Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Dạy chữ Hán trong nhà trường

Dạy chữ Hán trong nhà trường

- Hà Dương Tuấn — published 10/09/2016 12:50, cập nhật lần cuối 14/09/2016 10:37

Dạy chữ Hán trong nhà trường :


Học chữ Hán cao độ từ nhỏ,
không có lợi cho trí tuệ khoa học


Hà Dương Tuấn



Xin tham gia thảo luận trên vấn đề "dạy chữ Hán trong nhà trường", lẽ ra không biết chữ Hán thì khó mà được gọi là có thẩm quyền thảo luận trên vấn đề này. Nhưng biết đâu, cái nhìn của một người không chuyên môn về giáo dục cũng như về ngôn ngữ học nói chung, về chữ Hán nói riêng, có thể có cái lạ lẫm góp vui cho các chuyên gia. Bài này không chống lại việc dạy chữ Hán với cường độ cao sau Trung Học cơ sở (sau tuổi dậy thì), vì khi đó bộ não trẻ em đã đủ phát triển để việc học một ngoại ngữ cường độ cao không còn bị ảnh hưởng xấu (cho tiếng mẹ đẻ và cho tư duy do sự cộng sinh có thể bất thường của hai ngôn ngữ), mà ngược lại, mọi nghiên cứu đều cho biết học thêm ngoại ngữ, bất kể tiếng nước nào, sinh ngữ hay tử ngữ, khi đã nắm thật vững tiếng mẹ đẻ là điều tốt cho tư duy. Chúng tôi chỉ nêu ra một số lo ngại nếu học chữ Hán với cường độ cao trước đó.

*

A. Khác biệt về tâm tính


A.1. Nhà Trung Hoa học Joseph Needham, tác giả của tác phẩm kinh điển đồ sộ Science and Civilisation in China (1956), trong tập sách nhỏ "Khoa học Trung Hoa và Tây phương, La science chinoise et l'occident, 1973" từng nêu ra nhận định : trước khi nảy ra cuộc tiến bộ khoa học kỹ thuật của thời Phục Hưng (đầu thế kỷ 17) tại châu Âu, nền văn minh Trung Hoa cao hơn châu Âu về mọi mặt, từ tổ chức xã hội đến các sinh hoạt vật chất và các kỹ thuật phục vụ đời sống. Từ nhận xét đó ông đặt câu hỏi mà không trả lời dứt khoát : tại sao khi ấy khoa học Âu châu lại bùng nổ mà Trung Hoa vẫn dẫm chân tại chỗ ? ông cho rằng đó là do khác biệt về tâm tính (mentalité). Kết luận này quá mông lung, nên câu hỏi đó vẫn được các học giả cho rằng nên để mở.

A.2. Thực vậy, có một tâm tính tìm tòi, khai phá và thực nghiệm tại châu Âu thời Phục Hưng, đưa đến nền khoa học công nghệ hiện đại. Kinh nghiệm cho thấy, trong công cuộc phát triển khoa học kỹ thuật này, hơn chín phần mười "kết quả" sẽ là sai lạc phải loại trừ ; thực thế, trong nghiên cứu khoa học, cái sai là phổ biến, cái đúng là đặc thù, chỉ có điều những tiêu chuẩn thực nghiệm và học thuật nghiêm chỉnh đã cho phép loại trừ cái sai. Thế nhưng phần đúng nhỏ nhoi còn lại là vô giá, chính chúng đã tích tụ lại và tạo dựng ra cục diện thế giới ngày nay.

A.3. Và có một tâm tính bảo thủ, co ro gìn giữ những gì biết được trong quá khứ, không kiên trì trước những khó khăn của sự khai phá, không nặng về độc lập suy luận mà nặng về ứng dụng những áp dụng kỹ thuật, được phát minh một cách tình cờ mà không biết tại sao. Chính tâm tính đó đã làm đông lạnh sự phát triển khoa học của Trung Hoa vào đầu thế kỷ 17. Câu hỏi còn lại là : điều gì đem lại cho văn hoá Trung Hoa cái tâm tính bảo thủ ? và có phải chỉ là vấn đề tâm tính ?

A.4. Bản thân tôi không tin ở những khác biệt trí tuệ qua di truyền sinh học trong các chủng tộc. Nhưng có một sự di truyền văn hoá. Từ đó phải chăng có thể nêu giả thuyết "di truyền văn hoá" sau : ngôn ngữ văn tự đều là những cái gien di truyền văn hoá, và chính bản thân chữ Hán mang một tâm tính bảo thủ được di truyền đời này sang đời khác. Một giả thuyết thoạt nghe rất nực cười ! nhưng lại có thể được bảo vệ bởi một sự thực khoa học, đó là : tiếng nói và chữ viết, sáng tạo của tự nhiên và của con người, tạo ra ảnh hưởng ngược lại rất to lớn cho tư duy con người, cho văn hoá loài người, và cuối cùng cho lịch sử tồn tại của loài người. Cũng như các gien sinh học, gien di truyền văn hoá tự nuôi dưỡng và tự tái sản xuất trong con người và xã hội.

*

B. Ngôn ngữ, chữ viết và tư duy


B.1. Mặc dù hiển nhiên, nhưng vẫn xin phát triển hai khái niệm "tiếng nói" và "chữ viết" ; trước khi xem xét ảnh hưởng hỗ tương của chúng, và ảnh hưởng hỗ tương chung của chúng với tư duy của con người cá thể, cũng như với văn hoá một dân tộc (hiểu như tư duy của một cộng đồng).

B.2. Tiếng nói là một hiện tượng vật chất đồng thời là một tập hợp biểu tượng, nhận được qua thính giác, để trao đổi những cảm nhận, tư duy, quan hệ xã hội... của một cá nhân. Chữ viết cũng có một phần tương tự như vậy nhưng thay thính giác bằng thị giác. Hai loại hiện tượng / biểu tượng này còn giống nhau ở chỗ, trên nguyên tắc, chúng không bị ràng buộc mang tính phổ quát nào với thế giới vật chất hay tinh thần ; mà chỉ có nghĩa trong hai thế giới đó qua một quy ước chung của một cộng đồng nhất định ; bởi thế loài người có nhiều tiếng nói hoàn khác nhau và nhiều cách viết chữ hoàn toàn khác nhau. Ngoài ra, ưu thế chủ yếu và rất lớn của chữ viết trên tiếng nói là nó cho phép lưu trữ bên ngoài con người và truyền tải đi xa bao nhiêu cũng được nếu có phương tiện (dĩ nhiên khác biệt này đã biến mất trong thời hiện đại với các phương tiện kỹ thuật mới, và đặt ra một vấn đề hoàn toàn thời sự về ảnh hưởng tinh thần và xã hội của văn hoá nghe nhìn... nhưng đây là một chủ đề rộng lớn khác).

B.3. Ngoại trừ một miền "tư duy" (nếu coi mọi hoạt động của bộ não là tư duy) không lời, như những cảm thụ về giới tính, về nghệ thuật hội hoạ, âm nhạc... khó diễn đạt qua ngôn từ mà không bị mất mát, và ngoại trừ những "phản ứng bằng lời" trong những đối thoại tức thì do tiềm thức điều khiển, nói chung, trên những vấn đề phức tạp, con người tư duy bằng tiếng nói thầm, có ý thức hay tiềm thức, trong đầu, chứ không bằng cách đọc thầm những hàng chữ chạy qua trong tiềm thức. Sở dĩ như vậy là do : tiếng nói xuất hiện cả triệu năm trước khi chữ viết đầu tiên được sáng tạo, nếu chúng ta kể đến cả các tổ tiên xa xưa của loài người mà giải phẫu cơ thể của các bộ xương hoá thạch cho thấy một khả năng phát âm cao và đa dạng (homo habilis và homo erectus). Tuy nhiên, câu hỏi : khi nào thì một ngôn ngữ giản dị (như của loài tinh tinh hiện nay) trở thành một ngôn ngữ có cấu trúc phức tạp ? có lẽ sẽ không có trả lời.

B.4. Có thể hiểu tiếng nói như một hiện tượng đồng hiện hữu với tư duy, ít nhất ta chỉ có thể nói như thế trong chừng mực mà tư duy là điều có thể mô tả được. Tiếng nói là tư duy được vật chất hoá để có thể truyền tải đến đồng loại. Nhưng nghĩ như vậy là chưa thấy hết vai trò của tiếng nói trong tiến hoá theo chiều đi lên của trí tuệ loài người, tiếng nói có ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển của trí tuệ con người cũng như của văn hoá loài người; bởi vì nó cho phép đối thoại, tức trao đổi kinh nghiệm, ghi nhớ (mặc dù chỉ trong đầu) hiểu biết của tập thể thành hiểu biết chung, nó cho phép tổ chức làm việc tập thể như xây dựng hay săn bắn... Tiếng nói của một người trở nên giàu có hơn, cũng có nghĩa tư duy của hắn phát triển, nhờ có cộng đồng. Như vậy, ngôn ngữ vừa là bước đầu của tư duy, vừa là kết quả của tư duy trong quá trình trưởng thành vừa của con người cá thể, vừa của một cộng đồng người. Tiếng nói con người là yếu tố quyết định đưa loài người lên vị thế bá chủ mọi động vật trên địa cầu. Xin mở ngoặc : tiếng nói con người khác hẳn "tiếng nói" của các động vật cao cấp nhất (loài tinh tinh) ở chỗ nó không chỉ là ánh xạ một đối một với các sự vật như của loài tinh tinh. Ngôn ngữ loài người có cấu trúc phức tạp, cho phép biểu diễn không chỉ các sự vật đơn lẻ mà còn những quan hệ giữa các sự vật, không chỉ ở thể tĩnh, mà còn trong thể động.

B.5. Nếu tác động trên lịch sử của tiếng nói đã như thế, thì tác động trên lịch sử của chữ viết còn mạnh hơn nhiều. Giống người hiện đại, "người tinh khôn (homo sapiens)", sau khi xuất hiện trong khoảng hai trăm đến một trăm ngàn năm nay, đã có tổ chức xã hội cao, ngôn ngữ giàu có và phức tạp. Nhưng những hệ thống chữ viết đầu tiên chỉ xuất hiện cách đây khoảng 8 000 năm, trước thời đại đồ đồng khoảng 3000 năm. Từ đó đến nay  văn hoá và văn minh loài người tiến triển một cách thần kỳ, ngày càng cao và nhanh. Tiến bộ thần kỳ đó được thúc đẩy cực kỳ mạnh mẽ bởi (nếu không nói là bắt nguồn từ) tác động ngược lại trên trí tuệ con người của chữ viết. Không nói dông dài, chỉ cần thấy rằng bất cứ dân tộc nào không có chữ viết cũng chỉ là những bộ lạc sống bằng săn bắn hái lượm, có định cư thì cũng chỉ triển khai một nền nông nghiệp lạc hậu, mà thôi. Chữ viết, một phương tiện "xử lý thông tin" chính xác và bền vững hơn tiếng nói rất nhiều, vừa là điều kiện sine qua non cho sự phát triển một tổ chức xã hội phức tạp, có trình độ sản xuất cao với những công cụ hữu hiệu, trên một địa bàn rộng lớn... vừa là kết quả của nền văn hoá ấy. Tóm lại, ngôn ngữ (có chữ viết hay không), tư duy, văn hoá, cũng như sinh hoạt và tổ chức xã hội, đều có ảnh hưởng hỗ tương, đồng phát triển theo lịch sử.

B.6. Và không có gì đáng ngạc nhiên khi biết trên thế giới có một số rất ít những phát minh chữ viết khác nhau : tất cả các dân tộc trên thế giới từ xưa đến nay chỉ sử dụng 7 loại chữ viết khác nguồn gốc (với những biến thể của nó) mà thôi, đó là tổng kết của nhà dân tộc học Jacques Goody trong tác phẩm The interface between the written and the oral. Cambridge University Press, 1993. Và hiện nay loài người chỉ còn sử dụng hai loại chữ : chữ an-pha-bê (phiên âm tiếng Pháp alphabet, ở đây nói chung về các loại chữ viết dùng một số nhỏ ký hiệu, những "chữ cái", xếp cạnh nhau thành những từ của ngôn ngữ, chữ Phạn, chữ A-rập cũng là loại chữ an-pha-bê) và chữ Hán. Thứ chữ của người bản xứ châu Mỹ Aztèque, có đặc tính giống chữ Hán, đã trở thành tử ngữ sau cuộc xâm chiếm châu Mỹ của người Tây Ban Nha. Chữ Ai Cập, cùng loại và có từ thiên kỷ thứ tư trước công nguyên, thì đã "quá đát" từ thế kỷ thứ tư sau công nguyên. Sở dĩ các phát minh chữ viết ít như vậy là vì : chữ viết đem lại một nguồn sức mạnh cực kỳ to lớn cho xã hội nào có và sử dụng tốt nó, và do đó xã hội ấy sẽ rất nhanh bành trướng và thôn tính chung quanh nó, khiến cho các dân tộc khác hoặc bị đồng hoá hoặc bị khuất phục, phải học theo, không còn cơ hội phát minh chữ viết của riêng mình. Đây không phải do di truyền chủng tộc ưu việt gì, sớm hay muộn chữ viết cũng sẽ xuất hiện ở đâu đó, do những thay đổi tiệm tiến trong sinh hoạt ; bằng chứng là nó đã nảy sinh ở nhiều nguồn xa nhau. Nhưng một khi chữ viết tình cờ xuất hiện ở một nơi nào đó, nó sẽ đem lại ưu thế "sét đánh" mà các dân tộc chung quanh không thể cưỡng nổi. Quan hệ lịch sử cổ đại giữa người Việt và người Hán là như thế.

Thiển nghĩ tác động ngược lại ấy của chữ viết lên trên tư duy và trên cả lịch sử loài người là khung cảnh cơ bản cần chúng ta quan tâm khi thảo luận về việc dạy chữ Hán đại trà ngay từ khi trẻ em bước vào tiểu học hay trung học cơ sở, bởi vì ở tuổi đó trí tuệ và tư duy còn dễ bị nhào nặn, một cách sâu xa, bền vững.

*

C. Chữ Hán và chữ an-pha-bê


C.1. Nếu tiếng nói rất ít mô phỏng thực tại thì những hệ thống chữ viết đầu tiên đều mang tính tượng hình, tức mô phỏng thực tại; rồi các hình tượng được được trừu tượng hoá để biểu đạt một ý tưởng mà nó gợi ra ; rồi khi sinh hoạt tinh thần giàu lên thì bao nhiêu biểu tượng cũng không đủ cho các ý tưởng ; người ta chỉ còn cách biến một hay nhiều biểu tượng đã có thành một đại biểu cho âm thanh, rồi cộng thêm một chữ nào đó nữa để gợi ra ý tưởng của âm đó, tức là thành một chữ hình thanh (80% toàn bộ chữ Hán)... tuỳ tiện theo quy ước, không học thì không biết được. Theo trang Tiếng Trung, có cả thảy 6 loại cấu tạo Hán tự như thế. Cuối cùng trong đại đa số trường hợp, đã mất đi liên hệ trực tiếp giữa tiếng, chữ, và ý nghĩa. Cần phải có một hình thức "giải nghĩa ngôn ngữ bằng ngôn ngữ" (chẳng hạn các từ điển), và một nền giáo dục nhất định để bắt buộc cộng đồng ghi nhớ những liên hệ tuỳ tiện này, tóm lại phải "dạy chữ", và học chữ vất vả với một yêu cầu rất cao về trí nhớ... Ngôn ngữ nào lên đến một độ cao nhất định đều phức tạp như thế và đều cần đến các công cụ cũng như tổ chức xã hội cho việc bảo tồn và phát triển nó. Với độ phức tạp và tế nhị tăng cao của ngôn ngữ, những hình thức này trở nên luôn luôn cần thiết, và do đó ưu điểm tổng hợp và trực tiếp của các chữ tượng hình hay biểu ý... đối với chữ hình thanh trở thành thứ yếu, các khía cạnh này dù sao cũng chỉ còn là những chỉ dấu cho phép nhớ lại các giải nghĩa.

C.2. Rốt cuộc : một là chúng ta có các chữ viết dừng lại ở trạng thái trộn lẫn các biểu tượng : tượng hình, biểu ý, và hình thanh hay tượng thanh như chữ Hán, chữ Ai Cập cổ đại, hoặc các chữ của người bản xứ châu Mỹ. Hai là các thứ chữ đã nhảy một bước rất xa để hoàn toàn mô phỏng bản thân khả năng phát âm ; bước nhảy đó là sự sáng tạo một bộ chữ cái có thể được lắp ghép tự do thành những âm tố hoặc âm tiết... để tượng thanh một cách trừu tượng cao độ, thuần khiết và toàn diện, đó là những kiểu chữ an-pha-bê : chúng cho phép dễ dàng sử dụng để hình thành, với năng lực gần như vô tận, các biểu tượng âm thanh cho ngôn ngữ. Từ đó tư duy được giải phóng hoàn toàn, làm chủ tuyệt đối phương tiện ghi chép là chữ viết, để chỉ còn giới hạn duy nhất là bản thân nó. Thứ chữ còn lại là chữ Hán ‒ một thứ chữ cổ đại sơ khai đã hoá thạch. Mà nó hoá thạch được và sử dụng được chính vì cái chất bảo thủ của nó trong một xã hội nghìn năm không đổi ‒ thì không được như vậy, nó trói buộc tư duy vào thị giác, vào những khái niệm biểu ý đã sơ cứng từ hàng nghìn năm nay, đại đa số thể dạng là tuỳ tiện nên yêu cầu về trí nhớ rất cao. Dĩ nhiên người Hán, may thay, cũng không suy nghĩ trong đầu bằng văn tự, mà qua tiếng nói thầm bằng ngôn ngữ của chính họ, như cả loài người.

C.3. Sự ưu việt của khoa học phương Tây một phần nào bắt đầu từ chính kiểu chữ an-pha-bê ! Đây cũng chính là tác động ngược lại của chữ viết trên tư duy. Muốn thấy tầm quan trọng của tác động này xin coi chữ viết như một loại ký hiệu, như các ký hiệu toán học ; và hãy nghĩ tới số không "0", mà không có nó không có toán học hiện đại, rồi đến hệ đếm thập phân, (không có nó làm tính nhân thế nào nhỉ ?) rồi biết bao nhiêu ký hiệu khác của khoa học... Có thể bảo : "chỉ là ký hiệu mà thôi, mô tả bằng một đoản ngữ là được, có gì ghê gớm ?" vâng ! chính người Trung Hoa đã làm toán (một cách ỳ ạch) bằng chữ như vậy, với không nhiều thành quả. Ký hiệu là một công cụ của tư duy, nó như con ngựa tốt chở chúng ta đi xa, nhưng nếu phải vác nó trên lưng thì chẳng đi đến đâu được. Có những điều kiện cho một hệ thống ký hiệu tốt : nó phải đơn giản, phải dễ dàng được tạo thêm cho đầy đủ, và phải trung lập, tức là tự nó không mang theo ý nghĩa gì ngoài ý nghĩa mà cộng đồng sử dụng gán cho nó trong văn cảnh đang được nói đến. Ngôn từ con người có quá khứ, nhưng hệ thống ký hiệu để biểu diễn ngôn từ tốt hơn cả là không có quá khứ, thuần tuý tượng thanh, bởi vì với thời gian, ý nghĩa của từ ngữ có thể thay đổi.

C.4. Thế mà chữ Hán mang nặng quá khứ. Ở đây cần phân biệt "chữ Hán" và "tiếng Hán-Việt"; tiếng Hán-Việt là một chuỗi một hay nhiều âm thanh được hiểu trong cộng đồng người có học, với đồng thuận được ghi lại bởi những trọng tài uy tín về ngữ nghĩa, như các từ điển. Còn nói đến "chữ Hán" là phải nói đến hình dạng và cấu tạo của nó, hiểu chữ Hán là hiểu như vậy, nếu không thì chỉ cần hiểu cái vỏ âm thanh, tức hiểu từ ngữ Hán-Việt. Giải thích cái vỏ âm thanh và giải thích "chữ" khác nhau cái gì ? nếu không phải là chiết tự ? chiết tự là gì ? nếu không phải là giải thích bằng những khái niệm thành phần đã có, giải thích bằng quá khứ ? Học chữ Hán là học như thế.

C.5. Xin nhấn mạnh : ý tưởng chính của bài này là sự lo ngại rằng trí tuệ khoa học của trẻ em có thể bị một thế giới quan tiềm ẩn trong chữ Hán ảnh hưởng. Nhưng, để công bằng cần nói thêm một mặt khác, ta hãy thử so sánh : thẩm mỹ của chữ an-pha-bê thật quá nghèo nàn và nông cạn so với chữ Hán. Không thể khác, chữ an-pha-bê là một hệ thống ký hiệu hoàn toàn trung lập, thực dụng, tối giản... dĩ nhiên nó phải trơ trụi, khô cằn, với một số nét và tổ hợp nét rất ít, vừa đủ để nhận ra và phân biệt chữ này với chữ khác. Như thế về thẩm mỹ làm sao đứng cạnh chữ Hán mà mỗi chữ là một vẻ đẹp khác nhau. Hơn thế nữa, ý nghĩa tiềm ẩn trong những chữ Hán lại có thể được kết hợp nhuần nhuyễn với đường nét trong cách viết của một nhà thư pháp, để đích thực được thưởng thức như một bức tranh. Tóm lại : nói chữ Hán mang nặng quá khứ, cũng là nói chữ Hán mang nặng một tính nhân văn nhất định, một tâm tính nhất định, như một phần của di sản văn hoá. Trong khi chữ an-pha-bê không mang theo nó bất cứ điều gì ngoài giá trị tín hiệu tượng thanh. Ngoài ra, dĩ nhiên phần chủ yếu của di sản văn hoá nằm ở thượng tầng được xây dựng trên chữ viết. Khổ nỗi, đây không phải là điều mà trẻ em mới học viết có thể tiếp cận.

Không ngạc nhiên có nhiều người đam mê thưởng thức hoặc thực hành thư pháp chữ Hán. Thẩm mỹ của chữ viết, không phải là một hiện tượng văn hoá nhỏ, và chữ viết cũng không phải chỉ là một bức tranh tĩnh lặng. Để minh hoạ, hãy xem thí dụ của chữ "an" 安 , cũng đọc là "yên", gồm chữ "nữ" 女 dưới hình mái nhà 宀, mà tôi chép lại sau khi giở nhanh vài trang đầu của từ điển. Người phụ nữ ngồi yên dưới mái nhà, tĩnh lặng làm sao ? nhưng để cảm nhận được vẻ đẹp sống động của chữ đó, cần tưởng tượng đến quá trình sáng tạo của tư duy, đã khéo léo kết hợp hai biểu tượng tượng hình cụ thể để làm ra một biểu tượng biểu ý, chuyên chở được cảm nhận của con người. Còn bao nhiêu chữ biểu ý khéo léo và nặng chất nhân văn như thế nữa trong hàng chục nghìn chữ Hán ? Chỉ riêng điều này cũng đáng để dạy chữ Hán trong trường học, ít ra là như một môn tuỳ chọn. Nhưng ! chính vì thế ! không thể coi chữ Hán là một công cụ của tư duy, đó chỉ nên là công cụ để tìm hiểu tư duy của tiền nhân, sau đó, tiếp nhận hay phê phán tư duy đó trên những tiêu chuẩn đương đại (trong đó có, nhưng không chỉ có, tiêu chuẩn bản sắc dân tộc), là một chuyện khác. Công cụ hỗ trợ cho tự do tư duy phải trung lập.

*

D. Dạy chữ Hán và bảo tồn di sản Hán-Nôm


D.1. Dạy chữ Hán cho trẻ em chắc hẳn không phải chỉ là dạy nhìn mặt chữ một cách tổng thể rồi nhớ cái vỏ âm thanh của nó, nếu như thế thì thiếu gì trò chơi luyện trí nhớ hấp dẫn và rẻ tiền hơn. Do đó chắc hẳn là phải đi đến chiết tự : tức là một phần nào phải tiêm nhiễm cái quá khứ mà chữ Hán chuyên chở, bao gồm phần nào đó của cả một thế giới quan, thí dụ : tại sao lại có 214 "bộ" ? tại sao chữ này lại viết thế này, chữ kia thế kia ? thí dụ tại sao chữ "nữ" 女 vẽ thêm cái mái nhà 宀 ở trên lại là chữ "an" 安, như trong "an lành" (người phụ nữ ở một mình trong nhà liệu có an lành ?) ... vân vân. Có cần thiết không ? hay phải chăng thế giới quan đó đã có nhiều sai lạc, thậm chí có hại, với hiện tại ? Cảnh báo về những nét "ấu trĩ" (trong tiêu chuẩn của đời sống hiện đại) đó, cho thanh niên trẻ đã qua tuổi vị thành niên, thì chỉ là chuyện đơn giản như tiếng một cười xoà, à ! tâm lý người xưa vui nhỉ ! vì dù sao đời sống cổ đại cũng đơn giản. Nhưng với trẻ nhỏ hơn thì sao ? Để nhớ được mặt chữ, các em bị buộc phải chấp nhận những cấu trúc tuỳ tiện của một thế giới quan không còn hiện thực, thật không thích hợp cho việc nảy nở tinh thần phê phán của trí tuệ khoa học.

Do đó bài này đề nghị Không dạy chữ Hán với cường độ cao cho trẻ em dưới tuối vị thành niên. Cần dạy tiếng Trung hiện đại như những ngoại ngữ khác, và cần dạy chữ Hán như môn học bắt buộc trong ban văn chương ở các lớp trung học phổ thông với những cường độ tuỳ chọn khác nhau.

D.2. Tại sao vẫn đề nghị có một bộ phận học sinh trung học phổ thông phải học chữ Hán? Cái học đó có giúp gì cho việc "giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt" hay không ? Có ! và Không ! Nếu chúng ta coi tiếng Việt với khoảng 2/3 từ Hán Việt là một ngôn ngữ đã tồn tại lâu đời, đã sống cuộc đời của chính nó, thì nó phải đạt được tiêu chuẩn sau của mọi ngôn ngữ "thành niên" : đó là có thể dùng nó để giải thích chính nó. Ít ra là trong một cuốn từ điển có thể dùng cho đến hết Trung học phổ thông, và cuốn từ điển đó không cần viết ra một chữ Hán nào. 

Và nếu coi tiêu chuẩn của sự "trong sáng" là dùng chữ đúng nghĩa và viết câu văn mạch lạc, thì có thể học viết tiếng Việt trong sáng với sự trợ giúp của cuốn từ điển đó. Như thế câu trả lời là "Không" cho đa số trường hợp. Nhưng thực ra câu trả lời vẫn là "Có", bởi vì tình huống trên chỉ là tình huống lý tưởng. Cuộc đời sống động của ngôn ngữ đầy những sai lạc và biến dạng (có thể phải chấp nhận). Nguồn gốc có nhiều : những người có quyền truyền bá ngôn ngữ như làm công tác truyền thông, như các nhân vật của công chúng... có thể sai lạc, học sinh có thể phải học những tác phẩm văn học hay đẹp nhưng cũng đôi khi sai lạc... và như thế đội ngũ truyền thông, đội ngũ thầy cô dạy văn, cần phải giỏi hơn một bậc, để có thể ít sai lạc và có thể chỉnh lý những sai lạc. Họ cần có khả năng tìm về từ nguyên, tức biết chữ Hán cho khoảng 2/3 tiếng Việt thông dụng của người có học. Ngoài ra, những tập hợp từ khác như từ Việt-Mường, từ Hán Việt cổ được cảm nhận như "thuần Việt" (kho từ này gồm những từ rất thông dụng trong đời sống hàng ngày), và những từ mới du nhập từ Tây phương... cũng cần được lớp người này làm chủ từ nguyên, hoặc ít ra biết tra cứu từ những cuốn từ điển cao cấp hơn, có giải thích từ nguyên (và giải thích sự biến đổi ý nghĩa từ từ nguyên nếu có) để dựng lại ý nghĩa của ngôn ngữ một cách có phê phán.

D.3. Nhưng tại sao không phải tất cả các học sinh trung học cần học chữ Hán ? Luận cứ sau đây khá tiêu biểu cho những luận cứ tương tự hiện đang được nhiều người nói đến : "Trẻ con cần học chữ Hán để biết về văn hóa cổ truyền dân tộc, để hiểu chữ ông đồ, để hiểu những câu đối ở cổng chùa chiền Việt Nam". Và đem người Nhật, người Hàn ra làm ví dụ... Dĩ nhiên, nếu ngủ dậy sau một đêm mà có đủ thầy cô, và đủ giờ học, có chương trình học và các trẻ em đủ thông minh để học thêm một môn như chữ Hán, thì quá tốt. Nhưng có lẽ hiện thực không như thế, và để đạt mục đích trên thì biện pháp khả thi, và không tốn tiền nhiều, đơn giản là dịch những văn bản chữ Hán đó sang tiếng Việt, hay tiếng Hán viết theo âm Hán-Việt, và có giải thích (trường hợp các câu đối chẳng hạn). Chúng ta có cần so sánh giải pháp chữ quốc ngữ với các chữ viết của người Nhật hay người Hàn không, khi ta đã có một giải pháp không thể đơn giản hơn ? Xã hội chúng ta thua kém họ không phải vì điểm này. Xã hội chúng ta bị đứt gãy với quá khứ cũng không phải vì điểm này.

D.4. Dĩ nhiên, tôi không dám quên, dân Việt đã chịu nặng nợ (cả hay lẫn dở) từ nền văn hoá Trung Hoa, đồng thời với những đau khổ của một cuộc đô hộ ngàn năm. Nhưng quá khứ đã đi qua, và văn hoá cũng như tâm tính chúng ta đã thừa hưởng rất nhiều từ nền văn hoá Hoa Hạ, mặc dù chúng ta kiêu hãnh vẫn có những nét riêng rất quan trọng, chẳng hạn như chuyện "chính trước phụ sau" trong ngôn ngữ, chẳng hạn như vai trò người phụ nữ Việt rất cao... Trải qua "nghìn năm đô hộ giặc Tàu" và "trăm năm đô hộ giặc Tây", đối với các thế lực ấy chúng ta đã phải trả cái giá xương máu nặng nề của các cuộc xung đột không cân xứng giữa hai nền văn minh. Chúng ta đã phải vừa đánh vừa học để xây dựng được một nền văn hoá hiện đại của mình với một ngôn ngữ giàu có, đầy đủ các khái niệm trừu tượng Á, Âu, diễn tả được bằng từ ngữ Hán-Việt, viết được bằng chữ Quốc Ngữ. Hà cớ gì bây giờ lại phải quay lại bắt buộc mọi trẻ em học đọc và viết một thứ chữ lạc hậu, bảo thủ, trì trệ so với chữ an-pha-bê.

Nếu chúng ta cần "Thoát Trung", thì có một lý do tiềm ẩn rất sâu, đó là cần thoát khỏi khía cạnh bảo thủ của văn hoá chữ Hán. Điều này không mâu thuẫn với việc hâm mộ một số khía cạnh khác của văn chương Trung Hoa, trong đó có thư pháp !!! bản thân tôi thủa nhỏ đọc say mê đến thuộc lòng khá nhiều thơ Đường qua cả bản dịch và bản phiên âm Hán-Việt.

D.5. Cũng dĩ nhiên, chúng ta cần trân trọng nền di sản Hán Nôm ‒ tuyệt vời trong văn chương, trong lịch sử, trong tư tưởng, học thuật... ‒ một cách sống động, nghĩa là không chỉ cần bảo vệ và phát triển mà còn phê phán, gạn lọc bỏ cái gien di truyền văn hoá bảo thủ trong di sản đó. Điều ấy cần một đội ngũ các nhà nghiên cứu và thực hành tiếng Việt hùng mạnh, để làm sao cho ngôn từ, ngữ nghĩa hiện đại, được vừa chính xác vừa trung thành nhất với quá khứ, trong khi cần làm giàu thêm để phục vụ nhu cầu hiện đại... Không thể làm việc đó nếu không biết chữ Hán và chữ Nôm, và nếu không có một bộ phận chuyên gia đầu đàn rất thông thạo, để chuyển tải qua quốc ngữ Hán-Việt cho đại chúng. Trong khi ấy, các thầy cô giáo dạy văn, các nhà văn nhà báo, nhà truyền thông, nhà chính trị... cũng đều chung trách nhiệm gạn đục khơi trong di sản Hán Nôm đó trong khi thực hành tiếng Việt bằng chữ Quốc ngữ, trong đó có khoảng hai phần ba từ Hán-Việt.

Hà Dương Tuấn

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us