Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Hai Nhà nước Việt Nam và Chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa

Hai Nhà nước Việt Nam và Chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa

- Thái Văn Cầu — published 11/05/2013 02:35, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18


Hai Nhà nước Việt Nam
và Chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa


Thái Văn Cầu



Tại Hội thảo quốc tế về tranh chấp Biển Đông ở New York với sự tham gia của học giả, quan chức từ Việt Nam, Trung Quốc, Singapore, Mỹ, giữa tháng Ba vừa qua, quan chức Trung Quốc trích dẫn Công hàm Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (VNDCCH) Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Cộng hoà Nhân dân Trung hoa (CHNDTH) Chu Ân Lai năm 1958 như bằng chứng Việt Nam công nhận chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa thuộc Trung Quốc 1.

Trong hơn một thập niên nay, học giả người gốc Hoa và quan chức Trung Quốc nhiều lần đề cập đến Công hàm 1958 với cùng nhận định 2.

Qua nghiên cứu phổ biến năm 1996, chuyên gia luật quốc tế người Pháp phủ nhận giá trị pháp lý của Công hàm 1958 trên cơ sở hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa, kể từ Hội nghị Geneva mùa Hè năm 1954 cho đến cuối tháng tư năm 1975, hoàn toàn thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng hoà (VNCH), chính quyền ở phía Nam vĩ tuyến 17. Một số chuyên gia luật quốc tế khác đưa ý kiến bác bỏ nguyên tắc ngăn chặn (estoppel) có thể được viện dẫn từ Công hàm 1958 3.

Mục đích của bài viết này là để trả lời câu hỏi, có chăng hai Nhà nước (States) Việt Nam hiện hữu trong 20 năm trước khi khai sinh Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN), và để xét đến một số vấn đề nóng bỏng liên hệ đến chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa.


1. Hai Việt Nam ?


Hội nghị Geneva 1954, với sự tham dự của Trung Quốc, Liên Xô, Pháp, Anh, Mỹ, và ba nước Đông Dương, đưa đến việc ký kết Hiệp định phục hồi hoà bình trên bán đảo Đông Dương. Điều 7 trong Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị nói, hai miền Bắc và Nam Việt Nam tổ chức bầu cử tự do, dưới sự giám sát của quốc tế, vào tháng 7 năm 1956, để thống nhất đất nước. Cuộc bầu cử năm 1956 không xảy ra như quy định 4.

Tháng Một năm 1957, Liên Xô đề nghị Liên hiệp quốc thu nhận VNDCCH và VNCH làm thành viên.

Liên Xô lập luận, “ở Việt Nam hai Nhà nước riêng biệt hiện hữu, khác biệt trong cấu trúc chính trị và kinh tế. Do đó, thống nhất qua bầu cử trở thành xa vời đối với Việt Nam như trong trường hợp nước Triều Tiên hay nước Đức5.

Không muốn công nhận VNCH, VNDCCH phản đối đề nghị của Liên Xô 6.

Khi Liên hiệp quốc tuyên bố VNCH hội đủ điều kiện gia nhập và đa số thành viên trong Đại hội đồng biểu quyết thu nhận VNCH vào LHQ, Liên Xô dùng quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an LHQ để ngăn chặn 7.

Tháng 9 năm 1958, Mỹ đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc thu nhận VNCH làm thành viên; một lần nữa, Liên Xô dùng quyền phủ quyết để ngăn chặn 8.

Tháng 8 năm 1975, sau khi VNCH ngừng hiện hữu, Cộng hoà Miền Nam Việt Nam (CHMNVN), chính quyền ở phía Nam vĩ tuyến 17, và VNDCCH nộp đơn gia nhập LHQ. Mặc dù ở Đại hội đồng LHQ, có 123 nước ủng hộ, không có nước chống đơn gia nhập của CHMNVN và VNDCCH, Mỹ dùng quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an LHQ để ngăn chặn 9.

Từ cuối năm 1975 cho đến tháng 7 năm 1976, chính phủ CHMNVN và VNDCCH tổ chức Hội nghị Hiệp thương chính trị, tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung cho cả nước, khai sinh Nhà nước CHXHCNVN.

Tháng 9 năm 1977, CHXHCNVN chính thức gia nhập LHQ 10.

Trước sự kiện Mỹ dùng quyền phủ quyết năm 1975, Trung Quốc tuyên bố hành động ngăn chặn hai Nhà nước CHMNVN và VNDCCH gia nhập LHQ là “sự vi phạm toàn diện các quy định rõ rệt của Hiến chương LHQ và các nghị quyết liên quan của Đại hội đồng11.

Phản ứng của Trung Quốc cho thấy chính Trung Quốc cũng công nhận, từ Hội nghị Geneva 1954 cho đến muà Hè năm 1976, Việt Nam có hai Nhà nước riêng biệt: VNCH/CHMNVN và VNDCCH. CHMNVN khai sinh năm 1969.

Để phản ánh quan điểm trên, Trung Quốc đề nghị lập quan hệ ngoại giao với VNCH sau Hội nghị Geneva năm 1954 và sau Hội nghị Paris năm 1973. VNCH không đáp ứng đề nghị của Trung Quốc 12.

Phản ứng không thuận lợi của Liên Xô hay Mỹ, ở mỗi giai đoạn khác nhau, ngăn chặn nỗ lực gia nhập LHQ của VNCH/CHMNVN và VNDCCH trong một thời gian dài.

Tuy nhiên, hành động ngăn chặn hay không công nhận của một vài nước không thể phủ nhận sự hiện hữu của hai Nhà nước trên đất nước Việt Nam trong hơn hai thập niên, như tổ chức LHQ và Điều 3 của Công ước Montevideo 1933 khẳng định 13.

Những dữ kiện lịch sử vừa nêu chứng minh rõ ràng hai điểm sau :

1. Trong giai đoạn 1954-1976, có hai Nhà nước riêng biệt, cùng hiện hữu trên đất nước Việt Nam, ngăn cách bởi vĩ tuyến 17.

2. Cộng đồng thế giới nói chung, Trung Quốc, Liên Xô, và Mỹ nói riêng, công nhận thực tế này.


2. CHXHCNVN “công nhận” VNCH ?


Có tác giả so sánh Công hàm 1958 của VNDCCH với Công hàm 1953 của Johor trong vụ kiện tranh chấp cụm đảo Pedra Branca trước Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) giữa Malaysia và Singapore và đề nghị CHXHCHVN “công nhận” VNCH nhằm làm tăng “tính thuyết phục của việc viện dẫn các tuyên bố và hành động chủ quyền của VNCH về Hoàng Sa, Trường Sa14.

Chứng cứ lịch sử và pháp lý cho thấy:

Vốn là thuộc địa của Anh, Malaysia và Singapore lần lượt giành độc lập năm 1957 và 1965; Johor là một trong 13 bang thuộc Malaysia.

Trong phán quyết về Pedra Branca năm 2008, ICJ cho rằng Johor có chủ quyền đối với Pedra Branca cho đến giữa thế kỷ XIX.

Khi Singapore nêu câu hỏi về Pedra Branca năm 1953, quan chức Johor trả lời Pedra Branca không thuộc quyền sở hữu của chính quyền Johor.

ICJ cho rằng Johor đưa quan điểm rõ ràng về chủ quyền Pedra Branca qua Công hàm 1953.

Dựa trên phương cách hành xử chủ quyền của Singapore trong giai đoạn 1953-1980 và dựa trên sự thiếu vắng hoạt động hành xử chủ quyền của Johor và của Malaysia, đối với Pedra Branca trong hơn 100 năm, kể từ giữa thế kỷ XIX, ICJ kết luận ở thời điểm năm 1980, khi Malaysia và Singapore chính thức khởi kiện, chủ quyền Pedra Branca thuộc về Singapore 15.

Khác biệt giữa Công hàm 1953 của Johor và Công hàm 1958 của VNDCCH:


1. Về Công hàm 1953 của Johor :


-ICJ kết luận, dựa trên chứng cứ lịch sử, Pedra Branca thuộc chủ quyền của Johor cho đến giữa thế kỷ XIX.

-Johor không hành xử chủ quyền đối với Pedra Branca trong hơn 100 năm sau đấy.

-Công hàm 1953 của quan chức Johor phủ nhận chủ quyền Pedra Branca thuộc Johor.

-Trong gần 30 năm sau khi có Công hàm 1953, Singapore hành xử chủ quyền một cách hoà bình đối với Pedra Branca trong khi Malaysia không có hành xử nào đáng ghi nhận.


2. Về Công hàm 1958 của VNDCCH :


-Quốc gia Việt Nam (QGVN) và Nhà nước kế thừa, VNCH, luôn luôn khẳng định và hành xử chủ quyền một cách hoà bình đối với Hoàng Sa-Trường Sa 16.

-Từ khi khai sinh cho đến cuối năm 1975, VNDCCH không đòi chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa. Công hàm 1958 và tuyên bố của quan chức VNDCCH ra đời trong bối cảnh này.

-Vì cộng đồng thế giới công nhận sự hiện hữu của hai Việt Nam, VNCH và VNDCCH, và vì Hoàng Sa-Trường Sa thuộc quyền quản lý của VNCH, mọi tuyên bố hay cam kết, nếu có, của VNDCCH, trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa không có giá trị pháp lý.

-CHMNVN, khai sinh năm 1969 và ngừng hiện hữu năm 1976, trực tiếp hay gián tiếp, khẳng định chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa, trước và sau khi VNCH ngừng hiện hữu 17.

Sự hiện hữu của hai Nhà nước Việt Nam và sự khác biệt trong bản chất giữa Công hàm 1953 và Công hàm 1958 cho thấy việc CHXHCNVN “công nhận” VNCH vì Hoàng Sa-Trường Sa là không cần thiết.


3. Pháp “sao lãng” hành xử chủ quyền đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa ?


Có tác giả cho rằng Pháp “chỉ chiếm nhóm đảo Trăng Khuyết trong quần đảo Hoàng Sa, ở đó họ đã xây dựng một căn cứ quân sự, trạm khí tượng, và đài phát thanh vào năm 1937”; Pháp “sao lãng” hành xử chủ quyền đảo Phú Lâm trong giai đoạn gần giữa thế kỷ XX 18.

Chứng cứ lịch sử và pháp lý cho thấy:

Hai nhóm An Vĩnh (trong đó có đảo Phú Lâm) và nhóm Trăng Khuyết, thuộc Hoàng Sa, có hơn 30 đảo, đá.

Nhà địa dư người Hà Lan, trong bộ đại từ điển gần 200 năm trước, nói như sau, “Hoàng Sa là một nhóm đảo trong Biển Nam Hải, thuộc An Nam, bao gồm các đảo đá, và đầy rừng. Biển vùng này nhiều cá đến nỗi người An Nam ra đây bắt cá hàng năm. Những đảo chính là đảo Cây, Woody, Rocky, Amphitrite, Lincoln, Pattles, Roberts, Money, Duncan, Passookeah, Drummonds và Triton.” Woody là tên quốc tế của đảo Phú Lâm 19.

Khoảng những năm đầu thập niên 1920, Pháp thường xuyên cho tàu tuần hành khu vực Hoàng Sa, từng khám xét tàu Nhật chuyên chở phốt phát từ đảo Phú Lâm, như ghi nhận của tác giả người Pháp:

Khi được thẩm vấn, người Nhật Bản cầm đầu doanh nghiệp này nói rằng đại diện của công ti Mitsui Bussan Kaisha của họ đâu dám tự tiện tiến hành việc khai thác vào cuối năm 1920 mà không thông báo trước cho Tư lệnh Hải quân Sài Gòn, và vị tư lệnh này, đứng về quan điểm quân sự, đã không thấy cần thiết ra lệnh cấm đoán... chính quyền Pháp đã thấy không cần thiết phải hủy bỏ sự cho phép hầu như chính thức mà tư lệnh Hải quân đã cung cấp một cách hơi dễ dãi, (vì) người Nhật đã hành xử đúng phép tắc đối với nhà chức trách Pháp và họ không hề phủ nhận quyền của Pháp đối với các đảo Hoàng Sa.20

Tháng 3 năm 1925, Toàn quyền Đông Dương tuyên bố Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Pháp 21.

Từ giữa đến cuối thập niên 1920, nhiều đoàn khảo sát khoa học của chính quyền Đông Dương thực hiện nghiên cứu ở Hoàng Sa (và Trường Sa), bao gồm chuyến đi đến đảo Phú Lâm 22.

Tháng 6 năm 1938, Pháp cho xây trên đảo Phú Lâm “một đài khí tượng phòng mưa bão và một hoả đăng thường trực nhằm bảo đảm an toàn hàng hải23.

Trong những năm đầu Chiến tranh thế giới thứ hai, chính quyền Đông Dương tiếp tục quản lý đảo Phú Lâm nói riêng và Hoàng Sa-Trường Sa nói chung 24.

Cuối năm 1946 sang đầu năm 1947, quân đội Tưởng Giới Thạch đổ bộ lên Hoàng Sa-Trường Sa, dưới danh nghĩa giải giới quân Nhật. Khi quân Tưởng đến đảo Phú Lâm, Pháp phản đối. Chính quyền Tưởng bác bỏ đề nghị để quốc tế giải quyết của Pháp. Đầu năm 1950, quân Tưởng rút khỏi đảo Phú Lâm.

Tháng 10 năm 1950, sau khi ký kết Hiệp ước Elysée, Pháp chính thức trao quyền kiểm soát Hoàng Sa-Trường Sa cho QGVN.

Tháng 9 năm 1951, tại Hội nghị San Francisco, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao QGVN tuyên bố Hoàng Sa-Trường Sa thuộc Việt Nam. Các thành viên Hội nghị không phản đối tuyên bố của Việt Nam 25.

Trong cả ba hội nghị quốc tế ở Cairo, Potsdam, và San Francisco, tuyệt đại đa số những nước tham dự không xem Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Hoa. Hội nghị quy định Nhật phải trao trả các vùng đất đã chiếm đoạt trong chiến tranh cho nước sở hữu. Đại diện chính quyền Tưởng có mặt ở Cairo và Potsdam nhưng không phản đối quyết định của hội nghị 26.

Đầu năm 1956, nhân cơ hội Pháp chuẩn bị rời khỏi Đông Dương như quy định ở Hội nghị Geneva, quân đội CHNDTH chiếm đóng nhóm An Vĩnh; quân đội VNCH chiếm đóng nhóm Trăng Khuyết. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao VNCH tái khẳng định chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa 27.

Những chứng cứ trên chứng minh Pháp hành xử chủ quyền Hoàng Sa (và Trường Sa), bao gồm đảo Phú Lâm, ít nhất là từ đầu thập niên 1920 cho đến khi họ rời Đông Dương. Người Nhật và người Tàu đến đảo Phú Lâm để khai thác phốt phát khi đảo Phú Lâm không là "terra nullius" (đất vô chủ).


4. Đổi tên Nhà nước thành “VNDCCH” ?


Trong phong trào chỉnh sửa Hiến pháp 2013 hiện nay, có không ít ý kiến đề nghị đổi tên Nhà nước thành VNDCCH.

Vì Trung Quốc tích cực sử dụng Công hàm 1958 và tuyên bố của quan chức VNDCCH về Hoàng Sa-Trường Sa trong giai đoạn 1954-1975 để đánh lừa dư luận quốc tế và nhân dân Trung Quốc, một tên Nhà nước VNDCCH hay tương tự như CHDCVN, do không khác biệt đáng kể khi dịch sang tiếng nước ngoài, sẽ gây trở ngại rất lớn cho quá trình đấu tranh vì chủ quyền trên Biển Đông 28.

Một tên Nhà nước “Cộng hoà Việt Nam” (CHVN), như trong CHMNVN, chính quyền ở phía Nam vĩ tuyến 17 trong giai đoạn 1969-1976, từng trực tiếp hay gián tiếp khẳng định chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa, tạo nhiều thuận lợi hơn, so với tên Nhà nước VNDCCH hay CHDCVN, cho nỗ lực bảo vệ quyền lợi đất nước.


5. Hướng đi tới cho Việt Nam trước đe dọa của ngoại bang


Bài viết này góp phần giải đáp câu hỏi: Có chăng hai Nhà nước Việt Nam hiện hữu trong 20 năm trước khi khai sinh Nhà nước CHXHCNVN, và từ đấy, giải đáp các vướng mắc liên quan đến Công hàm 1958 cũng như mọi tuyên bố hay cam kết, nếu có, của VNDCCH trong giai đoạn trước năm 1975 về chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa.

Bài viết đồng thời phản biện một số quan điểm về chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa.

Trong giải quyết tranh chấp giữa hai nước, ICJ vẫn sử dụng nguyên tắc “quieta non movere” hay “không làm xáo trộn sự ổn định”. Theo nguyên tắc này, ICJ có thể đưa phán xét thuận lợi cho nước đang chiếm giữ một vùng đất, vùng biển, dù chủ quyền ban đầu không thiết lập rõ ràng, nhưng có hành xử thích hợp trong một thời gian lâu dài 29.

Việt Nam nên nhận thức rằng :

  1. Việc Trung Quốc khẩn trương thành lập thành phố hành chính Tam Sa để quản lý Hoàng Sa-Trường Sa, tổ chức du lịch ở Hoàng Sa, v.v. là đi sát với nguyên tắc “quieta non movere”, nhằm chứng minh với thế giới Trung Quốc đang hành xử chủ quyền “một cách hoà bình” đối với các đảo, vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam cho đến khi bị Trung Quốc chiếm đóng năm 1956, và chiếm đoạt bằng vũ lực năm 1974 và năm 1988.

  2. Sự leo thang xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc qua hành động cắt dây cáp, sách nhiễu, hành hung ngư dân, hay bắn vào tàu ngư dân hành nghề ở vùng biển cổ truyền của Việt Nam cho thấy phản ứng của Việt Nam, qua tiếp tục họp báo lên án, tiếp tục trao công hàm phản đối, v.v., trong nhiều năm nay, không khiến cho Trung Quốc lùi bước 30.
  3. Phương cách hành xử trong giai đoạn 1953-1980 đối với Pedra Branca của Singapore và Malaysia (nước ban đầu có chủ quyền đối với Pedra Branca), và quyết định của ICJ trao chủ quyền Pedra Branca cho Singapore năm 2008 là bài học có giá trị cho Việt Nam.

So với Trung Quốc, Việt Nam có chứng cứ lịch sử rõ ràng, có cơ sở pháp lý vững chắc đối với chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa.

Dựa trên quyết định của ICJ trong các trường hợp khác nhau, bài viết cho thấy việc kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp Hoàng Sa-Trường Sa gây nhiều bất lợi cho Việt Nam và tạo nhiều thuận lợi cho Trung Quốc.

Hơn bao giờ hết, lãnh đạo Việt Nam nên mạnh dạn chứng tỏ:

  1. bản lãnh và quyết tâm để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, trên cơ sở luật pháp quốc tế

  2. khả năng phát huy đại đoàn kết dân tộc để đối phó với đe dọa nghiêm trọng của ngoại bang, và để hình thành một xã hội dân sự, cần thiết cho sự phát triển bền vững của Việt Nam và sự tín nhiệm rộng rãi của cộng đồng thế giới
  3. chính sách đối ngoại minh bạch, rõ ràng, để xây dựng một khu vực Đông Nam Á hoà bình và ổn định

Lịch sử đang trông chờ.

Thái Văn Cầu




2 "China's War With Vietnam, 1979: Issues, Decisions, and Implications", King Chen, 1987, p. 46

  "Toward a New Framework for Peaceful Settlement of China's Territorial and Boundary Disputes", Junwu Pan, 2009, p. 172

Nansha indisputable territory, Li Jinming, 2011

Experts reject Vietnamese author's sovereignty claim over islands, Ling Yuhuan, 2012

3  La souveraineté sur les archipels Paracels et Spratleys, Monique Chemillier-Gendreau, 1996, p. 122

Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Từ Đặng Minh Thu, 2007

Giải pháp cho vấn đề Biển Đông, Tạ Văn Tài, 2010

Vietnam's Position on the Sovereignty over the Paracels & the Spratlys: Its Maritime Claim, Nguyễn Hồng Thao, 2012

Nhìn lại Công hàm Phạm Văn Đồng 1958, Duy Tân Joële Nguyễn, 2012

4 The major international treaties of the twentieth century, (II), John Ashley Soames Grenville, Bernard Wasserstein, 2001, p. 619

Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về Đông Dương, Đinh Phương, 2010

5 The Pentagon Papers: The Defense Department History of United States Decisionmaking on Vietnam, (I), Senator Gravel Edition, 1971, p. 247

The Vietnam Wars 1945-1990, Marilyn Young, 1991, p. 53

Article 4, United Nations, 1959

6 Vietnam and the Soviet Union: Anatomy of an Alliance, Douglas Pike, 1987, p. 42

7 Ho Chi Minh: A Life, William Duiker, 2000, p. 500

8 Foreign Relations of the United States, 1958–1960,

Volume II, United Nations and General International Matters, Document #27

12 La Chine et le réglement du premier conflit d'Indochine (Genève 1954), Francois Joyaux, 1979, p. 297

The China-Cambodia-Vietnam Triangle, Wilfred Burchett, 1981, pp. 36-37

“More Evidence of Beijing’s Betrayal”, Vietnam Courier, #7, 1981, p. 5

14 Công nhận VNCH vì biển đảo ngày nay?, Dương Danh Huy và cộng sự, 2013

16 White Paper on the Hoang Sa (Paracel) and Truong Sa (Spratly) Islands, Bộ Ngoại giao VNCH, 1975, p. 52

17 White Book: The Hoang Sa and Truong Sa Archipelagos-Vietnamese Territories, Bộ Ngoại giao CHXHCNVN, 1982, p. 14

18 Viet Nam, China, and the conflict in the Southeast Asean Sea, Jonathan London và Vũ Quang Việt, 2013

Bản dịch tiếng Việt : Việt Nam, Trung Quốc và Xung đột ở Biển Đông Nam Á, Jonathan London and Vũ Quang Việt, 2013

19 Algemeen aardrijkskundig woordenboek, Jacobus Van Wijk Roelandszoon, 1821, M-P, p. 862.

20 “A propos de iles Paracels”, P.A. Lapicque, Extreme-Asie - Revue Indochinoise illustrée #38, 1929, pp. 605-616

White Paper on the Hoang Sa (Paracel) and Truong Sa (Spratly) Islands, Bộ Ngoại giao VNCH, 1975, pp. 36-37

Sovereignty over the Paracel and Spratly Islands, Monique Chemillier-Gendreau, 2000, p. 104

21 Sovereignty over the Paracel and Spratly Islands, Monique Chemillier-Gendreau, 2000, p. 37

22 Oiseaux des Iles Paracels, J. Delacour & P. Jabouille, 1930, pp. 4-5

Contribution à l'étude des iles Paracels. Les phosphates, P. Maurice Clerget, 1932, pp. 12-15

23 “La question de Hainan et des Paracels”, Claudius Madrolle, Revue Politique Etrangère, Juin 1939, pp. 302-312

24 Vietnam's Sovereignty over the Hoang Sa and Truong Sa Archipelagoes, 1979,

Document #12, quyết định bổ nhiệm nhân viên trên đảo Phú Lâm vào tháng 8 năm 1941

25 Sovereignty over the Paracel and Spratly Islands, Monique Chemillier-Gendreau, 2000, pp. 39-41

26 Sovereignty over the Paracel and Spratly Islands, Monique Chemillier-Gendreau, 2000, pp. 119-120

Vietnam's Position on the Sovereignty over the Paracels & the Spratlys: Its Maritime Claim, Nguyễn Hồng Thao, 2012

27 Sovereignty over the Paracel and Spratly Islands, Monique Chemillier-Gendreau, 2000, pp. 42-43

29 Estoppel, Acquiescence and Recognition in Territorial and Boundary Dispute Settlement, Nuno Sergio Marques Antunes, 2000

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us