Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Chuyện Trâu năm SỬU

Chuyện Trâu năm SỬU

- Đặng Tiến — published 01/01/2009 01:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18


Chuyện Trâu năm SỬU


Đặng Tiến


luucongnhan

Lưu Công Nhân, 1960



Trâu thiết thân với nông dân, thân thiết với nông thôn, là thành phần gia đình Việt Nam trong cuộc sống suốt mấy ngàn năm :

Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa.

Câu ca dao giản dị mà hàm súc, hiện thực và trữ tình. Câu trên là một tiểu đối toàn chỉnh : trên/dưới, cạn/sâu. Câu dưới dàn trải, bắt đầu tiểu đối : chồng/vợ, cấy/cày, sau cùng con trâu bước ra, chậm chạp, ung dung, trong một nhịp thơ khoan thai hơn : chất trữ tình ưu đãi con trâu vào cuối câu.

Đây không phải là bức ảnh toàn cảnh, công việc đồng áng không diễn ra một lần như thế, mà tuần tự : cày xong mới bừa, bừa xong mới cấy, theo tục ngữ : trâu ra, mạ vào. Nhưng là một bức họa tổng hợp công tác nông vụ, với kỹ thuật khác nhau : đồng sâu là đồng chiêm, đồng cạn là ruộng bậc thang :

Ruộng thấp tát một gầu giai
Ruộng cao thì phải đóng hai gầu sòng

Một số sách, kể cả sách giáo khoa, trích dẫn ngược, do không hiểu kỹ thuật canh nông : ruộng cao gồm nhiều bậc, phải đưa nước từ bậc thấp lên bậc trên, rồi tiếp tục như thế, bằng gàu sòng nặng, do một người lực lưỡng chuyển động. Gầu giai (giây) nhẹ hơn thường do hai phụ nữ vận chuyển, đưa nước từ hồ, ao lên ruộng thấp.

Vì thân thiết với đời sống hàng ngày, con trâu nhiều khi được liên hệ với người vợ :

Thứ nhất vợ dại trong nhà
Thứ nhì trâu chậm, thứ ba rựa cùn

Câu ca dao hóm hỉnh, âu yếm kín đáo. Khi đề cao, vẫn giọng dí dỏm mà thực tế :

Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà,
Cả ba việc ấy đều là hệ thay

Con trâu là đầu cơ nghiệp, của chồng công vợ. Trong một xã hội nông nghiệp ổn định, gia đình Việt nam ổn định, dù cho khi đói khi no, trong đó địa vị và tư cách người phụ nữ được tôn trọng. Hạnh phúc con người, trong nông thôn Việt Nam, diễn ra dưới đôi mắt con trâu :

Sớm mai cắp nón ra đồng,
Một đôi vợ chồng với một con trâu.

Người thân mật, đằm thắm với trâu :

Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta.
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đâu trâu đấy ai mà quản công.
Bao giờ ngọn lúa còn bông,
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.

Trâu chia sẻ thân phận con người. Từ “ai” xem trâu như người, như bạn, như một “nhà nông” . Người có lúc đói, nhưng trâu ít khi phải đói. Gặp ngày cày bừa tận lực người phải cắt cỏ cho trâu, thậm chí cho trâu ăn thóc, hay... ăn cháo.


hangtrong


 

Pierre Gourou, nhà địa lý học chuyên về Đông nam Á, trong Đất và người tại Viễn Đông, 1940, có cho biết : nông dân Bắc Bộ có người chỉ tậu trâu trước mùa cày, rôi bán đi sau khi bừa xong, để khỏi nuôi tốn kém quanh năm ( tr 54), có lẽ do đó mới có câu ca dao:

Tháng tư đi tậu trâu bò,
Để
cho ta lại làm mùa tháng năm.

Đây cũng là cách phân chia lao động giữa nghề cày ruộng và nghề chăn trâu. Và giữa hai nghiệp vụ ấy nảy sinh nghề lái trâu. Từ “ nói lái” thông dụng chỉ mật mã, tiếng lóng trong nghề buôn bán gia súc.

P. Gourou còn thống kê : con trâu làm việc 60 ngày (trang 53), người làm 180 ngày trung bình trong năm( trang 217) ; ông còn nhận xét, trên đồng quê có khi thấy người lao động, gồng gánh cật lực, trong khi dưới bóng tre trâu nằm... chơi ( trang 53) !

Dưới gốc đa già, trong vũng bóng
Nằm mát đàn trâu ngẫm nghĩ nhai

(Bàng Bá Lân, Tiếng sáo diều)

Cùng một hình ảnh, xưa kia, Nguyễn Khuyến( 1835- 1909) có câu thơ hay :

Trâu già gốc bụi phì hơi nắng

Nguyên tác chữ Hán, không hay bằng câu thơ dịch ra chữ nôm :

Ngọa thụ bì ngưu hư thử khí

(Đến chơi nhà Đặng Tự Ý)

Nói về thơ Hán Việt không thể không nhớ con trâu trong thơ Trần Nhân Tông (1285-1308). Ông vua thao lược, đạo hạnh này làm thơ thậm hay. Đàn trâu chỉ thoáng hiện trong bóng chiều đã để lại cho ngàn sau ấn tượng sâu đậm vì lời thật, cảnh thực.

Thiên Trường vãn vọng

Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên
Bán vô bán hữu tịch dương biên
Mục đồng địch lý ngưu quy tận
Bạch lộ song song phi hạ điền.

Ngô Tất Tố dịch : Cảnh chiều Thiên Trường

Trước xóm sau thôn tựa khói lồng
Bóng chiều man mác, có dường không.
Theo hồi kèn mục, trâu về hết,
bạch thi nhau liệng xuống đồng

ĐT dịch :

Thôn sau thôn trước mờ như khói
Có có không không, đạm sắc chiều
Trẻ giục trâu về còi thúc thúc,
Cò nghiêng trắng ruộng cánh xiêu xiêu.

Thơ xưa, kể cả thơ Trung Quốc, hay đến như vậy, hiện thực, đơn giản, trầm mặc mà linh động đến như vậy, không nhiều lắm đâu. Nhất là để gợi lên hình ảnh đàn trâu về chuồng, hòa nhập vào phong cảnh an tĩnh giữa trần gian, nơi cư trần lạc đạo.

Người xưa trọng vọng trâu; theo truyền thuyết trâu đã giúp vua Vũ nhà Hạ trị thủy. Thời Chiến Quốc, Tử Đồi con vua Chu Trang Vương nuôi hàng trăm con trâu cho ăn gạo thóc, mặc gấm vóc, lại có kẻ hầu người hạ. Họ ca ngợi nghề chăn trâu của những Sào Phủ, Nịnh Thích. Nhưng con trâu vẫn không mấy khi lê nổi bàn chân lầm than từ bùn lầy lên đến trang giấy văn chương, dù có xuất hiện nhiều lần trong nghệ thuật tạo hình như tranh, tượng.

Ở Việt Nam vào thời bình minh của thơ Nôm, Nguyễn Trãi (1374-1442) sống nhiều nơi thôn ổ, tả nhiều cảnh nông tang, mà chỉ tả con trâu vẽ trong nghiên mực “Đầm chơi bể học đã nhiều xuân” nghĩa là con trâu vẫn... nằm chơi.

Một lần khác Nguyễn Trãi nói đến con nghé, nhân sử dụng một tục ngữ răn đời : sảy giàn tan nghé :

Chúa giàn nẻo khỏi tan con nghé
Hòn đất hầu làm mất cái chim

(Bài 23 trong Bảo kính cảnh giới)

Nghĩa là : con trâu đầu giàn (chuồng, ràn) phải giữa vị trí lãnh đạo, để con nghé đừng chạy lạc. Câu sau, ngụ ý không nên làm việc phù phiếm, dựa theo tục ngữ :

Đất bụt mà ném chim trời
Chim thì bay mất, đất rơi xuống chùa.

Vào thời Hồng Đức, thơ Lê Thánh Tông và nhóm Tao Đàn có nhiều bài tả người chăn trâu, nhưng không trực tiếp nói đến con trâu..

Đến Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), hiền triết, khi nhắc đến con trâu chỉ mượn tục ngữ để răn đời:

Người hàng thịt nguýt người hàng cá
Đứa bán bò gièm đứa bán trâu

(Bài 112,1983,1997)

Như vậy con trâu chưa phải là một mô hình tự lập trong câu thơ, mới làm cớ cho người ta nói chuyện khác.

Không hiểu vì lý do gì, về sau, người Việt Đàng Trong quan tâm đến trâu nhiều hơn. Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) đã an vị con trâu chính xác trong đời nông dân

Ấm lạnh trọn bề vài đám ruộng
Làm ăn giữ bổn mấy con trâu

Bài thơ cụ thể nhất về trâu có lẽ là của Học Lạc (Nguyễn văn Lạc, 1842-1915)

Con Trâu

Mài sừng cho lắm cũng là trâu,
Gẫm lại mà coi thật lớn đầu.
Trong bụng lam nham ba lá sách,
Ngoài cằm lém đém một chòm râu.
Mắc mưu đốt đuốc tơi bời chạy,
Làm lễ bôi chuông dớn dác sầu.
Nghé ngọ già đời quen nghé ngọ,
Năm dây đàn khảy biết nghe đâu.

(Đốt đuốc : sự tích Điền Đan nước Tề, sử dụng một ngàn con trâu buộc đuốc vào đuôi rồi đốt cho trâu xông trận phá hàng ngũ đối phương.

Bôi chuông : ngày xưa, tại Trung quốc có lệ giết trâu để làm lễ bôi chuông. Có lần Tề Tuyên Vương thương hại, truyền lịnh tha mạng sống cho trâu.)

Cùng ở Nam Bộ, Huỳnh Mẫn Đạt (1807-1883) bài Trâu già, dùng chung một mạch điển cố :

Một nắm xuơng, một nắm da
Bao nhiêu cái ách cũng từng qua
Đuôi cùn biếng cột Điền Đan hoả
Tai nặng buồn nghe Nịnh Tử ca
Sớm dạo vườn Nghiêu ăn hủng hỉnh
Tối về nội Võ thở hi ha
Ngày xưa mắc phải nơi đường bệ
Ơn có Tề Vương cứu lại tha.

(Nịnh Tử : sự tích Nịnh Thích thời Chiến quốc chăn trâu, gõ sừng ca hát than thân, được vua Tề Hoàn Công nửa đêm đốt đuốc phong chức đại phu.

Nghiêu, Võ : hai ông vua đời thượng cổ; theo truyền thuyết, trâu giúp các vua này cày ruộng và trị thủy).

dam-trau

Từ đấy trâu được trọng vọng : trên đồ đất nung từ thời Thương Chu, hai ngàn năm trước Tây lịch đã có hoa văn hình trâu. Đời Tiền Hán – vài ba thế kỷ trước Tây lịch – đã có nhiều tượng trâu bằng đồng, nhất là vùng Vân Nam. Có lẽ tục giết trâu tế thần có từ thời thượng cổ, ngày nay vẫn còn ở một vài nơi, như miền Tây Nguyên Việt Nam, còn tục đâm trâu, giết trâu tế Dàng.

*

Trong văn học Đàng Trong, hình ảnh và thân phận con trâu, hiện thực và đầy đủ nhất nằm trong truyện Lục súc tranh công, dài 453 câu, viết theo cách nói lối trong tuồng cổ (hát bội) một lối văn thịnh hành thời Tự Đức; có lẽ tác phẩm làm tại Huế, nửa sau thế kỷ XIX. Truyện kể lại cuộc tranh công tị việc giữa sáu gia súc : trâu, chó, ngựa, dê, gà, lợn. Phần quan trọng nhất dành cho trâu, non một trăm câu, cũng là phần hay nhất, là tiếng nói thống thiết của nông dân phản ánh số kiếp lầm than không lối thoát.

Trước cổ đã mang hai cái niệt
Sau đuôi thêm kéo một cái cày.
Miệng đã dàm, mũi lại dòng dây,
Trên lưng ruồi bâu, dưới chân đỉa cắn,
Trâu mệt đã thở dài, thở vắn,
Người còn hầm hét, mắng ngược mắng xuôi

(...)

Cày ruộng sâu, ruộng cạn cho no
Lại vườn đậu, vườn mè khiến chở :
Làm không kịp thở,
Ăn chẳng kịp nhai,

(...)

Lúa gặt cất lên đã có trâu xe,
Lúa chất trữ lại để dành trâu đạp.

(Niệt : giây buộc ách)

Sống cùng cực, chết còn chưa rảnh nợ đời : trâu lập tức bị phân thây xẻ thịt, tận dụng từ ngọn sừng đến móng giò, ninh nhừ làm nham làm thấu (hai món ăn) :

Người người đều bàn bạc với nhau :
Kẻ thì rằng tôi lãnh cái đầu,
Người thì nói phần tôi cái nọng.
Kẻ giành bong bóng ép gối mà kê,
Còn sừng đem về ép thoi, làm lược,
Kẻ thì chuốc hoa tai làm ngạt quạt,
Người lại tiện chén rượu, bầu liều,
Làm tù và mà thổi cũng kêu,
Tiện con cờ mà đánh cũng tốt.

(Ngạt : nan quạt. Bầu liều : bầu dùng để đo lường)

Tục ngữ có câu tỏ khí phách can trường, hay sự lỳ lợm, “ trâu già không ngại dao phay”, có người gán cho chính khách Trần văn Hương, không rõ đúng không và, vào thời điểm nào.

*

Văn chương có quy luật riêng, làm bằng khuôn sáo, thời thượng, về sau lại thêm “đường lối” không được như trâu quá sá, mạ quá thì. Vì vậy con trâu dù thân thiết và thiết thân với nông dân cũng không mấy khi xuất hiện trong văn thơ hiện đại.

Trong văn chương quốc ngữ, chủ yếu là phong trào Thơ Mới 1932-1945, trâu xuất hiện như hình tượng nghệ thuật độc lập, lần đầu tiên, có lẽ là trong thơ Đoàn văn Cừ (1913-2004), mà tầm quan trọng về văn học dường như chưa được khẳng định công bằng và chính xác :

Những buổi chiều trong khoảng nắng hồng pha
Trên giải lúa mênh mông màu cánh trả,
Đàn trâu xám họp nhau về tất cả
Như bức tranh thêu, mặt vóc lam hồng.

dantrau

Bài Đàn trâu, 1943, trích từ tập Thôn ca, 1944 gồm 26 câu, chỉ tả trâu, không mượn trâu để nói chuyện khác. Như trong một họa phẩm, trâu hiện ra trong vẻ đẹp và phong cách của nó, đơn lẻ hay trong bầy đàn, trong phong cảnh, ánh sáng và chân trời của nó – thêm tiếng chuông chùa nâng chân bước :

Trong ánh sáng hoàng hôn màu úa đỏ
Đàn trâu về thủng thỉnh bước trên đê.
Những cập sừng cúi thấp nặng nề lê,
Những chân bước lừ đừ như quá mỏi,
Những chiếc đuôi hiền lành se sẽ đuổi
Những con ruổi mê ngủ bám bên hông.
Hình sao H
ôm trắng toát hiện trên không,
Như giọt nước trong rơi trên luống cỏ.
Hơi suơng tím chân trời tha thướt phủ
Những hình đen lần lượt kéo vào thôn,
Tiếng chuông chùa gọi với ánh hoàng hôn,
Liềm trăng bạc đêm hè nâng lấp ló.

Thôn trang trong thơ Đoàn văn Cừ là một bức tranh lý tưởng và lãng mạn, cũng như ở những nhà thơ khác cùng thế hệ, mang hương đồng cỏ nội như Nguyễn Bính, Hồ Dzếnh, Anh Thơ, Bàng bá Lân.

Nhưng không ở đâu con trâu được tô vẽ dưới nhiều nét đậm nhạt và thi vị như ở Đoàn văn Cừ trong Thôn Ca :

Con trâu đen chúi mũi đứng bên đồng
Cứ liếm mãi nắng vàng trên cỏ biếc.

(Nắng Xuân, 1942)

Màu sắc ở đây đã được chắt chiu chắt lọc. Đoàn văn Cừ sáng suốt và ngay thẳng thừa nhận điều này :

Cảnh dân dã quê mình như thế đó
Khi yêu rồi, đâu cũng đẹp như thơ.

(Lá thắm)

(dường như Picasso có nói đâu đó, đại khái : không có cảnh đẹp hay người đẹp, chỉ có con mắt nhìn ra cái đẹp. Cụ thể, muốn thấy vẻ đẹp của trâu, trên nền nông thôn, có thể tìm xem tranh sơn mài, hiện đại, khổ lớn của họa sĩ Thành Chương, Hà Nội, hoặc tranh sơn dầu hay màu nước của nữ họa sĩ Nguyễn Thanh Trí, California).

Nói đến con trâu, Đoàn văn Cừ không quên bác lái trâu, một hình ảnh quen thuộc của nông thôn :

Mình phủ hình trong chiếc áo vàng
Trán lồng trong một chiếc khăn ngang
Chân đi đôi dép, ô kèm nách
Tay dắt con trâu đứng cạnh đường.
Những lúc trâu vè khách đứng đông,
Bác vừa xoa nó khắp bên hông,
Vừa khoe nó vốn dòng trâu “loạn”,
Cày ải đi nhanh nhất cánh đồng.

(Vè : tiếng địa phương nghĩa là tụ họp, như chữ vầy trong sum vầy.

Trâu loạn : trâu mạnh, cày khỏe. Tục ngữ : cày trâu loạn, bán trâu đồ. Trâu đồ là trâu nuôi để ăn thịt.

Cày ải : cầy lật đất cho khô).

Sau 1945-1954, xã hội Việt Nam vẫn là nông nghiệp, nhưng hình ảnh con trâu không đậm nét trong thi ca. Muốn tìm thì cũng có thôi nhưng không lấy gì làm đặc sắc. Những nhà thơ nặng tình nghĩa với nông thôn, như Ngô văn Phú, cũng ít tả trâu. Huy Cận là ngoại lệ, tôi đã có bài riêng cho đề tài này.

Phùng Cung ( 1928- 1997), trong những bài thơ cô đúc và phong cách riêng, có câu hay:

Cổng hè đổ vụn- nắng son
Con trâu gốc phượng
Nhai mòn gần xa
.

Trưa Hè, trong Xem đêm, 1995

Cùng một đề tài, câu thơ đã xa thời Bàng Bá Lân lắm.

Con trâu của Phùng Cung còn xuất hiện trong toàn cảnh xã hội :

Chợt nghe động trống
Trâu bò nhớn nhác
Dùi quật liên hồi
Ê ẩm tấm da khô
.

Nguyễn hữu Đang ( 1913-2007) cho rằng bài Ê ẩm này là “ kiệt tác, hay nhất trong tập Xem Đêm.

Con trâu chết đi, để lại nỗi oan khiên ẩn náu trong mặt trống. Đánh trống mà mặt trống thấy đau, tiếng trống vang lên, mang theo oán hờn, tác động đến những trâu bò chung quanh gây sợ hãi, kinh hoàng”(25-10-1996).

Lời bình có chính xác không, bài thơ có hay nhất không, thì ta không biết. Nhưng Nguyễn hữu Đang là người có quyền, và thẩm quyền, viết một câu như thế.

Tố Hữu chuyên vẽ toàn cảnh xã hội, cố nhiên là phải nói đến trâu. Câu nổi tiếng trong Ta đi tới, 1954 :

Trâu ta ra bãi ra đồi
Đồng ta lại hát hơn mười năm xưa.

Hai năm sau, Trên Miền Bắc Mùa Xuân, thời cải cách ruộng đất, 1956 :

Những đàn trâu Việt Bắc béo tròn
Đủng đỉnh về xuôi quê hương mới lạ

(...)

Sướng vui thay miền Bắc của ta...

Con trâu cách mạng béo tròn, đủng đỉnh (trên áp phích) này có thực tế không?

Dù rằng tại Miền Bắc, lúc ấy, 1956, vẫn có trâu, và người béo tròn, đủng đỉnh.

Trong khi lắm kẻ cảm thân phận làm trâu như Trần Huyền Trân thời “tiền cách mạng” :

Vai cầy chẳng kẻo làm trâu
Dong xe chẳng kẻo tóc râu làm bờm.
Nẻo về chật chội áo cơm
Dặm đi lại động từng cơn lá rừng.

Độc hành ca, 1940

Từng cơn lá rừng... nhắc đến đoạn đầu bài thơ Tôi đi trên những con đường rừng cũ của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Rừng cũ đây là rừng Trường Sơn, khu Bốn, thời chiến tranh :

Ai hành quân qua đây ?
Trên lối trâu mòn kéo gỗ.
Ai nghỉ đêm nơi đây ?
Còn dấu tro tàn bếp lửa.
Đồng chí nào chia tay nơi đây ?
Ngã ba rừng hoang lá đầy.

Nhắc lại đoạn thơ vì câu : Lối trâu mòn kéo gỗ trên rừng núi Tây nguyên, trong bản văn được đài Hà Nội phát thanh năm 1971, đăng trên báo Văn Nghệ 1973, tôi ghi lại theo tạp chí Tác Phẩm Mới, tháng 8-1975. Nhưng nay, bên thềm năm Trâu Kỷ Sửu, tìm lại lối mòn kéo gỗ thì con trâu ... biến mất. Đoạn thơ tân trang trở thành :

Ai hành quân qua đây ?
Đất vẫn in mòn lối cũ.
Ai dừng chân nơi đây ?
Đá vẫn nguyên hình bếp lửa.
Đồng chí nào chia tay nơi đây ?
Ngã ba rừng hoang lá đầy.

(Tuyển tập, tập 4, nxb Trẻ, 2002, tr.11)

Dở quá sức dở. Xét về mặt nào cũng dở.Càng thương bạn, càng thấy dở. Khổ quá : lối cũ không in mòn trên đất thì... in vào đâu ? Hình bếp lửa là hình gì ? Lời thơ ngớ ngẩn vì rập theo khuôn sáo. Câu thơ nguyên bản hay và truyền cảm nhờ gợi lên được những tàn phai với ít nhiều hoang dã, trong cuộc chiến trường kỳ gian khổ. Có thời người ta gọi là “ lãng mạn cách mạng”, nghe cũng tàm tạm.

Lối trâu mòn kéo gỗ... Còn dấu tro tàn bếp lửa là hình ảnh tham dự vào cuộc sống tàn phai và hoang dã. Như hồn thu thảo, bóng tịch dương trong thơ xưa. Nay câu thơ được tân trang : đất vẫn... đá vẫn.... nghèo đi, đọc nghe vớ va vớ vẩn.

Vấn nạn là : một đoạn thơ hay, đã được phổ biến, thâm chí có giá trị lịch sử, bỗng tự mình leo thang xuống cấp, lý do : cái nước Việt Nam nó thế ...!

len trau

Một cảnh trong phim "muà len trâu",
đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh

 
Trong văn xuôi, ta có hai cuốn tiểu thuyết dưới nhan đề Con Trâu : cuốn trước của Trần Tiêu (1938), kể chuyện một nông dân Bắc Bộ nghèo khổ, điêu đứng, cả đời mơ ước tậu được một con trâu nái làm cơ nghiệp, và đến lúc chết vẫn còn mơ ước, lẩm bẩm hai tiếng “con trâu”. Cuốn sau, của Nguyễn văn Bổng (1952), kể chuyện thời kháng chiến chống Pháp khu V, vùng Nam-Ngãi, lính Pháp đàn áp dân chúng, bắn giết trâu, hầu làm trở ngại sản xuất; quần chúng phải chiến đấu, để tự vệ vào bảo vệ trâu, đưa trâu vào rừng hay xuống hầm. Những đoạn tả việc trâu xe nước, trong lửa đạn là những trang hiện thực linh động.

Khoảng 1957, Sơn Nam có viết một truyện ngắn đặc sắc, Mùa len Trâu, kể lại việc nông dân di chuyển đàn trâu hằng mấy trăm con từ đồng bằng Hậu Giang ngập lụt lên vùng cao Ba Thê, Bảy Núi để dinh dưỡng; gần đây, 2003, kết hợp với truyện Một cuộc biển dâu, Mùa len Trâu được Nguyễn võ Nghiêm Minh dựng thành phim hay, gây ấn tượng mạnh, với đàn trâu vĩ đại băng mình qua cảnh trời nước mênh mông, tựa một ngọn gió đen, như trong thơ Thanh Thảo :

Đàn trâu ngọn gió đen ào qua trảng cỏ...

(Những người đi tới biển, 1976)

*

choi-trau

Chọi trâu Đồ Sơn

Bài viết, theo dự tính, chấm dứt ở đây, thì tôi nhận được tạp chí Thư Quán Bản Thảo, New Jersey , Hoa Kỳ, số Xuân Kỷ Sửu, tập 35, ghi tháng 2-2009 (www.thuanquan.com) có truyện ngắn về trâu thật hay. Tác giả Trầm Mặc Hoa Huyền, một cái tên lạ, ở Kansas City, viết về trâu vô cùng ưu ái. Một đoạn chọi trâu vì giành nhau đồng cỏ, hào hứng :

Con Pháo và con Hổ chiến đấu tay đôi, còn những con theo yểm trợ thì mặt nghinh lên trời rống họng kêu nghé ngọ đi vòng quanh. Chúng cúi đầu mài sừng lia lịa nơi bờ ruộng hay các mô đất cao, hất bung đất cát văng lên tung tóe đầy trời. Từ hai thửa ruộng xa nhau, con Pháo và con Hổ dồn hết sức lực chạy băng về phía đối thủ. Bốn sừng đụng nhau cái “rốp” nghe đinh tai nhức óc, rồi gầm đầu xuống bốn chân lấy thế, dốc toàn lực đẩy đối phương. Sau đó lại dang ra, chạy một vòng như để lấy trớn rồi xáp vô đụng tiếp, gầm đầu đẩy, rồi ngẩn đầu lên dùng đôi sừng cong vút chém mạnh vào cổ vào đầu nhau. Bụi bay mù trời mịt đất”...

Chúng chém nhau gần ba bốn tiếng đồng hồ mà vẫn bất phân thắng bại. Sau đó, con Pháo dường như đoán biết đối thủ tuy đã đuối sức nhưng vẫn còn hung hăng lắm nên nó giả đò thua chạy lùi lại. Thắng thế, con Hổ lấy hết sức nhảy qua mương, quyết tâm diệt địch. Không ngờ, con Pháo thừa cơ đối thủ vừa nhảy qua mương chân chưa kip chấm đất, nó quay đầu lại, dùng hết mười phần công lực húc một phát mạnh như vũ bão, khiến cho con Hổ rớt xuống mương, thân hình co quắp nửa trên bờ nửa dưới nước.”

Một đoạn khác, tả việc len trâu vào những ngày Tết “lùa trâu vào thả hoang trong rừng”. (Từ “len” Sơn Nam giải thích là thả hoang) :

Cứ lệ cuối năm (...) Trâu thả hoang đều tháo gỡ tất cả dây cột dàm, mũi ra để chúng được tự do đi lại và bảo vệ cho nhau khi bị bắt trộm hoặc thú dữ tấn công. Trâu bò là loài động vật khôn ngoan. Ban đêm chúng xếp thành đội hình để bảo đảm an toàn cho nhau trong lúc ngủ. Tất cả trâu nghé, trâu con đều dồn vào chính giữa như cái rốn, kế đến là trâu mẹ nằm bao xung quanh bảo vệ đàn con, rồi đến số trâu già, sau cùng là những con trâu đực tơ, khỏe mạnh kết thành một vòng đai lớn vừa canh chừng vừa chiến đấu với kẻ thù.”

(Truyện Con Trâu Pháo, tr. 99 và 101).

*

Người chân quê khề khà nói chuyện trâu không bao giờ đủ, không bao giờ hả. Cũng dựa vào cơ hội năm Kỷ Sửu mới nói được chuyện trâu bò thô lậu. Cuối cùng còn mượn dịp báo Tết, để chúc bạn đọc năm châu bốn biển một niên sức khỏe, an vui và tài lộc dồi dào :

Được tiền thì mua rượu
Rượu say rồi cưỡi trâu
Cưỡi trâu thế mà vững
Có ngã cũng không đau.

Lời hưng phấn này – mừng vui ngày Tết – là thơ Trần Tế Xương.


Đặng Tiến

Orléans, Tết Kỷ Sửu, 01-01-2009



Ghi chú ngoài lề :

Trâu quá sá, mạ quá thì : thành ngữ không thấy có trong các từ điển chuyên môn . Đại từ điển tiếng Việt 1999 của Nguyễn Như Ý giảng không rõ. Sá là đường mòn ven núi, về sau có nghĩa là con đường nhỏ. Trâu quá sá là vượt quá đường cày, dẫm sang ruộng người khác. Từ đó, có trạng từ “quá xá”, Rồi “quá xá quà xa”.

Gàu sòng : Pierre Gourou, trong Đất và Người tại Viễn Đông (L’Homme et la Terre en Extrême Orient, nxb Armand Colin, 1940) cho biết : Một người dùng gàu sòng trong 7 tiếng có thể đưa một trăm thước khối nước lên 40 phân, với nhịp 22 gàu/phút. Muốn đưa một lớp nước 10 phân lên một mẫu, phải tát mười hai ngày (tr.64).


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us