Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Đi tìm chỗ dựa

Đi tìm chỗ dựa

- Hồ Bạch Thảo — published 04/01/2015 18:40, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Nhân tin trong nước đăng tải việc dùng các nhà ngoại cảm tìm di cốt liệt sĩ, đến khi giảo nghiệm lại, thì phần lớn là xương động vật !



Đi tìm chỗ dựa


Hồ Bạch Thảo



Nhân tin trong nước đăng tải việc dùng các nhà ngoại cảm tìm di cốt liệt sĩ, đến khi giảo nghiệm lại, thì phần lớn là xương động vật !


Mang kiếp con người, mấy ai không suy tư về lẽ sống, chết ; biết bao lần tự hỏi rằng có linh hồn hay không, sau khi chết sẽ đi về đâu. Thi sĩ Vũ Hoàng Chương giúp chúng ta nói lên niềm hoang mang này, trong Bài Ca Siêu Thoát :


Trải mấy hoang mang tìm kiếm
Lòng sao khát mãi chưa vừa
Đôi lẽ có, không
mầu nhiệm,
Đêm đêm ta hỏi người xưa


Nhưng rồi thi sĩ cũng đành chấp nhận nỗi bất lực của con người về câu trả lời ; đọc hết sách, ray rứt nát óc cho đến lúc đóng đinh đậy nắp hòm, cũng vẫn còn lại câu hỏi to tướng :


“ Dấu hỏi vây quanh trọn kiếp người
Sên bò nát óc máu thầm rơi
Chiều nay một dấu than buông dứt
Đinh đóng vào săng tiếng trả lời ! ”


Văn hào Hàn Dũ đời Đường, trong văn tế người cháu ruột 1, cũng bày tỏ niềm khắc khoải “ có, không ” về lẽ sống chết :


“ Ta ngày hôm nay mái tóc muối tiêu đã ngả sang màu bạc, động đến thì rơi rụng ; máu huyết ngày mỗi suy, chí khí ngày mỗi yếu ; cũng chẳng bao lâu sẽ theo cháu mà chết. Nếu chết mà có linh hồn, thì nỗi buồn xa cháu không bao lâu ; nhưng nếu chết vĩnh viễn không biết gì, thì ngày buồn cũng không lâu, mà chuỗi ngày vô tri thì kéo dài mãi mãi !....”


Về lãnh vực này Khổng Tử thực tế hơn, ông tránh đi sâu vào bài toán không có đáp số, chỉ đề nghị một cách ứng xử, chép trong thiên Ung Dã, Luận Ngữ như sau :



樊 遲問知。子曰:「務民之義,敬鬼神而遠之,可謂知矣

(Phàn Trì vấn trí. Tử viết : “ Vụ dân chi nghĩa, kính quỉ thần nhi viễn chi, khả vĩ trí hỷ.”)

“ Phàn Trì hỏi về trí. Khổng Tử đáp : “ Lo làm việc phải cho dân. Đối với quỉ thần kính, nhưng xa lánh nó ; có thể gọi là kẻ trí ”.

Thực vậy, quỉ thần có hay không, không ai biết chắc ; tuy nhiên có kẻ tin thì mặc kệ họ. Riêng người trí thức nên tránh xa để khỏi bị mê hoặc và nhớ lưu tâm phục vụ dân bằng việc phải.


Cùng quan điểm nêu trên, Thi sĩ Lý Thương Ẩn đời Đường qua bài thơ Giả Sinh, vừa khen, vừa chê vua Hán Văn Đế. Khen rằng nhà vua có nhã ý mời vị danh sĩ nổi tiếng Giả Nghị, người có tư tưởng tiến bộ, triều đại trước chê không dùng, để hỏi việc nước. Nhưng lại lấy làm tiếc rằng trong đêm trường hai người ngồi trên chiếu đàm đạo, nhà vua không hỏi qua tình trạng khó khăn của dân chúng, mà chỉ toàn hỏi đến việc quỉ thần :


贾生

李商隐

宣室求贤访逐臣

贾生才调更无伦

可怜夜半虚前席

不问苍生问鬼神。



Giả Sinh

Lý Thương Ẩn

Tuyên thất 2 cầu hiền phỏng trục thần,
Giả sinh tài bộ cánh vô luân.
Khả lân dạ bán hư tiền tịch,
Bất vấn thương sinh vấn quỉ thần !


Dịch nghĩa :


Vua Hán Văn đế muốn tìm người hiền năng, bèn triệu vị quan đã bị đuổi đến hỏi,
Đó là Giả Nghị, tài cán tuyệt luân.
Nhưng đáng buồn thay [hai người] ngồi trên chiếu vắng vẻ [đàm đạo] lúc nửa đêm,
Nhà vua không hỏi đến tình trạng dân chúng, chỉ hỏi đến chuyện quỉ thần !

Lịch sử Trung Quốc thời cận đại còn ghi lại những vụ thất bại nhục nhã, vì mê tín bởi quỉ thần, phép thuật ; xin nêu lên mấy trường hợp :


Như việc quân Anh tấn công vào thành Quảng Châu vào năm 1857. Lúc bấy giờ Tổng đốc Lưỡng Quảng Diệp Danh Sâm có trách nhiệm giữ thành, viên quan này chỉ tin vào bói toán, việc quân cơ tiến dừng dựa vào lời bói hai tiên Lữ Ðồng Tân và Lý Thái Bạch. Trước khi Anh Pháp tấn công, qua lời bói Diệp tiên đoán ngày 30/12/1857 sẽ kết liễu ; sau khi thành phá còn nói ngày 9/1 sẽ vô sự. Lúc bị quân Anh áp giải ra khỏi Quảng Châu, Diệp còn mang theo sách Lữ Tổ Kinh của Lữ Ðồng Tân. Rồi bị đưa lên tàu, đày sang Ấn Độ ; ngồi trên tàu còn tự cho là “ Tô Vũ trên biển ” 3, năm sau mất tại Calcutta.


Vụ thứ hai xẩy ra vào năm 1900, Từ Hy Thái hậu dựa vào Nghĩa Hoà đoàn, chống lại liên quân 8 nước. Nghĩa Hoà đoàn tự xưng rằng khi múa quyền, miệng đọc thần chú, khiến gươm đao không phạm, súng đạn không sát thương. Rồi liên quân tiến công, quân Nghĩa Hoà tan rã. Khi liên quân tiến vào thành [14/8/1900], Từ Hy vội vã cùng Quang Tự chạy trốn về phía tây bắc, đến huyện Hoài Lai [Huailai, Hà Bắc] mới hoàn hồn. Bà khóc nói với viên Tri huyện Ngô Vĩnh về hoàn cảnh trải qua, viên này ghi lại một cách sinh động như sau :


“ Suốt ngày đi đến mấy trăm lý… không được ăn uống, đã lạnh lại đói… tối hôm qua ta và vua ngồi trên chiếc phản, dựa lưng vào nhau, chờ cho đến sáng ”. Vua Quang Tự tóc bù xù, mặt dơ, y phục không chỉnh, tiều tuỵ đến cực điểm.



*


Trở lại Việt Nam, một thời tư tưởng cộng sản được coi là kinh điển, bắt mọi người phải tin theo. Rồi qua việc thực hiện hợp tác xã, công trường, nông trường thất bại, kèm theo cảnh sụp đổ của hệ thống cộng sản tại Đông Âu, khiến lòng tin chao đảo, không biết dựa vào đâu. Trong cảnh tranh tối tranh sáng, vận nước nổi trôi, nhiều kẻ bất tài, dựa vào thế lực, hoặc gặp may, trở nên giàu có ; chính bản thân họ cũng không lý giải được tại sao mình giàu mau vậy. Một khi thước đo khả năng không biểu thị được thành công hay thất bại, thì tâm sự trở nên hoang mang, người thiếu bản lãnh dễ đi vào mê tín, đành dựa vào bói toán, mồ mả tổ tiên, thần cây đa ma cây gạo. Cái mà một thời trên văn đàn, những ngòi bút tâm huyết như Tú Mỡ trên báo Phong Hoá, Ngày Nay ra công đả kích, nên vắng bóng trong một giai đoạn ; nay mê tín dị đoan phục hồi ở tầm mức tệ hại hơn xưa.


Bình tâm suy xét chúng ta cần phân biệt rõ ràng lẽ đời có hai yếu tố : cái gốc bên trong và phương tiện sử dụng.


Nói về phương tiện thì có nhiều lối : tuỳ thời, tuỳ hoàn cảnh, có thể thay đổi. Ví như người thợ cầm kéo cắt áo ; chọn vải dày mỏng tuỳ mùa, mặc rộng hẹp tuỳ tiện. Các chủ thuyết và thể chế cũng chỉ là thứ để sử dụng mà thôi. Với kinh nghiệm từng trải, bản thân thử thách, cùng nhận thức khoa học, giúp ta giải bài toán này, một khi tìm được hướng đi đúng hơn, thì bỏ cái cũ, chọn cái mới, không một chút thương tiếc.


Còn cái gốc thì bất biến, là chỗ nương dựa vĩnh viễn. Qua Bình Ngô Đại Cáo, tác phẩm có giá trị như là một bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta ; ngay câu mở đầu, Nguyễn Trãi khẳng định chỗ dựa vững chắc nhất là lịch sử trường tồn độc lập của dân tộc :


Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên đều chủ một phương.
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,
Song hào kiệt không bao giờ thiếu 4


Ngay cả khi bị ngoại xâm cai trị, trong hoàn cảnh đất nước điêu linh, lòng người ly tán, thư Phan Đình Phùng trả lời Hoàng Cao Khải cũng giải thích rằng yếu tố lịch sử và văn hoá là căn bản để trông cậy :


Xưa nhà Hán, nhà Đường, nhà Tống, nhà Nguyên, nhà Minh bên Tàu, bao nhiêu phen lăm le muốn chiếm lấy đất ta làm quận huyện của họ mà chiếm không được. Ôi ! Nước Tàu với ta bờ cõi liền nhau, sức mạnh hơn ta vạn bội, thế mà trước sau họ không thể ỷ mạnh mà nuốt trôi ta được, nào có vì lẽ gì khác đâu, chẳng qua non sông nước Nam tự trời định phận riêng hẳn ra rồi, và cái ơn huệ thi thư lễ nghĩa vốn có chỗ đủ cho mình tự trông cậy nương dựa lắm vậy.” 5


Những dẫn chứng nêu trên chứng tỏ lịch sử và văn hoá dân tộc là chỗ dựa vững chắc bất biến, cũng như lời khẳng định trong câu ca dao :


Dù ai nói ngả nói nghiêng,
Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân.



Hồ Bạch Thảo





1 Tế Thập nhị lang văn, Cổ văn quan chỉ.

2 Tuyên thất : ngôi nhà tại cung Vị Ương, tại thành phố Tây An [Xian, Thiểm Tây] hiện nay, nơi Hán Văn đế ở.

3 Tô Vũ : Tô Vũ là Sứ giả nhà Hán, đi sứ Hung Nô bị bắt giữ mấy năm trời. Diệp Danh Sâm bị người Anh bắt, nên tự coi hoàn cảnh mình giống như Tô Vũ vậy.

4 Bình Ngô đại cáo, trong bản dịch Đại Việt sử ký toàn thư. Hà Nội : NXB Khoa Học Xã Hội, 1998.

5 Phan Đình Phùng, Đào Trinh Nhất, Paris : INSTITUT DE L’ASIE DU SUD-EST, 1990

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Xuân Ất Mùi
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
Nguyễn Hồng Anh: Saigon Kiss 24/01/2025 - 25/04/2025 — Arte
LES LARMES D'ASTYANAX - Olivier Dhénin Hữu 31/01/2025 - 02/02/2025 — Théâtre du lycée Jacques Decour | 12 Avenue Trudaine | 75009 Paris
Festival cinéma - Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Inalco : L'économie vietnamienne en 2024 et ses perspectives 06/02/2025 18:00 - 20:00 — 65 Rue des Grands Moulins, 75013 Paris | Amphi 2
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us