Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / CHIẾN TRANH TRUNG NHẬT (1894) / CHIẾN TRANH TRUNG NHẬT (1894)

CHIẾN TRANH TRUNG NHẬT (1894)

- Hồ Bạch Thảo — published 09/05/2014 00:35, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Chương ba : Liệt cường mưu chia cắt Trung Quốc [1895-1900]





Chiến tranh Trung Nhật thời cuối Thanh [1894]
cùng liệt cường mưu chia cắt Trung Quốc



Hồ Bạch Thảo



Chương ba
Liệt cường mưu chia cắt Trung Quốc [1895-1900]


hay

John HAY [Hải Ước Hàn] (1838-1905)
Quốc vụ khanh nước Mỹ, John Hay tuyên bố
chính sách Môn Hộ Khai Phóng, bảo trì Trung Quốc chủ quyền
và lãnh thổ ; liệt cường cùng chung hưởng lợi ích.

NGUỒN : wikipedia


Từ Nha phiến chiến tranh đến chiến dịch Anh Pháp liên quân, thời gian 15 năm ; từ Anh Pháp liên quân đến quân Nhật lần đầu tiên xâm lăng Đài Loan cũng 15 năm ; từ quân Nhật lần đầu tiên xâm lăng Đài Loan đến chiến tranh Trung Pháp, thời gian 9 năm ; từ Trung Pháp chiến tranh đến Trung Nhật chiến tranh cũng đến 9 năm ; trong thời kỳ này Trung Quốc còn có những giai đoạn ngắn được nghỉ ngơi. Nhưng từ chiến tranh Trung Nhật trở về sau, tình hình trở nên cấp bách, áp lực của ngoại bang theo nhau mà đến, không còn một chút ngơi nghỉ, có thể nói đây là những năm tháng nguy cấp mất còn.




1. Liên quan đến hành động của nước Nga



Từ giữa thế kỷ thứ 19 trở về sau, sách lược của Nga đối với Trung Quốc không ngoài lừa phỉnh và uy hiếp, hy vọng không đánh mà thắng. Trước sau chiến tranh Trung Nhật, nước Nga làm mưa làm gió, chính sách lật lọng thất thường. Sau khi can thiệp vào hành động của Nhật, Nga cho rằng có ơn với Trung Quốc, nước Anh lúc bấy giờ ở tình thế cô lập, nên Nga ngang nhiên phóng túng hành động. Lúc này nước Nga có hai kế hoạch lớn, một mặt ép triều đình nhà Thanh vay tiền Nga, một mặt mượn đất xây đường sắt.


Trước chiến tranh Trung Nhật, Trung Quốc mắc nợ nhiều ; trong thời gian chiến tranh trước sau mượn nước Anh 4 000 vạn lượng, sau chiến tranh phải nạp gấp tiền bồi thường cho Nhật, tất phải vay ; các nước Nga, Pháp, Đức, Anh đều muốn làm chủ nợ, nhất là nước Nga, tháng 5/1895 muốn cho mượn 1 vạn vạn lượng. Thanh triều muốn mượn Nga một nửa số, một nửa mượn các nước Đức, Pháp, nhưng Nga không chịu. Thanh triều hy vọng Nga có thể ép Nhật để bớt tiền chuộc Liêu Đông, nên Nga lấy đó dùng để khống chế, bắt phải định số tiền mượn trước ; vào tháng 7 hợp đồng đính ước mượn 1 vạn vạn lượng, trong 30 năm phải trả xong, lấy tiền thuế quan đảm bảo. Sức mạnh chính trị của Nga, cùng sức mạnh tài chính của Pháp hợp lại, mưu cùng khống chế Trung Quốc.


Nước Đức chưa được tham gia cho mượn, đối với Nga, Pháp sinh hiềm khích, nước Anh cũng tỏ ra bất mãn, nên Sứ thần hai nước cùng kháng nghị với Tổng thự. Lúc này có lời đồn rằng người Pháp sắp thay thế Robert Hart nước Anh làm Tổng thuế vụ, nên Sứ Anh đưa lời cật vấn. Số tiền mượn của Nga, Pháp chỉ đủ nạp tiền bồi thường cho Nhật lần thứ nhất và tiền chuộc bán đảo Liêu Đông ; lần thứ hai cũng cần giao, nên phải tiếp tục mượn gấp. Các nước Anh, Đức, Nga, Pháp kịch liệt cạnh tranh cho vay ; Sứ thần Anh, Pháp đều trực tiếp yêu cầu Tổng thự. Qua Robert Hart điều giải, điều kiện của Anh, Đức có phần cởi mở ; tháng 3/1896 ký hợp đồng, số tiền vẫn là 1 vạn vạn lượng. Hai lần mượn tiền cũng không đủ trả xong tiền bồi thường cho Nhật, Tổng thự bèn gặp riêng Sứ thần các nước Anh, Đức, Nga, Pháp để thương lượng, nhưng điều kiện song phương đều khắt khe, Tổng thự không có cách gì chấp thuận. Nga Sứ nói nếu như không mượn tiền, Nga sẽ hỏi tội ; Anh Sứ cũng nói rằng nếu không mượn ngân khoản, Anh sẽ hành động ! Chẳng qua lúc bấy giờ nước Nga muốn mướn Lữ Thuận, Đại Liên làm tô giới, nên lấy việc cho mượn tiền để bắt ép. Tháng 3/1898, hai nước Anh, Đức được chấp thuận cho mượn khoản tiền 1 vạn lượng.


Nước Nga quyết tâm chống lại sự can thiệp của Nhật, định xây đường sắt từ Tây Bá Lợi Á qua Mãn Châu đến cảng Hải Sâm Uy [Vladivostok] ; tuyến đường này không những giảm thiểu lộ trình, bớt tiền phí dụng ; về mặt kinh tế, quân sự còn khống chế phía bắc và đông bắc Trung Quốc. Muốn băng qua Mãn Châu, cách tốt nhất cần sự đồng ý của Trung Quốc ; bởi vậy sau 5 ngày can thiệp vào hiệp định Trung Nhật, Nga quyết định phương án, sai người khám lộ tuyến, cùng thông báo cho Tổng thự. Tổng thự đề nghị Trung Quốc phụ trách đoạn đường sắt cho đến biên giới, nối tiếp với đường sắt Tây Bá Lợi Á, nhưng nước Nga yêu cầu cho mượn đất rồi tự xây ; Nga chú ý đến việc này hơn việc cho mượn tài khoản.


Sau khi 3 nước can thiệp được vài tháng, nhà đương cục Trung Quốc từ trung ương đến địa phương tỏ ra rất an ủi, muốn cùng Nga tiếp tục liên hợp. Trương Chi Đỗng cho rằng nước Nga “ hành động rộng rãi lỗi lạc ” ; xin ký mật ước với nước này để ép Nhật bỏ điều ước cũ, biếu Nga đất Tân Cương, hứa khuyếch trương thương vụ và các loại lợi ích khác. Lưu Khôn Nhất khen Nga “ dày tín nghĩa, có ơn với nước ta nhiều ”, nên châm chước đất đai tiền bạc, nhường cho những tiện nghi. Lúc bấy giờ trong nước có phong trào liên Nga, mong được viện trợ từ cường quốc này. Cho đến tháng 10, nước Nga bắt đầu chính thức yêu cầu mượn đất xây đường sắt, mới biết rõ nước này không phải “ hành động rộng rãi lỗi lạc ”.


Nhân lễ đăng quang của Nga hoàng Ni Cổ Lạp đời thứ 2, triều Thanh cử Bố chánh Hồ Bắc Vương Chi Xuân làm chuyên Sứ đến chúc mừng ; nước Nga muốn nhân cơ hội này giải quyết việc mượn đất để xây đường sắt, nên nhắn tin rằng địa vị danh vọng của Vương không xứng, xin cải phái một Thân vương hay Đại học sĩ đến ; nhân vật được chú ý là Lý Hồng Chương. Sau khi ký điều ước Mã Quan, quyền vị của Lý bị chôn vùi, phải rời các chức Tổng đốc Trực Lệ, Bắc dương Đại thần, từng giữ trong thời gian dài 25 năm ; bị các nơi công kích không ngừng, vua Quang Tự cũng rất ghét. Sau khi Lý từ Nhật Bản trở về Thiên Tân, tháng 4 vào kinh đô, làm một thành viên không nắm trọng trách trong nội các. Tại phong trào chủ trương liên Nga, tuy Lý không phát biểu rõ ràng, nhưng thái độ biểu đồng tình, thì không ai nghi ngờ. Phía Nga không hoan nghênh Vương Chi Xuân, nên vào ngày 10/2/1896, do Từ Hy chủ trì, mệnh Lý Hồng Chương thay thế. Lý cũng muốn được gánh vác “ Nếu có ích trong việc giao thiệp với lân bang, thì đâu dám sợ chuyến đi ra khỏi nước ; còn một hơi thở, cũng đáng làm cuộc hành trình vạn dặm ”. Điều quan trọng về “ giao thiệp lân bang ”, tức cái mà Lý cùng Tổng thự đại thần Ông Đồng Hòa bàn đến “ mật kết ngoại viện ”. Thêm vào sứ mệnh của Lý, là tái tục bàn về cải cách thuế quan và đưa quốc thư chiếu chỉ đến các nước Anh, Đức, Pháp, Mỹ. Về tùy viên ngoài con trai Lý Kinh Phương, còn có nhân viên ty thuế vụ Anh, Đức, Pháp, Mỹ làm Tham tán ; nhưng Lý đối với vấn đề thuế má không cảm thấy hứng thú.


Trước khi Lý Hồng Chương khởi hành, từng mật đàm với Công sứ Nga A. P. Cassini ; khi Lý đến nơi được nước Nga tiếp đãi trọng thể. Sau 3 ngày tại kinh đô Nga, Saint-Petersburg, ngày 3/5 hội đàm với viên Đại thần lão luyện Uy Đặc. Uy Đặc trình bày trước kia nước Nga đã tương trợ Trung quốc như thế nào, nay muốn vĩnh viễn tương trợ, cần phải có đường sắt thông qua do nước Nga xây, vô luận về các mặt kinh tế hoặc quân sự đều quan trọng đối với Trung quốc. Lúc đầu Lý không đồng ý, sợ các nước khác bắt chước, chủ trương đường sắt tại Trung Quốc do Trung quốc liệu biện. Ngày hôm sau Lý yết kiến Nga Hoàng Ni Cổ Lạp thứ 2 ; Nga Hoàng đích thân đề cập việc làm đường sắt rất có ích cho Trung Quốc, nhưng một mình Trung Quốc làm sợ không đủ sức, hãy giao cho Nga Hoa ngân hàng lo liệu ; lời nói khiến Lý dao động. Sau đó Lý cùng Uy Đặc tiếp tục thương nghị, từ việc xây đường sắt đến đồng minh ; Lý điện báo Bắc Kinh rằng “ Nước Nga muốn quan hệ hữu hảo với ta, nếu cự tuyệt họ sẽ ghét rồi gây hại. Đường sắt nếu thành, không kể kinh doanh lời hay lỗ, mỗi năm Trung Quốc đều được hưởng 25 vạn đồng ”. Triều đình Bắc Kinh hai ba lần khảo xét, tháng 5 mệnh Lý Hồng Chương ký kết. Vào ngày 3/6/1896, Trung Nga đồng minh điều ước ký kết, với những điểm quan trọng như sau :


- Thứ nhất, nếu Nhật Bản xâm chiếm đất Trung, Nga hoặc Triều Tiên ; Trung, Nga hải lục quân hỗ tương hiệp trợ.


- Thứ hai, Trung Nga cộng đồng cùng kẻ địch nghị hòa, một nước không thể ký hoà ước riêng với nước địch.


- Thứ ba, trong thời gian chiến tranh, binh thuyền Nga được ghé vào cảng khẩu Trung Quốc.


- Thứ tư, Trung Quốc chấp thuận Nga Hoa Ngân Hàng kinh doanh và liệu biện đường sắt tại Hắc Long Giang, Cát Lâm 1 đến Hải Sâm Uy ; có hợp đồng đính ước riêng.


- Thứ năm, trong thời gian ngự địch, Nga có thể sử dụng đường sắt này để vận chuyển quân, lương thực, khí giới ; lúc thời bình có thể chở dân, chở lương.


- Thứ sáu, điều ước và hợp đồng có hiệu lực từ ngày phê chuẩn, thời hạn trong 15 năm ; sau khi mãn hai bên có thể bàn xem có nên tiếp tục hay không.


Đây là điều ước đồng minh lần thứ nhất giữa Trung Quốc và Nga, và cũng là điều ước đồng minh lần thứ nhất giữa Trung Quốc với nước ngoài. Điều mà Thanh triều và Lý Hồng Chương chú ý là mượn Nga chống lại Nhật, còn phía Nga thì muốn làm đường sắt, còn thực chất cái gọi là đồng minh thì chỉ là lừa phỉnh. Từ đó vùng đất phía đông bắc của Trung Quốc dần dần biến thành phạm vi thế lực của Nga hoàng ; còn sau điều ước Mã Quan, bán đảo Triều Tiên thuộc thế lực của Nhật ; lực lượng Nga Nhật sản sinh xung đột, để rồi đến năm 1904 chiến tranh Nga Nhật bộc phát tại vùng đông bắc Trung Quốc.


Điều ước này gia tăng nguy cơ liệt cường chia cắt Trung Quốc. Có thuyết kể rằng Uy Đặc mưu hối lộ Lý Hồng Chương số tiền 300 vạn rub 2, trao làm 3 lần, do cựu viên chức của Lý, E. E. Ouchtomsky, đương nhiệm Giám đốc Nga Hoa ngân hàng đảm trách. Thực ra việc Lý ký hiệp ước hay không còn ảnh hưởng mạnh bởi lý do báo phục hành động của Nhật sỉ nhục Lý trước kia, bởi vậy việc hối lộ chưa phải thuộc lý do chính.


Nga Hoa Ngân Hàng là cơ cấu kinh doanh tại Viễn Đông, phần lớn số tiền vốn từ nước Pháp. Tháng 9, Trung Nga đính lập hợp đồng “ Nga Hoa Đạo Thắng Ngân Hàng Banque Russo-Asiatique ” lấy tiếng là Trung Nga hợp tư, nhưng quá nửa cổ phiếu nằm trong tay chính phủ Nga. Sau đó tiếp tục thiết lập “ Đông Tỉnh Thiết Lộ Hợp Đồng ” cho Hoa Nga Đạo Thắng Ngân Hàng kiến tạo và quản lý thiết lộ. Lại lập “ Đông Tây Thiết Lộ Công Ty ” do thương gia Trung, Nga mua cổ phiếu ; những đất nhường cho thiết lộ do công ty quản lý. Trên giấy tờ từ ngày thông xe trở về sau, trong vòng 80 năm ; lợi ích của thiết lộ thuộc công ty ; sau thời gian đó thuộc Trung Quốc. Tuy nhiên sự thực cổ phiếu của công ty đều nằm trong tay người Nga, thiết lộ do người Nga nắm giữ, phần đất dành cho thiết lộ chẳng qua là đất nước Nga chiếm giữ.


Sau khi Đồng Minh Điều Ước đính lập, Lý đến Bá Linh, yết kiến vua Đức Wilhelm II von Deutschland, hội đàm với Thủ tướng Tỷ Tư Mạch, tham quan diễn tập hải lục quân. Sau đó đến Hà Lan, Tỷ Lợi Thì *, rồi đến Ba Lê. Tháng 8 đến Luân Đôn, sự đón tiếp không bằng tại đại lục châu Âu, nhưng cũng được yết kiến Nữ hoàng Victoria. Ngày 29/8 đến Nữu Ước [Mỹ], 3 ngày sau yết kiến Tổng thống Mỹ Cleveland ; rồi dùng tàu thủy băng qua Thái Bình Dương để trở về nước, tàu tuy ghé tại Nhật nhưng không lên bờ. Sau khi về đến kinh đô, vua Quang Tự vẫn không ưa Lý, nhưng qua sự che chở của Từ Hy Thái hậu lại được cử vào Tổng thự Đại thần.




2. Đức, Nga mưu thôn tính Sơn Đông, Đông Bắc



Đức sơ bộ được nhượng các tô giới Hán Khẩu, Thiên Tân, để báo đáp việc 3 nước can thiệp điều ước Trung Nhật, nhưng chưa vừa lòng ; trong 30 năm giao thiệp nước Đức hằng mong muốn một căn cứ đóng quân. Khi mới can thiệp về vụ Nhật Bản, vua Đức Wilhelm II von Deutschland từng biểu thị nguyện vọng này với Nga Hoàng Ni Cổ Lạp thứ 2. Ngay sau khi nhận tô giới, Sứ thần Đức tại Nga cũng trình bày cho Sứ thần Trung Quốc ; lúc Lý Hồng Chương đến Bá Linh, Ngoại trưởng Đức cũng đưa ra đàm luận nhưng đều không có kết quả. Viên phụ trách thuế vụ người Đức tại Trung quốc Détring kiến nghị với chính phủ phát triển giao thông, mở rộng công thương nghiệp tại Trung Quốc, giúp nhà Thanh xây dựng lại quân đội, tăng cường thống trị, đòi quyền sử dụng các cảng khẩu. Chính phủ Đức tuy đồng ý, nhưng muốn có một quân cảng riêng ; Détring lại tâu rằng Giao Châu Loan rất thích hợp, được Wilhelm II phê chuẩn ; viên Công sứ Đức Von Heyking [Hải tĩnh] hai lần hướng Tổng thự xin mướn, nhưng đều không được chấp thuận.


Thái độ của Trung Quốc ra sao, nước Đức không xem trọng, nhưng Đức lưu ý về ý hướng của Nga. Năm 1895 nước Nga lấy cớ tàu cần trú qua mùa đông, bèn cho tàu đậu tại Giao Châu Loan, Đức cũng muốn bắt chước. Tháng 8/1897 Wilhelm II hội đàm với Ni Cổ Lạp thứ 2, từng đề cập đến việc Giao Châu Loan, Ni Cổ Lạp thứ 2 cho rằng lúc cần chiến hạm Đức cũng có thể đậu. Tháng 10 Von Heyking báo cho Tổng thự biết rằng tàu Đức sẽ trú qua mùa đông tại Giao Châu Loan, nhưng bị khéo léo từ chối. Ngày 1/11 xẩy ra việc 2 Giáo sĩ Đức bị bọn cướp giết tại huyện Cự Dã [Juyezhen, Sơn Đông] ; nước Đức dựa vào đó, ngày 14 cùng tháng, mang quân chiếm lãnh. Nước Anh thấy Đức có được Giao Châu Loan, thế lực song song với Nga, nên ra sức chi trì. Nga thấy Đức được Anh ủng hộ nên không ngăn trở, lại dựa vào lệ đó để chiếm Lữ Thuận, Đại Liên tiện nghi hơn Giao Châu Loan. Nga Đức thương lượng với nhau, Đức không những tán thành mà lại còn thừa nhận Mãn Châu, Trực Lệ, Tân Cương thuộc phạm vi thế lực của Nga ; Nga cũng thừa nhận lưu vực sông Hoàng Hà thuộc phạm vi thế lực của Đức. Đức lại hướng Anh, Nhật thanh minh rằng không xâm phạm lợi ích nước Anh tại Hoa, và không tái phản đối Nhật triển khai tại đại lục.


Sau khi Đức chiếm đoạt Giao Châu Loan, Von Heyking lấy cớ giáo sĩ bị giết đòi phải tạ tội, bồi thường, cách chức Tuần phủ Sơn Đông Lý Bỉnh Hoành, giao cho nước Đức quyền xây đường, khai mỏ khoáng, ưng thuận cho mướn Giao Châu Loan. Tổng thự ưng thuận phần lớn, nhưng riêng Giao Châu Loan thì xin đổi một cảng khác tại phía nam. Von Heyking không nhượng một chút nào, quân Đức lại tiến chiếm Tức Mặc [Jimo, Sơn Đông] miền phụ cận. Tổng thự đem sự việc nhờ nước Nga thu xếp, việc làm rất có hại, chẳng khác gì hỏi cọp mượn da. Ngày 15/12 quân hạm Nga tiến vào Lữ Thuận, đưa lời rằng giúp Trung Quốc chống lại Đức, khiến Tổng thự tin là thực. Sau đó Von Heyking đem sự việc trình bày với Nga trong cuộc đàm phán với Ông Đồng Hòa, Trương Ấm Hoàn, nhưng Nga đã được Lữ Thuận, nên im miệng không phản đối. Ông Đồng Hòa bấy giờ mới tỉnh ngộ rằng đồng minh Nga đã thông đồng với Đức để phản lại Trung Quốc ! Vua Đức Wilhelm II diễn thuyết trước hải quân sắp sang Á Châu rằng “ Nếu như Trung Quốc ngăn trở, chúng ta hãy đánh lại ”. Ngày 3/1/1898 Von Heyking cảnh cáo Ông và Trương, nếu còn chần chừ sẽ dùng vũ lực, Nga, Pháp, Anh sẽ không ủng hộ Trung Quốc ; ngày hôm sau Tổng thự tiếp nhận toàn bộ điều kiện. Von Heyking thu được một tấc, tiến thêm một thước ; cho rằng trừng phạt quan địa phương chưa đủ nghiêm khắc, quyền kiến trúc đường sắt phải khuyếch trương ; Tổng thự đều chấp thuận. Ngày 6/3/1898 Lý Hồng Chương, Ông Đồng Hòa cùng Von Heyking ký kết Trung Đức Giao Châu Loan tô tá điều ước, mướn 99 năm, trong vòng 100 lý người Đức có quyền tự do qua lại, cho phép Đức tu tạo 2 đường sắt : một đường từ Giao Châu Loan đến Tế Nam [Jinan] phía tây tỉnh Sơn Đông, một đường từ Giao Châu Loan qua Lỗ Nam [Lunan, Sơn Đông] ; những mỏ khoáng cách đường sắt trong vòng 30 lý, nước Đức có quyền khai thác ; riêng trong tỉnh Sơn Đông có công trình nào cần liệu biện, nước Đức có quyền ưu tiên. Ông Đồng Hòa bảo rằng như vậy đem lợi quyền toàn tỉnh Sơn Đông cầm hai tay dâng cho người, không nói ngoa chút nào !


Nga, Đức là hai nước đầu tiên chia cắt Trung Quốc sau cuộc chiến năm Giáp Ngọ [1894], từ đấy dấy lên cao trào phân cắt của liệt cường. Trung Nga đồng minh điều ước ký xong, miền bắc Mãn Châu đã vào trong tay Nga ; miền nam Mãn giàu có cùng với các cảng khẩu tốt Đại Liên, Lữ Thuận càng gây lòng ham muốn. Trong cuộc hội đàm với Lý Hồng Chương, viên Đại thần Uy Đặc từng biểu thị hy vọng tương lai đường sắt có thể xây đến các cảng tại nam Mãn, nhưng chưa có kết luận ; y hy vọng rằng trong thời gian Lý Hồng Chương và Từ Hy tại thế, có thể giải quyết xong. Năm 1897, tiếp tục giao thiệp tại Bắc Kinh, nhưng chưa thành. Sự việc tại Giao Châu Loan dấy lên, Nga và Đức dấm dúi âm mưu, quyết định số phận Lữ Thuận, Đại Liên, Giao Châu Loan, Mãn Châu và Sơn Đông. Khi chiến hạm Nga tiến vào Lữ Thuận, Lý vẫn tin rằng Nga sẽ không chiếm thước đất nào. Hai tuần lễ sau, viên Đại biện Nga Pavlov [Ba Bố La Phu] yêu cầu cho mướn cảng khẩu, xây đường sắt tại nam Mãn.


Nga và Đức tuy đã đồng tình, nhưng cũng cần sự cảm thông của Anh và Nhật. Về vấn đề cho Trung Quốc vay tiền, Nga và Anh đã cạnh tranh kịch liệt, Pavlov mấy lần gây khó với Tổng thự ; chủ yếu muốn bức bách phải cho mướn Lữ Thuận và Đại Liên. Nước Anh muốn được cho vay tiền gấp, ngỏ ý thỏa hiệp với Nga ; nước Nga đồng ý nhường, lại hứa tàu thuyền các nước được tự do ghé cảng Lữ Thuận, Đại Liên. Trong tình trạng Nga Đức kết hợp với nhau, Anh không còn phản đối việc cho mướn Lữ Thuận, Đại Liên nữa, tự giữ Uy Hải Vệ để bù vào. Đối với Nhật Bản, Nga lấy Triều Tiên làm mồi ; sau chiến tranh Trung Nhật thế lực Nga tại Triều Tiên tăng nhanh, nay Nga thanh minh triệt hồi Cố vấn, nên Nhật Bản cũng không soi mói việc làm của Nga tại Trung Quốc, thừa nhận Mãn Châu thuộc phạm vi thế lực của Nga.


Đầu tháng 3/1898, khi Giao Châu Loan Tô Tá Điều Ước sắp ký, Đại biện Nga Pavlov bức bách Tổng thự phải chấp nhận yêu cầu, Bộ trưởng ngoại giao Nga cũng lên tiếng rằng trước ngày 27/3 phải ký kết, nếu không Nga tự hành động lấy, không đoái đến hữu nghị đồng minh giữa hai nước ; ngoài ra dù bất cứ nước nào ngăn cản cũng không kể. Vua tôi Quang Tự đành gạt lệ, không tìm ra được sách lược tốt hơn, chỉ biết tuân theo ngày nước Nga ấn định, ký điều ước cho mướn Lữ Thuận, Đại Liên 25 năm ; lấy miền bắc các cảng khẩu này làm đất trung lập cho Đông tỉnh thiết lộ xây đường sắt nam Mãn Châu. Phạm vi vùng đất cho mướn bao quát cả Kim Châu [Jinzhou, Liêu Ninh], còn vùng đất trung lập lên phía bắc đến tận Cái Bình [Gaizhou, Liêu Ninh] ; nếu so sánh với đất nam Phụng Thiên cắt cho Nhật Bản trong điều ước Mã Quan thì phạm vi lớn nhỏ không xê dịch bao nhiêu. Có thuyết bảo rằng Lý Hồng Chương nhận được tiền Nga hối lộ 50 vạn rub, Trương Ấm Hoàn nhận được nửa số ; cả hai đều là thành viên ký điều ước. Sau việc này, vua Đức Wilhelm II von Deutschland mừng Nga Hoàng Ni Cổ Lạp thứ 2, ca tụng rằng đã làm chủ nhân Bắc Kinh.




3. Phạm vi thế lực của Anh, Pháp, Nhật



Sau cuộc chiến Trung Nhật, thanh uy của 3 nước Nga, Đức, Pháp nhất thời lên cực thịnh. Quá khứ nước Anh độc tôn, hiện tại thế cô lực đơn, bá quyền dao động ; Nga, Pháp chia nhau tiến từ bắc nam, hỗ tương hô ứng, thế lực nước Anh ở giữa, phải chống chọi hai bên. Năm 1895, nước Pháp bắt đầu nắm quyền ưu tiên khai mỏ khoáng tại Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, cùng xây đường sắt, thiết lập điện tuyến từ Việt Nam đến biên giới Trung Quốc ; có thể nói sau chiến tranh Trung Nhật năm Giáp Ngọ [1894], Pháp là một trong những nước có thế lực số một tại Trung Quốc. Anh ngăn cản không được, năm sau tìm cách thỏa hiệp, lợi ích tương lai tại Vân Nam, Tứ Xuyên hai nước cùng hưởng và cùng bang trợ lẫn nhau. Năm 1897, Tổng thự đáp ứng yêu cầu của Anh cho mở các cửa khẩu Ðằng Việt [Tengchong], Tư Mao [Simao] tại Vân Nam, Ngô Châu [Wuzhou] tại Quảng Tây, Tam Thủy [Sanshui], Giang Căn Khư tại Quảng Đông, kiến trúc đường sắt từ Miến Điện tới Vân Nam. Nước Pháp lập tức yêu cầu xây đường sắt từ Việt Nam tới tỉnh thành Vân Nam, cùng khai triển đường sắt Việt Nam đến vùng Bách Sắc [Baise] phía tây tỉnh Quảng Tây, thực hành khai mỏ khoáng tại các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông ; lại không hứa cho các nước khác chứa than tại hải ngạn Quảng Đông và Hải Nam. Công sứ Pháp cho rằng bản thân ông không đạt được thành công lớn như vậy, nếu không được Lý Hồng Chương giúp sức, vì Lý coi Pháp như Nga vậy.


Đầu năm 1898 nước Anh yêu cầu kiến trúc đường sắt từ Miến Điện đến lưu vực sông Trường Giang ; mở các khẩu ngạn tại Đại Liên thuộc Phụng Thiên, Nam Ninh thuộc Quảng Tây ; không cắt nhường khu vực Trường Giang cho bất cứ nước nào ; vĩnh viễn dùng người Anh làm Tổng thuế vụ. Trong 4 điều, Tổng thự chấp thuận 2 điều cuối ; còn 2 điều đầu sợ Anh, Pháp phản đối nên không dám hứa. Anh mưu cùng Nga chia giới tuyến tại Trung Quốc, thế Nga đang thịnh nên bảo rằng tất cả vùng Hoa bắc nằm trong phạm vi của Nga, sớm muộn sẽ ảnh hưởng đến Trực Lệ, Thiểm Tây, Sơn Tây, Cam Túc. Nước Pháp tỵ hiềm việc nước Anh độc quyền vùng lưu vực sông Trường Giang và giữ chức Tổng thuế vụ, nên được Tổng thự chấp nhận không giao cho nước nào hoạt động tại vùng đất giáp Việt Nam và được phụ trách về bưu điện.


Trung Quốc bị phân cắt từ điều ước Mã Quan, căn cứ điều ước này, vào tháng 7/1896 Trung Quốc cải sửa thương ước, Nhật Bản được hưởng các đặc quyền như các nước Tây phương. Trao đổi văn kiện vào tháng 10, được hưởng các tô giới tại Thiên Tân [Tianjin, Hà Bắc], Hán Khẩu [Hankou, Hồ Bắc], Hạ Môn [Xiamen, Phúc Kiến], Phúc Châu [Fuzhou, Phúc Kiến], Hàng Châu [Hangzhou, Chiết Giang], Sa Thị [Sashi, Hồ Bắc]. Chia cắt đến giai đoạn khẩn trương, vào tháng 4/1898 được Tổng thự chấp nhận dộc quyền tô giới tại Phúc Kiến.


Nước Anh không thể ngăn trở Đức, Nga chiếm lãnh các hải cảng Giao Châu Loan, Lữ Thuận, Đại Liên ; bèn quay ra thuận ý cùng hưởng đồng đãi ngộ, nhắm mục đích chiếm Uy Hải Vệ [Weihaiwei, Sơn Đông]. Lúc bấy giờ Nhật vẫn đóng tại Uy Hải Vệ, Đức thì coi Sơn Đông là vùng đất cấm ; nên Anh cố làm vừa lòng 2 nước này bằng cách hứa với Nhật trong tương lai không ngăn cản yêu sách của Nhật tại Hoa, còn đối với Đức thì bảo đảm không xâm phạm lợi ích tại Sơn Đông. Nhật, Đức lợi dụng Anh, Nga đối kháng ; Nhật cũng muốn dựa vào Anh nên không có lời dị nghị. Lúc này Công sứ Anh C. M. MacDonald [Đậu Nạp Lạc] cảnh cáo Tổng thự rằng nếu không chấp thuận thì “ Thủy sư đề đốc nước Anh sẽ đến Yên Đài, sự việc sẽ không hay ” ; lời hăm doạ không thua gì Đức, Nga ; Tổng thự chỉ biết tuân theo mệnh lệnh. Vào tháng 5 quân Nhật rút ra khỏi Uy Hải Vệ, quân Anh liền tiến vào chiếm cứ. Ngày 1/7 Trung, Anh ký kết điều ước mướn Uy Hải Vệ, thời gian tương đồng với điều ước Lữ Thuận.


Cùng tháng tư năm đó, nước Pháp yêu cầu mướn Quảng Châu Loan [Guangzhouwan, Quảng Đông] nhưng chưa nhất trí về giới hạn đất ; đến ngày 16/11/1899 mới đính lập điều ước, thời gian mướn 99 năm. Duy chỉ có một yêu cầu của Ý Đại Lợi mướn Tam Giang Môn tại Chiết Giang là không được chấp thuận.


Liệt cường tại Hoa cạnh tranh về quyền lợi ; các nước Nga, Đức, Anh, Pháp tranh chấp rất mạnh. Nga có được miền đông bắc, lại mưu khuếch trương phía tây sông Trường Giang. Tháng 5/1898 Hoa Nga Đạo Thắng ngân hàng cùng Sơn Tây Thương Vụ cục lập hợp đồng xây đường sắt từ Thạch Gia Trang [Shijiazhuang, Hà Bắc] đến Thái Nguyên [Taiyuan] tỉnh Sơn Tây. Cùng trong ngày công ty Peking Syndicate của Anh cùng với Sơn Tây Thương Vụ cục lập hợp đồng xây đường sắt khai mỏ khoáng tại tỉnh Sơn Tây ; sau đó một tháng lại lập hợp đồng với Hà Nam Dự Phong công ty để khai khoáng tại tỉnh Hà Nam. Ngoài ra các nước còn tranh nhau quyền ưu tiên khai khoáng, hai năm sau mỏ than, sắt tại Tứ Xuyên do Anh, Pháp hợp đồng khai thác; mỏ sắt, chì và đường sắt tại Sơn Đông đương nhiên thuộc quyền nước Đức, mỏ than Bình Hương [Pingxiang] tại Giang Tây do Đức cho mượn tiền khai thác.


Năm 1896 Trung Quốc thiết lập công ty đường sắt, bắt đầu thực hiện chương trình cho tuyến đường Lô Câu Kiều [Lugouqiao, Hà Bắc], Hán khẩu [Hankou, Hồ Bắc] bị gác bỏ từ lâu. Tiền phí tổn một nửa mượn Tây phương, đối tượng là Tỷ Lợi Thì, do Nga, Pháp đứng đằng sau chi trì. Anh, Đức, Mỹ nhất trí kháng nghị, riêng Anh cho rằng thế lực Nga, Pháp sẽ có mặt tại lưu vực sông Trường Giang, nên phản đối quyết liệt ; nhưng cuối cùng hợp đồng Trung Quốc và Tỷ Lợi Thì được ký kết vào tháng 6/1898. Ngoài tuyến đường sắt Lô Hán, Trung Quốc còn muốn xây đường sắt từ Thiên Tân qua Sơn Đông đến Trấn Giang dưới sự bảo trợ của Đức. Nước Anh bèn xác định phạm vi thế lực tại sông Trường Giang, một mặt thanh minh tôn trọng thế lực Đức tại Sơn Đông, lại vào tháng 5/1898 lập hợp đồng với Tổng thự cho mượn tiền xây đường sắt Hỗ Ninh 3. Đây là đoạn đầu con đường bộ nước Anh dự trù xây từ Thượng Hải đến Ấn Độ, qua các vùng An Huy, Hà Nam, Hồ Bắc, Tứ Xuyên, Vân Nam, Miến Điện. Nước Đức ngoài độc quyền xây đường tại Sơn Đông, còn muốn chia quyền tại lưu vực sông Trường Giang. Nhưng nước Anh sau khi phản đối hợp đồng Lô Hán bị thất bại, bèn nỗ lực phản đối tất cả dự án của các nước Nga, Đức, Pháp ; không những riêng tuyến đường Thiên Tân, Trấn Giang mà lại còn đề cập đến các tuyến đường từ Sơn Tây, Hà Nam đến sông Trường Giang ; Phố Khẩu [Pukou] tỉnh Giang Tô đến Tín Dương [Xinyang] Hà Nam ; Giang Tô đến Hàng Châu [Hangzhou, Chiết Giang] ; Cửu Long [Hương Cảng] đến Quảng Châu. Tháng 9 Tổng thự chấp nhận đường sắt Thiên Tân Trấn Giang do Đức, Anh cùng xây, Đức phụ trách phía bắc, Anh phía nam ; Anh thừa nhận khu vực Hoàng Hà thuộc phạm vi ảnh hưởng của Đức, Đức thừa nhận khu vực Trường Giang thuộc phạm vi ảnh hưởng của Anh. Tháng 10, Anh lập hợp đồng cho vay tiền xây đường sắt Quan ngoại 4, nhưng bị Nga phản đối nên Trung Quốc phải tự túc xây. Tháng 3/1899 Anh Nga lập hiệp định, quy định đường sắt lưu vực Trường giang do Anh kiến trúc, phía bắc Trường Thành do Nga kiến trúc.


Về vấn đề xây cất đường sắt, Mỹ cũng không đứng ngoài vòng. Năm 1898 Trung Quốc quyết định xây đường sắt Việt Hán 5, không chấp nhận cho Anh, Pháp, Đức phụ trách, tháng 4 ký hợp đồng với công ty Mỹ American-China Development Company, cùng ghi rõ nếu công ty Tỷ Lợi Thì không thực hiện hợp đồng tuyến đường sắt Lô Hán thì công ty này sẽ đảm nhiệm luôn.




4. Chính sách môn hộ khai phóng của Mỹ



Môn hộ khai phóng là chính sách nhất quán của Mỹ, nhưng thực tế do Anh đề xuất trước. Ý nghĩa đơn giản của môn hộ khai phóng tức mở cửa cho liệt cường được hưởng quyền lợi bằng nhau tại các cửa khẩu. Trước cuộc chiến Trung Nhật, quyền lợi của nước Anh trải dài từ nam chí bắc ; nay tình thế đổi khác, miền đông bắc và trong ngoài Vạn Lý Trường Thành thuộc thế lực của Nga, vùng Hoàng Hà nằm trong thế lực của Đức, vùng đông nam thuộc thế lực Pháp, Phúc Kiến thuộc thế lực Nhật ; nước Anh chỉ còn thế lực tại lưu vực sông Trường Giang, hoạt động bị hạn chế rất nhiều. Vào đầu năm 1898, viên Đại thần nước Anh Joseph Chamberlain [Trương Bá Luân] mấy lần tuyên bố không chấp nhận cho các nước độc quyền cửa khẩu, duy trì nước Trung Quốc hoàn chỉnh, tự do thông thương, bảo đảm việc thực thi các điều ước ; quốc hội Anh cũng quyết nghị duy trì độc lập và lãnh thổ Trung Quốc ; nhưng không hiệu quả, sự tranh đoạt ngày mỗi mạnh, đặc biệt là Nga, Pháp. Anh và Nga không thỏa hiệp với nhau được, nên Anh quay sang Đức đàm phán ; nhưng Đức trước kia liên hợp với Nga khiến Nga thao túng miền đông bắc, nên hiện nay cũng không muốn thỏa hiệp, để cho Anh hưởng lợi. Anh đối với Mỹ là nước gần gũi chia sẻ lợi hại, cần kết làm đồng minh để giúp cho Trung Quốc khỏi bị chia cắt.


Trong vòng 20 năm nay, thế lực của nước Mỹ mỗi ngày một lên, việc mậu dịch với Trung Quốc cũng gia tăng gấp bội. Vào các năm gần 1900, dư luận nước Mỹ chú ý khuếch trương vùng Thái Bình Dương, nếu như Trung Quốc bị liệt cường chia cắt, đối với nước Mỹ có nhiều bất lợi. Trong khi liệt cường chiếm các cảng khẩu, chia nhau phạm vi thế lực, thì nước Mỹ được quyền cho mượn ngân khoản để xây dựng đường sắt từ Quảng Châu [Guangzhou, Quảng Đông] đến Hán Khẩu [Hankou, Hồ Bắc]. Cùng năm [1898] Mỹ đánh bại hạm đội Tây Ban Nha tại Hawaii [Hạ Uy Di], chiếm Phi Luật Tân và đảo Guam. Báo chí Mỹ tuyên bố rằng Phi Luật Tân là nơi người Mỹ trên đường đi Trung Quốc từng đạp chân đến, rồi thôn tính, dẹp sự chống đối của người Phi. Nước Anh đối với Mỹ biểu thị cảm tình, sau cuộc chiến, thế lực Mỹ tại châu Á tăng cường. Tháng 11/1898 Joseph Chamberlain lại hô hào thị trường Trung Quốc nên khai phóng, lãnh thổ cần hoàn chỉnh, Anh Mỹ hợp tác có thể bảo vệ thế giới hòa bình ; Quốc vụ khanh mới nhậm chức của nước Mỹ John Hay [Hải Ước Hàn] vốn là Đại sứ tại nước Anh, cũng đồng thuận. Tháng 12, Tổng thống Mỹ William McKinley [Mạch Kinh Lai] diễn thuyết trước quốc hội cho biết các cảng khẩu của Trung Quốc đã sa vào thế lực của các nước, nhưng không được xâm phạm đến mậu dịch của Mỹ ; lời tuyên bố được hoan nghênh tại Anh. Tháng 1/1899 nước Anh yêu cầu Mỹ chính thức hành động ; nhân vì Anh đối với Nga, Pháp không hòa mục, lại từng tham dự việc qua phân Trung Quốc, nên mới yêu cầu Mỹ chủ trì yêu cầu liệt cường thực hiện môn hộ khai phóng. Người phụ trách thông điệp là người Mỹ tại Trung Quốc W. W. Rockhill [Nhu Khắc Nghĩa], và A. E. Hippisley [Hạ Bích Lý] người Anh từng giữ chức hải quan tại Trung Quốc.


Tháng 9/1899, Quốc vụ khanh Mỹ John Hay thông báo cho các nước Anh, Đức, Nga ; tháng 11 lại thông báo cho Nhật, Ý, Pháp về môn hộ khai phóng. Nội dung : thứ nhất, không được can thiệp vào việc thông thương đầu tư của các nước khác tại tô giới hoặc vùng ảnh hưởng của nước có quyền tại tô giới ; thứ hai, thuế suất hiện hành tại Trung Quốc đối với hàng hóa của các nước khác tương đương với nước có quyền tại tô giới ; thứ ba, các nước mang hàng hoá đến hải cảng hoặc sử dụng xe lửa tại tô giới hoặc vùng ảnh hưởng, thuế má, tiền chuyên chở không được tính cao hơn nước có quyền tại tô giới. Nước Anh đồng ý trước tiên, duy chỉ cần các nước đồng loạt thi hành. Nhật, Ý không có ý kiến khác ; nước Pháp biểu thị nếu như các nước không phản đối thì cũng tán thành. Nước Nga tỏ ý hàm hồ không rõ ràng ; nước Đức lúc đầu nhìn ngó, sau đó đồng ý, vì muốn vào buôn bán tại lưu vực sông Trường Giang. Ngày 20/3/1900 Quốc vụ khanh John Hay tuyên bố tất cả các nước liệt cường đều đồng ý khai phóng môn hộ tại Trung Quốc.


Riêng đối với Trung Quốc, nước sở tại, trong thời gian nước Anh vận động môn hộ khai phóng, tức vào tháng 3/1898, Ông Đồng Hòa cũng có chủ trương tương tự, do Trung Quốc tự thi hành khai phóng cảng khẩu. Chủ trương nội dung hứa nơi các nước tụ tập thuyền, cho đặt điều ước chung ; không chiếm đất Trung Quốc, không xâm phạm chính quyền Trung quốc, không làm hỏng thương vụ các nước, bảo vệ chung đại cuộc tại Đông phương. Ông Đồng Hoà từng tham khảo với Công sứ Anh C. M. MacDonald [Đậu Nạp Lạc], được viên này đồng ý ; tuy nhiên không được các thành viên khác thuộc Tổng thự nhất trí, lý do sợ tổn thương quốc thể và để cho các nước có cơ hội gộp lại mưu tính Trung Quốc.


Thông điệp môn hộ khai phóng của John Hay vẫn công nhận phạm vi thế lực của từng nước, chỉ yêu cầu bình quân cơ hội đãi ngộ mậu dịch. Chính sách này chỉ có lợi cho Anh, Mỹ ; nhưng không đoái đến quyền lợi và lãnh thổ hoàn chỉnh của Trung Quốc, Trung Quốc vẫn y nhiên chịu sự phân cắt của liệt cường ; đối với Trung Quốc nó còn xa không bằng được phương án của Ông Đồng Hòa. Chẳng bao lâu biến cố Nghĩa Hòa Đoàn phát sinh, John Hay cảm thấy nội dung thông điệp quá hẹp, bèn bổ sung thêm phần công nhận hành chính lãnh thổ Trung Quốc hoàn chỉnh, rồi gửi cho các nước.


Hồ Bạch Thảo





1  Hắc Long Giang, Cát Lâm : hiện nay là 2 tỉnh thuộc miền đông bắc Trung Quốc.

2  Nguyên văn Lô bố [卢布] : tức đồng rub của Nga.

*  Tỷ Lợi Thì : nước Bỉ (Belgium) (chú thích của Diễn Đàn)

3  Hỗ Ninh : Hỗ tức Thượng Hải, đến Giang Ninh tức Nam Kinh.

4  Quan ngoại : tức phía đông Sơn Hải Quan, Hà Bắc.

5  Việt Hán thiết lộ : từ Quảng Châu, Quảng Đông đến Hán Khẩu, Hồ Bắc.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us