Jules Ferry le Tonkinois
1885-2015: 130 năm khởi phát cuộc đánh chiếm Bắc Kỳ
JULES FERRY LE TONKINOIS
Võ Quang Yến
Một con người, một tham vọng, một khúc đầu lịch sử đô hộ nước ta. Cuối thế kỷ XIX, một nhà chính trị Pháp, Jules Ferry, chỉ vì muốn thôn tính cho kỳ được miền Bắc (từ đó toàn lãnh thổ Việt Nam) sau khi quân đội Pháp chiếm đóng Nam Kỳ, mà bị những đối phương chính trị và những nhà đối lập cuộc bành trướng thuộc địa gán cho biệt hiệu Le Tonkinois, Người Bắc Kỳ.
Jules Ferry (1832-1893), sinh ngày mồng 5 tháng tư ở Saint-Dié tỉnh Vosges, là con thứ nhất một ông trạng sư, cháu nội ông Thị trưởng thành phố Saint-Dié. Tốt nghiệp trường trung học hoàng gia ở Strasbourg, ông lên Paris học Khoa Luật. Là một luật sư hùng biện. rất nhiệt huyết về các vấn đề công cộng, ông sớm trở nên một chuyên gia bảo vệ pháp lý cho những người theo chế độ cộng hoà. Ông cũng thường xuyên cộng tác với các báo La Presse, Le Courrier de Paris, Le Temps. Đối lập tích cực với Đệ nhị Đế quốc khi tháng 12 năm 1851 Louis Napoléon Bonaparte đảo chính hủy bỏ chế độ cộng hoà. Ông nổi tiếng năm 1868 với loạt bài văn hài hước Les comptes fantastiques d’Haussmann (nhại lại bài Les contes fantastiques d’Hoffmann, lấy tài khoản comptes thay truyện hoang đường contes) đăng những năm 1867-1868 trong tờ Le Temps, tiền thân báo Le Monde ngày nay, tố giác mãnh liệt những hành vi gian lậu, những vụ hối lộ hết mức, đầu cơ vô độ quanh cuộc cải cách bất động sản ở Paris của nam tước Haussmann vào những năm 1855-1856 : trưng dụng canh tân nhà cửa, mở mang đại lộ, phân cấp đất đai. Ông Ferry không ngần ngại đi lại với những phòng xã hội thượng lưu, các câu lạc bộ văn học, giao du với những người, những hội theo chế độ cộng hoà để trao đổi ý tưởng Lumières (Ánh Sáng, phong trào trí thức ở châu Âu thế kỷ XVIII : 1715-1789) vượt qua chính sách ngu dân, trao đổi kiến thức để khuyến khích khoa học chống lại dị đoan, cố chấp, những lạm dụng của Giáo hội cũng như của Nhà nước.
Jules Ferry |
Georges Clémenceau |
Tháng năm năm 1869 ông được bầu làm Đại biểu cộng hoà Quốc hội khu 6 thành phố Paris. Tháng 9 năm 1870, Ferry nhập chính phủ kháng chiến. Từ tháng 11 năm 1870 đến tháng 3 năm 1871, ông đuợc bổ nhiệm Thị trưởng Paris với nhiệm vụ khó khăn, nếu không nói là gần như không thể được, tiếp tế kinh đô bị quân Phổ bao vây. Sau những cuộc hạn chế lương thực, dân chúng Paris đặt cho ông biệt danh thứ nhất Ferry Đói khổ. Ngay từ ngày đầu cuộc khởi nghĩa Công xã Commune de Paris, ông bỏ thành chạy trốn sau khi nhiều lần bị hành hung. Bắt đầu từ đây ông một là địch thủ kiên quyết những thành viên Communard. Tháng 2 năm 1871, ông được bầu làm Đại biểu vùng Vosges vào Quốc hội. Lại trúng cử năm 1876, ông giữ chân nầy cho đến 1889. Từ năm 1871, ông cũng được bầu vào Hội đồng Tỉnh và trở nên Phó chủ tịch. Thấy ông ít đồng ý với cơ quan hành chánh, sợ còn bị liên lụy vì quân Phổ đang chiếm đóng vùng Vosges, Tổng thống Adolphe Thiers (1797-1877) phái ông làm đại sứ qua Athènes đàm phán. Về lại Paris, ông trở nên một trong những thủ lĩnh cộng hòa chống đối cho đến lúc Jules Grévy (1807-1891) được bầu làm tổng thống cộng hoà.
Tháng bảy 1875, ông Ferry được kết nạp vào tỉnh hội Phương Đông Pháp quốc của Hội Tam Điểm Francs-Maçons, sau nầy phân vào chi hội Alsace-Lorraine. Hội có ảnh hưởng nhiều lên ông trong tư tưởng chính trị về thuộc địa. Năm 1891, nhân một cuốn sách của ông đuợc xuất bản, chi hội Huynh đệ Băc Kỳ đã viết về tỉnh hội : ‘‘Cuộc chinh phục Băc Kỳ sẽ là sự nghiệp vĩ đại nhất, lỗi lạc nhất của Đệ tam Cộng hoà ; thật là một vinh dự cho Đệ tam Cộng hoà khi thành lập Liên bang Đông Dương, đã xóa bỏ được phần nào nhục nhã hiệp ước 1763 cống hiến cho người Anh đế quốc Ấn Độ của ta’’. Cùng năm ấy, ông cưới cô Eugénie Risler làm vợ, người đạo Tin lành, cháu ông Charles Kestner, nhân vật trứ danh giới chủ gia trưởng vùng Alsace. Cặp vợ chồng không có con, bao nhiêu tình thương đổ dồn lên đứa cháu Abel Ferry. Từ tháng hai năm 1879 đến tháng chín năm 1880, ông được bổ nhiệm Bộ trưởng bộ Công dân Giáo dục trong chính phủ William Henry Waddington (1826-1894). Tên tuổi ông dính liền với những định luật trường quy. Những biện pháp đầu tiên là trao lại học vị cho trường tư thục, phân tán những giáo đoàn không có giấy phép. Làm thủ tướng từ tháng chín năm 1880 đến tháng mười một năm 1881, ông cho ra các đạo luật miễn phí trong ngành giáo dục tiểu học, nới rộng ngành giáo dục trung học cho nữ sinh. Trở lại làm Bộ trưởng bộ Công dân Giáo dục từ tháng một đến tháng bảy năm 1882, ông tiếp tục công tác mở mang giáo dục : luật bắt buộc giáo dục và luật biệt lập tôn giáo trong trường ốc, mở trường Đại học Sư phạm cho phụ nữ và bằng Thạc sĩ nữ giới.
Trong một bức thư gởi các giáo viên, ông Ferry giải thích : Đặc tính của đạo luật mới gồm có hai khuynh hướng bổ sung nhau mà không mâu thuẫn với nhau ; một bên đặt sự giảng dạy mọi giáo điều cá biệt ra ngoài chương trình bắt buộc ; bên kia nâng lên hàng đầu giáo dục luân lý và công dân. Giáo dục tôn giáo là công việc của gia đình và Giáo hội, truờng học lo vể giáo dưỡng luân lý. Nhà lập pháp không có ý định làm một công việc hoàn toàn tiêu cực. Chắc chắn ông ta nhắm mục đích đầu tiên tách rời trường học và Giáo hội, bảo đảm tự do lương tâm vừa của thầy giáo vừa của học trò, phân biệt hai lĩnh vực từ lâu quá lẫn lộn : lĩnh vực tin tưởng là cá nhân, tự do, thất thường, và lĩnh vực kiến thức là công cộng, cần thiết cho tất cả, được mọi người đồng ý. Nhưng trong đạo luật nầy còn có một điều khác : đạo luật khẳng định ý chí xây dựng trong nước một ngành giáo dục quốc gia và xây dựng trên những khái niệm bổn phận và quyền hành. Nhà lập pháp không ngần ngại ghi những khái niệm nầy vào những thực tế mà không một ai bảo là không biết. ‘’Thưa các ông, về mặt quan trọng giáo dục nầy, chính quyền dựa lên các ông. Khi miễn cho các ông giảng dạy tôn giáo, không ai nghĩ giảm luôn giáo dục đạo đức : như vậy thì tước mất phần phẩm cách của ngành nghề các ông. Trái lại, đương nhiên là khi dạy đọc và viết cho con trẻ, nhà giáo dạy luôn những kỷ luật sơ đẳng luân lý của đời sống cần được thừa nhận một cách phổ biến như định luật ngôn ngữ hay tính toán’’.
Trái với trí thức Việt Nam ít biết đến mặt nầy của Jules Ferry, các nhà giáo Pháp lớn tuối rất khâm phục ông về những việc làm và kết quả đạt được trong lĩnh vực giáo dục. Nhà tôi, xuất thân trường Sư phạm trước khi tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm và vinh danh tiến sĩ khoa học ở Sorbonne, thì không ngớt khen ngợi công lao của ông. Vì vậy, nhiều người ngạc nhiên thấy vừa lặn lội trên đường chính trị, ông vừa tích cực chủ trương bành trướng thuộc địa. Thật vậy, chính ông đã mưu mô để thành lập chế độ bảo hộ ở Tunidi (1881), tổ chức chuyến qua Congo của nhà thám hiểm Pierre Savorgnan de Brazza (1898) với sứ mệnh xâm chiếm. Rủi cho ông lúc bấy giờ làm Bộ trưởng Ngoại giao, ông bị ngay những vị cộng hoà bảo thủ như Adolphe Thiers (1797-1877) hay phái tả cộng hoà của Georges Clémenceau (1841-1929) chống đối. Nhân Quốc hội biểu quyết 2,5 triệu đồng Phật lăng, tiền kinh phí cần thiết cho cuộc chinh phục Bắc Kỳ, ông kiếm cách mở rộng mặt trận : thám hiểm sông Hồng đồng thời chính thức đánh dẹp quân cướp Tàu. Đối với nhiều giới kinh doanh liên kết với những nhà cộng hoà cơ hội như Léon Gambetta (1838-1882), thuộc địa sẽ là phương cách giải quyết vấn đề khủng hoảng thị trường tiêu thụ kỹ nghệ : Bắc Kỳ, ngoài hầm mỏ, đồng ruộng phì nhiêu, sẽ là bàn đạp tiến vào thị trường bao la Trung Quốc, việc cần kíp khi biết nước Anh đang lăm le làm việc đó qua trung gian Miến Điện. Thêm nữa, sau cuộc bại trận 1870, nước Pháp bị Thủ tướng Otto von Bismarck (1862-1870) nước Phổ kiếm đủ mọi cách cô lập, gần như bế quan tỏa cảng. Như nhà buôn Jean Dupuis (1875-1952), trước đây thương gia tơ lụa Ulysse Pila (1837-1909) ở Lyon, nhiều nhóm kỹ nghệ và tài chính (Fives-Lille, Société Générale, Paribas,) mang ước mơ chia sẻ được một phần nào ảnh huởng. Bên phía các nhà truyền giáo Cơ đốc, chiếm đóng Bắc Kỳ cũng là phương cách bảo vệ những tín đồ đang bị bài xích.
Tranh biếm họa Jules Ferry
|
|
Georges
Lafosse 1872 |
La Petite Lune 1878 |
Ngày 25 tháng tư 1882, cầm đầu một toán quân 500 lính, Đại úy hải quân Henri Rivière (sinh năm 1827) đánh chiếm thành Hà Nội nhưng bị quân Cờ đen giết ngày 19 tháng năm 1883 cũng ở Cầu Giấy như Francis Garnier (1839-1873) trước đó mười năm. Lập tức, Jules Ferry tăng cường quân viễn chinh lên 4000 rồi 9000 rồi 40.000, ra lệnh cho Đô đốc Amédée-Anatole Prosper Courbet (1827-1885) chỉ huy một hạm đội tiến vào Biển Đông. Quân Pháp lần lượt chiếm đóng Nam Định (tháng ba 1883), Sơn Tây (tháng mười hai 1883). Lủng củng nội bộ vào lúc vua Tự Đức (sinh năm 1829) băng hà tháng tám 1883, triều đình Huế phải chấp nhận sự bảo hộ Pháp qua hiệp ước Harmand (25 tháng tám 1883) hoàn chỉnh với hiệp ước Patenôtre (mồng 6 tháng sáu 1884), từ đây đất nước Việt Nam bị cắt ra thành ba phần. Pháp cũng thành công ký kết thỏa ước Thiên Tân ngày 11 tháng năm 1884 với Trung Quốc, một cường quốc đến nay luôn có ý chí giữ quyền bá chủ trên đất nước ta, từ nay chấp nhận chế độ bảo hộ Pháp và rút quân về nước. Nhưng chỉ hơn một tháng sau, vì một chuyện lôi thôi ở Bắc Lệ, đô đốc Courbet từ bỏ công ước, đánh chìm một phần lớn hải quân Trung Quốc ở Phúc Châu ngày 23 tháng bảy 1884. Với vài ba rắc rối khác được báo chí phồng lớn, ở Pháp dấy lên một phong trào chống cuộc khai thác thuộc địa ở Bắc Kỳ, nhất là sau khi quân đội viễn chinh phải rút khỏi đồn Lạng Sơn ngày 25 tháng ba năm 1885, nơi mới chiếm được từ tháng hai. Là một trạm chủ yếu trên biên thùy Trung-Việt, Lạng Sơn án ngữ lối vào châu thổ sông Hồng, bảo vệ Bắc Kỳ chống quân Tàu nên ông Ferry, Thủ tướng từ ngày 21 tháng hai 1883, Bộ trưởng Ngoại giao từ ngày 20 tháng mười một cùng năm, đơn thân điều khiển, không cho Quốc hội cũng như báo chí hay biết.
Đêm 28 tháng ba năm 1885 Ferry nhận được bức điện tín của tướng Brière de l’Isle (1827-1896), Tồng chỉ huy Quân đội Pháp ở Đông Dương : ‘‘Tôi rất buồn xin báo tin tướng Négrier (1839-1913) bị thương nặng, phải chở ra khỏi Lạng Sơn. Quân Tàu số lớn chia làm ba đội tấn công mãnh liệt vào các đồn của ta trước Kỳ Lừa. Đại tá Herbinger (1839-1886) hết đạn dược trước số lớn quân địch, tin cho tôi biết bắt buộc ông phải rút về Dòng Sông và Thành Mới. Quân địch ngày càng tiến nhiều vào sông Cói. Dù sao, tôi hy vọng chống cự lại được trên toàn châu thổ. Tôi xin chính phủ sớm gởi quân tăng viện ’’. Sáng hôm 28 tháng ba, Paris xốn xao với tin thất thủ Lạng Sơn. Tin đồn quân đội viễn chinh mất tinh thần, 1800 quân sĩ bị giết, bị thương hay bị bắt, quân Tàu ồ ạt chiếm khắp Bắc Kỳ. Nhục nhã cuộc thất bại đồn đại nầy rất lớn trong mục đích cuộc chinh phục Bắc Kỳ và nhất là cách thức điều hành cuộc chinh phục ấy của nội các Ferry. Từ 1880, Léon Gambetta (1838-1882) đã từng viết trong tờ La République française (Cộng hòa Pháp): "Nước Pháp cần phải đóng chốt ở Bắc Kỳ để soạn đường chiếm đóng Trung Kỳ, Xiêm La và Miến Điện, đồng thời có lợi thế lên Ấn Độ và giúp đỡ văn minh châu Âu chống chủng tộc da vàng". Ngoài đường, dân chúng dành giật báo chí, kêu la ầm ỹ, dán bích chương trên tường : " Đánh chết Ferry ! Đả đảo Ferry, thằng hèn ! " Thị giá chứng khoáng suy sụp. Hằng ngàn người đổ xô về truớc bộ Ngoại giao, tụ họp trước Palais Bourbon (Quốc hội). Với tin Lạng Sơn thất thủ, Ferry ngần ngại trước sự sống còn thân phận chính trị của mình. Nhưng như con thú bị thương, ngày 30 tháng ba, trước Quốc hội, tin tưởng lời lẽ bức điện tín là quá đáng vì những tin tức mới lạc quan hơn, tình hình quân sự ở Bắc Kỳ không đến nỗi nguy ngập như đã tưởng, ông trỗi dậy phản công xin thêm viện trợ hai triệu đồng Phật lăng nữa. Với lời lẽ hùng hồn, ông kêu gọi mọi xu hướng chính trị góp sức nâng cao danh vọng đất nước và vinh dự ngọn cờ, không xem cuộc biểu quyết kinh phí là một cuộc biểu quyết tín nhiệm.
Tiếp theo là những tiếng la ó trước lời phát biểu giận dữ của Georges Clémenceau, kẻ thù không đội trời chung của Ferry. " Tôi không muốn trả lời ông Thủ tướng. Tôi tin là ở giờ phút nầy không thể có một cuộc tranh luận giữa một nội các của ông ấy và một đại biểu của Quốc hội nầy. Chúng ta không thể còn tranh luận với ông những quyền lợi của đất nước. Chúng tôi không biết ông nữa, không còn muốn biết ông nữa. Chúng ta có trước mặt không phải một ông bộ trưởng mà là những tội phạm phản quốc. Nếu ở Pháp có một nguyên tắc trách nhiệm và chính nghĩa thì pháp luật sẽ sớm ra tay ". Rút cuộc Quốc hội thuận cho kinh phí quân sự nhưng bỏ phiếu chống 306/149. Ferry đưa đơn từ chức và lủi thủi ra về trong lúc Clémenceau được công chúng nhiệt liệt hoan nghênh. Tờ báo Le Figaro tường thuật : " Trong những tiếng ầm ỹ, với những cú đá sau đít, bị khinh miệt ngay trong phe đa số của mình mà Ferry suy sụp thảm hại, khốn khổ, không thảo luận, không tranh đấu, như một cái bong bóng xẹp hơi ". Tuy nhiên, khi báo mới ra thì tin hay dồn dập : Bắc Kinh xác nhận hiệp định đình chiến Trung Hoa đã ký ngày 25 tháng ba 1885, " Thất bại Lạng Sơn " suy ra chỉ là một cuộc rút quân hấp tấp, không thiệt hại gì nhiều, 5 người chết và 37 người bị thương, chỉ vì cơ quan chỉ huy kém cỏi nhưng tình thế không gây một chút liên lụy. Trái lại, cuộc phản công của quân Pháp đã giết được 1200 quân Tàu ! Rút cuộc, lịch sử thật trớ trêu : Ferry là nạn nhân của chính tổ chức mật của mình, thêm vào tính chểnh mảng của những nhà quân sự, thổi phồng tình trạng để bào chữa cho việc rút quân. Và thật oái ăm, ở Huế, có một lúc cầu Trường Tiền được gọi cầu Clémenceau bắt ngang sông Hương lại giao nhau với đường Jules Ferry (bây giờ là đường Lê Lợi) chạy dài cạnh cùng dòng sông, ngay trước Nhà hàng Morin-Frères (nay là Khách sạn Saigon-Morin). Cách xa nguyên quán một vạn cây số, nhờ ma thuật của chính phủ thuộc địa, hai địch thủ lại có dịp gặp nhau, trong khoảnh khắc thời đô hộ, đọ kiếm trên đất Huế ở Việt Nam, nơi nguyên do cuộc đấu khẩu và tranh luận giữa hai nhà chính trị. Jules Ferry rời chính phủ và sẽ không bao giờ trở lại. Năm 1887, ông ứng cử chức tổng thống, danh hiệu hoàn toàn danh dự, nhưng luôn còn bị Clémenceau và liên minh chống đối. Tuy không đuợc bầu, ông luôn sẽ là Người Bắc Kỳ trong trí nhớ tập thể.
Ferry bày tỏ trước Quốc hội thực chất cơ sở tư duy thuộc địa Đệ tam Cộng hoà ngày 28 tháng bảy 1885, ba tháng sau nội các của ông bị đổ. Những luận chứng nầy được đăng lại trong Công báo: ‘‘ Hình thái đầu tiên của thuộc địa là thể dạng cống hiến một nơi nương náu và công ăn việc làm cho người dân các nước nghèo khó ngày càng tăng thêm, hay cho các nước mang nặng một dân số quá lớn. Nhưng có một thể dạng khác là thích nghi với những dân tộc có một số dư thừa ngân sách hay sản phẩm. Thuộc địa là một nơi đầu tư lợi ích cho các nước giàu có. Trong kỳ khủng khoảng các kỹ nghệ châu Âu châu đang trải qua, thiết lập một thuộc địa là sáng tạo một thị trường. Thưa các ông, phải nói lớn và nói thật ! Phải nói rõ quả nhiên những chủng tộc hạng trên có một cái quyền đối với những chủng tộc hạng dưới (xốn xao trong các hàng ghế cực tả) vì còn có một bổn phận đối với họ, bổn phận khai hóa. Những bổn phận nầy không được biết đến trong lịch sử các thế kỷ trước, và chắc chắn khi những quân binh và các nhà thám hiểm du nhập nô lệ vào Trung Mỹ, họ không làm tròn nghĩa vụ của chủng tộc hạng trên. Nhưng ngày nay, tôi khẳng định những quốc gia châu Âu cao thượng, khoát đạt, trung trực làm tròn nghĩa vụ cao cả khai hóa ấy. Ở giờ phút nầy, các ông biết là một chiến thuyền, bất chấp tổ chức hoàn hảo biết bao, không thể đem theo 14 ngày than, mà một chiếc tàu không than là một xác tàn trên mặt biển thả lỏng cho mặc ai đến lấy. Vì vậy, cần có trên biển những vũng tàu cung cấp, những nơi trú ẩn, những trạm phòng thủ và tiếp tế ’’. Trong vô số phản ứng, có lời của Clémenceau: ‘‘ Theo ông Ferry, chính phủ Pháp sử dụng quyền thế lên các chủng tộc hạng dưới khi đi đánh ngưòi ta và dùng bạo lực buộc họ quy theo những lợi ích của văn minh. Chủng tộc hạng trên ! Chủng tộc hạng dưới ! Nói thì dễ thôi. Về phần tôi, tôi không đặc biệt chịu được khi tôi thấy những nhà bác học Đức chứng minh rất khoa học nước Pháp phải chịu thua trong cuộc chiến Pháp-Đức vì người Pháp thuộc một chủng tộc hạng dưới chủng tộc Đức. Bắt đầu từ thuở ấy, tôi xin thú nhận nhìn hai lần trước khi hướng về một người hay một nền văn minh và xác định : người hay nền văn minh hạng dưới ’’.
|
|
Vườn Tuileries Paris |
Saint-Dié-des-Vosges |
Tượng kỷ niệm Jules Ferry : trong tượng của Gustave Michel có Marianne (Cộng hòa), một đứa học trò và bà giáo ; trong tượng của Antonin Mercié cũng có một Marianne, hai đứa học trò Pháp và Việt. Tượng nầy còn sao hai bản nữa gởi cho hai thành phố Tunis và Hà Nội. |
Chuyện ngược đời là Ferry hết còn đó, đa số giới chính trị và bình dân ủng bộ những tham vọng thuộc địa của cộng hòa và sự hiện diện của Pháp ở Đông Dương, danh từ chính thức từ năm 1887, dưới thời Đệ Tam Cộng hòa (1875-1940). Năm 1890, Ferry được những dân Pháp hải ngoại bầu vào Hội đồng Tối cao các Thuộc địa nêu cao biệt hiệu Người Bắc Kỳ mà các đối thủ ông cho là hèn mọn, điên cuồng đã dùng tưởng để miệt thị, lăng nhục ông. Năm 1892, ông khẳng định : ‘‘Tôi xin chứng thực, không sợ những thế hệ tương lai, như các lớp đàng anh, sẽ không nhận rõ tầm quan trọng và các kỳ vọng của nền chính sách thuộc địa ’’. Ferry không biết còn có nhiều Người Bắc Kỳ khác nối tiếp ước vọng của ông trong 70 năm nữa ở Đông Dương kể từ ngày ‘‘ Thất thủ Lạng Sơn ’’ (1885) đến ngày ‘‘ Thất bại Điện Biên ’’ (1954) ở ngay trên đất Bắc Kỳ thân mến của ông. Trong thời gian ấy, từ một thuộc địa di thực, Đông Duơng đã trở thành một thuộc địa khai thác có tính cách kinh tế. Ở Pháp, Ferry sau nầy được bầu làm Chủ tịch Thượng Nghị Viện, một chức danh dự. Ông bị mưu hại hai lần, năm 1883 và 1885. Lần thứ nhì, một người mất trí trong cánh Clémenceau bắn ông ba phát súng, một viên đạn trúng vào màng phổi gây thương tổn ở dây thần kinh động mạch chủ cho đến ngày ông từ trần sau một cơn tim hôm 17 tháng ba 1893, thọ 61 tuổi. Chính phủ muốn tổ chức quốc táng nhưng gia đình ông từ chối, tin là Clémenceau đã dùng đủ mọi cách để làm mất uy tín của ông. Ông được mai táng trong hầm mộ gia đình ở Saint-Dié. Mất đi, ở Pháp, Jules François Camille Ferry để lại tên tuổi trong các ngôi trường, nơi lưu truyền quy chế tổ chức hệ thống dạy dỗ ngày nay.
Ở Việt Nam, ít người biết đến ông tuy ông là người khởi xướng chính sách thuộc địa bắt đầu với cuộc đánh chiếm Bắc Kỳ, bước đầu cuộc đô hộ Đông Dương đồng thời là một bộ mặt trong nền giáo dục. Nhà tôi, một nhà giáo đã lần lượt giảng dạy đủ các bậc từ tiểu học, qua trung học đến đại học, thường đưa tôi về vùng Morvan thôn dã thăm ông giáo cũ hưởng thú điền viên ở quê Champeau hẻo lánh. Là một cán bộ trường phái Jules Ferry, lúc bấy giờ ở Pháp mệnh danh hussard noir de la République (kỵ binh áo đen nước Cộng hòa), mỗi lần quanh ly rượu Bourgogne nồng ấm, trước cô học trò cũ ngoan giỏi lúc xưa, ông tươi cười hân hoan lặp lại hoàn toàn thỏa mãn thấy nay có người tiếp tục nâng đuốc thay phiên ! Ông mất đi, đem theo lý tưởng cả một thế hệ nhà giáo tận tụy yêu nghề, tin tưởng ở sứ mệnh cao cả của mình….
Thành
Xô 2015, sau hai năm chéo
Pháp-Việt
Việt-Pháp 2013-2014
Tài liệu :
Bài diển văn của Jules Ferry ở Quốc Hội Pháp ngày 28.07.1885
Bài trả lời của Georges Clémenceau ở Quốc Hội Pháp ngày 30.07.1885
Gabriel Vital-Durand, 9 Juin1885, Le Viet nam devient français, Herodote.net
Chronique de La Plume et le Rouleau, 1885 : Jules Ferry, de l’Ecole au Tonkin, 2006
Mona Ozouf, Jules Ferry, La liberté et la tradition, Gallimard 2014
Các thao tác trên Tài liệu