Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Chiến tranh nha phiến, nguyên nhân cùng hậu quả (2)

Chiến tranh nha phiến, nguyên nhân cùng hậu quả (2)

- Hồ Bạch Thảo — published 12/06/2013 11:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18
Chương 2 : LÂM TẮC TỪ CẤM THUỐC PHIỆN



Chiến tranh nha phiến,
nguyên nhân cùng hậu quả





HỒ BẠCH THẢO




Chương 2

Lâm Tắc Từ cấm thuốc phiện
[1839-1840]



1. Quyết sách của vua Ðạo Quang


Lâm Tắc Từ [1785-1850] người tỉnh Phúc Kiến [Fujian], xuất thân Tiến sĩ ; lúc 48 tuổi giữ chức Tuần phủ Giang Tô [Jiangsu], 53 tuổi Tổng đốc Hồ Quảng [Huguang]. Ðứng về truyền thống Trung Quốc mà bàn, ông ta là người tài đức kiêm toàn, ngôn hành xứng với chức vụ ; lấy tiêu chuẩn Tây phương để đánh giá cũng là vị công chức hết sức với nhiệm vụ, thanh liêm chính trực. Ông rất lưu tâm đến thời cuộc “ mắt thấy nha phiến vô cùng độc hại, tâm lòng như sôi sục ”. Trong thời gian giữ chức Tuần phủ Giang Tô [1832-1833] dâng tấu triệp, tối thiểu hai lần đề cập đến họa nha phiến, cho rằng thuốc phiện do Tây Dương đưa vào, đổi lấy bạc nén của ta, thực thuộc loại “ mưu gom của cải, hại tính mệnh ” “ đối với cái hại cho quốc kế dân sinh, lửa giận khiến tóc muốn dựng đứng lên.” Trừ phi “ thuyền ngoại quốc trước khi đến cửa khẩu, nghiêm cách gia tăng tuần tiễu để tuyệt nguồn ; khi đã đến cửa khẩu, ra sức kê tra, nếu như lén lút lậu vượt hoặc có phát hiện khác, đem gian thương mưu lợi trao cho quân binh tra cứu, trừng trị nặng ; khiến cho lệnh ban, quyết tâm thi hành, mới có thể triệt gốc rễ, trừ hại lớn.” Có thể thấy được tấm lòng Lâm ghét nha phiến và quyết tâm diệt trừ.

Ðối với biện pháp mạnh của Hoàng Tước Tư, Lâm Tắc Từ hết sức ủng hộ. Ông lập luận cái hại của nha phiến quá sâu, phép thường không thể ngăn chặn được, dùng tử hình cấm thuốc phiện chính hợp với cái lý “ trị tội chết để không còn chết thêm ”. Lúc bấy giờ đặt biện pháp, thi hành tại Hồ Nam [Hunan], Hồ Bắc [Hubei] ; không đến ba tháng thấy có sự công hiệu. Một khi nghe lệnh trị tội chết, thì không những “ bọn mở quán buôn bán trốn đi xa, mà người hút thuốc cũng quyết định chừa, dân tình không phải không sợ pháp luật, tập tục thay đổi lớn.” Trong một tờ tâu bàn thêm về cái hại của thuốc phiện, và sự tất yếu phải trừng trị, ông kê ra người nghiện thuốc tối thiểu mỗi người mỗi năm tốn 36 lạng bạc, với nhân số Trung Quốc 4 vạn vạn người, nếu trăm người có một người hút thuốc, thì mỗi năm số bạc nén lậu ra không dưới 1 vạn vạn lượng ; mà trước mắt số người hút không dừng ở con số 1 % ! Ông kết luận : “ Nha phiến nếu không cấm tuyệt, thì nước mỗi ngày một nghèo, dân mỗi ngày một yếu ; chỉ hơn chục năm sau, trung nguyên không còn quân mạnh có thể ngự địch, không có bạc nén để lo quân lương.”

Lâm Tắc Từ nhấn mạnh cái hại của nha phiến qua hai lãnh vực kinh tế, quốc phòng ; khiến vua Ðạo Quang xúc động tâm kinh, trong ngày ban chiếu chỉ tưởng lệ. Tiếp theo mệnh Quân cơ đại thần hội bàn phúc tấu, các Tổng đốc, Tuần phủ cấp tốc tra xét. Vương, công nghiền hút bị cách chức ; Hứa Nãi Tế, người chủ trương bỏ cấm thuốc phiện, bị bãi quan. Triệu Lâm Tắc Từ đến gặp mặt ; trong 7 ngày từ ngày 28/12/1838 đến 3/1/1839 gặp 8 lần, mỗi lần khoảng 1 giờ rưỡi. Ban cho ngựa dùng trong Tử cấm thành, để biểu thị sự vinh hiển ; giao chức Khâm sai đại thần, tra biện hải khẩu Quảng Ðông, tiết chế Thủy sư, với trọng trách thanh tra lai nguyên nha phiến. Ðồng thời mệnh Tổng đốc, Tuần phủ Quảng Ðông ra sức hợp tác, nhắm “ trừ sạch ô uế, đoạn tuyệt gốc rễ ”.

Hoàng Tước Tư, Lâm Tắc Từ kiến nghị, chú trọng nghiêm trị nghiện hút, trị mình trước trị người sau ; ý vua Ðạo Quang thì cả hai phương diện đều chú ý, nội ngoại cùng tấn công, nguồn cung cấp cần nên đoạn tuyệt trước. Nhiệm vụ chính của Lâm Tắc Từ là đối ngoại, riêng đối nội giao cho các quan Tổng đốc, Tuần phủ tại các tỉnh đảm trách. Nhưng chương trình xử tội chết kẻ buôn bán thuốc phiện cùng người nghiện hút, mãi đến tháng 2 năm 1839 mới định xong, hẳn có sự trở ngại.

Do Tổng đốc Trực Lệ [Zheli] Kỳ Thiện, đứng đầu 21 Tổng đốc, Tuần phủ ; không cho việc xử tử hình là đúng. Chủ tịch Quân cơ đại thần Mục Chương A cũng có thái độ chần chừ ; cả hai đều là người Mãn, nằm trong Bát kỳ, quyền trọng vị cao, được vua Ðạo Quang sủng ái. Họ Lâm ngày ngày được triệu kiến, giao chức vị cao, phá cách ân sủng, khiến “ quan Khu mật viện phải động sắc ”. Lâm “ triều kiến xong, cùng với các đồng liêu bàn không hợp, trong ngoài cấu kết, người có quyền cho rằng Lâm gặp nguy ”. “ Khu mật ” chỉ Mục Chương A, “ ngoài ” chỉ Mục Kỳ Thiện ; đây là hai người Mãn đố kỵ với người Hán, sợ Lâm Tắc Từ lung lay lòng vua, thay nắm quyền lợi của họ. Lâm cũng biết “ thân hãm nguy cơ, nhưng từ chối không được, chỉ biết đem hết ngu thành, mong trừ mối họa lớn cho Trung nguyên.” Ðạo Quang thì “ huấn dụ thiết tha, ủy nhiệm trọng chức ”, khiến họ Lâm không thể không “ chảy nước mắt nhận chức, còn họa phúc vinh nhục không tính đến.”



2. Cưỡng chế giao nạp nha phiến


Nhiệm vụ chính của Lâm Tắc Từ là đoạn tuyệt nguồn nha phiến ; sau khi lãnh trách nhiệm lập tức điều tra việc nhập hàng lậu tại Quảng Ðông, cùng giao cho Tổng đốc, Tuần phủ tra bắt gian thương. William Jardine [Tra Ðồn], tên đầu sỏ buôn lậu nha phiến người Anh, qua hai năm xua đuổi mà không chịu đi, nay rời khỏi Quảng Châu để trở về nước ; sự việc giúp Lâm Tắc Từ lấy được thanh thế lúc ban đầu ; nhưng số người chần chờ nhìn ngó vẫn còn đông. Vào ngày 10/3/1839 Lâm bắt đầu hành động, ông ban ra 2 đạo dụ đưa cho người ngoại quốc, nội dung bàn về lợi ích của thông thương, buôn thuốc phiện là tội, lệ cấm rất nghiêm, không thể buôn lén ; thông sức các phà chở nha phiến phải mang nạp quan, không được tàng trữ chút nào. Lại đưa ra bản cam kết bằng chữ Hán và chữ nước ngoài, cam đoan “ Từ nay thuyền đến không được chở kèm nha phiến ; nếu mang đến, một khi bắt được, hàng hóa phải nạp quan, bản thân chịu tội chết, thuận tình cam chịu tội. ” Ông nhấn mạnh pháp luật phải thi hành “ Nếu một ngày chưa hết nha phiến, thì bản Ðại thần chưa trở về ; thề thủy chung với công việc này, không có lý gì để dừng lại.” Lại có một đạo dụ cấp cho Hàng thương, kết tội bọn này cấu kết với người Di lừa dối quan phủ ; lệnh trong 3 ngày lo liệu hai vấn đề nạp thuốc phiện và cam kết nêu trên, nếu không “ đem một, hai người ra xử tội chết, tài sản tịch thu.” Ngày thứ 2, Hải quan bố cáo, cấm người ngoại quốc rời khỏi Quảng Châu [Guangzhou] đến Áo Môn [Macau], đợi Khâm sai đại thần tra xét.

Gần 100 năm nay, chính phủ Trung Quốc đối với việc thông thương với Tây phương, chưa bao giờ kiên quyết như vậy. Ngoại quốc cho rằng viên chức Trung Quốc thuộc loại đầu cọp đuôi rắn, chỉ ưa phô diễn, rồi mọi việc sẽ kết thúc. Ba ngày sau, họ chỉ nguyện ý nạp 1.037 rương nha phiến ; Lâm cho rằng quá ít, cự không chịu nhận, thực hiện đình chỉ mậu dịch, đuổi dân buôn, công nhân về Di quán, bắt tên buôn thuốc phiện Lancelot Dent [Ðiên Ðịa], tên này địa vị chỉ dưới William Jardine [Tra Ðồn]. Lãnh sự Charles Elliot [Nghĩa Luật] nghe tin, ngày 24/3 từ Áo Môn đến ngay Di quán ; ngay chiều hôm đó Lâm phái binh bao vây Di quán, cấm chỉ ra vào ; số người ngoại quốc bị giữ tại Di quán hơn 300 người, sinh hoạt rất bất tiện, nhưng thực phẩm thì không để thiếu. Họ Lâm phải thi thố cách này, vì nha phiến chất tại các phà ngoài biển, rất khó khống chế ; chính lấy tĩnh chế động, bắt giặc thì bắt đầu sỏ, sử dụng biện pháp hữu hiệu “ không ác nhưng nghiêm.”

Sau khi Di quán bị vây một ngày, Charles Elliot [Nghĩa Luật] tránh gặp Lâm Tắc Từ, nhưng đệ bẩm lên Ðặng Ðình Trinh yêu cầu nội trong ba ngày khôi phục người Anh và thuyền được di chuyển tự do, nếu không sẽ gặp khó khăn bởi hành động, mà hậu quả sẽ không chịu trách nhiệm, lại xin cho Ủy viên gặp để thương thảo. Lâm phái nhân viên đến Dương hàng đàm thoại, nhưng Charles Elliot và thương nhân ngoại quốc không đến. Lâm trách Charles Elliot kháng cự vi phạm, nếu như nạp hết số thuốc phiện tại phà, thì trở lại buôn bán bình thường, việc trước kia không truy cứu. Lại dán thiếp hiểu dụ, đề cập đến thiên lý, quốc pháp, nhân tình, sự thế ; khuyên nên nạp thuốc phiện và làm giấy cam kết.

Ngày 27/3 Charles Elliot khuất phục, trực tiếp bẩm xin với Lâm, đem số nha phiến người Anh kinh doanh, nạp đủ. Cũng trong ngày, bố cáo cho người Anh tuân thủ ; tổng kê số nha phiến là 20.283 rương. Lâm ưng thuận, thưởng cho thực phẩm trâu, dê ; giao hạn nếu nạp được ¼ cho khôi phục việc buôn bán ; nạp 2/4, được đi lại từ tỉnh thành đến Áo Môn, nạp ¾ cho mở cửa thuyền mậu dịch, nạp hết trở lại bình thường. Charles Elliot mệnh viên Phó lãnh sự chiêu tập các phà lênh đênh ngoài biển, ngày 22/4 bắt đầu nạp nha phiến, ước 40 ngày thì xong. Ngảy 3/6 thực hành thiêu hủy ; trước đó nơi bờ biển tại Hổ Môn [Humenzhen], chọn một chỗ thích hợp đào vũng dẫn nước vào, đổ nhiều muối, đem nha phiến trộn vào, cùng thêm vôi vào dung dịch, lấy bừa sắt bừa kỹ, trộn lật, rồi tống ra biển ; thời gian mất 20 ngày mới thiêu hủy xong. Trong thời gian thiêu hủy Khâm mệnh Lâm Tắc Từ, và Tổng đốc Ðặng Ðình Trinh thay phiên giám sát. Thuyền trưởng Mỹ, thương nhân, Giáo sĩ đều được tham quan ; chứng thực việc chấp hành, vua Ðạo Quang khen “ đại khoái nhân tâm.”



3. Kiên trì bắt cam kết và giao hung phạm


Người Anh chịu nạp thuốc phiện, thứ nhất do áp lực bởi Lâm Tắc Từ không có cách gì kháng cự, thứ hai do Charles Elliot [Nghĩa Luật] tuyên bố vấn đề nạp nha phiến sẽ do nước Anh quản lý, thương nhân không lo việc tổn thất. Sau khi nha phiến nạp xong, theo lệnh của Charles Elliot họ trở về Áo Môn, đình chỉ cho thuyền vào cửa khẩu, để chờ lệnh của chính phủ Anh. Nạp nha phiến và cam kết là 2 điều quan trọng Lâm Tắc Từ đòi hỏi. Tại thương hội Quảng Ðông [Guangdong] liên danh bẩm trình vĩnh viễn không đưa nha phiến vào Trung Quốc, nha phiến cũng đã nạp xong, thấy được ý hối hận của Charles Elliot, nên khi y xin khoan hạn ký bản cam kết, họ Lâm đã chấp nhận. Ðó là nguyên nhân tại sao cam kết chưa ký hết, mà thương nhân Anh đã được rời Quảng Châu [Guangzhou].

Lúc này những thuyền Anh đến Quảng Ðông, ngoài nha phiến còn tải gạo, vải bố, vải hoa;  lâu ngày không khỏi ẩm thấp mối mọt ; nên đối với lệnh không cho vào cửa khẩu của Charles Elliot, không khỏi bất mãn. Bởi vậy Charles Elliot thay đổi kế hoạch, xin Lâm Tắc Từ cho người đến bàn. Lâm Tắc Từ cho là thành thực, thưởng 1.600 hộp trà ; lại cho thuyền trống đến Hoàng Phố [Huangpu] lấy hàng. Charles Elliot yêu cầu lấy hàng tại Áo Môn, Lâm cho rằng nếu chấp nhận như vậy Áo Môn sẽ thành nơi chứa trữ buôn bán nha phiến ; bèn hẹn trong 5 ngày đến Hoàng Phố lấy hàng, nếu không thì lập tức trở về nước. Charles Elliot cho rằng thuyền nước Anh không đến Hoàng Phố vì nhà đương cục Quảng Châu làm nhiều điều không đúng, nếu như không cho lấy hàng tại Áo Môn thì không có gì phải bàn thêm. Lâm thấy rằng những thuyền đến sau vẫn mang thuốc phiện bán trên biển, càng thấy Charles Elliot vẫn giữ trong lòng sự chống đối.

Trong lúc hai bên tranh chấp chưa giải quyết xong, thì đầu tháng 7 xẩy ra vụ người Anh ẩu đả rồi giết chết một người Hoa tên là Lâm Duy Hỷ tại Cửu Long [Kowloon, Hương Cảng]. Charles Elliot tập nã hung phạm, xử nạp tiền chuộc và giam một thời gian ngắn. Lâm Tắc Từ mấy lần ra lệnh giao tội phạm, Charles Elliot trả lời Nữ hoàng Anh không cho phép. Lâm Tắc Từ cho rằng nói láo “ Nước này vốn có định lệ đến buôn bán tại nước nào, thì chịu pháp luật của nước đó ” “ Giết người phải thường mệnh, Trung Quốc và người nước ngoài đều như vậy. Nếu phạm tội tại y quốc địa phương, phải do y quốc biện lý ; như tại Thiên triều, sao không giao cho hiến quan thẩm tra ? ” lời bàn luận đúng với quốc tế công pháp. Lại bảo rằng Charles Elliot là một quan chức Anh “ tra rõ tội phạm người Di, lại giữ tại thuyền ; nếu chống lại không giao, là can tội che giấu tội phạm tức đồng tội với tội phạm.” Charles Elliot không lung lay, Lâm bất đắc dĩ phải phong tỏa Áo Môn, không cho người Anh cư trú. Hạ tuần tháng 8, Charles Elliot và người Anh chuyển đến Hương Cảng [Hongkong], hoặc trên thuyền vùng phụ cận. Lâm bố cáo với đoàn luyện cùng thôn dân tại duyên hải, trong trường hợp người Anh lên bờ thì xua đuổi, đoạn tuyệt mọi tiếp tế, khiến bị khốn khó. Ngày 4/9, Charles Elliot mang một thuyền chiến mới đến Cửu Long, yêu cầu mua thực phẩm không được, bèn khai pháo ; pháo đài Trung Quốc mãnh liệt bắn trả lại, cà hai bên đều tổn thất. Lâm cũng không có ý quyết liệt, chỉ thủ thế mà thôi. Thái độ của triều đình Bắc Kinh cường ngạnh hơn, Ðạo Quang ra chỉ thị “ Trẫm không lo khanh phản ứng mãnh liệt, chỉ răn khanh đừng sợ sệt ; trước ra uy sau mới nghe, khống chế là biện pháp tốt.”

Charles Elliot là kẻ theo chủ nghĩa thực dụng, trước đó nhắm khống chế Lâm Tắc Từ, không cho thương thuyền Anh ghé vào Hoàng Phố ; đồng thời cho thuyền Mỹ thay Anh chở hàng vải vóc vào bán, cùng mua trà. Rồi xin buôn bán tại Áo Môn nhưng không được ; sau khi bắn phá tại Cửu Long không có kết quả, người Anh gặp khó khăn, bèn nghĩ đến việc thỏa hiệp ; gửi thư cho viên Ðồng tri Áo Môn, biểu thị hòa bình, xin gặp mặt thương nghị. Lâm vốn không muốn quyết liệt, chỉ mong cấm được nguồn vào của nha phiến, nếu Charles Elliot hối hận, thì chấp nhận theo điều xin ; với điều kiện thuyền mới đến phải giao nạp nha phiến, giao tội phạm, phải đưa phà lênh đênh ngoài biển về nước, mới khôi phục bình thường mậu dịch. Hạ tuần tháng 9, Charles Elliot đến Áo Môn, mang thiếp phúc đáp rằng thuyền Anh hiện không có nha phiến, hãy cộng đồng tra xét, nếu như thấy được thì hàng hóa tịch thu, người buôn thì bị đuổi về, thương gia Anh tại Quảng Ðông cộng đồng cam kết, có lãnh sự đóng dấu ký tên ; hung phạm sẽ tra rõ, nếu như là người Anh thì chiếu theo luật Anh thẩm biện ; riêng phà thì chờ khi thuận gió sẽ đưa về nước. Lâm lại đề ra biện pháp rằng những thương thuyền tình nguyện cam kết, cho buôn bán như thường, không tra xét thêm ; những thuyền chưa cam kết, cho khám thuyền, như thấy có nha phiến thì hàng bị quan tịch thu, người bị xử tử ; hẹn trong 10 ngày phải nạp hung phạm. Charles Elliot tránh chiếu theo mẫu cam kết, chỉ đồng ý tra xét. Lâm cho rằng ký tờ cam kết và tra xét là hai việc ; vả lại đã không có nha phiến, thì sao lại sợ cam kết ?

Lâm Tắc Từ kiên quyết như vậy vì lúc bấy giờ có chủ thuyền Anh, cùng thuyền các nước Mỹ, Pháp đều chiếu theo dạng thức cam kết. Ông ta biết rằng thương gia Anh bất mãn với Charles Elliot, không phải không muốn cam kết, vả lại “ người Di không coi thường việc cam kết, như vậy việc cam kết có thể dựa được.” Charles Elliot trước sau xử trí bất đồng, quá khứ bị Lâm áp bách phải nạp thuốc phiện vì người Anh bị Lâm giữ tại Di quán ; nay không sợ Lâm tái thi hành áp lực, nên quyết không chấp nhận mẫu cam kết “…mang nha phiến đến, một khi bắt được, hàng hóa phải nạp quan, bản thân chịu tội chết…”, nếu không muốn tự dẫm vào nguy cơ. Lâm dọa rằng nếu Charles Elliot phản phúc sẽ cho binh thuyền bắt hung phạm và phạm nhân buôn thuốc phiện, cùng hỏa thiêu thuyền Anh ; Charles Elliot biết rằng Lâm thiếu hạm đội hùng mạnh, không thể làm việc đó, nên không sợ chút nào.



4. Tìm hiểu Tây phương cùng vận dụng ngoại giao


Từ hàng trăm năm, Trung Quốc đối với các nước Tây phương rất xa cách ; ngay cả tên nước, cùng vị trí phương vị cũng lẫn lộn, không nói đến những điều khác. Riêng Lâm Tắc Từ tự xưng “ quê nhà tại bờ biển Phúc Kiến, đối với kỹ năng của dân Di, đã từng sớm biết ” ; kỳ thực kiến thức về Tây phương cũng rất hạn chế, Lâm cũng không che giấu điều đó. Nhiệm vụ của Lâm là tra xét sự kiện tại hải khẩu, cấm tuyệt nha phiến, mọi sự đều liên quan đến người Tây phương, đặc biệt là người Anh, nên cần phải biết rõ động thái của họ. Trước khi rời kinh đô Bắc Kinh, Lâm đã sai khiến một số người biết rõ việc mậu dịch tại Quảng Ðông sưu tầm thêm tư liệu ; trên đường xuống phía nam, từng bàn bạc với những người đã làm quan cùng thông hiểu tình hình tại Quảng Ðông ; sau khi đến nơi, hỏi han Lương Ðình Thụ, người chuyên làm việc với người Di, lại tập hợp 600 học sinh tại 3 thư viện, mở cuộc thi “ Quan phong thí1 để hỏi về thực trạng nha phiến tuồn nhập vào, và cách thức diệt trừ.

Ðối với tình hình Tây phương, cần phải biết sự thực, mới vạch ra được phương lược khống chế. Lâm ra lệnh những người buôn bán với Tây dương, Thông sự, hướng dẫn thủy trình các nơi, thăm dò tình hình Tây phương, từng ngày báo cáo. Lại chọn những người thông hiểu ngoại văn phiên dịch sách báo, người Tây phương cũng có kẻ tình nguyện giúp, dịch các tạp chí phần lớn xuất bản từ Áo Môn, Nam Dương, Ấn Ðộ, Luân Ðôn, soạn thành tập nhan đề Hoa sự Di ngôn lục yếu. Giao cho ba thanh niên Trung Quốc, một người từng du học tại Mỹ, hai người khác từng học tại Mãn Lạt Gia [Malacca] tuyển dịch Tứ Châu Chí [Murray, Cyclopaedia of Geography] ; lại giao cho Giáo sĩ Peter Parker [Bá Giá] người Mỹ, dịch một phần Vạn Quốc luật lệ [De Vattel, Law of Nations] ; tại văn thư xử lý việc giao hung phạm, Lâm đã từng dẫn dụng tài liệu này. Ðối với các sách về vũ khí, thuyền máy cũng biên dịch ; người ngoại quốc cho ông là “ người tốt thông minh, có điều tâm đắc, không nề gian khổ, thường chú trọng tập dùng ”.

Không phải riêng nước Anh buôn lậu nha phiến, người Mỹ, Bồ cũng tham gia ; nhưng không đông bằng người Anh. Mệnh lệnh của Lâm, nếu có nha phiến thì nhất luật đem nạp, Lãnh sự Mỹ bẩm xưng rằng nha phiến của người Mỹ chỉ thay Anh tiêu thụ, đã giao hoàn Charles Elliot [Nghĩa Luật] chuyển nạp. Lúc đầu Lâm không tin, nhưng qua lời minh xác của Charles Elliot, thì không tra cứu thêm nữa. Áo Môn là nơi tẩu tán nha phiến, người Bồ tình nguyện cam kết không còn cất giấu nha phiến. Lâm bảo rằng nếu cải bỏ lỗi lầm theo điều thiện, do “ Binh đầu ” [Tổng đốc Bồ] ký thêm vào, thì chấp nhận. Charles Elliot tự nguyện thay Mỹ bảo đảm, là muốn kết liên với người Mỹ thành một khối để dễ bề hành động ; Lâm không muốn họ dính dấp vào, để rảnh tay chuyên đối phó với Anh. Lúc Di quán bị vây, thương gia Mỹ tên Kinh [C.W. King] thanh minh rằng y không buôn nha phiến, mà lại khuyên người khác đừng buôn, khiến Lâm có ấn tượng tốt. Sau khi nạp thuốc phiện xong, để sớm khôi phục mậu dịch, Lâm cho thuyền Mỹ ra vào trước, thay thế lợi ích của Anh, để người Anh theo đó mà vào khuôn khổ. Một đàng thì khoan, một đàng nghiêm, có tác dụng phân hóa, đó là chính sách dùng Di chế Di. Ðối với Anh, Mỹ như vậy ; còn đối thương nhân Anh và Charles Elliot cũng dùng sách lược tương tự. Charles Elliot cấm chỉ thuyền Anh vào cửa khẩu ; Lâm phái hai vị Ðồng tri, cùng Hàng thương, Thông sự, trực tiếp dẫn thương gia Anh vào cửa khẩu mậu dịch, gia tăng hiệu quả khiến cho Charles Elliot gặp khó khăn.

Muốn đoạn tuyệt nha phiến từ gốc, khi Lâm Tắc Từ bệ kiến vua Ðạo Quang, tâu sẽ dùng hịch hiểu dụ khuyên nước Anh tự thi hành cấm chỉ. Lúc mới đến Quảng Ðông đã soạn bản chiếu hội [thông báo] gửi cho Nữ hoàng Queen Alexandrina Victoria [Duy Ða Lợi Á 18191901], bảy tháng sau Áo Môn nguyệt báo bình luận rằng ông ta lưu tâm đến nước ngoài, đem cân nhắc bản chiếu hội thấy được sở trường kiến thức. Nội dung chiếu hội trình bày việc thông thương cần có lợi cho hai bên, không thể “ dùng vật hại người để mưu cầu không chán ”. Nước Anh cấm nha phiến rất nghiêm, đã biết rõ cái hại của nha phiến ; cái mà không dùng để hại nước Anh, không thể chuyển sang hại Trung quốc “ Giả sử có người nước nào buôn lậu nha phiến đến nước Anh, dụ người hút thuốc, đáng cho quý Quốc vương ghét bỏ tuyệt trừ.” “ Quí Quốc vương trong lòng nhân hậu, không thể lấy cái mình không muốn, đưa cho người ” “ Quý Quốc vương chính lệnh nghiêm minh, nhưng thuyền buôn thì nhiều nên không quan sát hết ”. Nay dùng văn thư chiếu hội, để Anh quốc thấy được Trung Quốc cấm lệnh nghiêm, nếu như nghiêm sức Ấn Ðộ không trồng thuốc phiện, càng “ thi hành nhân chính hưng lợi trừ hại, trời ban phước thần ban phúc ” “ Giúp việc giáo hóa, làm rõ chính sách, xưa nay cùng chung một ý nghĩa ; người nước khác đến nước Anh buôn bán cần phải tuân thủ pháp luật của nước Anh, huống hồ là Thiên triều ? Nay định luật cho người Hoa, buôn thuốc phiện bị tội chết, hút thuốc phiện bị tội chết. Giả sử người Anh không mang thuốc phiện đến, thì người Hoa lấy đâu mà mua, lấy đâu mà hút. Vậy gian thương nước ngoài đã hãm người vào chỗ chết, há lại để riêng sống. Người ta giết một mạng người, thì phải thường mạng, huống hồ nha phiến hại người, nào chỉ một mạng ! ”

Xét theo đạo đức của Trung Quốc, lập luận của Lâm Tắc Từ không đáng chê ; nhưng theo quan điểm vụ lợi, thương nghiệp của Tây phương thì chỉ là đàn gảy tai trâu !


5. Phong tỏa cảng


Lâm Tắc Từ tiếp tục tăng cường gây áp lực kinh tế với Anh và hy vọng có thể giải quyết bằng con đường ngoại giao. Riêng Charles Elliot [Nghĩa Luật] thì lúc cương lúc nhu, muốn kéo dài ngày tháng để chờ huấn thị của chính phủ Anh. Charles Elliot cũng không sợ hành động quân sự của Lâm, điều y phiền muộn là một bộ phận thương gia Anh không nhất trí với y, chịu cam kết theo thể thức để nhập khẩu buôn bán, tổn thương uy quyền, phá hoại sách lược của y, và trợ giúp cho Lâm tăng khí thế. Ngày mồng 2 tháng 11, Charles Elliot mang hai chiếc thuyền binh đến Xuyên Tỵ, ngoài cửa khẩu Hổ Môn ; chuẩn bị ngăn chặn thuyền Anh tiến vào cửa khẩu, cùng đưa văn thư cho quan thủy sư Ðề đốc Quảng Ðông Quan Thiên Bồi yêu cầu đừng hỏa thiêu thuyền Anh, chuẩn cho người Anh lên bờ cư trú. Vào ngày thứ hai, có thuyền Anh đã ký giấy cam kết, chuẩn bị tiến vào cửa khẩu, thuyền binh Anh ra lệnh bắt lui về ; Quan Thiên Bồi ra tra cứu, thuyền binh Anh bèn khai pháo, xung đột lại xẩy ra. Từ đó trở đi, thuyền binh Anh và pháo đài Trung Quốc oanh kích lẫn nhau, không còn khả năng hòa hoãn.

Vào tháng 10, triều đình Bắc Kinh ra chiếu chỉ “ Bọn di Anh nếu cứ phản phúc, tức phải dùng binh uy, vĩnh viễn không tái giao dịch ”. Sau cuộc hải chiến tại Xuyên Tỵ, Charles Elliot công bố dùng thực lực ngăn chặn thuyền tiến vào cửa khẩu, Lâm cũng tuyên bố hẹn sau một tháng sẽ đình chỉ mậu dịch với người Anh ; vào đầu tháng 12, phong bế cảng không cho người Anh vào. Charles Elliot cũng yêu cầu cho người Anh trở về Áo Môn, để đợi Nữ hoàng Anh quyết định, nhưng bị Lâm Tắc Từ bác. Vua Ðạo Quang nghe tin về giao chiến tại Xuyên Tỵ, càng tỏ ra cường ngạnh vạch tội trạng người Anh, bảo họ quanh co, phía ta ngay thẳng “ nếu chúng mấy lần kháng cự, vẫn cho thông thương, thực không thành sự thể. ” “ Tất cả thuyền bè của nước này hãy đuổi ra cửa khẩu hết, không cần phân biệt có cam kết hay không ; còn hung phạm giết người Hoa, cũng không ra lệnh giao nạp.” Vào năm 1840, điều Lâm Tắc Từ làm Tổng đốc Lưỡng Quảng, để tiện quán triệt chính sách đối ngoại. Có người chủ trương bế quan tỏa cảng, không cho phép bất cứ nước nào buôn bán, Lâm cho rằng không được, nếu như không phân biệt tốt xấu “ kẻ chống đối cũng cấm, kẻ cung thuận cũng cấm ” thực thuộc không có danh nghĩa. Chỉ cấm riêng nước Anh buôn bán, có thể lợi dụng sự mâu thuẫn giữa các nước và nước này, khiến chúng chia lòng ; “ nếu cấm tất cả, thì sau khi thất vọng, chúng sẽ liên kết thành một mối ” để mưu phá ta. Kiến giải của Lâm Tắc Từ, thực hơn người.

Lâm và Charles Elliot [Nghĩa Luật] không có cách gì để thỏa hiệp, thuyền buôn Anh vẫn ở lỳ không chịu đi kế tục buôn lậu thuốc phiện, lại có quân hạm yểm hộ. Nếu Lâm dùng biện pháp mạnh để đối phó, thì thủy sư của Trung Quốc không thể chiến thắng ; chỉ có cách là tiếp tục nghiêm cách thi hành phong tỏa kinh tế, tuyệt đường tiếp tế thuyền Anh, nhất là thực phẩm và nước uống. Thuyền Anh đậu ngoài biển rất bất tiện, Charles Elliot cầu xin Tổng đốc Áo Môn cho thuyền Anh ghé trở lại, người Bồ trước áp lực của Lâm, không dám ưng thuận. Nhưng gian dân và các thuyền nhỏ, bị người Anh đưa mối lợi dụ dỗ, ngầm ra biển đem thực phẩm và chuyển vận nha phiến. Lâm đối với thuyền Anh thì dùng phòng thủ chiến, gây khó khăn ; đối với thuyền của bọn phỉ buôn lậu thì dùng thế công, không ngừng đột kích ban đêm, thi thố hỏa công, thuyền Anh cũng bị uy hiếp. Còn về việc phòng thủ các cửa khẩu, thì trước đây Tổng đốc Ðặng Ðình Trinh đã cho đặt cọc gỗ, chông sắt, phần nhiều bị thủy triều và gió bão làm hư ; Lâm cho làm lại, đặt thêm pháo đài, mua hơn 300 khẩu pháo Tây dương, cùng mua thuyền Tây dương hiệu Cambridge, thuyền máy mỗi thứ một chiếc, tuyển thêm 5 000 quân cho Thủy sư ; tiếp tục thị sát thao diễn bắn súng, mẫu tử pháo 2. Những thứ Lâm cho làm, tuy không đủ để chế ngự chiến hạm nước Anh, nhưng đã đem hết sức mình.


Hồ Bạch Thảo





1 Quan phong thí : cuộc thi trình bày về phong tục văn hóa (Tây phương)


2 Mẫu tử pháo : loại pháo có pháo con gắn vào pháo mẹ, được nạp vào buồng ; khi bắn kích hỏa từ pháo con, tống đạn từ pháo mẹ ra.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us