mạnh. Trường học được thành lập nhiều như nấm, có đến trên 100 ; báo chí từ 19 loại, lên đến 70 ; triều Thanh cấm dân lập hội bàn về chính trị, lúc này bị đả phá.        (còn nữa)


Hồ Bạch Thảo





1  Trung học vi thể, Tây học vi dụng : dùng tinh hoa cổ học làm căn bản, thu lượm kỹ thuật Tây phương để ứng dụng.

2  Lãnh sự tài phán quyền [consular jurisdiction] : quyền này ban cho người ngoại quốc tại quốc gia phạm tội, không do quốc gia đó xử, mà do Lãnh sự phán xử.

3  Hợp chúng chính phủ : ý chỉ chính phủ của đa số nhân dân.

4  Hoành Tân : tức Yokohama, thành phố lớn thứ hai tại Nhật Bản, tại phía nam Tokyo.

5  Kinh bang tế thế : trị nước giúp đời.

6  Tân thư : sách truyền bá những tư tưởng mới của Tây phương lúc bấy giờ.

7  Tân học ngụy kinh khảo : Tân là niên hiệu của Vương Mãng. Ý chỉ khảo về thời Vương Mãng và những kinh sách được cho là ngụy.

8  Công xa thướng thư : Các Cử nhân dâng thư thỉnh nguyện. Công xa tức Cử nhân.

9  Bát cổ : lối văn đối ngẫu xưa, văn bài chia làm 8 vế gồm : phá đề, thừa đề, khởi giảng, khởi cổ, trung cổ, hậu cổ, thúc cổ, đại kết.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us