Lại Karl Marx !
Lại
Karl Marx !
Phan Huy Đường
Ông cụ này chết dai hơn đỉa. Mỗi lần "thị trường toàn cầu hoá" khủng hoảng, người ta lại lôi cổ ông ra bàn. Dĩ nhiên theo kiểu trích một ý, một "quy luật", bàn cho vui rồi quên, qua chuyện khác… Nhưng cũng có thanh niên đã no đòn chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội của thế kỷ 20, vẫn nỗ lực tìm hiểu học thuyết kinh tế của ông, phê phán những sai lầm hay thiếu hụt của nó đúng theo lôgích nội tại của nó, để trang bị cho mình một phương tiện tiếp cận và tìm hiểu những hiện tượng kinh tế thời nay.
Hoài bão ấy chính đáng và bổ ích. Những lý thuyết nền tảng trong mọi lĩnh vực của sự hiểu biết đều như thế : nó cần được và sẽ được phê phán và bổ sung cho tới khi người ta khai thác cạn những khả năng hiểu biết mà nó chứa đựng.
Thí dụ 1 : lý thuyết của Newton về vật-giới. Miễn bàn. Ai thích tìm hiểu, trong nước đã có mấy quyển sách quý giá về lịch sử phát triển của ngành vật lý hiện đại. Chẳng ai dám chê Newton già nua lỗi thời hết tuy ông đáng làm cụ kị của Marx (hơn Marx ít nhất 150 tuổi !)
Thí dụ 2 : lý thuyết của Darwin về sinh-giới. François Jacob (Nobel Pháp) có nhận định lý thú sau. Ngày này, một sinh viên năm thứ nhất trong lĩnh vực này, sau vài tuần nghe giảng dạy, đã có thể thoải mái "xào nấu" (bricoler) những chuỗi gien (séquence génétique) để tìm hiểu thế giới sinh vật. Thời Darwin, chẳng ai tưởng tượng tới gien cả. Chính Darwin cũng không có chút kiến thức nào về sự di truyền (Mendel). Tuy vậy, tất cả những kiến thức mà loài người đã đạt được từ thời Darwin tới nay đều không vượt qua tầm nhìn tổng quát và mấy khái niệm cơ bản của ông về sinh-giới. Chỉ trong tầm nhìn ấy với những khái niệm ấy thì những kiến thức kia mới có ý nghĩa như những viên gạch "hiệu đính", củng cố và phát triển lý thuyết của Darwin. Đủ thấy kiến thức và trí tuệ là hai phạm trù rất khác nhau.
Đối với tôi, lý thuyết kinh tế của Marx cũng có vai trò tương tự trong một lĩnh vực hiểu biết phức tạp hơn nhiều. Ngày nào hình thái kinh tế chính trị tư bản còn thống trị đời sống hàng ngày của nhân loại, ngày đó tư tưởng và lý thuyết kinh tế của Marx chưa thể "chết" được : duy nó mới cho phép ta hiểu một cách lôgích có thể tạm chấp nhận được sự vận động của hình thái kinh tế chính trị tư bản.
Tôi vui mừng thấy vẫn có thanh niên, nhất là Việt Nam, vẫn quan tâm tới học thuyết kinh tế của Marx.
Tôi xin góp với các bạn 3 ý nhỏ.
1/ Sử dụng khái niệm
Bất kể ta đồng ý hay không, ta nên cố gắng sử dụng khái niệm của người khác một cách thật chính xác, nhất là những khái niệm nền tảng của một lý thuyết. Nếu không, ta sẽ lạc đường, mất thời giờ hết sức, có càng nhiều kiến thức lẻ, càng mất thời giờ.
Thí dụ khái niệm "giá trị của lao động" (valeur du travail) hay, hàm hồ hơn, "giá trị lao động" (valeur-travail ?)
Đó là một khái niệm của Ricardo, vẫn làm nền tảng cho các học thuyết kinh tế tư sản đời nay, vẫn tồn tại trong ngôn ngữ thường ngày của người đời dưới nhiều dạng, "thị trường lao động" (marché du travail) chẳng hạn.
Nếu Marx có viết cụm từ này ở đâu đó thì chỉ có thể là để vạch ra tính hão huyền của nó.
a/ Vì chính Marx đã mất 10 năm nghiên cứu để định nghĩa lại khái niệm giá trị trao đổi của hàng hoá (Góp phần phê phán kinh tế chính trị học), rồi mất 10 năm nghiên cứu nữa để hoàn chỉnh định nghĩa của khái niệm giá trị của hàng hoá (Tư bản luận). Định nghĩa giá trị đó không thể sử dụng cho lao động được. Lao động là hành động của con người. Nó chỉ hiện thực khi con người thực sự tác động vào thế giới. Thế thì, trong nhân gian bé tí này, mò tận gầm trời đáy biển cũng không đâu tìm được một "thị trường lao động" để "mua lao động". Ngược lại, thị trường sức lao động thì có thực, cứ ra "chợ cơ bắp", "chợ người" hay thị trường gọi là lao động thì thấy : một đống người rất khác nhau, đàn ông có, đàn bà có, cụ già và trẻ con cũng có nốt, chẳng ai thực sự biết mình sẽ làm gì, đang chờ đón người mua mình để được lao động nuôi thân. Ở đó, có món hàng ấy và món hàng ấy có giá trị. Giá trị của nó là bao nhiêu, tính toán được khá chính xác, sau đó, nó chệch choạc cân bằng theo "quy luật" cung cầu tại trận. Tôi đã trình bày vấn đề này đâu đó trong oép của tôi, xin không trở lại.
b/ Vì chính Marx, trong Tư bản luận, đã chứng mình rằng nếu lao động của con người có giá trị (như Ricardo tưởng tượng) và nếu giá trị ấy được trao đổi ngang giá với lao động của người khác đúng theo nguyên lý cơ bản của kinh tế thị trường thì không tài nào hiểu nổi sự hình thành và phát triển của hình thái kinh tế tư bản trong lòng kinh tế thị trường.
Như thế, khi ta dùng khái niệm "giá trị lao động", ta bàn về học thuyết kinh tế của ai đó, không bàn về học thuyết kinh tế của Marx.
Trong học thuyết kinh tế của Marx, cơ bản chỉ có vài khái niệm gốc thôi : hàng hoá, lao động, sức lao động, giá trị của hàng hoá, giá trị của sức lao động, giá trị thặng dư… Thế cũng đã đủ để hiểu lõi cơ bản của kinh tế thị trường và kinh tế tư bản. Chẳng khác gì học thuyết của Darwin chỉ có hai khái niệm cơ bản thôi mà mở đường hiểu biết và thu nhập một cách nhất quán biết bao nhiêu sự kiện và kiến thức lạ lùng trong sinh giới từ thời ông tới hôm nay. Nhưng hiểu cho đúng và cạn ý nghĩa của những khái niệm loại này, chẳng dễ tí nào. Trong mọi lĩnh vực của tri thức, những khái niệm cơ bản nhất thường rất đơn giản và rất… khó hiểu !
2/ Phê phán để phát triển một khái niệm trong một hệ suy luận
a/ chúng ta có toàn quyền sáng tạo hay định nghĩa lại một khái niệm để xây dựng một hệ suy luận của riêng ta trong bất cứ lĩnh vực nào của sự hiểu biết. Cứ thoải mái làm, chẳng ai cấm được. Tôi đã làm chuyện ấy đối với khái niệm "biện chứng" trong quyển Tư duy tự do. Chẳng ai than phiền cả. Còn sẽ có ai chia sẻ hay không, để xem…
b/ nhưng khi ta muốn phê phán những sai lầm hay thiếu hụt của một khái niệm trong một hệ suy luận để phát triển hệ suy luận đó, giúp nó có khả năng tiếp cận và giải thích những sự kiện chưa hề có hay chỉ có ở dạng chi tiết không đáng kể ở thời hệ suy luận đó ra đời thì, chí ít, ta phải tôn trọng "môi trường suy luận" trong đó khái niệm ấy có ý nghĩa và giá trị.
Thí dụ, ta muốn phát triển định nghĩa của khái niệm hàng hoá của Marx để xử lý tất cả những gì người đời gọi là hàng hoá công cộng, kể cả những "dịch vụ" của Nhà nước (giáo dục chẳng hạn). Đây là một cái mode đang thịnh hành tại Pháp : biến Nhà nước thành một xí nghiệp, biến quan hệ giữa Nhà nước với công chức thành quan hệ chủ tư bản – người làm thuê, biến quan hệ giữa Nhà nước với công dân thành quan hệ trao đổi hàng hoá trong thị trường, với những khẩu hiệu như : người sử dụng (utilisateur) những phương tiện hay dịch vụ của Nhà nước (service public) phải được coi như khách hàng (client) và Nhà nước chẳng qua cũng chỉ là một người kinh doanh như mọi người kinh doanh khác trong thị trường.
Nếu ta lựa chọn hướng đi a/ ta cứ thoải mái phát triển tư duy của ta trong lĩnh vực này, không nên mất thời giờ tìm cách phát triển kinh tế học của Marx.
Nếu ta lựa chọn hướng đi b/ thì cần xem lại điều sau.
Trong kinh tế học và tư tưởng của Marx, để cho sản phẩm của con người có thể hiện-thực dưới hình thái hàng hoá, chí ít phải có 2 điều kiện :
i/ lực lượng sản xuất phải đạt tới mức con người có khả năng sản xuất nhiều hơn nhu cầu tiêu thụ cho phép nó tồn sinh. Đây là cơ sở của mọi hình thái bóc lột trong lịch sử của nhân loại, kể cả trong những nền văn minh nô lệ. Ừ, cũng là nền văn minh đó, cứ coi văn minh Ai Cập hay Hy Lạp xa xưa thì thấy. Giữa chủ nô và nô lệ có quan hệ trực tiếp tước đoạt "giá trị thặng dư" như những kinh tế gia mácxít và không mácxít, đều không hiểu Marx, thích nói. Thực tế là tước đoạt sản phẩm của lao động, bằng bạo lực, không có quan hệ trao đổi hàng hoá, không có vấn đề giá trị nói chi tới giá trị thặng dư.
ii/ phải có sự hiện diện của hai tác nhân (cá nhân hay tập thể) tự do và bình đẳng với nhau trong tư cách mình là chủ của sản phẩm được mang ra để trao đổi. Vì họ tự do, họ có toàn quyền bán sản phẩm của mình để mua sản phẩm của tha nhân. Vì họ bình đẳng với nhau, họ trao đổi sản phẩm trên nguyên tắc đồng thuận, không ai chèn ép ai, nên họ có thể trao đổi với "giá phải chăng" đối với mỗi người. Đại khái : cả hai bên đều không thấy mình bị lấn áp, thua thiệt. Họ thấy mình đã trao đổi ngang giá. Toàn bộ những quan hệ ấy gọi là thị trường tự do, toàn bộ những sản phẩm được trao đổi với nhau như thế, gọi là hàng hoá. Khái niệm hình thái đó.
Quan hệ giữa Nhà nước và công dân không dính dáng gì hết với quan hệ trao đổi hàng hoá trong thị trường tự do ! Đó là quan hệ quyền lực, cưỡng ép. Không hề có sự trao đổi bất cứ gì trên nguyên lý tự do và bình đẳng thể hiện qua sự tự do mặc cả rồi đồng thuận về giá cả.
Nguồn thu cơ bản của Nhà nước là thuế, trực tiếp hay gián tiếp. Mỗi năm, Nhà nước quy định ai đóng thuế bao nhiêu. Ai không bằng lòng thì cứ chửi (tại các nước dân chủ) nhưng ai trốn thuế mà bị tố giác thì… "ăn đòn" liền (trong tất cả các chế độ dân chủ hay không !) "Dịch vụ" mà Nhà nước mang lại cho dân – đường xá, cầu cống, công viên, điện nước, TV, điện thoại, bưu điện, giáo dục và đào tạo et tutti quanti – Nhà nước có thể "cho không", ai cũng có thể thoải mái sử dụng, kể cả người không đóng thuế, chẳng tốn xu nào. Nhưng nó cũng có thể phán : muốn dùng, nộp "thuế" (redevance) bây nhiêu, chấm hết. Ai không nộp đủ thì, hè hè, nó cúp. Đừng có hòng mặc cả, dù một xu.
Gọi đó là quan hệ trao đổi hàng hoá trong thị trường được chăng ? Với kinh tế học macxít, chắc chắn là không. Còn sửa đổi định nghĩa khái niệm hàng hoá của Marx để có thể nói là có thì nên dẹp kinh tế học của Marx và xây dựng kinh tế học của chính mình cho đỡ mất thời giờ giải quyết những mâu thuẫn nội tại trong tư duy của mình. Có sao đâu ? Người đời đã làm như thế cả trăm năm rồi. Có nhiều người còn lĩnh giải Nobel kinh tế mà.
Dù sao, chúng ta cũng nên thử tìm hiểu vì sao một quan điểm như thế có thể xuất hiện và lôi cuốn một số người.
Kinh tế là quan-hệ giữa người với người. Quan-hệ ấy rất khác quan-hệ vật-lý hay sinh-học giữa người với tự-nhiên. Nó không "trắng đen" như trong quan hệ giữa người với vật-giới : suy luận đúng thì được việc, sai thì… vỡ mặt tức khắc. Nó cũng không "đơn giản" như quan hệ giữa người với sinh-giới. Trong quá trình vận động của xã hội loài người có những lúc nó tranh tối tranh sáng. Do đó, nhận diện tính đặc thù của từng hiện tượng kinh tế trong từng thời điểm của lịch sử rất khó và nêu danh nó cho chính xác còn khó hơn. Có những lúc, Nhà nước, trong một số lĩnh vực, thực sự ứng xử như một tư nhân trong thị trường. Thí dụ.
Sau chiến tranh thế giới thứ 2, nước Pháp kiệt quệ. Trong một số năm, giá cả của một số nhu yếu phẩm, bột mì, bánh mì chẳng hạn, do Nhà nước cưỡng ép. Quan trọng hơn, Nhà nước tư bản đã quốc hữu hoá không ít lĩnh vực kinh tế, dùng tiền của dân đầu tư vào rất nhiều khu vực sản xuất chiến lược trong những công ty quốc doanh : đường sắt, điện, gaz, điện thoại, bưu điện, viễn thông, năng lượng nguyên tử, v.v. Nhiều công nghệ mũi nhọn của Pháp ngày nay đã hình thành và phát triển trong bối cảnh ấy. Trong giai đoạn này, sản phẩm của các công ty quốc doanh hiện thực dưới hai hình thái khác nhau, tuỳ nó được "trao đổi" xuyên qua quan hệ nào.
a/ nếu là bán cho khách hàng ngoại quốc thì nó là hàng hoá đích thực, xuyên qua quan hệ thị trường quốc tế, có cạnh tranh.
b/ nếu là "bán" cho dân thì nó không là hàng hoá : mỗi năm, chính phủ quyết định "giá" điện là bao nhiêu và thu tiền dưới hình thái redevance, một loại thuế hoàn toàn không bị thị trường chi phối. Thuở ấy, người Pháp dùng từ chính xác thế đấy.
Tới thập niên 70, Nhà nước Pháp trực tiếp hay gián tiếp chi phối khoảng 1/3 hoạt động kinh tế của nước Pháp. Đó là 30 năm phát triển kinh tế huy hoàng của Pháp (30 glorieuses).
Bắt đầu từ thập niên 80, cao trào tư hữu hoá triệt để lan tràn Châu Âu và hiện nay đã trở thành "nguyên lý" đối với các chính đảng của toàn bộ Châu Âu, tả cũng như hữu. Tiến hành ý thức hệ ấy nhanh hay chậm tuỳ thuộc nghiệm sinh của từng dân tộc. Thế nào đi nữa cũng nên khôn khéo đi từng bước. Một trong những bước ấy là : vừa chấm dứt độc quyền của Nhà nước trong một lĩnh vực kinh tế, cho phép tư nhân bước vào để cạnh tranh, vừa từ từ tư hữu hoá công ty Nhà nước. Trong quá trình ấy, có lúc công ty của Nhà nước bắt buộc phải cạnh tranh với công ty tư nhân, bắt buộc phải bán sản phẩm của mình "theo giá thị trường", tức là Nhà nước ứng xử y hệt như một ông chủ tư bản trong thị trường. Theo lý thuyết của các kinh tế gia tư bản, sự cạnh tranh "tự do" "trong suốt" ấy sẽ có lợi cho người tiêu dùng : giá cả ắt phải hạ và nó sẽ tối ưu khi Nhà nước cút khỏi thị trường để cho nền "kinh tế thị trường" tự điều tiết với "bàn tay vô hình" của nó và chó phép bàn dân hưởng tính siêu việt của nó : sống thoải mái hơn, sung sướng hơn, ít nhất là với những kẻ không lười biếng, chịu khó làm ăn, không sợ rủi ro, sẵn sàng uyển chuyển và di động (nghĩa là… đổi công ăn việc làm, chỗ ở, nếp sống, kiểu Hãng bảo đi là đi, Hãng bảo đánh là thắng !), cố gắng vươn lên mãi mãi et tutti quanti. Tiếc thay, trong thực tế thì ngược lại ! Một mặt, số người lao động có biên chế trong các công ty quốc doanh hay nửa quốc doanh càng ngày càng giảm, làm việc càng ngày càng nặng nề căng thẳng hơn, số người lao động bấp bênh càng ngày càng tăng và, mặt khác, giá cả, nói chung, càng ngày càng đắt đỏ hơn : xăng, dầu, khí đốt, nước, điện, bưu điện, et tutti quanti ! Mỗi lần rục rịch tư hữu hoá một công ty của Nhà nước thì bàn dân nên chuẩn bị tinh thần : giá cả sẽ… tăng ngay. Phải điên điên mới tin rằng thay thế độc quyền trong một số lĩnh vực kinh tế của những Nhà nước tại Châu Âu bằng độc quyền của vài hãng tư bản quốc tế (gần1/2 vốn tư bản của 40 hãng tư bản lớn nhất của Pháp thuộc quyền sở hữu của người ngoại quốc) sẽ mang lại lợi ích cho toàn dân của các nước ấy ! Dù sao anh chính khách còn lệ thuộc cử tri tí ti trong cuộc bầu cử tới nếu muốn tiếp tục làm chính trị. Còn chủ tư bản thì chẳng lệ thuộc ai, trừ Nhà nước, khi nó quyết định hành động của nó. Và nó hành động chỉ vì một mục đích thôi : cuối năm nay, tỷ lệ lời tăng hay giảm bao nhiêu so với năm ngoái ? Có nên rỡ nhà máy qua Trung Quốc để tăng lợi nhuận nhờ giá sức lao động thấp chăng ? Thế thôi.
Từ ấy, cái mode coi Nhà nước như một ông chủ tư bản trong thị trường, phát triển trong ngôn từ của một số lý thuyết gia. Đến mức người ta đòi quản lý Nhà nước như một xí nghiệp với những phương pháp quản lý xí nghiệp thông dụng ! Ngược lại, người ta đưa vào đời sống của xí nghiệp những khái niệm chẳng dính dáng gì với thực tế của nó : chế độ cai trị xí nghiệp (gouvernement d'entreprise), văn hoá xí nghiệp (culture d'entreprise) et tutti quanti. Kết quả : một môi trường ngôn ngữ hằm bà lằn, ai muốn nói gì hiểu sao cũng được. Xưa nay ngôn ngữ vẫn là phương tiện cơ bản và hữu hiệu nhất để lừa gạt, thống trị nhau và để lừa gạt chính mình mà !
Sự kiện mới, hiện tượng mới trong đời sống kinh tế toàn cầu hôm nay, ngày nào cũng có. Tìm hiểu lẻ tẻ từng cái rất cần thiết và bổ ích nhưng không chắc giúp ta hiểu nổi đại thể, nhất là khi ta phóng đại những kiến thức lẻ ấy thành một nguyên lý mới cho phép hiểu toàn bộ hệ thống kinh tế. Những modes kiểu này đã từng có quá nhiều và chẳng đi tới đâu cả. Chắc nhiều người còn nhớ thời trang "small is beautiful" chứ ? Nó là một thời trang lớn, ngày nay, chẳng còn ai nói tới. Quyển sách ra đời năm 1973, rồi lan tràn khắp thế giới. Chẳng bao lâu sau cả thế giới chứng kiến những tập trung tư bản khổng lồ chưa từng thấy trong lịch sử ! tới nay vẫn đang tiếp tục. Đúng như Marx đã từng phân tích và "tiên đoán" như một quy luật của kinh tế tư bản cách đây hơn cả… 100 năm ! Thế mà còn có người phán chàng đã lỗi thời !
Nhét loạn xạ tất cả những sự kiện ấy đằng sau một ngôn từ và phán ngôn từ ấy là một khái niệm cơ bản, mới, hoàn chỉnh hơn tất cả các khái niệm có trước đó cũng không chắc giúp ta hiểu biết hơn thực tế hiện nay.
3/ Để hiểu những ý tưởng của Marx trong những lĩnh vực tri thức khác nhau
Không chóng thì chầy sẽ phải tìm hiểu triết lý của chàng vì :
a/ nó là nền tảng cuối cùng của mọi suy luận của chàng1 trong mọi lĩnh vực của tư duy.
b/ nó chẳng giống ai cả. Cơ bản, đó là một phương pháp suy luận quái đản : có lôgích hình thức nhưng không là lôgích hình thức của Kant2 ; có lôgích biện chứng nhưng không là lôgích biện chứng của Hegel ; duy vật, nhưng không là duy vật của Feuerbach ; duy tâm nhưng không là duy tâm của Pascal, Descartes hay một đống triết gia khác từ ấy tới nay. Phải chăng vì thế mà có hai người đọc Marx thì có ngay hai cách hiểu khác nhau ?
Thế thì, hoặc nó là một loại tôn giáo hàm hồ, ai muốn tin gì thì tin và sử dụng tuỳ tiện ; hoặc nó có một giá trị nhận thức mà ta chưa hiểu rõ hết vì nó chưa được biến thành lời một cách dễ hiểu trong ngôn ngữ hôm nay của chúng ta.
Trường hợp thứ nhất, miễn bàn.
Trong trường hợp thứ hai, ngoài chính ta, không ai có thể giúp ta hiểu nó được. Nếu ta có khả năng hiểu nó hơn người đời xưa thì vì :
a/ ta đã no đòn của các cách hiểu trước.
b/ kinh nghiệm và kiến thức mà người đời đã tích lũy trong suốt thế kỷ 20 và nghiệm sinh của chính ta có điều giúp ta thấy rõ hơn một số vấn đề.
Tôi chỉ có khả năng góp mấy ý ấy thôi.
Chúc các bạn tự tin vững bước trên con đường tìm hiểu và hành động của các bạn.
2009-08-06,
Phan Huy Đường
1 Triết lý của Marx hình thành khi chàng ở tuổi 25, chưa làm cụ của ai cả.
2 ngày nay vẫn còn có giá trị trong nhiều lĩnh vực của tư duy, chưa già nua, lỗi thời tí nào cả tuy ông cụ này sinh trước Marx gần một thế kỉ !
Các thao tác trên Tài liệu