Khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam
KHOA
HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN VIỆT
NAM
GÁNH
NẶNG ĐƯỜNG XA
Lê
Ngọc Trà
ẤN TƯỢNG VỀ THỰC TRẠNG
Trong một phương diện nào đó có thể nói khoa học xã hội và nhân văn của nước ta so với các nước châu Âu còn trẻ. Những công trình nghiên cứu có tính chất khoa học theo nghĩa hiện đại của từ này chỉ mời xuất hiện cách đây chưa đầy một thế kỷ. Bây giờ ở Việt Nam nói đến nhà khoa học người ta cũng vẫn thường nghĩ ngay đó là các nhà toán học, vật lý học, sinh vật học chứ ít ai nghĩ đến các nhà triết học, nghiên cứu văn học, ngôn ngữ, văn hóa. Trước đây lúc đang đi học đại học nhiều người thường hỏi tôi học ngành gì nghe tôi nói học Văn, họ liền nói thế thì ra trường viết kịch hay viết truyện. Ngay cái tên “Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường” trước đây và “Bộ Khoa học Công nghệ” hiện nay cũng tạo ra ấn tượng rằng khoa học ở đây cũng chủ yếu là khoa học tự nhiên, là kỹ thuật chứ không dính líu gì đến nghiên cứu tôn giáo, tâm lý, triết học.
Ấn tượng ấy không phải là ngẫu nhiên. Đối với nhiều người, khoa học đồng nghĩa với sự “chính xác”, vì vậy chỉ có những “khoa học chính xác”, thường được hiểu là các khoa học tự nhiên, sử dụng phương pháp định lượng mới gọi là khoa học. Quan niệm này phần nào đã cản trở việc xem những ngành nghiên cứu xã hội như những khoa học, thậm chí có lúc có nơi nó được xem chủ yếu như một bộ phận của công tác tuyên huấn, công tác tư tưởng. Mặt khác ấn tượng trên cũng không hẳn là không có căn cứ. Trong tiếng Việt khi nói “khoa học xã hội và nhân văn” hoặc “các khoa học xã hội và nhân văn”nhiều người vẫn nghĩ đây chỉ là cách gọi tắt của “các khoa học xã hội và khoa học nhân văn”, trong khi trong tiếng Anh khi nói “Social sciences and Humanities” thì người ta buộc phải hiểu là chỉ có một số bộ môn nghiên cứu về xã hội như Xã hội học, Kinh tế học, Chính trị học, Địa lý học, Văn hóa học v.v. mới được gọi là những khoa học (sciences) thuộc khoa học xã hội (Social sciences), còn Triết học, Tôn giáo, Văn học , Nghệ thuật học v.v. không phải là các khoa học (sciences) mà là những ngành tri thức (branches of knowledge), những lĩnh vực nghiên cứu (subjects of study, fields of study) thuộc nhóm ngành Nhân văn (Humanities), lấy sự phân tích và trao đổi tư tưởng, quan niệm làm chính chứ không là giải thích hay chứng minh dựa vào những phương pháp định lượng mà các khoa học thường sử dụng. Sự phân biệt này rất cần thiết cho việc nhận thức và đánh giá hiện trạng nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam.
Nhiều người đã nói về sự lạc hậu của khoa học xã hội và nhân văn nước ta. Sự lạc hậu hay như thừa nhận của cựu Thủ tướng Phan Văn Khải là sự “không thành công” của việc chỉ đạo công tác khoa học, được hiểu là trong đó có khoa học xã hội và nhân văn, biểu hiện như thế nào? Xét dưới góc khoa học, với tư cách là những khoa học (sciences), rõ ràng nhiều công trình nghiên cứu thuộc linh vực khoa học xã hội của chúng ta chất lượng chưa cao. Trước hết là ở tính “khoa học”. Đã là khoa học thì yêu cầu về tính khách quan của sự nghiên cứu phải đặt lên hàng đầu. Những kết luận cần phải được rút ra từ chính sự phân tích số liệu và logic của lập luận chứ không phải từ một ý đồ có sẵn, được áp đặt từ bên ngoài, nhằm minh họa cho một đường lối, chính sách nào đó. Đã là khoa học thì tính chính xác phải trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mọi công trình nghiên cứu, thể hiện trong việc tập hợp dữ liệu, sưu tầm tài liệu, khảo sát thực địa, xử lý số liệu, trích dẫn v.v. Về phương diện này một trong những điểm yếu của nhiều công trình khoa học xã hội ở ta là tính chất khảo cứu chưa cao, còn nặng về lý luận và phán xét chung chung và đặc biệt là chưa chú trọng sử dụng phương pháp định lượng, khiến cho các nghiên cứu ít mang tính hiện đại, từ đó phần nào xa lạ với các công trình của giới khoa học xã hội quốc tế.
Còn đối với các bộ môn thuộc ngành nhân văn, bên cạnh những nhược điểm về tính khảo cứu và nghiên cứu, khâu yếu nhất có lẽ vẫn là tính độc lập của tư tưởng, tính chất sáng tạo và mới mẻ trong quan niệm. Khá nhiều công trình nghiên cứu về triết học, văn học, nghệ thuật vẫn loay hoay trong cái khung cũ, tiếp tục bàn về những vấn đề và những khái niệm đã ra đời trong bối cảnh xã hội nửa thế kỷ trước ở Việt Nam và các nước XHCN trước đây. Nói chung rất ít công trình có một nền tảng triết học, có tư tưởng và lại càng ít hơn nữa những tư tưởng được triển khai một cách hệ thống, triệt để, mang dáng dấp một học thuyết, một trường phái. Phần nhiều là du nhập, vay mượn những lý thuyết nào đó ở nước ngoài rồi lắp ráp, vận dụng, phổ biến trong trường đại học và giới nghiên cứu. Đáng buồn hơn, trong nhiều lĩnh vực, các nhà chuyên môn chưa tiếp cận được với những thành tựu mới của thế giới, nhiều trào lưu khá phổ biến ở nước ngoài đã mấy thập niên rồi như Giải cấu trúc (Deconstruction), Nữ quyền luận (Feminism), Hậu hiện đại (Postmodernism), Hậu thực dân (Postcolonialism) v.v. chưa tìm thấy tiếng vang đáng kể trong nghiên cứu của các tác giả Việt Nam.
Nhìn chung lại, ấn tượng về sự “không thành công” của khoa học nói chung và khoa học xã hội và nhân văn nói riêng là có thật. Nhiều lĩnh vực nghiên cứu còn thiếu hoặc chưa phát triển (Chính sách Xã hội, Chính trị học, Quản lý, Luật học, Giáo dục học, Tôn giáo và tôn giáo so sánh v.v.). Số lượng các công trình xuất sắc, có tầm cỡ còn hiếm. Chất tuyên huấn trong nhiều công trình nghiên cứu còn khá đậm nét. Tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ khoa học xã hội và nhân văn chưa cao, thường mỗi người làm nhiều thứ, mỗi thứ một chút, ít chuyên sâu, thành ra ít có chuyên gia và chuyên gia giỏi lại càng hiếm. Nói đúng ra chúng ta cũng có một số nhà nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn xuất sắc. Phần nhiều họ thuộc thế hệ được đào tạo từ thời Pháp, trước năm 1945. Nhưng ở đây quan trọng không phải từng cá nhân mà là cả cái nền. Tài năng cá nhân là cái thuộc về ngẫu nhiên, đời nào cũng có. Trách nhiệm của xã hội chủ yếu là trách nhiệm tạo ra cái nền, bởi vì xây dựng cả cái nền mới khó và chính sự trì trệ hay phát triển của cả cái nền mới trực tiếp liên quan đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo nghĩa đó, nếu thừa nhận rằng sự phát triển của khoa học hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu xây dựng đất nước, rằng nước ta vẫn còn nghèo nàn, lạc hậu thì trách nhiệm về sự chậm phát triển này liên quan trước hết không phải đến khoa học tự nhiên mà đến khoa học xã hội và nhân văn. Còn vì sao khoa học xã hội và nhân văn lại lạc hậu, góp phần kéo theo sự lạc hậu của đất nước thì đó lại là một vấn đề đòi hỏi phải xem xét kỹ riêng.
QUÁN TÍNH CỦA TRUYỀN THỐNG
Năm 1917 trong một bài viết về “Thơ Baudelaire”, Phạm Quỳnh có nhận xét: “… Tình tứ của thơ Nôm ta thì có lẽ không được dồi dào lắm, cảm hứng không được phong phú bằng thơ các nước; tuy không phải là không có cái thú thanh cao, cái giọng thâm trầm, nhưng dường như “ngắn hơi” không hô hấp được mạnh, đọc lên có cảm giác như con chim chưa bay lên đã mỏi cánh, mong sao mà vượt bể lên ngàn được?”1. Không biết nhận xét của Phạm Quỳnh đúng hay sai, nhưng chắc cảm giác của ông về sự “ngắn hơi” của thơ văn nước nhà là một cảm giác có thực. Và có lẽ không phải chỉ của thơ văn. “Về tính chất tinh thần thì người Việt Nam đại khái thông minh, nhưng xưa nay thấy ít người có trí tuệ lỗi lạc phi thường”2. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, sức nghĩ của người Việt hình như phần nào có bị giới hạn, nhất là đối với những chuyện xa xôi, trừu tượng. Biết vậy nên dân mình khôn ngoan, thường chọn làm những gì nhỏ, gọn, vừa tầm, còn nếu phải đi đường xa thì thường tấp vào đâu đấy, có khi dừng lại ở đó luôn, không cần đi tiếp nữa.
Chắc có lẽ cũng do đó mà người Việt Nam rất ngại xông vào những chỗ mịt mùng của trí tuệ, vì đi vào đó dễ hụt hơi mà lại ít thu được những lợi ích gì cụ thể. Điều này giải thích vì sao nước ta rất ít có những người làm triết học thực sự và triết học cũng không phát triển. Thế giới siêu hình là chốn để thờ phụng chứ không phải để chìm đắm, suy nghiệm. Người ta đi chùa chủ yếu vì lòng trắc ẩn, muốn tìm một nơi nương tựa về tình cảm và cầu mong một đời sống bình an, hạnh phúc hơn là vì một đức tin thuần tuý, một sự cứu rỗi tinh thần. Óc thực tiễn trở thành một nét đặc trưng của văn hoá người Việt. Từ nhiều năm trước đây, Đào Duy Anh cũng đã từng nhận xét: “Não tưởng tượng thường bị não thực tiễn hoà hoãn bớt cho nên dân tộc Việt Nam ít người mộng tưởng, mà phán đoán thường có vẻ thiết thực lắm” (Sđd, tr.22-23).
Chính vì thiên về óc thực tiễn và trí tưởng tượng không được phát huy đến tận cùng nên chúng ta thấy trong văn hoá Việt Nam truyền thống những gì gắn với ý nghĩa thực dụng trực tiếp thường được ưa chuộng hơn. Hội hoạ ít phổ biến hơn điêu khắc vì điêu khắc cần cho việc tạo ra các pho tượng để thờ cúng. Nhạc thính phòng nhường chỗ cho các loại nhạc dùng trong ma chay, lễ hội. Trong lĩnh vực văn học, tiểu thuyết ra đời khá muộn, các thể loại ký sử, hịch, cáo, chiếu biểu, văn tế khá phát triển, thơ ca thì chủ yếu nhằm bộc lộ tình cảm và chí hướng nhiều hơn là chiêm nghiệm, triết lý, nắm bắt và diễn tả những cái vô hình.
Khuynh hướng thực tiễn này đã ảnh hưởng đến tính chất của các hoạt động và công trình văn hoá truyền thống, ở đó “não sáng tác thì ít, nhưng mà bắt chước, thích ứng và dung hoá thì rất tài” (Đào Duy Anh, Sđd.tr.23). Cũng từ đây đã sinh ra tính lắp ráp (bricolage) như một đặc điểm quan trọng của văn hoá Việt Nam mà về sau này nhà nghiên cứu Phan Ngọc cũng đã đi sâu phân tích.
Những nét trên đây đã để lại dấu ấn khá rõ rệt trong các công trình khoa học xã hội và nhân văn hiện nay. So với gần một thế kỷ trước đây, khoa học xã hội và nhân văn nước ta đã tiến một bước dài, có những thành tựu to lớn, một số nhược điểm cố hữu đã được khắc phục phần nào. Nhưng hình như quán tính của truyền thống vẫn còn rất lớn. Phân biệt đâu là những nét thuộc về “cố tật”, đâu là những cái do hoàn cảnh lịch sử - xã hội nhất thời tạo nên, đâu là những thứ khó mà sửa được và đâu là những cái có thể khắc phục dần dần không phải là dễ. Tuy nhiên sự phân biệt này rất cần thiết vì nó giúp chúng ta một mặt không quá ảo tưởng, một mặt cũng không quá bi quan, xem mọi thứ khó mà khá lên được.
MINH HOẠ, PHẢN BIỆN, HAY ...
Khoa học xã hội và nhân văn là lĩnh vực của những nghiên cứu về xã hội và con người, lĩnh vực của sự trao đổi tư tưởng. Có những khái niệm đối với khoa học tự nhiên là bình thường, nhưng đối với khoa học xã hội và nhân văn lại trở thành điều kiện, một đòi hỏi mà nếu không có thì khó thực hiện được những công trình có giá trị. Chẳng hạn, một trong những vấn đề tồn tại trong giới khoa học xã hội và nhân văn nước ta lâu nay là vấn đề tính Đảng và tính khoa học. Đối với nhà nghiên cứu quan trọng là sự chính xác, trung thực và khách quan, trong khi tính Đảng lại yêu cầu tính khuynh hướng, tức là cái có lợi về phương diện chính trị đối với Đảng hay chính quyền. Hai cái này không phải lúc nào cũng gặp nhau. Đó là cái khó cho những người hoạt động trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam cũng như ở các nước XHCN trước đây.
Mặt khác sự bao cấp về tư tưởng trong nhiều năm qua cũng đã hạn chế khá nhiều tìm tòi của các nhà nghiên cứu các vấn đề xã hội và con người. Học thuyết Mác - Lênin dường như là cái đã hoàn chỉnh và có sẵn, chỉ cần học tập, nghiên cứu và vận dụng mà thôi. Lập trường vô sản và thế giới quan duy vật trở thành nền tảng lý luận, phương pháp luận duy nhất cho mọi nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn. Những công trình đặt cơ sở trên những hệ quy chiếu khác dễ bị phê phán, kết án, chụp mũ. Từ đây chúng ta hiểu vì sao có hiện tượng “suy dinh dưỡng” trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Nhiều cuốn sách chỉ lắp lại những mệnh đề có sẵn, không có tư tưởng gì độc lập và mới mẻ. Nếu nói như một nhân vật trong “Tội ác và Trừng phạt” của Dostoievski: “Đau khổ đi, trong đau khổ có tư tưởng”, thì số đông các nhà nghiên cứu của chúng ta rất ít có tư tưởng, bởi vì ở đây hình như mọi thứ đã có sẵn, đầy đủ và an bài, chẳng việc gì mà đau khổ, đau khổ có khi sinh ra đi lạc đường thì lại còn đau khổ hơn.
Một hiện tượng khác cũng thường được nói đến là xu hướng minh hoạ trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn ở nước ta. Minh hoạ ở đây có hai mặt. Một mặt là sự minh hoạ cho một tư tưởng nào đó bằng hình ảnh, hình tượng, hay diễn giải các khái niệm, ý tưởng ở trên dội xuống, một mặt đó là những nghiên cứu triển khai, phục vụ cho một chủ trương, chính sách, thậm chí là cả một đường lối, ví dụ như muốn đẩy mạnh trồng sắn thì phải chứng minh là trồng sắn có lợi, ăn sắn bổ hơn ăn gạo; muốn phát triển xây dựng hợp tác xã thì phải chứng minh ưu thế của làm ăn hợp tác xã so với làm ăn cá thể. Những nghiên cứu triển khai nhiều khi là cần thiết, giúp các nhà quản lý xã hội thuyết phục quần chúng, tổ chức tốt việc thực hiện. Những năm qua, phần lớn các công trình nghiên cứu được cấp kinh phí nhà nước về khoa học xã hội và nhân văn ở nước ta đi theo hướng này. Trong trường hợp nếu may mà các chủ trương chỉ đạo đúng đắn, hợp lý, thì dĩ nhiên các nghiên cứu minh hoạ cũng có đóng góp nhất định. Tuy nhiên thực tế cho thấy không phải lúc nào cũng như vậy.
Khoa học, dù là khoa học tự nhiên hay xã hội, luôn luôn tôn trọng tính khách quan và mang tính độc lập. Đó chính là sức mạnh và lý do tồn tại của nó. Các nhà khoa học vẫn làm công việc chứng minh nhưng đó là chứng minh cho một giả thuyết khoa học. Còn đối với chính trị, chính sách, thì vai trò tốt nhất của khoa học là phản biện. Đã là phản biện thì có thể tán thành, mà cũng có thể bác bỏ, nói ngược. Rất tiếc là cho đến nay trong xã hội ta kiểu phản biện tán thành vẫn là phổ biến, còn phản biện ngược thì vẫn hiếm hoi. Điều này không chỉ làm hại uy tín của giới khoa học trước mắt dân chúng mà còn làm giảm vai trò và sự đóng góp của nó đối với xã hội, bởi vì nó đã không ngăn cản được những quyết định thiếu sáng suốt có ảnh hưởng đến lợi ích chung.Thật ra đối với người hoạch định chính sách (policymakers), khôn ngoan nhất là biết sử dụng khoa học -sử dụng không theo nghĩa là chỉ biết dùng nó để minh hoạ hay ca tụng, mà tôn trọng tính khách quan và có căn cứ của nó, tôn trọng cả tiếng nói ngược nhiều khi rất khó chịu của nó, lắng nghe và rút ra những kết luận không phải lúc nào cũng phù hợp với các chuẩn mực có sẵn hay những dự tính từ đầu. Nhưng muốn được như vậy nhà lãnh đạo phải có lý trí đủ mạnh và bản lĩnh vững vàng. Những phẩm chất này của họ trong một hoàn cảnh lịch sử - xã hội nào đó cũng là một điều kiện cho khoa học xã hội và nhân văn phát triển.
Đó là nói quan hệ của khoa học xã hội và nhân văn với chính trị, hay nói đúng hơn là chính quyền. Tuy nhiên quan hệ này không phải là toàn bộ bản chất của khoa học xã hội và nhân văn. Xét đến cùng KHXH và NV là một hoạt động tinh thần của con người, một hình thức “nhân đôi mình lên” bằng “lý luận” bên cạnh sự nhân đôi mình lên thông qua “hoạt động thực tiễn” (Hegel-“Mỹ học”,tiếng Nga,T.1,Moscow,1968,T.37). Nó là lĩnh vực thể hiện sự phát triển tự do tinh thần của con người. Tự do là dấu hiệu và cũng là điều kiện để khoa học xã hội và nhân văn phát triển. Khoa học xã hội và nhân văn có thể minh hoạ hay phản biện, nhưng trên hết nó phải là một hoạt động nhận thức độc lập, một cuộc đi tìm, tìm cả cái hữu hình và cái vô hình, cái hữu hạn và vô hạn, tìm có thể đúng và có thể sai, sai đúng chỉ là tương đối.Trong quá trình tìm tòi,khám phá và sáng tạo ấy sẽ xuất hiện vô vàn những ý tưởng,những tư tưởng,những học thuyết mà trong số đó sẽ có những cái có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển ý thức của con người,đến toàn xã hội,đến vận mệnh của dân tộc,thậm chí của cả nhân loại.Khổng Tử, Descates, Marx là những ví dụ hết sức rõ ràng.
Theo nghĩa ấy sự phát triển của khoa học xã hội và nhân văn chỉ có thể đạt được trong một xã hội dân trí phát triển, một xã hội dân chủ, tôn trọng sáng tạo của cá nhân, và tự do tinh thần của con người. Đó là điều kiện để xây dựng một nền khoa học xã hội và nhân văn tiên tiến, là môi trường có thể tạo ra những nhà nghiên cứu không chỉ am hiểu về chuyên môn mà còn là nhà văn hoá, nhà tư tưởng.
LẬP TRÌNH CHO TƯƠNG LAI
Làm thế nào để xây dựng và phát triển khoa học xã hội và nhân văn nước ta thành một nền khoa học xã hội và nhân văn tiêu biểu.
Dĩ nhiên sẽ phải cần nhiều giải pháp khác nhau. Nhưng có lẽ cái chính không phải là ở các giải pháp cụ thể. Khoa học xã hội và nhân văn là lĩnh vực của ý thức xã hội, của tư tưởng. Một nền khoa học xã hội và nhân văn tiên tiến thì trước hết tư tưởng của nó phải tiên tiến. Ở Việt Nam muốn làm được điều đó cần có sự thay đổi nhận thức rất lớn. Phải mạnh dạn hội nhập, chủ động hội nhập và hội nhập triệt để, đừng khư khư ôm giữ cái ý thức về bản sắc được hiểu một cách siêu hình và nhuốm đầy tinh thần tự tôn dân tộc hay tâm lý tự ti mà nói như André Gide đó là “loại bản sắc mà người ta sợ đánh mất, không phải vì người ta biết nó là quý giá mà bởi người ta lúc nào cũng tin rằng nó sắp sửa bị mất”(A.Gide:”Về ảnh hưởng trong văn học”.Văn học nước ngoài,số 3-2006,tr.167). Mọi sự tiếp thu nửa vời, ngập ngừng, vừa hội nhập vừa lo sợ đều không mang lại kết quả mong muốn, thậm chí có thể kéo theo những thứ rất tệ hại. Kinh nghiệm Nhật Bản và Hàn Quốc cho thấy dũng cảm hội nhập triệt để một lần sẽ vừa thu nhận được tinh hoa của người ta để phát triển, vừa giữ được bản sắc. Cái còn lại sau cuộc hồng thủy hội nhập ấy chính là bản sắc. Nó gắn với cốt cách sinh tồn của dân tộc mà cốt cách ấy thì chẳng bao giờ sợ mất, cũng như một dân tộc, một nền văn hóa không dễ gì bị hủy diệt. Hàng ngàn năm Bắc thuộc dân tộc ta hội nhập trong bị động, trong nô lệ, vậy mà bản sắc có mất đâu.
Chính trong quá trình hội nhập triệt để ấy, nhờ tiếp thu các nguồn tư tưởng khác nhau, khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam sẽ đa nguyên hơn, nền tảng phương pháp luận của nó cũng sẽ đa dạng hơn, không bị bó hẹp trong một học thuyết hay một lập trường cứng nhắc. Nhờ hội nhập, ảnh hưởng của quan niệm “chính trị là thống soái” sẽ phai nhạt dần, quan hệ giữa chính trị, chính quyền và khoa học xã hội và nhân văn sẽ nới lỏng đi, khoa học xã hội và nhân văn không còn được coi như một công cụ của công tác tư tưởng mà sẽ được đối xử như một lĩnh vực hoạt động tinh thần độc lập, một khoa học có vị trí riêng, cần được cư xử bình đẳng. Nhờ chủ động hội nhập, khoa học xã hội và nhân văn nước ta sẽ có cơ hội tiếp cận với những tư tưởng tiên tiến của thời đại, từ đó hiện đại hóa mình, trước hết không chỉ ở phương pháp nghiên cứu mà ở tầm nhìn, ở quan niệm và điều đó sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc góp phần thay đổi cách nhìn, cách nghĩ của toàn xã hội. Đến lượt mình, sự thay đổi này sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến việc lựa chọn con đường phát triển của đất nước.
Thật ra để xây dựng một nền khoa học xã hội và nhân văn hiện đại còn cần một điều kiện quan trọng nữa đó là TIỀN. Khoa học xã hội và nhân văn nước ta lâu nay còn yếu kém một phần vì nó không có nhiều tiền, mà tiền thì đều do Nhà nước chi và quản lý. Nhà nghiên cứu muốn có đủ tiền để làm và làm theo ý mình thật không dễ. Kinh phí nhà nước chủ yếu tập trung vào một số dự án,đề tài trọng điểm ở trung ương và rơi vào một số nhóm,một số người thân quen hoặc có chức có quyền.Hàng ngàn nhà nghiên cứu ở các trường đại học và các cơ sở nghiên cứu ở địa phương chỉ nhận được những đồng tiền nhỏ giọt,họ không được hưởng lợi từ hoạt động nghiên cứu của mình và cũng không được đối xử như những nhà khoa học.Muốn có được quyền lợi nhà khoa học phải chọn con đường làm quan,tức là để có chức có quyền.Trong giới khoa học cũng vậy mà trong giới sáng tác văn học nghệ thuật cũng vậy.Đó là một nguy cơ đối với đội ngũ trí thức của chúng ta.
Mới đây, chính phủ vừa ban hành Nghị định 115, được xem như là “Khoán 10 trong khoa học”. Đây là một hình thức nhằm mở rộng quyền tự chủ cho các đơn vị nghiên cứu và tăng cường tính hiệu quả của công tác khoa học. Tuy nhiên cần phải cân nhắc và tính toán cụ thể cho từng ngành,từng trường hợp,nhất là đối với các ngành khoa học lý thuyết và đặc biệt là khoa học xã hội và nhân văn vốn là những ngành hay được xem là “viển vông”, giá trị của nghiên cứu thường mang tính chất chiến lược và gián tiếp hơn là hiệu quả sử dụng trực tiếp. Chúng ta hay nói về sự lãng phí trong nghiên cứu khoa học.Sự lãng phí này là có thật nhưng đó không phải là do các nghiên cứu này không ứng dụng được ngay trong thực tế mà là do chất lượng, sự vô bổ về phương diện khoa học của các đề tài được nghiệm thu. Xét về một phương diện nào đó, khoa học xã hội và nhân văn cũng là “vô ích”. “Vô ích” như cái đẹp, như nghệ thuật. Nhưng “vô ích” về mặt này nó lại vô cùng hữu ích về mặt khác. Không có chúng, con người chỉ biết ngắm mình trong tự nhiên và sản phẩm lao động do mình tạo ra, trong khi quan trọng là phải ý thức được về mình và về những ý thức khác, tạo nên sự đối thoại như là bản chất của sự sống phát triển.
Đầu tư kinh phí cho nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn là hết sức cần thiết. Song không nên và không thể chỉ trông chờ vào Nhà nước. Đòi hỏi bao cấp về tiền bạc mà lại muốn thoát ra khỏi bao cấp về tư tưởng là điều không phải lúc nào cũng thực hiện được. Cần xã hội hóa hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn. Cần rất nhiều quỹ “phi chính phủ” và các nhà tài trợ, các mạnh thường quân. Tiếc rằng hiện nay ở ta, những nguồn tiền này gần như rất ít và nếu có thì chủ yếu vẫn là dành cho các cuộc thi hoa hậu, các show ca nhạc và biểu diễn thời trang!
* *
*
Sẽ không có một lập trình nào cho tương lai của khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam ngoài sự lập trình của chính nó. Cởi bỏ mọi ràng buộc, tạo điều kiện để nó xích gần lại đời sống, để nó tự do trong những tìm kiếm bất tận về chân lý và hạnh phúc là mở đường cho nó phát triển, đi tới đỉnh cao và hội nhập. Và chỉ trong hội nhập nó mới thực sự đạt tới đỉnh cao.
Lê Ngọc Trà
Đại học Sư phạm Thành phố HCM
TPHCM. 28.07.2006
1 Phạm Quỳnh. Thượng chi văn tập. NXB Văn học, 2006, tr. 163-164.
2 Đào Duy Anh. Việt Nam văn hoá sử cương, NXB Bốn Phương, 1951, tr.22.
Các thao tác trên Tài liệu