Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Đọc "TƯ BẢN Thế kỷ XXI" của Thomas Piketty

Đọc "TƯ BẢN Thế kỷ XXI" của Thomas Piketty

- Nguyễn Quang — published 22/08/2014 07:05, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19

Đọc công trình của Thomas PIKETTY



TƯ BẢN Thế kỷ XXI


Nguyễn Quang



Trái ngược với mọi dự đoán, năm nay cuốn sách best-seller ăn khách nhất thế giới lại là một cuốn sách về kinh tế học chính trị dầy cộm và chi chít những bảng số và biểu đồ. Bản in tiếng Pháp gần một nghìn trang, cộng thêm khoảng một trăm trang phụ lục kỹ thuật công bố trên mạng, hiện nay đã được dịch ra 25 thứ tiếng. Bản tiếng Pháp đã bán được 120.000 cuốn, đứng đầu loại sách tài liệu – tiểu luận ; bản tiếng Anh 450.000 cuốn : trong mấy tuần lễ liền, đó là tác phẩm bán chạy nhất so với tất cả các loại sách, kể cả cuốn Game of Thrones ! Song song với thành công về xuất bản, là cuộc « lưu diễn » rất ư là siêu sao nhạc rock của tác giả tại các trường đại học lớn nhất nước Mỹ, giảng đường nào cũng chật ních, với những lời ca ngợi của những giải Nobel kinh tế học (Krugman, Solow, Stiglitz), và cũng như Alexis de Tocqueville (Về nền dân chủ Mỹ), Thomas Piketty đã được mời tới Nhà Trắng. Do tính kỹ thuật giả định của tác phẩm (về tư bản đầu thế kỷ XXI) và sự khô khan (cũng) giả định của luận đề cơ bản (là sự tái hiện những bất bình đẳng xã hội ở thế kỷ XXI), có thể nói không ngoa rằng cái mốt « pikettymania » quả là một hiện tượng trí thức của thập niên này. Có lẽ đây chuyện Zeitgeist – tinh thần của thời đại – có sự trùng hợp giữa tác phẩm và tâm trạng xã hội của thời đại : với cuộc khủng hoảng 2008 và những hậu quả của nó, trước những quá trớn của chủ nghĩa tư bản tài chính và sự bất cẩn của một tập đoàn tài phiệt thiểu trị, người dân bình thường cảm thấy một cách mơ hồ mà sâu đậm rằng sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng, đe dọa phá vỡ « khế ước xã hội » của nền dân chủ. Điều này không hề làm suy suyển chất lượng tác nghiệp của một công trình nghiên cứu đã phân tích tới mức cạn kiệt (khiến người đọc cũng kiệt lực luôn) sự bùng phát những bất bình đẳng về tài sản và thu nhập diễn ra trong 25 năm cuối của thế kỷ XX ở các nước phát triển, với nguy cơ đưa thế kỷ XXI quay trở lại tình trạng man rợ của chủ nghĩa tư bản vào cuối thế kỷ XIX. Đối với nhiều người, đây là một sự phát hiện. Thậm chí Bill Moyers, một nhà báo Mỹ, còn dùng danh từ epiphany, tức là sự linh hiện, mặc khải theo nghĩa tôn giáo !

Diễn biến của sự phân phối của cải, liên quan tới sự tích lũy và tập trung tư bản, vốn là đối tượng nghiên cứu ưu tiên của Piketty từ khi ông bắt đầu bước vào kinh tế học. Nhưng trước ông, có những người, lại là những học giả tầm cỡ (Galbraith, Krugman, Stiglitz) đã viết về bất bình đẳng rồi. Cái mới của Tư bản thế kỷ XXI thể hiện ở ba cấp độ :

  • tiếp cận thực nghiệm : trở lại và đề cao nghiên cứu thống kê của những giai đoạn dài, cùng với khoảng ba chục cộng tác viên (đặc biệt, Emmanuel Saez ở Mỹ và Anthony Atkinson ở Anh) xây dựng một ngân hàng khổng lồ, chứa đựng những số liệu lịch sử về thu nhập, đưa lên mạng dưới tên tắt WTID (World Top Incomes Database / Cơ sở dữ liệu các thu nhập cao nhất toàn thế giới), sắp tới sẽ được bổ sung thành WWID (World Wealth and Income Database / Cơ sở dữ liệu về của cải và thu nhập toàn thế giới), tích hợp thêm những dữ liệu về tài sản.
  • tổ chức và nghiên cứu những chuỗi thống kê đã thu thập được, từ đó, tác giả đã đưa ra hai nhận xét cơ bản, tóm tắt bằng hai đường cong biểu thị hình chữ U cho thấy rõ tích lũy tư bản đã tăng vọt trở lại (xem biểu đồ I.2 ở dưới) cũng như sự tập trung thu nhập (biểu đồ I.1) ở mức tương tợ như cuối thế kỷ XIX.
  • diễn giải hai xu hướng cấu trúc đó bằng « quy luật phân kỳ » (có tính chất thực nghiệm), thể hiện bằng bất đẳng thức r > g, trong đó r chỉ tỉ suất lợi tức của tư bản và g tỉ suất tăng trưởng thu nhập quốc dân.

Công trình đồ sộ này, bao gồm các khâu thu thập, trình bày, phân tích và diễn giải các chuỗi số liệu thống kê thực ra một phần lớn đã được trình bày trong những bài nghiên cứu mà tác giả và các cộng tác viên đã công bố (xem [PZ]). Một số kết quả đã được những tác giả khác khai thác (xem [P] chẳng hạn), nhưng họ khai thác một cách rõ ràng là « ấn tượng chủ nghĩa » và vụn vặt, chứ không trình bày một cách thuần nhất, nhất quán và chi li cạn kiệt như Tư bản thế kỷ XXI. Đến đây, với mục đích dẫn giải về phương pháp luận, chúng tôi xin phép đưa ra một bình luận : với tác phẩm đồ sộ này, Piketty đã khẳng định chỗ đứng của mình trong dòng dõi các nhà kinh tế học « trường phái sử quan Đức » cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, lấy tiếp cận thực nghiệm làm ưu tiên, và phân tích các hiện tượng trong bối cảnh lịch sử và định chế của chúng. « Trong khoa học xã hội (…), tham vọng của việc nghiên cứu không phải là biến cải kinh tế học, xã hội học và sử học thành những khoa học chính xác. Mà, bằng cách kiên nhẫn xác định những sự kiện, ghi nhận những nét điều hòa đều đặn, bình tĩnh phân tích những cơ chế kinh tế, xã hội và chính trị khả dĩ phản ánh trung thực, sự nghiên cứu có thể góp phần làm cho cuộc thảo luận dân chủ được thông tin tốt hơn, tập trung vào những vấn đề thích đáng» (tr. 18). Theo Robert Boyer, « đóng góp quan trọng nhất của tác phẩm này, không nghi ngờ gì nữa, là đưa lịch sử kinh tế và xã hội trở lại vị trí trung tâm của bộ môn kinh tế học ». Có thể nói hẳn ra : vốn cảnh giác đối với « tham vọng của kinh tế học nhằm đạt tới tính khoa học », tác giả đã kiên định với phương pháp luận chủ đạo là : đưa (trở lại) phương pháp khoa học thực nghiệm vào bộ môn kinh tế. Trong chừng mực có thể so sánh khoa học vật lý với khoa học xã hội, ta hãy ví « ca Piketty » với « ca Kepler ». Trong lịch sử thiên văn học, vào đầu thế kỷ XVII, Johann Kepler đã phát hiện ra hai quy luật vận động của các hành tinh chung quanh mặt trời (Arthur Koestler đã kể lại rất lý thú trong [K] ; ở đây chúng tôi không nói tới quy luật thứ ba, được phát hiện mãi về sau) : cũng một cung cách làm việc cặn kẽ để thu thập dữ liệu thực nghiệm ; cũng một cung cách tổ chức và kết cấu để nhận ra rằng quỹ đạo của các hành tinh đều là đường ellip ; cũng một trực quan và tư duy để tìm ra « định luật diện tích » quy định sự di chuyển hành tinh trên quỹ đạo. Chúng ta sẽ thấy rõ, trong khuôn khổ những định nghĩa mà Piketty đề ra và những số liệu thống kê mà ông đã tích lũy, các dữ liệu thực nghiệm (nghĩa là các sự kiện) của Piketty là không thể chê trách vào đâu. Và các đối thủ của Piketty, cũng không ai có một lời công kích, ngoại trừ vụ bài báo Financial Times (xem khung). Các « định luật » mà Piketty rút ra, cũng như trong trường hợp Kepler, đều là những định luật thực nghiệm, nghĩa là những sự điều hòa, đều đặn được nêu rõ cho thấy, hoàn toàn không có sự « mô hình hóa » hay « lý thuyết hóa » nào cả.

  bf    be

Hình bìa nguyên tác tiếng Pháp và bản dịch tiếng Anh (Mỹ).
Thấy rõ sự câu khách hay khiêu khích của bản dịch :
chữ « TƯ BẢN » in to, đỏ chót, làm người đọc liên tưởng ngay tới tác phẩm của Marx.


1 – Sự tích lũy tư bản


Trung thành với lôgic phương pháp luận của khoa học thực nghiệm, chúng tôi sẽ trình bày các kết quả và luận chứng của Piketty theo một trình tự hơi khác trình tự của cuốn sách : chúng tôi sẽ bắt đầu bằng sự tích lũy tư bản, thông qua sự tập trung tư bản và tập trung thu nhập, rồi mới đi tới những hậu quả có thể về « phân kỳ » xã hội phát sinh từ bất bình đẳng. Cũng xin báo trước : sự tổ chức và sắp xếp lớp lang các dữ liệu thống kê (cũng như mọi dữ kiện thực nghiệm trong các lãnh vực khác) nhất thiết phải sử dụng ngôn ngữ toán học. Dưới đây, bạn đọc sẽ thấy xuất hiện một vài công thức toán học, ở mức độ tối thiểu, cụ thể là sẽ dùng những phân số, nghĩa là áp dụng quy tắc tam suất mà mọi người đã quen dùng ở trường tiểu học. Để cho dễ hiểu, trước tiên xin nhắc lại một vài khái niệm cơ bản :

Thu nhập thực chất là một luồng (chảy). Thu nhập quốc gia liên hệ chặt chẽ với khái niệm tổng sản phẩm quốc nội (produit intérieur brut / PIB, viết tắt tiếng Anh là GDP), thường được dùng trong các cuộc tranh luận công cộng, nhưng khác nhau ở hai điểm quan trọng. GDP là số lượng sản phẩm và dịch vụ được sản xuất mỗi năm trong phạm vi lãnh thổ của một nước. Muốn tính ra thu nhập quốc gia, thì trước hết phải lấy GDP trừ đi sự mất giá của tư bản đã tạo ra sản xuất đó (chủ yếu là sự hao mòn các loại thiết bị đã sử dụng trong sản xuất), sự mất giá này không phải là thu nhập của tác nhân kinh tế nào cả. GDP trừ đi sự mất giá này gọi là tổng sản phẩm quốc nội thuần (NDP), thường thường bằng 90% GDP. Nhưng trong thời đại các công ti đa quốc gia, còn phải tính tới sự tham gia đan chéo giữa các nước, nghĩa là phải cộng thêm (hay trừ đi) những thu nhập nhận được từ (hay gửi ra) nước ngoài. Tóm lại, nếu ta gọi là R thu nhập quốc gia :

R = tổng sản phẩm quốc nội thuần + thu nhập (dương hay âm) nhận được từ nước ngoài

Trong các phần nói trên đã thấp thoáng khái niệm tư bản. Bản chất tư bản là một thứ kho. Trong khuôn khổ công việc của mình, Piketty định nghĩa tư bản là tập hợp các tài sản không phải con người, khả dĩ sở hữu hay trao đổi trên thị trường. Định nghĩa này loại trừ « vốn con người », nghĩa là sức lao động, trình độ tác nghiệp, đào tạo, khả năng cá nhân… vì « vốn con người không thể do người khác sở hữu, không thể trao đổi trên thị trường, ít nhất trên cơ sở thường trực (và trong một xã hội hiện đại) » (tr. 83). Nhưng tư bản bao gồm cả « vốn phi vật thể », thí dụ như các bằng sáng chế, quyền sở hữu trí tuệ. Định nghĩa « tư bản » mà Piketty sử dụng đại để cũng trùng hợp với định nghĩa « chính thức » (trên thực tế) trong các thống kê của Liên Hiệp Quốc, song cũng cần lưu ý là một số trường phái muốn dành chữ « tư bản » để chỉ các hình thái di sản do con người tích lũy (nhà cửa, trang thiết bị…), loại trừ đất đai, tài nguyên thiên nhiên, và những thành phần di sản trực tiếp được sử dụng trong quá trình sản xuất. Để đơn giản hóa sự trình bày, Piketty còn sử dụng « tư bản » và « di sản » như là hai danh từ hoàn toàn đồng nghĩa với nhau, có thể thay thế lẫn nhau. Ở đây, cũng nên ghi nhận là trong di sản quốc gia, có phần di sản và di sản công, nhưng hiện nay, tại các nước phát triển, thành phần di sản công rất nhỏ bé (thậm chí là âm, khi mà nợ công vượt quá tài sản công cộng), thành thử trên thực tế, danh từ tư bản hầu như đồng nghĩa với tư bản tư nhân từ đây trở đi trong bài. Thực ra, như vậy là từ « tư bản » dùng trong bài này hầu như đồng nghĩa với khái niệm « tư bản bất biến » của Marx. Do đó, cũng nên làm rõ vai trò thu nhập của tư bản trong thu nhập quốc gia trong công thức dưới đây :

R = thu nhập của tư bản + thu nhập của lao động

Trong từ vựng mác-xít, thu nhập của tư bản chính là « giá trị thặng dư », ký hiệu là P (đây là một quy ước, không mang màu sắc ý thức hệ). Công thức viết tắt là : R = P + V.

Cuộc tranh luận với báo Financial Times


Như đã nói trong phần mở đầu, các số liệu thống kê, biểu đồ và bảng trong cuốn sách, do tính chất thực nghiệm của chúng, là những gì không thể tranh cãi, và thực ra không thấy ai phản bác một cách nghiêm chỉnh. Trừ một lần, với tờ báo Financial Times, trước đó báo này đã đăng một bài ca ngợi công trình của Piketty. Cuộc bút chiến kéo dài trong một tuần lễ, và kết thúc bằng sự tiu nghỉu của Financial Times. Dưới đây, chúng tôi trích dịch tường thuật của Wikipedia về cuộc luận chiến và bổ sung bằng một vài thông tin (chữ nghiêng) :

Ngày 23.5.2014, nhà báo Chris Giles công bố trên Financial Times trên trang nhất của số báo cuối tuần>] một bài chỉ trích những dữ liệu do Piketty thu thập và phê phán một loạt những sai lầm trong các phích Excel mà tác giả công bố trên trang mạng của mình. Chris Giles thấy rằng thành phần của cải trong tay 10% những người giàu nhất [ở Vương Quốc Anh>] là 44% theo Office for National Statistics trong khi Piketty đưa ra con số 71%. Giles còn nêu ra những sai lầm và nhiều điểm không chính xác khiến người ta phải nghi ngờ hai kết luận cơ bản của cuốn sách : bất bình đẳng về tài sản tăng lên từ 30 năm nay ; bất bình đẳng về tài sản ở Hoa Kỳ lớn hơn ở Châu Âu. Trong những sai lầm mà Giles nêu ra, có những sai lầm về sao lục, chẳng hạn về bất bình đẳng ở Thụy Điển năm 1920 ; những sửa đổi không căn cứ, thí dụ về ước tính các bất bình đẳng về tài sản ở Pháp vào thế kỷ XIX lấy từ sổ sách thừa kế ; những lựa chọn đáng phê phán về phương pháp luận, chẳng hạn như khi Piketty tính trung bình giản đơn những con số ước tính về Anh, Pháp và Thụy Điển mà không quan tâm tới tỉ trọng dân số của mỗi nước ; những nội suy quá đáng, thí dụ về phần tài sản của 10% người Mỹ giầu nhất trong thời kỳ 1910-1950. [Nham hiểm hơn, Giles còn so sánh một cách vô lối Piketty với vụ Reinhart-Rokoff, hai nhà kinh tế học danh tiếng, đã công bố một bài viết về tăng trưởng và nợ công, bài báo làm cho họ bị mất tín nhiệm vì một sai lầm trong bảng Excel do một sinh viên năm thứ nhất phát hiện.] Ngay ngày hôm ấy, Piketty đã trả lời [ông chỉ được FT thông báo trước đó hai ngày] bằng cách nhấn mạnh rằng nếu như các dữ liệu hiện tồn về tài sản không đầy đủ, thì ngược lại, dữ liệu trong sổ sách thừa kế lại đáng tin cậy hơn và phù hợp với kết luận của ông. Ông còn nhấn mạnh là các điều chỉ trích của Financial Times không làm thay đổi các kết luận [vì các chỉ trích chỉ liên quan tới những điểm chi tiết, có lẽ chỉ trừ điểm nói về sự phân kỳ trong thống kê về nước Anh ; thế mà tất cả các thống kê liên quan tới các nước khác đều xác nhận]. Sau đó, Piketty đã công bố một bài trả lời chi tiết hơn [khoảng 10 trang, trả lời từng điểm một] vào ngày 28.5.2014 trên trang mạng internet [và trong phần phụ lục công bố trên mạng cho cuốn sách] trong đó ông chứng minh rằng phần lớn những điểm mà Chris Giles cho là sai lầm đều là có căn cứ, vả lại phần lớn các điểm này chỉ dẫn tới những thay đổi không quan trọng. Còn đề nghị của Chris Giles về diễn biến của các bất bình đẳng về tài sản ở Vương quốc Anh, Piketty cho rằng chính phương pháp mà Giles chọn lựa mới có vấn đề. Thật vậy, Giles dựa vào số liệu điều tra chứ không sử dụng số liệu thuế khóa. Mà số liệu của các cuộc điều tra thường hạ thấp những tài sản lớn [như cuốn sách đã chỉ rõ ; thêm nữa, Giles lại ghép những con số trước năm 1980 của sở thuế với những con số sau 1980 lấy từ các cuộc điều tra, nghĩa là thấp hơn số thực, tất nhiên là bài báo FT đi tới kết luận là gia sản có chiều hướng giảm xuống]. Trên trang blog của mình, Paul Krugman đã bênh vực Piketty và cho rằng cuộc tranh luận như thế là đã kết thúc. Trên mặt báo Washington Post, Matt O'Brien cũng nhận định là Chis Giles có công đọc kỹ những số liệu mà Piketty công bố trên mạng, nhưng đã quá vội vã khi hiểu sai những điều chỉnh mà ông ta coi là sai lầm của Piketty. Trên báo Guardian, nhà kinh tế học Howard Reed chỉ rõ những sai lầm nghiêm trọng của nhà báo Financial Times, và bênh vực những dữ liệu mà Piketty đưa ra [đáng chú ý nhất là tuyệt đại đa số độc giả Financial Times đều cho rằng tờ báo đã trở thành trò cười sau vụ này ; có độc giả còn đòi Chris Giles và tổng biên tập phải từ chức. Cũng nên thêm là FT đã đăng bài trả lời thứ nhất của Piketty nhưng không đăng bài thứ nhì. Dẫu sao thì cú chơi xấu đã xảy ra. Nếu mục đích của là gieo rắc sự nghi ngờ, thì họ đã thành công một phần].

1.1 – Đường biểu diễn thứ nhất của Piketty :


Định nghĩa như vậy rồi, theo Piketty nhận xét (tr. 88), « vẫn rất khó định giá cho tư bản. Tuy nhiên, mức độ tổng thể của di sản quốc gia, ở phạm vi cả nước chứ không nói riêng một tài sản cụ thể nào, vẫn tuân theo một số quy luật và có những sự điều hòa đều đặn nhất định » mà ta có thể làm hiện rõ. Có một cách tự nhiên và bổ ích là nghiên cứu tỉ số β = C/R, trong đó C là tư bản quốc gia, R thu nhập quốc gia, và β được tính theo từng năm thu nhập. Ưu điểm của hệ thống đơn vị này là có thể áp dụng cho mọi nước và mọi thời kỳ. Thí dụ, đối với một nước, β = 6 (hay 600 %) có nghĩa là tổng giá trị tư bản quốc gia của nước ấy ngang với 6 năm thu nhập quốc gia của nó. Con số thí dụ này không phải tình cờ : hiện nay tỉ số β của các nước phát triển ở vào mức từ 5 đến 6. Phát kiến quan trọng đầu tiên (theo trình tự trình bày trong cuốn sách, thì đây là phát kiến thứ nhì) là đường cong biểu diễn tỉ lệ tích lũy tư bản β theo thời gian là một đường hình U. Để dễ nhớ, ta sẽ gọi nó là « đường biểu diễn thứ nhất của Piketty ». Dưới đây là hai biểu đồ, biểu đồ thứ nhất ghi nhận những quan sát thực sự trong khoảng thời gian từ 1870 đến 2010, biểu đồ thứ nhì có thêm phần ngoại suy cho đến năm 2100. « Đầu tiên, ta nhận thấy tình trạng đại thịnh vượng của di sản ở Châu Âu trong khoảng thời gian từ cuối thế kỷ XIX sang « Thời kỳ Đẹp » (trước Thế chiến 1914) : giá trị các di sản tư tương đương với khoảng sáu-bảy năm thu nhập quốc gia, một tỉ số rất cao. Tiếp đó là tụt xuống mạnh trong giai đoạn 1914-1945 (hai cuộc Thế chiến và cuộc Đại khủng hoảng năm 1929) : tỉ suất tư bản / thu nhập tụt xuống mức 2-3 năm thu nhập quốc gia. Từ 1950 tỉ suất này tăng liên tục, tới mức sang đầu thế kỷ này, nó đạt tới những đỉnh điểm được khi nhận vào những năm trước Đại chiến Thế giới lần thứ nhất : tỉ suất tư bản / thu nhập trong giai đoạn 2000-2010 ở vào mức năm-sáu năm thu nhập » (tr. 53-54). Sự ngoại suy cho đến năm 2100 dựa vào những « quy luật động lực học » mà ta sẽ xét tới trong một phần dưới đây. Theo sự ngoại suy này có thể dự đoán (một cách khả tín) là cho đến cuối thế kỷ XXI, tỉ suất β sẽ tiếp tục tăng lên tới mức 700 %, nghĩa là tương tợ như tình hình Châu Âu ở « Thời kỳ Đẹp » (gọi là đẹp cho nó đẹp chứ đó cũng là thời kỳ tư bản man rợ). Tóm lại, như đầu đề của một bài báo ký tên Piketty và Zucman [PZ], tư bản đã trở lại.


bd-1

Biểu đồ I.2. Tỉ suất tư bản / thu nhập ở Châu Âu, 1870-2010


bd-2

Biểu đồ 5.8. Tỉ suất tư bản / thu nhập trên thế giới, 1870-2100


Câu hỏi tự nhiên được đặt ra : tư bản sẽ tập trung như vậy tới mức nào ? Tỉ số β sẽ nhất thiết bị chặn lại không ? và nếu thế, có thể ước tính giới hạn trên của nó là bao nhiêu ? Không thể thảo luận một cách nghiêm chỉnh về hàm số β này, về ý nghĩa sâu xa của đường chữ U nếu ta gạt qua một bên giá trị thặng dư P, dưới dạng nào chăng nữa. Ngoài β = C/R, các tham số kinh tế vĩ mô sau đây cũng thường được nêu ra :

  • Phần thu nhập của tư bản trong thu nhập quốc gia, tức là tỉ số α = P/R = P/(P+V)

  • Tỉ suất lợi tức của tư bản, r = P/C. Chú ý : r khác với tỉ số lợi nhuận được định nghĩa theo quan điểm mác-xít bằng công thức ρ = P/(C+V), trong đó V là « tư bản khả biến », tức là giá trị của sức lao động đã được huy động trong quá trình sản xuất, từ đó tạo ra « giá trị thặng dư » trong quan niệm của Marx.

  • Tỉ suất tăng trưởng g = (∆R/∆t)/R, trong đó ∆R là lượng biến thiên của thu nhập R trong khoảng thời gian ∆t (theo tập tục kế toán, người ta thường lấy ∆t=1, thời gian tính theo năm)

  • Tỉ suất tiết kiệm s = (∆C/∆t)/R, trong đó ∆C là lượng biến thiên của tư bản C trong khoảng thời gian ∆t (theo tập quán kế toán nói trên).

Cần nhắc lại là các tham số này (đều là hàm số của thời gian) được định nghĩa theo những tiêu chuẩn kế toán, hoàn toàn không dựa vào những giả định có tính chất ý thức hệ. Tác động hỗ tương giữa chúng với nhau sẽ cho phép ta chẩn đoán sự biến chuyển của tỉ suất tư bản / thu nhập, theo hai « quy luật » mà Piketty gọi là « hai quy luật cơ bản của chủ nghĩa tư bản » (một cách gọi hơi cường điệu, hay là diễu cợt ?). Ta hãy xem xét hai kịch bản có thể, nhưng chỉ nêu lên những khía cạnh định tính – các chi tiết kĩ thuật và chứng minh toán học xin để ở phần phụ lục. Để nhớ rằng đó là những hàm số theo thời gian (t), chúng ta sẽ dùng ký hiệu β(t), α(t) vv… Khi nào những hàm số này là hằng số (không thay đổi theo thời gian), ta mới bỏ bớt ký hiệu t.

Nếu tỉ suất β(t) bị chặn trên – nói theo ngôn ngữ của thị trường chứng khoán « cỏ cây không mọc lên tận trời cao » – ta hãy chú tâm tới phần đường cong Piketty « đi lên » (kể từ năm 1950) tức là đoạn thời gian trong đó hàm số β(t) đồng biến theo thời gian (phần hàm số nghịch biến có thể được xử lý một cách đối xứng). Từ những định nghĩa nói trên, chỉ cần giả định là hàm β(t) đồng biến theo thời gian, ta có thể chứng minh bằng toán học (xem khung ở cuối bài) là hai điều kiện sau đây được thỏa mãn và tương đương với nhau : tư bản tăng nhanh hơn thu nhập quốc gia và bất đẳng thức s(t)/g(t) ≥ β(t) được nghiệm đúng với mọi giá trị của t (bất đẳng thức giữa hai hàm số). Giả thiết hàm số β(t) là đồng biến và bị chặn trên kéo theo hệ quả là đường cong Piketty có thể có những « bậc thang » hoặc những « điểm uốn » (« bậc thang » khoảnh khắc) ở những thời điểm τ sao cho β(τ) = s(τ) / g(τ), nhưng β(t) không thể giảm xuống như trước đó, nó phải tiệm tiến tới sát gần một giá trị « trần », là một đường thẳng ngang, tung độ cố định. Nói cách khác, khi t tiến đến vô cực, hàm số β(t) tiệm tiến tới một giá trị giới hạn β, cũng là giới hạn của hàm số s(t)/g(t). Đẳng thức tiệm cận đó, Piketty viết dưới dạng β = s/g và đặt tên nó là « quy luật cơ bản thứ nhì của chủ nghĩa tư bản » ở chương 5. Tuy một mặt Piketty nhấn mạnh đẳng thức đó chỉ có giá trị về dài hạn (và cũng phải có thêm một số điều kiện nữa, xem tr. 265 và tiếp theo), ông vẫn sử dụng nó như một « quy luật động lực học » để nghiên cứu sự tích lũy tư bản. Như những người phê phán Piketty đã không quên nhấn mạnh (xem [H] chẳng hạn), đứng về mặt phương pháp luận và khái niệm thì việc này không ổn : đứng vào một giai đoạn β(t) ổn định mà nghiên cứu sự biến thiên của β(t) trong thời gian thì chẳng có mấy ý nghĩa ; xin xem thêm khung kỹ thuật để biết thêm về biểu hiện « động lực học » của β(t). Trừ phi, rất có thể là tác giả đặt mình vào tình huống « bậc thang », trong đó các hàm β(t) và s(t)/g(t) ổn định trong những thời kỳ dài và công thức tiệm cận (vẫn còn giá trị cho từng bậc thang) cho phép ta so sánh các thời kỳ đó với nhau (song tác giả không nói thật rõ, mà chỉ thoáng qua một câu, như ở trang 367 : « Trái nghịch với một ý tưởng cho đến gần đây khá phổ biến, quy luật β = s/g không mâu thuẫn với những biến thiên rất lớn của tí suất tư bản / thu nhập theo thời gian và từ nước này sang nước kia »). Tiến hành như thế, đẳng thức tiệm cận β = s/g « thể hiện một thực tế hiển nhiên mà quan trọng : một nước tiết kiệm nhiều mà tăng trưởng chậm (tức là s lớn, g nhỏ) về dài hạn sẽ tích lũy một kho tư bản khổng lồ -- và việc này dẫn tới những hậu quả lớn về cấu trúc xã hội và sự phân bố của cải. Có thể nói cách khác : trong một xã hội gần như trì trệ, thì những di sản phát xuất từ quá khứ sẽ đóng một vai trò quan trọng quá mức. Việc tỉ suất tư bản / thu nhập, sang thế kỉ XXI, trở lại mức cấu trúc cao gần như thời thế kỷ XVIII và XIX đương nhiên có thể lí giải là sự tái hiện tình trạng tăng trưởng thấp. Chính sự giảm tăng trưởng – trong đó có giảm tăng trưởng về dân số đã dẫn tới « sự trở lại của tư bản» » (tr. 263).


1.2 – Tích lũy vô hạn hay hữu hạn ?


Nếu tỉ suất β(t) không có hạn trên, hay, nói theo ngôn ngữ mác-xít, nếu « tư bản tích lũy vô hạn định » (ca tăng trưởng theo bậc thang mà Piketty đã xem xét, có hay không có hạn trên, đều nằm trong hình thái này), thì phải nói, mặc dầu đây không phải là chủ đề của bài viết này, là không thể không thảo luận về dự báo của Marx « tỉ suất lợi tức có xu hướng giảm ». Không ai phủ nhận tài bút chiến và tầm nhìn của Marx, nhưng suy luận của ông không phải lúc nào cũng sáng sủa. Xin được phép tóm tắt dự báo ấy như thế này : tỉ suất lợi nhuận là phân số

ρ = P/(V+C) = (P/V)/(1+(C/V)) = ε / (1+ω)

trong đó ω = C/V là « cấu thành hữu cơ của tư bản », còn ε = P/V là « tỉ suất giá trị thặng dư » mà ít nhiều Marx bỏ qua sự bất ổn định có thể ; hễ ω tăng là ρ giảm ; sự giảm thiểu này được gọi là « xu thế » vì nó không diễn ra một cách máy móc và đều đặn, vì có những xu thế nghịch (tăng tỉ suất bóc lột, giảm giá trị của tư bản bất biến, thay đổi trong cấu thành hữu cơ của tư bản…) – Marx không phủ nhận những xu thế này, nhưng ông cho rẳng tác động của chúng yếu so với xu thế mạnh của ω. Vì vậy Marx tiên đoán là hệ thống này, rốt cuộc, sẽ bị hủy diệt bởi mâu thuẫn nội tại : « Hoặc là các nhà tư bản sẽ xâu xé lẫn nhau vì họ đấu tranh một cách tuyệt vọng chống lại tỉ suất lợi tức có xu hướng giảm  (thí dụ như các cuộc giao tranh giữa các đế quốc) ; hoặc là họ áp đặt, làm giảm được phần của lao động trong thu nhập quốc gia, và điểu này cuối cũng sẽ dẫn tới cách mạng vô sản và sự truất hữu phổ quát » (tr. 362). Ta có thể suy luận y hệt như vậy mà dùng các tham số α, β và r đã được nghiên cứu trong cuốn sách. Ba hàm số (của thời gian) ấy không độc lập với nhau mà liên thuộc nhau bằng công thức α = r.β mà Piketty gọi là « quy luật cơ bản thứ nhất của chủ nghĩa tư bản » (chẳng qua đây chỉ là một đẳng thức kế toán suy ra từ các định nghĩa). Từ đẳng thức này, ta có thể viết tỉ suất lợi tức dưới dạng r = α/β. Biết rằng α nhỏ hơn 1, ta có thể kết luận như Marx rằng nếu β tăng trưởng vô hạn thì r sẽ giảm dần xuống zero. Còn có thể nhận xét thêm : vì r = P/C = ε/ω nên việc tỉ suất r giảm dần xuống 0 tương đương với việc tỉ suất ρ giảm dần xuống 0. Thế nhưng các dữ liệu của kho WTID (cặn kẽ và đầy đủ hơn nhiều so với những nghiên cứu trước đây về thế kỷ XIX và XX, như của Kaldor) không cho thấy xu thế suy giảm dài hạn nào cả. Ngược lại, ít nhất tại những nước còn giữ được nhiều số liệu lịch sử đáng tin cậy, thì người ta có thể thấy rõ tình trạng tính hầu như ổn định của tỉ suất lợi tức bình quân và lợi tức thuần (tức là trong tư bản đã trừ đi mọi chi phí về quản lý danh mục chứng khoán, chính thức hay không chính thức) trong toàn bộ những giai đoạn dài hai ba thế kỷ. Hai biểu đồ dưới đây liên quan tới Anh và Pháp cho thấy tỉ suất (trước khi nộp thuế) luôn luôn ở trên mức 4-5 % cho đến phần ba cuối cùng của thế kỷ XX, và từ đó đến nay, vẫn xấp xỉ ở mức đó. Piketty còn đưa ra nhận xét hóm hỉnh là trong xã hội tiền công nghiệp của thế kỷ XIX (chính xác là trước khi đường sắt phát triển, khoảng 1840), lợi tức của tư bản đầu tư vào đất đai, nợ công và thương mại ổn định tới mức trong các tiểu thuyết của Jane Austen (Price and Prejudice, 1813) hay của Balzac (Le Père Goriot, 1835), người ta chỉ cần đong đếm gia tài của mỗi nhân vật bằng tiền tô hàng năm, « sự tương đương giữa tư bản và tô, với tỉ suất lợi tức 5% (hiếm lắm mới xuống 4%), là một điều tuyệt đối hiển nhiên » (tr. 327). Trở lại câu chuyện suy giảm xu thế của tỉ suất lợi tức, làm sao hóa giải được mâu thuẫn giữa số liệu thống kê và tiên đoán mác-xít (cũng phải nói ngay là không phải tất cả những người mác-xít đều chấp nhận, xem [J] chẳng hạn) ?


bd-3

Biểu đồ 6.3  Lợi tức thuần của tư bản ở Anh, 1770-2010.


bd-4

Biểu đồ 6.4  Lợi tức thuần của tư bản ở Pháp, 1820-2010.

CHÚ THÍCH : Trên trục tung độ (thẳng đứng) có nói tới « rendement du travail » (năng suất
lao động), nhưng thực ra các đường biểu diễn chỉ liên quan tới lợi tức của tư bản thôi.


Sách vở về kinh tế đương đại bàn về các nhân tố tăng trưởng dài hạn đã quá dồi dào, một người không phải chuyên gia cũng chẳng nên thêm mắm thêm muối. Nhưng cũng phải nói là cách suy luận trình bày ở trên, về cơ bản không sai, nhưng rõ ràng là không đủ, vì nó không tính tới sự liên thuộc thể hiện trong đẳng thức α = r.β, nhờ đó mới có những tình huống β tăng mà α cũng tăng (tr. 350), hoặc là β tăng trong khi mà cả r lẫn α đều giảm (tr. 341) ; trong tình huống vừa nói, khi đẩy tới giới hạn thì công thức α = r.β sẽ cho một dạng thức bất định 0/0, loại bỏ được bất định hay không là tùy vận tốc biến thiên tương đối của ba tham số. Mặt khác, trong một giai đoạn mà r bị chặn trên (như trong các biểu đồ), công thức α = r.β cho thấy không thể có sự tích lũy vô hạn của tư bản ; nói chính xác hơn, β có thể tăng, sau đó ổn định trong một thời gian, rồi lại tiếp tục tăng : đó là tình huống có những bậc thang (đã nói ở trên) β nhảy từ bậc này lên bậc kia ngày càng khó khăn vì có « lực kéo lại » do r giảm xuống, cứ như thế cho đến đường tiệm cận tột cùng. Đứng về mặt thuần túy toán học, mặc dầu không thiếu những mô hình quá giản đơn xây dựng trên tiên đề ổn định dài hạn của sự phân chia tư bản – lao động (thí dụ như hàm số sản xuất của Cobb-Douglas), hiện nay chúng ta chưa biết gì mấy về cấu thành hữu cơ của tư bản cũng như về tỉ suất thặng dư giá trị, hay về tư bản khả biến V, thứ « hổ lốn » chắc phải chứa đựng trăm thứ bà rằn : đầu tư về vốn con người, giáo dục, đào tạo. Về điểm cụ thể này, Marx không biết gì hơn vào thời ông : « Cũng như các tác gia Malthus và Ricardo trước ông, Marx hoàn toàn bỏ qua khả năng có tiến bộ kĩ thuật kéo dài, và năng suất tăng trưởng liên tục, [đó là một « lực kéo lại »] nhờ đó có thể cân bằng – trong một chừng mực nhất định – quá trình tích lũy và tập trung ngày càng cao của tư bản tư nhân (…) Trong đầu óc của Marx, cũng như của tất cả các nhà kinh tế học thế kỷ XIX, đàu thế kỷ XX, và nói chung cho đến khi có các công trình của Solow (vào những năm 1950-60), bản thân khái niệm tăng trưởng liên tục và có tính cấu trúc, do tăng trưởng năng suất thường trực và dài lâu, chưa được xác định và nhận chân rõ ràng » (tr. 28 và 328). Thêm nữa, cho dù Marx cũng cố gắng huy động tối đa bộ máy thống kê còn thô sơ của thời ấy (báo cáo nghị viện những năm 1820-1840 để lấy tư liệu về sự khổ cực của giai cấp vô sản, thống kê về thuế « phân loại » (impots cédulaires) đánh vào tiền lời để chứng minh là lợi nhuận công nghiệp đã tăng vọt lên trong những năm 1840-50, thống kê về thừa kế để vạch ra sự tăng tiến mạnh mẽ của những gia tài lớn nhất từ thời các cuộc chiến tranh của Napoléon…), Marx « thường chỉ tiếp cận một cách lặt vặt, thiếu hệ thống (...) khiến cho ông đã ngoại suy thành xu thế dài hạn và có giá trị phổ quát những diễn biến mà ông quan sát được trong những khoảng thời gian ngắn và trong những thời đoạn đặc biệt » (tr. 363). Dẫu sao đi nữa thì « nguyên lý tích lũy vô hạn » mà Marx bảo vệ hàm chứa một trực giác cơ bản để phân tích tình thế kỷ XXI cũng như thế kỷ XIX, còn đáng ngại hơn cả nguyên lý về sự khan hiếm mà Ricardo thiết tha kiên trì. Một khi mà cả tỉ suất tăng trưởng dân số cũng như tỉ suất tăng trưởng năng suất tương đối đều thấp, thì những tài sản tích lũy trong quá khứ trở thành quan trọng quá mức và mang lại sự bất ổn định trong các xã hội liên quan. Nói cách khác, một sự tăng trưởng yếu kém rất khó làm cân bằng nguyên lý mác-xít về sự tích lũy vô hạn : từ đó dẫn tới một sự cân bằng không đến nỗi tai họa như Marx tiên đoán, nhưng cũng đủ để gây rối ren. Tích lũy khựng lại ở một điểm hữu hạn, những điểm ấy có thể rất cao và gây ra bất ổn định » (tr.29)


1.3 – « Phân kỳ Piketty » :


Thế là đặt ra bài toán các mối quan hệ giữa tỉ suất lợi tức r và tỉ suất tăng trưởng g, vấn đề mà các nhà kinh tế học rất quan tâm, bằng chứng điển hình là « quy tắc vàng về tích lũy tư bản » của Edmund Phelps (chúng tôi sẽ trở lại chuyện này). Hay hơn cả là biểu thị hai tỉ suất ấy một cách tương đồng về mặt « phạm trù » (hiểu theo nghĩa triết học), tức là r = ε/ω (hay hơn nữa, ρ = ε / 1+ω, xem ở trên) và g = tỉ suất biến thiên của V + tỉ suất biến thiên của (1+ε). Sự hình thức hóa bằng toán học phải ngừng ở đây vì ta không biết gì về vận tốc biến thiên của các hệ số -- cái không biết này chính là tử huyệt của những mô hình lí thuyết quy giản hay « đèn cù » (tautologic) chẳng hạn như « mô hình chuẩn về chân trời vô cực » tự nhận có khả năng định ra một giá trị cân bằng cho r tùy theo g, « tỉ suất ưa thích hiện tại » và tùy theo tính lõm của một « hàm số lợi ích » ! (tr. 571). Độc đáo của Piketty ở chỗ là, một cách hệ thống, ông quay trở về các dữ liệu thực nghiệm : tập hợp một số lớn những chuỗi thống kê từ thế kỷ XVIII cho thấy tỉ suất tăng trưởng toàn cầu vẫn luôn luôn ở mức 1,5 %/năm, ngoại trừ thời kỳ ta gọi là « Ba mươi năm vinh quang », nó lên tới mức 4,5 %.


Bảng 2.2. Luật tăng trưởng chồng chất

Nếu tỉ suất tăng trưởng mỗi năm là…

…thì tỉ suất tăng trương mỗi thế hệ (30 năm) sẽ là…

…tức là, cứ mỗi 30 năm, sẽ nhân lên với hệ số…

…tức là, cứ mỗi 100 năm, sẽ nhân lên với hệ số…

…tức là, cứ mỗi nghìn năm, sẽ nhân lên với hệ số…

0,1%

3%

1,03

1,11

2,72

0,2%

6%

1,06

1,22

7,37

0,5%

16%

1,16

1,65

147

1,0%

35%

1,35

2,70

20 959

1,5%

56%

1,56

4,43

2 924 437

2,0%

81%

1,81

7,24

398 264 652

2,5%

110%

2,10

11,8

52 949 930 179

3,5%

181%

2,81

31,2

5,0%

332%

4,32

131,5

Đọc : Tỉ suất tăng trưởng 1% một năm có nghĩa là tăng trưởng 35% mỗi thế hệ (30 năm) ; nhân lên với hệ số 2,7 mỗi trăm năm, với hệ số hơn 20 000 mỗi nghìn năm.


Trong các cuộc tranh luận hiện nay, dường như người ta coi thường những tỉ suất tăng trưởng dưới 1%. Trên mặt báo này, chúng tôi đã có dịp nhắc lại là tỉ suất tăng trưởng mô tả một quá trình tiến triển lũy thừa chứ không phải tuyến tính, mà bảng trên đây cho ta những con số kết quả « chóng mặt » : với tỉ suất tăng trưởng toàn cầu 4-5% mỗi năm (đó là tỉ suất trong « Ba mươi năm Vinh quang »), cứ thế liên tiếp mãi, thì không thể có một nền kinh tế lâu bền nào. Bài học lớn nhất có thể rút ra từ các chuỗi thống kê không nằm trong giá trị tuyệt đối của các tỉ suất r và g, mà ở trong sự đối sánh r > g mà, để thuận miệng, ta sẽ gọi là sự « phân kỳ Piketty » (song cũng phải nhấn mạnh đây là mối quan hệ có tính chất thực nghiệm) mà các biểu đồ dưới đây cho thấy rõ :


bd-5

Biểu đồ 10.9 : Lợi tức của tư bản và tỉ suất tăng trưởng trên phạm vi thế giới
từ Cổ đại đến năm 2100.

Cách đọc : tỉ suất sinh lời của tư bản (chưa tính thuế) bao giờ cũng cao hơn tỉ suất
tăng trưởng toàn cầu ; trong thế kỷ 20, khoảng cách giữa hai tỉ suất đã giảm đi,
sang thế kỷ 21 có cơ tăng trở lại. NGUỒN : piketty.pse.ens.fr/fr/capital21c


bd-6

Biểu đồ 10.10 : Lợi tức của tư bản (sau khi nộp thuế) và tỉ suất tăng trưởng toàn cầu
từ thời Cổ Đại đến năm 2100.

Cách đọc : tỉ suất lợi tức của tư bản (sau khi trừ tiền thuế và mất mát vốn), trong thế kỷ 20
đã xuống dưới mức tỉ suất tăng trưởng, nhưng sang thế kỷ 21, có thể sẽ vượt lên trên trở lại.

CHÚ Ý : Các tỉ suất từ năm 1700 trở về trước là những con số ngoại suy bằng luật lũy thừa dựa trên địa tô và ước tính dân số. Độ chính xác như vậy rất thấp, nhưng quan trọng là mức đại lượng và xu hướng diễn tiến chung. Trên biểu đồ thứ nhì, để ý sự song song hiển nhiên giữa hai đường biểu diễn trong đoạn 1913-1950 – có lẽ điều này phản ánh kết quả những chính sách công và các định chế được đặt ra ở nhiều nước để điều chỉnh quan hệ tư bản / lao động (mặc dù đây là những con số bình quân cho cả thế giới ; về vấn đề này, xin xem « lý thuyết điều tiết »).


Dựa trên những dữ liệu thực nghiệm, trong khuôn khổ những định nghĩa chính xác, đứng ngoài mọi toan tính lí thuyết hay ý thức hệ, bất đẳng thức r > g có thể được coi như là một « hiện thực lịch sử không thể tranh cãi », cho dù đó không nhất thiết là một nhân tố thuần túy kinh tế học, mà còn tùy thuộc cả vào những chính sách đã được thi hành, đặc biệt về mặt thuế má : « Trong chủ yếu lịch sử loài người, có một sự kiện lớn là : tỉ suất lợi tức của tư bản luôn luôn cao ít nhất mười – hai mươi lần tỉ suất tăng trưởng của sản xuất và của thu nhập » (tr. 561). Đúng là có một giai đoạn biệt lệ, đại để bắt đầu với Thế chiến lần thứ nhất và kéo dài tới cuối thời kỳ « Ba mươi năm vinh quang » (đầu những năm 1970). Trong giai đoạn đặc biệt này, khoảng cách giữa tỉ suất tăng trưởng và lợi tức thô đã thu hẹp lại, thậm chí bất đẳng thức (với r thuần) đã đảo ngược (xem biểu đồ), nhưng trong kịch bản trung tâm mà Piketty lưu giữ, nghĩa là trong bối cảnh hiện nay (chính sách liberal, tranh đua giảm thuế má, với tỉ suất tăng trưởng bình quân ở mức 1,5%) thì khoảng cách giữa r và g vào đầu thế kỷ XXI có cơ trở lại mức thế kỷ XIX. Đương nhiên người ta có thể hỏi : ngoài thời kỳ lâu dài mà Piketty quan sát, không biết (r – g) biến thiên ra sao ? Bài toán này chưa có giải đáp về mặt lý thuyết, nhưng với những giải thiết đơn giản, người ta có thể đi tới « quy tắc vàng » mà Phelps đã phát biểu vào năm 1961, r = g, hao hao như « chiến lược bão hòa », nghĩa là tích lũy tư bản để giảm bớt tỉ suất lợi tức (xem 1.2) cho tới giới hạn dưới g. Công thức tiệm cận β = s/g dẫn tới hệ quả là : r = g nếu, và chỉ nếu s = α, điều này cụ thể có nghĩa là tổng số các thu nhập của tư bản trong một năm phải tiết kiệm và cho vào kho tư bản. Để « bão hòa » tư bản, có phải trữ kho khoảng 10-15 năm thu nhập quốc gia hay hơn nữa (đây chỉ là một ước tính thực nghiệm), thành thử « quy tắc vàng » trở thành phi hiện thực, cho dù lôgic của nó tương thích với lôgic của các phần 1.1 và 1.2.

Piketty trình bày sự phân kỳ (r – g) như là tác nhân trung tâm trong sơ đồ ông sử dụng để giải thích động lực của các bất bình đẳng. Trước đây đã thấy rõ (xem 1.1) rằng sự tích lũy tư bản, nghĩa là tăng tỉ số β khiến cho vốn tư tăng nhanh hơn thu nhập quốc gia. Còn bất đẳng thức r > g có nghĩa là các di sản tích tụ từ quá khứ tái tư bản hóa nhanh hơn sự tăng trưởng kinh tế, ngay cả trong trường hợp hoàn toàn vắng bóng thu nhập của lao động (ở trên đã ký hiệu là V). Cụ thể, giả dụ g = 1% và r = 5%, « chỉ cần tiết kiệm một phần năm thu nhập của tư bản – và tiêu thụ bốn phần năm còn lại – là khối lượng tư bản do thế hệ trước để lại có thể tăng tiến cùng nhịp độ với toàn bộ nền kinh tế. Nếu người ta tiết kiệm nhiều hơn (…), thì di sản sẽ tăng trưởng nhanh hơn mức trung bình của nền kinh tế, và các bất bình đẳng về di sản sẽ có xu hướng tăng lên, mà không cần tới tác động của thu nhập lao động. Cho nên, chỉ đứng về mặt lôgic mà xét, ta thấy đó là những điều kiện lý tưởng để một xã hội « con ông cháu cha » phát đạt, đặc điểm của xã hội này là tập trung di sản cao độ, và khối lượng di sản to lớn ấy trường tồn trong thời gian, kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác » (tr. 558). Nên lưu ý là bất đẳng thức r > g chẳng liên quan gì tới sự không hoàn hảo của thị trường (hiểu theo nghĩa kinh tế học), cho dù thị trường có tự do hơn, nhiều cạnh tranh hơn, cũng chẳng giải quyết được gì.

Tóm lại : Xem xét các chuỗi thống kê tương ứng với những thời gian dài, ta thấy nổi lên hai hiện tượng có thể được gọi là những dữ liệu thực nghiệm của sự tích lũy tư bản. Hai hiện tượng này coi như kéo theo xu thế gia tăng của sự tập trung của cải :

  • đường chữ U của Piketty cho thấy, sau cuộc suy thoái mà các cuộc chiến tranh và cuộc khủng hoảng kinh tế đã khoét sâu, thì « tư bản đã trở về » những mức độ tích lũy to tát, có thể so với Thời kỳ Đẹp
  • sự phân kỳ của Piketty là một hiện thực lịch sử chỉ bị đảo ngược trong những thời đoạn đặc biệt trong đó khoảng cách (r – g) rút ngắn lại vì những nguyên nhân tình thế (tái thiết sau chiến tranh trong trường hợp các nước phát triển, còn ở các nước đang trỗi dậy thì là thời đoạn cất cánh và bắt kịp nước khác)

Nghiên cứu chuỗi như trên mang lại cho ta nhiều điều bổ ích để hiểu động lực của sự tích lũy tư bản, nhưng không mấy bổ ích về động lực của những sự bất bình đẳng, mà dưới đây chúng ta sẽ phải phân tích sâu hơn.


2 – Sự tập trung tư bản và thu nhập


Đứng về mặt cấu trúc, thì trong xã hội nào cũng vậy, sự bất bình đẳng về thu nhập có thể là tổng số của ba số hạng : bất bình đẳng về sở hữu tư bản và về thu nhập do tư bản mang lại ; bất bình đẳng trong thu nhập lao động ; và thứ ba là sự xâm nhập đan chéo giữa hai chiều kích nói trên, một trong những nhân tố của sự tương quan (theo nghĩa thống kê) này là hệ số β = C/R.


2.1 – Tập trung di sản : đối sánh Châu Âu và Mỹ


Sự « trở lại » của tích lũy tư bản đã rõ rồi, tự nhiên là ta hãy xem xét sự tập trung của tư bản. Nhìn chung, theo nhận xét của Piketty, « trong tất cả các xã hội được biết, ở thời đại nào cũng vậy, nếu ta chia dân số ra làm hai, nửa trên có nhiều tài sản hơn nửa dưới, thì tổng cộng tài sản của nửa dưới là không đáng kể (thường chỉ bằng 5 % tổng số tài sản), và nếu cộng tài sản của một phần mười những người giàu nhất, ta sẽ có hơn một nửa tổng số tài sản trong xã hội (thường là trên 60%, có nơi có thời lên tới 90%), và dân số còn lại (40%), tài sản của họ chiếm vài khoảng từ 5% đến 35% tài sản tổng cộng » (tr. 536). Biểu đồ 10.6 dưới đây cho thấy rõ điều đó. Xem xét kỹ hơn, ta còn rút ra thêm nhiều điều nữa :

- sau những đỉnh điểm quá quắt của « Thời đại Đẹp » (từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1914), những năm xáo trộn 1914-1950 đã làm sụt xuống tỉ suất gia sản của phần mười và phần trăm giàu nhất, nhưng từ giữa thập niên 1970 trở đi, tỉ suất này lại tăng lên, ở các nước Anh-Mỹ nhiều hơn ở các nước Châu Âu.


bd-7

Biểu đồ 10.6 : Bất bình đẳng về di sản ở Châu Âu và Hoa Kỹ 1810-2010
Cho đến giữa thế kỷ 20, bất bình đẳng về di sản ở Châu Âu lớn hơn ở Hoa Kỳ
NGUỒN : piketty.pse.ens/capital21c


- trái ngược với những định kiến phổ biến, sự bất bình đẳng về tài sản ở Hoa Kỳ không lớn bằng ở Châu Âu cho đến thập niên 1960 ; từ sau thập niên 1960 trở đi, bất bình đẳng ở Hoa Kỳ lớn hơn ở Châu Âu. Trên biểu đồ, đường Châu Âu và đường Hoa Kỳ chạy ở hai mức khác nhau, nhưng « song song » với nhau, đến thập niên 1960 thì giao nhau và đảo lộn trên dưới. Giải thích lịch sử : « Ở Châu Âu, xã hội đã hoàn toàn biến đổi trong thế kỷ XX : những chênh lệch giàu nghèo, cho đến chiều hôm trước Thế chiến lần thứ nhất vẫn to lớn như dưới Chế độ Quân chủ, đã giảm hẳn xuống một mức thấp chưa từng thấy, đến độ khoảng một nửa dân số đã có được một gia tài tối thiểu [xuất hiện một giai cấp trung lưu về gia sản], lần đầu tiên, tổng cộng chiếm một phần không nhỏ trong tư bản quốc gia [khoảng một phần ba]. Điều này giải thích một phần tại sao Châu Âu trong Ba mươi năm Vinh Quang đã sống trong một bầu không khí phấn khích lạc quan (người ta có cảm tưởng đã vượt qua chủ nghĩa tư bản, bất bình đẳng và xã hội giai cấp đang bị đẩy lùi vào quá khứ), cho nên rất khó mà chấp nhận sự thật là từ những năm 1980 trở đi, con đường thẳng tiến lên tiến bộ xã hội đã bị khựng lại (…) Ở Hoa Kỳ, nhận thức khác hẳn. Trong một phạm vi nhất định, ngay từ đầu thế ký XIX đã tồn tại một giai cấp trung lưu (da trắng). Thành phần này đã bị khốn đốn trong những năm Gilded Age [thời kỳ thành hình những đại gia công nghiệp và tài chính], tươi tỉnh trở lại vào giữ thế kỷ XX, rồi lại khốn đốn trong những năm 1970-1980 (…). Ở Hoa Kỳ, thế kỷ XX không đồng nghĩa với bước nhảy vọt về công bằng xã hội. Bất bình đẳng về tài sản ở Mỹ đầu thế kỷ XX thậm chí còn lớn hơn hồi đầu thế kỷ XIX » (tr. 557).

- với xu thế đang đi lên, liệu hai đường biểu diễn sẽ bắt kịp những kỷ lục của đầu thế kỷ XX hay chăng ? Hiện nay, đầu thập niên 2010, gia tài của phần mười giàu nhất chiếm khoảng 60% gia tài quốc gia. Hơn nữa (hay : tệ hơn nữa), phần trăm giàu nhất (nghĩa là 45 triệu người lớn trong số 4,5 tỉ người lớn) chiếm hữu 50% tài sản thế giới, nói cách khác, mỗi người trong nhóm 45 triệu này, nắm giữ một gia sản gấp 50 lần gia tài trung bình. Trong khi đó « nửa nghèo nhất trong dân chúng hầu như chẳng có của nả gì trong tay : 50% dân chúng ít của cải nhất, tổng cộng gia sản của họ chưa tới 10%, thậm chí chưa tới 5% gia sản tổng cộng (…). Tại Hoa Kỳ, cuộc điều tra mới nhất do Federal Reserve tổ chức cho biết phần mười giàu nhất trong dân số Mỹ sở hữu 72% của cải tổng cộng, còn nửa dân số nghèo chỉ sở hữu vỏn vẹn 2%. Có cần nói thêm rằng nguồn thông tin này, cũng như phần lớn các cuộc điều tra dựa trên bản khai, thường đánh giá thấp các tài sản đại gia » (tr. 404).

Cũng xin thêm một câu thôi, về những gia tài cao ngất này : chúng cao đến mức không thấy chúng chót vót tận đâu. Các nguồn thông tin duy nhất là : một là những bảng xếp hạng như của tạp chí Forbes, hai là các « báo cáo toàn cầu về của cải » (Global Wealth Reports) do một số cơ quan tài chính quốc tế (ngân hàng, công ti bảo hiểm…) công bố. Đó là những nguồn tin và ước tính không mấy chính xác, nhưng ít nhất là chúng tồn tại, và cho ta một ý niệm về đại lượng. Để bổ sung các dữ liệu của biểu đồ 10.6, với tất cả sự thận trọng cần thiết, ta có thể nói rằng « 0,1% những người giàu nhất trên hành tinh này, tức là khoảng 4,5 triệu người (trên 18 tuổi) trong số 4,5 tỉ người trưởng thành trên thế giới, coi như có trong tay một tài sản bình quân mỗi người 10 triệu Euro, tức là gấp gần 200 lần tài sản bình quân trên thế giới, nghĩa là 4,5 triệu người này sở hữu 20% tài sản thế giới » (tr. 698).

Tóm tắt : Nói cách nào chăng nữa để mô tả mức độ tập trung của tư bản : 1% số dân thế giới sở hữu 50% tài sản toàn cầu, hay Tài sản của 1% giàu nhất tổng cộng lên tới 110 tỉ tỉ (trillion) đô-la, tức là 65% tài sản của nửa giàu nhất trong loài người, hay Nửa nghèo nhất của nhân loại, của nả của họ cộng lại mới bằng tài sản của 85 người giàu nhất thế gian, thì phản ứng duy nhất chỉ có thể là : kinh ngạc. Của đáng tội, đối với một nửa tay trắng của nhân loại, « khái niệm tài sản và tư bản là một khái niệm tương đối trừu tượng. (Đối với họ), gia sản vỏn vẹn là vài tuần lương ứng trước – hay chậm trả -- trên cuốn sổ séc trong tài khoản ngân hàng, hay sổ tiết kiệm A xơ xác, cái xe hơi hay mấy cái bàn ghế trong nhà. Cái hiện thực sâu xa ấy – tài sản tập trung cao độ, tới mức mà đại bộ phận xã hội không biết ngay tới sự tồn tại của nó, đôi khi còn mường tượng rằng đó là của những thực thể huyền thoại hay những của những nhân vật hư ảo – càng cho thấy sự cần thiết phải nghiên cứu tường tận tư bản và sự phân bố của nó » (tr. 407)


2.2 – Bất bình đẳng trong thu nhập :


Trong các lực phân kỳ, ta đã thấy có bất đẳng thức r > g, thể hiện động lực của sự tích lũy tư bản. Nó đòi hỏi phải nghiên cứu sự bất bình đẳng không những về tài sản, mà cả về thu nhập. Kể từ thập niên 1980 và cuộc « cách mạng bảo thủ » của Reagan & Thatcher, hầu như cuộc tranh luận nào về bất bình đẳng cũng xoáy quanh (để tán thành hay phản đối) lập luận « trickle down » (chảy ròng từ trên xuống dưới), một cách diễn giải Lý thuyết về Công lý của John Rawls (1971) : bất bình đẳng tăng lên thực ra không có gì đáng chê trách nếu như sự tập trung của cải rốt cuộc tạo ra được một động lực có lợi cho toàn bộ xã hội thông qua việc tạo ra những doanh nghiệp mới, công nghiệp mới, của cải mới. Người ta minh họa bằng hình ảnh của cải như dòng suối chảy từ đỉnh tháp xuống chân tháp. Ở các nước Anh-Mỹ, người ta ưa dùng một hình ảnh « nước đẩy thuyền lên » rất ư là Nguyễn Trãi : « Tăng trưởng là làn sóng thủy triều đẩy mọi con thuyền lên cao » (Growth is a rising tide that lifts all boats). Cũng nên nhắc lại lập luận này chỉ là phóng tác kiểu « tân tự do » của một lý thuyết dựa trên « đường cong Kuznets » (1955) dùng để tiên đoán rằng sự bất bình đẳng về thu nhập sẽ « tự nhiên » giảm bớt đi khi bước vào những thời kỳ chủ nghĩa tư bản phát triển (bất luận chính sách nào được chọn hay đặc điểm riêng của mỗi nước) để rồi cuối cùng sẽ bình ổn ở một mức chấp nhận được. Kuznets căn cứ vào một công trình thống kê chi ly, lập ra những chuỗi số liệu về phân bố thu nhập ở Hoa Kỳ trong thời gian 35 năm (1913-1948) để tính toán diễn biến thu nhập của những tầng lớp phần trăm và phần mười giàu nhất. Kuznets đã phát hiện ra điều gì ? Thu nhập của tầng lớp này đã tụt hẳn xuống trong thời gian 35 năm đó, « tụt xuống hơn 10 điểm bách phân của thu nhập quốc gia, tức là rất nhiều, tương đương với thu nhập của toàn bộ 50% người Mỹ nghèo nhất » (tr. 33). Piketty nhận xét : Kuznets thừa biết rằng sự giảm cách biệt này không phải ngẫu nhiên mà có (hai cuộc thế chiến, đại khủng hoảng kinh tế, chính sách thuế má mang tính « tịch thu » của Roosevelt, thuế suất lên tới 94% đánh vào những thu nhập cao nhất), nhưng vì những lý do thuần túy ý thức hệ (đọc tình tiết trong các trang 34-37), Kuznets đã làm ngơ, để mặc cho lan truyền « lý thuyết đường cong Kuznets », theo đó « trong quá trình công nghiệp hóa và phát triển kinh tế, các bất bình đẳng ở nơi nào cũng thế, sẽ đi theo một « đường biểu diễn hình chuông », nghĩa là lúc đầu thì tăng lên, rồi sau đó giảm xuống ». Nhưng khi người ta áp dụng chính những phương pháp mà Kuznets sử dụng, nhưng mở rộng quy mô không gian và thời gian, thì lại được « đường cong Piketty thứ nhì » mô tả diễn biến tỉ suất thu nhập của phần mười giàu nhất, phô bày ra một thực tại ngược lại hẳn ! Đó là : không hề có một quy trình có tính « cấu trúc » nào của sự giảm bớt bất bình đẳng, đặc biệt ở nước Mỹ vẫn tự vỗ ngực mình là xứ sở của « giai cấp trung lưu », sang đầu thế kỷ XXI này, đã trở thành quốc gia bất bình đẳng nhất thế giới. (Về mặt phương pháp luận, cuộc tranh luận này khiến ta liên tưởng tới cuộc tranh luận ở phần trên, về tỉ suất lợi nhuận có xu hướng giảm).

bd-8

Biểu đồ I.1 Bất bình đẳng trong thu nhập ở Hoa Kỳ, 1910-2010

Cách đọc : Tỉ lệ trong thu nhập toàn quốc của phần mười giàu nhất Mỹ, trong những năm 1910-1920 chiếm 45-50%, sang thập niên 1950, đã xuống dưới mức 35% (đó là những đo lường của chính Kuznets) ; sau đó từ thập niên 1970 sang những năm 2000-2010, nó đi từ dưới mức 35% lên 45-50% (Nguồn : piketty.pse.ens.fr/fr/capital21c)


« Đường cong đi lên rất ấn tượng, tự nhiên là ta tự hỏi nó sẽ leo lên tới đâu : nếu cứ theo nhịp độ này, thì phần bách phân của phần mười giàu nhất, đến năm 2030, sẽ chiếm hơn 60% thu nhập quốc gia » (tr.464).

Đến đây, có lẽ không thừa nếu cung cấp cho bạn đọc một ý niệm cụ thể về mức độ thu nhập trung bình (từ đó, muốn tính ra tài sản bình quân, chỉ cần nhân lên với hệ số β ) và trung vị. Đầu thập niên 2010, thu nhập trung bình ở các nước phát triển là vào khoảng 2 500 €/tháng, còn thu nhập trung vị* thấp hơn khoảng 20%-30%, tức là khoảng 1 800 €/tháng. Để thấy được sự chênh lệch, thì khái niệm trung vị có ý nghĩa hơn khái niệm trung bình. Bạn hãy tưởng tượng một ngày đẹp trời bạn đi cùng chuyến bay với Bill Gates. Và ngồi tính thu nhập trung bình của hành khách trong chuyến bay ấy, thì bạn sẽ rất phấn khởi khi thấy « thu nhập » của mình bỗng được nhân lên gấp ít nhất một triệu lần !

Nhìn vào bậc thang thu nhập theo cả hai chiều, ta hãy ghi nhận Eurostat định nghĩa ngưỡng nghèo khó ở mức 60% thu nhập trung vị ; tại Pháp, viện thống kê INSEE định nghĩa « người thu nhập cao » là phần mười giàu nhất trong các bảng của Piketty (mức thu nhập thấp nhất của những người này ở vào khoảng gấp đôi thu nhập trung vị, nghĩa là cũng không có gì ghê gớm). Nhưng đó là nhìn thống kê bằng kính lúp. Phải dùng kính hiển vi mới có thể mổ xẻ bên trong tầng lớp phần mười, bởi vì « ta không thể tiếp cận sự giàu sang thực thụ bằng cách leo từng bậc thang đều đặn, bởi vì ở phần trên cùng của cái thang, không còn sự liên tục nữa » ([P], tr.29). Trong các bảng và biểu đồ, Piketty chia phần mười trên cùng làm ba nhóm : 5% thấp nhất, 4% trên đó, và 1% trên cùng (tại Hoa Kỳ, thu nhập trung bình tính theo « hộ đóng thuế » của những người thuộc phần trăm trên cùng này là 1,5 triệu USD). Đo bằng cách này, ta mới hiểu rõ hơn quy mô sự chuyển dịch thu nhập quốc gia Mỹ – khoảng 15 % tổng thu nhập quốc gia – diễn ra giữa 90% là những người nghèo nhất và 10% là những người giàu nhất từ thập niên 1970 trở đi. Cụ thể là, nếu ta tính tổng cộng sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trong suốt 30 năm trước cuộc khủng hoảng tín dụng dưới chuẩn « subprime » (tức là từ 1977 đến 2007), sẽ thấy 10% giàu nhất thôn tính 75% tăng trưởng ; và nhìn soi mói hơn nữa : nhóm 5% ở « dưới » chiếm từ 5 đến 6% ; nhóm 4% ở giữa chiếm khoảng 16%, còn một mình 1% « top » xơi gần 60% ; kết quả là tỉ suất tăng trưởng của thu nhập trung bình ở vào khoảng 0,5% mỗi năm cho nhóm 90% dân số còn lại (tr. 469). Nói như Serge Halimi (nguyệt san Le Monde Diplomatique), đúng là thủy triều lên cao, nước đã dâng thuyền, nhưng trước hết là các du thuyền hạng sang.


botot

Cảnh sát đứng canh tượng con bò tót khi phong trào « Chiếm phố Wall »
tuần hành gần đó ngày 17 tháng 11-2011 ở New York. Ảnh Getty Images.


Sự « đăng quang » của phần trăm thượng đỉnh tự nhiên là một hiện tượng có tính chất toàn cầu. « Tuy thoạt trông có vè hơi trừu tượng, nhưng hiện tượng này chiếu rọi vào những diễn biến ngoạn mục của những sự bất bình đẳng, vào những hiện thực kỳ thú, qua đó nó mang lại một cách đọc khá bổ ích về xã hội, trong bối cảnh những cuộc vận động xã hội – chính trị lớn [như phong trào Occupy Wall Street, xem hình trên], phát huy từ những khẩu hiệu tiên thiên khá bất ngờ (« We are the 99% » / Chúng tôi là bọn 99%), nhưng cuối cùng không khỏi làm người ta nhớ tới tinh thần bài bút chiến của tu sĩ Sieyès công bố hồi tháng giêng năm 1789 : « ‘Tiers état’ [đẳng cấp thứ ba trong xã hội Pháp trước cách mạng] là gì ? Là tất cả. Cho đến nay, như về mặt chính trị, nó là gì ? Chẳng là gì cả. Nó đòi hỏi cái gì ? Nó muốn trở thành cái gì đó trong đời sống chính trị » (p.399).

Phân tích cái phần mười bên trên một cách tế vi sẽ cho ta những bài học bổ ích về sự phân chia lao động – tư bản, trong chừng mực mà nó làm hiện hình « hai thế giới rất khác nhau, một bên là 9% vẫn chịu sự chi phối của thu nhập lao động, và bên kia là 1% tột đỉnh, là thành phần mà thu nhập tư bản lấn át dần thu nhập lao động. Mọi sự chuyển tiếp đều diễn ra một cách tuần tự, ranh giới phân chia đầy lỗ trống để sự thẩm thấu có thể diễn ra, nhưng khác biệt thì rất rõ ràng và có tính hệ thống (…). Sự phân bố 80%-20% giữa lao động và tư bản tương đối tiêu biểu cho cơ cấu thu nhập của nhóm 9% (…). Ngược lại, trong nội bộ nhóm 1%, thu nhập từ lao động dần dần trở thành thu nhập thứ yếu, thu nhập từ tư bản dần dần trở thành thu nhập chủ yếu » (tr. 442).

Cũng như trong trường hợp các tài sản, chúng ta hãy dành vài câu cho phần nghìn (tức là 0,1%) có thu nhập cao nhất, cũng là khu vực mà thu nhập tăng mạnh nhất. Ở Châu Âu lục địa và ở Nhật chẳng hạn, trong mấy thập niên gần đây, thu nhập của số phần nghìn này đã tăng gần gấp đôi, từ 1,5% lên tới 2,5%. Nhưng ở Hoa Kỳ, là cả một sự bùng nổ : từ 2% lên 10% (cùng thời kỳ). Để bạn đọc cảm nhận rõ nét hơn, xin nhắc lại là 2% (hay 10%) thu nhập quốc gia dành cho 0,1% dân số có nghĩa là : thu nhập của mỗi người trong nhóm này có thu nhập gấp 20 lần (hay 100 lần) thu nhập trung bình. Và để cho con số « hiển ngôn » hơn nữa, có thể nói ở Pháp, mỗi người trong nhóm này mỗi tháng thu nhập gấp 50 lần SMIC (mức lương tối thiểu), và hàng năm, thu nhập của người ấy lớn hơn thu nhập cả đời lao động của một người ăn lương SMIC. Nếu tính theo tình hình bên Mỹ, lương tối thiểu theo quy định của chính phủ liên bang bằng khoảng một phần ba SMIC Pháp, thì thu nhập một năm của 0,1% Mỹ bằng 12 đời ky cóp của cháu, con, cha, ông, cụ, kỵ…. Mỹ ăn lương tối thiểu.


Tóm tắt : Tuy không lớn bằng bất bình đẳng về tài sản, nhưng bất bình đẳng trong thu nhập (nhất là sự « đứt phanh » của phần trăm phần nghìn thu nhập cao nhất) hàm chứa một cơ chế mạnh mẽ, kết hợp với khoảng cách (r – g), sẽ đẩy mạnh sự phân kỳ trong phân phối tài nguyên. Ta có những lí do chính đáng để nghi vấn về sự bền lâu của một xã hội, một nền kinh tế bị chi phối bởi những lực li khai như thế.

phanky
Javier Jaén “ Phân kỳ


3 – Bất bình đẳng, « tài năng trị », và tập đoàn « thiểu trị »


« Tự do, bình đẳng, bác ái » là tiêu ngữ của nền cộng hòa, nhưng ngày nay, trong ba giá trị ấy, « bình đẳng » (trong đó có bình đẳng về các quyền) xem ra là giá trị hơi bị hẩm hiu. Lôgic nào về bình đẳng và về các quyền cho phép chúng ta khẳng định như vậy ? Điều thứ nhất trong Tuyên ngôn Quyền con người và công dân năm 1789 nói « người ta sinh ra và sống tự do và bình quyền » rồi nói thêm ngay (Piketty đã trích dẫn ở đầu cuốn sách) : « Những sự phân biệt trong xã hội chỉ có thể dựa trên sự công ích ». Câu hỏi đặt ra, thế nào là « công ích ». Các nhà soạn thảo Tuyên ngôn 1789 chú tâm trước hết vào việc bãi bỏ những đẳng cấp và đặc quyền của Chế độ Quân chủ, nhưng ta có thể mở rộng diễn giải ý định của họ như thế này « mở rộng trong phạm vi có thể các quyền cơ bản và lợi ích vật chất tới mọi người, làm sao có lợi cho những người có ít quyền hơn và phải đối diện với những cơ hội không rộng rãi bằng người khác » (tr. 768). Nhưng ngay như vậy, bài toán cũng chưa được giải quyết, ở cả hai « đầu » của vấn đề. Ở đầu này, thí dụ như « nguyên tắc khác biệt » mà John Rawls đưa ra trong A Theory of Justice (cuốn sách đã bị lợi dụng để đưa ra chuyện « nước chảy ròng xuống » trickle down) : nguyên tắc này cũng tương tợ về công bằng xã hội. Nhưng ở « đầu » kia, quan niệm « tài năng trị » (méritocratie : quyền cai trị dành cho những người có tài năng « xứng đáng ») cũng giống như « chủ nghĩa ưu tú» (élitisme). Thí dụ điển hình là bản « sự vụ lệnh » năm 1872 mà Emile Boutmy, nhà sáng lập « Sciences-Po », trao cho trường chính trị học này : « Những giai cấp tự nhận là « giai cấp thanh cao », vì buộc phải quy phục quyền hành của số đông, chỉ có thể duy trì được bá quyền chính trị của mình bằng cách viện dẫn cái quyền của « người có tài năng nhất » ; làn sóng dân chủ, sau khi đã tràn qua vòng tường thành xập xệ của đặc quyền và truyền thống, nay vấp phải thành lũy thứ nhì làm bằng những tài năng sáng chói, ưu việt và hữu ích, có điên rồ mới không chịu trọng dụng » ; nói khác đi, « chính vì bản năng sinh tồn mà các giai cấp bên trên đã từ bỏ sự nhàn hạ, ăn không ngồi rồi mà bày ra câu chuyện « tài năng trị », quyền bính về tay những phần tử ưu tú, để chế độ phổ thông đầu phiếu không truất hết quyền lợi của họ » (tr. 782). Đây không phải chỗ để đi sâu vào cuộc tranh luận lý thuyết về các quan niệm khác nhau về công bằng xã hội (xem chẳng hạn [AE], trang 70 và tiếp theo), dưới đây chúng tôi chỉ nêu ra những luận điểm thực chứng để phản bác thuyết « nước chảy ròng xuống ».


3.1 – Cái « được thua » về kinh tế :


Để trả lời câu hỏi then chốt mà những người thuộc trường phái « tân tự do » thường nêu ra : « Sự bình đẳng, hay lắm, nhưng liệu nó đem lại được mấy điểm bách phân cho sự tăng trưởng ? » ta có thể đốp chát bằng câu hỏi ngược lại, cũng rất hữu lý : « Bất bình đẳng làm mất đi bao nhiêu điểm bách phân cho sự tăng trưởng ? »

- Trên biểu đồ I.1 (bất bình đẳng về thu nhập ở Hoa Kỳ), ta thấy có hai đỉnh cao tuyệt đối ở thời điểm 1928 và 2007, tức là chiều hôm trước của cuộc Đại khủng hoảng 1929 và của cuộc Khủng hoảng subprimes năm 2008. Không thể không đặt ra câu hỏi : phải chăng bất bình đẳng là nguyên nhân (tất nhiên không phải là nguyên nhân duy nhất) đã gây ra khủng hoảng ? Bất luận thế nào, « không nghi ngờ gĩ nữa, bất bình đẳng tăng lên đã góp phần làm suy yếu hệ thống tài chính Mỹ. Hậu quả của nó là sức mua của các giai cấp bình dân và trung lưu hầu như bị khựng lại, tất nhiên làm tăng xu hướng mang thêm nợ ở các hộ gia đình không dư dả ; nhất là trong khi đó các ngân hàng và các trung gian tài chính không mấy lương thiện lại mời chào những tín dụng ngày càng dễ dàng, không còn những ràng buộc chặt chẽ và quy định hóa, mục đích là kiếm được lợi tức cao cho khối lượng tiết kiệm khổng lồ mà các giai cấp khá giả đã bơm vào hệ thống » (tr. 469).

Dầu sao chăng nữa, cuộc Đại suy thoái 2008 (như ngày nay người ta thường gọi) đã làm tăng những bất bình đẳng : các ngân hàng đã tạo ra cuộc khủng hoảng toàn cầu thì được hỗ trợ hàng tỉ đô-la, còn các nạn nhân của họ thì nhận được tí chút gọi là ; hai ba năm sau (xem biểu đổ I.1 để thấy đường cong tiếp tục đi lên) các ngân hàng đều bình phục, còn nạn nhân của họ thì mất sạch sành sanh hay bị trục xuất khỏi nhà.

- Trong mục “The Great Divide” mà ông đảm nhiệm trên báo New York Times, giải Nobel kinh tế học Joseph Stiglitz nói tới « những câu chuyện đau lòng và nỗi ẩn ức của những người trẻ tìm cách hội nhập vào giai cấp trung lưu đang teo dần. Học phí tăng, thu nhập giảm, nên nợ nần thêm nặng. Những người chỉ tốt nghiệp trung học, thì thu nhập của họ trong 35 qua đã giảm đi 15% » (xem [St]). Những câu chuyện như vậy được xác nhận trong công trình của những nhà nghiên cứu như Goldin và Katz. Họ đã « đối chiếu một cách có hệ thống sự diễn biến trong thời gian từ 1890 đến 2005 của : một mặt là độ chênh lệch lương bổng giữa những người tốt nghiệp đại học và những người học xong trung học thì đi làm ; mặt khác, nhịp độ tăng trưởng của số người tốt nghiệp đại học. Kết luận là không thể tranh cãi : hai đường biểu diễn đi ngược nhau. Cụ thể, chênh lệch lương giảm đều đặn cho đến thập niên 1970, sang đến thập niên 1980 [chính quyền Reagan] thì tăng lên trở lại, đúng vào thời điểm mà số người tốt nghiệp đại học, lần đầu tiên, bắt đầu khựng lại, hay ít nhất cũng tăng chậm hơn trước. Đối với hai nhà nghiên cứu này, không thể nghi ngờ gì nữa : sự gia tăng những chênh lệch về lương bổng phát sinh từ việc Hoa Kỳ đầu tư không đủ và giáo dục đại học, nói chính xác hơn, đặc biệt là vì học phí quá cao đối với các gia đình » (tr. 485). Tình trạng bất bình đẳng đã tới mức, chỉ cần nhìn vào thu nhập của một gia đình, xem họ thuộc phần mười, phần trăm nào trong bậc thang thu nhập, là biết ngay con cái của họ có thể vào đại học hay không. Thế mà, ta đã chẳng thấy ở trên (phần 1.2), một trong những nhân tố quyết định của sự tăng trưởng, chính là đầu tư vào giáo dục và đào tạo ?

- Cũng trong loạt bài này, Stiglitz tố cáo sự làm giàu của giới y tế (công nghiệp dược phẩm, bác sĩ, công ti bảo hiểm) trong khi mà khoản trợ cấp y tế cho người nghèo khó (Medicaid) bị cắt xén, còn chương trình Obamacare tuy đã bị khoét ruột vẫn sa lầy trong trò cù nhầy đủ loại. « Thực ra, nếu tính cả phỉ tổn bảo hiểm tư, thì hệ thống bảo hộ sức khỏe Mỹ là hệ thống tốn kém nhất thế giới (chiếm gần 20% thu nhập quốc gia, còn ở Châu Ẩu chỉ ở khoảng 10%-12%), trong khi một bộ phận lớn trong dân chúng lại không được bảo hộ, và các chỉ số y tế xem ra lại thua kém Châu Âu » (tr. 762). Thử hỏi mất đi bao nhiêu điểm đối với một nền kinh tế muốn có sức cạnh tranh cao ?

- Hiệu ứng ngược của « sự phân kỳ Piketty », như đã nói, là di sản thừa hưởng từ quá khứ lại tái tư bản hóa nhanh hơn là tiến độ của sản xuất và lương bổng ; thêm vào cơ chế ấy là sự bất bình đẳng về lợi tức (vốn ban đầu càng to thì lợi tức càng lớn), nên đáng ngại là « quá khứ nuốt chửng tương lai » (tr. 942), nghĩa là, trong khuôn khổ thảo luận ở đây, xã hội của nhà doanh nghiệp biến thành, từng bước và không gì ngăn cản nổi, xã hội của những người thực lợi (rentiers) ngồi ăn tô tức (theo nghĩa thế kỷ XIX) và của những con ông cháu cha. « Ta hãy xem một thí dụ rõ ràng, ở trên tận cùng của bậc thang tư bản thế giới. Từ 1990 đến 2010, gia tài của Bill Gates – nhà sáng lập Microsoft, đại gia số 1 về hệ điều hành tin học, hiện thân của sự làm giầu bằng kinh doanh, số 1 trên bảng xếp hạng của tạp chí Forbes – từ 4 tỉ đô la lên tới 50 tỉ đô la. Trong khi đó, gia sản của bà Liliane Bettencourt – người thừa hưởng công ti Oréal, đứng đầu các công ti mĩ phẩm, mà người sáng lập là thân sinh của bà, Eugène Schueller, nhà phát minh thiên tài năm 1907 đã chế ra những thứ thuốc nhuộm tóc – từ 2 tỉ đô la đã lên tới 25 tỉ đô la (vẫn theo Forbes). Trong cả hai trường hợp, tiến độ tăng trưởng di sản của họ là 13% mỗi năm – hiệu suất thực thụ là 10%-11% nếu ta trừ đi lạm phát. Nói khác đi, bà Liliane Bettencourt chưa bao giờ lao động, nhưng chẳng sao, gia tài của bà vẫn tăng cùng tốc độ với gia tài của Bill Gates, nhà phát minh, mà gia tài của ông này, từ khi ông ngừng tác nghiệp đến giờ, vẫn tiếp tục tăng trưởng nhanh như trước (…). Lại xem trường hợp của Steve Jobs, hiện thân một doanh nhân dễ mến và xứng đáng có một gia tài to lớn : khi công ti Apple lên tới đỉnh cao của quang vinh và của thị trường chứng khoán, thì gia tài của S. Jobs chỉ tròm trèm 8 tỉ đô la, tức là nhỏ gấp 6 lần gia tài của ông chủ Microsoft (mà theo các nhà quan sát, S. Jobs sáng tạo hơn B. Gates rất nhiều), và nhỏ gấp 3 lần gia tài của bà Bettencourt (bà này nổi tiếng nhất là vì những món quà mà bà đã ban phát cho đám nịnh thần và lợi dụng, theo những tiết lộ trong « vụ Bettencourt ») » (tr. 703). Khi Mervyn King, tống đốc Ngân hàng Vương quốc Anh, biện minh cho sự giàu có của người giàu bằng may mắn, học vấn và tài năng, thì rõ ràng ông ta chưa đọc cuốn sách của Piketty cho đến trang chót. Thậm chí không biết nhà tài chính vĩ đại này có hiểu gì về khái niệm « nợ xã hội » mà triết gia Léon Bourgeois (thế kỷ XIX) đã trình bày. Nợ xã hội, là toàn bộ sự vật vật thể và trí tuệ mà mỗi cá nhân sống trong một xã hội có thể (phải) sử dụng : nền nông nghiệp nuôi sống anh ta, nhà cửa cho anh ta nương náu, trường học dạy dỗ anh ta, y tế chăm lo sức khỏe, tri thức khoa học và triết học đưa anh ta lên khỏi trình độ của thiên nhiên hoang dã. Những điều kể trên không phải là lý thuyết, mà là thực tiễn của sự tập luyện và tiến bộ. Ngay từ lúc chào đời, mỗi con người xã hội vô hình trung đã đứng trên vai những người khổng lồ tiền bối, nói theo hình ảnh của Newton. Cá nhân như thế, doanh nghiệp cũng vậy : sự phát triển kinh tế, dù đứng ở quan điểm « tự do chủ nghĩa » chăng nữa, không xuất phát từ hư vô, mà dựa trên những cơ sở hạ tầng xã hội của một Quốc gia, cung cấp vốn con người (giáo dục, y tế) và những định chế (thị trường có tổ chức, Nhà nước pháp quyền), không có những thứ đó thì tư bản chỉ là một đống tiền nằm ngủ. Thử hỏi những « tài năng » mà thống đốc Kings ca ngợi có thể làm nên cơm cháo gì ở một nơi khỉ ho cò gáy thiếu vắng mọi cơ sở và định chế, thí dụ như vùng Laponie. Tóm lại, không ai sống trong xã hội, không một doanh nghiệp hoạt động trong xã hội lại có thể nói mình không dính dấp gì với những quan hệ tương tác giữa con người với nhau cả. Thế mà trong sự tôn sùng tài cán và thành đạt của trường phái « tân tự do », lại ẩn tàng ý tưởng giải trừ mọi quan hệ liên đới.

- Thuế má là một vấn đề cộng tồn với tô tức và thừa kế. Trong cái lôgic của « nước chảy ròng xuống », sự tái phân phối được tiến hành một cách tự nhiên theo luật chơi của tiêu thụ và đầu tư của tư nhân, và những người thụ hưởng những thu nhập cao không hề chiếm đoạt của cải làm tổn hại những người thu nhập thấp, họ chỉ thực hiện việc phân chia chúng mà không có sự can thiệp của Nhà nước. Trong viễn tượng ấy, việc có thể giảm thuế (kể cả đối với những người dư dả nhất) có thể giảm bớt mà không ảnh hưởng thực sự gì tới sự tái phân phối của cải cho số đông người dân. Có cả những mô hình lý thuyết u minh được giới thiệu là chúng « chứng minh » tại sao phải miễn thuế, thậm chí trợ cấp cho người giàu – trong phần phụ lục công bố trên mạng, Piketty đã đưa danh sách một vài « mô hình » ấy. Nhưng thực ra, nói theo cách diễn tả của Joseph Stiglitz, « nước chảy ròng » chưa xuống tới dưới thì đã « bốc hơi » sang đảo Caïman và các « thiên đường trốn thuế » mất rồi. Ta có thể nhận thức được quy mô của hiện tượng này khi thấy cán cân toàn cầu về tài sản có và tài sản nợ bao giờ cũng chênh lệch một cách hệ thống, tưởng như bình quân hành tinh Trái Đất do Hỏa tinh nắm giữ, như Piketty nói mỉa mai. Piketty đưa ra thí dụ cuộc khủng hoảng năm 2013 ở đảo Chypre, trong đó « các nhà đương cuộc châu Âu cũng như Quỹ tiền tệ IMF thực sự không hề biết những ai là người nắm giữ các tích sản tài chính ở Chypre, nhất là con số chính xác về tài sản của từng người, vì vậy mà họ đã triển khai những giải pháp thô thiển và vô hiệu (…) Đòi lèo lái hiệu quả một cuộc khủng hoảng tài chính thế giới kinh qua một đám sương mù thống kê như vậy thì quả là không nghiêm chỉnh cho lắm » (tr. 842). Như thế đã mất đi bao nhiêu điểm bách phân cho sự tăng trưởng vì những thiên đường trốn thuế mà năm 2008, Nicolas Sarkozy đã oai phong lẫm liệt, tuyên bố là « từ nay đã chấm dứt » ? Gabriel Zucman, một trong những người cùng viết những bài nghiên cứu với Thomas Piketty, ước tính tổng số những tích sản tài chính ẩn náu ở các thiên đường trốn thuế vào khoảng giữa 4600 và 6400 tỉ €, nghĩa là trốn được khoảng 130 tỉ € tiền thuế trên toàn thế giới. Đối với Liên hiện Châu Âu, thì Ủy ban Châu Âu ước tính mất 1000 tỉ € do trốn thuế, tham nhũng và rửa tiền.


3.2 – Cái được-mất về mặt dân chủ :


Được mất về thuế má chỉ là một trong những khía cạnh của sự được mất, rộng lớn hơn, về mặt dân chủ. Sự bình đẳng về quyền công dân đã được tuyên cáo rao giảng, nhưng trên thực tế nó đụng phải sự đối nghịch của sự bất bình đẳng trong điều kiện sinh sống bị phủ nhận bởi sự bất bình đẳng trong cuộc sống thực tế, cho nên chấp nhận « khế ước xã hội » đòi hỏi phải có sự đồng thuận ít nhất trên một vài nguyên lý phổ quát. Lơ là những nguyên tắc ấy dẫn tới lơ là khế ước xã hội, từ đó là sự suy sụp về dân chủ, điều này sẽ ảnh hưởng ngay tới ứng xử của người công dân cũng như sự vận hành của các thiết chế. Ta hãy lấy ví dụ nguyên tắc « tài năng trị » (méritocratie). Từ Tocqueville trở đi, « dân chủ không phải chỉ là một chế độ chính trị mà, sâu xa hơn, đó là một trạng thái xã hội, trong đó các thành viên tự coi nhau là có vị trí đồng đẳng. Đó là một lý tưởng, muốn thực hiện được lý tưởng ấy thì phải đặt được một sự công bằng xã hội » (([AE], tr.70). Mặc dù ý tưởng « người cai trị phải là người tài năng, xứng đáng » đôi khi chỉ được dùng để biện minh cho sự duy trì những bất công vẫn tồn tại (xem đoạn nói về Emile Boutmy ở trên), song « các chính thể dân chủ của chúng ta dựa trên quan niệm tôn vinh tài năng, hay ít nhất là hi vọng vào tài năng, tin tưởng vào một xã hội trong đó sự chênh lệch là do tài năng và công lao, hơn là do dòng dõi và kế thừa » (tr. 671). Điều này trái nghịch hẳn với xã hội của người thực lợi và thừa tự đã trường tồn suốt thế kỷ XIX và đang tái hiện vào đầu thế kỷ XXI. Cái xã hội ấy đã được tóm tắt tuyệt vời trong những lời của Vautrin nói với Rastignac trong tiểu thuyết Le Père Goriot của Honoré de Balzac : đại ý Vautrin bảo Rastignac « thành đạt trong xã hội bằng học hành, tài năng và lao động là chuyện hão. Vautrin nói cho Rastignac thấy sẽ có thể thăng tiến theo những hoạn lộ như thế nào nếu cậu ta tiếp tục đi học, chẳng hạn như học luật hay y, hai lãnh vực mà theo nguyên tắc, người ta đi lên là do tài năng, nghiệp vụ chứ không dựa vào gia tài cha ông để lại. Vautrin còn cho biết tường tận là theo con đường ấy, cậu ta có thể hi vọng hàng năm kiếm được bao nhiêu tiền » (tr. 387). Kết luận, dứt khoát, không thể phản bác, là : cho dù thành đạt xuất sắc, con đường hoạn lộ thần tốc tới đâu – mà muốn thế tất phải luồn cúi, hệ lụy – cũng không bằng vớ được một cô tiểu thư giàu có. Điều kinh hoàng nhất trong những lời thuyết giảng của Vautrin, theo Piketty, là nó mô tả chính xác và cung cấp những số liệu trung thực của xã hội thế kỷ XIX ; bức tranh ấy vẫn còn đúng cho thế kỷ XXI, với điều kiệu là bên cạnh thành phần con ông cháu cha, phải thêm cả thành phần « phần trăm » có thu nhập cao nhất. Tín điều của Vautrin, trong một thế giới bị đồng tiền chi phối, gặp sự tương ứng trong thời nay : « Bất bình đẳng xã hội đã phản đạo lý, bất chính đến như vậy, tại sao không đi tới tận cùng của sự vô đạo, bằng cách chiếm đoạt tư bản bằng mọi phương tiện ? » (tr. 381). Chỉ có thế mới giải thích được sự xy-nic phi đạo lý của cái đám trader, golden boy mà thiên hạ đều nghe nói tới, dù đó là những nhân vật trong phim Scorcese hay Oliver Stone, hay người thực việc thực ở Wall Street. Trong số những nhân vật đầu cơ trúng quả, không ít người dám ăn nói bạt mạng, khi họ gọi những lời phê phán thành phần « 1% chóp bu » là mang tính « phát xít », là « Đức quốc xã », khi họ so sánh những dự định đánh thuế thu nhập tài chính với việc Hitler xâm lăng Ba Lan (xem [St]). Cũng giống như các lãnh chúa phong kiến ngày xưa, bọn siêu giàu ngày nay coi đặc quyền của họ là những quyền tự nhiên, và khi đặc quyền của họ gặp sự phản đối, thì họ không ngần ngại vượt biên với của nả vốn liếng – mà trường hợp tục tĩu nhất là « người tị nạn thuế má » Pháp đã được Putin trao tận tay tấm giấy quốc tịch Nga.

Theo Piketty, rất khó đối phó với sự li khai chính trị của các tài sản lớn (thực sự đã bắt đầu) vì nó có xu hướng xóa nhòa khái niệm quốc tịch, do đó, muốn ngăn chặn nó, phải có sự phối hợp quốc tế chặt chẽ giữa những quốc gia vốn quen thói cạnh tranh với nhau (tr. 743). Nhưng sự li khai về tài sản còn chứa đựng một nguy cơ to lớn hơn nhiều đối với nền dân chủ : sự phân kỳ theo loại hình tập đoàn thiểu trị (divergence de type oligarchique), nghĩa là, « một quá trình khiến cho các nước giàu trở thành sở hữu của các tỉ phú, hay đúng hơn, các nước nói chung – kể cả Trung Quốc và các nước dầu mỏ, tất nhiên – bị tỉ phú và đủ thứ đa triệu phú trên thế giới chiếm hữu đại trà » (tr. 741). Chuyện chính trị - dự tưởng chăng ? Cần thấy là một số gia tài lớn nhất (xem biểu đồ) hiện nay đã tương đương với thu nhập của một nước nhỏ ; nhưng quan trọng hơn nữa, phần nghìn (0,1%) cao nhất gồm 4,5 triệu người lớn (nửa triệu ở Pháp ; 2,6 triệu ở Hoa Kỳ), « một số dân đủ đông để cấu trúc nên cảnh quan xã hội và trật tự chính trị, kinh tế toàn cục » (tr. 398).


bd-9

Biểu đồ 12.3 : Phần sở hữu của những thiểu số có tư sản
lớn nhất thế giới, 1987-2013.

Diễn giải : Từ năm 1987 đến năm 2013, tỉ suất tài sản của 20/1000000 (hai mươi phần triệu) người giàu nhất, từ 0,3% đã lên tới 0,9% tổng tài sản thế giới ; của 100/1000000 (trăm phần triệu) người giàu nhất, từ 0,1% đã lên tới 0,4% tổng tài sản thế giới.
Nguồn ; piketty.pse.ens.fr/fr/capital21c


Theo từ điển Wikipedia, danh từ mà chúng tôi dịch là thiểu trị, tiếng Pháp gọi là oligarchie (từ tiếng Hi Lạp cổ, oligarkhí, phái sinh từ chữ olígos, nhỏ, ít, và árkhô, chỉ huy) là hình thái cai trị trong đó quyền hành nằm trong tay một nhúm nhỏ, hợp thành tập đoàn thống trị : đó có thể là những người xuất sắc nhất (quý tộc, hiểu theo nghĩa từ nguyên), những nhà khoa học và kỹ thuật (chế độ kỹ trị), những trưởng thượng (lão trị / gérontocratie), nhà giàu (chế độ tài phiệt / ploutocratie)… Ở đây ta không xét tới chế độ thiểu trị đã được định chế hóa như nền đề nhất cộng hòa Pháp, trong đó chỉ có những người có đủ tiền nộp thuế cử tri mới có quyền bỏ phiếu (régime censitaire) ; mà xét tới những chế độ thiểu trị trên thực tế, nghĩa là những chính thể (có cả chính thể dân chủ nữa) trong đó quyền quyết định thực sự nằm trong tay một thành phần « tinh hoa » gồm những lãnh đạo chính trị, những người cầm đầu đại doanh nghiệp, những nhà tài chính, những nhà báo có ảnh hưởng… tạo thành một đẳng cấp trong đó các thành viên bàn bạc giữa họ với nhau, đưa ra những quyết định áp dụng cho toàn thể dân chúng, nhưng mục đích chỉ là để phục vụ lợi ích cá nhân của họ. Trên thực tế, tập đoàn thiểu trị cầm quyền thông qua sự câu kết giữa đại biểu chính trị và giới cầm đầu kinh tế, tài chính, nhằm thỏa mãn lợi ích hội tụ của họ, bất chấp lợi ích chung (theo Hervé Kempf). Như mô tả ở trên, phương tiện hành động chủ yếu của họ giống y hệt vận hành của các lobby vận động tại các nước dân chủ Tây phương, nhất là ở Hoa Kỳ, là nơi mà họ mặc sức thao túng đời sống chính trị, đặc biệt ở cấp địa phương. Điển hình là sức mạnh của hội National Rifle Association, đã chặn đứng được mọi nỗ lực của chính quyền liên bang nhằm hạn chế việc bán và mang súng ống, mặc dầu đã có biết bao cuộc tàn sát ở nơi công cộng, trường học, khuôn viên đại học… Không kém ý nghĩa là lobby của các ngân hàng Mỹ, nhờ đó mà sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, phố Wall vẫn qua mặt được dư luận công chúng ; lobby của các ngân hàng Châu Âu mà báo Le Monde vừa đây (01.07.2014) đã tiết lộ sự can thiệp của họ vào cuộc đàm phán TAFTA (hiệp ước thương mại xuyên Đại Tây Dương) đang tiến hành, nhằm mục đích giảm bớt áp lực của những cơ quan điều tiết của Hoa Kỳ trên các hoạt động của họ ở Hoa Kỳ (luật « Fatca »). Nếu muốn đi xa hơn những ấn tượng chung và có một ý niệm rõ rệt hơn về cơ cấu hành động của các tập đoàn thiểu trị, ta có thể xem bảng tổng hợp dưới đây của Robert Boyer ([B], tr.13) .


bd-10

CHÚ DẪN : SỰ TẬP TRUNG QUYỀN LỰC KINH TẾ VÀ CHÍNH TRỊ GIẢI THÍCH
CHỦ YẾU TẠI SAO BẤT BÌNH ĐẲNG NGÀY CÀNG TĂNG Ở HOA KỲ


3.3 – Điều tiết tư bản :


Một vài nhà bình luận (như Allègre và Timbeau) nghĩ rằng khi ông « mô tả một xã hội thực lợi (ngồi mát ăn bát vàng) chiếm đóng nền tảng của dân chủ, lèo lái pháp luật và cơ quan hành chính phục vụ cho quyền lợi riêng, vơ vét bất cứ cái gì có thể vơ vét được, đẩy chúng ta tiến tới một cuộc bùng nổ xã hội » thì Piketty đã phơi bày tâm trạng bi quan cố hữu ([AE], tr.66). Dường như Piketty muốn phản bác ngay từ trước những lời buộc tội như vậy, ông đã dành phần thứ tư cũng là phần cuối tác phẩm để đưa ra một số đề nghị nhằm điều tiết tư bản thế kỷ XXI. Không biết tác giả tin tưởng tới đâu, dưới đây chúng tôi sẽ tập trung nói về dự án « hải đăng » của ông về thuế lũy tiến đánh vào tư bản trên phạm vi toàn cầu nhằm bảo vệ các xã hội dân chủ chống lại xu thế li khai của các phần tử siêu-phú (đây cũng là đề nghị của Piketty bị công kích dữ dội nhất).

Tuy nhiệt tình chủ trương áp dụng thuế lũy tiến trên thu nhập, Piketty cũng không đề nghị tăng thuế suất cho những thu nhập quá cao. Ở Pháp chẳng hạn, thuế thu nhập mãi đến tháng bảy 1914 mới ban hành, nhằm ủng hộ nỗ lực chiến tranh, nhưng thuế suất đánh vào thu nhập cao nhất cũng không quá 2% ; sau chiến tranh, nó tăng lên nhiều, năm 1920 là 50%, năm 1925 lên 72% ; từ 1940 đến những năm 1980, nó ở mức 50% (trong khi ở Đức lên tới 70%). Lưu ý là dưới thời tổng thống Hollande, dự án thuế suất 75% đã bị Hội đồng bảo hiến phán định là « có tính chất tịch thu ». Tại Hoa Kỳ, thì thuế suất này từ 8% trước chiến tranh 14-18, sau chiến tranh lên 77%. Ngay trước cuộc khủng hoảng tháng mười 1929, thuế suất cho thu nhập cao được tổng thống Hoover hạ xuống còn 25%. Đến năm 1933, ngay năm đầu của nhiệm kỳ tổng thống, Roosevelt đưa lên 63%, rồi cứ tăng dần, năm 1944 lên đến 94%. Thuế suất cao này được duy trì ở mức 90% cho đến giữa thập niên 1960 ; và cho đến giữa thập niên 1970, nó vẫn giữ ở mức 80%. Năm 1972, khi ra tranh cử tổng thống, thượng nghị sĩ dân chủ McGovern đề nghị đưa thuế suất này lên hẳn 100%, nhưng người thắng cử là Nixon : thuế này giảm dần, sang đầu thập niên 1980 còn 70%, thì Reagan hạ xuống 60%. Cuối thập niên 1980 còn 40%, sang triều đại G. W. Bush 35%. Điểm lại diễn trình này, có thể rút ra mấy điều :

  • trái với thành kiến của nhiều người, « thuế tịch thu » là do chính người Mỹ đặt ra và áp dụng ở mức cao (hay rất cao) từ năm 1930 đến 1980, mà nền kinh tế Mỹ xem ra vẫn « phây phây ».

  • việc giảm hẳn thuế suất đối với thu nhập cao từ thập niên 1980 trở đi đã dẫn tới tăng vọt lương bổng của lãnh đạo cao cấp của các doanh nghiệp và tỉ suất tài sản của 1% dân số giàu nhất (xem 2-2).

  • một thông tin nữa : trong những năm chiếm đóng Đức và Nhật sau Thế chiến lần thứ hai (1946-48), Mỹ đã buộc hai nước này đưa thuế suất cho thu nhập cao lên trên mức 90%, với chủ ý là thuế lũy tiến gắn liền với sự kiến lập một chính thể dân chủ. Không xa ý kiến của Piketty !

Kết luận của Piketty : muốn có kết quả thực chất, phải đặt mức thuế suất rất cao (hơn 80%) đối với những phần thu nhập trên mức nửa triệu hay một triệu đô la ; 50 hay 60% đối với phần thu nhập ở trên mức 200.000 USD. Vì vậy, Piketty chủ trương đánh thuế năm trên tư bản (chứ không đánh trên thu nhập của tư bản), áp dụng một cách thường trực, với một tỉ suất do đó vừa phải. Ông đưa ra ba biến tướng thuế lũy tiến :

  • Biến tướng 1 : thuế suất 0% cho tư bản dưới 1 triệu € ; 1% cho tư bản từ 1 đến 5 triệu € ; 2% cho trên nữa.

  • Biến tướng 2 : thêm một loại cho tư bản trên 1 tỷ € : thuế suất 5 hay 10%.

  • Biến tướng 3 : thêm một loại cho phía dưới : dưới 200 000 € thuế suất 0,1%, từ 200 000 € đến 1 triệu, 0,5%.

Đối tượng của thứ thuế này là 2,5% dân số và có thể mang lại cho ngân sách một số tiền tương đương với 2% GDP Châu Âu. Thuế suất ở vào khoảng từ 1 đến 2% (biến tướng 1), trong khi mà các tài sản lớn đã tăng trưởng với nhịp độ 6-7% trong những thập niên vừa qua, như thế nó không thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Tuy nhiên tác giả cũng không nuôi ảo tưởng là đề nghị của mình sẽ nhanh chóng được áp dụng : « Thuế toàn cầu về tư bản là một sự không tưởng : trong ngắn hạn, khó tưởng tượng được rằng các nước đều đồng ý định đoạt và thiết lập một bảng thuế có thể áp dụng cho mọi tài sản trên thế giới, rồi sau đó phân phối một cách hài hòa tiền thuế thu được giữa các nước. Không tưởng, nhưng đó là một không tưởng có ích ».


Kết luận : Với chủ tâm « cạn kiệt » các vấn đề, Piketty đã dồn vào tác phẩm đồ sộ này nhiều trang sách, đề cập và phát triển nhiều vấn đề khác nữa, chẳng hạn sự thừa kế, những bất bình đẳng trong sản xuất và phân chia, « đấu tranh tuổi tác » thay thế (hay không thay thế) đấu tranh giai cấp, tiền hưu bổng, Nhà nước xã hội, vân vân, nhưng chúng ta cũng đã đề cập khá đủ để thấy tầm quan trọng của Tư bản thế kỷ XXI, về những phát hiện của tác giả cũng như về phương pháp luận đã giúp ông đi tới những phát hiện đó. Robert Solow, giải Nobel kinh tế năm 1987, vốn là người kiệm lời, mà cũng đã phá lệ để chào đón công trình của Piketty như sau : « Tôi có người bạn, một nhà đại số học xuất sắc. Mỗi lần khen ai, bạn tôi thường dùng tính từ « nghiêm chỉnh ». Bạn tôi thường nói : « Z là một nhà toán học nghiêm chỉnh », « bức họa này nghiêm chỉnh đấy ». Vậy đó, đây là một cuốn sách nghiêm chỉnh » ([So], tr.2). Những người ủng hộ cũng như những người chê bai Piketty, mỗi người một cách, đều nhận thức được sự « nghiêm chỉnh » ấy. Như chúng tôi đã viết ở đầu bài, những người chỉ trích Piketty không phản đối được các con số (ngoại trừ vụ bút chiến của báo Financial Times, xem khung) nên họ chỉ tập trung phê phán chữ nghĩa, cụ thể là những đề nghị về chính sách trình bày ở chương cuối tác phẩm (khoảng 1/5 cuốn sách), với một giọng điệu thường khá bạo liệt, đôi khi hận thù. Như thường xảy ra, một bộ phận phái hữu có thói quen chỉ trích cá nhân, đánh « dưới thắt lưng ». Dù bỏ qua những cái gì quá đà, người ta cũng không khỏi ngạc nhiên trước sự thiếu lương thiện của một vài « giáo chủ » độc chiếm các media : có vị ở Pháp gọi tác phẩm này là « mác-xít chợ huyện », chứng tỏ ông ta chưa hề đọc ngay cả phần mở đầu ; một quý bà ở Mỹ thì nói ngay là chưa đọc cuốn sách, nhưng sẽ không ngần ngại bầm dập nó… Điều thú vị là phần lớn những phê bình về nội dung lại đến từ các nhà kinh tế học phái tả (Boyer, Husson, Galbraith…) họ trách Piketty khiếm khuyết về « thiết bị lí luận », chẳng hạn như khi nghiên cứu về sự phân bố các bất bình đẳng, Piketty không xét tới những xung đột về phân phối chung quanh quan hệ lương bổng, cũng không nói tới sự bất đối xứng cơ bản hay tới quan hệ thống trị đặc biệt của tổ chức sản xuất trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa… Cho dù một số phê phán là có cơ sở, song tôi cho rằng họ đã nhầm đối tượng. Như đã nói ở đầu bài, công trình của Piketty thuộc thể loại thực nghiệm và quy nạp, nghĩa là ở một giai đoạn coi như không có lý thuyết. Để lấy lại sự ví von (trong phạm vi có thể) với Kepler, việc phát hiện các quỹ đạo hình bầu dục và quy luật diện tích không phải là sự xác nhận một mô hình chuẩn xuất phát từ một lý thuyết lớn nào cả, nó « đơn thuần » là sự ghi nhận cái đều đặn, điều hòa trong một loạt sự kiện, và lập quy nó dưới dạng những quy luật để mô tả nó. Lý thuyết là chuyện về sau, công việc của Newton… Trong khi chờ đợi, chỉ trong vòng vài tháng, và hầu như không ai ý thức được điều này, Piketty đã « áp đặt » một cách phân tích của cải và những sự bất bình đẳng « làm thay đổi diễn ngôn kinh tế học của chúng ta » (P. Krugman). Còn Diễn đàn kinh tế Davos – ai học được chữ ngờ ! – thì viện dẫn thống kê (của WTID) để xếp sự « phân tán » thu nhập vào vị trí thứ 2 trong các nguy cơ lớn cuả thế giới (tháng 11.2013). OECD – ai dám tiên đoán – thì công bố một loạt bảng và biểu đồ (lấy từ WTID) về thành phần thu nhập quốc gia, về tỉ suất thuế (tháng năm 2014). Ngoài việc gặt hái, tập hợp một khối lượng to lớn những kết quả thực nghiệm để các nhà kinh tế học từ nay nghiên cứu, công lao bộ « Tư bản » của Piketty là « cung cấp cho chúng ta một cái khung có tổ chức để tư duy sự diễn biến các bất bình đẳng và sự diễn biến của cải » (J. Stiglitz). Tất nhiên, những xem xét phê phán (đàng hoàng) cần được tiếp tục, nhưng không phải ngày một ngày hai mà một nhà nghiên cứu có diễm phúc đề xuất một ý hệ (paradigme) mới như thế.

Tháng 7.2014

NGUYỄN QUANG

(Nguyễn Ngọc Giao dịch,
Nguyễn Đôn Phước và Trần Hải Hạc hiệu đính

Về động lực của tỉ số tư bản / thu nhập


Ta hãy xét các hàm số (tính theo thời gian t) đã được định nghĩa trong bài : tỉ số tư bản / thu nhập β(t) = C(t)/R(t), tỉ suất tiết kiệm s(t) = C’(t)/R(t) và tỉ suất tăng trưởng  g(t) = R’(t)/R(t), kí hiệu (.)’ là đạo hàm của (.). « Quy luật cơ bản thứ nhì » mà Piketty dùng ở chương 5 là một công thức « tiệm cận » hiểu theo nghĩa như sau : nếu giả sử các hàm s(t) và g(t) ổn định, nghĩa là tiến tới giới hạn s và g, thì hàm số β(t) cũng tiến tới một giới hạn β sao cho  β = s/g. Công thức này, gọi là công thức Harrod-Domar-Solow (viết tắt HDS) được chứng minh bằng một phương pháp « sơ đẳng » ở trang 268, « song với điều kiện là giá của các tích sản bình quân diễn biến như là giá cả tiêu dùng trong một thời gian dài hạn ». Về sự hội tụ của s(t) và g(t), Piketty dẫn phần phụ lục kỹ thuật, trong đó dẫn bài báo [PZ], bài báo này đưa ra những ví dụ ổn định với những giả thiết về các hàm số sản xuất (Cobb-Douglas, vv.) hay là về bản chất thị trường (mô hình có một hay hai sản phẩm, vv.). Trong bài viết, ta đã thấy rằng, tuy công thức HDS thuộc loại hình tiệm cận và có những giả thiết về ổn định, Piketty vẫn dùng công thức này để nghiên cứu động lực của β(t) trong trường hợp có « bậc thang » (dường như thế), nghĩa là hàm số ổn định ở mỗi bậc thang, nhưng từ bậc này lên bậc kia, có thể biến thiên lớn. Để giải quyết chỗ bất tiện này, xin đề nghị là, trong trường hợp này (đây là một quan sát thực nghiệm), ta sẽ dùng toán học để nghiên cứu động β(t), như vậy sẽ có cơ sở chính xác cho phương pháp luận của Piketty, mà không phải vướng víu với những điều kiện thêm thắt về kinh tế (tất nhiên những điều kiện này không vô dụng : nhờ đó mà người ta đã thiết lập được tình huống « có thềm bậc thang » dù không biết tại sao sự thể lại diễn ra như vậy ; đây cũng là vấn đề của các bộ môn khoa học thực nghiệm).

Xuất phát từ các định nghĩa, ta chỉ cần tính đạo hàm là chứng minh được rằng trong khoảng thời gian J, hàm số β(t) là nghiệm của phương trình vi phân tuyến tính cấp một :

 β'(t) = s(t) – β(t)g(t) (*)

Như đã nói trong bài, ta có thể thu hẹp vào trường hợp hàm β(t) là đồng biến và bị chặn trên trong một khoảng thời gian J đã cho. Đó là những giả thiết duy nhất mà ta cần.

Sự đồng biến của β(t) có nghĩa đạo hàm của nó là dương, tức là s(t) ≥ β(t)g(t)  với mọi t ở trong J, hay là  s(t)/g(t) ≥  β(t) nếu g(t) không bằng 0. Sau đó, ta mặc nhiên loại ra khỏi J những điểm t mà g(t) = 0 – điều này không tác động tới bài toán nếu tập hợp các zéro này của g là một tập hợp mà « độ đo » bằng không. Bởi vì β'(t)/β(t) = C'(t)/C(t) – R'(t)/R(t), sự đồng biến của β(t) có nghĩa là γ(t) ≥ g(t), trong đó γ(t) là tỉ suất tăng trưởng C'(t)/C(t) của tư bản, nói khác đi, tư bản tăng nhanh hơn thu nhập quốc gia. Như thế ta đã chứng minh được những bất đẳng thức nói trong bài, phần I.1. Các bậc thang hay các điểm uốn diễn ra tại những thời điểm τ tại đó đạo hàm triệt tiêu, tức là s(τ) – β(τ)g(τ) = 0.

Nếu giả thiết thêm là β(t) bị chặn trong đoạn J, thì nhất thiết nó có một đường tiệm cận, nghĩa là nó ắt phải hội tụ tới một giới hạn mà ta kí hiệu là β ; đường tiệm cận là một đường thẳng mà độ dốc bằng 0, nên đạo hàm β'(t) ắt phải tiến về zéro, do đó, theo phương trình (*), tỉ số  s(t)/g(t) cũng tiến tới giới hạn β. Sự hội tụ này của tỉ số, tiên thiên, không cho phép ta nói gì về sự hội tụ riêng rẽ của s(t) và g(t), nhưng nếu ta giả sử là một trong hai hàm số ổn định (nghĩa là tiến tới một giới hạn) thì hàm số kia cũng ổn định, và chúng ta tìm lại được công thức HDS.

Nhưng động lực thực thụ của β(t), kể cả ở bên ngoài các bậc thang, được mô tả bởi phương trình (*), độc lập với mọi giả thiết về β(t). Lấy tích phân của phương trình (*) bằng những phương pháp thông dụng, và để ý rằng log R(t) là một nguyên hàm của g(t), và lấy 0 là thời điểm đầu,  ta có biểu thức « động lực » – cũng không dễ khai thác – của tỉ suất tư bản / thu nhập : 

β(t) = (1/R(t)).{β(0)R(0) + 0t((s(τ)/g(τ)dR} (**)

Lưu ý : ta có thể tìm ra phương trình này một cách trực tiếp (và nhanh hơn) nếu đi từ định nghĩa :

R(t)β(t) = C(t) = C(0) + 0t C'(τ)dτ = C(0) + 0t ((s(τ)/g(τ))R'(τ)dτ

Khi lấy tích phân từng phần, ta còn thấy là phương trình động lực (**) có liên quan tới d(s/g), tức là tới các đạo hàm cấp hai của R và C, hai đại lượng này cho đến nay không thấy xuất hiện trong những đo đạc thống kê (xem nhận xét ở phần đầu của I.3).       

Tuy nhiên, ta có thể loại bỏ mọi giả thiết về ổn định bằng cách thay thế các giá trị tiệm cận (không phải lúc nào cũng tồn tại) bằng giá trị trung bình của các hàm số liên quan. Thật vậy, hãy quay trở lại giả thiết một hàm số β(τ) bị chặn trên trong quãng thời gian J = [0, t[. Theo phương trình (*), giá trị trung bình trong quãng J của hàm số s(τ) – β(τ)g(τ) là bằng (1/t).(β(t) – β(0)), vậy giả thiết về β(τ) có hệ quả là giá trị trung bình này tiến tới zéro khi t tăng tới vô cực, nói khác đi, các giá trị trung bình của β(τ) và của s(τ)g(τ) là bằng nhau về dài hạn. Nếu ta giả thiết thêm là tỉ suất tăng trưởng g(τ) bị chặn dưới (tức là trường hợp đề cập trong sách trong suốt thời kỳ dài), thì các giá trị trung bình của s(τ)/g(τ) bằng nhau, nói khác đi, công thức HDS có giá trị về mặt dài hạn và tính theo trung bình, mà không cần có thêm một giả thiết ổn định nào cả.



Sách báo tham khảo :

[AE] «Alternatives Economiques» : Inégalités, la révolution Piketty, numéro 336, juin 2014

[B] R. Boyer : Le Capital au 21ème siècle - De l’analyse historique comparative à une théorie du capitalisme ? , Exposé EHESS, Paris, 21/05/2014

[H] M. Husson : Le Capital au 21ème siècle – Richesse des données, pauvreté de la théorie, Contretemps, 10/02/2014

[J] P. Jorion : Marx et la baisse tendancielle du taux de profit, Press Lib’, 25/11/2010

[K] A. Koestler : Les Somnambules, Livre de Poche, 1967

[P] T. Pech : Le Temps des Riches – Anatomie d’une Sécession, Seuil, 2011

[PZ] T. Piketty, Zucman : Capital is back – Wealth-income ratios in rich countries, 1700-2010, Paris School of Economics, 2013

[So] R. Solow : Thomas Piketty is right, New Republic, 22/04/2014

[St] J. Stiglitz : Inequality is not inevitable, NY Times, 07/07/2014



* Trung bình (moyenne) và trung vị (médiane) : thí dụ thu nhập trung bình là 2 500 € và thu nhập trung vị 2 000 €. Để tính ra thu nhập trung bình : người ta tổng cộng thu nhập của mọi người trong nước, rồi chia tổng số đó cho số dân. Thu nhập trung vị 2 000€ có nghĩa là : số người có thu nhập từ 2 000 €/tháng trở lên là một nửa dân số và 50% số dân còn lại, có thu nhập hàng tháng thấp hơn 2 000 €.



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us