Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Đọc sách VIỆT NAM 1945-1995 của Lê Xuân Khoa (3)

Đọc sách VIỆT NAM 1945-1995 của Lê Xuân Khoa (3)

- Chu Sơn — published 05/11/2014 22:35, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Mấy vấn đề cần trao đổi


Đọc sách Việt Nam 1945-1995
của Lê Xuân Khoa

Mấy vấn đề cần trao đổi (3)



CHU SƠN



V/ Lê Xuân Khoa đã viết gì về phe Quốc Gia
trong sách VIỆT NAM 1945-1995 ?


Từ nhận định : Quốc Gia và Cộng Sản là “ nguyên nhân gốc ” thứ nhất và thứ ba của cuộc chiến tranh và tị nạn 1945 – 1995, Lê Xuân Khoa đã chia sự hình thành của phe Quốc Gia làm hai thời đoạn :


– Thời đoạn thứ nhất từ “ ngày lập quốc ” đến cuộc khởi nghĩa thất bại năm 1916, vua Duy Tân bị Pháp bắt và cũng bị đi lưu đày ở đảo Réunion  (LXK sđd tr31 – 32).


– Thời đoạn thứ hai là sau khi vua Duy Tân bị lưu đày cho đến thập niên đầu thiên niên kỷ thứ ba, khi Lê Xuân Khoa ngồi viết sách và đặt vấn đề hòa giải Quốc Gia – Cộng Sản.

Ông đã lên danh sách phe Quốc Gia thời đoạn thứ hai như sau :


Những tổ chức Quốc Gia chống Pháp sau đó đều xuất phát từ giới trí thức được đào tạo dưới nền giáo dục Pháp, đáng kể nhất là Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) ở miền Bắc và hai giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo ở miền Nam cùng các nhóm chính trị và báo chí của một số trí thức du học ở Pháp về ” (LXK sđd tr32).

Độc giả có thể tìm thấy dấu tích của phe Quốc Gia trong tất cả các chương của cuốn sách (Việt Nam 1954 – 1995) nhưng tập trung nhất ở các chương 1 (Quốc Gia – Cộng Sản), chương 5 (Bài học Chín Năm), chương 7 (Sự Sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa), chương 10 (Sai lầm của Việt Nam Quốc Gia).

Mặc dù chủ đề nghiên cứu của chương 1 là Quốc Gia và Cộng Sản trong thời đoạn lịch sử từ 1925 đến 1945, nhưng thật khó để người đọc sách nắm bắt đầy đủ chân dung đích thực của phe Quốc Gia.

Ở chương này, tác giả chỉ tập trung vào một đảng cách mạng là Việt Nam Quốc Dân Đảng và một chính phủ được thành lập bởi một ý đồ nào đó của Phát xít Nhật (chính phủ Trần Trọng Kim), Lê Xuân Khoa không đề cập gì đến “ hai giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo cùng các nhóm chính trị của một số trí thức du học ở Pháp về ” như đã giới thiệu trong đoạn trích dẫn trên.

Lại nữa : Viết về Việt Nam Quốc Dân Đảng, Lê Xuân Khoa cũng chỉ viết kèm theo phần “ nghiên cứu về thủ phạm chính của cuộc xung đột Quốc – Cộng là sự hình thành và phát triển của đảng Cộng Sản Việt Nam theo sự chỉ đạo của Comintern và tài năng, mưu lược, thủ đoạn của Hồ Chí Minh ”. Lê Xuân Khoa đã mở đầu phần “ nghiên cứu ” về Việt Nam Quốc Dân Đảng như sau :


Trong thời gian này, VNQDĐ từ bên Việt Nam có tiếp xúc với VNTNCM tính phối hợp hoạt động nhưng không thành vì đường lối cách mạng không hợp nhau. VNQDĐ áp dụng Tam dân chủ nghĩa của Tôn Dật Tiên (dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc) nhưng không chấp nhận chủ trương đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác – Lê ” (sđd tr33).


Trong lúc đó VNQDĐ đang chuẩn bị khởi nghĩa Yên Báy…Thực hư ra sao, cuộc khởi nghĩa Yên Báy (10 – 15 tháng 2 năm 1930) đằng nào cũng thất bại vì lực lượng cách mạng còn yếu và tổ chức còn có quá nhiều khuyết điểm lớn. Đảng trưởng Nguyến Thái Học cùng mười hai đồng chí bị Pháp bắt được, kết án tử hình và đem lên máy chém ngày 17 tháng 6 năm 1930. Sau khi khởi nghĩa thất bại VNQDĐ vẫn còn cố gắng hoạt động dưới sự lãnh đạo của Lê Hữu Cảnh, Nguyễn thị Giang (tự tử ngay sau khi người yêu là Nguyễn Thái Học bị hành hình), Hoàng Đình Gị, Vũ Tiến Lữ, Vũ Vạt nhưng lần lược kẻ bị bắt giam, người bị giết, đến năm 1932 thì hầu hết các lãnh tụ còn lại đều phải trốn sang Trung Hoa ” (LXK sđd tr 34, 35).


Hai đoạn trích dẫn trên là toàn bộ những gì Lê Xuân Khoa viết về Việt Nam Quốc Dân Đảng từ cuộc khởi nghĩa Yên Báy thất bại trở về khởi thủy.

Theo tôi, viết về một đảng cách mạng như Việt Nam Quốc Dân Đảng, dù là tóm lược cũng không nên đơn giản đến như thế. Hơn thế nữa, trong trường hợp Lê Xuân Khoa muốn giới thiệu VNQDĐ như là một lực lượng nền tảng khởi đầu hình thành phe Quốc Gia thời đoạn “ từ sau cuộc khởi nghĩa năm 1916 thất bại, vua Duy Tân bị Pháp bắt và lưu đày…” đến khi kết thúc “ cuộc nội chiến Quốc – Cộng ” thì chẳng những ông đã mô tả tầm vóc của nó không đầy đủ và đánh giá không xứng đáng vị trí và sự tác động của nó trong thời đoạn lịch sử dân tộc chống đuổi thực dân Pháp, và ở mức độ nào đó ông đã vô tình làm giảm khí thế của phe Quốc Gia mà ông muốn chứng minh là lực lượng chính đối đầu với phe Cộng Sản trong các cuộc chiến tranh Đông Dương 1945 – 1975.


Theo tôi, để viết một cách nghiêm túc về một đảng cách mạng như Việt Nam Quốc Dân Đảng, cho dù là một tóm lược, nhất thiết nhà nghiên cứu phải cung cấp cho người đọc các thông tin tối thiểu sau đây :


– Thứ nhất là tình hình các mặt tại Việt Nam, Đông Dương, Á châu và quốc tế làm bối cảnh cho sự ra đời của hai đảng cách mạng là Quốc Dân Đảng và Cộng Sản Đảng.


– Thứ hai là sự hình thành, phát triển của Việt Nam Quốc Dân Đảng từ khởi đầu đến cuộc khởi nghĩa Yên Báy gồm tiểu sử các lãnh tụ, tư tưởng chủ đạo, điều lệ, cương lĩnh, đường lối, các thành phần xã hội tham gia, các tổ chức quần chúng hậu thuẫn, các địa bàn hoạt động, các thành tích đảng đã làm được trước khi phát động cuộc khởi nghĩa (Yên Báy). Cuộc khởi nghĩa đã diễn ra như thế nào, ở đâu, thực dân Pháp đã đối phó, đàn áp như thế nào. Khởi nghĩa đã kết thúc ra sao ? Tác động của cuộc khởi nghĩa Yên Báy với các phong trào yêu nước chống xâm lược Pháp ra sao ?


– Thứ ba tình hình nội bộ Quốc Dân Đảng sau khởi nghĩa Yên Báy thất bại ?


Lê Xuân Khoa đã không làm được như thế. Ông chỉ viết qua loa, phiến diện để rồi cuối cùng ông dành nhiều công sức hơn cho những nhận định về Việt Nam Quốc Đảng thời kỳ suy tàn không thể đứng vững một mình, phải chịu lưu vong, dựa vào Quốc Dân Đảng Trung Hoa và các tướng lãnh trong quân đội Tưởng Giới Thạch, và sau cùng phối hợp một cách bất đắc dĩ cùng các phe nhóm Quốc Gia khác ở quốc nội trong cuộc đương đầu trường kỳ với đảng Cộng Sản.


Sau Việt Nam Quốc Dân Đảng, Lê Xuân Khoa giới thiệu chính phủ Trần Trọng Kim như là một cơ cấu chính quyền Quốc Gia của một nước Việt Nam độc lập và thống nhất, cho dù chưa đầy đủ và toàn vẹn, cho dù chính phủ ấy được thành lập bởi Phát xít Nhật Bản (Lê Xuân Khoa không nói rõ ý đồ và mưu lược của Nhật Bản là gì ?), và hai nhân vật chóp bu của chính phủ này là Bảo Đại và Trần Trọng Kim đã hoàn toàn bất ngờ trước đề nghị của đại sứ (Nhật – Chu Sơn) Marc Masayuki Yokohama. Theo Lê Xuân Khoa cả hai ông (Bảo Đại và Trần Trọng Kim) đều muốn nhân cơ hội này để chứng tỏ với Nhật là người Việt Nam có đủ khả năng và tư cách quản lí một đất nước độc lập và thống nhất.


Lê Xuân Khoa phản đối nhận định của Việt Minh và nhiều nhà nghiên cứu phương Tây cho rằng chính phủ Trần Trọng Kim là chính phủ bù nhìn, và nền độc lập do người Nhật trao cho là bánh vẽ. Lê Xuân Khoa quên rằng (chương 1 – Việt Nam 1945 – 1995) chính ông đã nhận định về Nhật như sau :


Rõ ràng là đế quốc Nhật thời đó đã chỉ muốn sử dụng các lực lượng chống Pháp làm phương tiện nhất thời để đem quân vào chiếm đóng Đông Dương và sẵn sàng bỏ rơi tất cả khi đã đạt được mục tiêu ” (LXK sđd tr39).


Đương nhiên  “ thời đó ” (từ 1940) đế quốc Nhật muốn như thế và hành xử như thế với các “ lực lượng chống Pháp ”. Còn “ thời này ” (năm 1945), khi bỏ công của ra để thành lập chính phủ Trần Trọng Kim thì đế quốc Nhật muốn sử dụng chính phủ này vào công việc gì, có chân thành trao trả độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ cho Việt Nam không ? Người đọc sách chẳng thấy tác giả Lê Xuân Khoa trả lời những câu hỏi này.


Do vậy, “ sáu thành tích ” mà chính phủ Trần Trọng Kim thành đạt được trong một thời gian ngắn trước một tình thế khó khăn như Lê Xuân Khoa đã ghi nhận, theo tôi còn phải xem xét lại.


Lê Xuân Khoa cho rằng công đầu của chính phủ Trần Trọng Kim là : 


lấy lại được miền Nam và ba nhượng địa quan trọng ở miền Bắc, hoàn thành việc thống nhất đất nước ” (LXK sđd tr59).


Nếu công của chính phủ Trần Trọng Kim to lớn như thế, nhà nghiên cứu Lê Xuân Khoa đồng thời là công dân Việt Nam đã bỏ quên một ghi nhận quan trọng là cám ơn quân đội Thiên Hoàng đã có thiện chí và hành động cụ thể “ trao trả độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ cho dân tộc Việt Nam ”.


Và như thế câu hỏi : Mục đích của Nhật khi thành lập chính phủ Trần Trọng Kim đã được trả lời. Và như thế mục đích của quân đội Thiên Hoàng khi nhảy vào Đông Dương (1940) đã được biện chính. Và như thế “ đế quốc Nhật bản ” mà Lê Xuân Khoa đã quy kết là phản bội, là tráo trở, lật lọng …, đã trở thành ân nhân của các người Việt Nam Quốc Gia yêu nước và của cả dân tộc Việt Nam trong khối Đại Đông Á ?


Người đọc sách không tìm thấy một công trình nghiên cứu nào mô tả sự thật lịch sử Việt Nam giai đoạn 1940 – 1945 (Nhật vào Đông Dương) như thế. Ngay cả Lê Xuân Khoa cũng không có ghi nhận nào như thế.


Do vậy kết luận của Lê Xuân Khoa cho rằng :


chính phủ Trần Trọng Kim đã có công thu hồi Nam bộ và ba thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, hoàn thành việc thống nhất đất nước


là có vấn đề.


Theo Lê Xuân Khoa :


Ngày 3 tháng Bảy, chính phủ Kim thu hồi được ba thành phố nhượng địa, nhưng cuộc điều đình về Nam bộ không có kết quả


Ngày 1 tháng Tám, thủ tướng Kim phải đích thân từ kinh đô Huế ra Hà Nội gặp Tổng tư lệnh Tsuchihashi Yuitsu, không những yêu cầu trả ngay phần còn lại của lãnh thổ mà còn đòi luôn các công sở thuộc về phủ toàn quyền Pháp khi trước. Tất cả những đòi hỏi này đều được Tsuchihashi Yuitsu chấp thuận, và hai bên ấn định ngày trao trả Nam bộ là 8 tháng Tám ” (LXK sđd tr 54).


Tác giả Lê Xuân Khoa và người đọc sách của ông biết rằng ngày 14 tháng 8 Nhật đầu hàng Đồng Minh, vậy thì việc “ trao trả ”, “ thu hồi ” giữa hai nhân vật Tsuchihashi Yuitsu – Trần Trọng Kim (ngày 8 tháng Tám) chỉ là động thái của hai phía mua – bán vịt trời. Nhật còn gì để mà không trả. Và chính phủ Trần Trọng Kim có gì để mà nhận ? Bởi vì số phận của Đông Dương trong đó có Việt Nam đã được quyết định từ tháng Bảy năm 1945 tại Hội nghị Potsdam. Sự thật lịch sử này tác giả Lê Xuân Khoa cũng đã biết (LXK sđd – chương 2 – Những Yếu Tố Bên Ngoài, trang 75). Nhưng không hiểu vì sao Lê Xuân Khoa lại cưỡng từ đoạt lí đến như thế. Trong khi đó, chỉ trước hai câu trích dẫn trên một dấu chấm (.) Lê Xuân Khoa đã viết :


Mặc dù đã hứa hẹn cho Việt Nam độc lập, Nhật vẫn giữ lại ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng là nhượng địa dành cho Pháp và toàn thể Nam bộ là thuộc địa của Pháp ”.


Đương nhiên việc Nhật “ trả ” sớm hay muộn các vùng lãnh thổ là hoàn toàn tùy thuộc vào tình hình quốc tế lúc bấy giờ.


Giả định rằng thế chiến II kết thúc với sự thua trận của Đồng Minh thì liệu có chuyện Tsuchihashi Yuitsu “ trao trả ”… và Trần Trọng Kim “ thâu nhận ” không ?


Phải chăng chính phủ Trần Trọng Kim sau này (sau 7-4-1945) cũng như các lực lượng (Việt Nam Quốc Gia) chống Pháp trước đó cũng bị đế quốc Nhật sử dụng làm phương tiện và sẵn sàng bỏ rơi tất cả khi đã đạt được mục tiêu (nguyên văn của Lê Xuân Khoa) ? Có khác chăng : các lực lượng Quốc Gia chống Pháp thời đó được Nhật sử dụng “ nhất thời ”, còn chính phủ Trần Trọng Kim thì sẽ được Nhật sử dụng lâu dài ? Tất cả đều tùy thuộc vào mưu đồ của đế quốc Nhật. Phải không ? Một khi các chính phủ được thành lập và tồn tại theo ý đồ của đế quốc xâm lược mà nếu có ai đó phê phán là bù nhìn, là tay sai thì có gì là không phải ? Và nền độc lập mà đế quốc đó hứa hẹn cho bất cứ chính phủ nào chúng tạo dựng ra chẳng phải là bánh vẽ sao ?


Tác giả Lê Xuân Khoa cũng đã làm thêm một việc không đáng dài dòng là nâng giá cho chính phủ Trần Trọng Kim qua việc chính phủ này đã


từ chối yêu cầu Nhật bảo vệ ” “ khi được quân Nhật cho biết họ có trách nhiệm giữ trật tự cho đến khi quân Đồng Minh đến thay ”(LXK sđd tr 56).


Lê Xuân Khoa cho rằng hành động này là đúng đắn và thực tế vì quân Nhật không còn sức mạnh và quyền lực gì sau khi đã đầu hàng và chờ quân Đồng Minh đến, trong khi đó khí thế nhân dân như vũ bão, cao trào cách mạng do Việt Minh chuẩn bị từ trước được Đồng minh tiếp trợ và đang rầm rộ tiến lên.


Theo tôi, việc Nhật hứa hẹn bảo vệ chính phủ Trần Trọng Kim cũng như trước đó Nhật đã “ trao trả ba thành phố Hà nội, Hải phòng, Đà nẵng và Nam kỳ ”, tất cả đều là “ bán vịt trời ”. Còn việc Bảo Đại và Trần Trọng Kim quyết định giải tán chính phủ, trao quyền cho Việt Minh là chẳng đặng đừng. Bảo Đại và Trần Trọng Kim không thể đương đầu với cả dân tộc và Đồng Minh (mà họ nhận định rằng đã đứng sau lưng Việt Minh) .


Vả lại, Bảo Đại và Trần Trọng Kim không những bị áp lực từ bối cảnh lớn, mà còn bị sức ép từ bên trong. Nhiều bộ trưởng và nhân vật cấp cao của chính phủ này được Việt Minh “ sử dụng ” lại như Lê Xuân Khoa đã xác nhận, chẳng những chỉ vì chính sách đoàn kết mà còn vì họ đã liên lạc với Việt Minh từ trước. Chính phủ Trần Trọng Kim “ không phạm bất cứ sai lầm nào…, không thực hiện tinh thần phe nhóm…, theo nhận định của Lê Xuân Khoa, cũng vì lí do này, một phần. Việt Minh một mặt tố cáo chính phủ Trần Trọng Kim này nọ vì họ đứng về phía Đồng Minh chống Nhật, họ không thể tuyên truyền cho một chính phủ do Nhật tạo dựng ra, một mặt không trả thù và “ còn sử dụng nhiều bộ trưởng ” của chính phủ này vì họ (các bộ trưởng) đã ít nhiều quan hệ với Việt Minh từ trước.


Thiết nghĩ, không nên nâng giá chính phủ Trần Trọng Kim như Lê Xuân Khoa đã làm một cách dài dòng, thiếu chính xác, mà nên giới thiệu đầy đủ thành phần chính phủ ở trung ương và các đại diện ở địa phương, đặc biệt ở Bắc kỳ, và nên có một tiểu sử tóm lược của Trần Trọng Kim để qua đó người đọc sách có thể nắm bắt được lập trường chinh trị của ông, và cũng rất nên nghiên cứu đầy đủ đường lối giáo dục và các chương trình giáo khoa mà chính phủ này đã đề ra, đã soạn thảo và đã thực hành bước đầu dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Hoàng Xuân Hãn. Theo tôi, chắc chắn đây là công lao thật sự mà chính Trần Trọng Kim đã đóng góp từ nền tảng đến lâu dài cho nền giáo dục và văn hóa Việt Nam. Hành động tích cực của chính phủ Trần Trọng Kim đáng được ghi nhận là ân xá toàn thể các phạm nhân chính trị.

Tôi chia sẻ với Lê Xuân Khoa khi ông nhận định rằng chính phủ Trần Trọng Kim tập trung những trí thức khoa bảng, những nhà khoa học có tinh thần dân tộc (Lê Xuân Khoa dùng thuộc từ yêu nước), muốn đóng góp công sức của mình để xây dựng đất nước. Tuy nhiên, từ tinh thần dân tộc đến việc dấn thân vào con đường yêu nước trong tình thế lúc bấy giờ là cả một chặng đường dài, đòi hỏi các công dân có lòng căm thù giặc cao độ và khí phách đủ để sẵn sàng chấp nhận những hiểm nguy, gian khó, những hy sinh mất mát của bản thân và gia đình khi đối đầu với xâm lược, đồng thời trong tư cách là những nhà lãnh đạo, phải biết nhìn xa, trông rộng, biết vận động quốc tế, và đặc biệt biết được sức mạnh của nhân dân, biết vận động, tổ chức họ thành lực lượng cứu nước. Những đức tính, khả năng này cả Bảo Đại, Trần Trọng Kim và một số các nhân vật chủ chốt của chính phủ (Kim) không có. Do vậy, trong thời gian ngắn ngủi (4 tháng) chấp chánh dưới sự bảo trợ của Phát xít Nhật (Lê Xuân Khoa cho rằng chính phủ Kim trung lập với Nhật), họ không chủ động phạm những sai trái to lớn, nhưng cũng không tránh khỏi những yếu kém lầm lạc : Trở thành chỗ dựa chính trị cho sự hiện diện của phát xít Nhật trên bán đảo Đông Dương.

Lê Xuân Khoa đã gộp chung các yếu kém, sai lầm của Việt Nam Quốc Dân Đảng và chính phủ Trần Trọng Kim thành những yếu kém sai lầm chung của “ Việt Nam Quốc Gia ” thời đoạn 1925-1945 như sau :


Do sự suy yếu của Việt Nam Quốc Dân Đảng sau cuộc khởi nghĩa thất bại Yên Báy và tình trạng chia rẽ giữa các lãnh tụ lưu vong của đảng này tại Trung Hoa, đảng Cộng Sản Việt Nam là đoàn thể chính trị cách mạng có tổ chức qui củ và mạnh mẽ nhất dưới sự lãnh đạo và giúp đỡ của Comintern ” (LXK sđd tr35).


Lê Xuân Khoa dẫn chứng :


Tháng mười năm đó (1942 – Chu Sơn) tổng đốc Quảng Tây là tướng Phát Khuê triệu tập ở Liễu Châu một hội nghị của các tổ chức Quốc Gia Việt Nam lưu vong để thành lập một liên minh chống Pháp và Nhật. Kết quả là sự ra đời của Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội (VNCMĐMH) dưới sự lãnh đạo của một ban thường trực gồm những đảng viên kỳ cựu của Việt Nam Quốc Dân Đảng như Trương Bội Công, Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh.”


 “…Nhưng vì sự hiềm khích giữa các phe nhóm và đầu óc vị kỷ của những người lãnh đạo, VNCMDMH trở nên bất lực và mất uy tín rất nhanh ” (LXK sđd tr41).


“… Trong khi đó về phía các đảng Quốc Gia không thấy có hoạt động chuẩn bị nào đáng kể, nhà cầm quyền Việt Nam lúc đó là chính phủ Trần Trọng Kim mới hoạt động được mấy tháng và phải đương đầu với quá nhiều khó khăn nội bộ, đã không thể kiểm soát được tình hình sau khi Nhật mau chóng đầu hàng Đồng Minh. Các đảng phái Quốc Gia cũng không có kế hoạch gì ngoại trừ hội họp và bất đồng ý kiến với nhau về vấn đề nên hay không nên cướp chính quyền hoặc tổ chức vội vã những cuộc biểu tình chống Pháp kêu gọi toàn dân đoàn kết như tổ chức Mặt Trận Đại Việt Quốc Gia Liên Minh, hay nhóm Phụng sự Quốc Gia ” (LXK sđd tr 47, 48).


“…hầu hết các lãnh tụ chính trị và trí thức ở trong nước (phe Quốc Gia – Chu Sơn) đều muốn dựa vào thế lực của Nhật để loại trừ Pháp ra khỏi Đông Dương ” (LXK sđd tr 49).


Trên đường tới Hà Nội, họ (Quân Tàu Tưởng – Chu Sơn) tước khí giới của dân quân Việt Minh ở những địa phương mà họ đi qua và giao quyền kiểm soát những nơi này cho các đảng Quốc Gia Việt Nam lúc đó chia làm hai phe : Việt Nam Quốc Dân Đảng (Vũ Hồng Khanh), Đại Việt (Nguyễn Tường Tam) theo Lư Hán, và Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội (Nguyễn Hải Thần) theo Tiêu Văn ” (LXK sđd tr 61).


Bởi vậy khi theo đoàn quân Quốc Dân Đảng Trung Hoa trở về nước năm 1945, hai đảng Quốc Gia này đã tin tưởng có thể giành được chính quyền và cương quyết không chịu hợp tác với Việt Minh. Tuy nhiên do những nhược điểm về tổ chức và lãnh đạo và cũng do áp lực của các tướng lãnh Trung Hoa, cả hai đảng rốt cuộc vẫn phải chấp nhận tham gia vào chính phủ Liên Hiệp và quốc hội của Việt Minh. Trong cuộc tranh chấp quyền hành với Việt Minh, các đảng phái Quốc Gia hiểu biết rất rõ khả năng và kế hoạch nguy hiểm của đối thủ nhưng không có điều kiện và phương tiện để đối phó ” (LXK sđd tr 71, 72).


Ngoài ra. Việt Nam Quốc Dân Đảng, và Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội là những đoàn thể cách mạng lưu vong ở Trung Hoa đã lâu và không có cơ sở hoạt động trong nước, do đó không có hậu thuẫn của nhân dân. Riêng việc đi theo quân Tàu về để giành lấy chính quyền đã là một bất lợi về chính trị rất lớn cho hai đảng này… ”


Tổ chức chính trị đáng kể nhất hoạt động ở trong nước lúc bấy giờ là đảng Đại Việt lại chia làm hai ba nhóm không có thực lực để tiếp tay cho hai đảng Quốc Gia từ hải ngoại. Tất cả những đảng phái này mặc dù hợp tác với nhau để đối phó với đảng Cộng Sản vẫn có những tị hiềm giữa cá nhân các lãnh tụ, vì vậy không có được một bộ máy chỉ đạo nhất trí và có kỷ luật như Mặt trận Việt Minh. Chính vì sự chia rẽ giữa các lãnh tụ mà Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội đã gần như tan rã khi còn ở Liễu Châu, Trung Quốc, để cho Hồ Chí Minh có cơ hội được Trương Phát Khuê giao cho tổ chức lại Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội và có cơ hội củng cố lực lượng Việt Minh ở trong nước ” (LXK Sđd tr72).


“ …Tuy nhiên chính cái đặc tính tự do và đa nguyên (nhưng thiếu dân chủ) của những tổ chức cách mạng không Cộng Sản đã khiến các lãnh tụ không thể kết hợp thành một lực lượng có khả năng đối phó với đảng Cộng Sản về cơ sở lí thuyết và phương pháp hành động. Các lãnh tụ của hai đảng nòng cốt hồi đó là Việt Nam Quốc Dân Đảng và Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội đều ở Trung Hoa quá lâu, khả năng và tầm nhìn chính trị rất giới hạn và lệ thuộc vào Trung Quốc, nên khi cơ hội đến tay thì chỉ biết trông cậy vào sự giúp đỡ của đám tướng lãnh tham nhũng Tiêu Văn và Lư Hán ”.


Một thí dụ điển hình là Nguyễn Hải Thần, người được Quốc Dân Đảng Trung Hoa giúp đỡ cho về nước để lãnh đạo một nước Việt Nam không Cộng Sản. Mọi người Việt Nam yêu nước năm 1945 đều thất vọng đối với nhà cách mạng lão thành này qua hình ảnh một ông già không nói rành tiếng Việt và bị đồn là hút thuốc phiện ” (LXK sđd trang 73).


Trên đại thể, những nhận định của Lê Xuân Khoa về “ Việt Nam Quốc Gia ” đến thời điểm 1945 qua những trích dẫn trên là một nỗ lực đúng đắn. Nhưng một câu trong các đoạn trích dẫn đó làm tôi nhớ lại một câu khác có ý nghĩa hoàn toàn trái ngược mà ông đã viết ở trang tóm lược mở đầu phần Một (Những Nguyên Nhân Gốc của Tị Nạn). Tôi xin ghi chép lại cả hai câu mà theo tôi là trái ngược đó : (tôi đánh dấu câu 1 và câu 2).

Câu 1 :


“…Cuộc chiến thứ nhất là kháng chiến chống Pháp và chống Quốc Gia Việt Nam do Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (tức mặt trận Việt Minh) lãnh đạo ” (LXK sđd tr29).


Câu 2 :


Tuy nhiên chính cái đặc tính tự do và đa nguyên (nhưng thiếu dân chủ) của những tổ chức cách mạng không Cộng Sản đã khiến các lãnh tụ không thể kết hợp thành một lực lượng có khả năng đối phó với đảng Cộng Sản về cơ sở lí thuyết và phương pháp hành động ” (LXK sđd tr 73).


Như thế, ở câu 1, Lê Xuân Khoa cho người đọc thấy có một Quốc Gia Việt Nam tồn tại như một lực lượng đánh nhau với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (tức Mặt Trận Việt Minh). Ở câu 2 Lê Xuân Khoa cho người đọc thấy không có một Việt Nam Quốc Gia “ kết hợp thành một lực lượng có đủ khả năng đối phó với đảng Cộng Sản về cơ sở lí thuyết và phương pháp hành động ”.


Chỉ có một chủ thể “ Việt Nam Quốc Gia ” hay (Quốc Gia Việt Nam), mà khi này, Lê Xuân Khoa bảo là có, khi kia, Lê Xuân Khoa bảo là không có.


Lê Xuân Khoa có thể phản bác lại : khi này và khi kia là hai thời điểm. Khi này là từ 1945 trở về trước, còn khi kia là từ 1945 trở về sau. Khi này là xung đột Quốc Gia – Cộng Sản. Khi kia là Quốc Gia Viêt Nam đánh nhau với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (tức Mặt Trận Việt Minh).


Vậy thì thưa giáo sư Lê Xuân Khoa cái gọi là Quốc Gia Việt Nam, nó xuất hiện trong cuộc kháng chiến chống Pháp từ bao giờ, do ai chủ trương thành lập, nuôi dưỡng, nó phát triển và tồn tại ra sao ?


Lê Xuân Khoa trả lời :


Chỉ vài tháng sau khi “trả lời cho bạo lực”, đầu năm 1947 Pháp nhận thấy không thể hoàn tất quyết định quân sự một cách nhanh chóng được ” (LXK sđd tr 88). Pháp thay đổi d’Argenlieu bằng Emile Bollaert làm Cao ủy Đông Dương và “ bắt đầu nghĩ tới giải pháp Bảo Đại ”, làm ngơ trước những kêu gọi khẩn thiết của Hồ Chí Minh : thương thảo hòa bình ” (LXK sđd tr88).


Thì ra, do không thể tái chiếm Đông Dương bằng bạo lực quân sự, thực dân Pháp nghĩ tới giải pháp Bảo Đại. Từ giải pháp Bảo Đại, thực dân Pháp đã đẻ ra cái gọi là Quốc Gia Việt Nam để hoàn tất cuộc tái chiếm thuộc địa.


Trước 1945, vì mục đích chống Pháp và xây dựng một đất nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, người Việt Nam Quốc Gia sau cuộc khởi nghĩa Yên Báy đã theo Tàu Tưởng (Việt Nam Quốc Dân Đảng), đến lúc thế chiến II nổ ra, theo Nhật (đảng Đại Việt, các giáo phái và chính phủ Trần Trọng Kim, Ngô Đình Diệm), để rồi, sau 1945 theo Pháp chống Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (tức Mặt trận Việt Minh). Lê Xuân Khoa đã viết về lịch sử Quốc Gia Việt Nam theo một tiến trình như thế. Và giai đoạn hai của tiến trình đó có thể tóm lược như sau :


Bảo Đại sau khi thoái vị, nhận làm Cố vấn tối cao cho chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, cư trú và làm việc tại Hà Nội. Đến tháng Ba 1946, theo đề nghị của Hồ Chí Minh, ông cầm đầu một phái đoàn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đi Trùng Khánh thăm ngoại giao chính phủ Tưởng Giới Thạch. Xong nhiệm vụ, phái đoàn về nước, không hiểu vì lí do gì Bảo Đại ở lại, bắt đầu thời kỳ lưu vong tại Hồng Kông và trở thành nhân vật chính của một giải pháp được nghĩ tới bởi Cao ủy Pháp tại Đông Dương gọi là giải pháp Bảo Đại.


Lê Xuân Khoa viết tiếp :


Bollaert phái Coussean từ tòa lãnh sự Pháp ở Hồng Kông tới thăm dò ý kiến Bảo Đại vào đầu tháng Sáu ” (1947 – Chu Sơn) (LXK sđdtr 89).


Đến thời điểm này,


Hồ Chí Minh còn tiếp tục vớt vát cơ hội ngưng chiến cho đến cuối năm 1948, nhất là sau khi Bảo Đại nhận (với Pháp – Chu Sơn) làm Quốc trưởng, thành lập chính phủ Nguyễn Văn Xuân, chứng kiến việc ký kết thỏa ước Bollaert – Xuân  tại vịnh Hạ Long ngày 5 tháng Sáu 1948 và sau đó kí thỏa ước Vincent Auriol – Bảo Đại… ngày 8 tháng Ba 1949 ”. (LXK sđd tr 91).


Ngày 24 tháng Tư năm 1949 Bảo Đại về nước, ngày 1 tháng 7 năm 1949 chính thức trở thành Quốc trưởng đứng đầu Quốc Gia Việt Nam cho đến khi bị Ngô Đình Diệm truất phế (26.10. 1955). Lê Xuân Khoa bình luận về Quốc Gia Việt Nam như sau :


Quốc Gia Việt Nam trong hơn bảy năm dưới quyền lãnh đạo của Bảo Đại (5-6-1948 – 26-10-1955) đã thay đổi chính phủ đến mười lần (ba lần với Trần Văn Hữu, hai lần với Nguyễn Văn Tâm). Thành tích của các chính phủ trong thời gian bảy năm này chỉ là một chuỗi những cuộc tranh giành quyền lực giữa các phe phái chính trị, tôn giáo phức tạp, không có hậu thuẫn của nhân dân do đó không có trọng lượng để đòi Pháp tôn trọng lời hứa và thực hiện những điều cam kết, phần lớn những người chủ chốt lại là những người thân Pháp, không phải là những người quyết tâm đấu tranh cho độc lập và tự do của dân tộc ” (LXK sđd tr 210).


Như thế là Quốc Gia Việt Nam và Quốc trưởng Bảo Đại chấm dứt vai trò khi chiến tranh Pháp – Việt kết thúc với Hiệp đinh Genève mà theo Lê Xuân Khoa là được ký kết giữa Pháp và Việt Minh (VNDCCH), không bảo đảm một nền hòa bình lâu dài, để rồi :


Cuộc chiến tranh Quốc – Cộng lập tức được chuẩn bị theo chiều hướng là miền Bắc quyết thống nhất dưới quyền kiểm soát của đảng Cộng Sản và miền Nam quyết tâm bảo vệ lãnh thổ chống lại mọi hoạt động xâm lược của miền Bắc. Trung Quốc và Liên Xô viện trợ cho Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trong khi Hoa Kỳ cho Việt Nam Cộng Hòa và trực tiếp tham chiến từ 1965 sau những cuộc khủng hoảng lãnh đạo liên tiếp ở miền Nam ” (LXK sđd tr 272).


Qua đoạn trích dẫn này, Lê Xuân Khoa cho độc giả thấy tình hình Việt Nam nói chung, và miền Nam nói riêng từ sau Hiệp định Genève đến 1965. Đó là thời kỳ xảy ra nội chiến lồng trong khung cảnh chiến tranh ủy nhiệm. Nhận định của Lê Xuân Khoa qua hai câu trên đúng sai thế nào sẽ thảo luận sau. Lâm thời chúng ta chấp nhận nhận định của ông rằng là có một cuộc nội chiến giữa  hai phe Quốc Gia và Cộng Sản “ lập tức ” bắt đầu từ sau Genève. Nhưng độc giả của Lê Xuân Khoa rất khó để nhận biết chân dung của phe Quốc Gia là một trong hai phe của cuộc nội chiến đó. Lê Xuân Khoa bắt độc giả theo dõi “ Sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa ” trước (Chương7), tiếp theo là những chỉ dẫn lịch sử ông dành cho Hoa Kỳ (chương 8), cho Việt Nam Cộng Sản (chương 9), cuối cùng mới là vóc dáng lờ mờ của phe Quốc Gia và các chính quyền của phe đó từ Ngô Đình Diệm đến Nguyễn Văn Thiệu trong chương cuối của cuốn sách với tựa đề  “ Những sai lầm của Việt Nam Quốc Gia ”. Đây là một tiến trình lịch sử bất thường.


Thông thường trước khi cuộc đấu võ đài bắt đầu, người xem được ban tổ chức giới thiệu tên tuổi và thành tích thi đấu của các đấu sĩ.


Nhà tường thuật Lê Xuân Khoa đã không làm như vậy trong cuộc đấu võ đài Quốc – Cộng  lần thứ hai.


Ông đã làm ngược lại. Ông “ tường trình ” cuộc đấu và bình luận trước, khi võ đài kết thúc, ông mới giới thiệu các đấu sĩ Việt Nam Quốc Gia.


Không hiểu vì lí do gì trước khi giới thiệu Ngô Đình Diệm, lãnh tụ Quốc Gia, người khai sinh ra nền Đệ nhất Cộng Hòa, Lê Xuân Khoa viết 11 trang rưỡi (410 – 421) về những yếu kém, khuyết tật của Việt Nam Quốc Gia từ Quốc trưởng Bảo Đại trở về trước. Tại sao Lê Xuân Khoa không đưa 11 trang rưỡi này “ về phía Quốc Gia ” trong Bài Học Chín Năm ở chương 5 để độc giả có những hiểu biết đầy đủ và tập trung hơn về những yếu kém, khuyết điểm của Bảo Đại và “ mười chính phủ do ông lãnh đạo ”, cùng những đảng phái, phe nhóm Quốc Gia trước đó ?


Phải chăng ông muốn làm nổi bật tài năng, công lao, đức độ của Ngô Đình Diệm, người thừa hưởng gia tài rách nát do những đồng nghiệp Quốc Gia tiền nhiệm để lại ? Thủ pháp này trong sáng tác văn học nghệ thuật gọi là “ vẽ mây nẩy trăng ”.


Tôi nghĩ rằng Lê Xuân Khoa dùng nó trong nghiên cứu lịch sử e rằng không thích hợp.


Sau 11 trang rưỡi kiểm điểm những phe nhóm và nhân vật “ Việt Nam Quốc Gia ” tiền nhiệm, Lê Xuân Khoa viết về chế độ và người kế nhiệm như sau :


Thời Đệ nhất Cộng Hòa, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã có công lấy lại được nền độc lập thật sự cho miền Nam Việt Nam, dẹp tan được các cuộc nổi loạn của Bình Xuyên và đem lại tình trạng ổn định chính trị  và xã hội cho dân chúng. Ông đã tạo dựng được cơ sở cho một chế độ dân chủ với triển vọng làm cho vùng lãnh thổ phía nam vĩ tuyến 17 trở nên phồn thịnh và tự do. So với chế độ cộng sản ở miền Bắc, chế độ dân chủ ở miền Nam có triển vọng trở thành tương tự như tình trạng giữa Tây Đức và Đông Đức hay Nam Hàn và Bắc Hàn ” (LXK sđd trang 410 – 411).


Đây là một nhận định chung cuộc. Cũng như các chương phần trước, Lê Xuân Khoa đã sử dụng thủ pháp mà tôi gọi là ngoắt ngoéo : Viết mấy dòng nhận định như là kết luận trước khi viết nhiều trang giải trình có nội dung trái ngược.


Về Ngô Đình Diệm, Lê Xuân Khoa vừa viết tiểu sử vừa viết bình luận một cách tùy tiện nên rất khó tóm lược.


Theo Lê Xuân Khoa thì :


Ngô Đình Diệm (1901-1963) là nhân vật có nhiều đức tính đáng khâm phục nhưng cũng có những nhược điểm lớn trong vai trò một nhà lãnh đạo chính trị. Ông là con thứ tư trong một gia đình chín anh chị em mà bốn người đã bị giết vì lý do chính trị. Thân phụ là Ngô Đình Khả làm thượng thư bộ Lễ trong triều đình Thành Thái, nhà vua Việt Nam bị Pháp lưu đày sang đảo Réunion năm 1916 cùng hoàng tử kế vị là vua Duy Tân vì cả hai đều mưu đồ chống Pháp ” (LXK sđd tr422).


Ngô Đình Diệm học rất giỏi, làm luận văn tiếng Pháp ở trường Quốc Học được chấm hạng nhì… Sau khi đậu thành chung, ông về nhà học thêm tiếng La tinh và chữ Nho, hai năm sau 18 tuổi, được mời vào dạy trường Quốc Tử Giám.


Năm 20 tuổi thi và được nhận vào trường Hậu bổ tức là trường đào tạo quan chức. Ba năm sau ông đậu thủ khoa trong số hai mươi người tốt nghiệp (23 tuổi – Chu Sơn), đi tập sự trong hai năm thì được cử làm tri huyện Hải Lăng (25 tuổi – Chu Sơn).


Năm 1929, mới 28 tuổi, ông được bổ làm tuần phủ Phan Thiết. Ông Diệm làm quan nổi tiếng thanh liêm, cương trực, được nhiều người kính phục.


Năm 1932 khi Bảo Đại về nước… chính thức cầm quyền dưới chế độ Bảo hộ của Pháp, Ngô Đình Diệm được bổ làm thượng thư. Chỉ ba tháng sau ông từ chức vì…”


Sau khi từ chức thượng thư, ông lui về sống cuộc đời ẩn dật nhưng vẫn ngấm ngầm ủng hộ các hoạt động chống Pháp của Hoàng thân Cường Để từ bên Nhật. Trong thời gian này ông liên lạc với các chính trị gia nước ngoài trong lập trường thân Nhật. Bị Pháp lùng bắt, trốn vào nhà người Nhật là viên chức tòa lãnh sự Nhật tại Huế… Nhật đưa ông vào Sài Gòn.


Tháng 3 – 1945, Nhật đảo chánh Pháp. Bảo Đại và Trần Trọng Kim được Nhật ủng hộ thành lập chính phủ. Cường Để, và Ngô Đình Diệm bị bỏ quên.


Nhật đầu hàng (14-8-1945). Ngô Đình Diệm bị Việt Minh bắt. Hồ Chí Minh mời hợp tác, từ chối, được thả.


Năm 1949, sau khi hiệp định Elysée ký kết, Ngô Đình Diệm từ chối hợp tác với Bảo Đại. Cùng anh là giám mục Ngô Đình Thục và em là Ngô Đình Nhu thành lập đảng Xã Hội Thiên Chúa Giáo bắt đầu tìm kiếm sự giúp đỡ của Hoa Kỳ.


Năm 1950 cùng giám mục Ngô Đình Thục sang Nhật bắt liên lạc với Douglas MacArthur. Bị từ chối. Bắt liên lạc với Wesley Fishel, một điệp viên Mỹ đang dạy học ở Nhật, Fishel giới thiệu đi Mỹ. Tìm gặp, nhờ Eisenhower hỗ trợ, không thành công. Giám mục Ngô Đình Thục tìm gặp Hồng y Spellman. Spellman nhận giúp đỡ. Năm 1951, Ngô Đình Diệm cùng Ngô Đình Thục đi Roma, Pháp, Bỉ, sau đó Ngô Đình Diệm trở lại Mỹ. Qua giới thiệu của hồng y Spellman, Ngô Đình Diệm gặp các nhân vật trong chính phủ và quốc hội Mỹ. Được dân biểu Walter H Judd, các thượng nghị sĩ Mike Mansfieid và John F. Kennedy nhiệt tình ủng hộ. Trong các thời đoạn ở Mỹ, ông ngụ tại chủng viện Maryknoll ở Ossinming, New York, sau dời sang Lakewood New Jersey.

Tháng 5 năm 1953, Ngô Đình Diệm sang Bỉ, được linh mục chống cộng Raymond de Jaegher nhận làm cố vấn. Tại Bỉ ông ngụ ở nhà dòng Raymond de Jaegher.

Cho đến khi “hiệp ước Laniel – Bửu Lộc được ký kết ngày 4 tháng 6 năm 1954 công nhận Việt Nam hoàn toàn độc lập” ông Diệm mới thấy có điều kiện thuận lợi. Ngày 16 tháng Sáu, ông nhận lời Bảo Đại đứng ra thành lập chính phủ. Ngày 7 tháng Bảy, Ngô Đình Diệm chính thức cầm quyền ” (Tóm lược các trang từ 420 – 426, LXK sách đã dẫn).


Như thế là suốt năm năm (1950-1954) với sự đưa đường chỉ lối của bào huynh là giám mục Ngô Đình Thục và Hồng y Spellman, Ngô Đình Diệm đã được Mỹ, Pháp và nhà thờ Thiên Chúa giáo chấp nhận làm thủ lĩnh canh giữ miền Nam Việt Nam là tiền đồn của Thế giới Tự do và nền văn minh Ki Tô giáo. (Sau khi quyết định nhả cho Cộng Sản một nửa Việt Nam phía Bắc – từ vĩ tuyến 17).


Trong thời gian diễn ra Hội Nghị Genève, với sự thỏa thuận, sắp xếp giữa Mỹ và Pháp :


Ngô Đình Diệm nhận lời yêu cầu của Bảo Đại thành lập chính phủ với điều kiện trao toàn quyền chính trị và quân sự. Ngày 7 tháng Bảy (song thất) Ngô Đình Diệm chính thức cầm quyền với nội các 18 người ” (LXK sđd tr 426).


Mười tám người trong chính phủ Quốc Gia do Ngô Đình Diệm làm thủ tướng đa phần là người của Diệm. Nhưng phe Quốc Gia trong thời kỳ chuyển tiếp từ Pháp qua Mỹ vốn là “ những phe nhóm chính trị và tôn giáo phức tạp ” (như Lê Xuân Khoa nhận định trong Bài Học Chín Năm) cần phải sắp xếp lại. Phe nào nhóm nào thân Pháp thì sẽ đi với Pháp, phe nào nhóm nào thân Mỹ thì sẽ đi với Mỹ. Cuộc bàn giao Pháp – Mỹ  giữa những người Quốc Gia thời kỳ đầu Ngô Đình Diệm làm thủ tướng không thể không khó khăn và phức tạp (cái khó khăn phức tạp trong nội bộ những người Quốc Gia và Thế giới Tự do với nhau), bởi tương quan lực lượng trong các phe nhóm (Quốc Gia) lúc đầu còn nghiêng về phía Pháp : binh lính, viên chức do Pháp trực tiếp đào tạo, trả lương và chỉ huy, đặc biệt, Nam Kỳ vốn là thuộc địa – quyền lợi và tay chân của Pháp còn nhiều, lại là địa bàn của các giáo phái mà Pháp đã lũng đoạn từ lâu (Bình Xuyên, Cao Đài, Hòa Hảo), cho nên đã xảy ra các cuộc tranh chấp giữa phe Ngô Đình Diệm – Thiên Chúa Giáo – Cần Lao và phe Bình Xuyên cùng các giáo phái, đảng phái Quốc Gia khác. Trong tư cách là ông chủ mới của miền Nam và của thế giới Tự Do, Hoa Kỳ đã đóng vai trò quyết định trong các cuộc tranh chấp này. Lê Xuân Khoa đã viết ở trang 427 như sau :


Do sự mua chuộc các giáo phái của Hoa Kỳ, chưa đầy hai tháng sau ngày thành lập chính phủ, ông Diệm đã phải cải tổ chính phủ với sự tham gia của một số đại diện của Cao Đài và Hòa Hảo ”.


Đến trang 428 ông viết tiếp :


Chính phủ Diệm chỉ có thể tồn tại nhờ áp lực của Hoa Kỳ đối với Pháp và Bảo Đại mặc dù chính Đặc sứ J. Lawton Collins cũng muốn thay thế Ngô Đình Diệm ”.


Chẳng phải Hoa Kỳ chỉ muốn thay ngựa trong những ngày tháng đầu, mà trong suốt chín năm Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng chính phủ Quốc Gia rồi Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa (là hoàn toàn độc lập, như nhận định của Lê Xuân Khoa), Mỹ đã muốn thay thế, lật đổ ông quá nhiều lần, cho đến khi chịu không được con ngựa bất kham thì giết bỏ ông bằng cuộc đảo chánh 1.11.1963.


Sau đây là những bằng chứng Lê Xuân Khoa đã nêu (bằng trích dẫn hay viết) :

1/ “ Ngay trước khi Ngô Đình Diệm dẹp được các phe nhóm nổi loạn, Tổng thống Eisenhower và ngoại trưởng Dulles đã đồng ý với đại sứ J.Lawton Collins là cần phải thay thế chính phủ Diệm ”  (LXK sđd tr319).

2/ “ Tình trạng bất ổn tiếp tục vì Pháp không ngừng vận động Hoa kỳ thay thế Diệm ” (LXK sđd tr 428).

3/  “ Ngày 1 tháng Tư Collins đề nghị với Washington cho tiến hành kế hoạch thay thế Diệm ” (LXK sđd tr429)

4/ “ Ngày 20 tháng Tư Collins trở về Washington để thuyết phục thay thế Diệm bằng Phan Huy Quát hay Trần Văn Đỗ ” (LXK sđd tr. 429).

5/ “ Sau khi gặp Collins ngày 27 tháng 4, Dulles đồng ý gửi điện cho sứ quán Mỹ ở Sài Gòn tiến hành kế hoạch thay thế Diệm ” (LXK sđd tr 429).

6/ “ Dulles chỉ thị cho sứ quán ở Sài Gòn hủy bỏ công điện thay thế Diệm ” (LXK sđd tr 430).

7/ “ Thật ra, chúng ta (Mỹ - Chu Sơn) từ lâu nay đã nói với người Pháp là chúng ta sẵn sàng xem xét việc thay thế Diệm nếu họ có thể kiếm được người. Họ vẫn chưa làm được việc ấy… ” (LXK sđd trang 430).

8/ “ Chiều hôm qua, chúng tôi ở bộ ngoại giao đã gởi đi một loạt công điện phức tạp phác thảo những phương cách thay thế Diệm và chính phủ của ông. Tuy nhiên, vì những biến chuyển và vụ bùng nổ tối hôm qua, chúng tôi đã chỉ thị cho nhân viên sứ quán ở Sài Gòn hoãn thi hành kế hoạch thay Diệm ” (LXK sđd tr 431).


9/ “ Vì thế chúng ta đang chờ xem kết quả trước khi tính đến việc quyết định ông Quát hay ông Đỗ sẽ là người thay thế ” (LXK sđd tr.431).

10/ “ Một số tác giả cho rằng Hoa Kỳ vội vã bỏ ý định thay thế Ngô Đình Diệm vì thấy ông đánh thắng được Bình Xuyên ” (LXK sđd tr.430).

11/ “…hai giới hạn chính yếu đã đem lại một tình trạng khiến tướng Collins phải kết luận là chúng ta cần phải thay thế Diệm ” (LXK sđd tr430).

12/ “ Đại sứ Durbrow báo cáo tình trạng bi quan và cho rằng cần phải thay đổi lãnh đạo trong tương lai ” (LXK sđd tr.439).

13/ “ Tuy nhiên, tín hiệu đó lại càng khiến cho Mỹ mau chóng lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm ” (LXK sdd trang 452).

14/ Người hài lòng nhất về cuộc đảo chánh “ vẫn là Đại sứ Cabot Lodge. Ông là người chủ trương thay thế Diệm từ trước khi sang Việt Nam làm đại sứ ” (LXK sđd tr456).

15/ “ Trò chơi đã bắt đầu. Chúng ta (Mỹ - Chu Sơn) bị đẩy vào một tiến trình không thể trở lui là lật đổ chính phủ Diệm ” (LXK sđd tr.456).

16/ “…cú đảo chánh đã không thể nào xảy ra nếu không có sự chuẩn bị của chúng ta ” (LXK sđd tr457).

17/ “ Theo McCone, Giám đốc CIA hồi đó, Kennedy vẫn nhấn mạnh trong các phiên họp là không thể đối xử với ông Diệm cách nào tệ hơn là lưu đày, nhưng thật khó mà tin là ông không biết được rằng khi Hoa Kỳ cho phép (các tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa – Chu Sơn) làm đảo chánh thì có thể sẽ phải có giết chóc ” (LXK sđd tr.455).

Thay thế Diệm, lật đổ Diệm, đảo chánh Diệm, lưu đày Diệm và cuối cùng giết Diệm là những toan tính và hành động của Hoa Kỳ (cùng với Pháp trong thời kỳ đầu – sau Genève) trước tình hình miền Nam mà họ làm chủ sau khi tiếp nhận bàn giao từ phía Pháp. Lê Xuân Khoa đã theo dõi các chuyển biến liên quan đến vận mệnh của Ngô Đình Diệm khá đầy đủ qua những tài liệu ông có được. Những tài liệu này chứng tỏ Ngô Đình Diệm nghĩ gì, làm gì cũng không được ở ngoài những toan tính, sách lược, chiến lược của Hoa Kỳ về vấn đề Việt Nam và miền Nam. Vậy thì Lê Xuân Khoa đã căn cứ vào đâu để kết luận :


Ngô Đình Diệm đã có công…, có công…, có công …” như mấy câu ông viết ở  cuối trang 410 và đầu trang 411 mà tôi đã trích dẫn  trên.


Một đằng Lê Xuân Khoa kết luận :


Ngô Đình Diệm đã có công lấy lại độc lập hoàn toàn cho miền Nam “từ tay người Pháp” ”.


Một đằng Lê Xuân Khoa chứng minh Hoa Kỳ đã “ áp lực với Bảo Đại và Pháp để bảo đảm sự tồn tại của chính phủ Diệm trong giai đoạn đầu ” (trích dẫn số 2 ở trên – LXK sđd tr.428), và bàn thảo với Pháp về việc tìm người thay Diệm thời kỳ sau (trích dẫn số 8 ở trên – LXK sđd tr430).

Thậm chí, trước đó Lê Xuân Khoa đã xác quyết rằng Pháp đã trao trả độc lập hoàn toàn cho Việt Nam từ hiệp ước 4-6 ký kết giữa Laniel và Bửu Lộc.


Nhưng ở cuối trang 274 và đầu trang 275 Lê Xuân Khoa lại viết nguyên văn như sau :


Việc Quốc Gia Việt Nam giành được chủ quyền từ tay người Pháp là sự kiện riêng biệt không bị ràng buộc bởi bản thỏa hiệp giữa Pháp và Việt Minh ”  (tr274).


Tuy nhiên Quốc Gia Việt Nam không bị ràng buộc bởi điều kiện này vì Pháp đã công nhận Quốc Gia Việt Nam hoàn toàn độc lập trong hiệp ước Laniel – Bửu Lộc ký tại Paris  ngày 4 tháng Sáu năm 1954 ” (tr 275).


Cùng một thực thể là Quốc Gia Việt Nam mà :


– Khi thì Lê Xuân Khoa khẳng định;: Pháp đã trả …, và Bửu Lộc (thủ tướng của Bảo Đại) đã nhận…. (Nếu sự thật là như thế thì việc : “ lấy lại độc lập hoàn toàn cho miền Nam ” là công của Bảo Đại chứ đâu phải là công của Ngô Đình Diệm ?)


– Khi thì Lê Xuân Khoa kết luận : Ngô Đình Diệm đã có công lấy lại


– Khi thì Lê Xuân Khoa chứng minh : Hoa Kỳ đã áp lực trong tất cả các biến cố của miền Nam từ 1954 trở về sau, đặc biệt là thân phận của Ngô Đình Diệm.


Chỉ một thực thể (Miền Nam) mà có đến ba Lê Xuân Khoa cùng một lúc đưa ra ba nhận định khác nhau, thì làm sao có được một giáo sư học giả khách quan và chân thật, để cho : “cái gì của César thì trả lại cho César” như ông đã tự xưng và tự hứa khi viết Lời Mở Đầu ? (LXK sđd trang 7).


Có phải Ngô Đình Diệm đã có công to lớn “ trong việc dẹp tan được Bình Xuyên và đem lại tình trạng ổn định chính trị và xã hội cho dân chúng ”, như nhận định của Lê Xuân Khoa không ?


Tôi không thấy quân sử Việt Nam Cộng Hòa đánh giá sự cố Bình Xuyên là một chiến công to lớn. Có lẽ sử gia Việt Nam Cộng Hòa cho rằng đây chỉ là một cuộc lục đục nội bộ giữa những người Quốc Gia với nhau, trong khi nhiệm vụ chính của Việt Nam Cộng Hòa là chống Cộng và xây dựng miền Nam thành một quốc gia riêng biệt.


Theo tôi, việc “ Ngô Đình Diệm dẹp tan được Bình Xuyên ” chỉ là kết quả trắc nghiệm của ông chủ Mỹ, giống như cuộc thử việc của một ứng viên dự tuyển trước ban giám đốc doanh nghiệp.


Chính Lê Xuân Khoa đã cho biết : ngoài Ngô Đình Diệm, Mỹ còn có những ứng viên dự bị như Phan Quang Đán, Phan Huy Quát hay Trần Văn Đỗ (LXK sđdtr 424 và tr 429). Và cũng chính Lê Xuân Khoa đã viết nguyên văn ở trang 428, như đã trích dẫn ở trên, xin trích dẫn lại :


Chính phủ Diệm chỉ tồn tại nhờ áp lực của Hoa Kỳ đối với Pháp và Bảo Đại mặc dù chính đặc sứ J.Lawton Collins muốn thay thế Diệm ” (LXK sđd trang 428).


Do vậy, việc Ngô Đình Diệm thắng… trong bối cảnh và điều kiện ông chủ mới Hoa Kỳ đang “tiếp quản” miền Nam từ tay đồng minh Pháp, và việc Bình Xuyên thua… trong tình thế ông chủ cũ Pháp bị bắt buộc (bởi hiệp định Genève và áp lực của Hoa Kỳ) phải “thoái quản”, thì chẳng lấy gì làm vinh quang hay nhục nhã cho lắm.


Ngoài việc “dẹp tan Bình Xuyên,” theo Lê Xuân Khoa, Mỹ và Ngô Đình Diệm cùng nhau giải quyết dứt điểm vấn đề Cao Đài, Hòa Hảo : Ngô Đình Diệm thì tấn công quân sự (với sự bày mưu tính kế của CIA và vũ khí Mỹ), và Mỹ thì tấn công bằng đồng dollar và các áp lực chính trị với Pháp và đám tay sai hết thời của Pháp (LXKsđd các trang 427- 431)


Sau khi giải quyết xong vấn đề giáo phái, theo Lê Xuân Khoa, Mỹ cử Reinhardt làm đại sứ thay thế Collins, Pháp rút tướng Ely về, đưa Jacquot lên thay (LXK sđd tr.432). Lê Xuân Khoa không bình luận gì về sự thay đổi nhân sự này của Mỹ và Pháp. Tại sao vậy ??? Ông chỉ cho biết hai sự kiện quan trọng :

– Một là : Ngô Đình Diệm đã bác bỏ lời yêu cầu của Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng về vấn đề hiệp thương - tổng tuyển cử.

– Hai là : Ngô Đình Diệm đẩy mạnh công cuộc chống Bảo Đại bằng cuộc trưng cầu dân ý “ để cho dân chúng miền Nam chọn lựa theo Bảo Đại hay Ngô Đình Diệm ” (nguyên văn). Kết quả là Bảo Đại thua, Ngô Đình Diệm thắng và trở thành Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa ngày 26 tháng 10 năm 1956.

Bình luận về cuộc đời và sự nghiệp của Ngô Đình Diệm, Lê Xuân Khoa đúc kết bằng hai câu sau :


Ngô Đình Diệm là nhân vật có nhiều đức tính đáng khâm phục nhưng cũng có những khuyết nhược điểm lớn trong vai trò của một lãnh đạo chính trị ” (LXK sđ dtr 422).

Mặc dù nổi tiếng là người có lý tưởng, liêm khiết và can đảm, Ngô Đình Diệm đã phạm nhiều sai lầm trong hơn tám năm cầm quyền ở miền Nam ” (LXK sđd tr 432).

Về mặt tích cực của Ngô Đình Diệm, Lê Xuân Khoa mở rộng tối đa bằng một câu khác ở trang 434 :


Ông cương quyết đòi lại nền độc lập cho Quốc Gia và thành thật mong muốn đem lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân và làm cho miền Nam trở nên giàu mạnh, hơn hẳn chế độ Cộng sản ở miền Bắc.”


Về việc “ Ông cương quyết đòi lại nền độc lập cho Quốc Gia ” thực hư như thế nào, tôi đã bàn ở trên.


Còn việc ông có “ thành thật mong muốn đem lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân và làm cho miền Nam trở nên giàu mạnh ” hay không thì phải soát xét lại những chủ trương, sách lược và những hành động cụ thể của Ngô Đình Diệm trong suốt những năm ông cầm quyền.


Đến phần trình bày “ những khuyết nhược điểm lớn ”, “ những sai lầm ” của Ngô Đình Diệm, Lê Xuân Khoa viết :


Tuy nhiên, khi Ngô Đình Diệm làm chủ được tình hình chính trị và quân sự ở miền Nam thì ông lại bắt đầu thiết lập chế độ độc tài gia đình trị ” (LXK sđd tr.434).


Chỉ câu này thôi, Lê Xuân Khoa đã hoàn toàn mâu thuẫn với nhận định tổng quát về người đứng đầu Việt Nam Cộng Hòa ông vừa nêu trên. Bởi một khi Ngô Đình Diệm bắt đầu thiết lập chế độ độc tài gia đình trị thì dù muốn thế nào ông cũng không thể đem lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân và làm cho miền Nam trở nên giàu mạnh được.


Theo Lê Xuân Khoa, Ngô Đình Diệm đã kết hợp quan niệm trị nước : “ dân chi phụ mẫu ” (cha mẹ của dân) của đạo Khổng và sứ mệnh thiêng liêng “ được Chúa trao cho ” để hành xử vai trò của một Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa. Ông đã viết :


Trên nền tảng tinh thần đó, ông không chấp nhận những quan điểm khác biệt, và không tha thứ ai làm trái ý ông. Ngày 15-1-1956 (đúng 01 năm, 21 ngày sau khi Ngô Đình Diệm về nước, 7-7- 1956 -- Chu Sơn) ông giải tán Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng để loại trừ những người có công với ông trong việc lật đổ Bảo Đại nhưng cũng là những lãnh tụ chính trị độc lập như Nguyễn Bảo Toàn, Hồ Hán Sơn và Nhị Lang ” (LXK sđd tr334).


Như thế, theo Lê Xuân Khoa, không chỉ có Bình Xuyên, Cao Đài, Hòa Hảo, Đại Việt, Quốc Dân Đảng, Bảo Đại phong kiến và tay sai thực dân Pháp, không chỉ những cá nhân, phe nhóm quốc gia khác bất đồng chính kiến, không chỉ Cộng Sản Việt Minh kháng chiến mới bị ông Ngô Đình Diệm loại trừ. Ngô Đình Diệm còn loại trừ những chính khách trung lập, và cuối cùng loại trừ đến cả những người đã từng ủng hộ và có công đưa ông lên làm Tổng Thống. Bởi những người đó không răm rắp vâng lời, tuân phục ông.


Lê Xuân Khoa tuần tự cung cấp cho độc giả những thông tin về công cuộc độc tài gia đình trị của Ngô Đình Diệm như sau :


Ngày 23 tháng Mười, một cuộc Trưng cầu Dân ý được tổ chức để dân chúng miền Nam lựa chọn theo Bảo Đại hay Ngô Đình Diệm. Khi đó Bảo Đại đã trở lại thân Pháp và đang ủng hộ Bình Xuyên, do đó chắc chắn là ông phải thất bại vì đã mất hết tín nhiệm trong dân chúng. Tuy nhiên ban tổ chức trưng cầu dân ý đã sắp xếp cho việc thắng cử của Ngô Đình Diệm quá bảo đảm đến độ ông được tới 98,2 phần trăm phiếu trong khi Bảo Đại chỉ được 1,1 phần trăm. Bằng chứng gian lận lộ liễu nhất là ở nhiều nơi số phiếu ủng hộ ông Diệm nhiều hơn số cử tri. Chẳng hạn riêng vùng Sài Gòn – Chợ Lớn có 450.000 cử tri ghi danh mà số phiếu bầu lên tới 605.025 ” (LXK sđd tr.432).


Ngày 4 tháng Ba, 1956, quốc hội lập hiến được bầu gồm 123 dân biểu mà hầu hết là người của chính phủ hay thân chính phủ ” (LXK sđd tr 434).


Ngày 26 tháng 10 năm 1956 hiến pháp được ban hành bao gồm đầy đủ mọi quyền tự do căn bản của dân chúng như bất cứ một nước dân chủ nào của phương Tây, nhưng thực tế có nhiều hạn chế và vi phạm ” (LXK sđd tr.435).


Ngày 29 tháng Năm, 1958, ban hành luật Bảo Vệ Gia Đình ”..


Tháng sáu, 1962, luật Bảo vệ Luân Lý được ban hành.”


.                                                      (LXK sđd trang 435)


Lê Xuân Khoa không chỉ rõ luật này do ai ban hành (Quốc hội hay Tổng thống ?). Ông chỉ nói đó là hai đạo luật khắt khe và đều do bà Ngô Đình Nhu soạn thảo.


Về Luật Gia Đình, theo nhận xét của linh mục Trần Tam Tỉnh : gần giống các điều khoản trong giáo luật (LM Trần Tam Tỉnh – Thập Giá và Lưỡi Gươm).


Ngày 16 tháng 5 (năm?) Tổng thống ban hành sắc lệnh 10/62 hạn chế tự do cá nhân, quy định mọi cuộc hội họp, dù là sum họp gia đình cũng phải có giấy phép của cảnh sát địa phương ” (LXK sđd tr435).


Tháng Giêng 1956, Tổng thống ký sắc lệnh 6/56 cho phép cơ quan an ninh bắt giữ bất cứ người nào có hành động phương hại đến an ninh quốc gia ” (LXK sđd tr 435).

Tháng Năm 1959 có đạo luật 10/59 thiết lập tòa án quân sự lưu động để gia tăng hiệu lực ngăn chặn những hoạt động khủng bố của Cộng Sản ” (Đặt Cộng Sản ra ngoài vòng pháp luật – Chu Sơn)  (LXK sđd tr436).

“ Tháng Năm 1962 Tổng thống ra sắc lệnh 11/62 thiết lập Tòa án Quân sự Mặt trận tại ba vùng chiến thuật với thẩm quyền kết án chung thân mà người bị kết tội không được phép kháng cáo. Tất cả các văn kiện pháp lý này đều có lý do chung là ngăn ngừa, trừng trị những hành động phá hoại của Cộng sản. Nhưng thực tế cũng nhắm vào những thành phần đối lập không Cộng sản ” (LXK sđd trang 436)

Đối với các đảng phái Quốc Gia có khả năng trở thành đối thủ trong cuộc tranh giành quyền lực thì những cuộc thanh trừng đã được chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện từ đầu năm 1955, trước khi dẹp yên loạn quân Bình Xuyên và các nhóm tôn giáo đối lập. Ở miền Trung, tháng Ba (1955 – Chu Sơn) Ngô Đình Cẩn đã dẹp xong các mật khu của Đại Việt ở Ba Lòng (Quảng Trị) và Phú Yên. Các hệ phái Quốc Dân Đảng ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kutum và nhiều tỉnh khác đều bị tiêu diệt trong thời gian này ”. (LXK sđd tr437).

Từ những cơ sở bí mật, các phong trào đấu tranh chính trị được phát động, đặc biệt là phong trào Hòa bình Sài gòn – Chợ lớn và phong trào đòi lập lại quan hệ bình thường Nam – Bắc. Từ giữa năm 1955, chính phủ Ngô Đình Diệm phát động chiến dịch “tố cộng” mãnh liệt trên toàn miền Nam, để loại trừ mọi hoạt động Cộng sản hay thân cộng. Miền Bắc ghi nhận con số cán bộ bị bắt hay bị giết rất cao ”.

Chỉ trong bốn năm (1955 – 1958) 9/10 cán bộ đảng viên ở miền Nam đã bị tổn thất. Riêng Nam bộ, chỉ còn khoảng 5.000 so với 60.000 đảng viên trước đó. Ở đồng bằng liên khu V có khoảng 40% tỉnh ủy viên, 60% huyện ủy viên, 70% chi ủy viên bị địch bắt giết hại, 12 huyện không còn cơ sở đảng. Ở Quảng Trị chỉ còn 176 trên 8400 đảng viên trước đó ” (LXK sđd tr278)

Trong những ngày đầu của chính quyền Ngô Đình Diệm, các chiến dịch tố cộng, diệt cộng đã truy lùng và trừng phạt không những cán bộ Cộng sản nằm vùng mà cả những người đi theo Việt Minh chống Pháp mặc dù họ không phải là đảng viên Cộng sản. Cuối năm 1958 có tin 1.000 người bị giết ở trại tập trung Phú Lợi. Tác giả Bùi Tín nhắc lại những biện pháp hãi hùng đối với những nạn nhân của chiến dịch tố công :

… Các chiến dịch tố cộng, diệt cộng, với sắc lệnh 10/59 đưa máy chém khắp các vùng để trừng trị các lực lượng Cộng sản đang ẩn náu trong dân,


... ở đồng bằng sông Cửu Long, khu 5, bắt vợ con của những người “Cộng sản” (thật ra phần lớn chưa hoặc không Cộng sản, chỉ là những người kháng chiến chống thực dân Pháp) từ bỏ những người chồng đã đi tập kết, những người kháng chiến cũ, gia đình họ bị quản thúc, kiểm soát gắt gao… ”  (LXK sđd tr437).


Khi thành lập chính phủ cũng như trong những lần cải tổ nội các, Ngô Đình Diệm đều không muốn có sự tham dự của Phan Huy Quát, một lãnh tụ Đại Việt được Hoa Kỳ tin cậy


Trong cuộc bầu cử Quốc Hội Lập Hiến tháng ba năm 1956, ứng cử viên đối lập Phan Quang Đán đắc cử nhưng không được công nhận vì “gian lận”. “ Năm 1959 ông Đán ra tranh cử lần nữa, trúng cử với đa số phiếu, nhưng vẫn bị loại vì “phạm luật bầu cử” ” (LXK sđd tr437).

Ngoài chính sách độc tài gia đình trị, chính phủ Diệm còn phạm nhiều sai lầm trong việc hoạch định và thi hành các chương trình tranh thủ nhân dân chống cộng ” (LXK sđd tr444).

Trước hết là cải cách điền địa (1956). Tiếp đến là chương trình thiết lập các Khu Trù Mật (1959), cuối cùng là chương trình Ấp Chiến Lược ” (LXK sđd tr 444-448).


Theo Lê Xuân Khoa các chính sách và chương trình ấy về chủ trương là đúng, là ôn hòa, là tốt đẹp nhưng kết quả lại không có lợi cho nông dân, gây nhiều phiền nhiễu, khó khăn cho đời sống của người dân ở nông thôn, Việt Cộng lợi dụng để phản tuyên truyền, làm suy giảm khả năng chiến đấu, bảo vệ dân chúng của quân đội ở những vùng do chính phủ kiểm soát.

Với đường lối, sách lược của chính quyền độc tài gia đình trị như vậy nên đã dẫn tới những toan tính, những phản ứng của Mỹ, của các chính khách, của hầu hết tướng lĩnh trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa và các thành phần, bộ phận quần chúng nhân dân ngoài Công giáo, để rồi cuối cùng kết thúc bằng cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm.


Theo trình tự thời gian, Lê Xuân Khoa đã liệt kê một số sự kiện như sau :

– Về phía Mỹ : Từ khi Ngô Đình Diệm bắt đầu cầm quyền đến khi bị đảo chính, Hoa Kỳ đã chuyển dịch từ thái độ thăm dò, hoài nghi đến tin tưởng, phong ông như người hùng, lãnh tụ tầm cỡ của châu Á và Thế giới. Chẳng bao lâu sau lại lo lắng, khuyên can, hù dọa ông, rất nhiều lần toan tính thay thế ông, cuối cùng thì thất vọng, phẫn nộ và dứt khoát loại trừ ông.

– Về phía người Việt Nam Quốc Gia, theo Lê Xuân Khoa (tôi tóm thuật – Chu Sơn) :


Ngày 15-3-1958, Nghiêm Xuân Thiện, cựu Tổng trấn Bắc phần, trên tờ tuần báo Thời Luận do ông làm chủ nhiệm đã đăng bức thư ngỏ : Gửi Dân Biểu của tôi. Bức thư có nội dung cảnh báo những sai phạm của chế độ Ngô Đình Diệm, đề nghị thay đổi.


Thời Luận và chủ nhiệm bị đưa ra tòa. Báo bị đóng cửa vì tội phỉ báng chính quyền. Nghiêm Xuân Thiện bị phạt mười tháng tù giam ” (LXK sđd trang 437- 438).


Ngày 26 tháng Tư năm 1960, mười tám nhân vật danh tiếng họp báo ở khách sạn Caravelle, công bố Bản Tuyên Cáo gởi Tổng thống Ngô Đình Diệm. Bản Tuyên Cáo tố giác những “vụ bắt bớ, giam cầm và xử án phi pháp…, kêu gọi chính phủ Diệm khẩn trương thay đổi chính sách, ban hành các quyền tự do dân chủ…Bản Tuyên Cáo không được chính phủ Diệm quan tâm ” (LXK sđd trang 438).

Ngày 11-11-1960 Đại tá Nguyễn Chánh Thi và Trung tá Vương Văn Đông cầm đầu cuộc đảo chính nhằm cảnh cáo Diệm. Cuộc đảo chính có sự ủng hộ của một số chính trị gia chống Diệm như Hoàng Cơ Thụy, Phan Quang Đán, Phan Khắc Sửu. Mỹ bày tỏ thái độ trung lập và khuyến khích hai bên thương lượng. Diệm hứa thay đổi chính phủ nhưng lật lọng. Nguyễn Chánh Thi, Vương văn Đông và đồng sự bỏ trốn ” (LXK sđd tr439).

Ngày 27-2- 1962  hai phi công Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc lái máy bay từ Biên Hòa về Sài Gòn tấn công dinh Độc Lập, Diệm –  Nhu thoát chết ” (LXK sđd tr440).

Từ tháng Tư trở đi, một chuỗi biến cố giữa chính quyền và Phật giáo dẫn đến cuộc đảo chính ngày 1 tháng Mười Một ” (1963 – Chu Sơn) (LXK sđd các trang 449, 450, 452, 453, 454, 455, 456, 457) :

Ngày 6-5 phủ Tổng thống ra lệnh không cho treo cờ Phật giáo ngoài khuôn viên các chùa ”.

Ngày 8-5 Thượng tọa Trí Quang thuyết pháp, sau đó khoảng 3.000 Phật tử xuống đường biểu tình… Phó tỉnh trưởng Đặng Sĩ cho lệnh cảnh sát và quân đội giải tán đám biểu tình khiến 8 người chết và 15 người bị thương ” (LXK sđd trang449).

Ngày 11-6 Thượng tọa Thích Quảng Đức tự thiêu ở Sài Gòn ”  (LXK sđd trang 450).

Ngày 7-7 nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, một lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại Việt Dân Chính uống thuốc độc tự tử để phản đối chính phủ đưa ông ra tòa án Quân sự Mặt trận để xét xử cùng với những người liên quan đến vụ đảo chính hụt gần ba năm trước (11-11-1960) ” (LXK sđd tr450).

Trần Kim Tuyến (giám đốc sở nghiên cứu chính trị phủ Tổng thống, cơ quan mật vụ được CIA tài trợ để kiểm soát các phần tử chống đối chính phủ) âm mưu đảo chính. Cùng chủ mưu trong vụ này là Đại tá Phạm Ngọc Thảo, Tổng thanh tra Ấp Chiến Lược… ”  (LXK sđd tr.450)


Đêm 21-8 Ngô Đình Nhu điều động lực lượng đặc biệt tấn công chùa Xá Lợi bắt đi hàng trăm tăng ni, trong đó có hai nhà lãnh đạo giáo hội Phật giáo là Hòa thượng Thích Tịnh Khiết và Thượng tọa Thích Tâm Châu ” (LXK sđd tr 451).

Khi biết là quan hệ với Washington có thể phải đoạn tuyệt, hai ông Nhu và Diệm muốn thương lượng với Hà Nội qua trung gian của một số nhà ngoại giao và nhà báo Úc Wilfred Burchett… Điều kiện của Hà Nội đưa ra là sẽ bàn thảo mọi vấn đề nếu không có Mỹ. Qua đó ông Nhu cũng muốn gởi một tín hiệu cảnh báo Hoa Kỳ rằng hậu quả của việc ngưng ủng hộ Ngô Đình Diệm sẽ là một chính phủ Trung lập đòi Mỹ rút khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, tín hiệu đó lại càng khiến cho Mỹ muốn mau chóng lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm. Kết quả là cả hai ông Nhu Diệm đã bị hạ sát trong cuộc đảo chính ngày 1 tháng 11 ” (LXK sđd tr 452).


Lê Xuân Khoa kết thúc “ Những khuyết nhược điểm lớn ”, “ những sai lầm ” của Ngô Đình Diệm, và bình luận về lòng yêu nước, về cái chết không đáng của ông ta như sau :


Mặc dù sai lầm vì chính sách độc tài và tinh thần gia đình trị, ông Diệm không phạm những tội ác đối với dân tộc và đất nước để có thể bị giết chết một cách tàn nhẫn sau khi đã gọi cho những người cầm đầu đảo chính đến bắt mình. Không ai có thể phủ nhận ông là người nhiệt thành yêu nước và ngay cả khi chủ tịch Hồ Chí Minh kẻ thù chính trị của ông, cũng đã bày tỏ thái độ kính trọng lòng yêu nước và tinh thần can đảm của ông ” (LXK sđd tr 453).


Tôi không đồng ý với Lê Xuân Khoa những nhận định này. Cũng như trước đó tôi đã không đồng ý với ông rằng : “ Ngô Đình Diệm nổi tiếng là người có lý tưởng, liêm khiết và can đảm ”.

Tôi trình bày suy nghĩ của tôi về mấy vấn đề sau :

– 1/ Ngô Đình Diệm có phải “ là người yêu nước, có lý tưởng, liêm khiết và can đảm ” không ?

Như Lê Xuân Khoa đã nhận định và tôi đã trích dẫn ở trên : “ Khi Ngô Đình Diệm đã làm chủ được tình hình chính trị và quân sự ở miền Nam (cuối năm 1955) thì ông lại bắt đầu thiết lập chế độ độc tài gia đình trị ”.


Tôi nghĩ tình hình này cũng gần giống như sau năm 1975, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ vừa kết thúc, đảng Cộng Sản liền áp đặt nhân dân và đất nước dưới ách độc tài đảng trị.


Khi một gia đình hay một đảng gom hết mọi quyền lực, tài nguyên đất nước và vận mệnh dân tộc vào tay mình, đặt ách thống trị lên tuyệt đại đa số quần chúng nhân dân thì gia đình đó, đảng đó chẳng có lý tưởng, liêm sỉ và can đảm gì cả. Suy nghĩ của tôi là như thế.

Lê Xuân Khoa có thể phản bác lại: Nhưng dù sao nền độc tài gia đình trị của Ngô Đình Diệm cũng dễ thở hơn độc tài Cộng Sản. Tôi đồng ý với Lê Xuân Khoa như thế. Nhưng giả định rằng : nếu không có Mỹ ở trên đầu và Cộng Sản ở bên hông thì liệu nền độc tài gia đình trị của Ngô Đình Diệm có còn dễ thở nữa không ? Chính Lê Xuân Khoa đã cung cấp cho tôi bằng chứng để tôi khẳng định quan điểm của mình. Lê Xuân Khoa cho rằng : “ Ngô Đình Diệm đã kết hợp quan niệm trị nước “ dân chi phụ mẫu ” của đạo Khổng và sứ mệnh thiêng liêng được Chúa trao cho để hành xử vai trò của một Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa ”. Lê Xuân Khoa để ra 34 trang để kiểm điểm những “ khuyết nhược điểm lớn và những sai lầm ” của Ngô Đinh Diệm mà tôi đã tóm lược ở trên.

Sau đây tôi căn cứ vào nhận định tổng quát và những dẫn chứng cụ thể ấy của Lê Xuân Khoa, cùng những thông tin tôi nắm bắt được bằng trải nghiệm cá nhân và bằng những tài liệu khác để có những nhận định của chính mình : Khi người đứng đầu một nước mà quan niệm như thế về chính trị thì chắc chắn chế độ Cộng Hòa mà ông ta rêu rao chỉ là bánh vẽ, và cái mà ông ta thực hiện chắc chắn sẽ là chế độ độc tài phong kiến lỗi thời giả danh Nho giáo kết hợp với tính chất của một nhà nước Thiên Chúa Giáo thời Trung cổ ở châu Âu, và về mặt bạo lực gian ác, tráo trở, chắc chắn chẳng khác gì một nhà nước Cộng Sản trong hiện tại.

Trong khi Ngô Đình Diệm tố cáo Cộng Sản là độc tài đảng trị thì ông thực hiện độc tài gia đình – Cần Lao – Thiên Chúa giáo trị. (LXK sđd –  chương 10, Hoàng Linh Đỗ Mậu  : Việt Nam máu lửa quê hương tôi).

Trong khi Ngô Đình Diệm tố cáo Thực – Cộng cấu kết chia hai đất nước thì ông chủ trương miền Nam là một quốc gia riêng biệt. (Hoàng Linh Đỗ Mậu : Việt Nam máu lửa quê hương tôi).

Trong khi Ngô Đình Diệm tố cáo miền Bắc là công cụ của chủ nghĩa quốc tế, tay sai Nga – Tàu, thì ông tiêu diệt các phe phái quốc gia khác để gia đình mình độc quyền nhận sự bảo trợ của Mỹ nhằm biến miền Nam thành một quốc gia Thiên Chúa giáo, một tiền đồn của “Thế giới Tự do”. (Linh mục Trần Tam Tỉnh : Thập giá và Lưỡi gươm).

Trong khi Ngô Đình Diệm hô hào đả đảo thực dân cũ (Pháp), thì ông đã chạy vạy để được nhận làm đồng minh, công cụ và tù nhân của thực dân mới Hoa Kỳ (LM Trần Tam Tỉnh sđd).

Trong khi Ngô Đình Diệm tố cáo đảng Cộng Sản miền Bắc xâm lược miền Nam thì ông hô hào Bắc tiến.

Trong khi Ngô Đình Diệm tố cáo đảng Cộng Sản đã làm nên tội ác “Cải Cách Ruộng Đất” thì ông tiến hành các chiến dịch tố Cộng, diệt Cộng giết chóc và tù đày gần trăm ngàn cán bộ kháng chiến là đảng viên hay không đảng viên (cựu kháng chiến chống Pháp) cùng gia đình của họ, kể cả gia đình của những người đi tập kết. (Hoàng Linh Đỗ Mậu sđd, Lê Xuân Khoa sđd)

Trong khi Ngô Đình Diệm từ chối không nói chuyện với miền Bắc về vấn đề tổng tuyển cử vì lí do “nhân dân miền Bắc không được tự do bầu cử trong chế độ độc tài Cộng Sản”, thì ông lên ngôi Tổng thống bằng cuộc trưng cầu dân ý độc diễn và tự gian lận với chính mình. (LXK sđd chương10).

Trong khi Ngô Đình Diệm tố cáo Cộng Sản vô thần thì ông thực hiện sách lược tự do tín ngưỡng nhưng chỉ với Thiên Chúa Giáo mà gia đình ông là đại diện. (Linh Mục Trần Tam Tỉnh sđd).

Trong khi Ngô Đình Diệm hô hào Bài Phong thì ông thiết lập một nhà nước chẳng khác nào một triều đình phong kiến. Ông bắt nhân dân miền Nam suy tôn ông từng ngày trong các cuộc hội họp, trong các rạp chiếu bóng, và trong các trường học. Ông để cho Ngô Đình Cẩn trở thành lãnh chúa miền Trung. Ông tôn Ngô Đinh Nhu làm cố vấn tối cao phụ trách các vấn đề chính trị an ninh và tình báo. Ông nuông chiều Trần Lệ Xuân (vợ Ngô Đình Nhu), để em dâu ông mặc sức hoành hành trong vai trò đệ nhất phu nhân, khuynh loát quốc hội, chính phủ, với tay tới bất cứ lãnh vực nào sinh lợi ở miền Nam (miền Trung đã chia cho Ngô Đình Cẩn). Ông giao “phần hồn” của nhân dân miền Nam cho Ngô Đình Thục để ông Tổng Giám mục này hành xử như một Thái Thượng Hoàng đứng đầu một trung tâm quyền lực trần gian khác bên cạnh phủ Tổng thống ở Sài Gòn và dinh lãnh chúa miền Trung. (Hoàng Linh Đỗ Mậu sđd).

Trong khi Ngô Đình Diệm rêu rao về một Việt Nam Cộng Hòa độc lập, tự do, dân chủ thì ông cai trị bằng những sắc luật, bằng bộ máy cảnh sát mật vụ dày đặc với máy chém và hệ thống nhà tù, khu trù mật, ấp chiến lược trên khắp miền Nam. Ông lấy giáo hội giáo dân Thiên Chúa giáo làm hậu thuẫn. Ông biến các bộ phận quần chúng nhân dân khác thành đối tượng chuyên chế của chỉ gia đình ông. (Hoàng Linh Đỗ Mậu sđd, LM Trần Tam Tỉnh sđd).

Nói và làm như thế, nên sau chín năm cầm quyền dưới sự bảo trợ ngày càng khập khiễng của đồng minh Hoa Kỳ, Ngô Đình Diệm đã trở thành :

– Một “ lãnh tụ yêu nước, anh minh ”, đồng thời là ân nhân của dưới 10 % dân chúng là tín đồ đạo Thiên Chúa – nạn nhân của tham vọng biến miền Nam thành một nước Công giáo toàn tòng. Một tiền đồn của thế giới Tự Do (Linh Mục Trần Tam Tỉnh sđd).

– Một ông chủ, một đồng chí phản trắc, vong ân bội nghĩa của các chính khách, tướng lĩnh, những người đã từng công kênh, ủng hộ và có công đưa lên làm người đứng đầu phe Quốc Gia sau khi truất phế Bảo Đại phong kiến. (Hoàng Linh Đỗ Mậu sđd).

– Một ông vua phong kiến trá hình, một kẻ hai mặt, tàn ác, dối trá, lật lọng đối với hơn 90 % dân chúng còn lại – trong đó có một bộ phận không nhỏ những người đã lầm tưởng ông là ngọn cờ sáng giá của lý tưởng Cộng Hòa có khả năng đưa đất nước thoát khỏi tàn tích thực dân phong kiến và hiểm họa Cộng Sản. (Hoàng Linh Đỗ Mậu sđd).

– Một công cụ ruỗng mục cần phải dẹp bỏ đối với Mỹ – ông chủ mới của miền Nam. Lý do là Ngô Đình Diệm và những người trong gia đình ông đã làm phá sản, ung thối ý đồ sách lược chống Cộng của Mỹ tại Việt Nam và Đông Nam Á lại còn làm động tác giả : giao tiếp với miền Bắc để thương lượng về tình hình đất nước. (Hoàng Linh Đỗ Mậu sđd).

Mỹ muốn giết bỏ ông. Các tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa muốn trừ diệt ông. 90 % dân chúng miền Nam muốn thoát khỏi chế độ độc tài gia đình trị. Dưới 10 % dân chúng là tín đồ Thiên Chúa giáo được lãnh đạo bởi giáo hội Công giáo Việt Nam thoát thai và chịu sự điều hướng từ các giáo hội Thiên Chúa giáo Quốc tế không cứu được anh em nhà ông. Cuộc đảo chánh 1.11.1963 đã diễn ra trong bối cảnh như thế.

Các từ yêu nước, lý tưởng, liêm khiết và can đảm mà Lê Xuân Khoa và một bộ phận người Việt Nam (dưới 10 % là tín đồ Thiên chúa giáo) dành cho Ngô Đình Diệm hoàn toàn không chính xác đối với tất cả những người miền Nam còn lại, 90 % người miền Nam này muốn giết bỏ hoặc muốn thoát khỏi sự cai trị độc tài của gia đình ông. Giá trị lịch sử thông thường là tương đối. Trong trường hợp này nó gần như tuyệt đối. Nó đạt tỉ lệ 90/100. Ông Lê Xuân Khoa không nên lấy lời nhắn gửi ngoại giao của chủ tịch Hồ Chí Minh qua Ranchundur Goburdhun (Chủ tịch Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến) để bảo chứng cho lòng yêu nước của Ngô Đình Diệm (LXK sđd tr453). Bởi chủ tịch Hồ Chí Minh chắc chắn không nói như thế khi kêu gọi thanh niên và nhân dân cả nước đứng lên chống Mỹ, lật Diệm. Chống Pháp, chống Mỹ để đem lại quyền lực cho nhân dân, đem lại hòa bình, thống nhất cho đất nước và đoàn kết hòa hợp dân tộc, ấm no hạnh phúc cho mọi người mới là yêu nước. Nhưng làm quan “thanh liêm” mà mau lên chức trong chế độ thuộc địa (trong vòng tám năm mà từ tri huyện được thăng đến thượng thư, trong khi những người khác phải mất đến hai ba mươi năm), từ chức thượng thư vì không đươc ông chủ Pháp ban cho nhiều quyền lực, đến khi chạy vạy để được ông chủ Mỹ ban cho nhiều quyền lực thì độc tài gia đình – Thiên Chúa giáo trị… thì chẳng yêu nước và lý tưởng gì cả, mà chỉ yêu bản thân, gia đình và tôn giáo mình.

Cũng như đảng Cộng Sản ngày nay, đất nước và nhân dân đối với gia đình họ Ngô chỉ là phương tiện, là chiêu bài. Lừa gạt nhân dân (nói là Cộng hòa, mà làm thì gia đình và Thiên chúa giáo trị), phản bội người đã giúp đở ủng hộ mình, dùa (lùa) hết của cải của thiên hạ cho anh em nhà mình mà liêm khiết sao ? Bầu cử độc diễn và gian lận mà liêm sỉ và can đảm sao ?


Tâm địa của gia đình Ngô Đình Diệm trước năm 1963 hoàn toàn giống tâm địa đảng Cộng sản từ 1975 đến tận ngày nay.



2/ Ngô Đình Diệm có phạm những tội ác đối với dân tộc không ?



Lê Xuân Khoa đã dành gần 40 trang trong cuốn sách của ông để viết về chính sách Cải Cách Ruộng Đất trên miền Bắc từ cuối năm 1953 đến giữa năm 1956. Theo ông, đây là tội ác to lớn mà đảng Cộng Sản đã phạm phải đối với dân tộc Việt Nam. Tôi chia sẻ với Lê Xuân Khoa trong một số nhận định của ông về vấn đề này. Nhưng tôi hoàn toàn không hiểu tại sao Lê Xuân Khoa chẳng viết (tôi không dùng từ nghiên cứu) một đoạn tương tự về công cuộc Tố Cộng – Diệt Cộng đẫm máu trong suốt 5 năm đầu Ngô Đình Diệm thực hiện Gia Đình Trị (từ của Lê Xuân Khoa) tại miền Nam. Tôi cũng không hiểu trong những năm đó ông ở đâu mà không biết Ngô Đình Diệm đưa máy chém đi khắp miền Nam để cũng “ giết lầm hơn bỏ sót ”, và giết đến người kháng chiến không Cộng sản hoặc các thành phần quần chúng khác không thần phục, đút lót cho Ngô triều qua chiêu bài tố Cộng diệt Cộng. Không nghiên cứu tội ác tố Cộng – diệt Cộng của nhà Ngô thì không hiểu hết cuộc chiến tranh mà ông gọi là Nội Chiến hay Ủy Nhiệm.

Lê Xuân Khoa chỉ căn cứ vào một vài tài liệu của các tác giả miền Bắc hoặc có gốc gác miền Bắc (như Bùi Tín) để nói qua về công cuộc tố Cộng – diệt Cộng của Ngô Đình Diệm tại miền Nam rằng là có khoảng 80.000 trên 100.000 cán bộ Cộng Sản, hoặc kháng chiến không Công Sản bị sát hại, tù đày. Lê Xuân Khoa trích dẫn những tài liệu này để chứng tỏ mình khách quan trung thực.

Theo tôi, tội ác Cải Cách Ruộng Đất của Công Sản là rất lớn, nhưng không lớn hơn tội ác tố Cộng – diệt Cộng của chế độ Ngô Dình Diệm. Không có cải cách ruộng đất, không có tố Cộng – diệt Cộng, lịch sử Việt Nam sẽ đi theo một chiều hướng khác.

Sau Genève, đảng  Cộng Sản và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tồn tại như là một đảng chính trị duy nhất và một nhà nước chính danh của đa số nhân dân miền Bắc và của một bộ phận không nhỏ quần chúng nhân dân ở miền Nam hướng về. Liên Xô và Trung Quốc, đặc biệt là Trung Quốc, do những khó khăn nội bộ, bày tỏ lập trường hòa hoãn với Tây phương, đặc biệt với Mỹ. Việt Nam – Đông Dương không phải là mối quan tâm cấp thiết của họ. Đảng Cộng Sản Việt Nam và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do kinh nghiệm bị thúc ép bởi hai nước Cộng Sản đàn anh phải ký hiệp định Genève với kết quả không tương xứng với những thắng lợi trên chiến trường, và nhất là do những khó khăn to lớn trong việc tiếp quản miền Bắc (giải quyết, khắc phục hậu quả chiến tranh, thanh toán những rắc rối do tình báo Pháp và Mỹ gài lại, ổn định xã hội và phát triển cuộc sống của nhân dân theo định hướng xã hội chủ nghĩa), nên một mặt tiếp tục công cuộc Cải Cách Ruộng Đất bị bỏ dở ở miền Bắc, Cải tạo công thương nghiệp, trấn áp phong trào Nhân văn Giai phẩm, và một mặt chủ động đề ra sách lược hữu khuynh rất sai lầm là đấu tranh hòa bình ở miền Nam nhằm thống nhất đất nước với 100.000 cán bộ đảng viên gài lại. Miền Bắc đã không nhờ vả Trung Quốc, Liên Xô trong thời đoạn này.

Trong khi đó tình hình ở miền Nam không kém phần phức tạp : Quốc Gia Việt Nam của Quốc trưởng Bảo Đại (vốn là một giải pháp, một công cụ của Thực dân Pháp) chuyển đổi thành Việt Nam Cộng Hòa của Ngô Đình Diệm với quyền lực rộng rãi và chủ động hơn trong sự bảo trợ mạnh mẽ và quyết liệt của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ – quốc gia đứng đầu tổ chức Liên phòng Đông Nam Á mới thành lập – cương quyết ngăn chặn chủ nghĩa Cộng Sản từ vĩ tuyến 17, muốn biến miền Nam thành tiền đồn của thế giới Tự Do, đã tích cực dàn dựng ra một nhà nước Cộng Hòa với một Tổng thống Ngô Đình Diệm. Ngô Đình Diệm dựa vào thế lực của Mỹ hăm hở xây dựng miền Nam thành một quốc gia riêng biệt với quyền lực tuyệt đối thuộc về gia đình họ Ngô, đảng Cần Lao và Thiên Chúa giáo. Sau khi thanh toán hết các thế lực, các thành phần Quốc Gia tranh chấp và bất đồng chính kiến (phe Bảo Đại, Bình Xuyên, và hai giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo, các đảng Đại Việt, Quốc Dân Đảng), Ngô Đình Diệm đã thẳng tay tiêu diệt Cộng Sản nằm vùng với các chiến dịch tố Cộng – diệt Cộng đẫm máu, dứt khoát khước từ hiệp thương – tổng tuyển cử thống nhất đất nước theo đề nghị của miền Bắc. 100.000 cán bộ đảng viên bị chính quyền Diệm giết chết, tra trấn, tù đày, đầu hàng và vô hiệu hóa đến 80%. Một số trong 20% còn lại vượt tuyến ra Bắc đã báo cáo với lãnh đạo đảng Cộng Sản về “một miền Nam bị Mỹ – Diệm thống trị với chế độ độc tài phát xít và âm mưu chia cắt đất nước vĩnh viễn”. Những cán bộ miền Nam vượt tuyến này (hai  người trong nhóm đó là Lê Duẩn, mấy năm sau là người đứng đầu đảng Cộng Sản Việt Nam, tác giả chính của nghị quyết 15, và Phạm Hùng, Bí thư Trung ương cục Miền Nam, lãnh đạo MTGP miền Nam) cùng với những cán bộ đảng viên tập kết từ 1954 đã khẩn khoản yêu cầu Đảng của họ nhanh chóng có kế hoạch Giải phóng miền Nam để Nam – Bắc sum họp một nhà.

Trước tình hình đó, sau khi đình chỉ và sửa sai sách lược Cải cách ruộng đất đảng Cộng Sản đã đề ra sách lược mới : Giải phóng miền Nam bằng một giải pháp phối hợp đấu tranh chính trị và bạo lực cách mạng theo sự chỉ dẫn của nghi quyết 15. Để thực hiện sách lược theo nghị quyết đó, đảng Cộng sản Việt Nam trước khi thành lập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (tháng 12.1960) đã đi cầu viện Trung Quốc, Liên Xô và các nước Đông Âu (xem : Đại cương Lịch Sử Việt Nam – Trương Như Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn, Thư vào Nam – Lê Duẩn).


Chiến tranh Việt – Mỹ, Nam – Bắc đã xảy ra trong bối cảnh như thế.

Giả định rằng Mỹ và Ngô Đình Diệm sau khi tiếp quản miền Nam từ tay Pháp và Bảo Đại mà bày tỏ một sách lược hòa hoãn với miền Bắc, không thi đua bạo lực kiểu “Máu kêu trả máu – Đầu kêu trả đầu”, không thi đua tẩy não bằng Duy linh – Nhân vị – Cần lao, mà thi đua hòa bình, mà tiến công bằng thực hành dân chủ và chế độ Cộng hòa chân thực, chứ không giả hiệu như đã thực hiện, thì vấn đề Nam – Bắc Việt Nam sẽ  diễn biến theo một chiều hướng khác, có khả năng gần như Tây – Đông Đức, hay ít ra như Nam – Bắc Triều Tiên. Tôi nghĩ rằng thủ tuc, biện pháp, công sức, kinh phí để đưa 80.000 cán bộ nằm vùng bắt được qua bên kia vĩ tuyến 17 (qua trung gian của Ủy hội Quốc tế kiểm soát đình chiến) sau khi đối xử với họ tử tế sẽ dễ dàng và rẻ hơn, có kết quả tích cực hơn so với việc xây nhà tù, trung tâm cải huấn, tổ chức hệ thống quản lý, tra tấn, nuôi ăn hàng trăm ngàn tù nhân, hay mua máy chém, tổ chức pháp trường và các biện pháp trấn áp tẩy não.


80.000 người “nhập cảnh” đặc biệt ấy trong những chừng mực khác nhau sẽ là sứ giả của một Việt Nam Cộng Hòa hòa hoãn về vấn đề thông nhất, không quá độc tài phát xít như những gì mà những người vượt thoát khỏi các nhà tù miền Nam sẽ mô tả như là những địa ngục trần gian. 80.000 sứ giả ấy sẽ là “vấn đề” đối với chế độ và xã hội miền Bắc xét theo nhiều góc độ, trong trường hợp nào cũng có lợi cho dân tộc, đất nước về lâu dài.

Theo tôi, việc Ngô Đình Diệm chống lại khát vọng thống nhất đất nước và không xây dựng chế độ Cộng Hòa chân thật là một tội ác. Tội ác này bao trùm các tội ác mà Ngô Đình Diệm đã thực hiện tại Việt Nam từ 1954 đến 1963 với những hậu quả tai hại lâu dài của nó.

Cùng với chế độ Thực dân – Đế quốc, các chế độ độc tài : độc tài gia đình trị, tôn giáo trị, quân phiệt trị hay đảng trị là nguồn gốc của mọi tội ác ở Việt Nam vào nửa sau thế kỷ XX. Sau gần một trăm năm chịu đựng sự giày xéo, áp bức, bóc lột của Thực dân xâm lược, chứng kiến sự bất lực, đầu hàng, ruỗng mục của chế độ Quân chủ Phong kiến nhà Nguyễn, sau 10 năm (1945 – 1954), bước đầu trải nghiệm những sách lược, hành động độc tài Cộng Sản, nhân dân Việt Nam hướng ước mơ của mình về nền Cộng Hòa mà họ nghĩ rằng có khả năng giải đáp những khát vọng chính đáng và cấp thiết của dân tộc: Áo cơm, học hành, y tế, Dân chủ, Tự do, Công bằng, Bác ái… Hồ Chí Minh thấy được khát vọng đó của dân tộc khi đặt tên nước là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ngay sau Cách mạng tháng Tám. Ngô Đình Diệm cũng đã thấy được khát vọng đó khi đề ra khẩu hiệu: bài Phong – đả Thực – diệt Cộng, và đặt tên “nước miền Nam” là Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng cả hai ông đều đã : Treo đầu heo – Bán thịt chó.

Hoàn toàn có khả năng con người nửa Cộng hòa, nửa Cộng sản ảo mộng Hồ Chí Minh bị trói bởi các học trò – đồng chí Cộng sản kiên định chủ nghĩa Mác – Lê, tư tưởng Stalin và Mao Trạch Đông. Nhưng với não trạng sứ đồ Thiên Chúa giáo trung cổ và tâm lý quan lại Nam triều thuộc địa thì Ngô Đình Diệm hoàn toàn chủ động khi khẳng định mình là “cha mẹ của dân,” “được Thượng đế trao cho sứ mệnh đưa dân chúng miền Nam Việt Nam trở lại nước Chúa”. Ông quan “cha mẹ của dân” và “vị sứ giả của Thượng đế” thì hoàn toàn xa lạ với những khái niệm của tư tưởng Cộng Hòa (bao gồm những công dân bình đẳng, tự do, có quyền và trách nhiệm ngang nhau một cách tương đối...). Cũng như đảng Cộng sản sau 1975, chế độ Gia đình – Cần Lao – Thiên Chúa giáo toàn trị của Ngô Đình Diệm đã hủy hoại niềm tin và khát vọng Cộng Hòa của cả dân tộc. Tội ác của Ngô Triều lúc bấy giờ không thua kém tội ác của đảng Cộng Sản sau này xét về mặt tính chất, nhưng xét về mặt tầm vóc thì không to lớn bằng. Cả hai chế độ độc tài, về mặt cơ chế, loại trừ lẫn nhau, nhưng đều chống lại các quyền lợi tối cao và thiêng liêng của dân tộc, tổ quốc.

Hữu thần ←→ Vô thần, Duy linh ←→ Duy vật, Công giáo ←→ Cộng sản, Tư hữu (cho một thiểu số) ←→ Công hữu… là những cặp đối lập theo ngữ nghĩa của ngôn từ nhưng thực chất là hai mặt của một vận động lịch sử. Cuộc vận động lịch sử ấy dẫn đến một kết quả cuối cùng : Một thiểu số cầm quyền (gia đình trị hay đảng trị) đối lập sinh tử với đại đa số quần chúng nhân dân.

Giả định rằng sau 1954, với sự bảo trợ của Mỹ, Ngô Đình Diệm thực tâm xây dựng nền tảng cho chế độ Cộng Hòa (thay vì thiết lập chế độ độc tài gia đình –  Cần lao – Thiên Chúa giáo trị như ông đã làm), chính phủ do ông đứng đầu sẽ cải tổ và mở rộng theo hướng đa nguyên – dân chủ như mong ước và khát vọng của nhân dân miền Nam cũng như nhân dân cả nước (và cũng theo những khuyến cáo của Mỹ) thì nội tình các đô thị miền Nam sẽ không có Tuyên ngôn của nhóm Caravelle tháng Tư – 1960, sẽ không có sự phẫn nộ của dân chúng và báo chí, sẽ không có hai cuộc đảo chánh của các sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng hòa (do Nguyễn Chánh Thi và Vương văn Đông cầm đầu ngày 11-11-1960, và do Nguyễn Văn Cử, Phạm Phú Quốc thực hiện ngày 27- 2-1962), và tất nhiên, sẽ không có phong trào Phật giáo để rồi dẫn đến cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963. Về phía miền Bắc sẽ không khẩn trương thành lập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, sẽ không có phong trào đô thị trong sách lược Hai chân – Ba mũi của nghị quyết 15. Và tất nhiên sẽ không có việc Mỹ tháo chạy tán loạn và Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ như mọi người đều thấy.

Nhưng vận động lịch sử đã không diễn ra theo giả định viễn mơ ấy. Những người “Quốc Gia” sau cái chết của anh em Nhu – Diệm và sự sụp đổ của nền Cộng Hòa giả hiệu lần thứ nhất đã nhốn nháo quy tụ, đấu đá và tranh giành quyền lực chung quanh ông chủ Mỹ, để rồi cuối cùng sản sinh ra chế độ độc tài quân phiệt Nguyễn Văn Thiệu. Chế độ Cộng Hòa giả hiệu lần thứ hai cũng với hậu thuẫn của giáo hội Thiên Chúa giáo làm bình phong cho sự nổi giận  sấm sét của thần chiến tranh Hoa Kỳ. Độc tài quân phiệt Nguyễn Văn Thiệu tiếp nối độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm cùng với “cuộc chiến tranh của Mỹ” đã thủ tiêu giấc mơ Cộng Hòa của cả dân tộc, đã củng cố lập trường kháng chiến dưới sự lãnh đạo của những người Cộng Sản, đã đẩy đại bộ phận quần chúng nhân dân (không được tập tành đấu tranh dân chủ trong chế độ Cộng Hòa chân chính, và mất hết sức lực sau hai cuộc chiến tranh Việt – Pháp, Việt – Mỹ)  vào vòng độc tài Cộng sản.

Lê Xuân Khoa đã dành 10 trang để viết về giai đoạn chuyển tiếp từ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm qua độc tài quân phiệt Nguyễn Văn Thiệu (từ trang 458 đến trang 468). Ông mô tả tình hình miền Nam trong 20 tháng đầu của giai đoạn chuyển tiếp như sau :


Như vậy, chỉ trong vòng 20 tháng, miền Nam đã trải qua hơn mười biến cố chính trị trong đó có năm thể chế không có hiến pháp (từ HĐQNCM đến UBLĐQG), sáu chính phủ (tướng Khánh hai lần làm thủ tướng), ba lần tướng lãnh loại trừ nhau (Khánh loại trừ Minh – Khiêm, các tướng trẻ loại trừ Khánh ) và hai cuộc đảo chánh bất thành. Giữa những lần thay đổi ấy là những cuộc biểu tình của các tín đồ Phật giáo, Công giáo sinh viên ở nhiều nơi trong nước, tạo nên một tình thế hỗn loạn gần như vô chính phủ ” (LXK sđd tr461).


Mặc dù 20 tháng sau khi Diệm đổ, miền Nam lâm vào tình trạng gần như vô chính phủ, như Lê Xuân Khoa đã nhận định, nhưng vẫn tồn tại được, bởi vì ông chủ đích thực miền Nam đến thời điểm đó vẫn là Mỹ. Sử gia Lê Xuân Khoa đã không làm rõ thực tế này.


Theo tôi, cũng như 14 tháng (7-7-1954  – 23-10-1955) sau Genève là thời kỳ thử việc của Ngô Đình Diệm. 20 tháng sau khi Diệm đổ là thời kỳ thử việc của các tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa : Các tướng già chậm chạp (Minh, Đôn, Kim, Xuân, Đính…) còn vướng mắc ít nhiều tinh thần thuộc địa, văn hóa Pháp và tình tự dân tộc, không thích hợp với giai đoạn Mỹ hóa chiến tranh nên bị loại bỏ dưới hinh thức bị cử đi làm đại sứ, hay bị bắt buộc về hưu. “ Các sĩ quan trẻ được người Mỹ mệnh danh “Young Turks” có nghĩa tương tự như “ hảo hán tuổi trẻ ” (LXK sđd tr459) trở thành “ ứng viên thử việc trước các tướng lãnh Mỹ và đại sứ Hoa Kỳ ” (LXK sđd trang 464).

Lê Xuân Khoa đã mô tả cuộc mắng mỏ của ông chủ Mỹ với những người thử việc Việt Nam Cộng Hòa như sau :


Ngày 21-12-1964, Taylor (đại sứ Mỹ tại Sài Gòn – Chu Sơn) yêu cầu Nguyễn Khánh và nhóm tướng trẻ đến gặp ông ở tòa Đại sứ. Chỉ có bốn tướng đến dự là Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Chánh Thi và Lê Nguyên Khánh.. Taylor nói :


– “ Các ông có hiểu tiếng Anh không ? Sau khi nhóm (thử việc – Chu Sơn) Việt Nam cho biết là họ hiểu, Taylor nói tiếp : “ Trong bữa ăn ở nhà tướng Westmoreland, tôi đã nói rõ cho các ông biết rằng người Mỹ chúng tôi đã phí lời. Có lẽ tiếng Pháp của tôi không được rành vì rõ ràng là các ông đã không hiểu. Tôi đã nói rõ là tất cả những kế hoạch quân sự mà tôi biết các ông muốn thi hành đều tùy thuộc vào sự ổn định của chính quyền. Bây giờ thì các ông đã làm nát bét hết. Chúng tôi không thể cưu mang các ông mãi nếu như các ông cứ làm những chuyện như thế này. Ai là người nói thay cho cả nhóm ? Các ông có người phát ngôn không ? ” (sđd tr 326). LXK trích dịch từ The Pentagon Papers – 379).


Kết quả các cuộc thử việc đó là : Nguyễn Khánh múa may mấy tháng, tiếp theo Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ được chọn, trở thành Tổng thống và phó Tổng thống, Cao Văn Viên trở thành Bộ trưởng bộ Quốc phòng kiêm Tổng tham mưu trưởng, Quốc hội lập hiến được thành lập với 118 đại biểu với ba phần tư là tín đồ Công giáo. Hiến pháp của đệ nhị Cộng hòa được công bố ngày 1 tháng 4 năm 1967, nhưng bởi tình trạng bất ổn do


cuộc tranh chấp giữ hai tướng Thiệu – Kỳ gay go đến độ hàng ngũ quân đội có nguy cơ bị đổ vỡ – đó là lý do khiến đại sứ Lodge chưa muốn tiến hành xây dựng một thể chế dân chủ ở Việt Nam.” (LXK sđd tr464).


Đất nước không có chủ quyền và Mỹ muốn làm chủ cuộc chiến tranh nên đã đổ quân mà chẳng cần hỏi ai. Cuộc tranh giành quyền lực vẫn tiếp diễn sau khi hai ông Thiệu – Kỳ đã là Tổng thống và phó Tổng thống của nền đệ nhị Cộng Hòa, nên người Mỹ đã giúp Thiệu loại trừ Kỳ (một ông tướng ba hoa và xốc nổi – Chu Sơn) hình thành nền tảng cho chế độ độc tài quân phiệt và tái đắc cử nhiệm kỳ Tổng thống lần thứ hai (1971) cũng với một cuộc bầu cử độc diễn. (Lê Xuân Khoa làm lơ cuộc bầu cử độc diễn này – Chu Sơn).

Lê Xuân Khoa chia thời gian cầm quyền của Nguyễn Văn Thiệu làm hai thời kỳ trước và sau Hiệp định Paris được ký kết (tháng 1-1973).

Thời kỳ trước hiệp định Paris, ông viết :


Từ năm 1967 đến 1973, do cách cư xử khôn khéo và thận trọng, ông Thiệu không phải đương đầu với các đảng phái đối lập (ngoại trừ cuộc tranh chấp ngấm ngầm và dai dẳng với nhóm ông Kỳ). Trong thời gian này ông cũng không có chính sách độc đoán đến độ dân chúng bất mãn và nổi lên chống đối. Ông lập được một số thành tích đáng kể về cải cách nông thôn nhưng cũng tìm cách củng cố quyền hành gây nên nạn bè phái và tham nhũng trầm trọng. Ông thích ứng được với vai trò chủ động của Hoa Kỳ trong thời kỳ “Mỹ hóa” chiến tranh, cho đến khi bị Nixon – Kissinger bắt ép chấp nhận hiệp định Paris 1973 mới kịch liệt chống đối nhưng rốt cuộc vẫn phải nhượng bộ ” (LXK sđd tr470).


Viết bình luận như thế này là để cho có, chẳng có nội dung gì. Theo tôi, các đảng phái đối lập đã bị tiêu diệt trong thời kỳ Ngô Đình Diệm thực hiện chính sách độc tài gia đình trị. Một số lãnh tụ còn sót lại không có quần chúng, sau thời gian dài nằm yên hoặc lưu vong nước ngoài, nhân Diệm đổ đã vùng dậy hay quay trở về nương thế lực của các tướng lãnh mà tái xuất hiện trên chính trường rồi cũng bị đào thải luôn theo sự tranh chấp quyền lực giữa các tướng, và với nhau, trước ông chủ Mỹ. Hai thế lực có quần chúng là Phật giáo và Thiên Chúa giáo có khả năng có tác động đến chính trường, thì một (Phật giáo) đã bị Thiệu – Kỳ với sự giúp đỡ của Mỹ đánh phá tan tành trong mùa hè 1966. Thế lực thứ hai là Thiên Chúa giáo thì được Mỹ chọn làm lực lượng hậu thuẫn cho Nguyễn Văn Thiệu để “ ông thích ứng được với vai trò chủ động của Hoa Kỳ trong thời kỳ “Mỹ hóa” chiến tranh ” (nguyên văn của Lê Xuân Khoa). Do vậy, dù Thiệu có độc đoán chuyên quyền hay tham ô nhũng lạm thì vào thời điểm đó dân chúng cũng không còn đủ sức để bày tỏ sự bất mãn và nổi dậy chống đối. Theo tôi, đây là giai đoạn củng cố quyền lực theo hướng quân phiệt hóa và tái Cần Lao – Thiên Chúa giáo hóa của Nguyễn văn Thiệu (xem Việt Nam máu lửa quê hương tôi – Hoàng Linh – Đỗ Mậu, Thập Giá và Lưỡi Gươm – LM Trần Tam Tỉnh). Về phía dân chúng thì đây cũng là thời kỳ gây dựng, tập họp lại lực lượng để chống Thiệu vào một thời cơ thích hợp. (Thời cơ đó là Hiệp định Paris).

Về  “ một số thành tích đáng kể ông (Nguyễn Văn Thiệu) lập được ở nông thôn ”, theo Lê Xuân Khoa, có hai : một là cải cách hành chánh ở các làng xã, hai là thực hiện sách lược Người Cày Có Ruộng.

Về cải cách hành chánh, ông viết :


Đó là việc tổ chức lại các hội đồng kỳ mục trong các làng xã mà các đại diện đều thực sự do dân chọn lựa qua bầu cử ” (LXK sđd trg 474-475).


Theo tôi, có hai điểm sai trong câu nhận định này :


– Thứ nhất là các Hội đồng kỳ mục chỉ xuất hiện tại các làng xã từ trước và trong thời kỳ thuộc địa vào một thời gian nào đó thôi. Sau Genève, Ngô Đình Diệm cầm quyền ở miền Nam, tổ chức hành chánh ở cơ sở được gọi là Hội đồng Hương chính hay Hội đồng xã. Đứng đầu Hội đồng Hương chính là Chủ tịch, (có nơi gọi là Xã trưởng hay là Đại diện xã). Giúp việc cho Chủ tịch là Phó Chủ tịch và thư ký, ngoài ra còn có các ủy viên phụ trách các tiểu ban: cảnh sát, y tế, giáo dục, hộ tịch, tài chánh, thuế vụ, canh nông…, xã nhỏ thì có 2, xã lớn thì có đến 8 – 9. Nhân sự trong các Hội đồng hương chính hầu hết là tín đồ Thiên Chúa giáo hay đảng viên đảng Cần Lao.


Do đó, không có việc Nguyễn Văn Thiệu tổ chức lại các “Hội đồng kỳ mục”, như Lê Xuân Khoa khẳng định, mà chỉ có việc Nguyễn văn Thiệu tổ chức lại các Hội đồng Hương chính đã có từ thời Ngô Đình Diệm theo sách lược quân phiệt hóa và (tiếp tục) Thiên Chúa giáo hóa triệt để hơn theo mô hình bốn cấp từ trung ương, đến tỉnh, huyện và cuối cùng là xã với nòng cốt là đảng Dân Chủ (tái sinh từ đảng Cần Lao) và Thiên Chúa giáo.

– Thứ hai : Việc Nguyễn Văn Thiệu tổ chức lại chính quyền ở các làng xã có theo tinh thần dân chủ không ? Theo tôi và cũng theo những thông tin của Lê Xuân Khoa qua đoạn trích dẫn trên là không. Một khi Nguyễn Văn Thiệu thực hành chính quyền quân phiệt thì làm sao có dân chủ được. Về mặt lý luận Lê Xuân Khoa đã sai. Về mặt thực hành Lê Xuân Khoa còn sai nữa :


Cũng như việc bầu bán chính quyền cơ sở của Cộng sản từ năm 1975 đến tận ngày nay : Các công dân không được tự do ứng cử, các cử tri cũng không được tự do bầu cử. Các ứng viên do đảng ủy địa phương chỉ định và lãnh đạo đảng cấp trên thông qua. Các cử tri bị bắt buộc đi bầu và bỏ phiếu cho 9 trên 10 (hay một tỷ lệ tương tự như thế) các “chỉ định viên” được ghi trên danh sách.


Thời Nguyễn Văn Thiệu việc bầu cử các Hội đồng Hương chính hay các Hội đồng đại diện cũng như thế. Đảng Dân Chủ (do Thiệu thành lập) chọn người ứng cử, cử tri chỉ có quyền bầu cho những người được đảng Dân Chủ giới thiệu. Thậm chí Chủ tịch (Xã trưởng hay Đại diện xã) Hội đồng Hương chính hay Hội đồng Đại diện là một thiếu úy hoặc chuẩn úy từ quân đội biệt phái về, hay một tín đồ Thiên Chúa giáo tại một địa phương khác được cử đến. Sau biến cố Mậu Thân tôi là sĩ quan quân đội Cộng Hòa, làm huấn luyện viên tại Trung tâm huấn luyện Phù Lương, nên biết rõ tình hình chính trị tại Thừa Thiên – Huế, đặc biệt tình hình bầu cử các Hội đồng tỉnh, thị xã, và các xã tại đây. Cụ thể, ở An Hòa, một xã vùng ven phía tây cổ thành Huế, một Thiếu úy làm Chủ tịch. Ở Vỹ Dạ (xã Hương Lưu), nơi chỉ có vài ba gia đình mới theo Thiên Chúa giáo vì danh lợi lại có một ông đeo Thánh giá từ nơi khác tới làm Đại diện. Ở Mỹ Lợi, quê tôi, cũng diễn ra tình trạng tương tự. Do vậy mà “ các đội dân vệ và cảnh sát ”, như Lê Xuân Khoa cho biết, “ đã được chính quyền giúp đỡ tổ chức và huấn luyện. Đến tháng chín đã đạt chỉ tiêu 2 triệu đoàn viên Nhân dân Tư vệ cho năm 1969 và con số gia tăng mau chóng tới mức 3 triệu vào cuối năm ” (nguyên văn Lê Xuân Khoa, sđd tr 475). Tổ chức Nhân dân Tự vệ thời Nguyễn Văn Thiệu cũng giống như tổ chức Dân phòng của chế độ Cộng Sản thời nay. Có khác chăng là các Nhân Dân Tự Vệ thời Nguyễn Văn Thiệu đều được trang bị súng cá nhân và lựu đạn. Các đội Dân Phòng trong chế độ Cộng Sản chỉ được phát dùi cui, ma trắc khi hành sự.

Chẳng biết dân số trong các làng xã do Thiệu kiểm soát vào thời điểm 1969 là bao nhiêu mà đã có đến ba triệu Nhân Dân Tự Vệ tiếp tay cho lực lượng cảnh sát, công an, mật vụ, nghĩa quân, địa phương quân dày đặc để  “ giữ gìn an ninh trật tự ” ? Có khoảng 10.000.000 kể cả nam phụ lão ấu chăng ? Như thế, cứ khoảng 10 người dân thì có (?) cảnh sát hay công an mật vụ và 3 Nhân Dân Tự Vệ chăm sóc !


Về chính sách Người Cày Có Ruộng của Nguyễn Văn Thiệu được Lê Xuân Khoa đánh giá là chương trình “ cách mạng ” nhất trong các chương trình của ông Tổng thống Đệ nhị Cộng Hòa. Chương trình cách mạng của ông Thiệu, theo Lê Xuân Khoa, gồm ba điểm :


“ 1/ Địa chủ không được bắt tá điền trả địa tô thuộc những năm trước đó.


2/ Nông dân được Việt Cộng cấp ruộng trước đây sẽ không phải đóng thuế trong một thời gian.


3/ Những nông dân này sẽ được quyền giữ ruộng đất do Việt Cộng cấp và được cấp bằng khoán để chính thức trở thành tiểu điền chủ. Theo đó mức sở hữu của mỗi điền chủ được giới hạn tối đa là mười lăm ha, diện tích quá mức sẽ bị truất hữu để phát không cho dân nghèo…


Các địa chủ bị truất hữu được chính phủ bồi thường. Sau ba năm thi hành luật Người Cày Có Ruộng, chỉ tiêu cấp phát một triệu ha đã được vượt qua với hơn 850.000 tá điền trở thành tiểu điền chủ ” (LXK sđd tr 475).


Tuy nhiên, cũng theo Lê Xuân Khoa, số ruộng của địa chủ bị truất hữu (được bồi thường), và các tá điền trở thành tiểu điền chủ từ lâu đã ở trong vùng có “ chiến tranh giải phóng ”. Do vậy không có sự chống đối từ các địa chủ và cũng không có sự hưởng ứng chống Cộng từ các nông dân nghèo trở thành chủ ruộng. Nguyễn Văn Thiệu đã thực hiện cuộc cách mạng ruộng đất của ông trên giấy. Lê Xuân Khoa đã tán thưởng cuộc cách mạng này, vì sau 1975, những “ Người Cày Có Ruộng ” được Nguyễn văn Thiệu tấn phong đã tỏ ra vô cùng bất mãn trước chính sách tập thể hóa ruộng đất và thu mua lương thực của nhà nước Xã hội Chủ nghĩa (LXKsđ dtr476). Thì ra công cuộc chống Cộng của Nguyễn Văn Thiệu sâu sắc đến độ khi ông đã trốn chạy ra khỏi nước mà vẫn còn tác dụng gây khó khăn cho chế độ mới. Đáng tiếc là Nguyễn Văn Thiệu không còn là Tổng thống Việt Nam Cộng hòa để tặng thưởng cho sử gia Lê Xuân Khoa một bằng khen.

Thời kỳ Nguyễn Văn Thiệu cầm quyền sau Hiệp định Paris :

Theo Lê  Xuân Khoa : Nguyễn Văn Thiệu “ thích ứng được với vai trò chủ động của Hoa Kỳ từ giai đoạn Mỹ hóa chiến tranh ” (từ 1965 – Chu Sơn) cho đến khi bị Nixon – Kissinger ép buộc phải chấp nhận hiệp định Paris 1973.


Trong quá trình “ thích ứng được với vai trò chủ động của Hoa Kỳ…” Nguyễn Văn Thiệu đã :


Chỉ nhờ thời cơ (Lê Xuân Khoa không nói nhờ Mỹ – Chu Sơn) mà trở thành nhà lãnh đạo, và đã dùng sự khôn khéo để xây dựng quyền hành để rồi trở thành độc tài ”…,


Củng cố quyền lực bằng một hệ thống quan chức và cán bộ theo bè phái và bằng những biện pháp quân phiệt tất nhiên đưa tới tình trạng tham nhũng và bất công xã hội trầm trọng, làm mất lòng tin của dân chúng và làm suy yếu khả năng phát triển đất nước. Đây là một lỗi lầm hết sức nghiêm trọng ” (LXK sđd tr 471-472).


Cũng theo Lê Xuân Khoa, do bị Mỹ ép buộc phải ngồi vào bàn hội nghị và ký kết hiệp định Paris, nên Nguyễn Văn Thiệu đã không thực tâm thi hành, đã bỏ lỡ thời cơ


“ Thăm dò và thảo luận thẳng thắng với MTGPMN về vấn đề hòa giải và khả năng hợp tác giữa hai bên miền Nam, về thời gian chuyển tiếp và những điều kiện thống nhất với miền Bắc ”. “ Nhưng thay vì hành động với tinh thần trách nhiệm, ông Thiệu vẫn duy trì hệ thống quyền lực và tham nhũng, bắt giam những người đối lập, khiến cho phong trào chống đối càng ngày càng lan rộng và quyết liệt ” (LXK sđd tr 473).


Do sách lược và hành động sai lầm của Nguyễn Văn Thiệu như vậy nên dân chúng miền Nam đồng loạt nổi lên chống đối. Lê Xuân Khoa đã liệt kê các phong trào, tổ chức và phe phái chống Thiệu từ sau hiệp định Paris như sau :


– Phong trào Chống Tham Nhũng do Linh mục Trần Hữu Thanh lãnh đạo.

– Ủy Ban Phối hợp Hành động đòi bãi bỏ đạo luật 007 của các ký giả.


– Lực lượng Luật sư Tranh đấu của  Luật sư đoàn.


– Trận Tuyến Nhân dân Cách mạng Tranh thủ Hòa bình.,


– Ủy ban bảo vệ Quyền lợi Công nhân của Linh mục Phan Khắc Từ,


– Mặt trận Nhân dân Cứu đói của Đại đức Thích Hiển Pháp và Linh mục Phan Khắc Từ.


– Phật giáo Ấn Quang huy động các Phật tử đòi chấm dứt chiến tranh.


– Phật giáo Việt Nam Quốc Tự kêu gọi Tổng thống Thiệu từ chức.


– Các Linh mục Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Trương Bá Cần là những tiếng nói mạnh mẽ chống chính quyền.


– Sinh viên – học sinh bãi khóa đấu tranh…


– Hội đồng Liên Tôn 11 giáo phái (đấu tranh cũng như ôn hòa) kể cả  Lục Hòa Tăng, một tổ chức phi chính trị…


Các tổ chức, lực lượng, phong trào quần chúng Lê Xuân Khoa nêu trên không đầy đủ và cũng không chính xác các tên gọi và mục tiêu, nhưng cũng đã chứng tỏ một thực tế rằng là : ngoại trừ những phần tử trong hệ thống quân phiệt, tất cả nhân dân miền Nam bất kể ở trong hay ở ngoài chính quyền, Cộng Sản hay không Cộng Sản, Phật giáo hay Công giáo, lao động hay trí thức, sinh viên học sinh hay nông dân… đều đồng loạt chống Thiệu. (LXK sđ dtr 473 – 574).


Do vậy, dù đã “ thích ứng được với vai trò chủ động của Hoa Kỳ trong thời kỳ Mỹ hóa chiến tranh ”, như Lê Xuân Khoa đã nhận định, Nguyễn Văn Thiệu không còn thích hợp với chiến lược “ Việt Nam hóa ” và cuộc chuẩn bị rút lui ê chề của Hoa Kỳ mà Lê Xuân Khoa gọi là “ giải kết ” và “ đoạn tuyệt ” với Việt Nam Cộng Hòa. Theo Lê Xuân Khoa thì :


Nguyễn Văn Thiệu “ đã bị Đại sứ Mỹ Graham Martin thúc dục từ chức, ông chỉ từ chức trước khi miền Nam sụp đổ có chín ngày.”… Và “ ông Thiệu chỉ có thể tự cứu mình bằng cách ra khỏi nước khi bộ đội miền Bắc lăm le tiến vào Sài Gòn bằng mọi ngả ” (LXK sđd tr479).


Thay vì nói Nguyễn Văn Thiệu là công cụ, là bù nhìn là tay sai của Mỹ trong chiến tranh cũng như trong ký kết hòa bình với Cộng Sản miền Bắc, đến giờ phút cuối cùng bị Mỹ ép buộc phải từ chức, bị áp tải lên tận máy bay trốn chạy ra nước ngoài, thì Lê Xuân Khoa đã biết lựa lời mà nói “ cho vừa lòng nhau ” : “ ông thích ứng được với vai trò chủ động của Hoa Kỳ trong thời kỳ Mỹ hóa chiến tranh ” và “ ông Thiệu chỉ có thể tự cứu mình bằng cách ra khỏi nước ”.


Để độc giả đời sau hiểu biết một cách cụ thể cuộc hành trình “ ra khỏi nước ” của Nguyễn Văn Thiệu như thế nào, tôi mượn lời của Lý Quí Chung –  một dân biểu tả khuynh thời đệ nhị Cộng hòa :


Chi tiết về cuộc “trốn chạy” của ông Thiệu – vâng, phải gọi là một cuộc trốn chạy – được các tài liệu CIA sau này tiết lộ như sau :


Ngày 25-4-1975, đại sứ Martin điện cho Kissinger báo rằng ông ta đã nghĩ ra cách đưa Thiệu và Khiêm rời khỏi miền Nam một cách bí mật. Martin giao cho tướng Timmes tổ chức cuộc ra đi của Thiệu.


“…Từ tổng tham mưu, chính nhân viên CIA Frank Snepp và tướng Timmes đưa Thiệu và Khiêm ra sân bay. Timmes giới thiệu Snepp với Thiệu : “Đây là một chuyên viên phân tích cừ khôi của tòa đại sứ, hơn nữa anh ta còn là một tài xế đẳng cấp”. Khi ô tô đi vào sân bay quân sự Tân Sơn Nhất, Timmes khuyên ông Thiệu cúi đầu xuống như thế sẽ an toàn cho Tổng thống. Timmes sợ lính gác nhận ra tổng thống của họ chạy ra nước ngoài và biết đâu sẽ manh động. Timmes hỏi thăm bà Thiệu và con gái, ông Thiệu trả lời : “ Họ đang shopping ở London mua đồ cổ…” (Lý Quí Chung – Hồi Ký Không Tên –  nxb Trẻ 2004).


Có lẽ Lý Quí Chung đã chưa chính xác lắm khi dùng từ “trốn chạy”. Theo tôi, nếu ghép thêm từ “áp tải” thì chuyến “ra khỏi nước” đặc biệt chiều hôm 25 tháng Tư năm 1975 của Thiệu mới đầy đủ ý nghĩa và hoàn toàn chính xác.


(còn một kỳ nữa)


CHU SƠN



Hai kỳ trước :


* Đọc sách VIỆT NAM 1945-1995 của Lê Xuân Khoa (1)

* Đọc sách VIỆT NAM 1945-1995 của Lê Xuân Khoa (2)


Kỳ cuối:
 
*
Đọc sách VIỆT NAM 1945-1995 của Lê Xuân Khoa (4)

Tham khảo :

Cuốn VIỆT NAM 1945-1995 đã được công bố trên mạng Anh Ba Sàm
với sự đồng ý của tác giả Lê Xuân Khoa

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
Black Movie - Festival international de films indépendants Genève 17/01/2025 - 26/01/2025 — Maison des arts du Grütli | 16, rue du Général-Dufour | 1204 Genève
LES LARMES D'ASTYANAX - Olivier Dhénin Hữu 31/01/2025 - 02/02/2025 — Théâtre du lycée Jacques Decour | 12 Avenue Trudaine | 75009 Paris
Festival cinéma - Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Inalco : L'économie vietnamienne en 2024 et ses perspectives 06/02/2025 18:00 - 20:00 — 65 Rue des Grands Moulins, 75013 Paris | Amphi 2
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us