Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Chiến lược phòng biển của Trung Quốc từ thời Thanh trở về trước, cùng vùng biển giáp giới hai nước Việt Trung

Chiến lược phòng biển của Trung Quốc từ thời Thanh trở về trước, cùng vùng biển giáp giới hai nước Việt Trung

- Hồ Bạch Thảo — published 02/06/2013 23:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18
Dưới thời Nguyên, Trung Quốc mang binh thuyền tấn công Nhật Bản bị thất bại ; thời Vĩnh Lạc triều Minh, hạm đội của Trịnh Hòa dương oai tại vùng Ðông Nam Á, việc làm chỉ được tiếng, nhưng tốn kém quá nhiều, có lần bị giết 170 người tại Trảo Oa [Java], nên cuối cùng đến đời Tuyên Ðức chương trình này đành phải dẹp bỏ. Suốt hai triều đại Minh, Thanh ; quân Nhật [cái mà sử Trung Quốc gọi là Nụy khấu] thao túng cướp phá vùng biển, Trung Quốc chỉ phòng thủ trên bờ và ven biển cũng không xong, nên không màng đến biển cả. Bằng cớ ngay cả đảo lớn giàu tài nguyên như Ðài Loan, được liệt vào ngoại quốc dưới triều Minh.





Chiến lược phòng biển của Trung Quốc từ
thời Thanh trở về trước,
cùng vùng biển giáp giới hai nước Việt Trung


Hồ Bạch Thảo





Dưới thời Nguyên, Trung Quốc mang binh thuyền tấn công Nhật Bản bị thất bại ; thời Vĩnh Lạc triều Minh, hạm đội của Trịnh Hòa dương oai tại vùng Ðông Nam Á, việc làm chỉ được tiếng, nhưng tốn kém quá nhiều, có lần bị giết 170 người tại Trảo Oa [Java] 1, nên cuối cùng đến đời Tuyên Ðức chương trình này đành phải dẹp bỏ. Suốt hai triều đại Minh, Thanh ; quân Nhật [cái mà sử Trung Quốc gọi là Nụy khấu] thao túng cướp phá vùng biển, Trung Quốc chỉ phòng thủ trên bờ và ven biển cũng không xong, nên không màng đến biển cả. Bằng cớ ngay cả đảo lớn giàu tài nguyên như Ðài Loan, được liệt vào ngoại quốc dưới triều Minh.

Qua Minh Sử, bộ chánh sử cuối cùng của Trung Quốc trong Nhị Thập Tứ Sử, có thể tìm thấy lãnh thổ Ðài Loan dưới tên Kê Lung Sơn, tại mục “ Ngoại quốc ”, phần Liệt truyện.

Biển lúc bấy giờ là mối hệ lụy, nên Trung Quốc chủ trương phòng thủ thụ động trên bờ, bỏ mặc đại dương không chiếu cố đến. Chiến lược này được phản ảnh một cách cụ thể trong trường hợp viên Tổng đốc Lưỡng Quảng Ngô Hùng Quang xin chế tạo nhiều thuyền để ra biển bắt cướp ; bị vua Gia Khánh bác và khẳng định quốc sách là phòng thủ tại cảng và truy lùng những người trên bờ ngầm mua bán hợp tác với bọn cướp. Xin trích dịch chiếu thư của vua Gia Khánh như sau :

Ngày 2 Kỷ Tỵ tháng 12 năm Gia Khánh thứ 12 [30/12/1807]

“... Còn trong tấu triệp Ngô Hùng Quang trình bày rằng Thuyền cướp qua lại đợi chờ mới liên lạc được với bọn gian trên bờ, nếu thuyền binh khẩn trương theo tung tích truy nã, thì bọn chúng không thi thố được thủ đoạn. Vậy muốn ngăn tiếp tế, nên tu tạo nhiều thuyền, xuất dương truy bắt.”

Ðiều này không đúng, về bọn cướp biển, gạo, nước, thuốc súng đều nhờ vào trên bộ. Bọn giặc trên bờ và dưới nước vốn quen nhau, ngầm giao dịch, cũng không phải chờ bọn cướp biển lên bờ tìm kiếm mới được tiếp tế. Tổng chi, đáng ra lệnh các quan văn võ tại cửa biển mật cho tuần tra, nghiêm bắt, trừng trị nặng ; bọn phỉ trên bờ co rút lại, thì mới đoạn tuyệt việc tiếp tế.

Ðiều đó khẳng định rằng việc cấm bọn phỉ tiếp tế tất phải nghiêm tra trên bờ, làm vững rào dậu là biện pháp chính. Phúc Kiến nghiêm cấm tiếp tế tại cửa biển, thực hiện hữu hiệu, tỉnh Quảng Ðông cần nhất luật thực hiện...” (Nhân Tông Thực Lục quyển 189, trang 7)

Cùng đề cao sách lược phòng thủ thụ động nơi ven biển, tại quyển 9, Hải Phòng, trong Quảng Ðông Thông Chí 廣東通志, Tổng đốc Hác Ngọc Lân tóm tắt :

Phàm thuyền đến không cho đậu, đi không tiếp tế ; thì dân chúng duyên hải đều được yên gối mà ngủ.”

Cũng trong Quảng Ðông Thông Chí quyển 9 có các mục đáng lưu ý như : Nghiêm dương cấm (Cấm dân ra biển), Ngự hải dương (Phòng ngự bờ biển), Cố hải ngạn (Làm vững bờ biển).

Trong mục Nghiêm dương cấm ghi lại lời Thông chính Ðường Thuận [唐順] thời Minh rằng :

Việc cấm biển nghiêm, điều tra người lén ra đi, cần tìm tòi âm mưu từ bên trong. Chỉ kê tra kẻ dùng mái chèo ra biển, mà không điều tra âm mưu bên trong thì chưa tuyệt được nguồn gốc. Cần ra lệnh cho quân vệ, quan chức địa phương lập sổ sách theo thứ tự 1,2,3 kê tra dân tại duyên hải, cùng nghề nghiệp sinh nhai, rồi tùy lúc kềm cặp ràng buộc. Nếu như có những kẻ du đãng bỏ nghề nghiệp, hành tung bí mật, đi về chè chén, có vẻ khả nghi ; thì ra lệnh cho người trong làng đến quan để tố cáo. Lấy 30 lượng bạc của phạm nhân thưởng cho người tố cáo, cùng điều tra sự tình của phạm nhân rồi trị tội nặng. Những người biết chuyện mà cố tình giấu diếm, thì cũng phạt tội, nhưng giảm nhẹ hơn tội nhân. Thi hành phép Bảo giáp 2 nghiêm là phương cách giảm thiểu đạo tặc, bởi vậy nơi ven biển dân bôn đào tụ tập thì việc kiểm soát không thể không nghiêm.”

Mục Ngự Hải dương ghi lời chiến lược gia đời Minh, Ðàm Luân, nói về điểm bất lợi trong việc giao tranh ngoài biển như sau :

“ Hải đạo Phó sứ đời Minh, Ðàm Luân, nói rằng chống cự giặc biển không cho lên bờ là thượng sách, các Sĩ phu ngày nay đều chủ trương như vậy. Sự thực biển rộng mênh mang, đánh dẹp giặc tại biển rất khó. Vì giặc thuận theo gió và thủy triều mà đến, ta đánh lại ngược theo gió và thủy triều rất khó. Nếu chờ cho gió và thủy triều thuận để đuổi, càng đuổi càng xa, và đã chắc gì đuổi kịp ; nếu kịp thì ngược gió, ngược thủy triều rất khó trở về. Huống gì giặc thấy thuyền ta, tìm cách tránh né ; bẻ tay lái trong gang tấc, có thể tránh xa ngàn dặm, ta làm sao có thể đánh kịp. Vả lại [hành quân trên biển], bọn tướng chỉ huy gian dối có thể dựa lời vì gió, thủy triều để tránh né, lấy gì căn cứ để tra xét.

Ðánh trên bộ không như thế, có thể thắng trong phút chốc, thế hai bên không cùng tồn tại, tướng sĩ không có mối tệ. Vậy giảng về đánh trên biển, không bằng giảng về đánh trên bộ...”

Tại mục Cố hải ngạn ghi lời Thông chính Ðường Thuận đời Minh nói rằng :

“ Giặc đến không thể chống trên biển, nên việc phòng trên bờ rất khẩn yếu. Ðối với điều thứ hai khi giặc mới đến, đói khát, sào huyệt chưa thành, đánh dễ hơn. Ðợi đến khi vào nội địa, nếu quét sạch được cũng tổn thất nhiều...”

Chiến lược bỏ biển được nêu lên một cách cụ thể trong kiệt tác Hải Quốc Ðồ Chí 海國圖志 của Ngụy Nguyên [1774-1857]. Cũng cần nhấn mạnh thêm, gần hai thế kỷ về trước học giả kiệt xuất Ngụy Nguyên đã có nhận xét về chế độ dân chủ tại Mỹ, gọi chương trình tức hiến pháp của nước Mỹ “ đời qua đời không có mối tệ ” “ 27 bộ [tiểu bang] cộng cử một đại Tù trưởng [Tổng thống] cứ 4 năm thì thay đổi, quan chức tuy thay nhưng lòng người vui vẻ một dạ ” “ Nghị sự, tố tụng, tuyển quan, cử hiền tài, đề bạt từ dưới lên ; cứ dân chấp nhận là được, dân phủ nhận thì bỏ ” lại “ vừa giàu và mạnh nhưng không ăn hiếp nước nhỏ, không quen thói cú vọ với Trung Quốc, vì nghĩa phẫn giận, tình nguyện ra tay ” 3

Tại quyển một, Hải Quốc Ðồ Chí, mục Trù hải, trang 56, Ngụy Nguyên nêu bằng chứng rằng dưới thời Minh, Thanh, đảo Châu Sơn [Zhowshan] thuộc tỉnh Chiết Giang, không tiện việc phòng thủ, nên đã bỏ ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Nhìn lên Google Map, đảo này chỉ cách bờ biển Trung Quốc khoảng 10 km ; Châu Sơn thị 4 hiện nay dân số hơn 120 vạn người, tại đó có Phổ Ðà Sơn là khu du lịch quốc tế. Nguyên văn trích dẫn như sau :

“ Xin nói rộng ra về tỉnh Chiết Giang, đảo dự nhiều như rừng, Châu Sơn là một trong các đảo. Nói về hiểm thì không phải là cửa khẩu, nói về giàu thì đất không phì nhiêu, nói lớn thì thuộc loại như viên đạn ; Thang Hòa [湯和 1326-1395] 5 đời Minh kinh lý đảo này không thu nhập vào đất nội địa. Năm Thuận Trị thứ 8 [1651] Nghị chính vương Ðại thần tâu rằng Châu Sơn là đất đã bỏ của triều ta, đất này vô ích, ra lệnh cho Phó đô thống chuyển lính Mãn Châu trở về kinh đô, đó là những lời của bực lão thành chiêm nghiệm hàng trăm dặm. Bởi vậy từ thời Khang Hy trở về trước đều cho là đất ngoài vòng giáo hóa, vì rằng chỗ đó thành giáp với biển, thuyền ghé sát vào thành, pháo có thể bắn vào trong thành, so sánh khác với Ðài Loan, Quỳnh Châu, Sùng Minh.

Sử liệu nêu trên cũng được sách Chiết Giang Thông Chí của Thẩm Dực Cơ đời Thanh xác nhận trong quyển 6, mục Cương Vực. Ngoài ra cũng tại mục Hải Phòng, quyển 95 sách này, còn nêu thêm hai vùng đất sau đây, vào thời Hồng Vũ triều Minh cho đến đầu triều Thanh, không nằm trong lãnh thổ Trung Quốc :

- Thứ nhất là đảo Kim Ðường, nay mang tên Kim Ðường Trấn [Jintang Island], nằm giữa Châu Sơn thị [Zhoushan] và khu Trấn Hải ; đảo chỉ cách bờ biển vài km. Bàn về Kim Ðường, tác giả Thẩm Dực Cơ đã đề cập các sử liệu liên quan đến đất này từ các sách Trù Hải Ðồ BiênÐịnh Hải huyện chí, rồi lập luận chống việc bỏ đất như sau :

Theo Trù Hải Ðồ Biên [籌海圖编] 6 các đảo Kim Ðường, Ngọc Hoàn có hàng vạn khoảnh ruộng đất tốt, từ xưa dân cư đã khai khẩn làm đồn điền, đặt quân phòng thủ vừa giữ hiểm vừa nắm chắc lương thực ; chế độ xưa đáng khôi phục.

Ðịnh Hải Huyện Chí : Kim Ðường tuy tại giữa biển nhưng nằm phía sau Ông Châu 7 ; ví như tòa nhà, thì Ông Châu là cổng, Kim Ðường là sân, Trấn Hải là nhà ở. Vậy Kim Ðường đứng giữa làm trung gian, so với làng ấp bên trong, như môi với răng. Buổi thịnh thời Tống, Nguyên ; các đảo do dân nội địa canh tác, làm muối bắt cá, dân chúng no đủ, không phải riêng một mình Kim Ðường mà thôi. Từ khi Tín Quốc [信國] ra lệnh dời bỏ, thì lời dị nghị rần rần, đều cho rằng Kim Ðường không nên khai phục, có thuyết lo rằng dưỡng loạn giúp cho gian tà, hoặc cho rằng tranh đoạt gây ra kiện tụng, hoặc lo rằng phân đồn tăng quân, được không bù mất.

Kẻ ngu này cho rằng không đúng ; phàm Kim Ðường rộng đến trên 100 lý, ruộng khoảng hơn ba vạn mẫu, khe nước ngọt, đất tốt, lợi không nơi nào bằng. Trước kia khi mới khai phá, gọi dân đến khẩn đất thừa, không chờ cướp đoạt ; đến lúc định nghiệp, nghề nghiệp đã định, thì còn tranh chấp gì ? Nếu bảo rằng dưỡng loạn giúp gian tà, thì giặc giã không phải chỉ riêng xẩy ra tại Kim Ðường, nhiệm vụ của quân lính đã rõ rồi ; nếu cho rằng sợ giặc xâm phạm rồi triệt bỏ đi, thì chẳng khác kẻ sợ nghẹn mà không dám ăn ! Huống đất này là yết hầu, tay chân ; nếu một ngày có báo động thì chặn tại đó, việc liên lạc hô hấp được thông, viện binh tiếp đến, như rắn trên núi Thường Sơn, đầu đuôi yểm trợ nhau, thì quan trọng hơn các đảo khác, há lại tiếc việc đóng binh, muốn để không đất này, bỏ rào dậu đất Trấn Hải, mất chỗ dựa nơi thành xe, mối sai lầm quá lắm ! Lại bảo rằng ruộng đất các đảo Ông Châu [Châu Sơn] và Kim Ðường nhiều hiểm trở, không nên khai khẩn ; họ lo giặc có thể cứ hiểm, mà không biết ta cần chiếm chỗ hiểm trước, thuyết này thực khó thông.

Nay xem xét trên bản đồ Liệt Cảng tại phía tây, Hoàng Do Tiêu tại phía đông, Sách Tử Sơn tại phía tây bắc, Hoàng Mao Sơn tại phía tây nam ; trong đó có 5 nhánh núi, 3 lãnh, 10 đảo dự, 1 cánh đồng lớn, 2 nhánh sông ; chỗ quan trọng cần đặt thuyền quân, đông tây đặt đồn đài, dựa theo hình thế mà trù tính việc lâu dài, thì toàn thể đất Kim Ðường có chỗ dựa.

- Thứ hai về đảo Ngọc Hoàn ; nay là huyện Ngọc Hoàn [Yuhoan] cách bờ biển Ôn Linh thị tỉnh Chiết Giang chưa đầy 1 km, dân số 60 vạn người. Sau khi nêu lên sự kiện bỏ đất Ngọc Hoàn từ thời Hồng Vũ triều Minh, tác gỉả Chiết Giang thông chí ca ngợi vị trí chiến lược của đảo này như sau :

Ngọc Hoàn Chí : Ngọc Hoàn là chìa khóa của hai phủ Ôn, Thai 8, cửa ngõ hai huyện Lạc, Thái ; phía ngoài ngăn biển cả, phía trong lo che chở. Sườn núi cao, lãnh dốc xung quanh ; dựa núi xây đồn đủ để phòng thủ ; bốn mặt bùn lầy chướng ngại, dễ cho việc chế ngự ; đó là thế tự nhiên bên trong Ngọc Hoàn. Phía ngoài đảo có các hòn Nam Ky, Bắc Ky chặn ngang đối xứng, làm bình phong, đó là ngoại thế của Ngọc Hoàn. Ðảo này vốn phì nhiêu, dân chúng tụ tập, thương nhân mậu dịch. Từ năm Hồng Vũ thứ 20 [1387] binh phòng biển dời dân cư vào nội địa, khiến cho bọn giặc phỉ tại Phúc Kiến, Quảng Ðông, Ôn Châu, Thai Châu dựa vào đó làm sào huyệt tại các đảo nhỏ. Hoặc chiếm đất duyên hải khai thác buôn bán muối, khai khẩn không đóng thuế, giăng lưới đánh cá, tôm, cua ; hoặc câu, bắt ; thuyền bè có đến hàng ngàn, tàng trữ kẻ xấu, những vật bất hợp pháp.

Ngọc Hoàn nguyên có 18 đô, cùng các đảo nhỏ gần rải rác ; đất đai màu mỡ có thể canh tác có đến 3,4 vạn mẫu. Còn đất bùn lầy, các dân quê lão nông đất Ngọc Hoàn đã đắp đê ngăn nước, số đất thành thục có đến 6,7 vạn mẫu ; đó là nguồn thiên nhiên, nuôi dưỡng dân chúng ngày một đông, là sinh lợi của Ngọc Hoàn vậy.

Nay nếu có Thủy sư tuần tiễu trên biển thì bọn giặc ngoài biển không thể vào ; có quân trên bộ đồn trú tại các ải quan trọng thì những bọn buôn lậu không thể theo ra ; có chiến hạm đậu tại cửa biển, thì dễ truy bắt thuyền phạm pháp ; có tuần tra tại cảng khẩu, thì bọn gian ra vào không có chỗ ẩn náu ; khiến cho thuyền cá, thuyền buôn nghiêm chỉnh thi hành pháp luật trên biển khơi sóng gió. Nếu như thi hành một cách nghiêm chỉnh thì ích lợi cho dân không nhỏ, không chỉ riêng việc làm vững phên dậu cho Ngọc Hoàn mà thôi.

Qua các sử liệu nêu trên, chúng ta tự hỏi rằng những đảo lớn như Châu Sơn thị, huyện Ngọc Hoàn, trấn Kim Ðường, cách bờ biển tỉnh Chiết Giang dưới 10 km, trải qua thời gian dài trên 300 năm không nằm trong lãnh thổ Trung Quốc ; như vậy những đảo xa xôi không có người định cư, như Hoàng Sa [Paracel], Trường Sa [Spratly], có thể nằm trong lãnh thổ Trung Quốc được không ? Thiết tưởng chỉ cần một chút suy luận đơn giản, cũng có được câu trả lời.

Với chính sách về biển như vậy, nên từ triều Thanh trở về trước, tại biển nam, Trung Quốc giới hạn vùng lãnh hải gần bờ ; nhường phần còn lại cho An Nam, để nước này cáng đáng việc đánh bắt cướp biển ngoài khơi. Trong Minh Thực Lục, Thanh Thực Lục còn lưu lại những văn bản ghi nhận chính quyền Trung Quốc nhờ An Nam [thời Gia Khánh trở về sau gọi là Việt Nam] giúp truy lùng cướp biển.

Bởi vậy nên trong quyển 9, Quảng Ðông Thông Chí mục Hải Phòng, có ghi 62 vị trí tiếp giáp với biển An Nam, những vùng này gần bờ biển Quảng Ðông. Chúng tôi phối kiểm lại với chính sử Trung Quốc Thanh Thực Lục, thì cả hai nguồn đều xác nhận 4 vị trí sau đây tiếp giáp An Nam : Thất Thập Nhị Kính, Vi Châu, Ðại Ðộng Thiên, Tiểu Ðộng Thiên. Từ 4 vị trí này có thể vẽ ra được tuyến đường ngoài biển khơi xuất phát từ Thất Thập Nhị Kính, châu Khâm, hướng đông đến Vi Châu phía nam châu Liêm, rồi theo hướng nam ra đảo Hải Nam, đến Ðại Ðộng Thiên, Tiểu Ðộng Thiên thuộc phía nam Tam Á. Trên tuyến này có 24 vị trí mà sách Quảng Ðông Thông Chí xác nhận giáp với An Nam, nguyên văn như sau :

xungyeu



Xung yếu :

Từ huyện Lạc Hội, phủ Quỳnh Châu, khởi đầu tiếp giáp với biên giới [biển] An Nam :

- Vũng Hải Ðiều : giới hạn huyện Văn Xương

- Cảng Phố Tiền : giới hạn huyện Hội Ðồng

- Cảng Thần Ứng : giới hạn phủ Quỳnh Châu

- Phố Phong Doanh : giới hạn phủ Quỳnh Châu

- Phố Ma Ðầu : giới hạn huyện Lâm Cao

- Phố Cung Loan : giới hạn huyện Lâm Cao

- Loan Ðiền Hòa : Giới hạn châu Ðam

- Núi Nga Trá : giới hạn huyện Xương Hóa

- Doanh Bạch Sa : giới hạn huyện Cảm Ân

- Ðại Ðộng Thiên : giới hạn châu Nhai

- Tiểu Ðộng Thiên : giới hạn châu Nhai

- Vũng Nha Lang : giới hạn huyện Lăng thủy

- Cửa Song Châu : giới hạn huyện Lăng Thủy

- Thất Thập Nhị kính : giới hạn châu Khâm

- Nha Sơn : giới hạn châu Khâm

- Ðạm Thủy Loan : giới hạn châu Khâm

- Doanh Cách Mộc : giới hạn huyện Linh Sơn

- Núi Ô Lôi : giới hạn huyện Linh Sơn

- Ao Thanh Anh : giới hạn phủ Liêm Châu

- Ao Dương Mai : giới hạn phủ Liêm Châu

- Ao Bình Giang : giới hạn phủ Liêm Châu

- Thiệu Châu : giới hạn sở Vĩnh An

- Mão Châu : giới hạn sở Hải An

- Vi Châu : giới hạn sở Cẩm Nang

Không kể vùng biển gần các phủ Liêm Châu và Quỳnh Châu được đề cập ở trên, những biển xa như quần đảo Hoàng Sa của ta, mà người Trung Quốc xưa thường gọi là Thiên Lý Trường Sa Vạn Lý Thạch Ðường, thì sử chí của họ chỉ đề cập một cách mơ hồ theo lời truyền ngôn. Các nhà khảo cứu nước này thường thuật lại qua lời kể của những người đi biển bị nạn, nên câu chuyện được thêm thắt vào đầy vẻ ma quái hoang đường. Chẳng hạn, sách Hải Ngữ [海語] của Hoàng Trung đời Minh, chép về Vạn Lý Thạch Ðường như sau :

Vạn Lý Thạch Ðường tại phía đông biển Ô Trư và Thạch Trư. Tại đó tuy trời nắng nhưng vẫn âm u, không giống như trong cõi trần ; thổ sản nhiều xà cừ. Chim có nhiều loại quỷ xa, có thứ 9 đầu, có thứ 3,4 đầu, rải rác khắp biển ; tiếng kêu gào ầm ĩ đến mấy dặm ; tuy kẻ ngu và loại hung hãn cũng xúc động buồn thảm, mồ hôi toát ra. Châu sư hàng hải trên thuyền lỡ tay lái thất thế, đâm vào đá tảng, thì hàng trăm mạng biến thành quỷ ! 

Tuy nhiên mới đây, để phụ họa cho việc tranh giành biển đảo, những nhà nghiên cứu viết theo đơn đặt hàng tại Trung Quốc cố tình gán ghép Trường Sa Thạch Ðường vào phủ Quỳnh Châu tức đảo Hải Nam, hoặc châu Vạn của phủ này. Nhắm vạch trần luận điệu sai trái đó, xin dịch nguyên văn cương vực phủ Quỳnh Châu và Châu Vạn, được chép trong Quảng Ðông Thông Chí để thấy một cách hiển nhiên rằng Thiên Lý Trường Sa Vạn Lý Thạch Ðường hay quần đảo Hoàng Sa, không thể nằm trong đó được :

Phủ Quỳnh Châu : Phía nam là Chiêm Thành, tây là Chân Lạp, Giao Chỉ ; đông là Thiên Lý Trường Sa Vạn Lý Thạch Ðường, phía bắc là huyện Tư Văn, phủ Lôi Châu.

Châu Vạn : Bề ngang rộng 205 lý, dọc 120 lý ; đông đến bờ biển 25 lý, tây đến núi Giá Cô Ðề 180 lý bên ngoài dân Sinh Lê sống, nam đến bờ biển 25 lý, bắc đến biên giới huyện Lạc Hội 95 lý.

*

Sự việc xẩy ra mỗi thời mỗi khác ; từ đầu thế kỷ 20 đến nay, sau khi phát hiện tiềm năng khoáng sản nơi đại dương, người Trung Quốc tìm mọi cách tranh giành biển đảo. Cố tình quên đi sự thật lịch sử việc triều đình Trung Quốc công nhận vùng biển của Việt Nam, đã biết bao lần gửi chỉ dụ sang kêu gọi đánh dẹp giặc biển ngoài khơi ; nay họ vẽ bản đồ lưỡi bò đòi dành 80 % vùng Biển Đông, to tiếng rằng đó là bằng chứng không thể tranh cãi được ! Ðến đây, nhân vấn đề thời sự biển đảo, chợt nhớ đến Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, vốn mang dấu ấn từ hai dân tộc ; người viết bèn bắt chước “tập Kiều”, với câu thơ Thúy Kiều trách vấn Tú Bà như sau :

“ Giờ ra thay bực đổi ngôi,
Dám xin gửi lại một lời cho minh
.”


Hồ Bạch Thảo





1 Minh Thực Lục, Hồ Bạch Thảo dịch, Hà Nội : NXB Hà Nội, tập 1, văn bản 226.

2 Bảo giáp : phép tổ chức quân binh của Vương An Thạch đời Tống, lấy dân làm lính tại địa phương.

3 Trích dẫn từ Cận Ðại Trung Quốc sử Cương 近 代中國史綱, Quách Ðình Dĩ, chương 2, tiết 4, mục Tây Sự Nghiên Cứu.

4 Châu sơn : nay là Châu Sơn thị, thuộc tỉnh Chiết Giang, dân số hơn hiện nay hơn 120 vạn người.

5 Thang Hòa : Khai quốc công thần triều Minh, làm quan đến chức Chinh tây tướng quân, được tấn phong Tín quốc công.

6 Trù Hải Ðồ Biên : tác gỉả Hồ Tôn Hiến, đời Minh.

7 Ông Châu : tên cũ của Châu Sơn.

8 Ôn, Thai : tức hai phủ Ôn Châu, Thai Châu thuộc tỉnh Chiết Giang.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us