Di sản của rừng
Di
sản của rừng
Nguyễn Đức Hiệp
Rừng là môi trường sống của bao sinh vật, giữ nước đầu nguồn chống lụt, giữ carbon, lá phổi tạo nguồn oxygen, nguồn nguyên liệu đa dạng sinh học phong phú cung cấp những thực vật có giá trị trong y học và bao dịch vụ có ích khác cho con người. Không những thế rừng còn chứa đựng nhiều bất ngờ khác cho ta những dữ kiện thông tin quý báu. Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà là một thí dụ tiêu biểu.
Đầu năm 2009, nhà khoa học người Mỹ Brendan Buckley ở Phòng thí nghiệm Vòng cây (Tree ring Laboratory) của cơ quan nổi tiếng Lamont-Doherty Earth Observatory đã cùng một đồng nghiệp Việt Nam tìm được trong rừng quốc gia Bidoup - Núi Bà thuộc tỉnh Lâm Đồng, gần Đà Lạt, nhiều cây thông đã sống cách đây gần ngàn năm. Các cây thông này thuộc một loài cây thông hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng (ghi trong Sách Đỏ) gọi là Fokienia hodginsii (cây Pơ Mu). Từ các mẫu lấy ở thân cây Pơ Mu, ông Buckley đã tái tạo lại thời tiết gió mùa ở lục địa Á châu trong quá khứ đến tận thế kỷ 14 và từ đó chứng minh là nền văn minh Khmer rực rỡ ở Angkor đã sụp đổ vì nạn hạn hán và môi trường thủy lợi. Đây là một khám phá quan trọng trong lịch sử khí hậu gió mùa và hiện tượng El Nino ở Đông Nam Á.
Cây Pơ Mu phân phối từ nam Trung Hoa (Triết Giang, Phúc Kiến, Vân Nam, Quế Châu) xuống bắc Việt Nam (các tỉnh Tuyên Quang, Lào Cai, Hà bắc, Hà Giang, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Gia Lai, Dak Lak, Lâm Đồng), nhưng ở Lâm Đồng trong vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà là nơi tìm thấy được các cây có độ tuổi lâu nhất.
Bài này có mục đích giới thiệu những khám phá khoa học quan trọng có liên quan đến lịch sử và địa lý tiến hóa mà sự đa dạng sinh học ở rừng nguyên sinh là yếu tố quyết định. Tư liệu lấy từ báo cáo khoa học và được bổ sung bằng sử liệu.
Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà
Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà được thành lập năm 2004 để bảo vệ khu rừng nguyên sinh cổ nhất ở Lâm Đồng. Hệ sinh thái thuộc về vùng núi Nam Trường Sơn với 91% diện tích 64800 hectare là rừng. Ở đây có nhiều loài cây thông hiếm chỉ có trong vùng, như thông lá dẹt (Pinus kempfii) không nơi nào có ngoài Lâm Đồng và Khánh Hòa chủ yếu là vùng núi Bidoup. Trong 11 loài thông có nguy cơ tuyệt chủng thì vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà vẫn còn 10 loài.
Trong
vườn quốc gia Bidoup
- Núi Bà, dọc
theo các dốc của dãy núi Lang Bian,
có rất nhiều các cây thông ba
lá (khasia), một loài đặc biệt
chỉ mọc ở độ cao từ 1000m đến
2000m trên mặt mặt biển. Trong rừng ở
thung lũng cạnh Núi Bà còn có
thông merkus, một loài chỉ có ở
Á châu đất liền và là một
trong những loài thông hiếm nhất trên
thế giới. Thân cây có thể dài
đến 4m đường kính và trổ
lên thẳng cao đến 20m trước khi các
cành tỏa ra từ thân cây. Một
loài thông thật hoành tráng.
Trên
những cành của các cây thông
này, khách đến thăm có thể
thấy hơn 200 loài chim, trong đó có
nhiều loài chim quý hiếm có nguy cơ
tuyệt chủng như Mi langbian đầu xám
(crocias langbianis),
khướu đầu đen (garrulax
pectoralis) và Khướu
đầu đen má xám (garrulax
yersini) (10). Vườn
quốc gia Bidoup - Núi
Bà ở cao nguyên Lang Bian là một
trong 221 trung tâm chim đặc hữu trên
thế giới và một trong 4 trung tâm đa
dạng sinh học của Việt Nam. Bốn trung
tâm đa dạng sinh học ở Viêt Nam
gồm có vùng núi Hoàng Liên
Sơn ở bắc phần, núi Ngọc Lĩnh
ở bắc Tây Nguyên, khu vực rừng
mưa ở bắc trung phần và cao nguyên
Lang Bian.
Để hiểu được tầm vóc đa dạng sinh học ở Bidoup - Núi Bà, ta có thể xem liệt kê sau đây:. Trong tổng thể 1468 loài thực vật, có 62 loài quý hiếm và 29 loài nằm trong Sách Đỏ (Red Book) của Việt Nam và của Hiệp hội bảo tồn Thiên nhiên thế giới (IUCN); như loài Tùng Sam hạt đỏ lá dài (Taxus wallichiana), Bách Xanh (Calocedrus macrolepis), Thông Pơ Mu (Fokienia hodginsii), Thông Năm Lá Đà Lạt (Pinus dalatensis), Thông Lá Dẹt (Pinus krempfii). Điều còn quan trọng hơn thế, là tất cả 91 loài thực vật này đều không có ở nơi nào khác trên thế giới ngoài vùng tỉnh Lâm Đồng và lân cận với 28 loài có tên khoa học dựa trên tên vùng: Đà Lạt (dalatensis) có 9 loài, Lang Bian (langbianensis) có 14 loài và Bidoup (bidoupensis) có 5 loài.
Trong vườn có 52 loài thú (chiếm 25% tổng số loài trong vùng Lâm Đồng) được coi là quý hiếm, trong đó 36 loài nằm trong Sách Đỏ 2000 của Việt Nam và 26 loài nằm trong Sách Đỏ 2000 của Hiệp hội bảo tồn Thiên nhiên thế giới (IUCN) như Linh Trưởng Cu Li Nhỏ (Nycticebus pygmaeus), Chà Và Chân Đen (Pygathrix nigripes), Vượn Đen Má Hung (hylogates gabriellae), Gấu Chó (Ursus malayanus), Gấu Ngựa (Ursus thibetanus), Báo Lửa (Catopuma temminckii), Voi (Elephas maximus), Chó Sói Đỏ (Cuon alpines), Bò Tót (Bos gaurus), Trâu Rừng (Bubalus arnee), Sơn Dương (Naemorhedus sumatraensis), Hổ (Panthera tigris).
Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà cũng được đánh giá là “vương quốc” của các loài lan dại với hơn 250 loài. Có những loài lan đặc hữu chỉ có trong vùng cao nguyên Lang Bian (Lâm Viên) với các tên khoa học như Lan Hoàng Thảo Lang Bian (dendrobium langbianense), Lan La Dơn Lang Bian (oberonia langbianensis) và Lan Vân Đa Bi Đúp (vanda bidupensis).
Thông Pơ Mu (Fokienia hodginsii)
Tem
cây Pơ Mu,
Vietnam 1986
Cây
thông cổ thụ Pơ Mu thường
cao đến 30 mét và có đường
kính từ 1.5 đến 2 mét.
Ngoài vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà,
cây thông Pơ Mua còn có ở vườn
quốc gia Chu Yang Sin ở phía bắc nhưng
hiện nay tại VQG Chu Yang Sin chúng chưa được
khảo sát và thẩm định đầy
đủ. Đây là loài cây được
bảo vệ nghiêm ngặt trong Sách Đỏ,
tuy vậy trong dịp viết bài này thì
tôi thấy trên trang rao vặt ở Việt
Nam trên mạng có quảng cáo bán
tinh dầu cây Pơ Mu (xem
http://www.raovatmienphi.com/tinh-dau-po-mu-nguyen-chat.html),
chứng tỏ có vấn đề trong sự
quản lý, bảo vệ sinh vật quí
hiếm trong Sách Đỏ.
Cách đây vài năm, ông Buckley cùng với hai nhà khoa học đồng nghiệp người Nhật ở Đại học Ehime đã nghiên cứu các vòng gỗ trong một thân cây Fokienia hodginsii từ bắc Việt Nam. Như ta đã biết độ dầy của các vòng trên thân cây sẽ cho ta biết về tình trạng khí hậu trong quá khứ, mỗi chu kỳ một năm gồm màu nhạt là thời gian mọc nhanh lúc nhiều mưa và màu đậm hơn là giai đoạn phát triển chậm vào mùa nắng. Loại cây Fokienia lý tưởng để nghiên cứu vì thân chúng cho thấy mô hình phát triển mỗi năm và chúng đáp ứng rõ rệt với thời tiết trong vùng chịu ảnh hưởng của thời tiết mưa vùng nhiệt đới ở Á châu (monsoon) bắt đầu vào khoảng tháng 3 đến tháng 5.
Mẫu lấy trên thân cây cho thấy rõ sự phát triển các vòng trên thân cây tùy theo mùa, chúng đã được dùng ở một số các cây lớn sống nhiều năm trong rừng ôn đới để biết được thời tiết khí hậu trong quá khứ. Ở rừng thường xanh miền nhiệt đới, các vòng trên thân cây ít khi thể hiện rõ nên hầu hết chúng không dùng được cho sự phân tích khí hậu quá khứ, trừ cây gỗ quý tếch (teak) và gần đây cây thông Pơ Mu. Cây Pơ Mu được các nhà khoa học Nhật khám phá cuối thập niên 1990 là có các vòng phát triển dựa trên hai mùa mưa và nắng nhận thấy được rõ.
Lá cây Pơ Mu
Teak được biết đến trong sự thẩm định khí hậu quá khứ vào năm 1931 khi nhà thực vật học người Hòa Lan H. Beriage xác định tuổi cây qua các vòng trên thân cây teak ở Java trở lại quá khứ đến tận năm 1514. Ở Indonesia nơi có nhiều teak trong rừng nhiệt đới, các cây cổ xưa này đã được dùng thành công để tái tạo lại nhiệt độ mặt nước biển ở Thái Bình Dương gần Indonesia, thời tiết và hiện tượng El Nino trong quá khứ (9). Tuy nhiên vì là cây có nguồn gốc du nhập từ Ấn Độ nên cây tìm được cổ nhất mà ta có thể xác định quá khứ chính xác là chỉ hơn 400 năm nay.
Khi khoa học đã biết đến giá trị của cây Pơ Mu trong việc xác định khí hậu trong quá khứ thì hầu hết các cây Pơ Mu cổ xưa nhất đã bị chặt đốn khai thác làm gỗ và lấy tinh dầu từ Nam Trung quốc, bắc đến Trung Việt Nam trong quá khứ cho đến các năm gần đây. Vì thế hiện nay các cây Pơ Mu xưa cổ nhất là được tìm thấy ở vùng hẻo lánh của vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà thuộc tỉnh Lâm Đồng. Chúng có giá trị vô cùng quí giá cho khoa học.
Chuyên viên Lê Cảnh Nam đục lấy mẫu từ thân cây Pơ Mu trong vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà. Photos by Andy Nelson/The Christian Science Monitor
Năm 2007, ông Lê Cảnh Nam, chuyên viên của vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, được ông Buckley nhờ tìm xem trong vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà có các cây Pơ Mu cổ xưa mà nhóm nghiên cứu của ông có thể dùng được để nghiên cứu khí hậu quá khứ. Ông Nam đã hướng dẫn ông Buckley vào rừng và tìm thấy được các cây cổ thụ Pơ Mu để lấy mẫu từ các thân cây (2).
Nhóm nghiên cứu của ông Buckley trong 5 năm qua đã hợp tác với các nhà nghiên cứu từ nhiều nước như Nhật, Úc, Pháp, Cambodia để tái tạo lại thời tiết mưa gió mùa và liên kết chúng với sự thay đổi khí hậu để trả lời câu hỏi mà các nhà sử học và khảo cổ học đã đặt ra: phải chăng sự thay đổi khí hậu là một nguyên nhân chính đã làm nền văn minh Khmer ở Angkor – chủ yếu dựa vào hồ chứa, kênh đào để phát triển trồng lúa – bị sụp đổ vào đầu thế kỷ 15 ?.
Trong đầu thập niên 2000, các nhà sử học và khảo cổ học ở Đại học Sydney (R. Fletcher, D. Penny), Trường Viễn Đông Bác cổ (C. Pottier) hợp tác cùng Cơ quan bảo tồn di tích Angkor (APSARA) của Cambodia trong Chương trình Angkor rộng lớn (Greater Angkor Project, GAP). Nhóm GAP nghiên cứu khai triển thêm công trình nghiên cứu trước đây vào năm 1979 của nhà khảo cổ Pháp Bernard-Philippe Groslier của Trường Viễn đông Bác cổ về hệ thống thủy lợi, môi trường chung quanh quần thể Angkor (12). Qua các ảnh vệ tinh NASA (16)(17) và khai quật điền dã, nhóm GAP nhận thấy vết tích định cư, làng mạc, đền, kinh đào, đường xá, đê trong vùng chung quanh Angkor và sự qui mô lớn lao của hệ thống thủy lợi cung cấp nước cho các hồ Đông Baray, Tây Baray, hào quanh thành quách, các cánh đồng lúa ở bắc và nam Angkor từ sông Siem Reap. Sông Siem Reap bắt nguồn từ núi Phnom Kulen phía đông bắc Angkor chảy ra biển hồ Tonle Sap ở phía nam Angkor. Nhóm GAP cho thấy thành phố Angkor có thể là thành phố với dân cư lớn nhất thế giới ở thời Trung cổ.
Ở Á châu, gió mùa mang đến mưa điều khiển nhịp sống của con người ở vùng này. Ngày nay hơn 40% dân số thế giới tùy thuộc vào nước do mưa đem lại để trồng thức ăn và có nước uống. Vì vậy nếu có sự thay đổi đột biến của gió mùa thì hệ quả gây ra những xáo trộn về kinh tế, xã hội sẽ vô cùng to lớn, nhất là đối với các xã hội trong lịch sử ở những thế kỷ trước chỉ dựa vào nông nghiệp.
Trong chuyến điền dã được ông Lê Cảnh Nam hướng dẫn vào vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, ông Buckley hy vọng là dữ liệu từ các cây cổ thụ Pơ Mu sẽ trả lời thỏa đáng giả thuyết trên của các nhà khảo cổ. Hy vọng của ông Buckley đã được kiểm chứng vài tháng sau, khi các mẫu thân cây lấy từ ruột của cây đánh dấu số 12 (trong tổng số 36 cây) được phân tích ở phòng thí nghiệm Lamont-Doherty Earth Observatory ở New York. Phân tích cho thấy cây này được định tuổi trở về quá khứ cho đến năm 1029 tức 980 năm cách đây.
Sau 4 ngày làm việc cực nhọc trong vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà với tinh thần hợp tác cao độ, mục tiêu của họ đã được hoàn tất. Họ đã có được hơn 100 mẫu ruột thân cây từ một quần thể cây Pơ Mu.
Ông Buckley nói (2): “Tôi nhìn địa điểm này và nhìn lại toàn Đông Nam Á – đặc biệt là Việt Nam – tôi nhận ra rằng tôi có thể rất dễ dàng làm việc nghiên cứu tại đây cho đến khi tôi không thể làm việc được nữa. Có rất nhiều việc phải làm và thật là hết sức lý thú”.
Cộng với các kết quả nghiên cứu trước đây ở Thái Lan, nhóm nghiên cứu của Buckley đã xác định được rằng từ các vòng trên thân cây Pơ Mu đã có vài thời kỳ hạn hán lớn trên vùng đất liền ở Đông Nam Á trong các năm đầu của thế kỷ 15.
Qua các mẫu (lấy bằng máy khoan tay nhỏ vặn đục vào thân cây) từ 36 thân cây Fokienia, nhóm nghiên cứu của ông Buckley đã tái tạo lại thời tiết chính xác nhất trong quá khứ hơn 700 năm cách ngày nay cho đến tận thế kỷ 13. Kết quả cho thấy có sự liên hệ (correlation) chặc chẽ giữa hạn hán trong vùng có cây Fokienia sống ở lưu vực sông Cửu Long và mô hình thời tiết El Nino.
Nghiên cứu của nhóm Buckley cho thấy có hai thời kỳ hạn hán kéo dài vào khoảng cuối thế kỷ 14 (1362-1392) và đầu thế kỷ 15 (1415-1440), thời điểm mà vương quốc giàu mạnh Khmer ở Angkor sụp đổ. Trong hai thời kỳ này thì giai đoạn hạn hán rất nặng kéo dài nhiều thập kỷ đã xảy ra vào đầu thế kỷ 15 với năm nặng nhất là năm 1417.
Tra theo sử liệu Việt Nam thì trong Đại Việt Sử Ký toàn thư (ĐVSKTT) (13) có nói là năm 1392 có hạn hán ở Đại Việt. Lúc đó Đại Việt thời Hậu Trần chủ yếu là ở vùng đồng bằng bắc bộ đến vùng đất mà Champa vừa mất là Quảng Trị và Thừa Thiên (châu Ô và châu Rí). Trong các năm đầu thế kỷ 15, ĐVSKTT chỉ tập trung nói về cuộc chiến tranh với quân Minh và khởi nghĩa Lê Lợi nên không có chi tiết nào về tình hình kinh tế, xã hội.
Sau chiến tranh, sử liệu lại nói nhiều về tình hình xã hội kinh tế. Hạn hán nặng nề xảy ra trong các năm đầu 1430 đã được ghi trong ĐVSKTT. Năm 1434, vì hạn hán đã nhiều năm, nhà vua (Lê Thái Tông) đã phải cầu mưa: “Mùa hạ, tháng 4, ngày mồng 1, vua sai các quan rước Phật chùa Pháp Vân ở Cát Châu về Đông Kinh để cầu mưa.”, “Thả vài chục tên tù tội nhẹ vì hạn hán đã lâu.”, “Ngày 22, đặt đàn chay ở điện Cần Chính, vì hạn hán hại lúa, sét đánh cháy thuyền”.
Sự kiện hạn hán có ý nghĩa ra sao, ta hãy xem tiếp trong ĐVSKTT như sau:
.. Hành khiển Nguyễn Trãi soạn xong tờ tâu, bọn Nội mật viện Nguyễn Thúc Huệ và Học sĩ Lê Cảnh Xước muốn đổi lại mấy chữ: Nguyễn Trãi giận nói: “Bọn các ngươi là hạng bề tôi vơ vét, nạn hạn hán này là do các ngươi gây nên cả”. Thúc Huệ tố các với Đại tư đồ Sát và Đô đốc Vấn. Sát và Vấn tức lắm, trách Trãi rằng: “Làm nên nỗi có thiên tai không phải là do lỗi của bọn ấy, lỗi ở vua và tể tướng thôi, sao ông trách nhau quá như thế?”.
.. Bấy giờ, điều động thợ ở các cục tất tác làm chùa Báo Thiên. Công việc thổ mộc rất nặng nề, Sư Đãng phải làm lụng vất vả, nói vụng rằng:
“Thiên tử không có đức, để đến nỗi hạn hán. Đại thần ăn của đút, cử dùng kẻ vô công, có gì là thiện đâu mà phải làm chùa to thế”. Bị người cáo giác. Đại tư đồ Lê Sát giận lắm. Quan thẩm hình Nguyễn Đình Lịch nói: “Nó dám nói càn đến việc nước, nên chém”.
Năm 1437, trong ĐVSKTT: “Hạn hán, hạ lệnh cho các lộ, huyện trong nước làm lễ cầu mưa”, “Tháng 6, hạn hán, có sâu hại lúa. Hạ lệnh cho các lộ, trấn làm lễ cầu mưa”, “Mùa hạ, tháng 4, làm lễ cầu mưa ở cung Cảnh Linh”, “Tháng 6, hạn hán, có sâu hại lúa. Hạ lệnh cho các lộ, trấn làm lễ cầu mưa.”, “Ngày Canh Ngọ, kinh sư có mưa, các quan đều chúc mừng, vua sai người đi các lộ xem có mưa không. Ngày Tân Mùi, xuống chiếu rằng: Mấy năm nay hạn hán sâu bọ xảy ra liên tiếp, tai dịch có luôn, phải bớt hình phạt, giảm thuế khóa, để yên lòng dân.”.
Như vậy là sử liệu Việt Nam bổ túc cho dữ kiện khoa học của nhóm Buckley chứng tỏ đầu thế kỷ 15 (1415-1440) nạn hạn hán dữ dội xảy ra ở Đông Nam Á gây ra sự sụp đổ của vương quốc Angkor mà các nhà sử học và khảo cổ học Fletcher, Penny và Pottier của Đại học Sydney và Trường Viễn đông Bác cổ đã đề ra khi khảo sát môi trường ở quần thể Angkor.
Các nguồn khác để xác định khí hậu (nhiệt độ hay lượng nước mưa) trong quá khứ là san hô và thạch nhũ. Chúng được thành lập tích tụ qua nhiều ngàn năm trước đây ở biển và trong các động đá vôi. Dữ kiện phân tích từ các thạch nhũ ở động Vương Tường (Wangxiang) thuộc tỉnh Cam Túc, Trung Quốc (11) cho ta thấy chi tiết về lịch sử khí hậu gió mùa trải dài từ cách đây 1800 năm đến nay. Những dữ kiện này phù hợp với dữ kiện từ nhóm nghiên cứu cây Pơ Mu của ông Buckley. Cụ thể chi tiết từ thạch nhũ cho thấy hạn hán xảy ra ở nam Trung Quốc trong các giai đoạn 860-930, 1340-1380, 1580-1640 trùng lúc với sự sụp đổ của triều đại nhà Đường, nhà Nguyên và nhà Minh ở Trung Quốc.
Đại Việt Sử ký cũng ghi là vào thế kỷ 16, đại hạn cũng xảy ra vào các năm 1585 đến 1589 và các năm 1595 đến 1599. Thí dụ như đoạn vào năm 1596: “...Bấy giờ đại hạn, thóc lúa vụ chiêm đều không thu được, đầm phá khô cạn, cây cỏ úa vàng, hoa không kết trái. Trộm cướp quần tụ trong dân gian, bọn lớn đến 7, 8 trăm đứa, bọn nhỏ cũng không dưới vài trăm, ngày đêm đốt phá nhà cửa, cướp đoạt của cải gia súc, thuỷ bộ không thông, đường sá bế tắc, dân đói nhiều, chết đến quá nửa.”
Vào giữa thế kỷ 18, cũng có một thời kỳ hạn hạn nặng kéo dài ít nhất 30 năm (1750-1780). Tất cả các vương quốc ở vùng Đông Nam Á đều sụp đổ. Điều này cho thấy sự thay đổi khí hậu đã ảnh hưởng nặng nề đến xã hội, kinh tế và chính trị của các quốc gia trong vùng.
Trong các khám phá gần đây về nguyên nhân các nền văn minh bị sụp đổ, nổi bật nhất là sự sụp đổ của vương quốc cổ đại Ai Cập (Old Kingdom) – Đế quốc Akkadian vùng Mesopotamia cách đây 4200 năm (4200 BP) – là do sự thay đổi khí hậu ở Bắc Phi và Trung Đông do sự thay đổi bất thường của dòng nước nóng Gulf Stream ở Đại Tây Dương gây ra hạn hán kéo dài nhiều năm. Các bia ký ở đền Luxor và tư liệu viết trên đá ở đồi gần Aswan, các dấu vết thay đổi làng mạc cổ xưa thấy được qua vệ tinh cùng các dữ kiến phân tích các cột đất lấy từ đáy biển gần Oman (15) cho thấy có sự thay đổi đột ngột khí hậu và hệ quả không lường được trong xã hội thời cổ đại Ai Cập và Akkadian. Tư liệu khắc trên đá diễn tả nạn đói và nhiều người dân đã bị buộc phải ăn thịt luôn con của mình.
Tương tự như sự khám phá trên, sự khám phá của nhóm GAP và nhóm Buckley về nguyên nhân của sự sụp đổ nền văn minh Angkor là một khám phá quan trọng trong ngành khảo cổ và sử học ở Đông Nam Á. Cây thông Pơ Mu ở Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà đã là một yếu tố quyết định trong sự khám phá này.
Thông lá dẹt (Pinus krempfii)
Các loài thông (của chi Pinus), thuộc ngành (division) thực vật có hình chóp nón (conifer), ở Bắc bán cầu thường không có ở các rừng mưa vùng nhiệt đới, vì lá chúng không quang hợp hiệu quả đủ để cạnh tranh nổi với các loài thực vật nhiệt đới khác. Trái lại các loài thông quả có cuống (podocarp), cũng thuộc ngành có hình chóp nón ở Nam bán cầu thường được thấy trong các rừng mưa ẩm ở New Zealand, Papua New Guinea, Chile, Tasmania, New Caledonia và các đảo ở Thái Bình Dương. Tất cả các loài thông quả có cuống bắt nguồn từ siêu lục địa cổ Gondwaland ở phía nam trước khi siêu lục địa này tách ra thành các lục địa Phi Châu, Nam Mỹ, Australia, Ấn Độ và lục địa Nam Cực (Antarctica) cách đây hơn 100 triệu năm.
Thông lá dẹt
Nhưng thông lá dẹt (Pinus krempfii) là một ngoại lệ quan trọng, được nhà thực vật người Pháp H. Lecomte phát hiện vào năm 1921. Thông lá dẹt là loài thông duy nhất ở Bắc bán cầu có lá dẹt, thay vì lá nhọn (needle-leaf) như mọi loài thông khác và duy nhất thích ứng với rừng nhiệt đới sống cạnh tranh với các loài cây hạt kín (angiosperm) khác. Trong quá trình tiến hóa, thông lá dẹt đã đi xuống phía nam xa nhất tạo được chỗ đứng trong rừng mưa nóng ẩm ở Lâm Đồng, nhưng dừng tại đây và không tiến được hơn nữa để hội nhập với các loài thông Nam bán cầu. Có thể sự hiện diện của P. Krempfii ở Lâm Đồng là hệ quả của một sự thay đổi khí hậu trong lịch sử trái đất.
Gần đây vào năm 2008, hai nhà thực vật người Australia, T. Brodribb và T. Field, ở Đại học Tasmania đã nghiên cứu tính chất sinh lý quang hợp và chuyển nước của lá thông lá dẹt. Kết quả cho thấy về phương diện sinh lý loài thông này khác với mô hình phổ quát cần nhiều ánh nắng cho sinh lý quang hợp của các loài thông lá nhọn (3). Theo ông Brodribb thì
“Sự nghiên cứu của chúng tôi về cấu trúc và chức năng của lá thông P. Krempfii cho thấy rất rõ là loài cây thông nhiệt đới khác thường này là một loài có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng trong địa lý sinh học (bio-geography) và tiến hóa của các loài sinh vật.
Chúng tôi thấy rằng về đặc tính quang hợp, dẫn nước và cấu trúc hình thể, loài này giống với loài thông quả có cuống (podocarp) ở Nam bán cầu hơn là loài thông (ở bắc bán cầu)” (4).
Đây là một kết quả thật là ngạc nhiên và hấp dẫn về một loài thông bắc bán cầu kỳ lạ có mặt ở Lâm Đồng. Ta hãy tưởng tượng là bất ngờ tìm thấy trong rừng sâu Tây Nguyên, ở các suối nước có những con thú vật tương tự như con “đuôi chồn mỏ vịt” (platypus) của lục địa Australia bơi sống trong đó. Sự khám phá về đặc tính và quá trình tiến hóa của loài thông lá dẹp cũng là một sự khám phá bất ngờ và thảng thốt như vậy trong thế giới thực vật.
Ngoài thông lá dẹt đặc hữu đặc biệt hết sức gây chú ý trong giới khoa học, còn có cây bách vàng (Xanthocyparis vietnamensis), cũng một loài đặc hữu quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng (Critically Endangered) chỉ vừa mới được khám phá vào năm 2001 trong vùng núi đá vôi Bát Đại Sơn, thuộc tỉnh Hà Giang giáp biên giới Trung Quốc. Và cuối cùng là loài bách Đài Loan (Taiwania cryptomerioides) hiếm trên thế giới mà trước đây chỉ được biết có ở Đài Loan, Vân Nam ở vùng biên giới Miến Điện-Trung Quốc, được khám phá ở tỉnh Lào Cai, Hoàng Liên Sơn năm 2001. Loài này hiện nay được xếp vào hạng có nguy cơ tuyệt chủng và nằm trong Sách Đỏ Việt Nam
Cả ba loài thực vật quý hiếm ở vùng núi này đã được tổ chức Bảo tồn động thực vật quốc tế (Fauna & Flora International, FFI) coi là ba loài chính (flagship species) tượng trưng cho sự khuyến khích bảo tồn rừng và đa dạng sinh học ở Việt Nam.
Lời kết
Trong các thập niên gần đây nhiều loài động vật và thực vật mới đã được khám phá ở Việt Nam dọc trong các rừng sâu hẻo lánh dọc theo dãy Trường Sơn, cho thấy vùng này có sự đa dạng sinh học rất cao và nhiều loài đặc hữu. Nhưng ngày nay nhiều nơi rừng và các loài động thực vật đang bị đe dọa ngay cả trong những vùng được coi là vườn quốc gia hay rừng bảo hộ. Cuộc sống của người dân tộc bản địa cũng bị thay đổi, văn hóa có nguy cơ biến mất nhất là vùng Tây Nguyên do sức ép dân số di dân từ các nơi khác đến khai thác lập nghiệp. Ngay cả họ cũng bị áp lực của thị trường săn các thú rừng, gỗ quý hiếm cho các lái buôn động vật hoang dã và lái buôn gỗ, khi mà xưa kia theo truyền thống họ không bao giờ khai thác thiên nhiên quá mức.
Chúng tôi mong rằng tất cả chúng ta trong xã hội Việt Nam ý thức và bảo vệ môi trường sống của sự đa dạng sinh học chứa đựng trong rừng, mà hiện nay đang bị đe dọa trầm trọng do việc con người đi đến khắp nơi để săn bắt, phá hủy, ngay cả ở những vùng hẻo lánh nhất còn lại trên đất nước.
Nguyễn Đức Hiệp
Tham khảo
-
R. Stone (2009), Tree Rings Tell of Angkor’s Dying Days, Science, Vol. 323, 20 Feb. 2009, pp. 999.
-
A. Nelson (2009), The secret life of ancient trees, Christian Science Monitor / November 10, 2009.
-
T. Brodribb, T. Field (2008), Evolutionary significance of a flat-leaved Pinus in Vietnamese rainforest, New Phytologist, Volume 178 Issue 1, Pages 201 – 209, 7 Jan 2008,
http://www3.interscience.wiley.com/cgi-bin/fulltext/119394701/PDFSTART. -
The needle and the damage done (2008),
http://www.utas.edu.au/events/Unitas/2008%20editions/Unitas321-July08.pdf -
Masaki Sano, Brendan M. Buckley, Tatsuo Sweda (2009), Tree-ring based hydroclimate reconstruction over northern Vietnam from Fokienia hodginsii: eighteenth century mega-drought and tropical Pacific influence, J. of Climate Dynamics, Volume 33, Numbers 2-3 / August, 2009, pp. 331-340.
-
A. Farjon, P. Thomas, Nguyen Duc To Luu (2004), Conifer conservation in Vietnam: three potential flagship species, Oryx (2004), 38:3:257-265 Cambridge University Press
-
Nguyen Phi Truyen, T. Osborn (2006), Report on the trade and utilisation of Fokienia hodginsii in Lao Cai and Son La provinces, northern Vietnam,
http://www.globaltrees.org/downloads/Fokienia%20trade%20and%20use%20final%20report.pdf -
B. Buckley , K. Anchukaitis, et al. (2009), Southeast Asian tree rings and mega-droughts of the past millennium, in An International PAGES Workshop on Climate Variability in the Greater Mekong River Basin: Paleo proxies instrumental data and Model projections, DaLat 16-18 Feb. 2009,
http://bidoupnuiba.gov.vn/details_us.aspx?id=807&mod=9 -
R. D'Arrigo, R. Wilson et al. (2006), The reconstructed Indonesian warm pool sea surface temperatures from tree rings and corals: Linkages to Asian monsoon drought and El Niño–Southern Oscillation, Paleoceanography, 21, PA3005, doi:10.1029/2005PA001256.
-
Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà, http://bidoupnuiba.gov.vn/xemgioithieu_cq_us.aspx?id=1
-
Pingzhong Zhang, Hai Cheng, et al., A test of climate, sun, and culture relationships from an 1810-year Chinese cave record, Science 322 (November 7, 2008).
-
R. Stone, Angkor, why an ancient civilization collapsed, National Geographic, July 2009, pp. 32-54.
-
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Viện khoa học Xã hội, Nxb Khoa học xã hội, 1993.
-
D. Evans, C. Pottier, R. Fletcher et al, A comprehensive archaeological map of the world’s largest preindustrial settlement complex at Angkor, Cambodia, PNAS, Sẹp 4 2007, Vol. 104, no. 36, pp. 14277-14282.
http://www.pnas.org/content/104/36/14277.full.pdf -
H. Dalfes, G. Kukla, H. Weiss (ed.), Third Millennium BC Climate Change and Old World Collapse: Its Impacts on the Old World Social Systems (NATO Series I, Global Environmental Change), Springer-Verlag Telos (June 1997).
-
Radar Helps Uncover Lost Medieval Metropolis of Angkor, Cambodia,
http://www.nasa.gov/externalflash/cambodia-200709/index_noaccess.html?detectflash=false -
Angkor ruins, Earth Observatory,
http://earthobservatory.nasa.gov/IOTD/view.php?id=4995,
http://visibleearth.nasa.gov/view_rec.php?id=596
Các thao tác trên Tài liệu