Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Hồn Tinh Vệ

Hồn Tinh Vệ

- Vĩnh Sính — published 16/02/2007 00:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:17
Điều khiến chúng ta kính phục là chính Phan cũng không kém thẳng thắn và khách quan khi dự đoán về khả năng thất bại của đường lối mà chính bản thân Phan đang theo đuổi...

   
PHAN CHÂU TRINH

“HỒN TINH VỆ”

     

Vĩnh Sính

    

1. “Tinh Vệ” là loài chim sống ở bờ biển, trông na ná như quạ. Tục truyền con gái vua Viêm Đế chết đuối hóa thành chim, nên chim thường ngậm đá ở núi Tây những mong lấp cạn biển Đông. Tinh Vệ dùng theo nghĩa bóng là “việc gì khiến ta xả thân làm hết sức mình, bất luận thành bại”.

1.1. “Ngô đô phú” (Phú làm tại kinh đô nhà Ngô) trong Tả Tư có câu : “Tinh Vệ hàm thạch nhi ngộ kiểu” (Tinh Vệ ngậm đá gặp lại chủ cũ). Uông Tinh Vệ (1885-1944), chính trị gia người Quảng Đông, sau khi Tôn Văn mất, lãnh đạo cánh tả của Quốc Dân Đảng, một thời đối lập với Tưởng Giới Thạch. Năm 1937, khi chiến tranh Trung-Nhật khuếch đại, ông khởi xướng phong trào hòa bình với Nhật Bản, lập chính phủ Nam Kinh. Uông cũng lấy “Tinh Vệ” làm tên chữ -- tên thật của ông ta là Uông Triệu Minh. Ở nước ta, trong Kiều có câu : “Tình thâm bể thẳm lạ điều / Nào hồn Tinh Vệ biết theo chốn nào” hoặc truyện Sãi Vãi cũng có : “Đá Tinh Vệ muốn lấp sao cho cạn bể”.

1.2. Vào đầu thế kỷ 20, từ ngữ “Tinh Vệ” được dùng nhiều hơn bao giờ cả. Một trong những người đầu tiên sử dụng điển tích đó là Phan Châu Trinh (1872-1926). Phan là nhà cách mạng đã để lại nhiều văn thơ bằng chữ Hán và chữ quốc ngữ -- có bài đứng vào hàng kiệt tác.

Sau đây, chúng ta thử xem các bài thơ của Phan có nhắc đến chim “Tinh Vệ” và thử đoán “Tinh Vệ” hàm ý nghĩa gì. Cần nói thêm là khác với thơ văn Phan làm bằng chữ Hán, các bài thơ có liên quan đến chim Tinh Vệ trích sau đây này đều được viết bằng chữ quốc ngữ.

 

*
*   *

   
2. Làm ở Côn Đảo, 1908 ?

    

Anh biết cho chăng hỡi Dã Hàng ?
Thình lình sóng dậy cửa Nha Trang.
Lời nguyền trời đất còn ghi tạc,
Giọt máu non sông đã chảy tràn.
Tinh Vệ nghìn năm hồn khó dứt ?
Đỗ Quyên muôn kiếp oán chưa tan. 1

     

2.1. Đỗ Quyên : chim quốc (cuốc), còn gọi là Đỗ Vũ, hay Tử Quy. Tương truyền vua Thục Đế là Đỗ Vũ ham mê nữ sắc, tư thông với vợ của bầy tôi. Thục Đế vì ham sắc bị buộc phải nhường ngôi, bỏ nước ra đi. Nhà vua về sau hối hận về hành động xằng bậy của mình, buồn rầu và sanh bệnh rồi mất, hóa thành chim Đỗ Quyên. Chim về mùa Hè kêu suốt đêm ai oán, đến hửng sáng là giãy chết. Tiếng chim Đỗ Quyên thường dùng theo nghĩa “lòng nhớ quê hương”.

2.2. Bài thơ trên, thiếu hai câu cuối, Phan chắc hẳn đã làm sau khi nghe tin Trần Quý Cáp lên đoạn đầu đài ở chợ Nha Trang sau vụ “Trung Kỳ dân biến” năm 1908. Trước cuộc dân biến, phong trào Duy Tân đã rất mạnh, đặc biệt là Quảng Nam, rồi đến Hà Nội, Nghệ An và Hà Tĩnh.

Trần Quý Cáp hiệu là Thai Xuyên hay Thích Phu, tự là Dã Hàng, đỗ tiến sĩ năm Giáp Thìn (1904). Trần là bạn chí thân của Phan và chí hướng hai người cũng giống nhau. Cả hai nổi tiếng về tài hùng biện.

Năm 1905, bộ ba Phan, Trần và Huỳnh Thúc Kháng Nam du, họ giả dạng lái buôn để lên “thám hiểm” tàu Nga đang cập bến ở Cam Ranh. 2 Vào đến Bình Định, gặp kỳ khảo hạch hàng năm, Phan làm bài thơ Chí thành thông thánh (Chí thành thông đạo thánh hiền), Trần và Huỳnh Thúc Kháng làm bài phú Lương ngọc danh sơn (Cầu ngọc tốt ở ngọn núi lừng danh), dùng lời lẽ để kích động lòng yêu nước của sĩ phu toàn quốc. Năm 1908, khi phong trào Duy Tân đang dấy lên sôi nổi với khẩu hiệu “chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh” thì vụ dân biến xảy ra.

Cựu đảng Cần Vương nổi tiếng là Tiểu La Nguyễn Thành sau khi làm việc với Trần trong mấy năm, từng nói với Phan : “Nếu được một đôi người như Thai Xuyên có việc gì chả làm xong !” 3 Trần hy sinh là điều mất mát rất lớn đối với Phan.

2.3. Tuy cùng mang hoài bão cứu nước, lập trường của Phan và Phan Bội Châu (PBC) rất khác nhau, thậm chí về sau trở thành đối lập. Phan chủ trương bất bạo động và hoạt động hợp pháp, khởi xướng thuyết tự trị, kêu gọi canh tân để tự cường qua chủ trương “ỷ Pháp cầu tiến bộ”, rồi từng bước giành lại độc lập quốc gia. Lập trường của Phan được một số thân sĩ chịu ảnh hưởng tân học biểu đồng tình. Ngược lại, PBC chủ trương bài Pháp kịch liệt, hô hào lật đổ chính quyền thuộc địa bằng phương tiện bạo động và bí mật. Tưởng nên nói thêm là trong khoảng thời gian cuối đời sống trong tình trạng bị giam lỏng ở Huế từ cuối năm 1925 cho đến khi từ trần vào năm 1940, PBC có thái độ chính trị ôn hòa so với thời kỳ hoạt động ở hải ngoại.

Dưới mắt Phan, PBC là nhà yêu nước bị ảnh hưởng nặng nề của cái học khoa cử. Phan xem các trước tác của PBC là biến thể của văn chương bát cổ, “không có mảy may một chút giá trị, nhưng vì trình độ và tính cách thích hợp với quốc dân, nên dân mới bị lừa theo” 4. Cá tính con người PBC biểu hiện “những quán tính lâu đời của người Việt Nam, gồm những mặt tốt đẹp nhất cho tới những mặt thiếu sót, kém cỏi nhất” 5. Theo Phan, PBC là “người đại biểu cho những tập quán có từ ngàn xưa trong lịch sử của dân tộc nước Nam. Không biết chân tướng của người nước Nam, xem ông ấy thì biết được. Người dân nước Nam rất giàu tính bài ngoại, ông ấy bài ngoại đến chỗ cực đoan. Người nước Nam rất thích ỷ lại vào người nước ngoài thì ông ấy ỷ lại đến chỗ cực đoan. Người dân nước Nam rất thiếu tính tự lập thì ông ấy lại càng thiếu cùng cực. Tính cách và trình độ của ông ấy nhất nhất đều tương hợp với tính cách và trình độ của quốc dân, bởi vậy ông nhân ưu điểm và khuyết điểm của quốc dân mà lợi dụng” 6.

Điều khiến chúng ta kính phục là chính Phan cũng không kém thẳng thắn và khách quan khi dự đoán về khả năng thất bại của đường lối mà chính bản thân Phan đang theo đuổi : “Tôi tự biết những lý do mà chủ nghĩa của ông ấy đưa ra thì rất yếu, nhưng nếu áp dụng vào đặc tính của dân nước Nam thì rất mạnh. Chủ nghĩa của tôi, lý do đưa ra thì rất mạnh, nhưng nếu áp dụng vào đặc tính của người nước Nam trong tình thế hiện tại thì rất yếu. Chủ nghĩa của ông ấy rất hợp với đặc tính và trình độ của quốc dân, lại nhắm vào chỗ mạnh mà lợi dụng và vì ở hải ngoại nên ngôn luận tự do, dễ có người theo, do đó chủ nghĩa ông ấy sẽ tất thắng. Chủ nghĩa của tôi tương phản với đặc tính và trình độ của quốc dân, lại nhắm vào chỗ yếu mà cứu và vì ở trong nước nên bị các thế lực chèn ép và nghi kỵ tập trung vào, các hoạt động và ngôn luận đều không được tự do nên người theo cũng khó, do đó chủ nghĩa của tôi tất bại”. 7

2.4. Phan trình bày những ý kiến của mình về PBC trong Tân Việt Nam, viết khoảng tháng 4, 1910 – tháng 3, 1911 ở Mỹ Tho trước khi đi Pháp. Thử hỏi chim Tinh Vệ sức đâu mà “ngậm đá”, một khi Trần Quý Cáp đã mất thì khả năng “lấp cạn biển Đông” lại khó khăn muôn phần.

   

*
*   *

   

3. Làm tại Paris, 1911 ? Một trong 10 bài thơ Phan làm thay Đồ Chiểu [Nguyễn Đình Chiểu] để khóc Trương Định

     

Phân bua thiên hạ hỡi thương lòng,
Cái nợ non sông quyết gỡ xong.
Ngậm đá biển Đông chim hết sức,
Trông mây trời hạ lúa khô đòng.
Đêm dài Nịnh Thích khôn mong sáng,
Xuân lại Nghiêu Phu đã chắc đông.
Sùi sụt nhớ người càng tưởng cảnh,
Lờ mờ bụi lấp dấu Gò Công. 8

  

3.1 Làm tại Paris, 1911 ? Bài thứ 1 trong 10 bài “Lại họa Tôn Thọ Tường” [đầu đề giữa ngoặc kép là của Phan]

   

Than thở lời ai hỡi để đây,
Trăm năm hầu dễ tỏ lòng này.
Sóng cao cá ngớp giương vi lội,
Ngày túi chim đành mỏi cánh bay.
Tiếc bấy tài cao chưa gặp thuở,
Hiềm vì khí vắn nở mua ngày.
Chín sông dẫu có lòng Tinh Vệ,
Nghe thử mười bài miệng lá lay. 9

  

3.2. Làm tại Paris 1911 ? Bài thứ 9 trong 10 bài “Lại họa Tôn Thọ Tường” [đầu đề giữa ngoặc kép là của Phan]

    

Mười mươi xúm xít luống xăng văng,
Rắn lợn 10 nào ai tính thế ngăn ?
Láo liến chuột bầy thua chuột lắt 11,
Chàng ràng trâu cột ghét trâu ăn 12.
Ngu Công hết cháu, non nên sủng,
Tinh Vệ còn thân, nước phải bằng.
Gánh nặng đàng xa đâu nỡ bỏ,
Làm trai trước phải giữ lòng hằng. 13

 

3.3. “Ngậm đá biển Đông chim hết sức” : trong bài ngụ ý nói chim Tinh Vệ không còn sức để ngậm đá những mong lấp cạn biển Đông.

3.3.1. Nịnh Thích : Hiền sĩ ở Trung Hoa. Lúc nhỏ chăn trâu, thường gõ sừng trâu hát : “Núi Nam sáng, đá trắng rạng, sinh không gặp thời Nghiêu Thuấn tốt lành, đêm dài mờ mịt biết khi nào sáng cho ?” Sau làm đến chức tể tướng. 14

Nghiêu Phu : Thiệu Ung tự Nghiêu Phu là một đại nho đời Tống, nghiên cứu dịch lý rất sâu, soạn sách Hoàng cức kinh thế. Ông ở ẩn trong núi, tự cày cấy lấy mà ăn. Tên tụng khi chết là Thiệu Khang Tiết.

3.3.2. Gò Công : Nơi Trương Định đóng nghĩa quân. 15

3.3.3. Ngu Công : lấy từ điển tích “Ngu Công dời núi”. Chuyện ngụ ngôn này nói ngày xưa có ông lão Bắc Sơn Ngu Công muốn đập bằng một hòn núi lớn để dời đi nơi khác, con cháu thảy đều tán thành. Thần thánh cảm kích, giúp đỡ lão ông dời núi.

   

*
*   *

   

4. Làm tại Paris, ngục Santé, tháng 9, 1914 đến tháng 7, 1915

   

Dã tràng xe cát bể Đông, Nhọc mình mà chẳng nên công cán gì [đề bài của Phan]

   

Nhọc mình chi lắm dã tràng ôi ?
Xe cát xưa nay chẳng thấy rồi.
Tháng lụn năm qua cà cụm đấy,
Bãi dài sóng cả tạt xô bồi.
Mượn hồn Tinh Vệ thù cho bể,
Hóa kiếp Ngu Công chống với trời.
Cuộc thế tang thương đâu đã chắc,
Thân này xin hỡi bạn cùng người. 16   

     

4.1. Bài thơ này làm khi Phan ngồi tù ở khám Santé, từ tháng 9, 1914 đến tháng 7, 1915. Khi Thế chiến thứ nhất bùng nổ vào mùa Hè năm 1914, Pháp là một trong những nước tham chiến chính yếu. Chính quyền Pháp gọi Phan nhập ngũ, nhưng Phan cự tuyệt không đi vì dân nước bảo hộ không bắt buộc phải đi lính. Phan bị vu cáo là thông đồng với Đức và bị ngồi tù. Nỗi bi quan và thất vọng của cảnh lao tù ở ngục Santé đã được nói lên ít nhiều trong bài thơ trên đây.

   

*
*   *

   

5. Phan từ Pháp hồi hương tháng 6 năm 1925 và tháng 3 năm sau thì Phan tạ thế. Phan Bội Châu đi câu điếu : “Thương hải vi điền, Tinh Vệ hàm thạch / Chung Kỳ ký một, Bá Nha đoạn huyền” (Biển xanh biến thành ruộng, chim Tinh Vệ còn ngậm đá / Chung Kỳ thôi đã mất, Bá Nha cắt dây đàn). 17

Bá Nha và Chung Tử Kỳ người đời Xuân Thu. Bá Nha biết bạn là Tử Kỳ hiểu tiếng đàn cầm của mình hơn ai cả nên khi Tử Kỳ mất, Bá Nha tự đập vỡ đàn, thề trọn đời không đàn nữa vì thiếu bạn tri âm.

Sau khi về sống ở Huế từ cuối năm 1925, đường lối chính trị của PBC ôn hòa ra hẳn. 18 Nhưng việc PBC so sánh Phan mất với Tử Kỳ, và Bá Nha cắt dây đàn với chính mình thì có cái gì không ổn cho lắm. Nếu PBC là bạn tâm đầu ý hợp của Phan như Trần Quý Cáp thì câu đối mới chỉnh. Đằng này, qua Tân Việt Nam chúng ta đã biết lập trường của PBC và Phan quá cách xa nhau, thì đối vậy sao được, dầu Phan lúc đó đã thành người thiên cổ.

     

5.1. Khi lễ truy điệu Thai Xuyên Trần Quý Cáp được tổ chức, PBC đọc điếu văn. Trong sách trích dẫn 19 không đề ngày truy điệu, ta chỉ biết rằng vào tháng 6 năm 1925, PBC bị bắt ở Thượng Hải và giải về Hà Nội (giam ở Hỏa Lò), sau đó đưa về Huế và sống trong tình trạng bị giam lỏng từ tháng 12 năm 1925 cho đến khi mất vào năm 1940. Đoạn cuối của bài điếu văn có câu :

   

Trời chí công sao nỡ thế ! Gương nhật tinh há lẽ mờ chăng !
Suối đỏ kìa ai thăm viếng ! Huyết Trành Hoằng sắc biếc nhuốm xanh !
Giống vàng chắc chửa diệt đâu, hồn Tinh Vệ thề điền biển bạc !
Mấy lời bạn cũ, tấc dạ thần soi.

    

Trành Hoằng là nhạc sư cho triều đình nhà Chu, tương truyền ông đã dạy nhạc cho Khổng Tử (Lễ ký, “Nhạc ký”).

Lời văn của PBC phải nói là lâm li và chân thật. Tuy không muốn quá nghiêm khắc với PBC, phải nói rằng nếu bài điếu văn là để gửi cho người quá cố là Trần Quý Cáp, thì “giống vàng” bị “diệt” hay không là vấn đề của tác giả bài điếu văn là PBC, chứ không phải là nỗi lo âu lo lắng của Trần Quý Cáp (hay của Phan). Chúng ta biết rằng PBC chịu ảnh hưởng của thuyết Liên Á (các nước Á Châu phải liên hiệp lại với nhau), bởi vậy PBC thường nói về nạn “diệt chủng”. PBC nghĩ rằng Việt Nam phải được sự giúp đỡ của Trung Hoa, Nhật Bản và cần được sự yểm trợ của các nước chống lại Pháp -- như Đức và Nga, hoặc giả của bất cứ nước nào mà PBC ngỡ là chống lại Pháp. Khi về Huế sống những năm cuối đời, PBC vô tình vẫn dùng những danh từ của thời tranh đấu ở hải ngoại.

Sinh tiền Phan xem lối suy luận của PBC là do ảnh hưởng “văn chương bát cổ” đã muốn dùng ngôn từ cho kêu và ngỡ vậy là hay. Nói cho công bằng với PBC, chúng ta thấy rằng cho dầu PBC có muốn lột hết ảnh hưởng của “văn chương bát cổ” cũng rất khó vì từ nhỏ đã “dùi mài kinh sử” và lớn lên hết thi cử thì đã lo dấn thân đấu tranh, thời giờ đâu mà học hành suy nghĩ trước sau. PBC không thích và không thạo về lý luận, lại cả tin, nên có khuynh hướng “ba phải” trong suy nghĩ. 20 Mặt khác, như chúng ta đã thấy, Phan dùng chim Tinh Vệ đi đôi với Ngu Công (hoặc Đỗ Quyên, theo nghĩa “lòng nhớ nước”) không phải vì thiếu danh từ hay thiếu chữ, mà chỉ vì hai chữ Tinh Vệ và Ngu Công mới đối thật chỉnh với nhau. Cả hai chữ đều hàm nghĩa là cực khó.

Nói đến chim Tinh Vệ, chúng ta không khỏi nhớ đến học giả Đào Duy Anh (1904-1988) sinh tiền lấy bút hiệu là Vệ Thạch, cũng đi từ điển tích “Tinh Vệ hàm thạch” của người xưa. Bút hiệu này chắc hẳn đã ra đời lúc Phan về nước và mất chưa đầy một năm sau đó.

 

Vĩnh Sính

Những ngày áp Tết Xuân Đinh Hợi, 2007
   

   

 

1 Tây-Hồ Phan Châu Trinh, Tây-Hồ và Santé Thi tập, Lê Ấm sưu tập. Nhà in Lê Thị Đàm, 1961, trang 21.

2 Xem bài của cùng tác giả, “Chuyện một trăm năm trước – Tháng 4, 1905 ở vịnh Cam Ranh”. Diễn Đàn, tháng 4, 2005.

http://zdfree.free.fr/diendan/articles/u150vsinh.html

3 Anh-Minh Ngô Thành Nhân, Ngũ hành sơn chí sĩ hay là Những anh hùng liệt sĩ tỉnh Quảng Nam (Huế : Nxb Anh Minh, 1961), trang 39.

4 Pháp Việt liên hợp hậu chi Tân Viêt Nam (bản chữ Hán, tác giả bài này tự dịch, viết tắt là Tân Việt Nam), trang 17.

5 Như trên, trang 36.

6 Như trên, trang 18.

7 Như trên, trang 21.

8 Tây-Hồ Phan Châu Trinh, Tây-Hồ và Santé Thi tập, trang 18.

9 Như trên, trang 22.

10 Đi từ chữ “xà thỉ”. Chỉ quân cướp nước. Huỳnh Lý, Thơ văn Phan Châu Trinh (Hà Nội : Nxb Văn học, 1983), trang 124.

11 Thành ngữ “Chuột bầy thua chuột lắt”. Như trên.

12 Thành ngữ “Trâu cột (buộc) ghét trâu ăn”. Như trên.

13 Tây-Hồ Phan Châu Trinh, Tây-Hồ và Santé Thi tập, trang, trang 28.

14 Huỳnh Lý, Thơ văn Phan Châu Trinh, trang 118.

15 Như trên.

16 Như trên, trang 87.

17 Thế Nguyên, Phan Chu Trinh (1872-1926) (Sài Gòn : Tủ sách “Những Mảnh Gương” Tân Việt, 1956), trang 63.

18 Xem thêm Vĩnh Sính and Nicholas Wickenden, translators and editors, Overturned Chariot: The Autobiography of Phan-Bội-Châu (University of Hawai’i Press, 1999), “Introduction”, trang 21-27.

19 Anh-Minh Ngô Thành Nhân, Ngũ hành sơn chí sĩ, trang 129.

20 Xem thí dụ điển hình trong Vĩnh Sính and Nicholas Wickenden, translators and editors, Overturned Chariot: The Autobiography of Phan-Bội-Châu, “Introduction”, trang 17-19.

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Xuân Đinh Hợi
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
Black Movie - Festival international de films indépendants Genève 17/01/2025 - 26/01/2025 — Maison des arts du Grütli | 16, rue du Général-Dufour | 1204 Genève
LES LARMES D'ASTYANAX - Olivier Dhénin Hữu 31/01/2025 - 02/02/2025 — Théâtre du lycée Jacques Decour | 12 Avenue Trudaine | 75009 Paris
Festival cinéma - Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Inalco : L'économie vietnamienne en 2024 et ses perspectives 06/02/2025 18:00 - 20:00 — 65 Rue des Grands Moulins, 75013 Paris | Amphi 2
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us