Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Đọc HỒI KÝ TRẦN VĂN GIÀU

Đọc HỒI KÝ TRẦN VĂN GIÀU

- Trịnh Văn Thảo — published 01/07/2013 17:25, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18
Bài này, tác giả đã gửi cho Diễn Đàn từ nhiều tháng nay. Vì một sự cố kĩ thuật, chúng tôi đã để thất lạc bản thảo, nay nhờ tác giả nhắc, mới tìm lại được. Thành thực xin lỗi tác giả, và xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc (độc giả có thể tìm đọc toàn văn Hồi ký TRẦN VĂN GIÀU trong mục Tài liệu của Diễn Đàn)


Đọc Hồi ký Trần Văn Giàu


Trịnh Văn Thảo



Vài hàng thanh minh :

  1.  Mục tiêu của tác giả không phải là viết tự sử ghi lại chính biến cố hay thử thách đã trải qua trong đời lúc hoàng hôn bóng xế để lại cho hậu duệ hay cả sử gia làm tài liệu, nhưng cũng xen lẫn với lịch sử. Dĩ nhiên phân biện hai loại hình rất tế nhị và rất tương đối.

  2. Thực chất của Hồi ký Trần Văn Giàu (HKTVG) được kết cấu như hồ sơ chính trị đầy uẩn khúc về tranh chấp giữa hai nhân vật quan trọng (Trần Văn Giàu và Hoàng Quốc Việt) và hai tổ chức CS trong miền Nam từ 1940 đến 1945 (Xứ Ủy Nam Kỳ (XUNK) và Đại Diện Tổng Ủy (TU))

  3. Kết cục cho thấy cách xử lý « úp úp mở mở » của ĐCS trước đòi hỏi sự thật của người đương cuộc. Đặt trước trách nhiệm phải xét xử tranh chấp chức phận, quyền lực và chính trị giữa hai cơ quan – một tự động tự phát với danh nghĩa Tiên Phong (sau khi XU Nam kỳ bị tiêu diệt trong cuộc bạo động NAM KỲ KHỞI NGHĨA), một là hiện thân của Đại diện chính thức của Tổng Ủy khi quan hệ Nam Bắc được bình thường trở lại (1944, 1945).

  4. Nguyện vọng được phục hồi danh dự trong Đảng, Nhà nước và trước lịch sử của tác giả không được thực hiện trước khi các diễn viên chính của Bộ chính trị (Trường Chinh, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng…) lần lượt « theo Bác » qua bên kia thế giới, lịch sử ĐCS VN vẫn còn phải thỏa mãn với tình trạng « tranh tối tranh sáng » đầy dẫy những « phân nửa của sự thật » quá quen thuộc trong truyền thống CS !

  5. Tác giả không được phục hồi chính trị (vai trò và trách nhiệm chính trị trong suốt thời gian lãnh đạo XU Nam Kỳ) mà cũng không phải chịu kỹ luật về những lỗi lầm đã phạm phải, đúng theo thông lệ « nhận chìm xuồng » vô thưởng vô phạt của những chế độ xem nhẹ quyền con người và chính quyền pháp lý… trước khi chính bản thân họ trở thành nạn nhân.

  6. Tuy nhiên, dù hiện tài liệu được công bố hải ngoại – như thời Alexandre Soljenitsyne cho xuất bản L’archipel du Goulag – còn nhiều thiếu sót và nhầm lẫn (tên tuổi nhân vật không có phụ trang, chức phận, học hàm, địa điểm, thời gian…) không thể tránh, nhất là phần dẫn chứng tài liệu khai thác, người đọc vẫn có thể xem nó như một trong một nguồn tài liệu quý báu soi sáng một thời điểm lịch sử ít người biết, mở đường cho những chứng nhân cá nhân hay tập thể có dịp phản hồi và đóng góp vào nền sử học hiện đại. Cảm ơn Ngyễn Ngọc Giao và Diễn Đàn (Paris) đã đảm nhận công việc nầy !


Cốt cấu của Hồi ký

Hồi ký TVG chia năm phần kể từ khi tác giả du học bên Pháp bị trục xuất về nước cho đến lúc ông cùng với Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch ra Bắc, chấm dứt vai trò lãnh đạo kháng chiến chống quận đội Pháp.

Phần đầu kể lại theo thứ tự thời gian có lúc bị đứt quãng, từ khi tác giả bị trục xuất về nước (1930) và sau một thời gian học tập (không rõ khóa nào ?) cùng một số đồng chí khác tai Trường Đại học Đông Phương (Moskva) – lúc bấy giờ nằm dưới quyền lãnh đạo tuyệt đối của Đệ Tam Quốc tế và Stalin – và những thử thách đầu tiên với tư cách một nhà “ cách mạng chuyên nghiệp ” cao cấp trong XUNK cũ (Khám Lớn, Tà Lài) . Phần hai nói đến những công tác chính trị trong quá trình liên lạc, móc nối và xây dựng lại Xứ Ủy Nam Kỳ sau khi cuộc khởi nghĩa bị chính quyền thuộc địa tiêu diệt và một phần lớn lãnh tụ trong Tổng Bộ ĐCS (Lê Hồng Phong, Nguyễn Thi Minh Khai, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần…) bị hy sinh : Đà Lạt, Phú Lạc (Chợ Lớn) và U Minh (Long An). Phần ba phân tích tình hình trong và ngoài nước, xác định đường lối cách mạng trước tình thế mới và phác họa chiến lược cách mạng của XU trên sự kiện (de facto) ngoài hệ thống kiểm soát và quyết định của TU ngoài Bắc (?). Phần bốn thuật lại những cố găng của XU mới trong công cuộc tồ chức và chuẩn bị giành chính quyền trước viễn ảnh thua trận của Nhật Bản và âm mưu tái lập thuộc địa của De Gaulle. Phân năm dài nhất (gần 140 trang) trình bày cặn kẽ bối cảnh lịch sử, suy tư, động cơ giải thích những biện pháp mà tác giả, nhân danh XU NK cùng các bộ phận chính quyền trực thuộc, đã thực hiện đề đối phó với tình thế sau khi Tổng khởi nghĩa thành công.

Phân tích của người đọc

Tuy nhiên, ta vẫn có thể chia mục lục của HK thành 3 phần chính :

  1. Phần đầu là sản phẩm của truyền thống hay tiền lệ viết tự sử chính trị theo một khuôn mẫu viết sẵn (formatée), giữa hư và thực, để đầy khoảng trống, ghi nhanh hoạt động của tác giả từ khi vào tù Khám Lớn đến lúc vượt tù Tà Lài,

  2. Phần giữa đề cập đến giai đoạn xây dựng XUNK và chuẩn bị giành chinh quyền; theo tôi là thời chiến thắng của Lý trí và của thực tiễn “ phân tích cụ thể tình hình cụ thể ” của Lenin.

  3. phần cuối soi sáng cái tôi gọi là những “ cạm bẫy đam mê của ý thức hệ ” tạo điều kiện chủ quan, và khách quan, khiến cho cuộc đấu tranh giành độc lập trong nước thành một bộ phận hữu cơ của phong trào cách mạng thế giới.

Tác giả bài tiểu luận này không có ý định phê bình toàn bộ HK TVG, một phần vì nội dung phong phú và phức tạp của nó, một phần khác vì hình thức xen lẫn nhiều loại hình : hồi ký không ghi chép và xác định những tài liệu lưu trữ mà dựa vào trí nhớ của người trong cuộc (ít nhất cũng ngoài tuổi thất hay bát tuần), vừa biện minh cho chính mình (plaidoyer pro domo) vừa là một bản cáo trạng (acte d’accusation)… Ý thức giới hạn của mình, chúng tôi cố tìm hiểu con người trí thức đàng sau nhà lý thuyết gia mác xít và nhà cách mang “ chuyên nghiệp ” như ông tự giới thiệu hay một sử gia có ảnh hưởng lớn trong ngành sử học cận đại i.

HK phần đầu sơ họa khung cảnh xã hội và chính trị của nhân vật chính – thân thế và tiểu sử cá nhân phác họa sơ sài, tối thiểu (gia đình nông nghiệp trung lưu, học trình nhà trường Pháp Việt không quá cấp trung học, cán bộ Cộng sản xuất thân Trường Đại học Đông Phương sau khi bí mật gia nhập ĐCS Pháp hồi còn đi học tại Toulouse, về nước làm cán bộ giảng dạy và tuyên truyền cho Đảng cho đến lúc thời thế đưa đẩy lên làm lãnh tụ XU…) ii– sau khi thoát căng Tà Lài. Được thoát ngục tù Thực dân trong khi đa số các cán bộ cao cấp của XU bị giết hại, ngồi tù hay bị truy nã, tác giả cùng một ít đồng chí còn sống sót triệt để lợi dụng những sơ hở của một chính quyền bắt đầu rung chuyển từ khi “ mẫu quốc ” bại trận phải chia sẻ với quân đội Nhật chủ quyền cai trị Đông Dương… để làm lại XU Nam Kỳ mới không còn liên hệ hữu cơ với TU nữa. Muốn làm lại ĐCS NK, ông chỉ biết dựa vào chân lý mác xít, theo tư tưởng, lý thuyết và thực tiễn cách mang của Lenin (bạo lực cách mạng, dân chủ tập trung, kỹ luật quân đội để cướp chính quyền) và niềm tin sắt đá vào định mệnh của Liên Xô, Đệ tam Quốc tế và Stalin. Trong hầu hết những quyết định quan trọng trước tình thế khẩn trương, ông luôn luôn dẫn chứng và biện minh theo khuôn mẫu suy tư và hành động của hai nhân vật trên (Làm gì ?, Luận cương tháng Tư, kinh nghiệm cướp chính quyền tại Pétrograd, Nguyên tắc của chủ nghĩa Lenin,…)iii.

Nhưng ta không nên xem thường yếu tố thời cơ quyết định trong giai đoạn chuyển tiếp từ 1940 đến 1945, sụp đổ và khủng hoảng của chính quyền thuộc địa, hiện diện của quân đội chiếm đóng Nhật Bản, tương quan lực lượng quân sự giữa phe Trục và Đồng minh (trước và sau chiến thắng Stalingrad). Cũng như không thể nắm rõ ý nghĩa lịch sử của ĐCS và XU Nam kỳ phục hồi, sự thành công nhanh chóng và bất ngờ trong một thời gian cực ngắn và đồng thời mầm mống khủng hoảng sau này nếu không phối hợp hai yếu tố con người (chủ quan) và hoàn cảnh (khách quan). Khác với những hồi ký các nhân vật lịch sử đương đại, tác giả vừa nhấn mạnh vừa biện minh vai trò cá nhân, suy luận và hành động của mình như một sản phẩm tiêu biểu của thế hệ những người “ cách mạng chuyên nghiệp ” được đào tạo tại Liên Xô lúc phong trào CS quốc tế đang nằm dưới quyền chỉ đạo của Stalin. Cũng như Trần Độc Tú, Vương Minh, Lý Lập Tam… bên Trung quốc iv, ông là một cán bộ trung kiên của chủ nghĩa Mác Lê : vận dụng một “ đạo quân chính trị ” kiên cương bám chặt vào bộ máy chỉ huy trí thức (thầy thợ) và công nghiệp (thợ thuyền) tập trung ở các trung tâm đô thị để tiến đến “ tổng khởi nghĩa ” lúc thời cơ thuận lợi, áp dụng chiến lược “ bôn sơ vích ” nghĩa là phối hợp vận động chính trị với quân sự chứ không phải theo đường lối chiến tranh du kích, dùng nông dân làm chủ lực để bao vây thành thị theo kiểu Mao Chu. HK TVG chứng minh một cách linh động và cụ thể khả năng hướng dẫn một tổ chức cách mạng lên cướp chính quyền của một thủ lĩnh thông minh, gan dạ, thời cơ và có tham vọng chính trị tầm thước ông Giàu nhưng nó không bảo đảm rằng chinh quyền mới đó sẽ đem lại độc lập, tự do và hạnh phúc cho toàn dân mà khởi sự là cho chính bản thân của họ v.



Phần hai thuật lại những công tác “ bán công khai ” từ ngày nước Pháp bại trận bên Âu châu và một mảng lớn của bộ máy đàn áp của chính quyền thuộc địa bị trung lập hóa để chuẩn bị tiến tới “ tổng khởi nghĩa ”. So với thời hoạt động bí mật trước, tuy gặp nhiều bất lợi (liên lạc với TU và các tổ chức của Quốc Tế CS) nhưng tác giả được “ rảnh tay ” hành động, tổ chức liên lạc, tuyên truyền, vận chuyển trong những điều kiện thuận tiện. Uy tín và vai trò cá nhân của ông trong sự điểu khiển XUNK biện minh cho câu châm ngôn : Thời thế tạo anh hùng !

Đọc HK cho ta cái cảm giác là ngoài một số nhỏ người thân cận như Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, các ông Huỳnh Văn Tiểng, Nguyễn Văn Trân… không ai trong XU có thể đấu trí và đấu sức với Trần Văn Giàu (về sau ông sẽ trả giá đắc tác phong “ minh chủ ” rất gần với chủ nghĩa “ thờ phụng cá nhân ” này). Do đó mà phần hai mang lại một số sự kiện lịch sử có thể bổ sung và đính chánh những quan điểm chính thức nhưng không xác thực, đóng góp vào lịch sử của ĐCSVN. Sử gia trong nước và ngoài từ đây khó làm ngơ trước những quả quyết, chứng từ và đôi khi tài liệu chính thức (kèm theo sách) mà tác giả viện dẫn một cách thuyết phục. Qua các cuộc vận động tuyên truyền chống huyền thoại “ Đông Dương Mới ” của chính quyền Decoux và chủ nghĩa “ Đại Đông Á ” của Nhật Bản, XU NK mới không theo đúng đường lối vạch ra của TU. Tuy ông không muốn nói tách bạch ra, so sánh tài liệu được công bố giữa TU và XUNK cho người đọc nhận định nhiều cách biệt nếu không nói là mâu thuẩn giữa hai tổ chức CS :

  • về nhận định tình thế trong nước và quốc tế dưới ánh sáng của chiến tranh thế giới (tinh hình VN có mang đặc tính “ tình huống cách mạng ” không ?)

  • xác định vị trí và ưu tiên trong chiến lược đấu tranh đối với các nước ngoài như Nga xô, Đồng minh và quân đội Nhật (làm gì đối với các đám quân Đồng minh sẽ sang Đông Dương để giải giáp Nhật ?)

  • và từ đó dựa vào tiêu chuẩn nào để phân biệt và tranh thủ bạn thù trong nước…


Một ví dụ cụ thể cho phép đo lường sự cách biệt giữa khẩu hiệu “ Tất cả cho Mặt trận Việt Minh ” đặt mục tiêu giải phóng dân tộc và độc lập quốc gia trước cách mạng xã hội chủ nghĩa trong khi chủ trương “ đảo chính ” cùa XU miền Nam lại theo sơ đồ cướp chính quyền kiểu Petrograd của Lê nin ; áp dụng chiến lươc VM nhằm đặt trọng tâm vào mục tiêu giành độc lập và mở rộng hàng ngũ Mặt trận dân tộc (nếu cần, tạm thời giải tán ĐCS hay biến nó thành cơ quan nghiên cứu mac xít) và bắt tay với quân đội Đồng minh, xem Nhật là đối thủ chính trong khi XUNK tìm cách trung lập hóa nếu không nói là thỏa thuận với người Nhật + dè dặt với quân đội Anh Ấn sang giải giáp Nhật Bản + và đồng thời trấn áp những lực lượng quốc gia không CS (giáo phái, nhóm Đệ tứ, các đảng thân Nhật), tóm lại chấp nhận viễn ảnh “ nội chiến ” như một sự kiện không thể tránh của TKN (tổng khởi nghĩa).

Sự khác biệt trong nhận định tình thế và chủ trương chiến lược phản ánh những điều kiện địa lý chánh trị địa phương vi, điều đó hiển nhiên rồi, nhưng đồng thời nó cũng đánh dấu những dị biệt nội bộ của ĐCS VN vẫn còn manh nha và không hoàn toàn khắc phục sau khủng hoảng những năm 1930, 1940…

Một ví dụ khác cho thấy rõ tính tự chủ của XUNK mới đối với TU Đảng bộ về việc lựa chọn căn cứ chỉ huy cách mạng. Thay vì chọn vùng biên giới Việt Trung (Tân Trào) để sau này tiến về Hà Nội, ông Giàu đê nghị lấy “ vòng đai đỏ ” chung quanh Sài Gòn Chợ Lớn làm nơi nương tựa của ĐCS, chọn quận Gò Vấp mà ông gọi là “ Saint-Denis của Paris ”vii vì Gò Vấp “ là một quận ngoại ô kế cận của Sài Gòn. Trong ý thức của tôi, Gò Vấp của Sài Gòn là Saint-Denis của Paris ; sát với Paris, thị xã Saint-Denis nổi tiếng là thị xã “đỏ”, ở đây Đảng Cộng sản luôn luôn toàn thắng trong các lần bầu cử hội đồng thị xã. Đa số nhân dân Gò Vấp có cảm tình với Đảng Cộng sản Đông Dương, không phải mới đây thôi mà từ 1930 kìa. Những năm 1933, 1934, 1935, khi Xứ uỷ Nam Kỳ lập lại và hoạt động, thì vùng Xóm Thuốc – Bàu Lăng – Hàng Điệp từng là căn cứ, là một nơi an toàn của Xứ uỷ chúng tôi. Năm 1942, khi tôi từ Đà Lạt về Phú Lạc, tôi đã nhờ Bảy Trân lên Gò Vấp, lại nhà Sáu Sáng để xem nơi đó còn là nơi an toàn không ? Kỳ này về Sài Gòn, định “ cắm sào ” hơi lâu, thì ngoài Phú Lạc, tôi chọn Gò Vấp làm một nơi căn cứ, căn cứ thứ hai, căn cứ thứ ba sẽ là Chợ Đệm sau khi tôi gặp Bảy Trân.

Xóm Thuốc, Bàu Lăng, Hàng Điệp là một vùng tiểu công nghiệp : nhuộm vải, sắc thuốc. Đa số dân làm nghề nhuộm, sắc thuốc. Ở đây gần con sông thường được gọi là sông “ Miếu nổi ” (có một cù lao trên đó dựng lên một cái miễu không biết từ bao giờ, tiếng đồn linh thiêng lắm), dưới sông này có một thứ bùn gì mà, hễ vải dệt xong, đem chôn dưới bùn đó một thời gian, vải trắng trở thành vải đen, đem vải phơi ở miếng đất trống xung quanh cái đồn Tây bỏ hoang gần đó khô rồi cuốn lại thành cây vải, đem về đập nện mấy ngày thì vải trở nên láng lẫy. Tiếng vồ đập vải cộp cộp cả ngày đêm, tháng này qua tháng nọ. Vùng này lại là vùng trồng thứ thuốc lá ngon nhất Nam Kỳ, thuốc Gò Vấp, hút say mê tơi ; tới mùa thì cây thuốc đầy đồng bao nhiêu chục, có khi cả trăm mẫu, cao lút đầu người. Họp hội nghị trong đám ruộng thuốc lá thì có trời mới phát hiện nổi và có trời mới vây bắt được. Dân chúng ở cái vùng ngoại ô này làm nghề nhuộm, nghề sản xuất thuốc lá, rồi cả ngàn người làm thợ, làm thầy trong thành phố, chiều năm giờ, sáu giờ thì cỡi xe đạp về nhà để sáng sớm lại vào thành. Các tiểu chủ xe thổ mộ, những người trồng, sắc thuốc, dệt nhuộm và công nhân lao động của vùng này đã từng đi biểu tình vào Sài Gòn nhiều lần từ những năm 1936-1937, từng tham gia tổng bãi công để ủng hộ Tạo, Ninh, Thâu khi các anh này bị Thống đốc Nam Kỳ bắt giam hồi thời Mặt trận Bình dân. »

Đây không chỉ là một căn cứ quân sự có sẵn từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, văn hóa, chính trị và tâm lý không những đối với người CS (kỷ niệm thời Hội kín Nguyễn An Ninh, La Lutte, Nam Kỳ khởi nghĩa và đấu tranh của nhân dân Hóc Môn, Bà Điểm… còn đó) mà còn là cơ sở cách mạng trọng yếu trong lược đồ Pétrograd giành chính quyền bằng cách đánh thẳng vào đầu não và xâm chiếm bộ máy chỉ huy nhà nước. Quan niệm cá nước của Chu Mao như vậy đã di chuyển từ nông thôn đến vành đai « đỏ » trước khi tiến công vảo sào huyệt của quân thù viii. Nó là điều kiện không gian đề khai triển chiến dịch vận động cách mạng như thông tin tuyên truyền (in phát báo Tiền phong), sách động quần chúng, động viên và huấn luyện cán bộ. Thêm vào đó, cuộc đảo chính của Nhật ngày 9 tháng 3 chấm dứt tình trang « một cổ hai tròng », làm xáo trộn bộ máy hành chính và đàn áp thuộc địa và tạo một vận hội mới cho tất cả những lực lượng yêu nước hai mươi năm sau phong trào đô thị 1925-26, mở đầu một cuộc « tranh chấp chính quyền » (David Marr) quốc cộng và 30 năm máu lửa !

« Tiến tới Tổng khởi nghĩa » cho người đọc cảm giác đang đứng trước một nhân vật đầy thông minh, giàu nghị lực và nhiều thủ đoạn, một đệ tử xứng đáng của Lenin và Stalin nếu ta không nghĩ đến nhà tư tưởng Ý đại lợi thời Phục Hưng Machiavel cũng nuôi hoài vọng của TVG thống nhất một nước Ý độc lập và hùng mạnh. Với bộ óc minh mẫn, trí nhớ tuyệt vời, hành văn giản dị, tác giả tường thuật tỉ mỉ những bước đầu xây dựng lực lượng CM đặt biệt tại thành phố SGCL và các tỉnh lân cận như Tân An, Gia Định, Biên Hòa, Thủ Dầu Một… Trong cuộc chạy đua tranh thủ quần chúng với các đảng phái không cộng sản (các đảng Quốc Gia, mác xít đối lập, các giáo phái có liên hệ ít nhiều với Nhật, vv ), so với các lý thuyết gia CS khác, ông có những luận điêm rất thiết thực và « biện chứng » trước các phong trào dân tộc « đột phát » như  nấm mọc sau cơn mưa rào khi tuyên bố rằng « Đảng không thể kiểm soát tiên đoán các phong trào « đột phát » nhưng có lỗi lớn nếu không biến những phong trào tự phát thành phong trào tự giác ! » (t. 128)

Nhờ ông mà trong một khoảng thời gian rất ngắn, XU NK đã tranh thủ thắng lợi trong các thành phần thầy thợ, thanh niên và trí thức tập trung chung quanh vùng SG CL và các tỉnh lớn ở miền Nam đề có thể tuyên bố rằng ĐCS nắm ưu thế ngày càng thấy rõ từ sau cuộc đảo chính ngày 9 tháng 3 năm 1945 cho đến khi nước Nhật cũng bại trận, đầu hàng và giải giáp. Ngược lại, tác phong hào phóng, cởi mở không tiên kiến đối với những đòan thể sinh viên và trí thức miền Nam ix giải thích vai trò độc đáo của những người bạn đồng hành của XU trong phong trào Thanh Niên Tiền Phong (TNTP) như Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Hải Trừng… trong chiến dịch đảo chính ngày 24 và 25 tháng 8.

Nếu HK trong hiện tại chưa phải là một công trình nghiên cứu sử học hiện đại nghiêm chỉnh (vì con nhiều khuyết điểm cần được sửa sai và thanh minh nói trên), ít nhất nó là một chứng từ quý báu mang lại cho độc giả ngày nay, nhất là cho lớp người Việt sinh sau sau chiến tranh, một bức tranh xã hội “ nghìn năm một thuở ” của những năm 45-50, làm sống lại từng hồi từng lúc cái cảnh tương hào hùng, náo nức, bồng bột của cả một thế hệ thanh niên đang lao đầu vào cuộc “ kháng chiến thần thánh ”(Trường Chinh) của dân tộc tựa hồ như suốt một thế kỷ bị Pháp đô hộ họ chỉ chờ đợi giờ phút lịch sử này. Trong một lúc, bộ phận cấp tiến của thanh niên đất nước chấp nhận từ bỏ tất cả – mái trường, sự nghiệp, chức phận – để đáp lời sông núi, thoát ly gia đình (Nguyễn An Ninh) hay đúng hơn “ trở về với giá trị dân tộc ” (theo yêu cầu của sinh viên Mai Văn Bộ). Thay vì để chính quyền Pháp Nhật đầu độc lôi cuốn họ vào các quỹ đạo tuyên truyền của thực dận và đê quốc, thanh niên VN nhanh chóng chuyển hướng và trưởng thành. Từ 1942 đến 1945 qua phong trào ca nhạc yêu nước (Hoàng Mai Lưu), cuộc “ Nam tiến ” của Tổng hội sinh viên năm 1942, buổi thuyết trình của Nguyễn Ngọc Minh và Trần Văn Khê tại Nhà Hát Lớn, triển lãm tranh phẩm của Vương Quang Lễ được dân chúng khuyến khích nồng nhiệt. Nó sẽ tái diễn thành công hơn vào Hè năm sau với ba vở kịch của Huỳnh Văn Tiểng khêu gợi lòng yêu nước. Sinh hoạt thanh niên học sinh dưới mọi hình thức như Hướng đạo, du lịch cấm trại (Đoàn Hùng, Suối Lồ Ồ tại Thủ Đức), và nhất là phong trào bỏ học tập thể của sinh viện miền Nam của trường Đại học Hà Nội đánh dấu một khúc quanh lịch sử trong quá trình dấn thân của thanh niên trí thức. Cùng Phan Anh ngoài Trung, Tạ Quang Bửu và Ngụy Như Kontum ngoài Bắc x, Trần Văn Giàu là một vài đảng viên Cộng sản thời đó ý thức được sức mạnh của tình tự dân tộc trong vận động cách mạng. Tác giả đã chính kiến màn cuối của vở kịch “ Đêm Lam Sơn ” của Huỳnh Văn Tiểng lúc khán giả tự động đứng lên hát đi hát lại bài “ Tiếng gọi sinh viên ” của Lưu Hữu Phước – đoạn này làm ta nghĩ đến xen đầu phim “ Senso ” của Luchino Visconti – và thốt ra một chân lý lịch sử :

Chủ nghĩa yêu nước truyền thống rõ ràng có tác dụng kích thích rất cao ở Nam Kỳ

Bí quyết thành công của XUNK mà ông lãnh đạo từ 1940 đến 1945 chất chứa trong câu nói đó !

Qua HK, độc giả có thể hồi tưởng quang cảnh cắm trại của thanh thiếu niên miền Nam bên bờ suối Lồ Ồ có cái tên thật thú vị và “ dân tộc ” thuộc quận Thủ Đức cách Sài Gòn không ngoài mười cây số ngàn dưới sự dìu dắt của anh thủ trưởng trang lứa tuổi hai mươi còn đang soạn luận án tốt nghiêp trường Y khoa Hà Nội. Nhưng điểm cao nhất là phong trào “ Xếp bút nghiên ” (XBN) của sinh viên miền Nam trở về quê “ lên đường tranh đấu ” trong đó không ít người đã lên năm thứ hai, ba Đại học như Huỳnh Văn Bá, Lưu Hữu Phước (sinh viên năm cuối Trường Nha khoa). Theo HK, hàng trăm sinh viên Hà Nội tiễn đưa các bạn XBN của họ bằng xe đạp. Tới Hà Nam, một số người bị bắt xi đày lên Sông Đà, số còn lại vừa về tới Sài Gòn đã bắt tay vào việc : truyền bá Quốc ngữ, làm báo Thanh Niên (Huỳnh Tấn Phát, Huỳnh Văn Tiểng, Nguyễn Hải Trừng), học tập chính trị và kết luận : “ Thật là một lớp thanh niên đẹp, đẹp lắm ! ” (t.138)

Sau khi “ gieo hạt giống cho tương lai ”, tác giả trở về với thực tại đấu tranh chính trị và quân sự, ông thú nhận “ chủ yếu hướng về Petrograd chứ không hướng về Diên An bao nhiêu ! ” xii. Hai người thanh niên sẽ đóng góp rất nhiều trong hoạt động quân sự của XUNK Huỳnh Văn Nghệ và Tô Ký xiii.

Chúng ta tạm lướt nhanh chính sách của XU đối với chính quyền thuộc địa (và các nhóm người Pháp theo Tướng De Gaulle) và để phần tìm hiểu và giải lý các biến cố chung quanh cuộc Đảo chính của Nhật ngày 9 tháng 3 1945 mở màn một thời kỳ chính trị hết sức phức tạp trong chính trường đất nước, mâu thuẫn trong nội bộ ĐCS giữa XU Tiền Phong của TVG và XU Việt Minh mới xuất đầu lộ diện… cho các nhà chuyên môn ! xiv

Danh sách các vấn đề lịch sử còn bỏ ngỏ rất nhiều : Tại sao sự ra đời của Mặt trận Việt Minh dưới quyền lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đào sâu mâu thuẫn nội bộ trong hàng ngũ lãnh đạo CS miền Nam ? Vi lý do gì mà HK lên án nghiêm khắc các đồng chí XU khác là “ thủ tiệu (liquidationnistexv ” (sic) vì họ (TU) đã tự ý thủ tiêu danh nghĩa CS và mục tiêu đấu tranh của mình rồi sao ? xvi Có hai giả thuyết : hoặc TG lên án Tổng Bộ đã lạc hướng cơ hội, hoặc ông lật tẩy thủ đoạn chiến lược của TB ? Tại sao Tổng Bộ qua người đại diện cao cấp nhất trong Nam Hoàng Quốc Việt luôn luôn giữ một thái độ mập mờ không ủng hộ (ngược lại là khác) cũng không phủ nhận việc làm của XU từ nửa tháng tám cho đến cuối 1945 ? Chứng từ của Ông Giàu đặt vấn đề mâu thuẫn phức tạp giữa XU NK và TBTU đòi hỏi giải đối chứng của hai diễn viên bị khiếm diện (Trần Văn Giàu versus Hoàng Quốc Việt), một thứ tòa án vinh dự (Tribunal d’honneur) bất cứ xứ văn minh nào cũng có ! Nói theo các cụ nhà ta : hãy đợi hồi sau phân giải !

Tiếp theo chiến dịch Thanh vận, chúng tôi xin mạn phép trở về công tác Trí vận của XU trong phong trào Thanh Niên Tiền phong. Giàu xem sự gặp gỡ với Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch như một cái “ duyên kỳ ngộ ”, trong hoàn cảnh “ buồn ngủ gặp chiếu manh ” vì nhân vật này hội tụ đủ điều kiện để giữ một vai trò lịch sử trọng yếu thời đó : một bác sĩ chuyên trị bệnh phổi có uy tín nghề nghiệp cũng như tiếng tăm xã hội, kế nghiệp một dòng dõi quyền quý “ cháu ngoại hoàng tộc ” xvii, đứng đầu đồn điền trồng trọt thịnh vượng. BS Thạch quả là một gương mặt điển hình và tượng trưng của người trí thức Tây học dấn thân trong thời chuyển tiếp, thích hoạt động xông xáo, có bản lĩnh. Ông Giàu tuyên bố nắm rõ con người trước khi biến nhân vật giàu nhiệt huyết và không kém thủ đoạn, cơ hội (t. 255, 340 …) thành một đồng đội tin cẩn. Như vậy là ông cũng nắm rõ những ưu và khuyết điểm của một thanh niên đã từng gia nhập vào quỹ đạo CS hồi còn đang du học bên Pháp. Khai thác vốn cảm tình có sẵn của người dân một xã hội trọng văn, dư luận quần chúng, sự giao thiệp tốt cả Pháp lẫn Nhật, PNT quả là hạt nhân liên kết hữu cơ các lực lượng thanh niên, trí thức với phong trào giải phóng. Trong chiến dịch trí vận, ông là nhân vật chính mang lại cho XU NK một “ đạo quân chính trị ” mà Lenin – Tràn Văn Giàu mong đợi… xviii

Nhận xét này không có nghĩa là đánh giá thấp vai trò chỉ đạo của ông Giàu và khả năng phối hợp chiến lược và tổ chức chính trị, mục tiêu và phương tiện. Chọn sơ đồ Petrograd giành chính quyền trong lòng địch tại các đô thị và đầu não bộ máy chỉ huy bắt buộc phải đầu tư vào các thành phần thầy thợ, công nhân và trí thức đủ loại. Ông Giàu có một lý luận rất độc đáo và hợp lý về quan hệ giai cấp giữa trí thức “ bự ” miền Nam với thực dân, địa chủ, tư sản. Ông không rơi vào các loại hình trừu tượng của chủ nghĩa mao-ít của những Trần Phú, Trường Chinh… Ông chỉ lưu ý hơn các lý thuyết gia khác những thực tại cụ thể như

– không phải trí thức nào cũng phải liệt vào hạng “ giàu ” (xem hoàn cảnh các ông giáo viên của ta thời kinh tế lạm phát !)

– truyền thống “ trọng nghĩa khinh tài ” trong một xã hội Nho giáo

– khả năng giác ngộ của trí thức nhất là khi họ ý thức “ về lẽ tất yếu của lịch sử ”

Thời ấy ít người mác xít như ông dám thản nhiên quả quyết rằng : “ Trí thức Việt Nam chân chính là một miếng đất dễ thấm tư tưởng Cách mạng của Đảng ” (t.208)

XU NK thực hiện sự kết hợp hai thành phần trong ban chấp hành TNTP đưa nhóm nhân sĩ với các giáo sư Lê Văn Huấn (giáo sư), kỹ sư Kha Vạn Cân, nha sĩ Nguyễn Văn Thủ, luật sư Thái Văn Lung, sinh viên Xếp bút nghiên Tạ Bá Tòng, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát vào cộng tác với ban thư ký tụ hợp chung quanh Phạm Ngọc Thạch với Huỳnh Tấn Phát, Huỳnh Văn Tiểng và Nguyễn Văn Thủ. Như vậy, trái với quan niệm chính thống của TB, chính XUNK lấy quyết định đưa trí thức vào các tổ chức quần chúng dưới hai hình thức : Hội Truyền Bá Quốc Ngữ do học sinh và sinh viên đảm nhận trong khi Phong Trào Thanh Niên Tiền phong đặt dưới hướng dẫn của các trí thức “ bự ” với ban chỉ đạo gồm sáu giáo sư trung học, mười bảy đại diện các ngành y dược nha, chín kỹ sư, bảy luật sư và mười một nghệ sĩ.

Dĩ nhiên có ẩn ý chính trị nấp sau quan điểm lý thuyết :

Ở Nam Kỳ mà không làm như vậy thì cô độc, không tranh nổi với các đảng quốc gia và giáo phái, tức là không có cách mạng thắng lợi. Cái điều đang lo nhất, cần phải tránh nhất là sự khiêu khích của cực tả, đặc biệt là của đám trốt kít nhiều âm mưu nham hiểm ” (t.188)

Quan niệm bạn (XU và các tổ chức tùy thuộc) và thù (các chính đảng quốc gia, giáo phái và trốt kít không theo CS) được sơ lược hóa nói trên luôn luôn ám ảnh XUNK trong suốt thời kỳ cướp chính quyền cho đến ngày toàn quốc kháng chiến. Nó tóm tắt con người, nhân sinh quan cũng như đường lối đâu tranh cách mạng của XU hay đúng hơn của nhân vật chính của XU xix.


Phần Ba (phần V theo bản Diễn Đàn)

Tinh hình quốc tế từ đầu năm 1945 đánh dấu giai đoạn cuối cùng của thế giới chiến thứ hai, viễn ảnh sụp đỗ của Đức Ý ở Âu châu và sự sa lầy của người Nhật trên mặt trận Thái Bình Dương. Không đầy 3 tháng cách, phe Trục đầu hàng vô điều kiện. Tại Đông Dương, quân đội Tưởng Giới Thạch được phái sang giải giới Nhật ở miền Bắc, quân Anh Ân – và các đơn vị tiền phong của quân viễn chinh Pháp – đổ bộ trong Nam dưới vĩ tuyến thứ 16. TVG công nhận thực tế một XUNK còn gián đoạn với TB trong nước cũng như QTCS ngoài nước.

Trong bối cảnh một một tổ chức quốc tế đã biến thể thành dụng cụ thống trị chính trị và tư tưởng của Stalin, hoàn cảnh cô lập này có khi lại làm nảy sinh nhiều đột phát sáng tạo bất ngờ phía cách mạng. HKTVG, nhất là trong phần này (dài 140 trang), nhắc lại truyền thống bình luận thời sự “ nóng ” và thực tiễn “ phân tích cụ thể tình huống cụ thể ” của Lenin. Sau này, sử gia chuyên nghiệp sẽ có dịp khai thác một cách khoa học và nghiêm chỉnh những tiết lộ của nhân vật chính trong giai đoạn này.

Độc giả dễ nhận chân tính nhậy cảm “ thông minh trong hành động ” và khả năng lý luận chính trị của ông Bí thư XU NK. Dĩ nhiên trong lúc hào hứng say chiến thắng của Hồng quân, ông hơi quá đáng khi so sánh hoàn cảnh Hitler bị Hồng Quân vây cứng tại Berlin sẽ tìm mọi cách chia rẽ Đồng minh cũng ngày xưa như vua Frederic II đã làm trước Liên quân Nga Áo hồi thế kỷ XVIII. Sự thật, chính chính sách thủ đoạn tráo trở của ông Vua Phổ mới đưa ông ta trước vực thẳm và hiểm họa bị tiêu diệt giữa thủ đô Berlin đang bị quân thù bao chặt… nếu Nữ hoàng Elizabeth nước Nga không may bị bạo bệnh chết !

HK tường thuật tỉ mỉ chuyển biến không kém sinh động, hào hùng và hấp dẫn như quyển Mười ngày làm rung động thế giới của John Reed (t.230-346) từ lúc thành lập Ủy ban khởi nghĩa, tổ chức Hội nghị XUNK tại Chợ Đệm lần thứ nhất (16/17.08) và, trước sự phản công bất ngờ của vài cán bộ cao cấp đại diện TB, triệu tập trong một bầu không khí khủng hoảng và căng thẳng HN Chợ Đệm lần hai và lần ba để tiến tới quyết định tổng khởi nghĩa vài ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân danh Mặt Trận Việt Minh công bố chấm dứt chế độ thuộc đia và sự ra đời của nước VN Dân Chủ Cộng Hòa. Ngày 25 tháng 8 đến lượt ông Bí Thư XU tận hưởng cái vinh quang của một người thắng cuộc :

“ Từ bao lơn dinh Đốc lý thành phố, danh sách Ủy Ban Nam Bộ được bác sĩ Phạm Ngọc Thạch công bố trong sự hoan hô như sấm dậy của hàng vạn đồng bào ”

Tuy nhiên có lẽ trong giờ phút lịch sử này, người lãnh đạo ĐCS không khỏi không nghĩ đến Petrograd, Lenin, cuộc Cách mạng tháng 10, đến 1917 và cảnh tượng các cường quốc Tây Âu đang vây quần Liên xô, cấu kết với các phe đối lập trong nước để lật đổ chính quyền CS …

Sài Gòn - Tân An - Gò Vấp của TVG làm liên tưởng đến Moscou-Petrograd-Smolny của Lenin, các giáo phái của Mặt trận Quốc gia, các nhóm trí thức của La Lutte… nhắc nhở những cuộc đấu tranh triền miên của Lenin chống Kolchak, Kerenski, hay của Stalin thanh trừng không thương tiếc những người đồng đội hôm qua như Boukharine, Zinoniev, Kamenev, Trotski… Trong một chừng mực nào đó, có thể đọc HKTVG như Karl Marx diễn tả cuộc Đảo chính ngày 18 Sươnng mù của Louis Bonaparte : một trò nhại lại lich sử (mimétisme historique) vô tận… cho lúc Trí nhớ đi lệch hướng, biến cố lịch sử mất hẳn ý nghĩa ban đầu của nó.

TVG không là người duy nhất có xu hướng quá thiên về chủ nghĩa lịch sử, ưa dẫn chứng lịch sử để trấn áp đôi phương (như khi ông lên án Trốt kít mắc bệnh thiên tả “ ấu trĩ ” hay mắc bẫy thuyết “ cách mạng thường trực ” lúc họ đòi “ võ trang nhân dân ” theo truyền thống 1793 của Pháp…) cũng như khi ông quy các ông Bùi Công Trừng, Nguyễn Văn Nguyễn và Nguyễn Văn Tạo (Chợ Điệm I,II và III) vào nhóm chủ bại, “ mệt mỏi ” như Kamenev, Zinoviev… ngày trước, chia Hội nghị XUNK làm 3 phe “ Đồng ”, “ Núi ” và “ Bưng ” (sic), gọi Tổng hành dinh của XUNK Đường Colombert là một Smolny lô canh… ! Vô tình hay hữu ý, trong suốt thời gian đảm nhận trách nhiệm Ủy viên quân sự, ông “ chơi ” vai Trốt ki lúc ông này sáng lập và chỉ huy Hồng Quân, áp dụng kỷ luật sắt để cứu vãn tình thế. Tất cả cho cách mạng kể cả những thủ đoạn (?) khủng bố như trong việc ông ký lệnh bắt lãnh tụ Cao Đài Dương Văn Giáo “ vì tội phản quốc ” (t.293), dựng đứng âm mưu lật đổ chính quyền cách mang trong vụ “ Minh thệ ” (t. 316-320) để loại những phần tử không CS ra khỏi vòng chiến ? Ai chịu trách nhiệm trong vụ thảm sát Cité Heyraud ?

HKTVG cho thấy trách nhiệm chính trị của XU trong vụ thảm sát các lãnh tụ quốc gia dù ông Bí thư vẫn không tiết lộ danh sách các nhân vật mang trách nhiệm hành sự. Tại sao ông đẩy Bác sĩ Hồ Tá Khanh vào hội đồng chính phủ Trần Trọng Kim trong khi ông không bỏ một cơ hội nào để mạt sát chinh quyền “ bù nhìn ” này ? Ông Giàu có lý và có chính nghĩa khi ông yêu cầu pháp luật nhà nước xét xử công minh và phục hồi danh dự bị bôi nhọ của nạn nhân của cách mạng (mà cách mạng nào không phạm lỗi ?). Nhưng lúc nắm chính quyền cách mạng thử hỏi ông có giữ thái độ công minh và chính nghĩa đối với những người đối lập không ? Cuối cùng về tranh chấp giữa XUNK và Đại Diện Tổng Bộ, chưa chắc Hoàng Quốc Việt sẽ bị khiển trách khi ông này chỉ áp dụng nghiêm chỉnh chỉ thị của TU Đảng Bộ vể MTVM, về chính quyền Nhật Bản, bảo vệ các giáo phái miền Nam và ngăn chận hành động đơn phương khi XU ra lệnh kháng chiến trước khi nhận chỉ thị của TU (Hội nghị Đường Cây Mai).

Phải chăng dưới áp lực quốc tế, các nhà lãnh đạo trí thức bên nay cũng như bên kia chiến tuyến để xu hướng duy sử dần dần đồng hóa thực tại cụ thể với những phạm trù ý thức hệ vay mượn bên ngoài, biến cuộc đấu trang dân tộc thành bộ phận tranh chấp bá quyền giữa hai khối Tư bản và Cộng sản, biến kẻ thù bên ngoài thành người trong nước, chiến tranh giải phóng giành độc lập thành nội chiến huynh đệ !

HKTVG để lại cho người đọc ngày hôm nay một ấn tượng phức tạp vượt qua con người tác giả. Cảm giác đang sống lại một cơn ác mộng khi Lý trí nhường bước cho đam mê ý thức hệ.

Kỷ niệm thời Giao ước (Convention) bên Pháp hay thời Nội chiến bên Nga đã ám ảnh nặng nề tâm trí các nhà cách mạng Việt Nam khi họ để Trí nhớ và thế giới tượng trưng ngự trị ngôn ngữ, tư tưởng và hành động, đánh mất ý nghĩa cuộc đấu tranh của cha ông từ ngày đất nước bị ngoại bang xâm chiếm !

VN không phải là một ngoại lệ trong lịch sử chủ nghĩa Cộng sản. Các triết gia như Maurice Merleau Ponty trong Những phiêu lưu của Biện chứng (Les mésaventures de la Dialectique, 1955) hay Joseph Gabel (học trò của Georg Lukacs) trong Ý thức sai lầm (La fausse conscience) hay gần đây Giáo sư Pierre Kaufman trong L’inconscient du politique (Vô thức trong thực tiễn chính trị) đã phân tích hiện tượng mê sảng tinh thần tương tự như thời “ Thờ phụng Stalin ” thông qua các “ Vụ án Moskva ” trước Thế giới chiến thứ 2, Cách Mạng Văn hóa hay chế độ Pol Pot bên Campuchia!

Như vậy, HKTVG cũng là một cơ hội tốt đế ta suy nghĩ đến cái mà nhà văn Marcel Proust chỉ định như Trí Nhớ vô tình (la mémoire involontaire) : Cái số phận hẩm hiu của TVG làm cho ta nghĩ đến cái hẩm hiu cùa bao nhiêu nạn nhân lịch sử khác !

Trịnh Văn Thảo

Aix en Provence

Mùa Xuân ướt át năm 2011



i Xem Trịnh Văn Thảo, Les compagnons de route de Ho Chi Minh. Histoire d’un engagement intellectuel, Paris, Karthala, 2004

ii Đối tượng HK loại ra ngoài thời gian ông hoạt động ngoài Bắc nhất là công việc giảng dạy và viết sách lịch sử

iii Kể cả chuyện Stalin ký thỏa hiệp với Hitler trước vài đồng chi còn ngây thơ như Hà Huy Tâp cũng như những người Tả phái đối lập !

iv Đối thủ và nạn nhân của Mao Trạch Đông

v Một vài đoạn, không nhiều, về gia thế, quan hệ với gia đình tại Long An, người bạn đời phát biểu kín đáo một người bình dị và tình cảm.

vi Tổng Bộ miền Bắc bị ám ảnh bởi hiểm họa Trung Quốc, miền Nam trước các giáo phái và thái độ đối lập không nhân nhượng của trí thức đệ tứ. Cách giải quyết mâu thuẩn nội của TB và XU NK không thể không nhắc lại quan hệ giữ Stalin và Tito bên Đông Âu !

vii So sánh Gò Vấp với Belleville và các quận 19, 20 … sào huyệt của giai cấp thợ thuyền nửa sau thế kỷ XIX đúng hơn tỉnh Seine Saint Denis ngày nay !

viii TVG và các đồng chí của ông đã biến vùng ngoại ô Đông Bắc Sài Gòn làm tiền đồn của Địa đạo Củ Chi sau này

ix Xem Hồi ký của Tô Hoài về gốc gác và tác phong khá phóng túng các trí thức miền Nam tập kết ra Bắc trong Chiều chiều, Hà Nội, NXB Hội nhà văn, 1999, t.195-197

x Trịnh Văn Thảo, Những ngươi đồng hành với Hồ chí Minh, Paris, Karthala, 2004

xi Theo Vũ Đình Hòe (Thanh Nghị Hồi ký, Hà Nội, NXB Văn học, 1997) trong đó có Đặng Ngọc Tốt, giáo sư Y khoa

xii Sự lựa chọn của người cầm đầu XUNK giải thích một phần nào khi bị ra Bắc ông bị H. Q. Việt “ hỏi cung ” giữa ban đêm (như A. London trong L’Aveu của Costa-Gavras) với sự hiện diện của các đồng chí TQ trẻ bân ! Một cách trả thù nham hiểm của đảng bạn hay là thái độ khá nhún mình của đảng ta ? Ngôn từ chất vấn của Việt bộc lộ trắng trợn thái độ rẻ rúng ra mặt người miền Nam, dám ăn dám nói (sic) dù đúng dù sai (bản tính “ anh chị bự ” mà !) ; thật ra không ít đồng chí miền Bắc phác họa chân dung ông Bí thư XU mang đậm nét “ người Nam Kỳ ”: bộp chộp, lửa rơm, ngạo mạn, anh hùng cá nhân… (chưa hết). Ôi xứ nào cũng vậy thôi : thử nghe các ông mac-xây-de nghĩ gi về đồng hương …pari-sien của họ !

xiii Cả hai kết thúc cuộc chiến 30 năm với quân hàm thiếu tướng !

xiv Tường thuật biến cố này hinh như TG nhầm lẫn tr. 149 “ Cầu Hang ” (Gò Vấp) với “ Cầu Bông ” (vùng Da-Kao-Tân Định) từ Đinh Tiên Hoàng (Albert 1 cũ) về Bà Chiểu (Bình Thạnh)

xv Xem G. Labica, Từ điển phê bình Mac xit, Paris, NXB Presses universitaires de France, 1982

xvi Dưới thời Stalin mà mang cái tội này thì khó tồn tại lâu dài đó !

xvii Ông không đá động đến việc Án sát Phạm Ngọc Quát (ông nội) là người với Bố chính Mại, mang trách nhiệm hành hình Tiến sĩ Trần Quý Cáp ! Nguyễn Văn Xuân, Phong trào Duy Tân, t.334.

xviii Có lẽ nó cũng là sự kiện giải thích vai trò sau này của ông lúc TVG bị thất sủng !

xix Mặc dù XU đã nhận chỉ thị của TU về Mặt trận Việt Minh yêu cầu mở rộng hàng ngũ với các lực lượng khác, lãnh đạo MT VM vẫn từ chối trên thực tế chấp nhận sự gia nhập của Mặt trận Quốc gia (t. 253) cũng như TVG chơi cờ hai nước với chính phủ Trần Trọng Kim (xem Hồ Tá Khanh).

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13 | Zoom
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us