Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Đoàn Tử Quang

Đoàn Tử Quang

- Hoàng Xuân Hãn — published 10/01/2013 18:25, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18
...Tưởng tám mươi hai tuổi là già lắm, mà còn mẹ chín mươi tám tuổi. Chín mươi tám tuổi mà góa chồng từ thuở mười bảy. Tưởng lòa, lảng, yếu mà sáng, tỏ, mạnh. Tưởng lấy phần cho cháu chắt mà chính lấy cho mẹ già. Tưởng vì công danh mà đeo đuổi khoa-trường mà chính ra vì muốn cho vui lòng mẹ...


ĐOÀN TỬ QUANG


HOÀNG XUÂN HÃN



Diễn Đàn : Một tác giả của Diễn Đàn có nhã ý đánh máy bài này theo bộ sưu tập báo Thanh Nghị có trong gia đình, và đề nghị Diễn Đàn đăng lại. Chúng tôi rất cảm ơn và hoàn toàn đồng ý, chủ đề rất hứng thú và không hề mất tính thời sự khi ta nghĩ tới tình trạng giáo dục xuống cấp tệ hại hiện nay trong nước ta. Tuy không có báo trong tay để làm nhiệm vụ "thầy cò", nhưng chúng tôi có may mắn được biết đồng nghiệp Người Việt đã thực hiện Thư viện Người Việt. Đó là nơi mọi người có thể đọc bản chụp toàn bộ báo Thanh Nghị, và nhiều bộ báo quý giá khác. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc công trình thư viện số hoá tuyệt đối cần thiết cho văn học sử Việt Nam này. Chúng tôi qua đó đã làm được nhiệm vụ so lại với nguyên bản. Trên nguyên tắc, bản đăng lại này hoàn toàn tôn trọng chính tả của tác giả, tuy có đôi chỗ không đồng nhất, chắc hẳn do lỗi in ấn mà ra.


Năm ấy là năm Canh Tý (1900). Cũng như mọi năm Tý khác, có mở khoa thi hương ở trường Nghệ.

Khoa Hương là khoa thi mở ở các tỉnh. Thường lệ bấy giờ ba năm một khoa, vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu. Thi về mùa thu, cho nên cũng có khi gọi là thu thí. Hạng đậu trên gọi là cử-nhân, hạng đậu dưới gọi là tú-tài. Số cử nhân cũng nói là giải-ngạch. Số thí-sĩ lấy đậu, có chiếu vua định trước. Trường Nghệ giải-ngạch thường là 22 mà thí-sĩ có hơn hai ngàn. Số tú-tài là 150. Gặp dịp có việc mừng ở triều, vua ban tặng giải ngạch.

Trước khoa thi, học trò trong tỉnh (xứ) phải qua mấy lần thi thử. Lần cuối thi ở tỉnh, đó là tỉnh-thí. Ai đậu thì nộp quyển để lúc thi hương, quan trường giao lại cho mà viết bài.

Ngày vào thi, thí-sĩ phải mang một cái chõng có bánh xe, mang liều chiếu vào để che mưa nắng. Giấy nháp thì bỏ vào cái ống đeo ở cổ, ống ấy gọi là ống quyển.

Cách bố trí thí-sĩ thì chia ra nhiều khu vực, gọi là vi, vì mỗi khu vực có rào vây chung quanh. Mỗi vi có cửa vào riêng cho nên cũng có khi gọi là cửa. Trường Nghệ có tám vi: Giáp nhất, Giáp nhì, Ất nhất, Ất nhì, Tả nhất, Tả nhì, Hữu nhất, Hữu nhì. Giúp việc quan trường có nhiều lại-phòng. Trước ngày thi, lại-phòng chép mỗi tên thí-sĩ vào một thẻ tre; xáo lộn thẻ rồi chia ra làm tám đống. Mỗi đống ăn về một vi. Chép tên ở mỗi vi để yết cho thí-sĩ biết, và đem thẻ đóng xuống đất trong vi để lúc thí-sĩ vào tìm nơi mà đóng lều.

Hai đường chính chia các vi hợp thành hình chữ Thập, cho nên gọi là thập-đạo. Chỗ giữa có nhà thập-đạo để các quản hội lại chọn bài và yết bài. Lúc nộp bài cũng nộp ở đó. Nhà ấy cũng có tên là thí-viện.

Thi hương có bốn kỳ. Kỳ cũng gọi là trường. Mỗi kỳ thi suốt một ngày. Muốn tránh sự gian lẫn, sự đánh dấu quyển cho quan trường dễ nhận, có đặt ra nhiều lệ, như lấy dấu giáp đóng vào chỗ hai trương giáp nhau để khỏi tráo bài, như vào khoảng giữa trưa phải lấy dấu nhật-trung, đóng vào sau chữ mới viết xong, để quan trường biết rằng trong nửa ngày thí-sĩ làm được những gì, như phải kê rõ bao nhiêu xóa sót móc hay chữa, vân vân… Đối với vua thì rất phải kính cẩn, nên chữ nói đến vua phải viết cao dòng lên, như thế gọi là đài. Tùy theo phải kính nhiều ít mà đài cao thấp, theo phép định trước. Còn các tên vua, thì nhất luật phải tránh, không được viết. Lúc cần dùng đến chữ ấy thì đã có chữ nhà nước bảo dùng thay vào. Như chữ Tông là dòng dõi là húy vua Thiệu-Trị thì phải viết ra Tôn là tôn-kính, nhưng vẫn giữ nghĩa dòng-dõi. Đó là chính-húy. Còn những bàng-húy, tuy không phải là tên vua nhưng vì lẽ gì đó mà cũng phải kiêng, nhưng chỉ cần viết hơi khác mà thôi. Các chữ húy đều có yết cho thí-sĩ biết trước. Những thể lệ ấy gọi là trường qui.

Các nơi thi đều có chiếu vua định lệ trước. Từ năm Tự-đức thứ 29 (1876) kỷ đệ nhất thi chế-nghĩa (cũng nói là tinh-nghĩa hay là chế-nghệ), kỳ đệ nhị thi thi phú, kỳ đệ tam thi văn-sách. Từ Kiến-phúc nguyên niên (1884), kỳ đệ tứ hay là phúc-hạch thi lại một bài chế-nghĩa, một bài thơ và một bài phú. Vì ai có đậu kỳ trước mới được thi kỳ sau, nên kỳ phúc hạch rất ít người thi, không thề làm gian được. Vậy nên hễ ai nhờ gian mà vào được, thế nào cũng bị lộ.

Quan trường chấm quyển chia làm hai hạng: ngoại-trườngnội-trường. Nội-trường có các ông sơ-khảo, phúc-khảo, giám khảo và phân khảo. Ngoại-trường có các ông chánh phó, chủ khảo, đề-điệu hay là đề-tuyển. Mỗi người chấm, dùng ưu, bình, thư, liệt, phê. Ưu là rất hay, mà liệt là dở.

Lúc bài nộp rồi, quan đề-điệu sai lại-phòng rọc phách, nghĩa là đề số, đánh dấu vòng tròn rồi rọc chia đôi vòng tròn và cắt dấu tên thí-sĩ. Bài giao cho quan sơ-khảo chấm đầu, rồi lại giao cho quan phúc-khảo chấm. Quan giám-khảo chấm lại lần nữa. Nếu quyển bị giám-khảo phê liệt thì phải tạm thải, còn quyển nào có được phê từ thứ trở lên, thì được hoặc quan chánh chủ-khảo hoặc quan phó chủ-khảo chấm. Chỉ có chữ phê cuối cùng này là kể đậu, hỏng mà thôi: liệt thì hỏng, còn thứ trở lên thì trúng. Còn những quyển phải liệt ở nội-trường giao cho quan phân-khảo xem lại. Nếu xem ra cũng khá thì đệ lên quan chủ-khảo chấm. Mỗi quan chấm một thứ mực khác nhau: sơ-khảo chấm bằng son ta, phúc-khảo bằng mực xanh, giám-khảo bằng hồng-điều và ngoại-trường bằng son tàu.

Nếu lọt ba trường, quan đề-tuyển cho đóng quyển ba kỳ lại để duyệt. Kể nét chấm của ngoại-trường, nếu chỉ được ba chữ thứ mà thôi thì kê vào bảng tú-tài. Còn ai có được một chữ ưu, bình thì được vào phúc-hạch. Kỳ này mà bị liệt thì hỏng bay; nếu được từ thứ trở lên thì các quan duyệt quyển, xem ai được nhiều ưu bình hơn mà chia hạng. Theo giải-ngạch mà lấy mấy người trên đậu cử-nhân, còn dưới cho vào hạng tú-tài. Lúc xong rồi, quan trường mới được xem tên các vi tân-khoa.

Người đậu đầu gọi là giải-nguyên. Các ông cử phải đi thi hội, không thì mất cả cử-nhân. Còn các ông tú-tài thì còn có thể thi hương lại được. Đậu hai khoa tú tài, gọi là ông tú kép, hay ông kép; đậu ba khoa gọi là ông mền; đậu bốn khoa gọi là ông đực; đậu nhiều khoa hơn nữa thì người ta gọi chơi là ông trời rửa đọi.

Lúc thi xong thì yết bảng, tú-tài yết bảng cót, cử-nhân yết vào bảng có vẽ con hổ sau lưng. Các ông cử còn được xướng danh. Các quan áo mũ chỉnh tề, lại-phòng gọi tên, quê quán từng người. Ai được gọi đến tên thì dạ rồi vào. Quan đề-điệu trao áo mũ giày vua ban. Các ông tân khoa ấy phải lạy tạ ơn vua mở khoa thi, ơn vua ban áo mũ, ơn vua cho ăn yến. Xong lạy các ân-sư tức là các quan trường.

Trong lúc các quan tại trường, có ông ngự sử trông coi có ai tư vị gì không. Xong, quyển đậu còn đệ vào bộ duyệt lại.

*
*    *

Trên đây là nói qua về cách thi hương ta ngày xưa, để kể lại một câu truyện lý thú về khoa thi trường Nghệ năm Canh-tý 1900.

Khoa ấy, chánh-chủ-khảo là quan Tế-tửu Khiếu năng Tĩnh người Nam-định đậu tiến-sĩ, và phó chủ-khảo là ông Mai khắc Đôn, chân cử nhân người Thừa Thiên.

Thí-sĩ có đầu-xứ San là Phan bội Châu, ba mươi bốn tuổi, nổi tiếng hay chữ và cầm chắc giải-nguyên trong tay. Lại có chuyện lạ là cố tú kép Đoàn tử Quang đã tám mươi hai tuổi mà còn đi thi !

Kỳ đệ nhất, Phan Bội Châu kiêm trị bảy bài tinh-nghĩa (Quan trường ra bảy bài, năm về kinh, hai về truyện. Thí-sĩ chỉ cần chọn hai bài, một kinh, một truyện. Ai làm cả kiêm trị). Các cụ đều nói Phan Bội Châu chỉ cần hai bài cũng đủ ưu. Đến kỳ đệ nhị, ông bị đau, hình như sốt rét. Đã tưởng từ không thi, nhưng anh em khuyên nhủ. Quá trưa mới đỡ, nên kỳ thi phú chỉ được thứ. Nhưng hai kỳ sau ông đều ưu và đậu giải-nguyên. Thế mà không ai ngờ rằng địch thủ ông chính lại là ông già tám mươi hai tuổi kia.

Chuyện ông sau này sẽ rõ. Kỳ đầu ông được ưu, kỳ đệ nhị cũng ưu. Kỳ đệ tam, vì viết sót chữ nên chỉ được thứ, kỳ đệ tứ bình. Đáng đậu thứ hai nhưng phải xuống thứ hai mươi chín, nghĩa là áp chót.

Hoặc có người bảo rằng ông đã khai lên tuổi để giống Lương Hạo, đậu trạng-nguyên năm tám mươi hai tuổi, làm thế mong quan trường thương. Hoặc có người bảo nhà ông giàu, có lo lót cho quan trường, nên quan trường bênh vực. Nhưng hình như ông nhiều tuổi và hay chữ thực. Xét tuổi ông đối với tuổi mẹ thấy không vô lý như người ta đã bảo. Vả chăng, trước ông đã đi thi nhiều lần. Tên đã không đổi thì tuổi chắc cũng không đổi. Mà có đổi thì đương thời có thể kiểm được. Bà mẹ được phong tiết-phụ đời Tự-đức. Lúc bấy giờ cũng phải khai tuổi, lấy tuổi mẹ cũng không đổi được. Hoặc có cố ý đổi tuổi, thì tuổi ông đổi lúc chưa đậu tú-tài và tuổi mẹ chưa phong tiết-phụ. Còn bài thi của ông được nổi nay còn in ở tập Hương-thí văn-tuyển, ai cũng có thể xem được. Quan-trường có bênh chăng thì chỉ có sự quan-trường không vì ông phạm trường-qui mà đánh hỏng mà chỉ truất xuống thôi. Xem xong sẽ rõ.

Việc ông đậu là một chuyện hay, nên hai quan chủ khảo có làm bài ký, còn in trong quyển Nghệ-an trường, hương thí văn tuyển khoa Canh-tý. Muốn cho chuyện xưa có ý nhị xưa, tôi sẽ dịch nguyên-văn như sau này :

Thí sĩ trường Nghệ-an có Đoàn-Tử-Quang. Trước không biết người thế nào. Quyển thi đề: người Hà-tĩnh, làng Phụng-công, đậu hai khoa tú tài, sinh năm Kỷ-mão, tám mươi hai tuổi. Bốn kỳ được hai ưu, một bình, một thứ. Đậu Giải-ngạch Nghệ-an là hai mươi hai. Vì hè vừa qua, gặp lễ Thánh-thọ của tuần đại khánh, được gia ân tặng giải ngạch tám, cộng thành ba mươi. Tử-Quang đậu thứ hai mươi chín. Tuổi cùng Lương Hạo,(1)bảng áp Tôn-Sơn(2). Chắc từ khi Quốc-triều mở khoa đến nay chưa từng nghe thấy.

Trước đó, lúc chia các cửa,(3)các quan nội ngoại họp ở thí-viện. Lại-phòng xét chỗ chia vị, có kẻ nọ nói rằng: “Tôi già rồi, tôi có biết lão. Già tới, vạn vật đều tăng giá; chỉ có văn-chương chẳng tính tiền(4). Đoàn-Tử Quang tuổi đã tám mươi hai. Già mà quá tám mươi, chế nghệ chắc cũ. Mấy khoa gần đây, chế-nghệ các học trò ta cùng nước Tàu ngang nhau, mà còn tinh-khiết hơn. Tú-tài già tranh cùng họ ; trải bao phen bạch-chiến(5) mà nay còn mang nghề lên đàn, tránh khỏi dụng đá sờn sừng ! Kỳ sau, thi phú chưa rõ ra sao ? Tên lão có thể để ở Giáp nhất. Tôi muốn gặp lão có được không ?” Các quan đều nói được. Rồi đó, từ bảng cửu Hữu-nhị dời tên sang cuối bảng Giáp nhất ; lại muốn bỏ bớt người để gặp lão dễ dàng.

Gọi đến lượt lão, lão vào. kẻ lại-phòng nọ xuống ghế, cầm lấy tay mà nói: “ Tốt thay ! Thọ bấy ! Mà chí sao bền đến thế ! Mắt lão không mờ chăng ?”. “ Có mờ.” – “Tai lão có điếc chăng ?”. “Có điếc.” – “Chân, gối lão không yếu và mỏi chăng?” – “Còn đi còn lạy, còn đưa đón được.” Kẻ nọ nghe nói khen mạnh thực ! Lão bỏ quyển vào ống rồi vào, coi rõ thẻ, đóng liều, chẫm chệ ngồi trên chiếu. “Bụi rậm thấy gấu độc(6)” đáng đem câu ấy tặng lão.

Trời về tối. Thí-sĩ nộp quyển mới mươi người. Lão, cổ mang ống quyển, tay kéo chõng lều, lộc cộc cùng tụi thiếu-niên tân-tiến tranh nhau đi trước đi sau. Đến thập-đạo, thì quan trường nói to lên rằng: “Theo phép trường, quan trường không được xem quyển của thí-sĩ, chỉ hỏi quyển lão làm văn có chữ CÁI không?” Trả lời có. – Chữ CÁI viết theo thể nào?” – “Trên có chữ CỘNG.” – Chữ CÁI trên có chữ CỘNG là vì nay phải kiêng bàng-húy Thánh-thượng nên mới cải-định. Trường-qui phiền tạp, ai bảo mà nghe biết? Té ra lão không điếc !”

Từ đó, quan trường duyệt quyển nào có chữ nét đặm nét lạt, hàng xiên hàng thẳng, bèn mách cùng nhau: “Chắc đó là của lão”. Thấy như vậy chừng mười quyển. Nhiều quyển phê cho chữ thứ. Ba trường đều như vậy. Đến phúc-hạch, viên đề-tuyển đem tên họ ra yết, có ba mươi lăm. Tên lão có trong. Quan trường đều nói: “Lão nhờ văn-sách nổi chăng? Chế-nghệ, thi, phú, lão so với tụi thiếu niên tài hoa, sợ không phải là địch-thủ.”

Đến lúc đóng sách để duyệt lại không thấy một quyển nào có chữ nét đặm nét lạt, hàng xiên hàng thẳng cả. Các quan trường lấy làm lạ. Lúc phân hạng rồi hợp phách lại, mới biết rằng quyển lão chế-nghệ ưu, thi phú ưu, phúc-hạch bình. Trong bốn kỳ, văn quyển thấy nét chữ, cốt-cách còn dư tươi. Tuy rằng giải-nguyên khoa nầy, Phan bội Châu mới ba mươi bốn tuổi, tưởng không có thể lấy nét chữ ăn lão được một mảy, lão không lòa vậy !

Tuổi già đã tám mươi hai, mà mắt không lòa, tai không điếc, mà trong trường quyết chiến, cân lực không thua kẻ trẻ mạnh. Chỉ có kỳ đệ tam, bài Kim văn bỏ sót mất chữ KIM(7). Phan-bội Châu vì lão bị truất được đậu đầu, mà vai-ly ưu thặng cũng không được như “đầu ngao đội nón Bồng vậy”.(8)

Ngày xướng danh, kẻ đến xem như đám bạc. Xướng đến tên, lão dạ rồi vào. Râu mày trắng xóa. Dung mạo cử chỉ lâng lâng như thần tiên trên trời xuống nhân-thế. Các quan tỉnh, quan tây, cầm tay khen ngợi hồi lâu.

Xong, bèn cấp áo mũ, bày nghi lễ để bái ân, bái tử, bái yến. Thế mà chẳng thấy lão có vẻ già nua lảo-đảo. Kẻ đứng trông đều nức nỏm khen. Yến gần xong, lão mở áo rộng tay, phàm có đồ gì dốc vào được thì dốc cả. Người bên cạnh trông thấy, hoặc cười, hoặc cho rằng lão nhiều cháu chắt, cầm về chia phần cho vui vẻ. Lão cười mỉm mà không nói gì cả.

Lúc sắp trở ra về, lão vào tạ các quan trường. Quan trường đỡ lão dậy, không nhận lạy, và nói: “Tốt thay ! Thọ bấy mà chí sao bền thế. Lão có con đi thi chăng ?” –“Có ba con thi, hai đứa đầu trúng bình-hạng. Mùa xuân năm nay, vì tang mẹ nên chúng không dự thi. Lão còn có mẹ. Con lão không thi, lão đi thi để an ủi lòng mẹ chút đỉnh.”

Quan trường hớn hở mà hỏi rằng: “Bà cụ, bà cụ, mấy tuổi? Cho biết với” “Năm sau, năm sau nữa mới tới một trăm.” Lại hỏi thăm thì biết rằng: “Lúc mẹ lão mười bảy tuổi thì trời cướp mất cha lão. Mẹ lão thủ tiết nuôi con; lệnh đênh cô khổ cho đến lúc thành lập. Vào khoảng đời Tự-đức, được phong Tiết-phụ thứ hạng và được thưởng bạc mười lăm lượng. Mẹ lão cảm ân chảy nước mắt. Lão đậu tú-tài hai lần, mà vẫn xui lão gắng học ; bảo lão rằng ta từ khi làm vợ nhà mầy, chưa từng thấy một ngày nào mà cha mầy không đọc sách. Cha có chí chưa thành; mầy cứ học đến già khiến cho con cháu nối đó mà học để thành được chí cha mầy. Lão có ngày nay, hết thảy nhờ công dạy của mẹ lão.”

Các quan đứng dậy mà nói: “Kinh Dịch bàn TRINH CÁT(9) nay thực là đúng đạo trời.”

Tử Quang tuổi tám mươi hai, lấy phần ở tiệc Lộc-minh(10) đưa về cho mẹ ! Mẹ chín mươi tám tuổi, gặp con làm nên, vui biết chừng nào ! Há chẳng phải là việc lạ lắm sao ?

Khoa này trùng với Quốc-khánh, ban ân điển, nên lấy đậu nhiều. Trước đây Tử-Quang ứng thí, tính gộp có vài mươi lần. Lúc tuổi chưa già cả, há lại không có một vài kỳ được ưu chăng, mà chỉ thấy tên trên bảng tú-tài. Rõ ràng là trời làm khuất để đợi khoa nầy chăng? Khoa này Tử Quang vào thi bốn kỳ. Tuổi đã tám mươi, há lại không có một vài chữ sai bẩn. Thế mà tên chính lại ở trong số ân-gia. Trời hình như làm rạng để cho đậu khoa này chăng?

Nhưng mà Tử Quang đậu khoa này, đã làm vẻ vang cho nhà, lại làm đẹp đẽ cho nước; hết thảy nhờ chữ TRINH của mẹ mà được như vậy. Đó cũng đủ để răn thiên hệ đời sau.

Ở tỉnh, quan tổng đốc Đào có thơ mừng rằng: (phỏng dịch)(11)

Tốt thay, Hương-sơn Đoàn tú tài !
Niên hoa nở lại tám mươi hai
Văn-trường bạch-chiến râu làm kích.
Cướp về đan quế một cành chơi.

Cướp về đan quế một cành chơi.
Thung dung chống gậy qua Nam-cai.
Mẹ hiền tuổi đã chín mươi tám.
Thoạt thấy con về dâng nụ cười.”

Chép chuyện thực tế đó. Tin rằng ấy là một điềm tốt cho văn-trường Quốc triều, nên ghi lại.

Ký tên: Chánh phủ khảo Khiếu Năng Tĩnh, thị - lang bộ lễ lĩnh Quốc Tử - Giám tế - tửu.
Phó chủ khảo Mai Khắc Đôn, Quang-lộc tự thiếu khanh, tham biện nội các sự vụ.

Trên đây, hai quan chủ khảo đã tường thuật lại câu chuyện hay. Lời rất rõ ràng mà ý lại rất khéo đưa chuyển, khiến cho ta càng đọc lại càng lấy làm ngạc nhiên. Thấy tuổi già tưởng văn non mà thương, hóa ra những môn tưởng non mà lại thành cứng; thấy già tưởng chữ viết lòe-nhòe xiên xẹo mà chính ra lại cứng cáp tốt tươi. Tưởng bênh cho may đậu tú tài mà lại tự mình sắp đậu giải-nguyên. Tưởng tám mươi hai tuổi là già lắm, mà còn mẹ chín mươi tám tuổi. Chín mươi tám tuổi mà góa chồng từ thuở mười bảy. Tưởng lòa, lảng, yếu mà sáng, tỏ, mạnh. Tưởng lấy phần cho cháu chắt mà chính lấy cho mẹ già. Tưởng vì công danh mà đeo đuổi khoa-trường mà chính ra vì muốn cho vui lòng mẹ.

Các quan chủ khảo lại khéo tán về nhịp Cửu tuần đại khánh bà Thái-thái hoàng-thái-hậu sinh ra vua Tự-đức. Trên Hoàng-gia có đủ thọ, trinh, hiếu thì dưới dân gian cũng có đủ thọ, hiếu, trinh.

Ngẫm cho kỹ, thì thấy mấy lời tán đó cũng không quá đáng.

Chỉ có điều cho là một điềm tốt cho văn-trường quốc triều thì cũng hơi sai !

Hồi bấy giờ, quan Tổng đốc Đào Tấn, là người có tài đặt các bài hát, có đặt một bài hát cô-đầu mừng ông : (Ông-Phan-Hải-Linh người làng Tùng-ảnh đọc cho tôi chép).

Đoàn-Tử - Quang, xuân thu bát thập nhị
Đương Hoàng-triều Canh-tý chi niên,(12)
Nghe vua mở chiếu cầu hiền,
Già hăm hở cũng đề tên ứng thí.
Từ trường nhất, đến trường nhị,
Tới trường ba, văn-lý đủ ưu bình,
Đến ngày phúc bạch xướng danh,
Tên thứ hăm chín đã rành rành trong hương-giải.

Khán bảng cánh vô bằng bối tại
Đáo gia duy hữu tử tôn nghinh(1)

Trước sân Lai bưng chén rượu quỳnh,(13)
Nào võng tía mây xanh lần dưới gót.(14)
Phong thổ tốt, phúc nhà cũng tốt,
Sấm đất bằng rầm rột khắp đâu đâu.(15)
So tài tình nào kém gì nhau,
Sự nghiệp thế, mày râu vẫn thế
Nghe nói chị Hằng yêu tuổi trẻ,(16)
Sao mà yêu đến kẻ già nua.
Cối cúc quắc, gậy lo co,
Nhờ lộc nước ơn vua còn chán chán.
Nhiên nha bạch phát cân trong mãn.(1)
Cái công danh tảo vãn có hề chi.
Này này dặn với nam nhi,
Ấu bất học, lão hà vi, là phải lắm.(17)
Nghề thi - cử, học trò nên chí bấm,
Để sao cho mã thượng cẩm y hồi.(18)
Kẻo mà tóc bạc da mồi

Bài hát này tuy êm tai, nhưng nhiều ý mâu-thuẫn, và phán đoán nghĩ luận cũng thô thiển hơn bài ký trên kia.

Nghe câu chuyện này ta nên nghĩ rộng ra ngoài “nghề thi-cử, học trò nên chi bấm” hay “cái công danh tảo vãn”. Ta sẽ thấy nó chứa biết bao cái “tốt đẹp, kết-quả của giáo-dục ở Á-đông là: Trinh-tiết, hiếu-thảo, kiên-tâm.”

Còn có ai cho rằng các đức tính ấy khó hiểu, thì nên nghĩ tới cụ Đoàn tử Quang, tám mươi hai tuổi, thức dậy trong đêm tối, chực ở cửa trường đến sáng, kéo lều chõng, chen chúc trong đám hàng nghìn người để vào trường, rồi ngồi làm bài suốt cả ngày cho đến buổi chiều lại kéo chõng ra ; mà làm như vậy bốn lần trong một tháng. Họ sẽ phục một tay kiện lão ! Và sẽ tặng cụ danh hiệu quán quân !

Sau lúc đậu, cụ được bổ Huấn-đạo Hương-sơn, mà nghe nói làm quan đến về hưu mơi mất ! Cụ sống gần trăm mười tuổi.


Hoàng Xuân Hãn

Thanh Nghị số 84, 1944



(1) Lương Hạo : người đời Tống, 82 tuổi thi đậu trạng-nguyên, có kẻ mừng bài thơ, trong có bốn câu : Nhiêu tha, bạch phát cân trung mãn ; thả hỷ thanh vân túc hạ sinh. Khán bảng cánh vô bằng bối tại, Đáo gia duy hữu tử tôn nghinh. Ý nói trong khăn đã đầy tóc bạc dước chân mừng thấy mây xanh sinh (ý hiển đạt). Xem bảng thì không còn có bầu bạn tới, về nhà chỉ có con cháu đón. Trong bài hát mừng Đoàn-tử Quang, cụ Đào-Tấn có dung (xem sau) bốn câu ấy. Nhưng câu cuối không được hợp.

(2) Tôn-Sơn : Người đời Tống, đi thi đậu rốt bảng. Lúc về có kẻ hỏi tin người nhà đậu hỏng, ông trả lời rằng tôi đậu rốt, người kia sau tôi.

(3) Phàm những danh từ về thi-cử thì xin xem đoạn trên sẽ hiểu.

(4) Dịch câu thơ : Lão lai vạn vật giai tăng giá, duy hữu văn chương bất trị tiền.

(5) Bạch-chiến : nói sự thách nhau làm thơ một cách khó khăn, như hạn vần trước, cấm không dùng những chữ gì định trước, vân vân... Trong bài ký cũng như trong bài tán, đều có dùng chữ bạch-chiến để thêm mặn mà với sự ông giàn đi thi.

(6)Dịch câu Thâm tùng, kiến cô bi

(7)Trong bài kim văn, có câu PHỤNG KIM NGÃ, HOÀNG THƯỢNG, (vâng hoàng thượng ra tay) ông Đoàn-tử Quang quên chữ KIM. Phạm trường quy như vậy có thể hỏng. Có lẽ vì cớ ấy mà người ta ngờ ông có lễ lót trước.

(8) Dịch câu : Ngao thủ đái Bồng-sơn.

(9) Kinh dịch, về quẻ KHÔN, có nói AN TRINH CÁT nghĩa là yêu lẽ chính thì tốt. Đây các quan trường lấy chữ trinh ấy làm trinh-tiết.

(10) Lộc-minh : yến ban cho người vừa đậu cử-nhân

(11) Dịch bài : Hải thị Hương-sơn Đoàn tú-tài Niên-hoa bát thập nhị hồi khai. Văn-trường bạch-chiến tu như kích. Đoạt đắc nhất chi la quế lai. Đoạt đắc nhất chi đan-quế lai. Thung-dung phù trượng quá nam-cai. Tử vi cửu thập bát tuế hĩ. Thủy kiến nhi-lang đắc-ý hồi. Niên-hoa là vẻ đẹp. Bẻ cành đan-quế là đậu. Nam cai là bực thềm phía nam, nhưng cũng là một khúc hát vầ con có hiếu

(12) Nghĩa là Đoàn-tử-Quang tuổi tám mươi hai. Vào năm Canh-tý.

(13) Sân Lai : lấy tích Lão Lai đã già mà còn mẹ. Muốn cho mẹ tưởng mình còn trẻ, ông mặc áo màu sẵc sỡ múa trước sân.

(14) Dịch câu : Thả hỉ thanh vân túc hạ sinh, xem chú thích số 1.

(15) Nói đậu, danh đồn khắp đó đây.

(16) Dịch câu Hằng-nga ái thiếu niên, ý là chị Hằng yêu người trẻ tuổi, để cho họ bẻ cành đan quế trên trăng.

(17) Câu ở Tam-tự kinh, nghĩa là : trẻ không học thì lớn làm gì được.

(18) Nghĩa cưỡi ngựa, mặc áo gấm mà về, ý nói đậu.


Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Hoàng Xuân Hãn
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
Black Movie - Festival international de films indépendants Genève 17/01/2025 - 26/01/2025 — Maison des arts du Grütli | 16, rue du Général-Dufour | 1204 Genève
LES LARMES D'ASTYANAX - Olivier Dhénin Hữu 31/01/2025 - 02/02/2025 — Théâtre du lycée Jacques Decour | 12 Avenue Trudaine | 75009 Paris
Festival cinéma - Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Inalco : L'économie vietnamienne en 2024 et ses perspectives 06/02/2025 18:00 - 20:00 — 65 Rue des Grands Moulins, 75013 Paris | Amphi 2
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us