Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Chanoyu (Trà đạo)

Chanoyu (Trà đạo)

- Vĩnh Sính — published 10/12/2011 12:30, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18
Quá trình ra đời và vai trò của Rikyū


Ngày Xuân, thử bàn về Trà đạo


Chanoyu (Trà đạo)
Quá trình ra đời và vai trò của Rikyū


Vĩnh Sính



“ Trà khởi đầu là một vị thuốc, dần dà trà trở thành thức uống. Ở Trung Hoa vào thế kỷ VIII trà đi vào thơ ca như một thú vui tao nhã. Vào thế kỷ XV, ở Nhật Bản giai cấp võ sĩ (samurai) đã đưa trà thành một tín điều mỹ học — tức là chanoyu (trà đạo) ”.


Nhà nghiên cứu lừng danh của giới mỹ thuật thời Minh Trị Okakura Kakuzō (Tenshin) đã nói như vậy trong phần mở đầu của cuốn sách The Book of Tea.i Sau đây chúng ta thử bàn về bối cảnh ra đời cùng quá trình định hình của chanoyu.


Mặc dầu Thiền tông (Zen) được truyền sang Nhật từ mấy thế kỷ trước, phải đợi đến thời Kamakura (1185-1333) với sự ra đời của giai cấp võ sĩ mới có đủ điều kiện để bắt rễ và đi sâu vào đời sống của dân chúng.


Thiền tông, thuộc Phật giáo Đại Thừa, không chú trọng đến kinh điển mà chỉ chú trọng đến phương pháp tu hành. Thiền tông dạy rằng ai cũng có Phật tính, tức là có thể giác ngộ được. Tuy nhiên, vì mê muội, Phật tính thường nằm lắng trong ta. Nhằm đánh thức Phật tính, Thiền tông nhấn mạnh lối tu luyện về cả hai mặt tinh thần và thể xác để đạt ‘satori’ (ngộ) : phái Sōtō (Tào-Động) dựa trên phương pháp ‘zazen’ (tọa-thiền tức là ‘ngồi Thiền’), và phái Rinzai (Lâm-Tế) chú trọng về việc luyện tập ‘kōan’ (công-án). Công án là những câu nói tối nghĩa nhằm đưa người tu luyện ra khỏi tập quán suy nghĩ bằng lý trí, để đột nhiên có thể lãnh hội bản chất của sự vật bằng trực giác.


Nói một cách khác, Thiền tông cho rằng con người chỉ nhìn thấy chân lý trực tiếp bằng trực giác, chứ không thể gián tiếp qua văn tự dài dòng hoặc qua những tri thức có tính cách suy luận hay tư biện.


Ở Nhật Bản, với sự bảo trợ nhiệt thành của giai cấp võ sĩ, ảnh hưởng của Zen đối với đời sống văn hóa và quan niệm mỹ học (aesthetics) của người Nhật ngày càng trở nên đậm nét, đạt điểm cao dưới thời Ashikaga bakufu (1336-1573) mà đại bản doanh đóng ở Kyoto.


Mặc dầu chính trị nhiễu nhương, đời sống về văn hóa và kinh tế thời Ashikaga, ngược lại có nhiều nét khởi sắc. Năm 1397 tướng quân Ashikaga Yoshimitsu đã cho xây chùa Kinkakuji (Kim-các-tự, tức chùa Vàng) ở vùng đồi núi phía bắc Kitayama ở Kyoto ; sau đó tướng quân Ashikaga Yoshimasa năm 1483 cho dựng chùa Ginkakuji (Ngân-các-tự, tức chùa Bạc) ở khu đồi núi phía đông Higashiyama, Kyoto. Trong khoảng thời gian này, Thiền môn thường là nơi dạy dỗ và trau luyện nghệ thuật cho con cháu của giai cấp võ sĩ. Từ đó, nhiều hình nghệ thuật và văn hóa đã được định hình : trà đạo (chanoyu), nghệ thuật kiến trúc vườn cảnh (teien), nghệ thuật cắm hoa (ikebana), trường phái hội hoạ sumie (tranh vẽ bằng mực xạ), kiếm đạo (kendō), tuồng , hay thơ haiku, v.v....



*



Chanoyu là cách nghi thức đun nước và khuấy với bột trà xanh (matcha, tức là mạt trà). Sen-no-Rikyū (Thiên Lợi-Hưu ; 1522-91) được xem là người khai tổ của phái Sen-ke của chanoyu — đặc biệt là wabi-cha (tịch trà), tức là ‘cách uống trà trong yên tĩnh, thanh tịnh’.


Ở đây ta cần mở một dấu ngoặc để giải thích thêm về wabi, và bàn luôn về sabi, bởi lẽ hai quan niệm thường đi đôi với nhau này là chìa khóa trọng yếu để mở cửa những bí ẩn của mỹ học theo-phong-cách-Nhật-Bản. Người khởi đầu dùng mỹ học sabi qua thơ ca là Fujiwara Shunzei vào thế kỷ XII ; sau đó đến thế kỷ XVII Matsuo Bashō (1644-1694) đã đưa khái niệm mỹ học sabi vào thơ haiku một cách hài hòa và ở một mức độ chưa từng thấy. Chúng ta thử hỏi sabiwabi khác nhau như thế nào ? Trong tự điển tiếng Nhật thật ra hai từ sabi wabi này thường được giải thích giống nhau hay na ná với nhau ; chữ Hán của sabiwabi đều viết là ‘tịch’ (wabi có viết khi là ‘đà’, nghĩa là ‘ung dung’). Cả hai từ đều có nghĩa là vẻ đẹp ‘đơn sơ, tao nhã, trầm lắng u huyền, vẻ cô tịch của những dáng hình cổ kính không hào nhoáng rực rỡ, lộng lẫy và kiêu kỳ, v. v.’. Có khác nhau chăng nữa là wabi thiên về khuynh hướng ‘hướng nội’, trong khi đó sabi ‘hướng ngoại’. Vào thế kỷ XVI, tức là trước Bashō chừng một thế kỷ, Rikyū đã triển khai và định hình được wabi-cha, há không phải là sớm hay sao ?


Rikyū sinh trưởng ở Sakai (nay thuộc Osaka) ; thành phố này thuở đó buôn bán với nước ngoài rất phồn thịnh. Đến thế kỷ XVI, uống trà trở nên một mốt thời thượng ở nước Nhật, đặc biệt ở hai thành phố Sakai và Hakata (nay là một phần của thành phố Fukuoka ở Kyushu).


nguoibantra

Người bán trà rong      Quán trà lộ thiên thời Ashikaga


Rikyū là hiệu, tên thật là Sen Sōeki (Thiên Tông-Dịch). Hồi còn trẻ, Rikyū theo học trà với Kitamura Dōchin ; đến năm mười chín tuổi thụ giáo với Takeno JōōTakeno Jōō (Trúc-Dã Chiêu-Âu) — một học giả về mỹ học của wabi-cha. Thấm nhuần tinh thần của JōōJōō , Rikyū đã sáng tạo và phát triển mỹ học của chanoyu mà đến nay người đời vẫn còn xem là tối quan trọng.


Trước hết, trà thất (chashitsu) là một căn phòng nhỏ nhắn đơn sơ, chỉ độ lối hai, ba chiếu (tatami)ii. Tường là tường đất ; cột nhà là cây khô còn nguyên vỏ ; trần thường làm bằng hóp hoặc bằng lau. Nói một cách khác, Rikyū đã tạo nên một thế giới một thế giới riêng biệt trong trà thất hai, ba chiếu này. Giữa chủ và khách không hề có thái độ khoa trương huếch lác, mà luôn luôn thành thật và kính trọng lẫn nhau. Đó là những điều cơ bản trong tinh thần của Rikyū về chanoyu. Cách uống trà này đã được gọi là sōan-cha, tức là ‘thảo am trà’; thường được gọi chung là wabi-cha.


trathat

Trà thất


chentra
Chén trà

Năm 1570, Rikyū đun trà cho Oda Nobunaga, người cầm quyền bính ở Nhật lúc bấy giờ. Tài đun trà có một không hai của Rikyū được Nobunaga công nhận. Chén trà mà Rikyū chọn thường ngả về màu sẫm đen, khác với những đồ gốm hoa hoè lộng lẫy đời Tống hay đời Nguyên. Hoa ikebana mà Rikyū cắm trong trà thất cũng dùng ống tre, những hoa này gọi chung là cha-no-hana (hoa-cắm-vào-dịp-chanoyu) rất đơn giản nhưng đầy ý nghĩa.



Năm 1579, Rikyū được mời làm thầy dạy về chanoyu cho Nobunaga. Trong khoảng thời gian này Rikyū vào Thiền môn ở chùa Daitokuji tại Kyoto. Sau khi Nobunaga mất, Rikyū được mời làm thầy dạy chanoyu cho Toyotomi Hideyoshi, người thay thế Nobunaga, và Rikyū nghiễm nhiên trở thành nhân vật quan trọng nhất trong giới trà đạo ở Nhật Bản. Trong hội trà (chakai) năm 1585, với sự tham dự của Thiên hoàng Ōgimachi, Thiên hoàng ban pháp danh cho Rikyū là ‘Rikyū Koji’ — tức là ‘Cư sĩ Rikyū’.


rikyu
Rikyū

Rikyū chọn bốn điều lý tưởng cho chanoyu là : hoà (wa), kính (kei), thanh (sei) và tịch (jaku). Hòa tức là hoà hợp, hòa đồng ; kính là kính nể, tôn trọng ; thanh là trong sạch, thuần khiết ; và tịch có nghĩa là tịch liêu, yên lặng. Những nguyên tắc của chanoyu này ngày nay vẫn được xem là trọng yếu.


Một khái niệm khác cũng rất quan trọng là ichi-go ichi-e tức là nhất kỳ, nhất hội, nói nôm na là phải luôn luôn quý trọng mọi cuộc gặp gỡ trong hội trà vì trong một đời người mới có một lần. Khái niệm ichi-go ichi-e được thầy của Rikyū là Takeno JōōTakeno Jōō đặt ra và Rikyū là người phổ biến rộng rãi. Khái niệm này ngày nay không những có ảnh hưởng đến chanoyu mà còn đi sang nhiều lãnh vực khác.


Năm 1587, Hideyoshi tổ chức hội trà ở Kitano thuộc Kyoto. Trong hội trà này nhiều daimyō (đại-danh ; gần giống như lãnh chúa), samurai, và những dân bình thường như chōnin (kẻ chợ), hyashō (bách tính), hoặc người nước ngoài — một khi đã yêu chuộng chanoyu thì ai ai cũng có thể tham dự cả. Người ta tính số người đến dự hội trà lừng danh này có đến hơn một ngàn.


Khi Rikyū đã được công nhận là vị thầy ‘đệ nhất trong thiên hạ’ về trà đạo, đặc biệt là wabi-cha, nhiều daimyō xin nhập môn làm đệ tử. Năm 1591, đột nhiên Hideyoshi ra lệnh Rikyū phải seppuku (mổ bụng tự tử). Nguyên nhân thì không rõ ; Hideyoshi là người có tài năng và võ công, nhưng cũng có lắm ngôn hành rất khó hiểu. Chúng ta chỉ biết rằng từ lâu trước đó, Rikyū đã định hình wabi-cha. Thế rồi trong trà thất cắm hoa ikebana đơn sơ, Rikyū viết bài thơ từ giã cuộc đời, rồi thản nhiên mổ bụng tự tử. Lúc ấy Rikyū vừa đúng bảy mươi tuổi.



*


Trong cuốn Nambō-roku (Nam-phường lục), Rikyū viết về lý tưởng của trà đạo như sau : “ Điểm trọng yếu của trà giữa chủ và khách... là giao tiếp với nhau một cách trực tiếp, không cần lấy kích thước nọ kia để đo lường. Chỉ cần nhen lửa lên, đun nước sôi rồi thưởng thức trà. Không được có việc nào khác ”.


Vào cuối đời, khi tiếp xúc với chanoyu, Rikyū từ bỏ mọi tạp niệm, thư thái ngồi uống trà. Khác với ‘môn đệ’ về trà của mình là Toyotomi Hideyoshi khi nắm quyền bính đã cho làm trà thất bằng vàng, óng ánh lộng lẫy — hoàn toàn đi ngược với phong cách của thầy mình. Rikyū chắc hẳn đã đạt được ‘cái đẹp của sự viên mãn’ (yūshū-no-bi)iii qua wabi-cha của trà đạo.


Vĩnh Sính




i Okakura viết sách này bằng tiếng Anh. Sách xuất bản năm 1906.


ii Tatami thường có chiều rộng 95,5 centimet và chiều dài 1 mét 91. Kích thước của tatami có thể thay đổi chút ít tuỳ theo địa phương.


iii Tiếng Anh có người dịch là ‘the beauty of completion’.




Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us