Khói biếc cuộn về chứa chan
Đọc
Cậu ấm của
Trần Chiến
KHÓI BIẾC CUỘN VỀ CHỨA CHAN
Nguyễn Trương Quý
1. Gần đây, tôi hay có việc phải về quê - tức là nơi bố mẹ sinh ra, cũng không xa Hà Nội lắm, thậm chí một nơi đã lên quận thuộc về nội thành. Cảm giác của tôi luôn là nặng nề, lạc lõng giữa không gian ngột ngạt của bê tông hóa không quy hoạch của làng xóm mới phất, và giữa lằng nhằng thủ tục hương thôn của một cộng đồng đang có chiều tan rã. Nó là một kết quả trông thấy từ lâu của quá trình đô thị hóa, hay là “thực dân” của làn sóng ảnh hưởng từ bên ngoài. Nhìn vào những ngôi nhà nông thôn thì thấy ngay. Những ngôi nhà xây lối truyền thống ba gian hai chái, vốn gần như không có không gian riêng tư. Những con người sống trong đấy chia sẻ hoặc phơi cả giường chiếu và lề thói sinh hoạt ra với cả đại gia đình, thậm chí đến ngày giỗ chạp thì cái giường cũng thành chỗ ngồi ăn cỗ của khách. Trong cơn sốt mua sắm tiện nghi vật chất, mâu thuẫn giữa sở hữu riêng và chung khiến cho những ngôi nhà này lạc thời. Ít nhất thì size của tủ lạnh hai buồng hay màn hình 42 inch nhiều khi vướng víu trong bước gian 2m, chưa kể thép mạ kền và nhựa cộc lệch với gỗ và gạch đỏ.
Vì thế dĩ nhiên xảy ra việc là họ đập đi xây nhà “biệt thự” hoặc xây một cái nhà mới trên đất dãy nhà ngang nhìn vào nhà cũ, giờ làm “nhà thờ tổ” chẳng hạn. Nhà mới thỏa mãn sức chứa đồ đạc của nả theo size hiện đại, có phòng riêng. Những cái vỏ ốc riêng tư, lấm tấm vết bùn trong một cái rổ chưa ráo nước ao bèo. Nhưng đám giỗ hay bữa chuyển mả vẫn là nơi thể hiện tuyệt vời phong tục cũ kỹ. Đàn ông tay dao tay thớt, đàn bà tay nhặt tay lựa. Người già nhanh mắt xếp khách vào mâm, người trẻ nhanh chân chuyển rượu rửa hài cốt. Hồi học đại học, tôi đã khá sửng sốt khi chứng kiến một thằng bạn tự mình quán xuyến việc mổ một con chó rồi nấu nướng pha phách đủ bảy món trong liên hoan cả lớp. Đứa bạn học này nhà cũng ở sát nách quê tôi, nhà nó giờ thuộc về quận Hà Đông. Giờ cậu ta ăn mặc đi lại trông hệt như ông cán bộ địa chính địa phương. Nó cũng có tâm hồn nghệ sĩ, cũng vẽ linh tinh, cũng thích Văn Cao. Mê thịt chó, thích Suối mơ. Nói chung là đa sắc như mấy cái quận thò thụt quanh Hà Nội.
Hồi bé tôi cũng có thời gian nghỉ hè hay về quê, hồi học đại học và mới đi làm cũng thích tìm hiểu không gian làng xã. Nhưng nói thế nào nhỉ, càng ngày tôi càng thấy văng khỏi không gian ấy. Tôi không biết rằng quá trình tôi trải qua có thể chính là một giai đoạn của các xã hội thay đổi về cơ cấu, từ chỗ nông thôn chiếm 85% dân số sang chỉ còn 2/3 và dự kiến còn một nửa trong thập niên tới. Riêng Hà Nội, dân số đã chiếm hơn 1/3 số dân đồng bằng sông Hồng. Vào lúc bé dại, đồng quê là một cái gì khiến tôi có cảm xúc. Khi lớn rồi, nguyên quán là cái gì khiến tôi như mô cấy ghép không bắt vào được. Tôi không phải là loại Tây An Nam, tôi cũng không có trải nghiệm phương Tây hoàn toàn. Nhưng bản sắc cổ truyền không thể có ở chúng tôi, những đứa con của phố “Hàng Đợi” (có ai nhớ tiểu thuyết “Những đứa con phố Arbat” đình đám hồi Liên Xô cải tổ không?). Tôi cũng như nhiều người cùng thế hệ, đã là một loại thế hệ chuối ngay trên chính quê nhà. Ngoài vỏ chúng tôi màu vàng thậm chí còn có cả lấm chấm trứng cuốc như ai, nhưng ruột là thứ thịt chuối nhàn nhạt, chua chua như loại chuối biến đổi gen, quả to, chín đất đèn bán ê hề ngoài chợ lẫn siêu thị bây giờ. Chúng tôi cũng có nhiều kẻ thích hội hè đình đám, nhạc nào cũng nhảy, lễ nào cũng đến giơ máy ảnh chụp loách choách, yêu di sản cha ông ghét sư tử Tàu. Chúng tôi là THỰC DÂN MỚI.
2. Bởi vậy
tôi tìm thấy nhiều điều để
đọc trong mấy cuốn sách của Trần
Chiến. Mào đầu dài dòng vì
văn anh Chiến cũng dài, nhưng đa
phần không rườm. Có lẽ vì
tôi đồng cảm với những số
phận nổi trôi của những người
có chút thiên lương trong mấy
chục năm qua mà anh đã viết
trong Cậu
ấm (tiểu
thuyết mới in năm ngoái), Đèn
vàng, Cõi người, Bốn chín chưa
qua,
hay nhiều truyện giả cổ trong mấy tập
như Gót
Thị Màu, đầu Châu Long.
Trần Chiến ắt không phải là
gương mặt ăn khách, nhưng các
cuốn sách của anh có khả năng
dựng một phong cách đậm nét.
Chúng thực sự là một cây cầu
dẫn dắt bất cứ ai muốn tìm hiểu
một phân nửa thế kỷ qua, khi cuộc
đụng độ giữa hai nền văn hóa
thành thị (nhiều nét ngoại lai) với
nông thôn (chắc chắn bản địa)
đã dẫn đến kết quả là
những thế hệ chuối Việt như chúng
tôi và khung cảnh kiến trúc quy hoạch
nông thôn và thành thị nhất trí
tín nhiệm cao nhà ống.
Ở Cậu ấm, người ta gặp lại một thời Hà Nội vừa nôn nao náo nức mà vẫn tỉnh táo, nhưng rồi không cưỡng được cơn xoay vần của thời cuộc. Những trang viết về phở Hà Nội tản cư, chuyện những người Hà Nội bị kiểm thảo rồi dinh tê, rồi những người Hà Nội “lưu dung” đã bô nhếch so với chính họ thời xưa - nhưng vẫn cần mẫn chăm chút cái gì đó hoa mỹ cho một thành phố bao cấp cũng cần một tí ti gì sang cả để làm dáng... Cuốn sách kể khá kĩ về những chuyện làm báo thời Pháp, thời nhá nhem tiền khởi nghĩa, thời tạm chiếm rồi thời sau giải phóng, nhiều thứ mà phải “người trong nhà” mới biết và mới viết cho hay.
“...Ta
ra đi đô thành rừng rực
Ta trở
về lửa ngụt trong lòng
Vận chả ưa gì Sơn Ngọc, vì kiểu vo ve “bám đít” Bính Trần ở khu tự do, nhưng lại nằm lòng hai câu này của ông ta, đăng báo Sao sớm. Những câu thơ nói lên sự ngổn ngang trong lòng kẻ hồi cư. Sơn Ngọc nhảy về Thành trước cả Vận, trong dòng văn nghệ sĩ “không chịu được gian khổ kháng chiến” như ngoài kia lên án, giờ cộng tác với vài tờ báo ở Hà Nội, cốt sinh nhai, viết câu thực lòng câu đánh đĩ cả tử tế lẫn nhảm nhí nhưng không quay lưng chửi Việt Minh. Đấy là chỗ thương được.
Không ngổn ngang sao được, khi biết Việt Minh sẽ thắng. Pháp phải rút, theo cách gì không biết nhưng nhất định là thế. Đài Pháp Á càng loan tin liên quân thắng trận, dân tình càng tưởng ra điều ngược lại.
Thế mà hồi ngoài kia, Sơn Ngọc đã viết “Ăn xong bát phở, ra Bờ Hồ thấy yêu nước quá!”. Câu văn có lẽ được viết trong cơn nhớ Đất Thánh, nghiêm túc nhưng nhả nhớt, đã bị đem ra các cuộc khai hội phê bình tóe khói. Đem Tổ Quốc đặt bên phở phiếc, so sánh thậm hạ tiện.”
Còn đây là một đoạn tả về khung cảnh phố cổ Hà Nội từ trên cao - nóc nhà hàng Mỹ Kinh - mà trong sách anh đã đổi tên thành Mỹ Vị:
“Bầu trời bên trên đùng đục hắt sắc hồng anh ánh xuống khiến khu phố cũ bên dưới nhuốm chút mầu huyền hoặc. Từ chợ Đồng Xuân xuống giáp khu nhượng địa, từ đê sông Cái chạy sang tòa thành cổ còn cột cờ, cả một đại dương mái nhà xô vào họ. Những con sóng cao thấp khác nhau, ngói âm dương, ngói mũi, ngói “tây” lộn xộn, vô trật tự, xám tai tái, từng đợt gối nhau, nếp nọ ngả vào nếp kia thành một nhịp điệu mạnh, bền dai không biết bao giờ mới ngừng, rất khó tả. Nhà cửa không cao nên nhìn thấy hai ngọn tháp Nhà thờ Lớn, tưởng ra con hồ thần thoại cạnh đấy cùng bao nhiêu xung đột văn hóa, tín ngưỡng đã tràn chảy qua.
Dưới chút nữa, cuộc sinh hoạt vĩ đại và riêng tư của hàng phố đang chập náo nhiệt nhất mồn một trước mắt. Đường phố như một dòng sông, xích lô ba gác xe đạp ô tô, những người bước vội những kẻ thong dong trôi chi chít, thỉnh thoảng mắc vào nhau tấp lại rồi chảy tiếp.”
Mặc dù cuốn sách khá dày, 501 trang, nhưng cảm giác vẫn còn có thể viết thêm được. Đây là cuốn mà biên tập viên như tôi đọc đến bông 3 vẫn thấy cảm xúc. Có lẽ viết kỹ thuật là một chuyện, tư liệu là cái tạo độ dày, nhưng cảm xúc vẫn là thứ giữ sự tập trung của người đọc được suốt độ dày đó.
Cậu ấm viết về sự lựa chọn công việc của Vạn, một người được sống sướng lúc bé, nhưng đã không theo nghiệp nhà in báo của ông bố tư sản tay trắng làm nên, mà thích nấu ăn. Tuy nhiên cũng phải đến khi chiến tranh nổ ra, lên chiến khu làm anh nuôi rồi bị kiểm thảo rồi ra vùng tự do nấu phở rồi dinh tê về thành nấu bún thang, tâm thế “đầu bếp” mới chắc chắn. Khi đọc đến chỗ gia sản nhà in phải hiến cho nhà nước, rồi cô vợ tư sản xinh đẹp phải đi làm công nhân cho chính cái nhà in đó, kiêm nhiệm vụ quét chuồng xí cho ngôi biệt thự của gia đình giờ cũng chia năm sẻ bảy cho nhiều người khác đến ở; chợt thấy ở đây có gì đó gần với môtip phim “Phải sống” của Trương Nghệ Mưu, rồi cũng có không khí của “Bác sĩ Zhivago” lúc anh này trở về ngôi nhà to lớn đã tanh bành với hàng chục cặp mắt lạ lẫm dò xét chật kín tiền sảnh. Nhưng nếu chỉ kể câu chuyện thời cuộc thì cuốn sách chẳng có nhiều điều khác biệt, và lại hơi hẫng hụt ở kết thúc.
Ở đây, Trần Chiến dùng kỹ thuật khác, kỹ thuật của người ăn cỗ. Ai đi ăn cỗ thì cũng biết cỗ truyền thống tới lui cũng chừng ấy món, cách thức nấu và thành phần không thay đổi. Người ta đánh giá ngon hay không là ở các độ vừa lửa hoặc chín tới của thức ăn. Ăn gì trước hay xen kẽ thế nào, cũng cần kinh nghiệm. Vào mâm mà đánh luôn cái móng giò ninh hay bát xôi có ngọn thì quay ra các món khác đã nguội vữa hoặc bụng no mất rồi. Trần Chiến nhấm nhót các món dọn mồi rồi dần dần vào món nặng. Anh không xét nét lắm việc cầm đũa cho thanh nhã hay “năm quân” cầm tay cho tiện. Anh nhìn thấy ở các món là những công đoạn nấu, những sắp đặt của người nấu, thấy cả tình cảm và ý tứ của người đứng bếp. Nhiều khi nói quá, nhưng cũng phải thừa nhận là người làm sao bếp làm vậy. Văn của Trần Chiến buộc người ta ăn theo lối truyền thống, nhưng các món đã thuộc về loại nấu tinh và có lúc có cả món fusion (hỗn hợp). Nhiều khi chỉ một vài món như thế cũng làm mâm cỗ đáng kể.
3. Trong một lần làm nhân vật phim tài liệu về ngõ chợ Hà Nội, tôi đã viết lời nhận xét: Cái bếp là cầu nối giữa chợ và nhà, giữa đồng quê và thành thị. Mấy cuốn sách của Trần Chiến đã viết sâu về cái cầu nối ấy. Trong Cậu ấm, những cậu ấm cô chiêu con nhà tư sản cũ hay đứa trẻ Hà Nội thời giải phóng khi cần vẫn sống được với nông thôn. Cái khung cảnh đồng quê như phông nền cho tiền cảnh là mấy phố cũ dọc ngang nhỏ bé Hà Nội. Dĩ nhiên căn bếp đã được đẩy lên thành sân khấu chính của các mối quan hệ, từ quán bún thang mở trước cửa biệt thự của Vạn đến hợp tác xã ăn uống Mỹ Vị ở phố cổ nơi Vạn đầu quân về làm xã viên, đều có căn bếp với đủ ái ố hỉ nộ.
Trong truyện vừa Bốn chín chưa qua, nhiều lần ống kính của Trần Chiến lia vào các căn bếp. Ở đây là những căn bếp nhà quê, từ vùng chiêm trũng sông Hồng đến khu kinh tế mới Tây Nguyên, nơi người đàn ông Toán đã cả một đời vùng vẫy chống cự lại số phận, hay đúng hơn là giữa một thời con người xô dạt vì cái ăn. Và cả vì tình, vì cái thói trăng hoa của anh đàn ông có tí máu văn nghệ. Trần Chiến đã từng dẫn tôi về thăm cái nhà ngày xưa ở ngõ Hà Hồi, là bối cảnh cho Cậu ấm. Anh bảo, ông thân sinh thỉnh thoảng mới đánh xe về thăm, còn lại ông ở với nhà bà cả.
Toán - nhân vật chính của Bốn chín chưa qua - có vợ rồi lại lưu lạc với tổ ấm mới, rồi ở nơi mới lại bập vào một người phụ nữ tạm bợ khác. Toán là người tốt, một người của đồng đất, tháo vát, chăm chỉ, nhân hậu, có lẽ như bản chất người Việt muôn đời, nhưng cuộc đời khắc nghiệt đã không để cho những người tốt ấy có được cuộc sống ổn định. Ngòi bút của Trần Chiến có vẻ lành, không chĩa mũi nhọn về phía ai, nhiều khi cũng làm người đọc sốt ruột vì chẳng có giải pháp gì, nhưng cuộc đời là chính vậy. Vì thế nỗi đau đớn thu lượm được ở sau những câu chuyện được kể bằng giọng từ tốn kia như nỗi đau của một kẻ đã tuyệt vọng với đồng đất đang bốc nhặt những di cốt để làm một việc dường như vô nghĩa là “sang cát”, chôn ở nơi khác.
Viết về thủ tục gắn với sự sống và cái chết của con người Việt buổi giao thời, Trần Chiến có những đối sánh gần xa, những dẫn dắt nhiều cảm xúc. Dường như ranh giới giữa khoái lạc (cái ăn) và sự mất mát (cái chết) rất mỏng, nó khó hiểu với bất cứ người bên ngoài nào muốn tường minh:
“Vận thẫn người, ngấm nghía từng câu chữ, đoạn quay lại: ‘Đám tang đưa về quê, tức là về nông thôn, tôi ngẫm là mình không có nhiều tính cách truyền thống. Đúng ra là mình thị dân quá rồi. Bao nhiêu phong tục chả hiểu được, me xừ học giả Bơnoa chứng kiến sẽ có một đề tài nghiên cứu, chắc thế’.
- Tôi cũng hiểu nông thôn Việt Nam chứ – Tay nhân viên Viễn Đông Bác Cổ tự hào – Tôi đã khảo sát, vẽ lại nhiều ngôi nhà cổ, cối giã, cối xay, bàn thờ, bể nước mưa, thậm chí cả chỗ để nồi nước giải tức là cái nồi hông đều có.
- Đấy là những cái nhìn thấy, người Tây phương nào cũng có thể làm theo phương pháp này. – Dục vào chuyện khiến Vận vui hẳn lên – Nhưng đám tang thì các anh chỉ có thể tả chứ hiểu không dễ. Phải tin là sau khi chết có một cõi khác, hồn không biến mất mà tồn tại quanh người thân thì mới có ý nghĩa. Đấy, chú em tôi tiễn mẹ mà thấy nhọc mệt hơn bà lão sáu mươi ở quê là vì không có cái niềm tin ấy. Huống hồ người phương Tây”. (trích Cậu ấm)
Những căn bếp là dấu hiệu của sự sung túc hay đời sống gia đình. Như đã nói, nó là nơi mà trẻ con thành phố còn biết rằng có một cái nhà quê đang nuôi chúng, con gà khác con bò ra sao, hay rau thì không phải vài luống trong hộp xốp hoặc vài chuyến dã ngoại thực tế cho biết. Tôi vẫn thấy nghịch lý của những căn bếp trong những ngôi nhà "biệt thự" ở quê, mọi thứ khép kín, bếp thì nấu đứng, nhưng rồi các công đoạn truyền thống vẫn là chỗm hổm, là giãi thẻ trên sàn đá hoa, mà chặt thịt, mà nhồi tiết, mà giã giò. Những bộ tủ bếp trông thật vô duyên trong khung cảnh ấy. Tôi cũng không hiểu nhiều nhà còn làm cả quầy bar với dàn inox gài ly các kiểu để làm gì, khi mà rút cuộc rượu trắng vẫn thắng rượu Tây, tất cả vào chén sứ Tàu vốn để uống nước chè hết.
Trần Chiến từng định lấy tên “Biệt thự” đặt cho cuốn Cậu ấm. Có lẽ chữ “biệt thự” vẫn kiểu cách, vẫn mơ màng xa lạ với người Hà Nội nhiều chục năm đã bị triệt tiêu khái niệm “biệt thự”. Sau giải phóng miền Nam, “biệt thự” thường hay gắn với những tên phim hay truyện phản gián kiểu “Vụ án ở Biệt thự Hoa hồng”, đại để là cũng có dàn thiên lý đã xa, có tiếng dương cầm giọng hát trẻ thơ, có tháng năm xưa của tuổi dại khờ... Trong biệt thự thường quy hoạch khu vực quan trong cho bếp, vì phải tính đến chế biến thô, tinh và nấu, đường chuyển đồ ăn tươi vào, rồi khu bàn ăn ở đâu... Biệt thự mà để bà chủ hay người bếp xách con cá quả lõng thõng ướt chạy qua phòng khách mới xuống bếp thì hỏng. Bếp chính là một sản phẩm có tính khoa học của những căn nhà, tất nhiên biệt thự đã thế mà bếp nhà quê cũng vậy. Ở nhà quê, bếp truyền thống nằm ở nhà ngang, tách khỏi nhà chính. Nó hợp tác được với cung cách sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Thế hệ nhà văn như Trần Chiến rành rẽ cả hai loại bếp đó. Vì thế không gian Việt Nam trong các tiểu thuyết hiện lên uyển chuyển và tự nhiên. Với thế hệ các anh, ăn thịt chó chẳng phải là vấn đề lớn hay không, chém lợn hay không là chuyện một thao tác sinh hoạt diễn xướng dân gian. Với thế hệ khác, có lẽ cũng không biết căn bếp nhà quê vận hành thế nào thì chém lợn đương nhiên khủng khiếp, thịt chó hẳn là eo ôi kinh tởm.
4. Tôi cũng từng lấy làm lạ về thời kỳ âm nhạc tiền chiến, những nhạc sĩ đa phần có cuộc sống khá sung túc so với mặt bằng lúc đó, sống ở thành thị, nhưng họ viết rất nhiều về nông thôn. Nhạc sĩ Văn Phụng, một người có phần giống một nhân vật trong Cậu ấm, không đi theo kháng chiến, là một dương cầm thủ và có những bài hát về Trăng sơn cước, về Bức họa đồng quê, trong thể thức những điệu nhạc nhảy phóng túng. Hoàng Giác, Hoàng Trọng, Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước... không ngần ngại tìm thấy ở “khói biếc cuộn về chứa chan, trông mãi đường về xa xôi” (Đường về - Hoàng Trọng và Quang Khải) một mối tình sầu ly hương thực sự, như thể họ không phải là người sống ở Hà Nội.
Nhạc
ngày xanh reo vang nơi nơi
Miền đồng
quê bao la xanh tươi
Trong ánh nắng
mai tràn hương mới
Từ thành đô
ra đi muôn phương
Hòa niềm vui
say trong phong sương
Gieo rắc khắp
nơi nguồn vui sống”
(Ta vui ca vang, Văn Phụng)
Đó là câu chuyện chồng lớp của kỷ niệm, của một thế hệ bồi lắng những dòng chảy văn hóa. Sẽ rất ít người biết được tại sao là “Lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền lan”. Nghĩ đơn giản và trực tiếp thì coi đấy là sai chính tả, sẽ sửa là chiếc thuyền nan. Nhưng nó cũng hệt như cách nhìn nhà quê của thế hệ chúng tôi mà thôi. Trong khi phải có một nguồn kiến thức mới dẫn ra được, à đó là điển tích, quế trạo lan tương, thuyền có mái chèo trước bằng gỗ quế, sau bằng gỗ lan, rút từ bài phú Tiền Xích Bích của Tô Đông Pha, trỏ cảnh chơi thuyền tao nhã. Bản thân tôi phải giở mấy cuốn sách mới dò ra được, vậy thì cả mấy trăm từ khác trong bài Thiên Thai của Văn Cao hiểu kiểu gì đây cho đúng? Chúng tôi không ăn thịt chó, vẫn thích Thiên Thai và chẳng hiểu gì.
Quá trình chuyển dịch cơ cấu dân cư thành thị-nông thôn đang diễn ra thay đổi căn cốt hình thái xã hội còn mạnh hơn những cuộc thực dân hóa hay cải cách ruộng đất ngày trước, bởi nó trùng với sự biến đổi của tiến trình hậu thuộc địa của những nước như Việt Nam. Hình như có một sự hẫng hụt nào đó trong hành trình tìm lại bản sắc. Những người nước ngoài mê say các thành phố châu Á còn sót lại vẻ đẹp hoàng kim đầu thế kỷ trước. Hồng Kông xuống đường phản đối can thiệp của chính quyền đại lục, hòng níu kéo hình ảnh rồng chưa “đổi màu”. Hà Nội khắc khoải nhớ lại những chuyến xe điện ngẫu nhiên chấm dứt cùng lúc với sự sụp đổ của bức tường Berlin. Chẳng phải vô tình mà mở đầu Cậu ấm là cảnh chuyến xe điện náo nức chở người Hà Nội hớn hở ngày đầu giành được độc lập năm 1945. Đô thị và nông thôn cũ mất đi khi chính người sống ở đấy chủ động đánh mất. Những chuyến xe điện leng keng kia sở dĩ còn được nhớ là vì chúng biến mất trước khi rơi vào cuộc va chạm với lượng xe cộ cá nhân bùng phát thời mở cửa. Tôi hồ nghi sự yêu thương của đại chúng dành cho chúng, bởi hệ thống tàu điện đô thị kiểu mới đang xây dựng bị “ném đá” dữ dội trên mạng xã hội. Chúng đến sau và xâm phạm vào trật tự đang có: chặt bớt cây, lấn vào không gian đô thị đã chật chội… Người ta không thấy sự liên quan nào giữa hệ thống này với cái hệ thống đã đi vào thơ nhạc, dù bản chất như nhau.
Những cuốn sách của Trần Chiến, như Cậu ấm, Cõi người hay mấy truyện giả cổ, kể cả cuốn tạp văn mới A đây rồi Hà Nội 7 món có một phong khí đặc thù, của những người nghiên cứu lịch sử nhiều bao dung với quá khứ. Cõi người, cuốn sách viết về sử gia Trần Huy Liệu, đọc lên thấy thấm thía thân phận, viết về người thân mà vẫn có đủ độ tỉnh táo, thanh thản. Có thể giọng văn ấy không dành cho số đông, có thể nhiều cuộn lớp quá, nhưng nó chắc chắn là một giọng của một Hà Nội biết rõ mình được dựng nên từ đâu. Từ những mặt ruộng xâm xấp nước cày ải, từ những con sông dềnh dàng tháng Bảy, từ những ông Thánh bà Mẫu chuyên bắt nạt người hiền, gạch ngói, bê tông, đường nhựa, cột đèn mọc lên... Hà Nội có những con đường cứ loanh quanh, loanh quanh như chính những kiếp người lấy thú vui bếp núc, lấy sự tri túc làm căn bản. Họ đã góp vào những thần thoại mới "cùng bao nhiêu xung đột văn hóa, tín ngưỡng đã tràn chảy qua"...
Nguyễn Trương Quý
Các thao tác trên Tài liệu