Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Đường dài mới hay sức ngựa

Đường dài mới hay sức ngựa

- Cổ Ngư — published 02/12/2013 00:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19

Cổ Ngư


Đường dài mới hay sức ngựa



Cứ sau chu kỳ mười hai năm, khi con ngựa mời con rắn về vườn để lên ngôi « trị vì thiên hạ », người Việt lại nhắc nhở nhau một câu sấm tương truyền của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm :

Long vĩ, Xà đầu, khởi chiến tranh,
Can qua, xứ xứ khổ đao binh,
Mã đề, Dương cước, anh hùng tận
Thân, Dậu, niên lai, kiến thái bình

Nhưng lại ít ai biết đến những câu sấm khác cũng liên quan đến loài ngựa mà người ta cho rằng tác giả của chúng cũng là cụ Trạng Trình :

Lê tồn, Trịnh tại,
Lê bại, Trịnh vong.
Bao giờ ngựa đá sang sông
Thì dân Vĩnh Lại quận công cả làng.
Rồng bay, năm vẻ sáng ngời
Rắn qua, sửa soạn hết đời sa tăng,
Ngựa hồng, quỷ mới nhăn răng,
Cha con dòng họ thầy tăng hết thời
Rồng nằm bể cạn dễ ai hay,
Rắn mới hai đầu khó chịu thay,
Ngựa đã gác yên không người cưỡi,
Dê không ăn lộc ngoảnh về Tây.

Nhìn ra thế giới, việc thuần hoá ngựa đã được loài người xem như một kỳ tích vẻ vang và thơ mộng. Không như những gia súc khác, được nuôi để lao động hoặc/và dùng làm thực phẩm, ngựa có một chỗ đứng riêng, bên cạnh các kỵ sĩ trong những trang sử hào hùng Ðông-Tây thuở trước hay tại các trường đua, các cuộc săn bắn, tranh tài thể thao ngày nay. Hình ảnh của ngựa đã được ghi lại trên vách động đá bằng nét vẽ của những hoạ sĩ tiền sử vô danh. Trải nhiều ngàn năm, từ hình ảnh « con ngựa gỗ thành Troie » trong trường thi Iliade của Homère thời Hy Lạp cổ đại, qua các ca khúc rộn rã « Ngựa phi đường xa », « Vó câu muôn dặm » của hai nhạc sĩ Việt Nam Lê Yên và Văn Phụng, đến bộ phim « Ngựa chiến » của đạo diễn Hoa Kỳ Steven Spielberg, không biết bao nhiêu thơ, văn, nhạc, hoạ, tượng đồng, bia đá, phim ảnh đã ghi lại dấu vết của ngựa, trong cuộc sống chung đụng với loài người. Vậy mà, trong thế giới truyện tranh và phim hoạt hoạ, ngựa hình như không có một chỗ đứng thích đáng. Có lẽ do bộ vó kềnh càng chăng ? Hay do bản chất kiêu hùng, dũng mãnh, ngựa ta, thêm một lần nữa, lại chẳng thèm xếp chung hàng với bọn chuột, chó, mèo, heo, thỏ ?


horsecollar


Trước tiên, như thường lệ, xin mời độc giả vào thăm chuồng ngựa của hãng Disney. Walt Disney, cha đẻ của chuột Mickey, vịt Donald và hàng trăm nhân vật của nhiều phim hoạt hoạ dài ngắn nổi tiếng. Mickey, chú chuột nhỏ thông minh và nhanh nhẹn, ứng phó giỏi trong mọi trường hợp, lại rất tốt bụng, là một « siêu thử » của làng hoạt hoạ. Walt Disney giới thiệu đến khán giả cặp chuột Mickey - Minnie lần đầu tiên trong bộ phim « Steamboat Willie » vào tháng 11.1928. Từ đó, cặp chuột này dần dần có thêm bạn bè, như bò cái Clarabelle (1928), ngưạ Horace (1929), chú chó trung thành Pluto (1930), chó đần Dingo (1932), gà mái Clara (1934), chàng vịt càu nhàu Donald (1934), chưa kể kẻ thù không đội trời chung của cả bọn : tên sói Pat Hibulaire, đã xuất hiện từ những phim đầu tiên của Walt (1925), bên cạnh cô bé Alice và chú thỏ may mắn Oswald. Mặc dù xuất hiện rất sớm, nhưng cặp tình nhân bò Clarabelle-ngựa Horace lại không nổi tiếng gì mấy. « Tính cách nhân vật » của cặp này cũng rất mờ nhạt. Bò Clarabelle ngây thơ, thích nghe lời đường mật, còn ngựa Horace nhút nhát và khờ khạo. Có lẽ vì vậy mà cặp bò-ngựa này đã để Pluto, Dingo và nhất là Donald lấn lướt chăng ? Tuy nhiên, không như một loạt nhân vật của Disney chỉ xuất hiện trong một vài phim rồi biến mất, bò Clarabelle và ngựa Horace vẫn tiếp tục đánh bạn với Minnie và Mickey trong truyện tranh và phim hoạt hoạ, từ khi được chào đời cho mãi đến gần đây, thí dụ như trong các bộ phim ngắn « Bài hát Giáng Sinh của Mickey » (1983) phỏng theo truyện kể của Charles Dickens hoặc « Hoàng tử & kẻ nghèo khó » (1990), phỏng theo truyện kể của Mark Twain. Horace cũng xuất hiện đây đó trong các trò chơi điện tử có Mickey là nhân vật chính.


hercule-pegase

Hercule -Pegase


Ngoại trừ ngựa Horace, đã được nhân cách hoá, đi bằng hai chân, nói năng suy nghĩ như người, những chú ngựa khác, xuất hiện trong các phim hoạt hoạ hoặc truyện tranh của Disney, thường là nhân vật phụ, mờ nhạt, lại thực hiện rất đúng chức năng của nòi ngựa : chuyên chở. Có thể kể đến chú ngựa Widowmaker, vì ghen tức, đã đá văng cô bồ Slue Foot Sue của chủ mình là chàng cao bồi Pecos Bill lên đến tận... mặt trăng (« Mélodie Cocktail » - 1948), chú ngựa Cyril Proudbottom có chủ là chàng Cóc giàu xụ mê xe hơi (« Ao ếch nhái » - 1949), chú ngựa già Major hiền lành của nàng Lọ Lem (« Lọ Lem » - 1950), chàng ngựa bạch bờm đen lực lưỡng Samson của hoàng tử dũng cảm và chung tình Philippe (« Người đẹp ngủ trong rừng » - 1959), bộ ba Ðại uý Ngựa đua, Ðại tá Chó xồm và Trung sĩ Mèo Tibs, góp công lớn trong việc giải cứu bầy chó đốm (« 101 con chó đốm » - 1961), cô ngựa yểu điệu Frou-Frou, dân parisienne chính gốc (« Những nhà quý tộc mèo » - 1970), chú ngựa thồ Philippe (« Người Đẹp và con Quái » - 1991), chú ngựa bay thần thoại Pégase, bạn đường từ thời thơ ấu của dũng sĩ Hercule (« Hercule » - 1997), chàng ngựa ô Khan, đã cùng rồng đỏ Mushu và dế mèn Cri-Kee theo Mộc Lan trong suốt cuộc chiến đấu chống quân Hung Nô (« Mộc Lan » - 1998), hoặc chú ngựa giỏi võ Thiếu Lâm Buck trong bộ phim « Nông trại nổi loạn » (2004), một trong những bộ phim cuối cùng của hãng Disney, sử dụng phương pháp cổ điển của hoạt hoạ hai chiều. Cũng phải nên nhắc đến gia đình ngựa trời Pégase, các bé kỳ lân (licorne, ngựa một sừng) và bầy nhân mã đầu người mình ngựa của thần thoại Hy Lạp - La Mã đã xuất hiện trong đoạn phim « Khúc nhạc đồng quê » (nhạc L.v.Beethoven) của bộ phim nổi tiếng « Fantasia » (1940), kết hợp thật hài hoà giữa âm nhạc và hoạt hoạ.


mulan pegase

Bước vào kỷ nguyên hoạt hoạ ba chiều, xuất hiện ngay chú ngựa-đồ chơi Pile Poil, có mặt trong phần thứ nhì và ba của bộ phim vẽ bằng hình ảnh tổng hợp (image de synthèse) « Chuyện đồ chơi » (2000 - 2010), sản phẩm chung của hai hãng Disney và Pixar. Ở phần thứ ba của bộ phim này, còn có thêm chú kỳ lân trắng Cúc Áo Vàng. Tiếp sau đó, có chàng bạch mã Maximus thích đánh hơi và ngoe nguẩy đuôi như… chó, ghét đạo tặc nhưng lại mềm lòng trước lời dịu ngọt của nàng Raiponse (« Tóc tiên » - 2010), chàng ngựa ô dũng mãnh Angus, bạn thân của nàng công chúa « nổi loạn » Mérida (« Rebelle » - 2012).


Pile Poil

Pile Poil



maximus

Maximus - Raiponse


bouriquet

Bourriquet - Winnie - Tigrou - Porcinet

Nếu ngựa để lại nhiều hình ảnh đẹp trong trí nhớ mọi người, thì trái lại, người anh em họ của ngựa, chú lừa, lại thường bị chê cười vì sự khờ khạo và nhất là thói lì lợm. Thế nhưng, trong thế giới Disney, những chú lừa xuất hiện đây đó lại thường rất hiền và dễ thương, đó là chú lừa có cánh Burrito, cùng với chủ là bé Gauchito tham gia một cuộc đua... ngựa và thắng giải vẻ vang (« Ba chàng hát rong » - 1945), chú lừa xám hiền lành Bé Con cùng với Thánh Gia đón chào Chúa Hài Ðồng giáng sinh (« Bé Con » - 1978), và, được biết đến nhiều nhất, là chú lừa lù khù Bourriquet, hiền lành nhút nhát nhất trong đám bạn bè của gấu con Winnie, có chiếc đuôi bị đứt, phải dán vào người bằng... đinh ! (« Gấu con Winnie » - nhiều phim dài ngắn, từ 1966 đến 2011). Tuy vậy, cũng có trường hợp ngoại lệ : nhiều trẻ em xem bộ phim « Chú bé người gỗ Pinocchio » (1940, dựa theo truyện của nhà văn Ý Carlo Collodi) đã hoảng sợ khi thấy bọn trẻ con hư đốn hoá thành lừa sau khi bị dụ dỗ đến ăn uống, hút sách, phá phách tại đảo Vui Thú.

Rời thế giới Disney, chúng ta thử đi tìm những chú ngựa khác của truyện tranh và phim hoạt hoạ. Chẳng có bao nhiêu, và cũng thường chỉ là những nhân vật phụ, không tên, dù ngựa xuất hiện rất nhiều, bên cạnh những hiệp sĩ của Âu châu thời cổ đại Hy Lạp - La Mã và trung cổ (loạt truyện « Alix » của hoạ sĩ J.Martin & Ch.Simon, « Thorgal » của hoạ sĩ Rosinski & van Hamme, « Vae Victis! » của hoạ sĩ Rocca & Mitton...), những chàng cao bồi và « da đỏ » miền viễn tây Hoa Kỳ (loạt truyện « Chick Bill » của hoạ sĩ Tibet, « Mister Blueberry » của hoạ sĩ Charlier Giraud, « Ðồng phục xanh - Les tuniques bleues » của hoạ sĩ Salvérius, Willy Lambil & Cauvin, « Chinaman » của hoạ sĩ Taduc & Le Tendre...) hoặc những gã thực dân đi xâm chiếm thuộc địa (« Zoulouland » của hoạ sĩ Ramaïoli), hay anh hùng bịt mặt Zorro chẳng hạn. Xin liệt kê ra đây một vài tuấn mã nổi tiếng nhất trong bọn :

petit tonnerre

petit tonnerre

JOLyjUMPERJolly Jumper, chú ngựa bạch bờm vàng thông minh đã cùng chàng cao bồi lãng tử « bắn nhanh hơn bóng mình » Lucky Luke lang thang khắp vùng viễn tây Hoa Kỳ « trừ gian diệt bạo » (hoạ sĩ Morris & Goscinny).

Bạch mã và dê đen Briquette cùng theo hai hiệp sĩ Johan & Pirlouit trong những cuộc phiêu lưu hành hiệp của Âu châu thời trung cổ (hoạ sĩ Peyo).

Ngựa lang Sấm nhỏ (Petit Tonnerre), bạn đường của chú bé « da đỏ » Yakari (hoạ sĩ Derib & Job).

Ngựa ù Bươm bướm (Papillon) của bé cao-bồi Bull Dozer (hoạ sĩ Delinx & Rhuys).

madagascar

Marty


spirit Mãi đến năm 2002, hãng phim DreamWorks mới đưa nòi ngựa lên vị thế xứng đáng của nó bằng một bộ phim hoạt hoạ tôn vinh loài vật này (Kelly Asbury và Lorna Cook). Bộ phim kể về cuộc đời của chú ngựa hoang Spirit yêu tự do, thích rong ruổi trên những cánh đồng cỏ bạt ngàn của vùng Bắc Mỹ hơn là khom lưng bó gối quy phục dưới bộ yên cương của con người. Bên cạnh nhân vật chính Spirit, còn có ngựa mẹ Isabelle và « bóng hồng » của nàng ngựa Dòng sông, đã ảnh hưởng rất lớn đến những quyết định quan trọng của Spirit.

Thời phim hoạt hoạ ba chiều, DreamWorks ngày càng lớn mạnh và trở nên một đối thủ đáng gờm của tổ hợp Disney-Pixar. Trong số những nhân vật mới xuất hiện đã trở nên nổi tiếng khắp nơi của DreamWorks, người ta thấy có chú ngựa vằn playboy Marty trong bộ tứ : sư tử Alex, ngựa vằn Marty, hươu cao cổ Melman và trâu nước Gloria trong bộ phim nhiều tập « Madagascar » (2005-2008-2012, Eric Darnell & Tom McGrath) và chú Lừa tiếu lâm hay lý sự, lại phải lòng nàng… rồng cái trong các bộ phim về ông kẹ Shrek (« Shrek » (2001-2004-2007-2010), Andrew Adamson & Vicky Jenson).

Ở Nhật Bản, trong hàng ngàn nhân vật của truyện tranh, phim hoạt hoạ và trò chơi điện tử « Pokemon » (Satoshi Tajiri), có chú ngựa lửa nhỏ thó Ponyta, sau nhiều thử thách, có thể hoá thân thành tuấn mã Galopa.


ponita-galopa


Tương tự trường hợp của cô mèo trắng Hello Kitty, bầy ngựa nhựa mềm đủ màu Little Pony – Petit Poney, với bờm cùng đuôi dài thậm thượt và uốn lượn loăn xoăn, đã bước từ thế giới đồ chơi của hãng Hasbro vào các bộ phim hoạt hoạ truyền hình và màn ảnh lớn (từ 1986 đến 2013), cũng như sách truyện và trò chơi điện tử.


petit poney


Ngoài ra, cũng nên nhắc đến chú lừa xám Gris-gris trong bầy gia súc của đôi trẻ Sylvain & Sylvette (hoạ sĩ J.L.Pesch) và chú lừa Trotro trong loạt phim truyền hình Pháp 78 tập, mỗi tập dài 4 phút dành cho trẻ em dưới 5 tuổi, với cơ man nào là lừa và lừa : Bố, Mẹ, Boubou, Lili, Nana... (Bénédicte Guettier, Eric Cazes & Stéphane Lezoray)

Ðể kết thúc bài viết ngắn này, trước thềm năm mới, không gì hay hơn bằng cách xin kính chúc quý độc giả một năm Giáp Ngọ « Mã đáo thành công » trên mọi phương diện.


Cổ Ngư

Thiais 12.2013



Tài liệu tham khảo


« Encyclopedia of Walt Disney's animated characters »-John Grant- nxb Hyperion-1998

« Dictionnaire encyclopédique des héros et auteurs de BD »-Henri Filippini-nxb Glénat-1999

http://fr.wikipedia.org/wiki/Horace_Horsecollar

http://fr.wikipedia.org/wiki/Spirit,_l%27%C3%A9talon_des_plaines

http://fr.wikipedia.org/wiki/DreamWorks_Animation



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us