Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Hoa anh đào muôn thuở

Hoa anh đào muôn thuở

- Vĩnh Sính — published 14/01/2011 17:50, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18
Vài bài thơ khó quên của Bashō


Hoa Anh đào Muôn thuở :
Vài bài thơ khó quên của Bashō

Cửa Thiền vừa cữ cuối Xuân,
Bông hoa đầy đất vẻ ngang lưng trời.

Truyện Kiều


Vĩnh Sính


Trùng trùng duyên khởi

Trong thơ Nhật, không hiểu sao chúng tôi cảm thấy gần gũi với Saigyô (1118-1190)1 và Bashō (1644-1694) lạ lùng. Đặc biệt là Bashō.

Hồi còn ở Nhật,2 chúng tôi có gõ cửa Thiền mấy lần nhưng duyên chửa bén. Kịp đến khi bắt đầu ra dạy học (năm 1982), trùng trùng duyên khởi, cửa Thiền học mở rộng rồi duyên mới kết. Đến với Thiền học trước khi gặp Bashō đúng là hạnh ngộ ! Lý do là Thiền bàng bạc trong thơ Bashō.

Thế rồi mười hai năm trước (1998), những lúc rảnh rỗi chúng tôi dịch cuốn Oku no hosomichi (奥の細道¹Lối lên miền Oku/Bắc) của Bashō ra tiếng Việt.3 Thư khích lệ của bạn đọc tạo niềm vui vô hạn, tiếc rằng sách đã tuyệt bản. Hy vọng chúng tôi sẽ có dịp sửa lại bản dịch và bài giới thiệu cho hoàn chỉnh, thêm phần minh hoạ cho đàng hoàng hơn nữa để rồi giới thiệu cùng độc giả.

Trong bài này chúng tôi xin giới thiệu vài bài thơ của Bashō mà chúng tôi cảm thấy khó quên.

***


Vài điều cần biết về haiku của Bashō

Bashō là người đã định hình thể thơ haiku và đưa haiku có chỗ đứng bề thế và trang trọng trên văn đàn Nhật Bản.4 Qua thơ Bashō, lần đầu tiên một khái niệm mỹ học (美学) mang tên là sabi (寂びtịch, như trong chữ “tịch liêu”) được đưa vào một cách hài hòa và ở một mức độ chưa từng thấy.

Sabi đầu tiên được phổ biến qua thơ waka của Fujiwara Shunzei (1114-1204). Ý thức này được các nhà thơ sau đó, đặc biệt là Bashō, tiếp tục phát triển và định hình. Trên thực tế, sabi trở thành khái niệm căn bản trong thơ Bashō. Sabi nhấn mạnh vẻ đẹp tao nhã của những dáng hình cổ kính hay của thiên nhiên cô tịch — không hào nhoáng rực rỡ, lộng lẫy hay kiêu kỳ. Cần để ý rằng thơ haiku của Bashō tuy phảng phất không khí trầm lắng u huyền, gợi cho người đọc sự vô thường trong cuộc đời, nhưng luôn thắm đượm tình người và không bao giờ mang nét cay đắng chua chát hay u uất, oán hờn.5

Sức ám thị (suggestibility) và tính hàm súc, theo học giả Daisetz Suzuki, là bí quyết của thơ haiku cũng như của nghệ thuật Nhật Bản nói chung. “Các nhà nghệ thuật Nhật Bản đều ít nhiều chịu ảnh hưởng của Thiền (禅 Zen), họ luôn luôn có khuynh hướng diễn tả tình cảm với số chữ hoặc số nét tối thiểu.” Điều tối kỵ khi làm thơ haiku là thích lý luận dông dài, “khi tình cảm đã đạt đến mức độ cao nhất, ta lặng thinh, bởi lẽ không có ngôn ngữ nào có thể diễn tả thích đáng. Ngay mười bảy âm tiết [trong thơ haiku] cũng đã quá dài.”6 Xem như vậy, người làm thơ haiku vừa phải là người tu luyện Thiền.7


image1

Bashō-Tranh Buson


Tuy không phải là Thiền sư, Bashō thường ăn vận như một nhà sư. Ngày ngày ngồi tham Thiền và đọc sách, Bashō lần lần ý thức rằng haiku không chỉ là trò giải trí hay thú tiêu khiển, mà phải biểu lộ sâu sắc thái độ của người làm thơ đối với cuộc sống. Thơ của Bashō dần dần thể hiện vẻ đẹp u hoài diệu vợi của thiên nhiên và cuộc sống hiu quạnh của chính mình. Tương truyền Bashō trồng bên cạnh túp lều này một bụi chuối (chữ Hán gọi cây chuối là “Ba-tiêu 芭蕉”, tức Bashō) do môn đệ biếu.8

Cây chuối vì ít thấy ở Nhật, hàng xóm từ đó bắt đầu gọi túp lều có bụi-chuối-không-trái này là Bashō-an (芭蕉庵 ), tức là Am Ba-tiêu, rồi chẳng bao lâu họ gọi luôn chủ nhân của túp lều đó là Bashō-Sensei (Ba-tiêu Tiên sinh). Chủ nhân túp lều chắc vừa ý với cái tên Ba-tiêu nên từ đấy mới lấy Bashō làm bút hiệu. Cây chuối, đối với Bashō, tượng trưng cho tính nhạy cảm (sensibility): trước một cơn gió nhẹ, tàu lá chuối có thể gãy bất cứ lúc nào. Nhà thơ lắng nghe tiếng lá chuối day động xào xạc mỗi lúc trời trở gió giữa đêm khuya thanh vắng. Nếu trong bản hợp tấu của thiên nhiên hòa thêm tiếng mưa rơi rả rích, không khí trong túp lều chắc hẳn lại thêm phần cô tịch và sâu lắng.9

Ngoài ra, Bashō đã nhắc đến bốn mùa trong haiku một cách gián tiếp và thường xuyên, được gọi là “quí ngữ 季語” — tức là ký hiệu về bốn mùa.

Tương truyền khi mất Bashō có đến trên hai ngàn môn đệ. Những nhà thơ nổi tiếng về sau, như Buson (1716-1784),10 Issa (1763-1827),11 và vô số nhà thơ khác đều chịu ảnh hưởng của thơ Bashō.12

Nhiều bài thơ được yêu chuộng của Bashō đã được sáng tác trên những chuyến đi. Những cuộc ngao du này không những đã ghi lại cảm hứng của Bashō khi viếng thăm những nơi danh lam thắng cảnh, mà còn nói lên sự nhạy cảm của nhà thơ đối với những loài cỏ mọn hoa hèn, như hoa mã đề (nazuna), hoa nghệ (benibana), hoa thu (hagi); thảng hoặc những con nhái, con ve sầu, con chuồn chuồn, con chim cuốc, v.v. mà nhà thơ đã bắt gặp đó đây trên bước hải hồ.

Những hình tượng này gần gũi với người Việt, và cũng chính vì ảnh hưởng của Thiền còn bàng bạc trong văn hoá Việt Nam, độc giả người Việt có thể thưởng thức cảm tính nghệ thuật trong thơ haiku của Bashō không mấy khó khăn.

***


Vài bài thơ khó quên:

  • Thăm bãi chiến trường xưa


Natsugusa ya                        Cỏ mùa Hè [cao che mất lối đi]
Tsuwamonodomo                  Binh lửa
Yume no ato                         Dấu vết xưa                    

Cỏ cao che lấp lối mòn,
Dấu xưa binh lửa chỉ còn thế thôi !



Hiraizumi

Bashō sáng tác bài này khi qua vùng Hiraizumi,13 nơi ngày xưa vào cuối thế kỷ XII vị võ tướng tài hoa son trẻ Minamoto-no-Yoshitsune,14 sau khi giúp anh-cùng-cha-khác-mẹ là Minamoto-no-Yoritomo15 dẹp tan họ Taira16 lập nên chế độ bakufu đầu tiên tại Kamakura, bị Yoritomo ganh tỵ ra lệnh truy nã. Cuối cùng sa cơ thất thế, mãnh hổ nan địch quần hồ Yoshitsune phải tự vẫn, khiến muôn đời vẫn còn luyến tiếc.

Chúng tôi đã lồng ý “mùa Hè” trong nguyên văn qua hai chữ “cỏ cao.” Đỗ Phủ, vị thánh thơ thời Thịnh Đường, đã viết hai câu đầu trong bài “Xuân vọng春望” như sau:17

Quốc phá sơn hà tại,                     国破山河在
Thành Xuân thảo mộc thâm.         城春草木深

Tạm dịch:

Chiến tranh tàn phá, nước còn đây,
Thành đã vào Xuân, cỏ ngút đầy !

Bashō chắc đã ít nhiều lấy ý từ hai câu này, song sáng tạo nhuần nhuyễn, chuyển “Thành đã vào Xuân” thành cỏ mùa Hè mà chúng ta gọi tắt theo “quí ngữ” là “cỏ cao.”

Hiraizumi cũng là nơi dòng họ Fujiwara ba đời lập nghiệp, vinh hoa nổi tiếng một thời. Bài thơ trên đã được sáng tác trong niềm cảm hoài khi Bashō đến thăm dấu vết của bãi chiến trường khoảng năm trăm năm về trước.


Chắc hẳn cũng trong niềm cảm hoài tương tợ mà Bà Huyện Thanh Quan đã viết nên bài “Thăng Long thành hoài cổ” nổi tiếng trong văn học nước ta:

Tạo hoá gây chi cuộc hý trường,
Đến nay thấm thoát mấy tinh sương,
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương...

  • Thăm thắng cảnh Matsushima


Matsushima ya                                Kìa Tùng Đảo
 Matsushima ya                             Ô kìa Tùng Đảo
Matsushima ya
                               Kìa Tùng Đảo

Ô kìa Tùng Đảo, đây Tùng Đảo !
Tùng Đảo đây rồi ! Tùng Đảo đ
ây !


Ở Nhật có vô số danh lam thắng cảnh, trong đó Matsushima (松島 Tùng-Đảo) thuộc huyện Miyagi được xem là một trong “ba thắng cảnh tuyệt vời nhất”.

Matsushima có hơn 260 đảo nhỏ, do biển xoáy mòn tạo thành một cảnh quan hiếm có. Trên đảo lại có những chòm thông muôn hình muôn vẻ. Du khách ngỡ mình đi lạc vào Bồng Lai tiên cảnh.




Matsushima

Khi viếng thăm Matsushima, nhìn cảnh sắc đẹp không bút nào tả xiết, Bashō khẩu chiếm bài thơ trên, trong đó hầu như nhà thơ chỉ nhắc đến tên Matsushima, còn những chữ khác đều là những tiếng phụ. Cảnh đẹp quá, đến nổi không có lời diễn tả !


Nhà thơ Đào Uyên Minh thời Lục Triều ở Trung Hoa có bài thơ rất hay để nói lên tâm trạng đó:

Sơn khí nhật tịch giai,
Phi điểu tương dữ hoàn,
Thử trung hữu chân ý,
Dục biện dĩ vong ngôn.

Tạm dịch:

Chiều tà khí núi đẹp ghê !
Đàn chim vỗ cánh bay về cùng mây,
Ngẩng xem chân ý tràn đầy,
Muốn đem bút viết chẳng hay viết gì !

Đọc bài thơ Matsushima, chúng ta không khỏi nhớ đến Hàn Mặc Tử. Nhà thơ tài hoa mệnh bạc khi đi qua Phan Thiết, trong niềm thổn thức và cọng cảm với non nước xứ Lầu Ông Hoàng, đã buột miệng kêu lên hai tiếng ‘Phan Thiết ! Phan Thiết !’ mà lời thơ là một bài haiku toàn bích như Bashō (mặc dầu trong thơ Bashō không hề mang nét cay đắng, u uất):

Ôi trời ơi ! Là Phan Thiết ! Phan Thiết  !
Mà tang thương còn lại mảnh trăng rơi
...18


  • Tiếng ve sầu muôn thuở


Con ve, hay ve sầu, là đề tài phổ biến trong văn học Nhật Bản ngay từ thời Heian (794-1192).

Truyện Genji 19 vào thế kỷ XI thường được xem là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của nữ sĩ Murasaki Shikibu. Trong chương thứ ba, với đầu đề là Utsusemi 空蝉, “không-thiền”, tức là ‘Vỏ ve sầu’, đồng thời cũng là tên người phụ nữ chính trong chương này. Genji, ông hoàng mười-bảy-tuổi đẹp trai và cũng là tay ăn chơi nổi tiếng, muốn tán tỉnh nàng Utsusemi nhưng bị từ chối vì nàng đã có chồng. Nàng trốn chạy Genji, bỏ lại chiếc áo choàng trong phòng. Genji đành chịu, làm bài thơ tanka,20 ví chiếc áo choàng của nàng Utsusemi với ‘vỏ ve sầu’ !

Mặc dầu ve sầu xuất hiện rất sớm trong văn học Nhật Bản và Truyện Genji rất nổi tiếng, phải đợi đến Bashō, tức hơn sáu thế kỷ sau, tiếng ve mới gợi cho ta rõ ràng là tiếng gọi của mùa Hè với tình cảm nhớ mong, mong nhớ. Bashō đã mang hình tượng của con ve sầu sít lại với chúng ta và trong haiku trở thành một kigo (quí ngữ) — tượng trưng cho mùa Hè oi ả.

Hồi nhỏ chúng tôi thích đi bắt ‘vè ve’.21 Bôi mủ mít vào đầu cây sào để trít những con ve đậu cao. Buổi trưa Hè, cứ mỗi lần nghe tiếng ve kêu vang, chúng tôi cảm thấy thôi thúc, giục giã khôn lường. Khi dậy sớm, lúc trời còn tối mịt mờ, chúng tôi đến gốc cây mít, cây đào,22 cây nhỡn,23 cây Ngải-Tướng-quân,24 v.v. dùng đèn sáp để đi xem ‘vè ve non’ mới bò dưới đất lên cây thay vỏ — để lộ đôi cánh non màu xanh lục, óng ả đẹp vô cùng. Nào đâu có biết thời gian con ve sống trên cây chỉ nội trong bảy ngày, trong khi ở dưới đất phải đi qua một chu kỳ là bảy năm trường !

Khi đi qua chùa Ryûshakuji (立石寺 Lập-Thạch-Tự) thuộc huyện Yamagata ngày nay, Bashō đã viết:

Shizukasa ya                         Yên tĩnh
Iwa ni shimiiru                      Thấm vào đá
Semi no koe                          Tiếng ve sầu

Nơi đây hiu quạnh một màu,
Tiếng ve rầu rĩ, luống sầu núi non !

hoặc:

Giữa trưa bỗng tiếng ve sầu,
Nghe chừng vách đá nhuốm màu tịch liêu !

hoặc:

Chùa xưa nghiêng bóng trưa Hè,
Ve kêu rền rĩ : tứ bề quạnh hiu !

Ve sầu


Trong thơ haiku có lắm bài nhắc đến tiếng ve sầu. Tiếng ve, giống như tiếng nước khua, có tác dụng như một câu công án, không làm ta cảm thấy ồn ào mà ngược lại khiến ta ý thức được sự tĩnh mịch của buổi trưa Hè.

Con ve sầu, chữ Hán gọi là Thiền 蝉, là tiếng đồng âm dị nghĩa với chữ Thiền 禅 của Thiền tông.


  • Tiếng cuốc gợi niềm hoài cổ


Kyô nite mo                           Tuy ở kinh đô
Kyô natsukashi ya                 Mà nhớ kinh đô
Hototogisu                             Chim cuốc

Hôm nay nằm giữa kinh thành,
Cuốc kêu nhớ lại kinh thành năm nao !




Shisendô (詩 仙堂 Thi-Tiên Đường), Kyoto

Trong văn học cổ điển Việt Nam, hình ảnh chim cuốc khá phổ biến. Chim cuốc còn có tên là “cuốc cuốc”, “quốc”, “quốc quốc”, “đỗ quyên”, “đỗ vũ”, hay “tử quy”.

Theo truyền thống văn học Việt Nam, chim cuốc thường được dùng theo điển tích là hồn Thục Đế nhớ nước:

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.

Bà Huyện Thanh Quan

Trong văn học Nhật, chim cuốc (hototogisu) có thể viết chữ Hán là ‘đỗ quyên’ 杜鵑, ‘bất như quy’ 不如帰, hoặc ‘thời điểu’ 時鳥¹. Tuy không mang cùng hình tượng, hototogisu vẫn gợi cái gì u tịch và hoài cổ — đúng với tâm trạng Bashō khi trở lại kinh đô, Kyoto, nhưng vẫn cảm thấy có gì mất mát khi hồi tưởng lại đất thần kinh của một năm nào.

Nhà thơ Nguyễn Bính mồ côi mẹ từ hồi còn trẻ, lại thêm cảnh nhà túng thiếu, từ Nam Định phiêu bạt vào Huế. Khi đến thăm xóm Ngự Viên, nơi đã một thời là vườn Thượng Uyển,

Sớm Đào trưa Lý, đêm Hồng phấn,
Tuyết Hạnh, sương Quỳnh, máu Đỗ Quyên.


Trước cảnh ‘giậu đổ bìm leo’ (“Giậu đổ dây leo suồng sả quá”) nhà thơ đã biểu lộ mối cảm hoài của mình qua hai câu, mà tứ thơ không có gì khác lắm so với hai câu trên của Bashō:

Hôm nay có một người du khách,
Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên !
25


  • Rộng thương cỏ mọn hoa hèn”


1. Hoa mã đề (馬蹄 nazuna):



Cây mã đề

Yoku mireba                    Nhìn kỹ
Nazuna hana saku           Hoa mã đề đang nở
Kakine kana                     Bên giậu

Mắt nhìn bên chiếc giậu tre,
Lơ thơ mấy bụi mã đề đơm hoa.

Trong thơ Bashō ta thường bắt gặp những hình tượng nhỏ bé nhưng lời ít, ý nhiều : lá xương bồ, hoa thu, hoa nghệ, hoa mã đề, v.v. Trong Thiền học, lời càng nhiều, càng đi xa bản chất của sự vật.

Hoa mã đề (nazuna馬蹄), đúng như tên chữ Hán là “Tiền-xa-thảo 前車草” (cỏ-mọc-trước-xe), thường mọc bên vệ đường, giống như một loài hoa dại. Hoa mã đề, nazuna, còn viết là 薺(tề), là loại hoa sống được hai năm. Thân cao chừng 30 centimét, hoa có hình thập tự bé, nở vào mùa Xuân. Khóm hoa màu trắng — không rực rỡ như hoa hồng, hoa cúc — nở bên bờ rào nhũn nhặn, có mấy ai đoái hoài nghĩ đến !

Hoa mã đề thuộc trong bộ hoa môi (Lamiales), tên khoa học là Plantaginaceae.

Cảm tính của Bashō được biểu lộ ngay với cả loài cỏ mọn hoa hèn, gây cọng cảm và làm ấm lòng người đọc. Bất giác ta liên tưởng đến ‘cái giậu mồng tơi’ dễ thương trong thơ Nguyễn Bính:

Nhà nàng ở cạnh nhà tôi,
Cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn...

hoặc mấy khóm gừng luống tỏi đầy ‘nhân tính’ trong bài thơ của Ôn-Như-Hầu Nguyễn Gia Thiều (1741-98):

Lởm chởm gừng vài khóm,
Lơ thơ tỏi mấy hàng,
Vẻ chi là cảnh mọn
Mà cũng đến tang thương.


2. Hoa thu (hagi)


Hoa thu

Yuki yuki te              Đi, đi mãi
Taore fusu tomo       Dầu có ngã trên đường
Hagi no hara             Cánh đồng hoa thu

Mai đây có ngã trên đàng,
Cho tôi xin ngã giữa ngàn hoa thu !


Cây thu thuộc họ đậu, cao chừng 1 mét rưởi, mọc thành từng bụi. Cành thường lả xuống. Hoa màu hồng tía hay màu trắng.

Trong các tác phẩm của Bashō, chúng ta thấy có nhiều hoa thu. Nhà thơ chắc hẳn mến loài hoa ‘cỏ mọn hoa hèn,’ đơn sơ, không rực rỡ lộng lẫy — có từ thuở xa xưa. Hoa thu là một trong bảy loại cây cỏ tiêu biểu của mùa Thu (七草 thất-thảo), người Nhật gọi là nanakusa.


3. Hoa nghệ (紅 花 benibana)


Hoa nghệ (benibana)

DL

Mayu haki o            Kẻ lông mày
Omokage ni shite    Liên tưởng đến
Beni no hana          Hoa nghệ phấn


Bên đường hoa nghệ nở vàng,
Người xưa bên cửa điểm trang thuở nào…


hoặc:

Nghệ nở vàng hoe cả cánh đồng,
Có ngồi bên cửa điểm trang không ?

Cây nghệ thuộc họ cúc và sống được một hay hai năm. Cây nguyên ở Ả Rập và vùng Tiểu Á Tế Á, dùng để lấy dầu, dược liệu, hay thuốc nhuộm. Người ta dùng hột để lấy dầu, khi đốt hột ra tro người ta lấy tro đó làm mực xạ.

Thân cây cao từ 30 đến 90 centimét, chung quanh lá có gai lởm chởm. Vào mùa Hè, hoa nở một phần màu vàng nghệ, một phần sắc đỏ tươi rực rỡ. Huyện Yamagata trồng nhiều nhất nước Nhật về hoa nghệ; người ta thường trồng cả một cánh đồng.


  • Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san”


Okuraretsu                Được người đưa tiễn
Okuritsu hate wa       Rồi đưa tiễn người
Kiso no aki                 Mùa Thu ở rừng Kiso

Tiễn đưa, đưa tiễn mấy lần,
Quan san Thu đã nhuốm rừng Ki-so !


Pic.8 Pic.9

Cảnh Thu ở gần cầu Togetsubashi (渡月橋 Độ-Nguyệt Kiều), Kyoto

Chùa Kiyomizudera (清水寺 Thanh-Thủy Tự ) vào Thu, Kyoto

Cây kaede (楓) chữ Hán gọi là “phong”. Cây phong vào mùa Thu lá đỏ rực gọi là momiji (紅葉  hồng diệp), tức là “lá đỏ”.

Truyện Kiều có câu:

Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san,
Dặm hồng bụi cuốn chinh an.
Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh...

(Câu 1520-1522)


Cây phong của Nhật Bản và cây phong trong Truyện Kiều phải giống nhau. Tuy nhiên, cây phong ở Nhật (Japanese maple) vào mùa Thu lá đỏ rực như lửa, khác những cây phong thường. Nước ta tuy không có cây phong, nhưng Tiên Điền Nguyễn Du đã đi sứ sang Trung Hoa và nhà thơ đã mượn Trung Hoa làm tìêu chuẩn đối chiếu.

Theo nhân sinh quan của Bashō, đời là một chuyến đi hay một cuộc lữ hành. Trong đời có bao biết nhiêu lần tiễn đưa, đưa tiễn. Trong bài thơ trên, Bashō tuyệt nhiên không nói đến tình cảm luyến tiếc của kẻ ở người đi lúc chia tay. Theo tinh thần của Thiền tông, người làm thơ haiku không biểu lộ tình cảm riêng tư, tức là phải vô ngã (muga 無我). Ở đây nhà thơ chỉ nói đơn sơ là sau mấy bận tiễn-đưa-đưa-tiễn, mùa Thu đến lúc nào chẳng hay.

Nhẹ nhàng thật, nhưng có gì man mác, lưu luyến.


  • Hoa anh đào muôn thuở

Samazama no            Nhiều
Koto omoidasu           Chuyện nhớ lại
Sakura kana               Hoa anh đào !

Khơi bao niêm nhớ vô vàn,
Cánh hoa đào ấy chẳng tàn trong tôi !

Picture 13

Chùa Ryôanji (竜安寺 Long-An Tự), Kyoto


Bài thơ còn có thể hiểu như sau:

Bao nhiêu thế sự cùng năm tháng,
Vẫn nhớ đào hoa một dạo nào !

hoặc:

Dẫu cho ngày tháng phôi pha,
Chao ôi nhớ mãi hoa đào năm nao !

hoặc:

Nhớ chi ngày tháng qua rồi ?
Nhớ chăng chắc hẳn anh đào ngày xưa !


DL

Hoa anh đào bên “Lối đi của các triết nhân”, Kyoto27

Hoa anh đào với người Nhật có ý nghĩa rất đặc biệt. Cứ vào cuối tháng ba cho đến đầu tháng tư mỗi năm, khi hoa anh đào nở, dân chúng lại nô nức rủ nhau đi xem hoa.

Nhiều người thích đi tản bộ dưới những cành hoa, vừa ngắm hoa vừa chụp hình lưu niệm. Lắm kẻ lại thích cùng gia đình hoặc bầu bạn trải chiếu ngồi dưới gốc hoa — vừa thưởng hoa vừa ăn uống, ca hát.

Ngày tựu trường mỗi năm học ở Nhật cũng vào đầu tháng tư, đúng vào mùa hoa anh đào. Vì thế người Nhật gọi bạn đồng song là ‘bạn cùng mùa hoa anh đào’ (dôki no sakura同期の桜). Lâu ngày gặp lại bạn đồng song, người ta không khỏi nhớ đến mùa hoa anh đào thuở mới quen nhau. Na ná như người Việt khi nhìn cành hoa phượng, ‘hoa học trò’, lại thổn thức nhớ lại tuổi hoa niên:

Sao bông phượng nở trong màu huyết,
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu ?
26
                                        Hàn Mặc Tử


Hoa anh đào có nhiều loại: có loại hoa đơn, có loại hoa kép, có loại có cành lả ngọn tựa như liễu rũ v.v.

Hoa anh đào nào cũng chóng tàn. Ngày xưa, người võ sĩ (samurai) đã chọn hai thanh kiếm và hoa anh đào làm biểu tượng, bởi lẽ người võ sĩ nguyện sẵn sàng hiến thân cho chủ tướng giống như hoa anh đào sẵn sàng rơi rụng trước cơn gió nhẹ. Nói theo ngôn ngữ nhà Phật, hoa anh đào là biểu tượng của sự vô thường (mujô 無常), vô ngã (muga 無我) trong cuộc đời.

Bashō đã sáng tác bài thơ trên khi trở lại cố lý ở Iga (nay thuộc huyện Mie) và viếng thành Ueno, nơi hơn hai mươi năm trước đã một thời là võ sĩ dưới trướng của Tôdô Yoshitada. Sau đó, vì chủ quân mất sớm, Bashō đã từ bỏ phù hoa của thế tục để lấy gió trăng làm bạn lữ.

Nhìn lại những cành hoa anh đào mang sắc hình của tuổi hoa niên giờ đang nở rộ dưới nắng Xuân, chắc hẳn nhà thơ cũng dậy lên biết bao kỷ niệm. Tuy nhiên, Bashō vẫn trầm tĩnh như mọi khi, chỉ cho biết là nhà thơ chợt nhớ lại cánh hoa đào ngày trước. Dĩ nhiên chúng ta đoán hiểu là cánh hoa đào nơi cố lý đã xui nhà thơ nhớ lại chuyện xưa.

Lời thơ đơn sơ, nhẹ nhàng, nhưng hàm súc và sâu lắng.


Viết lại xong vào những ngày áp Tết Tân Mão (2011)

Vĩnh Sính

 





1 西行Tây-Hành. Xin xem bài Vĩnh Sính, “Saigyô (1118-1190): Thi sĩ tài hoa yêu phiêu du của Nhật Bản”. http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/saigyo-hoshi/.

2 Chúng tôi sang Nlhật năm 1963, nhưng vì học tiếng Nhật cần thời giờ nên lúc đầu đọc sách về Thiền học một nửa để học ngôn ngữ, một nửa để tìm hiểu về Thiền. Chúng tôi ở Nhật cho đến năm 1972, giai đoạn sau khi vấn đề ngôn ngữ không còn nữa, lại bận nhiều về những chuyện khác.

3 Matsuo Bashō. Lối lên miền Oku, Vĩnh Sính dịch và giới thiệu (Hà Nội: Nxb Thế giới, 1998).

4 Haiku chỉ có 17 âm tiết vỏn vẹn với 3 câu theo thứ tự là 5-7-5. Xin xem thêm bài Vĩnh Sính, “Bashō và cõi thơ haiku” về thơ haiku và Bashō. http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/basho-va-coi-tho-haiku-o-nhat-ban/

5 Xem bài trên.

6 Zen to Nihon bunka (Thiền và văn hóa Nhật Bản ) (Tokyo: Iwanami Shoten, 1967), trang 187-188.

7 Xem Vĩnh Sính, “Bashō và cõi thơ haiku”.

8 Như trên.

9 Như trên.

10 蕪村 Vu-Thôn.

11 一 茶 Nhất-Trà.

12 Xin xem Vĩnh Sính, “Bashō và cõi thơ haiku” để biết về tiểu sử của Bashō.

13 平泉Bình-Tuyền.

14 源義経 Nguyên Nghĩa-Kinh.

15 源頼 Nguyên Lại-Triều.

16 平Bình.

17 Về ảnh hưởng của Đỗ Phủ đối với Bashō, xin xem Vĩnh Sính, “Bashō và cõi thơ haiku”.

18 Trong bài “Phan Thiết! Phan Thiết!”, trích từ Tuyển tập Hàn Mặc Tử (Hà Nội: Nxb Văn Học, 1987), trang 93.

19 Tức Genji monogatari, tương truyền do nữ sĩ Murasaki Shikibu (970-1031 sau CN) sáng tác. Một số nghiên cứu gần đây có khuynh hướng cho rầng Truyện Genji là một cọng tác, thay vì Murasaki Shikibu sáng tác đơn độc. Theo các học giả từ-điển-học người Nhật, danh từ Utsusemi cũng xuất hiện vào Heian.

20 Tanka (短歌 đoản-ca, tức thơ ngắn) có 31 âm tiết theo thứ tự  5-7-5-7-7, và chôka (長· 歌trường-ca) với số âm tiết không có giới hạn. Tankachôka gọi chung là waka ( 和歌hòa-ca; tức thơ Nhật Bản).

21 Phương ngữ Huế.

22 Tức cây mận.

23 Tức cây nhãn.

24 Cây Ngải-Tướng-quân có bẹ lá rất lớn, thân cây cao từ một mét hoặc một mét rưỡi. Tuy cây tương đối thấp, ve thích thay vỏ trên cây; vỏ ve nằm ngay trên bẹ lá. Hoa màu trắng, đẹp, trông rất tinh khiết. Tục truyền vua Gia Long hồi còn bôn ba tẩu quốc đã dùng củ cây này chữa bệnh được cho nhiều người. Nhân đó, cây ngải được nhà vua phong làm “Ngải-Tướng-quân.”

25 “Xóm Ngự Viên” trong tập Thơ Nguyễn Bính (Hà Nội: Nxb Văn học Hà Nam Ninh và Nxb Văn Học, 1986), trang 76-78.

26 Trong bài “Những giọt lệ”, trích từ Tuyển tập Hàn Mặc Tử, trang 79.

27 Tiếng Nhật gọi lối đi này là “Tetsugaku no michi” (“Philosophers’ Walk”) rất đẹp và thơ mộng, đặc biệt vào mùa hoa anh đào. Giữa hai bên lối đi có dòng nước chảy.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
Black Movie - Festival international de films indépendants Genève 17/01/2025 - 26/01/2025 — Maison des arts du Grütli | 16, rue du Général-Dufour | 1204 Genève
LES LARMES D'ASTYANAX - Olivier Dhénin Hữu 31/01/2025 - 02/02/2025 — Théâtre du lycée Jacques Decour | 12 Avenue Trudaine | 75009 Paris
Festival cinéma - Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Inalco : L'économie vietnamienne en 2024 et ses perspectives 06/02/2025 18:00 - 20:00 — 65 Rue des Grands Moulins, 75013 Paris | Amphi 2
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us