Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Cuộc vận động tự cường của Trung Quốc / Cuộc vận động tự cường của TQ (1)

Cuộc vận động tự cường của TQ (1)

- Hồ Bạch Thảo — published 07/02/2014 11:05, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19



Cuộc vận động tự cường
sau khi liên quân Anh, Pháp
đánh Bắc Kinh


Hồ Bạch Thảo


Loạt bài viết về Trung Quốc đăng trên Diễn Đàn, nằm trong tập sách Trung Quốc Cận Đại Sử sẽ xuất bản. Để bạn đọc nắm được chủ ý của người soạn, xin phép giới thiệu trước lời tựa.


Tựa


Lịch sử tuy liên tục nhưng luôn luôn biến, cuộc biến lúc hoãn lúc cấp, lúc ẩn lúc hiện, mỗi thời một khác. Xét về Trung quốc cận đại, kể từ thời chiến tranh nha phiến [1840] cho đến lúc Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hoà Quốc chiếm lục địa [1949], lịch sử đột biến, đảo lộn mọi giá trị, có người cho rằng từ đời Tần Hán đến nay chưa có lúc nào biến động như vậy.


Trước kia Trung Quốc từng gặp cường địch, bị ngoại tộc xâm lăng ; nhưng đều là những nước lân bang ; các dân tộc này văn hoá thua kém, nên dần dần bị Hoa hoá. Rồi đến lúc chính quyền do ngoại tộc thống trị bị hủ hoá đến tận gốc, Hán tộc vùng lên giành chính quyền, lại còn có sức thôn tính phần đất của ngoại tộc để trở thành lãnh thổ Trung Quốc.


Ðến thời cận đại, tiếp xúc với các nước Tây phương từ phương xa tới ; những dân tộc này ngoài vũ lực mạnh, còn có một nền văn hoá, chính trị, kinh tế cao, lại mỗi ngày một canh tân. Rồi đến lúc, hai bên binh lực tiếp xúc, rào dậu không còn giữ được ; khiến cả nước kinh hoàng, đối phó thất thố, tự xử trong nội bộ và đối ngoại đều bế tắc, dẫn đến cái thế mất còn trong sớm tối. Do vậy người Tây phương vào Trung Quốc, được coi như là cơn đại biến của trời đất.


Việt Nam và Trung Quốc tuy cùng hoàn cảnh, nhưng do đặc thù địa lý, khiến các nước Tây phương đối xử theo hai phương sách khác nhau. Trung Quốc là nước khổng lồ, không dễ gì chiếm trọn cả nước, nên Tây phương chủ trương duy trì một chính quyền thối nát, sẵn sàng chịu sự sai khiến, để dễ dàng bòn rút. Riêng Việt Nam là nước nhỏ, triều đình nhu nhược, thế có thể chiếm trọn, nên người Pháp quyết lấy cho bằng được. Cho dù thuộc địa, hay bán thuộc địa ; cả hai nước cùng chia sẻ những kinh nghiệm đắng cay về thủ đoạn của thực dân và những khó khăn cản trở trên bước đường canh tân xứ sở. Ngoài ra đối với Việt Nam, Trung Quốc là nước lớn nằm sát nách, đầy tham vọng bá quyền, nên nhiều lần Việt Nam buộc phải tranh thắng để tự vệ. Một trong những yếu tố chiến thắng là phải “ biết mình, biết người ” ; bởi vậy hiểu rõ lịch sử Trung Quốc là việc làm cần thiết của người Việt yêu nước và lo cho nước.


Hồ Bạch Thảo









Chương một


Giải quyết các biến cố trong triều
cùng nhận thức về thời thế [1860-1864]




Từ Hy Thái hậu [1835-1908]


Nguồn: http://zh.wikipedia.org/wiki/慈禧 太后




1. Từ Hy và Cung Thân vương liên kết làm chính biến



Hàm Phong không phải là vua năng động, lại gặp lúc nội ngoại lắm việc, nên chán chính sự, bó tay bất lực và giao quyền cho Hoàng thân Túc Thuận. Hoàng thân này thị tài kiêu ngạo, đối ngoại chủ trương cường ngạnh, Tây phương coi là người bài ngoại ; đối nội nghiêm khắc, nên oán hận tăng cao. Riêng Hoàng thân Dịch Hân [1833-1898], con thứ 6 của vua Đạo Quang, em cùng cha khác mẹ với vua Hàm Phong ; được vua cha lập di chiếu phong tước “ Hoà Thạc Cung thân vương ” thì bị vua anh nghi kỵ không dùng ; lại thất hoà với những anh em khác trong hoàng tộc như Di Thân vương Tái Viên, Trịnh Thân vương Ðoan Hoa, và em Ðoan Hoa là Túc Thuận. Trước lúc vua Hàm Phong mất, Cung thân vương Dịch Hân là đối thủ về chính trị của Túc Thuận, thứ đến là Quý phi Diệp Hách Na Lạp Thị, tức Từ Hy Thái hậu [1835-1908] sau này.


Thuở ban đầu Na Lạp Thị là cô gái đẹp được tuyển vào cung, sau được thăng lên tước Tần. Hoàng hậu Nữu Chiêm Lộc Thị không có con trai, năm 1856 Na Lạp Thị sinh được Hoàng tử, đó là con trai duy nhất của vua Hàm Phong, nên được phong Quý phi. Nàng mê quyền lực, lại biết qua văn từ, nên thường thay Hoàng đế phê tấu chương ; nhưng không phải riêng được ân sủng, đôi khi còn bị Túc Thuận ức chế. Lúc Hàm Phong chạy lên Nhiệt Hà, bất đắc dĩ phải giao cho Cung thân vương liệu biện tại kinh sư ; tức giao cho trách nhiệm khó khăn, không ngờ đây là một cơ hội để Vương vươn lên. Sau cuộc hoà nghị giữa Trung Quốc và các nước Tây phương, uy tín của Cung thân vương lên cao, đến nỗi có lời đồn rằng sẽ đưa Thân vương lên làm vua. Cung thân vương và các quan Ðại thần tại kinh đô tâu xin xa giá hồi loan, cho rằng ngoại nhân không phải đến để tranh thành, đoạt đất. Hàm Phong sợ bị khiên chế, nếu trở về tương lai lại phải đi lần nữa. Túc Thuận cũng bảo lòng bọn Di phản phúc, hết sức ngăn trở ; muốn nhà vua lưu tại Nhiệt Hà để dễ bề lung lạc. Cung Thân vương xin đến để diện tấu, nhưng không được chấp thuận, nội vụ chắc có lời ton hót của Túc Thuận ; khiến thực thể triều đình nghiễm nhiên trở thành kinh sư và Nhiệt Hà hai phái. Lúc bấy giờ Hàm Phong bệnh nặng, Hoàng tử Tái Ðôn mới lên 6 tuổi ; hai phe đều muốn đoạt quyền ; Na Lạp Thị lo rằng một khi hai mẹ con trở thành cô nhi quả phụ, thì sẽ bị kiềm chế bởi phe Túc Thuận.


Vào ngày 22/8/1861 vua Hàm Phong mất, Hoàng tử Tái Ðôn nối ngôi. Trước đó một ngày giao cho Tái Viên, Ðoan Hoa, Túc Thuận, cùng Ngự tiền đại thần và 4 quân cơ đại thần giữ chức Tán tương triều chính ; thực chất do Túc Thuận đứng chủ. Sự việc trước mắt đáng để cho Cung Thân vương giữ chức phụ chính, không ngờ trở thành tay không. Quý phi Ná Lạp Thị nhờ có con ở ngôi tôn quý, nên cùng với Hoàng hậu Nữu Chiêm Lộc cùng giữ chức Hoàng Thái hậu ; cả hai không muốn bị sai khiến bởi tay người. Lúc bấy giờ Cung Thân vương tâu xin yết kiến, cả hai Hoàng hậu đều muốn gặp mặt để tìm cách bài trừ Túc Thuận. Cung Thân vương đến Nhiệt Hà trong 6 ngày, đơn độc đến gặp hai Hoàng Thái hậu, xin họ trở về kinh đô để người ngoài khỏi dị nghị. Khâm sai đại thần Thắng Bảo, người nắm trọng binh, cũng đồng lời xin ; nhân vì tay chân của Túc Thuận dày đặc tại Nhiệt Hà, nên chờ về kinh đô mới tiện xử trí. Lúc Hàm Phong lâm chung, từng đưa cho Hoàng hậu và Quý phi Ná Lạp Thị mỗi người một ấn chương, có thể thay thế châu phê ; như vậy việc vua Hàm Phong giao cho hai người quyền cố vấn về chính trị không còn nghi ngờ gì nữa. Vào ngày 14/9 Ðại thần Ðổng Nguyên Thuần xin Thái hậu buông rèm thính chính, nhưng Túc Thuận bác đi cho rằng triều Thanh không có thể chế đó, cả hai Thái hậu cũng không làm gì được.


Ngày 4/10 bọn Ðại học sĩ Quế Lương xin tôn hiệu hai Thái hậu là Từ An, và Từ Hy. Ngày 1/11 hai Thái hậu cùng Hoàng đế trở về Bắc Kinh. Sau đó 1 ngày Cung Thân vương cho bộ hạ bắt giữ Tái Viên, Ðoan Hoa, Túc Thuận ; riêng 5 Ðại thần cùng giữ chức Tán tương triều chính thì bị cách chức. Thắng Bảo tấu xin Thái hậu “ đích thân coi mọi việc, triệu quần thần đến hỏi han, riêng chọn Thân vương phụ tá việc chính trị, sẽ tận tâm khuông phò ” Thái hậu giao cho Cung Thân vương làm Nghị chính vương kiêm nhiệm Quân cơ xứ ; những người thân tín của Cung Thân vương như Văn Tường, Quế Lương giữ chức Quân cơ Ðại thần. Ngày 8/11 giết Tái Viên, Ðoan Hoa và Túc Thuận ; ngày 11 Hoàng tử lên ngôi, niên hiệu là Ðồng Trị. Ngày 28 hai Thái hậu tuyên bố buông rèm thính chính, ngày 2/12 chính thức thực hành. Hai Thái hậu tính tình khác biệt, Ðông cung 1 Từ An thích thưởng phạt, muốn biểu lộ thực quyền ; Tây cung Từ Hy ưa duyệt đọc tấu chương, quyết định công việc, Tây cung cần mẫn chăm chỉ nên Ðông cung thường nhường việc cho, từ đó việc chính trị dần dần nằm trong tay Từ Hy Thái hậu.


Cuộc chính biến ngoài sự tính toán của Túc Thuận, y tự cho mình đã nắm được vương quyền, không dè rằng Thái hậu lúc đó chưa đến 30 tuổi, cùng Cung Thân vương dám làm như vậy. Những người giúp hoạch định sách lược cho Thân vương có bọn Văn Tường, Quế Lương, kẻ nắm thực lực chi trì là Thắng Bảo. Nhưng yếu tố then chốt phải kể đến là sự ủng hộ của ngoại quốc, đặc biệt là Công sứ nước Anh Frederick W. A. Bruce [Bốc Lỗ Tư]. Frederick vốn không ưa Túc Thuận, thấy Cung Thân vương là người có thể hợp tác để giúp cho triều Thanh mở cửa, nên tìm cách biểu lộ thiện cảm khiến Thân vương an tâm nắm quyền lớn. Bí thư Sứ quán Anh, Thomas Wade [Uy Thỏa Mã] , kể lại rằng Frederick giao cho y yểm trợ tân Hoàng đế và Hoàng hậu trở về kinh đô, quyết không mạo phạm, Cung thân vương mới quyết định hành động một cách đương nhiên. Trong đạo dụ tuyên bố tội trạng của bọn Tái Viên có đoạn “ Năm ngoái duyên hải không yên, kinh sư giới nghiêm đều do các viên Ðại thần trù hoạch trái với phương lược gây ra. Bọn Tái Viên không tận tâm nghị hoà, lại bắt viên Sứ thần Anh, đi đến chỗ tắc trách, thất tín với ngoại quốc.” Lời dụ hiển nhiên muốn làm vừa lòng ngoại quốc, báo chí Anh tại Thượng Hải hoan nghênh. Ðến giai đoạn này, hai bên có sự liên hệ, viên chức Anh trở thành cố vấn cho triều Thanh.


Sự hợp tác giữa Cung Thân vương và Từ Hy do hai bên đều mong muốn, Thân vương mượn danh Thái hậu buông rèm thính chính để thao túng thực quyền, Từ Hy cần Thân vương để bài trừ kẻ đối địch chính trị. Lúc mới buông rèm thính chính, Từ Hy biết rằng quyền chưa vững, kinh nghiệm chính trị còn khiếm khuyết, ngoại giao quân sự không thể không dựa vào Cung Thân vương. Cung Thân vương tự thị công cao, không khỏi chuyên quyền, sự xung đột giữa hai bên cuối cùng không tránh khỏi. Sau khi khắc phục được Nam Kinh 2 năm, Cung Thân vương tỏ vẻ tự cao, coi thường vua ; Thái hậu hạn chế bằng cách tước bỏ tay chân của Cung Thân vương. Tình hình có thể xẩy ra chính biến lần thứ hai, các Thân vương và Ðại thần quan trọng ra sức tranh giành. Từ Hy đã diệt bọn Di Thân vương Tái Viên, nay nếu bãi truất Cung Thân vương, sợ hoàng tộc tôn thân can thiệp, nội ngoại sinh nghi. Ngoài ra Từ Hy còn lo đến thái độ của người nước ngoài ; Cung Thân vương “ chủ trương hoà hoãn, được lòng bọn Di, vạn nhất chúng sinh tâm, thừa cơ đến cướp, triều đình không có chỗ dựa, sự việc thực khó liệu.” Sau mấy ngày bèn ra lệnh tiếp tục giao cho Cung Thân vương chức Quân cơ xứ, nhưng triệt bỏ danh nghĩa Nghị chính vương.




2. Cung Thân vương nhận thức về thời cuộc



Tháng 11/1861 sau khi Cung Thân vương lãnh đạo Trung khu, vấn đề phải ứng phó gấp gồm hai việc : quân vụ và ngoại giao.


Công việc trước giao cho Tăng Quốc Phiên đảm nhận, mệnh thống lãnh quân vụ 4 tỉnh Giang Tô, An Huy, Giang Tây, Chiết Giang ; riêng Thân vương chỉ liên lạc khuyến khích mà thôi. Sau đó trong vòng 5 tháng lần lượt giao cho Tăng Quốc Phiên làm Hiệp biện đại học sĩ, dùng các cấp chỉ huy quân Tương, Hoài như Tả Tông Ðường giữ chức Tuần phủ Chiết Giang, Lý Tục Nghi Tuần phủ An Huy, Tăng Quốc Thuyên Bố chính Chiết Giang, Lý Hồng Chương quyền Tuần phủ Giang Tô.


Công việc sau, do Cung Thân vương tự đảm nhiệm. Ðối với vấn đề lớn của thế giới, Thân vương vốn ít hiểu biết ; gặp lúc quân binh Anh, Pháp đến dưới thành, giặc mạnh tới nơi, Thiên tử bôn ba, kinh sư giữ không được, sự việc khẩn cấp, tình thế mất còn trong sớm tối. Thân vương cùng Sứ thần Anh, Pháp trao đổi qua lại, nhẫn nhục gánh vác, cay đắng gian nan đủ đường, không ngày nào không trải qua kinh hãi sóng gió ; tuy rằng tuân theo đòi hỏi của ngoại quốc, nhưng nói chung đã bảo tồn được chính quyền nhà Thanh. Thân vương là người thông minh cần mẫn, lại được những người có tài năng kinh nghiệm như Quế Lương, Văn Tường phụ tá và ngoại quốc mở đường ; nên từ hoàn cảnh thống khổ rút kinh nghiệm, thu hoạch được những điều giáo huấn, đặt ra phương kế cho tương lai :


Thứ nhất, đối với quan hệ với Tây phương, Cung Thân vương chủ trương nên hoà không nên chiến, mọi việc tuỳ nghi khôn khéo thi hành. Thượng thư bộ Binh Thẩm Triệu Lâm, người cùng trải qua gian nan khi quân Anh, Pháp tiến chiếm Bắc Kinh cũng có ý kiến tương tự “ Sau khi trao đổi điều ước, cả thành được yên, như vậy chúng chỉ chuyên về lợi, không có mưu đồ nào khác, có thể tin được. Chúng tỏ ra thành tín, còn có thể ràng buộc ky my được.”


Thứ hai, ý Thân vương cho rằng ngoại nhân muốn yên loạn để dễ bề buôn bán, thì cũng không ngại tuỳ cơ mà lợi dụng. Năm 1861, Harry Parkes [Ba Hạ Lễ] tuyên bố với thân sĩ tại Thượng Hải rằng nước Anh nguyện bảo vệ Thượng Hải, Ninh Ba, đánh Nam Kinh, Tô Châu. Sau đó lại nói với Cung Thân vương rằng quân Thái Bình quyết không thể thành công được, chỉ hiềm quan quân lương hướng không đủ, pháo thuyền không lợi hại, nên không dễ thắng. Thân vương muốn “ lao lung một cách ổn thoả, khiến ta có thể dùng ”, năm 1862 bèn quyết định nhờ quân Tây dương giúp đánh. Ngoài ra Tây dương kiểm soát hải quan, thuế thu bèn giao nạp, giúp quân lương được sung túc.


Thứ ba, ai cũng biết các nước Anh, Pháp đều “ dựa vào thuyền chắc, pháo mạnh để hoành hành hải ngoại ; nhưng làm cách nào để có thuyền chắc, pháo mạnh thì không ai giảng đến. Có người lưu tâm đến điều này, nhưng người Tây dương giữ bí mật cơ xảo, không dễ gì truyền nghề ”. Lợi dụng ngoại quốc muốn dẹp loạn Thái Bình, lúc bấy giờ Lý Hồng Chương tại Thượng Hải mướn người Tây dương luyện tập quân sĩ, tìm công nhân ngoại quốc chế tạo vũ khí, từ đó phát triển thêm “ Nếu chờ xong giặc mới trù tính việc học chế tạo ; thợ ngoại quốc tuy tham lợi chịu làm, nhưng quan chức ngoại quốc nghi kỵ sẽ ngăn cản.” “ Cứ tiến hành như vậy thì có thể dựa vào để ngự địch, quốc uy phấn chấn, đó là con đường đúng, để yên bên trong khống chế bên ngoài ”. Lúc bấy giờ vào năm 1864, cuộc vận động tự cường được triển khai.


Ngoài Cung Thân vương ra, Hàn lâm viện, Ðô sát viện cũng đều nghĩ như vậy. Biên tu Triệu Thụ Cát tâu rằng hoà nghị giữa Trung Quốc với ngoại bang không thể dựa được, biện pháp duy nhất là phải cầu tự cường. Ngự sử Nguỵ Mục Ðình trình bày một cách cụ thể hơn cho rằng hoả khí là kỹ năng quyết thắng của quân đội, những năm gần đây các nước Tây Dương rất tinh xảo. Các nước Tây dương đều lập quốc từ buôn bán, Anh, Pháp nay đều tình nguyện trợ giúp tiễu bình loạn để hàng hoá được lưu thông ; cần hướng đến các nước này mua vũ khí, thuyền máy ; tại các hải cảng như Thượng Hải lập cục học tập, diễn giảng, sử dụng, trước hết tảo thanh sông Trường Giang rồi đánh vào thành Nam Kinh. Trung Quốc không thiếu bực kỳ tài, năng lực dị thường, nếu ra sức tiến cầu có thể giúp cho việc chế thuyền, pháo như Tây dương. Theo nguyên tắc mà bàn, thì cách nhìn của bọn Cung Thân vương cũng không khác chủ trương học sở trường Tây dương của Lâm Tắc Từ, Nguỵ Nguyên 20 năm về trước ; tuy nhiên thời đó chỉ là thiểu số, còn bấy giờ hình thành một cuộc vận động hẳn hoi.




3. Chủ trương của Tăng Quốc Phiên,
Lý Hồng Chương, Tả Tông Ðường :



Trung khu tại triều dẫn đầu đề xướng lên, bên ngoài các tỉnh tiếp tục hô hào. Cung Thân vương và Văn Tường chủ trương ngoại giao và quân sự cùng tiến ; cùng với các quan lại chủ chốt tại địa phương như Tăng Quốc Phiên, Lý Hồng Chương ý kiến tương đồng. Họ chủ trương chú trọng về quân sự, do liên quan đến mục tiêu trước mắt. Lúc Tăng Quốc Phiên bắt đầu luyện binh, đã tìm mua pháo súng Tây dương tại Quảng Ðông ; Giang Trung Nguyên, Hồ Lâm Dực ra sức lo liệu ; tại Trường Sa, Vũ Xương có ban chuyên môn chế tạo, Tương quân tảo thanh được Lưỡng Hồ, phần nhiều nhờ pháo súng Tây dương. Năm 1860 quân Thái Bình xâm chiếm Giang Nam, nhưng khi giao tranh tại Thượng Hải thì mấy vạn quân bị thua bởi liên quân Anh, Pháp trên 1000 người, và Dương Thương Ðội do ngoại quốc trang bị, huấn luyện cũng tỏ ra thiện chiến. Ðạo quân mạnh của Tăng Cách Lâm Thấm, cùng quân Anh, Pháp giao chiến, bị đánh tan không thành quân. Tất cả những sự kiện nêu trên, khiến Tăng Quốc Phiên tỉnh ngộ thêm. Vào tháng 12/1860 Tăng Quốc Phiên tâu rằng hoà nghị Trung ngoại tuy thành nhưng không thể quên việc phòng bị, hãy học sự kỳ xảo của ngoại quốc, lo chế pháo tạo thuyền, nhắm mưu đồ vĩnh viễn. Tháng 8/1861 Tăng Quốc Phiên trù tính mua thuyền, pháo ; nói rằng đây là việc quan trọng bậc nhất đương thời, không chỉ lục tục mua, mà lại cần “ cầu những người có tâm huyết, thợ giỏi, trước lo diễn tập, sau lo chế tạo ” ; chẳng bao lâu thuyền máy là vật quan binh thường dùng. Sau khi khắc phục được thành An Khánh, Tăng mời những người giỏi khoa học chế tạo như Hoa Hoành Phương, Từ Thọ, Lý Thiện Lan, Trương Kỳ Quế đến hợp tác. Tháng 6/1862 Tăng chép trong nhật ký bàn về phương sách tự cường, cho rằng “ Học chế súng đạn, pháo là công phu trước mắt, khiến cho sở trường của họ ta đều có ; nếu thuận cũng đủ để báo đức, nếu nghịch cũng đủ để báo oán.”


Lý Hồng Chương vốn làm tham mưu cho Tăng Quốc Phiên trong thời gian dài, trước khi tăng viện cho Thượng Hải đã có quyết tâm “ dùng Di 2 biến Hạ, mưu tính từ Tù trưởng Phiên, nhắm cầu tự cường ”. Khi Hoài quân chuyển sang phía đông, nhờ tàu thuyền Anh chở xuôi dòng Trường Giang qua vùng quân Thái Bình chiếm đóng, trong 3 ngày trên tàu, khiến Lý Hồng Chương có rất nhiều cảm tưởng về sức mạnh cơ khí của Tây dương. Năm 1863 viết thư cho Tăng Quốc Phiên rằng ngoại quốc trang bị đầy đủ nhưng quân ít, chỉ 1 vạn quân cũng có thể đương với đại địch ; Trung Quốc binh nhiều gấp bội mà không dễ thu công hiệu, thực do vũ khí thô sơ ; nếu hoả khí tương đương với ngoại quốc thì dư sức dẹp loạn. Gần đây các nước Nga, Nhật học được kỹ thuật của Tây phương, thuyền máy và súng ống trở nên hữu dụng, cùng xưng hùng với Anh, Pháp ; Trung Quốc nếu như lưu ý thì kế bách niên có thể tự lập. Năm 1864 viết thư cho Cung Thân vương có đoạn như sau “…Trung Quốc muốn tự cường không gì bằng học về vũ khí lợi hại của ngoại quốc, học về vũ khí lợi hại không gì hơn là tìm cách chế được vũ khí đó, chỉ học về kỹ thuật thôi chứ không phải dùng hết những lời của họ ; hoặc chuyên đặt một khoa thu nhận kẻ sĩ có tài, ban cho công danh phú quý để khích lệ, thì nghiệp có thể thành, kỹ thuật có thể tinh, và thu thập được nhân tài ”.


Lúc đầu chỉ luận về chế tạo vụ khí đạn dược, sau khi bình định quân Thái Bình gần xong, Lý Hồng Chương lại bàn đến cơ khí liên quan đến kinh tế dân sinh. Lý bảo rằng “ Người Tây dương áp dụng cơ khí vào việc canh nông, dệt vải, ấn loát, đồ gốm ; không phải chỉ riêng chế tạo hoả khí. Vài chục năm sau này các phú nông và nhà buôn lớn Trung Quốc sẽ bắt chước chế tạo các đồ cơ khí Tây dương để cầu lợi ích ”.


Lúc bắt đầu chiến tranh nha phiến, Tả Tông Ðường đã lưu ý đến vũ khí hải ngoại ; đến lúc tiến quân đến Chiết Giang tiếp xúc với người Pháp, biết nhiều về khả năng quân sự của Tây dương, càng muốn bắt chước theo. Sau khi bình xong quân Thái Bình, bèn kiến nghị với Trung khu tìm kiếm nhân tài, trù mượn kinh phí để chế tạo thuyền máy, chỉnh đốn thủy sư ; Tả trình bày “ Thái Tây tinh xảo, ta không thể yên trong sự vụng dở ; Thái Tây có, Trung Quốc không thể kiêu ngạo chịu tay không ”.


Hồ Bạch Thảo









1 Ðông cung, Tây cung : Thái hậu Từ An ở tại cung Chung Tuý phía đông kinh thành nên được gọi là Ðông cung, Thái hậu Từ Hy ở cung Trử Tú phía tây nên gọi là Tây cung.



2 Di, Phiên : chỉ các nước Tây phương, Hạ chỉ Trung Quốc.



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us