"Khoa học" và tiếng Việt
Thuật
ngữ « khoa học »
vào tiếng Việt từ bao giờ ?
Hà Dương Tường
Theo Vĩnh Sính (Việt Nam và Nhật Bản, Giao lưu văn hoá, nxb Văn nghệ TPHCM 2001), nhiều thuật ngữ Hán Việt chúng ta dùng ngày hôm nay trong lĩnh vực khoa học (cả khoa học tự nhiên và xã hội) đã được du nhập vào VN đầu thế kỷ XX, thông qua con đường Tân thư của Trung Quốc (từ tiếng Nhật sang tiếng Trung cuối thế kỷ XIX, rồi từ tiếng Trung sang Hán Việt sau đó). Nhưng bản thân từ « khoa học » thì không thấy ông đề cập. Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Của xuất bản năm 1895 chưa có từ này, chỉ có « y khoa », « nội khoa », « ngoại khoa ». Tới 1917 thì Nam Phong tạp chí đã ghi trên bìa : Tạp chí Văn học – Khoa học. Trước đó, Đông Dương tạp chí (1913) có vẻ như không đặt vấn đề này. Bản thân Nguyễn Văn Vĩnh, người chủ trì ĐDTC, đã dịch rất nhiều tác phẩm Pháp ngữ sang tiếng Việt, nhưng chủ yếu là về văn, sử, một ít triết học, không hề có sách vở khoa học hay bàn về khoa học (theo danh sách các tác phẩm của NVV trong VNVHSY, Dương Quảng Hàm). Bản thân Đông Dương tạp chí không có mục Khoa học trong các chuyên mục của mình1.
Ngược thời gian, vài năm trước khi có ĐDTC, dĩ nhiên phải kể đến các trước tác của Đông Kinh nghĩa thục – Nguyễn Văn Vĩnh có chân trong nghĩa thục này. Hai văn bản nổi tiếng nhất của ĐKNT là Á tế Á ca và Văn Minh Tân học sách. Á tế Á ca là một bài thơ ca ngợi Nhật Bản duy tân vừa đánh thắng Nga (1904), như một gương sáng để nước ta noi theo mà chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp. Tuy nhiên, phần ca ngợi duy tân của Minh Trị Thiên hoàng cũng nặng về mặt tán dương sức mạnh đoàn kết dân tộc và hiện đại hoá quân đội của Nhật hơn là thấy cái sâu xa của việc hiện đại hoá đất nước nói chung, trong đó khoa học là một khâu then chốt và việc tiếp cận khoa học (cả tự nhiên và xã hội) của Tây phương đã được tiến hành ở Nhật từ cả thế kỷ trước, với hàng nghìn tác phẩm kinh điển được dịch ra tiếng Nhật.
Khắp
trong nước dân đoàn xã hội,
Nhà
học đường đã ngoại ba muôn.
Việc
kĩ nghệ, việc bán buôn,
Nơi
lò hấp bát, nơi khuôn đúc
đồng.
Chè,
lụa, tơ, gai, bông, nhung, vũ,
Mọi
đồ sơn, vân mẫu, pha lê.
Dao
với quạt, tán với xe,
Đủ
mùi hải lục, hợp nghề nông
thương.
(…)
Đất
Đại Bản mở đồn đúc
súng,
Xưởng
Đông Kinh riêng cũng một toà.
Trường
Kì thuyền cục mấy nhà,
Dã
Tân, Tu Hạ ấy là hải quân.
Tàu
với súng trăm phần chấn chỉnh,
Lại
ngư lôi bác đĩnh
ai tày.
Quan
quân luyện tập đêm ngày,
Mọi
nghề so với Thái Tây kém gì.
Khác với Á tế Á ca, Văn minh tân học sách là một tác phẩm được viết bằng chữ Hán, được dùng làm tài liệu giáo khoa trong Đông kinh nghĩa thục, lâu nay vẫn được coi là khuyết danh nhưng gần đây nhà nghiên cứu Vũ Thế Khôi dùng văn bản học chứng minh tác giả là cụ nghè Tập Xuyên Ngô Đức Kế (xem Văn hoá Nghệ An 26.4.2011). Trong bản dịch của Đặng Thai Mai công bố trong công trình Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX. – Hà Nội 1961, và mới đây được đưa lên mạng trong trang Học Thế Nào, người ta có thể thấy một lần duy nhất thuật ngữ « khoa học » trong câu « Khoa học cách trí đã thấy tản mác ở bộ Chu quan, các sách Quân tử, Mặc tử. Á châu là ngọn nguồn văn minh đấy”, không thực sự chứng minh rằng ngay từ thời đó các nhà nho sáng lập ra nghĩa thục đã có một khái niệm về « khoa học » trong nghĩa hiện đại, bao gồm các môn toán học, địa dư, thiên văn học, y học, cách trí học (sciences naturelles, nay gọi là khoa học tự nhiên), hoá học… mà nghĩa thục cổ võ. Cụm từ « Khoa học cách trí » rất có thể là do Đặng Thai Mai sử dụng để dịch « cách trí học » vốn đã có từ trước trong chữ Hán để chỉ các môn học ngày nay được gọi chung là khoa học tự nhiên (sciences naturelles) – điều này chỉ xin nêu ra ở đây như một giả thuyết, vì người viết không có điều kiện kiểm nghiệm trên văn bản.
Thật ra, các nhà nho yêu nước đầu thế kỷ XX cũng mới chỉ tiếp xúc với học thuật tây phương được vài năm, thông qua những tân thư của Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi… Chưa bao giờ được nghe giảng một bài học nào về khoa học, lại mang trong người cái ý chí sôi sục chỉ muốn lật đổ ngay chế độ thuộc địa, họ đã ưu tiên đọc và suy ngẫm về những vấn đề chính trị, xã hội, và những mô tả biểu kiến về các thành quả thực tế của cuộc cách mạng công nghiệp. Những Mạnh Đức Tư Cưu, Lư Thoa… dù sao cũng « dễ hiểu » hơn là Galilée, Newton, Ampère, Maxwell, Carnot, Lavoisier…, đòi hỏi những tri thức về khoa học lý thuyết và thực nghiệm mà chưa bao giờ họ được tiếp xúc. Nói chi tới Einstein mà lý thuyết tương đối hẹp chỉ mới vừa được công bố hai năm trước khi Đông Kinh nghĩa thục thành lập.
Nếu ta so với Khánh Ứng nghĩa thục, mô hình mẫu của Đông Kinh nghĩa thục, thì phải nói là KƯNT đã được Fukuzawa Yukichi mở ra năm 1868, hơn một thế kỷ sau khi Nhật đã tiếp xúc với Tây phương, và cả một tầng lớp trí thức Nhật (phái Rangaku, « Hà Lan học ») đã đi vào nghiên cứu nhiều ngành khoa học tây phương thông qua các tác phẩm tiếng Hà Lan.
Điều đó có thể cắt nghĩa tại sao ĐKNT tuy chủ trương thực học, tuy đưa yêu cầu nâng cao dân trí lên hàng đầu, nhưng chưa thể làm gì hơn là truyền bá những kiến thức rất sơ đẳng trong các ngành khoa học tự nhiên2 – trong khi KƯNT đã có thể mời những nhà khoa học từ Harvard hay các đại học Âu-Mỹ khác tới giảng bài. Và cũng dễ hiểu là các ngành đó được nhìn riêng lẻ, qua một vài biểu hiện thực dụng của chúng (như được kể ra trong Á tế Á ca trên kia, hoặc trong Văn minh tân học sách : « thiên văn học, võ bị học, y học, cách trí học v.v… » !) hơn là nằm trong một tập hợp thống nhất : « khoa học », như một tập hợp những tri thức có được qua những quan sát sự vật một cách khách quan, những lập luận logic và những phương thức chứng thực các kết quả rút ra từ các quan sát, lập luận đó… « Khoa học », dùng để dịch từ "science" của tiếng Anh hay tiếng Pháp, bao gồm các ngành vật lý học, hoá học, vạn vật học – nay là sinh học -, toán học, y học, xã hội học, nhân chủng học, khảo cổ học, v.v., như vậy có thể nói gần như chắc là chưa có trong ý tưởng của các nhà sáng lập ĐKNT.
Nói cho đúng, ĐKNT chưa có đủ thì giờ để tiến hành các ý đồ giáo dục của mình một cách sâu xa hơn chứ không phải trường chỉ ngừng ở mức kiến thức nói trên. Tháng 12.1907, chỉ sau 9 tháng hoạt động, trường bị đóng cửa, các hội buôn do trường hỗ trợ bị giải tán. Tháng 4.1908, Phan Châu Trinh và nhiều đồng chí bị bắt, đầy đi Côn Đảo. Cũng trong năm 1908, Đại học Đông Dương do Toàn quyền Paul Bert mở năm trước (dạy bằng tiếng Pháp, với ba khoa Văn, Luật và Khoa học) cũng bị đóng cửa ! Mười năm sau (1917) đại học này mới được mở lại khi Albert Sarraut bắt đầu nhiệm kỳ Toàn quyền lần thứ hai (1917-19) cùng với việc Giám đốc Sở Mật thám Đông Dương Louis Marty cho ra đời Nam Phong tạp chí3, với Phạm Quỳnh làm Chủ bút phần chữ quốc ngữ và Nguyễn Bá Trác làm chủ bút phần chữ nho.
Marty đủ khôn để thấy yêu cầu « hiện đại hoá » do Phong trào Duy Tân và ĐKNT khởi xướng vẫn tiềm tàng trong xã hội VN, và khác với Đông Dương tạp chí (1913-1916), Nam Phong tạp chí ghi ngay trên trang đầu của mình, dưới tên báo, tiêu đề : « VĂN-HỌC KHOA-HỌC TẠP-CHÍ ». Như đã nói ở phần mở đầu, « khoa học » không có mặt trong các tác phẩm của Nguyễn Văn Vĩnh, kể cả các sách dịch từ tiếng Pháp, có phải Nam Phong chính là tờ báo tiếng Việt đầu tiên đặt ra mục khoa học (tên đầy đủ của mục này là « Khoa học bình luận », được xếp sau các mục Luận thuyết, Văn học bình luận, Triết học bình luận, làm thành « phần cốt » của tờ báo4) ?
Trong « Mấy nhời nói đầu », Phạm Quỳnh giới thiệu mục này như sau :
« “Khoa học” tức là gồm cả các khoa học chuyên môn (vật lý học, hoá học, bác vật học, sinh lý học, thiên văn học, địa chất học, v.v.), cái phạm vi rất là rộng. Cái mục đích của chúng tôi không phải là muốn chuyên luận riêng về từng khoa học một, mà làm như một lớp dạy cách trí đâu. Các khoa học, ngày nay mỗi ngày một nhiều, mỗi ngày một thêm phức tạp, dẫu người đại trí dụng công nghiên cứu suốt đời cũng không biết khắp được. Bởi thế, các khoa học mới thành những khoa chuyên môn, nhưng vì chuyên môn quá lắm khi các nhà chuyên môn lạc mất cái nguyên lý, cái phép tắc nhớn, mỗi người có cái thiên ý xét sự vật theo phương diện riêng của môn học mình. Chúng tôi muốn bàn chung về cái nguyên lý, cái phép tắc ấy, bàn chung về các phương pháp của các khoa học, nghiên cứu những nguyên nhân nó đã khiến cho các khoa học phát đạt thịnh hành như thế, thuật lại cái lịch sử các khoa học sinh thành tiến hoá ra làm sao, cùng cái lịch sử của các sự phát minh chế tạo nhớn trong khoa học giới. Mục này cũng có những bài chuyên luận về những vấn đề riêng của một khoa học nào, nhưng đều là theo một cái tôn chỉ cai quát như thế cả. ».
Cái chương trình đầy tham vọng đó, Nam Phong thực hiện được đến đâu trong 17 năm tồn tại của mình, xin nhường lời cho các sử gia5. Ở đây, chỉ xin nhắc lại câu hỏi mục tiêu của bài viết này : phải chăng đây chính là lần đầu tiên danh từ « khoa học » đến với tiếng Việt (« phiên bản chữ quốc ngữ », không phải bằng chữ Nôm hay chữ Hán – mà người viết rất tiếc không thể khảo sát)6 ?
Dù sao, đó chỉ là một câu hỏi về từ ngữ. Còn tinh thần khoa học, óc phê phán, thói quen suy nghĩ độc lập, sự tôn trọng tính khách quan của sự vật…, cứ nhìn vào báo chí Việt Nam hôm nay thì hình như vẫn chưa thấm bao nhiêu vào giới viết lách, nói chi người dân thường !
Hà Dương Tường
Về nguồn gốc từ "Khoa học"
LTS. Chúng tôi có đặt câu hỏi cho ông Trương Văn Tân, một nhà khoa học hiện nay ở Úc nhưng đã có nhiều năm học và làm việc tại Nhật (và đã có nhiều bài viết đăng trên báo này), về nguồn gốc từ "khoa học". Sau đây là trả lời của ông. Diễn Đàn trân trọng cảm ơn ông Trương Văn Tân và xin giới thiệu với bạn đọc.
Về từ "khoa học" thì tôi xem Wiki Trung Quốc (tôi đọc tiếng Trung lõm bõm nhờ từ Hán Nhật) và Wiki Nhật thì họ nói giống nhau.
从唐朝到近代以前,“科
学”作为“科
举之学”的略语
........
但古中文中“科學”
一詞所指涉的概念與近代中文“科學”
不同,大多指「科举之学
......
明治时代“science”这个语言进入了的时候,启蒙思想家西
周使用「科学」
作为译词
Dịch: Từ thời nhà Đường đến trước thời cận đại, "khoa học" là chữ tóm tắt của cụm từ "khoa cử chi học", vì vậy không mang ý nghĩa của từ "khoa học" ngày nay.
.....
Khi từ "science" xuất hiện ở thời
Minh Trị ( Nhật Bản ), nhà tư tưởng
khải mông Nishi Amane (西
周) dùng từ "khoa học
" là dịch ngữ cho "science"
.... 「科学」という語は、中国では、科挙で試される学問「科挙之学」の略語と して10世紀頃から使われていた。日本では、 「科学」は様々な学問(分科 の学)という意味で用いられ ていたが、明治時代に science という語が入ってきた際、 啓蒙思想家の西周がこれを様々な学問の集まりであると解釈し、その訳語として「科学」を 当てた
Vì vậy, người Nhật đầu tiên dùng chữ "khoa học" cho "science". Theo Wiki TQ thì người TQ thoạt đầu dịch chữ "science" ra chữ Hán rất luộm thuộm "格致" (cách trí) sau này thì họ dùng chữ "Hán Nhật" "khoa học" cho đến bây giờ.
Ngoài ra, người Nhật tạo ra rất nhiều chữ Hán Nhật trong khoa học, xã hội học như: hóa học, vật lý, số học, lượng tử, quỹ đạo, kinh tế, phương pháp, diễn thuyết, vấn đề, chủ nghĩa, cộng sản v.v...... Và được người Trung Hoa "nhập cảng" trở lại dùng thoải mái.
Trương Văn Tân
Cập nhật ngày 3/4/2021
Mới đây (cuối tháng 2/2021), qua một người quen chung, người viết nhận được một điện thư của nhà nghiên cứu Nguyễn Cung Thông (NCT) (Melbourne, Úc) và bài viết của ông đăng trên tạp chí mạng Nghiên cứu lịch sử (Tiếng Việt từ thế kỉ 17 – từ Luận Phép Học đến Khoa Học (phần 27)), với cùng mục tiêu trả lời câu hỏi đặt ra ở đầu bài viết này, nhưng với độ khảo sát vừa lùi sâu hơn trong lịch sử, vừa rộng hơn trong phần tư liệu. Đặc biệt, bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Cung Thông cho phép giải đáp hai câu hỏi nêu trong bài này:
1/ Từ "khoa học" mà Đặng Thai Mai dùng trong bản dịch Văn minh tân học sách đúng là không có trong nguyên bản chữ Hán của tác phẩm này mà chỉ là do ĐTM dịch từ cụm từ "cách trí chi học" 格致之學 của nguyên bản.
2/ Trước Nam Phong tạp chí, với tiêu đề "Văn học - Khoa học - Tạp chí" đưa ra ngay trên trang nhất tờ báo, từ số 1 (tháng 7.1917), đã xuất hiện cụm từ "khoa học" trên văn bản quốc ngữ nào chưa? Bài viết của NCT đăng ngày 26.2.2021 không cho phép trả lời câu hỏi này, tuy nhiên trong một trao đổi với tác giả (điện thư ngày 8.3), ông cho biết tìm được một tư liệu cho thấy một văn bản sớm hơn có cụm từ này: tác phẩm Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính (*), được xuất bản năm 1915 nhưng là tập hợp một số bài viết trên Đông Dương tạp chí trong hai năm 1913-1914. Thông tin này đã được tác giả NCT bổ sung trên bài đã dẫn. Mặt khác, trong điện thư nói trên, ông cũng cho biết, một bài trên Đông Dương tạp chí ngày 20.2.1916 dịch một bài tiếng Pháp có hai lần dùng chữ "science" nhưng "nhưng các cụ lại không dùng cụm từ "khoa học" tương ứng, rất khác với cách dịch (và hiểu) hiện đại". Điều này cho thấy dù Phan Kế Bính đã sử dụng thuật ngữ "khoa học" trong một văn bản quốc ngữ vào những năm 1913-14, thuật ngữ này hai năm sau vẫn chưa thực sự phổ biến trong tiếng Việt. Nhưng chắc chắn Nam Phong không phải là tờ báo bằng chữ quốc ngữ đầu tiên sử dụng nó.
(*) Trích Việt Nam phong tục, Mục Y Dược : “Than ôi! tính mệnh của người ta rất trọng, nghề làm thuốc là nghề rất khó, mà ta đã không có khoa học thì chớ, lại coi là việc dễ dàng, một nghề nhỏ mọn thì thuốc thang hay làm sao cho được? Còn như thuốc nam, cũng lắm bài hay, mà tiếc vì không có sách di truyền chỉ còn một vài bài gia truyền của mấy nhà giữ được thì còn thấy hiệu nghiệm đó thôi. Giá thử có người chịu khó kê cứu cách thức thuốc nam thuốc bắc cho tinh tường, lại học thêm những bài kinh nghiệm, hợp lại mà làm riêng một khoa y học An-nam thì có lẽ cũng hay lắm.”
Tác giả xin cảm ơn nhà nghiên cứu Nguyễn Cung Thông về những thông tin bổ sung này.
Chú thích:
1 Hoàng Cương – Thu Hường (Trung tâm Lưu trữ quốc gia I) đã liệt kê các chuyên mục của Đông Dương tạp chí trong bài Đông Dương tạp chí – tờ báo Quốc ngữ sớm nhất ở Hà Nội.
2 Trường sử dụng những sách giáo khoa của các trường tiểu học Pháp trong các môn này – theo Chương Thâu, Từ Khánh Ứng nghĩa thục ở Nhật Bản đến Đông Kinh nghĩa thục ở Việt Nam, Nghiên cứu Lịch sử số 2 năm 2007.
3 Louis Marty đặt cho Nam Phong các mục tiêu sau : « Cần phải rất thoáng đối với sự chọn lựa các chủ đề được đưa ra, nhằm bảo đảm cho tạp chí này đủ tính chất độc lập và vô tư mà nếu thiếu thì tác phẩm tuyên truyền này sẽ lại gặp phải cùng số phận với những nỗ lực tương tự cho tới nay, thất bại vì sự thiên vị hành chính ngây thơ và vụng về đối với những nỗ lực đó […]. Giám đốc Phòng Chính trị của Chính phủ toàn quyền là người khởi xướng bán chính thức của tạp chí này […]. Hai biên tập viên chủ chốt, các ông Phạm Quỳnh và Nguyễn Bá Trác, nhận lĩnh tạp chí dưới tên của họ để bảo đảm cho nó một tính cách bản xứ thuần tuý dưới mắt công chúng » (Un très grand libéralisme dans le choix des sujets traités sera observé afin de conserver un caractère suffisant d’indépendance et d’impartialité sans lequel cette œuvre de propagande aurait le sort de toutes les tentatives du même genre faites jusqu’à ce jour et qui ont échoué à cause de la naïve et maladroite partialité administrative qui les inspirait […]. Le chef du Bureau Politique du gouvernement général en est le promoteur officieux […]. Les deux principaux rédacteurs , MM. Pham Quynh et Nguyen Ba Trac, ont pris cette revue sous leur nom afin qu’elle conserve aux yeux du public un caractère exclusivement indigène ». (Louis Marty, « Au sujet de la revue Nam Phong », Centre d’Archives d’Outre-Mer, Nouveau Fonds Indochine 56). Dẫn theo P. Brocheux et D. Hémery, Indochine, la colonisation ambigüe 1858-1954, Ed. La Découverte, Paris 1995.
4 Chúng tôi viết theo cách hiện nay, bỏ các dấu gạch nối của các từ kép.
5 Theo bản Mục lục phân tích các nội dung trên Nam Phong của Nguyễn Khắc Xuyên (tr.383-384) thì mục Khoa học chỉ có 32 bài kể cả Y khoa, trong 17 năm hoạt động với tất cả 210 số báo. Cũng có thể ông Xuyên có đếm sót và bỏ qua những bài có thể xếp vào mục này ?
6 Trong các trước tác bằng chữ Hán của người Việt, chúng tôi tìm thấy ít nhất một lần các từ « khoa học », « nhà khoa học » đã được sử dụng : trong bài Phong vũ biểu của Nguyễn Trường Tộ (bài được đánh số Di thảo số 57 trong tác phẩm « Nguyễn Trường Tộ, Con người và Di thảo » của Trương Bá Cần, NXB TP HCM 1988). Sau khi nói về việc sử dụng phong vũ biểu trong nghề nông xưa, Nguyễn Trường Tộ viết tiếp : « Ngày nay các nhà khoa học còn dùng (nó) để khảo sát thiên văn địa lý, đo đạc hình thế cao sâu, có công dụng lớn trong khoa học mà nhà binh cũng cần dùng để xem thời tiết khí hậu ».
Tuy nhiên Nguyễn Trường Tộ viết bằng chữ Hán, ông mất cuối năm 1871 sau gần như cả năm nằm dưỡng bệnh tại quê nhà Nghệ An, ngay cùng năm đó học giả Nhật Bản Nishi Amane mới sáng tạo thuật ngữ "kagaku" ( người Trung Quốc viết thành 科学, đọc theo âm Bắc Kinh là Kexua và theo Hán Việt là Khoa học) để dịch khái niệm hiện đại "science" (theo Shigeru Nakayama, Academic and Scientific Traditions in China, Japan, and the West (trans. Jerry Dusenbury), Tokyo, University of Tokyo Press, 1984, p. 208, xin cảm ơn anh Trần Hữu Quang đã cho biết thông tin này). Do đó khó tránh khỏi tồn nghi là các từ « khoa học », « nhà khoa học » trên kia là do dịch giả sử dụng tiếng Việt của cuối thế kỷ XX mà ra ? Xin bạn đọc tiếp cận được nguyên tác (tài liệu mang quy chiếu VHv 2620/4 của Viện sử học - Hà Nội, hay Hv 189/4 của Thư viện Hán Nôm - Hà Nội) giải đáp giùm.