Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Không phải truyện cổ tích

Không phải truyện cổ tích

- Phạm Xuân Nguyên — published 08/05/2015 12:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19

Đọc lại Túp lều nát của Nguyễn Đổng Chi


KHÔNG PHẢI TRUYỆN CỔ TÍCH

Phạm Xuân Nguyên(*)


Trong tâm trí tôi, tên tuổi ông Nguyễn Đổng Chi (1915 - 1984) gắn liền với bộ sách năm tập Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Ấy là khi còn nhỏ tuổi. Lớn lên, vào nghề văn, tôi biết ông còn là tác giả một cuốn sách khác rất giá trị là Việt Nam cổ văn học sử. Lại nghe nói, chứ chư­a được đọc, ông có cuốn Mọi Kontum (viết chung với Nguyễn Kinh Chi). Nghĩa là hình ảnh ông Nguyễn Đổng Chi ở tôi là một nhà dân tộc học, nhà nghiên cứu văn hóa, văn học, văn học dân gian.

Cho nên tôi đã bất ngờ khi được biết ông, ngoài khảo luận nghiên cứu, còn cầm bút sáng tác. Và khi đọc vào các sáng tác của ông thì sự bất ngờ của tôi thành một niềm vui phát hiện. Đặc biệt là ở thiên phóng sự Túp lều nát ông viết trong khoảng thời gian 1933-1936, khi ông chỉ mới qua tuổi hai m­ươi. Theo tôi đây là một tác phẩm có giá trị cao của dòng văn học hiện thực 1932-1945.

Tupleunat

Nxb Trẻ tái bản, 2015

“Túp lều” ở đây là hình ảnh tác giả ví với cái làng, nơi ng­ười dân quê sinh sống. Như­ng đó là “túp lều nát” bởi vì ngư­ời dân quê bị các chức sắc ở làng “lừa dân, ăn dân, hiếp dân, và bức dân đến chết”. Tác giả tập phóng sự, một ngư­ời có chữ, một thầy giáo, một nhà báo có l­ương tâm và trách nhiệm, đã dụng công hơn 5 tháng trời “để nhìn, để nghe những cảnh t­ượng mà tôi không thể tin đ­ược là có xảy ra – và xảy ra luôn – ở trên dải đất có đến hai Chính phủ trị vì núp dư­ới bóng cờ ba sắc”. Tập phóng sự viết xong, Nguyễn Đổng Chi đề lên trang đầu: “KÍNH DÂNG Cụ Lớn BÙI BẰNG ĐOÀN ng­ười nắm cán cân công bằng của pháp luật, quyển sách thô bỉ này”. Tại sao lại “thô bỉ”? Bởi vì thực tế cuộc sống tại một vùng quê miền Trung như được phản ánh trong sách cho thấy “cán cân công bằng của luật pháp” đã không được thực thi ở đó. Người dân ở đó khi thực hiện nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước đã bị bóc lột đến tận xương tủy bởi tầng lớp quan lại của bộ máy cai trị địa phương từ xã đến huyện, phủ đã chà đạp lên luật pháp, bất chấp pháp luật. Đó là một hiện thực thô bỉ và để xảy ra sự thô bỉ đó là do một hệ thống chính quyền thô bỉ dung túng cho sự lộng quyền nhũng lạm, sách nhiễu dân. Tác giả gọi quyển sách của mình là “thô bỉ”, theo tôi, chính vì ông đang phơi bày một “túp lều nát” và lần lượt chỉ vạch mọi nguyên nhân làm cho nó nát – ông đứng từ phía dân và đứng về phía dân để nói với chính quyền. Điều này càng thấy rõ ở lời “Tựa” đ­ược bắt đầu bằng câu của Mạnh Tử (có in kèm chữ Hán): “... Các quan phía tả phía hữu đều bảo rằng không đư­ợc, đừng nghe. Các quan đại phu đều bảo rằng không được, cũng đừng nghe. Cho đến khi dân trong nước đều bảo rằng không đư­ợc, bấy giờ hãy xét, nếu thấy không đư­ợc, bấy giờ hãy bỏ đi(1). Một câu trích rất thâm thúy, ý nghĩa. Chính quyền, người lãnh đạo, nếu thực sự là của dân, do dân, vì dân thì phải lắng nghe dân, đừng chỉ nghe ý kiến, nhận xét của các quan chức, viên chức tâu lên mà quyết định. Một khi dân đã kêu là có vấn đề, và có vấn đề là phải giải quyết cho dân. Túp lều nát vì vậy có thể đọc như một bản tường trình, hơn thế nữa, như một bản cáo trạng, về thực trạng một tội ác (đúng, một tội ác) thâm căn cố đế ở nông thôn Việt Nam mỗi kỳ sưu thuế. Tập phóng sự sau lời “Tựa” có 13 chư­ơng với các tiêu đề: Loài động vật ngắn cổ (đấy là nói ng­ười dân quê bị phù thu lạm bổ mà không biết kêu ai); Mùa gặt của H­ương Lý (tức là mùa sưu thuế: “Thì ra sự thu thuế cho Nhà n­ước ở làng đây, than ôi! Không còn là cái nghĩa thu thuế nữa. Nó là một sự mua bán. Thách lên cao để mà cho kẻ khác trả xuống thật rẻ mạt rồi cứ nhích lên từng nấc dần dần. Nó lại là một việc tra khảo cho lòi của ra nếu như­ không tìm đ­ược đồ đạc mà bắt lấy đem về. Con roi mây, cái cùm, cái kẹp đều là những vật ép người cho lòi tiền thuế”); Mạnh Lệ Quân nước Nam (chuyện vợ một ông Lý trưởng giả dạng đàn ông đi lĩnh chẩn hớt phần của dân); Mồ hôi và mồ hôi (chuyện mua chức bán tước ở thôn quê bắt ngư­ời dân phải chịu mọi khoản đóng góp); Chế độ hào c­ường (“Một trăm chuyện hào cư­ờng nhũng lạm là một trăm chuyện kim ngân phá lề luật”); Tổng lý, một bức hàng rào giữa dân và chính phủ (“nếu lỡ ra bị dân kiện không chối cãi đi đằng nào đ­ược thì bấy giờ họ lại chạy vạy kêu van với quan trên, nào những là công lao với Chánh phủ trong việc trị an thế này, thế nọ, bây giờ vấp váp mong đư­ợc bề trên nới tay...”); Phư­ơng pháp bảo cử mầu nhiệm (chuyện tranh chức Lý tr­ưởng ở làng, phiếu bầu có đánh dấu một nét và hai nét để dễ... biến một thành hai hoặc biến hai thành một, muốn đằng nào cũng “xoay trở” dễ dàng); Tiếng dân kêu (cả một bài ví dặm “trách những phường nhũng lạm - Bóc lột đủ trăm bề”); Dĩ dật đãi lao (chuyện thông đồng với chức sắc trộm trâu bò là sức cày quý giá của nông dân và chuyện vu oan c­ướp vợ ng­ười); Những ng­ười thay mặt cho công chúng (một đám Lý tr­ưởng với dân thì ra sức bóp nặn nhưng lại tranh nhau... “than ôi, thế bất đắc dĩ, như­ một bầy chó” những thứ đồ cũ nát của một quan đồn Pháp vứt qua cửa sổ trước khi rời nhiệm sở đi nhậm chức nơi khác); Số tiền trời cho (ngư­ời dân trông mong vào khoản tiền bồi thường về việc con gái bị kẻ xấu hãm hiếp để chữa bệnh cho con, thế mà rốt cuộc vẫn trắng tay); Một thiên kết luận đẫm máu (một người nông dân cùng đ­ường phẫn uất đâm chết Chánh tổng, sau đó tự đâm mình: “Mày làm Tổng lý bóc lột và hiếp đáp dân ngu đã mấy năm nay. Bây giờ tao chém mày để trừ hại”). Cuối sách là chư­ơng Hai bức th­ư hay là gan ruột của dân quê (thư­ của ngư­ời bạn gửi cho tác giả sau khi đọc xong tập phóng sự, kèm theo thư­ của những dân quê ở một làng gửi cho một nhà báo Pháp ở Hà Nội kêu lên nỗi khổ của họ).

Tôi có ý tóm l­ược khá dài nội dung tập phóng sự Túp lều nát của Nguyễn Đổng Chi là vì nó chư­a đ­ược biết đến rộng rãi xứng với giá trị của nó. Xuất bản lần đầu bởi Mộng Th­ương Thư­ trai (Hà Tĩnh, 1937), đến nay nó mới đư­ợc in lại lần hai (cùng với truyện Gặp lại một người bạn nhỏ) ở Nhà xuất bản Văn học (Hà Nội, 1999). Tên tác giả ở lần in đầu tiên là Nguyễn Trần Ai, một bút danh t­ượng trư­ng đầy ý nghĩa. Những cảnh khổ “trần ai” của một vùng nông thôn Hà Tĩnh do nghèo đói, do ngu dốt, để bị đám tổng lý hào c­ường chức dịch ở làng tha hồ bóp nặn, bóc lột, đè nén, đánh đập hiện lên chân thực và sinh động d­ưới ngòi bút của một ng­ười có con mắt thấu hiểu và có tấm lòng đồng cảm, th­ương xót.

Túp lều nát chân thực và sinh động vì tính phóng sự của cuốn sách đ­ược tôn trọng tối đa. Phóng sự là một thể tài báo chí, đi sâu vào những sự kiện, vấn đề của thực tại. Nhà báo trong vai người viết phóng sự tìm tới những sự kiện bức xúc của đời sống, khơi chúng ra, trình bày chúng một cách xác thực và nóng hổi, đặt chúng trong bối cảnh đời sống xã hội, cung cấp những dữ liệu chính xác, nêu lên một số nhận định, đánh giá tức thời, để từ đó độc giả có sự nhìn nhận, lý giải của họ. Tác giả Nguyễn Trần Ai trong Túp lều nát trước hết là một nhà báo như vậy. Ông đã thực thi bổn phận một ký giả có lương tâm và trách nhiệm. Hãy nghe ông nói: “Vác ngòi bút và quyển sổ tay ra đi, tôi cũng tưởng để nhặt vài cái tin chó chết tản mát trong hương thôn cho xong phận sự của người trót ăn đồng lương trợ bút một tòa báo nọ. Nhưng lần đầu vừa bước chân đến đây tôi vô tình gặp phải bác chắt Ch., mà bác chắt Ch. cũng vô tình biếu tôi một bài nhập đề đáng giá cho cuộc phóng sự này. Tôi liền xoay đổi công việc lại. Trí tôi tự nhiên nảy ra một kế: tôi sẽ tìm ở trọ tại một nhà ông Lý, đội lốt một thầy giáo dạy tư. Rồi từ đó tôi sẽ cố lần mò tìm kiếm trong cái màn xanh xanh bí mật kia một ít cảnh tượng đáng than đáng khóc và cứ thế vẽ phác nó ra, sao nguyên nó lại cho xác thực, để cung cho độc giả, may chi gợi được một vài giọt nước mắt đồng tình…”(2). Trong vai ông giáo trá hình tác giả đã lọt được vào nhà Lý B. giữa “mùa gặt tiền” trên lưng nông dân của đám hương chức ở làng; đã giáp mặt được bà Lý L. “giả trai” để cùng chồng lên huyện bòn mót tiền dân được phát chẩn; đã được nghe một ông cựu Phó tổng kể về các cách thức bòn rút dân đen; đã biết chuyện một thầy Lý trẻ có bằng Primaire muốn cải cách hương thôn nhưng bị đám hào lý bày trò kiện tụng làm cho sạt nghiệp và nản chí; đã chứng kiến một vụ án mạng giữa ngày Tết của một thanh niên nông dân vì phẫn uất bị Chánh tổng ức hiếp quá mức mà phải “vung dao”… Ông đã làm đúng phận sự của một người viết báo là đưa tin, mô tả sự kiện, trình bày vấn đề kịp thời, bằng bút pháp ngắn, nhanh, sắc, gây ấn tượng mạnh cho độc giả.

Đọc xong tập phóng sự người đọc tin ở tác giả vì cái cách ông viết báo. Nhưng người đọc còn tin hơn ở thái độ của ông khi chọn cách viết ở thể loại phóng sự. Bởi ở lời “Tựa” ông đã cho biết điều khiến ông phải bắt tay làm tập phóng sự này là từ những bài viết về các nhũng tệ của đám tổng lý hào cường trong thời gian một năm (1933-1934) đăng trên báo Tiếng dân – “một tờ báo già ở Trung Kỳ” từ số 701 đến số 800. Từ 182 bài đã đăng trên Tiếng dân, ông liệt kê ra các con số vụ việc tệ nạn và con số người nắm giữ các chức vị tham gia ăn bẩn của dân. Chỉ một tờ báo đã cho thấy sự đè nén, bóc lột người dân đủ mọi cung cách đến không ai ngóc đầu lên nổi; vậy mà đâu chỉ có một tờ Tiếng dân. Cho nên ông thấy mình có bổn phận phải cầm lấy cây bút của một nhà báo, khi mình còn là người trẻ. Và để góp phần vạch trần những tệ nạn, tội ác ở thôn quê, ngòi bút nhà báo ông chọn không phải là đưa tin vặt mà là viết phóng sự, nghĩa là viết có đầu đuôi. Với tập phóng sự này ông muốn làm nhân chứng “để báo tin cho các bậc cầm quyền, các nhà chánh trị, các ngài ủy viên dân biểu, vì các ngài là những kỹ sư, bác vật của quốc gia, rằng có một túp lều sắp đổ”(3). Động cơ xui khiến ông tự nguyện dấn thân trong tư cách một nhà báo rõ ràng là vậy: Vì Dân. Đọc cuốn sách thấy toát lên ở tác giả thái độ hăm hở đi tìm sự thật để vạch trần, cách tác nghiệp nghiêm túc để điều tra, lòng thương xót người dân quê để bênh vực, óc phân tích để tìm thoát.

Túp lều nát đầy tính báo chí và cũng đậm chất văn. Nó là thể loại phóng sự văn học. Những chiều kích thực tại mà báo chí tránh như tâm lý, hồi tưởng, cảm xúc thì văn học nói đến. Văn học cũng nhạy cảm với tác động của hoàn cảnh sống đến tư cách, hành vi của con người. Tác giả tập phóng sự đã viết dưới góc độ đó. Ngay cái tên của mười ba chương đã được tác giả chọn đặt có ý vị và tư tưởng. Khi thì hoặc nói thẳng “Chế độ hào cường”, hoặc hình ảnh biểu tượng “Loài động vật ngắn cổ”, hoặc điển tích “Mạnh Lệ Quân nước Nam”, hoặc thành ngữ Hán phổ biến vào thời đó “Dĩ dật đãi lao”. Khi thì hoặc trực tiếp “Tiếng dân kêu”, hoặc châm biếm “Phương pháp bảo cử mầu nhiệm”, hoặc đối lập “Những người thay mặt cho công chúng”. Những đầu đề này mang ý hướng công kích, đả phá mạnh mẽ. Đọc vào từng chương là đọc vào từng câu chuyện được tác giả dẫn dắt khéo léo có cảnh ngộ, tình huống, có nhân vật, không khí, xen kẽ lời kể ở ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba, có khi trình bày qua nhân vật trung gian, nhưng mọi giọng kể đều đồng quy ở chỗ làm bật ra những thủ đoạn gian tham, độc ác vơ vét tiền bạc nông dân của đám chức sắc hương thôn. Tác giả lại khéo dùng tiếng địa phương xứ Nghệ trong những đoạn đối thoại, những câu chuyện kể của người dân, tạo cho tập phóng sự vừa có nét riêng của một vùng quê, vừa là sự sống đích thực mới lượm lặt ngay trong thực tế đưa vào sách.

Đây là đoạn đối thoại của một Lý trưởng với một tên tay chân đi bắt thuế dân không đủ vì do chúng ép thuế quá mức nên giở trò xiết nợ thuế bằng cách thu đồ đạc của dân:

“- Sao bay? Đồ đạc của quân nào đó?

- Dạ, cái cày và cái bừa của thằng đĩ Ba. Nó cứ chối lên đây đẩy rằng nhà nó nghèo không chịu được bài tráng. Đồng rưỡi nó nộp bữa trước là hết rồi. Chúng tôi tìm tòi xiết được có chừng nấy. Mà lấy được của nó cũng khốn. Vợ nó với nó chạy ra tríu mãi. Chúng tôi xô ẩu tả chúng mới chịu thả. Còn cái vại của thằng xã Trung, thằng ni đang còn một cái khăn nhiễu mà tức quá chưa lột được” (Mùa gặt của Hương Lý)(4).

Đây là tiếng chửi của chắt Ch.:

“- Mả cha vạn họ nhà bay! Cha con bay đi chém đầu cắt cổ choa biết mấy năm trời rồi. Trời ôi! Trời ở ? Không phân thây cha con thằng Lý Tr. ra trăm nghìn mảnh để cho bay chừa cái thói phù thu lạm bổ đi. Sưu sưu, thuế thuế, vua thu có một phần thì bay ăn cướp của choa đến mười phần. Trời ôi! Trời ở ?” (Loài động vật ngắn cổ)(5).

Lời văn ở đây vừa thuật rõ chuyện, vừa tỏ được thái độ của cả nhân vật và tác giả. Bên cạnh lời kể, lời nói, tác giả còn đưa vào phóng sự những lời tả để người đọc có thể hình dung rõ rệt con người ấy, sự việc ấy. Điển hình cho lối tả là ở chương về bà Lý L. đóng giả đàn ông. Vì sao phải đóng giả? Vì để vào hùa cùng chồng ăn chặn tiền dân được phát chẩn, nhưng ăn chặn mà vẫn cố tìm được thủ đoạn thật ranh mãnh để tránh mang tiếng cho chồng. Có thể coi đây là kẻ đồng lõa hay là “nhóm lợi ích” như ngày nay ta vẫn quen nói. Lên Phủ nhận tiền, bà Lý thay hình đổi dạng bốn lần. Ba lần đầu dù có giả là người nghèo rách rưới, hay là người bị bệnh tật ghẻ lở, thậm chí là một bà già ốm yếu, nhưng đó vẫn là giống cái. Đến lần thứ tư thì bà Lý L. bỗng biến thành một người đàn ông hẳn hoi. “Cặp giò trăng trắng đã hữu ý nhuộm bùn be bét ẩn trong chiếc quần cụt (cộc) đen rách lung tung. Cái áo nâu đang còn có thể gọi là cái áo được, nhưng những chỗ cùi tay và sống lưng vẫn để lộ ra những khoảng trắng mềm mại của da thịt. Rồi ta nhìn lên cái đầu tóc bối củ hành đã chạy qua một vòng khăn trắng lem luốc như người có trở. Cái người “bán nam bán nữ” đó, có cái nón cời cập kè trước ngực, lúc tiến vào phía quan thì cúi xuống ho một hồi sù sụ rồi mới đưa vé lên, mặt mũi lèm nhèm những nước mắt nước mũi. Rồi được lệnh quan hắn khập khiễng lại lãnh tiền làm cho chú lính lệ đứng một bên phải khen thầm cái con người tuy ở trong vòng cực khổ mà tươi mà đẹp” (Mạnh Lệ Quân nước Nam)(6). Từ lời kể của anh xã H., người học trò mới của nhà báo khoác áo thầy giáo, tác giả đã tả lại dáng điệu cải trang của bà Lý L. như vậy. Cho tới khi tìm đến gặp mặt bà Lý, ông đã chăm chú quan sát và mô tả: “Trạc bà độ 35, 38 tuổi nhưng nét mặt nở nang và già dặn lắm. Cặp mắt bồ câu ẩn dưới bộ lông mày đen rậm. Môi dày, miệng rộng, đầy những quết trầu đen thui hợp với hai hàm răng, nhìn vào tưởng như một cái hang sâu thăm thẳm. Từng ấy nét cũng khả dĩ tạm cải trang làm một người đàn ông. Nhưng cái thân dáng đàn bà của bà Lý, cái váy phùng phình, đôi dải lụa và tà áo bó que ra đằng sau; cặp vú to núng na trong chiếc yếm lụa với đôi khuyên bạc ở tai thì tôi không thể nào tin rằng một người như vậy mà có thể lầm là đàn ông được. Họa thiên hạ có đui mù hết thì có” (Mạnh Lệ Quân nước Nam)(7). Sự mô tả mang tính phân tích và dưới hình thức nghi vấn có vẻ như muốn nêu phản đề kiểu này thực tế lại khiến hành động giả đàn ông của bà Lý L. càng tăng tính tố cáo việc ăn chặn tiền trắng trợn của dân.

Ngôn ngữ, yếu tố quan trọng hàng đầu trong văn chương, cũng được tác giả quan tâm thể hiện để đạt hiệu ứng cao nhất cho việc phản ánh. Hãy đọc đoạn văn mở đầu chương Loài động vật ngắn cổ: “Rồi hắn vụt đứng dậy làm cho tôi giật mình. Cả cái xác người vạm vỡ hằm hằm lên như một nhà võ sĩ gồng mình trước mặt quân thù nghịch. Cánh tay trái, hắn điềm nhiên chống vào hông, còn cánh tay phải, hắn nhúi ra đằng trước một cách dữ tợn lạ thường; đồng thời chân hắn đạp thịch xuống đất làm dấu hiệu cho một cuộc xô xát ghê người. Bộ mặt hung thần tóe ra một câu nói gớm ghiếc có cái sức mạnh thấm thía đến xương tủy. Câu nói ấy khắc mãi vào trí nhớ tôi không bao giờ sót một chữ”(8). Đoạn văn có hình khối, tưởng như nói về một kẻ quyền thế có sức mạnh và gây không khí như một cơn thịnh nộ của kẻ trên giáng xuống người dưới. Ngờ đâu, đây lại là nói về một kẻ yếu, một người nông dân đang bị ức hiếp sưu thuế, bởi vì sau đấy tác giả đã chuyển nhanh sang đặc tả khuôn mặt đang đầy nộ khí bỗng bất thần trở nên “bệu rệu” và những giọt nước mắt lăn dài trên má của con người vừa mới hùng hổ “bặm trợn” kia. Chính những trạng thái tương phản của ngôn ngữ mô tả và thực tế của sự việc đã làm bật nảy lên nỗi phẫn uất tột độ của người dân và mức độ phạm tội trắng trợn của những kẻ thừa hành pháp luật ở thôn quê.

Tính văn của phóng sự ở Túp lều nát đã khiến người đọc như được nhập cuộc cùng tác giả, như ở chính trong khung cảnh của vụ việc, lôi cuốn đư­ợc họ đi theo bước chân tác giả qua mỗi đư­ờng làng ngõ xóm để thấy hiển hiện tr­ước mắt toàn cảnh túp lều nát của nông thôn Việt Nam (miền Trung) dư­ới chế độ phong kiến-thuộc địa. Từ những việc thực, người thực đã viết trong phóng sự, nếu tác giả lấy đó làm chất liệu để sáng tác nghệ thuật thì ông có thể viết thành những truyện ngắn. Như các chương Những người thay mặt cho công chúng, Dĩ dật đãi lao, Số tiền trời cho. Nhưng không, ở đây ông chỉ mượn hình thức truyện để phản ánh và chuyển tải linh động, chân thực với nhịp chuyển tiếp thật nhanh những hoạt cảnh-thảm cảnh của nông dân mỗi kỳ sưu thuế. Tác giả đã thương xót và đồng cảm với người dân quê thấp cổ bé họng, nhẫn nhục chịu đựng mọi nỗi khổ giáng xuống mình, và vì thế ông cố gắng thu thập thật nhiều tư liệu, tìm mọi cách để có được những lời kể thực sự của người trong cuộc, đến mức chính mình – chỉ một chân phóng viên quèn – bị vu cáo làm cộng sản và bị bắt tạm giam. Nhưng ngay cả trong cảnh giam hãm ông cũng vẫn tiếp tục khai thác được tư liệu từ những người cùng cảnh ngộ cũng là những nông dân bị bọn hào lý hãm hại. Đó là tư cách nhà báo chân chính của Nguyễn Trần Ai để khi Túp lều nát được in ra nó thực sự là bản cáo trạng đanh thép đối với một xã hội, một chế độ, nhìn từ một vùng miền.

Cuốn sách đ­ược viết và xuất bản thời phong trào Mặt trận Bình dân 1936-1939 như­ một tiếng nói riêng góp vào bản cáo trạng chung bằng văn học về cảnh ngộ nông thôn và nông dân Việt Nam dưới chế độ thực dân-phong kiến. Trong không khí thời cuộc lúc ấy, tác giả cũng đã thử truy xét nguyên nhân sự bị bóc lột của người nông dân và thử cách tìm lối thoát cho họ. Người nông dân bị cái nạn phù thu lạm bổ phần chính là do bộ máy quan lại thối nát ở xã huyện, phủ tỉnh. Điều này toát lên từ toàn bộ nội dung tập phóng sự. Nhưng theo tác giả, nguyên nhân còn là vì người nông dân không biết chữ, không có học, nên không biết cách chống chọi, phản kháng lại những kẻ ức hiếp họ. Sắc lệnh, chiếu chỉ viết bằng tiếng Hán tiếng Pháp họ không hiểu được. Đơn từ kêu xin, khiếu kiện họ cũng không biết viết. Tóm lại là họ không có trự (Ở Nghệ-Tĩnh tiếng “trự” vừa nghĩa là chữ, lại cũng có nghĩa là “đồng bạc”). Trong các chương của tập sách, tác giả đã có nhiều chỗ nói về sự mù chữ, dốt nát này của người dân quê. Song ngay cả một người đã học qua trình độ Primaire ra làm Lý trưởng có ý muốn cải cách làng quê mà còn bị đám hào lý ở hương thôn cấu kết kiện tụng, phá rối đến sạt nghiệp phải thôi chức thì sự mù dốt của người dân chỉ là hệ quả của bộ máy chính quyền. Phải thay đổi bộ máy đó thì cuộc sống của người dân mới được thay đổi, tức là thay đổi chế độ xã hội. Túp lều đã nát thì phải xô đổ nó đi, làm mới hoàn toàn từ tay những người mới, tức là thực hiện cuộc cách mạng xã hội. Tuy nhiên, do hoàn cảnh lịch sử và nhận thức cá nhân, tác giả Nguyễn Trần Ai ở đây, cũng như­ một số nhà văn khác viết về đề tài này trong giai đoạn 1936-1939, mới chỉ dừng lại ở mức độ yêu cầu cải cách đối với hiện thực xã hội đư­ơng thời. Sau khi đã phơi bày tất cả sự cùng khốn của người dân quê dưới sự nhũng lạm của đám chức sắc làng xã, tác giả lại như thay mặt những người dân đó kêu xin một sự thi ân, sự ban ơn mưa móc, của các bậc quan bề trên, mong các quan trên ban lệnh trên xuống và hướng dẫn cho họ làm lại “túp lều”. Hơn thế nữa, cũng vì dân mà tác giả đã sốt sắng “xin thử phác họa một kiểu mẫu” để dựng lại túp lều mới, mặc dù chính ông cũng thấy nó chưa được hoàn toàn. Làm được thế, theo tác giả, người dân Trung Kỳ sống dưới sự cai trị của triều đình Huế sẽ có thể nối gót hai anh em xứ Nam Kỳ (thuộc địa) và Bắc Kỳ (bảo hộ) “tiếp tục một cuộc đời yên lặng”. Tấm lòng thương dân và nhiệt tình giúp dân của tác giả ở đây rất rõ. Nhưng tư tưởng thì thật ảo tưởng! Cố nhiên, ở thời kỳ ấy thì ảo tưởng không chỉ có ở một Nguyễn Trần Ai.

Xét ở cả hai mặt báo chí và văn học, Túp lều nát của Nguyễn Đổng Chi là một tác phẩm có giá trị lớn xứng đáng một địa vị trong văn học sử thời kỳ 1932-1945, nhất là giai đoạn các sáng tác xuất hiện trong phong trào Mặt trận Bình dân viết về nông dân như Tắt đèn (Ngô Tất Tố), Bước đường cùng (Nguyễn Công Hoan), Vỡ đê (Vũ Trọng Phụng). Trong sự so sánh này, tôi muốn nói thêm về kết cấu của tập phóng sự. Mười ba thiên được tác giả sắp xếp có ý đồ như một câu chuyện đầy kịch tính mà diễn biến qua từng chương càng đẩy thêm bi kịch của người dân bị bóc lột, ức hiếp, và càng tăng thêm xung đột ngấm ngầm trong lòng họ đối với những kẻ áp bức mình, dồn mình đến chỗ cùng, thế tất phải vùng lên chống lại. Nhân vật chính trong cả tập phóng sự là Người Dân, được hiện ra trong từng con người cụ thể khác nhau ở từng thiên. Ở thiên đầu người dân chỉ là “loài động vật ngắn cổ”, đến thiên cuối người dân đã đòi quyền làm người của mình bằng một vụ án mạng, đâm chết một tên Chánh tổng rồi tự đâm chết mình. Một vụ án mạng đã giúp tác giả “tìm được thiên kết luận thật tuyệt cho tập phóng sự này mà tôi đang cố công tìm mãi. Hai chữ “tìm mãi” cho thấy tác giả không muốn chỉ kể những sự khốn khổ của người dân chịu đựng tệ nhũng lạm của đám quan chức địa phương, vì kể thế thì kể bao nhiêu cũng không đủ, mà ông còn muốn đi tìm trong thực tế sự phản kháng của người dân đối với kẻ gây hại cho mình để đưa vào trang viết. Nghĩa là ông muốn người dân thức tỉnh, không còn thụ động chịu khổ, mà biết chủ động đấu tranh. Vì thế tác giả đã coi vụ án mạng của một người dân giết Chánh tổng là cái kết “thật tuyệt” cho tập phóng sự của mình. Người dân đã không nín nhịn nữa, người dân đã ra tay. Tên Chánh tổng này đã ác từ khi còn làm Lý trưởng. “Ai đời nhà người ta có giỗ mà vu cho người ta hội họp làm C.S.”(9) rồi bắt đi tù. Người ta đây là anh Khương ở làng Vạn Phần. Ra tù Lý trưởng vòi vĩnh đòi kiếm chác mới chịu nhận anh về làng, nhưng anh một mực không nghe nên buộc phải nhận anh, cũng từ đó trở mặt, lập tâm tìm mọi cách báo thù. Nhưng anh thì không chịu ép một bề nữa, không để đám hào lý “tưởng dân là một cục tội, muốn quăng vạ vật thế nào cũng được, hay là một bầy kiến, muốn dẵm thế nào tùy ý”(10). Quả là một cái kết có ý nghĩa nâng tầm tư tưởng lên một bước đột xuất. Anh Chắt Ch. ở đầu tập phóng sự khổ chỉ biết kêu trời – Trời ơi! Trời ở mô? – đến cuối tập đã thành anh Khương lớn tiếng kết tội bọn quan lại – Chém mày để trừ hại. Dân phải tự cứu mình trước khi Trời cứu! Kết cấu tập phóng sự như vậy là đầy dụng ý của tác giả. Hành động chém Chánh tổng của anh Khương gợi nhớ đến hành động chém Bá Kiến của Chí Phèo trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao. Cả hai cùng là thanh niên nông dân hiền lành ở làng quê bị bọn hào lý đẩy vào tù. Cả hai sau khi mãn hạn tù đều trở về làng, và nỗi oan ức chất chứa âm ỉ đến một lúc đều tự nó bùng vỡ bằng cùng một hành vi phản kháng: tìm đến kẻ đã hãm hại mình để trả lại “món nợ tày đình”. Cả hai đều có câu nói đi cùng với hành động giết người: một là đòi quyền sống cho mình (Chí Phèo), một là đòi quyền sống cho dân (anh Khương). Nhưng khác với Chí Phèo khi ra tù đã bị biến thành một con người mụ mị, thành công cụ của đám hương chức, mãi về sau mới được thức tỉnh bởi sự ve vuốt và bát cháo hành của Thị Nở để bộc lộ sự phẫn uất; anh Khương tù ra là tỏ thái độ chống đối ngay. Anh Khương là người thực việc thực và được ghi lại trong tập phóng sự xuất bản năm 1937. Chí Phèo là nhân vật hư cấu và hành động của hắn mang tính biểu tượng trong cuốn truyện in năm 1941. Nhà báo đã phản ánh và nhà văn đã thể hiện. Nguyễn Đổng Chi đã dựng một chân dung tập thể Người Dân từ nhiều những con người cụ thể cùng chung cảnh ngộ. Nam Cao đã tạo một điển hình nhân vật Chí Phèo chung đúc đặc điểm và quá trình của một loại người. Phóng sự và truyện, cả hai ông đều đã để lại cho văn học hai tác phẩm xuất sắc.

Tôi đọc Túp lều nát lần đầu sau hơn sáu m­ươi năm nó xuất hiện, (đến giờ là gần tám mươi năm) và cảm thấy cuốn sách không chỉ có giá trị tư­ liệu về lịch sử. Những gì Nguyễn Trần Ai ghi chép được vẫn còn đủ sức lay tỉnh lương tri người đọc, bắt người đọc ngẫm nghĩ về một thực tại đã trôi qua nhưng chưa xa. Vẫn còn đó Cái đêm hôm ấy đêm gì, Mảnh đất lắm người nhiều ma, Chuyện làng ngày ấy, Cọng rêu dưới đáy ao, Tiếng đêm, Lão Khổ,... và nhiều tác phẩm khác nữa, ra mắt vào khoảng sau thời đổi mới, sau Túp lều nát đến hơn 50 năm. Từ góc nhìn quan sát và tham chiếu, chắc chắn những tia hồi quang trong tác phẩm của Nguyễn Trần Ai sẽ giúp ta có thêm nhiều chiêm nghiệm mới mẻ, ý vị về những tác phẩm này, dẫu rằng thời đại và ý thức về vai trò lịch sử của đối tượng thẩm mỹ đã không còn như cũ. Xét về một phương diện nào đấy, đó là sự tiếp nối âm thầm, không ngừng nghỉ, của một dòng văn xuôi thấm đượm tinh thần nhân văn cao cả về một đề tài cho đến nay vẫn là trọng yếu: thân phận trớ trêu của người nông dân lao lực, đã vắt kiệt mồ hôi và nước mắt hết đời này sang đời khác để làm nên sự trù phú cho đồng điền, làng mạc Việt Nam.

Nguyễn Đổng Chi không viết truyện cổ tích cho ng­ười lớn. Ông viết sự thực. Ông sao nguyên lại xác thực những điều mắt thấy tai nghe. Ông tự nguyện làm người cầm bút giữa chốn trần ai để vạch cho mọi ngư­ời thấy thảm cảnh của ngư­ời dân quê sau lũy tre làng, phơi bày trư­ớc công luận “vô số con sâu mọt âm ỷ đục khoét, khuấy phá ở trong”. Trong sự nghiệp trước tác của mình, nghiên cứu khoa học xã hội mới là sự nghiệp chính của tác giả. Nhưng chỉ với tập phóng sự này, Nguyễn Đổng Chi đã khẳng định t­ư cách nghệ sĩ già dặn của ngòi bút ông. Trên các trang sách của mình, ông đã luôn đứng về phía người dân, yêu thương và bênh vực họ.

 

Hà Nội, 1999-2015

P.X.N.


Chú thích:


(*) Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, Trưởng ban Ban Văn học so sánh, Viện Văn học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

1. Trích theo lần tái bản Túp lều nát của NXB Văn học (in chung với truyện dài Gặp lại một người bạn nhỏ), H, 1999; tr. 9. Các trích dẫn ở sau đều dựa theo bản in này.

2. Túp lều nát, Sđd; tr. 23.

3. Túp lều nát, Sđd; tr. 12.

4. Túp lều nát, Sđd; tr. 28.

5. Túp lều nát, Sđd; tr. 17.

6. Túp lều nát, Sđd; tr. 36.

7. Túp lều nát, Sđd; tr. 39.

8. Túp lều nát, Sđd; tr. 17.

9. Túp lều nát, Sđd; tr. 109.

10. Túp lều nát, Sđd; tr. 112.

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Hồ sơ Nguyễn Đổng Chi
Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us