Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa

Dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa

- Cổ Ngư — published 04/01/2015 18:30, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19

Dê cỏn buồn sừng
húc dậu thưa
(*)


Cổ Ngư



jeb
Jeb

Bóng dáng oai hùng của tuấn mã vừa khuất, chàng dê đã lững thững bước lên ngôi, be be cất tiếng báo tin cho muôn loài biết năm Mùi vừa khởi đầu. Không được mang vóc dáng dũng mãnh và một bề dầy lịch sử oai hùng bên cạnh con người như giống ngựa, loài dê thường được nhắc đến với tính phàm ăn và tục… yêu của mình. Quả dê đúng thực là một cái máy ăn và máy yêu, từ dê con đến dê… cụ ! Nhưng trong thần thoại Hy Lạp, chính con dê cái Amalthée đã nuôi sống Vua Trời Zeus bằng sữa của mình. Để trả ơn, Zeus đã đưa con dê cái này lên giữa bầu trời, biến thành chòm sao Capricorne (Nam Dương / Ma Kết). Sừng của nó là biểu tượng của sự phồn vinh (Corne d’abondance), luôn tuôn đầy sữa, mật, trái cây…

Trong mười hai con giáp Á châu, dê là giống vật vừa quen, vừa lạ. Không huyền thoại như rồng, hổ, không hoang dã như chuột, rắn, khỉ, cũng không thân thuộc, đời thường như chó, mèo, gà, lợn, trâu : dê được thuần hoá từ lâu, nhưng không phải ở vùng quê nào, ở nông trại nào, người ta cũng thấy sự có mặt của loài vật này. Ở Âu châu, chòm sao Nam Dương xếp thứ 10/12 trong cung Hoàng Đạo, chiếu mệnh cho những người sinh đầu mùa đông, từ 22.12 đến 20.01. Ngẫu nhiên, Đông-Tây hội ngộ ở đây : Mùi-Capricorne là con giáp - chòm sao duy nhất được các nhà chiêm tinh, bói toán toàn thế giới thăm hỏi thường xuyên.

Biquette
Biquette

philote'te
Philotète

Thuộc họ Trâu Bò (Bovidae), tông Caprini, chi Capra, guốc chẵn, nhai lại, đầu mang sừng, dê háu ăn, nuốt sạch hoa, cỏ, lá, vỏ cây, gai góc, không từ thứ gì ! Dê cái mang thai chỉ hơn 4 tháng, cho người sữa, mùi nồng, có thể làm fromage. Dê đực nổi tiếng… dê, lúc nào cũng phởn phơ nghĩ đến chuyện truyền giống với bầy dê cái vây quanh. Có lẽ vì thế, dê bị mang nhiều tai tiếng. Thần thoại Hy Lạp nhắc đến loài satyre đầu người thân dê, thích trêu ghẹo, cợt nhả chị em nhà tiên rừng tiên suối nymphe. Bên Trung Hoa, điển tích « dương xa » liên quan đến chuyện chăn gối của các hoàng đế và cung phi. Ở Việt Nam, ngoài những từ thông dụng « dê cụ », « dê xồm », « máu dê »…, không thiếu những câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao chê trách, đàm tiếu đặc tính này của giống dê, đã được nhân cách hoá một cách triệt để :

Bươm bướm mà đậu cành bông
Đã dê con chị, lại bồng con em

Dê xồm ăn lá khổ qua
Ăn nhằm sâu rọm, chết cha dê xồm !


barbichette
Barbichette-Mignonnet


Có lẽ vì những tính, thói vừa nêu trên, hình ảnh con dê không được loài người ưa chuộng cho lắm, nên trong truyện tranh và phim hoạt hoạ Đông-Tây, dê chỉ để lại những dấu tích mờ nhạt, với những nhân vật phụ, sắm vai « quần chúng ». Trong các nhân vật truyện tranh của Pháp-Bỉ, có thể kể đến cô dê trắng Barbichette gan dạ trong bầy gia súc của hai anh em Sylvain và Sylvette (Maurice Cuvillier – Jean-Louis Pesch - Claude Dubois). Bị thất lạc cha mẹ, Sylvain và Sylvette sống trong một ngôi nhà nhỏ giữa rừng, cùng với bầy gia súc đáng yêu và luôn phải đối phó với bộ tứ Gấu, Sói, Cáo và Lợn lòi. Mặc dù mưu mô xảo quyệt, nhưng Cáo rất sợ những cú húc « vỡ mông » của Barbichette. Bắt đầu xuất hiện từ 1941, bộ truyện tranh « Sylvain và Sylvette » đã được nhiều thế hệ trẻ em vùng nói tiếng Pháp yêu thích trong suốt 70 năm, với hơn 300 ấn bản khác nhau. Tiếp đến là sự xuất hiện của cô dê đen khó tính Biquette trong loạt truyện tranh « Johan & Pirlouit » (1952-1970) của hoạ sĩ Bỉ Peyo (1928-1992), cũng chính là cha đẻ của các chú tí xanh Schtroumpfs / Smurfs. Johan và Pirlouit, người ngựa bạch, kẻ dê đen, cùng nhau rong ruổi qua các vương quốc Âu châu thời trung cổ để trừ gian diệt bạo. Mê bắp cải và trung thành tuyệt đối với chủ, Biquette đã nhiều phen cứu chàng lùn Pirlouit thoát hiểm bằng những cú húc ngoạn mục của mình. Những chuyến phiêu lưu của Johan & Pirlouit cũng được chuyển thể từ truyện tranh sang phim hoạt hoạ, nhưng không gây được tiếng vang và hoàn toàn bị các chú tí hon Schtroumpfs lấn lướt, ở cả hai lãnh vực này !


hercule
Philotete-Hercule-Pegase


johan
Johan-pirlouit

Trong những bộ phim hoạt hoạ của Walt Disney, hình ảnh dê có lẽ xuất hiện sớm nhất trong phim « Fantasia » (1940), phần « Khúc nhạc đồng quê » (nhạc L.v.Beethoven), nhưng lại dưới dạng những chú satyre thổi sáo pan đùa giỡn với bầy ngựa trời pégase và mở đường cho đám rước của thần rượu Dionysos. Mãi gần 60 năm sau, trong bộ phim « Hercule » (1997), hình ảnh satyre mới được phát triển thêm một bậc, để trở thành Phil/Philotète, thầy đào luyện Hercule trở thành « người hùng ». Cùng với ngựa trời Pégase, Phil đã giúp Hercule thực hiện 12 kỳ tích để đời, lưu truyền sử xanh. Còn dê chỉ thật sự bước vào thế giới thần tiên của Disney trong cuộc đấu phép giữa thầy pháp Merlin và mụ phù thuỷ Mim (phim « Pháp sư Merlin » (1963)), khi Merlin biến hình thành cụ dê xanh đeo mắt kính xông vào húc mông mụ Mim đang biến thành… tê giác ! Con dê « ảo ảnh » này chỉ xuất hiện một vài phút đồng hồ trên màn ảnh, nên không thể xem là một « nhân vật » được. Phải đợi đến bộ phim « Thằng gù nhà thờ Đức Bà » (1996), dựa trên tác phẩm nổi tiếng của đại văn hào Victor Hugo, người ta mới thấy cô dê xám thông minh Djali để lại một vài dấu ấn nơi khán giả : đeo khoen tai, biết nhảy múa và ngậm nón xin tiền đám đông khi cô chủ Esméralda đang ca hát. Djali luôn sát cánh bên Esméralda trong mọi tình huống và cũng là « người trong mộng » của một trong ba chàng phỗng đá trụ trên nóc nhà thờ Đúc Bà của Paris. Năm 2004, ở bộ phim « Nông trại nổi loạn », một trong những bộ phim cuối cùng vẽ theo lối cổ điển hai chiều của tổ hợp Disney, trong bầy gia súc nông trại « Góc thiên đường » của bà Pearl Gesner, có dê cụ Jeb bi quan, hay cảu nhảu càu nhàu, thích tàng trữ đồ hộp và sống trong một thùng rượu rỗng như hình ảnh của triết gia Hy Lạp cổ đại Dyogène.


esmeralda
Esmeralda-Djali-Phoebus


Rời khỏi thế giới Disney, hình ảnh dê cụ Japeth vừa hát vừa đàn banjo, thay sừng như thay… áo cũng để lại ít nhiều thích thú nơi khán giả xem bộ phim hoạt hoạ bằng hình ảnh tổng hợp của Hoa Kỳ « Câu chuyện thật về cô bé quàng khăn đỏ » (2006 – Todd Edwards, Tony Leech, Cory Edwards). Ở Nhật, ngoài chòm sao Nam Dương được nhân cách hoá thành người hùng Shura trong loạt truyện tranh manga - phim hoạt hoạ « Hiệp sĩ Hoàng Đạo » (hoạ sĩ Masami Kurumada), ở loạt truyện manga - phim hoạt hoạ và trò chơi điện tử « Pokemon » của hoạ sĩ Satoshi Tajiri, còn có dê con Cabriolaine / Me’ekuru với bộ áo lá xanh mướt có thể phát triển thành mẫu trưởng thành Chevroum / Gogoat.

merlin
Merlin

cabiolaine
Cabriolaine


May mắn hơn người anh em họ bang bạnh của mình, cừu, với vóc dáng ít góc cạnh, với tính tình hiền hoà, nhu mì, được lòng cả con nít lẫn người lớn. Ở bất cứ một gian hàng bán thú nhồi bông nào, người ta cũng có thể tìm được ít nhất một vài mẫu mã của cừu. Cũng vậy, trong truyện tranh và phim hoạt hoạ, dù không nổi tiếng như các « siêu sao » chó, mèo, chuột, gà, vịt, nhưng cừu cũng đã được vài lần sắm vai nhân vật chính.


chaperon
Chaperon rouge


Bên cạnh cô dê Barbichette dũng cảm, dám đương đầu với thú dữ để bảo vệ bầy gia súc của hai anh em Sylvain và Sylvette, chú cừu con thắt nơ xanh quanh cổ Mignonnet lại yếu đuối, thơ ngây, dễ bị rơi vào bẫy của tên Cáo mưu mô, khiến cả bọn phải lo lắng tìm cách giải cứu. Trong loạt truyện tranh này, người ta còn thấy sự xuất hiện của chú cừu đầu trắng Bébert sống trong vùng vịnh cỏ nước mặn Mont Saint Michel, bị các bạn cừu đầu đen xa lánh vì sự khác biệt của mình. Một chú cừu khác, cừu đen ốm yếu nhưng tự mãn Romuald, dù đã xuất hiện trong 14 tập của bộ truyện tranh « Thiên tài đồi cỏ / Le génie des alpages » (hoạ sĩ Pháp F’murr), bên cạnh hai anh em cừu thiến Einstein, Rostand và hơn trăm « mợ » cừu (Amnésie K.O. Rondesuie, Bouddhinette, Boustrophédonne, Dégonflette…) nhưng lại không mấy ai biết đến.

Trong thế giới hoạt hoạ của Disney, có bộ phim ngắn « Lambert, chàng sư tử nhút nhát » (1952) kể chuyện một bé sư tử, vì sơ sót của « ông phát... con » bưu điện cò, trở thành con của mẹ cừu. Sống giữa đàn cừu, Lambert hiền như… bụt ! Nhưng khi mẹ cừu bị sói xám bắt đi định ăn thịt, bản năng sư tử của Lambert chợt bừng thức và tiếng gầm của vua các loài thú đã khiến gã sói bủn rủn, ba chân bốn cẳng tẩu thoát. Nhưng trước đó bốn năm, cừu đã được sắm vai chính trong phim « Danny, chú cừu đen » (1948), một bộ phim có diễn viên người thật đóng chung với các diễn viên hoạt hoạ (toon). Bộ phim này dựa theo truyện của Sterling North, kể về tình bạn thân ái giữa chú bé Jeremiah và cừu đen Danny.


shaun
Shaun và cừu


« Ngôi sao » cừu sáng giá nhất hiện nay chính là chú cừu đầu đen Shaun. Tò mò, thông minh, láu lỉnh, Shaun không yên phận cừu, chẳng muốn theo thói bầy đàn, cúi đầu chịu sự chăn dắt của chủ, dần dần trở thành thủ lĩnh, và dẫn đưa các bạn vào những cuộc phiêu lưu thú vị. Bên cạnh Shaun, còn có cừu mập tham ăn Shirley, cừu con thích ngậm vú cao su Timmy, Cừu mẹ mê cuộn… lông, chủ nông trại cận thị nặng, chó chăn cừu Bitzer… Được Nick Park (cha đẻ của hai nhân vật nổi tiếng chủ Wallace & chó Gromit) tác tạo, chú cừu Shaun xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 03.2007 trong bộ phim truyền hình bằng bột nặn trên đài BBC One của Anh quốc. Từ đó đến nay, hơn 120 tập phim của cừu Shaun đã được liên tục chiếu ở nhiều đài truyền hình trên thế giới, kể cả Việt Nam (đài Disney Channel). Shaun còn bước vào phim tập ba chiều với tổ hợp Nintendo, được vinh danh trong loạt phim 21 tập « Shaun nhà quán quân » đã được tung ra trong dịp Thế Vận Hội tổ chức tại Luân Đôn năm 2012. Người ta sẽ còn thấy đàn cừu với thủ lĩnh Shaun xuất hiện trên màn ảnh lớn vào tháng 04.2015 sắp tới trong « Phim về chú cừu Shaun » !

Đầu năm con Dê, kính chúc quý độc giả vui hưởng một năm Ất Mùi vạn sự hanh thông, sung túc, như câu vè miền quê dưới đây :

Năm Ngọ, mã đáo thành công
Năm Mùi, dê béo, rượu nồng phủ phê

Cổ Ngư

Thiais 01.2015

(*) Thơ Hồ Xuân Hương


Tài liệu tham khảo :


http://tapchisonghuong.com.vn/tin-tuc/p37/c51/n2113/Con-de-trong-tho-ca.html

http://fr.wikipedia.org/wiki/Sylvain_et_Sylvette

http://fr.wikipedia.org/wiki/Johan_et_Pirlouit

http://www.dailymotion.com/video/xgufhd_fantasia-symphonie-n-6-pastorale-partie-1_music

https://www.youtube.com/watch?v=H7rhK6oTZos

https://www.youtube.com/watch?v=eQKB1g5TNn4

http://fr.wikipedia.org/wiki/Danny,_le_petit_mouton_noir

http://fr.wikipedia.org/wiki/Shaun_le_mouton



Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Xuân Ất Mùi
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
Nguyễn Hồng Anh: Saigon Kiss 24/01/2025 - 25/04/2025 — Arte
LES LARMES D'ASTYANAX - Olivier Dhénin Hữu 31/01/2025 - 02/02/2025 — Théâtre du lycée Jacques Decour | 12 Avenue Trudaine | 75009 Paris
Festival cinéma - Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Inalco : L'économie vietnamienne en 2024 et ses perspectives 06/02/2025 18:00 - 20:00 — 65 Rue des Grands Moulins, 75013 Paris | Amphi 2
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us