Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Chiến dịch THẬP VẠN ĐẠI SƠN

Chiến dịch THẬP VẠN ĐẠI SƠN

- Võ Nguyên Giáp — published 06/03/2009 14:21, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18
Cách đây 60 năm, bộ đội Việt Nam sang giúp Trung Quốc giải phóng khu vực Ung-Long-Khâm (biên giới Quảng Tây với Vân Nam và Quảng Đông)


Cách đây 60 năm, bộ đội Việt Nam
giúp Trung Quốc giải phóng Ung Long Khâm



CHIẾN DỊCH THẬP VẠN ĐẠI SƠN

Võ Nguyên Giáp

THẬP VẠN ĐẠI SƠN là cái tên quen thuộc đối với những người mê truyện chưởng và kiếm hiệp. Ít người biết tại vùng núi non hiểm trở này ở ranh giới hai tỉnh Quảng Đông - Quảng Tây, cách đây 60 năm, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã vượt biên sang giúp du kích Hoa Nam đánh bại những đơn vị quân đội Tưởng Giới Thạch, giải phóng khu vực Ung - Long - Khâm. Trong chiến dịch này, nhiều chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh, trong đó có nhà văn Trần Đăng. Tham gia chiến dịch này còn có nhạc sĩ Trọng Loan (xem bài của Nguyễn Thuỵ Kha), giáo sư Phó Bá Long (1922-2009).

Diễn Đàn đăng lại dưới đây toàn văn chương hồi kí của đại tướng Võ Nguyên Giáp về chiến dịch này. Bạn đọc có thể tham khảo thêm Từ điển Wikipedia tiếng Việt, báo Quân đội Nhân dân, Từ điển Bách khoa Việt Nam...

Từ đầu kháng chiến toàn quốc, chúng ta đã có quan hệ mật thiết với Nam lộ Bát lộ quân Trung Quốc ở Hoa Nam và Bộ tư lệnh Quân khu Điền Quế.

Đầu năm 1948, đồng chí Trang Điền được chỉ thị của đồng chí Chu Ân Lai, sang Việt Bắc gặp các đồng chí lãnh đạo ta. Bác và Thường vụ tiếp phái viên ở Lục Giã. Đồng chí Trang Điền thông báo tình hình chiến tranh giải phóng ở Trung Quốc. Quân Tưởng tăng cường càn quét những lực lượng vũ trang cách mạng ở Hoa Nam để củng cố hậu phương. Những đơn vị du kích của bạn đang gặp khó khăn và thiếu lương thực. Bác và chúng tôi bàn với phái viên của bạn về sự phối hợp chiến đấu, giúp dỡ lẫn nhau giữa hai quân đội cách mạng.

Đầu tháng Ba, quân Tưởng ở Quảng Tây tấn công hai khu Trấn Biên, Tĩnh Tây dữ dội. Một bộ phận bộ đội du kích và cơ quan hậu phương của hai khu này tạm thời chuyển qua biên giới Việt Nam.

Bộ tư lệnh biên khu Điền Quế và đảng uỷ biên khu Việt Quế thường xuyên có quan hệ với chúng ta (1). Tháng 4 năm 1949, lãnh đạo phong trào du kích ở Quảng Tây giáp biên giới Đông Bắc nước ta, đề nghị quân đội Việt Nam phối hợp chiến đấu, giúp đỡ đánh quân Tưởng để giải phóng khu Ung-Long-Khâm. Sau khi có sự đồng ý của Trung ương, ngày 23 tháng 4 năm 1949, Bộ Tổng tư lệnh ra mệnh lệnh giao nhiệm vụ cho Bộ tư lệnh Liên khu 1 « giúp Quân giải phóng xây dựng một khu giải phóng ở vùng Ung-Long-Khâm liền với biên giới Đông Bắc của ta ». « đồng thời hoạt động ở Đông Bắc để mở rộng khu tự do Đông Bắc ra tận biên giới và thông ra biển, liền với khu giải phóng Việt Quế của bạn ».

Mệnh lệnh nói rõ phải giáo dục chính trị cho bộ độii trước khi lên đường, phải xây dựng tình đoàn kết giữa hai nước Trung Hoa mới và Việt Nam mới, giữa Quân giải phóng Trung Quốc và bộ đội ta. Cán bộ, chiến sĩ ta cần thấy rõ những diều kiện thuận lợi và nhất là những khó khăn ; phải tôn trọng phong tục tập quán của nhân dân địa phương, nêu cao kỉ luật chính trị, chú trọng công tác dân vận. Cần đứng trên lập trường đoàn kết giữa hai dân tộc, căn cứ vào lợi ích cách mạng của hai nước mà giải quyết các vấn đề, tuyệt đối tránh« bản vị chủ nghĩa ».

Bộ chỉ huy chiến dịch chung được chỉ định : anh Lê Quảng Ba, phó tư lệnh Liên khu 1 là tư lệnh chiến dịch ; đồng chí Trần Minh Giang, cán bộ của bạn, là chính trị uỷ viên. Bộ chỉ huy chiến dịch lấy danh hiệu là Bộ tư lệnh khu Thập Vạn Đại Sơn.

Chiến dịch chia làm hai mặt trận : mặt trận Điền Quế do anh Nam Long làm chỉ huy trưởng, đồng chí Hoàng Bình, cán bộ của bạn, làm chỉ huy phó, anh Đỗ Trình làm chính trị viên ; mặt trận Long Châu do anh Thanh Phong làm chỉ huy trưởng, anh Chu Huy Mân và anh Long Xuyên làm chỉ huy phó.

Bộ Tổng tham mưu cử một đoàn cán bộ tác chiến giúp Bộ tư lệnh khu Thập Vạn Đại Sơn về công tác tham mưu, theo dõi diễn biến của chiến dịch, thường xuyên báo cáo với Bộ Tổng tư lệnh.

Đầu tháng 6, bộ đội ta xuất phát theo hai hướng : Long Châu và Khâm Châu - Phòng Thành.

Ngày 12 tháng 6, mặt trận Long Châu nổ súng diệt vị trí Thuỷ Khẩu và Hạ Đống, trong khi hướng phối hợp tiến công địch từ Bằng Tường xuống Nam Quan. Quân Tưởng co lại, biến Long Châu thành một cụm cứ điểm mạnh. Bộ chỉ huy chỉ thị cho bộ đội chuyển sang vây hãm Long Châu, đánh viện, chặn đường tiếp tế, tiến công Ninh Minh và Thượng Kim, giúp bạn mở rộng vfa củng cố vùng mới giải phóng quanh Long Châu.

Hướng Điền Quế và Thập Vạn Đại Sơn, đường đi khó khăn hơn. Bộ đội ta phải hành quân trèo đèom lội suối mất gần một tháng dưới nắng hè gay gắt mới đến nơi. Phát hiện bộ đội ta, quân Tưởng rút bỏ nhiều vị trí, co về các thị trấn lớn như Nà Lường, Phòng Thành, Đông Hưng. Đàu tháng 7, bộ đội ta tiến công Trúc Sơn, một thị trấn có 4 đại đội quân Tưởng bảo vệ. Bộ đội ta phối hợp với bạn củng cố vùng giải phóng đã mở rộng ở khu Thập Vạn Đại Sơn, đánh địch càn quét, tiễu phỉ ở vùng Khâm Châu. Ta tiêu diệt hơn một trung đoàn địch, diệt và bức địch rút 10 vị trí trong số 12 vị trí ở huyện Phòng Thành, làm cho các khu căn cứ nối liền một dảim thu hẹp phạm vi chiếm đóng của quân địch ở huyện Khâm Châu.

Tháng 10 năm 1949, khi lực lượng vũ trang của bạn ở hai biên khu Điền Quế và Việt Quế đã liên lạc được với chủ lực Quân giải phóng, bộ đội ta được lệnh rút về nước. Ta để lại một đại đội tiếp tục phối hợp với lực lượng của bạn để xây dựng cơ sở, củng cố và mở rộng vùng giải phóng. Ta trao lại cho bạn những vũ khí thu được của quân Tưởng gồm hơn 500 khẩu súng các loại.

Bộ tư lệnh khu Thập Vạn Đại Sơn nhận định "thắng lợi về quân sự đã quan trọng, nhưng thắng lợi về chính trị còn lớn hơn nhiều". Bộ đội ta đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong nhân dân địa phương về tinh thần quốc tế của một quân đội cách mạng.

Một số cán bộ, chiến sĩ Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại trên đất Trung Quốc trong thời gian làm nhiệm vụ quốc tế này. Nhà văn quân đội Trần Đăng, một cây bút rất nhiều triển vọng, sau khi từ chiến dịch Sông Thao trở về, hăng hái đi tiếp lên đường số 4 cùng bộ đội qua biên giới làm nhiệm vụ, đã hy sinh trong một trận đụng độ với quân Tưởng.

Võ Nguyên Giáp

NGUỒN : Chiến đấu trong vòng vây (Hữu Mai thể hiện)

bản in trong Tổng tập Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp,

Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2006, tr. 564-566.

(1) Biên khu Điền Quế là khu biên giới Vân Nam - Quảng Tây. Biên khu Việt Quế là khu biên giới Quảng Đông - Quảng Tây.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us