Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Hình ảnh Việt Nam qua thơ Đường

Hình ảnh Việt Nam qua thơ Đường

- Hồ Bạch Thảo — published 03/01/2009 01:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18

Hình ảnh Việt Nam
qua thơ Ðường


Hồ Bạch Thảo

Dưới thời nhà Ðường nước ta bị Trung Quốc đô hộ. Triều đại này đặt ra An Nam Ðô Hộ Phủ, đưa nhiều quan lại binh lính sang nước ta cai trị ; những sự việc về An Nam, Giao Chỉ cũng được ghi chép trong Bắc sử. Riêng về mặt thi ca, vốn nổi tiếng vào đời Ðường, đã lưu lại những thi phẩm viết về An Nam, và ngay thời đó cũng có những thi sĩ nổi tiếng từng đặt chân đến nước ta.

Một trong những cơ duyên đầu tiên khiến thi sĩ đời Ðường đến nước ta là do một cuộc đảo chính trong chốn cung đình. Bấy giờ Vũ Hậu trị vì, về việc chính trị tuy không dở, tuy nhiên nữ hoàng họ Vũ hoang dâm vô độ, sủng ái hai anh em đẹp trai nhà họ Trương : Xương Tông và Dịch Chi. Vào năm Thần Long thứ nhất [705], trong cuộc đảo chính, Trương Xương Tông và Trương Dịch Chi bị chém chết. Phe nổi dậy đòi hỏi Vũ Hậu phải từ chức và trả ngôi lại cho con trai là Ðường Trung Tông. Vị vua này trừng phạt những người đã từng kết giao với hai anh em nhà họ Trương, trong đó có hai thi sĩ nổi tiếng : Thẩm Thuyên Kỳ bị đày tại châu Hoan (tức Nghệ Tĩnh) và Ðỗ Thẩm Ngôn bị đày đến Phong Châu (Vĩnh Yên, Phú Thọ). Riêng về Thẩm Thuyên Kỳ chúng tôi đã có bài viết riêng (1), nay xin đề cập tiếp đến Ðỗ Thẩm Ngôn [648?- 708].

Họ Ðỗ là thi sĩ nổi tiếng thời sơ Ðường, ngang danh với Thẩm Thuyên Kỳ và Tống Chi Vấn. Ông thi đậu tiến sĩ, thơ hồn hậu, tinh thơ luật, riêng sở trường về lối thơ ngũ ngôn. Ông là tổ phụ của thi hào Ðỗ Phủ. Ðỗ Phủ từng ca tụng tổ phụ như sau : “ Tổ ta trùm về thơ cổ ” (Ngô tổ thi quán cổ).

Khi bị đày đến châu Phong nước ta , Ðỗ Thẩm Ngôn để lại bài thơ ngũ ngôn Lữ ngụ An Nam. Với cặp mắt của một du khách bất đắc dĩ, trong bài này tác giả chú trọng đến sự khác biệt về thời tiết và phong thổ giữa nước ta và Trung Quốc. Nếu mùa đông tại phía bắc Trung Quốc có tuyết phủ, tuyết rơi, mọi vật ngủ vùi trong tấm chăn trắng khổng lồ ; thì tại nơi đây đông về muộn, mùa xuân thì đến sớm ; ngay chính đông cũng có trái chín, tháng giêng hoa sớm khoe màu. Mưa nhiều, sấm sét rền vang ; trước cảnh lạ, người lạ, tác giả chỉ mong sớm được trở về quê nhà :


旅 寓 安 南

Lữ ngụ An Nam

杜 審 言

Ðỗ Thẩm Ngôn


交 趾 殊 風 候,

Giao Chỉ thù phong hậu,

寒 遲 暖 復 催,

Hàn trì noãn phục thôi.

仲 冬 山 果 熟,

Trọng đông sơn quả thục,

正 月 野 花 開,

Chính nguyệt dã hoa khai.

積 雨 生 昏 霧

Tích vũ sinh hôn vụ,

輕 霜 下 震 雷,

Khinh sương hạ chấn lôi,

故 鄉 逾 萬 里

Cố hương du vạn lý,

客 思 倍 從 來,

Khách tứ bội tòng lai.


Tạm dịch :


Ðất Giao tiết trời lạ.

Lạnh trễ, nóng tới mau.

Giữa đông trái rừng chín,

Tháng giêng hoa đơm màu,

Lắm mưa, mây giăng mắc.

Sương đổ, sấm rền sau.

Xa nhà hàng vạn dặm,

Về thôi, khách khẩn cầu !


Một thi sĩ khác tên là Lạc Tân Vương, người đã từng thay Lý Kinh Nghiệp thảo tờ hịch nổi tiếng Thảo Vũ chiếu hịch để kết án Vũ Hậu. Cuộc nổi dậy tuy không thành, nhưng khi Vũ Hậu xem qua bài hịch này, đành phải cảm phục, nuốt giận mà tấm tắc khen rằng :

Một người tài kiệt xuất như vậy, sao lại để cho mai một

Thần đồng họ Lạc nổi tiếng thơ hay lúc 9 tuổi, lớn lên từng trải nhiều thử thách mạo hiểm, đã để lại bài thơ Quân Trung hành lộ nan, trong đó có một phần mô tả cảnh hành quân sang Giao Chỉ. Ðây không phải là tác phẩm của những thi sĩ nơi cung đình làm thơ tưởng tượng về biên ải ; là người thực sự nhập cuộc, thời niên thiếu Lạc Tân Vương sống trong quân ngũ, từng trấn thủ tại vùng biên giới phương nam Trung Quốc. Nếu tác giả chưa có dịp đặt chân đến Giao Chỉ, thì ít ra đã từng nghe bạn đồng ngũ kể lại, để rồi với kinh nghiệm sống của mình vẽ lên hình ảnh vùng đất hoang dã phương nam xa xôi, với địa lý khác lạ Trung Quốc, hình như trời đất đã định sẵn hai nơi “ trong, ngoài ” ra rồi. Ở đây mưa nhiều, khe suối hiểm trở ; lụt lội có thể gây ra bởi một trận mưa ; nên đột ngột xảy ra bất cứ lúc nào trong bốn mùa. Bè là phương tiện giao thông trên sông suối, với ghềnh thác cheo leo, người vượt bè phải vin cành níu dây mà tiến. Nhớ thời tuổi trẻ tưởng rằng tòng quân vui, bây giờ mới thấy rõ cảnh cực nhọc :


雜 曲 歌 辭 - 軍 中 行 路 難.

Tạp khúc ca từ - Quân trung hành lộ nan

駱賓王

Lạc Tân Vương

……………….


中 外 分 區 宇,

Trung ngoại phân khu vũ,

夷 夏 殊 風 土,

Di Hạ thù phong thổ.

交 趾 枕 南 荒,

Giao Chỉ chẩm nam hoang,

昆 彌 臨 北 戶,

Côn nhĩ lâm bắc hộ.

川 源 饒 毒 霧 ,

Xuyên nguyên nhiêu độc vụ.

溪 谷 多 淫 雨,

Khê cốc đa dâm vũ.

行 潦 四 時 流,

Hành lạo tứ thời lưu,

崩 查 千 歲 古,

Băng tra thiên tuế cổ.

漂 梗 飛 蓬 不 自 安,

Phiêu ngạnh phi bồng bất tự an,

們 藤 引 葛 度 危 巒,

Môn đằng dẫn cát độ nguy loan.

昔 時 聞 道 從 軍 樂,

Tích thời văn đạo tòng quân lạc,

今 日 方 知 行 路 難

Kim nhật phương tri hành lộ nan.

………………………………….


Tạm dịch


Tạp khúc ca từ _ Hành quân, đường đi khó

Lạc Tân Vương


…………………………….

Trong ngoài (2) đà định phận,

Giao Chỉ nơi hoang thổ.

Di, Hạ (3) riêng đất đai,

Ðông đúc vùng Bắc bộ.

Ðầu nguồn lắm khí độc,

Suối khe ngập vũ lộ (4).

Lụt lội cả bốn mùa,

Chống bè (5) quen từ cổ.

Phiêu lãng bồng bềnh vốn chẳng yên,

Vin dây níu lá vượt ghềnh loan.

Từng nghe người kể tòng quân sướng,

Ðường đi nay rõ quá gian nan.

……………………………….


Sự khó khăn tại An Nam không phải chỉ riêng về khí hậu và thuỷ thổ. Cái gai nhọn muôn đời cho bọn Trung Quốc xâm lược là tinh thần quật cường quyết không chịu khuất phục của dân bản xứ. Dưới thời nhà Hán xảy ra cuộc khởi nghĩa của hai bà Trưng, thời Lục Triều có Lý Bôn, đầu đời Ðường phải kể đến cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan.

Ðến thời vãn Ðường đời vua Ý Tông [860-870], người An Nam kết thân với dân tộc Nam Chiếu đánh phá quan quân nhà Ðường, chiếm được thành Long Biên (Hà Nội). Sự việc trầm trọng đến nỗi vua Ý Tông phải đem chuyện thời sự này ra để làm đầu đề hỏi các sĩ tử trong một kỳ thi đình ; đây là phương sách của nhà vua đem một vấn đề khó khăn lớn ra vấn kế thành phần trí thức đương thời. Một bài thơ được chọn, và lưu lại trong tập Toàn Ðường đã đề ra những sở đoản của các quan cai trị văn, võ. Quan văn nhu nhược, nhút nhát, bỏ cuộc. Quan võ thì hăng hái ham lập công, mong chiến tranh xẩy ra để được thăng thưởng và dễ tước đoạt ; việc làm trái lòng dân, nhen lửa giận, để rồi cuối cùng bị dân nổi lên đánh đuổi. Ý kiến của sĩ tử này, được ghi lại qua những văn ảnh sống động sau đây :


刺安南事詩

Thứ An Nam sự thi

懿宗朝舉子

Ý Tông triều cử tử


南荒不擇吏,

Nam hoang bất trạch lại,

致我交趾覆

Trí ngã Giao Chỉ phúc.

聯綿三四年,

Liên miên tam tứ niên,

致我交趾辱,

Trí ngã Giao Chỉ nhục.

懦者鬥則退,

Nhu giả đấu tắc thoái,

武者兵益黷

Vũ giả binh ích độc.

軍容滿天地,

Quân dung mãn thiên địa,

戰將多金玉,

Chiến tướng đa kim ngọc.

刮得齊民瘡,

Quát đắc tề dân sang,

分爲猛士祿,

Phân vi mãnh sĩ lộc.

雄雄許昌師,

Hùng hùng Hứa Xương sư.

忠武冠其族,

Trung vũ quán kỳ tộc.

去爲萬騎風,

Khứ vi vạn kỵ phong,

住爲一川肉,

Trú vi nhất xuyên nhục.

時有殘卒囘,

Thời hữu tàn tốt hồi,

千門萬戶哭,

Thiên môn vạn hộ khốc.

哀聲動閭里,

Ai thanh động lư lý,

怨氣成山谷,

Oán khí thành sơn cốc.

誰能聽鼓聲,

Thùy năng thính cổ thanh,

不忍看金鏃,

Bất nhẫn khan kim thốc.

念此堪淚流,

Niệm thử kham lệ lưu,

悠悠穎川綠

Du du Dĩnh Xuyên lục.


Tạm dịch


Bài thơ được chọn viết về việc An Nam

Do sĩ tử dự thi thời Ðường Ý Tông


Quan tốt không chọn được,

Khiến Giao Chỉ bị lật.

Liên miên ba, bốn năm,

Khiến Giao Chỉ chịu nhục.

Quan hèn đấu thua rút,

Thiện chiến quân tăng tục.

Binh uy đầy đất trời,

Tướng hưởng nhiều vàng ngọc.

Bóc lột dân đói nghèo,

Chia riêng làm bổng lộc.

Mạnh như quân Hứa Xương,

Kiêu binh nơi xóm làng.

Ra đi vạn quân kỵ,

Trú đóng máu đầy sông.

Tàn binh quay trở về,

Ngàn nhà vang tiếng khóc.

Ðau buồn khắp làng thôn,

Oán to bằng sơn cốc.

Ai nghe tiếng trống trận,

Không nỡ nhìn giáo độc.

Nghĩ đến nước mắt đầy,

Mồ hoang một màu lục !


Về một phương diện khác, hãy giới thiệu thêm bài thơ phúng thích của Bạch Cư Dị về con chim anh vũ màu hồng do An Nam tiến cống. Bạch Cư Dị là nhà thơ lớn cả về lượng lẫn phẩm, tập Toàn Ðường dành riêng 54 quyển để chép thơ ông. Trong bài thơ vỏn vẹn 4 câu, 28 chữ, Bạch Lạc Thiên khen chim đẹp, biết nói tựa như người. Nhưng dù hay bao nhiêu thì chim cũng chỉ giỏi bắt chước và không vượt ra khỏi chiếc lồng son. Tác giả ngầm khuyến khích người sang tác văn chương phải biết sáng tạo, sẵn sàng phủ nhận những cái lồng thần tượng để đi tìm cái mới :


紅 鸚 鵡

Hồng anh vũ

白 居 易

Bạch Cư Dị


安 南 遠 進 紅 鸚 鵡,

An Nam viễn tiến hồng anh vũ,

色 似 桃 花 語 似 人,

Sắc tự đào hoa ngữ tự nhân.

文 章 辨 慧 皆 如 此,

Văn chương biện tuệ giai như thử

籠 檻 何 年 出 得 身,

Lung hạm hà niên xuất đắc thân !


Tạm dịch


An Nam xa tiến hồng anh vũ,

Sắc tựa đào hoa nói tựa người.

Phân biệt văn hay bởi tác giả,

Sổ lồng vượt trội sáo khuôn đời.


Chú Thích


1. Theo dấu chân thi sĩ Thẩm Thuyên Kỳ ( 沈佺期 ) về thăm quê hương (xem Diễn Đàn)

2. Trong ngoài : nguyên văn “ trung ngoại ”, chỉ Trung Quốc và nước ngoài như An Nam.

3. Người Trung Quốc xưa gọi các nước lân bang là Di, tự xưng là Hoa Hạ.

4. Vũ lộ : mưa móc.

5. Chống bè: Giao thông trên sông rạch bằng phương tiện chèo chống bè.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us