Cảm xúc Rôcôcô
Kiến trúc
Cảm
xúc rôcôcô
Văn Ngọc
Nếu có dịp đi ngang qua vùng hồ Constance, nằm giữa ranh giới ba nước Đức, Áo, và Thuỵ Sĩ, bạn đừng bỏ lỡ dịp viếng thăm ít ra một vài kiệt tác của kiến trúc rôcôcô ở đây. Tôi nói ít ra, là nếu bạn vội, còn nếu như bạn có thì giờ và có điều kiện xe cộ, hoặc muốn tìm hiểu thêm về phong cách nghệ thuật này, thì bạn có thể đi tiếp sang vùng Bavière (Bayern), rồi sang Áo, sang Prague (Tiệp), Ba Lan, v.v. Ít nhất cũng phải sang Prague !
Quả là muốn cảm nhận được cái đẹp của bất cứ một công trình kiến trúc nào trong không gian ba chiều, bạn phải đến tham quan tại chỗ. Tạm thời, bạn có thể thấy được vài nét đại cương qua những hình ảnh minh hoạ trong bài này.
Người ta thường cho rằng, đứng trước một tác phẩm nghệ thuật, nhất là tác phẩm kiến trúc, chỉ cần có được cảm xúc là đủ. Nhưng thực ra, muốn thật sự có cảm xúc thẩm mỹ, cũng cần có những hiểu biết về lịch sử, ít ra là lịch sử nghệ thuật, để biết tác phẩm đó có xuất xứ từ đâu, do những điều kiện xã hội nào, dựa vào những truyền thống nghệ thuật nào, và đâu là sự mới mẻ, sáng tạo, v.v. ?
Riêng tôi vẫn thường nghĩ rằng, trong nghệ thuật, điều quan trọng , đối với người thưởng thức, cũng như người sáng tạo, không chỉ là cảm xúc trước một tác phẩm, hay hoạt động sáng tạo ra tác phẩm ấy mà thôi, mà còn là ý thức về động cơ, xuất xứ, của tác phẩm, về chỗ đứng của nó trong lịch sử nghệ thuật.
Vì sao phong cách rôcôcô lại gây được cảm xúc thẩm mỹ " thật sự " đối với chúng ta, trong khi nó chỉ là một sản phẩm của thế kỷ XVIII, một sản phẩm đượm tính chất xa hoa của các bậc vương giả, vua chúa, và hoàn toàn xa vời đối với thực tế đời sống ngày nay ?
Vì sao nó lại có một tầm quan trọng đặc biệt trong lịch sử nghệ thuật ?
Đâu là xuất xứ của nó ?
Vì sao nó lại phát triển rực rỡ ở một vùng địa dư gồm các nước Đức, Áo, Thuỵ Sĩ, và Trung Âu ở thế kỷ XVIII ?
Vì sao hai phong cách barốc và rôcôcô lại ít được nhắc đến trong các chương trình giảng dạy về kiến trúc, cũng như trong các sách giáo khoa ?
Bằng ấy câu hỏi nêu lên, khó
mà
có thể trả lời
cho hết được trong một bài báo nhỏ, mặc
dầu đó là những điều cần
làm cho
sáng tỏ, để có thể hiểu được quá
trình sản sinh ra
một tác phẩm nghệ thuật, thậm chí một phong
cách,
cũng như những bước tiến, bước lùi của nghệ thuật qua
các
thời đại.
Từ barốc
đến rôcôcô
Về
mặt địa dư, vùng hồ Constance nằm không xa
biên
giới của hai nước, mà ảnh hưởng về mặt nghệ thuật đối với
các nước kể trên được coi như là quyết
định,
ít nhất từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII :
đó
là nuớc Ý và nước
Pháp.
Ảnh hưởng của hai thời kỳ nghệ thuật : Phục Hưng Ý và Barốc Ý (1400-1650), quả là đã bao trùm lên khắp Âu châu, từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII, đặc biệt là thế kỷ XVII, một thời kỳ rực rỡ của kiến trúc ở Ý nói chung, và của phong cách barốc nói riêng. Khắp Âu châu, các hoạ sĩ, các nhà điêu khắc, các kiến trúc sư tìm đến những trung tâm nghệ thuật ở Ý để học hỏi.
Cuối thế kỷ XVI, ngay sau thắng lợi của cuộc "Phản Cải cách" (Contre Réforme) của toà thánh Vatican chống lại cuộc Cải Cách của giáo hội Tin Lành, toà thánh Vatican và nước Ý, nói chung, bước vào một thời kỳ tương đối ổn định, phồn vinh, và nhất là thuận lợi cho việc xây dựng các công trình tôn giáo có tầm cỡ, với một nguồn hứng khởi mới, một quyết tâm mới, và với những kiến trúc sư thiên tài, như : Bernini, mà người Pháp đặt cho biệt hiệu là " Le Bernin " (1598-1680), tác giả của nhiều công trình kiến trúc và điêu khắc barốc ở Roma, trong đó có quảng trường và hàng hiên hình vòng cung ở trước toà thánh Vatican (1657-1666). Đó còn là Francesco Borromini (1599-1667), cũng là tác giả của nhiều công trình barốc ở thành phố này, nhưng điều quan trọng hơn cả, là những ý tưởng của ông về một phong cách kiến trúc giàu kịch tính và năng động, tận dụng những đường cong, để tạo nên nhịp điệu và những không gian phong phú. sinh động, đôi khi phức tạp (thời đó khái niệm nhịp điệu còn xa lạ, người ta chỉ biết có khái niệm năng động thôi) .Những ý tưởng này sẽ có một ảnh hưởng lớn đến các kiến trúc sư barốc đương thời ở khắp Âu châu, và nhất là đến dòng kiến trúc rôcôcô ra đời ngay sau đó ; Guarino Guarini (1624-1683), cũng là tác giả của nhiều công trình barốc, và về mặt lý thuyết, ông đã là người đầu tiên có sáng kiến khai thác các không gian kiến trúc bên trong một ngôi nhà thờ, đặc biệt là các gian bên (bas-côtés) . Ý tưởng này cũng sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến phong cách kiến trúc rôcôcô. Baldassare Longhena (1598-1682), tác giả của Cung điện Pesaro ở Venise, cũng là một kiến trúc sư barốc có tài.
Nhưng đến cuối thế kỷ
XVII, đầu thế kỷ XVIII, trong khi ở Ý
phong cách barốc
vẫn tiếp tục,
thì ở các nước phía bắc
Âu châu,
người ta đã chuyển sang một hướng tìm
tòi khác, có thể nói
là triệt để hơn, theo như Borromini đã
đề xướng : thực hiện những công trình kiến
trúc hoành
tráng, lộng
lẫy, nhưng đồng thời giàu kịch tính
và giàu nhịp
điệu. Phong cách rôcôcô
đã ra đời trong tinh thần ấy, vào khoảng cuối thế
kỷ XVII, và tồn tại cho đến nửa sau thế kỷ XVIII.
Ảnh hưởng của các công trình kiến trúc thời Louis XIV và phong cách rôcay ("rocaille")
Vậy thì đâu là phần đóng
góp của nước Pháp trong sự nở rộ của
phong cách rôcôcô
ở các nước bên kia sông Rhein ?
Như chúng ta biết, nước Pháp đã chuyển từ phong cách phục hưng sang phong cách cổ điển, từ thời Henri IV trở đi, và từ nửa sau của thế kỷ XVII, Louis XIV đã đưa nó đến một mức độ hoành tráng và lộng lẫy hiếm thấy, nhưng cũng chỉ nằm trong tinh thần cổ điển. Chưa bao giờ nước Pháp dứt khoát đi vào hướng barốc, mặc dầu, như chúng ta sẽ thấy, lúc đó ở Pháp kiến trúc sư có tài không thiếu. Lần duy nhất mà Louis XIV cho vời Le Bernin, kiến trúc sư barốc người Ý sang Paris để thiết kế cung điện Louvre (1665), cũng sẽ không đi đến đâu.
Có thể nói rằng trong suốt hai thế kỷ XVII và XVIII, nước Pháp của các vua chúa và của các nhà quý tộc đã rất cổ điển, mặc dầu vậy nước Pháp đã có những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của các phong cách barốc và rôcôcô. Điều này tưởng như một nghịch lí, nhưng thực ra có cơ sở. Nước Pháp không có, hay ít có, kiến trúc rôcôcô, nhưng lại có khả năng "xuất khẩu" một phong cách đã góp phần làm nên phong cách rôcôcô !
Vốn là nước Pháp, sau thời kì huy hoàng của nghệ thuật rômăng và gôtích (từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV), đã cùng với nước Ý quay trở về với những nguyên lí của kiến trúc cổ điển Hy La - Phục Hưng có nghĩa là làm cho hưng thịnh trở lại nền nghệ thuật cổ điển đã bị quên lãng - biết rằng về mặt nghệ thuật (Phục Hưng), Ý đã đi trước Pháp một bước khá xa, ngay từ thế kỷ XV, và đã đi theo một đường hướng độc đáo, vừa dựa vào những nguyên lí cổ điển Hy-La, mà đồng thời lại vừa phát triển theo một hướng sáng tạo, phóng khoáng, và tự do hơn (danh xưng " Quatrocento " của người Ý là để chỉ thời kỳ oanh liệt này - kể từ 1400 trở đi).
Với François Đệ nhất, từ 1515 đến 1547, nền kiến trúc Phục Hưng Pháp bắt đầu đi vào hướng cởi mở, và Pháp là nước đầu tiên đã biết tiếp thu và khai thác cái gu bay bổng, giàu tính sáng tạo, của các nghệ sĩ Phục Hưng Ý. François Đệ Nhất, đã từng mời hai kiến trúc sư người Ý (Fra Giacondo và El Boccador) sang thiết kế lâu đài Chambord (1519-1544) ở vùng sông Loire và một vài lâu đài khác, dưới sự chỉ đạo của chính nhà vua. Louis XIV, vào năm 1665, cũng đã từng mời " Le Bernin ", kiến trúc sư barốc lừng danh người Ý, thiết kế một phần cung điện Louvre, sau chủ yếu vì chiến tranh mà phải bỏ, không thực hiện được dự án này. (Thật đáng tiếc cho Paris, vì dự án của Le Bernin rất barốc và đầy hứa hẹn, ít ra nó cũng không đến nỗi quá vuông vức, khô khan, "cổ điển" như cung điện Louvre mà ta thấy ngày nay !).
Mặc dầu có rất it kiến trúc phong cách barốc, nhưng nước Pháp, với những công trình thực hiện được từ thế kỷ XVI và XVII đã có một ảnh hưởng rất lớn lên các nước Âu châu : không kể các lâu đài trên sông Loire của François Đệ Nhất và các vua chúa khác, không kể các công trình quy hoạch thủ đô Paris của Henri IV, mà chỉ kể các lâu đài dinh thự dưới thời Louis XIV thôi, như : Vaux-le-Vicomte, Versailles, Hotel de Soubise (Paris), v.v. Kiến trúc nội thất trong các công trình này đã đạt đến một mức hoành tráng và lộng lẫy không kém gì như trong kiến trúc barốc của Ý, hay rôcôcô của Đức, Áo, Thuỵ Sĩ và các nước Trung Âu sau này. Công lao của Louis XIV và nhất là của Colbert trong việc đào tạo, mở mang các ngành nghề thủ công để cung cấp trực tiếp nguyên vật liệu và nhân công kỹ thuật cho các ngành nghệ thuật, nhất là nghệ thuật trang trí, không phải là nhỏ, và đây cũng là một việc mà nhiều nước Âu châu thời đó cũng đã bắt chước làm theo. Những công trình trang trí nội thất phong cách rôcôcô khá phức tạp, sở dĩ đã thực hiện được không phải chỉ nhờ ở tài năng của các kiến trúc sư, mà còn nhờ ở những chuyên gia về kỹ thuật làm mô típ bằng stuc (stucco).
Chính thông qua khâu trang
trí nội thất, mà phong cách " rocaille
" (rôcay),
ra đời ở Pháp vào đầu thế kỷ XVIII, đã
chinh
phục được cái gu thẩm mỹ của giới quý tộc ở khắp
các nước Âu châu. Trong số
các kiến trúc sư
và các nhà trang trí nội
thất đã
sáng tạo ra phong cách này,
có những người
đã từng tham gia thiết kế và thực hiện
cung điện
Versailles, như : Jules Hardouin-Mansart, Lepautre, Boffrand, nhưng đặc
biệt là Oppenord (1672-1742), Juste
Aurèle
Meissonnier (1693-1750) và François de
Cuvilliés
(1695-1768). Người đã đóng góp nhiều
nhất cho
phong cách rôcôcô ở
vùng Bayern
(Bavière, Đức) chính là
François de
Cuvilliés. Bắt đầu từ đầu thế kỷ XVIII, các kiến
trúc sư nội thất phong cách rôcay
Pháp được mời đi sang làm việc ở khắp
các
nước Âu châu, từ Anh, Đức, Áo,
Thuỵ Sĩ, cho
đến Nga.
Kiến trúc rôcôcô ở các nước bên kia sông Rhein (Rhin)
Tôi chưa có dịp đi tham quan nhiều nơi ở
Đức, nhưng
nghe nói có nhiều lâu đài
của vua chúa xây theo phong
cách barốc
và rôcôcô
ở một số nơi, rất là đẹp. Tôi còn nhớ,
trong bộ phim L'Année
dernière à Marienbad
(1961), của Alain Resnais, tất cả diễn biến của phim đã diễn
ra trong một lâu
đài barốc-rôcôcô,
mà nội thất đã gây cho
tôi một ấn tượng
mạnh mẽ, đôi lúc làm cho
mình như bị
mê hoặc.
Ở đây, chúng ta chỉ tập trung nói đến những công trình kiến trúc rôcôcô ở vùng xung quanh hồ Constance mà thôi.
Đây chủ yếu là những công trình kiến trúc tôn giáo (nhà thờ, tu viện, thư viện, của đạo Ki-tô) và kiến trúc cung đình của các vua chúa được xây dựng ở cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII. Có thể nói rằng, ở đây, phong cách kiến trúc rôcôcô, đặc biệt là kiến trúc nội thất, đã đạt tới một đỉnh cao nghệ thuật mà ít đâu có thể so sánh được : nhà thờ ở Birnau (gần Salem), tu viện Weingarten, Ottobeuren (Đức) ; tu viện Saint Gall, Einsiedeln (Thuỵ Sĩ) ; tu viện Sankt Florian, Melk, Göttweig, Klosterneuburg (Áo). Ngoài ra, ở rải rác nhiều nơi khác, từ vùng Bavière (Đức), sang Áo, rồi sang Tiệp Khắc, Ba Lan, Nga, cũng còn nhiều công trình kiến trúc phong cách rôcôcô khác đáng chú ý, như : Brevnov (gần Ptague,Tiệp), Krzeszów (giữa Ba Lan và Tiệp), v.v.
Dựa vào những tác phẩm có cùng một phong cách rôcôcô kể trên, người ta có thể nghĩ rằng cái nôi của phong cách này nằm gọn trong một địa bàn không rộng lắm, gồm : vùng Voralberg (Áo), vùng Bavière (Đức) và vùng Sankt Gallen (Saint Gall, Thuỵ Sĩ). Sự thật hơi phức tạp hơn, vì đây không phải là một phong cách đã phát sinh và nảy nở tại chỗ, mà đã tiếp thu nhiều ảnh hưởng từ bên ngoài : ảnh hưởng barốc của Ý và ảnh hưởng rôcay của Pháp.
Tuy nhiên, những kiến trúc sư rôcôcô danh tiếng, phần lớn đều gốc gác người Áo và Đức : Johann Fischer von Erlach (Áo, 1656-1723), Johann Michael Fischer (Đức, 1692-1766), Balthasar Neumann (Đức, 1687-1753) , hai anh em Asam : Cosma Damian Asam (1686-1739) và Egid Quiria Asam (1692-1750) (Đức) . Phần lớn những kiến trúc sư này đều đã từng sang Ý và sang Pháp.
Tại sao những công trình kiến trúc Kitô giáo phong cách rôcôcô lại nở rộ ở cuối thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XVIII và tập trung với một số lượng khá quan trọng từ vùng nam nước Đức sang tới Ba Lan ? Hiện tượng này, theo tôi, chỉ có thể giải thích được bằng chủ trương của giáo hội Kitô giáo và của các vua chúa đương thời : thời kỳ này là thời kỳ mà giáo hội Kitô giáo cần chấn hưng, củng cố lại và giành lại những đất đai đã bị để mất trong cuộc tranh chấp ảnh hưởng giữa Kitô giáo và đạo Tin Lành ở các vùng này.
Còn tại sao
phong cách rôcôcô lại chinh
phục được cái gu thẩm mỹ của các vua
chúa,
quý tộc, và dân chúng ở
các nước
này, thì như đã nói ở
trên,
vào đầu thế kỷ XVIII, cái gu thời thượng về mặt
trang
trí nội thất một mặt là phong cách barốc
Ý,
một mặt là phong cách rôcay
Pháp.
Nguồn gốc xuất xứ của phong cách rôcôcô
Người
ta
thường bảo, kiến
trúc thời nào, và ở nơi
nào, chung quy cũng
chỉ là sản phẩm của bối cảnh lịch sử, kinh tế, xã
hội,
văn hoá, của thời đó, hoặc thời trước
đó, và ở nơi đó. Quả
là nếu
áp dụng điều này để giải thích hiện
tượng phong
cách rôcôcô,
thì không gì
đúng hơn, mặc dầu phong cách này, cũng
như tiền
thân của nó, phong cách barốc,
đều
có những
đặc điểm và những nguồn gốc khá phức tạp.
Trước hết, từ đâu mà có các từ : "barốc" (baroque) và "rôcôcô" (rococo) ? Thật ra, những danh xưng này là do người các thời sau đặt ra để gọi cho tiện thôi, chứ người đương thời có khi không gọi là gì cả, mà chỉ ý thức được rằng đó là một phong cách mới mẻ, thế thôi.
Từ barốc (phiên âm của từ tiếng Pháp : baroque), nhưng xuất xứ lại là từ tiếng Bồ Đào Nha : " barroco ", và tiếng Tây Ban Nha : " barrueco ", hoặc " barroco ". Trong hai thứ tiếng này, tính từ " barroco " chỉ một viên ngọc không tròn đều, phần nào hơi dị dạng. Trong lãnh vực kiến trúc, từ baroque có lúc đã có một nghĩa là kì dị (Từ điển Bách khoa Pháp 1795). Ngày nay, khi chúng ta nói đến phong cách barốc trong kiến trúc, thì chủ yếu là nghĩ đến nhịp điệu, đến tính năng động, đến tinh thần tự do, bay bướm (so với tinh thần cổ điển).
Từ rôcôcô (phiên âm từ tiếng Pháp : rococo, có xuất xứ từ chữ rocaille, có nghĩa là những mảnh đá vụn lổn nhổn ; từ này còn dùng để chỉ một phong cách trang trí kiến trúc và trang trí đồ đạc trong nhà : phong cách Louis XV, có cách bố cục cố ý không cân xứng, và sử dụng những hình khối nham nhở, gợi nhắc đến những hình thù động vật (sò, ốc) và thực vật (gốc, rễ cây) trong thiên nhiên.
Chính phong cách " rocaille " (rôcay) cách này đã có một ảnh hưởng nhất định đến phong cách rôcôcô, và từ rococo là do người Pháp đặt ra.
Trong tiếng Đức, người ta không phân biệt nội dung của hai từ Barockzeit và Rokokozeit, cả hai đều được dùng để chỉ thời kỳ barốc-rôcôcô ở thế kỷ XVIII.
Phong cách rôcôcô là sự tiếp nối lô gích của phong cách barốc, xuất phát từ Ý, đặc biệt là từ Roma (thế kỷ XVII), nhưng như chúng ta biết, trong phong cách rôcôcô còn có thêm ảnh hưởng của phong cách rôcay của Pháp. Cái xu hướng kiến trúc nguy nga, lộng lẫy của kiến trúc barốc Ý thực đã bắt đầu nhen nhóm ngay từ thời Phục hưng Ý. Chỉ cần nêu một thí dụ : gác sân thượng của lâu đài Chambord (1519-1537), mà tác giả là hai kiến trúc sư người Ý được François Đệ nhất giao cho thiết kế.
Do đó, mà sau này, phản ứng ngược lại của phong trào tân cổ điển nổi lên ở giữa thế kỷ XVIII đối với phong cách barốc và rôcôcô cũng quyết liệt hơn, và từ đó trở đi, chúng đã là nạn nhân của nhiều định kiến, nhất là trải qua những thời kỳ như thời kỳ Nã Phá Luân Đệ Tam, một thời kỳ mà kiến trúc hoàn toàn mang tính chất kinh viện, khô khan, nghèo nàn, đã ảnh hưởng rất sâu xa đến cái gu thẩm mỹ của quần chúng. Ngay những cái tên barốc và rôcôcô mà người ta ban cho chúng cũng bao hàm cả một sự khinh mạn, đôi khi đầy ác ý. (Người ta đây là những người có thẩm quyền, và nói chung, có cái gu cổ điển, kể cả những viện sĩ Viện hàn lâm và những vị giáo sư khả kính của các trường mỹ thuật).
Đối với chúng ta ngày nay, hai phong cách barốc và rôcôcô đều có một tầm quan trọng đặc biệt, vì thẩm mỹ cũng như quan niệm về không gian của chúng rất gần với chúng ta. Điều đáng chú ý, là khi kiến trúc hiện đại xuất hiện vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, với những vật liệu mới và những kỹ thuật mới, thì phong cách đầu tiên chinh phục được cái gu thẩm mỹ của người đương thời, lại chính là phong cách Tân nghệ thuật (Art Nouveau), mà xuất xứ chủ yếu là phong cách barốc và rôcôcô.Có thể nói rằng, nếu không có phong cách barốc nói chung, và rôcôcô, nói riêng, thì chắc chắn là đã không thể nào có được phong cách Tân nghệ thuật và trào lưu Tân nghệ thuật (Art Nouveau) ở đầu thế kỷ XX, cũng như đã không thể nào có được những kiến trúc sư tài năng, như : Gaudi (Tây Ban Nha), Guimard (Pháp), Horta, Henry van de Velde (Bỉ), Mackintosh (Ecosse), Mendelsohn (Áo), Sharoun (Đức), Saarinen, Frank Loyd Wright (Mỹ), và sau này, gần chúng ta hơn : Utson (Đan Mạch), Gehry (Mỹ), v.v.
Và đương nhiên, là đã không thể nào có được kiến trúc hiện đại, trong cái nghĩa tiên tiến nhất của nó : giàu tính nhân bản, giàu nhịp điệu, để nói lên sự sống và những khát vọng của con người..
Văn Ngọc
Các thao tác trên Tài liệu