Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Đọc sách VIỆT NAM 1945-1995 của Lê Xuân Khoa (4)

Đọc sách VIỆT NAM 1945-1995 của Lê Xuân Khoa (4)

- CHU SƠN — published 10/11/2014 00:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Phần 4 và hết

Đọc sách Việt Nam 1945-1995
của Lê Xuân Khoa
Mấy vấn đề cần trao đổi (4)



Chu Sơn





VI – Nội chiến hay Chiến tranh Uỷ nhiệm ?


Đầu đề là một câu hỏi, nhưng ở trang dẫn nhập của phần này (Phần Ba), Lê Xuân Khoa đã khẳng định :

“ Thực tế thì đây là một cuộc nội chiến giữa hai phe người Việt Nam đeo đuổi những lý tưởng khác nhau, đồng thời cũng là một cuộc chiến tranh uỷ nhiệm trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh giữa hai khối tư bản và cộng sản, với sự tham gia trực tiếp của Hoa Kỳ ” (LXK sđd tr 271).

Người học sử Việt Nam không xa lạ với hai từ nội chiến. Các cuộc chiến tranh giữa Trịnh – Mạc, Trịnh – Nguyễn từ giữa thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XVII là nội chiến. Đến cuộc chiến tranh giữa Nguyễn Tây Sơn với Nguyễn Phú Xuân (vào nửa sau thứ kỷ XVII), các sử gia bắt đầu ngập ngừng. Nhiều người chê trách Nguyễn Ánh đã cõng rắn cắn gà nhà, rước voi về giày mả tổ khi ông này cầu viện quân Xiêm và nhờ Bá Đa Lộc đi cầu viện Pháp quốc. Quân Xiêm do Nguyễn Ánh cầu viện bị Quang Trung đánh tan tành. Cuộc cầu viện phương Tây dang dở, vì vấn đề nội bộ, Pháp không thực hiện hiệp ước đã ký với Bá Đa Lộc. Sự cộng tác quá nhiệt tình của Bá Đa Lộc và giáo hội Thiên Chúa giáo lúc bấy giờ đã giúp Nguyễn Ánh vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn và có tác động quyết định trong những trận quyết chiến cuối cùng giúp Nguyễn Ánh đánh bại được Tây Sơn trên đà suy yếu vì lục đục nội bộ, vì đánh giá thấp vai trò – vị trí miền Nam (của anh em Tây Sơn), và đặc biệt vì cái chết đột ngột của Quang Trung. Nhưng khi Nguyễn Ánh lên ngôi (Gia Long), hoàn tất công cuộc thống nhất đất nước do Quang Trung để lại, xây dựng vương triều nhà Nguyễn trong độc lập và tự chủ, thì cái tội cõng…, rước voi… được xem xét lại. Bởi các yếu tố cầu cứu ngoại bang của Nguyễn Ánh đã dừng lại tại những vùng đã xẩy ra chiến sự. Gia Long đã không mang nó về kinh đô Huế khi ông bắt đầu xây dựng lại đất nước trong hoà bình.

Chúng ta trở lại vấn đề đang bàn.

Theo Lê Xuân Khoa, bên này cuộc nội chiến là Việt Nam Cộng Hoà với hai thời kỳ tổng thống là Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu. Và bên này của cuộc uỷ nhiệm là Hoa Kỳ.

Mà :

– Ngô Đình Diệm, người đứng đầu Việt Nam Cộng Hoà, thì : (tôi trích dẫn lại lời Lê Xuân Khoa)

Chính phủ Diệm chỉ có thể tồn tại được nhờ áp lực của Hoa Kỳ đối với Pháp và Bảo Đại dù chính đặc sứ J. Lawton Collins cũng muốn thay Diệm ” (LXK sđd tr428).

Cũng theo Lê Xuân Khoa, trong suốt 9 năm chính phủ Diệm “ tồn tại ”, đồng minh “ uỷ nhiệm ” là Hoa Kỳ đã rất nhiều lần toan tính thay thế, lật đổ ông, và cuối cùng :

“…và cú đảo chính đã không thể xảy ra nếu không có sự chuẩn bị của chúng ta ” (…Hoa Kỳ - Chu Sơn) (LXK sđd tr457).

“ Theo McCone, giám đốc CIA hồi đó, Kennedy vẫn nhấn mạnh trong các phiên họp là không thể đối xử với ông Diệm cách nào tệ hơn là lưu đày, nhưng thật khó mà tin là ông không biết được rằng khi Hoa Kỳ cho phép (các tướng lãnh VNCH – Chu Sơn) làm đảo chánh thì có thể sẽ phải có giết chóc ” (LXK sđd tr455).

Và :

– Nguyễn Văn Thiệu, người đứng đầu Việt Nam Cộng Hoà giai đoạn hai, là một trong nhóm các tướng mà người Mỹ gọi môt cách khinh bỉ là “ hảo hán trẻ ” (LXK dịch từ nguyên văn Young Turks), được Mỹ tuyển chọn làm Tổng thống của nền Cộng hoà lần thứ hai :

“ Ông thích ứng được với vai trò chủ động của Hoa Kỳ trong thời kỳ “Mỹ Hoá”chiến tranh, cho đến khi bị Nixon – Kissinger ép buộc chấp nhận hiệp định Paris 1973 ” (LXK sdd trg 470).

“ Ông khéo thích ứng với chính sách của Hoa Kỳ và tin tưởng vào sự giúp đỡ của Hoa Kỳ cho đến khi bị đại sứ Graham Martin thúc dục từ chức ” (LXK sđd tr 476).

“ Ông…chỉ có thể tự cứu lấy mình bằng cách ra khỏi nước khi Hoa Kỳ đã dứt khoát đoạn tuyệt với VNCH…” (LXK sđd tr 479).

Câu thứ ba của đoạn trích dẫn trên, Lê Xuân Khoa muốn cho độc giả biết rằng nếu Nguyễn Văn Thiệu không tự cứu lấy mình bằng cách tuân lệnh Hoa Kỳ mà ký hiệp định Paris, mà từ chức và trốn chạy ra nước ngoài, chắc chắn ông sẽ bị “ thảm sát ” như trường hợp người đồng nghiệp tiền nhiệm Ngô Đình Diệm năm 1963.

Chỉ với những trích dẫn trên, Lê Xuân Khoa cho độc giả thấy rằng sinh mệnh và sự nghiệp của hai nhân vật đứng đầu hai thời kỳ Cộng Hoà tại miền Nam là Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu hoàn toàn nằm trong tay Hoa Kỳ. Cả hai trường hợp (Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu), Hoa Kỳ đã ứng xử không như một đồng minh, mà như một ông chủ sẵn sàng giết bỏ các nô lệ của mình, hay như một bố già Mafia bắn bỏ một thủ lĩnh đàn em cứng đầu.

Trong khi hai nhân vật đó đối với nhân dân miền Nam thì, cũng theo Lê Xuân Khoa :

“…khi Ngô Đình Diệm làm chủ được tình hình chính trị và quân sự ở miền Nam (23-10-1955 – Ngô Đình Diệm trở thành tổng thống qua cuộc trưng cầu dân ý độc diễn và tự gian lận – Chu Sơn) thì ông lại bắt đầu thiết lập chế độ độc tài gia đình trị ” (LXK sđd tr434)

“…ông không chấp nhận những những quan điểm khác biệt và không tha thứ (bất cứ – Chu Sơn) ai làm trái ý ông. Ngày 15-1-1956 ông giải tán Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng để loại trừ những người có công với ông…” (LXK sđd tr434)

Nguyễn Văn Thiệu “…chỉ nhờ thời cơ (Lê Xuân Khoa không nói nhờ Mỹ – Chu Sơn) mà trở thành nhà lãnh đạo, và đã dùng sự khôn khéo để xây dựng được quyền hành để rồi trở thành độc tài ” (LXK sđd tr471).

Nguyễn Văn Thiệu “ củng cố quyền lực bằng một hệ thống quan chức và cán bộ theo bè phái và bằng những biện pháp quân phiệt tất nhiên sẽ đưa đến tình trạng tham nhũng và bất công xã hội trầm trọng, làm mất lòng tin của dân chúng và làm suy yếu khả năng phát triển đất nước ” (LXK sđd tr 471-472).

Thưa giáo sư Lê Xuân Khoa : Khi mà sinh mệnh và sự nghiệp của hai nhà lãnh đạo Việt Nam Cộng Hoà tuyệt đối nằm trong tay người Mỹ, khi mà Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu xây dựng chế độ độc tài gia đình trị và độc tài quân phiệt thì họ lấy quyền đâu, sức đâu để tiến hành cuộc nội chiến ? Bởi vì, theo những trích dẫn trên, quyền lực đích thực lúc bấy giờ tại miền Nam nằm trong tay người Mỹ, và dân chúng thì chắc chắn không để cho người cai trị độc tài và hủ bại đưa mình đến chỗ chết. Dân chúng phải nổi dậy thôi :

– Năm 1963, khi mà sự tuyệt vọng và phẫn nộ lên đến đỉnh điểm, qua phong trào Phật giáo, nhân dân các đô thị miền Nam đã nổi dậy làm hậu thuẫn cho cuộc đảo chính của các tướng lãnh Việt Nam Cộng Hoà với sự “ cho phép của Hoa Kỳ ” (nguyên văn của LXK). Chế độ độc tài gia đình trị bị lật đổ. Anh em Diệm – Nhu – Cẩn bị “ thảm sát ” (từ của LXK).

– Từ sau hiệp định Paris được công bố, nhân dân các đô thị miền Nam (kể cả một phần của giáo hội Công giáo) rầm rộ nổi dậy tạo điều kiện thuận lợi cho thời kỳ kết thúc chiến tranh của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, khi Hoa Kỳ – nói theo ngôn ngữ nhẹ nhàng gượng gạo của Lê Xuân Khoa – giải kết và đoạn tuyệt với Việt Nam Cộng Hoà, Nguyễn Văn Thiệu bị Mỹ bắt buộc phải từ chức và trốn chạy ra khỏi nước dưới sự áp tải của CIA. Mười ngày sau khi Thiệu từ chức, sáu ngày sau khi Thiệu “ ra khỏi nước ” (từ của LXK), Dương Văn Minh – tổng thống mới nhậm chức được hai ngày – vừa thay mặt cho Mỹ, vừa thay mặt cho Việt Nam Cộng Hoà, vừa là người đứng đầu của lực lượng chính trị Thứ Ba tuyên bố đầu hàng trước họng súng của quân Giải Phóng mà ông tưởng là những người anh em.

Mỹ cút – Ngụy nhào, hay Mỹ rút – Việt Nam Cộng Hoà sụp đổ cũng thế thôi. Bởi vì nếu không thua, Mỹ đã không rút. Trong trường hợp Mỹ rút mà Ngụy không nhào, thì Ngụy không còn là Ngụy nữa, mà là Việt Nam Cộng Hoà, một trong hai phe chính danh của cuộc nội chiến.

Về mặt chứng lí, những trang tôi vừa dẫn luận trên là đầy đủ để có thể chấm dứt cuộc thảo luận về vấn đề bản chất của cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai (1954-1975).

Sự thật lịch sử là như thế, còn vấn đề ngôn từ, thiết nghĩ cũng nên thanh lý với Lê Xuân Khoa để làm sáng tỏ thêm :

Uỷ nhiệm có nghĩa là giao phó, là uỷ thác một trách nhiệm :

– Gia Long khi ra xây dựng kinh đô Huế, uỷ nhiệm Lê Văn Duyệt xử lý mọi vấn đề ở miền Nam.

– Sau Genève, từ Pháp, Bảo Đại (trên hình danh) uỷ nhiệm Ngô Đình Diệm về nước thành lập và điều hành chính phủ Quốc Gia.

– Kennedy uỷ nhiệm Cabot Lodge đi Việt Nam giải quyết vấn đề Ngô Đình Diệm khi ông này tỏ ra ngoan cố trong việc thực hiện dân chủ và bình đẳng tôn giáo nhân cuộc đấu tranh của Phật giáo, và…

Cả ba trường hợp người uỷ nhiệm vắng mặt và người được uỷ nhiệm có toàn quyền thực thi nhiệm vụ.

Tình hình chính trị và quân sự ở miền Nam từ 1954 đến 1975 không diễn ra như thế. Ông chủ Mỹ luôn luôn có mặt, theo dõi sát sao và trực tiếp điều hành mọi sách lược, chương trình, kế hoạch hành động xây dựng miền Nam thành tiền đồn chống Cộng và chủ động tiến hành cuộc chiến tranh. Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu chỉ là kẻ thừa hành. Ngô Đình Diệm bị giết là do ông muốn thoát khỏi sự điều hành trực tiếp của ông chủ Mỹ. Nguyễn Văn Thiệu “ tự cứu lấy mình ” khi răm rắp tuân theo các mệnh lệnh, chỉ thị của Hoa Kỳ nên đã thoát thân.

Lê Xuân Khoa đã sai trong nhận định lịch sử, Lê Xuân Khoa còn không chính xác khi sử dụng ngôn từ. Nhưng chắc chắn Lê Xuân Khoa vẫn chưa buông bỏ vấn đề. Ông nói : Còn sự thật lịch sử ở bên kia – miền Bắc ? Chẳng phải đảng Cộng Sản và chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà không nhận uỷ nhiệm từ Liên Xô và Trung Quốc sao ?

Sau đây là những gì Lê Xuân Khoa viết về Liên Xô và Trung Quốc trong quan hệ với miền Bắc từ sau Genève cho đến khi kết thúc chiến tranh Việt – Mỹ, mà ông gọi là Nội chiến và Uỷ nhiệm.

“…Do đó, trong những năm đầu sau Genève, Trung Quốc không muốn cho giới lãnh đạo miền Bắc tấn công miền Nam để thống nhất đất nước…” (LXK sđd tr276).

“…Đông Dương không có ưu tiên về an ninh hay quyền lợi của Cộng Sản Quốc tế, trong khi Liên Xô đang cần ngăn chặn những nỗ lực của Hoa Kỳ thành lập Cộng Đồng Phòng Thủ Châu Âu… Ngoài ra, Liên Xô không muốn đòi hỏi tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất Việt Nam… Trước viễn tưởng đó, Liên Xô từ bỏ ảnh hưởng ở Việt Nam xa xôi…” (LXK sđd tr 276, 277).

“ Về mặt quốc tế, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà vẫn được Trung Quốc nhiệt tình ủng hộ từ thời chiến tranh chống Pháp, nay (1960 – Chu Sơn) vì mối mâu thuẫn giữa Liên Xô và Trung Quốc từ 1956 mà cả hai bên đều phải tăng gia chi viện cho Hà Nội để giữ được uy tín và ảnh hưởng với các nước Cộng Sản trên thế giới…” (LXK sđd tr.279).

“…Hà Nội lúc này (1966 – Chu Sơn) chịu ảnh hưởng của Bắc Kinh nên đã bác bỏ đề nghị của Johnson đòi Mỹ rút hết quân khỏi miền Nam và thừa nhận một chính quyền Trung lập như được hoạch định bởi M.T.G. P. M. N.” (LXK sđd tr287).

“…Bắc Kinh nhất quyết chống lại mọi nỗ lực giải quyết chiến tranh Việt Nam bằng thương thuyết…”… “ Bắc Kinh thường xuyên nhắc nhở các lãnh tụ Hà Nội chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng. Theo một tài liệu bắt được của Bắc Việt năm 1967Trung Quốc quyết tâm giúp chúng ta chiến đấu đến đời con đời cháu của chúng ta”. ” (LXK sđd tr.288).

“…Kosygin đang ở Hà Nội (1965 – Chu Sơn) thảo luận vấn đề viện trợ quân sự đồng thời khuyến cáo các giới lãnh đạo Hà Nội chấp nhận giải pháp hoà bình

“…Karnow cho rằng Hà Nội vẫn chống lại khuynh hướng chủ hoà của Kosygin đã sắp xếp vụ tấn công Pleiku để buộc Hoa Kỳ phải trả đũa và đẩy Liên Xô vào thế chẳng đặng đừng ” (LXK sđd tr 290).

“... Hoa Kỳ nghĩ đến việc trông cậy vào sự giúp đỡ của Liên Xô. Ngày 19 (tháng 4-1975 – Chu Sơn) Ford (tổng thống Mỹ – Chu Sơn) thông báo cho Brezhnev ý định nhờ lãnh tụ đảng Cộng Sản Liên Xô can thiệp để ngưng chiến tại Việt Nam và để thảo luận về một sự thay đổi tình hình chính trị ở Sài Gòn ” (LXK sđd tr 311).

Với những gì trích dẫn trên đây, kể cả nhiều lần Lê Xuân Khoa khẳng định rằng là Liên Xô, Trung Quốc vì những mục đích khác nhau đã “ phản bội ” đồng minh, bắt ép đảng Cộng Sản và chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà ký hiệp định Genève với những điều kiện thua thiệt, không tương xứng với những thắng lợi trên chiến trường. Và cũng vì những mục tiêu khác nhau, hai nước Cộng Sản đàn anh này đều muốn Việt Nam bị chia cắt lâu dài hoặc vĩnh viễn (xem LXK sđd chương 4).

Và mặc dầu Trung Quốc, Liên Xô đều muốn hoà hoãn, chung sống hoà bình với phương Tây, và lại mâu thuẫn xung đột lẫn nhau từ 1956, nhưng :

“ Cả hai đều phải gia tăng chi viện cho Hà Nội để được giữ uy tín và ảnh hưởng với các nước Cộng Sản khác trên thế giới ” (LXK sđd tr 279).

Như thế là từ 1959, Liên Xô,Trung Quốc đều bị đảng Cộng sản Việt Nam đặt để trong tình thế chẳng đặng đừng : “ phải gia tăng chi viện ”. Sự thể là sau gần 5 năm theo đuổi sách lược đấu tranh hoà bình để thống nhất đất nước theo tinh thần của hiệp định Genève bất thành với những tổn thất to lớn, đảng Cộng Sản và các nhà lãnh đạo ở Hà Nội quyết tâm thống nhất đất nước bằng giải pháp kết hợp chính trị – quân sự qua nghị quyết XV. Đảng Cộng sản Việt Nam đi cầu viện Liên Xô, Trung Quốc. Để rồi, theo yêu cầu của Hà Nội, “…cả hai nước phải tăng gia chi viện cho Việt Nam đánh Mỹ ”.

Đều phải tăng gia chi viện, nhưng cả hai nước Liên Xô và Trung Quốc đã không thống nhất trong sách lược và cách thức chi viện cho Hà Nội, cho nên các nhà lãnh đạo miền Bắc được độc lập và tự chủ trong quá trình tiến hành chiến tranh với Hoa Kỳ. 

– Liên Xô thì vừa chi viện vừa khuyến cáo Hà Nội nên tiến hành đàm phán với Hoa Kỳ nhằm chấm dứt chiến tranh. Thậm chí, khi quân miền Bắc vào gần sát Sài Gòn, theo sự nhờ vả của Hoa Kỳ, Liên Xô còn can thiệp để có một giải pháp chính trị gì đó trên phần lãnh thổ còn lại.

– Trung Quốc thì vừa chi viện vừa áp lực để Hà Nội không thương lượng gì cả với Hoa Kỳ, và “ giúp chúng ta đánh Mỹ đến đời con đời cháu ” – nhưng đánh nhỏ, đánh cầm chừng, đánh mà không dứt điểm.

Thưa học giả Lê Xuân Khoa, nếu quan hệ giữa miền Bắc và các nước Liên Xô, Trung Quốc từ sau Genève đến năm 1975 như những gì ông đã viết và tôi đã tóm lược, đã làm rõ ở trên là chính xác, thì hoàn toàn không có chuyện uỷ nhiệm và nhận uỷ nhiệm từ các phía liên hệ.

Theo đó, Liên Xô phải từ bỏ mục tiêu dài hạn của mình là không muốn Việt Nam thống nhất, không muốn đối đầu với Hoa Kỳ tại “ vùng đất xa xôi Đông Nam Á ”, đã phải chi viện cho Việt Nam, và luôn bị đồng minh Bắc Việt đẩy vào tình thế “ chẳng đặng đừng ”, đã giúp đỡ Bắc Việt tiến hành cuộc chiến tranh chống Mỹ đến thắng lợi cuối cùng là “ đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào ”, hoàn thành thống nhất đất nước.

Và Trung Quốc, như những gì Lê Xuân Khoa đã viết, vào các thời kỳ khác nhau đã chủ trương ba không (không muốn Việt Nam thống nhất, không muốn Việt Nam đánh lớn, không muốn Việt Nam thương lượng hoà bình với Mỹ, và một quyết (“ giúp chúng ta đánh Mỹ đến đời con đời cháu ”), vẫn “ phải chi viện cho miền Bắc ”, vẫn phải để cho Hà Nội chủ động tiến hành chiến tranh và đơn phương đấu tranh hoà bình với Hoa Kỳ, đơn phương kết thúc cuộc chiến tranh như sách lược chính trị và quân sự do đảng Cộng Sản Việt Nam vạch ra từ 1959.

Lê Xuân Khoa để ra 40 trang (273- 313) để mô tả cuộc chiến tranh mà ông gọi là Nội chiến và Chiến tranh Uỷ nhiệm tại Việt Nam 1954 – 1975 với tựa đề “Sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hoà”.

Nhưng độc giả chỉ thấy hai từ Nội chiếnUỷ nhiệm xuất hiện một cách lạc lõng trong tựa đề của phần Ba và mấy dòng đầu của trang dẫn nhập. Các từ Trung Quốc, Liên Xô, Bắc Kinh, Mạc Tư Khoa xuất hiện nhiều hơn ở những trang đầu của chương 7. Về mặt thời gian, từ 1967 trở về sau (đến 1975), theo những gì Lê Xuân Khoa viết ở chương này, cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai thực chất là cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà trên chiến trường cũng như trên bàn hội nghị (Paris).

Việt Nam Cộng Hoà, Nguyễn Văn Thiệu, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và những người đại diện của nó được Lê Xuân Khoa nhắc đến nhiều lần trong vai trò công cụ và lực lượng phụ thuộc. Liên Xô và các nhà lãnh đạo của nước này được Lê Xuân Khoa đề cập nhiều lần trong vai trò chủ thể chi viện và trung gian điều đình. Còn Trung Quốc thì hoàn toàn vắng mặt từ trước trận Mậu Thân (1968) cho đến khi kết thúc chiến tranh. Khi người ta vắng mặt thì không thể bị cáo buộc này nọ. Uỷ nhiệm chiến tranh lại càng không. Lê Xuân Khoa không thể không biết đạo lý này. Còn Bắc Việt, kẻ nhận chi viện, không thể không gặp khó khăn, chịu áp lực, nhận khuyến cáo này nọ trước hai nước Cộng sản đàn anh đồng thời là chủ nợ đang chuyển dần từ đồng chí qua đế quốc bành trướng, nhưng họ đã vượt qua một cách khôn khéo và vô cùng bản lãnh, để rồi cuối cùng họ đã thành đạt gần hết các mục tiêu đề ra.

Thực tế lịch sử là như thế, còn về lí luận thì Trung Quốc không thể uỷ nhiệm cho đảng Cộng Sản và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà cái mục tiêu do chính đảng Cộng Sản Việt Nam và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà đề ra. Trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai (1954-1975) Trung Quốc chỉ là nước “ phải chi viện ” (nguyên văn của LXK), Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà là nước nhận chi viện và đã chủ động thực hiện các mục tiêu của mình : “ đánh cho Mỹ cút – đánh cho Ngụy nhào ”, hoàn thành công cuộc thống nhất đất nước. Mục tiêu này hoàn toàn là của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, mâu thuẫn với ý đồ và quyền lợi lâu dài của Trung Quốc mà Lê Xuân Khoa đã nhiều lần cáo buộc. Tôi xin tóm lược lại :

– Trung Quốc cùng với Liên Xô, Anh, Pháp chia cắt Việt Nam thành hai quốc gia riêng biệt với ý đồ duy trì cuộc chia cắt lâu dài hoặc vĩnh viễn ; cả hai đều chủ trương chung sống hoà bình với phương Tây (xem chương 4).

– Trung Quốc “ không muốn cho giới lãnh đạo miền Bắc tấn công miền Nam ” (xem chương 7 trang 276).

– Trung Quốc “ nhất quyết chống lại mọi nỗ lực giải quyết chiến tranh Việt Nam bằng thương thuyết ” (chương 7 trang 288).

Trong khi đó đảng Cộng Sản (Việt Nam) chủ động đề ra sách lược (nghị quyết 15) giải phóng miền Nam, chủ động đương đầu với Mỹ trong chiến tranh cũng như trong thương lượng hoà bình (hội đàm Paris) và hoàn thành công cuộc đấu tranh vì độc lập và thống nhất đất nước (xem Lê Xuân Khoa sđd từ trang 290 – đến hết chương 7 – Sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hoà). Chính Lê Xuân Khoa đã viết ở trang 305 như sau :

“ Khác với hội nghị Genève có tính cách quốc tế, hội nghị Paris 1973 chỉ là những cuộc hội đàm song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà…”

Chiến tranh cũng giữa Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà và Mỹ. Đàm phán hoà bình cũng giữa Mỹ và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Thực tế lịch sử này, một lần nữa chứng tỏ kết luận của Lê Xuân Khoa về tính chất của cuộc đụng độ mà ông gọi là Nội Chiến và Uỷ Nhiệm là không chính xác.

Cũng như các phần, các chương trước, Lê Xuân Khoa đã lắt léo sử dụng thủ pháp quen thuộc : kết luận một đường (trước khi) chứng minh một nẻo. Có điều phần chứng minh ông đã thực hiện rất cẩu thả, vụng về. Tôi đơn cử hai ví dụ :

(1) Ở trang 284, Lê Xuân Khoa viết như sau :

“ Tổng số lực lượng thống nhất quân Giải phóng miền Nam (thường được gọi là Việt cộng) vào năm 1961 là 25.000, chỉ một năm sau đã lên đến 123.000 ”.

“ Về phần Việt Nam Cộng Hoà, quân số tăng từ 15.000 năm 1960 lên 250.000 năm 1964. Lực lượng của Mỹ cũng gia tăng từ 500 cố vấn năm 1960 lên tới 23.000 năm 1964 ”.

(2) Ở trang 294, Lê Xuân Khoa viết:

“…đầu năm 1968 tướng Võ Nguyên Giáp quay trở lại mặt trận Khe Sanh với quân số từ 20.000 đến 30.000 để lôi cuốn thêm lực lượng Hoa Kỳ vào vòng chiến ”.

Cả hai thông tin : về quân số Việt Nam Cộng Hoà năm 1960 (15.000) và về tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy trận Mậu Thân, chứng tỏ :

– Ông không có một nghiên cứu đứng đắn về sự hình thành và phát triển của quân đội Việt Nam Cộng Hoà, theo ông là một bên của cuộc nội chiến và là quân đội của một bên nhận uỷ nhiệm (chính quyền Việt Nam Cộng Hoà).

– Ông cũng đã không có một nghiên cứu đứng đắn tối thiểu về giới lãnh đạo quân sự và chính trị của miền Bắc – bên kia của cuộc nội chiến và nhận uỷ nhiệm.

Về quân số Việt Nam Cộng Hoà năm 1960

Theo tôi quân đội Việt Nam Cộng Hoà vào thời điểm 1960 có vào khoảng 10 lần hơn con số 15.000 Lê Xuân Khoa đưa ra. Đó là không kể quân số trong các quân binh chủng Hải quân, Không quân đang hình thành – phát triển. Ngoài ra còn có các lực lượng Địa phương quân, Nghĩa quân ở các tỉnh, quận huyện, làng xã. Chắc Lê Xuân Khoa sẽ mỉm cười mỉa mai khi một cá nhân thiếu bảo chứng học thuật như tôi lại tranh cãi với ông, một nhà nghiên cứu, về “ những con số lịch sử ”. Vậy thì xin mời ông kiểm chứng qua những tài liệu trích dẫn sau đây :

“ Ngày 26 tháng 10 năm 1955, khi cử hành lễ đăng quang của Tổng thống Ngô Đình Diệm và cũng là ngày khai sinh nền Đệ Nhất Cộng Hoà, quân đội Quốc Gia Việt Nam đổi tên là Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Lúc đó quân số hiện diện là 167.000 người ” (Quân sử Việt Nam Cộng Hoà, theo qlvnch.blogspot.com).

“… từ năm 1955, riêng bộ binh, quân đội Việt Nam Cộng Hoà đã có 10 sư đoàn gồm 4 sư đoàn dã chiến và 6 sư đoàn khinh chiến. Các binh chủng Hải quân, Không quân cũng bắt đầu thành lập từ năm này, với tàu chiến, máy bay, huấn luyện và các trang thiết bị do quân đội Hoa Kỳ đảm trách và cung cấp. Đến năm 1960 các binh chủng như Lực lượng Đặc biệt, Thuỷ quân Lục chiến, Biệt động quân, Nhảy dù đã trưởng thành ở cấp lữ đoàn, liên đoàn, và đang tiến tới thành lập sư đoàn ” (theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia).

Tôi không hiểu vì sao Lê Xuân Khoa đưa ra con số 15.000 quân Việt Nam Cộng Hoà vào năm 1960 ?

Nếu năm 1960 Việt Nam Cộng Hoà chỉ có 15.000 quân thì lấy sức đâu năm 1954-1955 đương cự với quân của các giáo phái, đánh tan quân Bình Xuyên, san bằng các chiến khu của Quốc Dân Đảng, Đại Việt, và đặc biệt giành độc lập từ tay người Pháp như Lê Xuân Khoa đã viết ?

Nếu năm 1960 Việt Nam Cộng Hoà chỉ có 15.000 quân thì chắc chắn năm 1954-1955 số quân Việt Nam Cộng Hoà còn ít hơn, và như thế miền Bắc đã bãi bỏ chủ trương đấu tranh hoà bình, vì vào thời điểm đó họ đã để lại miền Nam hàng trăm ngàn cán bộ (quân sự – chính trị) với nhiều vũ khí và nhiều tình báo viên mai phục trong quân đội và chính quyền miền Nam.

Nếu năm 1960, Việt Nam Cộng Hoà chỉ có 15.000 quân thì rõ ràng người Mỹ đã ăn không ngồi rồi gần sáu năm sau khi thành lập SEATO, và

“ mật ký với Pháp nghị định thư ghi nhận Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà là lực lượng Cộng sản gây hấn, chống lại những ý niệm và quyền lợi của nhân dân tự do ở các quốc gia liên kết, Pháp và Hoa Kỳ, và hứa ủng hộ Ngô Đình Diệm trong việc thành lập và duy trì một chính phủ mạnh, chống cộng và có xu hướng quốc gia ” (LXK sđd tr276).

Một chính phủ mạnh không thể không có một quân đội mạnh, phải không, thưa giáo sư, học giả Lê Xuân Khoa ? Vào thời điểm 1960 một chính phủ mạnh không thể có một số quân là 15.000, cho dù chính phủ đó được lãnh đạo bởi “ Ngô Tổng thống anh minh ” – người mà năm năm trước, ngày 9 tháng 8 (1955) đã dứt khoát bác bỏ lời kêu gọi thương lượng hoà bình để thống nhất đất nước của thủ tướng miền Bắc Phạm Văn Đồng. Khước từ hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước, có nghĩa là Ngô Đình Diệm gián tiếp thách đố với miền Bắc về mặt quân sự.


Về “ Tướng Võ Nguyên Giáp và chiến dịch TCK/ TKN tết Mậu Thân ”

Theo tôi, sự kiện tết Mậu Thân, Võ Nguyên Giáp không tham gia làm kế hoạch, cũng không có vai trò quyết định trong việc chỉ đạo chiến trường cho đến hết đợt I. Bằng nhiều nguồn thông tin khác nhau, từ sau biến cố 1975, tôi biết được rằng bộ tứ lãnh đạo tối cao thời chống Pháp : Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, từ sau hội nghị lần thứ 15 của Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản (1959), đã từng bước bị tước quyền, trở thành những nhà lãnh đạo thứ yếu ở tuyến hai, nhường quyền thống soái cho bộ tam Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng ở trung ương, và bộ tam Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng ở chiến trường miền Nam. Do vậy, không có chuyện “ tướng Giáp quay trở lại mặt trận Khe Sanh…” như Lê Xuân Khoa đã viết.

Lê Xuân Khoa có thể kiểm tra các thông tin và nhận định của tôi bằng các tài liệu trích dẫn sau đây :

“ Kế hoạch Mậu Thân có nguồn gốc từ những kế hoạch ban đầu chúng ta hình thành mà một số nhà nghiên cứu gọi là Kế Hoạch X. Kế hoạch này được khởi phát vào lúc mà cuộc chiến tranh ở miền Nam đang tiến dần đến sự thay đổi chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ tiến hành ở miền Nam đang sa lầy, thất bại ” (theo PGS/TS Đại tá Hồ Khang – Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam. Wikipedia trích).

Tháng 7 và tháng 8 – 1967 cục tác chiến bộ tham mưu bắt tay xây dựng kế hoạch tác chiến chiến lược cho năm 1968 theo tinh thần Bộ chính trị tháng 6 và chỉ thị của Quân uỷ Trung ương ”.

“ Tướng Văn Tiến Dũng, Tổng tham mưu trưởng gợi ý cho “ Tổ kế hoạch ” do cục trưởng cục tác chiến Lê Ngọc Hiền phụ trách là nên nghĩ đến kế hoạch và cách đánh khác với cách đánh “ truyền thống ” mà lâu nay quân Giải phóng đã làm, thì mới giành thắng lợi quyết định. Trong khi “ Tổ kế hoạch ” còn đang suy nghĩ tìm cách đánh mới, thì Tổng bí thư Lê Duẩn khi trao đổi với quân uỷ Trung ương về kế hoạch tác chiến năm 1968 đã đề xuất giải pháp đánh thẳng vào sào huyệt của địch trong các thành phố, thị xã. Ý kiến của Lê Duẩn được Quân uỷ Trung ương và Tổng tham mưu trưởng tán thành và trở thành ý định quyết tâm chiến lược năm 1968…” (Sự kiện Tết Mậu Thân. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia tiếng Việt)

“ Thực ra hai ông Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp đã bày tỏ quan điểm chống lại kế hoạch đó ” (Ý kiến của nhà nghiên cứu độc lập Merle Pribbenow, nguyên là chuyên viên ngôn ngữ của cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ CIA làm việc tại Sài Gòn trước đây, trình bày tại cuộc hội thảo do Trung tâm Việt Nam của đại học Texas Tech tổ chức – phóng viên Việt Long ghi – Đài RFA phát ngày 16 – 3 – 2008)

“ Quan niệm về một cuộc tổng công kích nổi dậy thực ra bắt nguồn từ những năm giữa thập niên 1960. Và kế hoach đó sau cùng là sản phẩm chung của tướng Văn Tiến Dũng, thuộc cấp cao cấp nhất của tướng Giáp, và tổng bí thư Lê Duẩn, đối thủ lâu năm của vị tướng được cả quân dân miền Bắc ngưỡng mộ và thường gọi là anh Văn ” (Phát biểu của sử gia Villard tại cuộc hội thảo do Trung tâm Việt Nam của đại học Texas Tech tổ chức, phóng viên Việt Long ghi, đài RFA phát ngày 10 – 3 – 2008)

Viết về một cuộc chiến tranh mà chưa nắm rõ sự hình thành và phát triển lực chính trị và quân sự của bên này, đồng thời lơ mơ về giới lãnh đạo chính trị – quân sự của bên kia mà còn đưa ra những “ Bài học lịch sử ” tràng giang đại hải cho các bên tham chiến, còn lớn tiếng hô hào hoà hợp, hoà giải dân tộc thì quả là việc làm hoang tưởng, hoặc phản ảnh một ý đồ chính trị khó lường. Tôi nghiêng về khả năng thứ hai.

Chi tiết 15.000 quân của Việt Nam Cộng Hoà năm 1960 do Lê Xuân Khoa đưa ra là một sai trật nhỏ trong rất nhiều sai trật ông đã mắc phải trong quá trình mô tả sự hình thành phát triển phe Quốc Gia nói chung, và miền Nam như là “ một quốc gia riêng biệt ” từ sau hiệp định Genève mà “ Hoa Kỳ và Pháp đã “mật ký Nghị định thư ủng hộ Ngô Đình Diệm trong việc thành lập và duy trì một chính phủ mạnh, chống cộng và có xu hướng quốc gia ” (LXK sđd tr276).

Theo tôi một chính phủ mạnh không chỉ có một quân đội mạnh mà cần phải có một lực lượng chính trị mạnh được hậu thuẫn bởi một bộ phận quần chúng nhất định nhằm đánh bại các cuộc tấn công của miền Bắc về cả hai phương diện chính trị và quân sự. Như thế là cái sứ mệnh mà Thế giới Tự do giao phó cho chính phủ Ngô Đình Diệm nằm trong “mật ký của Hoa Kỳ và Pháp” là “chống cộng” và “quốc gia”.

Cho dù Lê Xuân Khoa có nói gì đi nữa, hoặc là ông cố ý không nói rất nhiều điều, thì “chống cộng” và “quốc gia” theo “mật ký giữa Hoa Kỳ và Pháp” vào tháng 9.1954 đã trở thành ý thức hệ, là học thuyết chính trị của hai thời kỳ Cộng hoà tại miền Nam từ Ngô Đình Diệm đến Nguyễn Văn Thiệu. Không làm sáng tỏ vấn đề này sẽ không hiểu hết bản chất của cuộc chiến mà Lê Xuân Khoa khẳng định là “Nội chiến và Uỷ nhiệm”.

Nhưng tại sao phải chống cộng ? Các Giám mục, linh mục thừa sai (Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp) và cả giáo hội La Mã cũng như giới lãnh đạo Pháp và Hoa Kỳ đã trả lời cho một bộ phận người Việt Nam : Vì Cộng sản chủ trương thực hiện tam vô (vô thần, vô sản và vô tổ quốc) bằng độc tài đảng trị. Do vậy mà Pháp, Hoa Kỳ, các Giám mục, linh mục và các nhà hoạt động chính trị Công giáo sau Genève đã hối hả đưa gần một triệu người (đa phần là Công giáo) từ miền Bắc vào miền Nam “Tị Nạn”, làm hậu thuẫn cho chế độ Ngô Đình Diệm. Do vậy mà : Từ sau Hội nghị Genève (tháng 7-1954) với sự viện trợ hùng hậu, sự bày mưu tính kế của Mỹ và một số Việt Minh chiêu hồi :

– Ngô Đình Diệm đã tổ chức Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia để đối đầu với Mặt Trận Việt Minh.

– Ngô Đình Nhu thành lập đảng Cần Lao với học thuyết duy Cần Lao – Nhân vị – Duy linh để đối đầu với đảng Lao Động (Cộng sản) chủ trương chiến tranh nhân dân, đấu tranh giai cấp với liên minh công-nông theo ý thức hệ Cộng sản (chủ nghĩa Mac – Lê nin) duy vật và vô thần. Ngô Đình Nhu tổ chức đoàn thanh niên Cộng Hoà, Trần Lệ Xuân thành lập Hội phụ nữ Liên đới là những tổ chức vòng ngoài của đảng Cần Lao.

– Ngô Đình Thục xây dựng Trung tâm Nhân Vị ở Vĩnh Long (một loại trường đảng cao cấp) nhằm cải tạo tư tưởng cho các nhân vật chủ chốt chế độ Ngô Đình Diệm với sự giảng dạy của các Linh mục. Trung tâm Nhân Vị của Ngô Đình Thục đả phá chủ nghĩa Cộng sản duy vật – vô thần, chửi bới, mạ lị các tôn giáo khác mà họ gộp chung lại là “ bọn tà ma ngoại đạo, phật thần ma quỷ ”. Đặc biệt, Trung tâm Nhân Vị rao giảng truyền bá Thiên Chúa giáo. Cuộc đấu tranh ý thức hệ này không chỉ bắt đầu từ khi “ Nguyễn Ái Quốc từ Nga sang Trung Hoa năm 1924 để hoạt động cho Comintern ”, như Lê Xuân Khoa đã cáo buộc, mà từ sau cách mạng Nga năm 1917, giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã đã đề xuất sách lược chống Cộng trên bình diện toàn cầu. Theo tôi, chủ nghĩa chống Cộng chỉ là sản phẩm của một giai đoạn, nó là một mắt trong một sợi xích dài của nền văn minh Ky Tô Giáo trong quá trình bung ra khỏi châu Âu đi chinh phục những vùng đất mới.

Tại Việt Nam, trước khi tiến hành chủ nghĩa chống cộng, các giáo hội Thiên Chúa giáo (từ Thừa sai đến La Mã) đã tiến hành chủ nghĩa chống Nho – Phật kéo dài hơn ba trăm rưởi năm (từ đầu thế kỷ XVII đến 1975).

Không phải ngẫu nhiên các thượng thư đứng đầu triều đình Huế từ sau cuộc khởi nghĩa Cần Vương đều là người Thiên Chúa Giáo (Nguyễn Hữu Bài, Ngô Đình Khả…) cũng không phải ngẫu nhiên mà người đứng đầu hai thời Cộng Hoà tại miền Nam (tiền đồn của Thế giới Tự do) từ sau Genève đều là người Thiên Chúa giáo (Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu). Cũng không phải ngẫu nhiên mà một tín đồ đạo dòng Thiên Chúa Giáo trở thành Hoàng hậu Nam Phương của triều đình An Nam Nho – Phật và thờ cúng tổ tiên ông bà.

Khi chế độ gia đình trị bị lật đổ, ba anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn bị giết chết, Mỹ phải mất hai năm loay hoay để tìm con ngựa mới cho cuộc Thánh chiến. Chẳng phải Nguyễn văn Thiệu đã không chỉ là kẻ “ thích ứng được với Hoa Kỳ trong thời kỳ Mỹ hoá chiến tranh ” như Lê Xuân Khoa đã nhận định, mà, sau lưng con ngựa Nguyễn Văn Thiệu còn có cả một tàu ngựa : Giáo hội Công giáo và đảng Cần lao tái sinh dưới tên gọi mới là đảng Dân chủ. Nhiều tác giả cho rằng chế độ Thiệu là chế độ Diệm không có Diệm trong thực tế này.

Yếu tố Thiên Chúa giáo (Công giáo) xuyên suốt từ thời kì thực dân Pháp bắt đầu đánh chiếm và hoàn tất công cuộc xâm lược Việt Nam, qua cuộc chiến tranh Việt – Pháp, đến hai thời kỳ Cộng hoà giả danh tại miền Nam, nó làm linh hồn cho hai chế độ độc tài từ gia đình trị qua quân phiệt trị đều là công cụ của ông chủ Mỹ. Miền Nam – cái tiền đồn của Thế giới Tự do – chỉ có được dưới 10 % dân chúng là người Công giáo ủng hộ. Lại nữa, trong số dưới 10 % dân chúng là người Công giáo ấy, ngày càng phát triển một bộ phận giáo dân, tu sĩ khát khao hội nhập với đồng bào – tổ quốc mình, thà đi với người Cộng sản còn hơn ở lại với Mỹ. Khi nhận ra thực tế này, người Mỹ đã muốn nhanh chóng thoát khỏi vũng lầy của cuộc chiến tranh lầm lạc, chẳng những đã phải chấp nhận gần hết các điều kiện của đối phương tại hội đàm Paris, mà còn vận động cả thế giới, bất kể Tư bản hay Cộng sản, bất kể bạn hay thù, bất kể đồng minh hay công cụ – để kìm hãm cuộc tiến công dứt điểm (phá bỏ hiệp định Paris) của miền Bắc, nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị trên phần lãnh thổ còn lại (Sài Gòn và các tỉnh Nam bộ) : thành lập chính phủ liên hợp ba thành phần để “ có thêm thì giờ cho Hoa Kỳ giải quyết được mọi việc trước khi rút hết người và vật liệu cần thiết ra khỏi Việt Nam ” (LXK sđd tr 311…). Nỗ lực khiêm tốn này của Mỹ cũng không thành, bởi Liên Xô và cả Trung Quốc, theo sự nhờ vả và trao đổi quyền lợi của Mỹ, chắc đã đề nghị, khuyến cáo thế này thế nọ với miền Bắc, cũng chẳng giúp được Mỹ thoát khỏi “ cuộc tháo chạy tán loạn ”. Cuộc tháo chạy tán loạn là tên một bản dịch (của Ngô Dư) cuốn sách có tựa đề The Decent Interval của tác giả Frank Snepp – một chuyên gia phân tích tình hình của CIA, người đã lái xe, cùng với tướng Timmes, đưa Nguyễn Văn Thiệu lên phi trường Tân Sơn Nhất vào chiều tối 25-4-1975 để ngài Tổng thống nền đệ nhị Cộng hoà “ra khỏi nước” theo lệnh và sự sắp xếp của đại sứ Hoa Kỳ Martin.

Khi làm ngơ để các tướng lãnh Việt Nam Cộng Hoà “ thảm sát ” anh em Ngô Đình Diệm, khi đổ quân mà chẳng cần hỏi ý kiến của “ nước chủ nhà ”, khi cùng đối phương ký Hiệp định Paris, khi bắt Thiệu phải từ chức, khi âm thầm và gấp rút áp tải Nguyễn Văn Thiệu “ ra khỏi nước,” người Mỹ đã thể hiện đầy đủ vai trò ông chủ đích thực của miền Nam, và cuộc chiến tranh hai mươi năm (1954-1975) với bao nhiêu tội ác và đau khổ đích thực là cuộc chiến tranh của Mỹ.

Người Mỹ biết mình nói dối khi nào, và với ai. Khi nào không cần và không thể nói dối nữa, người Mỹ đã tỏ ra thẳng thắn và trung thực một cách thô bạo trong lời nói cũng như trong việc làm. Mà, chỉ nói thật không thôi, thông thường đã làm mất lòng những ai bị lừa dối. Huống hồ gì đến hành động thô bạo của ông chủ Mỹ (giết chết anh em Ngô Đình Diệm, áp lực, sai khiến, áp tải Nguyễn Văn Thiệu). Lê Xuân Khoa gắn bó với người Mỹ lâu dài, dĩ nhiên ông không thể không nhận biết đạo lí này.


VII/ Vấn đề hoà giải hoà hợp dân tộc


Như thế là, Lê Xuân Khoa, một học giả không thể hoà giải với chính mình trong những vấn đề “ Xâm lược – Dân tộc ”, “ Quốc Gia – Cộng Sản ”, “ Nội chiến – Uỷ nhiệm ”, của thế kỷ trước, lại khẩn thiết kêu gọi hai phía Việt Nam đang ở hai bên bán cầu hoà giải, hoà hợp để xây dựng đất nước “ dân chủ ”, “ phú cường ” và tạo lập “ cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người dân ” vào mấy năm đầu của thiên kỉ thứ ba (LXK sđd tr492). Lời kêu gọi xem ra chân thành, những mục tiêu cũng xem ra to lớn và cao đẹp, chẳng khác biệt bao nhiêu với lời kêu gọi thỉnh thoảng được phát ra do một thủ đoạn chính trị xảo quyệt nào đó bởi guồng máy cai trị Cộng sản. Nhận xét như thế, tôi không có ý định đồng hoá Lê Xuân Khoa với “ chính quyền trong nước ”.

Theo tôi, Lê Xuân Khoa thuộc về một chính quyền khác, một cỗ máy khác, cỗ máy mà ông đã đặt tên là “ Việt Nam Quốc Gia ”, được người Pháp rèn giũa một số cơ phận để phục vụ trong chế độ thuộc địa, để rồi người Mỹ tuyển chọn, mài giũa lại, rèn đúc thêm một số cơ phận mới, lắp ráp, đổ xăng nhớt, vận hành nhằm mục đích canh giữ tiền đồn của Thế giới Tự do. Cái cỗ máy “ Việt Nam Quốc Gia ” đó khi mới bắt đầu lắp ráp (sau Genève), theo sự đánh giá của tổng thống Mỹ Eisenhower và ngoại trưởng Mỹ Dulles, có khoảng 20 % dân chúng miền Nam ủng hộ. (Dulles cho rằng nếu Tổng tuyển cử vào năm 1956 – Hồ Chí Minh sẽ thắng. Eisenhower đánh giá cụ thể hơn, nếu bầu cử theo hiệp định Genève, 80 % cử tri Việt Nam sẽ bỏ phiếu cho Hồ Chí Minh).

Cái cỗ máy “ Việt Nam Quốc Gia ” đó đến thời điểm ký kết hiệp định Paris, hai phái đoàn đàm phán : Mỹ và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà khẳng định một cách đại khái rằng nó là đầu tàu của một trong ba thành phần chính trị tại miền Nam. Theo tôi (qua những phân tích trên) nó đại diện cho dưới 10 % nhân dân miền Nam là đồng bào Công giáo đã từng hậu thuẫn cho hai chế độ độc tài gia đình trị và quân phiệt trị đang bị đồng minh Hoa Kỳ bỏ rơi, để rồi hoàn toàn sụp đổ vào ngày 1 tháng Năm năm 1975.

Vậy thì, thưa giáo sư Lê Xuân Khoa, đến thời điểm ông viết sách Việt Nam 1945-1995, những người vẫn kiên định mình là “ Việt Nam Quốc Gia ” chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng số 3 triệu (con số Lê Xuân Khoa cung cấp) đồng bào ở hải ngoại ? Theo tôi biết, đa phần trong số 3 triệu đồng bào ở hải ngoại ấy, cũng như đa số trong 8 – 9 chục triệu đồng bào ở trong nước này, không đặt vấn đề hoà giải với chế độ độc tài đảng trị và thần phục Trung Quốc. Người ta kêu gọi, người ta đấu tranh, người ta hy vọng vượt qua chế độ độc tài toàn trị và lệ thuộc nhằm đưa đất nước tiến tới một xã hội dân sự, nhân quyền, tự do, dân chủ, đa nguyên, đa đảng là nền tảng của một đất nước tự chủ, một xã hội văn minh và phát triển bền vững. Người ta thừa kinh nghiệm máu xương và mồ hôi, nước mắt để khẳng định rằng không thể hoà giải, hoà hợp với các chế độ độc tài, cho dù là độc tài gia đình trị, quân phiệt trị, hay đảng trị. Bởi các chế độ độc tài “ không tha thứ cho (bất cứ) ai bất đồng chính kiến ” (nhóm từ Lê Xuân Khoa mô tả chế độ Ngô Đình Diệm) và không chia sẻ cho ai bất cứ lợi quyền nào, hơn thế nữa, còn bất chấp lợi quyền và những giá trị thiêng liêng của tổ quốc.

Nguyên lý và vận động thực tế của hoà giải, hoà hợp là cùng chân thành kiểm điểm quá khứ, tương nhượng, phân chia lại quyền lợi, trách nhiệm và cùng nhìn về tương lai của đất nước bằng những hành động chung trong hoà bình và tôn trọng lẫn nhau. Các chế độ độc tài và các cá nhân thuộc về nó không hề biết tự kiểm điểm, chẳng biết lắng nghe, tương nhượng, chẳng hề muốn phân chia các quyền lợi cho bất cứ ai, chẳng nhắm đến quyền lợi chung của tổ quốc, của dân tộc trong hiện tại cũng như trong tương lai. Vậy thì đặt vấn đề hoà giải với “ chính quyền trong nước ” như chủ trương của Lê Xuân Khoa là một việc làm khó lí giải được, và vô cùng nguy hiểm đối với đại đa số nhân dân là đối tượng chuyên chính ngày càng siết chặt của “ chính quyền trong nước.”

Khi người “ Việt Nam Quốc Gia ” quay trở lại hoà giải, hoà hợp với người “ Việt Nam Cộng sản ” thì chắc chắn công cuộc đấu tranh của nhân dân để vượt thoát khỏi chế độ độc tài toàn trị và lệ thuộc vốn đã khó khăn, lại càng khó khăn, gian khổ, hiểm nguy và lâu dài hơn.

Giả định rằng Lê Xuân Khoa đã vượt thoát được ra ngoài cái tâm lý của cộng đồng “ Việt Nam Quốc Gia ” đang nỗ lực bảo lưu ở hải ngoại, hẳn nhiên ông không khỏi băn khoăn, xao xuyến trước tình cảnh bế tắc, rớt xuống tận đáy tối tăm của đất nước, sao ông không hoà giải hoà hợp với đồng bào trong nước, để cùng đấu tranh với đảng Cộng sản nhằm thực hiện các mục tiêu do chính ông đề ra là “ xây dựng đất nước dân chủ, phú cường ” và tạo “ cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người dân ”.


*


Mấy vấn đề cần thảo luận thêm thay cho phần tạm kết :


Bảy vấn đề nêu ra từ Việt Nam 1945-1995 tôi đã thảo luận cùng tác giả Lê Xuân Khoa qua những trang trên đây e là không tránh khỏi những khiếm khuyết trên cả hai phương diện : ý tứ và cách thức giải trình. Và cũng e rằng còn không ít vấn đề tôi chưa nêu ra hết hoặc phát sinh từ phần phản biện của tôi. Rất mong tác giả Lê Xuân Khoa và độc giả tiếp tục trao đổi nhằm làm sáng tỏ hơn nữa sự thật của một khúc đoạn lịch sử Dân tộc – khúc đoạn mà đến nay vẫn chưa có một đồng thuận đầy đủ trong những nhìn nhận tổng thể cũng như khía cạnh. Riêng tôi, cũng còn mấy vấn đề cần tiếp tục làm rõ :


I/ Vấn đề “ Mỹ hoá ” chiến tranh

Ở cuối chương 10, trang 483, Lê Xuân Khoa viết :

“ Sai lầm to lớn của Hoa Kỳ trong chính sách “Mỹ hoá” chiến tranh và thái độ vô trách nhiệm của các tướng lãnh cầm quyền ở miền Nam là những nguyên nhân chính đưa đến sự thất bại của Mỹ và sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hoà ”.

Qua đoạn trích dẫn này, tôi thấy Lê Xuân Khoa còn nhập nhằng trong cách sử dụng ngôn từ. Ở trang 28 (Lời Mở Đầu), ông viết : “ Tất cả những lời dẫn chứng hay ý kiến không phải của tác giả đều được để trong ngoặc kép và được ghi rõ xuất xứ trong phần chú thích ”. Chữ Mỹ hoá trong câu trích dẫn trên Lê Xuân Khoa để trong ngoặc kép nhưng không thấy ghi rõ xuất xứ. Do vậy người đọc sách không hiểu hai từ Mỹ hoá là của tác giả hay là của ai, và nội dung chính xác của nó là gì ? Phải chăng ông muốn cho độc giả hiểu rằng chính ông cũng chưa vừa ý khi sử dụng hai từ Mỹ hoá để mô tả việc Hoa Kỳ chủ động tiến hành cuộc chiến tranh của họ tại Việt Nam ? Hay là đến khi kết thúc công trình nghiên cứu, Lê Xuân Khoa thấy mình đã xích gần với các sử gia của “ chính quyền trong nước ” trong nhận định chung cuộc về vai trò (xâm lược) của Mỹ trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai ? Một câu hỏi nữa cần tác giả Lê Xuân Khoa giải đáp :

– Thái độ “ vô trách nhiệm ” của các tướng lãnh cầm quyền ở miền Nam là gì và với ai ? Với Mỹ ? Với “ Việt Nam Quốc Gia ” ? Với nhân dân miền Nam ? Với nhân dân và đất nước Việt Nam ?

Theo tôi “ sai lầm to lớn ” của Mỹ là triết lý phòng thủ từ xa và hành động chiến lược có nguồn gốc từ học thuyết Đô mi nô bắt đầu từ việc coi Đông Dương là chiến lợi phẩm cửa các nước đồng minh phương Tây, ủng hộ, cộng tác với thực dân Pháp trong công cuộc tái chiếm Đông Dương từ 1945, chủ động thay thế Pháp trong việc “ Bảo tồn những vùng đất còn lại ” (miền Nam Việt Nam, Lào, Cam Bốt) từ 1954, phá bỏ hiệp định Genève, sử dụng một thiểu số người Việt Nam làm trợ thủ trong việc biến miền Nam thành tiền đồn của Thế Giới Tự Do, một quốc gia riêng biệt. Theo đó Hoa Kỳ thiết trí cuộc đối đầu giữa hai phe Quốc gia – Quốc tế, Tư bản – Cộng sản trên đất nước Việt Nam.

Vì mục tiêu chống Cộng, vô hình trung, Mỹ bất chấp khát vọng độc lập, thống nhất, hoà bình và quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam. Do vậy, chống Cộng cũng có nghĩa là chống dân tộc Việt Nam. Tình trạng này diễn tả chính xác câu châm ngôn : Giận con rận – đốt cái áo. “ Sai lầm to lớn ” hay tội ác của Mỹ nằm ở câu nhận định này.

Việc Hoa Kỳ “ Mỹ hoá ” chiến tranh vào thời điểm 1965 là hành động chẳng đặng đừng trên con đường chiến lược đã sai.

Theo thiết kế ban đầu của Mỹ :

– Bên này chiến tuyến là Mỹ, Liên minh phòng thủ Đông Nam Á, cộng với một thiểu số người Việt Nam mà các tín đồ Thiên Chúa là nòng cốt và gia đình Ngô Đình Diệm là đại diện (Lê Xuân Khoa gọi là Việt Nam Quốc Gia – Việt Nam Cộng Hoà – Miền Nam).

– Bên kia chiến tuyến là đảng Cộng sản (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà) với sự giúp đỡ của Liên Xô và Trung Quốc, cùng với đa số nhân dân Miền Bắc và một bộ phận không nhỏ quần chúng miền Nam (Lê Xuân Khoa gộp chung lại là Việt Nam Cộng sản – Việt Nam Dân chủ Cộng Hoà – Miền Bắc).

Thiết trí một cuộc đối đầu như thế, chính quyền Mỹ tin rằng :

– Sức mạnh quân sự vô địch, tiền bạc dồi dào của Mỹ sẽ thắng súng đạn và tiền bạc vốn nghèo nàn lạc hậu của miền Bắc và phe Xã hội Chủ nghĩa.

– Chế độ Cộng hoà, tự do, dân chủ do Mỹ dàn dựng, bảo trợ, và nền văn minh Ky Tô giáo Miền Nam sẽ thắng chế độ độc tài, vô sản, vô thần của Cộng sản Miền Băc.

– Do sự hơn hẳn về cả hai phương diện vật chất và tinh thần của Mỹ như thế, nhân dân miền Nam từng bước sẽ ngả về phía Mỹ và Việt Nam Quốc Gia. Cộng Sản mai phục ở miền Nam nhất định phải bị tiêu diệt, (và đã bị tiêu diệt gần hết qua các chiến dịch tố Cộng – diệt Cộng). Việt Nam Cộng Hoà sẽ giàu mạnh và trường tồn làm tiền đề thay đổi tương quan lực lượng quần chúng trên miền Bắc. Trong trường hợp miền Bắc xâm lăng miền Nam, nhất định sẽ bị quân lực Việt Nam Cộng Hoà do Mỹ huấn luyện, trang bị, viện trợ và cố vấn đánh bại.

Nhưng thực tế lịch sử đã không diễn ra như những tính toán của Mỹ.

Thực tế lịch sử là Mỹ đã thất bại trong việc biến miền Nam thành tiền đồn của Thế giới Tự do. Sau 9 năm sắm sửa vai trò chủ nhân ông của miền Nam với những người “ Việt Nam Quốc Gia ” được tuyển chọn, rèn cặp và tận tình bảo trợ, Hoa Kỳ đã không gầy dựng nổi một chế độ Cộng hoà tự do, dân chủ được đại bộ phận nhân dân miền Nam tin tưởng và ủng hộ như dự kiến ban đầu, mà Mỹ đã chỉ giúp được cho một Ngô Đình Diệm hình thành chế độ độc tài Gia đình – Cần lao – Thiên chúa giáo trị với khoảng trên dưới 10 % dân số hậu thuẫn.

Chế độ độc tài Gia đình – Cần lao – Thiên chúa giáo trị Ngô Đình Diệm đến thời điểm 1963 không chỉ gây thù kết oán với đại bộ phận nhân dân miền Nam, mà còn muốn giành quyền tự quyết trước ông chủ Mỹ chẳng khác mấy so với thực dân Pháp trước đây. Bị xúc phạm và đứng trước nguy cơ thất bại, ông chủ Mỹ – vị Thiên sứ của những giá trị tự do, dân chủ và tinh hoa của nền văn minh Ky Tô giáo thế kỷ XX, đã hành xử như một bố già Mafia. Anh em Ngô Đình Diệm bị thanh toán như những thủ lĩnh Mafia đàn em cứng đầu rắp tâm phản trắc. Nền Đệ nhất Cộng hoà bị lật đổ qua cuộc đảo chính ngày 1 tháng 11 năm 1963. Quân lực Việt Nam Cộng Hoà mà người Mỹ đã tổn hao rất nhiều công sức, của cải để huấn luyện, trang bị, trả lương (gián tiếp qua viện trợ cho Ngô Đình Diệm) và được chỉ huy bởi các tướng lãnh có gốc gác từ chế độ thực dân và văn hoá thuộc địa Pháp sau các trận thất bại ở Ấp Bắc, An Lão, Bình Giả, Phù Mỹ,…, chỉ đủ sức để lật đổ nhà Ngô, chứ không đủ sức đương đầu trước các cuộc tấn công hai chân (chính trị – quân sự) ba mũi (chính trị – quân sự – binh vận) trên cả ba vùng chiến lược (thành thị – nông thôn – rừng núi) của Cộng sản. Tiền đồn của Thế giới Tự do đứng bên bờ vực thẳm. Hoa Kỳ đã “ Mỹ hoá ” chiến tranh trước tình thế đó.

Để công cuộc “ Mỹ hoá ” chiến tranh được tiến hành suôn sẻ, Hoa Kỳ cần một chính quyền bản địa mạnh làm công cụ trấn áp các phong trào đấu tranh dân chủ, đòi quyền dân tộc tự quyết (cụ thể là phong trào đấu tranh của Phật giáo và Sinh viên – Học sinh), và bảo đảm trật tự trị an trong các đô thị, tiến hành các chương trình bình định ở nông thôn. Các tướng già bị loại. Các tướng trẻ Nguyễn Khánh, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Văn Thiệu… lần lượt được tuyển chọn và thử thách. Cuối cùng chế độ độc tài quân phiệt do Nguyễn Văn Thiệu cầm đầu được chuẩn nhận, củng cố và thuê bao, vì “ ông thích ứng được với Hoa Kỳ trong thời Mỹ hoá chiến tranh ” (như nhận định của Lê Xuân Khoa). Từ sau tháng 3-1965, Hoa Kỳ trực tiếp đương đầu với Cộng quân trên các chiến trường miền Nam và tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân trên miền Bắc (bắt đầu từ giữa năm 1964).

– Không quân, hải quân, lực lượng đặc biệt của Hoa Kỳ đánh phá các kho tàng, căn cứ quân sự, các khu vực kinh tế, các cầu đường, nhà ga, bến cảng, sân bay và các phương tiện giao thông đê điều nhằm ngăn chặn các nguồn tiếp trợ từ phe Xã hội chủ nghĩa cho miền Bắc và huỷ diệt, ngăn chặn các nguồn nhân lực, vật lực từ miền Bắc tiếp tế cho miền Nam.

– Đường mòn Hồ Chí Minh, con đường chiến lược huyết mạch Cộng sản dùng để chuyển vận người, hàng hoá vào Nam, và cả con đường vận chuyển trên biển, sẽ bị cắt đứt bởi một liên quân phối hợp : không quân, hải quân, thuỷ quân lục chiến, biệt kích, thám báo và hàng rào điện tử.

– Bộ binh, Thuỷ quân lục chiến, các quân binh chủng hỗ trợ (hải quân ven bờ, không quân, pháo binh, thiết giáp) của Mỹ, Việt Nam Cộng Hoà, và của các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông nam Á phụ trách các chiến trường miền Nam.

Như thế là : nguồn tiếp tế sẽ bị huỷ diệt, đường tiếp tế sẽ bị cắt đứt, hai ba trăm ngàn quân Cộng sản (gồm chính quy và du kích) có mặt tại miền Nam đi chân trần, được trang bị những vũ khí cá nhân, thiếu thốn, đói khổ trăm bề, chắc chắn sẽ bị tiêu diệt bởi quân Mỹ, quân Đồng minh và quân Việt Nam Cộng Hoà (vào thời điểm cao trào (1967-1968) lên tới gần một triệu hai, bao gồm gần 600.000 quân Mỹ và Đồng Minh, trên 550.000 quân Việt Nam Cộng Hoà) thiện chiến, được trang bị đầy đủ các khí tài hiện đại có sức tàn phá, huỷ diệt khủng khiếp, được phục vụ dư thừa các nhu cầu của đơn vị và cá nhân.

Theo tính toán của Mỹ : Chiến lược chiến tranh nhân dân của Cộng quân chắc chắn sẽ bị phá sản trong một thời gian ngắn (tuyên bố của Westmoreland là trong vòng 18 tháng) trước chiến lược huỷ diệt môi trường sống bằng thuốc khai quang, bằng sách lược tát nước bắt cá (kéo dân ra khỏi các vùng Cộng quân làm chủ để tự do bắn phá), bằng các cuộc hành quân lùng và diệt do quân Mỹ và quân Đồng minh phụ trách ở phía trước, và các chương trình bình định do quân Việt Nam Cộng Hoà phụ trách ở phía sau.

Tuy nhiên, thực tế chiến trường lại diễn ra theo một tình thế khác. Sự hơn hẳn trong tương quan lực lượng của Hoa Kỳ và Đồng Minh và trợ thủ chỉ gây khó khăn trở ngại và thiệt hại to lớn cho đối phương chứ không thể tiêu diệt được đối phương như dự liệu. Miền Bắc vẫn chi viện được cho miền Nam, Mặt trận Giải phóng vẫn làm chủ được những vùng rừng núi, nông thôn rộng lớn, vẫn liên lạc được với một bộ phận không nhỏ quần chúng đô thị và các vùng nông thôn “ tạm chiếm ”. Và Cộng quân hoàn toàn có khả năng tồn tại lâu dài, tiếp tục gây tổn thất cho quân Mỹ, quân Việt Nam Cộng Hoà và Đồng minh. Công cuộc “ Mỹ hoá ” chiến tranh đứng trước tình trạng bị sa lầy trong lúc nội tình nước Mỹ chia rẽ nghiêm trọng. Phe chủ chiến lục đục, phe chủ hoà phát triển mạnh trong quần chúng và quốc hội. Trước bối cảnh đó Cộng quân phát động chiến dịch Tổng công kích – Tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân (1968).


II/ Về chiến dịch Tổng công kích – Tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân.


Từ 1963, phong trào Phật giáo phát triển như là một lực lượng quần chúng có khả năng gây xáo trộn lớn trong các đô thị miền Nam. Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà và Mặt trận Giải Phóng nương theo phong trào Phật giáo tổ chức, phát động phong trào đô thị của mình. Các nhà lãnh đạo chiến tranh ở Hà Nội nghĩ nhiều hơn đến một cuộc tổng tấn công, tổng khởi nghĩa nhắm vào đại bản doanh của Mỹ và Việt Nam Cộng Hoà. Đây là cuộc chiến tranh cách mạng có tính cách quyết liệt trước tình thế “ Ngụy quân – Ngụy quyền rệu rã ” và “ Mỹ xâm lược ” trong quá trình chuyển đổi từ chiến tranh đặc biệt qua chiến tranh cục bộ (Mỹ hoá). Trong những Thư vào Nam viết từ các năm 1961 đến 1975 (nxb Quân Đội Nhân Dân – 2005), Lê Duẩn, người lãnh đạo tối cao của đảng Cộng sản và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, tập trung luận giải và chỉ đạo cho các thuộc cấp ở miền Nam các vấn đề chiến lược và chiến thuật theo học thuyết của ông : Thực hiện chiến lược Hai chân (chính trị – quân sự), Ba mũi giáp công (chính trị, quân sự và binh vận) nhằm đánh sụp Ngụy quân, lật đổ Ngụy quyền, buộc Mỹ chấp nhận thua trong chiến tranh đặc biệt, điều đình rút lui. Hoặc làm rệu rã ý chí xâm lược trong chiến tranh cục bộ, buộc Mỹ tìm kiếm phương cách thương lượng hoà bình, từ bỏ cuộc chiến tranh không thể thắng.

Sau ba năm đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại khốc liệt của Mỹ trên miền Bắc và chiến lược huỷ diệt môi trường, các cuộc hành quân tìm diệt, bình định của Mỹ và Đồng minh với những tổn thất to lớn tại miền Nam, các nhà lãnh đạo chiến tranh tại Hà Nội nhận ra rằng cuộc kháng chiến chống Mỹ – Ngụy để thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội chẳng biết bao giờ mới kết thúc được ! Trước tình thế khó khăn đó, kế hoạch Tổng công kích – Tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân hình thành. Theo đó, lực lượng kháng chiến miền Nam phải ra sức củng cố các căn cứ ở miền núi, mở rộng vùng kiểm soát ở đồng bằng – nông thôn làm bàn đạp tấn công bất ngờ và đồng loạt vào các đô thị miền Nam – nơi trú đóng của các cơ quan đầu não của Mỹ và Việt Nam Cộng Hoà – không chỉ bằng lực lượng quân sự mà bằng ba mũi giáp công : Chính trị, quân sự và binh vận. Về quân sự thì quân Giải Phóng từ trên núi xuống. Về chính trị thì quân chúng nhân dân tại chỗ được cán bộ nằm vùng tổ chức, giáo dục, huấn luyện đưa vào cuộc đấu tranh khuynh đảo. Binh vận là vận động quân nhân trong quân đội Việt Nam Cộng Hoà tổ chức binh biến, đào ngũ, phản chiến, tham gia phong trào quần chúng. Cả ba lực lượng : quân sự, chính trị, binh vận phối hợp với nhau nhằm đánh sập, hoặc vô hiệu hoá quân đội Quốc Gia, lật đổ chính quyền Việt Nam Cộng Hoà, xây dựng chính quyền mới liên hiệp và trung lập. Đây là bước chuyển tiếp dẫn đến thống nhất đất nước và xây dựng Xã hội Chủ nghĩa.

Chiến dịch tết Mậu Thân nhằm hai mục đích, vào hai đối tượng:

– Một là làm lung lay ý chí của các nhà làm chiến tranh Mỹ.

– Hai là thức tỉnh Lương tri của nhân dân Hoa Kỳ và thế giới.

Lí luận là : Khi mà ý chí của phe chủ chiến Mỹ lung lay, khi mà quần chúng và quốc hội Mỹ nhận ra rằng cuộc chiến do chính phủ của họ chủ trương và đeo đuổi là phi nghĩa (chống lại dân tộc Việt Nam dưới chiêu bài chống Cộng), gây tổn hại đến đời sống nhiều mặt của đất nước và nhân dân Hoa Kỳ, thì Mỹ rút khỏi cuộc chiến tranh đang sa lầy là tất yếu. Đây là mục tiêu lớn nhất cũng có thể là duy nhất trong cuộc Tổng tấn công tết Mậu Thân. Bởi nó nằm ngoài mưu lược của các nhà làm chiến tranh chuyên nghiệp. Trong Thư vào Nam, nhiều lần Lê Duẩn nhắc đến cụm từ “ đánh quân sự mà tác động chính trị ”. Chính trị ở đây là tình trạng khủng hoảng trong chính trường, tâm lý xã hội Mỹ và dư luận thế giới.

Chủ trương, sách lược, chiến lược là như thế, và thực tế cuộc Tổng công kích – Tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân cũng đã kết thúc gần như thế. Tuy nhiên nó không trùng khớp với kế hoạch “ công khai và giả mật ” (giả mật : tài liệu "mật" giả hiệu, tung ra để đánh lừa đối phương – chú thích của Diễn Đàn) của các nhà lãnh đạo tối cao của đảng Cộng sản. Hầu hết các địa phương từ Bến Hải đến Cà Mâu đều đồng loạt vang dội tiếng súng của quân Cộng Sản. Tiếng súng làm át cả tiếng pháo Tết gây nên sự náo động, hoảng sợ và tâm lí mâu thuẫn trong quần chúng, gây choáng váng cho Mỹ và Việt Nam Cộng Hoà. Nhưng đó là tiếng đạn pháo từ ngoài bắn vào, hoặc từ các đội biệt động, đặc công, du kích gài sẵn bên trong. Quân Cộng sản đã không phối hợp được hai chân (chính trị và quân sự), ba mũi (chính trị, quân sự, binh vận) đều khắp trong các thành phố, tỉnh lị, ngoại trừ Huế. Do vậy, quân Cộng Hoà dù rối loạn nhưng chưa bị đánh bại, chính quyền Việt Nam Cộng Hoà dù hoang mang nhưng chưa bị lật đổ, chủ yếu vì Mỹ chưa chịu rút lui.

Tại Sài Gòn (mục tiêu tấn công quan trọng nhất trong ba mục tiêu hàng đầu : Sài Gòn – Đà Nẵng – Huế), cuộc Tổng công kích – Tổng khởi nghĩa đã không thực hiện được theo mô hình ba mủi giáp công vì bộ binh (lực lượng nòng cốt của tấn công) không vào kịp, hoặc đã bị ngăn chặn ở một số khu vực ven đô. Cán bộ nội thành đã không thể phát động quần chúng tại các địa phương thành một cuộc nổi dậy (tổng khởi nghĩa). Công tác binh vận chẳng có dấu hiệu nào đáng kể. Do vậy sự cố Mậu Thân tại Sài Gòn chủ yếu do các đội biệt động, đặc công và du kích thực hiện. Toà Đại sứ Mỹ, dinh Độc Lập, bộ Tổng tham mưu, đài phát thanh, sân bay Tân Sơn Nhất, bộ Tư lệnh Hải Quân là 6 trong 9 mục tiêu (theo kế hoạch) đã bị quân Giải Phóng tấn công nhưng không có mục tiêu nào dứt điểm. Chỉ trong ngày đầu, hay vài ba ngày sau các chiến binh đã liều chết để thực hiện nhiệm vụ của mình, hơn 90 % bị tiêu diệt hoặc bị bắt sống bởi lực lượng bố phòng và chi viện.

Ở Huế (một trong ba trọng điểm) đã có sự phối hợp khít khao, nhuần nhuyễn giữa lực lượng tấn công (bộ binh và các binh chủng đặc biệt) từ ngoài vào và lực lượng nổi dậy (khởi nghĩa) đã được chuẩn bị kỹ lưỡng từ bên trong, nhưng công tác binh vận không thực hiện được. Do vậy mặc dù đã không chiếm được hai căn cứ quân sự Mang Cá (bản doanh của sư đoàn Một Việt Nam Cộng Hoà) và Phú Bài, quân Giải Phóng đã đánh chiếm và làm chủ được gần như toàn bộ các khu vực dân cư trong vòng 24 tiếng đông hồ. 11 giờ trưa ngày 1-2-1968 (Mồng Một Tết) cờ của Mặt Trận Giải Phóng đã tung bay trên đỉnh Phu Văn Lâu. Chính quyền Việt Nam Cộng Hoà đã bị vô hiệu hoá. Chính quyền “ nhân dân ” từ phường xã, quận huyện, thành phố, tỉnh được thành lập. Do việc Cộng sản triệt hạ chính quyền cũ, xây dựng chính quyền mới “ trên đầu ngọn súng ”, tiếp theo là viêc quân Mỹ, quân Việt Nam Cộng Hoà phản công tái chiếm, truy quét tàn quân Cộng sản và lập lại chính quyền củ, nên vấn đề “ thảm sát ” Mậu Thân Huế đã xảy ra.

Đà Nẵng, mục tiêu quan trọng thứ hai trong chiến dịch Mậu Thân, mặc dù đã diễn ra trước một ngày theo kế hoạch do bởi ngộ nhận ngày tính theo lịch Bắc – lịch Nam), cũng như các địa phương khác thuộc khu 5 và Tây Nguyên (Hội An, Tam Kì, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Tuy Hoà, Nha Trang, Kon Tum, Plây Cu, Ban Mê Thuộc) chỉ diễn ra những trận pháo kích lớn hay đột nhập nhỏ vào bộ tư lệnh quân đoàn I, sân bay Đà Nẵng, sân bay Nước Mặn (Non Nước). Cuộc tổng tấn công – tổng khởi nghĩa ở khu vực này không gây được tiếng vang lớn.

Trong lúc chiến cuộc ở những nơi khác trên toàn miền Nam sau ngày thứ ba đã lắng xuống, thì tại Huế quân Mỹ và quân Việt Nam Cộng Hoà bắt đầu cuộc phản công tái chiếm. Bom ào ạt trút xuống từ trời, pháo hạm bắn vào như mưa từ biển, Bộ binh, Thuỷ quân lục chiến, Kỵ binh bay, Nhảy dù, Biệt động quân, Hắc báo, Địa phương quân, Cảnh sát… vây áp từ ba phía đông-nam, đông-bắc và tây-bắc. Cuộc phản công huỷ diệt của ba bốn chục ngàn tay súng Mỹ – Việt Nam Cộng Hoà, và cuộc chiến đấu cố thủ – liều chết của non chục ngàn tay súng Việt Cộng đã diễn ra trên từng thước đất, từng căn nhà, từng góc phố. Khu vực “ chiếm giữ và ở lại ” ngày một thu hẹp, số thương vong ngày một gia tăng. Ngày 22 quân Cộng sản mặc dù không được lệnh của Hà Nội đã tự động rút dần ra. Ngày 26 các chiến binh giữ cờ trên Phu Văn Lâu mới bị tiêu diệt. Trên những nẻo đường rút lui, các cánh quân Cộng sản kể cả những cán bộ nội thành đã bị lộ, những thanh niên vừa được quân sự hoá mấy ngày, thương binh và những tù binh của họ bị truy kích tơi bời bởi đại liên bắn từ trực thăng, pháo từ hạm đội, và bị băm nát bởi hàng loạt bom rải thảm từ máy bay B52.

Song song với cuộc phản công truy quét, lùng diệt và bình định, quân Mỹ và quân Việt Nam Cộng Hoà ra sức xây dựng các tuyến phòng thủ kiên cố và dày đặc chung quanh các thành phố, thị xã, tiểu khu, chi khu, căn cứ, kho tàng, các trục giao thông… để đề phòng các cuộc tấn công, đột nhập khác của quân Cộng Sản. Cuộc phản công tuyên truyền tâm lý chiến về vụ “ tắm máu ” tại Huế và tình trạng “ thảm bại ” của Cộng Sản trên toàn miền Nam cũng được Mỹ và Viêt Nam Cộng Hoà ra sức đẩy mạnh. Trong bối cảnh đó, các nhà lãnh đạo chiến tranh của Hà Nội ra lệnh tiến hành “ Tổng công kích – Tổng khởi nghĩa ” đợt hai (tháng 5), rồi đợt ba (tháng 8).

Không còn yếu tố bất ngờ, không có lực lượng nổi dậy từ bên trong để phối hợp, chẳng có mũi nhọn binh vận nào để “ giáp công ”, chiến dịch Mậu Thân đợt 2 rồi đợt 3 chỉ thuần túy quân sự.

Ngoại trừ khu vực Trị Thiên đã kiệt sức, các đơn vị quân Giải Phóng (từ khu 5 trở vào) được lệnh vượt qua các tuyến phòng thủ dày đặc mới được xây dựng của Mỹ và Việt Nam Cộng Hoà, tiếp tục các cuộc tấn công liều chết vào Sài Gòn và các mục tiêu “ nhạy cảm ” khác để tiếp tục gây tiếng vang, phát huy thắng lợi các cuộc tấn công liều chết và tử thủ đợt 1. Công cuộc phản công huỷ diệt của quân Mỹ và Việt Nam Cộng Hoà lại tiếp diễn, đẩy quân Giải Phóng vào tình trạng khốn đốn đến hai ba năm. Nhiều cán bộ, cơ sở nội thành bi giết, bị bắt hoặc bị lộ, các khu vực nông thôn giải phóng bị thu hẹp. Nhiều mật khu mất an toàn. Nhiều đơn vị lớn của quân Giải Phóng phải chạy qua trú đóng bên kia biên giới Lào và Cam Bốt để xây dựng lại lực lượng.

Chiến dịch Tổng tấn công – Tổng khởi nghĩa tết Mậu Thân đối với Cộng Sản là một tổn thất to lớn trên cả hai phương diện chính trị và quân sự trong đấu trường nội địa, nhưng là một thắng lợi quyết định trong lòng nước Mỹ. Nó là các cuộc tấn công liều chết (cũng có thể nói là các cuộc tự sát tập thể hay thí quân) chỉ với mục đích gây xúc động mạnh trong tâm lý quần chúng Hoa Kỳ và lương tâm nhân loại. Nó lay động tận gốc rễ ý chí chiến tranh của phe chủ chiến Mỹ ; nó bày tỏ lòng yêu nước sâu nặng, sức chiến đấu bền bỉ, gan dạ và sự hy sinh vô bờ bến của quân dân miền Bắc và Mặt Trận Giải Phóng, đồng thời nó thể hiện quyết tâm, khả năng vận động, lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh của đảng Cộng sản. Nó đẩy quân Mỹ và Việt Nam Cộng Hoà vào thế bị động chiến lược và tiếp tục sa lầy. Nó buộc Hoa Kỳ phải xuống thang để tìm giải pháp khác : Đấu tranh hoà bình (tại hội nghị Paris, và…) và Việt Nam hoá chiến tranh.


*


Trở lại với Lê Xuân Khoa trong mấy trang (292 – 300) ông viết về Tổng công kích – Tổng khởi nghĩa (TCK – TKN) Tết Mậu Thân. Đây là những trang Lê Xuân Khoa viết gần gũi với sự thật lịch sử hơn hết, tuy vậy vẫn còn có những gút mắc cần phải được tháo gỡ.

Lê Xuân Khoa cho rằng các nhà chiến lược của Đảng Lao Động chủ trương tiến hành “ một trận đánh như trận Điện Biên Phủ để chấm dứt chiến tranh ” (nguyên văn). Nhưng vì chủ quan : đánh giá quá cao sức mạnh của mình, đánh giá thấp sức mạnh của đối phương, làm kế hoạch không hợp lí và chủ trương “ tắm máu ” nên đã thất bại to lớn cả hai phương diện quân sự lẫn chính trị. “ Tuy nhiên, trận Tết Mậu Thân đã đem lại cho Hà Nội một thắng lợi to lớn ở Hoa Kỳ ” (nguyên văn).

Theo tôi, chiến dịch Tổng công kích – Tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân không phải là môt trận đánh như trận Điện Biên Phủ, và mục tiêu chưa phải chấm dứt chiến tranh, mà để buộc Mỹ xuống thang chiến tranh, chấp nhận đàm phán để rút lui. Đối với Cộng sản là một tổn thất to lớn chứ không phải là một thất bại to lớn. Không thể thất bại to lớn cho bên này lại không thể đưa đến một thắng lợi dù nhỏ cho bên kia. Lập luận như thế e là không ổn. Tôi sẽ lần lược thảo luận với Lê Xuân Khoa mấy điểm sau đây :

1/ Ở trang 293 Lê Xuân Khoa viết :

“… Vì vậy bộ chính trị ở Hà Nội thấy cần phải sớm chấm dứt cuộc chiến tranh bằng một trận đánh quyết định như trận Điện Biên Phủ 1954 ”.

Theo tôi chiến dịch TCK – TKN Tết Mậu Thân không như là trận Điện Biên Phủ xét trên nhiều khía cạnh. Bất cứ khía cạnh nào cũng không thể so sánh chiến dịch TCK – TKN Tết Mậu Thân với trận Điện Biên Phủ được :

– Điện Biên Phủ là một trận đánh quy ước – thuần túy quân sự. TCK – TKN Tết Mậu Thân là một chiến dịch gồm nhiều trận đánh phối hợp ba yếu tố (ba mũi) chính trị, quân sự và binh vận – gọi là Tổng công kích – Tổng khởi nghĩa ; nhưng thực tế là những trận đánh liều chết của bên yếu có chính nghĩa chống lại bên mạnh hơn (rất nhiều lần), nhưng phi nghĩa.

– Điện Biên Phủ là một trận thách đấu tại một cứ điểm trên địa bàn rừng núi, là một điểm hẹn xét về mặt thời gian lẫn không gian, hoàn toàn không có yếu tố bất ngờ.

– Tổng công kích – Tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân là một cuộc phát động nhiều trận đánh đồng loạt chủ yếu nhắm vào các đô thị, cả thời gian, không gian và qui mô đều có tính chất bất ngờ, hoàn toàn chủ động từ phía tấn công, và hoàn toàn bị động từ phía bị tấn công.

– Điện Biên Phủ đối với Việt Minh là đánh bại quyết tâm cao nhất của Pháp làm bàn đạp đẩy mạnh cuộc kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng. TCK – TKN Tết Mậu Thân đối với các chiến lược gia Cộng sản nhằm lung lay ý chí của chính phủ Mỹ, thức tỉnh lương tri của nhân dân Hoa Kỳ và thế giới, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận đàm phán để rút lui.

Trong chiến dịch TCK – TKN Tết Mậu Thân, Khe Sanh được các nhà chiến lược của miền Bắc bố trí thành một Điện Biên Phủ giả để thu hút quân Mỹ. Chính phủ Mỹ đã hy vọng và tập chú vào Khe Sanh ở mức cao đến độ, theo Lê Xuân Khoa, Tổng thông Johnson đã cho thiết lập tại Phòng Tình Hình (Situation Room) trong toà Bạch Ốc để tiện theo dõi trận đánh. Westmoreland đã điều đến đó những đại đơn vị thiện chiến gồm nhiều quân – binh chủng với khí tài hùng hậu và hiện đại để đánh nát đại quân chính quy của Cộng Sản, buộc Bắc Việt phải chịu thua, cúi đầu chấp nhận những điều kiện đàm phán của Mỹ và chấm dứt cuộc xâm lược miền Nam. Nhưng chiến tranh đã không diễn ra ở Khe Sanh theo sự chuẩn bị của các nhà lãnh đạo chiến tranh Mỹ, mà diễn ra tại ba trọng điểm là Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng và hàng trăm mục tiêu khác khắp miền Nam. Căn cứ vào những tin tức tình báo giả, Hoa Kỳ đã điều phối và bố trí quân theo chiến lược do đối phương áp đặt. Chưa đánh mà quân Mỹ đã thua. Chính quyền, Quốc hội, nhân dân Hoa Kỳ và cả thế giới bàng hoàng khi Cộng quân mở màn chiến dịch tết Mậu Thân : Toà Đại sứ – lãnh thổ của Mỹ tại Sài Gòn bị tấn công. Dinh Tổng thống và các cơ quan đầu não của Việt Nam Cộng Hoà tại Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế và các tỉnh thành khác bị tấn công. Đặc biệt là Huế, Cộng quân đã đánh chiếm thành phố, đã triệt hạ chính quyền Việt Nam Cộng Hoà, đã treo cờ trên đỉnh Phu Văn Lâu, đã thành lập chính quyền mới… Qua báo chí, truyền hình và các phương tiện truyền thông khác, Quốc hội và nhân dân Hoa Kỳ thấy rằng chẳng còn nơi nào trên toàn miền Nam được yên ổn. Nơi nào Cộng quân cũng có thể đột nhập – cho dù đột nhập để bị huỷ diệt.

Công cuộc phản công huỷ diệt tái chiếm sau đó là phản ứng của những anh khổng lồ trước những chiến binh tí hon liều chết. Không khó khăn lắm để những anh khổng lồ bóp nát các chiến binh tí hon liều chết để tái chiếm, vì tương quan lực lượng quá chênh lệch, cho dù các chiến binh tí hon đã chiến đấu dũng cảm như trế nào.

Tấn công liều chết. Cố thủ liều chết. Nhưng vẫn tiếp tục tấn công. Vẫn tiếp tục cố thủ. Vẫn tiếp tục liều chết. Đợt 1. Đợt 2. Đợt 3. Đánh quân sự để tác động chính trị. Chính trị ở đây là chính trị trong lòng đất nước, xã hội Mỹ và dư luận thế giới. Sức mạnh của những anh khổng lồ khủng khiếp thật, nhưng giới hạn vì tổ quốc của chúng ở xa, lý do chúng tham dự vào cuộc chiến mơ hồ thậm chí phi nghĩa. Những chiến binh tí hon ốm yếu nhưng chiến đấu gan dạ bền bỉ và liều chết vì tổ quốc và Chủ Nghĩa Xã Hội, nên lớp này ngã xuống, đã có lớp khác tiến lên. Vì đây là chiến tranh nhân dân do đảng Cộng sản lãnh đạo. Các nhà lãnh đạo tối cao của đảng Cộng Sản chấp nhận những tổn thất to lớn ở trong nước để đánh đổi thắng lợi lớn hơn tại Hoa Kỳ.

Lê Xuân Khoa đã không thấy đầy đủ sự thật này, nên ông đã viết :

“ Chiến dịch TCK – TKN là một thất bại to lớn của đảng Lao Động và Mặt Trận Giải Phóng về cả quân sự lẫn chính trị đối nội, trái với niềm tin toàn thắng của các chiến lược gia Cộng sản. Tổng công kích thì bị đẩy lùi, Tổng khởi nghĩa thì nhân dân không nổi dậy để theo “cách mạng” ” (LXK sđd trang 297).

“ Khác với những trận đánh trước, kế hoạch Tổng công kích Tết Mậu Thân có mục đích chiếm – và – giữ chứ không phải đánh – và – chạy, vì vậy không có những chỉ thị cho những trường hợp cần phải rút lui. Yếu tố chủ quan này là nguyên nhân chính gây nên sự thất bại của toàn thể chiến dịch ” (LXK sđd trang 298).

Có lẽ Lê Xuân Khoa đã vội vàng đưa ra nhận định này. Những người làm chiến lược chủ trương TCK – TKN Tết Mậu Thân trong những chừng mực khác nhau đều am hiểu vấn đề quân sự và đều nếm trải sức mạnh quân sự Mỹ sau mấy năm “ Mỹ hoá ”. Đặc biệt đa số trong họ đều đã tham gia trận Điện Biên Phủ. Chẳng lẽ họ không biết một kiến thức sơ đẳng khi làm kế hoạch tấn công là không thể thiếu kế hoạch rút lui ? Chẳng lẽ họ đã quên ở Điện Biên Phủ quân số của Việt Minh (bên tấn công) gấp hơn 3,5 lần so với quân số của Pháp (bên phòng thủ). Trong khi đó Việt Minh còn có gần 300.000 dân công chuyển vận các nhu yếu phẩm cho chiến binh. Về phía Pháp việc tiếp tế cho chiến trường gặp khó khăn vì cả đường bộ lẫn đường hàng không đều bị ngăn trở bởi du kích và lực lượng phòng không của Việt Minh. Như thế mà Việt Minh phải chật vật lắm và phải hi sinh rất nhiều mới đạt được thắng lợi.

Đằng này, trong chiến dịch TCK –TKN Tết Mậu Thân, quân số của bên tấn công (quân Giải phóng – Việt Cộng) chỉ vào khoảng # 1/4 quân số của bên bị tấn công (Mỹ và Việt Nam Cộng Hoà). Các yếu tố cần yếu khác để tiến hành tấn công thì mức độ chênh lệch càng to lớn hơn, có thể chỉ bằng một phần mười, một phần trăm, một phần ngàn các phương tiện phản công của Mỹ và Việt Nam Cộng Hoà. Yếu tố bất ngờ và yếu tố nhân dân (giả định có thật để vận động nổi dậy) có thể là những yếu tố mạnh nhưng chưa phải là yếu tố quyết định, bởi vì một khi Mỹ và Việt Nam Cộng Hoà phản công thì tình thế tức thì đảo ngược. (Mà Mỹ và Việt Nam Cộng Hoà không thể không phản công). Nhân dân ở giữa hai lằn đạn hoặc ở phía bị phản công thì chỉ có chết. Chẳng lẽ “ các chiến lược gia Cộng sản ” đều mắc bệnh hoang tưởng hết nên mới làm kế hoạch chiếm – và – giữ “ với niềm tin toàn thắng ” để rồi trở thành “ nguyên nhân chính gây nên sự thất bại của toàn thể chiến dịch ”, như Lê Xuân Khoa nhận định ?

Theo tôi thì “ các chiến lược gia Cộng sản ” (nhóm từ của Lê Xuân Khoa) không quan niệm chiến dịch TCK – TKN Tết Mậu Thân là trận cuối cùng, “ chiếm và giữ ”, như các “ kế hoạch công khai và giả mật ” (tôi tạm dùng nhóm từ này) mà họ cố tình hư trương. Lê Xuân Khoa đã căn cứ vào các kế hoạch “ công khai và giả mật ” này và những sách báo có chọn lọc của phương Tây, cùng những nhận định của các sử quan viết sách giáo khoa của miền Bắc làm cơ sở cho những nhận định của ông. Theo tôi ngoài các “ kế hoạch công khai và giả mật ”, “ các nhà làm chiến lược chủ trương TCK – TKN của đảng Cộng Sản ” (trong đảng còn có những người không chủ trương TCK – TKN, như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp chẳng hạn), còn có kế hoạch tuyệt mật chỉ có trong đầu các lãnh tụ tối cao, hoặc trong các văn kiện nội bộ tối cao. Đó là kế hoạch tấn công liều chết (thí quân, hay tự sát tập thể) tôi đã trình bày ở trên. Còn “ các kế hoạch công khai hay giả mật ” chỉ nhằm động viên (hay huyễn dụ) chiến sĩ và quần chúng để đẩy họ vào các trận tấn công liều chết vì mục tiêu chính trị, hoặc để tuyên truyền, hoặc để lừa đối phương, hoặc để biện chính cho một chủ trương, một kế hoạch quá táo bạo và nhẫn tâm.

Tôi có mấy bằng chứng để giải trình luận điểm này :

– 1.1/ Trong thư đề 18 tháng 1 năm 1968, Lê Duẩn gởi cho Trung ương cục và Quân uỷ miền Nam có đoạn :

…“ Về đợt hoạt động trong dịp Tết sắp tới, Trung ương dự đoán tình hình phát triển theo ba khả năng :

– Thứ nhất ta thắng lợi ở “ trọng điểm ” (Sài Gòn – Đà Nẵng và Huế – Chu Sơn), ở nhiều thành phố và vùng nông thôn quan trọng.

– Thứ hai ta thành công ở một số thành phố và vùng nông thôn, nhưng không thắng lợi ở “ trọng điểm ”.

– Thứ ba ta chỉ giành được thắng lợi ở mức như các đợt hoạt động hằng năm trước đây, chỉ khác là lần này hoạt động được mở rộng trong quy mô toàn miền Nam ” (Lê Duẩn – Thư vào Nam trang 184).

Lê Duẩn là chiến lược gia tối cao chủ trương TCK – TKN Tết Mậu Thân. Qua đoạn thư chỉ đạo trên, chúng ta không thấy ông thể hiện “ niềm tin toàn thắng ” “ về đợt hoạt động trong dịp Tết sắp tới ”.

– 1.2/ Trong hồi ký Huế Xuân 1968, Lê Minh, chỉ huy trưởng mặt trận Trị Thiên trong chiến dịch Mậu Thân, kể rằng ông được lệnh chuẩn bị, tổ chức, chỉ huy mặt trận Trị Thiên. Quân của ông đã đánh chiếm Huế, triệt hạ chính quyền cũ, xây dựng chính quyền cách mạng. Đến khi Mỹ – Ngụy phản kích, do tương quan lực lượng quá chênh lệch, chiến sĩ hi sinh nhiều, Ban chỉ huy điện xin Trung ương chuyển quân ra vùng nông thôn, không được trả lời. Tình thế khốn quẫn : Bị phản công dữ dội, thiếu quân, thiếu vũ khí, lương thực, thuốc men, điện xin tiếp viện, báo sẽ có, nhưng chờ không thấy có. Đến khi không chịu đựng được nữa, ngày 22-2, tự động ra lệnh rút lui.

Sau đây là một đoạn trong hồi kí của Lê Minh :

“…Tôi nêu vấn đề : Bàn tấn công không thôi thì được rồi. Bây giờ tấn công xong rồi ở lại luôn. Nhưng nếu không ở được thì sao ? Lênin có nói về đường lối quân sự của giai cấp vô sản : “Khi nói đến tấn công hoàn chỉnh thì phải tính đường rút lui”. Mác nói : “Vũ trang là bà đỡ của chính quyền mới”. Tôi đưa mấy câu đó ra bàn. Chung quy vẫn còn lại một bóng mờ trong vấn đề tấn công là chuyện rút lui. (Sau này, anh Chưởng cho biết Trung ương có dự kiến cả khả năng không giữ được mà phải rút ra. Nhưng cả anh Quang (bí thư khu uỷ Trị Thiên bấy giờ – Chu Sơn) và anh Chưởng (phó bí thư khu uỷ, chính uỷ mặt trận Trị Thiên trong chiến dịch Tết Mậu Thân. Chu Sơn) đều không thông báo với khu uỷ, chỉ cho tôi biết một chút thôi, và bảo đừng bàn chuyện rút lui ” (Huế xuân 68, Lê Minh, trang 46-47) .

Như thế là chuyện rút lui có trong kế hoạch tấn công của “ các chiến lược gia Cộng sản ” chứ không phải “ các chiến lược gia Cộng sản ” vì hoang tưởng mà có “ niềm tin toàn thắng nên không có kế hoạch rút lui ”, để rồi : “ chiến dịch TCK – TKN là một thất bại to lớn của đảng Lao Động và Mặt Trận Giải Phóng cả về quân sự lẫn chính trị ”, như Lê Xuân Khoa nhận định. Có điều kế hoạch rút lui đó phổ biến đến đâu, lúc nào. Đến như Lê Minh – Chỉ huy trưởng chiến trường Trị Thiên cũng chỉ biết tí chút thôi qua một người đồng sự (Thiếu tướng Lê Chưởng, được các lãnh tụ tối cao tin hơn), và chỉ biết về sau. Lê Minh, sau chiến dịch Mậu Thân thắng lợi, bị điều ra Hà Nội ngồi chơi xơi nước, xem như một hình thức kỉ luật.

– 1.3/ Sau TCK –TKN đợt 1, chắc chắn “ các chiến lược gia Cộng sản ” không thể không nhận ra rằng : Ngoại trừ ở Huế, đã không làm được cuộc TCK – TKN ở Sài Gòn, Đà Nẵng và các địa phương khác. Vì nói như Lê Xuân Khoa, “ Tổng công kích thì bị đẩy lui mà Tổng khởi nghĩa thì nhân dân không nổi dậy theo “cách mạng”. Tuy vậy “các chiến lược gia Cộng sản” vẫn ra lệnh TCK – TKN đợt 2 rồi đợt 3 trong điều kiện không còn yếu tố bất ngờ, và TCK thì chắc chắn không chỉ bị đẩy lui (như Lê Xuân Khoa nhận định) mà còn bị phản kích huỷ diệt, còn TKN thì hoàn toàn không có khả năng. Vậy thì các sử quan Hà Nội và cả tác giả Lê Xuân Khoa giải thích thế nào về TCK – TKN đợt 2 rồi đợt 3 ? Họ có “ niềm tin toàn thắng ” không ? Họ có kế hoạch chiếm – và – giữ không ? Hay là đánh liều chết !

Phải chăng, cũng như các cuộc tấn công liều chết tại Toà Đại sứ Mỹ và các mục tiêu khác tại Sài Gòn trong đợt 1, cũng như cuộc tử thủ 25 ngày đêm tại Huế, TCK – TKN đợt 2 rồi đợt 3 ở Sài Gòn chỉ là những cuộc hành quân thuần túy quân sự – tấn công liều chết, hay thí quân chỉ với mục đích gây tiếng vang và thể hiện ý chí của kháng chiến Việt Nam (do đảng Cộng Sản lãnh đạo) nhằm làm lung lay hơn nữa chủ trương chiến tranh của chính giới Mỹ, nhằm thức tỉnh lương tri dân chúng Hoa Kỳ và thế giới. Thực chất của TCK – TKN đối với các nhà lãnh đạo chiến tranh ở Hà Nội là một khổ nhục kế. TCK – TKN - “ chiếm-và-giữ ” chỉ là những huyễn dụ để thúc đẩy các con chốt thí liều chết lao mình vào cái khổ nhục kế ấy.

2/ Ở trang 292 – 293, Lê Xuân Khoa viết :

“ Trước khi nói về hoà đàm Paris (1968-1973), cũng cần phải nói đến chiến dịch Tết Mậu Thân. Đây là nguyên do chính khiến Tổng thống Johnson quyết định rút lui khỏi chính trường, và trước khi ra đi, muốn chấm dứt chiến tranh Việt Nam bằng con đường thương thuyết. Trận Tổng công kích Tết Mậu Thân cũng đánh dấu một khúc ngoặt quyết định trong cuộc chiến tranh Việt Nam, đem lại những điều kiện thuận lợi bất ngờ cho Bắc Việt ”.

Nếu bỏ hai chữ bất ngờ tôi mạo muội làm đậm ở trên, chúng ta thấy nhận định chung cuộc của Lê Xuân Khoa về chiến dịch TCK – TKN Tết Mậu Thân trùng khớp với một đoạn trong thư của Lê Duẩn viết cho Trung ương cục và Quân uỷ miền Nam 12 ngày trước khi chiến dịch bắt đầu :

“ Thực chất yêu cầu trước mắt đặt ra cho đợt hoạt động này là : đối với địch, giáng cho chúng những đòn tấn công sấm sét làm thay đổi cục diện chiến tranh, làm lung lay hơn nữa ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải thay đổi chiến lược, phải xuống thang chiến tranh ” (Lê Duẩn – Thư vào Nam tr 185).

Theo tôi “ những điều kiện thuận lợi ” (từ của Lê Xuân Khoa) đã không “ bất ngờ ” (từ của Lê Xuân Khoa) “ đối với Bắc Việt ” (từ của Lê Xuân Khoa). Độc giả đời sau cần biết thêm rằng ngoài “ ba mũi giáp công ” (hay các cuộc tấn công liều chết đồng loạt, liên tục, có khả năng không bao giờ dứt) ở quốc nội, chiến dịch TCK – TKN Mậu Thân còn có một mũi giáp công thứ tư do các Hội người Việt yêu nước ở hải ngoại thực hiện : Đó là những đóng góp to lớn của những sinh viên, giáo sư, nhà khoa học, nhà hoạt động tôn giáo, văn hoá vào phong trào phản chiến, phong trào hoà bình trong lòng nước Mỹ, châu Âu và các nơi khác trên thế giới. Do vậy : “ Những điều kiện thuận lợi ” cũng không bất ngờ với những chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận thầm lặng này.


3/ Về sự kiện “ Tắm máu ở Huế ” : ở trang 296 Lê Xuân Khoa viết:

“ Đáng nói hơn hết là những nạn nhân dân sự bị giết gồm công chức, trí thức, lãnh tụ tôn giáo, chính trị và “các phần tử phản động”, tổng số tìm thấy trong số các mồ chôn tập thể 2810 người, không kể hàng ngàn người khác mất tích. Theo Douglas Pikes, một chuyên gia về Việt Nam, số nạn nhân có thể lên tới 5700 người, một số giáo sư hợp tác với đại học Huế cũng bị tàn sát trong trận này ”.

Là người Mỹ gốc Việt, lại là người muốn “ hoà giải, hoà hợp với chính quyền trong nước ”, trước và sau khi viết Việt Nam 1945-1995, chắc Lê Xuân Khoa đã về thăm lại quê cũ nhiều lần, sao ông không nghĩ đến việc tìm hiểu vấn đề tại chỗ với những người trong cuộc và những nhân chứng đang còn sống cùng những tư liệu liên quan, mà ông lại viết về “ vụ tắm máu ” của Cộng sản qua những tài liệu Mỹ, đặc biệt qua Douglas Pike, một chuyên gia thân thiết của các cơ quan Thông tin Hoa Kỳ ?

Theo tôi, mấy ngàn nạn nhân tại Huế trong Mậu Thân không chỉ tìm thấy trong các mồ chôn tập thể. Những mồ chôn tập thể cũng không phải do một mình phía Cộng sản tạo tác. Và thứ tự ưu tiên bị sát hại nếu là do Cộng sản cũng không bắt đầu bằng “ công chức, trí thức, lãnh tụ tôn giáo, chính trị ”, cuối cùng mới là “ các phần tử phản động ”.

Do không nghiên cứu trực tiếp, nên mấy dòng trên của Lê Xuân Khoa có nhiều dấu vết từ những tài liệu tuyên truyền của phía Mỹ và Việt Nam Cộng Hoà phổ biến rộng rãi lúc bấy giờ.

Tết Mậu Thân 1968 tôi bị mắc kẹt tại Huế trong tư cách là một sinh viên sĩ quan trừ bị (Thủ Đức) đi phép. Tôi trở lại quân trường sau khi quân Mỹ và quân Việt Nam Cộng Hoà hoàn tất cuộc tái chiếm thành phố Huế. Tôi đã viết về vụ “ tắm máu Mậu Thân ” trong cuốn sách tự xuất bản năm 2011 : Nước – Lửa và Sóng (bài Câu chuyện trên núi Truồi mà Diễn Đàn đã trích đăng tại đây). Sau đây là phần tóm lược :

Theo tôi, dân Huế bị sát hại trong Mậu Thân cả thảy 4 đợt :

– Đợt thứ nhất do Công Sản tạo tác bắt đầu từ việc đánh chiếm thành phố, lật đổ chính quyền cũ, xây dựng chính quyền mới. Mà chính quyền bao giờ cũng ở trên đầu ngọn súng. Năm 1954, Ngô Đình Diệm muốn ổn định chính quyền cũng đã tiêu diệt các đảng phái và các giáo phái, phát động rầm rộ các chiến dịch tố Cộng, diệt Cộng. Việc Ngô Đình Diệm tố Cộng, diệt Cộng và việc Ngô Đình Cẩn khẳng định vai trò lãnh chúa miền Trung đã gây nợ máu với rất nhiều gia đình kháng chiến hay không kháng chiến (nhà giàu), không phân biệt Cộng Sản hay không Cộng Sản. Kinh nghiệm máu xương của người dân Thừa Thiên Huế còn kinh qua cuộc đàn áp Phật giáo từ năm 1963 đến năm 1966. Năm 1968 khi những người Mặt trận từ trên núi xuống, từ trong tù ra, với súng trong tay, họ sẽ làm gì trong nhiệm vụ triệt hạ chính quyền cũ, xây dựng chính quyền mới ? Chắc chắn họ không phân biệt được hay cố tình không phân biệt giữa việc “ đền nợ nước và trả thù nhà ”. Đây là đợt tắm máu thứ nhất.

– Đợt tắm máu thứ hai xảy ra khi quân Mỹ và quân Việt Nam Cộng Hoà phản công tái chiếm : Việt Cộng ở trong dân, “ quân đội Việt Nam Cộng Hoà và Hoa Kỳ phải chiến đấu rất khó khăn để giành lại từng căn nhà, từng góc phố ” (Lê Xuân Khoa sđd tr 296). “ Với các biện pháp lùng – diệt và được sử dụng hỏa lực thật mạnh một cách bừa bãi, nhiều khi chỉ để phòng ngừa… thường gây thương vong cho nhiều thường dân vô tội ”. “ Qui tắc chiến đấu ” của quân đội Mỹ trong chiến tranh chống du kích đã giết hại nhiều thường dân hơn bộ đội Cộng sản. Nguy hại hơn nữa là mệnh lệnh có tính cách buông thả : “ Hãy giết Việt Cộng ”. (Lê Xuân Khoa sđd tr 334). Về phía quân Việt Nam Cộng Hoà thì trong họ, hay sau lưng họ, không ít những người có thân nhân vừa mới bị Cộng Sản sát hại, với vũ khí trong tay, họ đã buông thả sự trả thù. Việc tái lập chính quyền cũ cũng diễn ra trên đầu ngọn súng.

– Đợt tắm máu thứ ba xảy ra trên đường Cộng quân rút lui với thương binh, thanh niên đi theo và tù binh của họ. Quân Mỹ và quân Việt Nam Cộng Hoà truy đuổi, trực thăng bắn đại liên xối xả, máy bay oanh kích, đặc biệt B52 rải thảm. Một số mồ chôn tập thể được hình thành trong đợt này.

– Đợt tắm máu thứ tư là tuyên truyền của Mỹ và Việt Nam Cộng Hoà trong và sau khi chiến dịch Mậu Thân kết thúc.

Theo tôi, dù dân Huế bị sát hại vào đợt nào thì phía Cộng Sản cũng là người chịu trách nhiệm chính trước những cái chết không đáng.

Phía Mỹ và Việt Nam Cộng Hoà chỉ thừa cơ hội để tương kế tựu kế, thực hiện sách lược “ gậy ông đập lưng ông ” mà bất cứ địch thủ nào cũng làm trong những trường hợp tương tự.


III/ Về lòng yêu nước và tinh thần chiến đấu của các bộ phận người Việt Nam :


Ở trang 321, Lê Xuân Khoa viết :

“ Nhiều nhà lãnh đạo chính trị và quân sự của Hoa Kỳ thường chê tinh thần chiến đấu của quân đội Việt Nam Cộng Hoà so với bộ đội Cộng sản miền Bắc khiến cho Hoa Kỳ phải đưa quân vào cứu vãn tình trạng nguy ngập ở miền Nam. Điều đó đúng một phần nhưng không phải người Quốc Gia không yêu nước bằng người Cộng Sản cho nên quân miền Nam không chiến đấu dũng cảm bằng quân dân miền Bắc. Trên toàn lãnh thổ Việt Nam chỉ có một dân tộc, không thể bảo rằng người Việt miền Nam không can đảm bằng người Việt miền Bắc ” (LXK sđd tr 321).

Qua đoạn trích dẫn này, Lê Xuân Khoa cho độc giả thấy rằng : Người Việt Nam ai cũng yêu nước cả, ai cũng chiến đấu kiên cường và dũng cảm cả, bất kể là Việt Nam Quốc Gia hay Việt Nam Cộng Sản, bất kể người Việt ở miền Nam hay người Việt ở miền Bắc.

Lê Xuân Khoa sử dụng nhận định này để bác bỏ nhận định mà ông cho là sai của “ các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự của Hoa Kỳ ” : “ thường chê tinh thần chiến đấu của quân đội Việt Nam Cộng Hoà so với bộ đội Cộng Sản miền Bắc khiến cho Hoa Kỳ phải đưa quân vào cứu vãn tình trạng nguy ngập ở miền Nam ”. Việc Hoa Kỳ đúng sai thế nào trong quyết định “ Mỹ hoá ” tôi đã bàn ở trên. Ở đây tôi chỉ thảo luận với Lê Xuân Khoa về lòng yêu nước và tinh thần chiến đấu của người Việt Nam trong thời đoạn lịch sử từ sau hiệp định Genève.

Theo tôi, nhận định trên của Lê Xuân Khoa là câu nói đầu môi chót lưỡi, là lời hiệu triệu của các nhà lãnh đạo chính trị với mục đích huyễn dụ người nghe, hoặc là lời ngụy biện của những kẻ hèn nhát, vô trách nhiệm muốn tỏ ta cũng yêu nước như bất cứ ai. Nhà nghiên cứu không nên nói chung chung mơ hồ như vậy. Nhiệm vụ của nhà nghiên cứu là chứng minh “ người Việt miền Nam ” – “ người Việt miền Bắc ”, “ người Việt Quốc Gia ” – “ người Việt Cộng Sản ” đã thực hiện lòng yêu nước như thế nào ? Nếu lòng yêu nước mà không thể hiện bằng hành động cụ thể, hoặc thể hiện bằng hành động trái ngược (có hại cho nước), không đúng chỗ (đứng trong hàng quân của chính quyền Liên hiệp Pháp như chính phủ Quốc gia của Bảo Đại, hay đứng dưới quyền lực của ông chủ Mỹ) thì chỉ là lời nói suông với mục đích huyễn hoặc chính mình và lừa dối kẻ khác (nói một đường làm một nẻo). Cũng như thế : “ chính quyền trong nước ” ngày nay (vốn là “ người Việt miền Bắc ”, “ người Việt Cộng Sản, vốn là một bộ phận của dân tộc ”) có còn là người Việt yêu nước và chiến đấu dũng cảm nữa không ? Hay đã trở thành những kẻ hèn nhát hại dân hại nước, thậm chí còn buôn dân bán nước ?

Sở dĩ Lê Xuân Khoa đưa ra những lời nhận định chung chung và có tính áp đặt như vậy (người Việt Nam ai cũng yêu nước và chiến đấu dũng cảm cả) vì ông cứ khư khư những định kiến mà không có một nỗ lực thích đáng nào để nắm bắt những chuyển biến và sự phát triển các thành phần chính trị cũng như tâm tư nguyện vọng của đa số quần chúng nhân dân trên cả hai miền Nam – Bắc từ sau 1954.

Các định kiến đó là : hễ cứ miền Bắc là Cộng Sản, và miền Nam là Quốc Gia (cũng như định kiến của đa số người Việt hải ngoại hiện nay là hễ bất cứ ai ở trong nước cũng đều là Cộng Sản cả). Và chỉ có người Quốc Gia và người Cộng Sản mới yêu nước và chiến đấu dũng cảm.

Tôi muốn phá vỡ định kiến đó bằng một phản biện : Từ sau 1954 nhiều người cư trú trên miền Bắc nhưng không phải là “ Việt Nam Cộng Sản ”. Đa phần nhân dân cư trú tại miền Nam, cũng không phải là “ Việt Nam Quốc Gia ”. Trong một hoàn cảnh đặc biệt, những người không Quốc gia, cũng không Cộng sản đó đã chứng tỏ lòng yêu nước của mình theo một cách riêng : tham chiến với thái độ bất đắc dĩ khi bị bắt buộc phải vào lính, hoặc trốn lính, đào ngũ, hoặc đứng ngoài. Bởi vì, theo họ : đi với Mỹ là phản quốc, theo Cộng sản là đi vào con đường mà họ cho là sai lầm, tội ác.

Sự thể này manh nha từ một thực tế là sau hiệp định Genève, miền Bắc được cai trị bởi chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà thành lập sau cách mạng tháng Tám và trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Pháp với chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội dẫn đến thắng lợi nửa chừng là giành lại được một nửa đất nước (từ vĩ tuyến 17 trở lên). Đây là một nhà nước nhân dân chính danh, nhưng đã tự làm ô nhục bằng cuộc Cải cách ruộng đất đẫm máu bạo tàn. Trong lòng xã hội miền Bắc và chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà do những người Việt Nam Cộng sản lãnh đạo còn có một thiểu số người Việt Nam Quốc Gia không theo kịp cuộc di cư vào Nam, và một bộ phận người Việt Nam khác (ngày càng gia tăng) kêu đòi tự do dân chủ – là nạn nhân của tất cả các cuộc cải cách, cải tạo, chỉnh huấn (cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp, cải tạo văn hoá văn nghệ) và thực trạng hủ bại của guồng máy quan liêu độc tài toàn trị ngày một củng cố và phát triển. Những người Việt Nam phi xã hội chủ nghĩa này không đủ sức để hình thành nên một lực lượng quần chúng hợp nhất, một thành phần chính trị riêng biệt. Dù muốn dù không, đa số trong họ đều bị cuốn hút, hay bị vô hiệu hoá trước những biện pháp chuyên chính tàn bạo và đê tiện của đảng Cộng sản. Điều đáng chú ý là : Vì mục tiêu thống nhất đất nước là nhu cầu chính đáng và bức thiết của cả dân tộc, những người Việt Nam phi xã hội chủ nghĩa này buộc phải chấp nhận sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản, đã hội nhập cùng đại đa số nhân dân miền Bắc, đã đóng góp công sức, xương máu và của cải vật chất cho công cuộc kháng chiến chống “ Mỹ – Ngụy, giải phóng miền Nam ”. Bản thân họ, hoặc con em cháu chắt họ đã tình nguyện tham gia quân đội miền Bắc, cũng đã chiến đấu dũng cảm bên cạnh những đồng đội có gốc gác công nông mà “ các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Hoa Kỳ đã “ khen ” so với tinh thần và hiệu quả chiến đấu “ đáng chê ” của Quân lực Việt Nam Cộng Hoà…”, khiến Lê Xuân Khoa chẳng mấy bằng lòng.

Tại miền Nam tình hình phức tạp theo một chiều hướng khác : Từ sau khi Mỹ thay thế Pháp trong vai trò là đồng minh hay là ông chủ của các chính quyền độc tài gia đình – Thiên chúa giáo trị Ngô Đình Diệm, hay quân phiệt trị Nguyễn văn Thiệu dưới danh xưng là Việt Nam Cộng Hoà, quần chúng nhân dân chia làm ba bộ phận với ba khuynh hướng chính trị khác nhau :

– Một bộ phận nương tựa vào quyền lực Mỹ, hy vọng vào những giá trị tự do dân chủ Mỹ và nền văn minh Ki tô giáo, chủ trương chống Cộng như một giáo điều, phá bỏ hiệp định Genève, ra sức xây dựng miền Nam thành một quốc gia riêng biệt và độc tôn Thiên Chúa giáo. Bộ phận này là thiểu số, vào khoảng hai đến ba mươi phần trăm dân số toàn miền Nam, (Theo nhận định của Tổng thống Mỹ – Eisenhower : Nếu bầu cử theo tinh thần của hiệp định Geneve, 80 % dân chúng miền Nam sẽ bỏ phiếu cho Hồ Chí Minh). Lê Xuân Khoa gọi bộ phận quần chúng này là Việt Nam Quốc Gia. Càng về sau, do sự phát triển của tình hình : Mỹ ngày càng lộ rõ vai trò đế quốc, các chế độ Việt Nam Cộng Hoà kế tiếp nhau càng lộ rõ tính chât lệ thuộc và độc tài, một số người thuộc thành phần chính trị này chuyển dần qua hai thành phần sau. Do vậy, tỷ lệ này càng giảm xuống, có thể đến mức dưới 10 % vào thời điểm 1975.

– Bộ phận thứ hai đông đảo hơn, không có thống kê cụ thể, nhưng đông hơn rất nhiều số quần chúng ủng hộ phe Quốc gia. Khuynh hướng chính trị là chống Mỹ–Ngụy, chủ trương thống nhất đất nước, hướng về miền Bắc với chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, về đảng Cộng sản và chủ nghĩa Xã hội. Họ tham gia Mặt trận Giải phóng, đặt mình dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng Cộng sản.

– Bộ phận thứ ba đa phần là đồng bào theo đạo Phật và những người ngoài Công giáo, đã tham gia kháng chiến chống Pháp, đã có kinh nghiệm độc tài – vô thần của đảng Cộng sản, khuynh hướng chính trị là trung lập (không Mỹ, cũng không Cộng sản). Tầng lớp trên (của bộ phận quần chúng này) ước mơ về một nhà nước theo thể chế Xã hội chủ nghĩa phi Cộng sản, hay Xã hội chủ nghĩa Phật giáo, chủ trương đấu tranh dân chủ, hoà bình, quyền tự quyết của nhân dân miền Nam, hoà giải và hoà hợp dân tộc. Năm 1963, Phật tử và đồng bào thuộc thành chính trị thứ hai, thứ ba hưởng ứng cuộc đấu tranh đòi tự do tín ngưỡng và bình đẳng tôn giáo do giáo hội Phật giáo miền Trung phát động. Chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ. Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất (miền Nam) thành lập, chủ trương cuộc đấu tranh kêu đòi dân chủ, hoà bình và quyền dân tộc tự quyết. Phong trào bị Mỹ và Thiệu – Kỳ đàn áp đến tan rã vào giữa năm 1966. Năm 1973, Phật tử và quần chúng thuộc thành chính trị thứ hai, thứ ba tham gia các phong trào đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Paris. Năm 1974, tham gia Lực lượng Hoà giải – Hoà hợp Dân tộc do Phật giáo Ấn Quang tổ chức. Tháng Tư 1975 hậu thuẫn cho tướng Dương Văn Minh thành lập chính phủ chuyển tiếp từ Việt Nam Cộng Hoà qua chính quyền Cách mạng. (xem : Phong trào Phật giáo miền Trung - Huế – từ Chấn Hưng đến Dấn Thân – Chu Sơn)

(Sự phân chia ba bộ phận quần chúng, ba khuynh hướng chính trị như thế là tượng trưng, các con số phần trăm ấy chỉ là tương đối. Thực tế là trong rất nhiều gia đình, đặc biệt những gia đình thuộc tầng lớp trên, đều có người ở bên này, có người đứng bên kia…)

Về phía quần chúng : bộ phận thứ hai, thứ ba cộng lại là đa số tuyệt đối (80 %, càng về sau càng gia tăng), nhưng vì cư trú tại miền Nam – là lãnh thổ tạm thời chịu sự quản lý của chính quyền Liên Hiệp Pháp theo hiệp định Genève. Về sau, dù muốn, dù không, tất cả đều phải là “ công dân hợp pháp ” của “ nước Việt Nam Cộng Hoà ”, đều phải chịu sự cai trị của những người mà Lê Xuân Khoa gọi là Việt Nam Quốc Gia được ông chủ Mỹ chọn lựa. Vì nhu cầu sinh sống, nếu không làm ăn riêng lẻ (nông nghiệp, thương mại, thợ thủ công …) thì làm thuê cho các cơ sở kinh tế tư nhân, hoặc là công chức trong các ngành nghề do chính quyền quản lí. Đặc biệt, thanh niên đến tuổi quân dịch hay tuổi động viên đều phải trở thành binh lính hay sĩ quan của quân lực Việt Nam Cộng Hoà, đều phải vác súng Mỹ đi đánh nhau với người ruột thịt ở phía bên kia chiến tuyến ; đều nghe tiếng bom Mỹ vang động từ miền Bắc, từ rừng núi hay nông thôn ; đều thấy tác hại khủng khiếp của chất độc hoá học và bom napalm lên con người, cỏ cây, làng mạc, đất đai ; đều thấy lính Mỹ vênh váo, hoành hành ngang ngược khắp các tỉnh thành miền Nam ; đều chứng kiến xã hội băng hoại trước sự chi tiêu xả láng của nửa triệu quân nhân Mỹ sau những cuộc hành quân diệt Cộng. Lê Xuân Khoa đã không nhận ra được sự thật này nên ông đã phản đối “ các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Hoa Kỳ thường chê tinh thần chiến đấu của quân đội Việt Nam Cộng Hoà so với bộ đội Cộng sản miền Bắc…”

Thử hỏi, khi một chính quyền, một quân đội quá phụ thuộc vào nước ngoài (Lê Xuân Khoa bảo là vì Mỹ bỏ rơi nên Việt Nam Cộng Hoà mới thua) lại được chỉ huy bởi các tướng lãnh “ chỉ quan tâm đến việc tranh chấp quyền hành và bảo vệ quyền lợi phe nhóm ”, mà bảo quân đội đó chiến đấu dũng cảm, liều chết như các chiến binh Cộng sản miền Bắc sao ?

Theo tôi, các nhà chính trị và quân sự của Mỹ đã đúng khi so sánh tinh thần và hiệu quả tác chiến của quân đội hai phía Việt Nam như trên. Họ cũng không sai khi bảo rằng những người đang chống lại họ là yêu nước, và những người cộng tác với họ là không yêu nước. Các nhà cai trị thực dân đế quốc thường không trọng, hoặc khinh những người bản địa cộng tác với mình, nhưng ghét và trọng những ai chống lại mình. Đó là lẽ tự nhiên. Tuy nhiên, nếu bảo rằng đa số những quân nhân bị ép buộc phải sung vào quân lực Việt Nam Cộng Hoà đều không yêu nước là sai. Thực tế, đa phần những quân nhân Việt Nam Cộng Hoà bất đắc dĩ này đã yêu nước trong hoàn cảnh đặc biệt của họ. Họ không thể nào “ chiến đấu dũng cảm ” trong cuộc chiến tranh do người Mỹ áp đặt (Lê Xuân Khoa gọi là chủ động). Họ không thể bắn vào người anh em ruột thịt đang chiến đấu vì mục tiêu thống nhất đất nước mà họ khao khát, cho dù họ không đồng tình hay thậm chí dị ứng ý thức hệ Xã hội chủ nghĩa và chế độ Cộng sản độc tài miền Bắc. Giữa họ và người anh em bất đồng chính kiến ở bên kia chiến tuyến có một khát vọng chung là độc lập, hoà bình và thống nhất tổ quốc. Giữa họ và người Mỹ đế quốc không có điểm chung nào cả.

Trong chiến dịch TCK – TKN Tết Mậu Thân, vì dị ứng với Cộng sản các thứ, nên các chiến binh Việt Nam Cộng Hoà bất đắc dĩ này đã không nghe theo lời khuyến dụ của các cán bộ binh vận làm binh biến. Do vậy nên kế hoạch TCK – TKN Tết Mậu Thân đã không thành đạt như ý muốn của các nhà lãnh đạo tối cao của đảng Cộng Sản.

Trong cuộc Tổng tấn công mùa xuân 1975, các chiến binh miền Bắc đã tiến nhanh, thắng nhanh chủ yếu vì đa số trong quân lực Việt Nam Cộng Hoà đã không cầm súng đánh trả, đã chuẩn bị các thứ trong điều kiện có thể để chờ đoàn quân Giải phóng vào tiếp quản. Bởi vì Hoà bình, Thống nhất đất nước, Hoà giải, Hoà hợp dân tộc cũng là khát vọng sâu thẳm và mạnh mẽ của họ. Đây là một chọn lựa có ý thức, chứng tỏ lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm của họ trong một tình thế đặc biệt. Khi một quân đội mà đa số chủ trương không đánh, hoặc đánh bất đắc dĩ, đánh cầm chừng, lấy lệ…, thì thiểu số còn lại có “ yêu nước ” đến đâu, và “ chiến đấu dũng cảm ” như thế thế nào, cũng không tránh khỏi thất bại. Đó là chưa nói đến những người Việt Nam Quốc Gia hèn nhát, tham nhũng. Như thế, việc đánh giá về sự thất bại của quân lực Việt Nam Cộng Hoà, và sự thắng lợi của quân đội miền Bắc cần phải được các sử gia xem xét lại. Điều vô cùng đáng tiếc là : Để chứng tỏ mình đang làm nên “ chiến công hiển hách ”, đoàn quân Giải phóng với xe pháo rầm rập, súng ống tua tủa đã bắt buộc những người anh em (chính phủ Dương Văn Minh) đang chờ đón mình với hai bàn tay không và tấm lòng rộng mở – phải dong tay, tuyên bố đầu hàng như những kẻ thù đang bắn giết nhau giữa trận mạc.

Trở lại với Lê Xuân Khoa và những dòng tiếc nuối về cuộc chiến tranh mà theo ông “ Hoa Kỳ đã chủ động và sai lầm ”, đã “ bỏ lỡ nhiều cơ hội hoà bình ”, đã “ từ bỏ trách nhiệm…”, để rồi cuối cùng “ bị mang tiếng bại trận ” (LXK sđd chương 8 – Sai lầm của Hoa Kỳ). Ở trang 360 Lê Xuân Khoa viết :

“ Chỉ vì lòng chán ghét cuộc chiến tranh do chính mình chủ động, chán ghét những người lãnh đạo Việt Nam thiếu khả năng do chính mình chọn lựa, và đánh giá sai lầm tinh thần yêu nước của những người Việt Nam Quốc Gia, Hoa Kỳ đã từ bỏ trách nhiệm cam kết với nhân dân miền Nam Việt Nam cũng như với nhân dân Cam-bu-chia và Lào. Sau ba mươi năm liên lụy với hai cuộc chiến tranh ở một vùng đất xa xôi và bỏ lỡ nhiều cơ hội hoà bình, Hoa Kỳ không những bị mang tiếng bại trận mà còn phải mất hơn hai mươi năm nữa để tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng quốc tế về vấn đề tị nạn từ ba nước Đông Dương ”.

Đây là mấy dòng Lê Xuân Khoa tiếp cận sự thật lịch sử hơn hết, và đồng thời ông cũng thể hiện tâm cảm của mình (một người Việt Quốc Gia). Điều đáng buồn là sự thật lịch sử và tâm cảm của ông đã không khế hợp được với nhau.

Nửa câu đầu trong đoạn trích dẫn trên, xin được chép lại :

“ Chỉ vì chán ghét một cuộc chiến tranh do chính mình chủ động, chán ghét những người lãnh đạo Việt Nam thiếu khả năng do chính mình lựa chọn…,”

Với nửa câu này thôi, Lê Xuân Khoa đã mô tả gần như chính xác một bên của cuộc chiến tranh mà ông đã áp đặt tên gọi, và đã không chứng minh được là “ Nội chiến và Uỷ nhiệm ”.

Khi chủ thể tạo tác mà chán ghét cái công trình “ do chính mình chủ động ”, và đồng thời chán ghét cái công cụ (những người lãnh đạo Việt Nam – nguyên văn của Lê Xuân Khoa) do “ chính mình chọn lựa ” đến thế thì xin hỏi tác giả Lê Xuân Khoa : Cái dân tộc phải chịu đựng sự tàn phá ghê gớm từ cuộc chiến tranh đó sẽ chán ghét đế mức độ nào cho xứng với tội ác do chúng gây nên ? Và sự việc mà đảng Cộng Sản đã tuyên truyền chống Mỹ Ngụy, giải phóng miền Nam có gì là sai trái, là bịa đặt ?

Với nửa câu này thôi, Lê Xuân Khoa đã mô tả Mỹ như một ông chủ độc đoán, một đế quốc xâm lược chính danh.

Đến nửa câu sau :

“…và đánh giá sai lầm tinh thần yêu nước của những người Việt Nam Quốc Gia, Hoa Kỳ đã từ bỏ trách nhiệm cam kết với nhân dân Việt Nam cũng như với nhân dân Cam-bu-chia và Lào…”

Lê Xuân Khoa đã chê trách Hoa Kỳ như một đồng minh sai lầm, và phản bội. Một đồng minh sai lầm có thể sữa chữa, tha thứ. Nhưng khi một đồng minh phản bội, thi không còn là đồng minh nữa, mà trở nên kẻ thù.

Người đọc sách và là người Việt Nam bình thường như chúng tôi hiểu vấn đề không đến nỗi rối rắm, phức tạp như thế :

Khi người Mỹ “ chủ động ” tiến hành cuộc chiến tranh của họ trên một đất nước xa xôi lạ lẫm như Việt Nam, và “ chính họ chọn lựa ” những người trợ thủ bản xứ (Trợ thủ là lời nói cho dễ nghe. Nói khó nghe là tay sai, là công cụ. Lê Xuân Khoa gọi là “ những người lãnh đạo Việt Nam ”) như Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu, thì chắc chắn họ (người Mỹ) không thể xem các nhân vật ấy và thuộc cấp (của hai ông) là người Việt Nam yêu nước được. Bởi người yêu nước (của bất cứ quốc gia nào) không cộng tác với bất cứ ngoại bang nào để tiến hành cuộc chiến tranh của chúng trên đất nước mình. Vả lại, khi người Mỹ chọn lựa người bản xứ làm trợ thủ phục vụ cho lợi ích của họ, thì cái mà Lê Xuân Khoa gọi là trách nhiệm hay cam kết gì đó “ đối với nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân Cam-bu-chia và Lào ” chẳng qua chỉ là lời huyễn dụ vào một thời điểm cần thiết. Đến khi thấy những trợ thủ ấy “ thiếu khả năng ”, hoặc vì lý do nào đó gây khó khăn trở ngại cho công cuộc của họ thì chắc chắn sẽ bị loại trừ. Cứ xem người Mỹ đối xử với anh em Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu như thế nào thì đủ rõ.

Câu thứ hai của đoạn trích dẫn trên hàm chứa hai ý chính : Một là Hoa Kỳ mang tiếng bại trận. Hai là Hoa Kỳ phải mất hai mươi năm để giải quyết vấn đề tị nạn. Tôi nói qua ý thứ hai trước : Theo tôi vấn đề người Việt Nam chạy ra nước ngoài trong và sau sự kiện “30-4-1975” gồm hai thành phần : một là những người di tản trong kế hoạch của Mỹ, hai là những người trốn chạy ra nước ngoài do các chính sách “ cải tạo chế độ cũ ” và các cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa của “ chính quyền trong nước ”. Về thành phần di tản theo kế hoạch, nếu có đủ thời gian, Mỹ có thể đưa ra khỏi Việt Nam đa số những người “ Việt Nam Quốc Gia ” đã cộng tác với Mỹ trong “ cuộc chiến tranh do chính mình chủ động ”. Về thành phần tị nạn bao gồm các đối tượng cải tạo (cải tạo chế độ cũ, cải tạo công thương nghiệp, cải tạo văn hoá văn nghệ, cải tạo nông nghiệp), nói chung là nạn nhân của chế độ Cộng Sản về cả hai phương diện chính trị và kinh tế. Nếu không bị ngăn trở, có cơ hội và điều kiện, một nửa dân miền Nam sẽ vượt biên, trốn chạy khỏi đất nước, làm người tị nạn tại bất cứ quốc gia và vùng lãnh thổ nào, thậm chí phải chết để thoát khỏi chế độ độc tài đảng trị.

Nhưng cái Lê Xuân Khoa gọi là “ vấn đề tị nạn ” theo tôi thực chất phát xuất từ vấn đề di tản những đồng sự và con cháu “ những người lãnh đạo Việt Nam thiếu khả năng ” “ do chính mình chọn lựa ” để tiến hành “ cuộc chiến tranh do chính mình chủ động ”. Bởi vì xét cho cùng, nếu không có cuộc chiến tranh do Hoa Kỳ chủ động, thì sẽ không có “ cuộc khủng hoảng quốc tế về vấn đề tị nạn từ ba nước Đông Dương ”. Phải chăng Lê Xuân Khoa đã sử dụng khả năng lí luận mèo lại hoàn mèo để diễn đạt tính chất cuộc “ chiến ba mươi năm ” mà Hoa Kỳ đã “ chủ động ” và “ liên lụy ” ?

Nếu sử học là môn học của sự bất nhất và mập mờ thì Lê Xuân Khoa đích thực là một bậc thầy của môn học bất nhất và mập mờ ấy.

Lê Xuân Khoa cho rằng Hoa Kỳ “ bị mang tiếng bại trận ” chứ thực tế Hoa Kỳ đã không bại trận như nhận định của nhiều người. Trước đoạn trích dẫn trên đúng 18 dòng, Lê Xuân Khoa viết :

“ Điều đáng tiếc là phong trào phản chiến lên cao và vì những mâu thuẫn trầm trọng giữa chính quyền và quốc hội về chính sách đối với Việt Nam, Hoa Kỳ không những đã không khai thác được sự thất bại quân sự và chính trị của Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng miền Nam sau trận Tết Mậu Thân, mà còn giúp cho đối phương tạo được ưu thế trên bàn hội nghị ” (LXK sđd tr 359).

Về kết quả của chiến dịch TCK – TKN Tết Mậu Thân cho cả hai phía (Mỹ và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà) tôi đã thảo luận ở trên. Ở đây tôi chỉ thắc mắc là Lê Xuân Khoa đã không cho độc giả biết mục tiêu của phong trào phản chiến tại Mỹ là gì, vì sao nó “ lên cao ” và nội dung cụ thể của “ những mâu thuẫn trầm trọng giữa chính quyền và quốc hội về chính sách đối với Việt Nam ” là gì ? Không như thế thì làm sao độc giả có thể chia sẻ với Lê Xuân Khoa điều làm cho ông “ đáng tiếc ” ? Theo ông : nếu phong trào phản chiến không lên cao, “ những mâu thuẫn giữa chính quyền và quốc hội ” không trầm trọng, thì Hoa Kỳ có thể khai thác được sự thất bại quân sự và chính trị của đối phương “ để giành ưu thế trên bàn hội nghị ”. Như thế Hiệp định Paris 1973 sẽ là một thành tựu có lợi cho Hoa Kỳ, ít ra “ phải có điều khoản duy trì một lực lượng quân Mỹ tối thiểu để bảo đảm việc thi hành thỏa ước ”. Và như thế Việt Nam Cộng Hoà sẽ không bị bỏ rơi, “ chương trình Việt Nam hoá ” chiến tranh sẽ “ được Hoa Kỳ thực hiện đúng mức ”, và “ Việt Nam Cộng Hoà có thể tránh khỏi tình trạng sụp đổ mau chóng và thê thảm ”, cho dù “ không bảo đảm cho việc Nguyễn Văn Thiệu chiến thắng được Cộng Sản ” (LXK sđd tr 359-360).

Theo tôi, đến thời điểm này (sau chiến dịch TCK – TKN Tết Mậu Thân) mà đặt vấn đề Nguyễn Văn Thiệu có chiến thắng được Cộng Sản hay không là điều nhảm nhí. Có lẽ Lê Xuân Khoa cũng không nghĩ khác. Nhưng ông lại tỏ ra rất nghiêm túc khi nêu ý kiến là : Việt Nam Cộng Hoà không đáng bị bỏ rơi, chương trình Việt Nam hoá chiến tranh đáng ra nên được Hoa Kỳ thực hiện đúng mức, để “ Việt Nam Cộng Hoà có thể tránh được tình trạng suy sụp mau chóng và thê thảm ”. Lê Xuân Khoa đã tách riêng Nguyễn Văn Thiệu và những người Việt Nam Quốc Gia làm hai thực thể riêng biệt. Có lẽ, theo ông : Nguyễn Văn Thiệu là người lãnh đạo thiếu khả năng đã được Hoa Kỳ chọn lựa và đang bị Hoa Kỳ chán ghét. Còn những người Việt Nam Quốc Gia là những người yêu nước chân chính, Hoa Kỳ không nên đánh giá sai lầm rồi đánh đồng sự đối xử.

Chắc chắn là phong trào phản chiến, Quốc hội và cả chính phủ Mỹ đã không nghĩ như thế. Khi một Thống tướng như Westmoreland mà còn bị cách chức, một Tổng thống như Johnson mà phải từ bỏ sự nghiệp chính trị của mình (quyết định không ra ứng cử tổng thống), và Hoa Kỳ phải bắt đầu những cuộc đàm phán với Việt cộng để tìm đường rút ra khỏi bãi lầy, thì sá gì tâm cảm của những người Việt Nam Quốc Gia mà Lê Xuân Khoa là đại diện. Bởi vì đối với Mỹ : Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu và Việt Nam Quốc Gia chỉ là một. Tất cả đều là công cụ. Công cụ để chủ động dấn thân vào. Và cũng là công cụ khi bị ép buộc phải rút ra.

Khi chấp nhận thua Việt Nam qua việc ký kết hiệp định Paris, phe chủ chiến Mỹ đã chấp nhận thua nhân dân và Quốc hội Hoa Kỳ trước phong trào phản chiến. Do vậy, vấn đề ai thắng ai trong cuộc chiến tranh Đông Dương của Mỹ cần xem xét lại. Bởi trong quá trình chủ động xâm phạm quyền tự quyết của các dân tộc Việt Nam, Lào và Cam Bốt ở những mức độ khác nhau của 6 đời tổng thống từ Roosevelt, qua Truman, qua Eisenhower, qua Kennedy, qua Johnson, đến Nixon, các chính phủ Mỹ vô hình trung đã đẩy đất nước vào tình trạng khủng hoảng toàn diện, đã thách thúc Lương tri của dân chúng Hoa Kỳ và thế giới. Cái lương tri ấy thể hiện một cách đầy đủ qua lời tuyên đọc nổi tiếng của Tổng thống Hoa Kỳ Thomas Jefferson năm 1776 nhân lễ độc lập. Cái lương tri ấy được thể hiện bài bản hơn qua tuyên ngôn nhân – dân quyền của cách mạng Pháp 1789. Cái lương tri ấy đã được chủ tịch Hồ Chí Minh trích đọc trong tuyên ngôn độc lập 2-9-1945 :

“ Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng, Tạo hoá đã ban cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, đó là quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc ”.

Cái Lương tri ấy nằm sâu trong tâm thức của nhân dân Hoa Kỳ và loài người tiến bộ. Cái Lương tri ấy từng bước thức tỉnh theo các thời đoạn  của cuộc chiến tranh phi nghĩa do chính phủ Mỹ chủ động. Cái Lương tri ấy đã bàng hoàng xao xuyến và giao động trước những cuộc tự thiêu của ngài Thích Quảng Đức và các vị Tăng, Ni  trong phong trào đấu tranh bất bạo động của Phật tử kêu đòi tự do và bình đẳng tôn giáo năm 1963. Cái lương trí ấy được đánh động đến đỉnh điểm qua những trận tấn công liều chết của những chiến binh tí hon Việt Nam chống trả quyết liệt trước tên xâm lược khổng lồ là đế quốc Mỹ trong chiến dịch Tết Mậu Thân. Chính cái Lương tri ấy đã kéo các chiến binh Mỹ thoát khỏi vũng lầy Việt Nam, đưa họ trở về với đất nước và nhân dân Hoa Kỳ

Điều đáng kinh ngạc là cái Lương tri ấy rất gần gũi với lương tri Việt Nam được đúc kết bằng máu xương của cả dân tộc qua hàng ngàn năm chống đuổi xâm lược với tuyên ngôn độc lập đầu tiên được nhân dân tuyên đọc từ gần ngàn năm trước :

Nam quốc sơn hà Nam đế cư.
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Cho dù chính phủ Mỹ toan tính như thế nào, ngoan cố, hậm hực, thù oán, lươn lẹo ra sao trước tình thế phải rút lui chẳng mấy danh dự, xét về ngữ nghĩa và xu thế phát triển các tương quan lực lượng : “Việt Nam hoá chiến tranh” cuối cùng có nghĩa là trao lại quyền tự quyết cho nhân dân Việt Nam. Mà nhân dân Việt Nam, chẳng còn con đường nào khác ngoài con đường độc lập, hoà bình, thống nhất đất nước, hoà giải – hoà hợp và dân chủ.

Ở bên kia bán cầu, cuộc đấu tranh Dân chủ và Hoà bình kết thúc. Phe chủ chiến Mỹ đã lùi bước. Phe chủ hoà, nhân dân và Lương tri Hoa Kỳ đã kìm hãm được con ngựa bất kham do chính mình bầu chọn là bộ máy chiến tranh hung hăng, lạm quyền và dối trá.

Ở bên này bán cầu, cuộc chiến tranh xâm lược và chống xâm lược lụi tàn. Đế quốc Mỹ đã thua. Nhân dân và đảng Cộng sản Việt Nam đã thắng. Cuộc vận động Dân chủ và cuộc chiến tranh vệ quốc ở hai bên bán cầu có liên hệ hữu cơ.

Điều vô cùng đáng tiếc là tiếp liền theo cuộc chiến tranh Nhân dân để làm nên những chiến thắng ấy, đảng Cộng sản đã đánh mất Lương tri khi lùa đẩy nhân dân bất kể thành phần chính trị (thứ nhất, thứ hai, thứ ba) vào cái chuồng Xã Hội Chủ Nghĩa. Hành động như thế, đảng Cộng sản tự biến mình thành kẻ phản bội tồi tệ nhất trong số những kẻ phản bội suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

Vấn đề vô cùng bức thiết hiện nay là : nhân dân Việt Nam – người chủ cái Lương tri được un đúc và thử thách qua hàng ngàn năm lịch sử dựng xây, bảo vệ, và phát triển – phải hành xử như thế nào để đẩy lùi tình trạng bị cai trị bởi một đảng không còn có lương tri, hầu nhanh chóng đưa đất nước thoát khỏi tình trạng suy sụp, tối tăm, lệ thuộc ngoại nhân (chủ yếu là Trung Quốc) nhục nhã như hiện tại. Nhân dân Việt Nam học được bài học gì từ cuộc chiến tranh vệ quốc vừa hào hùng – vừa bi đát kéo dài hơn thế kỉ ??? Nhân dân Việt Nam học bài học gì từ cuộc đấu tranh dân chủ, nhân đạo và hoà bình của nhân dân Hoa Kỳ và thế giới, mà nếu không có nó, Mỹ sẽ khó mà thoát khỏi bãi lầy Đông Dương, và Việt Nam còn lâu mới thấy được thống nhất và hoà bình ???

Chu Sơn




PHỤ TRƯƠNG


Bảo Đại được giáo dục, đào tạo và phục vụ như thế nào ?


Ở trang 200 (chương 5 – Bài học chín năm), Lê Xuân Khoa viết :

“ Như vậy, thật rõ ràng là bất công nếu cứ nhất định chụp cho Bảo Đại cái mũ “bù nhìn” hay tay sai của Pháp. Bảo Đại không phải là một nhà cách mạng vì ông chỉ được đào tạo trong những điều kiện vương giả. Công bằng mà nói, Bảo Đại là một ông hoàng có lòng yêu nước, tốt bụng, không giết hại ai, nhưng cũng là một ông hoàng ham chơi và nhu nhược ”

Dường như Lê Xuân Khoa đã lí luận không chặt chẽ và chính xác khi biện minh cho Bảo Đại qua những dòng trên.

Trong lịch sử Việt Nam không chỉ có Bảo Đại mới “ được đào tạo và phục vụ trong những điều kiện vương giả ”. Và không phải tất cả những ông hoàng “ được đào tạo và phục vụ trong những điều kiện vương giả ” đều có một kết quả tất yếu là “ ham chơi và nhu nhược ” như Bảo Đại để rồi “ không trở thành nhà cách mạng ” như quan điểm của Lê Xuân Khoa. Nếu tất yếu lịch sử là như thế thì triều Lý không có được Lý Thánh Tông…, triều Trần không có được Trần Nhân Tông…, triều Nguyễn không có được Gia Long, Minh Mệnh. Và đặc biệt, nếu tất yếu lịch sử là như thế thì triều Nguyễn thời kỳ suy tàn không có được những vị vua yêu nước như Hàm Nghi, Duy Tân và cả Thành Thái.

Tất cả mọi ông hoàng đều được “ đào tạo và phục vụ trong những điều kiện vương giả ”. Đây là sự thật phổ biến. Nhưng tùy theo khí thế của từng thời đại và bối cảnh lịch sử cụ thể của nó mà từng ông hoàng một được tiếp nhận những nội dung và phương pháp giáo dục đào tạo khác nhau, được phục vụ trong những điều kiện vương giả khác nhau. Và cũng tùy theo bản chất của từng ông hoàng (yêu nước ít – nhiều, có – không, ham chơi hay cần cù, nhu nhược hay khí phách…) mà những cuộc “ đào tạo và phục vụ ” ấy có kết quả khác nhau.

Để phần viết thêm này ngắn gọn, tôi xin được phép không làm một so sánh những khác nhau trong công cuộc “ đào tạo và phục vụ ” … các ông hoàng qua các thời kỳ. Ở đây tôi chỉ tóm lược về “ công cuộc đào tạo và phục vụ ” …mà triều đình Khải Định và thực dân Pháp đã dành cho hoàng tử Vĩnh Thụy, người sau này được đặt lên ngôi vua hiệu là Bảo Đại.

Vĩnh Thụy sinh năm 1913, cha là Khải Định, ông nội là Đồng Khánh – hai ông vua nổi tiếng tay sai và bù nhìn. Trước đó sáu năm và sau đó bốn năm, Hàm Nghi, Thành Thái rồi Duy Tân bị thực dân Pháp lưu đày vì “ tội yêu nước ”. Đây là thời kỳ nhà cầm quyền Pháp tại Đông Dương chuyển dần sách lược từ bình định, khai thác thuộc địa ban đầu, qua thời kỳ ổn định, xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thác thực dân sâu rộng và khai hoá.

Đây là thời kỳ tại châu Á và trên thế giới bùng nổ những sự kiện to lớn tác động đến chính quốc và Đông Dương. (Nhật Bản nhờ duy tân nhanh chóng trở thành đế quốc tư bản tranh giành lợi quyền với các cường quốc phương Tây, xâm lược Triều Tiên, Trung Quốc, đánh bại Nga nhiều trận, nổi tiếng nhất là trận Lữ Thuận (1905), tham vọng bá quyền làm chủ châu Á với sách lược Đại Đông Á. Tại Trung Quốc, sau khi phong trào Duy Tân do Quang Tự, Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu và các đồng chí lãnh đạo thất bại, phong trào Cộng hoà của Tôn Dật Tiên tiến hành cuộc cách mạng Tân Hợi thành công, lật đổ được Thanh triều (1911), nhân dân Trung quốc đương đầu với các cuộc xâm lược của Nhật và tình trạng đất nước tan hoang. Thế giới đại chiến lần thứ nhất xảy ra và kết thúc (1914 – 1919). Tại Nga, cuộc cách mạng do đảng Cộng Sản lãnh đạo thành công, lật đổ được chế độ Sa hoàng (1917), xây dựng chính quyền Xô Viết, chủ trương cách mạng thế giới.

Tại Pháp phong trào đấu tranh dân chủ và nhân quyền phát triển mạnh mẽ, đảng Xã Hội rồi đảng Cộng Sản thành lập, tham dự vào chính trường, tác động mạnh mẽ và sâu rộng vào xã hội Pháp và các xứ thuộc địa.

Tại Đông Dương phong trào đấu tranh độc lập cũng có những bước chuyển biến mới. Bên cạnh khuynh hướng bạo động, khuynh hướng bất bạo động và đấu tranh chính trị, văn hoá, kinh tế, xã hội phát triển. Các phong trào chống thuế, Duy Tân, Đông Du, Đông kinh Nghĩa Thục phát động rầm rộ trước khi cuộc khởi nghĩa dưới ngọn cờ vua Duy Tân do Thái Phiên và Trần cao Vân lãnh đạo thất bại. Các nhà ái quốc bắt đầu nhìn ra thế giới văn minh, du nhập các sách báo, tài liệu cách mạng nước ngoài, xuất dương du học, liên lạc với các phong trào dân tộc và cách mạng châu Á và thế giới. Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc chuyển dần sự lãnh đạo từ tay các lãnh tụ cựu học qua tay các trí thức tân học trẻ trung và đầy nhiệt huyết. Hai đảng cách mạng ra đời : Quốc Dân Đảng và Cộng Sản Đảng. Giới Phật tử bắt đầu chấn hưng Phật giáo để đưa đạo vào đời.

Trong bối cảnh đó, bên cạnh các sách lược về an ninh, kinh tế, tài chánh, hành chánh, chính phủ Pháp và nhà cầm quyền Đông Dương còn chủ trương một sách lược văn hoá chính trị lâu dài mệnh danh là khai hoá.

Khai hoá theo tư tưởng và sách lược của thực dân đế quốc Pháp là mở ra, lấy đi những gì đã tích lũy hàng ngàn năm (tinh hoa Việt – Nho, Việt – Phật) thành sức mạnh đề kháng dân tộc (Việt Nam). Thay vào đó là những học thuật, tư tưởng và tình tự mới rút tỉa từ kho tàng văn hoa, lich sử Pháp và phương Tây để từng bước biến người bản xứ thành người Pháp da vàng, và Đông Dương trong đó có Việt Nam trở thành lãnh thổ ở Viễn Đông của nước mẹ Đại Pháp.

Để thực hiện và chủ trương và sách lược đó, năm 1917 chính phủ Pháp cử A. Sarraut sang làm Toàn quyền Đông Dương. A. Sarraut là một chính khách có học vấn uyên bác và đồng thời là một nhà thực dân mềm dẻo. Về chính trị Sarraut chủ trương Việt – Pháp đề huề. Về văn hoá, giáo dục, Sarraut buộc Nam triều bãi bỏ hệ thồng giáo dục và các kỳ thi Hán – Nho, thúc đẩy nhà cầm quyền thuộc địa tiếp tục công cuộc cải cách giáo dục, mở rộng và phát triển hệ thống các trường tiểu học, trung học Pháp – Việt, các trường sơ, trung cấp hành chánh, sư phạm, y tế, kỹ thuật, canh nông và một số các trường Cao đẳng, Đại học (y dược, nông lâm, luật, mỹ thuật, sư phạm…) để qua đó đào tạo những công nhân lành nghề, thư lại, quan chức và các nhà chuyên môn hầu đáp ứng nhu cầu của các ngành kinh tế, dịch vụ đang phát triển và guồng máy chính quyền thuộc địa cũng như Nam triều cần được mở rộng và đổi mới.

Trong đường hướng phát triển như thế, chính phủ Pháp, Toàn quyền Đông Dương, toà Khâm sứ Huế và bản thân Khải Định đều thấy rằng Vương triều cổ lỗ, lạc hậu An Nam cần được cải đổi, sơn phết lại, và người đứng đầu (Hoàng đế) của vương triều ấy (Bảo Đại) cần được đào tạo bài bản, kỹ lưỡng, công phu, biến ông ta thành biểu tượng sáng giá nhằm lôi kéo thật nhiều các tầng lớp nhân dân Việt Nam, đặc biệt tầng lớp trên, về phía chính quyền thuộc địa và nước mẹ Đại Pháp, đồng thời làm suy yếu và triệt tiêu các tổ chức, các mưu đồ “ phá rối trật tự trị an của bọn gian dân loạn đảng ”. Kinh nghiệm ba ông vua nổi loạn (Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân được sĩ phu và nhân dân ủng hộ), và hai ông vua bù nhìn cổ lỗ (Đồng Khánh, Khải Định) không được đông đảo quần chúng kính trọng và hậu thuẫn, nhà cầm quyền Pháp ở toà Khâm Huế, ở phủ Toàn quyền và ở chính quốc thấy rằng kinh phí để đào tạo và phục vụ một ông vua bù nhìn còn rẻ và nhẹ nhàng hơn rất nhiều kinh phí và công sức dành cho việc đánh dẹp, trấn áp và bình định.

Qua hơn nửa thế kỷ xâm chiếm và đô hộ Việt Nam, lần đầu tiên thực dân Pháp có được, nắm được một hoàng thái tử (Vĩnh Thụy) để tự do nhào nặn (đào tào) thành một hoàng đế (Bảo Đại) theo kế hoạch của mình. Đây là một cơ hội ngàn vàng. Hơn nữa vị hoàng thái tử con tin này lại có những phẩm chất rất phù hợp với vai trò mà chính phủ Pháp và nhà cầm quyền thuộc địa sẽ dành cho ông. Vĩnh Thụy (Bảo Đại) khỏe mạnh, to cao, đẹp trai, dáng vẻ đường bệ, thông minh nhưng ham chơi, đặc biệt là nhu nhược và rất ít tham vọng quyền lực.

Vị hoàng đế (bù nhìn) tương lai này đối với dân chúng sẽ là một nhân vật tân tiến (như Tây), hào hoa phong nhã, một ông hoàng tốt bụng, không giết ai (như Lê Xuân Khoa nhận định) đồng thời là một đấng thiên tử thiêng liêng thần thánh, để quy phục càng nhiều càng tốt những thư lại, thị dân và thượng lưu trí thức Tây học ngày càng phát triển, và đám thần dân theo chủ nghĩa tôn quân còn tồn đọng (Một khi phía bên này đông hơn, mạnh hơn tất nhiên phía bên kia sẽ bớt đi, ít hơn, yếu hơn. Đó là nguyên lí đơn giản mà các nhà làm chiến tranh không thể không biết).

Đối với toà Khâm Huế, Toàn quyền Đông Dương và chính phủ Pháp, Bảo Đại sẽ là người cộng tác đắc lực nhằm thực hiện các sách lược an ninh chính trị, khai thác kinh tế và khai hoá con người nhằm mục đích tối hậu là Pháp hoá Đông Dương.

Đối với thế giới và cánh tả trong chính trường, xã hội Pháp, một Bảo Đại như thế và một triều đình An Nam sẽ được cải đổi, tô vẽ lại theo mô hình và cách thức hoạt động do Toà khâm sứ và phủ Toàn quyền sáng chế ra sẽ là thành tựu của sứ mệnh khai hoá mà thực dân Pháp muốn trình diễn và biện chính cho sách lược khai thác triệt để và toàn diện của họ (nhằm phục vụ các nhu cầu trước mắt và quyền lợi lâu dài của các phe phái thống trị tại chính quốc cũng như Đông Dương).

Để làm ra một ông vua như thế, Khải Định và các cấp thẩm quyền Pháp đã phải thực hiện một kế hoạch đào tạo hoàn chỉnh, công phu và tốn kém :

Năm 1922 Khải Định đưa Bảo Đại qua Tây để nhờ mẫu quốc nuôi dạy. Đây là cuộc đầu tư mang tính cách con tin nhìn từ hai phía đối tác. Chính phủ Pháp đã chỉ định, và Khải Định đã nhờ ông Charles đứng ra trông coi, chăm sóc, kèm cặp, hướng dẫn Vĩnh Thụy – Bảo Đại trong suốt thời gian vị Hoàng đế tương lai này lưu trú tại Paris. (Ông Charles là cựu khâm sứ Huế, là “ bạn thân ” của Khải Định, nay đã nghỉ hưu).

Ngoại trừ mấy tháng cuối năm 1925 được đưa về Việt Nam để đặt lên ngai vàng (tháng 1-1926) khi vua cha băng hà, mười năm đào tạo ở Pháp Vĩnh Thụy – Bảo Đại đã được :

– Trang bị một kiến thức phổ thông đầy đủ và những kỹ năng đại cương về chính trị và quản trị hành chánh tại các trường tiểu, trung và đại học chọn lọc.

– Trang bị một triết lý, kỹ năng, phong cách làm vua theo những tiêu chí do nhà nước thuộc địa đề ra (ông Charles là người phụ trách chính, cử nhân Lê Như Lâm phụ đạo),

– Làm quen và thực hành các môn thể dục, thể thao, các trò vui chơi giải trí và nhất là “ được phục vụ những điều kiện vương giả ” tại các trung tâm dành riêng cho các ông hoàng và con cháu các đại gia tư sản,

– Bảo vệ an ninh chặt chẽ hầu tránh những giao tiếp nguy hiểm với các phần tử “ xúi giặc ” đang hoạt động ráo riết tại Paris. Kinh nghiệm vua Duy Tân do Toà khâm sứ đã quản lý không chặt, đã để nhiều khe hở cho các ông Thái Phiên, Trần Cao Vân lẻn vào vận động ông vua trẻ “ làm loạn ”. (Trong thời gian Vĩnh Thụy – Bảo Đại lưu trú tại Pháp, những phần tử dân tộc chủ nghĩa với sự hỗ trợ của cánh tả trong chính trường và xã hội Pháp hoạt động tích cực, nổi tiếng là nhóm “ Ngũ Long ” : Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh. Phan Châu Trinh đã viết thư “ Thất điều ” gởi tới Khải Định và công bố rộng rãi trong dư luận nhằm tố cáo những tội lỗi khi ông vua bù nhìn này mới đặt chân lên đất Pháp).

Kết thúc mười năm học tập, đào tạo, Bảo Đại có được những kiến thức phổ thông của một người Pháp trung bình, một ông nửa Tây con – nửa Hoàng đế được trang bị một thứ “ triết lý cai trị Á đông ” mà ông Charles đã sáng tác riêng cho học trò cưng của mình (Bảo Đại) :

“ Hoàng đế không cần phải có mặt để cho dân chúng biết là họ đang được cai trị. Lâu lâu – thường là rất hiếm – nhà vua mới cần xuất hiện công khai nhân những dịp tiếp kiến để chứng tỏ mình còn tại vị… Ông Hoàng là nhịp cầu giữa trời và thần dân của ông… Trước hết ông phải tạo ở nơi ông sự an bình và hài hoà nếu ông muốn đem lại thái bình và hoà hợp trong dân chúng. Bởi thế ông cần phải giữ yên lặng để vừa có thể nghe được tiếng nói của dân nhiều hơn, vừa nắm bắt được các biến chuyển một cách thuận lợi hơn…” (LXK sđd tr 201-202).

Lê Xuân Khoa cho rằng Bảo Đại đã giải thích một cách ngụy biện “ quan niệm trị nước của một vị Hoàng đế ở Á Đông ” (LXK sđd tr 201). Thật ra chẳng hề có một quan niệm trị nước Á Đông nào có nội dung như trích đoạn ở trên cả. Nếu ở Á Đông mà các vị Hoàng tử được trang bị một thứ triết lý cai trị như thế thì lấy đâu có một Trung Hoa, một Nhật Bản… và gần nhất là một Việt Nam với những triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn… Đương nhiên, từ thời độc lập (trong một ngàn năm trở lại), trải qua các triều đại Lý,Trần, Lê, Nguyễn, ngoại trừ các vua quỷ, vua cõng rắn, vua bù nhìn, vua tay sai không nói làm gì, các vị vua sáng danh của đất nước, trong những chừng mực khác nhau đều đã vận dụng Khổng – Mạnh một cách chân thành (nhưng không sáng tạo), chứ không ngụy biện bằng thứ triết lý bịa đặt Á Đông như đoạn trích dẫn trên. Không khó để nhận biết thủ đoạn của bọn cầm quyền thuộc địa và bảo hộ khi, một mặt bãi bỏ việc học hành thi cử theo hệ thống Hán – Nho mà triều đình An Nam còn bảo lưu để cắt đứt nguồn mạch sức mạnh đề kháng dân tộc, một mặt nâng giá cho vua bù nhìn Khải Định bằng những chiến dịch tuyên truyền ồn ào (như phát hành đồng tiền Khải Định, tổ chức cho Khải Định tuần du Bắc Hà…) với những từ ngữ sáo rỗng đầy tính chất phỉnh nịnh mị dân để tạo dựng vai trò của ông ta trong công cuộc khai thác và đồng hoá. Vua như Khải Định mà bọn thực dân nắm thực quyền ở Toà khâm, ở phủ Toàn quyền và bọn quan lại lơ láo ở triều đình An Nam luôn miệng tung hô Hoàng thượng, Hoàng đế, Thiên tử thiêng liêng và thần thánh.

Chính xác là : Công cuộc giáo hoá Vĩnh Thụy – Bảo Đại mười năm tại Pháp là để sắm sửa một Khải Định mới nhưng văn minh hơn, Tây hơn.

Khi mà Toà Khâm Huế, phủ Toàn quyền Đông Dương và bộ Thuộc địa giành hết mọi việc từ quốc phòng, an ninh, ngoại giao, kinh tế, tài chánh, tư pháp, và cả văn hoá giáo dục thì Hoàng đế chẳng còn việc gì để làm, nên “ không cần phải có mặt ”… trên đất nước và xuất hiện nhiều trước dân chúng. Do vậy mà Bảo Đại thường xuyên có mặt tại các nơi vui chơi, hưởng thụ như Côte d’Azur, Đà Lạt… Hoàng đế chỉ cần xuất hiện – “ lâu lâu thôi, rất hiếm ” – tại một nơi nào đó, nói năng gì đó mà nhà nước bảo hộ thấy cần và sắp đặt “ để cho dân chúng biết họ đang được cai trị ”. Hoàng đế là một nhân vật trung gian giữa trời và người, nên Hoàng đế không cần giằng xé (vì thấy mình không có việc gì để làm trong tư cách là vua một nước), cũng không nên phẫn nộ (vì thấy dân nước bị lệ thuộc) nên “ Trước hết ông phải tạo nơi ông sự an bình và hài hoà nếu ông muốn đem lại thái bình và hoà hợp trong dân chúng ”. Và “ bởi thế, ông cần phải giữ yên lặng, để có thể vừa nghe được tiếng nói của dân nhiều hơn vừa nắm bắt được các biến chuyển thuận lợi hơn ” cho cá nhân mình và bồ đoàn thê tử. Nếu không làm như những lời giáo huấn ấy mà “ dại dột làm loạn ” như Hàm Nghi, như Duy Tân, thậm chí “ nói năng càn dở và hành động điên loạn ” như Thành Thái thì chỉ có rước họa vào thân : lưu đày.

Đoạn trích dẫn trên là những lời ru đồng thời là những răn đe mà chuyên viên huấn luyện Charles và sư phó Lê Như Lâm đã rót vào tai Vĩnh Thụy – Bảo Đại trong suốt 10 năm thực hiện nhiệm vụ bộ thuộc địa và Khải Định giao phó. Bảo Đại đã học thuộc những bài giảng của hai ông thầy và sau này đã “ trả bài ” mỗi khi bị chỉ trích từ phía dư luận – Lê Xuân Khoa đã đúng khi cho rằng Bảo Đại đã ngụy biện, nhưng Lê Xuân Khoa đã không làm rõ xuất xứ của những lời lẽ ngụy biện quái gở đó. Không làm rõ xuất xứ của những lời lẽ ngụy biện quái gở đó thì độc giả đời sau khó mà hiểu hết thủ đoạn dùng người Việt trị người Việt của thực dân, đế quốc.

Kết quả công cuộc giáo huấn là như thế, còn việc “ phục vụ những nhu cầu vương giả ” cho Bảo Đại thì như thế nào ? Theo Daniel Grandclement : 16 tuổi, Bảo Đại Đã sở hữu nhiều kiểu ô tô, đã lái xe, săn bắn thiện nghệ. Trước khi kết thúc thời kỳ đào tạo, Bảo Đại đã lái máy bay thành thạo, là người sáng lập câu lạc bộ du thuyền y-át, say mê tốc độ, cờ bạc, đàn bà, săn bắn, quần vợt, đàn đúm bạn bè.

Lúc thịnh thời (trong quá trình thực hiện giải pháp Bảo Đại) Bảo Đại sở hữu 6 hoặc 7 chiếc máy bay (một chiếc DC3, một chiếc Viscount 700, một chiếc Sea Otter, thêm một chiếc DC3 và một chiếc Tiger Moth, một B24, một B29), hai du thuyền y-át và trên 10 ô tô (một chiếc Mercedes lớn, bốn chiếc Limousine Mỹ lớn, một chiếc Citroën, những chiếc Ferrari hay Bentley). Tất cả những ô tô, máy bay, du thuyền đó đều là những sản phẩm đặc biệt mà các công ty chuyên ngành đã sản xuất để dành riêng cho các vua chúa, hoàng tử, các trùm tư bản và hầu hết là quà tặng hay mua từ tiền bạc của chính phủ Pháp. Ngoài các động sản trên, Bảo Đại còn sở hữu các bất động sản như lâu đài Thorenc, dinh 1, dinh 2 ở Đà Lạt, lầu ông Hoàng ở Phan Thiết, nhà nghỉ mát ở Nha Trang, Bạch Mã và hàng chục vi–la ở nhiều thành phố khác tại Pháp cũng như tại Việt Nam.

Thưa giáo sư Lê Xuân Khoa, khi thực dân Pháp bỏ nhiều công của để giáo dục, đào tạo một ông hoàng ham chơi, nhu nhươc, phục vụ ông ta những điều kiện hưởng thụ vương giả như thế, xin hỏi giáo sư : Họ muốn biến Bảo Đại thành một ông hoàng yêu nước, hay một ông vua bù nhìn ? Lại nữa : Bảo Đại không hề từ chối bất cứ sự cung phụng nào, và đặc biệt, do ham chơi và nhu nhược, đã cộng tác với thực dân Pháp trong vai trò và nhiệm vụ được giao (cho dù tự nguyện hay bất đắc dĩ) thì ông ta là vị vua yêu nước, hay là công cụ của bọn xâm lược ?



Các phần trước :


* Đọc sách VIỆT NAM 1945-1995 của Lê Xuân Khoa (1)

* Đọc sách VIỆT NAM 1945-1995 của Lê Xuân Khoa (2)

* Đọc sách VIỆT NAM 1945-1995 của Lê Xuân Khoa (3)


Tham khảo :


Cuốn VIỆT NAM 1945-1995 đã được công bố trên mạng Anh Ba Sàm
với sự đồng ý của tác giả Lê Xuân Khoa




Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us